Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

VẤN ĐỀ TỰ DO TÍN NGƯỠNG THEO DÒNG LỊCH SỬ

Thời sự Thần học – Số 87, tháng 2/2020, tr. 185-218.

_Phan Tấn Thành_

Nhập đề. Từ ngữ. Tiếng Việt: tự do tín ngưỡng/tự do tôn giáo. Tiếng Anh: Religious tolerance/ religious freedom/freedom of religions

I. Từ đầu lịch sử Kitô giáo cho đến Công đồng Vaticanô II:
   A. Những thế kỷ đầu.
   B. Thời Trung cổ.
   C. Thời Cận đại

II. Công đồng Vaticanô II:
   A. Thần học trước Công đồng.
   B. Giai đoạn soạn thảo văn kiện về tự do tín ngưỡng.
   C. Tuyên ngôn Dignitatis Humanae

III. 50 năm sau Vaticanô II


Nhập đề

Hồi tháng 4 năm ngoái, Ủy ban Thần học Quốc tế đã công bố một văn kiện về tự do tín ngưỡng, mang tựa đề “Tự do tín ngưỡng vì điều thiện của mọi người. – Tiếp cận thần học trước những thách đố thời đại”. Đây không phải là một khảo luận về đề tài tự do tín ngưỡng, nhưng chỉ là những suy tư nhìn lại việc tiếp nhận giáo huấn của Công đồng Vaticanô II trong Tuyên ngôn Dignitatis humanae (được ban hành vào ngày 7/12/1965), trong vòng 50 năm qua[1]. Văn kiện gồm 7 chương: 1/ Một cái nhìn về bối cảnh hiện nay. 2/ Viễn ảnh của Dignitatis humanae vào thời ấy và vào thời nay. 3 / Quyền tự do tín ngưỡng về phía nhân vị. 4/ Quyền tự do tín ngưỡng về phía các cộng đồng. 5/ Nhà nước và tự do tín ngưỡng. 6/ Sự đóng góp của tự do tín ngưỡng vào sự sống chung và hòa bình xã hội. 7/ Tự do tín ngưỡng và sứ mạng của Giáo hội.

Chúng ta có thể mô tả cấu trúc của văn kiện như sau. Chương 1 điểm qua tình hình hiện nay về tự do tín ngưỡng. Chương 2 đọc lại văn kiện của Công đồng. Chương 3 và chương 4 giải thích hai khía cạnh của quyền tự do tín ngưỡng (nhân vị và cộng đồng). Chương 5 giải thích vai trò của Nhà nước đối với quyền này; đối lại, chương 6 cho thấy sự đóng góp của tôn giáo vào đời sống xã hội. Chương cuối cùng đề cập trên sứ mạng của Giáo hội đối với tự do tín ngưỡng.

Chúng tôi muốn lợi dụng cơ hội để trình bày lịch sử của vấn đề tự do tín ngưỡng, khởi đi từ thời buổi đầu của Kitô giáo, trải qua Vaticanô II, cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trước khi vào đề, thiết tưởng cần có đôi lời chung quanh từ ngữ, trong tiếng Việt và nhất là trong ngôn ngữ thần học. Từ ngữ được đặt lên để diễn tả một ý tưởng, nhưng có khi ý tưởng chưa rõ rệt và cần thời gian để tìm ra một từ ngữ thích hợp; thế nhưng, lắm lần hai người cùng sử dụng một từ ngữ nhưng lại hiểu theo hai nghĩa khác nhau do cách thức giải thích của mỗi người.

1. Tiếng Việt. Tự do tín ngưỡng hay tự do tôn giáo?

Trong tiếng Việt, liberté religieuse (Pháp) hoặc religious liberty (Anh) có khi được dịch là “tự do tín ngưỡng” có khi được dịch là “tự do tôn giáo”. Tín ngưỡng và Tôn giáo không phải là hai từ đồng nghĩa: tín ngưỡng nói lên niềm tin của con người (khía cạnh chủ thể); tôn giáo nói lên khía cạnh khách thể (một tôn giáo gồm đạo lý, phụng tự, hệ thống tổ chức)[2]. Khi đi vào cụ thể, việc xác định tín ngưỡng và tôn giáo lại càng phức tạp hơn: làm sao phân biệt “tín ngưỡng” với “mê tín”? Làm sao phân biệt “đạo” (chẳng hạn đạo thờ cúng tổ tiên) với “tôn giáo” / “giáo phái”?

2. Tiếng Âu. Những thuật ngữ trải qua lịch sử

Trong tiến trình bảo vệ và tranh đấu cho tự do tín ngưỡng, các học giả đã đề ra nhiều thuật ngữ, nhưng tiếc rằng chúng không mang cùng một nghĩa như nhau.

a) Religious Freedom

Thuật ngữ Religious Liberty gồm bởi một danh từ (Liberty / Freedom) và một tính từ Religious). Tính từ “religious” được hiểu về một lãnh vực của tự do (tức là tín ngưỡng: liberté religieuse), khác với các lãnh vực khác của công dân (chẳng hạn như: tự do dân sự, liberté civile). Tuy nhiên khi chuyển từ tính từ sang danh từ “religion”, thì nó có thể được giải thích theo nhiều chiều hướng:

- Freedom from religion: tự do khỏi mọi tín ngưỡng / tôn giáo: giải thoát khỏi mọi tôn giáo, bởi vì tôn giáo bị coi là tha hóa, thuốc phiện!

- Freedom for religion: tự do thực hành tín ngưỡng / tôn giáo.

- Freedom of religion: tự do của tôn giáo. Trong trường hợp vừa nói trên đây, chủ thể của tự do là con người (cá vị); còn trong trường hợp này, chủ thể là cộng đồng tôn giáo: cộng đồng này đòi hỏi quyền được truyền bá công khai, được cử hành những hành vi tôn giáo cách tập thể.

b) Freedom of conscience: Tự do lương tâm

Thuật ngữ này có thể hiểu theo nhiều nghĩa:

- Tâm lý: con người phải được hành động theo lương tâm, không bị cưỡng bách, chịu áp lực từ bên ngoài.

- Siêu hình: con người được tự do định đoạt điều phải trái, tốt xấu, không cần tuân theo một quy tắc luân lý nào hết.

c) Freedom of conscience/religious freedom/freedom of worship

Các thuật ngữ này không hoàn toàn đồng nghĩa.

- Tự do lương tâm và tự do tín ngưỡng. Tư do lương tâm thì rộng hơn tự do tín ngưỡng xét về chiều rộng: tự do lương tâm có thể bao hàm tất cả mọi xác tín cá nhân (chẳng hạn: không phá thai, không dùng bạo lực); tự do tín ngưỡng liên quan đến mối tương quan với Đấng Siêu Việt (như vậy là hẹp hơn).

- Tự do tín ngưỡng và tự do thờ tự. Sự khác biệt cũng xét về chiều rộng: tự do tín ngưỡng có thể nằm trong thâm tâm (cũng gọi là freedom of belief); còn tự do thờ tự (freedom of worship) đòi hỏi quyền được bộc lộ niềm tin ra bên ngoài, hoặc tư riêng hoặc cộng đồng.

d) Religious Tolerance – Religious Freedom

Trong lịch sử tranh đấu cho tự do tín ngưỡng, các văn kiện pháp lý đầu tiên sử dụng danh từ tolerance (thí dụ “Tolerance Act”, London 1689); phải mất nhiều thế kỷ mới chuyển sang khái niệm freedom. Hai từ này khác nhau ở chỗ nào?

Thiết tưởng không cần giải thích ý nghĩa của “freedom”, nhưng ý nghĩa của tolerance thì phức tạp hơn. Các từ điển Anh Pháp Việt thường liệt kê những từ tương đương như sau: sự chấp nhận, dung nạp, khoan dung, dung thứ, chịu đựng. Có lẽ tiếng cuối cùng này sát với nguyên ngữ hơn cả. “Tolerare” trong tiếng Latinh có nghĩa là chịu đựng, chấp nhận một sự dữ không thể tránh được, thái độ nhắm mắt làm ngơ hoặc cắn răng ngậm miệng. Thần học Công giáo dùng tiếng “tolerantia” trong lãnh vực tôn giáo (tolerantia religiosa), để nói tới việc nhà cầm quyền phải chấp nhận các tôn giáo khác với quốc giáo.

Thoạt tiên, tolerance xem ra có vẻ tiêu cực, nghĩa là đành nhượng bộ vì không thể làm khác hơn. Tuy nhiên, nó cũng có thể được giải thích theo nghĩa tích cực là “bao dung, khoan dung”, nghĩa là chấp nhận một quan điểm hoặc một lối sống khác biệt. Dù sao, freedom muốn nêu bật khía cạnh tích cực hơn. Như sẽ thấy trong phần lịch sử, cuộc tranh đấu cho lịch sử tự do tín ngưỡng có thể tóm lại qua công thức: “từ religious tolerance đến religious freedom”. Chúng ta cùng lượt qua lịch sử của vấn đề “tự do tín ngưỡng”.

