Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

LUẬT TỰ NHIÊN – THẦN HỌC LUÂN LÝ

Thời sự Thần học – Số 88, tháng 5/2020, tr. 58-98.

_Enrico Chiavacci_

“Luật tự nhiên” có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau trong khoa học tự nhiên và triết học. Phụ đề muốn giới hạn bài nghiên cứu vào phạm vi thần học luân lý, gồm hai phần: 1/ Phần “Lịch sử” cho thấy những quan niệm khác nhau về Luật tự nhiên, ngay cả trong thần học công giáo. 2/ Phần “Hệ thống” trình bày quan điểm Luật tự nhiên theo thánh Tôma, đối chiếu với các bản văn Thánh kinh và những quan niệm về “tự nhiên” trong tư tưởng cận đại. Trong phần phụ trương, chúng tôi sẽ bổ túc với vài khái niệm thuộc ngành luật học liên quan đến “Tự nhiên pháp” (droit naturel).

Tác giả là một linh mục, giáo sư thần học tại Firenze (1926-2013). Nguồn: “Legge naturale”, in: Nuovo Dizionario di Teologia Morale, Paoline, Cinisello Balsamo, 1990, p. 634-647.

I. Lịch sử

1Giai đoạn trước Kitô giáo; 2. Sứ điệp Kitô giáo và luật tự nhiên cho đến thế kỷ XIII; 3. Luật tự nhiên theo thánh Tôma; 4. Khúc ngoặt của Ockham; 5. Luật tự nhiên và nhân quyền

II. Hệ thống

1. Luật tự nhiên trong Kinh thánh: a) Cựu ước; b) Tân ước

2. Luật tự nhiên trong suy tư triết học và thần học: a) Lý trí, tự nhiên, thiên nhiên và luật tự nhiên; b) Luật tự nhiên và thần học luân lý; c) Luật tự nhiên và học thuyết chính trị.

Phụ thêm. Luật tự nhiên và Quyền tự nhiên

Những chú thích ở cuối trang là của người dịch. Legge naturale được dịch là “luật tự nhiên”, mặc dù đôi khi natura phải dịch là “bản tính” thì mới đúng. Viết tắt: LTN = Luật tự nhiên. Bản PDF ở cuối trang.

Xem thêm

I.   Lịch sử


1.  Giai đoạn trước Kitô giáo

Thuật ngữ “Luật tự nhiên” có một lịch sử của nó: LTN là một nhãn hiệu mà ở phía sau có rất nhiều nội dung khác nhau, thậm chí còn trái ngược nhau, tuy vẫn cố gắng tìm câu giải đáp cho một vài bận tâm không ngừng được nêu lên.

Xét theo lịch sử, khái niệm LTN nảy sinh từ lãnh vực chính trị. Vấn đề cơ bản của nhà cầm quyền, (nghĩa là việc biện minh cho chính mình), được giải quyết bằng cách quy chiếu nguồn gốc của quyền bính vào việc ban cấp bởi một vị thần linh nào đó. Nên ghi nhận rằng đây không chỉ là lý thuyết của các nền quân chủ thời xa xưa mà còn ảnh hưởng ngấm ngầm tới nhiều chế độ chính trị thời nay. Như thế, luân lý, pháp luật và tôn giáo là ba lãnh vực được chính quyền liên kết thành cái kiềng ba chân để củng cố thế lực. Cần mất nhiều thời gian để có thể tách rời chúng ra.

Tấm gương nổi bật nhất về sự tách biệt này có thể thấy nơi điển tích của cô Antigona khi cưỡng lệnh vua Crêontê: cô ta nại đến luật của thượng đế Jupiter còn cao hơn luật của bất cứ vua nào [1] .

Đến lượt các triết gia sophistas[2] phát biểu xác tín này thành học thuyết. Theo họ, lý do biện minh cho chính quyền là quyền lực mà họ đang nắm giữ chứ chẳng có thần linh nào hết. Nhà cầm quyền hành sử quyền bính tùy theo sở thích của họ, rồi họ dùng tôn giáo và luân lý để làm bình phong. Ông Critias[3] lại còn bạo gan hơn nữa khi tuyên bố rằng các thần linh là do chính quyền bịa ra để che đậy sự áp bức của mình.

Đây là mầm mống cuộc khủng hoảng của quyền bính chính trị cũng như mở đầu cho cuộc khủng hoảng của quy tắc luân lý. Ông Socrates muốn chấm dứt một thứ luân lý dựa trên quyền lực bên ngoài, đồng thời ông cũng muốn tìm ra một thứ luân lý mang tính cách tự lập (dựa trên chân lý bên trong con người) và phổ quát. Trực quan của ông đưa đến sự khám phá “lương tâm”, qua hai con đường lý luận khác nhau, và cả hai đều có ảnh hưởng lâu dài đến luân lý Kitô giáo.

a) Khuynh hướng của ông Platon tìm nền tảng của tính phổ quát nơi thế giới các ý niệm. Điều tốt đích thực nằm ở trên con người cụ thể và riêng lẻ; chỉ duy các triết gia mới nhận ra nó. Một hệ luận chính trị là chế độ cộng hòa do các triết gia lãnh đạo, bởi vì chỉ có họ mới có khả năng nhận ra điều thiện điều ác.

b) Ngược lại, khuynh hướng của ông Aristote mang tính thực nghiệm và cho rằng chính con người cụ thể là luật cho chính mình. Tuy nhiên, đang khi mà ông Protagoras (thuộc nhóm sophista) chủ trương rằng “con người là mực thước của mọi sự” theo nghĩa là mỗi người là mẫu mực cho chính mình và hoàn toàn độc lập với người khác, thì ông Aristote lại nảy ra ý tưởng về “bản tính con người” (nghĩa là điều làm cho mỗi người là người), và từ đó ý tưởng về một luật dựa trên bản tính con người (natura humana), được biểu lộ qua những khuynh hướng thể lý và tâm linh của con người. LTN là luật bắt nguồn từ bản tính con người, là “tiếng nói” (logos) của bản tính con người. LTN không do thần linh nào mặc khải, không do cá nhân nào thiết định, nhưng được lý trí khám phá ra nơi bản tính của con người[4] .

Chính nhờ LTN mà con người thoát khỏi sự độc đoán của các nhà cầm quyền và các triết gia. Tuy nhiên, quan niệm này chưa giải quyết được vấn đề về sự bó buộc của LTN. Tại sao phải giữ LTN để sống tốt lành? Một số triết gia (như Seneca và có lúc cả Cicero) tìm cách giải quyết bằng cách quy hướng nó về Thiên Chúa; nói cách khác, LTN được đồng hóa với luật Thiên Chúa. Nhưng nếu quan niệm như vậy thì vai trò của “bản tính con người” xem ra chẳng còn quan trọng nữa.

