Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

QUAN NIỆM CỨU ĐỘ CỦA PHẬT GIÁO VÀ KITÔ GIÁO

Thời sự Thần học – Số 1, tháng 3/2010, tr. 93-107.

_Thanh Nhơn_


Tôn giáo nào cũng quan niệm về cứu độ cho riêng tôn giáo mình, cũng như có nhiều điểm giống và khác nhau. Sự khác biệt làm cho thêm phong phú lẫn nhau hơn là đối kháng nhau, tuy vẫn biết hòa hợp tất cả là một điều không dễ dàng gì. Bài này cố gắng trình bày quan niệm cứu độ của Phật giáo và Kitô giáo nhằm hướng tới việc thu nhỏ dần khoảng cách giữa hai tôn giáo chính tại Việt Nam

1. Cứu độ trong Phật giáo

1.1. Ý niệm về cứu độ trong Phật giáo

Phật giáo quan niệm rằng đời là bể khổ, con người không thể thoát khỏi cảnh khổ đau. Những khổ đau, bệnh tật, chết chóc… là những quy luật hiển nhiên mà ai cũng phải trải qua, không một ai có thể tránh khỏi.

Có nhiều cái khổ xảy đến với con người. Có những cái khổ mà ai ai cũng phải trải qua như: sinh, lão, bệnh, tử. Có những cái khổ do chính con người tạo ra như: chiến tranh, cướp bóc… Tất cả những nỗi khổ này làm cho con người sống trong lo âu, mất hạnh phúc. Hơn nữa, con người còn phải trải qua luật nghiệp báo, luật luân hồi. Bất cứ một hành động nào của chúng ta dù to hay nhỏ, dù tốt hay xấu thì đều có báo ứng là được thưởng hay bị phạt. Vì luật nghiệp báo chi phối nên hiện giờ ta phải trả giá cho những việc đã làm trong quá khứ, và tương lai sẽ phải trả giá cho những việc ta đang làm bây giờ. Vì thế, tất cả những ai chưa được giải thoát khỏi dục vọng, lòng ham muốn thì vẫn bị luật nghiệp báo điều khiển. Bởi vì, họ vẫn nghĩ, làm và nói theo những xúc động của tình cảm.

Ngoài ra, con người còn bị chi phối bởi quy luật luân hồi. Theo triết lý Ấn Độ, con người phiêu bạt vô định như cánh bèo trôi trên dòng nước không phải do tự động, nhưng vì bị lôi cuốn, bị hấp dẫn bởi những đối tượng của giác quan, bởi dục vọng tham lam những khoái lạc do sự vật bên ngoài gây nên. Do đó, sự chết nơi con người không phải là hết mà là chấm dứt đời người, là một sự chuyển đổi. Sự sống đời này (hiện nghiệp) vừa là kết quả của đời sống quá khứ (túc nghiệp), vừa là nguyên nhân cho kiếp sau. Đời sau này vừa là kết quả của đời hiện tại, vừa là nguyên nhân cho đời kế tiếp; tất cả cứ như vậy chạy quanh không ngừng. Cũng theo giáo lý này, con người có thể tái sinh ở rất nhiều kiếp khác nhau: kiếp thần thánh, kiếp người khác, kiếp quỷ hay kiếp súc vật. Vì thế, đời sống của con người mai sau hoàn toàn lệ thuộc vào đời sống ở kiếp này. Kiếp này ta làm nhiều việc thiện thì kiếp sau sẽ được đầu thai ở kiếp tốt như thần thánh hay con người còn ngược lại, con người làm nhiều điều xấu sẽ bị đầu thai ở kiếp quỷ hoặc súc vật. Nếu ai ở đời này tu tập đạt đến bậc giác ngộ thì kiếp sau sẽ được đạt đến niết bàn và trở thành Phật.

Vì ý thức rằng đời là bể khổ và con người luôn phải trầm luân trong bể nên con người phải tìm cách để thoát ra khỏi cảnh khổ ải đó. Theo Phật giáo, sự giải thoát là chính bản thân mình tự giải thoát cho mình, nhờ vào sự tập luyện để đạt tới Niết Bàn, chứ không cậy dựa vào bất kỳ một ai hay một thể lực thần linh nào khác. Tuy nhiên, phần đông phật tử vẫn tin vào vai trò cứu độ của Đức Phật. Họ vẫn nghĩ rằng. Đức Phật luôn hiện diện như một vị thần để giúp đỡ, ban phát cho họ những ơn lành và ban cho họ được hạnh phúc. Vì thế, họ đến chùa với tâm tình vái lạy, cầu xin Đức Phật ban cho họ những điều họ mong muốn.

