Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

SUY TƯ VỀ VĂN KIỆN TOÀ THÁNH “ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG MANG ĐẾN NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG”

Thời sự Thần học - Số 34, tháng 12/2003, tr. 73-100. 

👦Tất Trung - Minh Tuấn👨 


I. Dẫn nhập


Trong những năm gần đây, hiện tượng Thiền, Nhân Điện, Yoga... bắt đầu xuất hiện khá phổ biến trong sinh hoạt tâm linh của người Công giáo. Một số người ngay từ đầu đã dị ứng với những phương cách thực hành tâm linh “ngoại lai” này; số khác thì khăng khăng cho đây là những cách hành đạo có “màu sắc” tà ma ám khí, số nữa lại hồ hởi tiếp nhận vì coi đây chỉ là một trong những cách thế khai mở và tiếp cận tâm linh vốn rất am hợp với truyền thống Kitô giáo. Bên cạnh đó, theo nhận định của những Kitô hữu đã trải qua kinh nghiệm về Thiền, Yoga, Nhân điện..., phần đông đều khẳng định những cách thực hành tâm linh theo kiểu phương Đông này đều đem lại cho trực giác của mình những diệu cảm khó tả. Mặt khác, có người ban đầu chỉ đến với Thiền, Yoga, Nhân điện... như một phương dược trị liệu, nhưng sau một thời gian luyện tập, họ cảm nhận rằng những phương pháp tiếp cận tâm linh này cũng rất đắc dụng giúp họ thăng tiến đời sống tâm linh Kitô giáo.
Ngày 3/2/2003, văn phòng Toà thánh đã ấn hành một văn kiện với tiêu đề “Đức Giêsu Kitô, Đấng mang đến Nguồn Nước hằng sống”. Văn kiện này đưa ra một cái nhìn tổng quan về Phong Trào New Age so sánh những điểm tương đồng và dị biệt giữa quan niệm của Thời đại mới và đức tin Công giáo. Văn kiện không hề phê bình hay lên án bất kỳ một hình thức hành đạo nào của trào lưu Thời đại mới, nhưng chỉ khuyến cáo mọi Kitô hữu, cách riêng đối với những người làm mục vụ Công giáo, hãy thận trọng và sáng suốt phân định đâu là những hiện tượng tâm linh bắt nguồn, giao thoa, hoặc mang âm hưởng của trào lưu này. Văn kiện cũng thành khẩn mời gọi mọi con dân Công giáo, giữa bối cảnh văn hóa – tôn giáo – xã hội đa phức hôm nay, hãy nỗ lực xây dựng một nền tảng đức tin Công giáo chân truyền. Chỉ trên nền tảng này, mỗi người mới có thể xây dựng cuộc sống mình đến mức có khả năng trả lời cho tất cả những ai chất vấn về niềm hy vọng của mình (x. 1Pr 3,15).

Bài viết này chỉ là một tổng hợp rất sơ khoáng về hiện tượng phong trào New Age đang bàng bạc trong cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta. Hy vọng suy tư này mở ra một hướng nhìn thẳng thắn, chân thực với các trào lưu văn hóa tôn giáo hiện nay.

II. Phong trào New Age


1. Nguồn gốc


Phong trào New Age vốn là một hiện tượng xã hội tự thân. Đây không phải là một tôn giáo theo nghĩa thông thường, vì nó không có giáo chủ, giáo thuyết, thánh thất và tín đồ như các tôn giáo truyền thống. New Age là một phong trào đang thành hình và tác động mạnh mẽ đến cuộc sống sinh hoạt thường nhật của mọi người, nhờ vào các phương tiện truyền thông, phim ảnh, âm nhạc, thương mại và giáo dục. Có thể nói, ích lợi của phong trào này vốn đã tiềm tàng trong phần đông tâm thức nhân loại, và khi tâm thức ấy gặp một hoàn cảnh thuận tiện, nó sẽ bộc phát mà chính đương sự cũng không hề biết là mình đang sống theo não trạng của phong trào New Age. Phong trào này có một sức thẩm thấu thật kinh khủng, có thể thấm vào mọi tầng lớp trong xã hội, bất kể họ thuộc hệ thống tôn giáo nào. Cả đến những người thuộc hàng ngũ trí thức từng nghĩ là mình có thể vượt lên trên những quan niệm mang màu sắc tôn giáo cũng đã lây nhiễm não trạng này. Bằng chứng là những hiệu sách rao bán các tài liệu của phong trào New Age đã chiếm được doanh thu hàng năm lên đến 1 tỉ đô-la.

Quả thực, khó mà đưa ra một định nghĩa rạch ròi về phong trào “không có đầu” này. Tuy nhiên, dựa vào tài liệu của những nhà chuyên nghiên cứu về hiện tượng vừa mang tính tôn giáo vừa mang tính xã hội này, ta có thể vạch ra một vài điểm căn bản để có thể mường tượng ra “hình thù” của phong trào này.

Văn kiện “Đức Giêsu Kitô, Đấng mang đến Nguồn nước Hằng sống” đã nói về New Age như sau (số 2):

New Age không phải là Phong trào đúng nghĩa, cũng không phải là “tín ngưỡng” hoặc “giáo phái”, vì được lan truyền qua các nền văn hoá, trong các hiện tượng như âm nhạc, phim ảnh, hội thảo, hội nghị, tĩnh tâm, các thứ trị liệu và nhiều hoạt động cũng như biến cố, cho nên phong trào này được phổ biến nhanh và trở nên gần gũi với mọi người. Một số nhóm tôn giáo hoặc cận-tôn-giáo gần đây chủ trương tiếp nhận quan điểm của New Age. Thế nên, New Age còn là nguồn mạch cho nhiều giáo phái. New Age cũng không phải là phong trào đơn độc, nhất thể mà là một mạng lưới lỏng lẻo gồm những hành giả, theo phương châm suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương (think globally but act locally). Những người trong mạng lưới này không cần biết nhau và hiếm, thậm chí không bao giờ gặp nhau. Để tránh lẫn lộn có thể có do việc dùng từ “Phong trào”, một số muốn coi New Age là một “cảnh vực”, hay một “tín-ngưỡng-thính-thị” (audience cult). Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng “đây là một dòng tư tưởng rất mạnh”, một thách đố chủ ý đối với nền văn hoá hiện đại. Đây là một cơ cấu tổng hợp (syncretistic) thu thập nhiều yếu tố khác nhau, giúp con người chia sẻ những quan tâm hoặc những liên kết với những mức độ khác nhau, trên những bình diện dấn thân khác nhau. Thực ra, có thể hiểu New Age theo nghĩa đó là phong trào xã hội rộng lớn, tựa như Phong trào Quyền Dân Sự, Phong trào Hoà Bình. Có điều, những phong trào này quy tụ những người ở khắp nơi cùng liên kết với mục đích chính của Phong trào, nhưng lại rất khác nhau trong đường lối dấn thân và cách hiểu những vấn đề chuyên biệt.

