Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

THẦN HỌC CÁC TÔN GIÁO DƯỚI LĂNG KÍNH CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Thời sự Thần học - Số 62, tháng 11/2013, tr. 89-127

  1. Lịch sử ra đời của Tuyên ngôn Nostra aetate
  2. Những giá trị tích cực hàm chứa trong các truyền thốngtôn giáo (2.1. Lumen gentium. 2.2. Ad gentes. 2.3. Nostra aetate)
  3. Các chú giải đối nghịch nhau về các bản văn của Công đồng (3.1. Thái độ đơn giản hoá các giáo huấn của Công đồng. 3.2. Lối diễn dịch thái quá. 3.3. Hướng tới một đánh giá quân bình hơn)
  4. Tác động hỗ tương giữa các giáo huấn của Công đồng và các suy tư thần học. (4.1 Khuynh hướng thần học hoàn thiện. 4.2. Mầu nhiệm Đức Kitô trong truyền thống các tôn giáo)

Lm. Nguyễn Tiến Dưng, A.A. 


Trong lịch sử tín lý liên quan đến thần học về các tôn giáo, chúng ta thấy Công đồng thành Florence (1442) đã chấp nhận đề cập tới vấn đề cứu độ của tất cả mọi người - bao hàm cả những người ngoài Kitô giáo - khi họ ở bên ngoài Giáo hội, dù với một thái độ cứng rắn. Thái độ cứng rắn này đương nhiên xuất phát từ một bối cảnh tế nhị. Vào một thế kỷ sau (1547), công đồng Trentô, qua tuyên bố về vấn đề “rửa tội bằng ước muốn”, đã long trọng khẳng định khả năng lãnh nhận ơn cứu độ cho những người sống bên ngoài biên giới của Giáo hội hữu hình. Các bản văn sau đó của Giáo hội cũng tái khẳng định khả năng này. 

Tuy nhiên, trong lịch sử gần hai ngàn năm của mình, hình như chưa bao giờ các tài liệu chính thức của Giáo hội - Công đồng hoặc các bản văn khác - đề cập tới các tôn giáo khác, hơn nữa lại đề cập tới vai trò tích cực của các tôn giáo. Công đồng Vaticanô II không chỉ phá vỡ sự thinh lặng này mà còn mở ra một hướng đi cho môn thần học về các tôn giáo. Kể từ sau Công đồng Vaticanô II, hầu như các đại học Công giáo trên thế giới đều có chuyên ngành nghiên cứu môn thần học về các tôn giáo. Trước khi nghiên cứu ảnh hưởng của Công đồng lên nền thần học về các tôn giáo và tác động của nó trên các bản văn hậu Công đồng (4), chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc nghiên cứu lịch sử ra đời của bản văn (1), nhằm khám phá tinh hoa của các bản văn này (2), cũng như những đánh giá đa chiều về chính các bản văn này (3).

1. Lịch sử ra đời của tuyên ngôn Nostra Aetate


Tuyên ngôn Nostra aetate (Tuyên ngôn về Tương quan giữa Giáo hội với các Tôn giáo ngoài Kitô giáo) đến rất trễ trong Công đồng chung Vaticanô II. Nói một cách cụ thể, tuyên ngôn này chỉ xuất hiện vào kỳ họp thứ 3 (1964), trong lược đồ thứ ba được dự trù để thêm vào phần đề cập tới Giáo hội[1]. Khởi đầu, Công đồng, -dưới sự điều khiển của đức Giáo hoàng Gioan XXIII- chỉ muốn thêm vào sắc lệnh về Hiệp nhất Kitô giáo một tuyên ngôn nhằm cải thiện tương quan vốn đang rất căng thẳng giữa những các Kitô hữu với anh em Do Thái giáo. Mục đích của tuyên ngôn là muốn cho những thái độ kỳ thị, hiểu lầm của các Kitô hữu và của cả Giáo hội đối với người Do Thái được loại bỏ, nhằm hàn gắn vết thương đã tạo ra từ bao thể kỷ, nhất là kinh nghiệm đau thương về cuộc diệt chủng người Do Thái (Shoah) trong đại chiến thế giới lần thứ II. Theo đề nghị của một số giám mục đến từ các nước mà người ngoài Kitô hữu chiếm đa số, nội dung của tài liệu được mở rộng, nhằm đưa vào trong đó các tôn giáo khác cùng với Do Thái giáo. Việc đức giáo hoàng Phaolô VI thiết lập vào năm 1964 một Văn phòng Đối thoại với những Người ngoài Kitô giáo; việc xuất bản cùng năm tông huấn Ecclesiam suam về đối thoại (bao hàm việc đối thoại với người ngoài Kitô giáo); chuyến thăm Ấn Độ của đức Phaolô VI cùng năm, nơi ngài đã gặp các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác với tất cả tâm tình đơn sơ và kính trọng : tất cả những sự kiện này đã thúc đẩy Công đồng có một cái nhìn vượt ra khỏi thế giới Tây Phương, đồng thời tiếp nhận sự cần thiết của một tương quan giữa Giáo hội với các tôn giáo khác, không chỉ với Do Thái giáo mà với tất cả các tôn giáo khác trên thế giới.

Chính vì thế, nội dung của tuyên ngôn Nostra aetate đã được mở rộng để thêm phần đề cập tới các tôn giáo khác cùng với Do Thái giáo, mặc dù phần đề cập tới tương quan giữa Giáo hội và Do Thái giáo vẫn còn dài hơn. Điều cần ghi nhận là một trật tự bị đảo lộn trong lược đồ của Nostra aetate so với Lumen gentium. Hiến chế Lumen gentium nói một cách trực tiếp cách thức mà các các thành viên của các tôn giáo khác “quy hướng về” Giáo hội : trước hết là người Do Thái, vì Giáo hội có một tương quan mật thiết với họ; kế đến là người Hồi Giáo, vì “họ tuyên xưng rằng họ giữ đức tin của Abraham”; và cuối cùng “những kẻ đang tìm kiếm Thiên Chúa trong bóng tối và qua ngẫu tượng, Thiên Chúa mà họ không biết, cả những kẻ ấy, Ngài cũng không xa họ, bởi vì chính Ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự” (LG 16). Trong khi đó, Nostra aetate theo trật tự ngược lại : tôn giáo của nhân loại nói chung; các tôn giáo “liên quan đến sự tiến bộ của văn hoá” như Ấn Độ giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác (NA 2); Hồi giáo (NA 3), và cuối cùng là Do Thái giáo (NA 4). Với từng cấp độ khác nhau, tuyên ngôn chỉ rõ mối liên hệ chặt chẽ và sự nối kết linh thiêng giữa Giáo hội với từng tôn giáo. Mối dây liên hệ này có các cấp độ khác nhau. Với ba tôn giáo có cùng nguồn gốc từ đức tin của Abraham, thì Israel có một mối tương quan đặc biệt hơn, vì Giáo hội cùng nhận chung một mặc khải Cựu Ước với “Dân được tuyển chọn” này. Tuy nhiên, trong Nostra aetate, Công đồng không có ý định hướng các tôn giáo khác quy tụ một cách tiệm tiến về Giáo hội, nhưng đề nghị các tôn giáo cùng vượt qua các chia rẽ hầu thiết lập tình thân hữu với nhau (NA 5).

2. Những giá trị tích cực hàm chứa trong các truyền thống tôn giáo


Các bản văn mà chúng ta nghiên cứu ở đây nằm trong thứ tự của Công đồng : Hiến chế Lumen gentium (16-17), tuyên ngôn Nostra aetate và sắc lệnh Ad gentes (3,9-11). Trong từng bản văn, Cồng Cồng phát triển ba đề tài : (1), Ơn cứu độ cho những người ngoài Giáo hội; (2), Giá trị đính thực mà ta có thể tìm thấy nơi những người ngoài Kitô giáo và trong các truyền thống tôn giáo của họ; (3), Định giá của Giáo hội về các giá trị này và thái độ mà Giáo hội chọn lựa trong tương quan đối với các tín đồ và các truyền thống tôn giáo.

2.1. Lumen gentium


Hiến chế Tín lý về Giáo hội khẳng định rằng sự trợ giúp của Thiên Chúa là cần thiết cho ơn cứu độ, không chỉ cho những người thuộc các truyền thống tôn giáo, nhưng cả cho “những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi”. Bản văn viết tiếp : “Thật vậy, Giáo hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm, như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống” (LG 16).

Các giá trị tích cực ở đây được gán cho từng con người cụ thể, chứ không phải cho cộng đoàn tôn giáo trong đó các cá nhân này trực thuộc. Bản văn cũng thêm rằng, ngoài những yếu tố tích cực, “con người cũng thường bị ma quỷ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán của mình khiến họ đánh đổi chân lý Thiên Chúa lấy sự giả dối, phụng sự thụ tạo hơn là phụng sự Đấng Tạo Hoá (x. Rm 1,21.25)” (LG 16). Sứ mạng của Giáo hội hệ tại ở việc rao giảng Tin Mừng cứu độ trong Đức Giêsu Kitô cho tất cả mọi người:
Thực ra, những gì thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của loài người, hoặc trong nghi lễ văn hoá riêng của các dân tộc, hoạt động của Giáo hội không nhằm tiêu diệt chúng, nhưng lành mạnh hoá, nâng cao và hoàn thành chúng, hầu làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma quỷ và mưu cầu hạnh phúc cho con người (LG 17).
Như vậy, một mặt, Giáo hội nhìn nhận những yếu tố tích cực nơi từng con người khi họ mở lòng đón nhận những gì là tốt đẹp nhất trong các truyền thống tôn giáo của họ; mặt khác, Giáo hội cũng ý thức bổn phận loan báo sứ điệp Tin Mừng của mình, hầu dẫn đưa con người đến sự trọn hảo.