Trong niềm tin của người Phật tử vẫn tin có giải thoát (cứu độ), nhưng để được giải thoát thì chính con người phải nỗ lực bằng khả năng và sức lực của mình. Do đó, khái niệm cứu độ của Phật giáo là con người tự giải thoát chính mình, con người quy hướng về mình chứ không hướng đến hay cần một sự trợ giúp của đấng bậc thần linh hay một vị cứu tinh nào khác.

Như vậy, Phật giáo là Đạo đi tìm sự giải thoát cho con người. Đức Phật đã đưa con người tự lên đường để giải thoát chính mình. Con người tự phá đổ tất cả mọi hàng rào, mọi vướng bận ngăn cản con người đi đến tự do. Con người lên đường tìm sự tự do và giải thoát cũng chính là đi tìm chân lý. Đạo Phật là đưa chúng sanh đến cuộc sống an lạc giải thoát, đó cũng là nhu cầu tất yếu và là khát vọng thâm sâu của nhân loại ở mọi nơi và mọi thời.

1.2. Con đường dẫn tới cứu độ

Mục đích các Pháp môn tu tập của Phật giáo là giải thoát, tức là thoát khổ, là được hạnh phúc. Muốn được giải thoát, con người phải diệt trừ những nguyên nhân gây ra đau khổ, tức là những lối sống xấu xa độc ác, nhất là sự dốt nát, và tích cực làm những điều tốt, ích lợi cho mình và tha nhân, trở nên người tốt, hoàn hảo.

Đức Phật đã rao giảng về những chân lý dẫn con người đến con đường giải thoát để đạt tới Niết Bàn. “Tứ Diệu Đế” là bốn chân lý huyền diệu mà Phật Thích Ca cảm nghiệm được khi giác ngộ. Đây là những chân lý nền tảng, là tinh hoa, là đặc điểm chính của Phật giáo. Trong Tứ Diệu Đế, Đạo Đế được coi là con đường cứu độ. Đạo đế là con đường “Bát chánh” quy về ba mục chính: Giới, Định, Huệ.

Giới: giới là tự giác sống có kỷ luật. Đúng hơn, giới là việc thực hiện một lối sống lành mạnh, giản dị trong sáng, về thân, về khẩu, về ý. Như vậy, giới có thể coi là điều kiện để có thể tự quán sát tâm. Chắc chắn chúng ta không thể quán sát tự tâm khi sống kiểu phóng túng hỗn loạn, nói năng đủ thứ ồn ào, và để cho tâm ý hướng về trăm chuyện lung tung. Tuy nhiên, giới chỉ là điều kiện chứ không phải bản chất của việc quán sát, tỉnh thức.

Huệ: nhìn nhận, hiểu biết vạn sự đúng với thực tại của chúng, để hiểu biết được thì phải thông hiểu giáo lý của Đức Phật khi đã biết thực tính của vạn sự, thì tư tưởng ta không dính bén gì đến những cái vô thường.

Định: trước tiên không cho nội tâm bị vẩn đục bởi những tư tưởng xấu xa, rồi tu luyện tâm thần bằng mọi phương pháp, qua các giai đoạn:

- Sơ thiền: xua đuổi mọi đam mê, ước muốn xấu

- Nhị thiền: tâm tư không còn hành động ngoài ý muốn, và được tập trung lại, tuy nhiên cảm giác sướng vui hạnh phúc vẫn còn.

- Tam thiền: Cảm giác vui mất đi nhưng hạnh phúc vẫn còn

- Tứ thiền: tất cả mọi cảm giác đều biến hết, người ta không còn ý thức gì về vui buồn nữa.

Tất cả những phương pháp trên đều có mục đích khử trừ, diệt tận mọi dục vọng đam mê, để đạt tới trạng thái thuần tịnh. Như vậy, Bát Chánh Đạo có thể được xem như là một nền đạo đức học thực nghiệm của Phật giáo, dùng để huấn luyện đức tính của con người trở nên cao đẹp hơn, đồng thời cũng là một con đường tôn giáo đưa con người đến “Chánh Giác, tức Phật Cảnh”.

2. Cứu độ trong Kitô giáo

2.1. Ý niệm về cứu độ

Như chúng ta đã thấy, trọng tâm của đạo Thiên Chúa là nhằm biểu lộ tình thương vô hạn của Đấng Tạo Hóa, đã tạo dựng và muốn cứu độ con người tội lỗi, đau khổ. Vì thế, Kitô giáo dùng nhiều danh từ như: cứu độ, cứu chuộc, giải thoát để diễn tả về ý niệm cứu độ.

Chữ cứu độ được dịch từ chữ Salvation, có nghĩa là người chữa bệnh hay là người cứu giúp. Như thế, cứu độ bao hàm một tình trạng suy đồi và nay được sửa lại nguyên vẹn như xưa, nhờ sự giúp đỡ, cứu vớt của một vị cứu tinh đã ra tay cứu nhân độ thế. Theo quan niệm cứu độ này thì con người không thể tự cứu lấy mình được, mà phải nhờ đến một Đấng Cứu Thế giúp đỡ.