Tiến sĩ Douglas Groothuis, chuyên gia tôn giáo học thuộc đại học Oregon, giáo sư Triết học tại chủng viện Denver đã có nhiều nghiên cứu về New Age cho biết: “Phong trào New Age là một tổng hợp giữa chủ nghĩa thần bí phương Đông và chủ nghĩa lạc quan phương Tây.”[1]

Ông John Naisbitt, chuyên gia về tôn giáo học, phát biểu: “trong thời cuộc nhiễu nhương này, một thời đại vốn có quá nhiều thay đổi ồ ạt, người ta phải đối đầu với hai thái cực: kinh nghiệm tâm linh duy truyền thống và kinh nghiệm tâm linh bộc phát từ trực cảm cá nhân. Không có thành viên nào tự nhận mình người của New Age, thậm chí cả triết lý hay giáo thuyết về phong trào này cũng rất mơ hồ, nên thật khó mà định nghĩa hay lượng giá cái Phong trào New Age không có ‘đầu’ này. Tuy nhiên, ở các đô thị châu Âu và Hoa kỳ, hàng ngàn người đang đổ xô nhau đi tìm “dưỡng chất” cho những kinh nghiệm tâm linh cá nhân, họ lân la quanh các hiệu sách chuyên bán các đầu sách “siêu hình”, rong ruổi tìm kiếm một đạo sư hoặc đến với trung tâm huấn luyện để thủ đắc những kinh nghiệm tâm linh.”[2]

Các hành giả New Age chuyên nghiên cứu về Thông thiên học lại cho rằng trào lưu này được hứng khởi từ quan niệm về Thời Bảo Bình (Aquarius- biểu tượng là Người Mang Vò nước) đang đến. “Đây là thời của công lý và hoà bình, của chan hoà và hiểu biết, của cảm thông và yêu mến; trong thời này sẽ không còn lầm lỗi và tủi nhục; người người sẽ cảm nếm được tự do, thần bí và linh diệu”[3]

Thiết tưởng cũng nên trình bày đôi nét về một vài khái niệm căn bản của Thông thiên học. Thời Bảo bình (Age of Aquarius) sẽ xuất hiện những chuyển biến lớn trong xã hội, bởi vì nó là tiểu cung đầu tiên, tái lập một chu trình mới cho Hoàng đạo (Zodiac). Ờ mỗi tiểu cung của hoàng đạo, trái đất sẽ tiếp nhận những dấu chỉ mới đặc trưng cho một chu kỳ khoảng hơn kém 2000 năm. Một số người tin rằng chùm sao Bảo Bình bắt đầu chiếu mệnh trái đất từ thế kỷ 19, báo hiệu thời đại Bảo Bình đã bắt đầu! Một số khác lại tin rằng thời Bảo Bình sẽ đến vào cuối thế kỷ 20. Tưởng cũng nên lưu ý đến một số biến động của lịch sử liên quan đến chòm sao chiếu mệnh trái đất vào những ngàn năm trước:

- Từ thời Bạch Dương (tiểu cung số 1) đến thời Song Ngư (tiểu cung số 12), biểu tượng của thời kỳ này là con cá, bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất. Đây cũng là thời điểm khai sinh Kitô giáo, dân Do thái đã thay đổi não trạng tôn giáo từ việc sát tế con vật thành việc đón nhận giáo huấn Kitô giáo. Biểu tượng của Hội thánh lúc đó là con cá ( ICHTHUS: đức Giêsu Kitô, Người Con duy nhất của Thiên Chúa, Đấng cứu độ- Iesous Christou Theos Unios Soter ).

- Từ thời Kim Ngưu (tiểu cung số 2) đến thời Bạch Dương (tiểu cung số 1) có biểu tượng là con dê, khoảng 2000 năm trước Chúa giáng sinh. Vào thời này, dân Do thái sát tế chiên dê trong đền thờ để tế lễ Giavê Thiên Chúa.

- Từ thời Song Sinh (tiểu cung số 3) đến thời Kim Ngưu (tiểu cung số 2) có biểu tượng là con bò, khoảng 4000 năm trước Chúa Giáng sinh. Trong thời kỳ này, việc thờ lạy bò vàng là một tín ngưỡng tiêu biểu đối với các dân tộc ở Trung Đông.

2. Chủ điểm của New Age


Nói cho đúng, New Age không phải là một tôn giáo, nhưng lại chú ý nhiều vào cái gọi là “thần thiêng” (divine). Cốt lõi của New Age là một sự kết hợp lỏng lẻo nhiều sinh hoạt, tư tưởng và con người khác nhau. Vì thế không có một mạch lạc duy nhất giống như giáo lý của những tôn giáo lớn hiện hành. Dù thế và dù trong chính New Age cũng có nhiều khác biệt, vẫn có những điểm chung:
  • Vũ trụ được coi như một toàn thể hữu cơ
  • Vạn thể sống động là nhờ một Năng Lực, cũng gọi được là Hồn hoặc Thần Khí
  • Tin vào sự trung gian của nhiều thực thể tinh thần khác nhau
  • Con người có khả năng vươn lên tới những lãnh vực vô hình cao hơn và kiểm soát được cuộc đời mình vượt qua cả bên kia cái chết nữa
  • Thừa nhận một “tri thức vĩnh cửu” có trước từ lâu và vượt lên trên mọi tôn giáo và văn hoá
  • Con người ta phải đi theo những vị thầy đã được khải đạo

3. Một vài quan niệm nền tảng của NA


Tất cả mọi sự sống, mọi hiện hữu đều là hiện thể của một tinh thần, một thực tại “bất khả tư nghì”, một ý thức siêu phàm được diễn tả dưới nhiều danh hiệu khác nhau trong nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau.

Mục đích và tính năng động của mọi hiện thể cốt là để làm cho Tình yêu, sự Thông tuệ và Giác ngộ... trở nên một hiện thể viên thành.

