Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

ĐỂ MÌNH TRỐNG RỖNG

Thời sự Thần học – Số 20, tháng 06/2000, tr. 106-111. 

_Georges Theotis_ 

Mặc dù ở những cấp độ khác nhau, tất cả các tôn giáo đều quan tâm tới sự thinh lặng. Đối với các tôn giáo độc thần, thinh lặng là một cách thức để đạt tới Thiên Chúa, nhưng đối với Phật giáo, đây lại là một mục đích tự thân. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu vài quan niệm về sự thinh lặng trong các tôn giáo. Giáo sĩ chuyển dịch.
“Đa số các tôn giáo đều duy trì một mối liên lạc đặc biệt với sự thinh lặng”
. Nó nằm ở trung tâm của kinh nghiệm về cái thánh thiêng. Cho dù theo đường lối khác nhau, nhưng lại gặp nhau ở những cách thức để hiểu và sống sự thinh lặng. Thinh lặng được coi như “phương thuốc trị liệu để tránh xao lãng tâm trí và là dấu chỉ cho thấy người thực hành đã vượt qua tâm trí”. Bộ luật của thánh Benoit, đặt nền móng cho lối sống đan tu Kitô giáo tây phương, đã truyền phải tránh “tội hay nói”. Và trong lịch sử của lối sống đan tu này, miệng lưỡi được coi như “cánh cửa rất nguy hiểm”. Vào thời Trung cổ, tu sĩ Guillaume Peyraut, dòng Đa Minh, đã xếp tội nói tào lao thành “mối tội đầu” thứ tám. Các tu sĩ Phật giáo cũng coi việc làm chủ lời nói là “một trong những giới luật quan trọng”.

Thinh lặng cũng có giá trị khác nhau tuỳ tôn giáo. Thinh lặng là thứ ngôn ngữ đặc biệt, còn biểu đạt hơn cả ngôn ngữ thông thường. Isaac de Ninive, một nhà khổ hạnh và thần bí Kitô giáo thế kỷ VII đã nói: “Thinh lặng là mầu nhiệm của thế giới tương lai, còn lời nói là cơ cấu của thế giới hiện tại”. Nhà văn Hy lạp Kazantzakis, khi đi dạo trong rừng sâu trên ngọn núi Athos, đã nghe được một âm thanh giải thích cho ông hiểu rằng thinh lặng là “ngôn ngữ của các thiên thần”. Nhiều nhà thần bí còn đi xa hơn: thinh lặng là ngôn ngữ của chính Thiên Chúa.

Plutarque, nhà viết tiểu sử và là nhà luân lý Hy lạp, khoảng một thế kỷ sau đức Kitô, đã viết như sau: “Nếu chúng ta cần có những người dạy về cách ăn nói, thì chính các thần linh là thầy dạy chúng ta biết cách thinh lặng, nhờ các mệnh lệnh giữ thinh lặng trong các nghi thức khai tâm và các mầu nhiệm”. Trong các nghi lễ tôn giáo, đặc biệt là phụng vụ, bên cạnh những lời đọc hay thánh ca, luôn có những thời gian trầm tư và thinh lặng.

Thinh lặng là “nền tảng của toàn bộ cuộc sống đan tu”. Trong truyền thống Kitô giáo, các tu sĩ dòng Chartreux, do thánh Bruno sáng lập, đã tiến xa trên đường tìm kiếm sự thinh lặng: khi sống thành cộng đoàn, các tu sĩ này không chỉ muốn xa lánh trần thế bằng cách vào nhà dòng, nhưng còn muốn đánh mất cá nhân mình, khi sống họ đổi tên, và khi chết được chôn cất trong một nghĩa trang vắng vẻ, ít người lui tới, dưới các nấm mồ vô danh.

