Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

MỤC VỤ : HOẠT ĐỘNG VÀ THẦN HỌC

Thời sự Thần học - Số 59, tháng 02/2013, tr. 106-130

I. Hoạt động mục vụ 
  • A. Những từ ngữ
  • B. Mục tử nhân lành
  • C. Hoạt động mục vụ trải qua các thời đại 
II. Thần học mục vụ
  • A. Những bước khởi đầu
  • B. Cho đến công đồng Vat. II
  • C. Công đồng Vat. II
  • D. Sau công đồng

Phan Tấn Thành


Mục vụ trở thành một trong những thuật ngữ quen thuộc nhất trong Giáo hội kể từ công đồng Vaticanô II. Công đồng đã ban hành một hiến chế “mục vụ” (Gaudium et spes), và một sắc lệnh về “phận sự mục vụ của giám mục” (Christus Dominus). Sau công đồng, chúng ta thấy nảy ra nhiều cơ quan mục vụ: từ các “hội đồng mục vụ” cho đến “trung tâm mục vụ” tại các giáo phận và giáo xứ; từ các hoạt động “mục vụ hôn nhân, mục vụ giới trẻ” của các linh mục cho đến các cuộc “thực tập mục vụ” của các chủng sinh. Cách riêng, trong các chủng viện và học viện, bên cạnh các ngành thần học cổ truyền (kinh thánh, tín lý, luân lý), “thần học mục vụ” (pastoral theology) được phát triển không những như một chuyên ngành mà còn muốn biến tất cả thần học thành mục vụ (có nơi gọi là “thần học thực hành” (practical theology). Thế nhưng ít người đặt câu hỏi: “mục vụ là gì”? Phải chăng mục vụ có nghĩa là “thực hành”, đối lại với “lý thuyết”? Hay là “thực tiễn, thực dụng” không cần đến lý thuyết nữa, nghĩa là có thể gạt bỏ thần học và thậm chí đạo lý đức tin?[1] Trong bài này, chúng ta cố gắng tìm hiểu những ý nghĩa của từ “mục vụ” trải qua lịch sử, cách riêng ôn lại những cái nhìn khác nhau về “hoạt động mục vụ” và “thần học mục vụ”. Thật vậy, “hoạt động mục vụ” phần nào gắn liền với bản chất của Hội thánh ngay từ lúc đầu, còn “thần học mục vụ” thì mới phát triển trong vòng hai thế kỷ gần đây. Đó là hai phần chính của bài viết.

I. Hoạt động mục vụ


A. Những từ ngữ: Mục vụ - Mục tử


Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng nên ôn lại vài khái niệm về từ ngữ. “Mục vụ” là một từ ngữ riêng của Công giáo, chứ không được dùng trong văn chương hoặc trong các tôn giáo khác.[2] Nên nói thêm là từ “mục vụ” mới ra đời vào những năm họp công đồng Vaticanô II để dịch từ pastoralis (Latinh; pastoral trong tiếng Pháp, Anh), là một tính từ liên quan đến pastor (mục tử). Trước đây, từ này được dịch là “chăn chiên, chủ chăn” (Chúa Giêsu, đấng chăn chiên lành). Tại sao dịch “chăn chiên” mà không phải là chăn súc vật khác (chăn trâu, chăn bò, chăn dê, chăn vịt)? Câu hỏi này không khó trả lời: thưa bởi vì Kinh thánh ra đời trong văn hóa Cận đông, nơi mà người ta chỉ biết đến chăn chiên, chứ không quen hình thức chăn trâu, chăn bò. Dù sao điều quan trọng cần ghi nhận từ “mục tử” đã được dùng để áp dụng cho chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là mục tử của dân Israel. Có lẽ ý tưởng này chớm nở từ lúc ông Đavít từ một mục đồng được nâng lên làm vua; từ đó người lãnh đạo dân được gọi là kẻ “chăn dắt”, và rồi, vị lãnh đạo tối cao cũng được ví với người mục tử: chính Thiên Chúa là Đấng đã dẫn đưa dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ, đã dẫn họ về miền đất hứa (x. Tv 78, 52-55; Xh 15,13; Is 40,1); cũng chính Người sẽ dẫn Israel từ nơi lưu đày trở về (x. Dc 10,8-12; Is 49,1-26; Mk 2,12). Như vậy, từ kinh nghiệm của một ông vua mục đồng, người ta gán hình ảnh ấy cho Thiên Chúa; để rồi quay ngược lại, các ông vua cũng phải nhìn lên Thiên Chúa để học biết cách thức dẫn dắt đoàn dân: một mục tử hiền lành, nhẫn nại, tận tụy, quan tâm đến các chiên yếu ớt. Tiếc rằng các vua của Israel đã không cư xử như vậy, khiến cho đất nước tan hoang. Trong bối cảnh đó, người ta mong đợi một vị vua lý tưởng (Mêsia) với các đức tính của một mục tử nhân lành (Ed 34,23; 37,24; Gr 23,1-6).

B. Mục tử nhân lành


Vì thế không lạ gì Tân Ước trình bày Đức Giêsu, Đấng Mêsia, như là một mục tử. Bên cạnh các hình ảnh “ngôn sứ - tư tế - vua”, Đức Giêsu còn được giới thiệu như một mục tử. Người đến vào lúc đoàn dân đang bị tản mác không người chăn dắt (Mc 6,34; Mt 9,36). Theo Tin Mừng Gioan, Người là mục tử nhân lành, biết đoàn chiên của mình, hiến mạng sống của mình cho các con chiên, quy tụ các chiên thành một đàn dưới một mục tử (Ga 10,1-18; x. 1Pr 2,15). Đoàn chiên ấy đã được thành hình với các môn đệ và những người nghe tiếng của Người. Sau khi phục sinh, Người đã ủy thác cho thánh Phêrô nhiệm vụ tiếp tục việc chăn dắt đoàn chiên ấy (Ga 21,15-17). Không những thánh Phêrô mà các thánh tông đồ đã ý thức vai trò của họ là phải noi gương Thầy trong việc chăm sóc đoàn chiên (xc. 1 Pr 5,2-4; Cv 20,28-29). Đến lượt thánh Phaolô cũng đã để lại những quy tắc cho các môn đệ thân tín, Timôtê và Titô, trong việc thi hành sứ mạng, được gọi là “các thư mục vụ” (hoặc “mục tử”: epistulae pastorales).

