Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

KHỔNG GIÁO

Thời sự Thần học – Số 20, tháng 06/2000, tr. 98-105. 

_Djénane Kareh Tager_ 

Hoà là nguyên lý chỉ đạo của Khổng giáo.
Hoà trong gia đình và trong xã hội.
Để sống hoà, phải biết tôn kính các thầy giáo, tôn kính truyền thống, phẩm trật – phẩm trật xã hội và phẩm trật trong thiên nhiên.
Khổng giáo không bàn về Thiên Chúa hay mạc khải, nhưng chỉ dạy một khoa nhân bản hướng đến việc kính trọng, ý thức luân lý, tha thứ, khoan dung và đức tính con người, lòng nhân. 
Giáo sĩ chuyển dịch
Mỗi gia đình theo đạo Khổng đều có một bàn thờ ngay giữa gian nhà chính. Trên đó đặt bài vị tổ tiên, một bàn dâng hoa quả, chén nước hay trà. Mỗi buổi sáng, trước khi bắt đầu một ngày mới, mọi thành viên trong gia đình đều đến lạy trước bàn thờ, họ chào kính các bậc tổ tiên đã khuất, và bái kính sức mạnh liên kết các thế hệ. Sau đó, đến thăm các huynh trưởng trong gia đình, thăm hỏi các ngài có nhu cầu gì không. Họ bày tỏ lòng kính trọng[1] các anh của mình, những cử chỉ đó vừa là một lối sống, vừa là một hành vi cao cả mang tính tôn giáo trong truyền thống Khổng giáo.

Nghi thức và thực hành


Cuộc sống của những người theo đạo Khổng dường như hoàn toàn rập theo nghi thức. Cách bước qua sân, cách ngỏ lời với người trên hay nói chuyện với bạn bè, cách rót trà mời huynh trưởng, nhất nhất đều tuân theo những luật lệ nghiêm nhặt. Để bắt đầu một trong năm mùa (Xuân, Hạ, cuối Hạ, Thu và Đông), bắt đầu công việc đồng áng, ký kết một giao kèo, khao vọng thăng quan tiến chức, đều có các nghi lễ, chính thức hay riêng tư, với những nghi thức không thay đổi.

Trong các đền thờ Khổng giáo, nổi bật là bài vị đức Khổng và các môn đồ, các bậc nho gia, kinh kệ thì có âm nhạc hỗ trợ, cũng như các cuộc rước luôn luôn rập theo nghi thức. Không có tư tế mà chỉ có các quan lại[2] và các thầy giáo, các vị này chăm lo việc tuân giữ nghiêm nhặt các nghi thức, theo truyền thống tổ tiên. Chẳng hạn, ngày xưa, để đánh dấu khởi đầu mùa xuân, vị Thiên tử, tức nhà vua, sau khi được thanh tẩy, mặc lễ phục mang màu sắc của mùa xuân, trổi khúc nhạc mùa xuân, kêu mời các chức sắc có trách nhiệm liên quan đến mùa xuân, tập họp những yếu tố biểu tượng của mùa xuân… và như thế, khởi đầu mùa xuân mới.

Việc quan tâm đến các chi tiết như thế còn được nhận thấy qua một hệ thống những tương ứng có từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Hệ thống nầy có thể trình bày như một bảng, trong đó mỗi mùa có một màu sắc riêng, một mùi vị riêng, một con số, một cơ quan nội tạng, một nốt nhạc, một loại vải, một tâm tình, một vị thần, một công việc riêng…. còn rất nhiều không kể hết. Sống theo hệ thống này là nhận biết tất cả đều có thời gian, nói cách khác, cần biết sống hoà hợp với giờ khắc, ngày tháng, hoàn cảnh, con người chung quanh.

Bởi vì đó là trật tự của vạn vật, quan sát thế giới chung quanh chúng ta đều thấy có trật tự như thế. Vũ trụ được tổ chức thành ba trục: Thiên, Địa, Nhân. Con người được xếp ở giữa và chịu ảnh hưởng của trời và đất. Phẩm trật tự nhiên có từ tầm mức quốc gia, đến gia đình, thậm chí trong mỗi cá nhân. Vua trọng hơn dân, tộc trưởng hơn gia đình, đầu hơn tay chân. Cũng thế, núi thống trị đồng bằng, sông lớn hơn suối, biển rộng hơn sông. Chấp nhận phẩm trật này, và sống theo đó, sẽ giúp tránh những va chạm, những xung đột và nhất là những trục trặc. Vì thiên nhiên rất ghét trục trặc. Để bảo đảm tính trật tự trong cuộc sống, đã có các nghi thức nhắc nhở chúng ta phải sống thế nào trong từng hoàn cảnh, trong việc tôn trọng phẩm trật tự nhiên. Như thế, nghi thức đã bắt nguồn từ trong thiên nhiên: Nó không phải là một giáo điều, một chân lý mặc khải.

