Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

PHỤ NỮ TRONG CÁC VĂN KIỆN CỦA HUẤN QUYỀN SAU CÔNG ĐỒNG

Thời sự Thần học – Số 67 tháng 2/2015, tr. 100-132

Tác giả, một giáo sư môn Thần học cơ bản của phân khoa thần học Gregoriana Rôma, phân tích những văn kiện quan trọng của Giáo hội dưới thời hai vị giáo hoàng chân phúc Phaolô VI và thánh Gioan Phaolô II, liên quan đến phụ nữ, đặc biệt là trong công tác giáo dục. Điểm độc đáo của bài này ở chỗ móc nối các văn kiện Tòa thánh với hai Hội nghị quốc tế về phụ nữ do Liên Hợp Quốc đề xướng vào năm 1975 và 1995. Nguồn: La donna nel magistero dopo il Vaticano II (Ricerche Teologiche, anno XIII/2002, n. 1, Edizioni Dehoniane). 

Carmen Aparicio Valls


Kể từ sau công đồng Vaticanô II, các giáo hoàng đã nhiều lần lên tiếng, qua các bức thư, sứ điệp, diễn từ, về phụ nữ trong Hội thánh và trong xã hội. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: tại sao Giáo hội lại quan tâm đến vấn đề này? Câu trả lời đầu tiên có thể tìm thấy trong các văn kiện của công đồng, đặc biệt là hiến chế Gaudium et spes :
Những nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những sầu buồn và âu lo của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và của tất cả những người đau khổ, cũng là những nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những sầu buồn và âu lo của các môn đệ Đức Kitô, và không có gì thuần tuý con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ. Thật vậy, cộng đồng ấy gồm bởi những con người được quy tụ trong Đức Kitô, được Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về nước của Chúa Cha và đã đón nhận sứ điệp cứu rỗi cần được trưng bày cho hết mọi người. Vì thế, cộng đồng này thực sự cảm thấy thật sự liên kết sâu xa với con người và với lịch sử nhân loại. (GS 1).
Để chu toàn phận vụ này, Giáo hội có nhiệm vụ phải luôn luôn tìm hiểu tường tận các dấu chỉ của thời đại và giải thích chúng dưới ánh sáng của Tin Mừng; như vậy Giáo hội mới có thể đưa ra câu giải đáp thích hợp với từng thế hệ cho những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và tương lai, cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải nhận biết thế giới chúng ta đang sống, cũng như những mong chờ, những khát vọng và cả tính chất thường là bi thảm của nó. (GS 4).
Mối quan tâm của Giáo hội đối với phụ nữ cần được đặt trong mạch văn tiếp nối Vaticanô II. Chính những thay đổi xã hội và văn hóa đã gây ra sự suy tư mới. Vào lúc kết thúc công đồng, một sứ điệp được gửi đến các phụ nữ, - lần đầu tiên mà một công đồng hoàn vũ ngỏ lời với các phụ nữ - một sứ điệp mà, theo lời của như Đức Phaolô VI, „diễn tả sự ân cần và lòng tin tưởng âu yếm đối với các phụ nữ.”[1] Phải đọc sự kiện ấy như thế nào? Thưa rằng đó là một sự nhìn nhận và cũng là một sự thôi thúc. Đoạn văn này nhìn nhận rằng phụ nữ đã tham gia vào đời sống xã hội và đã có ảnh hưởng đến xã hội :
Đã đến giờ, giờ ấy đã đến rồi, khi mà thiên chức phụ nữ được thể hịên sung mãn, giờ mà phụ nữ đạt được ảnh hưởng, toả sáng và chi phối đời sống xã hội như chưa từng có trước đây. Vì thế, trong một thời buổi mà nhân loại đang trải qua một sự biến chuyển to lớn, các phụ nữ được tinh thần Tin Mừng soi sáng, có thể ra tay để gíup cho nhân loại khỏi sa sút. (Sứ điệp công đồng gửi các phụ nữ).
Cuộc thay đổi về sự hiện diện của phụ nữ trong Giáo hội và trong xã hội được xem như một trong những dấu chỉ của thời đại (điều này đã được Đức Gioan XXIII viết trong thông điệp Pacem in terris) và, cũng như mọi dấu chỉ, là một tiếng gọi của Thiên Chúa đòi hỏi phải nhìn nhận và hoán cải: nhìn nhận sự thăng tiến phụ nữ là nhìn nhận một tiếng gọi của Thiên Chúa. Đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa có nghĩa là đặt mình trước một dấu chỉ với một cái nhìn đức tin mà không giấu diếm những khó khăn bởi vì “thật là ấu trĩ khi nghĩ rằng có thể đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa mà không gặp khó khăn: một sứ mạng do Chúa trao (bắt đầu từ các ngôn sứ) chẳng bao giờ dễ dàng cả.”[2]

Mối quan tâm của Giáo hội đối với chủ đề phụ nữ thật là lớn lao, nhìn từ các văn kiện và những bước đã thực hiện. Tôi muốn dừng lại cách riêng ở công tác của Uỷ ban nghiên cứu về phụ nữ trong Giáo hội và xã hội, do Đức Phaolô thiết lập năm 1973, cũng như vài văn kiện của Đức Gioan Phaolô II. Chính dưới thời hai vị giáo hoàng này mà lần đầu tiên, các phụ nữ được tôn phong tiến sĩ Giáo hội: thánh Têrêsa Avila và Catarina Siena năm 1970; thánh Têrêsa Lisieux năm 1970.

1. Đức giáo hoàng Phaolô VI


Hội nghị Thượng-hội-đồng giám-mục năm 1971, bàn về công lý trên thế giới, đã tuyên bố (ở chương ba):
Chúng tôi muốn rằng các phụ nữ góp phần trách nhịêm riêng của mình vào đời sống cộng đồng của xã hội và của Giáo hội hơn nữa. Chúng tôi đề nghị là đề tài được nghiên cứu kỹ lưỡng, bằng những phương thế thích đáng, chẳng hạn như bằng một uỷ ban hỗn hợp gồm bởi những người nam và người nữ, tu sĩ và giáo dân, thuộc các điều kiện và chuyên ngành khác nhau.[3]
Đón nhận lời yêu cầu đó, năm 1973, Đức Phaolô VI đã thiết lập một Uỷ ban nghiên cứu về phụ nữ trong xã hội và trong Giáo hội.[4] Uỷ ban đã làm việc cho đến năm 1976. Ngoài Thượng-hội-đồng 1971, một sự kiện quan trọng khác cũng ảnh hưởng đến việc làm của uỷ ban này. Ngày 18-12-1972, Đại hội đồng LHQ tuyên bố năm 1975 sẽ là Năm quốc tế phụ nữ, với ba mục tiêu: cổ vũ sự bình đẳng các quyền lợi, bảo đảm cho phụ nữ được hiện diện trong hết mọi lãnh vực, nhìn nhận tầm quan trọng của sự đóng góp của các phụ nữ vào việc hợp tác giữa các dân tộc và củng cố hòa bình.[5] Năm quốc tế phụ nữ phải trở thành khởi điểm cho việc cải tiến điều kiện của các phụ nữ, và cho sự tiến bộ của toàn thể cộng đồng nhân loại.[6] Giáo hội cảm thấy mình cũng liên quan đến vấn đề này,[7] do đó uỷ ban cần lưu ý đến lời yêu cầu của Thượng hội đồng giám mục cũng như đến biến cố này.[8]

Mục đích chính yếu của các hoạt động của uỷ ban được Đức Phaolô VI vạch ra trong phiên họp khoáng đại đầu tiên, diễn ra tại Roma từ ngày 15 đến 18 tháng 11 năm 1973:

“Thu thập, giải thích, duyệt lại, trình bày chính xác những tư tưởng về vai trò phụ nữ trong xã hội thời nay.”[9]

Được uỷ thác nhiệm vụ nghiên cứu “sự tham gia trọn vẹn của phụ nữ vào đời sống cộng đồng của Giáo hội và xã hội”,[10] uỷ ban đã áp dụng phương pháp của Gaudium et spes: nhìn xem thế giới, những điều kiện mới của xã hội, hiện trạng của cộng đồng nhân loại, tuy vẫn không bỏ qua truyền thống Giáo hội và nội dung của mạc khải. Uỷ ban tiến hành việc nghiên cứu nhờ sự đóng góp của các chuyên viên thuộc về nhiều lãnh vực khác nhau. Uỷ ban sẽ làm việc trong vòng hơn kém hai năm rưỡi, và sẽ cố gắng hoà hợp những đường hướng mới mẻ của nhãn quan xã hội nhân loại với những nhãn quan cổ truyền của Giáo hội. Điều này bao hàm việc đào sâu Kinh Thánh với những phạm trù và phương pháp mới.[11]