C. Hoạt động mục vụ trải qua các thời đại


Một cách tổng quát, ta có thể nói được rằng tất cả các hoạt động của Giáo hội đều là “mục vụ”, theo nghĩa là nối dài hoạt động của Đức Giêsu vị Mục tử nhân lành, ngõ hầu ơn cứu độ được mang đến cho mọi nơi mọi thời. Xét theo nguyên tắc, chủ thể của các hoạt động là toàn thể Hội thánh, nhưng trên thực tế, người ta thường thu hẹp vào những hoạt động của các vị “chủ chăn”, được hiểu về các giám mục và các linh mục. Tác giả sách Tông đồ công vụ đã tóm tắt vài hoạt động điển hình (x. Cv 2,42-47; 4,32-35): loan báo Tin Mừng (kerygma), giảng dạy (didakhe), cử hành lễ bẻ bánh (leiturgia), kiến tạo hiệp thông (diakonia, koinonia).

Theo dòng thời gian, những hoạt động cơ bản ấy sẽ được khai triển thành nhiều hình thức tùy thuộc vào những hoàn cảnh lịch sử, những điều kiện văn hóa xã hội. Một thí dụ cụ thể: từ thời các thánh tông đồ, cách thức tổ chức các cộng đoàn đã khác biệt tại Giêrusalem và Antiôkia (Cv 13,1), những cộng đoàn tín hữu gốc Do thái hay dân ngoại; sau khi các thánh tông đồ qua đi, cách thức quản trị cũng thay đổi. Từ đó, chúng ta cũng hình dung được rằng hoạt động “mục vụ” của Giáo hội mang hình dạng khác nhau, khi cộng đoàn Kitô hữu chỉ là một thiểu số trong Đế quốc Rôma, hoặc khi đã được thừa nhận làm quốc giáo. Hoạt động “mục vụ” của Giáo hội tại châu Âu thời Trung cổ khi Kitô giáo đã ăn sâu vào các cơ chế xã hội thì khác với hoạt động “mục vụ” của Giáo hội tại những nơi mà công cuộc loan báo Tin Mừng còn ở giai đoạn sơ khởi.

Nên biết rằng trước đây, các suy tư về “hoạt động mục vụ” dựa theo tình trạng sống đạo tại châu Âu, với những biến chuyển tôn giáo, văn hóa, chính trị tại đây. Một cách tổng quát, người ta nhận thấy vài khúc quặt lớn như sau:

1. Thời Trung cổ (tk VIII-XV)

Hầu hết dân cư đã theo Kitô giáo. Giáo hội xuất hiện như một thành tố của cấu trúc xã hội. Tôn giáo chi phối cuộc sống văn hóa, chính trị của người dân. Giáo luật và dân luật nhập làm một trong việc ổn định trật tự. Hai kẻ thù chính của Giáo hội cũng như của xã hội là: các lạc giáo (đối nội) và Hồi giáo (đối ngoại); vì thế để đương đầu, cần thiết lập các Tòa Tra (Inquisitio) và các cuộc viễn chinh để chiếm lại Đất thánh (Thập tự quân). Trong tổ chức nội bộ, có sự phân biệt giữa các hàng ngũ (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân), cũng như việc xác định ranh giới (lãnh thổ) các giáo phận và giáo xứ. Bởi vì tiếng Latinh đã trở thành xa lạ, cho nên các giáo dân không còn tham gia phụng vụ cách tích cực, và thay vào đó là các hình thức đạo đức bình dân. Ý thức cộng đồng suy giảm, đưa đến sự phát triển các phong trào tâm linh cá nhân.

2. Thế kỷ XVI-XVII


Cuộc cải cách của Tin Lành đã gây ra nhiều cú “sốc” cho Giáo hội Công giáo. Thực ra trên bình diện chính trị, trong vài thế kỷ trước đó, sự thành hình của các quốc gia đã làm suy giảm phần nào quyền lực của Giáo hoàng trên các nhà lãnh đạo chính trị (thế quyền). Cuộc cải cách của Luterô đã làm Giáo hội lung lay nhiều hơn nữa, không những vì có những vùng đất đã tách rời khỏi sự kiểm soát của Giáo hoàng, mà hơn nữa, ông còn đòi xét lại cơ cấu của Giáo hội, dựa trên đức tin cá nhân, tuân theo Lời Chúa và chức tư tế phổ quát. Để phản ứng lại, công đồng Trentô khẳng định vai trò của Giáo hội trong việc thông truyền các chân lý mạc khải, cơ cấu phẩm trật của Hội thánh, hiệu quả “ex opere operato” của các bí tích. Công đồng muốn củng cố lòng đạo đức của các tín hữu dựa trên việc thờ lạy Mình Thánh Chúa, lòng tôn kính Đức Mẹ, giảng dạy giáo lý (và tỏ ra dè dặt với việc đọc Kinh thánh). Các linh mục chú trọng đến việc cử hành bí tích hơn là việc giảng Lời Chúa.

3. Thế kỷ XVIII-XIX

Đứng trước những cuộc cách mạng chính trị xã hội châu Âu, Giáo hội tách rời khỏi xã hội và hoạt động mục vụ mang tính phòng thủ để bảo vệ đức tin trước những trào lưu lầm lạc. Mối bận tâm chính là giáo dục về luân lý, cổ động việc năng lãnh nhận bí tích và những việc đạo đức. Vào cuối thế kỷ XIX, bắt đầu những cuộc canh tân đời sống đạo: phong trào Kinh thánh, phong trào phụng vụ, phong trào hoạt động xã hội, cũng như nhiều hội đoàn cổ vũ hoạt động tông đồ giáo dân.

4. Thế kỷ XX

Vào đầu thế kỷ, đã có những sự chuyển hướng về mục vụ, muốn đem Lời Chúa vào cuộc sống. Những biến đổi rõ rệt nữa trong thời kỳ giữa hai thế chiến, với ý thức về việc tham dự phụng vụ tích cực, vai trò của các giáo dân trong Giáo hội, hoạt động đại kết, việc canh tân thần học dựa trên Kinh thánh và các giáo phụ. Một biến cố quan trọng trong đời sống Giáo hội vào giữa thế kỷ là công đồng Vaticanô II. Chúng tôi sẽ trở lại với những định hướng mục vụ của công đồng trong mục tới, khi bàn đến những ảnh hưởng của công đồng đối với thần học mục vụ. Ở đây chỉ cần ghi nhận rằng công đồng không chỉ bận tâm với tình hình châu Âu, nhưng còn nhìn ra toàn thế giới, với những cách thức sống đạo khác nhau. Điều này sẽ được nhận thấy khá rõ vào những năm sau công đồng. Đang khi tại châu Âu, Giáo hội bận tâm với tình trạng tục hóa, thì châu Á chủ trương rằng việc đối thoại với văn hóa và tôn giáo cần được ghi vào hàng ưu tiên; châu Mỹ Latinh muốn phân tích vai trò của Tin Mừng đối với việc thực hiện công bình xã hội, còn châu Phi thì đặt vấn đề tương quan giữa phát triển kinh tế với phát triển tâm linh. Các văn kiện Tòa thánh nhắc đến các hình thức “loan báo Tin Mừng”, “mục vụ”, “tái loan báo Tin Mừng” không hoàn toàn dựa trên ranh giới địa lý ở một lục địa cho bằng những biên cương văn hóa.