Các yếu tố trong thiên nhiên không tách biệt nhau. Ngược lại, tất cả đều hiện hữu liên đới với nhau và được luân chuyển bởi Khí[3], khí là một loại hơi thở, năng lượng, luồng gió không ngừng luân chuyển. Chính năng lượng của gió đang thổi mây bay, và năng lượng của mây lại đem tới những trận mưa. Con người không thể làm chủ được khí, nhưng chỉ giúp cho khí lưu chuyển mà thôi. Không lời cầu nguyện nào, không hành động nào có thể làm thay đổi giòng chuyển của khí. Chẳng hạn việc cầu mưa là vô ích, tốt hơn nên dự trữ nước vào những ngày mưa, để dành cho mùa hạn. Vì thế con người cần nhận biết những qui luật của thiên nhiên và sống theo đó. Trong tiếng Hán cổ, từ ngữ “hoà hợp” viết theo bộ thuỷ, ý nghĩa là những gì trôi theo giòng nước chảy là hoà hợp. Thật là vô ích khi người ta ngược giòng suối mà không biết rằng mình đang ngược giòng.

Lễ nhắc cho mỗi người nhớ qui luật cũ xưa đó. Cần hứng nước đầy thùng khi trời mưa, cần nhớ cái rét gay gắt của mùa đông, cần chấp nhận và sống thuận theo Thiên nhiên và trật tự của nó. Tại sao? Vì như thế con người tìm được ích lợi cho mình. Chỉ có một điều kiện duy nhất đó để con người có thể sống hoà hợp, quân bình và thoải mái, thậm chí phát triển vì mình là một thành phần trong toàn thể. Trong giáo huấn của đức Khổng, cái thiện, được gọi là giáo (jiao), không phải là một giá trị luân lý tự thân. Thiện là những gì hoạt động, diễn tiến thuận theo hướng đi của sự vật, còn ác là những gì không đi theo, những gì chống lại qui luật tự nhiên.

Như thế phải chăng phản kháng là bất hợp pháp? Khổng giáo, mặc dù từ chối các tín điều và các chân lý được thiết lập, cũng như việc phổ biến các chân lý đó, nhưng lại chấp nhận trường hợp này. Những người theo Khổng giáo kể lại câu chuyện về một người đã giết vua của mình. Nhưng vì ông vua này đã không sống xứng đáng là vua: bất công, tàn ác, không xứng đáng vai trò của mình. Loại trừ ông thì không phải mang tội giết vua, nhưng là loại trừ một tên cướp…

Niềm tin


“Cuộc sống tôi còn chưa biết hết, sao bạn lại hỏi tôi về cái chết?”, đức Khổng đã từng nói như thế với các đệ tử. Khi được hỏi về các thần linh, ngài tiếp: “chúng ta không biết các thần có hiện hữu hay không, nhưng chúng ta hãy sống “như là” có các ngài vậy”. Khi cần vẫn có những nghi lễ tế Trời và Đất, thực ra những vị thần cổ đại này của Trung Hoa lại phát xuất từ quan niệm phiếm thần của Lão giáo.

Được coi như một trong tam giáo của Trung hoa cùng với Lão giáo và Phật giáo, nhưng rõ ràng Khổng giáo ít mang tính cách tôn giáo hơn. Đối với người Trung hoa, không có một bức tường rõ rệt giữa ba đạo này. Cùng thời với Khổng giáo, Lão giáo lo lắng tới việc giải thoát cá nhân hơn xã hội. Mục đích chính là giúp cho các môn đồ đạt được cuộc sống bất tử trải qua một chuỗi những nghi thức và thực hành mang tính tôn giáo-ma thuật. Phật giáo cũng lo tìm giải thoát như thế. Riêng Khổng giáo, muốn trở thành một tôn giáo của gia đình, của dòng tộc, của xã hội. Không đòi hỏi sự hiện hữu của những vị thần có ý muốn, cũng không giải thích thế giới được tạo dựng bởi một vị thần Tối Cao có lý trí: vũ trụ không ngừng tự sáng tạo. Và nếu các tín đồ Khổng giáo tôn kính các vị tổ tiên, thì họ cũng không nói gì tới thế giới bên kia. Đức Khổng không cấm cũng không dạy cầu nguyện. Ngài chỉ dạy rằng con cháu phải tôn kính các bậc tổ tiên xét vì các vị là huynh trưởng tức là thượng cấp trong phẩm trật.

