Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

THIÊN SỨ TRUYỀN TIN CHO ĐỨC TRINH NỮ MA-RI-A

Thời sự Thần học – Số 3 – Tháng 2/1995, tr. 109-118

Để giúp độc giả có được một ý niệm về lối văn của Thánh Tô-ma, Thời sự Thần học xin trích dịch một đề luận (quaestio) trong bộ TỔNG LUẬN THẦN HỌC - SUMMA THEOLOGIAE của ngài.
Minh Sơn chuyển ngữ từ nguyên bản Latinh

Summa Theologiae, pars IIIa, quaestio 30


Chúng ta sẽ học hỏi về mầu nhiệm thiên sứ truyền tin cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a qua bốn mục (articulus) sau đây :
  • Đức Mẹ có cần được Chúa sai thiên sứ đến truyền tin không ? 
  • Ai đến truyền tin cho Đức Mẹ ? 
  • Thiên sứ hiện đến bằng xương thịt hay chỉ qua tưởng tượng ? 
  • Diễn tiến cuộc truyền tin như thế nào ?

Mục 1 Đức Mẹ có cần được Chúa sai thiên sứ đến truyền tin không? (utrum) 


Vấn nạn (dubitatio) 

1. Mục đích duy nhất của cuộc truyền tin là thỉnh sự đồng ý nơi Đức Mẹ. Chúa không cần thỉnh sự đồng ý ấy, vì mọi điều liên hệ tới việc Đức Mẹ thụ thai đã được các ngôn sứ tiên báo trong Kinh Thánh từ xa xưa. 

2. Từ tâm khảm, Đức Mẹ đã tin từ trước vào công cuộc Nhập thể của Chúa Con. Như lời thánh Phao-lô : "Người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai" (Rm 3,22). Đức Mẹ rất mực công chính, nên đã một lòng tin vững vàng rồi, thì cần gì phải truyền tin nữa ? 

3. Ta có thể so sánh việc Đức Mẹ mang thai Chúa Cứu Thế với tâm hồn các thánh luôn nghĩ tới công việc của Thiên Chúa. Như lời thánh Phao-lô Tông đồ viết cho tín hữu Ga-lát : "Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Ki-tô được thành hình nơi anh em" (Gl 4,19). Thế mà, Chúa không báo tin gì trước cho các thánh. Vậy, Chúa cũng không cần truyền tin cho Đức Mẹ. 

Dẫn chứng (sed contra) 

Tin Mừng theo thánh Lu-ca chép rõ ràng về chuyện thiên sứ hiện đến và truyền tin cho Đức Mẹ : "Này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai" (Lc 1,31). 

Lập luận (responsio) 

Chúng ta có thể trưng ra bốn lập luận sau để chứng tỏ Thiên Chúa nhất thiết truyền tin cho Đức Mẹ : 

Một là, giúp cho tâm hồn Đức Mẹ đón nhận Con Thiên Chúa trước khi thân xác Mẹ thụ thai Chúa Con. Thánh Âu-tinh viết : "Khi tin vào Chúa Ki-tô, Đức Ma-ri-a còn thấy hạnh phúc nhiều hơn cả khi thụ thai Chúa". Thánh nhân thêm : "Việc mang thai Chúa Cứu Thế sẽ chẳng sinh ích cho Đức Mẹ, nếu Đức Mẹ không thấy tâm hồn mình hạnh phúc bên Chúa hơn cả khi lãnh nhận Chúa Cứu Thế vào tấm thân". 

Hai là, một khi Thiên Chúa đích thân loan báo thì còn gì chắc chắn hơn nữa ? 

Ba là, tạo cơ hội cho Đức Mẹ nhanh chóng dâng hiến trọn vẹn chính mình mà phụng sự Chúa. Đức Mẹ thưa : "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa" (Lc 1,38). 

