Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

NGUỒN CỘI PHƯƠNG NAM CỦA “ĐẠO”

Thời sự Thần học – Số 25-&26, tháng 12/2001, tr. 144-148

_Vô Trú_


Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa biển bay qua cánh đồng


Trong chương 10 sách Trung Dung của đạo Nho, Tử Lộ hỏi thầy Khổng về “cường”: “Tử Lộ vấn cường”. Tử viết: “Nam phương chi cường dư? Bắc phương chi cường dư? Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo: Nam phương chi cường dã, quân tử cư chi”. Cái mạnh của người phương Nam? Cái mạnh của người phương Bắc? hay cái mạnh của người? Khoan dung, êm đềm dạy dỗ, không báo thù kẻ vô đạo, ấy là cái mạnh phương Nam. Người quan tử ưa cái mạnh ấy. Ngu đeo gươm mặc giáp, chết không ngại, đó là cái mạnh phương Bắc, kẻ vũ dũng ưa cái mạnh ấy.

Như vậy, chắc chắn trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, người ta đã biết tới hai phong thái, hai lối sống từ hai bầu khí văn hoá khác nhau: người phương Nam hiếu hoà, vui vẻ, khề khà, êm đềm, giản dị; người phương Bắc mạnh mẽ, quyết liệt, cương cường, vũ dũng.

Hai phong thái, hai lối sống ấy cũng đã trở nên hai khuynh hướng chính yếu tồn tại lau dài trong nền minh triết Trung Hoa: Nho Giáo là đạo hữu vi nhập thế để củng cố những mối nhân luân xã hội, đề cao đạo lý đức nghĩa, nghiêm cẩn, khuôn khổ và khắc khổ, trọng nam khinh nữ; Ngược lại, đạo giáo là đạo vô vi xuất thế, thay vì hướng ra đời sống xã hội thì lặng im tịch mịch hoà vào sự thăm thẳm huyền bí của thiên nhiên trời đất, thích lối sống phóng khoáng hồn nhiên, không ưa những thứ khuôn khổ giáo điều của lý trí minh bạch, nhấn mạnh thứ trực giác huyền đồng đầy nữ tính mà cảm nghiệm những lẽ huyền vi.

Quả thật, chúng ta có thể khá chắc chắn rằng, đạo huyền bí vô vi của Lão Tử (hay nền minh triết đạo giáo) có nguồn cội nông nghiệp phương Nam. Phương Nam là vùng đất Hoa Nam tử sông Dương tử (Trường Giang) đổ xuống. Phương Nam còn là vùng đất phù sa sông mã và sông Hồng. Đó là đất phương Nam xa xưa của giống dân Đông Á cổ. Trong đại chủng Đông Nam Á đó, các tộc Bách Việt sống định cư thành làng, định canh với nghề trồng lúa nước. Đó cũng là đất phương Nam mưa hiền gió lành: bầu trời, đồng lúa, núi rừng, sông biển quanh năm phủ một màu xanh bát ngát. Đó là đất phương Nam tràn đầy câu hò tiếng hát, chân chất giản dị một niềm mong ước thái bình và gió hoà mưa thuận. Đó cũng là đất phương Nam của những người nông dân cắm cúi hoà nhịp và hoà tan cả cuộc đời mình vào khoảng xanh lơ trời cao đất rộng và vào từng tiết điệu nhịp nhàng của tứ thời bát tiết xoay vần. Đó cũng là đất phương Nam có những thôn làng thấp thoáng sau bờ tre luỹ trúc, dịu dàng ẩn hiện trong làn khói lam chiều, thiêm thiếp ngập chìm trong ánh trăng thanh bình êm ả. Cho nên, đó cũng là đất phương Nam của những Sơ Nguyên Tượng ngàn năm (Archétypes) là Mẹ, là Nhà, là Em, là Mình, là “Cái”, là Ruộng Lúa(Đất), là Dòng Sông(Nước), là nhũng con Long, là những Cánh Chim lạc…; Đó là vùng đất của tình trời, tình người, tình đất, của trực giác huyền bí nông dân, của sự Hoà Điệu và nữ Tính chân chất mà tha thiết nồng nàn tình nghĩa.

Ta sẽ tìm thấy bao nhiêu chất phương Nam trong thăm thẳm Đạo Đức Kinh của Lão Tử, không phải chỉ ở những câu chữ, những về Mẹ, về Nước mà thôi, nhưng hơn thế nữa, trong tinh thần huyền bí của khái niệm không thể khái niệm là “Đạo” vốn có nghĩa là đường đi nước bước của tứ thời bát tiết thiên nhiên, trong sự lạ lùng ngạc nhiên về sự sống phong nhiêu mầu nhiệm được tạm gọi là “Đức”, trong chủ trương mà chẳn chủ trương về lối sống thanh tĩnh vô vi như trời xanh bao la, như giòng nước nhu nhược yếu mềm, như cây cỏ thô mộc giản dị, như đứa trẻ thơ dại dột ngu ngơ, như những bác nông dân “Hai Lúa” hồn nhiên chân chất…