Sang đến Rôma, ý nghĩa của LTN thay đổi. Lãnh thổ của Đế quốc Rôma bao gồm nhiều quốc gia, dân tộc, chứ không giống như thể chế chính trị liên bang của Hy-lạp. Đế quốc Rôma muốn sử dụng LTN như phương tiện để khẳng định sự tự do của tất cả mọi người đứng trước luật pháp của mỗi quốc gia. Từ đó có khái niệm về ius gentium đứng trên ius civium. Mọi luật lệ (thực định) của các nhà cầm quyền đều phải đối chiếu với LTN[5] . Ius gentium là mensura non mensurata (thước đo không bị đo lường); còn ius civium là mensura mensurata (thước đo bị đo lường), cần phải quy chiếu vào một luật cao cấp hơn.

2.  Sứ điệp Kitô giáo và LTN cho đến thế kỷ XIII

Tự bản chất, sứ điệp Kitô giáo không gắn chặt với nền văn hóa nào hết, bởi vì nó muốn thâm nhập vào tất cả mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, mặc dù Kitô giáo không thể thu hẹp vào một học thuyết hay một nền văn hóa nào, nhưng nó cần được diễn tả, chuyển đạt trong một hệ thống ngôn ngữ. Kitô giáo cần sử dụng các phạm trù văn hóa xã hội và triết học.

 Vì thế từ khi bắt đầu suy tư về luân lý, các nhà tư tưởng Kitô giáo phải nại đến các phạm trù của phái Stoa [6] . Nhiều giáo phụ ở bốn thế kỷ đầu tiên thường trích dẫn các triết gia Stoa, chẳng hạn như Seneca hoặc Lucano. Thánh Ambrôsiô không ngần ngại sử dụng phạm trù LTN. Đối với ngài và nhiều vị mục tử đương thời, LTN là mặc khải tự nhiên (mặc khải của Logos phổ quát trong bản tính con người). Bản tính con người và của vạn vật đã được Thiên Chúa dựng nên, và bản tính ấy, cùng với các luật lệ và những khuynh hướng của nó, vạch cho con người biết ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng và xếp đặt muôn loài: LTN nhằm duy trì “trật tự của loài thụ tạo”. Đây là một thuật ngữ của thánh Augustinô (Contra Faustum XXII, 27) ám chỉ rằng các vật đều không thay đổi.

Thực ra, ảnh hưởng của phái Tân Platon đã làm biến dạng LTN của thánh Augustinô rất nhiều, và nhất là trào lưu Augustinô làm bá chủ thần học cho đến thế kỷ XIII. Họ cho rằng trong con người có những ý tưởng phổ quát, được gọi là “lương tri” (synderesis): trực quan về mệnh lệnh luân lý cho mỗi chọn lựa cụ thể. Không ai mà không biết những ý tưởng đó. Tuy mang tính phổ quát, nhưng lương tri cũng có khuynh hướng biến thành luật thực định, qua việc diễn đạt ra thành những mệnh lệnh cụ thể. Khuynh hướng này đạt tới cực điểm nơi ông Petrus Abelardus. Ông khởi đi từ các mệnh lệnh của LTN để thảo ra một danh sách các mệnh lệnh của LTN mà ai ai cũng đều phải biết. Đừng quên rằng vào thời này, đang thịnh hành việc phát hành các sách liệt kê các tội phạm (libri paenitentiales) để cho các cha giải tội sử dụng trong việc ban hành bí tích thống hối.

Cũng vào thời này, về mặt chính trị, LTN được sử dụng trái ngược với vai trò nguyên thủy của nó: thay vì LTN được dùng làm tiêu chuẩn để phê phán các luật lệ của chính quyền, thì nó lại trở thành công cụ phục vụ chính quyền: các công dân có nghĩa vụ tuân hành luật của chính quyền chiếu theo LTN, bởi vì nhà cầm quyền có vai trò thay mặt Thiên Chúa. Việc bất tuân luật luân lý và luật dân sự đều có tội. Như vậy, ta thấy rằng thay vì giữ vai trò bảo vệ tự do thì LTN lại trở thành nguồn gốc của nghĩa vụ. Trong bối cảnh này, không còn chỗ đứng dành cho lương tâm nữa.

3.  LTN theo thánh Tôma Aquinô 

Thánh Tôma đã trả lại ý tưởng tự do cho LTN, cả dưới khía cạnh luân lý cũng như dưới khía cạnh chính trị, bằng cách chuyển trọng tâm từ đối tượng đến chủ thể. Dĩ nhiên, thánh Tôma không thể nào đồng ý với các sophista cho rằng mỗi người là luật cho chính mình, đến nỗi xóa bỏ tiêu chuẩn luân lý khách thể. Nhưng thánh Tôma phân biệt giữa “điều tốt khách thể” (bonum obiectivum: trật tự mà Chúa muốn thiết lập) và “điều tốt luân lý” (bonum morale: điều tốt theo chủ ý của con người hướng về Thiên Chúa). Đối với thánh Tôma, tội là sự quay lưng với Thiên Chúa formaliter aversio a Deo (Summa Theol., II-II, q. 10, a. 3). Theo truyền thống, để đánh giá tính cách luân lý của một hành vi, cần phải xét đến ba yếu tố: + đối tượng, + các hoàn cảnh và + chủ ý nội tại của hành vi; và yếu tố chính yếu là đối tượng. Thánh Tôma tôn trọng thế giá của các bậc tiền nhân (auctoritates), nhưng ngài tự đặt câu hỏi: đối tượng của cái gì? Đối tượng của việc xảy ra bên ngoài hay là đối tượng của hành vi nội tại? Đối tượng riêng của hành vi nội tại, của sự chọn lựa của ý muốn, chẳng phải là mục đích trực tiếp mà ý muốn nhằm tới đó ư? (Summa Theol., I-II, qq. 18-19; q. 72). Và giả như trí tuệ - vì sai lầm - đề nghị cho ý chí một điều được coi là tốt (hướng đến cứu cánh tối hậu), đang khi khách quan mà xét, điều ấy trái nghịch với cứu cánh tối hậu, thì ý chí vẫn hướng về điều tốt và không chống lại Thiên Chúa; vì thế ý chí không quay lưng với Thiên Chúa (aversio a Deo), nghĩa là không có tội. Lý do là vì ý chí muốn làm điều tốt cho nên thực sự vẫn hướng về Thiên Chúa, tuy dù xét về khách thể nó là điều xấu, nhưng đó là do sự sai lầm của trí tuệ.

Học thuyết này mang lại nhiều hệ luận rất quý báu cho LTN mà thần học thế kỷ XII đã bỏ qua. Thật vậy, “lương tri” (synderesis, trực quan nguyên khởi về mệnh lệnh luân lý) được rút gọn vào mệnh lệnh thứ nhất của LTN như sau: “Hãy làm điều tốt và tránh điều xấu” (fac bonum et vita malum). Nguyên tắc này hiển minh, và không thể nào sai lầm. Nguyên tắc này có vai trò đối với lý trí thực tiễn cũng tương tự như nguyên tắc bất-mâu-thuẫn đối với lý trí lý thuyết. Nói theo ngôn ngữ thời nay, điều tốt luân lý hệ tại quy hướng về Thiên Chúa, và điều xấu luân lý xảy ra khi khước từ tiếng gọi của Thiên Chúa.

