Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

VÀI NÉT TỔNG QUAN VỀ PHONG TRÀO NEW AGE - THỜI ĐẠI MỚI

Thời sự Thần học - số 34, tháng 12/2003, tr. 7-17. 

 _Vân Hạ (tổng hợp một số bài viết từ Website)_ 

Nhân dịp phát hành Thời sự Thần học số 98 với chủ đề: Các tôn giáo mới, chúng tôi đăng lại các bài viết về Phong trào New Age của TSTH số 34, tháng 12/2003, nhân dịp Toà thánh ban hành Văn kiện "Đức Giêsu Kitô, Đấng mang đến nguồn nước hằng sống" (3/2/2003). Các bài viết tuy không còn nhiều tính thời sự, cũng góp thêm tư liệu cho độc giả suy tư về căn tính Kitô giáo, trong bối cảnh các tôn giáo mới đang ngày càng nở rộ.

I. Giới thiệu


Phong trào Thời đại mới (PTTĐM) có thể được xem là một hiện tượng tự thân. Không giống như các tôn giáo, nó không có “kinh kệ”, tổ chức trung ương, thành viên, giáo sỹ, thánh thất, giáo thuyết và tín điều, v.v.. Người ta thường dùng những định nghĩa rất đặc trưng cho các thuật ngữ của trào lưu này. Có thể nói, PTTĐM là một trào lưu tự-do-diễn-tả-tâm-linh, bao gồm một mạng lưới tín đồ và hành giả cùng thừa nhận một số tín chuẩn và lễ bái. Họ du nhập lối sống đạo của PTTĐM này vào các tôn giáo truyền thống mà xưa nay họ vẫn từng là thành viên chính thức. Những nhà xuất bản tư liệu của PTTĐM đang chiếm giữ ưu thế trong các tổ chức đầu não, hội thảo, hiệp hội, tư liệu, câu lạc bộ không chính thức thay cho các dịch vụ tôn giáo và các bài thuyết pháp của các tôn giáo truyền thống.

Ông John Naisbitt, chuyên gia về tôn giáo học, phát biểu : “trong thời cuộc nhiễu nhương này, một thời đại vốn có quá nhiều thay đổi ồ ạt, người ta phải đối đầu với hai thái cực : kinh nghiệm tâm linh dựa vào truyền thống và kinh nghiệm tâm linh từ trực cảm cá nhân. Không có thành viên nào tự nhận mình người của New Age, thậm chí cả triết lý hay giáo thuyết về phong trào này cũng rất mơ hồ, nên thật khó mà định nghĩa hay lượng giá cái PTTĐM không có ‘đầu’ này. Tuy nhiên, ở các đô thị châu Âu và Hoa kỳ, hàng ngàn người đang đổ xô nhau đi tìm “dưỡng chất” cho những kinh nghiệm tâm linh cá nhân, họ lân la quanh các hiệu sách chuyên bán các đầu sách “siêu hình”, rong ruổi tìm kiếm một đạo sư hoặc đến với trung tâm huấn luyện để thủ đắc những kinh nghiệm tâm linh.

Thực tình mà nói, PTTĐM đúng là một phong trào “hỗn độn” bao gồm nhiều cá nhân với nhiều sắc thái khác biệt. Một số người đã gán ghép những tín biểu của PTTĐM vào trong cách hành đạo của các tôn giáo truyền thống. Khảo sát thống kê xã hội Mỹ ở độ tuổi thành niên gần đây cho biết, rất nhiều người Mỹ đã ngả theo cái gọi là PTTĐM :
  • 8% Tin vào khoa chiêm tinh như một phương thức tiên đoán số mệnh trong tương lai.
  • 7% Tin là các đá cẩm thạch có tiềm năng trị liệu cao.
  • 9% tin rằng bói bài là công cụ đáng tin cho những quyết định Lớn trong đời
  • 1~4% Tin vào quan niệm phi-truyền-thống về bản tính Thiên Chúa, những quan niệm này đan xen với quan điểm của PTTĐM.
  • 11% Tin rằng Thiên Chúa chẳng qua chỉ là trạng thái ý thức tối thượng mà người nào cũng có thể đạt tới.
  • 8% Định nghĩa Thiên Chúa là “sự nhận thức toàn vẹn về con người của mình cũng như về tiềm năng con người”.
Nhóm khảo sát cư dân ở các đô thị trên đây đã phân chia niền tin tôn giáo thành 7 nhóm :
  1. Nhóm lớn nhất đó là văn hóa Kitô giáo (giữ ngày Giáng sinh và Phục sinh)
  2. thứ đến là nhóm Kitô giáo truyền thống
  3. thứ nữa là Hành giả PTTĐM
  4. tiếp đến là Kitô giáo chính truyền theo Tin Mừng
  5. tiếp nữa là Vô thần
  6. tiếp kế là Ngộ giáo
  7. và sau cùng là Do thái giáo
Một nghiên cứu công phu từ 1991 đến 1995 cho biết hành giả PTTĐM chiếm khoảng 20% dân số và có vẻ am hợp với nhóm tôn giáo thứ ba.