I. Từ đầu lịch sử Kitô giáo cho đến Công đồng Vaticanô II

Vào thời xưa, thường mỗi bộ lạc, mỗi dân tộc theo một tín ngưỡng riêng; và tín ngưỡng ấy cũng tạo nên căn tính của cộng đồng. Thí dụ ngay tại nước Việt Nam: mặc dù người ta nói tới sự hiện diện của Tam giáo (Nho, Lão, Phật), nhưng mà đơn vị tế tự vẫn là gia đình, làng xã hay là quốc gia (thí dụ các lễ cúng gia tiên trong họ tộc, các hương lễ ở đình, và tế Nam Giao tại kinh đô). Do đó, ai không tham gia vào những buổi tế tự đó thì đương nhiên bị khai trừ khỏi gia đình, làng nước. Điều này cũng xảy ra cho Israel trong Cựu Ước, khi tôn giáo gắn liền với dân tộc và chính trị. Sự thay đổi tôn giáo không những chỉ mang tội “bội giáo” mà còn bị lên án là “phản quốc” nữa.

Vấn đề tự do tôn giáo được nêu lên với sự xuất hiện của Kitô giáo, một tôn giáo muốn thoát khỏi mối ràng buộc với một dân tộc hay quốc gia, bởi vì muốn mở rộng đến toàn thể nhân loại. Vì vậy mà các tín đồ Kitô giáo nhiều lần đã gặp phải sự chống đối của chính quyền, và không thiếu lần ngay từ trong gia đình của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng ngần ngại thú nhận rằng trải qua lịch sử, không phải lúc nào các Kitô hữu cũng tỏ ra thái độ bao dung với các tôn giáo khác. Chúng ta hãy rảo qua ba giai đoạn chính: những thế kỷ đầu; thời trung cổ; thời cận đại.

A. Những thế kỷ đầu tiên

1/ Ai cũng đã biết Kitô giáo đã bị Đế quốc Rôma bách hại trong suốt ba thế kỷ đầu tiên của lịch sử. Vì lý do gì? Điều chắc chắn là không phải tại vì Đế quốc Rôma độc tài hay độc tôn! Không, đế quốc Rôma rất bao dung: ai muốn thờ thần nào cũng được. Ngay tại Rôma, có đền Panthéon kính hết tất cả các thần của các dân bị chiếm làm thuộc địa. Có thể nói tới hai lý do chính khiến nhà cầm quyền Rôma lên án các Kitô hữu: (a) Thái độ ngạo mạn của họ: họ coi mình là đạo thật, và chỉ trích các người khác là tà đạo hoặc vô luân. (b) Họ khước từ không chịu tham gia vào các lễ nghi tế tự Hoàng đế.

Lý do thứ hai quan trọng hơn. Thực vậy, trong đế quốc Rôma, ai muốn thờ thần nào cũng được, và do đó không ai cấm các tôn giáo chê bai lẫn nhau. Tuy nhiên, đến khi đụng đến việc thờ Hoàng đế thì không ai được phép vắng mặt: bởi vì Hoàng đế tượng trưng cho chủ quyền quốc gia. Người Kitô giáo bị tố cáo là vô thần (impietas) bởi vì họ không tham gia vào nghi lễ tế tự của quốc gia. Chính đó là kẽ hở mà các nhà hộ giáo như Giustinô, Atenagora, Tertullianô đã dùng để bênh vực các người đồng đạo. Theo họ, Kitô giáo không xin đặc ân nào hết: họ chỉ muốn được đối đãi ngang với các tôn giáo khác mà thôi. Tại sao Đế quốc cho phép mỗi người được thờ thần nào tùy ý (kể cả chim cú, cá, mèo) mà lại cấm các Kitô hữu không được hành đạo? Hơn nữa, Tertullianô và Lactanxiô còn nhấn mạnh rằng, việc theo đạo là chuyện tự do: nếu theo đạo hay tế tự vì bị cưỡng bách thì đâu còn giá trị nữa? Thử hỏi có vị thần nào vui lòng chấp nhận một lễ tế bị cưỡng ép đâu?

2/ Với sắc chỉ của hoàng đế Constantinô (khoảng năm 312-313), Kitô giáo được nhìn nhận một chỗ đứng như các tôn giáo khác (religio licita): các tín đồ Kitô giáo được tự do thi hành phụng tự và thành lập đoàn thể. Tuy nhiên tình hình đã lật ngược nhanh chóng trong vòng 80 năm (312-391), khi mà Kitô giáo từ chỗ được đối xử ngang hàng với các tôn giáo khác, dần dần chiếm giữ thế độc tôn: đền thờ của các tôn giáo cổ truyền bị đóng cửa (sắc chỉ của hoàng đế Theodosio năm 380). Đối lại, Giáo hội cũng trả giá khá đắt khi được các Hoàng đế bảo vệ. Các hoàng đế đứng ra triệu tập công đồng, can thiệp để giải quyết các lạc giáo (thí dụ công đồng Nixêa năm 325 chống lại Ariô), thuyên chuyển các Giám mục khi thấy an ninh quốc gia đòi hỏi (thánh Athanasio là một trường hợp điển hình).

Trong bối cảnh đó, các giáo phụ bắt đầu suy tư về vai trò của chính quyền đối với vấn đề tôn giáo, tóm lại trong hai điểm sau đây:

(a) Chính quyền không được phép can thiệp vào vấn đề tôn giáo, cũng như Giáo hội không có lý do gì để xử các chuyện tranh tụng điền thổ. Nói khác đi, cần phải phân biệt hai lãnh vực: chính trị và tôn giáo. Đó là lập trường tiêu biểu của thánh Athanasiô bên Đông và của thánh Ambrosiô bên Tây.

(b) Chính quyền có nhiệm vụ cổ võ thuần phong mỹ tục, bài trừ những tệ đoan xã hội. Xem ra nguyên tắc đã quá rõ, nhưng áp dụng thế nào? Các giáo phụ chia ra nhiều ý kiến khi bàn tới các tà giáo, lạc giáo. Thánh Gioan Kim khẩu thì chủ trương cần phải dùng lý lẽ mà thuyết phục các lạc giáo; còn thánh Augustinô (từ năm 405) cho phép sử dụng vũ lực, dựa theo câu Phúc Âm của Luca 14,23 (“compelle intrare”: thúc bách họ đi vào).

B. Thời Trung cổ

Bộ mặt Âu châu đã thay đổi từ khi quân man di trở lại. Có thể nói được là toàn thể Âu châu đã theo Kitô giáo. Xã hội thời Trung cổ lại còn dựa trên tổ chức của các thái ấp phong kiến, theo đó, các thần dân phải tuyên thệ trung thành với lãnh chúa. Lãnh chúa được coi như cha mẹ của dân, phải lo cơm no áo ấm cho dân cũng như phải cổ võ đạo nghĩa luân lý của thần dân. Nói cách khác, nhà cầm quyền vừa lo cả phần xác cả phần hồn của người dân. Không thiếu lần, các lãnh chúa là chính Giám mục hay Viện phụ. Trên chóp bu của chính quyền là Hoàng đế, lãnh nhận quyền hành từ Đức Thánh Cha.

Trong bối cảnh đó, thần học về tự do tín ngưỡng được phát biểu qua tác giả điển hình là thánh Tôma Aquinô như sau:

- Không thể cưỡng ép ai phải chấp nhận đức tin. Nói khác đi, không được phép dùng vũ lực để bắt người ta trở lại Kitô giáo.

- Tuy nhiên, được phép dùng vũ lực để bắt các người lạc giáo phải từ bỏ sự sai lầm của mình, và trở về chính đạo (Sum. Theol. II-II, q.10, a.8).

Đó là nói trên nguyên tắc; còn trên thực tế, nhà cầm quyền phải biết dung thứ (tolerare) một vài sự dữ để tránh những tai họa lớn hơn: nếu mà muốn diệt hết các người xấu trong xã hội, ắt sẽ có đại loạn (II-II, q.10,a.11). Mặt khác, thánh Tôma cũng khẳng định mỗi người có bổn phận phải tuân theo lương tâm của mình, cho dù lương tâm sai lạc (conscientia erronea: I-II, q.19,5).

Như chúng ta đã biết, trên đời này lý thuyết với thực hành không luôn luôn đi đôi với nhau. Mặc dù Giáo hội chủ trương rằng, không ai được phép cưỡng bách người khác phải trở lại đạo; nhưng trong các cuộc chinh phục mở mang bờ cõi, các ông hoàng Kitô giáo không ngần ngại bắt dân bại trận phải theo đạo. Có lẽ là các ông hoàng đó nghĩ rằng mình phải cộng tác vào việc mở mang Nước Chúa với cương vị của mình. Dù nói gì đi nữa, không thể phủ nhận ích lợi chính trị của biện pháp vừa nói: nếu tất cả thần dân đều theo một tôn giáo như nhau, thì an ninh quốc gia sẽ được bảo đảm hơn. Đó cũng là lý do vì sao các ông hoàng thẳng tay trừng trị các lạc giáo: bởi vì nó gây ra nhiều xáo trộn cho xã hội, chẳng hạn lạc giáo manikêo và catari đả phá hôn nhân, tư hữu, lao động và quyền bính xã hội.