Trong nhiều lần gặp gỡ với uỷ ban, Đức Phaolô đã bày tỏ vài mối quan tâm của ngài. Một chủ đề thường được nhắc đi nhắc lại là sự bổ khuyết (complementarietà) giữa người nam và người nữ, làm thế nào để cả nam lẫn nữ đều “mang hết năng lực của riêng mình vào việc xây dựng thế giới”,[12] bởi vì trong xã hội dân sự cũng như trong Giáo hội, cần phải đánh thức ý thức về việc thăng tiến phụ nữ. Thăng tiến phụ nữ có nghĩa là bảo vệ phẩm giá của phụ nữ bằng cách tôn trọng cái đặc trưng của nữ giới (đó mới thực sự là bình đẳng), tránh cho phụ nữ đánh mất nữ tính đang khi cố gắng lực tranh đấu cho sự bình đẳng trong một xã hội do nam giới thống trị. Sự thăng tiến phụ nữ nằm ở chỗ tôn trọng cái độc đáo của họ.[13] Việc thăng tiến phụ nữ không nên chỉ nhằm tới sự bình đẳng quyền lợi, mà còn cần bàn đến sự bổ khuyết nữa. Đức Phaolô VI cũng muốn cho uỷ ban tìm hiểu một vấn đề khác, đó là thiên chức làm mẹ: cần phải tránh tất cả những gì đe dọa ơn gọi này. Việc tham gia của phụ nữ vào đời sống xã hội không được bỏ qua sứ mạng của phụ nữ trong gia đình, tuy rằng trách nhiệm gia đình là của cả người nam lẫn của người nữ, chứ không phải chỉ đè nặng trên phụ nữ.

Trong buổi gặp gỡ ủy ban lần cuối cùng, khi đã kết thúc công tác, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh đến nền tảng của sự bình đẳng phẩm giá giữa người nam và người nữ:
Thiên Chúa đã dựng nên con người, nam và nữ, trong cùng một kế hoạch duy nhất của tình yêu; Ngài đã dựng nên con người theo hình ảnh của mình. Vì thế người nam và người nữ đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa: bình đẳng như là nhân vị, bình đẳng như là con cái Chúa, bình đẳng về phẩm giá, bình đẳng về quyền lợi.[14]
Sự bình đẳng này cần được thực hiện ở nhiều lãnh vực, và cần phải tránh quan niệm “đồng vai” (egualitarismo), với nguy cơ biến đổi người nữ thành người nam. Sự thăng tiến phụ nữ cách chân chính theo tinh thần Kitô giáo “bắt buộc tất cả chúng ta, dù nam hay nữ, hãy nhớ đến các nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Ngày nay, chúng ta phải thực hiện sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa người nam và người nữ, trong xã hội và Giáo hội,”[15] làm sao để cho mọi người đóng góp cái đặc trưng phong phú nhất của mình.

Như vậy, một đề tài mà uỷ ban tìm cách đào sâu và làm sáng tỏ là :[16] Phải hiểu nữ tính như thế nào? Phải chăng điều này tuỳ thuộc vào văn hóa, và có thể thay đổi theo thời gian? Đâu là tương quan giữa nữ tính và những vai trò của phụ nữ trong xã hội? Trước kia, người ta thường gắn liền nữ tính với các vai trò. Bây giờ thì xảy ra nguy cơ trái ngược; vì thế cần phải tránh một cái nhìn quá “trọng nam” (maschilismo) hoặc quá “trọng nữ” (femminismo), và cổ võ một sự hợp tác giữa hai phái. Ngoài ra cũng nên ghi nhận điều sau đây :
Trải qua nhiều thế kỷ, các triết gia và thần học gia thường nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa nam và nữ; điều này quả là sai lầm và là nguồn gốc cho sự kỳ thị. Ngày nay, người thấy cần phải nêu bật sự bình đẳng và đồng trách nhiệm. Nói khác đi, vấn đề chính yếu không phải “khác biệt” nam-nữ, cho bằng “tương quan” giữa nam nữ.[17]
Đó là mục tiêu và đường hướng được vạch ra cho uỷ ban.

1.1. Công việc của Uỷ ban


1.1.1. Thượng-hội-đồng giám mục 1974

Trong khóa họp Thượng-hội-đồng giám mục năm 1974 về việc loan báo Tin Mừng, uỷ ban đã tường trình về công tác đã thực hiện, kèm theo một vài thỉnh nguyện.[18] Ngay từ đầu, uỷ ban nhận thấy cần phải tìm hiểu con người chung với nhau, gồm cả nam lẫn nữ, đồng thời cũng nên tránh sự đối lập giữa Giáo hội và xã hội. Uỷ ban muốn nghiên cứu sứ mạng của phụ nữ trong Giáo hội và trong xã hội, cũng như về mối tương quan nam nữ “dựa trên cơ sở của sự bình đẳng cơ bản, cũng như dưới ánh sáng của sự khác biệt và bổ khuyết.”[19] Việc hoc hỏi này cần dựa trên một nền nhân luận, với sự trợ giúp của các ngành khoa học khác (sinh học, xã hội học, vv), qua sự đối chiếu với Lời Chúa và nhìn đến sứ mạng của Hội thánh ngày nay. Một lãnh vực đặc biệt đáng chú ý là việc chống nạn mù chữ, bởi vì nhờ sự giáo dục mà cuộc giải phóng được thực hiện.[20]

Uỷ ban đã trình bày vài đề nghị cụ thể, dựa trên vài tiền đề: tất cả các thành phần của Dân Chúa do bí tích Thánh tẩy, mỗi người theo ơn gọi của mình, đều được kêu mời tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Sứ mạng này cần đến sự hợp tác nam-nữ, một sự hợp tác đòi hỏi sự tôn trọng phẩm giá của mỗi sinh linh và trao cho mỗi người cơ hội để tham gia có trách nhiệm. Uỷ ban nhận thấy rằng sự tham gia đòi hỏi sự chuẩn bị và sự nhìn nhận; hai điểm này thường bị lãng quên, nhất là đối với phụ nữ, do những hoàn cảnh văn hóa xã hội. Ngày nay, trong xã hội đã có một sự tiến triển trong quan niệm về vai trò phụ nữ; điều này cũng cần được thực hiện trong Giáo hội.

Từ những tiền đề ấy, uỷ ban đưa ra vài đề nghị: yêu cầu “cổ võ và nhìn nhận sự tham gia của phụ nữ vào công cuộc loan báo Tin Mừng với những vai trò giữ trách nhiệm thực thụ” ở các cấp độ, tùy theo thẩm quyền và chuyên môn. Yêu cầu cho các phụ nữ được hiện diện tại những cơ quan suy tư, soạn thảo và quyết định. Yêu cầu chú ý đặc biệt đến các nữ tu, để cho họ được loan báo Tin Mừng phù hợp với ơn gọi và đặc sủng của mình. Yêu cầu “các hội đồng giám mục, với sự hợp tác của các giáo dân nam nữ và các nữ tu, nghiên cứu về những hình thức tác vụ không có sự chức thánh, có thể mở ra cho cả người nam lẫn người nữ.”[21]

Những điểm cuối của bản báo cáo cũng quan trọng, bởi vì vạch ra những điều cần thiết nhằm giúp sự thay đổi não trạng, trong đó có việc huấn luyện các giáo sĩ và giáo dục đức tin cho các phụ nữ để họ có khả năng tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng.

Các từ khóa là hợp tác và trách nhiệm cùng với đồng trách nhiệm. “Hợp tác” giữa nam-nữ, giữa giáo dân - tu sĩ - giáo sĩ. “Trách nhiệm” xét như nghĩa vụ và quyền lợi, là một điều quan trọng, ngõ hầu sự tháp nhập phụ nữ vào Giáo hội và xã hội được chân thực, ngõ hầu sự bình đẳng nam nữ xét về phẩm giá được nhìn nhận thực sự, bởi vì cả hai phái nam nữ đều đã nhận được từ Tạo Hoá nhiệm vụ chăm sóc vũ trụ. Bên cạnh trách nhiệm, cần phải thêm một bổn phận khác nữa, đó là: suy tư, học hỏi, đào tạo ở mọi cấp bậc, do các người nam nữ và cho các người nam nữ.