Nói và nhấn mạnh về nguồn cội phương Nam của minh triết Lão Tử như vậy, thực ra chẳng phải để thoả mãn chút “tự ái dân tộc", nhưng trước hết, muốn lai rai chút chút về một thứ tạm gọi là phương pháp luận. Tiếp cận với Đạo đức Kinh cũng như với toàn bộ minh triết hay Đạo Học của Á Đông, cần phải tiếp cận cách lai rai, nghĩa là lơi lỏng ra thứ ngôn ngữ luận lý rõ ràng khuôn nếp, lơi lỏng ra cái khao khát ôm chiếm lấy một mớ kiến thức về Đạo, về Đức, về Vô…”Đọc” Đạo Đức Kinh của Lão Tử, rất nên đọc bằng ánh mắt lim dim, đọc trong sự thiu ngủ của lý trí, đọc bằng một vô thức phương Nam” trong đáy lòng, đọcnơi ánh mắt và điệu ru của mẹ, đọc vào cái thăm thẳm rộng dày của thiên đang mở phơi và cũng đang ẩn kín trong sự bát ngát chuyển dịch mà vẫn vô tận im sâu. Để rồi, một hôm nào đó, ngâm nga một bài Đường Thi, nghe ra tiếng chim véo von ca hát, hoặc trong một lần đứng giữa đồng ruộng toả ngan ngát hương lúa đòng đòng, và xa kia, là giòng sông chiều hôm khói sóng, bỗng trực ngộ những gì chẳng nói ra được: thường vô, dục dĩ quan kỳ diệu, thường hữu, dục dĩ quan kỳ kiêú”, và quả thật, cái Vô cái Hữu đó là “Huyền”: “huyền chi hựu huyền, chúng diệu ch môn”…

Nói về phương diện khác, giữa lòng một xã hội văn minh khoa học lý trí tuyệt đỉnh hôm nay, và giữa lòng một đất nước mấy trăm năm, chất “Nho Giáo làng” độc tôn đoàn vẫn tiềm tàng trong vô thức, dường như người Việt Nam có quyền và rất nên đào xới sâu hơn nữa chất tâm hồn phương Nam thần bí hiền hoà giản dị của mình. Trong tầng sâu vô thức Bách Việt phương Nam đầy nữ tính và hoà tính, có lẽ chúng ta sẽ đồng cảm sâu xa với những lời khói sương mập mờ thấp thoáng của Lão Tử. Như thế, may ra ta tìm lại được sự an nhiên tự tại, sự thong dong vui sống, sự giản dị trẻ thơ giữa những loè loẹt phù phiếm hoặc giả tạo khô khốc của cuộc đời đầy lý luận, đầy ngôn ngữ, đầy màu sắc, đầy khói bụi này.

Dĩ nhiên, thứ “nguồn cội phương Nam” của Đạo Đức Kinh không có nghĩa là người Bách Việt hoàn toàn là chủ nền minh triết thăm thẳm này. Nguồn cội, là nguồn cội chất liệu, thứ chất liệu thô mộc là lối sống, lối nghỉ, lối cảm của mênh mang sông nước đồng ruộng phù sa phương Nam. Dù sao thi người Bách Việt phương Nam vẫn chỉ là những chị nông dân e ấp. Họ nói trong ánh mắt, họ cười trong ánh mắt, và họ cũng chỉ khóc trong ánh mắt. Tình cảm, trực giác quá thiết ta, quá tràn đầ, nên chẳng bao giờ trở thành lời ngoài môi ngoài miệng được, nghĩa là, chẳng bao giờ trở thành minh triết hay Đạo Học được. Chắc chắn, đã phải xảy ra những cuộc giao lưu hội nhập văn hoá với người phương Bắc thông minh, với đồi nương bên dòng sông Hoàng Hà cát lầm cùng với thác ghềnh quanh co khúc khuỷu, với những núi cao chập chùng mà vẫn trơ trơ tuyết trắng, với khi lạnh và những cơn gió bấc khắc nghiệt, bấy giờ, cuộc giao lưu ấy mới sản sinh những tâm hồn thành triết như Lão Tử, Trang Tử, như Huệ Năng, vừa dân dã, vừa thông minh, vừa nghệ sĩ, mà nói lên những lời vô ngôn tịch mịch.

Với những người kitô hữu Việt Nam, chất thông minh, luận lý, luân lý, giáo điều, cơ chế cũng pha lẫn với chất dấn thân tha thiết. Kitô giáo và Kitô giáo đầy chất Tây phương đi vào Việt Nam từ thế kỷ 16 đã thật hoà hợp với chất “Nho Giáo làng” cũng bắt đầu thâm nhập đồng ruộng làng quê Việt Nam từ thế kỷ 15,16. Tinh thần Kitô giáo Việt Nam gần gụi xiết bao với Nho giáo. Nhưng biết đâu, đôi khi, người kitô hữu Việt Nam cũng cần có một chút “lai rai thô mộc”, “lai rai dân dã”, để bằng chất nông dân chân chất, bằng chất trẻ thơ hồn hậu, người kitô hữu Việt Nam còn nghiệm ra được chút gì thăm thẳm khác nữa, trong đáy hồn của thầy Giêsu, khi Thầy thấy được bông hoa dại phất phơ ngoài đồng, còn đẹp hơn áo choàng của vua Salomon gấp bôị…