C. Thời Cận đại

Tại xã hội Âu châu thời Trung cổ, dân chúng nói được là toàn tòng Kitô giáo. Tình hình này được các sử gia gọi là Christianitas (Pháp: chrétienté; Anh: christendom). Nhà cầm quyền không phải chỉ lo cho nhân dân được an cư lạc nghiệp, mà còn có nhiệm vụ bảo vệ đức tin nguyên tuyền và phong hóa lành mạnh. Một cách cụ thể hơn, tuy rằng không ai được phép cưỡng bách người ngoại trở lại đạo; nhưng luân lý cho phép sử dụng vũ lực để đàn áp các lạc giáo, bắt họ từ bỏ sai lầm và trở về đàng ngay nẻo chính.

Chính trong bối cảnh đó mà vấn đề tự do tín ngưỡng được đặt ra tại Âu châu vào thời Cận đại, với các phong trào Cải cách Tin lành. Cuộc cải cách bắt đầu từ Martin Lutêrô. Lúc đầu Lutêrô bênh vực tự do của lương tâm trong vấn đề đức tin: đối với việc tin, con người chỉ phải trả lời trực tiếp với Chúa, chứ không phải lệ thuộc quyền bính nào, dù là Giáo hoàng hay hoàng đế. Như vậy, Lutêrô muốn lật ngược lại chủ trương của thần học Trung cổ; theo ông, chính quyền không có thẩm quyền gì mà phân xử các chuyện lạc giáo và truy nã họ. Tuy nhiên, đến khi phong trào Cải cách đã lớn mạnh thì Lutêrô lại thay đổi quan điểm. Một đàng, ông muốn bài trừ những gì mà ông gọi là dị đoan về phía Công giáo (lễ Misa, các dòng tu); đàng khác, có những nhóm chủ trương Cải cách đi quá xa, đến nỗi chối cả Chúa Ba Ngôi. Vì vậy mà Lutêrô lại quay về với thần học kinh viện, chủ trương rằng chính quyền có nhiệm vụ phải diệt trừ các lạc giáo. Các lãnh tụ khác của phe Cải cách như Zwingli, Calvinô cũng đồng ý như vậy. Thế nhưng vấn đề được đặt ra là: đâu là chính giáo? Đâu là lạc giáo? Dĩ nhiên, đối với các nhà Cải cách thì chỉ có họ mới là chính giáo; còn Công giáo và các phe khuynh tả cấp tiến đều là lạc giáo. Những cuộc chiến tranh tôn giáo đã diễn ra tại Đức, Pháp, Anh. Vua hay chúa mà theo phe nào thì dân phải theo phe đó (cuius regio, eius religio); các phần tử đối lập bị diệt trừ thẳng tay.

Phải thành thực nhìn nhận rằng, các cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo không phát xuất từ phía các giáo hội “chính quyền” (Công giáo, Luterô, Calvinô, Anh giáo), song là từ phía các nhóm thiểu số ly khai như là: “anabaptistes” (B. Hubmaier, S. Frank, S. Castellion), “antitrinitaires” (B. Ochino, J. Aconcio, F. Socino). Theo tâm lý thường tình, những thành phần thiểu số bị đàn áp thì gào thét để được tự do; nhưng đến khi nắm quyền rồi, họ sẽ loại trừ những thành phần đối lập. Dù sao, xét về mặt lý thuyết, các nhóm tranh đấu cho tự do tín ngưỡng đưa ra bốn luận cứ sau đây: bản chất của tôn giáo; nhà nước không có thẩm quyền trong lãnh vực tôn giáo; sự chung sống xã hội; tôn trọng lương tâm.

1. Bản chất của tôn giáo

Cốt yếu của tôn giáo không hệ tại ở các tín điều, mà ở chỗ đời sống liêm chính. Vì vậy không nên đặt ra vấn đề chính giáo với lạc giáo làm gì. Đạo nào cũng có lý lẽ của nó; mỗi người chúng ta chỉ nhìn thấy một góc cạnh của chân lý mà thôi. Vì vậy, thay vì chửi bới người khác là lầm lạc, tốt hơn ta hãy cố gắng chú trọng vào việc tu tâm dưỡng tính đi. Trên đời này còn biết bao nhiêu tội lỗi nặng hơn tội rối đạo chứ: giết người, cướp của, tà dâm. Dĩ nhiên, không thiếu người tựa như Sebastien Castellion (một nhà thần học cải cách nhưng ly khai khỏi Calvinô) đã đòi xét lại quan niệm về “lạc giáo”: quan niệm này rất hàm hồ, bởi vì như lịch sử đã cho thấy, khuynh hướng tự nhiên là đi chụp mũ “lạc giáo” cho những ai không đồng ý kiến với mình. Vài tác giả khác, (như Nicolas de Cusa, Marsilio Ficino, Erasmus) cho rằng tất cả các tôn giáo trước sau gì rồi cũng sẽ dẫn con người về với chân lý của Đức Kitô.

2. Nhà nước hoàn toàn vô thẩm quyền trong vấn đề tôn giáo

Lý do thứ hai bênh vực cho tự do tôn giáo là Nhà nước hoàn toàn vô thẩm quyền trong vấn đề tôn giáo. Vai trò của Nhà nước là bảo đảm an ninh trật tự, lo cho dân được cơm no áo ấm. Còn vấn đề tín ngưỡng là chuyện riêng của các công dân và của các tôn giáo. Vấn đề thẩm định đâu là chính đạo và đâu là tà đạo không thuộc về chức năng của Nhà nước. Các tác giả tiêu biểu của luận cứ này là Roger Williams, John Locke, Christian Thomas. Cũng nên biết là sự phân biệt hoàn toàn giữa thế quyền với giáo quyền chỉ được thực hiện triệt để tại Hoa Kỳ, nơi mà nhà nước không bênh cũng không chống một tôn giáo nào, còn tại Âu châu, trong các thế kỷ XVI-XIX, Nhà nước thường là phò một tôn giáo này và bài trừ các tôn giáo khác; và không thiếu lần đàn áp tất cả các tôn giáo.

3. Sự an bình của cộng đồng xã hội

Lý do thứ ba bênh vực tự do tín ngưỡng là việc sống chung trong xã hội. Nếu Nhà nước đàn áp các tôn giáo hoặc nếu các tôn giáo gây chiến với nhau thì xã hội đâm ra loạn lạc, với nhiều ảnh hưởng tai hại cho hòa bình, sự sản xuất kinh tế. Đây là chủ trương của các nhà chính trị học và kinh tế học, như Michel de l’Hospital, Jean Bodin. Ta thấy rằng so với thời Trung cổ, quan điểm chính trị đã thay đổi: trước đây, nếu toàn dân cùng theo một tín ngưỡng như nhau thì trật tự xã hội sẽ được bảo đảm; nhưng bây giờ, việc chấp nhận tự do tín ngưỡng mới thực sự cần thiết để duy trì an ninh xã hội. Mặt khác, không thiếu nhà thần học đã trích dẫn dụ ngôn về cỏ lùng nói trong Phúc Âm: bao lâu còn sống trên đời này, chúng ta không thể nào bứng hết cỏ dại được, nếu không muốn nhổ lây cả cỏ tốt.

4. Lương tâm con người phải được tôn trọng

Lý do thứ bốn là tôn trọng lương tâm con người. Lý do này phần nào có liên hệ với lý do thứ nhất, bởi vì gắn liền với bản chất của tín ngưỡng. Việc cưỡng bách theo một tín ngưỡng mà lương tâm không xác tín sẽ đưa tới sự theo đạo bôi bác bề ngoài, giả hình. Thiên Chúa đâu ưa thích lối theo đạo đó? Việc truyền đạo phải được tiến hành qua đường lối thuyết phục bằng lý lẽ chứ không phải bằng cách cưỡng ép.

Đối với thần học Công giáo thì lý do thứ bốn được coi là mạnh hơn cả. Trên thực tế, vấn đề tự do tín ngưỡng hầu như được đồng hóa với vấn đề tự do của lương tâm.

Ngoài ra cũng nên biết là những lý do bênh vực tự do tín ngưỡng vừa nêu đã phát xuất từ các tín đồ chân thành, muốn được yên ổn thực hành niềm tin của mình mà không bị bách hại, bắt bớ tù đày. Thế nhưng, từ thế kỷ XVIII-XIX trở đi, tự do tín ngưỡng lại được dùng làm chiêu bài của những nhà triết học duy lý (như Gotthold Lessing, J. J. Rousseau, Voltaire), để đả kích tôn giáo. Theo họ, cần phải tranh đấu cho tự do tín ngưỡng, bởi vì không có tôn giáo nào đạt tới chân lý hết: chân lý chỉ có thể tìm thấy trong các lý luận triết học mà thôi. Nói khác đi, theo các nhà triết gia này “tự do tín ngưỡng” đồng nghĩa với việc “tự do khỏi tín ngưỡng”, gạt bỏ các tôn giáo. Bài học đau thương cho các Giáo hội và các tôn giáo là các cuộc cách mạng chính trị xã hội đã không mang lại cho các công dân quyền tự do được theo bất cứ tín ngưỡng nào mà họ thích, nhưng họ bị buộc phải theo tín ngưỡng của cách mạng: chẳng hạn như đạo tôn thờ lý trí tại Pháp (sau cách mạng 1789) và đạo của mácxít vô thần tại Nga (sau cách mạng 1917).