Mệnh lệnh thứ nhất thì hiển minh, và mọi người đều biết. Gắn liền với mệnh lệnh ấy là những mệnh lệnh tổng quát khác, tức là những đường hướng để nhận ra trật tự mà Thiên Chúa muốn. Các mệnh lệnh này tự nó không hiển minh, nhưng dễ suy luận ra, bởi vì trên thực tế chẳng có ai mà không biết. Các mệnh lệnh này có thể suy diễn trực tiếp từ định nghĩa về con người như là động vật có lý trí, và vì thế, nó là tự lập, truyền sinh, lý luận và sống thành cộng đồng, - hoặc nếu muốn diễn tả theo phương thức của ông Gratianô, mười điều răn hiểu như là những định hướng cuộc đời – cũng có thể phát biểu các mệnh lệnh phổ quát ấy. Thuật ngữ thích hợp nhất theo tâm thức hiện đại là “các giá trị”, nghĩa là những quy tắc tổng quát, và cần được bổ túc bởi những quy tắc thực hành để truyền khiến hoặc cấm đoán một cung cách hành động nào đó. Đây mới thực là “mệnh lệnh” hiểu theo nghĩa chặt thời nay. Còn các quy tắc tổng quát là những giá trị cần được thể hiện, chứ không phải là những điều luật luân lý theo kiểu bộ hình luật. Theo thánh Tôma, mệnh lệnh hình thức tiên khởi và những khuynh hướng hợp lý của bản tính con người (tức là những quy tắc rất tổng quát) thì không thể thay đổi. Tuy nhiên, tính cách “không thể thay đổi” (bất biến) của LTN chỉ dừng lại ở cấp này mà thôi.

Khi đi xuống “mệnh lệnh thực hành”, nghĩa là quy tắc truyền khiến hay cấm đoán từng hành vi cụ thể, thì có sự can thiệp của nhiều yếu tố: sự sai lầm của lý trí con người khi suy diễn từ các nguyên tắc tiên khởi, những tình huống phức tạp của mỗi hoàn cảnh cụ thể. Điều này đưa đến những kết luận khác biệt từ người này sang người khác, từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác, từ nhóm dân này sang nhóm dân khác. Hơn nữa, mức độ suy diễn càng xa những nguyên tắc nền tảng bao nhiêu, thì càng dễ gặp thấy sự khác biệt ý kiến cũng như nguy cơ lầm lẫn bấy nhiêu (Summa Theol., I-II, q. 94, aa. 2.4.5).

Hiểu theo nghĩa thứ ba, LTN không phải là một danh mục những mệnh lệnh được suy diễn cách dứt khoát một lần cho hết mọi người, nhưng đúng ra là khả năng gặp được mệnh lệnh thực hành để thể hiện những giá trị được phát biểu nơi những mệnh lệnh phổ quát. LTN là một “ánh sáng phú bẩm” (lumen insitum) vào con người, đến độ đồng hóa được với chính lý trí: nó là “sự thông dự vào luật vĩnh cửu nơi những thụ tạo có lý trí” (participatio legis aeternae in creatura rationali). Do đó, đặc trưng của LTN nằm ở chỗ nó không phải là thực định (positiva)[7] , viết ra một lần và có giá trị vĩnh viễn.

Trên bình diện chính trị, LTN, vì tách biệt khỏi luật thực định (dù là của giáo hội hay của nhà nước), đã lấy lại chức năng nguyên thủy của nó: LTN là mực thước đo lường các luật thực định khác, nhưng không bị luật nào khác đo lường (mensura non mensurata). Sở dĩ nó giữ vị thế ấy là bởi vì tất cả mọi luật thực định đều nhắm tới điều thiện chung, và luật nào mà tương phản với điều thiện chung thì không còn là luật nữa, và đánh mất sự ràng buộc luân lý. Hơn thế nữa, bất cứ luật nào áp đặt một cách cư xử trái với luật luân lý, dù là tự nhiên hay là mặc khải, thì không buộc ta phải tuân giữ. Luật nào trái với LTN là “bất công” (leges injustae), luật trái với luật mặc khải là “bất chính” (leges inhonestae: Summa Theol., I-II, q. 96, a. 4)[8] .

4.  Khúc ngoặt của William Ockham

Đối lại với quan điểm của thánh Tôma là trường phái Phan-sinh, cụ thể là của William Ockham và trường phái duy danh. Ông không công nhận khả năng của lý trí con người có thể khám phá chân lý và suy diễn từ những điều phổ quát. Với tiền đề như vậy, LTN không còn chỗ đứng, và được thay thế bởi thuyết duy ý chí (voluntarismus), đưa tới kết luận rằng: một điều được coi là tốt bởi vì Thiên Chúa đã truyền như vậy, chứ không do lý lẽ nội tại của nó[9] . Quan điểm này đưa tới kết luận cực đoan như sau: “Nếu Chúa truyền cho anh phải ghét Người, thì anh có ghét không?”. Và câu trả lời là CÓ[10] . Và như thế là không còn chỗ đứng cho lý trí trong việc khám phá ra mệnh lệnh cụ thể nữa.

Tuy nhiên, đó chưa phải là sự kết liễu của LTN, mà chỉ là bắt đầu một giai đoạn bóp méo bản chất của nó trong lịch sử. Thật vậy, người ta bắt đầu quan niệm rằng lý trí là một thể thức biểu lộ ý muốn của Thiên Chúa. Và xét vì khi ban hành các mệnh lệnh tuyệt đối, Thiên Chúa không thể nào để cho xảy ra những khoản nghi ngờ, cho nên người ta lại quay về với việc gán cho lý trí chức năng tuyệt đối, nghĩa là họ gán cho các suy diễn luận lý của LTN một giá trị hằng cửu bất biến. Với sự xoay chiều 180 độ như vậy (nghĩa là từ chỗ phủ nhận LTN đến chỗ quan niệm LTN như là một bộ luật các mệnh lệnh chi tiết), vai trò của lý trí cũng thay đổi: từ khả năng sáng tạo tới chỗ ban hành LTN. LTN không còn là khả năng khám phá các mệnh lệnh thực hành dựa trên vài giá trị nền tảng, nhưng là mục lục các mệnh lệnh thực hành. Sự xoay chiều không chỉ mang tính cách lý thuyết, nhưng được thúc đẩy bởi nhiều lý do lịch sử sâu xa và cụ thể, mà chúng tôi chỉ muốn nêu ra ba lý do nổi bật nhất.