Một danh từ khác được sử dụng là “cứu chuộc”. Danh từ cứu chuộc bao hàm ý nghĩa lỗi lầm như tội nguyên tổ và tội cá nhân, loài người không thể tự chuộc lại lỗi lầm lớn lao đó, vì đã dám từ chối lòng yêu thương vô hạn của Chúa. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa tự ý ra tay cứu chuộc bằng Thập giá của Chúa Giêsu Kitô mà con người được giải thoát. Lòng thương xót vô hạn của Chúa luôn muốn cứu độ nhân loại đã được thể hiện trong lịch sử, nhờ biến cố giáng thế làm người và chịu nạn chịu chết của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô.

Tiếp đến là danh từ “giải thoát hay giải phóng”, danh từ này được dịch từ chữ Latinh: liberare, liber có nghĩa là làm cho tự do. Theo nguyên tự, chữ này chỉ việc cứu vớt những người nô lệ và tù nhân khỏi cảnh giam cầm để hưởng tự do. Theo nghĩa rộng, giải thoát là một tình trạng bị áp bức đè nén, con người được vùng lên bẻ gãy mọi xiềng xích trói buộc, cản trở để tiến tới tự do phát triển. Như vậy, theo nghĩa tôn giáo, giải thoát chính là cứu vớt nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, ma quỷ, hỏa ngục… để giúp tâm trí con người tìm ra ánh sáng chân lý, và phát triển nhân phẩm đến bậc thiện toàn.

Tóm lại, tất cả những danh từ trên đều diễn tả rằng: con người chúng ta không thể tự mình giải thoát được khổ nơi mình mà phải cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ cho tội lỗi. Con người chỉ khi cộng tác và đón nhận hồng ân của Chúa thì được cứu độ.

2.2. Sự cần thiết của Công cuộc Chuộc tội

Theo Đạo Thiên Chúa, tội là một hành vi, một quyết định tự do của con người chống lại lề luật của Chúa, từ chối không chấp nhận “Thiên Ân” do tình thương của Chúa. Đây là một trọng tội vì là một hành động quyết liệt đối với Thánh ý Chúa. Sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa vẫn tự ý ban hồng ân siêu nhiên để siêu hóa và tha thứ cho nhân loại. Thiên Chúa muốn ban hồng ân cho mọi người, mọi nơi, mọi lúc, những ân sủng đó phải lệ thuộc vào biến cố lịch sử là Chúa Giêsu Nhập Thể và vào Hội Thánh như “Nhiệm Thể Chúa Kitô”. Do đó, chỉ nhờ đời sống và sự chết của Chúa Giêsu Kitô mà nhân loại được chuộc tội, và hy vọng được hưởng hạnh phúc trường sinh. Vì thế, thập giá Chúa Kitô trước sau luôn là căn nguyên của việc chuộc tội cho thiên hạ.

Tuy nhiên, con người muốn được cứu độ thì phải kết hợp với hồng ân của Chúa. Thật vậy, hồng ân của Chúa ban cho con người cách nhưng không. Tội lỗi con người thì nặng vô cùng, con người không thể tự cứu lấy mình được vì bản tính hữu hạn của con người, vì tính chất và sự cần thiết của việc cứu độ thì cao sâu vô cùng. Do đó, con người phải hợp tác với hồng ân của Chúa. Tuy nhiên, sự hợp tác này là cần thiết nhưng không phải là yếu tính của việc chuộc tội. Tức là, ta phải làm sao để có thể đền tội ta một cách cân xứng thì ta sẽ được Chúa tha tội và ban cho Phúc Trường Sinh.

Vì thế, ơn cứu độ của Thiên Chúa là rất cần thiết. Nếu không có ơn cứu độ của Chúa thì con người luôn phải sống trong tình trạng tội lỗi. Bởi vì, con người đã đánh mất sự tự do nơi mình, mất sự tương quan thân tình với Thiên Chúa, vì đã phạm tội kiêu ngạo không phục tùng. Thế nên, con người không thể tự cứu lấy mình khỏi tình trạng tội lỗi của mình. Do đó, con người phải cậy dựa vào công nghiệp cứu chuộc nơi Thiên Chúa để được giải thoát.

2.3. Đức Giêsu Kitô hoàn tất công trình cứu độ

Như trên đã trình bày, ơn cứu độ hoàn toàn xuất phát từ Thiên Chúa và do ý định của Thiên Chúa. Chính vì thế Đức Giêsu Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, sống thân phận con người như bao con người bình thường khác. Người đã hoàn toàn vâng phục Thánh ý của Thiên Chúa Cha: Ngài đã vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên Thập giá. Chính sự chết và phục sinh của Đức Giêsu là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.