Tất cả mọi tôn giáo đều diễn tả một thực tại nội căn giống nhau

Tất cả mọi sự sống, như ta cảm nghiệm qua ngũ quan hoặc biết được nhờ vào những phương tiện khoa học, đều chỉ là bức màn che phủ một thực tại vô hình, nội căn.

Cũng vậy, con người là tạo vật có có hai phương diện, một đàng là cá tính hiểu theo nghĩa hữu thời ngoại biên, đàng khác là nội thể đa chiều kích (được hiểu là linh hồn hoặc bản ngã)

Nhân cách bên ngoài của con người bị giới hạn và luôn hướng về tình yêu.

Mục đích của việc hóa thân của một nội thể là làm cho những xung năng của ngoại tính cộng hưởng với tình yêu

Tất cả mọi linh hồn khi hóa thân đều được tự do chọn cho mình một nẻo tâm linh.

Tôn sư theo New Age đều là những người đã được giải thoát hoàn toàn và không cần nhập thể nữa, họ là những người diễn tả tình yêu vô điều kiện, sự thông tuệ và giác ngộ. Những hiện thể vĩ đại này đều là những bậc cao minh, đem đến cảm hứng cho nhiều tôn giáo lớn. Một số khác thì ẩn danh và vô hình.

Tất cả mọi cuộc sống, dù ở những tình trạng và thể thức nào đi nữa, đều chỉ là một dạng trường năng lượng giao thoa dung nhiếp. Thế nên, chúng ta làm việc với Thần khí và những mức năng lượng này đồng sáng tạo với thực tại bản thân ta.

Mặc dù tất cả hiện thể đều hàm chứa sức năng động của tình yêu hoàn vũ, chúng ta vẫn phải đảm nhiệm chính cuộc sống của bản thân mình, trong mối tương giao với môi trường và mọi sinh thể khác.

Trong thời đại hôm nay, sự tiến hóa của hành tinh này và của nhân loại đã đạt tới một cấp độ khi chúng ta trải qua một cuộc chuyển biến tâm linh căn bản ngay trong ý thức cá vị và ý thức về vũ trụ. Vì vậy mà chúng ta mới gọi đây là Thời đại mới. Ý thức mới này là kết quả của sự hóa thân thành tựu liên tục của những cái mà người ta tạm gọi là trường năng lượng tình yêu hoàn vũ. Ý thức mới này tự mô tả chính mình theo tầm hiểu của bản năng về sự thánh thiêng, và đặc biệt là về sự dung nhiếp giữa vạn thể.

Ý thức mới và cách tư duy mới về sự đồng hệ lụy năng động của mọi sinh thể có ý nói chúng ta đều đang trong tiến trình hội nhập vào một nền văn hóa toàn cầu mới.

Thế giới này, kể cả loài người, đều được gọi cấu thành một sự diễn tả bản tính thần linh khả tri ở mức cao hơn và hoàn thiện hơn.

Thực tại ẩn khuất nơi mỗi con người đó chính là bản ngã thần linh cao cấp hơn, vì thế, càng hiện thân ở cấp cao hơn, sinh thể càng đạt tới sự hiểu biết về bản tính thần tinh của mình rõ hơn.

Bản tính cao hơn có thể được thức tỉnh và trở thành trung tâm đời sống thường nhật của mỗi con người.

Sự thức tỉnh là lý do tồn tại cho mỗi sinh thể cá biệt.

4. Đặc tính của New Age


Tính tổng hoà (toàn cầu, thống nhất, cân bằng, hài hoà, an thái... vì chỉ có một thực tại Năng lượng duy nhất)

Tính môi sinh (trái đất được mệnh danh là Gaia – Mẹ Đất, mỗi chúng ta chỉ là những tế vào thần kinh trong hệ thần kinh trung ương trái đất)

Tính lưỡng giới (cầu vồng và âm dương đều là những biểu tượng của NA, đây là những yếu tố bổ sung cho những đối cực xung khắc, đặc biệt là giống đực và giống cái.

Tính thần bí (nhìn thấy tính linh thánh trong mọi tạo vật, ngay cả những vật tầm thường nhất)

Tính hành tinh (người ta phải vừa cắm neo trong nền văn hóa đặc thù của mình, vừa mở ra với chiều kích hoàn vũ để có khả năng thăng tiến tình yêu, thực thi lòng trắc ẩn và kiến tạo hoà bình, kể cả việc thiết lập một nhà nước có tính cách toàn cầu.

5. Tương phản giữa quan điểm New Age và giáo huấn đức tin Công giáo


Bảng đối chiếu này được trích từ tài liệu “The New Age movement” của ông Norman L. Geisle, giáo sư thần học hệ thống, thuộc Viện Thần học Dallas.

 

Công giáo (độc thần)

New Age (phiếm thần)

Thiên Chúa

-   Cha

-   Nhân vị

-   Toàn thiện

-   Sáng tạo vạn thể

-   Sức Mạnh-Năng Lượng

-   Phi Nhân vị

-   Vừa thiện vừa ác

-   Tiềm tàng trong vạn thể

Con người

-   Giống hình ảnh T.Chúa

-   Đã hư hỏng và đổ vỡ

-   Vừa hồn vừa xác

-   Sẽ được phục sinh

-   Là Thượng đế

-   Tính bản thiện

-   Chỉ là hồn thiêng

-   Tái sinh/hóa kiếp

Đức Giêsu Kitô

-   Con Thiên Chúa

-   Đấng Nhân-Thần

-   Đã chết và phục sinh

-   Là bậc hiền tài

-   Thần tính ở trong Người

-   Đã chết và tái sinh

Cứu độ

-   Vì con người sa ngã

-   Bằng ân sủng nhờ ĐGS

-   Chiến thắng ác căn

-   Vì bất hòa, bất dung

-   Bằng nỗ lực bản thân

-   Chiến thắng sợ hãi

Niềm tin

-   Vào quyền năng TC

-   Tính khách thể (quy tha)

-   Tìm kiếm thánh ý TC

-   Vào tiềm năng con người

-   Tính chủ thể (quy ngã)

-   Ý chí con người khả thi

Phép lạ

-   Do quyền năng TC

-   Từ năng lực siêu nhiên

-   Phối hiệp với thiện căn

-   Do quyền lực con người

-   Từ sức mạnh siêu nhân

-   Dính dấp với ác căn


6. Tiến triển


Phong trào New Age mang nhiều chiều kích khác nhau. Nguồn gốc phiếm thần cổ đại của nó bắt nguồn từ tư tưởng Hy Lạp và Ấn giáo. Nguồn gốc phương Tây hiện đại của phong trào này manh nha cách đây ngót một thế kỷ.

