Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 68 - THÁNG 5/2015

CHỦ ĐỀ: KHOA HỌC TÔN GIÁO

LỜI GIỚI THIỆU


TÔN GIÁO là một lãnh vực rộng lớn và có thể được nghiên cứu từ nhiều góc độ. Nhiều vấn đề liên quan đến tôn giáo đã được đề cập trong các số báo Thời sự thần học trước đây, chẳng hạn “Thần học về các tôn giáo”, số 13 (tháng 8 năm 1998); “Đối thoại liên tôn”, số 21 (tháng 9 năm 2000); “Đức tin và tín ngưỡng”, số 62 (tháng 11 năm 2013). Số này chú trọng đến các “Khoa học tôn giáo”. Đây không phải là câu chuyện tương quan giữa “khoa học” và “tôn giáo” (hoặc “khoa học với đức tin”), nhưng là những khoa học nghiên cứu về sự kiện tôn giáo. Thời xưa, dường như chỉ các “chức sắc tôn giáo” mới có thẩm quyền bàn luận chuyện tôn giáo, và giảng đường của họ là các nhà thờ và chùa chiền. Nhưng kể từ thế kỷ XIX, tại các đại học Âu Mỹ, với sự xuất hiện của các “khoa học tôn giáo”, các chuyên gia không hẳn là các chức sắc mà thậm chí có thể là những người không theo một tôn giáo nào. Các khoa học tôn giáo gồm nhiều bộ môn.

1. Trước tiên, chúng ta hãy ôn lại lịch sử của các khoa học tôn giáo: các môn này ra đời từ lúc nào, gồm những ngành nào? Có một nền tảng nào chung cho tất cả những ngành ấy không? Chúng ta sẽ lưu ý cách riêng đến các nguồn gốc và sự tiến triển của các môn sau đây: lịch sử các tôn giáo, hiện tượng luận tôn giáo, tâm lý học tôn giáo, xã hội học tôn giáo. Sau khi đã có một thoáng nhìn về các khoa học tôn giáo, những bài còn lại sẽ điểm qua vài vấn đề cụ thể của mỗi bộ môn do các chuyên gia trình bày.

2. Mở đầu, giáo sư Andrea Aguti trình bày lịch sử của môn triết học tôn giáo, và những khuynh hướng nghiên cứu hiện nay. Thực ra, nếu hiểu “khoa học tôn giáo” theo nghĩa là “khoa học thực nghiệm về tôn giáo”, thì triết học thường không được kể vào những môn ấy; tuy vậy, với những đường hướng mới được mở ra (chẳng hạn như hiện-tượng-luận tôn giáo), căn cước của môn về triết học tôn giáo đã thay đổi. Trước hết tác giả xác định nguồn gốc của môn này, và kế đó, điểm qua sáu khuynh hướng chính trong thế kỷ XX. Sau cùng, tác giả suy nghĩ về hiện tượng đa nguyên tôn giáo và mối liên hệ đối với thần học.

3. Có lẽ Hiện-tượng-luận tôn giáo là một bộ môn còn xa lạ ở Việt Nam. Giáo sư Juan Martin Velasco sẽ cho ta thấy những lãnh vực khảo cứu của môn này. Trước hết, nên biết là có nhiều quan điểm triết học khác nhau về hiện-tượng-luận; vì thế không lạ gì mà cũng có nhiều khác biệt trong quan niệm Hiện-tượng-luận tôn giáo (được tác giả chia ra làm ba khuynh hướng chính). Tác giả đã lần lượt mô tả phương pháp và nhiệm vụ của môn này. Cũng nên biết là đôi khi môn này được xếp vào triết học tôn giáo, đôi khi được xếp vào lịch sử các tôn giáo đối chiếu.