Để thực hiện công trình cứu độ, Thiên Chúa đã thực hiện trong một thời gian dài chuẩn bị (thời Cựu ước). Thiên Chúa gọi Ápraham để rồi từ ông xuất phát một dân tộc riêng của Thiên Chúa, dân Israel. Dân Israel đã trải qua rất nhiều thăng trầm, họ được Thiên Chúa huấn luyện như thế để họ tin và đi theo đường lối của Chúa. Thế rồi, từ một dân tộc đã được chuẩn bị này xuất hiện một Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể để hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa.

Đức Giêsu Kitô sau khi sống ẩn dật 30 năm tại Nazaret, Người đi rao giảng tin mừng nước Thiên Chúa, nghĩa là loan báo cho mọi người biết vương quyền của Thiên Chúa để họ chấp nhận và vào vương quốc của Thiên Chúa, trở về hiệp thông với Thiên Chúa và với mọi người. Trong 3 năm rao giảng, Người đã làm rất nhiều dấu lạ để cho mọi người tin theo. Cuối cùng, Đức Giêsu đã hy sinh thân mình chịu chết nhục nhã trên thập giá để đền thay tội lỗi cho nhân loại.

Chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã hoàn tất nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giêsu. Thực sự, nếu Đức Giêsu chịu chết và không sống lại như bao con người khác thì sự chết đó không mang lại ý nghĩa gì cho công trình cứu độ, cũng như cho loài người chúng ta hôm nay. Thế nhưng, Đức Giêsu đã tự mình trỗi dậy từ cõi chết. Chính sự phục sinh của Chúa, và với sự cộng tác của chúng ta bằng cách chúng ta tuân giữ các giới răn của Chúa đã đem chúng ta đến sự sống đời đời.

Như vậy, vì tình yêu thương vô biên mà Thiên Chúa đã muốn cứu độ con người. Sự cứu độ được thực hiện nơi Đức Giêsu là Ngôi Hai nhập thể làm người. Ngài đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa. Ngài đã tự ý chấp nhận bị bắt, chịu khổ hình và chịu chết trên Thập giá để tỏ ra lòng vâng phục, yêu mến và thực thi ý Chúa. Do đó, sự chết đó là một hành vi hy sinh cao cả, là một lễ vật giá trị vô cùng, nhờ đó mà Thiên Chúa đã tha tội và hòa giải lại với toàn thể nhân loại. Chính vì hành vi tự khiêm, hạ mình như hư vô để vâng phục thánh ý Chúa mà nhân loại được chuộc tội và được cứu độ. (xc. Pl 2,6-11).

3. Con người lĩnh nhận hồng ân cứu độ

Hồng ân cứu độ gồm hai phương diện, phương diện khách quan và phương diện chủ quan. Phương diện khách quan là biến cố lịch sử Con Thiên Chúa làm người chịu chết để chuộc tội cho thiên hạ. Phương diện chủ quan là việc mỗi người chúng ta có tự do chấp nhận hay là không. Hồng ân cứu độ luôn có sẵn, có cả trước khi chúng ta lĩnh nhận. Không có vấn đề tiền định trước, vì Chúa hằng muốn ban hồng ân ấy cho mọi người. Điều này được ghi lại trong thư của thánh Phaolô gửi cho Timôthê: “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Vì thế, con người chúng ta được cứu độ hay không là do quyền tự do quyết định của mỗi người. Do đó, để được cứu độ, con người cần sống theo giới răn của Chúa, tin tưởng và vâng theo những lời Chúa truyền dạy.

3.1. Sống đức tin

Điều quan trọng nhất và trước tiên nhất của người Kitô hữu là phải tin rằng Chúa Giêsu đã chịu chết và đã phục sinh, chúng ta luôn tin rằng nhờ sự chết và phục sinh của Chúa mà chúng ta được hưởng hồng ân của Chúa. Chính nhờ niềm tin mà con người tin tưởng vào giá trị và địa vị của mình trong trời đất. Dầu lầm than khổ sở, con người vẫn cố gắng vươn lên vì tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa. Vì tin vào Thiên Chúa an bài hằng muốn thi ân giáng phúc cho con người và hy vọng vào lượng từ bi vô biên của Chúa luôn tha thứ cho chúng ta, nên ta thành tâm thống hối tội lỗi để được ơn cứu độ. Đồng thời, ta cũng phải luôn can đảm tin vào ơn Chúa đã có sẵn trong ta, nên ta không tuyệt vọng nhưng khiêm nhường nhìn nhận thân phận yếu đuối tội lỗi để xin Chúa nâng đỡ (xc. Lc 15,1-31).

Thật vậy, muốn lãnh nhận hồng ân cứu độ, ta phải có lòng tin vào Thiên Chúa, cậy trông vào lòng từ bi thương xót của Ngài. Ta luôn tin rằng, Thiên Chúa không hề bỏ rơi chúng ta nhưng hằng muốn tha thứ, cứu vớt, chuộc tội cho chúng ta. Như trong thời gian rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu đã rao giảng rằng: “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16).