Giáo thuyết của PTTĐM trở nên phổ cập kể từ thập niên 70 như là một phản ứng chống lại sự thất bại của Kitô giáo và của chủ nghĩa nhân bản tục hóa để trình bày một đường hướng tâm linh và luân lý cho thế hệ tương lai. PTTĐM xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau : Chiêm tinh học, channeling (cầu cơ), Ấn độ giáo, các truyền thống Ngộ giáo, Duy linh giáo, Đạo giáo, Thông thiên học, v.v.. Phong trào này khởi phát ở Anh vào thập niên 60, vì nơi đây có nhiều yếu tố phù hợp cho việc phát triển phong trào này. Những nhóm nhỏ như Findhorn Community ở Inverness và Wrenkin Trust đã được thành lập. Phong trào này nhanh chóng lan rộng ở tầm mức quốc tế. PTTĐM cắm mốc ở Bắc Mỹ là một “hội thảo New Age” được điều hành bởi hiệp hội truy tầm và giác ngộ, và sự thành lập của tờ báo “Đông-Tây” năm 1971. Cô đào Shirley Maclaine có lẽ là một nhân vật đương đại nổi tiếng nhất của trào lưu này.

Trong suốt thập niên 80-90, PTTĐM bị nhiều phe nhóm phê bình. Channeling (cầu cơ) bị nhạo báng, các lãnh đạo hội thảo của phong trào bị chỉ trích là những tay bói toán xuất thân từ trào lưu này. Niềm tin hời hợt vào những đặc tính “khoa học” của cẩm thạch chứng tỏ chẳng có một nền tảng vững chắc nào cả. Ấy vậy, phong trào này vẫn cứ tồn tại, ổn định và trở thành một thế lực hoành tráng trong môi trường các tôn giáo Bắc Mỹ suốt 30 năm qua. Khi cánh cửa thiên niên kỷ thứ hai vừa khép lại, PTTĐM kỳ vọng là sẽ phát triển nhanh chóng bởi sử phản ứng chống lại lý tính và khoa học.

II. New Age “chính danh” vẫn chưa xuất đầu lộ diện


Rất nhiều người đã nhầm lẫn khi cho rằng PTTĐM này bắt nguồn từ các học giả, các nhóm giải-trừ-văn-hóa, phái Kitô giáo duy truyền thống, nhóm Kitô giáo duy Kinh thánh hoặc từ các giáo phái Hồi giáo truyền thống. Những ngộ nhận đó có thể rơi vào một trong các trường hợp sau đây :

Có rất nhiều nhóm phong trào đã tách khỏi giáo phái Tasawwuf (Sufiism [ông đồng/bà cốt]) để biến thành lễ bái của NA. Thực ra, phái Sufiism, xét về mặt lịch sử, được thành lập bởi phong trào thần bí ngay giữa trung tâm phụng tự của Đạo hồi, giáo phái này luôn tồn tại trong tình trạng xung khắc với các hệ phái nệ luật của Hồi giáo. Nó không liên quan gì đến PTTĐM cả.

Một số Kitô hữu cựu trào tin rằng tổ chức PTTĐM có hệ thống quy củ hiện đang tồn tại là do sự ngấm ngầm phá hoại của giới chính quyền, phương tiện truyền thông, học đường và giáo phái cực đoan. Nhận định này vẫn chưa có bằng chứng rạch ròi.