2.2. Ad gentes


Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội cũng nói đến sự kết hợp giữa thái độ đón nhận của các tín đồ và những giá trị khách quan của các tôn giáo :
Ý định của Thiên Chúa nhằm cứu rỗi toàn thể nhân loại không phải chỉ được thực hiện một cách có thể nói là kín đáo trong tâm trí con người, nhưng còn bằng những sáng kiến, ngay cả sáng kiến tôn giáo, nhờ đó con người tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều cách, “hầu may ra sẽ đến gần Ngài hoặc gặp được Ngài, mặc dù Ngài không ở xa mỗi người chúng ta” (Cv. 17,27) (AG 3).
Ở đây, những “sáng kiến tôn giáo” hình như có tương quan với các yếu tố tích cực trong các tôn giáo, các sáng kiến này được phân biệt rõ ràng với thái độ sẵn sàng từ bên trong của từng con người, giúp định hình đời sống tôn giáo của từng người. Tuy nhiên, các “sáng kiến này” cũng “cần phải được soi dẫn và tu bổ, tuy đôi khi, nhờ ý định nhân lành của Chúa Quan Phòng, có thể được coi như con đường hướng về Thiên Chúa chân thật hoặc chuẩn bị Phúc Âm” (AG 3).

Cùng một ý tưởng này được lặp lại trong Ad gentes (9), khi Công đồng đề cập tới tương quan giữa các hoạt đồng truyền giáo của Giáo hội với thế giới ngoài Kitô giáo. Hoạt động truyền giáo nhằm thanh tẩy, nâng cao và kiện toàn trong Đức Giêsu Kitô những gì là tốt đẹp nơi mỗi con người và mỗi truyền thống tôn giáo:
Tất cả những gì là chân lý và ân sủng đã có nơi các dân tộc như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa sẽ được hoạt động truyền giáo giải thoát cho khỏi bị nhiễm độc và hoàn lại cho Chúa Kitô là Đấng tác thành chúng […] Bởi vậy, bất cứ điều gì tốt đẹp khám phá thấy là đã được gieo vãi trong tâm trí con người, hay trong những lễ chế và văn minh riêng của các dân tộc, sẽ không bị hủy diệt, nhưng còn được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất, để Chúa được tôn vinh, ma quỷ bị xấu hổ và con người được hạnh phúc (x. LG 17) (AG 9).
Khởi đi từ việc khám phá ra những gì là chân thiện mỹ nơi thế giới ngoài Kitô giáo, Ad gentes đã rút ra kết luận cho phương thức truyền giáo của người Kitô hữu:

Để có thể làm chứng về Chúa Kitô một cách hữu hiệu, chính các Kitô hữu phải lấy lòng kính trọng và tình bác ái liên kết với những người ấy, phải biết mình là thành phần của nhóm người mình chung sống và tham gia đời sống văn hoá, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động khác nhau trong đời sống nhân loại. Họ phải làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo của những người ấy; phải lấy làm sung sướng và kính cẩn khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong họ […] Như chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người để dẫn họ đến ánh sáng thần linh, các môn đệ của Người, một khi thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết người họ chung sống, và phải đối thoại với họ, để nhờ chính việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú đã được Thiên Chúa rộng ban cho các dân tộc; đồng thời các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc Âm chiếu soi những sự phong phú đó, giải thoát chúng và đem chúng quy phục về Chúa Cứu Thế (AG 11).

2.3. Nostra aetate


Tuyên ngôn đề cập tới sự gặp gỡ giữa Giáo hội và các tôn giáo trên thế giới, khi cố gắng suy tư về nguồn gốc và cứu cánh chung của mỗi người trong Thiên Chúa, đồng thời trả lời về những câu hỏi căn bản làm con người bận tâm:
Con người mong đợi các tôn giáo giải đáp về những bí nhiệm xưa nay vẫn làm tâm hồn họ xao xuyến sâu xa : con người là gì ? Đời người có mục đích và ý nghĩa nào ? Sự thiện và tội ác là chi ? Đâu là nguyên nhân và mục đích của đau khổ ? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thật sự ? Cái chết, sự phán xét, và sự thưởng phạt sau khi chết là gì ? Sau cùng, cái huyền nhiệm tối hậu khôn tả vẫn bao trùm cuộc sống chúng ta là chi, chúng ta xuất phát từ đâu và chúng ta hướng về đâu ? (NA 1).
Và rồi, một thái độ của Giáo hội đối với các tôn giáo được diễn tả như sau:
Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Đấng là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6), nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hoà mọi sự với mình (x. 2Cr 5,18-19).
Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hoá của các tín đồ thuộc các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo (NA 2).

Chúng ta có thể quan sát và thấy rằng những giá trị nơi các tôn giáo được bản văn nhấn mạnh hơn so với các văn bản trước. Cụ thể, các thuật ngữ được thêm vào như : “những phương thức hành động và lối sống, […] những huấn giới và giáo thuyết [...] cũng thường đem lại ánh sáng Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người”. Dù không trích dẫn một cách cụ thể Gioan 1,9, nhưng ta thấy có bóng dáng của bản văn này. Đó là sự hiện diện, dù chưa toàn diện, nhưng một cách cụ thể của “Chân Lý” trong các tôn giáo. Đây là lý do thúc đẩy Giáo hội kính trọng các tôn giáo khác và thăng tiến các giá trị tinh thần và văn hoá nơi các tôn giáo này, đồng thời sứ mạng của Giáo hội cũng loan báo báo “sự trọn hảo của đời sống tôn giáo” trong Đức Giêsu Kitô.

Giáo huấn của Công đồng sử dụng nhiều thuật ngữ của các truyền thống xưa, nhưng thiếu những định nghĩa cụ thể. Vì thế, một tài liệu của Văn phòng Đối thoại với những Người ngoài Kitô giáo được xuất bản vào năm 1984, tái khẳng định những giá trị tích cực của các truyền thống tôn giáo khi quy tụ các thuật ngữ mà Công đồng đã sử dụng. Bản văn viết:
[…] Các nghị phụ của Công đồng đã khẳng định rằng, trong các truyền thống tôn giáo ngoài Kitô giáo có những yếu tố “chân thiện” (LG 16), những “yếu tố tôn giáo và nhân bản quý giá” (GS 92), những yếu tố “của chân lý và ân sủng” (AG 9), “những hạt giống của Ngôi Lời” (AG 11; 15), những “tia sáng của Chân Lý chiếu soi hết thảy mọi người” (NA 2).
Theo các khẳng định một cách rõ ràng nhất của Công đồng, tất cả những giá trị này quy tụ trong các truyền thống tôn giáo của nhân loại. Nó cần được các Kitô hữu chú ý và tôn trọng. Những kho tàng thiêng liêng này mời gọi các Kitô hữu tham gia đối thoại một cách thiết thực (x. NA 2, 3; AG 11), không chỉ trên những điểm tương đồng, mà còn với cả những điểm dị biệt nữa (s. 26)[2].

3. Các chú giải đối nghịch nhau về các bản văn của Công đồng


Giáo huấn của Công đồng Vaticanô II về các tôn giáo ngoài Kitô giáo đã nhận được nhiều bình phẩm khác nhau, từ thái độ đơn giản hoá đến cách giải thích thái quá.

3.1. Thái độ đơn giản hoá các giáo huấn của Công đồng


Lối chú giải này cho rằng Công đồng chưa tôn trọng đúng mức các tôn giáo khác. Tiêu biểu cho lối giải thích này là P. Hacker[3] và M. Ruokanen.

– P. Hacker phân biệt hai khía cạnh của tôn giáo : khía cạnh con người hay những gì thuộc về con người và khía cạnh thần học hay là những gì thuộc về tín lý. Và ông đi đến kết luận rằng cũng như thánh Phaolô ở Athènes (Cv 17), các bản văn của Công đồng chỉ nói tới khía cạnh tích cực về ‘mặt con người nơi các tôn giáo’:

Các bản văn chỉ viết về những cố gắng tôn giáo của con người trong các tôn giáo và nhìn nhận con người có thể tìm kiếm Thiên Chúa qua cách thức này; nhưng các bản văn hoàn toàn im lặng về khả năng con người đạt tới đích qua cách thức này, đồng thời nó cũng không đề cập tới việc liệu các huyền thoại trong các tôn giáo khác có chứa đựng các yếu tố chân lý hay không, hoặc các nghi lễ và cách thức thực hành các nghi lễ trong các tôn giáo khác có phù hợp với Ý Chúa hay không (tr. 73-75).

Khi Công đồng nhấn mạnh tới những điểm tiêu cực nơi các tôn giáo khác làm cho người ta hiểu rằng các “dân ngoại không thể được cứu độ thông qua tôn giáo của mình, và chính các tôn giáo này tự nó không có vai trò cứu độ”. Vì vậy, tính cách “hợp pháp” (légitimité) của các tôn giáo khác không được Công đồng thừa nhận cũng như không bị phủ nhận (tr. 72).

– Cũng như Hacker, M. Ruokanen, thần học gia Tin lành theo phái Lutêrô, cũng có cái nhìn tiêu cực đối với các giáo huấn của Công đồng Vaticanô II về các tôn giáo. Theo chú giải của ông, “có một sự kế thừa giữa các tôn giáo ngoài Kitô giáo và các chân lý Kitô giáo. Khả năng hiện diện ân sủng cứu độ của Thiên Chúa trong các tôn giáo không hoàn toàn bị khai trừ”. Tuy nhiên, các tôn giáo ngoài Kitô giáo “hoàn toàn không có một cương vị độc lập về mặc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa; các chân lý tôn giáo của họ phải quy về với chân lý Kitô giáo”[4]. Tác giả ghi nhận rằng giáo lý của Công đồng nằm trong “chủ thuyết kiện toàn như người ta thấy sau thời hậu Công đồng”.

Liên quan đến câu hỏi về các chân lý tiềm ẩn trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo, tác giả cho rằng Công đồng không bao giờ nói tới “mặc khải” dành cho các tôn giáo khác. “Mặc dù có những tích cực diễn tả sự tôn trọng tới những yếu tố tâm linh trong các tôn giáo khác”, nhưng Công đồng chỉ xem đó là những “giá trị tự nhiên, tức là khả năng tự nhiên về việc nhận biết một Thiên Chúa Sáng Tạo qua các định luật tự nhiên được Ngài ban tặng” (tr. 68). Công đồng không xem các tôn giáo khác là “các con đường cứu rỗi” : “Công đồng nhìn nhận một cách đầy đủ các giá trị luân lý mà người ta có thể tìm thấy trong các tôn giáo. Còn những gì liên quan tới mầu nhiệm của Thiên Chúa, các tôn giáo khác đang ở trên con đường kiếm tìm” (tr. 93). Lumen gentium (16), cũng như Nostra aetate (2) “loại trừ khả năng chân lý độc lập của các tôn giáo khác ngõ hầu đạt tới ơn cứu chuộc. Những người ngoài Kitô giáo chỉ phản ánh đúng chân lý khi đời sống của họ phù hợp với việc nhận biết tự nhiên về một Thiên Chúa Duy Nhất và qua các định luật của luân lý tự nhiên” (tr. 99). Nói một cách khác, “các tôn giáo ngoài Kitô giáo không thêm gì về khía cạnh siêu nhiên của mặc khải hoặc ân sủng cho thân phận tự nhiên của con người” (tr. 100).