Có thể nói, bà Henlena Petrova Blavatsky (1831-1891), theo tôn giáo bí truyền ở Nga chuyên nghiên cứu về Thông Thiên học, là vị đặt nền cho Phong Trào New Age. Bà là tác giả của cuốn “Isis Unveiled” (1877) và The Secret Doctrines (1888). Những tập sách này được coi là “Kinh thánh” bí truyền của tư tưởng NA. Tiếp đến, bà AliceA. Balaiy là một thần bí người Anh, đã thọ giáo với tôn sư Djwhal Khul (D.K) ở Tây Tạng ròng rã 30 năm để lên kế hoạch cho một trật tự thế giới mới, bà cũng nhận được khả năng thần thông từ vị tôn sư Mật giáo Tây Tạng này. Bà đã cho ấn hành nhiều sách, chẳng hạn “Letters on Occult Meditation” (1922), “Dicipline in the New Age” (1944), “the Reappearance of the Christ” (1948), and “the Externalisation of the [Occult] Hierarchy” (1957). Bà Bailey đã đóng góp rất nhiều thuật ngữ cho Phong Trào New Age. Tiếp đến là bà Marilyn Ferguson, tác giả tập sách “The Aquarian Conspiracy”, đã cảnh báo với các giáo hội Kitô giáo là Thời đại Bảo Bình sẽ là trung tâm của suy tư Phong trào New Age. Thời đại này sẽ nối kết các giáo phái Khoa học Kitô giáo như Rosicrucianism, New Thought, The Unity School of Christianity, and Science of Mind, or Religious Science lại với nhau một cách hài hoà đến mức không ai ngờ được. Riêng tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 35 đến 60 triệu người đang gia nhập các giáo phái theo kiểu này và tình nguyện dấn thân vào nhiều hoạt động trên bình diện quốc tế. Chưa hết, còn khoảng 60 triệu người đã sống theo não trạng New Age, dù bản thân họ không ý thức điều này.

III. Tác động của New Age


1. Triết học


Nhiều hành giả New Age đã sử dụng lối ẩn dụ để mô tả những kinh nghiệm tôn giáo họ tưởng là vượt ra ngoài phạm vi thực nghiệm. Dù ý thức hay vô tình, hành giả New Age vẫn muốn định nghĩa lại các hạn từ vay mượn từ các hệ thống tôn giáo khác, khiến cho các thuật ngữ trở nên mơ hồ, tối nghĩa, làm tăng sự đối kháng giữa chủ nghĩa Hoài nghi và các hệ thống tôn giáo truyền thống. Chẳng hặn, việc vay mượn các từ “Năng lượng”, “trường năng lượng” trong vật lý lượng tử, nhưng lại không dùng chúng vào đúng bối cảnh cụ thể của khoa học, dẫn đến sản sinh ra nhiều thuật ngữ rất ngô nghê như “pseudoscience” hoặc “psycho-babble”

Chủ xướng của New Age là kinh nghiệm chủ quan: vì bắt nguồn từ các hiện tượng phản văn hoá và tính cách dung hòa, hành giả New Age có khuynh hướng nhấn mạnh đến tính tương đối của việc tiếp cận chân lý. Họ thường tiếp ứng một vài quan điểm trong truyền thống tôn giáo phương Đông như “thiên hạ đồng quy nhi thù đồ” hoặc “nhứt tri bách lự”. Quan niệm này không chỉ khẳng định quyền chọn lựa cá nhân về mặt tâm linh mà còn khẳng định rằng “chân lý” tự thân bị định nghĩa bởi mỗi cá nhân dựa vào cách thức mà cá nhân ấy cảm nhận nó.

Tính tương đối này không chỉ dừng lại ở khía cạnh tâm linh mà còn lan rộng đến các lý thuyết vật lý. Thật vậy, thực tại được nhìn từ góc độ kinh nghiệm chủ quan. Từ đó, rất nhiều hiện tượng New Age không am hợp với cái nhìn khoa học, bởi vì các hiện tượng này chỉ xuất hiện trong tâm trí của kẻ thụ tín, chẳng hạn, những người hoài nghi không thể đạt tới kinh nghiệm thần giao cách cảm, bởi vì tâm địa “tào tháo” như vậy lẽ nào lại là điều kiện tiên phát cho một hiện tượng tâm linh ứng khởi ru?

Chủ thuyết tương đối cũng là một đặc trưng của thời hậu hiện đại. Những con đẻ của thời đại này coi chân lý như là một thực tại không thể nào tách biệt với văn hóa, tâm lý, nhân chủng, phái tính. Hóa ra, chân lý trở thành cái mà chính chúng mình tạo ra và không còn “vẹn toàn” nữa vì bị tước đi tính khách thể biệt lập!

2. Tôn giáo


Trước hết, David Spangler là một trong những tác giả lỗi lạc viết về tín chuẩn tôn giáo New Age. Tác phẩm chính của ông là: “Revelation”, “The Birth of a New Age” (1976), “Reflections on Christ” (1978). Tiếp đến là các tác phẩm của Benjamin Creme. Ông này đã ấn hành các tập sách “The Reappearance of The Christ” (1980), “Messages from Maitreya the Christ (1980).

3. Chính Trị


Chí ít có hai nhân vật sáng giá, đó là ông Mark Satin, tác giả sách “New Age Politics” bàn về việc chữa lành bản ngã và xã hội (1979) và ông Robert Muller, tác giả cuốn “New Genesis” bàn về việc định hình một linh đạo toàn cầu (1982).

4. Phim ảnh


Tư tưởng New Age thấm nhập vào nhiều phương tiện truyền thông. Rất nhiều bộ phim ra đời trong thập kỷ qua mang màu sắc phiếm thần, đặc biệt là “Star Wars”, The Empire Strikes Back”, “Return of the Jedi”, “Poltergeist”, “The Exorcist”, “Raiders of the Lost Ark”, Indiana Jones and the Temple of Doom”, “ET”, “Close Encounters”, and “The Dark Crystal”. Truyền hình cũng bị lây nhiễm rất nhiều ảnh hưởng của tà thuật, bí truyền, chẳng hạn, “I Dream of Jeannnie” và “Bewitched”. Cả đến các phim hoạt hình của thiếu nhi cũng bị nhồi nhét tư tưởng tà thuật như “He Man”, “Masters of the Universe”, và đặc biệt là gần đây, bộ phim truyện “Harry Porter” cũng đã gây ấn tượng cho nhiều người, đặc biệt là các em thiếu nhi.