4. Dưới tựa đề Xã hội học tôn giáo: nhìn lại một hành trình, giáo sư Willam Mauricio Beltrán Cely ôn lại những tư tưởng chủ đạo của môn này từ khi mới thành lập cho đến nay. Khởi đi từ ba tác giả cổ điển (Marx, Durkheim, Weber), tác giả phân tích vài chủ đề “hội tụ” trong thế kỷ XX liên quan đến tôn giáo và hoạt động xã hội. Trong phần cuối, tác giả nghiên cứu một luận đề khá phổ thông gần đây, là “thế-tục-hoá” (secularization), nhưng đồng thời cũng cho thấy những luận đề trái ngược: “khử-thế-tục-hoá” (desecularization) và sự phục hồi tôn giáo điển hình qua hiện tượng “bảo căn” (fundamentalism)

5. Một trong những văn kiện gây tranh cãi nhất của công đồng Vaticanô II là Tuyên ngôn về “tự do tín ngưỡng”, mà năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm ban hành. Trước đây, Thời sự thần học đã trình bày lịch sử vấn đề cho đến công đồng Vaticanô II (số 13, tháng 9 năm 1998, trang 27-49). Lần này chúng ta hãy theo dõi bài nghiên cứu của giáo sư Julio L. Martinez, S.J. tìm hiểu thêm cuộc tranh luận tại công đồng trong thời gian soạn thảo Tuyên ngôn Dignitatis humanae để cho thấy những quan điểm thần học khác nhau về tự do tôn giáo không những vào những năm họp công đồng mà còn trong suốt thời gian sau đó, tuỳ theo cách thức tiếp cận: quan điểm pháp lý hay quan điểm thần họcpháp luật hay thần học. Nôi dung vấn đề cũng có thể thay đổi tuỳ theo người ta nhấn tới “tự do” hay là nhấn tới “chân lý”.

6. Thật vậy, hầu như ngày nào từ ngữ fundamentalism cũng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội và thường được dịch là “nhóm quá khích” (Hồi giáo); hoặc đôi khi là “bảo thủ, cực đoan, cuồng tín”. Thế nhưng thực chất của nó như thế nào? Giáo sư Massimo Introvigne giải thích những ý nghĩa của thuật ngữ này, bắt nguồn từ một phong trào Tin lành ở Hoa kỳ vào đầu thế kỷ XX, rồi dần dần được các nhà xã-hội-học nới rộng sang các tôn giáo khác. Ngày nay, phong trào fundamentalism thường được áp dụng cho Hồi giáo. Tuy nhiên nên lưu ý hai điểm: một đàng, không phải tất cả các người Hồi giáo đều là fundamentalist; đàng khác, có những người Hồi giáo tự xưng là fundamentalist nhưng lại không phải là fundamentalist hiểu theo nghĩa mà các nhà chính trị Tây phương gán cho họ. Nói khác đi, fundamentalism là một thuật ngữ rất hàm hồ!

7. Liên quan đến “tôn giáo và bạo động”, một luận đề thường được đưa ra là bạo động phát sinh từ các tôn giáo độc thần (đạo Do thái, Kitô, Islam), đang khi các đạo đa thần tỏ vẻ bao dung hơn. Để trả lời cho lời cáo buộc ấy, ngày 16-1-2014, Uỷ ban Thần học quốc tế đã công bố văn kiện “Thiên Chúa Tam vị, nhân loại hợp nhất. Niềm tin độc thần Kitô giáo bài trừ bạo động”, kết quả của 5 năm nghiên cứu. Một đàng văn kiện cho thấy rằng các tôn giáo đa thần đã không tỏ ra bao dung trong vấn đề tự do tôn giáo (bằng cớ là các tín đồ Do thái và Kitô giáo đã bị bách hại dưới chế độ đa thần), đàng khác cần phải phân biệt ba tôn giáo độc thần trong lịch sử vừa kể trên, khác với những khái niệm triết học tổng quát về “đạo độc thần”. Dù sao, Thiên Chúa của Kitô giáo chống lại bạo động: điều này được chứng tỏ nơi cái chết của Đức Giêsu trên thập giá.

