Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

TIẾN TRIỂN CỦA THẦN HỌC HÔN NHÂN TRONG THẾ KỶ 20

(Thời sự Thần học – số 32, tháng 6/2003, tr. 71 – 90)

Trọng Nghĩa (tổng hợp)

DẪN NHẬP

Nhờ vào nhiều lối tiếp cận khác nhau nên thần học hôn nhân đã có nhiều biến chuyển. Những biến chuyển này làm cho quan niệm truyền thống của Giáo hội có nhiều đổi mới. Như vậy, những lối tiếp cận này vừa làm cho tư tưởng của Giáo hội thêm phong phú lại cũng vừa lay chuyển nhiều lập trường của Giáo hội.

Những lối tiếp cận này rất đa dạng tuỳ theo mục tiêu, phương pháp làm việc. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng chúng hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau. Thực ra, từ một góc độ làm việc, những nguyên tắc này có thể ảnh hưởng hoặc bổ túc cho nhau : chẳng hạn chú giải đi đôi với lịch sử, lịch sử với giáo luật, giáo luật với mục vụ, rồi lịch sử đi với mục vụ….Vì thế, chúng ta không thể lướt qua tất cả các nguyên tắc thần học chỉ trong một ít trang giấy này.

Với một chút tham vọng, cuộc canh tân thần học hôn nhân trong thế kỷ XX được trình bày ở đây bằng cách nghiên cứu từng lãnh vực một. Chúng tôi cố gắng trình bày cách rõ ràng nhưng vẫn không để mất tính xuyên suốt của vấn đề.

Như thế, tất nhiên công việc sẽ không thể hoàn chỉnh, chúng tôi chỉ cố gắng phác hoạ những đường nét chính của quá trình này. 

I. TIẾP CẬN QUA LỐI CHÚ GIẢI VÀ LỊCH SỬ CỦA HÔN NHÂN

Nghiên cứu lịch sử và chú giải đời sống hôn nhân là lối tiếp cận đầu tiên. Trong thời gian đầu, đây là việc tìm hiểu xem thần học chính thức của húân quyền về bí tích hôn nhân dựa trên nền tảng Mặc khải nào và nền thần học này ra đời khi nào, trong điều kiện nào.

Cuối thể kỷ XIX, Giáo hội đã phải bận tâm rất nhiều, vì nhiều quốc gia công kích chống lại quyền lực và ảnh hưởng của Giáo hội , đồng thời vì phong trào tục hóa lan rộng. Đây cũng là thời điểm ấn định tính bất khả tách rời của khế ước-bí tích.(khế ước là bí tích và ngược lại). Vì thế mà thần học hôn nhân được hoàn toàn xác định dựa trên thần học của thánh Âu tinh. Tất nhiên, nền thần học này không phải là không có vấn đề. Chẳng hạn vấn đề hạn chế sinh sản, một vấn đề đụng chạm trực tiếp đến mục đích chủ chốt của hôn nhân.

Khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến, nhiều phong trào và trào lưu ủng hộ việc thăng tiến phụ nữ, cổ võ điều hòa sinh sản bằng những phương tiện nhân tạo. Giáo hội phản ứng mạnh bằng việc nhắc lại những giáo thuyết cổ điển được ấn định trong thế kỷ XIX. Tuy nhiên, thời điểm này thần học ít đặt vấn đề.

Trái lại, việc giảng dậy giáo lý hôn nhân đã lôi cuốn một số cá nhân nghiên cứu lãnh vực này. Do vậy, nhiều khảo luận về hôn nhân đã ra đời : chẳng hạn khảo luận của G. Le Bras, của L. Gaudefroy. Trong hậu bán thế ky 20, nhiều công trình nghiên cứu tiếp tục xuất hiện, chẳng hạn công trình của E. Schillibeeckx, K. Ritzer, J. Gaudemet, G. Mathon và nhiều đề tài nghiên cứu chuyên biệt một vấn đề lịch sử nào đó của hôn nhân. Ngày nay, tuy có ít những tổng luận lớn về lịch sử, nhưng lại có rất nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, chính xác và tỷ mỉ hơn.

Những công trình nghiên cứu này chủ yếu tìm kiếm những cội nguồn ban đầu của lịch sử hôn nhân, những tư tưởng Kitô giáo đầu tiên về đời sống này, cũng như tìm tòi vấn đề này trong Thánh Kinh. Có một vài công trình nghiên cứu hôn nhân trong Kinh thánh, đặc biệt trong Tân ước rất quan trọng. Việc đọc lại những bản văn Kinh Thánh giúp chúng ta khám phá được chiều kích cá vị của hôn nhân cũng như có được cái nhìn thiện cảm hơn về giới tính.

Do đó, không thể bỏ qua vai trò chú giải được. Khoa chú giải đóng góp rất nhiều cho việc so sánh quan niệm hôn nhân trong Kinh Thánh với những quan niệm hôn nhân của những nhà triết gia thuộc trường phái Platon, Khắc kỷ, của thánh Âu Tinh và của truyền thống sau Ngài. Và ngay trong thời đại có nhiều tác phẩm lớn như hiện nay, thì nó vẫn có tầm ảnh hưởng lớn.