3.2. Lối diễn dịch thái quá


Ngược với hai nhà thần học vừa nêu trên, P. Rossano cho rằng những yếu tố “chân lý và ân sủng” chứa đựng trong các truyền thống tôn giáo khác. Ông không ngần ngại viết rằng:
Liên quan đến vai trò cứu độ của các tôn giáo, để biết các tôn giáo này có hay không các con đường cứu độ, chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa, rằng “ân sủng và chân lý” đạt tới hoặc có thể chạm tới mọi người qua những dấu hiệu thấy được của các kinh nghiệm tôn giáo. Vaticanô II giải thích rất rõ về điểm này (x. AG 3, 11; NA 2; LG 16)[5].
Một học giả khác, K. Kunnupuram, khi nghiên cứu các bản văn của Công đồng liên quan tới các tôn giáo, cũng đưa ra những khẳng định như Rossano. Theo ông, vì Công đồng có hướng đi mục vụ, nên không đưa ra kết luận về một vấn đề tranh luận như vấn đề ơn cứu độ trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Tuy nhiên, Công đồng cũng đã nhấn mạnh tới những giá trị tích cực trong chính truyền thống các tôn giáo : giáo lý, nghi lễ, luật sống[6]. Sự phong phú về “chân lý và ân sủng” này là những hồng ân siêu nhiên của Thiên Chúa, một sự “hiện diện bí nhiệm của Thiên Chúa” (AG 9), công trình của Đức Kitô chính là “ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9; x. NA 2), những “hạt giống của Ngôi Lời” (AG 11). Sự “chuẩn bị cho Tin Mừng” chứa đựng trong các tôn giáo không chỉ giới hạn ở mức độ tự nhiên hoặc một sự đón nhận ở thế bị động hồng ân Thiên Chúa. “Ý nghĩa thâm sâu hệ tại ở việc đó là những dấu chỉ hướng về Đức Kitô [...] Những dấu chỉ này có sức sống bên trong, một biện chứng gắn liền với Đức Kitô và quy về Đức Kitô” (tr. 87).

Công đồng không bao giờ đặt câu hỏi một cách trực tiếp để biết nếu Thiên Chúa sử dụng các nghi lễ hay giáo lý của các tôn giáo ngoài Kitô giáo cho việc cứu độ của các tín đồ của họ hay không, và qua đó để biết được các tôn giáo khác có phải là những “phương tiện mà Thiên Chúa Quan Phòng gửi tới để cứu độ các thành viên của họ” hay không. Dù sao thì đối với Công đồng, ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người không phải là một vấn đề hoàn toàn bên trong con người. Chính Công đồng đã khẳng định : “Ý định của Thiên Chúa nhằm cứu rỗi nhân loại không phải chỉ được thực hiện một cách có thể nói là kín đáo trong tâm trí con người [...]” (AG 3). Ơn cứu độ cũng không phải là chuyện hoàn toàn riêng tư : nó có tính cách xã hội. Tác giả ghi nhận rằng, điều có thể giải thích là tín đồ của các tôn giáo khác “được cứu độ hoặc có thể được cứu độ trong và qua các tôn giáo của họ. Các tôn giáo này chính là con đường cứu rỗi cho họ” (tr. 88-91). Và Kunnumpuram tóm lược quan niệm của ông như sau:
Công đồng Vaticanô II nhìn nhận rằng các tôn giáo ngoài Kitô giáo chứa đựng nhiều giá trị tích cực như chân lý và sự thiện, ân sủng và sự thánh thiện. Công đồng xem các giá trị này như là một sự hiện diện kín đáo của Thiên Chúa, của hạt giống Ngôi Lời và hoa trái của Thánh Thần. Công đồng ý thức rằng các tôn giáo này không chỉ đơn thuần là các tôn giáo tự nhiên, vì nó hàm chứa nhiều yếu tố siêu nhiên, và ngay cả một đức tin cứu rỗi. Dù còn có sai phạm, tội lỗi và băng hoại của con người, các tôn giáo ngoài Kitô giáo là bước chuẩn bị cho Tin Mừng, vì nó có một khuynh hướng bẩm sinh, một nội lực hướng về Đức Kitô và Giáo hội của Ngài. Đối với những ai chưa có cơ hội gặp gỡ Kitô giáo trong đời sống của mình, thì các tôn giáo ngoài Kitô giáo này là con đường cứu rỗi cho họ, vì Thiên Chúa cứu rỗi họ trong và qua giáo lý cũng như cách thức thực hành niềm tin của các tôn giáo này (tr. 91).

3.3. Hướng tới một đánh giá quân bình hơn


Qua việc nghiên cứu hai lối giải thích của Công đồng như trên, ta có thể tự hỏi rằng có thực sự Công đồng chỉ theo “thần học hoàn thiện” cổ điển hay ngược lại, Công đồng đi theo thần học về “sự hiện hữu của mầu nhiệm cứu chuộc trong Đức Kitô” nơi các tôn giáo. Về hai câu hỏi này, ta có thể trả lời rằng Công đồng không chọn hướng này hoặc loại hướng kia. Một mặt, ta thấy Công đồng dùng các thuật ngữ gần gũi của thần học hoàn thiện để định nghĩa thái độ của Giáo hội với các tôn giáo khác như đảm nhận và cứu chuộc, chữa lành và phục hồi, nâng lên và đưa tới sự hoàn thiện. Mặt khác, các yếu tố “chân lý và ân sủng” trong các tôn giáo như “một sự hiện diện bí nhiệm của Thiên Chúa” trong chính các truyền thống tôn giáo -trong giáo lý, nghi lễ, lối sống- làm cho ta nghĩ rằng Công đồng nghiêng về phía ngược lại.

Theo P. F. Knitter, “Công đồng Vaticanô II tạo ra một bước ngoặt triệt để trong cách nhìn của người Công giáo so với trước đây”. Tuy nhiên, vẫn còn có “một mập mờ trong cách hiểu về mức độ hiệu quả của chân lý và ân sủng hàm chứa trong các tôn giáo”[7]. Theo ông, sự khó hiểu hệ tại nơi “mâu thuẫn ý muốn cứu độ của Thiên Chúa và sự cần thiết của Giáo hội như một sự hiển nhiên dưới mắt người Kitô hữu trải qua bao thế kỷ qua”. Theo nhiều nhà thần học Công giáo, sự cần thiết của Giáo hội cho việc cứu độ con người không nhất thiết phải loại trừ các giá trị cứu độ nơi các tôn giáo khác.

Một đánh giá quân bình về giáo huấn của Công đồng với các tôn giáo khác phải vừa tích cực và có tính phê bình. Theo K. Rahner, thành công của Công đồng là đã vượt qua cả câu hỏi về sự cứu độ của từng cá nhân trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo, để có một tương quan tích cực giữa Giáo hội và các tôn giáo khác. Trong khi ơn cứu độ siêu nhiên (salut surnaturel) hệ tại ở hành động tự hiến của Thiên Chúa (autodonnation de Dieu) cho con người đã được Công đồng nhìn nhận một cách tích cực, thì chính cái nhìn tích cực này chưa được tuyên xưng một cách rõ ràng về những gì liên quan tới các tôn giáo. Về điểm này, “một điểm chính yếu, đối với thần học gia, câu trả lời đang bỏ ngỏ”; “tính chất thần học của các tôn giáo ngoài Kitô giáo chưa được định nghĩa rõ ràng”. Người ngoài Kitô giáo có đạt được ơn cứu độ ngoài tôn giáo của họ hay là chính trong tôn giáo của họ? Chính các tôn giáo có hay không giá trị cứu độ? Các câu hỏi này không có một câu trả lời cụ thể.[8] Ngay cả khi đa số người cho rằng Công đồng nghiêng về câu trả lời tích cực, ta vẫn chưa có thể rút ra được những câu trả lời rõ ràng.

Riêng H. Maurier thì nhấn mạnh đến thần học “Giáo hội vi trung” (ecclésiocentrique) trong các văn bản của Công đồng, đặc biệt là trong Nostra aetate. Giáo hội hình như chỉ nhìn nhận những yếu tố tích cực và tốt trong các tôn giáo khác khi người ta thấy những yếu tố này trong Giáo hội. Những “tia ánh sáng” chân lý có trong các tôn giáo khác có nhất thiết phải quy hướng về chân lý trọn đầy mà Giáo hội gìn giữ? Các tuyên ngôn có sẵn sàng nhìn nhận trong các tôn giáo khác có những “tia ánh sáng” chân lý mà Giáo hội không có? Lối suy nghĩ này của Giáo hội đang lấy mình làm trung tâm (égocentrique)[9]. Viễn tưởng này sẽ dễ dàng dẫn đến “thần học kiện toàn”, theo đó, các tôn giáo khác, nếu họ đi tìm kiếm Thiên Chúa, sẽ trở nên lỗi thời một khi họ đạt tới mức kiện toàn trong và qua Giáo hội (tr. 135). Vì thế ta có thể tự hỏi rằng nếu việc đối thoại mà Công đồng muốn thăng tiến với các tôn giáo khác phải chăng phải bắt đầu từ việc nhìn nhận các giá trị nhân bản đích thực hàm chứa trong các tôn giáo khác, những giá trị mà có thể Kitô giáo không có. Chỉ khi đạt tới được như vậy, đối thoại mới thực sự có ý nghĩa, vì đối thoại được hiểu như là một tương quan qua lại mà người ta vừa cho vừa nhận.