a) Sự ra đời của các quốc gia có chủ quyền tối cao vào thế kỷ XV-XVI. Mọi quyền lực đều tập trung vào tổ chức trung ương, nắm giữ quyền bính trên toàn thể lãnh thổ quốc giá. Để biện minh cho việc thi hành quyền bính tuyệt đối này, người ta nại đến uy tín của LTN, được trình bày như là một danh sách các mệnh lệnh, nhờ sự cộng tác của các triết gia hoàng triều. Đây cũng là thời kỳ của những học thuyết về vị “lãnh tụ anh minh”, và trùng với việc đề cao học thuyết duy ý chí hợp lý của Descartes và của Samuel von Pufendorff. Đây cũng là thời khai sinh của chủ trương “quyền tự nhiên” (iusnaturalisme) trong ngành luật học[11] .

b) Cuộc tiếp xúc với các thế giới ngoại đạo. Khi tiếp xúc với các tôn giáo ngoài châu Âu, người ta nhận thấy cần phải tìm ra một ngôn ngữ hầu có thể áp dụng cho họ. Dĩ nhiên là không thể nào viện dẫn luật luân lý mặc khải của Kitô giáo, vì thế cần phải nghĩ tới những mệnh lệnh mang giá trị phổ quát dựa theo lý trí. Chính trong bối cảnh này mà nảy ra câu nói thời danh của Hugo Grotius cho rằng các mệnh lệnh ấy có giá trị “etiamsi daremus Deum non esse” (cho dù giả thiết rằng Thiên Chúa không hiện hữu đi nữa)[12] .

c) Nguyên tắc của phong trào nhân văn. Phong trào nhân văn chủ trương giải thích tự nhiên dựa trên bản tính con người, chứ không dựa trên các nguyên tắc tôn giáo. Tuy kết luận cũng tương tự như điểm thứ hai vừa nêu trên đây, nhưng nguy cơ nằm ở chỗ cắt đứt khỏi nền tảng tôn giáo, cho nên không còn tiêu chuẩn nào ở trên quyền lực chính trị. Vô tình chủ trương này đã ủng hộ học thuyết chính trị của Hobbes[13] .

Như vậy, tuy cũng nói đến LTN, các học thuyết vào thời cận đại có quan điểm khác với thánh Tôma. Đối với họ, LTN là những mệnh lệnh luân lý do suy diễn, hoặc danh sách các mệnh lệnh và nghĩa vụ. Ngoài ra, hầu hết các học thuyết cận đại đã gạt Thiên Chúa ra bên ngoài, hoặc đôi khi trưng dẫn vài câu Kinh thánh rời rạc, tách ra khỏi mạch văn của nó.

Ngày nay, khi nhìn lại lịch sử, cần phải có óc phê bình đối với những quan điểm bênh vực hay chống đối LTN: cần phải biết họ quan niệm LTN như thế nào, thậm chí ngay cả nơi các tác giả công giáo.

5.  LTN và những quyền lợi con người

Như đã nói trên đây, theo thánh Tôma, LTN mang một chức năng chính trị, theo nghĩa là nó dẫn tới thái độ bất tuân đối với các luật thực định bất công: một luật bất công thì không còn tính cách luật nữa. Trong bối cảnh này, LTN được diễn tả sang ngôn ngữ của luật khoa là “tự nhiên pháp” (droit naturel) như là nền tảng và giới hạn của “thực chứng pháp” (droit positif)[14] . Tuy nhiên vào thời cận đại, thuật ngữ “tự nhiên pháp” được hiểu theo nghĩa chủ thể, đó là “những quyền lợi tự nhiên” của các công dân và đoàn thể đối lại với quyền lực chính trị.

Với sự ra đời của các Nhà Nước cận đại có chủ quyền, nảy sinh những học thuyết mới về tương quan giữa công dân và Nhà Nước. Một học thuyết được đề ra là thời xưa con người vốn sống tự do độc lập; về sau, do nhu cầu sinh tồn, các cá nhân kết ước với nhau để sống thành cộng đồng, nhưng vẫn giữ lại một số quyền lợi “tự nhiên”, chứ không nhượng cho cộng đồng[15] . Các “quyền tự nhiên” này đặt giới hạn cho quyền lực Nhà Nước. Dựa theo ngôn ngữ luật học, do ảnh hưởng của Locke, vai trò của Nhà Nước là bảo vệ các “quyền lợi tự nhiên” của các công dân (sự sống, tự do, sở hữu). Do đó, chức năng hạn chế quyền lực chính trị được chuyển từ LTN (quan điểm thánh Tôma) sang các “quyền lợi tự nhiên” (droits naturels, natural rights). Như vậy, đối với các bản tuyên ngôn nhân quyền chịu ảnh hưởng của cách mạng Pháp, mục tiêu của Cộng hòa là bảo vệ sinh mạng, tư hữu và tự do của các công dân.

Thực ra, sự chuyển tiếp từ “tự nhiên pháp” sang các “quyền lợi tự nhiên” của con người không phải là một tiến trình lý luận đơn giản. Dù sao, việc nhìn nhận các nhân quyền trong Hiến pháp đã đánh dấu một bước tiến trong văn hóa Tây phương, chống lại các chế độ độc tài. Như vậy chế độ Nhà Nước công an (Etat de police) được thay thế bằng chế độ Nhà Nước pháp trị (Etat de droit). Nhà Nước không phải là quy luật tối cao, nhưng bị giới hạn bởi nhiệm vụ của mình, đó là bảo vệ các quyền lợi của các công dân. Sự vi phạm các quyền này gây ra một tình trạng bất công cần phải được chấn chỉnh.

Mặt khác, ngoài việc đặt giới hạn cho sự hành sử quyền lực của Nhà Nước, các bản tuyên ngôn nhân quyền còn có một giá trị nữa, đó là nhìn nhận sự bình đẳng quyền lợi giữa các công dân, bất kỳ họ là người giàu hay người nghèo. Ý tưởng này dần dần sẽ nảy ra ý tưởng tình liên đới giữa các công dân trong cộng đồng. Thật vậy, các quyền lợi của công dân không chỉ đặt ra giới hạn cho hành động của chính quyền, mà còn đòi hỏi phải tạo ra những điều kiện thuận tiện để các công dân được thi hành các quyền lợi ấy. Nói cách khác, các quyền lợi tự nhiên vừa gợi lên ý niệm “tự do” (mà Nhà Nước không được vi phạm) vừa gợi lên ý niệm “công bình” (mà Nhà Nước có nhiệm vụ phải phát triển). Thật không dễ gì dung hòa được hai yêu sách đó[16] .