Bốn là, qua cuộc truyền tin, Con Thiên Chúa cử hành cuộc kết ước tâm linh với loài người. Chính vì thế, Thiên Chúa dùng cuộc truyền tin này để Đức Trinh Nữ Ma-ri-a thay mặt loài người bày tỏ ưng thuận đó. 

Trả lời vấn nạn (determinatio) 

1. Rõ ràng, mọi điềíu liên hệ tới việc Đức Mẹ thụ thai đã được các ngôn sứ tiên báo trong Kinh Thánh từ xa xưa. Tuy nhiên, mọi lời ngôn sứ trong Kinh Thánh đều hoàn thành với ý chí và ưng thuận của con người. 

2. Đồng ý, từ tâm khảm, Đức Mẹ đã tin từ trước vào công cuộc Nhập Thể của Chúa Con. Nhưng Đức Mẹ rất khiêm nhường nên không bao giờ nghĩ mình được phước lãnh thiên chức Thánh Mẫu Thiên Chúa. Vì vậy, Chúa cần truyền tin cho Đức Mẹ. 

3. Chúa có báo tin trước cho các thánh đó chứ. Vì, ta chỉ lo toan việc Chúa khi có đức tin mà thôi. Mà ta chỉ có đức tin khi có người loan báo Tin Mừng. Như lời thánh Phao-lô viết cho giáo đoàn Rô-ma : "Có đức tin là nhờ nghe giảng" (Rm 10,17). 

Mục 2 Ai đến truyền tin cho Đức Mẹ ? 


Vấn nạn : 

1. Khi cần thông báo điều gì cho tổng lãnh thiên thần, Thiên Chúa không cần tới sứ giả làm trung gian. Vậy mà Thánh Mẫu Thiên Chúa còn trổi vượt hơn hẳn các tổng lãnh thiên thần thay thảy. Nên Thiên Chúa không cần sai một thiên sứ nào làm sứ giả truyền tin cho Đức Mẹ cả. 

2. Cho rằng Thiên Chúa sai thiên sứ đến mặc khải cho con người đi nữa, thì theo thứ tự : thiên sứ mặc khải cho đàn ông, rồi chính ông chồng mặc khải lại cho vợ, như lời thánh Phao-lô : "Phụ nữ phải làm thinh trong các buổi họp, vì họ không được phép lên tiếng... Nếu họ muốn tìm hiểu điều gì, thì cứ về nhà hỏi chồng" (1Cr 14,34.35) Vậy, đúng ra Chúa sai thiên sứ đến truyền tin cho thánh Giu-se; rồi thánh Giu-se báo lại cho Đức Mẹ, như ta thấy trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt 1,20.21). 

3. Một sứ giả không thể đưa tin mà mình không biết gì cả. Vậy mà tổng lãnh thiên thần không biết tường tận mầu nhiệm Nhập Thể. Nên không thể có chuyện thiên sứ truyền tin cho Đức Mẹ được. 

4. Tin tức càng quan trọng thì cần sứ giả càng cao sang. Mầu nhiệm Chúa Con Nhập Thể là tin quan trọng vô song. Nên vị sứ giả cũng phải cao sang khôn sánh. Vậy mà thói quen trong Giáo Hội lại xếp Tổng lãnh thiên thần Gáp-ri-en vào hàng áp chót trong các tổng lãnh thiên thần. Nên tổng lãnh thiên thần Gáp-ri-en không xứng đáng đảm nhận vai trò thiên sứ khi truyền tin cho Đức Mẹ. 

Dẫn chứng : 

Tin Mừng theo thánh Lu-ca viết : "Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê... gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc nhà Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a" (Lc 1,26...27). 