5. Âm nhạc


Âm nhạc New Age mang sắc thái êm dịu, du dương. Lời lẽ trữ tình, ngắn gọn, lặp đi lặp lại nhiều lần như muốn rủ rê mọi người đi vào cảnh vực thần linh. Bản nhạc đặc trưng của phong trào New Age có tên là “Aquarius” (Let the sunshine in), do băng nhạc Hair diễn tấu và rất thịnh hành kể từ thập niên 60. Hiện nay bản nhạc này vẫn được sử dụng ca vãn trong các lớp huấn luyện học viên “tư duy tích cực” (đã có ở TP. HCM) nhằm mụch đích trị liệu và thư giãn tâm linh. Bên cạnh đó những bản nhạc sau đây cũng mang đậm màu sắc New Age như: “My Sweet Lord”, “Mission to Mars”, “All the Friends”

Tựa đề các bản nhạc New Age nghe rất “kêu” và rất hấp dẫn, bởi vì các nghệ sĩ phải dùng đến những ca từ cỡ đó mới có thể diễn đạt cảnh giới thần linh, tiếp cận chân lý bằng những hạn từ vắn gọn, súc tích như: “bond of union”, “sweet widerness”, sherperd moons”, “animus anima”...

6. Tâm lý học


Có thể nói Abraham Maslow là người đã đóng góp nhiều tác phẩm cho New Age trên bình diện tâm lý học. Ông đã viết những tập: “the Farthest Reaches of Human Nature (1971), “Religions”, “Values” “Peak Experiences” (1980). Bên cạnh đó, cũng cần phải nhắc tới Carl Jung, Carl Roger và Rollo Mary đã cống hiến nhiều chủ đề cho New Age. Chưa hết, bà Barbara Brown còn viết cuốn “Supermind” (1983) bàn về nhân chủng học theo quan điểm New Age.

7. Sức khoẻ và trị liệu


Viktoras Kulvinskas đã ấn hành tập sách “The New Age Directory of Holistic Health Guide” (1981), “Planetary Healer’s” và Leslie Kaslof đã cho ra đời tập sách “Wholistic Dimensions in Healing” (1978).

New Age thường áp dụng các thuật chữa bệnh bí truyền của phương Đông như châm cứu, cảm xạ, nhân điện, bấm huyệt, cẩm thạch trị liệu, âm thanh trị liệu, màu sắc trị liệu, “rờ” chẩn đoán... vì họ tin rằng bệnh lý phát ra là do sự mất quân bình các cơ hệ trong con người. Mục đích của việc trị liệu này là nhằm tái lập thế quân bình cho cơ thể, nhờ đó, những triệu chứng bệnh lý sẽ tan biến nhanh chóng mà không cần phải sử dụng đến dược liệu.

8. Lịch sử và văn hóa


Hai sử gia nổi tiếng của New Age là Theodore Roszak với tác phẩm “Where the Wasteland Ends” (1971), “Unfinished Animal” (1977); và Willian Irwin Thompson với tập sách “From Nation to Emanation” (1982).

9. Tranh nghệ thuật


Mục đích của nghệ thuật New Age là nâng cao tâm hồn bằng cách mô tả bản chất tâm linh cao thượng của con người và vẻ đẹp khôn tả của Sáng tạo. Những bức tranh này có khả năng vượt ra khỏi biên giới thể lý và tâm lý con người, ngõ hầu diễn tả một ý thức cao hơn về mọi loài và đạt đến một tầm hiểu biết khoáng hoạt hơn.

Ober-Rae Starr Livingstone là một nghệ sĩ, tuy không qua trường ốc, ông vẫn biệt tài diễn tả những bức tranh siêu thực và tranh của trường phái ấn tượng. Ông thường phối hợp cả hai loại này trong mỗi bức họa để tạo ra một diệu cảm đa chiều kích. Việc sử dụng những gam màu tươi đi kèm với những bóng sáng đã làm cho những bức họa của ông diễn tả được vẻ kỳ diệu của Sáng tạo vốn tiềm tàng trong tâm thức trẻ thơ và rất dễ quên đối với tuổi thành niên. Tranh của ông được trưng bày rất nhiều trong các phòng triển lãm trên khắp thế giới.

Daniel Brian Holeman cũng là một nghệ sỹ có tiếng của NA. Khi thưởng thức những bức tranh của ông, nhiều khán giả đã thốt lên những lời lẽ thật kỳ diệu.

Chẳng hạn, bà Barbara Marx, người thành lập “hội Gia đình thế giới” và là chủ tịch của “Tổ chức Co-creation” cho hay: “Những bức hoạ của Daniel diễn tả một thế giới linh diệu, nhờ vậy mà tôi thấy rất phấn chấn và giải toả được những căng thẳng nội tâm khi xem tranh”.

Phi hành gia Edgar Mitchell, người sáng lập “hội Khoa học Noetic” cũng nhận định: “Deniel đã sáng tạo những bích hoạ thật tuyệt vời. Tôi đánh giá cao công trình của ông và thấy lòng rất thư thái khi xem tranh!”

Ông Terry Cole Whittaker, một tác giả có đầu sách bán chạy nhất và đại diện của Hội “Adventures in Enlightment” phát biểu: “Nghệ thuật của Daniel đã giúp tôi giải toả ‘stress’, khi xem tranh, tôi thấy mình được thư giãn, tâm hồn lâng lâng và chợt hiểu ra rằng tất cả mọi vật đều an vị đúng trật tự của nó!”

10. Lối sống


Lối sống của hành giả New Age làm nổi bật chiều kích xã hội của trào lưu này. Để ý một chút, ta thấy lối sống này đề cao một sự “liền lạc” giữa vạn thể: “một cách nào đó rất là kỳ bí, người ta cảm thấy dường như họ đã gặp mặt và quen biết nhau lâu rồi, dù thực tế chưa gặp nhau bao giờ cả.” Đúng hơn, hành giả New Age coi các cuộc gặp gỡ trên bình diện xã hội giống như việc tham dự các buổi cầu kinh hay cử hành phụng vụ của các tôn giáo! Thế nên, giới “đồng đạo” New Age rất dễ nhận ra nhau qua những cảm nhận hỗ tương vì cùng chia sẻ những giá trị, khẩu hiệu mang màu sắc New Age.