II. Hệ thống

1.  LTN trong Kinh thánh

a) Cựu ước

Khái niệm LTN bắt nguồn từ văn hóa Hy-lạp chứ không có trong Kinh thánh. Tuy nhiên, xét về thực chất, ý tưởng này mang tính nhân bản, và trùng hợp với cảm nghiệm về một tiếng gọi luân lý tuyệt đối. Tất cả các sách khôn ngoan của Cựu ước chẳng qua cũng là kinh nghiệm và suy tư luân lý, gia sản của một cộng đồng được tiến triển, hoàn thiện trải qua dòng thời gian, giữa những hoàn cảnh văn hóa khác nhau. Trong Cựu ước chúng ta đã gặp thấy:

- một sự phát biểu kinh nghiệm luân lý nguyên thủy (nguyên tắc sơ thủy theo thánh Tôma: hãy làm lành và lánh dữ) chẳng hạn như trong Đnl 30,15tt (“Hôm nay tôi đưa cho anh em chọn: hoặc là sẽ được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai họa…”);

- sự phát biểu những nguyên tắc rất tổng quát trong bản Thập điều;

- sự phát biểu các mệnh lệnh hành động riêng biệt, giống như là áp dụng các nguyên tắc chung vào những hoàn cảnh lịch sử cụ thể;

- nỗ lực của cá nhân tìm kiếm quy tắc cư xử cụ thể, nhờ đức khôn ngoan, sứ điệp ngôn sứ và sự hướng dẫn của kinh nghiệm của dân tộc (x. Kn 9,1-6.9-11).

Dù sao, luân lý của Cựu ước là luân lý của tiếng gọi, chứ không phải là luân lý của bản tính siêu hình. Chúng ta không gặp thấy những định nghĩa trừu tượng về các nhân đức giống như học thuyết của Aristote hoặc trường phái Stoa bên Hy-lạp, nhưng luôn luôn là sự đáp trả một tiếng gọi tuyệt đối. Tiếng gọi này tự nó đã mang giá trị tuyệt đối, chứ không dựa trên các nguyên tắc triết học trừu tượng. Các vua chúa, tuy được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, nhưng luôn luôn bị phản đối và phán xét bởi các ngôn sứ nhân danh Thiên Chúa, từ nhiều thế kỷ trước khi lên tiếng phản đối, hoặc các triết gia sophista chống lại tính thần thiêng của của quyền bính.

Nhưng nhất là cần phải nêu bật rằng Cựu ước đã biết đến kinh nghiệm luân lý nguyên thủy cũng như những nghĩa vụ luân lý cụ thể, kể cả ở giai đoạn trước khi đề cập đến luật Sinai. Ông Ađam và bà Eva, Cain, Noê, Giuse và các anh em, tất cả đều đã biết điều tốt và điều xấu, tất cả bị xét đoán là tốt hay xấu dưới ánh sáng của một luật bất thành văn. Đó là một luật hiện hành, bởi vì nó hiện hữu trong thâm tâm của mỗi người và trong tâm thức của cộng đồng. Nhưng luật ấy luôn luôn được hình dung như là tiếng gọi của Thiên Chúa.

b) Tân ước 

Trong khuôn khổ Tân ước, thánh Phaolô là người đã nhiều lần đề cập đến LTN hoặc minh thị hoặc mặc nhiên:

- Trong chương 1 của thư gửi Rôma, tính vô-luân dưới những hình thức sa đọa nhất được móc nối với việc khước từ Thiên Chúa là Đấng mà con người có thể biết được. Như vậy có khái niệm về tình trạng trái luân lý, nghĩa là có một kinh nghiệm của con người về điều tốt và điều xấu (bên ngoài mặc khải siêu nhiên). Kinh nghiệm này mang tính tuyệt đối, nghĩa là gắn với việc nhìn nhận một tiếng gọi tuyệt đối (x. Rm 1,24-32, x. 1Tx 4,5. Nên lưu ý là bản dịch Latinh đã đảo ngược ý nghĩa của bản gốc Hy-lạp);

- Trong chương 2 của thư gửi Rôma (đặc biệt là các câu 13-14 và 26), tác giả nói rõ hơn hệ luận ấy. Dân ngoại có thể là tội nhân hoặc thánh nhân giống như người Do-thái, bởi vì họ mang trong mình cũng chính luật luân lý mà người Do-thái đã lãnh nhận; tuy không biết Luật (Cựu ước), nhưng họ thực hành các công việc của lề luật, bởi vì luật này được viết trong trái tim (câu 15), chứ không phải trên bia đá, và họ có thể tìm thấy những chi tiết cụ thể hơn nhờ những luận cứ của lý trí.

- Ở Rm 7,22.23 tác giả mô tả con người như là kẻ nhờ lý trí, trong nội tâm của mình, nhận biết điều tốt và điều xấu, mặc dù nó không làm theo;

- Các bản danh sách những tội lỗi bị khai trừ khỏi nước trời, giống như những tội liệt kê trong chương 1 thư Rôma và những đoạn song song (x. Rm 1,29; 6,23; Gl 5,19; 2Cr 6,15), không được trích từ luân lý Cựu ước, nhưng là từ kinh nghiệm luân lý (phái Stoa) của văn hóa những độc giả;

- Thánh Tông đồ thường mời gọi hãy làm điều công bằng, tốt lành, đứng đắn, thích hợp, nhưng không cần trưng dẫn nguồn mạch bởi vì ngài cho là thừa (x. 1Tx 4,12; Rm 13,13; 1Cr 7,35; 2Cr 4,2; cũng như khuyên nhủ làm điều tốt: x. Rm 12,2; Gl 6,9. Một bản tóm lược có thể gặp thấy ở Pl 4,8);

- Sau cùng, nhiều lời khuyến dụ luân lý của thánh Phaolô (đặc biệt trong chương 13 thư gửi Rôma, nơi mà việc tuân phục chính quyền không quy chiếu vào bản văn Kinh thánh nào cụ thể) giả thiết rằng lý trí có thể phân định điều tốt và điều xấu, mà không trưng dẫn luật Cựu ước hoặc lời dạy của Chúa Giêsu.

Cần nhấn mạnh rằng đối với thánh Phaolô, luật luân lý thường hằng được hàm chứa trong Cựu ước và trong lời dạy của Đức Giêsu xét về nội dung cơ bản thì không khác với LTN. Điều này mang lại một luồng sáng mới về những tương quan giữa LTN và luật luân lý Kitô giáo, nhưng chúng tôi không thể đào sâu ở dây. Vấn đề này thật là phức tạp trong cuộc tranh luận gần đây, giữa một bên là chủ trương có một luân lý đặc trưng của Kitô giáo xét về nội dung, và một bên là chủ trương rằng nội dung của LTN và luật luân lý có thể rút gọn vào một vài mệnh lệnh cụ thể.

Mặc dù thuật ngữ LTN không xuất hiện trong các sách Tin mừng, nhưng nội dung của nó thì không phải là điều xa lạ.

- Quy luật vàng (“Điều gì bạn muốn người ta làm cho mình, thì chính bạn hãy làm điều đó cho người”: Mt 7,12 và Lc 6,31) không gì khác một sự hướng dẫn để, nhờ lý trí, tìm ra một mệnh lệnh đúng ở mỗi hoàn cảnh.

- Một cách tương tự như vậy, trong cuộc tranh luận phân chia gia tài giữa hai anh em, Đức Giêsu đã mời họ hãy tự mình tìm ra đường lối cư xử công bằng (x. Lc 12,13-14).