Dù sao, hoạt động “mục vụ” không còn chỉ là nhiệm vụ của các “mục tử” chăn dắt đoàn chiên của Chúa nữa, nhưng bao gồm toàn thể những sinh hoạt nhằm đưa Tin Mừng vào thế giới. Thần học mục vụ nhằm tìm ra những đường hướng để thực hiện mục tiêu ấy.

II. Thần học mục vụ


Có thể nói được rằng thần học mục vụ vừa cũ vừa mới. Cũ theo nghĩa là từ thời các thánh tông đồ và các giáo phụ đã có những văn bản hướng dẫn việc thi hành chức vụ mục tử, chẳng hạn như các thư mục tử của thánh Phaolô, hoặc cuốn Regula pastoralis (Quy luật của người mục tử) của thánh Grêgôriô Cả (540-604). Sang thời Trung cổ, nhiều cuốn sách Manualium curatorum (Cẩm nang của việc coi sóc các linh hồn) ra đời vào thế kỷ XIII. Từ sau công đồng Trentô, các giám mục đã soạn nhiều Directorium (Kim chỉ nam) dành cho các cha sở. Tuy nhiên, hầu hết những tác phẩm đó gồm những lời khuyên răn hoặc những quy tắc pháp lý cần tuân giữ khi thi hành nhiệm vụ coi sóc các linh hồn (cura animarum), chứ không có tính cách giáo khoa bài bản, từ đó mới nảy ra nhu cầu phải thiết lập một bộ môn mới, mang tên là “thần học mục vụ”.[3] Chúng ta hãy theo dõi những bước tiến của nó. Điều thú vị là trong lãnh vực này, giữa Công giáo và Tin lành đều có những ảnh hưởng hỗ tương.

A. Những bước khởi đầu


1/ Các sử gia cho rằng thần học mục vụ khởi đầu với việc cải tổ chương trình đào tạo linh mục tại các chủng viện trong Đế quốc Đức-Áo năm 1774, dưới thời Nữ hoàng Maria Têrêsa, do đề nghị của viện phụ Stephan Rautenstrauch (1734-1785). Theo dự án của cha, mục vụ cần được dạy cách quy củ, gắn liền với các môn thần học, chứ không phải chỉ là một số thủ thuật thực hành. Thần học mục vụ nhắm đào tạo các mục tử tốt, và cần dạy cách quy củ về những bổn phận của vị mục tử. Nội dung của môn này được phân phối thành ba mục chính: a) giảng dạy; b) ban các bí tích; c) quản trị. Trong phần thứ nhất, các chủng sinh sẽ được dạy về cách dạy giáo lý (catechetica) và giảng thuyết (homiletica). Trong phần thứ hai, chủng sinh sẽ được huấn luyện cách riêng về việc giải tội, xức dầu bệnh nhân, hôn phối, cũng như “chữ đỏ”. Trong phần quản trị gồm những gì liên quan đến việc xây dựng cộng đoàn. Quan niệm về ba phần của thần học mục vụ sẽ gây ảnh hưởng lâu dài xét về các đề mục; đối lại, cũng không thiếu những điểm bị chỉ trích, chẳng hạn như cha Rautenstrauch đã coi nhẹ thần học tín lý và luân lý, và việc đào tạo thần học xem ra nhằm đào tạo các công chức của guồng máy hành chánh.

2/ Trong khi ấy, về phía Tin lành, việc suy tư về hoạt động Giáo hội đưa đến sự hình thành “thần học thực hành” (theologia practica: Praktísche Theologíe). Duy có điều là thuật ngữ “thần học thực hành” không ám chỉ một ngành của thần học nhưng là một định hướng cho toàn thể thần học. Để hiểu tư tưởng này, cần phải trở về với tư tưởng Lutêrô, một người chú trọng đến “cảm nghiệm đức tin” hơn là “đạo lý đức tin”, và lòng tin ấy dựa trên việc gắn bó với Lời Chúa. Dựa trên những tiền đề ấy, và do ảnh hưởng của Schelling, ông Friedrich Schleiermacher (1768-1834) đưa ra một kế hoạch cải tổ thần học. Thần học không nhắm đi tìm chân lý tuyệt đối (đã bị Kant phủ nhận), nhưng nhằm đến một mục tiêu cụ thể là “điều hành Giáo hội”. Thần học được chia làm ba ngành: a) thần học nền tảng, học về bản tính của các tôn giáo, và tính cách khoa học của nó (gồm môn hộ giáo); b) thần học lịch sử nêu bật vai trò của Giáo hội trải qua dòng thời gian (gồm môn chú giải Kinh thánh, lịch sử Giáo hội, tín lý, và thống kê); c) thần học thực hành hướng đến việc điều khiển Giáo hội, bằng cách xác định những tiến trình, những phương tiện cần theo. Dù dự án của Schleiermacher bị chỉ trích, nhưng ông vẫn được nhìn nhận như cha đẻ của “thần học thực hành.”

3/ Hai tác giả vừa kể có thể coi như hai nhà tiên phong của thần học mục vụ (Công giáo) và thần học thực hành (Tin lành). Riêng về phía Công giáo, nhiều sách “thần học mục vụ” đã được xuất bản, trong đó người ta gom góp những chỉ dẫn thực hành cho việc coi sóc các linh hồn, chứ chưa quan tâm đến khía cạnh học thuyết về bản chất của môn học.