Lập luận : 

Có ba lý do hiểu việc Thiên Chúa sai một thiên sứ đến truyền tin cho Đức Mẹ : 

Một là, theo trật tự do Thiên Chúa sắp đặt : các thiên thần lãnh nhiệm vụ thông báo mầu nhiệm thiên giới cho loài người. Giáo sư Denys dạy : "Thiên thần được Chúa cho biết về mầu nhiệm Nhập Thể trước hết. Nên chính thiên sứ Gáp-ri-en báo cho tư tế Da-ca-ri-a biết ông sẽ có con làm ngôn sứ; sau đó truyền tin cho Đức Mẹ biết nơi mình sẽ diễn ra mầu nhiệm khôn tả, là việc Thiên Chúa làm người. 

Hai là, phải có thiên sứ đến truyền tin vì như lời thánh Bê-đa giảng : "Xưa kia, quỷ dữ sai con rắn đến vuốt ve tính cao ngạo của tổ mẫu; nay để phục hồi nhân tính, Thiên Chúa sai một thiên sứ đến với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là người trở nên linh thánh nhờ sinh hạ Con Thiên Chúa". 

Ba là, quả cần đến thiên thần làm sứ giả để truyền tin cho Thánh Mẫu Đồng Trinh, như lời thánh Giê-rô-ni-mô giảng : "Thật là hợp lý khi Thiên Chúa sai thiên thần đến truyền tin cho Thánh Mẫu Đồng Trinh vì các thiên thần chuyên môn liên hệ với các việc thiên giới. Ta biết Đức Mẹ sống trọn đời đồng trinh. Đồng trinh nghĩa là sống trong thân thể mà siêu thoát trên xác thịt. Ấy không phải là sống trên thiên giới rồi đó sao ?" 

Trả lời vấn nạn : 

1. Quả Đức Ma-ri-a trổi vượt hơn hẳn các đẳng thiên thần thay thảy vì Thiên Chúa đã chọn Đức Mẹ lên bậc cao trọng làm Thánh Mẫu Thiên Chúa. Nhưng với tư cách là người, Đức Mẹ vẫn thua kém các thiên thần. Ngay đến Chúa Ki-tô, khi sống cuộc đời nhân thế cũng 'bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn', như lời Kinh Thánh viết trong thư Do-thái (Dt 2,9). Chúa Ki-tô sống cuộc đời nhân thế và vĩnh phúc cùng một lúc, nên không cần đến thiên thần thông báo các mầu nhiệm trên trời; riêng Đức Mẹ sống qua cuộc đời trần gian rồi mới vào cõi vĩnh phúc, nên cần được thiên thần truyền tin việc Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể. 

2. Vấn nạn này dựa theo lẽ thường tình. Nhưng thánh Âu-tinh dạy rằng : Thánh Mẫu Thiên Chúa được Chúa miễn trừ khỏi nhiều luật thường tình trong nhân loại. Thánh nhân viết : "Dù thụ thai, Đức Mẹ vẫn không tạo ra một nhân vị mới. Dù xuất giá, Đức Mẹ vẫn không phải tòng phu. Có thế, Thánh Mẫu Thiên Chúa mới lãnh nhận Chúa Cứu Thế từ quyền năng Chúa Thánh Thần". Vì được miễn trừ như vậy, nên Thiên Chúa sai thiên sứ đến truyền tin trực tiếp cho Đức Mẹ, trước khi Đức Mẹ thụ thai. Riêng thánh Giu-se được thiên sứ thông báo sau khi Đức Mẹ đã thụ thai. 

3. Các thiên thần có biết trước mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng không ai biết tường tận vì mầu nhiệm này vượt quá sức hiểu biết của muôn loài muôn vật. Thánh Maxime viết : "Chỉ một mình Thiên Chúa Cha biết tường tận cách thức Chúa Con nhập thể như thế nào thôi". 