Như vậy, để được lãnh nhận hồng ân cứu độ, nhất thiết mỗi người phải tin vào tin mừng Chúa Giêsu đã chịu chết và đã phục sinh, và sống với niềm tin ấy. Sống niềm tin bằng cách tin và chịu phép Rửa tội để gia nhập vào cộng đoàn dân Chúa.

3.2. Sống giới răn của Chúa

Thiên Chúa thì hằng ban hồng ân cứu độ cho con người nhưng con người có được cứu độ hay không là tùy thuộc ở mỗi người. Để được cứu độ, con người phải sống theo giới răn mà Đức Giêsu đã truyền dạy. Điều răn quan trọng nhất mà Chúa dạy là mến Chúa và yêu người: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37-39).

Trong cuộc sống, con người có những tương quan với Thiên Chúa, với nhau và với vạn vật. Thiên Chúa vì tình thương đã tạo dựng nên vũ trụ và cho có sự sống. Khi con người phạm tội, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi mà lại tự ý để cứu chuộc loài người. Vì thế, con người phải sống xứng đáng với tình yêu của Chúa bằng cách yêu mến và tôn thờ Ngài trên hết mọi sự. Đồng thời, con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Chúa. Thế nên, mỗi người phải sống yêu thương và tôn trọng nhau như tôn trọng chính bản thân mình. Chúng ta sống yêu thương tha nhân như lời dạy của thánh Phêrô “anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc.” (1Pr 3,8-9).

Như vậy, để được cứu độ, con người không những phải tin vào Thiên Chúa mà chúng ta phải sống theo giới răn của Chúa. Giới răn quan trọng mà chính Chúa Giêsu đã dạy là: mến Chúa và yêu người. Sống giới răn này cũng chính là điều mà con người thể hiện niềm tin của mình.

3.3. Sống từ bỏ

Trong thời gian rao giảng Tin mừng Nước Trời, Đức Giêsu rao giảng cho dân chúng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Đây cũng là một điều kiện để chúng ta được hưởng hồng ân cứu độ.

Con người chúng ta luôn luôn đề cao con người mình, lúc nào cũng cho mình là nhất. Để đạt được mục đích đó, đôi khi, chúng ta đã chà đạp lên nhân phẩm những người anh em của mình. Hơn nữa, tính tham lam ích kỷ của chúng ta thì luôn luôn đòi hỏi cho thân xác chúng ta được sung sướng. Vì thế, để được cứu độ, chúng ta phải sống đơn sơ khiêm tốn, nghĩa là chúng ta phải biết từ bỏ những quyến rũ của vinh hoa phú quý.

Từ bỏ một điều khó khăn đối với con người. Vì bản tính tự nhiên, con người luôn bám víu vào những gì trần gian mang đến cho ta những khoái lạc. Tuy nhiên, đó không phải là hạnh phúc đích thật. Hạnh phúc đích thật chỉ xuất phát nơi Thiên Chúa và khi con người biết đón nhận hồng ân đó. Con người đón nhận bằng cách từ bỏ những quyến rũ của thế gian. Thế nhưng, từ việc nhận biết đến việc thực hành cũng là một vấn đề mà con người cần phải cố gắng. Về điểm này, thánh Phaolô đã chỉ cho chúng ta thấy khó khăn khi thực hiện: “sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).

Như vậy, để được đón nhận hồng ân của Chúa, chúng ta cần phải bước theo con đường của Chúa: con đường từ bỏ. Cũng như xưa, Chúa đã từ bỏ để xuống trần gian nhập thể làm người để chuộc tội cho loài người. Con người chúng ta ngày nay cũng thế, chúng ta cũng phải biết từ bỏ đi cái tôi của mình để sống yêu thương, nâng đỡ, sống hòa hợp với mọi người. Khi chúng ta biết sống như thế thì chúng ta mới hy vọng được hưởng hồng ân cứu độ.

4. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH

Kitô giáo và Phật giáo là hai tôn giáo lớn trên thế giới. Cả hai tôn giáo đều dạy các tín đồ của mình những con đường giải thoát con người khỏi những cảnh khổ đau và đem lại hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, đường hướng cứu độ của hai tôn giáo này thì lại có nhiều điểm khác xa nhau. Vì thế, để hiểu rõ hơn về tương quan giữa hai tôn giáo này, ta cần nhận định rõ về những điểm khác biệt và những điểm tương đồng của hai tôn giáo này.