B. Cho đến công đồng Vaticanô II


1/ Dưới khía cạnh học lý, mãi đến giữa thế kỷ XIX mới có một bước tiến nhờ tác phẩm của Anton Graf (1811-1867), thuộc trường phái Tübingen.[4] Tuy là nhà thần học công giáo, nhưng tác giả thích thuật ngữ “Thần học thực hành” hơn là “Thần học mục vụ”. Tuy nhiên, tác giả hiểu “thực hành” không theo nghĩa là “áp dụng, thực tiễn” nhưng như là hành động để xây dựng Giáo hội. Như vậy đã có một sự chuyển hướng quan trọng: thần học mục vụ không chỉ dừng lại ở việc thi hành các công tác của mục tử, nhưng cốt ở việc xây dựng Giáo hội. Để xây dựng Giáo hội, cần có nhiều yếu tố: a) những yếu tố siêu việt (Thiên Chúa, Đức Kitô, Thánh Linh, ân sủng, mạc khải); b) các cơ chế (lễ lạy, đền thờ, Sách thánh); c) những yếu tố cá nhân và xã hội (linh đạo, giáo dục, đời sống đạo). Nói đúng hơn, tác giả hiểu Giáo hội như toàn thể Dân Chúa chứ không thu hẹp vào các linh mục. Thực ra, phải chờ đến công đồng Vaticanô II thì quan điểm này mới được chấp nhận, nhưng ít là chúng ta biết được những ai đã gieo mầm từ một thế kỷ trước! Trên thực tế, Joseph Amberger (1816-1889), một môn đệ của Graf đã bài bác tư tưởng của thầy và trở về với khái niệm cổ điển về thần học mục vụ (nghĩa là nhằm giúp các linh mục thi hành nhiệm vụ của mình). Michael Benger (1822-1870) loại bỏ ý định xây dựng Giáo hội, bởi vì chính Chúa Thánh Linh mới thực sự là vị kiến tạo Giáo hội; do đó, thần học mục vụ cần trở về với khuôn mẫu cổ điển là giúp cho các linh mục thi hành nhiệm vụ của mình.

2/ Phải chờ đến giữa thế kỷ XX mới có những bước đột phá trong lãnh vực thần học mục vụ. Franz Xavier Arnold[5] chủ trương cần phải suy nghĩ về bản chất của hoạt động mục vụ. Hoạt động mục vụ được nhìn như môi giới để chuyển thông ơn cứu độ. Trong tiến trình cứu độ, Thiên Chúa là nguyên nhân chính yếu, còn Giáo hội là dụng cụ. Vai trò của thần học mục vụ suy tư về những hình thức hoạt động của Giáo hội: Lời Chúa, các bí tích, việc chăm sóc các linh hồn. Trong kế hoạch này, các giáo dân có một vai trò tích cực.

Đang khi bên Đức người ta đặt nặng vấn đề suy tư về bản tính thần học của mục vụ, thì bên Pháp người ta muốn tìm những biện pháp cụ thể để đem Tin Mừng vào một môi trường xã hội sống xa Thiên Chúa giáo. Phải chăng nước Pháp là một xứ truyền giáo? Câu hỏi được đặt làm tựa đề cho một cuốn sách của cha Henry Godin (1943). Vào thời này, nhiều “linh mục thợ” dấn thân hoạt động giữa giới công nhân, một môi trường chịu nhiều ảnh hưởng của phong trào xã hội. Đồng thời, người ta đề ra kế hoạch “mục vụ chung” (pastorale d’ensemble) canh tân các giáo xứ qua việc huy động tất cả nguồn nhân lực để hành động (thay vì dành riêng cho cha sở).[6] Một cách tương tự, ở cấp giáo phận cũng cần nghĩ đến “mục vụ chung”, nghiên cứu việc truyền đạo cho các nhóm xã hội, chứ không chỉ hướng đến các cá nhân. Trong việc nghiên cứu này, ngành xã-hội-học góp phần quan trọng.

C. Công đồng Vaticanô II


Công đồng Vaticanô II không xuất bản một tác phẩm về thần học mục vụ, nhưng đã vạch ra nhiều hướng đi cho những khuynh hướng thần học sau đó. Nên biết là trong các văn kiện của công đồng, thuật ngữ “thần học mục vụ” chỉ xuất hiện một lần (trong Hiến chế về phụng vụ số 16); còn từ “mục vụ” thì được dùng nhiều hơn, và cũng đã gây ra nhiều tranh cãi sôi nổi.

Có tác giả không dựa theo việc phân tích từ ngữ của các bản văn, nhưng đi thẳng vào “mục tiêu mục vụ” của công đồng do chính Đức Gioan XXIII đã vạch ra trong bài giảng khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 1962, theo đó công đồng: a) cần phải trung thành bảo vệ đạo lý Kitô giáo và tìm những phương pháp truyền thụ cách hữu hiệu; b) việc truyền thông phải nhằm đến con người thời đại, gồm cả hồn cả xác, vừa là cá nhân vừa là phần tử xã hội, vừa sinh sống trên trần gian vừa hướng đến cứu cách vĩnh cửu; c) cách riêng, trong việc trình bày đạo lý, cần lưu ý đến hoàn cảnh lịch sử, thích ứng với những đòi hỏi của thời đại; d) mục tiêu tối hậu của công đồng là cổ võ sự hợp nhất trong nội bộ Giáo hội, sự hợp nhất với các anh em ly khai, sự hợp nhất với tín đồ các tôn giáo, sự hợp nhất của gia đình nhân loại.

Dựa theo ý hướng ấy, ủy ban biên soạn “hiến chế mục vụ” về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et spes) đã phải lên tiếng biện minh cho việc lựa chọn tựa đề. Tại sao gọi là “hiến chế mục vụ”: phải chăng vì muốn đối lại với hai “hiến chế tín lý” (về Giáo hội, về mạc khải)? Phải chăng “mục vụ” đối chọi với “tín lý? Người ta đã trả lời rằng gọi là “hiến chế” vì muốn nêu bật tầm quan trọng của nội dung đạo lý (chứ không chỉ là một sứ điệp); còn gọi là “mục vụ” bởi vì liên quan đến cách thức trình bày đạo lý ấy, bao gồm nhiều lãnh vực (tín lý, luân lý, kỷ luật) liên quan đến thế giới hôm nay, và hướng đến con người thời nay (công giáo, không công giáo, ngoài Kitô giáo).[7] Dù sao, văn kiện này đã làm thay đổi quan niệm về “mục vụ”, bởi vì không còn hạn chế vào các chức vụ của “mục tử” theo quan điểm cổ truyền nữa, nhưng bao gồm toàn thể sứ mạng của Hội thánh trong thế giới hôm nay.[8] Người ta cũng nhận thấy sự mới mẻ của văn kiện ở phương pháp lý luận: không khởi đầu bằng những nguyên tắc tín lý, nhưng khởi đi từ sự phân tích tình hình hiện tại, tìm hiểu những thao thức của con người; kế đó tìm lời giải đáp nhờ Lời Chúa soi sáng (như vậy là đường lối quy nạp, thay vì diễn dịch). Công đồng cũng du nhập từ ngữ “dấu chỉ thời đại” (số 4; 11; 44) nhằm khám phá tiếng Chúa qua các biến cố lịch sử hôm nay.