Tóm lại, các bản văn của Công đồng Vaticanô II dù chưa đề cập tới những vấn đề còn gây tranh cãi về tín lý, đã có một thái độ cởi mở đối với các truyền thống tôn giáo khác, một thái độ mà ta chưa bao giờ thấy trong các bản văn của Giáo hội trước đó. Dù chưa nhìn nhận một cách chính thức trong các tôn giáo khác có các con đường cứu độ dành cho các tín đồ của họ, Công đồng hình như cũng đã kín đáo đi theo hướng này khi nhìn nhận trong các tôn giáo khác không chỉ có các giá trị nhân bản tích cực, mà còn có cả những yếu tố “chân lý và ân sủng”, như một sự hiện diện kín đáo các hoạt động của Thiên Chúa. Để có được những bản văn tích cực này, chúng ta không thể phủ nhận vai trò tích cực của các thần học gia.

4. Tác động hỗ tương giữa Công đồng và các suy tư thần học


4.1. Khuynh hướng thần học hoàn thiện


– Jean Daniélou : Tôn giáo vũ trụ và mặc khải Kitô giáo.

Daniélou được xem như là thần học gia Tây Phương đầu tiên viết về thuyết hoàn thiện (théorie de l’accomplissement). Từ thập niên 40 đến 70, ngài đã viết rất nhiều về đề tài này[10]. Vậy đâu là giá trị thật của các tôn giáo trên thế giới ? Chữ “chuẩn bị cho Tin Mừng” có ý nghĩa thế nào?

Daniélou phân biệt giữa tự nhiên và siêu nhiên, hay nói một cách tương đồng, ngài phân biệt giữa tôn giáo và mặc khải. Các tôn giáo ngoài Kitô giáo thuộc phạm trù lý trí tự nhiên, còn mặc khải Do Thái và Kitô giáo thuộc phạm trù đức tin siêu nhiên. Hai trật tự này phù hợp với sự phân biệt giữa hai giao ước được Thiên Chúa ban tặng : vũ trụ và lịch sử. Giao ước vũ trụ tương ứng với sự biểu hiện của Thiên Chúa qua tự nhiên, dù rằng, trong thực tế, giao ước này chuẩn bị cho việc mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử. Nó cho thấy Thiên Chúa hiện hữu một cách thường hằng trong công trình tạo dựng. Những người ngoài Kitô giáo cũng có thể biết Thiên Chúa qua trật tự vũ trụ hoặc qua tiếng nói của lương tâm. Nếu những người ngoài Kitô giáo nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình, thì họ có một sự hiểu biết đúng đắn. Ngược lại, nếu họ không nhìn nhận Ngài là Thượng Đế, thì tâm trí họ trở nên tối tăm.

Cũng thế, các tôn giáo ngoài Kitô giáo là một sự trộn lẫn giữa chân lý và dối trá, ánh sáng và bóng tối, sự ngay thẳng và cả hành động xấu xa. Vì các tôn giáo này thuộc trật tự của tôn giáo vũ trụ, nên thuộc về giao ước vũ trụ. Giao ước này, dù nó nằm trong chương trình của Thiên Chúa cho nhân loại và cho cả vũ trụ, cũng chỉ nhằm vào việc chuẩn bị cho mặc khải của chính Thiên Chúa trong lịch sử. Vì thế nên nó được gọi là “tiền lịch sử” cứu độ. Có một sự kế thừa giữa giao ước vũ trụ và giao ước lịch sử, vì giao ước thứ nhất đặt nền móng cho giao ước thứ hai; nhưng sự can dự trực tiếp của Thiên Chúa một cách vô vị lợi chỉ thực sự khai mào với giao ước lịch sử và nó tạo nên một khác biệt lớn với giao ước thứ nhất.

Nhiều người sống trong giao ước vũ trụ làm đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là các vị “thánh ngoại đạo” được đề cập tới trong Cựu Ước và được thư gửi tín hữu Do Thái ca ngợi (Dt 11). Thánh Kinh không cho biết số lượng họ đông bao nhiêu, nhưng cả Cựu Ước và thánh Phaolô trong thư gửi các tín hữu Rôma đều nhắc tới những lầm lỗi mà các quốc gia đã sa vào. Dù sao thì một sự chuẩn bị cho Tin Mừng cũng được tìm thấy nơi các tôn giáo của con người, để chuẩn bị tốt hơn, như một nền tảng tự nhiên, cho mặc khải của Thiên Chúa với nhân loại trong lịch sử, mà đỉnh điểm của lịch sử cứu độ là biến cố Đức Giêsu Kitô.

Tóm lại, theo Daniélou, các tôn giáo ngoài truyền thống Do Thái và Kitô giáo là tôn giáo tự nhiên, tức là con người tìm cách vươn tới Thiên Chúa. Còn Kitô giáo là tôn giáo mặc khải, tôn giáo siêu nhiên, tức là Thiên Chúa đến với con người. Daniélou viết:
Kitô giáo không phải là cố gắng của con người đạt tới Thiên Chúa. Kitô giáo là sức mạnh của Thiên Chúa hoàn thiện trong con người, vượt lên trên khả năng của con người: và vì thế, cố gắng của con người chỉ là việc đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. […]
Các tôn giáo tự nhiên -và đây là bảo chứng về giá trị của các tôn giáo- khẳng định hành động của con người hướng về Thiên Chúa; còn trong Kitô giáo, Thiên Chúa đến với con người; trong Đức Kitô, Thiên Chúa đến với con người để dẫn đưa con người về với Ngài[11].

Daniélou viết tiếp :
Sự khác biệt chính yếu giữa Công giáo và các tôn giáo khác là : các tôn giáo khác khởi đi từ con người, và đây là là một ý hướng thật cảm động và nhiều khi rất đẹp nhằm vươn cao, hầu chạm tới Thiên Chúa, nhưng trong Công giáo, một chuyển động ngược lại, Thiên Chúa đi xuống với con người, hầu đưa con người về thông phần sự sống của Ngài. Trong Công giáo, khả năng đáp trả linh hứng của toàn vũ trụ cũng được ban tặng. Trong Công giáo, tôn giáo thật sự, là sự kết hợp giữa hai yếu tố này, tức là Thiên Chúa đến với con người và kêu mời con người đáp trả lời mời gọi của Ngài. Ảo tưởng của chủ nghĩa đại đồng (chủ nghĩa tương đối) là tin rằng mọi tôn giáo đều như nhau[12].
Thần học hoàn thiện của Daniélou có một ảnh hưởng rất lớn trên Công đồng Vaticanô II và cả trên các tài liệu hậu Công đồng của Giáo hội mà chúng ta vừa đề cập tới.

– Henri de Lubac : Kitô giáo như là một trục chính trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Henri de Lubac đến với thần học về các tôn giáo bằng các nghiên cứu qua đó ngài so sánh một số “khía cạnh của Phật giáo” và Kitô giáo. Dù có một số thiện cảm với phật giáo, ngài chỉ rõ những khác biệt không thể dung hoà giữa hai tôn giáo trong vấn đề giải phóng con người, cũng như những quan niệm khác biệt về con người và thế giới của hai tôn giáo này[13]. Từ khi còn là một thần học gia trẻ tuổi, de Lubac đã cho xuất bản nhiều cuốn sách về mầu nhiệm của siêu nhiên, trước hết là nghiên cứu về lịch sử của siêu nhiên và sau đó là cấu trúc từ siêu nhiên một cách có hệ thống. Những nghiên cứu này nhằm chuẩn bị cho Kitô giáo tiếp cận với các tôn giáo khác, qua đó ngài nhấn mạnh tới tính đặc thù và duy nhất của Kitô giáo so với các tôn giáo khác trên bình diện giáo lý cũng như về đời sống chiêm niệm.

Trong cuốn sách nổi tiếng, Catholicisme (Công giáo chủ nghĩa), dựa theo tư tưởng của Irénée, de Lubac đã viết viết “sự mới mẻ hoàn toàn” của Kitô giáo so với các tôn giáo khác trong lịch sử nhân loại:
Kitô giáo đã mang đến cho con người một điều hoàn toàn mới mẻ. Quan niệm về cứu độ nơi Kitô giáo không chỉ mang tính đặc thù so với các tôn giáo khác chung quanh nó : Kitô giáo thiết lập một sự kiện duy nhất trong lịch sử tôn giáo của nhân loại […] Trong bản hoà tấu của vụ trụ (các tôn giáo), chỉ một mình Kitô giáo khẳng định một cách không thể phân chia, một cứu cách siêu việt cho con người và một cứu cách chung cho toàn thể nhân loại. Cứu cách chung cho nhân loại được chuẩn bị suốt chiều dài lịch sử. Từ khi tạo dựng cho tới ngày chung hưởng cuối cùng, […] chỉ là một chương trình của Thiên Chúa được hoàn thiện[14].
Cũng giống như Daniélou, theo de Lubac, tương quan giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác phù hợp với cấu trúc “phân biệt nhưng không chia lìa” giữa tự nhiên và siêu nhiên. Siêu nhiên, hoàn toàn vô vị lợi từ Thiên Chúa, đáp trả ước muốn tự nhiên của con người muốn kết hợp với Thần Linh. Tự nhiên và siêu nhiên được kết hợp một cách mật thiết trong Đức Giêsu Kitô. Trong Ngài và qua Ngài, siêu nhiên không thế chỗ tự nhiên, nhưng mở đường và biến đổi tự nhiên : “Đức Kitô không cạnh tranh với bản tính nhân loại, vì Đức Kitô và hồng ân của Ngài không xoá mất bản tính của con người”[15]. Tương quan giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác cũng giống như vậy. Ở đây, không có sự cạnh tranh giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác. Qua việc nhập thể của hồng ân Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Kitô giáo là một tôn giáo siêu nhiên. Nên, những gì là chân thật và tốt đẹp nơi các tôn giáo khác không bị xoá đi, vì “ân sủng không phá hủy tự nhiên”. Tuy nhiên, cũng như bản tính tự nhiên của con người được tạo dựng vừa tội lỗi vừa là dấu ấn của Thiên Chúa, các tôn giáo tạo ra bởi con người hàm chứa vừa “hạt giống Ngôi Lời” vừa những yếu tố phản trắc. Không cạnh tranh với các tôn giáo khác, nhưng Kitô giáo mặc khải những giá trị tích cực; nên Kitô giáo hoàn thiện, thanh tẩy và biến đổi các tôn giáo khác. Nói một cách khác, “Kitô giáo không thêm gì vào cho các tôn giáo khác, ngoài việc mang đến một giải pháp cho các tôn giáo khác, hay nói đúng hơn là đích điểm của cuộc chạy. Kitô giáo đến để vực dậy những cố gắng của con người, thanh tẩy nó, biến đổi nó để đi tìm một lối thoát; vì vậy Kitô giáo chính là tôn giáo nối kết con người với Thiên Chúa”[16].