1.1.2. Hồ sơ làm việc

Trước khi xem kết luận được thu thập trong hồ sơ đệ trình lên Đức Phaolô VI và gửi đến các Hội đồng giám mục, chúng ta nên tìm hiểu những vấn đề sâu xa mà uỷ ban đã nghiên cứu với sự đóng góp của các chuyên viên. Uỷ ban nhận thấy cần có một nhân-luận Kitô giáo, để khởi đi từ mạc khải Kinh Thánh và truyền thống của Hội thánh, có thể soi sáng những vấn đề nảy sinh từ tình trạng xã hội-văn hóa mới. Vì thế, uỷ ban thấy cần đến một suy tư triết học,[22] bởi vì người tín hữu, ngoài Thánh Kinh và Thánh truyền, còn cần phải tìm hiểu các khoa học nhân văn và những suy tư thần học.[23] Việc suy tư triết học khởi đi từ mối tương quan giữa bản tính với văn hoá, và cần phải làm rõ các hạn từ này. Thần học nhận thấy cần phải đào sâu nhân-luận Kitô giáo, đồng thời cũng ý thức giới hạn của thần học trong việc nghiên cứu sứ mạng của phụ nữ trong Giáo hội, bởi vì liên quan đến một vài vấn đề, mạc khải không cung cấp một giáo huấn minh bạch. Vì thế cần việc suy tư thần học cần được bổ túc bởi những phương tiện đọc và chú giải Kinh Thánh hiện đại, chẳng hạn như não trạng của người viết (thí dụ nơi vài bản văn của thánh Phaolô), ngôn ngữ biểu tượng, môi trường văn hóa.

Ngoài những suy tư vừa kể, người ta nhận thấy cần phải tìm hiểu nhân-luận cận đại, đặc biệt là các thuyết nhân-luận văn-hóa (anthropologie culturelle) khác nhau.[24] Ông Artigas đặt câu hỏi: phải chăng các tương quan và vai trò của người nam và người nữ chịu ảnh hưởng của cấu trúc sinh lý hoặc của cấu trúc xã hội? Tác giả trình bày những yếu tố đã nhào nặn hình ảnh người phụ nữ trong lịch sử Tây phương (Kitô giáo, thời trung cổ và xã hội cận đại), và đưa ra đề nghị: đừng tách rời vấn đề phụ nữ và nhân-luận văn-hóa ra khỏi quan điểm Kitô giáo về nhân vị; cần định vị đúng chỗ các khía cạnh văn hóa của vấn đề.

Những yêu sách của nhân-luận văn-hóa đòi buộc khi bàn phụ nữ ta phải lưu ý đến nền tảng Kinh Thánh :
Trước khi đi đến kết luận về ý nghĩa của phụ nữ trong kế hoạch của Thiên Chúa, và do đó, về địa vị của phụ nữ trong Giáo hội và xã hội, ta cần phải làm sáng tỏ yếu tố Kinh Thánh, hoặc ít là sử dụng bản văn Kinh Thánh cách thận trọng ... Có như vậy, ta mới có thể kết luận là Kinh Thánh đã đưa ra một quả quyết dứt khoát, hoặc chỉ đưa ra vài hướng dẫn không hoàn toàn vĩnh viễn. Tôi xin mạn phép lưu ý đến việc áp dụng phương pháp ấy vào Thánh-mẫu-học.[25]
Trong tập hồ sơ của các chuyên viên, có ba bài đóng góp của linh mục Edouard Hamel.[26] Bài thứ nhất, “Đức Kitô và các phụ nữ,” kết thúc với một đoạn về phụ nữ và thần học, trong đó tác giả nhìn nhận rằng sự đóng góp của các phụ nữ rất cần thiết, bởi vì cho đến nay các suy tư đều nhìn theo quan điểm của nam giới.[27]

Dựa trên nền tảng ấy, chúng ta hãy đi thẳng vào nội dung của văn kiện đúc kết của uỷ ban, có thể tóm vào ba điểm chính: a) con người, nam nữ, trong chương trình của Thiên Chúa; b) phụ nữ trong xã hội; c) phụ nữ trong Giáo hội.

a) Con người nam nữ trong chương trình của Thiên Chúa.

Theo Gaudium et spes 1, Giáo hội thấy mình có trách nhiệm và nghĩa vụ góp phần vào việc trả lại cho phụ nữ phẩm giá do Đấng Tạo hóa ban cấp, nhưng đã bị lu mờ trải qua dòng lịch sử. Ngoài ra Giáo hội cố gắng để giúp cho phụ nữ đảm nhận vai trò và sứ mạng của mình, hỗ trợ phụ nữ trong nỗ lực thăng tiến và giải phóng.

Ước muốn thăng tiến và giải phóng phụ nữ là một trong những đặc trưng của trật tự xã hội mới, và cần được đón tiếp và nhìn nhận như là một dấu chỉ thời đại. Điều này đòi hỏi thay đổi những khuôn mẫu suy tư, ứng xử và liên lạc ở mọi cấp bậc. Tuy nhiên phong trào này có một đặc điểm: phụ nữ muốn giữ vai chủ chốt trong việc tự giải phóng. Trên con đường này, người phụ nữ gặp phải nhiều chướng ngại xã hội, chẳng hạn như sự kỳ thị văn hóa và xã hội, những lỗ hổng pháp lý. Thường phụ nữ không được sự giúp đỡ cần thiết về phía các phụ nữ khác, về phía nam giới và xã hội. Giáo hội luôn đề cao phẩm giá của phụ nữ, nhưng cũng bị lệ thuộc vào những điều kiện xã hội và văn hóa, và ngày nay “cần phải mở ra những cơ cấu mục vụ, vốn ở trong tay của nam giới, để cho các phụ nữ được tham gia với trách nhiệm.”[28] Vì thế, dựa theo những gì mà GS số 44 đã khẳng định,
Giáo hội [...] đón nhận những ước vọng của phụ nữ và tận lực đóng góp vào việc thể hiện những điều kiện phù hợp với phẩm giá cơ bản của mỗi con người – tiên vàn nhờ việc cống hiến nước hằng sống của ân sủng Đức Kitô rửa sạch tội lỗi chúng ta, dập tắt nguồn mạch của những kỳ thị và chia rẽ.
Người phụ nữ biết rằng mình chứa đựng những kho tàng mà mình muốn đem ra phục vụ mọi người. Vì vậy cần có sự đối thoại liên tục giữa nam và nữ, một cuộc đối thoại dựa trên ý thức rằng mỗi bên có những nét phong phú riêng biệt và sự đồng trách nhiệm.

Từ việc suy tư về phụ nữ trong Giáo hội và trong xã hội, phát sinh một yêu sách: đào sâu và đón nhận sự đóng góp của các khoa học nhân văn. Đành rằng điều này đặt ra nhiều khó khăn, nhưng “thần học không thể tìm ra một ngôn ngữ thích ứng với con người thời nay nếu không hiểu biết và tháp nhập các khoa học nhân văn vào tư tưởng Kitô giáo.”[29] Cần phải quay trở lại một cái nhìn chính xác hơn về chương trình của Thiên Chúa, trong đó phụ nữ là một nhân vị, tự trị, tự do, có trách nhiệm.

Sự bình đẳng phẩm giá giữa người nam và người nữ là điều không thể nghi ngờ: Thiên Chúa đã muốn như vậy ngay từ thuở đầu, như ta thấy trong các trình thuật tạo dựng cũng như trong các trình thuật khác của Kinh Thánh cho thấy vai trò tích cực của phụ nữ trong việc khai sinh và những biến cố cứu độ của dân tộc Israel. Mạc khải khẳng định sự bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Đức Kitô đã tái lập sự bình đẳng của phụ nữ, bằng cách vượt lên trên những rào chắn xã hội do tội lỗi gây ra. Các bản văn về sự tạo dựng, vừa nói đến sự bình đẳng, vừa nói đến sự khác biệt và bổ khuyết. Kết luận thật là quan trọng :
Sự đóng góp đặc thù của mạc khải là khẳng định sự bình đẳng của người nam và người nữ như là những nhân vị trước mặt Thiên Chúa. Đức Kitô giải thoát phụ nữ khỏi tình trạng thấp kém. Những Kitô hữu đầu tiên đã coi phụ nữ như là những chị em. Hội thánh tiên khởi đã sáp nhập phụ nữ trong cộng đoàn phụng vụ, đã nhìn nhận trách nhiệm riêng của họ, và đã kết nạp vào việc loan báo Tin Mừng. Kinh Thánh cũng nêu bật sự khác biệt giữa nam và nữ, nhưng đây không phải là tương quan giữa người trên với người dưới, nhưng là sự kiện toàn lẫn nhau; sự kiện toàn này tìm thấy ý nghĩa đích thực nơi sự kết hợp giữa Hội thánh với Đức Kitô và được diễn tả cách hoàn hảo nơi thái độ của Đức Maria trước mặt Thiên Chúa.
Người phụ nữ thời này “ước ao được tham gia với quyền quyết định vào những lựa chọn của cộng đoàn” (Marialis cultus, 37). Sự thăng tiến phụ nữ được thực hiện trong sự thật nhờ hiểu biết sâu xa trách nhiệm riêng của phụ nữ ngang hàng với người nam, là “đồng chí” của mình. Làm người nữ cũng như làm người là một ơn gọi của nhân vị. Vì thế mỗi người cần phải chấp nhận thực tại con người như là một thực tại thánh thiêng.
Cha Le Guillou, trong một bài khảo cứu bổ túc, thêm rằng cần tái khám phá sự hiện diện của phụ nữ trong chứng tá tông đồ, ngõ hầu có thể nói rằng Hội thánh là tông truyền.[30]

b) Phụ nữ trong xã hội

Bài nghiên cứu này không dừng lại ở khía cạnh xã-hội-học, nhưng còn muốn cung cấp một quan điểm Kitô-giáo về nhân vị.[31] Khi nhìn đến những biến đổi kèm theo những hệ quả tích cực và tiêu cực, tác giả nêu lên vài chủ đề đòi hỏi một sự thay đổi não trạng, chẳng hạn như các vai trò khác nhau của người nữ và người nam trong xã hội và trong gia đình.