Trong phương pháp thiền, để chuẩn bị khai sáng các môn đệ, một trong cách cách thức các vị thiền sư thường dùng, đó là những “công án”. Công án là những lời bí hiểm, chợt nghe rất khó hiểu. Mục đích để gây sự ngạc nhiên, làm khuấy nhiễu, làm đảo lộn suy nghĩ người nghe nhờ một kiểu nói ngược đời, nhằm giúp người tập thiền cảm nhận được rằng “chỉ có sự thinh lặng mới giải thích được, còn mọi thứ ngôn ngữ đều chịu thua”.

Theo giải thích của David Breton, thinh lặng là “sợi chỉ hồng trong lục địa của thần bí”, nó cắt tỉa lối sống đan tu mà không hoàn toàn đồng hoá với lối sống này. Nó cung cấp cho đời đan tu một “vùng đất trú ẩn”. Cái bí nhiệm được nuôi dưỡng trong sự thinh lặng, bởi vì Thiên Chúa hay Đấng Tuyệt Đối, thì ở bên kia các từ ngữ. Pseudo-Denys, một tác giả Kitô giáo đầu thế kỷ thứ VI, và có ảnh hưởng lớn trong thời Trung Cổ, đã phân biệt hai cách đạt tới Thiên Chúa: cách thứ nhất là nói về ngài, làm chứng cho ngài bằng cách nêu lên các đức tính của ngài (tốt lành, công bình…); cách thứ hai là “hoàn toàn thinh lặng và kết hiệp trọn vẹn với Đấng-không-thể-thấu-đạt, vào trong Bóng Tối … của sự thinh lặng”. Qua phân tích này, chúng ta thấy báo trước một “Thiên-Chúa-hoàn-toàn-khác” của tôn sư Eckhart, nhà thần bí thế kỷ XIII-XIV. Hay kiểu nói của thánh Gioan thánh giá: Thiên Chúa ngự trên một ngọn núi tối đen, bao phủ bởi đám mây, “trong bóng tối của hư không”.

Thế giới các tôn giáo thường đề cao lối nhân hoá sự thinh lặng. Vị thần Ai cập Meret-Seger mang danh hiệu “Vị thần thích sự thinh lặng”. Jacques Scheuer gọi đức Phật là “sự thinh lặng lớn lao”. Một ngày kia, khi đang ở với một nhóm đệ tử trên núi Vautours, ngài “không cần phải thuyết giảng dài dòng, ngài chỉ giơ cao bó hoa do một môn đệ tặng.” Sau đó ngài nói về sự thinh lặng này như “một kho tàng tinh thần quí giá nhất” mà ngài có thể truyền lại. Mâuni trong tiếng Phạn có nghĩa là “vị tu sĩ hoàn hảo”, là người thinh lặng. Lý tưởng này, theo Raimon Pannikkar xác định, được các tu sĩ kỳ-na-giáo, những người tu thiền, các tu sĩ sannayasin của Ấn Độ thực hiện. Ngoài ra, tác giả thêm, một số kitô hữu sống tách biệt, cũng thực hành như vậy.

Ngược lại với đức Phật, đức Giêsu không phải là một thầy tu. Nhưng không phải vì thế mà thinh lặng không có vai trò quan trọng trong cuộc đời của ngài. Ngài sống thinh lặng trong hoang mạc (Mt 4); thinh lặng trong khi bị kết án (Mt 26,63). Theo truyền thống Kitô giáo, đức Kitô là hình ảnh của người tôi tớ huyền nhiệm, “người tôi tớ đau khổ, bị ngược đãi, bị sỉ nhục mà vẫn không mở miệng” (Is 53,7). Sự thinh lặng của sỉ nhục này mở đường cho sự thinh lặng của vinh quang. Trong giây phút trên thập giá, khi mà theo tác giả sách Khải huyền, thời điểm mở ấn thứ bảy, một sự thinh lặng của mạc khải Thiên Chúa trong lịch sử: “cả trời yên lặng chừng nửa giờ” (Kh 8,1).