II. Công đồng Vaticanô II

Trên đây là sự tiến triển của quan điểm tự do tín ngưỡng trong triết học và pháp lý. Bây giờ chúng ta điểm qua sự tiến triển của thần học Công giáo, trải qua ba chặng: 1/ trước Công đồng Vaticanô II ; 2/ thời gian họp Công đồng và soạn thảo văn kiện về tự do tín ngưỡng; 3/ tuyên ngôn Dignitatis humanae.

A. Thần học trước Công đồng

Trong các sách thần học soạn ra trong tiền bán thế kỷ XX, vấn đề tự do tín ngưỡng được nhìn dưới góc cạnh vai trò của Nhà nước đối với tôn giáo, tóm lại trong ba điểm: a) điểm thứ nhất có tính cách nguyên tắc; b) điểm thứ hai có tính cách áp dụng trong các nước Công giáo; c) điểm thứ ba áp dụng trong các nước không Công giáo.

1. Nguyên tắc

Quốc gia và Giáo hội là hai xã hội hoàn bị (societas perfecta) tách biệt nhau, bởi vì mỗi bên có những cơ chế hoàn bị, để theo đuổi những mục tiêu riêng biệt của mình. Tuy tách biệt, nhưng đôi bên gắn bó chặt chẽ với nhau, vì lẽ cùng ảnh hưởng tới một môi trường chung: những tín hữu cũng là những công dân; cả Giáo hội lẫn Quốc gia đều nhằm tới việc cổ võ hạnh phúc cho dân.

2. Áp dụng cho các chính quyền Công giáo

Trong các nước Công giáo, chính quyền phải cung cấp cho Giáo hội Công giáo những phương tiện cần thiết để thực thi sứ mạng của mình. Còn với các tôn giáo khác, chính quyền phải áp dụng chính sách “bao dung tôn giáo” (tolerantia religiosa), nghĩa là chấp nhận cho họ được hoạt động trong giới hạn cần thiết để duy trì an ninh công cộng. Nhưng chính quyền không thể nào đối xử đạo chính ngang hàng với đạo tà được.

3. Áp dụng cho các chính quyền không Công giáo

Trong các nước không Công giáo, chính quyền phải áp dụng luân lý tự nhiên, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng đồng đều cho hết mọi tôn giáo.

B. Giai đoạn soạn thảo văn kiện về tự do tín ngưỡng (viết tắt TDTN)

Chúng ta đã lượt qua sự tiến triển của quan niệm về TDTN qua dòng lịch sử. Lúc đầu TDTN được trình bày như một yêu sách của các nhóm thiểu số bị bách hại; dần dần TDTN cũng được dùng như chiêu bài để tiêu diệt các tôn giáo. Còn Giáo hội Công giáo chấp nhận TDTN theo nghĩa là không ai được phép cưỡng bách người khác phải theo đạo Kitô. Nhưng Giáo hội không thể nào chấp nhận TDTN theo nghĩa ai muốn theo đạo nào thì theo (bất kể đạo chân thật hay đạo sai lầm). Không được! Con người có nghĩa vụ phải theo đạo thật. Dĩ nhiên, đạo đúng (đạo thật) là đạo đã được Chúa mặc khải, và chính là Kitô giáo. Do đó mà chính quyền phải bênh vực đạo Công giáo; còn các đạo khác thì chỉ có thể “dung thứ” (tolerare), chứ không thể nào đặt các tôn giáo ngang nhau được.

Trong thời gian nhóm họp Công đồng Vaticanô II, từ khi được đệ trình cho các nghị phụ tranh luận cho đến lúc được biểu quyết chấp thuận, nghĩa là trong khoảng 2 năm (từ tháng 11 năm 1963 đến tháng 11 năm 1965), ủy ban soạn thảo đã phải viết đi viết lại 7 lược đồ về TDTN: lúc đầu như là một chương của văn kiện về đại kết (Schema decreti De Oecumenismo. Cap.V: De Libertate religiosa), dần dần tách hẳn ra thành một văn kiện riêng (từ lược đồ thứ ba trở đi). Nói chung, hầu hết các nghị phụ đều nhận thấy cần phải lên tiếng để tranh đấu cho TDTN, bởi vì tại nhiều nơi, các tín hữu Công giáo bị chèn ép không được tự do giữ đạo. Nhưng mà phải trình bày TDTN như thế nào để khỏi rơi vào những chủ trương sai lầm của các thuyết duy lý vô thần, kẻo rồi gậy ông lại đập lưng ông? Chính những khó khăn đó đã khiến cho việc soạn thảo văn kiện trở nên gay go, đến nỗi vào lúc căng thẳng, các nghị phụ đã bị giằng co giữa hai ý kiến cực đoan: một bên thì muốn dẹp quách vấn đề bởi vì chưa chín mùi; còn bên kia thì muốn chỉ ra một tuyên ngôn ngắn gọn, không cần phải lý luận dài dòng gì hết. Tuy nhiên ở giữa hai thái độ bốc đồng đó, ủy ban kiên nhẫn tìm một lối thoát.

Một nguyên nhân chính của các cuộc tranh cãi là ý nghĩa hàm hồ của thuật ngữ TDTN. Trải qua lịch sử châu Âu, thuật ngữ này được giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau, từ phía cá nhân, hoặc từ phía chính quyền, hoặc từ phía Giáo hội.

1. Xét từ phía cá nhân (khía cạnh triết học)

- Tự do là gì? Phải chăng tự do có nghĩa là: muốn làm gì thì làm? Làm sao dung hòa giữa tự do của cá nhân với việc sống chung trong xã hội? Dưới khía cạnh luân lý, tôi có quyền tự do làm điều xấu không (phạm tội ác), hay là tôi luôn luôn buộc phải làm điều tốt?

- Tự do tín ngưỡng là gì? Tôi có quyền theo bất cứ đạo nào tôi thích (bởi vì đạo nào cũng như đạo nào)? Hoặc là tôi có quyền không theo đạo nào hết (bởi vì đâu có đạo nào thỏa mãn hết các đòi hỏi của tôi)?

2. Xét từ phía chính quyền (khía cạnh pháp luật)

- Chính quyền có bổn phận bảo vệ thuần phong mỹ tục không? Hay là cứ để cho các công dân, các đoàn thể muốn làm gì thì làm, chẳng hạn: chồng muốn lấy bao nhiêu vợ cũng được (chiếu theo giáo lý của họ)?

- Chính quyền có nên dung túng tất cả các hình thức tín ngưỡng không, kể cả các chuyện mê tín dị đoan? Chính quyền phải có thái độ nào đối với các phong trào quá khích chủ trương “thánh chiến”?

3. Xét từ phía Giáo hội (khía cạnh thần học)

- Phải chăng TDTN đồng nghĩa với “tự do lương tâm”, đặt lương tâm lên trên các đạo lý đức tin?

- Phải chăng TDTN đồng nghĩa với việc “tự do cải đạo”, có thể bỏ đạo Chúa để chuyển sang các đạo khác?

C. Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (DH): Những góc độ tiếp cận

Sau những cuộc tranh cãi lâu dài, cuối cùng ban soạn thảo lược đồ đã quyết định hạn chế lại vấn đề như sau:

1/ Tuyên ngôn không bàn về tất cả mọi khía cạnh của TDTN, cách riêng không đi vào khía cạnh thần học của vấn đề; không đề cập đến vấn đề Thiên Chúa đã mặc khải đạo chân thật trong Giáo hội; không đề cập đến nghĩa vụ của con người phải đi tìm chân lý, và phải gắn bó với chân lý; không đề cập đến tương quan của người tín hữu đối với các vị lãnh đạo tôn giáo của họ (trong nội bộ Giáo hội).

Sở dĩ cần phải “rào đón” như vậy, bởi vì trong quá khứ đã có nhiều chủ trương sai lầm về thần học chung quanh khái niệm TDTN. Để tránh những hiểu lầm, ở đoạn mở đầu, văn kiện tuyên bố:

a) TDTN không đồng nghĩa với thái độ thờ ơ lãnh đạm, dửng dưng với tôn giáo (indifferentismus religiosus). Không phải thế! Con người, tự bản tính, bị thúc đẩy muốn tìm biết chân lý, nhất là chân lý liên quan tới tôn giáo, tới ý nghĩa sự sống. Lý trí con người bị thúc đẩy đi tìm chân lý, cũng như ý chí bị hấp dẫn về điều thiện.

b) TDTN không có nghĩa là đạo nào cũng như đạo nào; chẳng có đạo nào thật đạo nào quấy, chẳng có chân lý nào tuyệt đối. Giáo hội Công giáo tin rằng Thiên Chúa, qua Đức Kitô, đã mặc khải cho nhân loại con đường đưa tới hạnh phúc thật. Giáo hội được Đức Kitô ủy thác phải loan truyền con đường ấy. (Mặt khác, chúng ta cũng đã biết rằng Công đồng Vaticanô II nhìn nhận có những mầm mống chân lý ở ngoài Giáo hội Công giáo nữa: LG 16; AG 3.11; NA 2).

c) TDTN không có nghĩa là đặt lương tâm làm tiêu chuẩn tuyệt đối của chân lý. Ở số 3, tuyên ngôn bàn sâu hơn về bản chất của lương tâm. Chúng ta có bổn phận phải hành động theo tiếng nói của lương tâm; nhưng mà lương tâm phải được uốn nắn cho hợp với luật của Thiên Chúa.