4. Trước hết, Gáp-ri-en không phải là một thiên thần bình thường mà là tổng lãnh thiên thần, như lời dạy của thánh Ghê-gô-ri : "Vị thiên thần tối cao hiện đến thông báo một tin tức tối quan trọng. Đó là một tổng lãnh thiên thần". Hơn nữa, cũng theo lời dạy của thánh Ghê-gô-ri, Gáp-ri-en còn là tối cao trong hàng tổng lãnh thiên thần. Ngoài ra, thánh danh 'Gáp-ri-en' rất xứng hợp để truyền tin cho Đức Mẹ. Thật vậy, cũng theo lời dạy của thánh Ghê-gô-ri, 'Gáp-ri-en' nghĩa là 'Thiên Chúa dũng mãnh'. Khi truyền tin, Gáp-ri-en thông báo 'sức mạnh của Thiên Chúa sẽ đến đánh tan mọi quyền lực tối tăm'. 

Mục 3 Thiên sứ hiện đến bằng xương thịt hay chỉ qua tưởng tượng ? 


Vấn nạn : 

1. Trong tác phẩm của thánh Âu-tinh có câu : "Suy tưởng thì cao quý hơn nhìn bằng mắt". Hơn nữa, với thiên thần là loài linh thiêng, thì suy tưởng đạt tới chính thực chất của các ngài. Trong khi, nhìn bằng mắt chỉ thấy hình tượng do các thiên thần tàng hình vào đó thôi. Vì thế, cũng như để thông báo tin tức tối quan trọng, Chúa đã sai một sứ giả cao sang rất mực; thì để nhận tin tức ấy, Đức Mẹ phải dùng lối nhận thức cao quý nhất mà con người có được. Đó là suy tưởng tới vị thiên thần đến truyền tin. 

2. Có thể thiên sứ đến truyền tin cho Đức Mẹ qua giấc mơ, vì trí óc thì cao quý hơn giác quan, nên hình ảnh có trong trí óc cũng giá trị hơn hình in vào mắt. Như nhiều lần thiên sứ đã hiện ra với thánh Giu-se trong giấc mơ (x. Mt 1,20; 2,13.19). 

3. Thông thường khi mắt trần nhìn thấy vật linh thiêng hiện ra, liền làm cho người ta kinh hãi. Nên Thiên Chúa không sai thiên sứ đến bằng xương bằng thịt để tránh cho Đức Mẹ kinh hãi. 

Dẫn chứng : 

Trong một bài giảng, thánh Âu-tinh mượn lời Đức Mẹ mà rằng: "Tổng lãnh Thiên thần Gáp-ri-en đến bên tôi : khuôn mặt rạng ngời, áo quần lấp lành, dáng đi lịch tiệp". Tả như thế, thì rõ ràng tổng lãnh thiên thần đã hiện đến bằng xương bằng thịt với Đức Mẹ. 

Lập luận : 

Có ba lý lẽ khiến ta tin rằng Tổng lãnh thiên thần Gáp-ri-en đã đến bằng xương bằng thịt bên Đức Mẹ : 

1. Một là, xét về tin tức do thiên sứ truyền. Tổng lãnh thiên thần báo tin rằng : Thiên Chúa vô hình nay nhập thể làm người hữu hình. Vì thế, để làm sáng tỏ tin quan trọng đó, thiên sứ vô hình chọn lấy một hình ảnh hữu hình đến truyền tin. 

2. Hai là, xét về thiên chức Thánh Mẫu Thiên Chúa của Đức Ma-ri-a. Đức Ma-ri-a làm Mẹ Thiên Chúa không phải chỉ vì đón nhận Chúa Con vào tâm hồn vô hình của mình mà thôi; mà còn và hơn nữa, vì Đức Mẹ lãnh nhận Chúa Con vào tấm thân hữu hình của mình. Vì thế, khi thiên sứ truyền tin, tâm hồn Đức Mẹ nhận được tin vui và giác quan nơi thể xác Đức Mẹ cũng được thông báo. 

3. Ba là, xét về bằng chứng bảo đảm cho tin tức vừa loan. Ta vững tin vào điều mắt thấy hơn là hình do trí tuệ suy đoán ra. Nên, có lý tin rằng thiên sứ hiện ra bằng xương bằng thịt với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. 