Đầu óc Tây phương đòi hỏi những sự chắc chắn và những chân lý xác định rõ ràng. Người Trung hoa thì không như vậy. Đối với họ ý tưởng về một nền luân lý được qui định bằng những luật lệ có giá trị mọi nơi mọi lúc quả là xa lạ. Kinh thánh Kitô giáo dạy rằng “chớ giết người”. Người theo Khổng giáo có thể hỏi lại: “giết ai, và trong hoàn cảnh nào?”. Đối với họ, chỉ có một chân lý tuyệt đối phát xuất từ việc quan sát thế giới. Cái người Tây phương gọi là lý lẽ (raison), thì người Trung hoa gọi là Lý[4], gợi lên cái trật tự vạn vật. Lý viết với bộ ngọc, trước khi mài dũa viên ngọc, phải quan sát các đường vân của nó, kẻo làm bể mất. Đức Khổng khuyên rằng trước tiên phải quan sát, sau đó mới hành động, cứ như thế, bạn sẽ hài hoà với thế giới vũ trụ.

Để quan sát chính xác hơn, con người phải không ngừng tự hoàn thiện mình, tự luyện mình cho sắc bén hơn. Như thế là phải học[5]. Học không phải trong ý nghĩa nội tĩnh (quay về chính mình) nhưng theo môt nghĩa thực hành hơn, tức là để thiết lập một mối liên kết với thế giới. Sách vở, lời giảng, tư tưởng và các bài bình giải đều qui về một mục đích: học để sống tốt hơn. Thuộc truyền thống trí thức, Khổng giáo khích lệ mỗi người học hỏi văn chương, vả lại đây cũng là con đường tiến thân trong xã hội. Không có hệ thống giảng dạy, như các đan viện hay chủng viện, tri thức cuộc sống được truyền thụ ngay trong chính gia đình, rồi giữa các thầy giáo và học trò. Như thế, không ai được giữ riêng cái khôn ngoan cho mình mà không có trách nhiệm chia sẻ cho người khác, bởi họ chỉ là người quản thủ cái khôn đó mà thôi. Vì thế ngay từ trong nôi, đứa trẻ đã học được những nền tảng của truyền thống: Kính (tôn kính) nghĩa (ý thức luân lý), nhu (khoan dung), và thảo (thảo hiếu). Đức tính quan trọng nhất là lòng nhân. Khổng Tử dạy: “những gì bạn không muốn người khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho người khác”. Được chuẩn bị như thế, con người có thể hoà mình vào cuộc sống xã hội, nếu cần, có thể nhúng tay vào bùn để gần gũi với những người hư hỏng. Một số giới luật không buộc con ngươì trong tư cách cá nhân.

Sách thánh


Lễ và học là hai điều buộc các tín đồ Khổng giáo. Vì thế, nơi các đền thờ đức Khổng đều dành một gian phòng để cử hành các nghi lễ, nhưng còn có một thư viện và các phòng học.

Trọng tâm của tủ sách là bộ Tứ Thư. Đây là những giáo huấn của đức Khổng được các môn đệ ghi lại, gồm: cuốn Mạnh Tử (do thầy Mạnh Tử 380-289 tCN) và hai chương trích từ bộ Lễ Ký; Trung Dung và “Đại học”, một bản văn rất ngắn, khoảng một trang, nhưng rất nền tảng trong tư tưởng khổng giáo.

Ngoài bộ Tứ Thư còn có bộ Ngũ Kinh, những bản văn rất cổ, có lẽ một phần lớn được chính đức Khổng xuất bản. Bộ sách này sưu tập sách kinh Dịch, kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ và kinh Xuân Thu. Trong đó có những giáo huấn về luân lý và tôn giáo cũng như những lời khuyên chiến thuật dụng binh, những giai thoại hay những trình bày nghi lễ. Bổ túc cho tủ sách qui điển này còn có bộ Mười ba bài văn cổ…

Các môn đồ đức Khổng thích kiểu nói “các bản văn đáng tôn kính” hơn là những “bản văn thánh”. Ngoài các tác phẩm căn bản đó, thư viện khổng giáo còn có rất nhiều tác phẩm của các nho gia cổ Trung Hoa, mặc dù không được coi là qui điển, nhưng cũng được tôn kính không kém và được dùng để học hỏi và giải thích.