Tương quan giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác, đặc biệt là cách thức mà ơn cứu độ trong Đức Kitô đến với người ngoài Kitô giáo được viết một chương ngắn trong cuốn Paradoxe et mystère de l’Eglise (Nghịch lý và mầu nhiệm Giáo hội). Theo thuyết hoàn thiện mà De Lubac viết theo cách thức của ngài, mầu nhiệm của Đức Kitô đạt tới thành viên của các truyền thống tôn giáo khác như một câu trả lời cho khát vọng của con người muốn kết hợp với Thượng Đế, tuy nhiên các tôn giáo khác không giữ một vai trò nào trong mầu nhiệm cứu chuộc này. De Lubac diễn dẫn rằng, nếu cho các tôn giáo khác một vai trò tích cực liên quan tới ơn cứu độ, sẽ đặt các tôn giáo khác trong thế cạnh tranh với Kitô giáo, đồng thời làm lu mờ tính duy nhất của Kitô giáo. Ngài quan sát, khi trích lại quan điểm của Teilhard de Chardin, rằng chương trình của Thiên Chúa chắc chắn là một chương trình có trật tự : chương trình này có một truc, một điểm hội tụ. Điểm hội tụ này chính là Kitô giáo, con đường duy nhất của ơn cứu độ. Nếu nghĩ rằng các tôn giáo khác cũng đóng góp một vai trò cứu độ cho các thành viên của mình sẽ biến các tôn giáo khác thành những con đường cứu chuộc song song với Kitô giáo, và như thế sẽ phá hủy sự thống nhất chương trình cứu độ của Thiên Chúa:
Nếu quả thực có nhiều con đường cứu độ song song với nhau, thì chúng ta đối diện với một sự phân tán, chứ không phải là một điểm hội tụ thiêng liêng, và điều mà chúng ta gọi là chương trình của Thiên Chúa thì không thống nhất. Phải có một trục thống nhất [...] Nếu phù hợp với ý định của Thiên Chúa, chúng ta phải bận tâm về sự cứu độ của con người, nếu chúng ta tin rằng lịch sử cứu độ là cái gì đó cụ thể và nếu chúng ta muốn có sự hợp nhất, chúng ta không thể tránh khỏi việc tìm kiếm một trục và một sức mạnh nối kết, trong đó Thánh Thần của Thiên Chúa hoạt động trong Giáo hội[17].
Liên quan đến điểm hội tụ, theo Teilhard de Chardin, đó không phải là Kitô giáo, cũng không phải là Giáo hội, nhưng là Đức Giêsu Kitô. Ngài chính là đỉnh điểm cuối cùng của quá trình tiến hoá trong vụ trũ:
Đức Kitô là Alpha và Oméga, Nguyên Lý và Cứu cánh, là Viên Đá nền và là Điểm tận cùng của vòm tháp, là Sự sung mãn và là người Điều Phối tổng thể. Ngài là người hoàn thiện và là Người ban tặng cho tất cả sự sống [...] Ngài là trung tâm điểm duy nhất, quý giá và mãi trường tồn, một tâm điểm soi sáng từ đỉnh cao cho tương lai thế giới[18].
– Hans Urs von Balthasar : Đức Kitô, một Con người “Phổ quát cụ thể’’

Trong số muôn vàn tác phẩm được Balthasar viết ra, người ta không tìm thấy bất kì nơi nào một thần học chi tiết về các tôn giáo. Điều đó không có nghĩa là đề tài này không được đề cập tới trong các tác phẩm của ngài, đặc biệt là ba cuốn nổi tiếng : Herrlichkeit, Theodramatik, Theologik. Trong thực tế, Balthasar đã nhiều lần so sánh Kitô giáo với các tôn giáo khác, nhằm chỉ ra những điểm mâu thuẫn, cũng như những hướng đi hoàn toàn khác của Kitô giáo, tính siêu việt của Kitô giáo so với các tôn giáo khác. Vì thế, để hiểu được thần học về các tôn giáo nơi Balthasar, cần đọc nhiều bản văn khác nhau của ngài. Qua việc nghiên cứu, ta thấy tư tưởng của ngài cũng giống như Daniélou và de Lubac, tức là ta có thể xếp vào hạng “thuyết về sự hoàn thiện”. Thuật ngữ “Phổ quát cụ thể” mà ngài sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô nói lên tính tuyệt đối của con người Đức Kitô trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người : trong Đức Giêsu Kitô, mâu thuẩn giữa cụ thể-đặc thù (concret-particulier) và phổ quát trừu tượng (universel-abstrait) được giải quyết[19].

Balthasar còn tự hỏi rằng trong nghĩa nào mà người ta có quyền nói tới “điểm hội tụ” hay là “hội nhập” của các tôn giáo. Theo ngài, không có chuyện các tôn giáo hoàn cầu đều có một giá trị như nhau. Điều phân biệt lớn nhất giữa các tôn giáo được mặc khải- tức là Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi-giáo- những tôn giáo có cùng một Đức Tin vào Thiên Chúa hữu ngã sáng tạo, còn các tôn giáo Đông Phương, thì Thực tại thần linh vô ngã được cất giấu dưới các biến cố của thời gian đổi thay. Hai nhóm tôn giáo này có hai hướng đi khác biệt và nhiều khi đối lập nhau : nhóm độc thần thì Thiên Chúa đến với con người, còn nhóm khác thì con người tìm đến Đấng Siêu Việt.

Điều đó không có nghĩa là các tôn giáo không có những điểm tương đồng. Tất cả các tôn giáo đều có một nền móng hay một tầng nền chung, liên quan đến việc tìm kiếm sự tự siêu thăng (auto-transcendance) và việc giải phóng con người. Tuy nhiên, để đạt tới các mục đích trên, hai nhóm tôn giáo đi hai con đường đối lập nhau : Nhóm thứ nhất, Thiên Chúa đi tìm con người và hướng về con người qua Lời của Ngài, trong lịch sử, trong tình yêu và hồng ân của chính Ngài; nhóm thứ hai thì tự đấu tranh để giải phóng chính mình khi tự tan biến trong Đấng Siêu Việt Vô Ngã. Giữa hai thái độ trên, không có một khả năng “hội tụ”, nhưng nói đúng hơn là một sự đi về hoàn chỉnh. Hai nhóm này, quan niệm về thế giới hoàn toàn khác nhau; vì thế, một “tôn giáo đại đồng” là một ảo tưởng không thể thực hiện. Trong thực tế, cả hai quan niệm khác biệt này đều cho rằng mình có tính phổ quát và tuyệt đối.

Nhưng tham vọng giải phóng chính mình -qua việc thiền, qua các thực hành kìm hãm thân xác hay qua các kỹ thuật khác- của các tôn giáo Đông phương là vô ích. Sự siêu thăng chỉ có thể đạt được như ân sủng của một Thiên Chúa Tình Yêu trao ban cho loài người. Liên quan đến ba tôn giáo xuất phát từ mặc khải : Sự chối từ của người Do Thái trong việc đi đến hết con đường Đức Tin, tức là họ không thể tin vào hồng ân của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, đã làm gián đoạn lịch sử cứu độ, sẽ có thể được kiện toàn trong ngày cánh chung. Còn Hồi Giáo dù phụ thuộc một phần lớn truyền thống Do Thái và Kitô giáo, nhưng trong thực tế đã mất đi tính năng động cánh chung (dynamisme eschatologique) được định hình trong truyền thống này, tức là sự đợi chờ triều đại của Đấng Thiên Sai hay là ngày Ngài trở lại. Chỉ còn lại Kitô giáo -và đặc biệt là Công giáo- là một tôn giáo phổ quát dành cho mọi người.

Kitô giáo đón nhận và cụ thể hoá tất cả những gì tốt đẹp nhất nơi tâm thức tôn giáo căn bản của từng con người và siêu thăng các thái độ ấy. Nó cụ thể hoá các khát vọng nơi các tôn giáo Đông phương hướng về Đấng Duy Nhất, nhưng mỗi người không đánh mất chính mình. Mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô là ân sủng hoàn toàn của chính Thiên Chúa tình yêu với nhân loại, một Ngôi Hai làm người; qua một sự “trao đổi kỳ diệu” này, Thiên Chúa mời gọi mọi người hiệp thông với Ngài như tôi và bạn (un moi à un toi). Đặc thù của Kitô giáo là Đức Kitô trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Ngài là một “phổ quát cụ thể” (universel concret).

Qua mầu nhiệm thập giá và phục sinh, Đức Giêsu Kitô chính là lời “xin vâng” vô điều kiện của Thiên Chúa với con người, lời xin vâng này luôn có giá trị cho ngày hôm nay. Nếu như những người ngoại giáo tìm sự cứu chuộc thế giới bằng cách chạy trốn khỏi đau khổ, thì Đức Giêsu Kitô lại mang lấy vào thân mình sự đau khổ của thế giới nhằm nối kết đau khổ của thế giới với Thiên Chúa. Vì thế, chương trình của Kitô giáo là chương trình duy nhất có thể trả lời cho con người một cách cụ thể và toàn diện.

Về vấn đề thần hiệp, Balthasar cho rằng có một sự giống nhau nào đó giữa thần hiệp trong Kitô giáo và thần hiệp ngoài Kitô giáo, khi cả hai đều muốn sống phụ thuộc vào Đấng Siêu Việt và muốn giảm bớt khoảng cách giữa con người với Ngài. Tuy nhiên cũng có một khác biệt lớn. Trong khi thần hiệp của các tôn giáo ngoài Kitô giáo là sự cố gắng của chính con người tìm cách đi tới Đấng Siêu Việt, thì trong thần hiệp Kitô giáo, chính Thiên Chúa đã đi bước trước, một cách bất ngờ, đến với con người trong Ngôi Lời Nhập Thể. Sự đáp trả “hành động và lời” của Ngài chỉ hệ tại ở việc nghe và đi theo. Nói tóm lại, thần hiệp ngoài Kitô giáo, đặc biệt là nơi các tôn giáo ở Đông Phương diễn tả ước vọng thâm sâu cũng như cố gắng của con người để tự giải phóng chính mình, để làm sao hữu hạn đạt tới Vô Hạn. Thần hiệp Kitô giáo thì hoàn toàn ngược lại : Một Thiên Chúa Hằng Sống đi tìm con người; cách thức Ngài đi ra khỏi chính mình để đến với chúng ta đạt tới đỉnh cao nhất trong biến cố Nhập thể của Ngôi Lời.