Mặc dù có sự giống nhau giữa các kinh nghiệm tôn giáo, chẳng hạn trong Kitô giáo, tôn sư Eckhart viết: “Thiên Chúa thinh lặng hơn là nói”, còn tác giả Shankara của Ấn Độ lại nói “Atman là thinh lặng”, nhưng giữa các tôn giáo cũng có những quan niệm khác nhau, những cách thức thực hành sự thinh lặng khác nhau. Có những tôn giáo có đan sĩ, có những tôn giáo không có đan sĩ. Kitô giáo có các đan sĩ, thế nhưng cũng có những chỉ trích mạnh mẽ lối tu này, như trường hợp Luther chẳng hạn, mặc dầu ông vốn là một đan sĩ! Không phải chỉ trích như thế, mà Tin Lành lại không dành địa vị quan trọng cho thinh lặng. Đặc biệt hệ phái Quaker (một hệ phái của Tin Lành) coi thường ngôn ngữ, và gọi “nơi trầm lắng của con người là nơi tốt đẹp nhất cho kinh nghiệm tôn giáo”.

Ngược lại, “Hồi giáo lại đề cao lời nói trong việc tiếp xúc với thần linh”. Mỗi lời sourate đều bắt đầu bằng mệnh lệnh của Đấng Duy Nhất truyền cho Tiên tri của ngài: “Hãy nói”. Hồi giáo không có các đan sĩ, và đối với tôn giáo này, ơn cứu độ được ban cho ngay trong cuộc sống này, nhưng dù sao các nhà thần bí của họ cũng đề cao thinh lặng. Rumi nói: “Hãy giữ thinh lặng để nghe được tiếng Thiên Chúa phán với bạn”. Một nhà thần bí khác, al-Hallaj, kể lại rằng ông có “một người bạn trong thinh lặng, lời nói của anh không có nguyên âm cũng chẳng có ngữ pháp, chẳng có gì của hoà điệu âm giọng”. Trong phái Souphisme (Hồi giáo), việc thực hành đời sống thiêng liêng, dưới sự hướng dẫn của một tộc trưởng, bao gồm việc ăn chay, thức đêm, khấn giữ thinh lặng, thực hành những cuộc suy niệm cá nhân hay tập thể.

Do Thái giáo mặc dù không có đan tu, nhưng cũng chấp nhận vai trò quan trọng của thinh lặng. Kinh nghiệm của Mô-sê trên núi Sinai về một Thiên Chúa vô hình vô tượng (Xh 24,12-18) vẫn mang tính sáng tạo. Theo nhà tư tưởng hiện nay, André Neher, khi giải thích truyền thống Do thái, “thinh lặng là hình thức hùng hồn nhất của Mạc khải”. Người ta kể lại về sự thinh lặng của rabbi Nahman Bratslav là “dù ở giữa đám đông, từ bên này tới bên kia vẫn nghe được sự thinh lặng của ông”. Do thái giáo đã khám phá một Thiên Chúa duy nhất, nhưng còn một điểm độc sáng nũa của họ về Thiên Chúa có lẽ là lý thuyết về “Tsimtsoum” (đánh mất), như thấy được nơi Isaac Louria, một tôn sư thuộc phái Kabba, một phái bí truyền của Do tháo giáo. “Khi sáng tạo, tác giả Sylvie Germain đã ghi nhận, Thiên Chúa đã khoét một lỗ thủng. Từ lỗ thủng đó, có thể vọt ra và phát triển tự do của con người”. Cái lùi lại của Thiên Chúa đối với thế giới đã giải thích cho sự thinh lặng của Ngài tại lò thiêu Auschwitz, theo cách giải thích của triết gia Hans Jonas.