Để thực hiện nhiệm vụ và khát vọng được nêu lên ở đầu hiến chế GS, Giáo hội phải làm hết sức để trả lại cho phụ nữ phẩm giá mà Tạo hoá đã ban. Giáo hội cần giúp phụ nữ thực hiện sứ mạng mà họ đã lãnh giữa lòng dân Thiên Chúa. Đó là cách thức mà Giáo hội đóng góp vào việc thăng tiến phụ nữ trong xã hội.

Sự thăng tiến phụ nữ và những nỗ lực giải phóng là một trong những dấu chỉ của thời đại chúng ta: người ta tiến đến một xã hội mới trong đó “phụ nữ tiến từ lệ thuộc đến tự lập, từ cưỡng bức đến tự do, từ thụ động đến sáng kiến, từ phó mặc đến dấn thân, từ tùng phục đến tham gia có trách nhiệm,”[32] và cần thêm một đặc điểm là “chính phụ nữ ước ao nắm phần chủ động của sự thăng tiến và giải phóng.”[33] Phụ nữ gặp phải nhiều trở ngại, ngay cả trong Giáo hội, bởi thế cần phải mở rộng “các cơ cấu mục vụ còn nằm trong tay nam giới đến sự tham gia có trách nhiệm của nữ giới.”[34]

Cũng theo thứ tự dàn bài của phần thứ hai hiến chế GS, tập hồ sơ trình bày các lãnh vực khác nhau của việc tham gia của các phụ nữ. Một khía cạnh được đặc biệt lưu ý là văn hóa, là điều cần thiết để đạt đến mức sống xứng với con người (x. GS 53,60). Văn kiện phân biệt giữa giáo huấn, giáo dục và thông tin. Đây hẳn là phạm vi mà sự kỳ thị nổi cộm hơn nữa, với những hậu quả tai hại của nó. Người ta nhận thấy sự khác biệt trong việc giáo dục cơ bản, phần lớn do não trạng cho rằng phụ nữ không cần học hành; vì thế đối với các phụ nữ, nạn mù chữ vẫn còn rất cao. Về việc huấn luyện thần học, người ta nhận thấy sự chậm trễ và khó khăn trong việc thực hiện GS 62 :
Số 62 của hiến chế Gaudium et spes ước mong rằng “nhiều giáo dân sẽ nhận được sự huấn luyện thích hợp trong các thánh khoa, và mong rằng không ít người sẽ quyết tâm theo học các môn ấy và dùng những phương tiện thích ứng để nghiên cứu chuyên sâu”. Tiếc rằng về điều này, có một lỗ hổng cần phải được lấp đầy. May thay, các Đại học đã hiểu rằng họ có bổn phận phải mở ra cho các phụ nữ, và sau cùng, nữ giới đã có thể ngồi vào những ghế mà trước đây bị cấm. Nhưng các ngăn trở đủ loại (về ngôn ngữ, về các môn học dự bị, về phương tiện tài chính, về những thành kiến) xem ra khiến nhiều phụ nữ ngại ngùng dấn thân vào công cuộc khảo cứu rất hấp dẫn này.[35]
c) Phụ nữ trong Giáo hội

Cho đến nay bản văn thường được quy chiếu là hiến chế GS, bây giờ đến lượt trưng dẫn sắc lệnh về tông đồ giáo dân (Apostolicam Actuositatem), và cụ thể là số 9 :
Người giáo dân thực thi hoạt động tông đồ đa dạng của mình ngày trong lòng Giáo hội cũng như giữa môi trường trần thế. Nhiều lãnh vực hoạt động tông đồ mở ra trong cả hai môi trường; trong số đó, chúng tôi muốn nhắc đến những lãnh vực chính yếu hơn cả. Đó là: các cộng đoàn Giáo hội, gia đình, giới trẻ, môi trường xã hội, các hệ thống tổ chức quốc gia và quốc tế. Ngày nay, các phụ nữ đang góp phần ngày càng tích cực hơn vào toàn bộ đời sống xã hội, vì thế cần phải ghi nhận tầm quan trọng của việc họ sẽ tham gia rộng rãi hơn vào các lãnh vực hoạt động tông đồ khác nhau của Giáo hội.
Điều này không muốn nói rằng trước công đồng Vaticanô II phụ nữ vắng bóng trong các sinh hoạt của Giáo hội, nhưng công đồng nhìn nhận rằng trải qua lịch sử, đã có nhiều chướng ngại khiến cho việc tham gia trở thành khó khăn. Công đồng muốn nói lên hai điều: khôi phục vai trò của giáo dân (những người không có chức thánh) và khôi phục chỗ đứng của phụ nữ trong xã hội và trong Giáo hội. Ở nơi khác, công đồng đã kêu gọi tất cả mọi người đã được rửa tội hãy đảm nhận trách nhiệm đối với sứa mạng của Giáo hội. Mỗi Kitô hữu, do bí tích rửa tội, được kêu gọi đào sâu và truyền đạt đức tin.

Sau công đồng, tuy với nhiều khó khăn, Giáo hội đã tìm cách thực thi những hệ luận của việc đồng trách nhiệm này. Trong hành trình này, người ta thấy cần huấn luyện tất cả các phần tử Giáo hội, và đào tạo một hình thức mới về sự hợp tác, và điều này sẽ là một dấu hiệu hy vọng cho thế giới và cho Giáo hội nữa.[36]

Trong chiều hướng ấy mà uỷ ban nghiên cứu sự tham gia của phụ nữ vào sứ mạng Giáo hội và vào các cơ quan của Giáo hội đã đệ trình lên Đức Phaolô VI các đề nghị cụ thể, vào tháng 8 năm 1974.[37] Lý do đưa ra những đề nghị này là vì các phụ nữ chờ đợi các cử chỉ cụ thể để đáp ứng ý thức về trách nhiệm của họ. Đây là những bước tiến nhỏ nhưng có ý nghĩa, nhằm cho phép các phụ nữ được mang tất cả những tài năng của mình để phục vụ Giáo hội. Câu hỏi được đặt ra là: sự tham gia này được đặt trong những lãnh vực nào? Xin thưa rằng trong đường hướng mà công đồng Vaticanô II đã vạch ra: sự tham gia được diễn ra giữa lòng Dân Thiên Chúa, một đoàn dân tư tế trong đó tất cả mọi người, nam và nữ, đều được mời gọi sống ơn gọi của mình một cách đồng trách nhiệm; một Giáo hội nhận ra tính cách khẩn trương của sứ mạng truyền giáo và chứng tá giữa lòng thế giới. Vì thế những đề nghị cụ thể được đưa ra nhằm đến nhiều lãnh vực khác nhau (giáo xứ, giáo phận, giáo hội địa phương, hội đồng giám mục, Giáo hội phổ quát): các phụ nữ cần hiện diện tại các nhóm suy tư, lượng định; bổ nhiệm các phụ nữ làm thành viên và cố vấn tại các cơ quan của Toà thánh; sự tham dự các Thượng hội đồng giám mục. Nói tóm lại, yêu cầu có sự hợp tác và trách nhiệm của phụ nữ, để họ có thể lãnh trách nhiệm và hợp tác với toàn thể Dân Chúa, và đóng góp những tài năng của mình.

1.2. Tông huấn Marialis cultus[38]


Trong hồ sơ gửi các hội đồng giám mục, uỷ ban đã kèm thêm một ghi chú ngắn, yêu cầu lưu ý đến tông huấn Marialis cultus. Tại sao nhắc đến văn kiện này? Bởi vì, nhập đề của văn kiện đã nhắc đến các thay đổi xã hội và văn hoá đòi phải nghĩ lại việc tôn kính Đức Maria. Điều này được khai triển ở các số 34-37, với lời nhắn nhủ gửi đến các nhà thần học.

1.3. Hội nghị thế giới về phụ nữ - Mexico 1975


Đáp lại lời mời của Liên Hợp quốc, Tòa thánh đã cử một phái đoàn, gồm những người nam và người nữ, đến tham dự Hội nghị thế giới nhân Năm quốc tế phụ nữ, diễn ra tại Mexicô từ ngày 19 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 năm 1975.