4.1. Sự khác biệt về quan niệm cứu độ

Điểm khác biệt căn bản giữa Kitô giáo và Phật giáo là ý niệm về cứu độ. Cứu độ trong Kitô giáo thì quan niệm rằng: sự cứu độ của con người là hoàn toàn do tự ý của Thiên Chúa, tất cả đều nằm trong chương trình của Chúa. Con người được cứu độ là đón nhận hồng ân của Chúa, cộng tác vào công trình của Chúa bằng cách sống theo giới răn mà Chúa Giêsu đã truyền dạy. Trái ngược lại với ý niệm cứu độ của Kitô giáo, Phật giáo lại quan niệm rằng: chính con người tự cứu độ chính mình. Đức Phật Thích Ca là người đã mở đường, là người đi trước chỉ đường cho những người theo sau, và ai tu luyện theo phương pháp của Ngài chỉ dạy thì được cứu độ.

Thật vậy, như trên đã trình bày, Đức Phật sau khi nhận thấy rằng con người luôn phải trải qua những cảnh khổ cực, chết chóc. Ngài đã tu luyện và đã giác ngộ. Khi đã giác ngộ và tìm được chân lý, Ngài đã đi thuyết pháp, truyền đạt lại cho con người những kinh nghiệm Ngài đã trải qua và truyền lại những pháp tu luyện để ai tu luyện theo con đường đó thì cũng được cứu độ. Thế nhưng, đối với Kitô giáo thì ơn cứu độ xuất phát từ Thiên Chúa, ơn cứu độ được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Ơn cứu độ được hoàn tất bằng chính sự chết và phục sinh của Đức Giêsu. Ơn cứu độ của Chúa thì luôn ban cho hết thảy mọi người và con người chỉ việc cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa để được lãnh nhận hồng ân của Chúa.

Như vậy, đối chiếu hai ý niệm về cứu độ của hai tôn giáo, chúng ta thấy rằng sự cứu độ của Kitô giáo có một giá trị cao cả. Vì rằng, sự cứu độ được thể hiện bằng tình yêu cao thượng, tình yêu được thể hiện bằng chính sự chết của Đức Giêsu. Điều này ta không thể tìm thấy ở Phật giáo. Chính sự chết và phục sinh của Đức Giêsu là điểm độc đáo và là điểm căn bản nhất của Kitô giáo.

Hơn nữa, vì đường hướng cứu độ của Kitô giáo và của Phật giáo là không giống nhau nên hai tôn giáo này có nhiều điểm khác nhau như: quan niệm về đau khổ, về kiếp sống của con người, rồi cách thức con người được cứu độ. 

  • Phật giáo quan niệm rằng, đời là bể khổ và không ai thoát khỏi bể khổ này. Vì rằng, tất cả mọi khổ đau nơi con người đều do tâm con người tạo ra. Chỉ khi con người nhận ra rằng tất cả chỉ là không, không bám víu vào bất cứ sự gì thì ta mới thoát khỏi mọi khổ đau, tức là ta đã đạt tới giác ngộ. Trong khi đó, Kitô giáo lại quan niệm rằng chính tội lỗi con người làm cho con người cảm thấy mình bất an và sinh ra đau khổ. Tội nơi con người thì có hai tội: tội nguyên tổ và tội do con người ta phạm. Tội nguyên tổ thì mỗi con người khi sinh ra thì đã mang tội này. Vì tội nguyên tổ mà con người mất tương quan với Thiên Chúa, mất những hồng ân Chúa ban cho. Những tội ta phạm là những điều ta phạm lỗi với Chúa và với những người chung quanh. Chính tội lỗi sinh ra đau khổ cho con người. Vì thế, con người phải đón nhận ơn cứu độ của Chúa để được hạnh phúc.
  • Tiếp đến, chúng ta thấy có sự khác biệt giữa quan niệm về kiếp sống của con người. Phật giáo quan niệm luôn có sự luân hồi trong kiếp sống của con người. Cuộc sống đời này của chúng ta là hậu quả của kiếp trước và là nguyên nhân cho kiếp sau, và kiếp sau lại là nguyên nhân cho kiếp sau nữa, và cứ tiếp tục mãi như thế. Do đó, kiếp sau của chúng ta được hạnh phúc hay đau khổ là tùy thuộc vào cuộc sống của kiếp sống hiện tại. Thế nhưng, Kitô giáo cho rằng con người chỉ có hai kiếp sống: sự sống đời này và sự sống đời sau. Sự sống đời này thì có giới hạn về thời gian, còn sự sống đời sau thì trường tồn, vĩnh cửu. Sự sống đời sau là như thế nào thì hoàn toàn lệ thuộc vào sự sống ở đời này. Nếu ở đời này mà ta sống đúng với giới răn của Chúa thì khi chết ta sẽ được hưởng hạnh phúc trên thiên đàng. Và nếu ở đời này ta sống trái với luật Chúa thì đời sau ta sẽ phải chịu những hình phạt nơi luyện ngục hoặc hỏa ngục. Như thế, chúng ta thấy có sự khác biệt rõ ràng về quan niệm của kiếp người trong hai tôn giáo. 
  • Một điểm nữa mà chúng ta thấy có sự khác biệt giữa Kitô giáo và Phật giáo là cách thức để con người được sự cứu độ. Thật vậy, Phật giáo dạy các tín đồ phải dùng chính sức lực và khả năng của mình để tự giải thoát mình bằng các pháp tu tập. Thế nhưng, Kitô giáo thì tin nhận rằng ơn cứu độ xuất phát từ Thiên Chúa, chính Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho con người bằng chính sự chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Người là Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Con người được cứu độ là đón nhận hồng ân của Chúa, cộng tác vào ơn cứu độ của Chúa. Con người cộng tác bằng cách sống các giới răn của Chúa, sống hiệp thông với Giáo hội, và con người đón nhận hồng ân Chúa bằng cách lãnh nhận các Bí tích.

