Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

ĐỨC KHÓ NGHÈO VÌ NƯỚC TRỜI

POVERTY FOR THE KINGDOM 

Tác giả: José Cristo Rey García Paredes. cmf, 

Chuyển ngữ : Hoàng Thụy

I. Nghèo như Đức Giêsu, Đức Maria và các Tông đồ
Nền Tảng Thần Học Kinh Thánh về Đức Khó Nghèo
Đức khó nghèo của chúng ta dựa trên nền tảng bao gồm ba yếu tố: đức khó nghèo của Chúa Giêsu, Đấng công bố Tin mừng Nước Trời, đức khó nghèo của Đức Maria, người nghèo nhất trong số những người nghèo của Giavê, và sau cùng, đức khó nghèo của các tông đồ.

1. Đức khó nghèo của Đức Giêsu

1.1. Như sự tự hủy

Theo cách giải thích của thánh Phaolô, chúng ta có thể khởi đi từ sự khó nghèo của Đức Giêsu. Ngài đặt sự khó nghèo này trong toàn bộ khung cảnh mầu nhiệm Đức Giêsu, như chúng ta thấy trong thư thứ hai gởi tín hữu Côrinthô: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9).

Mục đích của những cử chỉ, lời nói và cuộc đời của Đức Giêsu chỉ có thể được khám phá dưới ánh sáng của biến cố Vượt qua. Biến cố này vừa tỏ lộ viễn tượng về cuộc đời Đức Giêsu, vừa là tiêu chuẩn đặc thù để hiểu sự khó nghèo của Ngài.

Biến cố Phục sinh đã hiển lộ sự thật về con người Đức Giêsu Nazareth: Ngài không chỉ là ngôn sứ, mà còn là đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa và là Chúa của mọi loài vì Chúa Cha đã trao cho Ngài mọi quyền năng trên trời dưới đất. Theo thánh Phaolô, chỉ trong Đức Giêsu Kitô, những kẻ giàu có của thời cánh chung mới thực sự là người giàu có. Nhưng theo con mắt người đời, họ là những người nghèo khó triệt để và điên rồ(x. 1Cr 1,23; 3,18), bởi vì thế gian không hiểu bản chất đích thực của vấn đề.

Đức Giêsu Kitô,vốn là đấng giàu có, đã trở nên nghèo để làm cho thế gian giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài. Vì khi sống giữa chúng ta Ngài đã không dùng những đặc quyền vốn thuộc về mình; Ngài đã không xuất hiện như “Chúa”, mà như “người tôi tớ”, như kẻ nô lệ. Ngài đã không biểu lộ những đặc quyền vốn thuộc Thiên tính của Ngài. Hơn nữa, Ngài mặc lấy “thân xác tội lỗi” như thân xác của chúng ta (x. Rm 8,3tt), và mang lấy gánh nặng của tội và án phạt của chúng ta. Mầu nhiệm nhập thể đạt đến đỉnh cao qua việc “tự hạ”: Đức Giêsu đã trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa; như một người tôi tớ Ngài đã vâng lời cho đến chết, thậm chí là cái chết xấu xa và ô nhục trên thập giá (x. Pl 2,5-11). Để phục vụ, Ngài đã “hóa mình ra không”. Đối với những kẻ bị giam cầm trong của cải và cái tôi ích kỷ, con đường tự hủy thực sự là một sự chướng kỳ. Mầu nhiệm nhập thể ở đây, được hiểu như hành động vĩ đại qua việc Con Thiên Chúa tự nguyện trở nên khó nghèo, Ngài chọn cái nghèo làm lẽ sống thay vì sự giàu sang. Đức Kitô từ bỏ sự giàu sang trên trời là vinh quang Thiên tính của Ngài, chọn trở nên nghèo khó và xuất hiện trong thân phận người nghèo. Điều ấy có nghĩa là Ngài đã rộng lượng ban cho nhân loại của cải trên trời. Theo thánh Phaolô, việc Đức Kitô nhập thể không làm giàu thêm cho thân xác Ngài. Cho đến khi chết, thân xác Ngài vẫn chỉ là “thân xác đầy tội lỗi”, ở trong tình trạng yếu đuối. Đức Giêsu đã khởi đầu sự nghèo khó của Ngài bằng việc tự ý thực thi chương trình của Chúa Cha và dấn thân cho nhân loại. “Ở đây, hơn cả sự trần trụi, Đức Giêsu là người nghèo. Ngài nghèo trong tâm hồn để nhờ đó hiệp thông với ý định của Chúa Cha và chia sẻ số phận với anh chị em mình. Đức Giêsu nghèo nếm trải những hệ luỵ tột cùng của việc nhập thể trong thân xác đầy tội lỗi”. 

Để tưởng thưởng sự tự hủy, Chúa Cha đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Chỉ qua sự phục sinh thân xác Ngài được Thần khí biến đổi mới trở nên bất tử. Bằng việc nối kết mầu nhiệm nhập thể và phục sinh, các Giáo phụ quả quyết rằng qua biến cố nhập thể, Lời đã đón nhận chúng ta vào trong Ngài: “Tuy giàu có, Ngài đã trở nên nghèo nàn để ban cho chúng ta sự giàu có của Ngài, và qua thân xác ấy mà Ngài đã chiếm lấy, đã mặc lấy tất cả chúng ta thành chính Ngài”. 

Sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã nhận được quyền năng hầu phân phát sự giàu có của Thiên tính Ngài. “Xem ra hình ảnh Đức Kitô đã tỏ lộ cho thánh Phaolô lề luật mang tính cứu độ, theo đó Ngài từ bỏ quyền lợi của mình để làm cho những người khác được giàu thêm… Sự giàu có đích thật là tình yêu được biểu lộ bằng quà tặng của bản thân; khi bước theo Đức Giêsu… lòng yêu thương được giải thoát khỏi của cải và những quyền lực xấu xa của thế gian, đồng thời tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ lo cho ta mọi nhu cầu theo mức độ lượng vinh quang dồi dào của Ngài”. 

Nền tảng Kitô học về đức khó nghèo của chúng ta phải được giải thích trong bối cảnh thần học này. Thánh Phaolô đặt nổi nét tương phản giữa sự nghèo khó của Đức Giêsu lịch sử với sự giàu có mà Ngài đã ban chính mình cho chúng ta, sự giàu có ấy tạo cho chúng ta quyền thừa kế. Vì chúng ta, xét như phàm nhân, là những kẻ hoàn toàn nghèo nàn, đã bị tước hết quyền sở hữu mọi thứ, không có tương lai. Vì thế Ngài nói: “anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9).

1.2. Như một cách thế rao giảng Tin mừng 

Thánh sử Luca cho chúng ta thấy Đức Giêsu là vị ngôn sứ chung quyết. Ngài đi hết thành này đến thành khác, từ làng này sang làng khác, loan báo và công bố Tin mừng Nước Thiên Chúa (Lc 8,1). Có một số người đi theo Ngài, ấy là nhóm Mười Hai và một vài phụ nữ đã chăm sóc, cấp dưỡng cho Ngài bằng của cải của họ.

Có thể diễn tả sự nghèo khó của Đức Giêsu lịch sử bằng một câu vắn tắt nhưng đầy ý nghĩa: “Khi rao giảng Tin mừng, Người không có cái gì để tựa đầu” (Evangelizans regnum, non habebat ubi reclinaret caput suum) (Lc 9,58). Đức Giêsu đã không thi hành sứ vụ của Ngài bằng những phương tiện do ma quỷ đề nghị với Ngài qua bản miêu tả có tính cách biểu tượng về những cám dỗ. Hơn nữa, Ngài đã khước từ việc tự khẳng định, sự khoe khoang quyền lực và sức hấp dẫn của giàu sang. Và Ngài không ngần ngại phó thác đời mình cho tình yêu thương quan phòng của Chúa Cha. Khởi sự việc công khai loan báo Tin mừng, Ngài rời bỏ gia đình, nhà cửa, của cải, nghề nghiệp để bắt đầu hướng đến một cuộc sống lưu động và thường xuyên phục vụ những người khác. Theo thánh sử Luca, việc rong ruổi truyền giáo của Đức Giêsu có mục tiêu duy nhất: Giêrusalem, nơi Ngài sẽ hoàn tất việc phục vụ trong cuộc thương khó, chết và được tôn vinh: “Khi tới ngày được cất ra khỏi thế gian này, Ngài nhất quyết đi lên Giêrusalem. Ngài sai mấy sứ giả đi trước.” (Lc 9,51tt).

Bước theo Đức Giêsu lưu động nghĩa là bước cạnh Ngài trong hành trình lên Giêrusalem. Với những ai đã gặp gỡ và xin theo Ngài, Đức Giêsu tỏ lộ cho họ thấy ý nghĩa và điểm cốt lõi về lối sống của Ngài. Với “một người trong nhóm tiến lại gần Ngài” và đã thưa với Ngài, “Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo” (Lc 9,57), Đức Giêsu bảo: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58; Mt 8,20).

Kiểu nói Sêmít gồm ba câu Đức Giêsu dùng, trong đó câu thứ ba tương phản với hai câu đầu càng nhấn mạnh ý nghĩa so sánh: Đức Giêsu, Con Người, đã không có hang mà cũng chẳng có tổ cho mình, nghĩa là Ngài không có nhà mà cũng chẳng có mái ấm. Hay nói theo kiểu Thánh vịnh: “Ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm, cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con” (Tv 84,4). Bổ sung cho cách giải thích này, sách Huấn ca viết: “Đàn ông không vợ thành kẻ lang thang rên rỉ… Ai dám tin kẻ lang thang hết thành này qua thành nọ? Đàn ông không tổ ấm cũng vậy thôi, tối đến thì bạ đâu trú đấy” (Hc 36,26-27).

Con Người không vợ con, luôn rong ruổi trên đường, lữ hành từ thành này tới thành nọ; Ngài tiện đâu trú đấy. Ngay cả loài vật, chẳng hạn như những con cáo và những con chim khi di chuyển từ nơi này đến nơi nọ, chí ít cũng có một cái hang ở dưới đất hay cái tổ trên cây; ấy vậy mà Đức Giêsu chẳng có lấy một cái lán nhỏ hay chỗ nương thân. Ngài không có vợ cũng chẳng có con, cũng chẳng có dinh thự. Ngài sống trong tình trạng hoàn toàn không cố định. “Con Người là hiện thân của người nghèo, độc thân, không gia đình, không nơi ở nhất định, không có vẻ gì là công dân. Hình ảnh so sánh với chim trên bầu trời và cáo trên đất càng làm tăng mức độ tương phản của tình trạng bấp bênh, bị bỏ rơi là tình cảnh Đức Giêsu đang sống. Đó cũng là lối sống Ngài mời gọi những ai muốn theo Ngài phải sống”. Chính vì thế, bản văn không chỉ nói về tình trạng nghèo khó của Đức Kitô, mà còn về điều gì đó triệt để hơn nhiều: sự độc thân khiết tịnh của Ngài. 