2/ Tuyên ngôn chỉ giới hạn vào khía cạnh pháp luật (DH 2), nghĩa là xét trong tương quan giữa công dân với Nhà nước, được phát biểu qua các bản tuyên bố về quyền lợi và nghĩa vụ (chẳng hạn như Bản Tuyên ngôn nhân quyền của LHQ năm 1948)[3]. TDTN là một quyền lợi của con người, trong tương quan với xã hội, với nội dung cụ thể như sau: “Con người được quyền không bị ai khác - dù là cá nhân, đoàn thể hay quyền lực nào - cưỡng bách phải hành động trái với lương tâm; cũng như được quyền không bị ngăn cấm hành động hợp với lương tâm”. Chúng ta nên ghi nhận bốn điểm sau đây:

a) Công đồng đã trình bày TDTN như là một quyền lợi (ius), nghĩa là cái gì chính đáng, công bằng trong mối tương quan xã hội (giữa con người với nhau).

b) Quyền này hệ tại sự tự do không bị người khác cưỡng bách mình hành động trái với lương tâm. Có thể coi thành ngữ then chốt của văn kiện ở chỗ: được thoát khỏi cưỡng bách (immunitas a coactione), được lặp đi lặp lại nhiều lần (số 1a.c; 2a.b.; 3c; 4a; 9; 12b). Sự cưỡng bách này được hiểu là về phía những chủ thể khác (coactio externa: từ bên ngoài) dù là cá nhân hay đoàn thể. Một lần nữa, TDTN được xét trong mối tương quan xã hội, chứ không nói tới chiều kích siêu việt. Như vừa thấy trên đây, không thể nói rằng con người được tự do khi đối diện với chân lý (muốn nhận hay không tùy ý); bởi vì lý trí bị thu hút bởi chân lý. Vì vậy, nếu một người nào chối rằng hai với hai không phải là bốn, thì không phải là một con người tự do mà chỉ là thằng ngu. Dù vậy, không ai có quyền đè cổ nó xuống để cưỡng bách nó phải chấp nhận chân lý, bởi vì làm như vậy là xâm phạm phẩm giá con người. Chân lý phải được chấp nhận qua sự diễn giảng thuyết phục, chứ không phải qua vũ lực.

c) Ở đây, quyền của con người không bị cưỡng bách được giới hạn vào lãnh vực tín ngưỡng (in materia religiosa). Nó bao hàm hai mặt: một đàng không được phép cưỡng bách con người phải chấp nhận một tín ngưỡng trái với thâm tín của mình; đàng khác, không được phép cưỡng bách để ngăn cấm con người không được hành động phù hợp với thâm tín của mình. Khía cạnh thứ hai thì hẹp hơn khía cạnh thứ nhất, bởi vì phải chịu một số giới hạn. Thực vậy, không ai có quyền bắt tôi phải theo một tín ngưỡng trái với lương tâm của tôi: điều này có tính cách tuyệt đối. Tuy nhiên, khi nói rằng không ai có quyền ngăn cản tôi hành động theo lương tâm của tôi, thì còn phải lưu ý tới nhiều yếu tố: thí dụ tôi không thể bắt loa phóng thanh để đọc kinh vào lúc nửa đêm khi mà hàng xóm cần yên tĩnh để ngủ. Nhất là nếu lương tâm tôi cho rằng giết quân vô đạo là một điều tốt, thì chắc chắn rằng xã hội không thể nào khoanh tay để cho tôi được thao túng. Nội dung của lãnh vực tôn giáo sẽ được mô tả khi nói tới các chủ thể của quyền lợi trong các số 3-5.

d) Sau cùng, nên lưu ý là văn kiện bàn tới quyền TDTN xét trong xã hội trần thế, như đã ghi nhận ở tựa đề: “de iure personae et communitatum ad libertatem socialem et civilem in re religiosa” (về quyền của các cá nhân và cộng đoàn được hưởng tự do xã hội và dân sự trong lãnh vực tôn giáo). Tự do “xã hội”, nghĩa là tự do của con người khi sống trong xã hội (Công đồng không nói tới tự do của con người ở trước mặt Chúa). Tự do trong “xã hội dân sự” có nghĩa là trong xã hội trần thế (Công đồng không muốn nói tới quyền TDTN trong nội bộ của các tôn giáo).

3/ Chủ thể của quyền TDTN

Một khi đã coi TDTN như là một quyền lợi xã hội, lập tức một câu hỏi sẽ được nêu lên: ai có quyền đó (ai là chủ thể tác động)? Đối lại, ai phải tôn trọng quyền đó (chủ thể thụ động)?

Xét vì TDTN là một quyền dựa trên phẩm giá của con người, cho nên tất cả mọi người đều là chủ thể của quyền này, cho dù họ là người vô thần. Thực vậy, phẩm giá của con người đòi hỏi rằng, không ai được phép cưỡng bách người vô thần phải chấp nhận một tín ngưỡng mà họ không thâm tín. Ngoài các cá nhân, Công đồng còn liệt kê hai chủ thể nữa, đó là cộng đoàn tôn giáo (số 4) và các gia đình (số 5).

a) Về nội dung của quyền TDTN mà mỗi cá nhân được hưởng, văn kiện kê ra như sau: được chấp nhận một tín ngưỡng; được diễn đạt niềm thâm tín của mình; được thông truyền chân lý của đạo mình; được tuyên xưng tín ngưỡng với những người đồng đạo; được điều hành cuộc sống họa theo các yêu sách của tôn giáo. Như vậy, quyền TDTN thì rộng hơn tự do lương tâm: bởi vì tự do lương tâm chỉ giới hạn trong lãnh vực nội tại của con người (những hành vi của lý trí và ý chí); còn TDTN còn bao gồm cả những sự phát biểu ngôn ngữ cũng như hành vi phụng tự và những sinh hoạt khác nữa, nhất là khi có tính cách cộng đoàn.

b) Các cộng đồng tôn giáo cũng là chủ thể của quyền TDTN, bởi vì bản tính con người là sống hợp đoàn. Một khi đã nhìn nhận cho con người có quyền TDTN thì cũng phải chấp nhận quyền của các cộng đoàn tôn giáo. Nó bao hàm những hoạt động phụng tự, giáo huấn, tổ chức, được mô tả ở số 4.

c) Văn kiện đã dành số 5 cho gia đình như là một chủ thể của quyền TDTN, xét vì là một đơn vị đặc biệt của xã hội, cũng như là một cộng đoàn tôn giáo đặc biệt, nơi mà cha mẹ có bổn phận và quyền lợi trong việc giáo dục con cái về mọi mặt.

4/ Chủ thể thụ động

Vừa rồi chúng ta đã xét tới những chủ thể tác động của quyền TDTN (ai có quyền?). Xét vì là một tương quan xã hội, quyền lợi của người này sẽ phát sinh ra nghĩa vụ nơi một người khác, gọi là chủ thể thụ động (subiectum passivum). Hỏi ai có nghĩa vụ phải tôn trọng quyền TDTN?

a) Số 6 đã liệt kê các chủ thể thụ động như sau: những công dân khác, các đoàn thể xã hội, chính quyền, Giáo hội, các cộng đoàn tôn giáo khác. Như vậy, ta thấy rằng, đừng kể chính quyền, các chủ thể thụ động cũng trùng hợp với các chủ thể tác động. Tôi có quyền đòi hỏi người khác không được cưỡng ép tôi hành động trái với lương tâm; đối lại, tôi có bổn phận không được cưỡng ép người khác hành động trái với lương tâm của họ. Ta cũng có thể nói cách tương tự như vậy đối với các cộng đoàn tôn giáo. Vì thế, ở số 7, văn kiện nói tới những giới hạn của việc hành sử quyền TDTN, đó là: bổn phận đối với tha nhân; bổn phận đối với công ích. Nói cách khác, dưới khía cạnh luân lý, việc thi hành quyền TDTN đòi hỏi tinh thần trách nhiệm: trách nhiệm phải tìm hiểu, đào sâu thêm chân lý, cũng như trách nhiệm tôn trọng tha nhân, và trách nhiệm đối với công ích.

b) Trong số các chủ thể thụ động, văn kiện đã dành một đoạn khá dài cho chính quyền, xét vì lịch sử cho thấy quyền TDTN đã bị vi phạm nhiều lần về phía chính quyền, với vũ lực mà họ nắm trong tay. Nên biết là chính quyền không phải chỉ hiểu về nhà nước, mà còn bao hàm các quyền bính xã hội khác (thôn xã, bộ lạc, hay cơ quan quốc tế). Đối với quyền TDTN của người dân, chính quyền có bổn phận như thế nào? Công đồng trả lời: xét cách tiêu cực, chính quyền không được xen lấn vào nội bộ của các tôn giáo, lại càng không thể đàn áp tôn giáo; xét cách tích cực, chính quyền hãy thăng tiến đời sống tôn giáo của người dân, và phối trí sao cho các sinh hoạt tôn giáo được phù hợp với công ích.