Đức thánh cha đã gửi một sứ điệp đến bà Helvi Sipila, Tổng thư ký của Hội nghị,[39] trong đó ngài hy vọng rằng Năm quốc tế phụ nữ sẽ đạt được mục tiêu là bảo đảm sự sáp nhập các phụ nữ và khuyến khích họ đóng góp vào việc củng cố hoà bình.[40] Ngài cũng nhắc lại rằng một trong những nỗ lực của Giáo hội là chống lại nạn mù chữ, là điều ngăn trở sự tiến triển và vi phạm những quyền lợi căn bản. Sự giải phóng và thăng tiến đích thực sẽ thực hiện nhờ việc giáo dục.

Cũng trong chiều hướng này, đại biểu Tòa thánh tại Hội nghị đã bày tỏ niềm hy vọng rằng Năm quốc tế phụ nữ sẽ tìm ra những phương thế mới trong cách quan niệm tương quan giữa người nam và người nữ. Trong nỗ lực này, cần phải lắng nghe tiếng nói của mọi người, kể cả của những người không có tiếng nói. Giáo hội Công giáo muốn góp phần vào việc khảo cứu này.

Người ta tìm cách xây dựng một xã hội, trong đó mọi người, nam và nữ, đều có những điều kiện cần thiết để phát triển nhân vị. Tìm đâu ra khuôn mẫu cho xã hội ấy? Câu trả lời của phái đoàn Tòa thánh là: đó là một xã hội đặt tâm điểm nơi nhân vị là hình ảnh Thiên Chúa, một xã hội dành chỗ đứng xứng đáng cho gia đình, một xã hội nhìn nhận phẩm giá cho người nam và người nữ. Xã hội như vậy mới thực sự cổ võ sự tiến bộ.

Thế nhưng thực trạng tại nhiều xã hội lại không như thế, từ đó người phụ nữ bị hạ giá và người nam cũng giảm phẩm giá nhân vị.

Sự bình đẳng về phẩm giá cần phải tôn trọng sự khác biệt. Chúng ta cần phải xây dựng một xã hội hài hoà, khác hẳn một xã hội đồng điệu. Vì thế cần phải nhìn nhận phẩm giá của phụ nữ, và sự bổ khuyến cho người nam. Sự bổ khuyết này dược diễn tả bằng nhiều cách thức tuỳ theo nền văn hóa. Một lần nữa, Tòa thánh nhấn mạnh đến việc bài trừ nạn mù chữ, bởi vì đó là con đường cần thiết cho sự phát triển, và trên thực tế, đó là lãnh vực mà các phụ nữ thường bị thiệt thòi hơn cả.

2. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II


2.1. Thượng hội đồng giám mục 1987 về ơn gọi và sứ mạng của các giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới.


Thượng hội đồng năm 1987 cũng theo một hướng đi như Uỷ ban nghiên cứu về phụ nữ trong Giáo hội và xã hội. Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) đã đề cập đến sự tham gia của phụ nữ ở số 9; trước đó, số 8 bàn về sự tham gia và phẩm giá của nhân vị. Tài liệu khẳng định rằng phong trào thăng tiến và giải phóng phụ nữ đã góp phần tích cực vào việc nhìn nhận sự bình đẳng quyền lợi giữa người nam và người nữ. Cho đến nay, đã có nhiều bước tiến trong việc phụ nữ tham gia vào sinh hoạt xã hội, văn hóa, chính trị; tuy vậy, việc nhìn nhận trọn vẹn phẩm giá của phụ nữ là điều còn cần đạt đến. Đang khi tranh đấu cho sự bình đẳng, vài chủ trương đã phủ nhận nữ tính, và như vậy lại tạo ra những tình cảnh áp bức khác. Do đó, trong “giai đoạn hai” của sự suy tư về phụ nữ, cần phải để ý đến sự khác biệt giữa hai phái, đồng thời với sự bình đẳng về phẩm giá. Trong văn kiện này, ta gặp thấy một yếu tố khác: Đức Maria đã mở đường cho việc suy tư về phụ nữ trong Giáo hội, vượt lên sự bất bình đẳng đang đè nặng trong xã hội (số 26).

Tông huấn hậu-thượng-đồng Christifideles laici[41] thâu nhận những quan tâm của Thượng-hội-đồng, và chương IV bàn đến cả nữ lẫn nam trong số những người làm vườn nho của Chúa (số 49-52).

Thượng-hội-đồng đã chú ý đặc biệt đến vai trò của phụ nữ và khẳng định rằng “Giáo hội phải coi như một sứ mạng của mình là cực lực chống lại mọi hình thức kỳ thị và lạm dụng phụ nữ.”[42] Vì thế Thượng-hội-đồng muốn nhìn nhận và mời gọi hãy nhìn nhận “sự đóng góp không thể thiếu của phụ nữ vào việc xây dựng Giáo hội và phát triển xã hội”, bằng cách “phân tích kỹ càng hơn về sự tham gia của người phụ nữ vào sự sống và sứ mạng của Giáo hội” (số 49). Để có sự tham gia tích cực và có trách nhiệm vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội thì “Giáo hội cần phải nhìn nhân tất cả những hồng ân của các người nam và người nữ, và diễn tả ra thực hành.”[43] Để bảo đảm sự hiện diện chính đáng của phụ nữ trong Giáo hội và xã hội, tông huấn nhấn mạnh rằng cần phải “tìm hiểu sâu xa và kỹ lưỡng những nền tảng nhân-luận của nam giới và nữ giới để xác định căn cước của phụ nữ, sự khác biệt và bổ khuyết của nữ tính đối với nam giới” (số 50). Văn kiện nhìn nhận rằng khoa học nhân văn và các nền văn hóa có thể góp phần vào việc nghiên cứu này, và sẽ giúp cho Kitô giáo tìm được giải đáp về chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội và trong xã hội.

Trong tông huấn Christifideles laici chúng ta gặp thấy một lời khẳng định quan trọng sẽ được nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện của Đức Gioan Phaolô II:

"Sự nhìn nhận lý thuyết về sự hiện diện tích cực và có tránh nhiệm của phụ nữ trong Giáo hội cần được thể hiện trong thực hành" (số 51). Trong những lãnh vực cần cổ võ sự hiện diện của phụ nữ, văn kiện kể ra sự chuyển thông đức tin, việc đào sâu và truyền thông Lời Chúa, qua việc nghiên cứu và giảng dạy thần học (số 51).

2.2. Tông thư “Mulieris dignitatem ”[44]


Trong huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II, có nhiều văn kiện nói đến phẩm giá phụ nữ, quan trọng hơn hết là tông thư Mulieris dignitatem về phẩm giá và ơn gọi phụ nữ, được viết nhân dịp Năm Thánh mẫu (1988), trong đó đức Giáo hoàng bảo vệ đặc trưng của nữ tính cùng với nhiều suy tư nhân-luận mới mẻ. Đây là lần đầu tiên mà một văn kiện giáo hoàng được dành riêng để bàn về phụ nữ.[45]

Uỷ ban nghiên cứu về phụ nữ trong Giáo hội và xã hội đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một văn kiện huấn quyền xác nhận những đường hướng mới trong việc tìm hiểu phụ nữ cũng như những đường hướng mới mẻ trong cách giải thích Kinh Thánh.[46] Có lẽ văn kiện này muốn diễn tả việc Huấn quyền đón nhận những lối giải thích nền tảng Kinh Thánh của sự bình đẳng phẩm giá của người nam và người nữ, bởi vì phẩm giá của con người dựa trên “việc được nâng lên đến sự kết hiệp với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô; điều này quy định cứu cánh thâm sâu nhất của cuộc đời mỗi người ở trần gian cũng như trong nơi vĩnh cửu” (số 4). Do đó việc suy tư về phẩm giá và ơn gọi phụ nữ được đặt trong viễn tượng của sự kết hợp với Thiên Chúa (số 5). Dựa trên những đoạn văn Kinh Thánh về sự tạo dựng, văn kiện suy nghĩ về phẩm giá của người nam và người nữ, đặc biệt ở hai khía cạnh: người nam và người nữ được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài, vì thế phẩm giá của phụ nữ không do người nam mà là do Thiên Chúa cấp phát; sự quản trị vũ trụ được Thiên Chúa uỷ thác cho cả hai, nam và nữ: cả hai đều phải chịu trách nhiệm về nhân loại và vũ trụ. Đức thánh cha chưa nói gì đến hệ luận của những lời khẳng định này, nhưng chúng ta có thể nghĩ đến một sự vượt lên trên các vai trò và các khả năng quen gán cho người nam hoặc người nữ, cũng như tìm hiểu những tiêu chuẩn nào đã đưa đến sự khống chế của người nam với người nữ.