Đức Giêsu, Đấng loan báo Vương Quốc trong những điều kiện sống từ bỏ và không ổn định, đã ưu tiên trình bày Tin mừng Nước Trời cho người nghèo. “Nhóm người nghèo – the anawim – tiên vàn là những kẻ thực sự khốn khó, những kẻ vô sản đúng nghĩa, có địa vị thấp kém nhất trong xã hội. Họ là những nhóm người bị đàn áp và bị bóc lột. Đến đây, quan niệm về người nghèo chuyển dần từ nghĩa xã hội sang nghĩa tôn giáo. Trong tiến trình tinh thần hóa ý nghĩa này, nhóm người nghèo ở đây rõ ràng là những người thời Cựu ước, họ không vướng bận vào của cải trần gian, mà chỉ bám chặt vào một mình Thiên Chúa”. 

Chúng ta nên hiểu sự nghèo khó của Đức Giêsu theo khía cạnh Ngài hoàn toàn sẵn sàng cho việc phục vụ Vương Quốc: trong tình trạng luôn lưu động hướng đến việc hoàn tất sứ vụ chung quyết, tiến về Giêrusalem mà chính bản thân Ngài phải sống bấp bênh. Sự tách lìa là hệ quả duy nhất của thái độ căn bản này. Tuy nhiên, nơi Đức Giêsu, chúng ta không thấy điều gì chứng tỏ Ngài là nhà tu khổ hạnh khắt khe, là kẻ thù đối với mọi của cải vốn tốt lành trên thế gian này. Trở nên người nghèo trong khi vẫn có của cải cũng chẳng làm Ngài bận tâm chút nào.

2. Đức Maria, người nghèo nhất trong số những người nghèo của Giavê

Đối với chúng ta, Đức Maria là gương mẫu sự khó nghèo. Tiên vàn Mẹ là người nghèo nhất của Giavê. Chúng ta chiêm ngắm sự khó nghèo của Đức Maria như một trong những đặc tính căn bản giúp mẹ đón nhận và thuộc về Nước Thiên Chúa.

Các tác giả Tin mừng trình bày Đức Maria như một người phụ nữ đơn sơ và khiêm nhường, là người đã chia sẻ hoàn cảnh và thân phận người phụ nữ thời mẹ. Mẹ không ở trong số những người có địa vị cao sang trong xã hội. Xem ra Đức Maria xuất thân từ đám dân nghèo, bị khinh miệt, vì vùng Galilê bán dân ngoại, chắc chắn không có ngôn sứ nào xuất thân từ đây (x. Ga 7,52). Mẹ sống ở làng Narazeth tầm thường, như người ta vẫn nói: “Từ Narazeth, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46). Ấy vậy mà từ người phụ nữ khiêm nhường này Vương Quốc đã đang khởi sự. Nước Thiên Chúa là Tin mừng cho người nghèo. Như người đầu tiên và nghèo nhất trong số những người nghèo, Đức Maria là người đầu tiên đón nhận Tin mừng này, người đầu tiên được Tin mừng hóa. Thánh Matthêu và Luca viết về mẹ trong viễn ảnh này.

2.1. Với Đức Maria, những người nghèo và khiêm nhường Vương Quốc đang bắt đầu

Theo Mt 1,1.18, từ nơi Đức Maria khởi đầu một dòng giống mới, một nhân loại mới trong đó Thiên Chúa sẽ ngự trị. Mẹ là người sinh ra Đấng Mêsia thuộc dòng dõi Đavít. Với Mẹ, sấm ngôn về Đấng Emmanuel ứng nghiệm, vì Thiên Chúa ở cùng Nhà Đavít đến muôn đời. Hơn nữa – đây là điều rất quan trọng – Vua Mêsia và thân mẫu Ngài sống trong sự nghèo khó và khiêm hạ. Mátthêu có ý gợi lại gốc tích tầm thường của người chăn chiên tên Đavít, gợi lại thành Bethlehem quê hương ông. Thánh Ephrem Syria diễn tả rất hay về viễn ảnh này qua công thức chúc phúc: “Người có phúc là ai, hỡi Maria, con gái của người nghèo, người là Mẹ sinh ra Chúa của các Vua”. 

Theo trình thuật Truyền Tin trong Tin mừng Luca, Đức Maria được loan báo về sự kiện Triều đại Thiên Chúa đến cùng với việc mẹ thụ thai người con, người con ấy sẽ trở nên “Vĩ đại” và là “Con của Đấng Tối Cao”: Ngài sẽ nhận được ngai vàng của Đavít, tổ phụ Ngài, và “sẽ cai trị trên Nhà Giacóp mãi mãi, và triều đại Ngài sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33). Cũng theo trình thuật này, Đức Maria hoàn toàn nhận thức được rằng lúc đảm nhận vai trò người mẹ trinh khiết cũng là lúc Vương Quốc đến. Và mẹ vui mừng cất lời Ngợi Khen: 

“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.” (Lc 1,49-5).

Mặc dù là người liên hệ mật thiết trong biến cố này, Mẹ đã công bố việc Vương Quốc đến mà không phô trương. Dấu chỉ cho thấy việc Vương Quốc đến chính là sự nghèo khó và khiêm nhường. Sau khi sinh con, Đức Maria đã phải “lấy tã bọc con và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Hình ảnh Máng ăn gia súc tương phản với nhà trọ đã nên dấu chỉ tỏ lộ cho các mục đồng nhận ra Đấng Mêsia (Lc 2,12-16). Đấng Cứu thế hạ sinh trong cảnh khó nghèo là bằng chứng nói lên địa vị thấp hèn của cha mẹ Ngài. Chẳng vậy, khi dâng Hài nhi Giêsu vào Đền thờ, ông bà đã phải dâng lễ vật ấn định cho người nghèo (LG 57). Chính vì thế, từ tuổi ấu thơ, vị thành niên cho đến khi trưởng thành, Đức Giêsu đã chia sẻ sự nghèo khó với Đức Maria và thánh Giuse.

2.2 Đời sống thiêng liêng của “nhóm người nghèo”

Theo thánh Luca thì, Đức Maria thuộc về nhóm những kẻ hèn mọn, là những người được Thiên Chúa nâng cao: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn đến” (Lc 1,48). Đức Maria đã công bố rằng Vương Quốc do Con Đấng Tối Cao cai trị đang khởi đầu cách lạ lùng nơi mẹ: “Vì Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”, mà không Đấng nào khác có thể làm được. Trong bài ca Tạ Ơn (Magnificat), Đức Maria ám chỉ Mẹ là người lao động vất vả và có địa vị thấp hèn:

Khi dùng từ “phận hèn mọn” và “phận nữ tỳ” (nghĩa là nữ nô lệ) để chỉ Đức Maria, thánh Luca nối kết Mẹ với những ký ức của nhóm người nghèo vốn gợi lên những thời kỳ đen tối, trong đó hoặc họ là những phụ nữ khát mong sinh con trẻ, hoặc là Israel bị áp bức trong thân phận một “người hầu gái” (1 Mcb 2,11) thấp hèn (1Sm 9,16), và họ đã được Thiên Chúa cứu giúp bằng sức mạnh của Ngài. 

Thánh sử Luca đặt Đức Maria vào số những người khiêm nhường và nghèo khó. Thậm chí thánh sử viết về Mẹ như người phát ngôn của Vương Quốc loan tin sự lật đổ của Đấng cứu độ nhân danh người nghèo. Công đồng Vaticanô II đã diễn tả điều này khá hay: “Mẹ trổi vượt trên các người khiêm nhường và khó nghèo của Chúa, là những người tin tưởng hy vọng và đón nhận ơn cứu độ nơi Chúa” (LG 55).

Vì lẽ Mẹ là người nghèo, nên khi sứ thần Gabriel loan báo về Vương quyền Thiên Chúa là đem cho Mẹ tin vui: sứ thần nói, “Mừng vui lên, hỡi thiếu nữ đầy ân sủng !” Mẹ là người trước tiên trong số những người nghèo đã đón nhận tin vui, Tin mừng. Mẹ đã nếm trải trước mối phúc đầu tiên trong số tám mối phúc Đức Giêsu công bố: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. Theo thánh sử Luca, Đức Maria đã được nối kết vào truyền thống vĩ đại của nhóm người nghèo, là những người nghèo của Giavê. Cùng thông phần với họ, Mẹ đã kiên trì, một mực vững tin nơi Thiên Chúa, hết lòng mong chờ Nước Trời đến và thông dự sự khó nghèo tinh thần. Thánh Luca cho chúng ta thấy Mẹ là người gắn bó chặt chẽ với tinh thần của số sót của Israel, là biểu tượng sống của một dân tộc gồm những người nghèo. Đức Maria tượng trưng cho những người nghèo, những người bị trị, người khiêm nhường và người Israel bị hạ nhục, họ vốn luôn hy vọng rằng Đức Chúa quyền năng sẽ can thiệp. Trong bài Magnificat, Đức Maria ý thức và tuyên nhận rằng Mẹ có Thiên Chúa ở cùng. Mẹ không kỳ vọng vào sức mạnh của con người, vào cuộc cách mạng hay sức mạnh bạo lực, nhưng một mực tin tưởng vào việc “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh”. Bài ca Magnificat trong Tin mừng Luca là bằng chứng cho thấy Đức Maria gắn bó chặt chẽ với đời sống thiêng liêng của những người nghèo: 

Bài Magnificat là tấm gương phản ảnh tâm hồn Đức Maria. Trong bài thơ này, đời sống thiêng liêng của những người nghèo của Giavê và trào lưu ngôn sứ Cựu ước đạt tới cực điểm. Đó chính là bài ca loan báo Tin mừng của Đức Kitô, là khai đề cho Bài giảng trên Núi. Nơi bài ca ấy, chúng ta thấy Đức Maria như đang tự trở nên trống rỗng và đặt tất cả lòng tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa Cha. 

Trong Tin mừng Mátthêu và Luca trình bày Đức Maria như người phụ nữ, trinh nữ và người mẹ. Nơi mẹ – thụ tạo mới của Thiên Chúa- Triều đại Thiên Chúa thời cánh chung được khai mạc nhờ vương quyền Đấng cứu thế của Con Ngài. Mặc dù không đề cập cách rõ ràng, Đức Maria vẫn được hiểu như Evà mới: bởi quyền năng Thánh Thần, lòng dạ mẹ đã sinh ra nhân loại mới. Như người phụ nữ thù địch với con quỷ, mẹ đã công bố việc Vương Quốc đến cách kỳ diệu trong bài Magnificat và với lòng tin tưởng tuyệt đối, mẹ nhận được ân sủng của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh rằng, Triều đại Thiên Chúa khởi đi từ dáng vẻ của người phận nhỏ, người nghèo và người khiêm nhường. Đó là Vương Quốc được loan báo và được khởi đầu trong nghèo khó và khiêm nhường, cho người nghèo và người khiêm nhường. Hình ảnh Đức Maria hoàn toàn phù hợp với bối cảnh này. Mẹ là “nữ tì hèn mọn”, là người nghèo khó trinh khiết.