Cần lưu ý rằng công việc chú giải đã được canh tân sâu sắc trong thế kỷ XX. Do ảnh hưởng của anh em Tin lành, mà phương pháp phê bình lịch sử các bản văn Kinh Thánh đã bị nghi ngờ, thậm chí còn bị Giáo hội lên án. Phải đến khi tông thư Divino Aflante Spiritu ra đời năm 1943, thì người ta mới được tự do chú giải. Thực tế, ngày nay, nghiên cứu thần học đã có những phương pháp làm việc riêng, có khoa học và đảm bảo được tính độc lập về tư tưởng so với Huấn quyền. Vì vậy, những kết luận của nó không có tính giáo điều. Nó không cạnh tranh với huấn quyền. Do vậy, thần học hôn nhân đã được hưởng lợi rất nhiều. 

II. TIẾP CẬN TÍN LÝ VÀ BÍ TÍCH

Giáo lý truyền thống

Định nghĩa bí tích:

Trong thần học truyền thống, bí tích được định nghĩa như là “những dấu hiệu hữu hình được đức Giêsu lập để chuyển thông ơn bên trong”. Hay bí tích là “những dấu chỉ của thực tại thánh”. Thánh Toma Aquinô đóng góp rất nhiều cho định nghĩa này.

Trong những sách lễ cổ, người ta chú trọng nhiều đến việc phát sinh ơn thánh. Bí tích được coi như phương tiện cứu độ, được hiểu như những “dụng cụ”, những “liều thuốc”.

Một trong những đặc tính của bí tích đó là ex opera operato, nghĩa là tự thân bí tích thành sự sinh hiệu qủa . Điều này có nghĩa ân sủng Thiên Chúa ban không phụ thuộc vào chất lượng hay cấp độ của thừa tác viên, hay người đón nhận bí tích. Thiên Chúa ban ơn hoàn toàn nhưng không, hoàn toàn tự do.

Do có tư tưởng hệ thống, các nhà kinh viện đã định nghĩa bí tích theo tiêu chuẩn khách quan, và cho rằng tất cả các bí tích phải có hai yếu tố : chất thể và mô thể. Hình chất thuyết (Hylémorphisme-chất và mô thể) là cái khung cho phép phân tích, suy đoán nghi thức bí tích. Với hôn nhân, chất thể là lời giao ước, mô thể là sự ưng thuận. Bên cạnh đó người ta còn đề cập thêm tới các nguyên nhân và thừa tác….

Nhưng bí tích hôn nhân không giống như các bí tích khác : nó được định nghĩa như là một khế ước. Nếu bản khế ước giữa hai người phối ngẫu là một bí tích, thì chính hai người phối ngẫu là thừa tác viên, khi trao đổi lời ưng thuận là họ ký vào bản khế ước đó. 

Vả lại, tính bí tích của hôn nhân nói nên sự hiệp nhất giữa Chúa kitô và Giáo hội. Do đó, theo như chương 5 thư Êphêsô thì trong hôn nhân, tân lang như là đức Kitô và tân nương là Giáo hội. Người ta kết luận rằng đỉnh cao của bí tích là khi trao đổi lời hôn ước, là lúc phát sinh ơn sủng.

Hệ quả:

Chúng ta có thể rút ra ở đây một số hệ quả của thần học cổ điển về bí tích hôn nhân.

- Tính cá nhân của các bí tích; Giáo hội và cộng đoàn không can hệ tới. Ân sủng xuống trên từng cá nhân trước tiên nhằm cứu độ các linh hồn.

- Nhấn mạnh đến hiệu quả của bí tích; thần học cổ điển không coi những người lãnh nhận bí tích là những “ngôi vị” mà chỉ coi là “đối tượng” của bí tích với mục đích đề cao ân sủng của Thiên Chúa.

- Thần học cổ điển có quan niệm đặc pháp lý về hôn nhân. Vì ân sủng trùng với thời gian xác định lúc mô thể kết hợp với chất thể, nên đỉnh cao của bí tích là thời điểm trao lời ưng thuận. Đây là thời khắc ơn sủng được trao ban. Nhưng khi đôi hôn nhân “động phòng” lần đầu tiên là thời điểm bí tích hôn nhân thực sự trở nên bất khả phân ly. Do vậy, mà nhiều tác giả đã cho rằng khi hai người ăn ở lần đầu tiên với nhau cũng có tính bí tích và mang lại ân sủng. 

Cần nói thêm rằng vì không phải là một khái niệm có tính pháp lý, nên tình yêu không được đưa vào định nghĩa của bí tích hôn nhân : đỉnh cao của bí tính được coi như là sự kết hợp giữa Giáo hội và Đức Kitô. Dẫu sao, chương 5 thư Êphêsô nói rất rõ về tình yêu, một vấn đề của đức Giêsu, của Giáo hội và của đôi uyên ương. Chúng ta cần lưu ý là cả trong Giáo luật 1917 và 1983, sự ưng thuận của đôi vợ chồng không chỉ dựa trên tình yêu hôn nhân mà còn trên “trao thân cho nhau” nữa –jus in corpus.