Trả lời vấn nạn : 

1. Phải nhìn nhận, đúng như vấn nạn nêu lên, suy tưởng thì cao quý hơn nhìn vào mắt trần. Nhưng nếu vừa nhìn thấy tận mắt vừa nhận thức bằng suy tưởng thì còn cao quý hơn chỉ biết được sự việc nhờ một trong hai quan năng trên. Đó là lời dạy của thánh Âu-tinh. Không những mắt Đức Trinh Nữ Ma-ri-a nhìn rõ mà tâm trí Đức Mẹ còn thấu hiểu chuyện thiên sứ truyền tin. Nên thiên sứ đã hiện ra bằng xương bằng thịt với Đức Mẹ. 

2. Đúng vậy, tư tưởng trong trí óc thì giá trị hơn hình in vào mắt. Nhưng con người nhận thức thế giới ngoại vật trước hết qua giác quan. Nên nhận thức nào đến từ giác quan thì chắc chắn hơn. Ta nói 'chắc như mắt thấy tai nghe' là vậy. Việc thiên sứ hiện ra với thánh Giu-se trong giấc mơ càng làm nổi bật tính quan trọng trong việc thiên sứ đến bằng xương bằng thịt truyền tin cho Đức Mẹ. 

3. Thánh Am-rô-xi-ô dạy : "Người ta kinh hãi vì bất chợt đối diện với một quyền lực hơn mình". Nên không phải chỉ mắt thấy tay sờ mới làm cho ta kinh hãi; trong khi mơ, người ta cũng có thể kinh khiếp hãi hùng. Như Kinh Thánh viết truyện tổ phụ Áp-ra-ham : "Lúc mặt trời gần lặn, thì một giấc ngủ mê ập xuống trên ông Áp-ram; một nỗi kinh hoàng, một bóng tối dày đặc bỗng ập xuống trên ông" (St 15,12). 

Mục 4 Diễn tiến cuộc truyền tin như thế nào ? 


Vấn nạn : 

1. Dường như diễn tiến cuộc truyền tin không được lớp lang. Thật vậy, Đức Mẹ chỉ cao trọng nhờ thụ thai Con Thiên Chúa. Vả lại, phải nói tới các nguyên nhân trước khi bàn về hiệu quả. Nên, lẽ ra thiên sứ phải báo tin Đức Mẹ sẽ thụ thai trước khi lời ca tụng Thánh Mẫu đầy ơn phước. 

2. Lẽ thường, người ta phải ráo đón trước, rồi mới nói tới chuyện khó tin. Vậy mà thiên sứ lại nói tới điều Đức Mẹ khó tin trước (khiến cho Đức Mẹ phải hỏi : "Chuyện ấy xảy ra thế nào ?"), rồi mới đưa chứng cớ. Tức là dẫn việc chị Ê-li-da-bét mang thai và dựa vào uy quyền toàn năng của Thiên Chúa. 

3. Chính chứng cớ do thiên sứ trưng ra cũng không đủ sức thuyết phục, vì không ai lấy điều nhỏ, việc thường mà chứng minh cho điều lớn, việc trọng bao giờ. Rõ ràng : việc một trinh nữ sinh con là kỳ diệu hơn việc phụ nữ luống tuổi mang thai rất nhiều. 

Dẫn chứng : 

Thánh Phao-lô viết cho tín hữu giáo đoàn Rô-ma : "Việc gì do Thiên Chúa làm cũng thứ tự lớp lang" (Rm 13,1). Thiên Chúa đã sai thiên sứ đến truyền tin cho Đức Mẹ, như Tin Mừng theo thánh Lu-ca viết (Lc 1,26). Nên, diễn tiến cuộc truyền tin phải rất mực thứ tự lớp lang. 