Truyền thống Kitô giáo khác hẳn Do thái giáo. Tin mừng thánh Gioan đã mở đầu bằng câu: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”. Nhà thần học Raimon Panikkar cảnh giác chúng ta đừng vội vàng giải thích ý tưởng đó khi ông viết rằng: “nhưng không phải từ đầu đã có lời nói, bởi vì nó đã xuất phát ra từ đó”, tức là lời nói đã bắt đầu từ sự thinh lặng. Các đan sĩ Kitô giáo đã không ngừng khẳng định giá trị tối cao của sự thinh lặng, còn các nhà thần bí liên tục nhấn mạnh rằng đây là con đường hoàng lộ để đạt tới Thiên Chúa. Nếu họ có để lại cho chúng ta những lời nói, là để nói về “cái không thể nói”. Về điều này đông tây đều thống nhất với nhau. Đông phương đã khai triển một trường phái tâm linh gọi là thuyết tĩnh toạ (késychasme), theo đó, sự thinh lặng tư tưởng sẽ giúp chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa trong người Con của Ngài. Trong Kitô giáo, và điều này cũng đúng với trường hợp các tôn giáo bắt nguồn từ tổ phụ Abraham nói chung, “thinh lặng không có một giá trị tự thân, David Breton viết, thinh lặng chẳng là gì nếu nó không phải là con đường dẫn tới Thiên Chúa”.

Trước khi sa mạc Ai Cập nở mùa hoa đời sống đan tu, thì ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ IV, theo tác giả Jaques Scheuer, là “một vùng đất của thinh lặng”. Nếu “thế giới tôn giáo của Ấn Độ cổ đều tập trung vào việc hy sinh và lời nói”, thì qua các thế kỷ, họ cũng đã ý thức được tính trổi vượt nào đó của việc chay tịnh ngôn ngữ. Vị thầy Guru, tức là người “loại trừ (ru) được các bóng tối (Gu)” họ không chỉ giảng dạy nhờ vào ngôn ngữ mà thôi. Ramana Maharshi giải thích: “sự thinh lặng của Guru là lời giáo huấn tinh thần nổi bật nhất, vì Chân lý được trình bày trong thinh lặng”. Mahatma Gandhi đã rất ý thức điều đó, mỗi ngày thứ hai hằng tuần ông đều giữ thinh lặng.

Là một tôn giáo của các đan sĩ, Phật giáo, bằng một cách thức còn triệt để hơn cả Kitô giáo, cũng chấp nhận một vị trí của sự thinh lặng. Giữa thinh lặng của Phật giáo và thinh lặng của Kitô giáo rõ ràng là có những lối đi nhỏ: Cả hai đều cho phép, trong thời hiện nay, có sự “đối thoại” giữa các lối sống đan tu - Ấn Độ giáo cũng vậy. Nhưng nếu giống nhau về mặt thực hành, thì trong ý hướng còn có những dị biệt. “Tư tưởng Phật giáo, David Breton viết, từ khước mối tương quan với Đấng Tuyệt Đối, và nhấn mạnh hơn tới việc tìm kiếm sự trống trải”. Sunyata trong tiếng Phạn, có thể dịch là “trống rỗng”. Dưới khía cạnh là sự trống rỗng, thinh lặng nhắc ta về “tính không chắc chắn của giác quan. Nó mạc khải về cái tạm bợ”, về sự không trường tồn của các hiện tượng và của cả ngôi vị. Cũng đừng đối lập sự thinh lặng với tiếng động, tức là phủ nhận nguyên tắc chống nhị nguyên. Khi các môn đệ đang cố gắng thoát ra khỏi mắt lưới của một “công án”, thiền sư Rinzi kêu lên một tiếng để khơi dậy một cú “sốc” mang tính giải thoát (un choc salutaire). Ông gọi tiếng kêu đó là “thinh lặng”. Một sự thinh lặng mà chúng ta không được thực hành, vì nó làm cho chúng ta xa rời sự tỉnh thức – sự tỉnh thức nầy lại là sự thinh lặng.