Tiến triển của bí tích hôn nhân

Trong hậu bán thế kỷ XX, nhất là những năm 60, có rất nhiều chê trách cho rằng những quan niệm kiểu khế ước, hình chất thuyết về bí tích hôn nhân chỉ làm cho ý hướng của bí tích này thêm nghèo nàn đi.

Trào lưu nhân cách chủ nghĩa

Đó là một trào lưu triết học khởi nguồn từ tư tưởng của các triết gia như Kant, Kierkegaard, Max Scheler, và E.Mounier. Trục đi chính của trào lưu này là khẳng định giá trị tuyệt đối của cá nhân, liên đới với thế giới và cộng đồng nhân loại. Jean Lacroix (sinh năm 1900), sau đó là P.-L. Landsberg (1905-44) đã đào sâu vấn đề này. 

Những người kế nghiệp nổi tiếng nhất là E. Lévinas (sinh 1905), E. Born (sinh 1907) và P. Ricoeur (sinh 1913). Cũng nên lưu ý là triết gia Ba Lan, Karol Woityla (sau này là ĐGH Gioan Phaolo II) cũng thuộc về trào lưu này.

Dù thế nào đi nữa, một vài ý tưởng của trào lưu này được Công đồng Vatican II giữ lại : suy tư về tình yêu hôn nhân, quan niệm về khế ước, vốn làm cho quan niệm về dấu chỉ của bí tích thêm phong phú.

Hôn nhân như là một bí tích “kéo dài”

Những năm 60 là khoảng thời gian chuyển tiếp từ quan điểm cổ sang tân (quan điểm) về bí tích hôn nhân. Teichtweir cho rằng ưng thuận là mô thể của bí tích, còn mối hiệp thông thân mật của đời sống và tình yêu (một xương một thịt) là chất thể; tình yêu là dấu chỉ của bí tích (quan niệm này là quan niệm của công đồng Vatican II).

Nhưng sau đó, các thần học gia nhanh chóng đồng ý khung hình chất thuyết không phù hợp để diễn tả thực chất và nét tinh tuý của bí tích. Do đó, tuy không bị chính thức phủ nhận, thuyết này cũng không còn được sử dụng nữa.

Từ đây, vấn đề đặt ra là vấn đề của mối tương giao giữa sự ưng thuận, “ăn ở với nhau”, tính dục nói chung, với cộng đoàn sống và yêu thương. Vì thế, thay vì xác định tính bí tích của hôn nhân chỉ vào thời điểm trao đổi lời ưng thuận, thì nay người ta suy tư về toàn cuộc sống hôn nhân.

Quan niệm mới về “bí tích kéo dài” đã thay đổi hoàn toàn tư tưởng : nếu trước đây, tính bí tích gắn vào thời điểm xác định, thì nay nó gắn vào thực tại kéo dài tình yêu giữa hai người phối ngẫu. Đây cũng là hình ảnh của sự hợp nhất của Đức Kitô với Giáo hội. 

Trong cuốn Principe de théologie sacramentaire (Nguyên tắc thần học bí tích), tác giả B. Leeming đã cho rằng tính bí tích không những dựa vào sự sự ưng thuận, vào việc ăn ở với nhau, nhưng còn dựa vào những tương quan vợ chồng khác nữa, dựa vào toàn bộ đời sống hôn nhân. Ông lập luận như sau :

1. Nguyên nhân của bí tích là sự ưng thuận

2. Giáo hội nâng hôn nhân lên hàng bí tích không chỉ dựa vào nguyên nhân mà còn vào tính bất khả phân ly của hôn nhân.

3. Vì vậy, Hôn nhân là bí tích kéo dài

Hơn nữa, người ta sớm nhận thấy nếu hình ảnh hợp nhất giữa người nam và người nữ phản ánh sự hợp nhất của Đức Kitô và Hội thánh, đồng thời, nếu mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh không chỉ nhất thời song là lâu bều, thì hôn nhân vốn là tình trạng kéo dài, do đó, hôn nhân cũng là một bí tích kéo dài lâu bều. C. Colombo còn bổ xung việc trao đổi hôn ước là khởi đầu của bí tích và nó có tính chất dâng hiến.

Lưu ý rằng thần học “bí tích kéo dài” đã được huấn quyền chấp nhận dễ dàng. Chỉ một thời gian ngắn, nó đã được triển khai như là bản chất của hôn nhân vậy.

Vấn đề còn lại là mối tương quan giữa thời điểm nghi thức trao lời ưng thuận và tình trạng hôn nhân :

- Có ý tưởng cho rằng khi lời ưng thuận được nói nên, thì người này với người kia là dụng cụ ân sủng cho nhau suốt cả cuộc đời.