Nói tóm lại, Balthasar xem các tôn giáo ngoài Kitô giáo hoàn toàn đối lập với mặc khải Kitô giáo. Dù các tôn giáo có cùng một nền chung nơi bản tính người, tôn giáo mặc khải và tôn giáo ngoài Kitô giáo có hai hướng đi đối lập nhau : một bên đi từ con người tới Đấng Siêu Việt; một bên khác thì Thiên Chúa Hằng Sống đến với con người. Tôn giáo ngoài Kitô giáo là tự nhiên, còn Kitô giáo thì siêu nhiên. Siêu nhiên thanh tẩy và biến đổi tự nhiên.

4.2. Mầu nhiệm Đức Kitô trong truyền thống các tôn giáo


Giữa thần học hoàn thiện và thần học về sự hiện diện của mầu nhiệm Đức Kitô trong các truyền thống tôn giáo có một khoảng cách khá lớn. Thần học hoàn thiện được xây dưng trên sự phân cách không thể vượt qua giữa con người và Thượng Đế, vô ngã và hữu ngã, tự giải phóng chính mình và ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa. Khuynh hướng thần học khác, trong lúc vẫn ý thức có sự khác biệt giữa tôn giáo mặc khải và các truyền thống tôn giáo Đông Phương, từ chối tách rời tự nhiên khỏi ân sủng. Nền thần học này vượt lên sự chia cắt giữa việc đi tìm siêu thăng nơi con người và biến cố Thiên Chúa tự hạ mình để gặp gỡ con người. Cũng như khuynh hướng thứ nhất, khuynh hướng này cũng phát triển trước và sau Công đồng Vaticanô II. Nhiệm vụ của chúng ta là giới thiệu một số lăng kính thần học có một cái nhìn cởi mở hơn với các truyền thống tôn giáo khác, theo đó mầu nhiệm Đức Kitô không ngừng hiện hữu và hoạt động nơi các truyền thống ngoài Kitô giáo. Theo cách nhìn này, các thành viên của các tôn giáo khác cũng được cứu rỗi trong Đức Kitô nhờ vào việc thành tâm thực hành các tôn giáo của họ. Như vậy, có sự cứu độ mà không cần Tin Mừng, nhưng không phải không cần Đức Giêsu, càng không phải bên ngoài Ngài. Chắc chắn, các thành viên của các truyền thống tôn giáo khác không nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô vì Ngài còn tiềm ẩn đối với họ, nhưng không vì thế mà sự hiện hữu của Ngài không cụ thể.

– Karl Rahner : “Kitô hữu ẩn danh”

“Kitô hữu ẩn danh” là thuật ngữ mà Karl Rahner dùng để chỉ sự hiện diện của Mầu nhiệm Đức Kitô nơi truyền thống các tôn giáo khác, dù sự hiện diện này còn bị che dấu hay chưa được nhận biết một cách rõ ràng. Theo Rahner, mỗi người chúng ta mang trong mình hơn cả một sức mạnh thụ động của sự tự siêu thăng (autotranscendance) trong Thiên Chúa. Một cách cụ thể và chủ động, chúng ta hướng về sự tự siêu thăng. Hiện hữu siêu nhiên (existentiel surnaturel) là một cấu trúc căn bản được Thiên Chúa đưa vào trong mỗi người nhờ ân sủng, để khơi dậy các hoạt động của con người hướng về Thiên Chúa. Kinh nghiệm siêu thăng về Thiên Chúa ở trong mỗi người, cũng như mỗi tôn giáo tùy mức độ khác nhau, nhờ ân sủng. Con người không tự đi tìm Thiên Chúa; hồng ân trong Đức Giêsu Kitô cho nhân loại chính là động lực khiến con người đi tìm Thiên Chúa để mong gặp được Ngài. Chúng ta có thể nói theo cách của thánh Augustinô: Con đã không đi tìm Ngài, nếu Ngài đã không gặp con từ trước. Theo lăng kính của mặc khải Kitô giáo, lịch sử cứu độ, đạt tới đỉnh cao nơi Đức Giêsu Kitô, cùng hiện hữu với lịch sử nhân loại. Suốt chiều dài lịch sử nhân loại, mỗi người có một kinh nghiệm riêng về hồng ân Thiên Chúa ban tặng, để mở rộng lòng mình đón nhận hồng ân đó một cách tự do. Bằng cách nào đi chăng nữa, hồng ân ban tặng này đều được thực hiện một cách cụ thể hoặc hiện sinh trong Đức Giêsu Kitô.

Như vậy, một cách hiện sinh, mỗi người đều tham dự vào mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô. Hay nói cách khác, trong mỗi người, luôn tiềm ẩn một khao khát đi tìm Đức Kitô. Chính vì thế, Kitô học chính là sự kiện toàn tuyệt đối của nhân học. Trong Đức Kitô, sự kết hợp giữa nhân tính và thiên tính đạt tới mức độ tuyệt đối, nên Ngài là Đấng Cứu Độ tuyệt đối cho con người, là trung tâm của lịch sử cứu độ nhân loại, vì trong Ngài, sự tiếp cập với Thiên Chúa được khắc ghi trong kinh nghiệm siêu thăng của con người, đạt tới đỉnh cao của sự hoàn thiện. Ngoài mặc khải Kitô giáo, kinh nghiệm về hồng ân Thiên Chúa ban tặng vẫn đang bị che phủ. Trong các truyền thống tôn giáo khác, kinh nghiệm này cũng hiện diện một phần nào, nhưng phiến diện và chưa rõ ràng. Chỉ có sứ điệp Kitô giáo đưa họ ra khỏi sự “ẩn danh” qua việc cung cấp cho họ một sự hiểu biết rõ ràng về Đức Kitô.

Kitô hữu ẩn danh là các thành viên trong các truyền thống tôn giáo khác sống và thực hành tốt truyền thống tôn giáo của mình. Sự cứu rỗi của Kitô giáo đến với các thành viên này một cách “ẩn danh” qua việc họ tuân giữ và thực hành các tôn giáo của mình. Chúng ta phải nhận biết có sự hiện diện của “những giây phút siêu nhiên” đến từ hồng ân nơi các tôn giáo khác. Một khi Đức Tin vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất, chưa được khắc ghi vào trong lương tâm của họ, thì mầu nhiệm cứu độ được thực hiện qua trung gian của các tôn giáo khác, qua cách thực hành một cách thật thà truyền thống của họ. Người Kitô hữu ẩn danh là người chưa biết Đức Kitô. Nhưng họ có thể mở lòng đón nhận hồng ân Thiên Chúa, trong Đức Kitô, qua truyền thống tôn giáo của mình.

Sự khác nhau giữa người Kitô hữu minh nhiên và một Kitô hữu ẩn danh là người Kitô hữu ý thức chín chắn về Đức Tin Kitô giáo của mình. Ý thức này ăn sâu vào tận trong thâm khảm của họ. Trong lúc đó, Kitô hữu ẩn danh thiếu vắng ý thức này. Dù họ chưa ý thức một cách rõ ràng về Đức Tin Kitô giáo, mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Kitô luôn tiềm ẩn và hoạt động trong họ. Nói tóm lại, “Kitô hữu ẩn danh” muốn nói rằng mọi người đều có thể nhận lãnh mầu nhiệm cứu chuộc trong Đức Kitô. Hay nói cách khác, theo Rahner, nhân loại luôn thao thức tìm kiếm mầu nhiệm Đức Kitô; vì thế họ có thể gặp Ngài ngay cả khi họ chưa biết Ngài một cách rõ ràng qua các biến cố lịch sử.

– Raimundo Panikkar : “Đức Kitô chưa được nhận biết”

Tác phẩm đầu tiên của Panikkar mà chúng ta nghiên cứu ở đây là “Đức Kitô chưa được nhận biết trong Ấn Độ giáo”[20]. Người ta có thể dịch “sự hiện diện của Đức Kitô trong truyền thống các tôn giáo khác”, vì đây là ý chính của tác giả. Khi đề cập tới Ấn Độ giáo một cách cụ thể, Panikkar viết : “Có một sự hiện diện sống động của Đức Kitô trong Ấn Độ giáo”[21]. Sự hiện diện này không chỉ trong đời sống cá nhân từng thành viên trung thành của tôn giáo này, nhưng là một sự hiện diện thật sự trong chính truyền thống tôn giáo này như một hiện tượng tôn giáo, khách quan và có tính cách xã hội. Qua khẳng định này, Panikkar vượt lên cả thần học hoàn thiện. Ông viết : “Đức Kitô không chỉ là cứu cánh, Ngài là khởi nguyên [...], Đức Kitô không chỉ là đích điểm hữu thể học mà Ấn Độ giáo theo đuổi; Ngài là nguồn khởi hứng đích thực cho tôn giáo này, và ân sủng của Ngài, dù còn che dấu, là sức mạnh dẫn đưa Ấn Dộ giáo tới sự trọn đầy mà họ đang kiếm tìm” (tr. 12). Đức Kitô, nguồn mạch duy nhất của tất cả mọi kinh nghiệm tôn giáo chân thật, là “điểm hội ngộ bản thể” giữa Ấn Độ giáo và Kitô giáo. Vì “không thuộc sở hữu của riêng Kitô giáo : Ngài thuộc về Thiên Chúa. Chính Kitô giáo và Ấn Độ giáo thuộc về Đức Kitô, dù dưới hai cách thức khác nhau” (tr. 44).