8. Trong khuôn khổ của Năm Đời sống thánh hiến, Thời sự Thần học số 66 đã có những nghiên cứu về nguồn gốc đời tu trì Kitô giáo tại Việt Nam (Nhà Đức Chúa Trời, Dòng Mến Thánh giá) và đời tu Phật giáo nguyên thuỷ. Tiếp tục chiều hướng đối thoại liên tôn và văn hoá, một cuộc hội thảo được tổ chức tại Trung Tâm Học Vấn Đa Minh ngày 25-4-2015 về đề tài “Cách thế xuất gia trong văn hoá Việt Nam”. PGS.TS. Phan Thị Thu Hiền đã trình bày những quan niệm khác nhau về “xuất gia” trong các tôn giáo Á châu cũng như trong lịch sử văn hoá Việt Nam. 

Trước khi đi vào nội dung, chúng tôi xin lưu ý về một khó khăn nan giải được đặt ra cho các môn học tôn giáo, liên quan đến định nghĩa từ ngữ. Trong các ngôn ngữ Âu châu, phần lớn chịu ảnh hưởng Kitô giáo, danh từ “religion” vốn được quy chiếu về Thiên Chúa (ordo ad Deum). Tuy nhiên, từ khi mở rộng ra các tôn giáo hoàn cầu, câu định nghĩa ấy cần phải được điều chỉnh lại, xét vì không phải lúc nào Thiên Chúa (hoặc Thượng đế, Đấng Chí Tôn) cũng hiện diện trong các tôn giáo. Không lạ gì mà Michel Despland đã tìm ra 40 định nghĩa về religion trong lịch sử tư tưởng Âu châu[1]. 

Sang Việt Nam, danh từ religion được dịch là “tôn giáo”, nhưng đôi khi cũng được dịch là “tín ngưỡng”; ngoài ra, tiếng Việt còn một từ tương đương là “đạo”. Thực ra, ba từ ngữ ấy không hoàn toàn đồng nghĩa, bởi vì có những “đạo” không phải là “tôn giáo” (chẳng hạn đạo thờ ông bà). Trong bài viết “Sự giống nhau và khác nhau giữa tôn giáo với tín ngưỡng, giữa tín ngưỡng với mê tín dị đoan và mối quan hệ giữa chúng” của ông Nguyễn Quang Khải, đăng trên mạng của Ban Tôn giáo Chính phủ[2], tôn giáo cần phải có bốn yếu tố cấu thánh: giáo chủ, giáo lý, giáo luật và tín đồ; các tín ngưỡng không hội đủ bốn yếu tố đó. Tuy nhiên, nếu áp dụng tiêu chuẩn này, thì Ấn giáo không phải là “tôn giáo” (vì thiếu giáo chủ, giáo luật), và có lẽ Islam cũng không phải là tôn giáo, bởi vì ông Muhammed không dám tặng cho mình danh hiệu “giáo chủ”. Vấn đề định nghĩa tôn giáo sẽ còn trở lại trong các bài nghiên cứu tiếp theo. Tạm thời, từ “tôn giáo” được sử dụng để dịch từ religion và bao hàm cả “tín ngưỡng” (thí dụ khi nói đến “tự do tôn giáo”).[3]

Trung tâm Học vấn Đa Minh

NỘI DUNG

[1] Michel Despland, La religion en Occident. Évolution des idées et du vécu, Cerf, Paris, 1979. 
[2] http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3365/Su_giong_nhau_va_khac_nhau_giua_ton_giao_
[3] Về tôn giáo và tín ngưỡng, xin đọc thêm hai bài viết của Gs Trần Văn Toàn, Tôn giáo hay là tín ngưỡng: 1. Tin hay là biết? 2. Nội dung của tôn giáo, đăng trên mạng của “Công Giáo Việt Nam”: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=97&ia=12604