- Liên quan đến hôn nhân bất khả ly, khoa chú giải hiện đại đã cho thấy mối tương quan giữa LTN, luật thiết định của Chúa, và mệnh lệnh thiết định của xã hội. (i) Có một yêu sách của hôn nhân bất khả ly từ nguyên thủy, (ii) nhưng tiếc rằng con người đã không hiểu được điều ấy. (iii) Bây giờ mặc khải Kitô giáo, nhờ sứ điệp đức ái như là sự trao hiến toàn diện, đã giúp cho con người có thể hiểu được yêu sách ấy. (iv) Dù vậy, việc diễn tả quy tắc ấy thành luật thiết định cụ thể thì thay đổi tùy nơi, dựa trên những cơ cấu xã hội khác nhau tại nơi đón nhận sứ điệp Kitô giáo. Thánh Máccô đã phân biệt lý tưởng của LTN và luật Chúa với mệnh lệnh cụ thể áp dụng tại môi trường văn hóa Rôma (nơi mà phụ nữ có thể ly dị chồng, là điều không thể mường tượng trong xã hội Do-thái: Mc 10,5-9.10.12).

2.  LTN trong suy tư triết học và thần học

a) Lý trí, bản tính, thiên nhiên và LTN

LTN có ý nghĩa và chức năng gì trong suy tư thần học luân lý hiện nay? Trong quá khứ, đã có nhiều quan điểm khác nhau về LTN: có nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của thần học luân lý; có nhiều quan điểm khác nhau về “natura” (tự nhiên, thiên nhiên, bản tính con người); đã có nhiều quan điểm khác nhau về tiến trình suy lý để đưa ra một phán đoán luân lý; đã có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến nhận thức của con người về ơn gọi của mình. Những vấn nạn đó đã đặt lại vấn đề ý nghĩa và chức năng của LTN. Không lạ gì có ý kiến muốn loại bỏ chính khái niệm về LTN, bởi vì nó đã giữ một chức năng trong quá khứ nhưng ngày nay nó không còn ý nghĩa gì nữa.

Chúng ta sẽ tìm hiểu ba ý nghĩa căn bản của tính từ “tự nhiên” (naturalis) trong thuật ngữ LTN, và xét xem những vấn đề mà mỗi ý nghĩa đặt ra trong suy tư luân lý triết học cũng như thần học.

[i] Tự nhiên đối lại với siêu nhiên

Trong thần học hệ thống của thánh Tôma, LTN là luật luân lý mà con người có khả năng khám phá nhờ khả năng tự nhiên của mình. Dĩ nhiên là một luật luân lý mặc khải, nhưng nó không bao trùm phần lớn những chọn lựa cụ thể của chúng ta. Luật vĩnh cửu (lex aeterna), tức là ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa dành cho tất cả các thụ tạo được tỏ lộ cho con người như là tiếng gọi mà mỗi người cần phải đáp trả. Vai trò suy tư của thần học luân lý là vạch ra “tầm cao quý của ơn gọi các tín hữu trong Đức Kitô và bổn phận phát sinh những hoa trái trong đức ái nhằm giúp ích cho cuộc sống trần thế”[17] . Công việc suy tư này diễn ra dưới ánh sáng của mặc khải; nhưng cách xử sự cụ thể vào mỗi hoàn cảnh cuộc đời ngõ hầu đáp ứng với tiếng gọi của Thiên Chúa thì chỉ có thể khám phá nhờ lý trí.

Như vậy, trước hết, LTN là tiếng gọi của Thiên Chúa được tỏ lộ cho con người (kể cả người tín hữu) nhờ hành động của lý trí. Thậm chí một người vô tín ngưỡng, không chấp nhận mặc khải của Thiên Chúa, vẫn có tiếng gọi của Người ở trong thâm tâm; ít là tiếng gọi hãy sống bác ái yêu thương. Cách thức đáp trả tiếng gọi, tức là việc thẩm định xem một hành vi cụ thể có phù hợp với kinh nghiệm luân lý nguyên thủy hay không, chỉ có thể do khả năng suy luận. Theo Hiến chế Gaudium et spes (số 16), “chính trong sự trung tín với lương tâm” mà các Kitô hữu phải liên kết với người ngoài Kitô giáo để nghiên cứu và giải quyết các vấn đề luân lý mà mỗi thời buổi đặt ra trong lịch sử. Do đó, không ai được thoái thác trong việc tìm kiếm cách thức đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa, và kiếm tìm nhờ lý trí. Lý trí là khả năng “tự nhiên” để khám phá và đọc ra tiếng gọi của Thiên Chúa, và có thể giữ một chức năng song song với mặc khải. Tất cả mọi người đều buộc phải nghe theo tiếng lương tâm.

Theo ý nghĩa thứ nhất này, LTN không ám chỉ một chuỗi các quy tắc riêng biệt, nhưng đúng ra nó là nguồn mở cho các quy tắc, mà con người buộc phải tuân theo. Tuy nhiên, đến đây, một vấn nạn được triết học cận đại nêu lên cho luân lý, đó là giá trị và giới hạn của lý trí. Vấn đề này hơi dài dòng, không thể bàn ở đây, mà chỉ có thể gợi lên mà thôi. Vấn nạn ấy như sau: nhiều điều vốn được coi như có giá trị phổ quát, nhưng kỳ thực gắn liền với văn hóa Tây phương của Kitô giáo. Khi đối chiếu với các nền văn hóa khác, ta thấy có những giải đáp khác nhau, do đó khó lòng chấp nhận một mệnh lệnh đặc thù có giá trị phổ quát hoặc tuyệt đối. Nói cách khác, tuy tất cả mọi người đều buộc phải theo tiếng nói lương tâm, nhưng khi đi vào các mệnh lệnh cụ thể, thì lại có những suy diễn khác nhau, dựa trên truyền thống văn hóa của mỗi người.

[ii] Tự nhiên đối lại với thực định

Theo nghĩa thứ hai của “tự nhiên”, LTN được đối chiếu với luật thực định (lex positiva), nghĩa là một mệnh lệnh được đặt ra (ban hành) do một quyền bính. Chính đây là bối cảnh đã nảy sinh ra ý tưởng về LTN. Đừng kể luật thực định của Thiên Chúa (mặc khải), LTN đã ra đời như là sự phê phán chống lại chủ trương độc tôn luân lý của các luật lệ dân sự. Tự bản chất, LTN không thể điển chế một lần vĩnh viễn, như cái gì có thể viết thành văn và áp đặt cho mọi người do một quyền bính nhân loại. Mỗi cá nhân con người có bổn phận sử dụng lý trí của mình để khám phá tiếng gọi mà Thiên Chúa dành cho mình. Và cần nhắc lại rằng mỗi nhân vị là độc nhất vô nhị và mang một ơn gọi riêng không thể lặp lại được. Thánh Tôma diễn tả LTN như là “sự thông dự của thụ tạo có lý trí vào luật vĩnh cửu” (participatio legis aeternae in creatura rationali): có nghĩa là nó không được viết và không thể nào viết được bởi bất kỳ một thẩm quyền nhân loại nào hết. Một cách nào đó, nó nằm ở trong mỗi cá nhân con người.