Trong những cuộc bàn cãi của các nghị phụ, một vấn đề gay go nhất là vai trò của chính quyền đối với tôn giáo. Trước đây, các sách thần học đều nói tới bổn phận của nhà cầm quyền Công giáo phải bảo vệ Giáo hội và bài trừ những tà giáo lẫn những gì xâm phạm tới thuần phong mỹ tục. Bây giờ lại nói rằng chính quyền phải cổ võ TDTN, vậy thì có phải là ngược đời hay không? Một quốc trưởng Công giáo có thể ký luật cho phép xây cất một đền thờ của tôn giáo khác hay không?

Để trả lời cho vấn nạn đó, ủy ban soạn thảo đã lưu ý rằng trong những thế kỷ gần đây, quan điểm về tổ chức chính quyền đã thay đổi. Trong các xã hội cổ thời, người lãnh đạo coi thần dân như con cái: vua quan là cha mẹ của dân; cho nên phải lo sửa trị chúng nếu chúng hư hỏng. Đối lại vua quan cũng phải ăn ở cho có đức để làm gương cho dân. Tuy nhiên, ngày nay, trong các xã hội dân chủ, quan điểm ấy đã thay đổi: người ta tách biệt giữa “xã hội” với “nhà nước”, cũng như giữa đời công với đời tư. Nhà nước lo quản lý guồng máy công cộng, bảo đảm an ninh trật tự của xã hội. Các nhân viên nhà nước không còn phải là cha mẹ của dân nữa: người dân không cần biết đến đời tư của các người lãnh đạo, và những người này cũng không can thiệp vào đời tư của các công dân. Chính trong bối cảnh đó mà Công đồng nói tới giới hạn và bổn phận của chính quyền đối với quyền TDTN của các công dân.

5/ Nền tảng của quyền TDTN

Khi bàn về nền tảng của TDTN, ủy ban soạn thảo đã phải nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần trải qua các lược đồ khác nhau. Trong văn kiện được ban hành, luận cứ chính được đặt trên phẩm giá của con người bàn ở số 2; nhưng bên cạnh đó cũng còn thêm 4 lý do phụ nữa được quảng diễn ở số 3, đó là: tự do của lương tâm; sự toàn vẹn của nhân vị; vai trò của chính quyền; công ích. Chúng ta hãy điểm qua tất cả 5 lý do ấy.

a) Phẩm giá con người. Con người là hữu thể có lý trí và tự do, hành động có trách nhiệm; vì thế không thể bị cưỡng bách câu thúc như súc vật. Thêm vào đó, con người tự bản chất muốn tìm kiếm chân lý, và muốn sống theo chân lý. Thế nhưng việc tìm kiếm chân lý phải tiến hành theo bản tính của con người, nghĩa là chấp nhận chân lý cách tự do sau khi đã tra cứu, sưu tầm, đối thoại, chứ không phải bị áp đặt bằng vũ lực (xem thêm số 3b).

b) Tự do lương tâm. Trong các lược đồ đầu tiên, tự do lương tâm được coi như luận cứ chính của TDTN, nhưng nay được coi như hệ luận của phẩm giá con người. Lương tâm không phải là tiêu chuẩn tuyệt đối của chân lý; lương tâm là cơ quan để con người nhận biết luật luân lý hằng cửu để mà điều khiển các hành vi. Con người có trách nhiệm phải hành động hợp theo mệnh lệnh của lương tâm. Vì thế việc cưỡng bách hành động trái với lương tâm, hay là việc ngăn trở không được hành động theo lương tâm đều làm thương tổn phẩm giá con người (số 3a). Công đồng bàn rộng hơn về lương tâm trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” số 16-17.

c) Sự toàn vẹn của nhân vị. Con người vừa có hồn vừa có xác, lại sống hợp quần trong xã hội. Bởi đó, con người tự nhiên muốn phát biểu ra bên ngoài điều mà lý trí đã khám phá, để trao đổi thông đạt cho tha nhân. Vì vậy, việc ngăn cấm con người phát biểu hay trao đổi tín ngưỡng là điều xúc phạm tới sự toàn vẹn của nhân vị (số 3c).

d) Giới hạn của chính quyền. Chính quyền có bổn phận phải xúc tiến công ích của xã hội, trong đó có việc bảo đảm cho người dân được thực hành tín ngưỡng của mình. Tuy nhiên, chính quyền sẽ vượt quá giới hạn của mình khi muốn can thiệp vào nội bộ của sinh hoạt tôn giáo, bởi vì tín ngưỡng là một vấn đề vượt quá tầm mức trần thế này (số 3e).

e) Công ích xã hội. Công ích của xã hội đòi hỏi rằng công dân không những phải được cơm no áo ấm, nhưng còn phải được thỏa mãn những nhu cầu tinh thần nữa, như: giáo dục, văn hóa, và tiên vàn là tín ngưỡng, nơi họ tìm thấy bí quyết hạnh phúc của họ.

6/ Căn bản Kinh Thánh

Văn kiện của Công đồng được chia làm hai phần chính: Phần thứ nhất (số 2-8) trình bày các luận cứ dựa theo lý trí, Công đồng muốn đối thoại với hết mọi người. Phần thứ hai (số 9-15) xét vấn đề dưới ánh sáng Kinh Thánh, dành cho các Kitô hữu.

Tại Công đồng, không thiếu những nghị phụ đã nại đến Kinh Thánh để bác bỏ TDTN: Kinh Thánh đã chẳng kết án tội thờ tà thần, và đôi khi còn cho phép phá hủy đền thờ của các tôn giáo khác đấy ư?

Để trả lời cho vấn nạn đó, ủy ban soạn thảo nói rằng: vấn đề TDTN được đặt ra ở đây không phải là nhìn nhận cho các tín hữu được phép bỏ đạo Thiên Chúa để theo đạo khác. Vấn đề TDTN chỉ được xét trong tương quan xã hội, như là một quyền lợi của con người không bị người khác cưỡng bách theo đạo hay bỏ đạo. Tuy vấn đề mới mẻ, nhưng ta cũng có thể tìm thấy những căn bản trong Kinh Thánh, đặc biệt là trong Tân Ước. Thực vậy, không những Kinh Thánh đã đề cao phẩm giá cao quý của con người là được kêu gọi vào chia sẻ hạnh phúc với Chúa, nhưng còn cho thấy những mẫu gương tôn trọng quyết định tự do của con người.

a) Dựa vào Kinh Thánh, Giáo hội luôn luôn chủ trương rằng việc tin đạo và trở lại phải có tính cách tự do, không bị cưỡng chế.

b) Trong cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã dùng lời nói và việc làm để thuyết phục dân chúng, nhưng không bao giờ cưỡng bách họ. Người đã chọn con đường khiêm hạ, hiền lành (Mt 11,29); và không chấp nhận cho các môn đệ sử dụng gươm giáo để bảo vệ Người trong giờ Tử nạn (Mt 26,51-53; Ga 18,36). Người khuyên các môn đệ hãy kiên nhẫn, chấp nhận cỏ lùng trong cánh đồng, cho tới thời cánh chung (Mt 11,28-30; Ga 6,67-68). Mặt khác, Đức Kitô cũng khai mào việc tách rời quyền đạo khỏi quyền đời, giữa hoàng đế Cesar và Thiên Chúa (Mt 22,21), giữa vương quốc thế trần với triều đại Thiên Chúa.

c) Theo gương Đức Kitô, các thánh Tông đồ cũng đã rao giảng Phúc Âm với sự dạn dĩ của tinh thần, chứ không dùng vũ lực quyền thế. Họ khẳng khái tuyên bố vâng lời Thiên Chúa hơn là tuân theo quyền bính thế gian (Cv 5,29). Thánh Phaolô khuyên nhủ phải tôn trọng lương tâm của tha nhân, nhất là của những người yếu đuối (Rôma chương 14; 1Cor chương 8 và 10).

d) Cũng nên biết là ở số 10, Công đồng không e ngại thú nhận rằng trải qua lịch sử, con cái của Giáo hội không luôn luôn cư xử theo đường lối của Tin Mừng[4].

III. 50 năm sau Vaticanô II

Tình hình của thế giới đã thay đổi rất nhiều trong vòng nửa thế kỷ. Đây là phần suy tư chính của văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế.