Lập luận : 

Khi đến truyền tin cho Đức Mẹ, thiên sứ có ba ý định : 

Một là, gây chú ý tới một việc rất mực trọng đại. Thiên sứ thực hiện ý định này bằng cách nói lên lời chào mới lạ và độc đáo vô song. Như giáo phụ Ô-ri-gen nhận xét : "Giả như Đức Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã có lần nghe ai đó chào mình như vậy, thì Đức Mẹ không đến nỗi kinh ngạc như sách Phúc Âm tả". Ngoài ra, từng lời chào của thiên sứ đều tương ứng với từng giai đoạn trong việc Đức Mẹ thụ thai. 

'Đầy ơn sủng' cho thấy Đức Mẹ sẳn sàng và xứng đáng mang thai Chúa. 

'Thiên Chúa ở cùng Bà' diễn tả chính việc Đức Mẹ mang thai Chúa. 

'Bà có phước lạ hơn mọi người nữ' cho thấy hiệu quả của việc Đức Mẹ mang thai Chúa (làm cho Đức Mẹ thành phước đức rất mực). 

Hai là, thông báo cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a biết mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể sẽ diễn ra trong con người Đức Mẹ. Bằng những lời : "Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su..." thiên sứ thông báo Đức Mẹ sẽ thụ thai và sinh con. 

Kế tiếp, thiên sứ nói tới chức cao quyền trọng của người con đó : "Người sẽ nên cao cả và thiên hạ sẽ gọi Người là Con Đấng Tối Cao". 

Sau cùng, thiên sứ cho biết Đức Trinh Nữ Ma-ri-a sẽ thụ thai bằng cách nào : "Thánh Thần sẽ ngự trên Bà, và quyền năng Đấng Tối cao sẽ che chở Bà". 

Ba là, thỉnh sự đồng ý nơi Đức Mẹ. Thiên sứ thực hiện ý định này bằng cách trưng ra việc chị Ê-li-da-bét mang thai và dựa vào uy quyền toàn năng của Thiên Chúa. 

Trả lời vấn nạn : 

1. Không gì làm cho một người khiêm nhường giật mình bằng lời khen ngợi mình. Cái giật mình đó giúp tâm hồn thêm chú tâm. Chính vì thế, để gây chú ý Đức Mẹ đến một tin tức tối quan trọng, thiên sứ trước hết đã cất lời ca tụng Đức Mẹ. 

2. Không. Đức Mẹ không hề hồ nghi lời thiên sứ truyền, đúng như thánh Am-rô-xi-ô dạy. Thánh nhân viết : "Khi so sánh câu hỏi của tư tế Da-ca-ri-a và của Đức Ma-ri-a với nhau, ta thấy Đức Mẹ cân nhắc biết là chừng nào khi mở lời hỏi lại. Tư tế Da-ca-ri-a hỏi :'Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ?'. Đức Ma-ri-a hỏi :'Làm sao có chuyện ấy được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?'. Tư tế Da-ca-ri-a không tin; còn Đức Mẹ cho thấy mình không biết chuyện đó xảy ra làm sao * Nghĩa là, Đức Mẹ không chút mảy may nghi ngờ sự việc sẽ xảy ra, nhưng không biết cách thức sự việc sẽ diễn tiến như thế nào". 

Khi trưng chứng cớ, không phải thiên sứ nhằm đánh tan nỗi ngờ vực trong lòng Đức Mẹ, nhưng muốn Đức Mẹ đừng ngạc nhiên nữa. 

3. Khi nhắc tới chuyện chị Ê-li-da-bét đã già mà còn mang thai, thiên sứ không cố ý đưa ra bằng chứng thuyết phục Đức Ma-ri-a, nhưng chỉ lấy một thí dụ điển hình. Vì vậy, sau khi trưng thí dụ, thiên sứ đã cho biết việc chị Ê-li-da-bét mang thai chỉ là một trong muôn vàn kết quả do uy quyền toàn năng của Thiên Chúa thực hiện.