Điều này không có nghĩa là không ai có thể dạy cho người khác về luật luân lý. Sự suy tư lý thuyết của các cá nhân và của toàn thể nhân loại về ý nghĩa, vận mệnh và trách nhiệm của thân phận con người vốn luôn luôn hiện hữu kể từ khi có một kinh nghiệm luân lý và một suy tư có ý thức về nó. Tất cả chúng ta đều cần đến lịch sử lâu dài của kinh nghiệm luân lý nhân loại đã được thực hiện nhờ lý trí, và do đó, có thể viết được và thực sự đã được viết ra. Mỗi con người sẽ suy nghĩ và đánh giá các lựa chọn của mình trong một khung cảnh xã hội và lịch sử; chính ở nơi đây mà con người có thể tìm thấy sự hỗ trợ trong tiến trình cá nhân khám phá ơn gọi của mình; chính ở nơi đây mà cá nhân luôn tìm cách đối chiếu và kiểm chứng các kết luận riêng tư của mình. Thực sự đã có một sự suy tư chuyên biệt của triết học và thần học về LTN mà mỗi cá nhân có thể (và phải) viện dẫn; có thể có một thẩm quyền luân lý của một cá nhân hay của một nhóm mà mỗi cá nhân nghĩ rằng mình có thể tin tưởng vào đấy.

Theo nghĩa này, có thể nói đến một LTN viết thành văn hoặc được công bố. Nhưng LTN sẽ không bao giờ là một mệnh lệnh hoặc một tổng mục các mệnh lệnh mà các cá nhân phải tiếp nhận cách thụ động, nhưng là một hỗ trợ cần thiết mà các cá nhân không thể nào làm ngơ nếu họ thực tâm muốn tìm cách đáp trả cân xứng với tiếng gọi của Thiên Chúa (hay là của lương tâm). Dù sao một lời tuyên bố trong lãnh vực LTN sẽ không có giá trị hơn là lý trí mà nó dựa vào: lời tuyên bố LTN không thể thay thế khả năng lý trí của con người, nhưng nó có thể thúc đẩy con người phải suy nghĩ, và vạch ra một hướng đi.

[iii] Tự nhiên theo nghĩa là “đọc trong thiên nhiên”

Theo nghĩa thứ ba của tính từ “tự nhiên”, LTN ám chỉ một luật hoặc mệnh lệnh luân lý đặc thù qua việc đọc trong thiên nhiên. Thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng, và do đó, các cơ cấu của vũ trụ và những luật điều hành nó đều là những phát biểu ý muốn của Đấng Tạo hóa. Từ đó nảy ra ý tưởng “thiên nhiên như quy luật” (natura normativa) và – như một trường hợp đặc thù – ý tưởng về một “thiên nhiên con người” (natura humana, tiếng Việt quen dịch là “bản tính con người”), như là căn bản của một luân lý tự nhiên. Nói chung, tất cả triết học luân lý (đạo đức học) cho đến thế kỷ XIX và tất cả thần học luân lý được trình bày trong các sách giáo khoa cho đến giữa thế kỷ XX đều dựa trên nguyên tắc “hành động đi theo bản tính” (operari sequitur esse). Một khi xác định được bản tính con người, thì cũng có thể rút ra một chuỗi những nghĩa vụ luân lý của con người. Thiên nhiên cũng có đặc tính là biểu lộ ý muốn của Đấng Tạo hóa, nhưng theo ý kiến chung dựa trên Kinh thánh, ý muốn này cần phục vụ con người và lệ thuộc vào con người. Vì thế, trong một vài giới hạn nào đó, con người có thể thay đổi nó hầu đạt được sự hoàn thiện của mình.

Rõ ràng là LTN hiểu theo nghĩa thứ ba thì hoàn toàn khác với hai nghĩa trên đây. Trên đây, bản tính (lý trí) của con người là công cụ để hiểu biết tiếng gọi của Thiên Chúa, để tìm ra lời đáp trả cân xứng giữa trăm ngàn tình huống cụ thể mà con người buộc phải chọn lựa. Còn theo nghĩa thứ ba của tự nhiên (bản tính của vũ trụ nói chung và của con người nói riêng, bản tính là nơi trong đó con người tìm ra lời đáp trả cân xứng. Cần ghi nhận rằng hai nghĩa của LTN không tương phản nhau (phải theo một bên này và bỏ bên kia). Lý trí con người có thể và phải sử dụng việc “đọc thiên nhiên” để hiểu biết ơn gọi của mình và đáp trả cách tối ưu; tuy nhiên bản tính không trực tiếp trở thành quy tắc. Đối lại, nếu theo ý kiến về nghĩa thứ ba của LTN, thì con người, khi nghiên cứu bản tính (thiên nhiên), có thể gặp thấy nơi đó tiếng gọi của Thiên Chúa và sự đáp trả tương xứng. Lý trí không còn là dụng cụ để khám phá LTN, nhưng là dụng cụ để khám phá bản tính (thiên nhiên), và bản tính (thiên nhiên) trở thành mặc khải LTN.

Cuộc tranh luận giữa hai ý kiến này vẫn còn mở rộng, và đưa tới hai vấn đề nữa: vấn đề hiểu biết thiên nhiên và vấn đề hiểu biết bản tính con người.

– Chúng ta biết gì hay có thể biết gì về thiên nhiên, trong đó gồm cả cơ thể con người? Những kiến thức khoa học của chúng ta có giá trị tới mức nào? Cho đến đầu thế kỷ XX, câu trả lời mang tính trấn an. Đành rằng chúng ta chưa biết tất cả thiên nhiên, nhưng điều chúng ta biết được thì đã là một kiến thức chắc chắn (nên nhớ là đối với ông Galileo, kiến thức này có thể so sánh với kiến thức thần linh). Cuộc nghiên cứu khoa học mang lại những kiến thức mới, và thỉnh thoảng mới sửa đổi những kiến thức đã thủ đắc. Sự chắc chắn này có thể dùng làm nền cho quan niệm về quy luật thiên nhiên. Bởi vì đây là thiên nhiên (tự nhiên), cho nên nó là kế hoạch tạo dựng và đặt ra cho tôi nghĩa vụ phải tuân theo. Thế nhưng, xác tín này đã bị lung lay, và xem ra sẽ bị gạt bỏ. Có nhiều lý do lắm, mà ta không thể đi sâu vào chi tiết ở đây. Ngày nay, không có nhà khoa học nào dám chắc chắn về kiến thức của mình đối với thiên nhiên. Từ đó, sự suy tư luân lý, (vì phải “đọc” thiên nhiên) hoặc là sẽ thay thế các nhà khoa học (điều mà không ai dám làm, sợ rằng sẽ bùng lên những trường hợp Galileo khác) hoặc đành chấp nhận rằng ý kiến của mình chỉ là tạm thời.