- và ý tưởng cho rằng hôn nhân là tình trạng lâu bền được xây dựng trên sự ưng thuận vốn là dấu chỉ đầu tiên và nguyên nhân của cộng đoàn gia đình.

Những vấn nạn thần học liên quan

Vấn nạn thừa tác viên bí tích

* Đôi hôn nhân : rõ ràng Giáo hội Công giáo La Mã không đề cao sự hiện diện của linh mục bằng Giáo hội Đông Phương. Vậy : tính chất thừa tác của đôi hôn nhân phát sinh từ đâu ? Các thần học gia hiện nay đều cho rằng hạn từ “thừa tác” áp dụng cho đôi hôn nhân còn rất mơ hồ.

Đôi hôn nhân ứng xử như là thừa tác viên vì họ là chi thể của Đức Kitô, là thành phần của Giáo hội. Họ không tự ban bí tích cho mình, nhưng lãnh nhận từ Đức Kitô qua trung gian người phối ngẫu. Cũng vậy, người phối ngẫu này với người phối ngẫu kia vừa là chủ thể vừa là đối tượng của bí tích, và là dấu chỉ tình yêu Đức Kitô dành cho Giáo hội. 

Vì thế không bao giờ được lẫn lộn “tác vụ” của đôi hôn nhân và “tác vụ của người có chức thánh”.

Chính qua bí tích thanh tẩy mà đôi vợ chồng đã là những thừa tác viên. Họ thuộc về Đức Kitô và có khả năng trở nên dấu chỉ tình yêu của Đức Kito cho nhau. Chính vì thế mối tương quan giữa hai người phải được thể hiện cùng một lúc.

* Vậy vai trò của linh mục là thế nào ? Người linh mục thể hiện sự có mặt, sự chấp nhận của Chúa và của Giáo hội, cũng như sự cao cả của bí tích. Qua tác vụ Lời được uỷ quyền cách đặc biệt cho mình, người linh mục nêu cao ý nghĩa tuyệt vời của việc kết hiệp kitô giáo. Qua việc ban phúc lành, người linh mục chứng nhận sự hiện diện của Chúa bên cạnh đôi hôn nhân, và ân sủng Chúa ban cho họ. Giáo hội Đông Phương bảo vệ rất mạnh ý kiến bí tích trước tiên là ơn ban nhưng không của Thiên Chúa. Đức Kitô là thừa tác viên chính. Chung cuôc, lý do đầu tiên cần sự hiện diện của một linh mục là tính Giáo hội : thể hiện tính chất Giáo hội trong bí tích hôn nhân.

Giáo hội tính trong hôn nhân

Thực sự, mối tương quan với Giáo hội là nền tảng : là đại diện của Giáo hội, linh mục khẳng định mối hiệp nhất của đôi hôn nhân và thể hiện tính trung gian của Giáo hội. Với sự hiện diện của linh mục, rõ ràng Giáo hội đi vào cơ cấu dấu chỉ bí tích. Khoản Giáo luật được xác định để mỗi người có thể nhận thấy bản khế ước như là thành sự , tức như là dấu chỉ bí tích. Do đó, cộng đoàn hoàn toàn có thẩm quyền.

Làm sao xác định được mối dây bí tích ? Câu trả lời vẫn chưa có… Thật vậy, người ta vẫn nói rằng cần phải định chế hoá tình yêu hôn nhân. Việc định chế hoá này giúp công khai hoá, đồng thời bảo vệ chống lại sự bất ổn của tình cảm. Nó cũng thể hiện sự chuyển đổi cương vị của đôi hôn nhân trong Giáo hội: khi lập gia đình, họ đã lập nên một “Giáo hội tại gia”. Theo nghĩa đó, đôi hôn nhân đang thực thi phần nào trách nhiệm to lớn của Giáo hội : loan báo tình yêu Thiên Chúa cho mọi người.

Điều chắc chắn là hôn nhân không phải là một khế ước riêng tư. Đó là một bản khế ước được ký kết trước Giáo hội và nhờ Giáo hội : vì khi cử hành bí tích hôn nhân, Giáo hội sai cử đôi hôn nhân hãy trở nên những người xây dựng Giáo hội. Vì là bí tích, nên hôn nhân không thể độc lập với Giáo hội, tất cả những đôi hôn nhân cử hành bí tích hôn phối đều có can hệ đến Giáo hội.

Đến đây, chúng ta nên đề cập chút ít về tư tưởng của K. Rhaner :

Theo K. Rhaner, nền tảng của tính bí tích hệ tại việc hiểu Hội thánh như là “bí tích nền tảng”. Điều này muốn nói ơn Chúa được truyền ban qua trung gian Giáo hội. Qua các bí tích, Giáo hội hiện tại hóa ơn cứu độ cho thế giới. 