11. Cứ điểm


Nói về New Age thì không biết bao nhiêu cho cùng, hiện nay các hành giả của phong trào này đang nắm giữ nhiều tổ chức, chương trình âm nhạc, kênh truyền hình, tour du lịch - hành hương, học đường, doanh nghiệp, tổ chức bảo vệ môi sinh, trung tâm huấn luyện và phục hồi chức năng, trung tâm trị liệu, dưỡng sinh, luyện tập và chăm sóc sức khoẻ, trên bình diện quốc gia và quốc tế. Dầu vậy, không thể không nói tới 3 cứ điểm lớn của New Age.

Trước hết là Cộng đông Esalen, được thành lập tại Bis Sur, bang California, năm 1962 do Michael Murphy và Richard Price. Mục đích của trung tâm này là để cho mọi người có cơ hội tự buông xả chính mình bằng việc khoả thân, vãng cảnh thiên nhiên và tuyệt thực (ăn kiêng, chay tịnh). Đây là một trong những trung tâm quan trọng nhất chuyên về phục hồi sức khoẻ, phổ biến rộng rãi những bài thuốc đặc trị cho mọi người bằng phương tiện giáo dục, chính trị và kinh tế. Nơi đây cũng huấn luyện những khóa học về tôn giáo đối chiếu, Huyền thoại học, Thần bí học, Thiền, Tâm lý trị liệu... Cùng với cộng đồng Findhorn, Esalen được xem là cứ điểm quan trọng để phát triển ý thức Bảo Bình.

Thứ đến là Cộng đồng Findhorn, Scotland. Đây là một trang trại của Peter và Eileen Caddy, trồng cấy rất nhiều loại thảo mộc không theo phương pháp truyền thống. Cộng đồng này được thành lập năm 1965 và đã trở thành một cứ điểm quan trọng, tự dán cho mình nhãn hiệu New Age. Thực vậy, Findhorn được xem là nơi ‘biểu hiện những ý tưởng nền tảng của việc chuyển hóa nội tâm”. Tìm kiếm ý thức vũ trụ vốn là mụch đích của sự hài hoà với vạn thể, mở ra một tầm nhìn về trật tự thế giới mới, thực tập cầu cơ, tất cả sinh hoạt này đã trở thành đặc trưng phong trào New Age. Những hoạt động này có mặt tại Findhorn ngay từ khi mới thành lập Trung tâm. Thành tựu của Cộng đồng này là trình bày một mô hình tiêu cảm, tạo cảm hứng cho nhiều nhóm NA khác, chẳng hạn như trung tâm Alternatives ở Luân Đôn, Esalen ở Big Sur – California, Trung Tâm Mở và Viện Omega ở Nữu Ước.

Sau cùng là Cộng đồng Monte Verità. Có thể coi đây là một Utopia (thế giới lý tưởng), gần Ascona, Thụy Sỹ. Kể từ cuối thể kỷ 19, đây là điểm gặp gỡ giữa các nhân vật phản văn hóa ở châu Âu và châu Mỹ về các lãnh vực chính trị, tâm lý và sinh thái. Kể từ năm 1933, hội nghỉ Eranos được tổ chức tại đây hằng năm, quy tụ những tay “gạo cội” của phong trào New Age. Dựa vào cuốn niên giám, ta thấy rõ ý hướng của phong trào New Age muốn thành lập một tôn giáo phổ quát toàn cầu. Cuốn niên giám cũng liệt kê danh tánh tất cả những ai đã đến góp mặt với Cộng đồng Mont Verità trong suốt những năm qua.

IV. Tạm kết luận


1. Lập trường Kitô giáo Bảo thủ


Những người thuộc lập trường Kitô giáo bảo thủ, điển hình là tác giả William Schnoebelen, đã khẳng khái đưa ra một loạt bài lên án các thực hành của phong trào New Age. Ông cho rằng chuyện cầu cơ, ngồi đồng, bùa chú... là những bày đặt của Satan (x. 2Cr 2,11; 11,14). Ác thần đã mượn bóng vía của các hành giả NA như phương tiện để lộng quyền trong một thế giới đầy rẫy những chuyện giết chóc, bất công, bạo lực, độc tài, khủng bố... Bên cạnh đó, bà Cathy A. Smith cũng nhận định, tuy có vẻ chủ quan, nhằm bênh vực đạo lý Kitô giáo chính truyền và khẳng định rằng, chẳng có “niu ây niu iếc” gì cả! Dựa vào nền tảng Kinh thánh, bà khẳng định, “thời đại mới đúng nghĩa đã manh nha và chỉ xuất hiện tỏ tường vào ngày giáng lâm của đức Giêsu Kitô” (x. Is 2,2-5).

2. Lập trường Kitô giáo cấp tiến


Thông thường, những người thuộc lập trường Kitô giáo cấp tiến đều vốn là những Kitô hữu “nhà nòi”, nhưng vô tình hay hữu ý, các vị này đã ăn “phải đũa” của phong trào New Age, ngay cả khi các vị cũng không hề biết là trong não trạng của mình đã có “hơi hám” New Age. Và như vậy, làm sao các vị này không ủng hộ NA được? Xét vì phong trào này đã đem lại bao nhiêu phúc lợi cho con người thời đại, như xây dựng các trung tâm tư vấn tâm lý, mở các trường phục hồi chức năng-nhân phẩm, cổ võ các phong trào bảo vệ sinh thái... Rất nhiều nhà thần học Công giáo và Tin lành hiện nay đã ngả theo lập trường này. Xin đan cử vài tác giả Maria Beesing, op; Robert Nogosek, csc; Patrick O’Leary, sj là các tác giả của tập sách “Chín loại cá tính” – lộ trình cho đời sống tâm linh. Thêm một tác giả nữa là linh mục Diamuid O’Murchu, msc, tác giả tập sách nhan đề “thần học lượng tử’.