Một số Kitô hữu bảo thủ không phân biệt được các giáo phái Bí truyền (Occult), Xatan, Wicca và các tôn giáo Tân-ngoại giáo. Nhiều người coi tất cả các giáo phái này là một thể thức của Xatan, vốn là kẻ gây ra những hành động tội ác đáng gờm đối với các trẻ em. Số khác coi PTTĐM là một dạng tôn giáo Tân-ngoại giáo, bói bài, bói rune (bắc Âu Thế ký 2), cầu cơ, tận dụng trường năng lượng cẩm thạch, v.v.. chỉ là những chiêu bài của Xatan. Thực ra, các tôn giáo bí truyền, Xatan, tân-ngoại giáo là những hiện tượng rất đa phức, và dường như không có dính dấp gì với nhau cả. Tiến sĩ Carl Raschke, giáo sư tôn giáo học tại đại học Denver, mô tả : “có thể ví các hành giả PTTĐM như là những người bị AIDS về phương diện tinh thần; căn “bệnh” này tiêu huỷ sức đề kháng tâm linh và gây rối loạn chức năng tinh thần con người”. Ông khẳng khái nhìn nhận : “xét cho cùng, mụch đích của xu hướng tiếp thị và vận động tranh cử mang màu sắc bí truyền... là mảnh đất màu mỡ ươm mầm cho một kiểu tân-chủ-nghĩa-độc-tài kiểu Mỹ.”
 

III. Tín chuẩn của New Age


Sau đây là một số tín chuẩn do các hành giả PTTĐM đặt ra. Mỗi cá nhân đều được khích lệ “truyền bá” tín chuẩn và phương pháp thực hành nào mà họ cảm thấy thoải mái nhất :

Nhất nguyên luận (Monism) : vạn thể tồn tại là do xuất phát từ một nguồn Năng lượng siêu phàm duy nhất.

Phiếm thần luận (Pantheism) : vạn thể nào cũng là Thượng đế; Thượng đế ở trong vạn thể. Điều này đương nhiên dẫn đến quan niệm thần hóa bản thân, rằng tất cả chúng ta đều là thần thánh. Người ta không cần tìm Thiên Chúa theo mạc khải của Kinh thánh, cũng như không bận tâm đến một Thiên Chúa đang hiện hữu ở cõi xa xăm cuối trời, họ truy tìm Thiên Chúa ngay trong nội tâm của mình, cũng như ngay trong toàn thể vũ trụ.

Bán phiếm thần luận (Panenthesim) : Thượng đế tồn tại trong vạn thể. Thượng đế vừa có mặt trong toàn vũ trụ vừa siêu việt hóa vũ trụ này.

Luân hồi (Reincarnation) : Sau khi chết, chúng ta lại tái sinh vào một kiếp khác giống như kiếp người. Chu kỳ tái sinh lập đi lặp lại nhiều lần. Niềm tin này giống như quan niệm về sự luân hồi của linh hồn trong Ấn giáo.

Nghiệp chướng (Karma) : những hành động thiện ác ta đã làm đều tăng phần hoặc gia giảm số phận của ta. Lúc cuối đời, ta được thưởng hay phạt là tùy vào nghiệp chướng của mình bằng cách hóa sinh vào một kiếp khác, có thể khá hơn hay tệ hơn. Niềm tin này có liên hệ với quan niệm tái sinh bắt nguồn từ Ấn giáo.

Hào quang (Aura) : Là trường năng lượng bao quanh cơ thể. Dù phần đông mọi người không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng có thể kiểm chứng đó là một quầng sáng nhiều màu, lung linh bao quanh cơ thể. Những người rành về Aura có khả năng chẩn đoán và diễn giải tâm trạng, thể trạng và não trạng con người dựa vào cường độ, mật độ và biên độ của quầng sáng này.

Chuyển hóa bản thân (Personal Transformation) : Một kinh nghiệm thần bí cao độ sẽ khiến cho người ta chấp nhận niềm tin và cách thực hành của PTTĐM. Việc sử dụng trí tưởng tượng, thôi miên, thiền, thậm chí cả thuốc kích ảo giác để có thể đạt đến mức chuyển hóa bản thân. Các tín đồ hy vọng khai mở những tiềm năng mới lạ trong chính bản thân họ : khả năng chữa bệnh cho mình và cho người khác, sức mạnh tâm lý, khả năng hiểu biết mới về sự hoạt động của vũ trụ, v.v.. Chưa hết, khi những thành viên thủ đắc được sức mạnh này, thì sẽ có một sự chuyển biến thể lý, tâm lý, tâm linh kỳ diệu nơi đương sự.