Kinh nghiệm Thiên Chúa vượt qua tình yêu nhân loại. Trong trật tự cứu độ, tình yêu nhân loại khai mở tương quan với thiên Chúa. Là bí tích nền tảng, Giáo hội thể hiện tình yêu Thiên Chúa cho mọi người. Tình vợ chồng tạo nên sự hợp nhất của Giáo hội và gầy dựng Giáo hội. Như vậy, với viễn cảnh này, hôn nhân là thời điểm Giáo hội đựơc tự hiện thực hóa.

Với quan niệm như vậy, K. Rhaner quay trở lại với nền tảng của Giáo hội Đông phương, vì trong những Giáo hội này, cử hành bí tích hôn nhân trước tiên là cử hành mầu nhiệm Giáo hội hiền thê của Đức Kitô, một nghi lễ có ý nghĩa Giáo hội. 

Cũng theo K. Rhaner, trong hôn nhân, yếu tố ân sủng là tình yêu con người làm nên bí tích, chứ không phải bí tích là yếu tố ân sủng. Như vậy, K.Rhaner đã vượt qua khung gò bó, cứng nhắc muốn giới hạn ân sủng khi cử hành bí tích hôn nhân. Cũng như bí tích hòa giải, khi hối nhân đến xin vị linh mục tha thứ và giao hoà với Thiên Chúa, ân sủng đã xuống trên người đó trước khi lãnh nhận bí tích giao hòa, thì cũng vậy trong bí tích hôn nhân, ân sủng của bí tích đã có trước khi bí tích được cử hành.

Rửa tội – Hôn nhân – Thánh Thể

Tận hiến cho Đức Kitô là điều kiện cần và đủ trước tiên để tình yêu con người được thông hiệp với mầu nhiệm của đức Kitô. Với một số người, hôn nhân dường như là việc thực thi cho cả hai (người) ơn gọi của bí tích rửa tội. Theo nghĩa này, thì việc quy chiếu vào niềm tin của Giáo hội là điều hiển nhiên. 

Trên bình diện mục vu, có một vấn đề nảy sinh: nếu bí tích Thánh tảy là cần thiết để Hôn nhân thành bí tích , thì với những người tín hữu, có những cuộc hôn nhân thực không là bí tích ?

Với Huấn quyền câu trả lời là không : vì căn tính của bản khế ước và của bí tích, không có hôn nhân thực khi không có bí tích.

Còn với các thần học gia, câu hỏi còn để ngỏ, chưa giải quyết, 

Ý nghĩa Kitô giáo của bí tích hôn nhân được tròn đầy hơn khi quy chiếu về bí tích Thánh Thể: thật vậy, bí tích Hôn nhân hiện tại hóa tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo hội. Tình yêu của Đức Kitô được thể hiện cách tuyệt hảo nhất trong bí tích Thánh Thể. Nói khác đi, bí tích Thánh Thể đưa con người hiệp thông với Đức Giêsu. Đôi hôn nhân hiện tại hóa tình yêu này. Có cùng một tình yêu, một ân sủng, một hoạt động của Chúa Thánh Thần trong bí tích Hôn nhân và bí tích Thánh Thể.

Bí tích hôn nhân như là một sự tham dự của đôi vợ chồng vào mầu nhiệm vựot qua của đức Giêsu.

Tổng kết

Những thành công

+ Từ tác giả Schillebeeckx tới nay, hôn nhân được đưa vào lịch sử cứu độ : hôn nhân rõ ràng là một sự kiện cứu độ, hiện tại hóa sự hiện diện của Chúa phục sinh.

+ Người ta khám phá ra mối liên hệ giữa bí tích Thánh tẩy và bí tích Thánh Thể; cả hai hỗ trợ nhau, bí tích Hôn nhân không còn là “tự động nữa”

+ Đặc trưng nền tảng Giáo hội của bí tích Hôn nhân được trau chuốt lại, mặc dù rằng vấn đề thừa tác viên và linh mục vẫn còn chưa được rõ ràng. 

Những vấn nạn

+ Định nghĩa về “dấu chỉ” của bí tích hôn nhân còn mơ hồ, không thống nhất. Trong giáo lý truyền thống, nó đồng nghĩa với bản khế ước.

+ Phải tính đến mối liên quan với hôn nhân dân sự.

+ Mối liên quan giữa bí tích với niềm tin của người lãnh nhận chưa được làm sáng tỏ. Đây là cội nguồn của nhiều chuyện khó khăn trong mục vụ. 

+ Hình ảnh hợp nhất giữa Giáo hội với Đức Kitô còn chưa rõ ràng. Nó không tương đồng với hình ảnh vốn có trong Kitô học, Giáo hội học, thần học bí tích. Nên tốt nhất phải có sự tương đồng…

Những thiếu sót

+ Viễn tượng cánh chung được bàn đến rất ít trong thần học hôn nhân. 

+ Ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần cũng rất ít. 

III. TIẾP CẬN GIÁO LUẬT VÀ MỤC VỤ

Điều khoản 1055 § II và những giả thuyết

“Giữa những người đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là bí tích”.