Giải thích là công việc quan trọng nhất mà một độc giả có thể làm. Một mình với bản văn, độc giả có thể đào sâu các giáo huấn của các tiền nhân. Cũng như mỗi người có thể trình bày một đoạn nhạc theo cách riêng của mình, mỗi độc giả cũng luôn luôn có cái gì riêng của mình đóng góp cho việc tìm hiểu một tác phẩm. Dù nổi tiếng hay vô danh, tất cả các giải thích đều được đón nhận như phản ánh của một con người và một thời đại. Một nhà giải thích vốn có uy tín vào một thời đại và một địa phương nào đó, hoàn toàn có thể bị thay thế trong lòng những độc giả vào một thời đại khác hay tại một địa phương khác. Những ấn tượng, những cảm tưởng, những cảm nhận của mình từ bản văn, hãy ghi lên trang sách để làm phong phú hơn: có lẽ đó là công việc trí thức và tinh thần được các nhà theo khổng giáo khuyên nhiều nhất.

* * *

TẠI SAO TÔI THEO KHỔNG GIÁO

Ivan P. Kamenarovic

Theo Khổng giáo không cần phải gắn bó với một hệ thống tín điều, nhưng là với những giá trị. Và tôi cảm thấy thoải mái với các giá trị được Khổng giáo truyền lại. Cái môi trường trí thức này, và trong mức độ nào đó cũng mang tính thiêng liêng, thích hợp với tôi, do bài học là trước tiên phải xoá đi cá nhân mình, lưu ý đến người khác và quan tâm sống hoà thuận với xã hội. Quan niệm tôn kính là như thế.

Là nhà giáo, tôi cố gắng kính trọng các sinh viên của tôi. Chẳng hạn, vì phải kính trọng các sinh viên, nên tôi phải cải tiến giáo trình hằng năm! Và tôi hy vọng các sinh viên của tôi cũng có thái độ như thế. Với điều kiện là tôi tỏ ra xứng đáng với họ. Cũng thế, tôi kính trọng sâu xa ông bà thân sinh ra tôi, điều mà tôi thấy đề cao trong đạo hiếu của Khổng giáo. Thân phụ tôi luôn có một uy quyền tinh thần đáng kể trong tôi. Tôi gọi điện cho ngài mỗi ngày, tôi đến thăm hỏi ngài mỗi khi có thể. Cũng có một khía cạnh thần bí trong đạo Khổng. Một thứ hăng say (exaltation), đòi hỏi, thúc đẩy phải theo đuổi, phải trau dồi, thanh tẩy, kiên trì. Nhưng nếu nói thần bí theo nghĩa chặt như trong một số bản văn của đức Khổng, thì phải hiểu rằng đó là một thứ thần bí không có Thiên Chúa. Điều muốn nói ở đây, là gặp gỡ chân lý của thế giới, của việc chung nhịp tim với thế giới, nhịp thở hoà nhập với thế giới. Đạt được điều đó, người ta sẽ cảm nhận một niềm vui lớn lao, một sự thoả mãn sâu xa không thể diễn tả được. Khi đó người ta nói được: “thế là xong, tôi đang ở bên trong, tôi biết phải hiện diện thế nào trong thế giới này, tôi biết điều gì tôi có thể làm”. Sống theo đạo Khổng là làm cho tư tưởng và hành động không thể tách rời nhau. Đạo Khổng giúp tôi, trong vai trò làm con, làm chồng, thầy giáo, phải biết đặt chân vào đâu, trên một mảnh đất đã được dọn sạch những trở ngại quen thuộc, để tôi phát triển, và làm cho cuộc đời chung quanh tôi trở thành dễ thương hơn.

[1] Kính trọng là nhìn nhận một cách tự nhiên trật tự trong vũ trụ, và tuân theo trật tự đó. Đồi núi có ngọn cao ngọn thấp, con người cũng có phẩm trật kẻ thấp người cao.
[2] Với người Trung Hoa ngày nay, quan lại là những công chức. Ngày xưa tiếng này được dùng để chỉ một người có một địa vị cao, nhưng không nhất thiết giữ một chức vụ lãnh đạo. Các quan được chia thành hai loại và chín bậc.
[3] Tập hợp những năng lực trong thiên nhiên, không thể lay chuyển, hiện diện trong khắp cả thế giới. Những ngọn gió này bảo đảm cho hơi thở, sự nhịp nhàng, đà sống khắp nơi cần thiết cho sự sống. Ngay cả chữ viết, vì là những biểu tượng của thực tại, nên cũng có sự sống, vì thế cũng có khí lưu chuyển.
[4] Chữ này có thể dịch là “ý nghĩa sâu xa của sự vật”. Trước khi hành động hay tính toán, cần quan sát sự vận hành của sự vật, để xác định công việc tuỳ theo sự vận hành đó. Bằng không có thể chúng ta sẽ hành động vô ích, thậm chí còn có tác dụng tiêu cực, cho dù động lực thúc đẩy như thế nào đi nữa.
[5] Việc học với thầy giáo và sách vở là cách thức không thể thiếu, nhờ đó mỗi người có thể xác định tài năng và đức tính của mình, và có được một địa vị tương xứng trong xã hội.