3. Lập trường trung dung


Có lẽ thái độ tích cực nhất khi đối diện với những hệ phái tôn giáo-văn hóa đương đại đó là lập trường trung dung. Ở đây, không thể hiểu trung dung theo nghĩa “vào hùa” hoặc “sao cũng được” hoặc “cá mè một lứa”! Trung dung theo nghĩa là rất thận trọng khi tìm hiểu, phân tích và nhận định về các lập trường tôn giáo văn hóa tân trào, xét vì một đàng cần phải trân trọng tất cả những gì là sản phẩm suy tư của nhân loại nói chung, đàng khác, việc nói về “cảnh vực thần thánh” vẫn mãi chỉ là một tiếng nói “bặp bẹ” trước thực tại cao vời khôn tả so với trí óc nhỏ bé hạn hẹn của con người. Có lẽ vì đã “thấm đòn” kinh nghiệm lịch sử về những cuộc tranh giành mang tính tôn giáo, nên Hội thánh Công giáo rất dè dặt và tế nhị khi bàn về vấn đề New Age. Văn kiện này không hề chỉ trích, phê bình hay có ý bác bẻ lại những gì NA nghịch với niềm tin Công giáo. Đúng hơn, văn kiện chỉ trình bày một tổng hợp nguyên trạng về thực cảnh tôn giáo-văn hoá-xã hội đương thời và mời gọi mọi người cùng tiếp tục suy nghĩ thêm để biết cách ứng phó với những thực tại mới mẻ này. Bên cạnh đó, giáo hội cũng không ngần ngại mời gọi con cái mình, đang khi chưa tìm ra một giải pháp nào để chặn đứng sức lan toả của New Age, thì hãy “tự biết mình” bằng cách xây dựng một nền tảng đức tin Công giáo chân truyền thật vững chắc và tinh ròng.

Bên cạnh đó, tưởng cũng nên nhắc đến học giả Douglas Groothuis, vốn là giáo sư Triết tại chủng viện Denver, chuyên gia tôn giáo học của Đại học Oregan, tác giả của những tập sách “Unmarking the New Age”, “Are all Religions one?”, “Dictionnary of Contemporary Religion in the Western World”, “Truth Decay” và “Confronting the New Age”. Tài liệu của ông thường củng cố lập trường đức tin Công giáo bằng những luận điểm vững chắc có nền tảng từ Kinh thánh và triết học hệ thống. Trong tập sách “Unmarking the New Age”, ông đã không ngần ngại lật tẩy chân tướng của New Age được diễn tả dưới thiên hình vạn trạng. Khi phê bình luận cứ “thiên hạ đồng quy nhi thù đồ” mà New Age đã vay mượn từ các tôn giáo truyền thống khác, qua tập sách “Are all religions one?”, ông đã mạnh mẽ khẳng định rằng “đừng ảo tưởng là sẽ có ngày các tôn giáo đồng quy! Có chăng, sự đồng quy chỉ xảy ra với những tâm hồn thiện chí và cùng gặp gỡ nhau không phải bất kỳ nơi đâu, nhưng là dưới chân thập giá Chúa Kitô!” Lẽ dĩ nhiên, cũng cần hiểu lời phát này theo một nghĩa thật tinh tế vào bao quát, cho đúng với tâm ý và dự phóng của tác giả, vì biết đâu, khi nghe lời phát biểu này, những Kitô hữu có thể mở cờ trong bụng vì nghĩ rằng rồi đây người người sẽ xin chịu phép rửa tội, nhà nhà sẽ xin nhập đạo Công giáo (?!). Xin thưa rằng, chúng ta không nên ảo tưởng chờ đợi một cách viễn vông như thế! Thật vậy, thành ngữ “dưới chân thập giá Chúa Kitô”, theo Douglas, nên được hiểu đó chính là mầu nhiệm tự hủy của Con Thiên Chúa! Nói cách khác, chỉ những tâm hồn thiện chí, một khi chấp nhận mầu nhiệm tự hủy của thập giá đức Kitô, tức khắc họ được “đồng quy” trong Thiên Chúa (x. Lc 23, 43), bất kể lúc đó họ ở nơi đâu, thuộc tôn giáo nào, sắc tộc nào, đẳng cấp nào đi nữa!

4. Nhận định


Trước hết, cần thận trọng với tất cả những gì mang “nhãn hiệu” Kitô giáo. Thứ đến, cần đào sâu nền tảng đức tin Kitô giáo bằng cách triển khai tính bí tích của mầu nhiệm nhập thể theo cả hai chiều kích, một đàng, con người rồi đây sẽ được thần hóa đến mức tối đa nhờ vào ơn cứu chuộc qua đức Giêsu Kitô [khía cạnh này đã được đề cập khá rõ và rạch ròi trong các văn kiện và tư liệu của Hội thánh], đàng khác, tuy đã được cứu chuộc qua bí tích thánh tẩy, nhưng ơn cứu chuộc “tiềm tàng” ấy không tất nhiên là “liều thuốc tiêm chủng” có thể đề kháng cho đương sự thoát khỏi hiểm nghèo, nguy nan, khốn khó, bi lụy, lay lắt, lầy lội, và cả nguy cơ tái phạm nhiều lần [tái đi tái lại] nữa [khía cạnh này dường như chưa được triển khai cho đủ mức]. Chẳng vậy mà sau khi hoá giải tình trạng éo le cho người phụ nữa ngoại tình, Đức Giêsu đã không ngần ngại cảnh báo, “hãy về và đừng sa đà nữa!” (x. Ga 8, 11). Lời khuyên nhủ này không phải là một điều kiện để nhận ơn tha thứ cho bằng một thái độ cảm thông và cảnh báo về thân phận mỏng giòn, giới hạn trước nguy cơ sa lầy tái phạm lúc nào cũng có đó. Chưa hết, lời cảnh tỉnh ấy còn bao hàm luôn khả năng “giả như có tiếp tục sa đọa, thì vẫn có cơ may được thứ tha!”, vì hơn ai hết tấm lòng Tạo hóa, được thể nghiệm qua đức Giêsu Kitô, thấu hiểu rằng bản tính con người yếu nhược và giòn mỏng biết là dường nào. Có lẽ chỉ có đạo lý Kitô giáo hàm ngụ rất nhiều đến lòng xót thương và ơn tha thứ từ phía Tạo hóa, cũng như mời gọi mọi người hãy cư xử với nhau theo như lòng trời! Lẽ dĩ nhiên, khi triển khai và nhấn mạnh đến tấm lòng bao dung tha thứ của Tạo Hóa trước những bất toàn, giới hạn, yếu đuối, đỗ vỡ... của phận người, chúng ta rất dễ “lạm dụng” tình thương ấy và cư cử với một một cách “bát ngát” theo não trạng “sao cũng được”! Thế nên, cũng phải để ý đến lẽ công bình, lòng nhân, và chính trực trong tương quan với con người.