Chương IV cho phép chúng ta tìm thấy câu trả lời: tội nguyên tổ, của người nam và người nữ, đã vi phạm sự bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Việc phá vỡ tương quan với Thiên Chúa dẫn đến hệ quả là phá vỡ tương quan trong chính bản thân con người, giữa người nam và người nữ, giữa họ với vạn vật.[47] Sự vi phạm này gây ra sự thiệt thòi cho người nữ, nhưng “đồng thời cũng suy giảm phẩm giá của người nam” (số 10). Phạm trù sử dụng để định nghĩa mối tương quan chính đáng giữa người nam và người nữ là sự “hỗ tương”, điều này không có nghĩa là người này sống bên cạnh người kia, nhưng là người này trở thành quà tặng cho người kia (số 7).

Khi chú giải vài đoạn văn Kinh Thánh, Đức thánh cha lưu ý đến tính loại-suy trong ngôn ngữ nhân-hình (antropomorfismo) khi gán cho Thiên Chúa những đặc tính thuộc về nam giới hoặc nữ giới “tình cha của Thiên Chúa không gắn với các đặc tính của nam giới theo nghĩa thể lý” (số 8).

Chúng ta nhận thấy Đức Phaolô VI cố gắng bảo vệ “nữ tính” (femminilità, đặc trưng của phụ nữ); còn nơi Đức Gioan Phaolô II, đặc trưng ấy được diễn tả thành “thiên tài phụ nữ” (il genio femminile). Cùng với việc bảo vệ đặc trưng của phụ nữ, ngài cũng tố giác những tình trạng bất công mà phụ nữ phải chịu. Những điều này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các diễn văn, sứ điệp.

2.3. Hội nghị Quốc tế lần IV về phụ nữ 1995 [48]


2.3.1 Thư gửi các phụ nữ [49]

Nhân dịp Hội nghị quốc tế lần thứ IV về phụ nữ, Đức Gioan Phaolô II viết một lá thư gửi đến tất cả các phụ nữ, để suy nghĩ cùng với mỗi người “về những vấn đề và viễn ảnh của điều kiện phụ nữ trong thời đại chúng ta” (số 1). Nội dung bàn về phẩm giá và những quyền lợi của các phụ nữ. Lá thư gồm ba phần: cám ơn, tố giác, kêu gọi.

Cám ơn. Lá thư cám ơn Thiên Chúa Ba ngôi vì huyền nhiệm phụ nữ và vì mỗi phụ nữ (số 1); cám ơn Chúa vì kế hoạch ơn gọi và sứ mạng của phụ nữ trên thế giới: những người mẹ, người vợ, người chị, người con gái, người lao công, người tận hiến (số 2); cám ơn từng phụ nữ bởi vì nhờ sự hiện diện với nữ tính của họ, ta có hiểu được thế giới cách phong phú hơn và các tương quan trở nên nhân bản hơn (số 2). Bức thư kể ra những hình thức hiện diện khác nhau của người phụ nữ dấn thân trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật chính trị, những phụ nữ dấn thân trong ngành giáo dục, và không quên những phụ nữ dấn thân vào việc bảo vệ phẩm giá phụ nữ (số 6).

Tố giác. Đức thánh cha nhìn nhận rằng cám ơn mà thôi thì chưa đủ, bởi vì con đường của phụ nữ thật là cam go: người phụ nữ thường không được nhìn nhận phẩm giá, không được tôn trọng các đòi hỏi, và lắm lần bị gạt bỏ và thậm chí bị đối xử như nô lệ (số 3). Dĩ nhiên, tình trạng này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ, bởi vì không thể biểu lộ chính mình, và do đó cũng ảnh hưởng tiêu cực đối với nhân loại. Để thoát khỏi tình trạng ấy, cần phải nhìn nhận tất cả những gì đã thực hiện, cũng như tất cả những gì đã thực hiện cách lệch lạc.

Ngày nay vẫn còn nhiều nơi phụ nữ chưa được tôn trọng như là nhân vị, chưa được bình đẳng quyền lợi như người nam, những nơi mà vai trò làm mẹ trở thành một gánh nặng, nơi mà phụ nữ bị lạm dụng tính dục ... Còn rất nhiều trở ngại cho phụ nữ được tham gia vào đời sống xã hội, chính trị và kinh tế. Cần phải lên án những tình trạng kỳ thị và bất công như vậy, và cần phải làm mọi sự, ngay cả về pháp luật, ngõ hầu những quyền lợi và phẩm giá phụ nữ được bảo vệ: “cần phải làm tất cả những gì cần thiết để trả lại cho phụ nữ sự tôn trọng phẩm giá và vai trò của mình” (số 6).

Kêu gọi. Để đáp ứng với những khó khăn ấy, ngoài việc tố giác, cần phải có một “kế hoạch thăng tiến bao trùm tất cả mọi lãnh vực của đời sống phụ nữ” (số 6). Cần phải đọc lịch sử nhân loại bằng cặp mắt của phụ nữ, bởi vì người ta thường quên sự góp phần của phụ nữ vào lịch sử, thường là trong những điều kiện ngặt nghèo (số 3); cần phải nghĩ lại và thay đổi các tiêu chuẩn tổ chức xã hội của chúng ta (số 4).

Cần phải suy tư về thiên tài của phụ nữ để dành thêm nhiều chỗ cho họ trong xã hội và trong Giáo hội. Đây là một điểm đáng chú ý, để đừng giải thích “thiên tài phụ nữ” theo một nghĩa hẹp hòi hoặc đối lại với người nam. Một điểm khác không nên bỏ qua là: lá thư này không nêu gương những phụ nữ lừng danh trong lịch sử nhân loại, nhưng là những phụ nữ bình thường đã diễn tả tài năng của mình để phục vụ tha nhân trong cuộc sống bình thường hằng ngày (số 12).

2.3.2 Hội nghị thế giới lần thứ IV về phụ nữ

Trong bài diễn văn nhân buổi tiếp kiến bà Gertrude Mongella, tổng thư ký Hội nghị lần thứ IV của LHQ về phụ nữ, Đức Gioan Phaolô II nói rằng Tòa thánh mong đợi cho Hội nghị được thành công, sự thành công không chỉ tuỳ thuộc vào việc nhìn nhận phẩm giá phụ nữmà thôi, nhưng nhất là ở chỗ “cống hiến một cái nhìn trung thực về phẩm giá và những khát vọng của phụ nữ, một cái nhìn có khả năng gợi lên và nâng đỡ những giải pháp khách quan và thực tế đáp lại những tranh đấu và những thất bại của biết bao phụ nữ”[50]. Giáo hội nhìn nhận sự đóng góp tích cực của các phụ nữ vào xã hội. Nhiều quốc gia đã thực hiện những bước tiến quan trọng, nhưng Hội nghị Bắc Kinh cần phải là một đà nhún để cho những bước tiến này được áp dụng ở những người chưa được thực hiện.

Trong bài diễn từ này, ta thấy một vài đề tài sẽ được lặp lại trong thư gửi các phụ nữ vừa nói trên đây, chẳng hạn như mối quan tâm đến việc giáo dục các thiếu nữ, cũng như củng cố vai trò của phụ nữ trong gia đình nhưng đồng thời cũng cần làm thế nào để họ có cơ hội thể hiện các khả năng và quyền lợi của mình trong việc xây dựng xã hội.

Trong bản báo cáo tại Hội nghị,[51] Tòa thánh nhìn nhận chặng đường đã thực hiện tỏng việc gây ý thức và nhìn nhận phẩm giá phụ nữ, tuy nhiên tiến trình cũng có vài điều cực đoan, vì thế cần tìm lại sự quân bình bằng cách nêu bật tính hỗ tương, bổ khuyết và hợp tác giữa người nam và người nữ; cần làm thế nào để gia đình và phụ nữ tìm được vị trí đúng đắn của mình trong xã hội. Bên cạnh khía cạnh tích cực, ta không nên bỏ qua điều kiện của các phụ nữ tại những nước đang phát triển, và những hình thức kỳ thị và nô lệ của phụ nữ.

Tiêu chuẩn quy chiếu là phẩm giá của nhân vị. Sự bình đẳng giữa người nam và người nữ đòi hỏi suy tư và hành động nhằm cổ võ sự tham gia tích cực và trách nhiệm của phụ nữ vào tất cả mọi lãnh vực của đời sống dân sự, đồng thời tôn trọng những sự khác biệt và loại bỏ sự kỳ thị vì vai trò làm mẹ trong gia đình. Để thực hiện điều này, cần phải thay đổi não trạng, nghĩa là cần phải quan tâm đến việc huấn luyện người nam và người nữ, và dành chỗ cho người phụ nữ phát biểu. Các phụ nữ cần được tham gia thực sự vào việc soạn thảo các quyết định liên quan đến họ.