– Hans Küng : “Các con đường cứu độ”

Hans Küng đề cập đến thần học thần học tôn giáo lần đầu tiên trong một bài viết gửi tới cuộc hội thảo về “Mặc khải Kitô giáo và các tôn giáo ngoài Kitô giáo”, diễn ra ở Bombay, Ấn Độ, từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 11 năm 1964[22]. Ngay từ đầu, H. Küng khẳng định rằng, ngoài những sai lầm hàm chứa trong đó, các tôn giáo cũng bao hàm cách này hay cách khác chân lý linh thiêng; các tín đồ của các tôn giáo ngoài Kitô giáo, khi trở về với Tin Mừng, không cần từ bỏ những gì tốt đẹp từ các tôn giáo cũ của họ, vì những gì tốt đẹp nơi các tôn giáo khác cũng đến từ Thiên Chúa. Dưới lăng kính của Đức Tin Kitô giáo, Hans Küng đã có một tuyên bố quan trọng về vai trò của các tôn giáo trong chương trình của Thiên Chúa. Bản tuyên bố này như sau :

Khi nhìn con đường “đặc thù” (extraordinaire) của sự cứu độ là Giáo hội, các tôn giáo của nhân loại có thể được gọi là -nếu thuật ngữ này được hiểu một cách chính xác- con đường “thông thường” (ordinaire) của sự cứu độ cho nhân loại ngoài Kitô giáo. Thiên Chúa không chỉ là Chúa của lịch sử cứu độ đặc thù nơi Giáo hội, mà còn là Chúa của lịch sử cứu độ cho toàn thể nhân loại. Lịch sử cứu độ của hoàn cầu gắn liền với lịch sử cứu độ đặc thù qua nguồn gốc, ý nghĩa và đích điểm chung, vì cả hai phụ thuộc vào cùng một hồng ân của Thiên Chúa. Tất cả những hoàn cảnh lịch sử, trong cũng như ngoài Giáo hội, đều được bao bọc từ trước bởi ân sủng. Vì Thiên Chúa muốn cứu độ một cách nghiêm túc và cụ thể tất cả mọi người, ngoại trừ những người tự hư mất do lỗi lầm của chính họ, mỗi người được ủy thác để tìm phần rỗi của mình trong chính điều kiện lịch sử của mình. Ở đây, câu nói “trong điều kiện lịch sử của mình” có nghĩa là trong môi trường cá nhân và xã hội đặc thù, nơi đó họ không thể thoát ra được, và cuối cùng trong chính tôn giáo mà xã hội áp đặt lên họ. Tôn giáo của con người, xét như là một hữu thể có tính xã hội, không bao giờ chỉ đơn thuần là một hành động cá thể hay chủ quan ở trong nội tâm hoàn toàn có tính riêng tư, nhưng nó luôn luôn là một hoạt động được thực hiện trong một thân thể xã hội đặc thù, tức là dưới dạng một tôn giáo đặc thù, một cộng đồng tín ngưỡng cụ thể. Nhưng vì Thiên Chúa muốn cứu độ một cách nghiêm chỉnh và cụ thể tất cả mọi người trong lịch sử nhân loại, dù Ngài không thừa nhận tất cả các yếu tố (sai lầm và lệch lạc) của các tôn giáo này (chính Giao ước cũ cũng không hoàn hảo), nhưng Ngài vẫn phê chuẩn các tôn giáo như nó vẫn có, tức là những cấu trúc của xã hội. Những tôn giáo này, trong nhiều nghĩa và nhiều mức độ khác nhau, vẫn là những “tôn giáo hợp pháp”[23]. Một con người phải được cứu rỗi ngay trong chính tôn giáo mà họ đang theo vì hoàn cảnh lịch sử của mình. Họ có quyền và bổn phận tìm kiếm Thiên Chúa trong tôn giáo của mình, nơi mà Thiên Chúa ẩn mình đã tìm gặp họ trước khi họ gặp Ngài. Tất cả những điều này được diễn tiến cho đến ngày chính họ được đối diện một cách đích thực trong cuộc sống của mình với mặc khải của Đức Giêsu Kitô. Các tôn giáo, với các hình thức của đức tin và nghi lễ, các phạm trù và giá trị, các biểu tượng và các hình thức tế tự, các kinh nghiệm tôn giáo và đạo đức của họ có một “hiệu lực tương đối”[24], một “quyền tương đối và phù hợp với ý Trời cho sự hiện hữu”[25]. Các tôn giáo là con đường cứu độ trong lịch sử nhân loại; con đường chung của lịch sử cứu độ, người ta có thể nói cho thành viên của các tôn giáo ngoài Kitô giáo : đó là con đường chung nhất, con đường “bình thường” dẫn tới ơn cứu độ, vì con đường cứu độ trong Giáo hội được xem như là con đường đặc thù và kỳ diệu. Con đường của Giáo hội có thể được xem như là con đường lớn, con đường “đặc thù” của ơn cứu độ ! […] Con đường cứu độ cho con người, ngoài Giáo hội, xuất hiện như con đường “thường nhật”, còn con đường của Giáo hội là con đường lớn có tính cách “đặc thù” (tr. 51-53).

Như vậy, Hans Küng đã chịu ảnh hưởng tư tưởng thần học của K. Rahner và H. R. Schlette. Với Rahner, như ta đã biết, ngài cho rằng các truyền thống tôn giáo “hàm chứa những yếu tố được nhận lãnh từ ân sủng siêu nhiên”. Vì thế, một cách nào đó, các tôn giáo là “phương tiện” hay là các “con đường” của sự cứu độ. H. Küng tiến xa hơn khi nhìn nhận các tôn giáo khác là con đường thường nhật (ordinaires) của sự cứu độ cho các tín đồ của tôn giáo mình. Về phần H. R. Schlette, ông khẳng định một cách rõ ràng rằng, các tôn giáo vẫn là các con đường cứu độ hữu hiệu cho tín đồ của mình chừng nào các tín đồ này vẫn tiếp tục gắn bó với tôn giáo của mình trong đức tin và sự chân thành. H. Küng mượn tư tưởng này của Schlette, khi phân biệt lịch sử cứu độ chung cho tất cả mọi người và lịch sử cứu độ một cách đặc thù trong truyền thống Do Thái – Kitô giáo; ông cũng theo Schlette khi khẳng định rằng các tôn giáo khác là những con đường bình thường của ơn cứu độ, trong khi Kitô giáo là con đường đặc thù[26].

– Gustave Thils: Các “trung gian của ơn cứu chuộc”

Một thần học gia khác cũng có cái nhìn về vai trò tích cực của các tôn giáo trong mầu nhiệm cứu chuộc đó là G. Thils, được viết trong cuốn sách với tựa đề Propos et problèmes de la théologie des religions non chrétiennes (Mục đích và vấn nạn của thần học về các tôn giáo ngoài Kitô giáo) xuất bản vào năm 1966. G. Thils khẳng định có một “mặc khải phổ quát” của Thiên Chúa cho con người. Vì vậy, phải phân biệt sự hiểu biết một cách tự nhiên về Thiên Chúa và sự hiểu biết có tính cách siêu nhiên về Ngài; điều đó không có nghĩa là việc Thiên Chúa tỏ mình qua tự nhiên không hàm chứa một mặc khải thiên tính về chính Ngài. Công trình tạo dựng không chỉ mặc khải cho lý trí của con người về sự hiện hữu của một Thiên Chúa sáng tạo, nhưng còn diễn tả một Thiên Chúa quan phòng bằng tình yêu.

Chương trình của Thiên Chúa cho nhân loại bao hàm việc con người có một tôn giáo, để trong và qua tôn giáo này, Ngài có thể mặc khải một cách tiệm tiến và hoàn thiện chương trình cứu độ của mình. Vì thế, Thils cho rằng ơn cứu độ cho các thành viên của các tôn giáo có thể đạt được trong, và trong một nghĩa nào đó qua tôn giáo của họ: “Vì các tôn giáo thể hiện chương trình phổ quát của ơn cứu độ hoặc đáp trả mời gọi của mặc khải phổ quát, nên các tôn giáo cũng có một số hiệu lực của ơn cứu độ” (tr. 131-133). Trước mặt Thiên Chúa, các tôn giáo có một số tính chất hợp pháp (tr. 133-134). Các tôn giáo có thể được gọi là các “con đường” cứu độ vì các tôn giáo này bày tỏ và nhập thể chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho các tín đồ của mình; trong chiều hướng này, ta có thể gọi các tôn giáo là các “con đường cứu độ thông thường” cho các tín đồ của họ (tr. 135).

Nhưng điều đó không có nghĩa là các tôn giáo đều có giá trị như nhau. Vì nếu “con đường của các tôn giáo không phải Kitô giáo” bao hàm những phương thế cho chương trình cứu độ chung (économie générale), phù hợp với mặc khải phổ quát của Thiên Chúa (révélation universelle), thì “con đường của Kitô giáo” là con đường giàu về phương tiện vì được ban tặng bằng một “chương trình cứu độ đặc thù” qua Đức Giêsu Kitô. Các con đường khác nhau này không tương đồng, cũng không song song với nhau (tr. 136). Kitô giáo là con đường “đặc thù” (extraordinaire) vì có tính cách đặc biệt và vì sự trọn hảo bởi các phương thế cứu chuộc mà nó được nhận lãnh qua Đức Giêsu Kitô. Không loại trừ các tôn giáo khác, nhưng Kitô giáo là “con đường cứu độ tròn đầy”. Tóm lại, các tôn giáo cũng có một vai trò có ý nghĩa trong việc cứu chuộc con người, nhưng không có một phương cách đặc thù và trọn hảo như Kitô giáo (tr. 173-190).