Phải chăng chính vì chưa thể cảm nghiệm cho đủ tấm lòng quá lớn của Tạo hoá mà nhiều người thời đại hôm nay, khi đụng đến những giới hạn của phận người như khổ đau, bất lực, chết chóc, lầy lội, tai ương, khốn khố... đều khước từ tạo hóa, hoặc ít là không bận tâm đến tạo hóa nữa, không phải vì họ xem thường mà chỉ vì vụng nghĩ rằng, tạo hóa nếu có đó cũng đành “bó tay” trước những “bế tắc thâm căn” của phận người? Phải chăng chính những người làm công tác mục vụ nói riêng và mọi Kitô hữu nói chung vẫn chưa triển khai cho đúng và đủ khía cạnh bí tích nơi mầu nhiệm nhâp thể ? Nghĩa là một đàng tin mình (cũng như anh chị em mình) đã được thánh hoá, đàng khác, vẫn phải chấp nhận giới hạn có khi rất lây lắt, tệ hại, bần cùng, bi đát... của phận người! Phải chăng, ấy mới là “sống trong trần gian mà không thuộc về trần gian” ru? (x. Ga 17, 15)

Để kết thúc bài tóm lược này, chúng tôi mượn lời đức Gioan Phaolô II căn dặn các giáo mục Hoa Kỳ, và chớ chi mỗi người chúng ta cũng hãy dùng chính lời ấy để tự vấn lòng mình: “Các mục tử có bao giờ trung thực tự hỏi xem mình đã hết lòng quan tâm đến cơn khát cháy bỏng từ đáy lòng nhân loại đang mưu cầu ‘nước hằng sống’ chưa? Hơn nữa, các hiền huynh có khi nào đã khẳng khái và xác tín cho đủ mạnh rằng “nước hằng sống ấy” chỉ mình Đấng cứu độ chúng ta là đức Kitô mới có thể cung cấp và làm cho cơn khát ấy được thoả thuê sung mãn” (x Ga 4, 7-13).
 

V. Một vài thắc mắc cần giải đáp


1. Qua văn kiện suy tư về Phong Trào New Age, theo bạn, việc du nhập thiền, yoga, nhân điện (bioenergy), đặt tay, nói tiếng lạ, xem phong thủy (feng-shui)... (như ta thấy đang rộ lên ở một số vùng dân Công giáo, các Dòng tu, xứ đạo hiện nay) vào việc suy niệm và thực hành đạo lý Công giáo có phải là hiện tượng “lây nhiễm” Phong trào New Age không?

2. Hiện tượng một số tín hữu Công giáo giản lược việc lãnh nhận 7 (hoặc 6, hoặc 5) bí tích thành 2 bí tích (rửa tội và xức đầu), thậm chí có khi chỉ còn 1 (rửa tội), có phải bắt nguồn từ não trạng Phiếm thần không? (Não trạng Phiếm thần vốn rất được các hành giả New Age ưa chuộng)

3. Phải chăng trào lưu thần học lượng tử (quantum theology) có một liên hệ họ hàng nào đó với Phong trào thời đại mới?

4. Điện ảnh văn hóa phương Tây trong những thập niên gần đây đề cập nhiều đến những phim “chiến tranh giữa các vì sao” [Star wars], Cậu phù thủy “Harry Porter”, “Những thế lực siêu quần bạt chúng” [special forces]... có phải ngẫu nhiên là sản phẩm “tư duy” của New Age không?

5. Ngành “âm nhạc trị liệu” [Music Therapy] vốn đang được sử dụng trong tâm bệnh học hôm nay dường như cũng có một liên hệ nào đó với New Age chăng?

6. Não trạng “toàn cầu hóa”, “mì ăn liền”, “duy hiệu năng”, “duy thực dụng”, “duy trực cảm”, “duy tân” , “duy giải khuây”, “duy môi sinh”... có phải là con đẻ của New Age không?

7. Phải chăng đạo lý chính truyền của Công giáo không còn đáp ứng cơn khát tâm linh của con người thời đại, nhất là đối với những anh em Công giáo cựu trào phương Tây, nên hiện nay đang xuất hiện một dòng chảy tín đồ từ nền văn hoá Kitô giáo phương Tây ồ ạt lui về các nền văn hóa truyền thống phương Đông?

8. Việc áp dụng khoa Chiêm tinh học (Astrology) để hậu thuẫn cho viễn cảnh New Age chào đời có phải là một thói mê tín dị đoan của não trạng khoa học đương đại không?

9. Tâm trạng mỏi mệt của con ngưòi thời hậu hiện đại (post-modernism) có góp phần làm cho phong trào New Age một cơ duyên bành trướng nhanh chóng không?

10. Quan niệm “thiên hạ đồng quy nhi thù đồ” hoặc “nhứt tri bách lự” hoặc “đồng kỳ trần, hoà kỳ quang” của phương Đông có vẻ rất am hợp, và có thể là hậu cảnh cho hình thái tôn giáo hoàn vũ mà New Age đề xướng chăng?

11. Mơ ước để có một tôn giáo hoàn vũ (Universal Religion), một tổng hợp hài hoà (holiticism) giữa não trạng, tâm trạng và thể trạng Đông-Tây có phải là viễn vông quá không? Phải chăng đó chính là nỗ lực căn bản của New Age?

12. Thái quá cũng chết, bất cập cũng chẳng xong, lại còn đòi vén mây để thấy trời thì quả là đường đột và liều lĩnh, phải chăng phong trào New Age đã “vấp” phải một trong những nguyên tắc căn bản trên đây? Như vậy, chiều kích bí tích theo nghĩa rộng của Kitô giáo chân truyền có thực sự là bài thuốc giải cho hiện trạng New Age chăng?

Gò vấp, ngày 15/11/2003

Nhân ngày kính nhớ thánh Anbêtô Cả,
Bổn mạng của giới khoa học.


[1] Douglas Groothuis, Unmarking the New Age, Downer Grove, IL, InterVersity Press, 1986.
[2] J. Naisbitt & P. Aburdene, Megatrends 2000", William Morrow & Company, New York, 1990
[3] Trích nhạc phẩm của Galt MacDermot, Jame Rado and Gerome Raghi, Let the Sunshine in hoặc Aquarius, 1966