Vào thời Công đồng, mỗi khi nói đến những sự hạn chế quyền TDTN, người ta liên tưởng ngay đến khối các quốc gia Cộng sản (ở phía Đông Âu và trải dài suốt phần lớn Á châu). Tuyên ngôn Dignitatis humanae được soạn theo tinh thần của bản tuyên ngôn nhân quyền của LHQ (năm 1948), cách riêng là quan niệm về “Nhà nước pháp quyền” (Etat de Droit), được đề cao tại các quốc gia thuộc khối tự do.

Ngày nay bản đồ thế giới đã thay đổi, cách riêng sau sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Tuy nhiên, tình hình TDTN không vì thế mà trở nên khả quan hơn. Điều trớ trêu là quyền TDTN bị hạn chế tại các nước vốn được xếp vào loại “dân chủ tự do”. Văn kiện này không theo dõi thống kê của các cơ quan quốc tế, nhưng chỉ muốn trình bày vấn đề dưới góc độ triết học và thần học (giống như phương pháp trình bày giáo huấn xã hội của Giáo hội)[5].

Điểm đầu tiên đáng ghi nhận là hiện tượng tôn giáo vẫn tồn tại trên thế giới, bất chấp những dự đoán cho rằng tôn giáo sẽ lùi bước và tan biến trước tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Điều đáng lo ngại là tại vài nơi, hiện tượng “bảo căn” (fundamentalism)[6] phát triển: phải chăng đây là một phản ứng chống lại trào lưu tục-hóa trong các xã hội Tây phương? Đối lại, phía Tây phương lại muốn đồng hóa tôn giáo với hiện tượng fundamentalism, gây ra một ấn tượng tiêu cực về tôn giáo. Nói một cách cụ thể, các phương tiện truyền thông Âu Mỹ thường đồng hóa Islam với “khủng bố”, chứ không chịu khám phá những bộ mặt khác của tôn giáo này.

Trong bối cảnh này, văn kiện (số 5) muốn cho thấy quyền TDTN đang bị vi phạm tại các nước “tự do” dưới nhiều hình thức[7].

1/ Một hình thức vi phạm TDTN cách tinh vi là muốn loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội. Dưới danh nghĩa là “Nhà nước phải đứng bên ngoài các tôn giáo”, người ta tìm cách loại trừ tất cả các biểu tượng tôn giáo trong đời sống công cộng. Theo họ, tín ngưỡng là chuyện cá nhân, vì thế chỉ được thực hành riêng tư (tư gia) chứ không được phô trương công khai. Điều này dẫn đến việc tháo gỡ các tượng thánh giá ra khỏi các công sở, trường học, bệnh viện (tại các nước vốn theo truyền thống Công giáo). Một bước kế tiếp là loại bỏ việc dạy tôn giáo tại các trường công lập (và như vậy là khước từ cả một truyền thống văn hóa của dân tộc). Trên phương diện lập pháp, người ta thông qua các đạo luật bất chấp giá trị luân lý (chẳng hạn như chấp nhận phá thai, hôn nhân đồng tính), dựa theo biểu quyết của đa số. Một khi luật đã được ban hành thì không ai được phép chỉ trích nữa! Đến đây, ta thấy một hiệu ứng trái ngược với bản chất của “Quốc gia tự do”, đó là ngăn cấm phát biểu ý kiến cá nhân, ngăn cấm “vấn nạn lương tâm” (objection de conscience), chẳng hạn như các bác sĩ không được phép khước từ phá thai vì muốn tuân theo tiếng nói của lương tâm; hoặc các viên chức tôn giáo khước từ chứng hôn cho những người đồng tính!

Văn kiện muốn cho thấy rằng, ngày nay, chính các quốc gia tự do lại trở thành “toàn chế” (totalitarisme), khi áp đặt ý thức hệ của mình như chân lý tuyệt đối, không chấp nhận bất cứ sự phản kháng nào (cho dù, trên nguyên tắc, họ không chấp nhận có chân lý nào là tuyệt đối). Tệ hơn nữa, các quốc gia tự do trở lại chế độ thần quyền (théocracie) theo nghĩa trái của nó. Như ta đã biết, trong các xã hội cổ truyền, các vua chúa “thay trời trị dân”: người dân phải tuân theo luật của nhà vua như là tuân theo lệnh trời vậy! Kitô giáo đã du nhập nguyên tắc phân biệt “thần quyền” và “thế quyền”. Thế quyền không còn giữ vai trò thay mặt Trời nữa. Tiếc rằng, vào thời nay, nhiều quốc gia muốn trở lại chế độ cũ, áp đặt ý thức hệ của mình như là quy tắc tuyệt đối ràng buộc hết mọi người.

2/ Trong bối cảnh này, văn kiện nhắc nhớ sự đóng góp quan trọng của tôn giáo vào đời sống xã hội (Chương 6 của văn kiện). Điều này có thể nhận thấy nơi sự đóng góp của Kitô giáo vào văn minh châu Âu và Mỹ châu, không những qua các kiến trúc nghệ thuật, nhưng nhất là qua các giá trị tinh thần của các dân tộc. Vì thế, không có lý do gì mà đòi gạt bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội. Phải chăng sự gạt trừ chiều kích siêu việt ra khỏi đời sống đã khiến cho nhiều người rơi vào các hình thức bạo động, những hình thức kỳ thị, đó là chưa kể tình trạng sống tuyệt vọng, thiếu tin tưởng vào tương lai nơi các bạn trẻ?

3/ Một cách tích cực hơn, văn kiện trình bày sự tiến triển của giáo huấn Hội thánh liên quan đến đề tài này (xem các số 23-27).

Tuyên ngôn Dignitatis humanae đã nêu bật giá trị của việc tôn trọng nhân phẩm khi đề cao TDTN. Đạo lý này dựa trên nền tảng Kinh Thánh: Thiên Chúa đã dựng nên con người với lý trí và tự do, và Người muốn con người gắn bó với Người cách ý thức và tự do, chứ không do áp lực sợ hãi.

Sau Công đồng Vaticanô II, các vị giáo hoàng đã đào sâu các khía cạnh khác nhau của đề tài TDTN[8].

a) ĐTC Gioan Phaolô II coi quyền TDTN như là nền tảng của các quyền lợi căn bản khác của con người. Nói cách khác, việc tôn trọng quyền TDTN được xem như “thước đo” cho việc tôn trọng các quyền lợi khác của công dân. Thực vậy, quyền TDTN là một yêu sách cơ bản nhất của phẩm giá con người, nó bảo đảm cho các quyền tự do khác nhằm đến công thiện của các cá nhân và các dân tộc[9].

b) Đối với ĐTC Bênêđictô XVI, quyền TDTN không phải là một quyền lợi dành riêng cho những người có tín ngưỡng, nhưng là quyền lợi của tất cả mọi người. Đây là một quyền lợi không chỉ của cá nhân mà còn là quyền lợi của cộng đồng. Việc tôn trọng quyền này góp phần vào việc xây dựng công ích[10].

c) ĐTC Phanxicô lưu ý đến hiện tượng của nhiều tín hữu đang chịu bách hại vào thời nay, bởi những ý thức hệ muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi xã hội, hoặc bởi những cuộc đàn áp nhân danh tôn giáo. Sự bách hại có thể dẫn đến cái chết, hoặc ít là sự kỳ thị trong việc thực hành các quyền lợi công dân (và thậm chí trong việc thi hành nghề nghiệp hoặc hưởng các dịch vụ công). Chúng ta cần biết tôn trọng lẫn nhau, tạo ra khung cảnh hợp tác với nhau để kiến tạo xã hội[11].

4/ Trong chương cuối cùng (chương 7), văn kiện của Ủy ban thần học quốc tế nhắc nhở rằng, việc tuyên bố quyền TDTN không chỉ nhằm bảo vệ quyền này trước mặt các quốc gia hoặc những người ở ngoài Giáo hội, nhưng còn nhằm đến chính các phần tử của Giáo hội nữa. Chúng ta cần phải biết tôn trọng quyền TDTN của người khác, cộng đồng khác, cách riêng trong bối cảnh di dân hiện nay. Việc loan báo Tin Mừng cần được thực hành trong khung cảnh của việc tôn trọng TDTN và đối thoại tôn giáo.

Dù sao, việc làm chứng cho Tin Mừng luôn cần được thúc đẩy bởi lòng yêu mến Thiên Chúa và đồng loại. Đôi khi việc làm chứng cho đức tin đưa đến sự tử vì đạo; nhưng người tín hữu làm chứng cho đức tin với lòng mến yêu tha thứ, chứ không phải bằng bạo lực thù hận. Việc chứng tá Kitô giáo không thể nào chấp nhận việc chém giết hoặc tự sát nhân danh Thiên Chúa.

Kết luận

Tự do tín ngưỡng vẫn còn là một câu chuyện thời sự nóng bỏng vì những lý do khác nhau. Liên hợp quốc đã thiết lập một văn phòng giám sát việc thực hành quyền tự do tín ngưỡng[12]. Riêng đối với thần học, TDTN đã trở thành một đề tài cho việc nghiên cứu về sự tiến triển thần học: phải chăng huấn quyền Giáo hội đã thay đổi 180 độ: trước Công đồng Vaticanô II thì không chấp nhận TDTN (chỉ có thể chấp nhận “bao dung”, tolerantia), từ sau Công đồng trở đi, Giáo hội lại lớn tiếng kêu gào TDTN? Đó là luận cứ cho những người chống đối công đồng, tiêu biểu là Đức cha Marcel Lefèbve.