Trách nhiệm sinh thái (Ecological Responsibility) : Một quan niệm khá phổ biến là cùng hiệp nhất để bảo tồn sự an sinh cho trái đất, quan niệm này được thể hiện qua hạn từ Gaia (Mẹ Đất) – một thực thể có sức sống như bao sinh thể khác.

Tôn giáo phổ quát (Universal Religion) : Vì tất cả đều là thần thánh, nên chỉ có một thực thể tồn tại, và các tôn giáo đơn thuần chỉ là những nẻo đường dẫn đến thực tại tối hậu này. Tôn giáo phổ quát có thể được hình dung như một ngọn núi, với nhiều nẻo đường tâm linh đồng quy trên đỉnh núi. Có nẻo đường phẳng phiu, có nẻo đường hiểm trở, nhưng không riêng nẻo đường nào là hoàn hảo cả. Tất cả mọi nẻo đường cuối cùng đều dẫn đến đỉnh núi. Người ta dự kiến rằng tôn giáo phổ quát bao hàm nhiều thành tố của các niềm tin hiện thời, và sẽ tiến hóa để trở thành phổ biến trên toàn thế giới.

Trật tự thế giới mới (New World Order) : Khi thời Bảo Bình mở ra, PTTĐM sẽ phát triển. Đây sẽ là một “thế giới lý tưởng” (utopia), không còn chiến tranh, bệnh dịch, đói kém, ô nhiễm và nghèo khổ nữa. Những kỳ thị về phái tính, tôn giáo, sắc tộc cũng sẽ triệt tiêu. Hiệp ước giữa dân tộc này với dân tộc kia sẽ chỉ còn là sự bận tâm sao cho toàn cầu được an ninh thịnh vượng.

Thời Bảo bình (Age of Aquarius) : là một sự chuyển biến lớn của Hoàng đạo (Zodiac). Ờ mỗi tiểu cung của hoàng đạo, Trái đất sẽ tiếp nhận những dấu chỉ mới trong một chu kỳ khoảng 2000 năm. Một số người tin rằng chùm sao Bảo Bình bắt đầu chiếu mệnh trái đất từ thế kỷ 19, báo hiệu thời đại Bảo Bình đã bắt đầu! Một số khác lại tin rằng thời Bảo Bình sẽ đến vào cuối thế kỷ 20.

Cũng nên lưu ý những biến động của chòm sao chiếu mệnh trái đất trong những ngàn năm trước, rằng từ thời Bạch Dương đến thời Song Ngư (Aries to Pisces), biểu tượng của thời kỳ này là con cá, bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, đây cũng là thời điểm khai sinh Kitô giáo, dân Do thái đã thay đổi não trạng tôn giáo từ việc sát tế con vật thành việc đón nhận giáo huấn Kitô giáo; rằng từ thời Kim Ngưu đến thời Bạch Dương (Taurus to Aries) có biểu tượng là con cừu, khoảng 2000 năm trước Chúa giáng sinh, vào thời này, dân Do thái sát tế chiên cừu trong đền thờ để tế lễ Giavê Thiên Chúa; rằng từ thời Song Sinh đến thời Kim Ngưu (Gemini to Taurus) có biểu tượng là con bò, khoảng 4000 năm trước Chúa Giáng sinh, vào thời này, việc thờ lạy bò vàng là một tín ngưỡng tiêu biểu đối với các dân tộc ở Trung Đông...

IV. Cách thức hành đạo của New Age


Có nhiều cách thế hành đạo được tìm thấy trong số các tín đồ PTTĐM. Sau đây là một vài nét tiêu biểu:

Chiêu hồn (ông đồng, bà cốt) : Một phương thức mà các nhà thần bí (thần chú?) sử dụng để gọi hồn của một người chết về. Tuy nhiên, trong khi các thần bí gia tin rằng linh hồn người ta tồn tại và bất biến sau khi tịch, hầu hết các chiêu hồn gia tin là lin hồn người ta vẫn tiến hóa lên các cấp độ cao hơn của hiện thể. Các chiêu hồn gia thường nỗ lực giao kết với một âm hồn “độc thân” đã tiến hóa đến bậc siêu linh. Ý thức của âm hồn đó được thông giao với các ông đồng bà cốt qua việc cầu cơ để lĩnh hội lời khuyên và hướng dẫn. Việc cầu cơ bắt đầu phổ biến từ năm 1850 và nhiều nhóm đã tự thừa nhận là mình không can dự gì đến PTTĐM cả. Có lẽ sự kiện cầu cơ nổi tiếng nhất được nhiều người biết đến đó là “Giảng khóa về phép mầu”. Việc cầu cơ này được thực hiện qua trung gian tiến sỹ Helen Schucman - một tâm lý gia thuộc đại học Columbia (1909-1981), kéo dài trên 8 năm. Ả này là một người vô thần, và không hề nhận mình là tín đồ của PTTĐM. Tuy vậy, cô rất lưu tâm đến việc ghi âm lại chính xác những lời nói mà cô đả cảm thụ được khi ngồi đồng.

Cẩm thạch : là một loại vật liệu có cấu trúc phân tử rất đặc biệt với mật độ cao. Cấu trúc này phản chiếu ra bề mặt cẩm thạch một trật tự hài hoà. Nhiều vật chất phổ biến như muối, đường, kim cương, thạch anh được chiết suất đều có thể biến thành cẩm thạch. Các chất này có thể định hình sao đó để chúng có thể giao động ở một tần số đặc thù, và được ứng dụng rộng rãi trong viêc truyền sóng âm cũng như các thiết bị máy tính. Tín đồ PTTĐM tin là cẩm thạch đó khả năng trị liệu.

Thiền : là một quá trình trình làm “rỗng” tâm trí, buông xả chính mình thoát khỏi những bận rộn của ý thức. Tình trạng này có thể đạt được nhờ lặp đi lặp lại (hát nhiều lần 1 đoản khúc, trì tụng) những câu thần chú, hoặc tập trung dòng suy nghĩ vào một đối tượng.

Âm nhạc thời đại mới : Một loại nhạc êm dịu, du dương, truyền cảm kết hợp với tiếng hát, đàn hạc, đàn luýt, sáo, vv... Loại nhạc này được dùng để trị liệu, giải khuây và thư giãn.

Thần thông : Cách dùng những kỹ thuật để tiên đoán về tương lai, gồm Kinh Dịch, con lắc, bí thuật Runes (Bắc Âu thế kỷ 2), bói cầu (bằng quả cầu thủy tinh), bói bài (78 lá).

Thuật Chiêm tinh (tử vi) : Dựa vào sự định hướng của các hành tinh vào giờ sinh của ai, người ta có thể đoán biết hậu vận và cá tính của người đó. Niềm tin vào thuật tử vi rất được các tín đồ PTTĐM ưa chuộng, tuy vậy họ vẫn không thoát khỏi những giới hạn của phận người.

Khoẻ mạnh toàn thân : đây là một sưu tập các kỹ thuật trị liệu, thu thập từ y học cổ truyền. Nó được dùng để chữa chứng rối loại thân tâm, điều chỉnh sự quân bình cho toàn bộ cơ thể. Chẳng hạn như châm cứu, cẩm thạch trị liệu, phép chữa vi lượng đồng cân (homeopathy), liệu pháp sử dụng mầu sắc (iridology), xoa bóp, thiền, chạy điện, tâm lý trị liệu, “rờ” trị liệu, phản tỉnh trị liệu, vv..

Phong trào tiềm năng con người (Trào lưu kích cảm a.k.a.) Đây là một sưu tập các phương pháp trị liệu vừa do tập thể vừa do cá nhân biên soạn. Tài liệu đề cập đến việc dùng kỹ thuật thể lý và tâm lý. Mục đích của tài liệu là dùng để giúp các cá nhân nâng cao đời sống tâm linh. Chẳng hạn như các chương trình của Trung tâm tăng trưởng Esalen, EST, Gestalt trị liệu, Primal Scream trị liệu, Phân tích các biến chuyển, Thiền, Yoga.

Thống kê điều tra của Canada ghi nhận là có khoảng 1.200 người (0,005% dân số) đã tự nhận mình là tín đồ của PTTĐM. Tuy nhiên, không có dấu chứng cụ thể nào cho thấy là PTTĐM đã xuất hiện trên đất nước này. Thực tế cho thấy, rất nhiều người vốn thuộc về Kitô giáo hoặc tôn giáo nào đó, nhưng vẫn du nhập những quan niệm của PTTĐM vào trong việc thực hành niềm tin tôn giáo của mình.