3. Các Tông đồ, những người bỏ mọi sự để đi theo Chúa

Một dịp nọ, ông Phêrô lên tiếng thay các bạn đồng hành, nói với Đức Giêsu về tình cảnh của nhóm: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (Mc 10,28). “Bỏ mọi sự” hàm ý điều gì? Trong câu trả lời cho ông Phêrô, Đức Giêsu giải thích rõ ràng: bỏ mọi sự nghĩa là bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương vì Thầy và vì Tin mừng (Mc 10,29). Những ai đi theo Đức Giêsu thì họ không có nhà cửa, gia đình, chẳng có con cái, cũng không có tài sản cho riêng họ. Họ hoàn toàn chia sẻ hoàn cảnh của Đức Giêsu, Đấng mà họ theo và ở với Ngài. Nhưng sự nghèo khó ấy chỉ là bề nổi của việc từ bỏ mọi sự, bởi vì qua đó họ nhận được “kho báu trên trời”, cùng với những sự ngược đãi. Bản thân Đức Giêsu đã đề nghị với chàng thanh niên giàu có rằng anh ta cần phải bố thí của cải để được một “kho tàng trên trời”: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21).

Tình trạng bấp bênh và kém chắc chắn này nhiều khi khiến những kẻ theo Đức Giêsu phát hoảng: “Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi” (Mc 10,32). Đối với họ, chương trình mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi Đức Giêsu là hoàn toàn khó hiểu.

Những người được gọi bước theo Đức Giêsu phải từ bỏ mọi thứ: lưới đánh cá, cha mẹ, gia đình, nghề nghiệp, gia sản. “Mọi thứ” ở đây là không chừa gì cả, nghĩa là không những bỏ lại đằng sau người sống, mà còn ngay cả người chết. Ấy là sự từ bỏ triệt để, nhấc những kẻ theo Đức Giêsu ra khỏi hang hoặc tổ của họ, đến độ họ không có chỗ gối đầu. Ấy là sống cảnh màn trời chiếu đất, không có những sự bảo đảm của thế gian. Ấy là một nơi không thể biết trước được; thậm chí là một nơi “không nơi chốn” (ou-topos); ấy là “bên ngoài” cửa thành (x. Dt 13,12-13).

Việc đáp ứng lời mời gọi không cho phép những kẻ theo Đức Giêsu tiếp tục lối sống họ đã sống bấy lâu. Bởi vậy những ai thuộc về thế gian không thể hiểu tình trạng của những người đi theo Đức Giêsu. Họ không thể hiểu nơi mà họ không thể ở. “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26). “Chỗ ở” của Đức Giêsu là thập giá, là “ở bên ngoài”, là “không cửa không nhà”, “không thuộc về thế gian này”. Chỗ ở là nơi Ngài thi hành sứ vụ. Điều kiện tiên quyết để sống ở nơi thi hành sứ vụ là bỏ mọi thứ lại đằng sau. Cho người nghèo những gì anh có, là cách diễn tả sinh động nhất về việc không bao giờ lấy lại được nữa.

Lời mời gọi bỏ mọi thứ lại đằng sau, cũng đòi hỏi chúng ta phải tin cậy, không sợ hãi. Nghĩa là chúng ta phải từ bỏ mọi sự an toàn và mọi lợi lộc trần gian. Với những ai được gọi và đáp lời, Chúa Cha sẽ ban cho họ Vương Quốc, ban cho gấp trăm lần. Theo nghĩa này, Đức Giêsu cho thấy lối sống của chính Ngài trong trần gian. Họ sẽ được ban cho gia đình mới, nhà cửa và gia sản mới trên trần gian này, cùng với những sự ngược đãi. Đức khó nghèo Phúc âm chỉ có thể tồn tại trong lĩnh vực niềm tin và hy vọng. Đức khiết tịnh Phúc âm dường như được gồm thâu trong luật nghèo khó. Trong Tin mừng Luca, khi ai đó từ bỏ vợ (chồng) cũng đồng thời phải từ bỏ bà con thân thuộc và của cải trần gian. Đứng trước lối sống khó nghèo do Đức Giêsu đề nghị, các môn đệ – theo Máccô và Mátthêu – rất sửng sốt và hỏi, “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mc 10,26; Mt 19,25). Và trong Mátthêu họ cũng phản ứng như thế trước lời đề nghị sống khiết tịnh: Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn” (Mt 19,10). Lối sống mới mở ra một tiềm năng kỳ diệu: điều gì không thể đối với loài người, lại có thể đối với Thiên Chúa.

II. Lời khấn khó nghèo Phúc Âm

Sự khó nghèo của Đức Giêsu, của Đức Maria và của các Tông đồ đặt nền tảng và xác định cho kiểu khó nghèo của đời tu chúng ta. Ấy là kiểu khó nghèo họa lại sự khó nghèo của Đức Giêsu: sự khó nghèo-tự hủy, khó nghèo-truyền giáo. Và theo gương mẫu Đức Maria, nó cũng là sự khó nghèo – tinh thần. 

1. Sự khó nghèo – tự hủy

Đó là sự khó nghèo của một chọn lựa cơ bản, khó nghèo-gốc. Kiểu nói thánh Phaolô đã áp dụng cho Đức Giêsu, cũng được áp dụng cho chúng ta: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có”. Trong thư này, thánh Phaolô cũng mô tả “những thợ lành nghề” và “những thừa tác viên của Thiên Chúa” với cùng nét Kitô học này: “Chúng tôi bị coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2Cr 6,10). Việc bắt chước Đức Kitô, trong viễn ảnh này, đòi hỏi việc cởi bỏ con người chúng ta, dốc cạn thân phận của chúng ta và mang lấy thân phận hạ cấp. Tình cảnh này giống như ta đi vào một thế giới xã hội đen, tuy thế không làm cho ta sợ hãi cho dù phải đối diện với nguy cơ cướp đoạt rình rập, dù phải đối diện với cái chết trên thập giá, kiểu chết được báo trước cho những kẻ bị coi là hạ cấp: “ bị coi là bịp bợm…, là vô danh tiểu tốt…, là sắp chết…, là bị trừng phạt…, là phải ưu phiền…” (2Cr 6,8-9).

Hình thái khó nghèo tận căn không hệ tại việc đưa chúng ta, về phương diện địa lý hay xã hội, đến một nơi nghèo nàn, mặc dù điều ấy có thể là một hệ quả thiết yếu. Đó là điều gì đó sâu xa hơn nhiều. Khó nghèo tận căn hệ tại sự từ bỏ chính mình, quên đi cái “tôi”, thôi sùng bái cái tôi, và thôi nuông chiều cái tôi.

Ý định và mục đích của sự tự từ bỏ tận căn như thế là một việc hết sức quan trọng. Đó không phải là một kiểu khổ chế vì khổ chế; đúng hơn, đó là một sự từ bỏ tính ích kỷ ngõ hầu chúng ta có thể phục vụ Thiên Chúa là Cha, để chúng ta có thể cộng tác vào việc xây dựng Nước Chúa, để làm cho tất cả những người khác nên giàu có. Đây là sự chọn lựa vĩ đại xác định cuộc đời của những ai đi theo Đức Giêsu: sự chọn lựa không chiếm hữu, nhưng trao ban hoàn toàn; không sống để khẳng định mình, nhưng sống cho người khác bất chấp hậu quả. Sự chọn lựa cả thể này phải đưa chúng ta đến chỗ quý mến những ý nghĩa về cái nghèo, một lối sống nghèo, không đề cao bản thân, tình trạng yếu đuối. Sự chọn lựa ấy phải đưa chúng ta đến chỗ trung tín và tuân thủ lề luật cứu độ, ấy là bằng sự khước từ những quyền lợi của chúng ta để làm giàu cho người khác. Khó nghèo tự nguyện là tình yêu thoát khỏi quyền lực xấu xa và của cải. Khó nghèo tự nguyện là sự tin tưởng vào Thiên Chúa, để Ngài đáp ứng cho mọi nhu cầu của chúng ta tùy theo mức độ giàu có của Ngài. 

Khó nghèo tự nguyện là làm giàu cho kẻ khác bằng “của cải đích thực”, của cải thời cánh chung. Sự khó nghèo tự nguyện sẽ hoàn toàn là điều điên rồ khi đào thoát khỏi sự nghèo khó để bước vào sự nô dịch hóa và sự bạo ngược của tiền của bất chính.

2. Sự nghèo khó để rao giảng Tin Mừng

Sự nghèo khó này cần thiết cho những ai, vì việc loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, phải đi từ thành này đến thành khác, từ làng này đến làng khác (Lc 8,1). Nếu chúng ta ước mong noi gương Đức Giêsu Rao giảng Tin mừng, chúng ta phải khước từ hết mọi phương tiện do thần tài đề xuất: tự khẳng định mình, phô trương sức mạnh, cám dỗ làm giàu; trái lại, chúng ta phải ôm lấy phương tiện lớn lao, ấy là lòng tin tưởng tuyệt đối và duy nhất vào sự yêu thương quan phòng của Chúa Cha. Như Đức Giêsu, chúng ta từ bỏ cái hang hoặc cái tổ của con người, đó là ngôi nhà và tổ ấm của chính chúng ta. Khi công bố Vương Quốc theo những điều kiện khước từ của cải và tiện nghi cuộc sống, như Đức Giêsu đã làm, chúng ta phải ưu tiên loan báo Tin mừng Nước Trời cho những người nghèo, và với những thành phần còn lại chúng ta phải kêu gọi họ hoán cải theo những đòi hỏi của Vương Quốc. Khó nghèo Phúc âm là hoàn toàn sẵn sàng phục vụ Vương Quốc: luôn để tâm đến việc thi hành sứ vụ chung quyết, luôn ở trong tình trạng đi lên Giêrusalem, trong tình trạng hoàn toàn từ bỏ chính mình. Việc khước từ của cải là hệ quả duy nhất của thái độ căn bản này. Đức khó nghèo của chúng ta không phải là sự khổ chế, mặc dù nó đòi hỏi việc khổ chế. Là nhà truyền giáo tức thị là người sống khó nghèo. Chúng ta không phải là kẻ thù của của cải trần gian vốn tốt lành. Trở nên nghèo trong việc sở hữu của cải, với mục đích là, để của cải không còn trở thành mối bận tâm ám ảnh chúng ta.