Sự đồng nhất giữa khế ước và bí tích

Trước tiên cần nhắc lại : nguyên tắc đồng nhất giữa khế ước và bí tích chính thức xuất hiện trong thế kỷ XIX, khi Giáo hội và chính quyền dân sự tranh luận với nhau về thẩm quyền đối với các vụ việc hôn nhân. 

Với các nhà lập pháp (đời), hôn nhân là một khế ước, vì vậy, quyền và phạm vi xét xử thuộc nhà nước. Với Giáo hội, trong chừng mực bản khế ước là một bí tích (hữu thể học), thì Giáo hội có thẩm quyền.

Trong thế kỷ XIX, phong trào tục hóa có tiến triển nhưng còn ở mức độ hạn chế. Xã hội còn mang đậm chiều kích Kitô giáo trong cách đánh giá, nhận thức và trong cung cách ứng xử. Những đứa trẻ được sinh ra, được rửa tội, được dạy dỗ giáo lý công giáo. Và tất nhiên chúng sẽ cưới nhau trong đạo công giáo. Chúng là những người có căn tính Công giáo.

Trong thế kỷ XX, tình hình không như trên nữa. Tục hóa phát triển mạnh đến nỗi nó xóa bỏ hầu hết vị thế của đạo Công giáo. Như tác giả J. Sequeira nói : “Bí tích thanh tẩy sản sinh ra những người đã được rửa tội, không nhất thiết là những Kitô hữu. Họ kém lòng tin và chẳng tham gia vào các hoạt động tôn giáo nữa”.

Điều luật 1055 § II không phân biệt người lãnh bí tích rửa tội và người tin (tín hữu). Giả thiết rằng một người đã chịu phép rửa tội là người đã tin. Như vậy, chúng ta đang nằm trong bối cảnh mà luật không tiên đoán được, dù rằng luật đã được soạn thảo trong thế giới rất tục hóa. Thật vậy, việc bất phân biệt giữa khế ước và bí tích chỉ có thể, khi thể chế Giáo hội tương đồng với thế chế dân sự. Tất nhiên, chuyện này chỉ là chuyện không tưởng. 

Tự nhiên và ân sủng

Khế ước hôn nhân nói nên quyền tự nhiên như huấn quyền đã khẳng định tự lâu. Nhưng, trong kế hoạch cứu độ của giao ước mới, khế ước này trở thành một bí tích, nghĩa là có ơn sủng bên trong gắn liền với khế ước này. Tại sao lại thế?

Cần phải tìm lý do trong chương năm thư gửi tín hữu Êphêsô : như chúng ta đã biết, theo truyền thống, hôn nhân kitô giáo diễn tả mối kết hợp của Đức Kitô và Giáo hội. Nhưng ý nghĩa ra sao ?

Trong Kitô học và Giáo hội học, sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo hội là một hình ảnh như hình ảnh Chủ Chiên, Con Chiên, Con Đường… vì sự kết hợp của Đức Kitô và Giáo hội là một thực tại, thuộc trật tự huyền nhiệm, nên trong lãnh vực bí tích, ý nghĩa này nảy sinh để nói nên bản chất của mối quan hệ nam-nữ trong hôn nhân. Thật ra, những bản văn này còn rất mơ hồ. Theo các tác giả tác phẩm Problèms doctrinaux du mariage chrétien thì sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo hội như là một sự đồng nhất, một tương hợp nào đó, mặt khác họ cũng cho đây là một mối liên hệ tạo nên sự tham dự đích thực vào giao ước tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội . Bí tích khuân rập hôn nhân kitô giáo vào mầu nhiệm hợp nhất giữa Đức Kitô và Giáo hội. Nhờ bí tích, đôi hôn nhân thực sự được hòa nhập trong mầu nhiệm này. 

Kết luận như thế nào về điểm này ? Trước tiên, sử dụng hình ảnh này mà áp dụng cho hôn nhân cho thấy hình ảnh đã bị bóp méo để tạo nên một thực tế mà đôi hôn nhân phải khuân rập theo. Như vậy ở đây đã sử dụng hình ảnh ở mức tuyệt đối. Vì thế, cần xem xét lại tất cả để xác định rõ hơn mọi yếu tố.

Những giả thuyết kinh thánh

Ngoài ra, người ta còn nhận thấy một trong những nền tảng cho cách diễn giải này có được từ việc đọc lại các bản văn Sáng thế Ký.

- Ađam là hình ảnh của Đức Kitô.

- Eva là hình ảnh Giáo hội.

Vậy việc kết hợp giữa hai người tiên báo việc kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo hội, với một kết luận mà người ta biết liên quan đến hai người. Bí tích hôn nhân thể hiện một sự kết hợp hoàn trọn giữa Đức Kitô và Giáo hội, trong khi đó hôn nhân giữa những người chưa rửa tội vẫn còn ở giai đoạn ban đầu.