Nên biết là ngoài hiến chế “mục vụ”, công đồng vẫn còn dùng từ “mục vụ” theo nghĩa cổ truyền, cách riêng khi nói đến nhiệm vụ của các giám mục (Christus Dominus), hoặc việc đào tạo các chủng sinh thành những “mục tử các linh hồn” nhờ tác vụ lời Chúa, thánh hóa và mục vụ (Optatam totius, 4). Tuy nhiên, cũng trong văn kiện này, ở số 16, công đồng nhắc nhở rằng trong việc đào tạo thần học, các chủng sinh cần được huấn luyện để nhìn nhận các mầu nhiệm cứu độ hiện diện trong các cử hành phụng vụ, cũng như học hỏi cách giải quyết nhưng vấn đề nhân sinh dưới ánh sáng của mạc khải, và áp dụng những chân lý vĩnh cửu vào các điều kiện hay thay đổi của thế giới này. Như vậy, chiều kích “đạo lý” cần được kết hợp với chiều kích “lịch sử” của việc rao giảng Lời Chúa.

D. Sau công đồng Vaticanô II


Sau công đồng, người ta thấy có nhiều khuynh hướng trong thần học mục vụ. Trên phương diện lý thuyết, người ta tìm cách xác định vị trí của nó trong thần học: đó là một ngành áp dụng của thần học, hay là một định hướng thần học (chiều hướng mục vụ của thần học)? Nhiều nơi cũng muốn du nhập “thần học thực hành” từ Tin Lành, để thay thế “thần học mục vụ”. Bên cạnh đó, nhiều khi “thần học mục vụ” được hiểu như là “suy tư thần học” về hoạt động của Giáo hội. Theo quan niệm này, điều quan trọng không phải là xây dựng một học thuyết về thần học mục vụ, cho bằng đề ra một kế hoạch hoạt động mục vụ cho Giáo hội, từ cấp giáo xứ, giáo phận, quốc gia. Nói khác đi, người ta nhấn đến “phương pháp hoạt động mục vụ” hơn là “phương pháp thần học mục vụ”.

1. Những khuynh hướng thần học mục vụ

Theo cha Midali,[9] đừng kể những nơi vẫn còn coi “mục vụ” như một lớp học về những kỹ năng thực hành, có ba khuynh hướng chính trong thần học mục vụ:

a) Khuynh hướng cổ truyền, xoay quanh hàng “giáo sĩ” (clerocentrica), cho rằng thần học mục vụ là việc thi hành chức vụ của các mục tử (giám mục và linh mục): ngôn sứ, tư tế, cai quản, tóm vào bốn hoạt động (giảng Lời Chúa, phụng tự, hiệp thông và phục vụ).[10]

b) Khuynh hướng thứ hai đặt Giáo hội làm trung tâm (ecclesiocentrica). Chủ thể của hoạt động mục vụ là cộng đồng các Kitô hữu, gồm bởi các vị chủ chăn (giáo sĩ), các giáo dân, các tu sĩ, sinh hoạt giữa xã hội nhân loại. Vì thế trọng tâm đặt ở mối tương quan giữa Giáo hội và xã hội.[11]

c) Khuynh hướng thứ ba lấy trung tâm là con người hoặc Nước trời (antropocentrica, regnocentrica). Họ muốn đi ra ngoài biên cương của Giáo hội, để gặp gỡ những nền văn hóa, những tôn giáo, những chủng tộc, những chủ nghĩa chính trị. Trọng tâm đặt ở Nước Trời, mà theo họ, hiện diện kể cả bên ngoài ranh giới của Kitô giáo.[12] Khuynh hướng này khá mạnh nơi các tác giả Tin lành, và họ thích dùng từ ngữ “thực hành” (thay cho “mục vụ”). Chúng ta có thể kể ra J. Moltmann như một tác giả điển hình, cùng với nhiều thần học gia Á châu, và chúng ta cũng có thể xếp “thần học chính trị” (J.B. Metz), “thần học giải phóng” (Mỹ châu Latinh) trong khuynh hướng này.

Nói chung, các tác giả Công giáo nghiêng về khuynh hướng thứ hai, tuy có người tiếp tục muốn duy trì từ ngữ “thần học mục vụ” nhưng cũng có người muốn thay thế bằng “thần học thực hành”. Như đã nói trên, thuật ngữ “thần học thực hành” bắt nguồn từ các tác giả Tin lành, và mang một lãnh vực rộng hơn là “thần học mục vụ”, bởi vì bên Tin lành, gồm cả thần học luân lý nữa (thực hành Lời Chúa trong cuộc sống cá nhân hay cộng đồng). Ngoài ra thiết tưởng cũng không nên quên ý nghĩa hàm hồ của từ “thực hành” (praxis). Thực hành không chỉ đối lại với lý thuyết mà còn bao hàm nhiều ý tưởng khác. Triết học Hy-lạp phân biệt praxis (hành động nội tại, thí dụ hành vi nhân đức) và poiesis (hành động ngoại tại). Đối với Marx, praxis được đặt làm tiêu chuẩn của chân lý, và hiểu về hoạt động cách mạng thay đổi xã hội. Thiết tưởng cũng đừng lẫn lộn giữa “thần học thực hành” và “thực hành thần học”. Thuật ngữ này đã được dùng làm tựa đề của một bộ sách thần học[13] đã được dịch ra tiếng Việt.

2. Mục tiêu và những đề tài của thần học mục vụ

Thần học mục vụ suy tư về hoạt động của Giáo hội. Điều này giả thiết một ý thức rõ rệt về sứ mạng của Giáo hội: Giáo hội là gì? Giáo hội để làm gì? Môn Giáo hội học (Ecclesiologia) trả lời cho câu hỏi thứ nhất; môn thần học mục vụ trả lời cho câu hỏi thứ hai. Giữa hai câu hỏi đó có liên hệ mật thiết. Theo thứ tự luận lý thì hiện hữu đi trước, hoạt động đi sau (operari sequitur esse); nhưng nhìn lại lịch sử, chính lúc hoạt động mà Giáo hội thể hiện chính mình và ý thức hơn về sứ mạng và căn tính của mình. Chúng ta có thể lấy công đồng Vaticanô II là một ví dụ: Giáo hội học được bàn trong hiến chế Lumen gentium, còn thần học mục vụ được bàn trong hiến chế Gaudium et spes. Giữa hai bên có sự liên lạc. Hiến chế Lumen gentium ra đời trước hiến chế Gaudium et spes: khi soạn thảo văn kiện sau, người ta phải quy chiếu về văn kiện trước (xem số 40-43); tuy nhiên khi hướng đến thế giới và con người thời nay, Giáo hội nhận ra rằng mình cho đi nhưng cũng nhận lại từ các nền văn hóa (số 44), và Giáo hội cũng khám phá sứ mạng của mình nhờ lắng nghe dấu chỉ thời đại. Một cách tương tự như vậy, thần học mục vụ cần đến Giáo hội học để biết rõ căn tính của Hội thánh, và đồng thời khi suy nghĩ về các “hoạt động” của Hội thánh thì cũng làm sáng tỏ hơn sứ mạng của Hội thánh trong thời đại hôm nay.