Bản bá cáo vạch ra ba lãnh vực mà sự kỳ thị còn tồn tại: giáo dục ở cấp sơ đẳng; chính trị và kinh tế.

Tòa thánh cam kết sẽ làm điều gì? Cam kết trong ba lãnh vực: suy tư, huấn luyện và hành động. Khởi điểm của mọi cam kết là phẩm giá của nhân vị và những quyền lợi căn bản của mỗi nhân vị. Các điều cam kết khác nhằm bảo đảm sự hiện diện và sự đóng góp vào phụ nữ vào xã hội và gia đình, chống lại mọi hình thức nghèo khổ dẫn tới sự kỳ thị và loại trừ, hỗ trợ sự huấn luyện và văn hóa, bắt đầu từ việc chống nạn mù chữ.

Kết luận


Liên quan đến phụ nữ, nhiều đề tài và quan tâm đều giống như nhau dưới thời Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II: nền tảng nhân-luận, nỗ lực bảo vệ phẩm giá phụ nữ, ước mong cho những nghĩa vụ và quyền lợi của phụ nữ được tôn trọng, cố gắng để cho phụ nữ có thể giữ vai trò của mình trong Giáo hội và trong xã hội như là một nhân vị ... Cả hai vị đều có chung những điểm chung, tuy nhiên chúng ta có thể nhận thấy mỗi vị có một nét riêng, không phải là đối nghịch nhau nhưng liên tục với nhau.

Đức Phaolô VI chú ý đến những biến chuyển xã hội và hướng đi của công đồng, và cố gắng tìm những nền tảng lý thuyết cho đề tài này. Những đề nghị được đưa ra nhắm tới việc thay đổi não trạng và vượt qua những khó khăn phát sinh từ những khuôn mẫu văn hóa và những cái nhìn một chiều. Ngài quan tâm đặc biệt đến việc huấn luyện và giáo dục, bởi vì đây là con đường duy nhất cho phép phụ nữ giữ được vị trí có trách nhiệm trong xã hội và trong Giáo hội.

Trong các tác phẩm của Đức Gioan Phaolô II, nét đặc trưng là tố giác những bất công xã hội đối với phụ nữ và sự kỳ thị xã hội. Ngài cũng bận tâm đến việc huấn luyện, cách riêng là các thiếu nữ. Một đề tài nữa là bảo vệ gia đình và chức làm mẹ.

3. Ba Nữ Tiến sĩ Hội thánh


Dưới thời Đức Phaolô VI, lần đầu tiên trong lịch sử, hai phụ nữ được tôn phong Tiến sĩ Giáo hội: thánh Têresa Avila[52] và thánh Catarina Siena.[53] Hai mươi bảy năm sau, Đức Gioan Phaolô II trao tặng tước hiệu này cho thánh Têrêsa Lisieux.[54]

Tôi không muốn chỉ dừng lại ở ý nghĩa của sự nhìn nhận này đối với Giáo hội. Tôi nghĩ rằng, sau bao nhiêu thế kỷ, bây giờ Giáo hội đã xác nhận rằng phụ nữ có thể cống hiến một giáo huấn có giá trị cho tất cả Hội thánh.[55] Trong hiến chế về mạc khải, công đồng Vaticanô II nhắc lại rằng toàn thể Dân Thiên Chúa đã nhận lãnh kho tàng mạc khải, và đào sâu kho tàng ấy, nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần (DV 8.10). Việc nhìn nhận phụ nữ làm tiến sĩ cho thấy rằng lời tuyên bố của công đồng là một thực tại, chứ không phải là chữ chết.

Ngoài ra, còn một sự kiện nữa cần nêu bật. Trong bài giảng ngày 27.9.1970, Đức Phaolô VI nói rằng phụ nữ có một sứ mạng giữa lòng Dân Thiên Chúa:
Người phụ nữ gia nhập Giáo hội nhờ bí tích Thánh tẩy, thì cũng tham gia vào chức tư tế phổ quát của các tín hữu, nhờ vậy họ có khả năng và nghĩa vụ “tuyên xưng trước mặt loài người đức tin đã nhận lãnh từ Thiên Chúa qua trung gian của Giáo hội”. Trong việc tuyên xưng này, nhiều phụ nữ đã đạt tới đỉnh cao, đến nỗi lời nói và tác phẩm của họ trở thành ánh sáng hướng dẫn các anh em của mình.[56]
Không ai trong ba phụ nữ kể trên đã học thần học; thực ra, họ cũng chẳng có thể theo học thần học. Tuy vậy họ đã trình bày một đạo lý sáng ngời, phù hợp với đức tin công giáo. Chúng ta không gặp thấy những suy tư của thần học hệ thống hoặc những luận cứ hộ giáo giống như các vị tiến sĩ khác. “Tiến sĩ Giáo hội” không phải là một học vị đại học, nhưng là đời sống tâm linh sâu sắc khiến cho họ hiểu biết Thiên Chúa cách sâu xa: đó chính là sự “cao minh” (sapientia). Sự cao minh không phải là một mảnh bằng do một đại học cấp phát, nhưng là kết quả của đời sống tình yêu. Chính tình yêu làm cho người ta trở nên cao minh, can trường. Ngoài ra, những phụ nữ này còn có khả năng truyền đạt bằng bút tích điều mà họ đã sống.

Một đặc điểm nữa của các phụ nữ này là cảm thức mạnh mẽ về Giáo hội (sensus Ecclesiae), đồng cảm và đồng hóa với Giáo hội. Họ dấn thân trong Giáo hội và cùng với Giáo hội, ý thức sứ mạng đã lãnh, chú ý đến tiếng nói của Thánh Thần phán dạy trong một thời khắc lịch sử. Họ thật là những phần tử sống động của Giáo hội.

Từ đó chúng ta có thể rút ra những hệ luận cho công cuộc nghiên cứu thần học: Điều này đòi hỏi chúng ta phải học hỏi, nhưng không quên rằng, khi nào nói đến những mầu nhiệm Thiên Chúa, sự học hỏi cần đi kèm theo một đời sống tâm linh phong phú.

Kết luận


Chúng ta nhận thấy một con đường đã khởi đầu, mang theo nhiều hy vọng, nhưng con đường này chưa kết thúc, trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội. Chúng ta thoáng thấy những lối cần phải đi, một vài lối đã được mở ra, một vài lối còn xa vời hoặc còn nhiều trở ngại. Tuy nhiên chúng ta thấy có những dấu hiệu cho phép hy vọng. Hẳn nhiên, Chúa Thánh Thần hiện diện trên con đường này, cho dù gian truân, nhưng Ngài không bỏ rơi.

Trong những dấu hiệu hy vọng của Chúa Thánh Thần trên bước đường này là lời xin tha thứ mà Đức Gioan Phaolô II đã muốn cử hành tại đền thánh Phêrô vào tháng 3 năm 2000. Giáo hội muốn xin lỗi. Một trong những lời xin lỗi được dành cho các phụ nữ, bị tổn thương phẩm giá. Tôi muốn kết thúc bài này với những lời ấy, như dấu hiệu của hoán cải và canh tân :
Thú nhận những tội lỗi làm tổn thương phẩm giá của phụ nữ và sự đoàn kết nhân loại. Chúng ta hãy cầu xin cho tất cả những ai bị xúc phạm đến nhân phẩm và quyền lợi bị chà đạp. Chúng ta hãy cầu xin cho các phụ nữ thường bị khinh dể và loại trừ, và chúng ta thú nhận những hình thức đồng loã mà các Kitô hữu cũng liên lụy.
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con,
Chúa đã tạo dựng con người, nam và nữ, theo hình ảnh của Chúa và giống như Chúa. Chúa đã muốn có sự khác biệt giữa các dân tộc trong sự hợp nhất của gia đình nhân loại.
Thế nhưng, nhiều lần sự bình đẳng giữa các con cái Chúa đã không được nhìn nhận, và các Kitô hữu cũng mắc lỗi vì thái độ loại trừ, kỳ thị vì khác biệt sắc tộc màu da.
Xin tha tội chúng con, và ban cho chúng con ơn chữa lành những thương tích vẫn còn trong cộng đồng của Chúa mà tội lỗi gây ra, ngõ hầu hết mọi người cảm thấy là con cái của Chúa.
Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
__________

[1] Đức Phaolô VI, Diễn từ dành cho Trung tâm phụ nữ Italia (9.12.1972), in: Insegnamenti di Paolo VI, vol. X (1972), 1258.

[2] “Mais il serait infantile de croire que l’on puisse répondre à un appel de Dieu sans difficulté: une mission divine (depuis les prophètes déjà) ne s’est jamais avérée facile.” L. Artigas, Réflexion sur la Femme, aujourd’hui, dans la société et dans l’Église avec référence particulière à l’anthropologie culturelle. Bản văn đệ trình lên uỷ ban nghiên cứu phụ nữ, được lưu trữ trong văn khố của Hội đồng Giáo hoàng về giáo dân (PCPL).