Như các tông đồ xưa, chúng ta được mời gọi từ bỏ mọi thứ (nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và gia sản) để bước theo Đức Giêsu. Làm theo lời mời gọi này chúng ta biết rằng, chúng ta đã có “một kho tàng ở trên trời”, thậm chí được lợi “gấp trăm lần trên trần gian” cùng với những sự ngược đãi. Tình trạng bấp bênh và sự thiếu an toàn này nhiều khi khiến chúng ta hoảng sợ và khó lòng hiểu được. Cái “từ bỏ mọi thứ” mà đức thanh bần Phúc Âm đòi hỏi chúng ta thì không thể nhân nhượng: nó đưa chúng ta vượt ra ngoài và vượt lên trên những sự bảo đảm thế gian cung cấp cho ta. Đức thanh bần phúc âm khiến cho chúng ta ra khỏi thành, ra khỏi lề thói thông thường của nhân loại. Chính vì thế, người đời không thể hiểu nỗi sự chọn lựa của chúng ta. Và quả thực, chúng ta chiếm được nơi không thể hiểu được. 

Về phương diện này đức thanh bần Phúc âm biến đổi chúng ta thành một dấu chỉ, một lời nhắc nhớ, một sự khơi lên những điều tốt lành của thế giới đang đến. Qua sự nghèo khó chính chúng ta được biến đổi thành những dấu chỉ của thời cánh chung.

3. Nghèo khó như một linh đạo

Mẫu gương Đức Maria dẫn chúng ta nhập vào nhóm người khiêm nhường, liệt chúng ta vào số những người bị hạ nhục và người nghèo. Hơn thế nữa, mẫu gương ấy cũng có nghĩa là chúng ta trở thành, như Mẹ, những phát ngôn nhân loan báo về “sự lật đổ” do Đấng Thiên Sai của Vương Quốc thực hiện nhân danh người nghèo, trong niềm hy vọng đợi trông và đón nhận ơn cứu độ. Nếu thông dự vào sự nghèo khó của Đức Maria, chúng ta sẽ được Tin mừng hóa, sẽ nhận được Vương Quốc mà không phải e ngại.

Mẫu gương Đức Maria là một lời kêu gọi hầu đưa chúng ta nhập vào truyền thống tinh thần vĩ đại của nhóm người nghèo, những người nghèo của Giavê; để thông dự vào sự kiên trì, lòng tin tưởng sống động không suy suyển vào Thiên Chúa của nhóm người nghèo; để thông dự vào niềm khát khao Vương Quốc cách mãnh liệt và vào sự nghèo khó tinh thần của họ. Tinh thần nghèo khó làm cho chúng ta tránh gương của thần Prômêthê, vốn chỉ kỳ vọng vào sức mạnh con người, vào sự cách mạng hay sức mạnh bạo lực. Nhưng đúng hơn, tinh thần khó nghèo khiến chúng ta chỉ tin tưởng vào một mình Thiên Chúa, Đấng đã biểu dương sức mạnh với cánh tay Ngài. Bài Magnificat cũng phải là phản ảnh trung thực của tâm hồn chúng ta. Như Đức Maria chúng ta cũng phải làm cho cái tôi của mình ra không, đồng thời đặt tất cả lòng tin tưởng của chúng ta nơi lòng nhân từ của Chúa Cha.

Như những người con của Đức Maria, Evà mới và lòng dạ cưu mang nhân loại mới, được sinh ra bởi quyền năng của Thánh Thần, chúng ta phải chống lại ma quỷ và những ngẫu tượng của tiền bạc và của cải. Cùng với Mẹ, chúng ta phải công bố với tính cách ngôn sứ, cả bằng lời nói và việc làm, rằng Vương Quốc của Thiên Chúa hiện thể nơi dáng vẻ của người nhỏ bé, người nghèo nàn và người khiêm nhu.

III. Khó nghèo vì ích lợi của Vương Quốc !

Đoàn sủng và lời khấn khó nghèo Phúc Âm tạo cho chúng ta ba thái độ căn bản: trước hết, giúp chúng ta đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa và thực hiện Nước Trời trong công việc căn bản của chúng ta; hai là góp phần kiến tạo cộng đoàn huynh đệ; và sau cùng, hướng dẫn chúng ta chia sẻ mọi của cải với người nghèo.

1. Khó nghèo vì lợi ích của Vương Quốc

1.1. Sứ ngôn cảnh báo về vấn đề nghèo khó

Các ngôn sứ thời Cựu ước đã hô vang sứ điệp loan báo sự kiện Vương Quốc hay Triều đại Thiên Chúa đến. Những con người vĩ đại này, vốn bám rễ sâu xa trong đời sống dân tộc họ, có thể nhận diện những sự mâu thuẫn thường xuyên trong đường lối hành động được quyền lực hỗ trợ, không lưu ý đến, thậm chí hệ thống làm tồi tệ hơn những điều kiện sống phi nhân cho những người yếu thế và những người nghèo. Các ngôn sứ là những người mạnh mẽ tố giác sự bất công, năng lực hủy diệt của tội lỗi, nhất là khi nó tấn công người vô tội, hoặc những người mà lẽ ra họ không phải buồn sầu vì số phận . 

Vả lại, kinh nghiệm chán chường về sự lưu đày, về cuộc sống phó mặc cho sức mạnh thiên nhiên định đoạt, cũng như không cửa nhà, không quê hương, đã đặt niềm tin sâu xa nhất của Israel vào sự thử thách. Bên cạnh đó khi ý thức tôn giáo chưa tìm được sự an ủi trong niềm hy vọng về cuộc sống tương lai và sự sống lại, làm sao họ có thể tin vào sự tốt lành, công bằng, công chính và sự quan phòng của Thiên Chúa đối với dân Ngài? Các ngôn sứ lắm khi cũng cảm thấy những sự mâu thuẫn của niềm tin trong con người họ.

1.2. Lời tiên tri loan báo Vương Quốc cho người nghèo

Tuy nhiên, đứng trước những thực tại này, các ngôn sứ, trong sự hiệp thông sâu xa với kinh nghiệm tôn giáo của dân tộc đồng thời được Thần Khí Thiên Chúa luôn thúc đẩy trong lòng, đã công bố những viễn tượng mới về niềm hy vọng, yếu tố phổ quát nói lên hình ảnh cách chung của Triều đại Thiên Chúa. 

Theo chiều kích này, Isaia 52, 7-10 là một trong những bản văn tiêu biểu nhất: 

“Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an,
người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ
và nói với Xion rằng: “Thiên Chúa ngươi là vua hiển trị.”
Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi
cùng cất tiếng reo hò vang dậy;
họ sẽ được thấy tận mắt Đức Chúa đang trở về Xion.
Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế,
hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,
vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giêrusalem.

Trước mặt muôn dân,
Đức Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Người:
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta,
người bốn bể rồi ra nhìn thấy”.

Ngoài ra, thị kiến ngôn sứ về Vương Quốc quả là có những chiều kích phổ quát, bao gồm tất cả mọi dân tộc trên trái đất, cho dù Giêrusalem sẽ là trung tâm và điểm sáng của Vương Quốc: 

“Đứng lên, bừng sáng lên ! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.
Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; 
còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúng hướng về ánh bình minh của người mà tiến bước.
Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: 
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, 
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha: 
tất cả những người từ Sơva kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (Is 60,1-6).

Trong thần học của các ngôn sứ, những người được ưu tiên nhận lãnh Nước Thiên Chúa là những kẻ nghèo nhất trong số người nghèo. Thiên Chúa sẽ là Đấng bênh vực và bảo vệ họ. Việc loan báo Vương Quốc quả thực là Tin mừng cho họ, bởi vì những động lực nội tại của Vương Quốc, một mặt tố cáo, lên án và hủy diệt những tội ác vốn phân biệt đối sử người này và bần cùng hoá người kia; mặt khác, kiến tạo cách thức hiệp thông giúp mọi người chia sẻ với nhau và tôn trọng lẫn nhau.

2. Vương Quốc Thiên Chúa cho người nghèo và Đức Giêsu

Đức Giêsu là vị ngôn sứ vĩ đại và là Đấng khai mạc Triều đại cánh chung của Thiên Chúa. Ngài là lời “Amen” (lời cam kết) của Thiên Chúa hướng đến những lời hứa của Triều đại Ngài: “Ngài sẽ cai trị nhà Đavít… và vương quyền Ngài sẽ vô cùng vô tận”. Đức Giêsu khởi đầu một nhân loại mới. Ngài là Ađam mới được Thiên Chúa tấn phong và chắc chắn được trao ban vương quyền. Trong ý định quan phòng, Chúa Cha trù liệu cho Ngài một người mẹ, một người nữ đối nghịch với ma quỷ, một trinh nữ và là Evà mới của Vương Quốc: Đức Maria thành Nazareth.

Chúng ta là những người đi theo Đức Giêsu, được tham dự vào ơn gọi loan báo Tin mừng có tính ngôn sứ, là những thừa sai của Evà mới, là những người tiếp tục con đường của các ngôn sứ và các tông đồ, tiên vàn chúng ta phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa, đặt trọn niềm tin nơi Chúa chứ không phải cậy dựa vào sức mạnh của con người và của cải vật chất. Chúng ta phải mặc lấy những thái độ, sứ điệp, hành động và những sáng kiến của Đức Giêsu. Như những chứng nhân của Vương Quốc, chúng ta cần bày tỏ cho người khác thấy ơn cứu độ và sự giải phóng đích thực được tìm thấy nơi đâu (vì duy chỉ Thần Khí Thiên Chúa và những ai được Ngài hướng dẫn sẽ đổi mới bộ mặt trái đất !), cũng như thái độ căn bản chúng ta cần có để đón nhận (ơn cứu độ và sự giải phóng đích thực) và giúp họ có được của cải cao quý này (thái độ ấy là đức khó nghèo giúp chúng ta mở lòng ra với ơn cứu độ).

Những điều nói trên hẳn nhiên ai cũng biết, nhưng để thực hành được thì cực khó. Hầu như vô tình chúng ta thường có cám dỗ lệ thuộc vào quyền lực và tiền bạc, xem chúng như những phương tiện thích hợp để góp phần thiết lập Nước Trời. Đây hẳn là sự tin tưởng nơi những ngẫu tượng của quyền lực và của cải đã được đề nghị cho Đức Giêsu như một cám dỗ, nhưng Ngài đã từ chối thẳng thừng, thay vào đó Ngài hoàn toàn tin tưởng vào tình trạng yếu đuối và nghèo khó. “Cái yếu đuối” của Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn sức mạnh của loài người. Một khi chúng ta bám chặt lấy xác tín này, sứ mạng tông đồ của chúng ta được trình bày theo hướng khiêm nhường hơn nhiều, bớt đi tính tự mãn đồng thời giàu tính biểu tượng hơn. Là những tu sĩ, nhiệm vụ của chúng ta không phải là dấn thân vào thế giới cạnh tranh, để có quyền nhiều hơn hoặc để có những phương tiện công cũng như tư cho chúng ta sử dụng. Và nhiệm vụ của chúng ta cũng chẳng phải là bảo vệ quyền lực trong khi lại lãng quên dân nghèo. “Thường thì các tu sĩ đã được khuyên lánh xa những xung đột xã hội. Vì đời họ gắn bó chặt chẽ với sự bình an và sự tĩnh lặng, nên họ có thể có cám dỗ chuộng sức mạnh hơn sự yếu đuối”. 