Cụ thể, thần học mục vụ nghiên cứu cách thức thực hiện sứ mạng của Giáo hội, có thể tóm tắt vào việc phục vụ đức tin qua ba cấp độ sau đây:[14]

a) Dẫn nhập vào đức tin. Đức tin là một hồng ân do Chúa ban, nhưng cũng mong chờ sự đón nhận về phía con người; sự đón nhận này liên hệ đến cả một lối sống. Giáo hội có nhiệm vụ trình bày lời mời gọi của Chúa cho con người.

b) Dẫn dắt đức tin đến mức trưởng thành. Một khi con người đã chấp nhận đáp lại lời cứu độ của Chúa bằng đức tin, Giáo hội cần đồng hành với họ để nuôi dưỡng và nâng đỡ đức tin, không những là đừng để nó suy giảm nhưng nhất là để nó được kiện cường.

c) Duy trì đức tin năng động. Người tín hữu phải dấn thân vào việc xây dựng trần thế, nhưng đồng thời biết rằng các hình thức trần thế còn khiếm khuyết khi đối chiếu với những lý tưởng của thời cánh chung. Giáo hội không ngừng tìm cách giảm bớt khoảng cách giữa cái bất toàn hiện tại với cái lý tưởng của tương lai.

Giáo hội thi hành sứ mạng của mình bằng nhiều cách thế, theo gương Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ bằng cả cuộc đời, bằng lời nói và hành động, đặc biệt là qua cuộc tử nạn và phục sinh. Giáo hội cũng thi hành sứ mạng của mình, tức là thể hiện chính mình, khi phục vụ Lời Chúa bằng lời giảng dạy, bằng những bí tích diễn lại hoạt động cứu độ của Thiên Chúa, bằng những hoạt động khác bày tỏ tình yêu thương của Thiên Chúa với nhân loại. Mặt khác, Đức Kitô đã được gọi là “Lời của Thiên Chúa”; vì thế tất cả mọi hoạt động của Giáo hội cũng có thể gồm tóm lại trong chức vụ “phục vụ Lời Chúa”, dưới nhiều hình thức khác nhau:
  • Lời chứng tá của cuộc sống để thu hút, chất vấn những người mà ta gặp gỡ.
  • Lời “loan báo” để công bố biến cố cứu độ, thúc đẩy các thính giả hãy bày tỏ thái độ.
  • Lời “huấn giáo” để đào sâu ý nghĩa của biến cố cứu độ, tìm cách diễn tả ra cuộc sống.
  • Lời “giảng thuyết” để nuôi dưỡng đức tin và giúp nó tăng trưởng.
  • Lời “giáo lý” hay “thần học” để hiểu biết thêm đạo lý đức tin, cung cấp một nhân sinh quan, cũng như tìm những ngôn ngữ thích ứng để diễn tả nội dung đạo lý.
  • Lời thinh lặng để lắng nghe Thánh Linh dạy dỗ qua những dấu chỉ của thời đại.
  • Lời quy tụ cộng đoàn các tín hữu, Lời xây dựng Hội thánh gồm bởi những người tin vào Đức Kitô và để cho Thánh Linh hướng dẫn.

Những điều vừa nói có thể coi như là “nền tảng của thần học mục vụ” hoặc “thần học mục vụ tổng quát”, bàn về những nguyên tắc nền tảng của hoạt động Giáo hội. Sau đó cần đi vào những chi tiết của hoạt động:
  • Những chủ thể cá nhân hay cộng đồng của hoạt động, xét theo điều kiện phái tính (nam nữ), hàng ngũ trong Giáo hội (giám mục, linh mục, phó tế, giáo dân), lối sống (hôn nhân, tận hiến), những hình thức hoạt động (cá nhân, nhóm, đoàn thể);
  • Những đối thể của hoạt động, xét theo tuổi tác, các điều kiện sinh sống (độc thân hay kết bạn, công nhân, trí thức, nghề nghiệp, cao niên, bệnh tật), các môi trường (gia đình, nông thôn, thành thị), hoàn cảnh đặc biệt về kinh tế chính trị (người nghèo, người bị gạt bỏ, di dân);
  • Những hình thức hoạt động chính: lời giảng, cử hành phụng vụ, xây dựng cộng đoàn, phục vụ xã hội;
  • Những mô hình hoạt động: mục vụ tại vùng toàn tòng tín hữu thì khác với những vùng “đạo mới”; mô hình nhằm đào tạo sống đức tin trưởng thành hay chỉ dành cho người mới khai tâm;
  • Những hình thức tiếp xúc: cá nhân, nhóm, đại chúng; giáo dục, tư vấn, phục vụ;
  • Những cơ cấu tổ chức (cộng đoàn cơ bản, xóm, họ, xứ, giáo phận, phong trào, hiệp hội);
  • Những bối cảnh văn hóa tôn giáo: khu vực đa tôn giáo, đa văn hóa, hay chỉ có một tôn giáo chính, hoặc vô thần, tình trạng đạo đức của xã hội.