[3] La Chiesa e l’Anno internazionale della donna 1975, a cura del Pontificio Consiglio per i Laici, 11.

[4] Uỷ ban do Đức cha Enrico Bartoletti làm chủ tịch, thành phần gồm 15 nữ và 10 nam, giáo sĩ và giáo dân, độc thân hoặc có gia đình, đại diện cho những nền văn hóa, quốc gia và lãnh vực chuyên môn khác nhau.

[5] La Chiesa..., 9.

[6] Ibid., 9.

[7] Trong tông thư Octogesima adveniens (14.5.1971), Đức Phaolô VI đã nói đến sự cần thiết phải xác định một quy chế, để loại trừ sự kỳ thị phụ nữ, tiến đến sự bình đẳng về quyền lợi và sự tôn trọng phẩm giá phụ nữ (x. OA, 13).

[8] Cùng với một vài cơ quan của Tòa thánh, uỷ ban sẽ chuẩn bị những bài phát biểu của Tòa thánh tại Hội nghị Mexicô năm 1975.

[9] “Il s’agit de recueillir, de vérifier, d’interpréter, de réviser, de mettre au point les idées exprimées sur la fonction de la femme dans la communauté moderne” (17.11.1973) (Insegnamenti di Paolo VI, vol. XI/1973,1113).

[10] Paolo VI, 6.11.1974, in La Chiesa..., 22. (Insegnamenti di Paolo VI, vol. XII/1974, 1056).

[11] X. Báo cáo của Uỷ ban nghiên cứu về phụ nữ, trình bày cho Thượng hội đồng giám mục 1974.

[12] Paolo VI, 18.4.1975, in La Chiesa..., 29. (Insegnamenti di Paolo VI, vol. XIII/1975,310-313).

[13] Paolo VI, 7.12.1974, in La Chiesa..., 25-28. (Insegnamenti di Paolo VI, vol. XII/1974, 1247-1250).

[14] Paolo VI, 31.1.1976, in La Chiesa..., 46. (Insegnamenti di Paolo VI, vol. XIV/1976, 70).

[15] Paolo VI, 31.1.1976, in La Chiesa..., 49. (Insegnamenti di Paolo VI, vol. XIV/1976, 72).

[16] Problèmes ouverts et questions posées (PCPL, documento VI).

[17] “Pendant des siècles, l’enseignement des philosophes et des théologiens a souvent accentué erronément les différences entre hommes et femmes et a été, pour celles-ci, sources de multiples discriminations. Aussi ressent-on aujourd’hui comme une nécessité de souligner mieux les éléments qui expriment l’égalité, la co-responsabilité. D’ailleurs, il ne s’agit pas d’abord et avant tout, de différences entre hommes et femmes, mais bien et surtout de la relation hommes-femmes” (Ibid., 2).

[18] G. Caprile, Il Sinodo dei Vescovi. Terza assemblea generale (27.9-26.10.1974), Roma 1975; La Chiesa..., 68-70.

[19] G. Caprile, Il Sinodo dei Vescovi 1974, 698.

[20] X. Paolo VI, 19.6.1975, in La Chiesa...,1975, 33-36.

[21] La Chiesa..., 68-70.

[22] P. Toinet, Quelques considérations philosophiques pour l’accomplissement ecclésial de la femme. (Bản đánh máy 14 trang : PCPL, documento V/A).

[23] M.-J. Le Guillou - P. Toinet, Contribution théologique. (Bản đánh máy 14 trang: PCPL, documento V/B).

[24] L. Artigas, Réflexion sur la Femme, aujourd’hui, dans la société et dans l’Église avec référence particulière à l’anthropologie culturelle (PCPL, documento V/C).

[25] Ibid., 3.

[26] E. Hamel, Le Christ et les femmes (PCPL documento V/D-a); La sexualité (PCPL, documento V/D-b); Autorité et responsabilité dans l’Église (PCPL, documento V/D-c).

[27] “La femme et la théologie: Ne peut-on pas croire que la femme-théologien pourrait donner à la théologie un apport, original, différent et enrichissant? L’approche théologique d’une femme au mystère du Christ et de Marie, par exemple, ne serait-elle pas différente, tout en demeurant parfaitement orthodoxe? Encore ici, selon nous, la question n’est pas tellement do savoir si la femme peut-être théologienne, mais quel apport spécifique elle peut apporter à la théologie, en étant femme-théologien [...]. Selon nous, c’est précisément en raison de sa façon différente de voir les problèmes que la femme pourrait jouer un rôle unique en théologie. C’est sa diversité même qui lui permettrait d’apporter une contribution originale. Il est remarquable de constater que la plupart des articles sur le problème du ministère des femmes et sur son rôle dans l’Église, ont été écrits par des hommes. Sentiment de pitié? Volonté de réparation? Découverte soudaine du problème? Et les femmes n'auraient-elles rien à nous dire sur ce problème qui les intéresse directement? N’est-ce pas un peu comme si la majorité des articles écrits récemment sur le visage nouveau du prêtre aujourd’hui avaient été écrits par des femmes?” (Edouard Hamel, Le Christ et les femmes (PCPL documento V/D-a, 14 août 1973, 5).

[28] L’être humain, homme et femme, dans le dessein de Dieu, n.5. Bản văn đánh máy [PCPL, documento III/A.1].

[29] P. Vinaltier, “L’autre semblable ”. La personne humaine: homme et femme. Apport de quelques Sciences humaines. Bản đánh máy 10 trang [PCPL, documento III/A.2], 1).

[30] M.-J- Le Guillou, “La novità della prospettiva evangelica nei riguardi della donna,” in La Chiesa..., 86-90.

[31] F. Biffi, “La donna in una società a dimensioni mondiali: 1975,” in La Chiesa..., 113-158.

[32] F. Biffi, “La donna..., 115.

[33] Ibid.

[34] Ibid., 116.

[35] F. Biffi, “La donna..., 145.

[36] Những đề nghị này cũng đã được đệ trình Thượng hội đồng giám mục thế giới vào năm 1974.

[37] PCPL, documento II/c.

[38] Đức Phaolô VI ban hành 2.2.1974.

[39] Paolo VI, 19/6/1975, in La Chiesa..., 33-36.

[40] Ibid., 34.

[41] Đức Gioan Phaolô II ban hành 30.12.1988.

[42] Propositio 46. Citata in ChL 49.

[43] Chistifideles Laici, 49.

[44] Đức Gioan Phaolô II ban hành 15.8.1988.

[45] C. Militello, Maria con occhi di donna, Casale Monferrato 1999, 20.

[46] M.-J. Le Guillou - P. Toinet, Contribution théologique (PCPL, documento V/B, n.3).

[47] J. Ratzinger, “La donna, custode dell’essere umano. Breve introduzione alla lettera apostolica ‘Mulieris dignitatem’”, in J. Ratzinger - E. Gössmann, Il tempo della donna, Brescia 1990, 10-11.

[48] Nên biết là nhân dịp Hội nghị Quốc tế phụ nữ, sứ điệp cho ngày hòa bình thế giới (1.1.1995) cũng lấy phụ nữ làm đề tài: “Phụ nữ, nhà giáo dục hoà bình”. Một cách tương tự, thư của Đức thánh cha Gioan Phaolô II gửi các linh mục vào nggày thứ năm tuần thánh cũng lấy chủ đề “Linh mục và phụ nữ”. [ND].

[49] Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi các phụ nữ, 29.6.1995.

[50] Đức Gioan Phaolô II, 26.5.1995, (Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XVIII/1/1995, 1571-1577).

[51] Nên biết là phái đoàn Toà thánh do một phụ nữ dẫn đầu, giáo sư Mary Ann Glendon [ND].

[52] Đức Phaolô VI, tông thư Multiformis Sapientia Dei, 27.9.1970 (AAS 1970, 185-192).

[53] Đức Phaolô VI, Tông thư Mirabilis in Ecclesia Deus, 4.10.1970 (AAS 1970, 674-682).

[54] Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Divini amoris scientia, 19.10.1997, (Insegnamenti di Giovanni Paolo II, vol./1997, 1075-1082).

[55] Trong tiếng Latinh, doctor Ecclesiae không phải là một “học vị” (tiến sĩ) cho bằng một “địa vị” (thầy dạy của Giáo hội). Năm 2012, Đức Bênêđictô XVI đã tôn phong vị thứ bốn là thánh nữ Hildegard Bingen (1098-1179) [ND].

[56] Đức Phaolô VI, Bài giảng thánh lễ, 27.9.1970, (Insegnamenti di Paolo VI, vol. VIII/1970, 953-954).