3. Sự khó nghèo để xây dựng cộng đoàn Nước Trời

Giới luật trên hết và lớn nhất, nghĩa là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết tâm hồn và hết sức lực của chúng ta, cần được chuyển dịch cho phù hợp với cách giải thích mang tính cứu độ của Đức Giêsu, là yêu thương người thân cận hết lòng, hết linh hồn và hết sức. Chúng ta biết rằng trong tư duy Sêmít, “hết lòng” tượng trưng cho thâm tâm sâu thẳm của chúng ta, cho sự sống riêng tư nhất của chúng ta, “hết tâm hồn” là biểu hiện cuộc sống của chúng ta kể cả nghĩa thể lý, và “hết sức lực” có nghĩa là “mọi tài sản”, “của cải” của chúng ta. Trong ngữ cảnh này, thánh Luca tả về cộng đoàn tín hữu sơ khai như sau: 

“Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý, không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung… Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4,32-34).

Trong cộng đoàn sơ khai, các Kitô hữu đã sống đức ái huynh đệ trọn hảo. Cả hai lối sống, đan tu và hoạt tu, đã luôn cố gắng tái hiện lý tưởng sống của Giáo hội thời sơ khai. Nhờ đức ái, chúng ta gắng sao để chỉ có một con tim; nhờ đức tuân phục chúng ta nỗ lực để chỉ có một tâm hồn, một đời sống chung; nhờ đức khó nghèo chúng ta cố gắng để mọi sức lực làm của chung, chứ không sở hữu như cái “của tôi”. Trong cộng đoàn yêu thương huynh đệ, không có chỗ cho nguyên tắc “cái của riêng anh”. Trong viễn ảnh cộng đoàn, sống đức khó nghèo là hiện thể hoá tình yêu thương của đức ái. Đó là cách thức yêu anh chị em mình với tất cả những gì tôi có.

Sống đức khó nghèo Phúc âm (khó nghèo-đức ái) có nghĩa là dù ở đâu, mọi của cải của tôi, cả vật chất lẫn tinh thần, được hoán chuyển thành “phương tiện” để gần gũi hơn, gặp gỡ, phục vụ và trở thành bạn hữu với hết mọi anh chị em trong cộng đoàn. Khi tôi thủ đắc cái gì cho riêng mình, là tôi tước mất sức năng động yêu thương của vật ấy. Khi điều ấy xảy ra, của cải trở thành nô lệ, thành đối tượng cho sự tha hoá. Của cải không đạt đến lý do cao cao cả nhất của chúng là phục vụ cho sự sống, thành phương tiện của tình yêu phục vụ nhân loại. Một khi tình yêu, là sự hiệp thông của các tâm hồn, đang thiếu đi, thì trong các cộng đoàn tu trì hay các hội dòng nảy ra những loại quyền lực và những tình trạng nô lệ mà tiền của thường gây ra. 

IV. Sự chọn lựa người nghèo: Sống khó nghèo để Phục vụ, để thi hành Sứ vụ

Đừng để tình yêu huynh đệ bị giới hạn trong tình huynh đệ giữa những người đồng đạo với nhau. Giới luật yêu thương huynh đệ tung chúng ta hướng đến mọi người, vốn đều là anh chị em chúng ta, đặc biệt là hướng đến những người nghèo nhất, yếu đuối nhất và bị áp bức nhất. Họ chính là những người cần đến lòng yêu mến “hết sức lực của chúng ta, là những người cần được ưu tiên yêu thương.

1. Chúng ta chia sẻ của cải cho người nghèo

Việc chia sẻ của cải với người nghèo là lối hành sử đúng đắn duy nhất mà Thiên Chúa ưa nhìn nhất. Đó cũng là Chuẩn mực duy nhất mà các ngôn sứ, rồi sau này chính Đức Giêsu mong đợi: 

“Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các người muốn đẹp lòng Đức Chúa? Cách ăn chay mà ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây !” Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẻ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ. Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ. (Nhờ ngươi, người ta sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa, ngươi sẽ dựng lại những nền móng của các thế hệ trước, người ta sẽ gọi ngươi là người sửa lại những lỗ hổng, là kẻ tu bổ phố phường cho người ta cư ngụ”) (Is 58,5-11)

“Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36).

Đức khó nghèo tự nguyện của chúng ta biểu lộ qua việc chia sẻ của cải vật chất cũng như tinh thần của chúng ta cho người nghèo và biểu lộ qua việc phục vụ người nghèo.

2. Chọn lựa người nghèo, một dấu chỉ của thời đại

Một trong những dấu chỉ của thời đại là tiếp tục “chọn lựa người nghèo”. Thật không dễ xác định khái niệm này, cũng như không dễ có được sự nhất trí hoàn toàn về vấn đề. 

2.1. Các dấu chỉ của thời đại

Các dấu chỉ của thời đại là những sự kiện đầy ý nghĩa qua đó đức tin giúp chúng ta nhận ra những dấu chỉ của Thần Khí do Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta. Những dấu chỉ của Thần Khí giúp chúng ta nhận ra ý định của Chúa Cha trong lịch sử, nhận ra kế hoạch mầu nhiệm, quyền cai quản quan phòng của Ngài. Những dấu chỉ ấy xuất hiện bất ngờ trong lịch sử và chất vấn cách mạnh mẽ những ai có thể hiểu chúng. Như vậy, những dấu chỉ ấy là tiếng nói đích thực của Thiên Chúa, biểu lộ mầu nhiện ý đính của Ngài. Chúng ta ngày càng ý thức được rằng chọn lựa người nghèo là một trong những dấu chỉ biểu lộ sự quan phòng. Nhưng sự ưu tiên chọn lựa người nghèo có nghĩa gì và theo nghĩa nào ta có thể biết đó là dấu chỉ thời đại? 

2.2. Thế nào là Một sự chọn lựa 

Nói đến “sự chọn lựa” là kiểu nói gợi lên chính mầu nhiệm quyền tự do của con người. Quyền Tự do được hiện thể hóa qua hàng ngàn sự chọn lựa khác nhau. Qua những sự chọn lựa này, quyền tự do tiếp tục định hình một tiến trình kép vừa tiến triển vừa bao hàm. Từ ngữ “sự chọn lựa” ám chỉ tính năng động hình thành nên quyền tự do của con người nam cũng như nữ, vì sự chọn lựa này là việc dùng quyền tự do cho có hiệu quả. Cho dù quyền tự do được sử dụng trong vô vàn chọn lựa, thì trong mọi chọn lựa đó, vẫn có điều gì đó tựa như một nguyên lý thống nhất tạo ra một sự cố kết, một lôgích nội tại, một sự định hướng đơn nhất. Ấy là điều mà chúng ta gọi là “chọn lựa cơ bản” thuộc quyền tự do của chúng ta. Những sự chọn lựa riêng biệt tuân theo sự chọn lựa cơ bản này, định rõ và thực hiện kế hoạch của chọn lựa cơ bản; nhưng đồng thời chúng gây ảnh hưởng trên sự chọn lựa cơ bản, biến đổi chọn lựa cơ bản, hoặc củng cố hoặc làm suy yếu chọn lựa cơ bản. Vì thế, có một vòng tròn biện chứng hay nguyên nhân hỗ tương giữa sự chọn lựa cơ bản và những chọn lựa riêng biệt. Điều này giúp ta lý giải đặc tính lịch sử nền tảng của chọn lựa cơ bản, đó là chẳng bao giờ chọn lựa một lần là xong, nhưng đúng hơn đó là một tiến trình biến đổi và hoán cải không ngừng. Mỗi chọn lựa cơ bản bị đe dọa bởi những chọn lựa đối lập, là những chọn lựa có thể sau cùng, qua một tiến trình thai nghén, lấn át chọn lựa cơ bản. 

Việc chọn lựa ưu tiên cho người nghèo là một trong những chọn lựa đặc biệt, định rõ và đưa chọn lựa cơ bản đến việc dấn thân suốt đời cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo trên thế giới hoặc quanh nơi chúng ta hiện diện. Sự chọn lựa đặc biệt này không phải là nét đặc trưng chỉ thời chúng ta mới có. 

2.3. Một sự nhận thức mới

Tuy nhiên, khi chúng ta nói về sự chọn lựa ưu tiên cho người nghèo hôm nay, chúng ta hiểu đó như một “dấu chỉ đích thực của thời đại”. Chọn lựa này nảy sinh từ một nhận thức mới, cùng với việc phân tích mang tính phê bình nguyên do của những điều kiện sống không tương xứng với con người, trong đó hàng triệu người buộc phải sống. Ước chừng 560 triệu người đang sống trong những điều kiện nghèo đói cùng cực. Lương tâm con người không thể làm ngơ đứng nhìn hiện trạng có biết bao người đang phải thiếu thốn, thậm chí là đói kém và đang sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực, nhất là trong thời đại của nhân quyền và thời buổi thông tin chính xác.

Kể từ Thời đại Khai sáng, người Tây phương đã trưởng thành trong việc nhận thức về quyền bất khả nhượng của họ. Những bản tuyên ngôn về nhân quyền liên tục được thảo ra và những cuộc đấu tranh của quần chúng vì lợi ích của họ đã là một sức mạnh đang hình thành lối tư duy hiện đại. Nhận thức mới này đã đưa ra ánh sáng xìcăngđan mà, dù cho có những bản tuyên ngôn và những cuộc đấu tranh nhân danh nhân quyền, thì ba phần tư nhân loại vẫn đang đau khổ tột độ và những quyền cơ bản của con người đang bị trà đạp ở bình diện quốc tế. Có một thời chủ nghĩa tự do kinh tế, cách riêng, bị coi là nguyên nhân gây ra tình trạng bất công cho những người nghèo nhất, trong khi chủ nghĩa xã hội cộng sản được coi là đóng vai trò giải phóng vĩ đại nhất cho tình trạng nghèo đói. Do đó, nhiều người đã hiểu chọn lựa người nghèo đồng nghĩa với chọn xã hội chủ nghĩa theo quan điểm cộng sản. Thậm chí, một số người đã nói rằng đức ái Kitô giáo cần và lôi kéo một số người nghèo tham gia du kích, ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Ngay cả Giáo hội đã bắt đầu hãnh diện có một số người theo chủ nghĩa xã hội và có những biểu hiện về tính hiện đại là chống tư sản. 