Thật vậy, trở lại quan niệm về vũ trụ của Huấn quyền, mọi sự được dựng nên trong Đức Kitô, bởi Đức Kitô và cho Đức Kitô. Toàn thể tạo vật đợi chờ ngày chung cuộc, đợi chờ ngày đổi mới hoàn toàn trong Đức Kitô. Trước Đức Giêsu hay ngoài Người chỉ là “hình bóng” báo trước. Nhờ bí tích Thanh tẩy, người tín hữu được tháp nhập vào cuộc canh tân này, họ đã là một tạo vật mới. Vả lại, trong kế hoạch cứu độ mới này, bí tích hôn nhân đưa hai người tới mầu nhiệm phục sinh. Thế nên, những tín hữu có hôn ước dân sự còn ở trong giai đoạn “hình bóng”, dù họ đã thuộc về thọ tạo mới. 

Bí tích Thanh tẩy và đức tin

Lý thuyết :

Về bản chất, phải có đức tin thì hôn nhân mới thành toàn bí tích. Ai cũng nhất trí điều này, dù đôi khi người ta không cùng quan điểm về nội dung của hạn từ này. Vậy sẽ cử hành như thế nào nếu người đã rửa tội không có đức tin ?

Trong bức thư cuối cùng, Hồng y Ratzinger đã viết : nếu chỉ một trong hai người phối ngẫu không có đức tin thì bí tích không thành sự. Thực ra, đây chỉ là cách thực hành những nguyên tắc đã đề cập trên đây. Nhưng kỳ thực, nó lại đặt ra nhiều vấn đề khác : 

- Hôn nhân có thành sự không khi một người đã rửa tội cưới một người không tin ?

- Hình ảnh của Giáo hội như thế nào trong các hôn nhân “ăn cơm trước kẻng” ?

- Và nếu chính thức cho rằng không có đức tin thì bí tích không thành sự, vậy có nên chăng tổ chức lễ cưới cho những đôi mà một trong hai người không có đức tin. Đây là vấn đề tế nhị về mặt mục vụ, nhưng chưa được bàn tới nhiều. 

Cần phải phải thêm một điều nữa mà người ta quen gọi là “quyền con người”. Theo Công đồng Vatican II, thì mọi người đều được tự do sống theo lương tâm của mình; không được ép ai theo một tôn giáo nào. 

Cũng vậy, mọi người đều có quyền cưới xin. Thế mà không phải ai cũng được sống bí tích. “Tôn trọng con người là tôn trọng khả năng ưng thuận tự nhiên của họ” (J.-B. Sequeira). Thật vậy, thuộc về Giáo hội có nhiều cấp độ. Giáo hội không thể áp đặt những người không muốn lãnh nhận phải đón nhận bí tích. Như vậy, phải dành thời gian cho quá trình Phúc âm hóa, quá trình này phải được diễn ra từ từ để những người đã rửa tội không niềm tin xác định được đâu là hôn nhân dân sự. Đó là một đề xuất cần phải thực thi để ít ra người ta không coi những cặp vợ chồng đã cưới nhau về mặt dân sự là những người không cưới xin như người ta vẫn có xu hướng đồng hóa họ với những đôi vợ chồng không rửa tội. Nhưng vấn đề này không phải là không gặp phản ứng từ huấn quyền.

Khía cạnh mục vụ : một thí điểm ban đầu

Chúng tôi trình bày ở đây một kinh nghiệm mục vụ về vấn đề này, nhằm giảm bớt những bất lợi do những nguyên tắc truyền thống được ấn định trong giáo luật.

Bối cảnh ở đây là bối cảnh của một thời đại tục hóa, thờ ơ với tôn giáo, lãnh đạm với các bí tích, và có nhiều đôi hôn nhân không muốn có bí tích trong hội thánh. Như đã nói chúng ta phải tôn trọng tự do. Nếu tôn trọng, chúng ta phải đề xuất nhiều khả năng lựa chọn, nhưng nguyên tắc của Giáo hội là nguyên tắc được hoặc không được : cử hành trong nhà thờ với bí tích , hay không có bí tích vậy thôi. Dưới mắt của các giám mục, tôn trọng tự do như Công đồng muốn cần phải được hiểu một cách nghiêm túc để mọi người có thể thể hiện được con đường đến với Thiên Chúa.

Hơn nữa, có một chuyện mục vụ mà mọi người không thể không quan tâm, đó là đối với nhiều đôi hôn nhân, thời gian chuẩn bị là thời gian thuận tiện nhất để gặp gỡ với Giáo hội. Đây là thời điểm “khởi động” về giáo lý. Đó là một kinh nghiệm mục vụ ưu tiên cho việc đón nhận : đừng nên đuổi khéo những ai chưa lãnh nhận bí tích, mà hãy giúp đỡ họ suy nghĩ khởi đi từ ba điều kiện :

- Đôi hôn nhân phải đi đăng ký dân sự.

- Phải nhận biết tính bất khả phân ly của khế ước hôn nhân.

- Phải diễn đạt ý hướng suy tư đức tin, vì nó có thể dẫn đưa họ đến hôn nhân tôn giáo.