4.2. Những điểm tương đồng

Cứu độ là một khát vọng thâm sâu nhất của nhân loại. Mục đích tối hậu của tôn giáo là đưa con người đến hạnh phúc toàn vẹn, đến sự giải thoát. Những đau khổ sau khi chết đều là kết quả của những việc làm sai trái, không hoàn hảo của con người khi còn sống. Vì điều thiện sinh quả lành là hạnh phúc, điều dữ sinh quả dữ là đau khổ. Vì thế, cả Kitô giáo và Phật giáo đều quy về một mục đích là làm cho con người giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi đau khổ để tiến tới hạnh phúc toàn vẹn. Cho nên, Kitô giáo và Phật giáo cũng có nhiều điểm tương đồng.

· Tánh không – từ bỏ

Để được cứu độ, con người phải sống và thực hiện theo đúng đường hướng của tôn giáo mà mình theo đuổi. Đặc biệt, ta phải trung thành với những giáo lý và phương pháp mà Đấng sáng lập đã chỉ dạy.

Đối với Phật giáo, tất cả đều là vô thường, đều không phải là thật, không phải là ngã. Điều này cho thấy trong bài thuyết pháp 35, bài thuyết pháp ngắn cho Saccka. Khi Saccka hỏi Đức Phật là đã dạy học trò và trình bày giáo huấn bằng cách nào. Đức Phật đã trả lời rằng tất cả Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức (Ngũ uẩn) đều là vô thường, đều là cái mà như mình tưởng. Cho nên, các đệ tử muốn được giác ngộ thì nhất thiết phải thấm nhuần tư tưởng này để áp dụng vào trong các pháp tu tập.

Tinh thần coi Ngũ uẩn là vô thường trong Phật giáo cũng rất giống với tinh thần từ bỏ trong Kitô giáo. Thật vậy, khi rao giảng Đức Giêsu đã dạy: “ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26), có lúc khác thì Người lại nói: “ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Có lẽ, sự giàu sang danh vọng luôn luôn lôi cuốn con người và làm cho con người đi xa đường lối của Chúa. Vì thế, đã có lần Đức Giêsu đã dạy: “không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dễ chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13), lần khác Chúa cũng đã nói: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19,23-24). Do đó, con người muốn được cứu độ thì phải từ bỏ mọi sự để đi theo con đường của Chúa đã dạy.

Như vậy, đối chiếu hai đường lối này, ta thấy có những điểm giống nhau trong cách để con người đạt đến ơn cứu độ. Đó là sự từ bỏ hay là không bám víu vào những gì là vật chất. Do đó, với cách nói coi mọi sự đều là không, con người không còn bám víu vào một cái gì nữa để được giác ngộ, và cách nói từ bỏ mọi sự tiền tài danh vọng, cha mẹ, vợ con… đều mang một nghĩa là con người muốn được cứu độ thì phải từ bỏ chính mình, không bám víu hay chấp vào con người mình.

· Từ bi - bác ái; cầu nguyện là phương tiện cứu độ những vong linh quá cố

Một điểm căn bản giữa Kitô giáo và Phật giáo là cho rằng các tín đồ còn sống đều có thể cứu độ những vong linh quá cố, bằng việc làm bác ái, việc cầu nguyện. Vì thế, hằng năm, hai tôn giáo này đều có những ngày lễ đặc biệt để tưởng nhớ và cứu độ người quá cố, thậm chí còn dành ra cả tháng để làm công việc này.

Việc cầu nguyện hay việc chú nguyện của các tín đồ để cứu những linh hồn đã quá cố đang đau khổ vì hình phạt có hữu hiệu hay không thì tùy thuộc vào lòng thành tâm, sự trong sạch, thánh thiện hay mức độ tu luyện tâm linh của tín hữu còn sống. Và nhiều người cùng họp nhau cầu nguyện hay chú nguyện thì việc độ vong sẽ có kết quả hơn.