Sự tan rã mau chóng của chủ nghĩa cộng sản ở khắp nơi, sự mất tín nhiệm của những hệ thống chủ nghĩa xã hội mácxít trong những khoé nhìn của đa số quần chúng, cùng với việc gia tăng nhận thức chung về sự mục nát chính trị, sự đàn áp dã man và nạn bạo lực về nhân quyền, người dân đang lấy lại quan điểm chung không ủng hộ những kẻ đang chào mời những chế độ này như những phương thức cứu thế. Người dân kinh hãi khi khám phá ra tình trạng nghèo nàn vật chất nhan nhản khắp nơi, cùng với tình trạng nghèo nàn tinh thần tồi tệ sinh ra bởi việc cắt đứt nẻo đường tự do dẫn đến các nguồn thiêng liêng khi chính quyền cộng sản đào thoát. Chủ nghĩa cộng sản đã đánh mất uy tín của mình do không có khả năng giải thoát nhân loại khỏi tình trạng nghèo đói, mặc dù đó là mục đích căn bản do nó đề ra. Vậy thì, chúng ta cần phải tự hỏi, đâu là sự chọn lựa người nghèo xét như “dấu chỉ của thời đại”. Trong những năm của thập kỷ bảy mươi, khi nói về sự chọn lựa người nghèo đã có hàm ý chắc chắn, rồi thập kỷ tám mươi cũng vậy. Thập kỷ chím mươi đang mở ra cho chúng ta một viễn ảnh mới. Viễn ảnh mới ấy là gì?

2.4. Hệ thống kinh tế bất công

Lương tâm Kitô giáo không thể không nhận thấy hoặc không cảm kích trước sự thật đáng buồn và không thể phủ nhận về tình trạng nghèo hèn của hàng triệu anh chị em của chúng ta bị bần cùng hoá ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta không thể làm ngơ khi đối diện với thực tế cho thấy thế giới hiện có một số hệ thống kinh tế hết sức bất công, những phán quyết có sự phân biệt đối sử nghiêm trọng, những quốc gia theo chủ nghĩa đế quốc và trục lợi, và tình trạng thiếu tình liên đới quốc tế. Ở cấp độ toàn cầu, các chế độ chính trị đang gặp phải sự đe dọa do những tình cảnh bất khả thắng và nan giải; chúng ta đang tiến đến một giai đoạn vượt khỏi quan điểm chính trị, là tình trạng mà có người gọi là xuyên chính trị. “Xuyên chính trị có nghĩa là: bước từ sự hình thành không bình thường đến khối u, từ những mục tiêu tới hypertelia, từ những sự cân bằng có tổ chức đến những sự di căn ung thư … Giai đoạn quan điểm chính trị đã kết thúc, mở ra thời kỳ khác thường: sự lầm lạc không có kết quả, trùng hợp với trường hợp không có kết quả”. 

Các thể chế chính trị, hiện hướng dẫn đường đi nước bước của nhân loại, đang liên tiếp nhận một lượng lớn thông tin về hiện tình thế giới; các thể chế chính trị ấy biết rằng những vấn đề và nguyên nhân dẫn đến vấn đề mà trước đây chưa gặp bao giờ; nhưng dù sao, những thể chế chính trị này cảm thấy không đủ khả năng – dù là về phương diện đạo đức hay thực tiễn – thiết lập một trật tự thế giới mới mang tính công bằng. Vì lý do này, chúng ta nhận thấy mình đang sống trong thời điểm khi mà sự chọn lựa người nghèo theo Tin mừng không được liên kết lòng trung thành tuyệt đối với bất cứ thể chế chính trị nào, cho dù thể chế chính trị ấy có tạo mọi sự thay đổi thuận lợi cho phép chúng ta tiếp tục “nỗ lực xây dựng nền văn minh của tình liên đới”. Chúng ta ngày càng xác tín rằng chúng ta cần phải đạt đến một “hiệp ước liên đới” mới, hiệp ước ấy không do những cơ chế hoặc chủ nghĩa vị kỷ quyết định mà do ý thức trách nhiệm hướng đến toàn thể nhân loại.

3. Chọn lựa người nghèo, chọn lựa của Giáo hội

Giáo hội biết rằng mình đang bị chất vấn bởi dấu chỉ của Thánh Thần, những dấu chỉ của thời đại và của những nhiệm vụ, để thực hiện việc ưu tiên chọn lựa người nghèo. Ưu tiên chọn lựa người nghèo là điều phù hợp với chủ thuyết cấp tiến đích thực của Tin mừng. Giáo hội đã nhận thức rằng Thiên Chúa là Cha, trong ý định của Ngài, mong muốn Giáo hội nghèo hơn cả trong tinh thần lẫn vật chất. Đức Giêsu vẫn mời gọi Giáo hội đừng cậy trông vào của cải, để sống cậy trông hơn vào sự quan phòng của Chúa Cha, để tự tách mình ra khỏi mọi sự vì lợi ích của Vương Quốc. Bên cạnh đó, giáo hội nhận thấy rằng mình không thể mãi làm ngơ trước sự gia tăng không ngừng của tình trạng nghèo đói, đang ảnh hưởng đến hàng triệu con người. Việc chiêm nghiệm về thực tại đáng buồn này không ngừng thôi thúc lương tâm Giáo hội, làm đảo lộn và thúc bách Giáo hội hướng đến sự liên đới, đến việc tìm kiếm những giải pháp, liều mình dấn thân nhân danh những người nghèo nhất trong số những người nghèo trên thế giới.

Lời mời gọi sống đức khó nghèo Phúc âm, sống khó nghèo tự nguyện và liên đới, gặp phải sự kháng cự đáng kể của cá nhân cũng như hội đoàn. Kết quả là Giáo hội theo đúng nghĩa vẫn không tìm được cách làm cho mình trở thành đáng tin như Giáo hội của người nghèo mà Đức Gioan 23 đã từng mơ ước. Những người nghèo vẫn không cảm thấy rằng Giáo hội là nhà của họ. Những tiếng kêu la và than khóc của họ vẫn chưa tạo nên một sự cấp thiết thường xuyên trong đời sống của Giáo hội. Chọn lựa người nghèo vẫn chưa phải là một sự chọn lựa quyết liệt trong sinh hoạt của Giáo hội.

Việc chọn lựa người nghèo không phải là “sự chọn lựa vì sự tuyệt vời” của giáo hội. Tuy nhiên, tôi tin rằng đó là một điều thiết yếu, một sự chọn lựa đặc biệt ảnh hưởng đến sự chọn lựa hết sức căn bản vốn làm nên Giáo hội của Đức Kitô: Giáo hội của tình yêu đối với Thiên Chúa và người thân cận. Sự chọn lựa ấy là một trong những đòi hỏi căn bản của niềm tin. Bất cứ ai muốn trở thành “người bạn của Thiên Chúa”, phải ưu tiên yêu mến những kẻ nghèo nhất và cần được trợ giúp nhất. Và yêu thương không phải là sự cảm xúc và cảm tính. Yêu thương, trước hết và trên hết, là một sự quyết định khiến chúng ta trở nên những người Samaritanô tốt lành thứ thiệt cho những anh chị em của chúng ta.

4. Chọn lựa người nghèo, chọn lựa của đời sống tu trì

Đây là nơi chúng ta, như những tu sĩ nam nữ, phải thi hành vai trò chứng nhân của chúng ta. Yêu sách để làm nên những di sản tình yêu hữu hiệu của chúng ta là chúng ta yêu thương người nghèo với “tất cả sức lực của chúng ta”, nghĩa là, với tất cả những gì chúng ta có. Các Hội dòng, các cộng đoàn của chúng ta, trong mức độ nhắm đến việc mô phỏng nơi chính mình cộng đoàn lý tưởng vốn là nguồn gốc của đời sống cộng đoàn chúng ta, phải chia sẻ của cải cho những người nghèo túng, cho đến khi “không còn người nghèo” nào ở ngoài tầm tay của chúng ta.

4.1. Những khó khăn

Trong những tình cảnh thế giới hiện tại, việc đạt được mục tiêu này dường như vẫn còn là một giấc mơ. Nhưng chúng ta đừng bằng lòng trong việc sở hữu của cải, trừ khi những của cải ấy được chuyển thành phương tiện của tình yêu dành cho những kẻ nghèo túng nhất vốn là con cái Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Đức Maria làng Nazareth đã góp phần làm cho cộng đoàn, theo Luca, đã chỉ có một con tim, một tâm hồn và để mọi của cải làm của chung. Đây là mẫu cộng đoàn có tính cách đoàn sủng mà Đức Maria tán đồng qua sự hiện diện của Mẹ !

Tình yêu phổ quát, khắc hoạ chúng ta như những tu sĩ sống Đức ái trọn hảo, trở nên phổ quát hơn khi chúng ta ưu tiên yêu thương những người nghèo khổ nhất. Tình yêu ấy sinh hoa trái đích thực khi, dưới ánh sáng của những dấu chỉ thời đại, đáp lại những đòi hỏi yêu thương “mang tính chính trị”. Ngày nay, sự trợ giúp mà chúng ta dành cho những anh chị em nghèo túng nhất nhất thiết phải thông qua những hình thức trung gian chính trị. Những vùng khác nhau trên thế giới tương thuộc lần nhau đến độ, cảnh giàu có và dư dật của một số quốc gia lại gây ra cảnh nghèo khổ và đàn áp tại nhiều quốc gia khác. Các việc như tác động đến những cuộc hoà giải chính trị, đạo đức hoá xã hội, tiến hành một cuộc đấu tranh đa chiều kích nhân danh tình liên đới và tình yêu, vốn là những đòi hỏi của tình yêu hữu hiệu trong thế giới hôm nay. Đây là điều mà một số người gọi là “bác ái mang chiều kích chính trị”.

4.2. Những kiểu mẫu khác nhau và những hình thức chọn lựa vì người nghèo

Ngày nay, sự chọn lựa ưu tiên vì người nghèo có những kiểu mẫu và hình thức khác nhau. Một điều ngày càng trở nên rõ ràng, đó là sự chọn lựa vì người nghèo không tương hợp – như một số người có thể ngây thơ đã tin – với một số chọn lựa chính trị mang mầm mống của chủ thuyết Prômêtê, của sự tự mãn, hoặc của sự bạo lực và tính ích kỷ, bất kể là người tư sản hay vô sản. Những hình thức cụ thể nào được coi là sự chọn lựa vì người nghèo? Những hình thức ấy sẽ tuỳ thuộc vào đặc sủng của cá nhân và đoàn sủng của nhóm, tuỳ thuộc vào những sứ vụ đặc biệt mà họ phục vụ. Chúng ta đừng quên rằng sự chọn lựa ưu tiên là điều gì đó giống như một huyền nhiệm vốn sinh hoa trái trong những thái độ và những hành động. Và, như một huyền nhiệm, đó là ơn Thiên Chúa ban. Ân sủng ấy cần được vun trồng và làm cho sinh hoa kết quả. Huyền nhiệm này đang đơm bông trong tình yêu vì sự liên đới, trong tình yêu tạo ra những hiệp ước liên đới, trong việc gần gũi với những người xa cách, trong việc chia sẻ của cải, và đấu tranh cho công lý bằng cách hoá giải những sự bất công bất khoan dung.