Cụ thể, vấn đề được diễn tiến như sau :

- Gặp gỡ các đôi hôn nhân, nói chuyện với họ trong bầu khí thoải mái. Sau buổi gặp gỡ, đề xuất với họ ba giải pháp : hôn nhân dân sự, hôn nhân bí tích, hay hôn nhân không bí tích.

- Để cho đôi hôn nhân có thời gian suy nghĩ và tự quyết định.

- Soạn thảo tuyên bố về ý định, dự án và giới thiệu cho cộng đoàn kitô hữu (rao cho cộng đoàn biết).

- Tổ chức với sự chuẩn bị của đôi hôn nhân.

Như thế, chúng ta đã chuẩn bị những công việc này một cách cẩn trọng. Tuy nhiên, khi tông huấn Familaris Consortio được ban bố, kinh nghiệm này đã bị đình chỉ. Tất cả mọi việc cử hành không bí tích đều bị cấm chỉ, dựa trên nguyên tắc không phân tách giữa khế ước và bí tích.

Có nhiều kinh nghiệm khác kiểu này ở một vài nơi khác, nhưng vẫn vấp phải điều luật 1055 § 2.

Kết luận

Sau khi phân tích kỹ lưỡng, có tra cứu, tham khảo, ông J. B. Sequeira cho rằng cần phải loại bỏ luận đề bất phân tách giữa khế ướcvà bí tích. Dù rằng nó dễ dàng áp dụng (đã rửa tội thì có bí tích, còn nếu chưa rửa tội thì không có bí tích), nhưng ông vẫn cho rằng như thế thì thật là nguy hiểm cho Giáo hội, cho việc rao giảng Tin Mừng. Ông cũng nêu tên những tác giả chống, cũng như người thuận với tính bất phân tách trên. Và phần lớn tác giả muốn bỏ nguyên tắc này. Cụ thể, ông đã đề nghị bỏ điều luật 1055 § II, cũng như điều luật 1108 (hình thức bắt buộc để hôn nhân kitô giáo thành sự). Ông cũng đề nghị : mọi cuộc hôn nhân cử hành cách công cộng đều là hôn nhân thực sự, dù cho nó chưa phải là hôn nhân bí tích. Ông cũng đề xuất những tiêu chuẩn đánh giá cho những điều kiện thừa nhận bí tích phải được xác định rõ ràng. Cuối cùng, ông đề nghị thiết lập một hình thức mới cho tân giáo lý. Dù có suy nghĩ về những lời đề nghị này như thế nào đi nữa, thì việc đưa ra vấn đề này đã đã đặt ra nhiều khó khăn, thậm chí còn đưa vào bế tắc, về mặt giáo lý, mục vụ, cũng như về mặt pháp lý hiện đang hiệu lực.

KẾT LUẬN CHUNG

Chúng ta còn nhiều vấn đề để bàn luận khởi đi từ những dữ kiện nhân chủng học, xã hội học…. Nhưng chúng ta phải nhận thấy cần đổi mới, và công việc còn rất bề bộn.

Điều cần phải biết đó là thần học hôn nhân vẫn còn đang dò dẫm. Với những tác phẩm đã xuất bản, thì dường như nó cũng mới chỉ đưa đến một cuộc canh tân nào đó về mặt giáo lý và kỷ luật, nhưng những tình tiết thì chưa chín tới. Hy vọng trong Thiên niên kỷ mới sẽ có nhiều cuộc nghiên cứu cụ thể hơn. 

––––––––

Để hiểu thêm, xin xem:

- G. Baldanza: La grazia del sacramento del matrimonio. Contributo per la riflssione teologica, C. L. V. Edizioni liturgiche, coll. Bel “Subsidia” n 74, Roma 1993.



- P. Barberi: “Linee di sviluppo della recente riflesione teologica sulla celebrazione del matrimonio”, Ephemerides Liturgicae 1979/4-5, 258-315. Repris et augmenté dans La celebrazione del matrimonio cristinao. II tema negli ulyimi decenni della teologia cattolica, C.L.V. Edizioni liturgiche, col. BEL “subsidia” n 23, Rome 1982. Trè bonnes bibliographies.

- L. – M. Chauvet: “Le mariage, un sacrement pas comme les autres”, LMD 127, 1976, 64-105.

- CTI: Problèmes doctrinaux du mariage chrétien, coll. “Lex Spiritus Vitae”, Louvain-la-Neuve 1979.

- X. Lacroix: Tous ouvrages.

- A. Massi: “Matrimonio sacramento pasquale”, Miscellana liturgica in onere di S. E. il cardinale G. Lercaro, vol.1, 403-28, Desclée, Rome 1966.

- M. M. Peque: Lo Spirito Santo e il matrimonio nell’lnsegnamento della Chiesa, Edizioni Dehoniane, Roma 1993.



- J. – B. Sequeria: Tout mariage entre baptisés est-il nécessairement sacramental, Cerf, coll. Théses, Paris 1985. Excellent point sur la questions, très bonne bibliographie.