Qua bài viết này, chúng ta có thể nhận thấy rằng, Công đồng đã không thay đổi đạo lý (từ Không sang Có), cho bằng thay đổi lối tiếp cận vấn đề, và điều này cho thấy ảnh hưởng không nhỏ của tư tưởng cận đại. Sự thay đổi góc độ có thể nhận thấy ở hai điểm sau đây:

1/ Chuyển biến từ khách thể đến hữu thể. Từ thời cổ đại, triết học chú ý đến việc truy tầm chân lý khách thể (nơi bản chất sự vật); thời cận đại, sự chú ý được chuyển sang chủ thể. Sự thay đổi này được tượng trưng qua hai phương châm:

- Cổ điển: “agere sequitur esse” (Hành động đi theo bản tính). Bản tính có trước hành động; vì thế trước tiên cần phải tìm hiểu bản tính khách thể.

- Cận đại: “cogito ergo sum” (Tôi suy tư cho nên tôi hiện hữu). Cái hiện hữu được ý thức sau cái hành vi của chủ thể; cần nhấn mạnh đến chủ thể (con người).

Không lạ gì mà trước đây, tự do tín ngưỡng được hiểu là sự tự do dành cho chân lý (tự do của sự thật, nghĩa là tôn giáo chân thật, do Thiên Chúa mặc khải). Chỉ có chân lý mới có quyền tự do được truyền bá; còn sự sai lầm thì phải dẹp bỏ (hoặc cùng lắm là dung thứ, chấp nhận cho cỏ lùng mọc giữa ruộng lúa, sợ rằng nhổ cỏ thì cũng bứng luôn cả lúa; xc Mt 13,16-43). Ngày nay, tự do tiên vàn nhắm đến con người, xét như là chủ thể của mọi quyền lợi. Cần phải bảo vệ con người khỏi mọi hình thức áp bức (Không có gì quý hơn tự do; xc Gl 5,13).

2/ Vai trò của chính quyền đối với tôn giáo

Chúng ta cũng thấy một sự chuyển biến như vậy trong quan niệm về vai trò của chính quyền đối với tôn giáo.

- Trước đây, trong một quốc gia Công giáo, chính quyền (Công giáo) có nhiệm vụ bảo vệ đạo thật, ngăn ngừa những gì tội lỗi, xâm phạm đến thuần phong mỹ tục. Vì thế chính quyền phải diệt các lạc giáo, tà giáo.

- Ngày nay, trong một quốc gia đa tôn giáo, nhiệm vụ của chính quyền là bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của tất cả mọi công dân. Chính quyền không có thẩm quyền phán quyết xem đạo nào thật, đạo nào sai.

Thực ra liên quan đến vấn đề này, nên ghi nhận tiến triển của quan niệm pháp lý về vai trò của chính quyền. Trong xã hội cổ điển, chính quyền là “cha mẹ của dân”, vì vậy phải để ý đến việc dạy dỗ dân biết đường ngay nẻo chính. Ngày nay, có sự phân biệt giữa lãnh vực công và lãnh vực tư, giữa Nhà nước (tổ chức công quyền) và xã hội dân sự: hoạt động của Nhà nước (State) giới hạn vào lãnh vực công quyền, còn những lãnh vực khác thì dành cho xã hội dân sự (civil society) và những sáng kiến tư nhân.

Trên đây, chúng ta chỉ mới xét đề tài TDTN trên lý thuyết. Thực tế còn nhiều vấn đề phức tạp hơn, đứng đầu là sự phân biệt giữa “tín ngưỡng” và “mê tín”. Chắc chắn là Nhà nước không thể nào cổ động các tục lệ mê tín, bởi vì chúng sẽ gây ảnh hưởng đến “sức khỏe” và an ninh xã hội. Nhưng lấy tiêu chuẩn gì để phân biệt: tín ngưỡng / mê tín / ý thức hệ / tư tưởng phản động? Ngoài ra, đàng sau các hoạt động “tôn giáo” còn có những lợi ích kinh tài mà Nhà nước không thể nào làm ngơ: thời nào cũng có những người lạm dụng tôn giáo để kinh doanh, đến nỗi Chúa Giêsu đã dẹp bỏ bọn con buôn ra khỏi đền thờ. May thay, không ai tố cáo Người là đàn áp tôn giáo!

Thư mục

Alvear Téllez, Julio. Estudio histórico-crítico sobre el derecho a la libertad religiosa en la declaración conciliar “Dignitatis humanae”, in: Revista de Derecho de la Pontificia Universidad Católica de Valparaíso 39 (2012) 639 – 700.

Aubert, Roger. Le problème de la liberté religieuse à travers l'histoire du christianisme, «Scripta Theologica» I (1969) 337-401.

Courtney Murray, John - Schillebeeckx, Edward, Liberté religieuse, exigence spirituelle et problème politique, Centurion, Paris, 1965.

Evans, Malcolm D. Religious Liberty and International Law in Europe, Cambridge University Press, Cambridge, 1997.

Lecler, Joseph. L'Histoire de la Tolérance au siècle de la Réforme, 2 vol., Albin Michel, Paris 1955.

Minnerath, Roland. “La liberté religieuse. Théologie et doctrine sociale” in: Universal Rights in a World of Diversity. The Case of Religious Freedom, Pontifical Academy of Social Sciences, Acta 17, 2012. www.pass.va/content/dam/scienzesociali/pdf/acta17/acta17-minnerath.pdf

Ocáriz, Fernando. Sulla libertà religiosa: continuità del Vaticano II con il magistero precedente, in: Annales Theologici 3 (1989) 71-97. Pavan, Pietro. La dichiarazione conciliare Dignitatis humanae a vent´anni dalla pubblicazione, Casale Montferrato, Piemme, 1986.


________________

[1] Bản văn có thể đọc trên website của Ủy ban thần học quốc tế (cho đến ngày 25/1/2020, mới chỉ có bản bằng tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20190426_liberta-religiosa_it.html. Bản dịch tiếng Việt của Vũ Văn An (từ bản tiếng Pháp) có thể đọc trên Vietcatholic: http://vietcatholic.org/News/Home/
Article/253903

[2] Trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016, điều 2 định nghĩa: “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”. Dĩ nhiên, tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo lại càng khác nhau hơn nữa.

[3] Bản Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc (1948), điều 18: “Mỗi cá nhân có quyền được tự do về tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Quyền này bao hàm tự do thay đổi tôn giáo hoặc niềm tin, và tự do phát biểu, hoặc riêng hay chung, hoặc nơi công hay tư, tôn giáo hoặc niềm tin của mình trong giáo dục, trong các thực hành, trong việc thờ phượng và tuân giữ các lễ nghi”.

[4] Nên biết là Công đồng cũng bàn tới TDTN trong các văn kiện khác nữa, chẳng hạn: Hiến chế về Hội thánh số 36; Tuyên ngôn về Giáo dục số 6; Tuyên ngôn về các Tín ngưỡng số 3.4.5; Sắc lệnh về truyền giáo số 13; Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 16.17.21.26.28.29.41.59.73.76.

[5] X. Chương 1 của văn kiện đang bàn.

[6] Fundamentalism thường được dịch là “cực đoan, quá khích”. Chúng tôi muốn dịch sát với tầm nguyên là “bảo căn”, nghĩa là bảo vệ căn tính (fundamentum: cơ sở, nguồn gốc). Đây là một hiện tượng xuất hiện ở nhiều tôn giáo. Xc. Bài viết Fundamentalism của Massimo Introvigne, trong “Thời sự thần học” số 68 (tháng 5/2015), trang 160-183.

[7] Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là các Kitô hữu không gặp khó khăn tại các quốc gia theo chủ nghĩa “vô thần” hoặc tại quốc gia nhận một quốc giáo (cách riêng là Islam).

[8] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo bàn về TGTN ở các số 2104-2109 dưới nhiều khía cạnh. 1/ Trước hết con người có bổn phận phải truy tầm chân lý, và thờ phượng Thiên Chúa chân thật (số 2104-2105). 2/ Con người có quyền TDTG (số 2106-2109). Xem thêm: số 2467 (bổn phậm tìm kiếm chân lý); quyền được hành động phù hợp với lương tâm trong lãnh vực luân lý (số 1782); Cộng đồng chính trị và Giáo hội (số 2240).

[9] X. Sứ điệp ngày hòa bình thế giới các năm 1988, 1989, 1991.

[10] X. Sứ điệp ngày hòa bình thế giới năm 2011.

[11] X. Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” số 257.

[12] “Special Rapporteur on Freedom of Religion or Belief” (2001). Đây tên mới của cơ quan đã được thiết lập từ năm 1986 với danh nghĩa ‘Special Rapporteur on Religious Intolerance’.