Những hình thức cụ thể trong đó việc chọn lựa vì người nghèo nhất thiết phải hình thành tuỳ thuộc vào ơn gọi riêng của mỗi và mọi nhà truyền giáo và tuỳ thuộc vào đặc sủng của mỗi cộng đoàn. Dù là đặc sủng nào, hoạt động tông đồ của chúng ta phải được ghi dấu bằng một sự ưu tiên chọn lựa vì người nghèo, được chứng thực bằng một lối sống nghèo cả trong hành động lẫn trong lòng chân thật.

4.3. Những hệ quả sau cùng

Chúng ta có thể suy ra một vài hệ quả sau cùng, mà tôi thấy rằng có tầm quan trọng đặc biệt:

a. Đức khó nghèo Phúc âm cần được hiểu và sống như một sự chọn lựa vì ích lợi của Vương Quốc, và trong Vương Quốc, ấy là sự chọn lựa vì người nghèo. Sự chọn lựa vì người nghèo là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta cùng với Nước Trời. Quà tặng này đồng nhất hoá chúng ta với tấm lòng Thiên Chúa. Ân sủng ấy gắn liền cuộc sống của chúng ta với những kẻ vô danh tiểu tốt, những người bị hạ nhục, những người vô sản, những người nghèo nhất trong số những người nghèo, những người bị áp bức.

b. Chọn lựa vì người nghèo là một sự chọn lựa đặc biệt nằm trong sự chọn lựa căn bản vì Thiên Chúa của Vương Quốc. Chúng ta không đặt niềm tin của mình nơi cánh tay mạnh mẽ của loài người, hay nơi quyền lực của những người ngồi trên ngai vàng, hoặc ngay cả trong sức mạnh mang tính lịch sử của những người nghèo. Đúng hơn, duy chỉ Thiên Chúa là Đấng chúng ta cần đặt lòng tin. Là tu sĩ, chúng ta phải loan báo sứ ngôn rằng Thiên Chúa, Đức Chúa là Đấng lãnh đạo duy nhất của Vương Quốc. Chúng ta chỉ là những “đầy tớ hèn mọn”, hoặc thậm chí là những “đầy tớ vô dụng”. Chúng ta không phải là những người tạo nên cũng chẳng phải là những người chinh phục Vương Quốc. Đáp lại lời cầu xin của chúng ta, Thiên Chúa làm cho “Vương Quốc của Ngài đến !” Chính vì thế, bài Magnificat của Đức Maria đáp ứng việc hiệu chỉnh những kiểu dấn thân võ đoán bằng những quyền lực chính trị vốn được đánh giá cao như những tác nhân kiến tạo công lý nhân danh người nghèo. Cũng vậy, bài Magnificat đáp ứng việc hiệu chỉnh sự duy hoạt mang tính tự do vốn gạt bỏ chiều kích chiêm niệm, chiều kích cầu nguyện và hướng lời cầu nguyện (oratio and ad-oratio) lên Ngài là Đấng Duy nhất làm nên những điều kỳ diệu.

c. Việc chọn lựa vì người nghèo đương nhiên dẫn đến một lối sống và một linh đạo của nhóm người nghèo. Người ta chỉ có thể vào Vương Quốc bằng cách qua cửa hẹp của sự tự nguyện và sự liên đới khó nghèo: “Hãy bán tất cả những gì anh có, phân phát cho người nghèo, rồi đến theo tôi”; qua cửa hẹp của tinh thần trẻ thơ: “Nếu bạn không trở nên như trẻ thơ bạn sẽ chẳng vào được Nước Trời”. Điều ấy chỉ có thể thực hiện bằng cách đồng nhất hóa bản thân với Đức Giêsu “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” và với Đức Maria “Tôi tớ khiêm nhường của Chúa”. Việc chọn lựa vì người nghèo giúp ta có thái độ khiêm nhường, phục vụ, tin tưởng tuyệt đối vào sự Quan phòng của Chúa Cha, và có tinh thần liên đới cộng đồng.

d. Chọn lựa vì người nghèo là lối chọn lựa của Vương Quốc Thiên Chúa và của những ai được Chúa Giêsu cho thông dự vào quyền năng và quyền tự do con cái Chúa của Ngài. Kể từ nơi đây nảy sinh một nhân loại mới, ý thức về tình trạng thần-nhân của mình và đấu tranh vì quyền lợi của mình. Đức Maria là Evà mới. Mẹ luôn là một người vĩ đại (gebirah), là hình ảnh của tước vị huyền bí và nữ vương, vậy mà trong tình trạng thánh thiện tuyệt vời, mẹ được mặc áo choàng của sự nghèo khó, của sự giản dị hoàn toàn, của niềm vui bất tận và của niềm hy vọng.

V. Nghèo Khó Tông Đồ Trong Cộng Đoàn Tu Trì

Đối với chúng ta, những nam nữ tu sĩ, sống đời khó nghèo Phúc âm nhất thiết gắn liền với những nhu cầu cấp thiết của sứ vụ truyền giáo. Khi loan báo Vương Quốc mà ta không thực hành những giá trị về tình huynh đệ, về tình liên đới với người nghèo thì chẳng ai tin chúng ta. Sự chọn lựa vì Tin mừng của chúng ta xuất phát từ quan điểm của những người nghèo và túng thiếu không thể trở thành hiện thực nếu chọn lựa ấy được thực hiện trong bối cảnh của những tình trạng và những cấu trúc kinh tế vốn không dễ hiểu hoặc có thể làm thiệt hại cho phương thức phê bình Tin mừng, vì chúng không chỉ tác động đến cộng đoàn, mà còn đến mỗi thành viên của cộng đoàn nữa.

1. “Sự khó nghèo của chúng ta là khó nghèo mang tính tông đồ”

Đức khó nghèo Phúc âm mang nhiều chiều khích khác nhau: chiều kích huyền nhiệm, qua đó Thiên Chúa được nhìn nhận như sự thiện duy nhất của chúng ta, còn tất cả những của cải khác là tương đối (nghèo khó là tinh thần tin cậy nơi Thiên Chúa). Chiều kích cộng đoàn, qua đó chúng ta nhắm đến việc xây dựng cộng đoàn, mọi sự là của chung. Chiều kích sinh thái, qua đó mối liên hệ đích thực giữa sự thán phục và thiên nhiên được hình thành và củng cố. Và chiều kích tông đồ vốn đâm rễ trong việc xác tín rằng sự khó nghèo phù hợp với lối sống của Đức Giêsu và các tông đồ là thái độ thích hợp nhất để loan báo Nước Thiên Chúa đến. Trong tất cả các chiều kích trên, chúng ta đặc biệt nhấn mạnh đến chiều kích sau cùng. Đức Giêsu đã nói với các tông đồ: 

“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng sắm vàng bạc, hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10,7-10).

“Đức Giêsu gọi nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo” (Mc 6,7-9).

Theo nguyên tắc truyền giáo Đức Giêsu đã đặt ra cho những kẻ theo Ngài, Ngài không cho phép họ mang theo hành lý tối thiểu, nhờ thế dù là những người sống ở vùng nông thôn nghèo nhất cũng sẽ tin lời họ. Đức Giêsu đã yêu cầu người loan tin phải đặc biệt làm chứng cho Tin mừng họ rao giảng: “Ngay cả vẻ bề ngoài của người loan tin cũng phải đồng nhất hoá với Tin mừng của “ân sủng” và “bình an” mà họ loan báo và công bố. Đồng thời người loan tin phải hoàn toàn từ bỏ chính mình để phó thác cho sự quan phòng của Chúa Cha, Đấng chăm sóc và bảo vệ những ai chỉ tìm kiếm Vương Quốc và sự công chính của Ngài mà thôi”. Thánh Anthony Mary Claret đã chú giải câu “đừng sắm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng” trong Mt 10,9 như sau:

Đấng Cứu thế của chúng ta muốn và đòi hỏi như vậy để các tông đồ, thoát khỏi mọi mối bận tâm và trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa, dấn thân trọn vẹn cho tác vụ Tin mừng, làm cho lời rao giảng của họ tăng thêm sức thuyết phục do việc không dính bén đến của cải trần gian, ngõ hầu thu hút và lôi kéo người ta đến với Đức Giêsu Kitô. Quả thực, không có gì thuyết phục người khác chấp nhận và làm theo giáo huấn Tin mừng hơn là nhìn thấy gương của các thừa tác viên, những người tìm kiếm tâm hồn những người nghe họ chứ không mưu cầu của cải và lợi ích cho họ. 

2. Đời sống và công việc được hình thành do tinh thần nghèo khó

Tinh thần nghèo khó, như chúng ta vừa suy ngẫm, cần thấm nhuần toàn bộ đời sống và hoạt động của mỗi người và mỗi cộng đoàn của chúng ta. Tinh thần ấy một mình ta không thể đạt được. Để có được tinh thần nghèo khó, điều cần thiết là Thiên Chúa ban cho chúng ta tâm hồn nghèo khó. Đức khó nghèo Phúc âm là một đoàn sủng vốn hình thành và làm cho đức khó nghèo Phúc âm nên phong phú theo một chiều kích đặc biệt. Đó là ân sủng thiết yếu nhất mà chúng ta phải không ngừng cầu xin Thiên Chúa. Tinh thần nghèo khó đưa chúng ta đến việc đồng hoá chính mình với sự tự hủy của Đức Giêsu, đến việc thông dự vào sự khiêm hạ và lòng tin tưởng phó thác của Đức Maria, và để cảm được một tình yêu huynh đệ đặc biệt và ưu tiên dành cho những người anh em vốn bị phân biệt đối sử và bị đàn áp nhất. Đó là tình yêu của Thiên Chúa, Thần Khí của Thiên Chúa được đổ tràn vào lòng chúng ta, mà làm cho chúng ta nghèo trong Thần Khí.

Một khi đã lãnh nhận ân sủng, chúng ta phải cộng tác với ân sủng ấy. Chúng ta phải cố gắng nhận ra điều này, rằng cuộc sống và hoạt động của chúng ta được thấm nhiễm đoàn sủng khó nghèo. Đoàn sủng ấy biến đổi chúng ta, làm cho Tin mừng trở thành hiển hiện nơi bản thân chúng ta, nơi những hoạt động của chúng ta cũng như nơi cộng đoàn chúng ta, biến đổi cộng đoàn thành dấu chỉ của Tin mừng.