Việc cứu những linh hồn đã quá cố còn đang phải chịu những hình phạt được coi là bổn phận của những người còn sống. Đây cũng là việc để con người tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên, để tỏ lòng biết ơn đối với các ân nhân và lòng từ bi bác ái đối với những linh hồn khác, nhất là những linh hồn mồ côi.

KẾT LUẬN

Phật giáo và Kitô giáo đã tạo nên những động lực hết sức cao thượng để con người hành thiện tránh ác, sống cuộc đời cao đẹp. Lối sống của cả hai tôn giáo đã xoa dịu biết bao những đau khổ cho nhân loại. Giáo huấn của hai tôn giáo thật lớn lao đối với nhân loại. Nếu không có những giáo huấn này thì thế giới này đã mất đi những mẫu người hết sức tốt đẹp và cao thượng. Họ đã bất chấp mọi khổ đau xảy đến cho mình, từ bi bác ái cao độ, biết xả thân cho những lý tưởng cao đẹp, hy sinh cho tha nhân đến quên mình, luôn nỗ lực làm cho thế giới này bớt đau khổ và thêm hạnh phúc. Với những mẫu gương ấy, dù họ theo dù là người Kitô giáo hay Phật giáo thì họ vẫn là người tuyệt vời. Họ đã thành công về tâm linh nhờ chính tôn giáo của họ. Vì thế, chúng ta phải luôn tỏ lòng tôn kính và biết ơn đối với các tôn giáo, với những người đang đại diện cho các tôn giáo ấy. Đồng thời, chúng ta cũng biết đón nhận những tín đồ các tôn giáo khác như những người đồng hành với mình trên con đường tiến tới Chân, Thiện, Mỹ, là nguồn giải thoát hay nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúng ta biết rằng, mỗi tôn giáo đều có đường hướng riêng và cách thức riêng, nhưng đều có một mục đích cuối cùng là đem lại hạnh phúc cho con người. Hạnh phúc ở mỗi tôn giáo là hạnh phúc tâm linh, hạnh phúc đó chỉ đạt được sau khi chết. Muốn đạt được hạnh phúc thì con người phải có niềm tin, niềm tin là điều cốt yếu để đạt được hạnh phúc. Đạt được hạnh phúc là được cứu độ, được giải thoát. Trong Kitô giáo thì ơn cứu độ phát xuất từ Thiên Chúa và con người lãnh nhận hồng ân đó. Trong Phật giáo thì sự giải thoát là chính sự nỗ lực tu luyện của bản thân. Do đó, mỗi người phải xét theo tiếng lương tâm của mình, tìm ra phương thế sống hữu hiệu nhất để đem lại hạnh phúc cho chính mình.

Việc Giải thoát, Cứu độ trong Phật giáo và Kitô giáo có những nét tương đồng và dị biệt. Tương đồng ở chỗ, cả hai tôn giáo đều tin rằng chết không phải là hết, mà là bước vào một cuộc sống mới. Cả hai đều nói lên sự liên hệ giữa người sống và người chết. Người còn sống và người đã chết tuy sống trong hai cảnh giới khác biệt nhưng vẫn có thể lo lắng cho nhau, biểu lộ tình yêu thương, sự quan tâm và làm lợi cho nhau. Tuy nhiên, hai tôn giáo này cũng có những điểm khác nhau rất căn bản như: quan niệm về đường hướng cứu độ, về kiếp sống của con người, quan niệm về đau khổ, quan niệm về cách thức để đạt được ơn cứu độ.

Tuy đường hướng của hai tôn giáo là khác nhau nhưng xét cho cùng, cứu độ và giải thoát đã làm cho các tôn giáo có sự gặp nhau. Bởi vì, mọi tôn giáo cùng hướng đến việc chữa lành những vết thương, những rạn nứt, đổ vỡ trong thân xác và tâm hồn con người. Hướng tới giải phóng con người khỏi cảnh nô lệ khổ đau, tội lỗi, và đem đến cho con người một cuộc sống tự do, sự công lý và hòa bình, lòng nhân nghĩa và tình yêu thương để con người được hạnh phúc dồi dào và sung mãn hơn. Điều này thực sự mời gọi và thôi thúc chúng ta phải tích cực dấn thân loan báo ơn cứu độ và giải thoát đến cho mọi người, không chỉ bằng lời nói hoa mỹ hay những ngôn từ sáo rỗng, nhưng bằng chính hành động và cuộc sống của mình.

Hơn nữa, tôn giáo luôn mang chiều kích tâm linh siêu việt, vượt trên mọi khả năng tri thức hạn hẹp của con người. Nghĩa là, con người không chỉ hiểu biết bằng cái đầu mà còn phải cảm bằng tất cả con tim, với tấm lòng yêu mến, say mê, lòng khao khát và dấn thân đi tìm chân lý. Do đó, con người phải có thái độ khiêm tốn thâm sâu, một đức tin khiêm nhường sâu sắc.