3. Phương pháp thần học mục vụ

Có ba phương pháp chính: a) phương pháp áp dụng; b) phương pháp “xem, xét, làm”; c) phương pháp thần học, thực nghiệm phê bình.

a) Phương pháp “áp dụng” (application). Nói đúng ra, đây không phải là “phương pháp” đúng nghĩa. Trước kia người ta quan niệm “mục vụ” như là áp dụng các đạo lý, tín lý, luân lý, các quy tắc giáo luật và phụng vụ vào những trường hợp cụ thể. Phương pháp mang tính cách diễn dịch: trước hết cần thảo ra một đạo lý hoặc những nguyên tắc; kế đó áp dụng vào hành động.

b) Phương pháp “xem xét làm.” Bắt nguồn từ phong trào Thanh Lao Công (Jeunesse Ouvrière Chrétienne), phương pháp này gồm ba chặng: trước hết là “xem”, nghĩa là mô tả, phân tích và đánh giá khung cảnh lịch sử đang sống, vận dụng các dữ kiện do các khoa học nhân văn cung cấp; thứ hai là “xét”, nghĩa là đối chiếu các giá trị hiện tại với các giá trị mà Chúa Giêsu đã đề ra, dựa theo Kinh thánh và truyền thống Kitô giáo; chặng thứ ba là “làm”, nghĩa là rút ra hệ luận từ hai chặng trước đó, nhằm điều chỉnh thực trạng lịch sử cho phù hợp với các giá trị Tin Mừng. Phương pháp này đã được đức thánh cha Gioan XXIII sử dụng từ thông điệp Mater et Magistra (1961), và cũng là phương pháp của hiến chế Gaudium et spes.[15]

c) Phương pháp thần học, thực nghiệm phê bình.[16] Phương pháp này quy chiếu vào những môn học thần học và khoa học nhân văn. Bao gồm ba chặng. Thứ nhất là nhận định về tình trạng hiện tại, tương đương với “xem” trong phương pháp nói trên: phân tích, mô tả, giải thích một hoàn cảnh, với những dụng cụ của khoa học nhân văn và của đức tin, để khám phá ra những ý định mà Thánh Linh muốn bày tỏ qua lịch sử (kairos). Thứ hai là dự án, tương đương với “làm” trong phương pháp trên: đi từ một tình trạng bất cập của cộng đồng hay của cá nhân, cần phác thảo ra những mục tiêu dài hạn cần đạt tới, để biến đổi hoàn cảnh sao cho phù hợp với Tin Mừng hơn; trong chặng này, cần quy chiếu vào các tiêu chuẩn của lý trí và của đức tin. Thứ ba là “Chiến lược”, nghĩa là từ kế hoạch bước sang một chương trình cụ thể để hành độ, bằng việc xác định thời gian, nhân sự, các phương tiện, v.v., kèm theo những cuộc kiểm tra định kỳ. Điều này đưa đến việc thảo ra những “chương trình mục vụ” kéo dài nhiều năm. Phương pháp này mang tên là “thực nghiệm” bởi vì khởi đi từ tình trạng cụ thể, và dựa trên sự phân tích các kinh nghiệm cụ thể; được gọi là “phê bình” bởi vì bao hàm một sự suy tư phê bình về các dữ kiện của kinh nghiệm, và “thần học” bởi vì lượng định hoàn cảnh dựa trên Tin Mừng và Thánh Linh.

Kết luận


Thật khó thu gọn tất cả những vấn đề của thần học mục vụ vào một bài báo. Thay vì kết luận, chúng tôi muốn nêu ra vài vấn đề vẫn còn đang tranh luận trong ngành này.

1/ Mục vụ là gì ? Đừng kể những cách hiểu lệch lạc về từ ngữ (mục vụ đồng nghĩa với: thực dụng, biến báo), chúng ta thấy vẫn còn ít là hai cách hiểu về mục vụ: a) nhiệm vụ của các mục tử (giám mục, linh mục); b) nhiệm vụ của toàn thể Hội thánh tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô mục tử trong thế giới hôm nay. Tuy nhiên, khi dùng như một tính từ thì khó mà đoán được ý nghĩa, chẳng hạn như: hội đồng mục vụ, trung tâm mục vụ, thực tập mục vụ, kinh nghiệm mục vụ...

2/ Thần học mục vụ. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để xác định bản chất của môn này, nhưng vẫn còn nhiều vấn nạn vẫn chưa được giải quyết: đây là một ngành chuyên khoa, hay chỉ là phần ứng dụng của thần học? Phải coi thần học mục vụ như một “khâu” của thần học, hay phải coi mục vụ như là một định hướng của thần học? Nếu mục vụ là một định hướng của thần học, thì chắc hẳn cả các môn Thánh kinh và tín lý cũng mang tính mục vụ?[17] Nhưng khi đề cao chiều kích mục vụ của thần học, liệu sẽ hạ thấp tính cách nghiêm túc của việc nghiên cứu không (bởi vì nhiều người quan niệm “mục vụ” là thực dụng, vì thế cần loại bỏ những câu hỏi trừu tượng, lý thuyết). Nói cho cùng, vấn đề mối tương quan giữa “thần học” và “mục vụ” quay trở lại với mối tương quan giữa tính cách “lý thuyết” và “thực hành” của chính thần học.

3/ Hoạt động mục vụ. Có lẽ vì muốn tránh những cuộc tranh luận về bản chất của “thần học mục vụ” cho nên người ta giới hạn vấn đề vào “hoạt động mục vụ”. Xem ra danh xưng “thần học thực hành” muốn bộc lộ ý định ấy. Thay vì tranh cãi về lý thuyết, tốt hơn là nên thảo ra những kế hoạch cụ thể cho từng công tác, từng địa phương, từng đơn vị. Về phương diện này, chúng ta biết rằng khi thảo ra những “kế hoạch” mục vụ, cần phải sử dụng các khoa học nhân văn (sư phạm, tâm lý, giáo dục, xã hội học, v.v.). Liệu có thể có một “phương pháp mục vụ” không, hay chỉ là vay mượn phương pháp của khoa học nhân văn và rắc thêm vài món gia vị của Lời Chúa? Kinh nghiệm cho thấy rằng trong phương pháp “xem-xét-làm”, chặng “xem” tùy thuộc khá nhiều vào các dữ kiện của xã hội học, đến khi bước sang chặng “xét” người ta cũng có thể giải thích Lời Chúa dựa theo một ý thức hệ nào đó (chẳng hạn: Chúa là bênh vực người nghèo, chống lại người giàu; Chúa là đứng kề kẻ bị áp bức). Một cách tương tự như vậy, thuật ngữ “dấu chỉ thời đại” vừa mang nghĩa xã hội học vừa mang nghĩa thần học. Theo nghĩa thần học, “dấu chỉ thời đại” là tiếng nói của Thiên Chúa cho thời đại chúng ta (GS 11); nhưng không phải tất cả mọi dấu chỉ thời đại theo nghĩa xã hội học (đúng ra nên gọi là “triệu chứng thời đại”) đều là tiếng nói của Thiên Chúa.[18]

Dù nói gì đi nữa, khi thiết lập kế hoạch mục vụ, chúng ta đừng nên quên rằng, cũng giống như bao nhiêu kế hoạch khác của con người (chẳng hạn như kế hoạch kinh tế), kết quả không nhất thiết là một hệ luận “logic” của các tính toán bởi vì tùy thuộc vào tự do của con người. Hơn thế nữa, nhiều kế hoạch “mục vụ” không mang lại kết quả mong muốn không những vì thiếu “nhân hòa” nhưng là thiếu “thiên thời địa lợi”. Thiên thời chính là ân sủng của Thiên Chúa.