3. Sự khó nghèo như sự tiêu biểu

Chúng ta phải, cả với tính cách cá nhân cũng như cộng đoàn, thực hiện một vai trò biểu tượng hay chức năng biểu tượng giữa lòng Giáo hội: biểu thị lối sống của Đức Giêsu, vị Sứ giả loan Tin mừng củaVương Quốc (Mebasser); đó là, cách này hay cách khác, ơn gọi của chúng ta là một ơn gọi “khác thường” có tính ngôn sứ, đồng thời tô điểm cho ơn gọi mang tính biểu tượng của Giáo hội và nhân loại; đó là, đời sống tu trì của chúng ta phải tìm lại sự thôi thúc đặc biệt và hầu như gợi lên một ý nghĩa lạ thường nơi những người khác.

Vì thật ra nét đặc trưng nhất của ơn gọi của chúng ta không là hiệu quả, nhưng đúng hơn làbiểu tượng. Trong trường hợp đó, dù là cá nhân, dòng tu hay tu hội đều không có căn tính đời tu nếu không thực hành chức năng tiêu biểu hay biểu tượng này, không đưa chúng ta quay về với hoặc không gia tăng sự khó nghèo mang tính truyền giáo của Đức Giêsu Kitô. Kẻ thù lớn nhất của sự khó nghèo tông đồ của chúng ta là, vì yêu bản thân chúng ta bắt đầu, bằng nhiều cách, sống an ổn quá mức mà khước từ sự lưu động mang tính đoàn sủng của chúng ta. Sống ổn định quá mức khiến chúng ta bận tâm về nơi ăn chốn ở hơn là sứ vụ truyền giáo, bận tâm tổ chức hơn là việc phục vụ mà lẽ ra chúng ta phải đáp ứng. Những thực tại trên, cho dù có thể là nghèo thực sự, nếu không ghi đậm nét lưu động truyền giáo, thì chúng không biện minh được cho lối sống khó nghèo của chúng ta. Chính vì lý do đó, sự khó nghèo của chúng ta không am hợp chút nào (tout court) với “cuộc sống len lỏi giữa những người nghèo”, nhưng ở một mức độ nào đó chúng ta cần có tính sẵn sàng và lưu động để thích ứng với bất cứ nơi nào, điều gì và lúc nào, miễn sao sứ vụ truyền giáo của chúng ta phụ thuộc vào điều đó.

Một khi sự nghèo khó không được kết nối với dự án tông đồ và truyền giáo, nó mất đi lý do hiện hữu mang tính đoàn sủng nơi hội dòng chúng ta. Chúng ta biết rằng, người làm chứng cho Tin mừng đem lại hiệu quả cao nhất khi được hỗ trợ bởi tính khả tín của người làm chứng. Các tu hội, các cộng đoàn, các sáng kiến và ngay cả tu phục của chúng ta phải được biến đổi thành dấu chỉ của Vương Quốc, thành một dụ ngôn Nước Trời. Nước Trời ấy, như chúng ta cũng biết, không chỉ có sự nghèo khó, mà còn có tình yêu cao cả vốn đặt chúng ta vào tình liên đới với người nghèo và giúp chúng ta cộng tác với họ trong việc giải phóng họ. 

Việc làm chứng về sự nghèo khó mang tính cách tập thể không chỉ bao hàm“chính cái không có”, nhưng hơn thế, bao hàm việc biến đổi mọi thứ chúng ta có thành trung gian yêu thương vì lợi ích của người nghèo. Trong trường hợp đó, “cái không có” của chúng ta, hoặc cái có ngày càng ít đi của chúng ta, là một hệ quả của tình yêu. Có một loại bệnh “không có” vốn là một dấu chứng cho thấy thiếu tình yêu thương: ấy là “cái không có” của những kẻ vốn không thích có bất cứ thứ gì mà họ phải cho đi. Có một “cái không có” là dấu chỉ nói lên việc hiến mình: ấy là những người cho đi mọi thứ và từ bỏ đến độ chẳng còn gì. Biểu tượng lớn nhất của việc hoàn toàn trao ban chính mình là Bí tích Thánh Thể: bánh được trao tay và máu được đổ ra. Biểu tượng lớn nhất về Vương Quốc là việc chúng ta cho đi mọi sự: trao chính chúng ta cho người khác với tất cả những gì chúng ta có; biến của cải chúng ta có và chính bản thân chúng ta thành trung gian yêu thương; chúng ta phục vụ không phải vì quan tâm đến bất cứ sự đền ơn nào; chúng ta làm việc không nhằm mục đích tăng thêm lợi lộc, nhưng nhắm đến việc dấn thân và phục vụ anh em đồng loại. Đó là quan điểm làm cho việc loan báo Vương Quốc thực sự khả tín.

VI. Nghèo khó như một hành trình Thiêng liêng: Những chiều kích khổ chế

1. Ước muốn và sự khó nghèo trong ước muốn 

Đó là đặc điểm cho thấy một tu sĩ trở nên “nghèo thực sự cả trong thực tế lẫn trong tinh thần”. Chúng ta có thể diễn tả sự ước muốn và nghèo khó trong ước muốn của đời tu bằng cách dùng bốn thành ngữ mang tính tiêu cực: người nghèo khó thực sự là người: 1. Không giữ của cải, 2. Không thủ đắc bất cứ cái gì cho riêng mình mà lỗi với lời khấn khó nghèo, 3. Không có ý hướng về quyền sở hữu, 4. Không làm công tác truyền giáo với ý định được đền đáp; và bằng cách dùng ba thành ngữ mang tính tích cực: (1.) người tu sĩ là người nghèo nếu anh ta hoặc chị ta cảm thấy ràng buộc bởi luật chung của công việc, (2.) chia sẻ cho nhiều người nghèo, (3.) vui mừng khi cảm được một vài tác dụng của sự khó nghèo.

Ước muốn và sự khó nghèo trong ước muốn được biểu lộ qua việc hoàn toàn thanh thoát về của cải. Nhà truyền giáo nghèo là người chẳng có gì trong quyền sở hữu cá nhân, chẳng có gì như của riêng. Sự thanh thoát này không phải là lý do thù địch với của cải như một vài lập trường triết học hay thần học hiểu. Lý do của sự hoàn toàn thanh thoát này là tình yêu: yêu anh em mình với tất cả mọi thứ người ta có, nhằm xây dựng một cộng đồng biết chia sẻ cho nhau mọi thứ. Sự thanh thoát ở đây bao hàm mục đích yêu thương. Các nam nữ tu sĩ là những người yêu thương anh chị em mình với tất cả những gì họ có; vì thế, họ không giữ riêng, không thủ đắc, không sử dụng của cải như thể của cải thuộc quyền sở hữu của riêng họ. Người tu sĩ hành động không vì ước mong được lợi lộc về kinh tế.

Sống hoàn toàn thanh thoát với của cải không phải là điều dễ đâu. Lúc mới đi tu, chúng ta có khuynh hướng thực hiện những hành động từ bỏ cao cả. Nhưng dần dà chúng ta bắt đầu cảm thấy cần có những phương tiện riêng để làm việc, hoặc bắt đầu được biếu xén quà cáp, ước muốn và sự khó nghèo trong ước muốn của chúng ta bắt đầu mất đi sức mạnh và đặc tính triệt để. Chúng ta có khuynh hướng lệ thuộc vào của cải là những tặng phẩm mà người ta biếu xén cho chúng ta, hoặc phương tiện chúng ta dùng, hay những thứ làm cho cuộc sống chúng ta nên tiện nghi hơn. Quả thực chúng ta khó lòng giữ được đức khó nghèo. Có một khoa sư phạm về sự khước từ định kỳ, sẽ cho phép chúng ta được tự do khỏi mọi thứ ràng buộc.

Chúng ta hãy gợi lại một quan điểm mới về sự nghèo khó: hoàn toàn tuân thủ luật chung của công việc, khiến chúng ta chia sẻ cho nhiều người nghèo. Người tu sĩ không nên chối bỏ thân phận của mình như một người lao động, như chính thánh Phaolô đã không bỏ công việc chân tay của Ngài. Thánh phaolô đã yêu cầu các tín hữu Thessalonica noi gương Ngài trong khía cạnh này: 

“Chính anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào. Khi ở giữa anh em… chúng tôi đã chẳng ăn bám ai; trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước. Thật vậy,… chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn.” (2Tx 3,7-10).

Chỉ ai là người nghèo thực sự mới không thể cho phép mình sống xa hoa mà không làm việc, phí phạm thời giờ bằng sự biếng nhác hoặc né tránh những việc dấn thân đủ loại lẽ ra phải làm. Tuy nhiên, người tu sĩ khác với một người lao động bình thường ở chỗ người tu sĩ làm việc không phải chỉ với hy vọng được trả công. Tu sĩ phải làm việc bởi vì anh ta biết rằng mình là người nghèo và mình liên đới với người nghèo.

Sự nhận thức về cái nghèo đích thật và tự nguyện phải được biểu lộ qua niềm vui của người tu sĩ, đặc biệt là những khi anh ta hoặc chị ta kinh nghiệm được hiệu quả của sự khó nghèo.Trong tình cảnh như thế, bình thường người ta sẽ kêu ca, chỉ trích và mất can đảm. Để có thể an vui trong tình cảnh này là một ơn huệ của Thần Khí vốn ban cho những ai, trên hết, tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài và những ai hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa Cha.

Luật Giáo hội cho phép tu sĩ biểu lộ tính triệt để về đức khó nghèo Phúc âm của họ qua việc tự nguyện từ bỏ của cải gia sản của họ, là những thứ họ vẫn hoàn toàn có quyền sở hữu, kể từ lúc họ tuyên khấn vĩnh viễn. Theo logic tinh thần của chương này, để sống triệt để đức khó nghèo Phúc âm và truyền giáo, nhà truyền giáo cần đảm nhận sự từ bỏ này như một điều hiển nhiên của tiến trình.

2. Các chiều kích pháp lý

Trong các hội dòng, việc biểu lộ đức khó nghèo có tính pháp lý của các thành viên không có cùng cách thức triệt để như nhau. Kinh nghiệm khôn ngoan, được biểu thị qua luật Giáo hội, cho rằng đòi buộc các nam nữ tu sĩ khấn đơn thuộc các hội dòng từ bỏ hoàn toàn quyền sở hữu gia sản của họ là không thích hợp. Họ có thể làm như thế nếu họ muốn, khi tuyên khấn trọn đời, như chúng ta đã bàn trong số trước; nhưng đó không phải là điều kiện không có không được (conditio sine qua non) đối với việc sống đức khó nghèo Phúc âm.

Trong mọi trường hợp, kể cả khi vẫn giữ quyền hoàn toàn sở hữu gia sản, đa số các tu sĩ từ bỏ quyền định đoạt và sử dụng của cải. Người tu sĩ phải trao quyền quản lý, sử dụng của cải và hoa lợi cho người khác trước khi tuyên khấn lần đầu.