Quan niệm này, cùng với nền thần học hoàn thiện, đặt nền móng cho một tài liệu của Thánh bộ Giáo lý Đức tin ban hành ngày 6 thánh 8 năm 2000, Dominus Jesus, do Đức Hồng Y Giuse Ratzinger, Chủ tịch Thánh bộ ấn ký. Một mặt, tài liệu nhấn mạnh việc tại sao ta phải tôn trọng các truyền thống tôn giáo khác. Về mặt này, tài liệu lấy lại các quan điểm của Công đồng Vaticanô II, cũng như các văn kiện hậu Công đồng mà chúng ta đã có dịp tiếp cận. Mặt khác, trước sự lớn mạnh của thuyết tương đối -một số thần học gia nhân danh đa nguyên tôn giáo để biện minh cho thuyết tương đối (s. 4)-, cũng như trước việc một số thần học gia chạy theo thuyết “Dĩ Thiên Chúa Vi Trung” thay vì “Dĩ Đức Kitô Vi Trung”, Thánh bộ đã nhấn mạnh tới việc bình đẳng trong đối thoại, nhưng không bình đẳng trong giáo lý: “Đối thoại là một phần trong trách vụ của Giáo hội đến với muôn dân khi loan báo Tin Mừng. Sự bình đẳng, điều kiện cần thiết cho đối thoại, có nghĩa là nhân phẩm con người từ mọi phía đều bằng nhau, nhưng về giáo lý thì không thể bằng nhau và càng không thể bằng nhau giữa Đức Giêsu Kitô, một Thiên Chúa làm người và các vị sáng lập các tôn giáo khác” (s. 22). Qua tài liệu này, một lần nữa Thánh bộ Giáo lý Đức tin khẳng định mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô là mặc khải đầy đủ, kiện toàn. Giáo hội thật sự của Đức Kitô là Giáo hội Công giáo.

Kết luận


Công đồng Vaticanô II đơm hoa kết trái từ các suy tư thần học của Giáo hội trong suốt hai ngàn năm, đặc biệt nơi những khuôn mặt vĩ đại như Daniélou, Congar, De Lubac, Rahner. Công đồng này cũng mở đường cho các suy tư thần học về tôn giáo tiếp tục phát triển. Nhờ Công đồng, nhiều bản văn chính thức của Giáo hội tiếp tục ra đời như Tông huấn Evangelii nuntiandi, sau Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1974 về vấn đề truyền giáo cho thế giới hiện đại; Thông điệp Redemptor hominis ngày 4 tháng 3 năm 1979 xác nhận “sự vững vàng của tín ngưỡng” nơi những người ngoài Kitô giáo là một “kết quả của Thánh Thần chân lý”; Tông huấn Dominum et vivificantem (Tông huấn về Chúa Thánh Thần), ban hành ngày 18 tháng 5 năm 1986 nhấn mạnh một cách rõ ràng về hoạt động phổ quát của Chúa Thánh Thần trước thời kỳ Kitô giáo và cả bên ngoài Giáo hội ngày hôm nay; Thông Điệp Redemptoris missio ban hành vào ngày 7 tháng 12 năm 1990 tuyên bố một cách rõ ràng rằng Chúa Thánh Thần hiện diện không chỉ trong từng người, nhưng cả trong các truyền thống tôn giáo[27]; tài liệu mang tựa đề Đối thoại và rao giảng. Suy tư và định hướng liên quan đến vấn đề đối thoại liên tôn và rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô[28] do Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn và Thánh bộ Rao Giảng tin Mừng cho các Dân tộc đồng ấn hành vào ngày 19 tháng 5 năm 1991 cũng đi theo đường hướng này. Đặc biệt, tinh thần của Công đồng đã được hiện thực hoá một cách tuyệt diệu qua cuộc gặp liên tôn tại Assisi vào ngày 27/10/1986, khi đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cùng các đại diện của các tôn giáo trên thế giới cùng nhau gặp gỡ và cầu nguyện cho hoà bình thế giới.

Để kết thúc, xin được mượn lời của Tổng Gíám mục Angelo Fernandes của Delhi (Ấn Độ) tại Thượng Hội đồng Giám mục năm 1974 về vấn đề truyền giáo cho thế giới hiện đại liên quan đến thần học về các tôn giáo:
Một thần học về các tôn giáo thế giới đòi hỏi chúng ta [...] nhìn nhận một cách đầy đủ rằng trong quá khứ Thiên Chúa đã làm việc bằng nhiều cách thức khác nhau với các dân tộc khác nhau, và Ngài tiếp tục làm như vậy ngày hôm nay. Bổn phận cấp bách của chúng ta là xây dựng một thần học về các truyền thống tôn giáo sống động của thế giới và ý nghĩa của các truyền thống này trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Môn thần học này sẽ có bổn phận chỉ ra rằng Chúa Phục Sinh là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, và chỉ nhờ danh Ngài mà mọi người đạt tới ơn cứu độ; Đấng Phục Sinh, qua Thánh Thần của Ngài, luôn hiện diện và hoạt động, không chỉ trong trí óc và con tim của tất cả những ai chưa hề nghe danh Ngài, nhưng cả trong các biểu hiện cụ thể, qua đó, trong phạm vi các truyền thống tôn giáo, và ngay ở giữa các cộng đồng tôn giáo, các tín đồ tìm được cách thức diễn tả niềm tin của mình. Khi khẳng định cách thức thực hành niềm tin của người khác, các sách thánh của họ cũng như cách thức thực hành bí tích của họ tạo thành một con đường, qua đó Đức Kitô Phục Sinh gặp gỡ họ, hoàn toàn không đe doạ tới tính duy nhất của Đức Kitô và sứ điệp của Ngài. Ngược lại, thần học của chúng ta phải chỉ ra rằng tính duy nhất của Kitô giáo hệ tại ở điểm này : nó không loại bỏ tôn giáo nào; nó ôm chầm tất cả. Các truyền thống tôn giáo, trong đó, Đức Kitô hiện diện nhưng còn ẩn mặt, Thần Khí của Ngài luôn làm việc một cách kín đáo, được tiên liệu để đi tới sự kiện toàn của mình trong việc nhận biết một cách tỏ tường Đấng làm chủ lịch sử. Chính ở bên trong, chứ không phải ở bên ngoài của các truyền thống tôn giáo này mà các tín đồ của các tôn giáo này bị thách thức bởi mầu nhiệm của Đức Kitô[29].
________

[1] Để tìm hiểu lịch sử tuyên ngôn, xin tham khảo bài của G.M. –M. COTTIER, “L’historique de la déclaration”, trong : A.-M. HENRY (éd), Les Relations de l’Eglise avec les religions non-chrétiens. Déclaration “Nostra aetate”, tr. 37-78.
[2] Bản văn của SECRETARIATTUS PRO NON CHRISTIANIS, Bulletin, n. 56 ; 19 (1982/2), tr. 146-165 (ở đây tr. 155).
[3] P. HACKER, “The Christian Attitude toward Non-Christian Religions”, Theological Foundations of Evangelization, St. Augustin, Steyler Verlag, 1980, tr. 61-77.
[4] M. ROUKANEN, The Catholic Doctrine of Non-Christian Religions According to the Second Vatican Council, Leyde, E. J. Brill, 1992, tr. 61.
[5] Xem P. ROSSANO, “God’s Lordship and Religious Pluralism in Roman Catholic Perspectives”, trong G.H. ANDERSON và Th.F. STRANSKY (éd.) Christ’s Lordship and Religious Pluralism, tr. 96-110 (102-103).
[6] Xem K. KUNNUMPURAM, Ways of Salvation. The Salvific Meaning of Non-Christian Religions According to the Teaching of the Vatican II, Poona, Pontificium Atheneuum, 1971, tr. 66-68.
[7] P. F. KNITTER, No Other Name? A Critical Survey of Christian Attitude towards the World Religions, Maryknoll, New York, Orbis Books, 1985, tr. 124.
[8] K. RAHNER, “Uber die Heilsbedeutung der nichtchristlichen Religionen”, Schriften zur Theologie, vol. XIII, tr. 341-350.
[9] H. MAURIER, “Lecture de la déclaration par un missionnaire d’Afrique”, trong A.-M. HENRY (éd.), Les relations de l’Eglise avec les religions non chrétiennes, tr. 119-160 (tr. 133-134).
[10] Xem : Jean DANIELOU, Le Mystère du salut des nations ; Le Mystère de l’avent; Essai sur le mystère de l’histoire ; Les saints “païens” de l’Ancien Testament ; Mythes païens, mystère chrétien ; La foi de toujour et l’homme aujourd’hui.
[11] Jean DANIELOU, Essai sur le mystère de l’histoire, tr. 113, 116.
[12] Ibid., tr. 21-22.
[13] Henri de LUBAC, Aspects du bouddhisme ; La rencontre du bouddhisme et de l’Occident.
[14] Henri DE LUBAC, Catholicisme, Les aspects sociaux du dogme, tr. 107-110.
[15] Xem N. ETEROVIC, Cristianesimo e religioni secondo H. de Lubac, tr. 283.
[16] Henri DE LUBAC, Le fondement théologique des misions, tr. 283-284.
[17] Henri DE LUBAC, Paradoxe et mystère de l’Eglise, tr. 149.
[18] Pierre TEILHARD DE CHARDIN, Science et Christ, tr. 61-62.
[19] Hans Urs VON BALTHASAR, Théologie de l’histoire, tr. 112 : unversale concretum et personnale.
[20] R. PANIKKAR, The Unknown Christ of Hinduism. Bản dịch tiếng Pháp: Le Christ et l’Hindouisme. Une présence cachée.
[21] R. PANIKKAR, Le Christ et Hindouisme, tr. 11.
[22] Hans KÜNG, “The World Religions in God’s Plan of Salvation”, trong: J.NEUNER (éd), Christian Revelation and World Religions, tr. 25-66.
[23] Xem K. RAHNER, “Das Christentum und die nichtchrislichen Religionen”, Schriften…, vol.V, tr. 143-154.
[24] J. NEUNER, “Missionstheologische Probleme in Indien”, tr. 401.
[25] Xem H. R. SCHLETTE, Pour une “théologie des religions”, tr. 37.
[26] Xem H.R SCHLETTE, Pour une “théologie des religions”, tr. 106-110.
[27] DC 88 (1991), tr. 153-159: “Chúa Thánh Thần biểu hiện một cách đặc thù trong Giáo hội và trong các thành viên của Giáo hội; tuy nhiên sự hiện diện và hoạt động của Ngài có tính phổ quát, không giới hạn trong không gian và thời gian. […] Thánh Thần […] là nguồn gốc của các câu hỏi hiện sinh và tôn giáo của con người, những câu hỏi không chỉ xuất phát từ điều kiện sống, mà ngay cả từ cấu trúc của con người. Sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần không chỉ liên hệ đến từng con người, mà cả xã hội và lịch sử, các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo” (n°.28).
[28] Pontificum Consilium Pro Dialogo Interreligiones, Bulletin, n. 77 ; 26 (1991/2), tr. 260-302.
[29] Xem D. S. AMALORPAVADASS (éd.), Evangelization of the Modern World, tr. 129-134.