Tài liệu tham khảo

  • Pellitero R., “Evolución del concepto ‘teologia pastoral’. Itinerario y estatuto de una Teologia de la acción ecclesial,” in: Scripta Theologica 32 (2000/2), 443-470.
  • Midali M., “Teologia pratica e pastorale giovanile,” in: Note di Pastorale Giovanile 7(2006), 3-28.
  • Id., Teologia pastorale. 1. Cammino storico di una riflessione fondante e scientifica, Roma, 2005. 2. Attuali modelli e percorsi contestuali di evangelizzazione, Roma, 2008.
  • Pedrosa V.M. – Sastre J. – Berzosa R. (dir.), Diccionario de Pastoral y Evangelizacion, Burgos, 2001.
  • Ramos Guerrera J.A., Teologia pastoral, Madrid, 1995.
  • Seveso B. - Pacomio L. (edd.), Enciclopedia di pastorale, Casale Monferrato, 1992.
_________
[1] Trong ngôn ngữ của các linh mục, chủng sinh, tu sĩ, nhiều lần từ “mục vụ” được dùng theo nghĩa đối chọi với “lý thuyết” (trừu tượng; đối lại là cụ thể, thực tế), “cứng nhắc” (những tín điều, mệnh lệnh, giáo luật; đối lại là uyển chuyển, linh động, nhân đạo); “khoa bảng” (nghiên cứu truy tầm; đối lại là giản lược).
[2] “Mục vụ” được gắn với giám mục, linh mục, mục sư, mục tử. Mục là chăn dắt.
[3] Xét về từ ngữ, có lẽ nó xuất hiện lần đầu tiên trên tựa đề cuốn sách Enchiridion theologiae pastoralis của đức cha Petrus Binsfel, giám mục Trier (Đức) xuất bản năm 1591.
[4] Kritische Darstellung Des Gegenwärtigen Zustandes Der Praktischen Theologie (Trình bày phê bình về tình hình của Thần học thực hành), Tübingen, 1841.
[5] Grundsatzliches und Geschichtliches zur Theologie der Seelsorge. Das Prinzip des Gott-Menschlichen, Freiburg, 1949.
[6] Thuật ngữ “Pastorale d’ensemble” được phổ biến do phong trào Thanh Lao Công, đặc biệt sau Hội nghị quốc tế về mục vụ tại Fribourg năm 1961, và các tác phẩm của H. Godin-Y. Daniel, F. Boulard, G. Michonneau, E. Houtart y G. Locatelli.
[7] Xem chú thích số 1 của bản văn hiến chế.
[8] Công đồng không chỉ bàn về nội bộ của Giáo hội công giáo (ad intra) nhưng còn bàn về tương quan với các Giáo hội ngoài Công giáo, với các tôn giáo, và nói chung về việc loan báo Tin Mừng cho muôn dân (ad extra).
[9] M. Midali, “Teologia pratica e pastorale giovanile”, in: Note di pastorale giovanile 7 (2006) 3-28.
[10] Tuy sứ mạng của Giáo hội là một, nhưng lịch sử thần học đã chứng kiến nhiều cách thức phân chia các sứ vụ. Dựa trên Mt 28,18-19: “Thầy được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ... dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền”, từ thời Trung cổ, người ta chia các “quyền” (potestas) của Hội thánh thành ba loại: thánh chức (ordinis), cai quản (jurisdictionis), dạy dỗ (magisterii). Các văn kiện của công đồng Vaticanô II dựa theo ba chức vụ (munus) của Chúa Kitô: ngôn sứ, tư tế, vua. Những năm sau công đồng, người ta mô tả các nhiệm vụ của Hội thánh là martyria (chứng tá, tương đương với chức vụ ngôn sứ), leiturgia (phụng vụ, tương đương với chức vụ tư tế), koinonia – diakonia (hiệp thông và phục vụ, tương đương với chức vụ làm vua).
[11] Liền sau công đồng, một bộ “thần học mục vụ” quy mô bằng tiếng Đức được xuất bản và được dịch sang nhiều ngôn ngữ châu Âu: Handbuch der Pastoraltheologie: Praktische Theologie der Kirche in ihrer Gegenwart, Freiburg 1964-­1969, chủ biên: F. X. Arnold, E. Klostermann, K. Rahner, V. Schurr y L. M. Weber
[12] Theo hiến chế Lumen gentium (số 5), Hội thánh là hạt mầm và dấu chỉ của Nước Trời, chứ không đồng nhất với Nước Trời.
[13] Initiation à la pratique de la théologie, sous la direction de François Refoulé et Bernard Lauret, Cerf Paris 5 tomes, 1987.
[14] Ba cấp độ này tương ứng với ba chặng trong tiến trình loan báo Tin Mừng: a) kerygma cho những người chưa tin Chúa; b) đào tạo đức tin cho những người đã đón nhận và xây dựng cộng đoàn; c) chứng tá đức tin trong cuộc sống và trong thế giới.
[15] Chúng ta có thể nhận thấy việc sử dụng phương pháp này trong nhiều Thượng Hội đồng Giám mục, chẳng hạn như về việc đào tạo linh mục (Pastores dabo vobis), về Giáo hội tại châu Á (Ecclesia in Asia).
[16] Do cha Midali đề nghị: M. Midali “Il metodo della teologia pastorale”, in La teologia pastorale. Natura e compiti, EDB, Bologna 1990, pp. 143-157.
[17] Tông huấn Pastores dabo vobis nói đến “chiều kích mục vụ” trong việc đào tạo linh mục, bên cạnh chiều kích nhân bản, tâm linh, đạo lý (số 42); tất cả cuộc đào tạo nhằm đến mục tiêu mục vụ, và môn “thần học mục vụ” cũng nằm trong đó (số 57). Thần học mục vụ được định nghĩa là “suy tư khoa học về sự xây dựng Giáo hội trong lịch sử, do quyền năng của Thánh linh”. Đoạn văn này cũng nói đến “áp dụng mục vụ”, “kinh nghiệm mục vụ”, “thực tập mục vụ”. Cũng đừng quên rằng linh đạo của linh mục được xây trên “đức ái mục tử” (caritas pastoralis).
[18] x. Phan Tấn Thành, “Thời sự thần học – thần học thời sự”, Thời sự thần học, số 54 (11/2011), tr. 18-25.