Ngày nay kiến thức khoa học về thiên nhiên có thể đạt được giá trị chân thực qua hai con đường sau đây: + một luận đề về thiên nhiên được coi là chân thực khi nó chưa bị nói ngược lại bởi những quan sát sau đó. Như thế một định luật khoa học tự nhiên được xem là đúng theo nghĩa là có thể kiểm chứng được cho đến nay; + một luận đề về thiên nhiên được coi là chân thực theo nghĩa là nhất quán với một ngôn ngữ và một hệ thống phát biểu cảm giác. Thế nhưng ngôn ngữ và hệ thống phát biểu thì không đúng mà cũng không sai; tất cả đều là quy ước, và ta có thể nghĩ ra cả trăm ngàn quy ước, đưa đến những luận đề khác nhau. Tóm lại, một quy luật khoa học tự nhiên được coi là đúng theo nghĩa là nó phù hợp với một hệ thống luận lý không đúng cũng chẳng sai; bởi vì nó chỉ là mặc định mà thôi[18] .

Dù đi theo con đường nào đi nữa (đường thứ nhất thì tích cực hơn), việc “đọc” thiên nhiên chỉ cung cấp cho ta sự hiểu biết về kế hoạch của Thiên Chúa một cách tạm thời. Đó là giả định lạc quan nhất, nhưng nó không trùng hợp với điều đã nói cách đây hai mươi năm, và có lẽ cũng sẽ chẳng hợp với điều sẽ nói trong hai mươi năm sắp đến. Nếu như thế thì quả là bấp bênh khi nói đến khái niệm “thiên nhiên như quy luật”, ít là liên quan đến điều có thể quan sát được bằng các giác quan và có thể nghiên cứu bằng lý trí (thiên nhiên nói chung, và cơ thể con người nói riêng).

– Vấn đề trở nên rắc rối hơn đối với câu hỏi: Làm sao biết và mô tả bản tính con người? Những khó khăn chính yếu có thể tóm vào hai điểm sau: thế nào là bản tính con người? Tương quan giữa con người với vũ trụ như thế nào?

Con người, xét như là một thực thể tâm-sinh-lý, không ngừng biến đổi. Sự mô tả con người tùy thuộc vào mẫu người đang quan sát (một cá nhân, một cộng đồng, một nền văn hóa nào đó), cũng như tùy thuộc vào người quan sát. Không thể nào đưa ra một định nghĩa bản tính con người cách cố định, bất di bất dịch. Đứng trước câu hỏi “Con người là gì?”, công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Gaudium et spes số 12, tìm cách trả lời bằng cách giải thích ơn gọi của con người. Như vậy, bản tính con người không chỉ được xác định qua việc phân tích các yếu tố cấu thành, mà còn qua việc hiểu biết ý nghĩa và kế hoạch cho cuộc đời. Hiểu như vậy, việc mô tả bản tính con người không thể là nguồn mạch cho quy luật, nhưng là khí cụ để hiểu rõ hơn ơn gọi của mình, và khí cụ này luôn cần được cải tiến.

Vấn đề tương quan giữa con người với vũ trụ cũng được đặt ra trong bối cảnh ấy. Và mối tương quan này cũng tùy thuộc vào cách mà chúng ta hiểu về bản tính con người. Như vừa nói, điều này không chỉ giới hạn vào việc phân tích các yếu tố cấu thành bản tính con người mà còn mở rộng đến ý nghĩa cuộc sống nữa. Từ đó, con người không chỉ “đọc” thiên nhiên (vũ trụ) mà còn phải cải tiến nó nữa. Như vậy, câu chuyện luân lý không phải là “phải tôn trọng thiên nhiên (vũ trụ)”, song là “biến đổi thiên nhiên” bằng hành động của mình, nhưng nhằm mục đích gì? Câu hỏi này cũng được kéo dài sang phạm vi cơ thể con người, là thành phần của vũ trụ. Con người phải tôn trọng cơ cấu tâm sinh lý của mình, hay có thể cải thiện nó? Câu hỏi này là động lực cho các công cuộc nghiên cứu sinh học, y học, bao gồm cả lãnh vực tâm lý trị liệu. Khía cạnh luân lý được đặt ra không phải cho việc “biến đổi bản tính” cho bằng mục tiêu của việc biến đổi ấy. Tiến trình này nằm trong bản chất của LTN, nghĩa là dùng lý trí để tìm ra cách thức cân xứng nhất để đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa.

b) LTN và thần học luân lý

Thần học luân lý khởi đi từ mặc khải siêu nhiên. Thế nhưng Kinh thánh luôn thôi thúc lý trí đứng ra làm môi giới để đi tới quy tắc luân lý cho mỗi hành động. Ta gặp thấy yêu sách này suốt trong Kinh thánh, chẳng hạn qua việc “phân định” mà thánh Phaolô đã khuyên nhủ các tín hữu. Dù sao, còn có một yêu sách sâu đậm hơn nữa, mà ta có thể tóm lại như sau:

– Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và cứu chuộc, đã có một kế hoạch dành cho nhân loại và lịch sử nhân loại. Ngay cả tiếng gọi của mỗi cá nhân cũng nằm trong kế hoạch ấy. Tiếng gọi nằm trong lương tâm của mỗi người, ít là xét đến những giá trị căn bản. Công đồng Vaticanô II đã đề cập đến điểm này trong hiến chế Gaudium et spes số 16 và 92. Kinh thánh đã cho ta biết kế hoạch ấy, không phải dưới một hình thức tương tự như một khảo luận khoa học, nhưng nhờ việc khảo cứu lịch sử cách tiệm tiến. Điều này được áp dụng cho cả Cựu ước lẫn Tân ước. Trong các cộng đồng Hội thánh thời các tông đồ, ta nhận thấy có những bước tiến quan trọng trong việc nhận ra kế hoạch toàn diện của Thiên Chúa. Đây là thời điểm trung tâm của mặc khải về luân lý: mỗi mệnh lệnh cụ thể ở trong Kinh thánh cần được xem như là sự xác định kế hoạch của Chúa vào hoàn cảnh cụ thể; sự xác định này thường lệ thuộc vào những hoàn cảnh khách quan hoặc những điều kiện văn hóa và tâm lý của tác giả. Vì thế thần học luân lý đòi hỏi không những phải khảo sát bản văn Kinh thánh mà còn phải lưu ý đến khung cảnh lịch sử của tác giả nữa. Từ đó, việc đọc ra kế hoạch của Thiên Chúa cho thực tại lịch sử của thời đại hôm nay là một công tác phức tạp của thần học luân lý, với sự đóng góp của Hội thánh, các Kitô hữu, những người thành tâm thiện chí; nhưng đó là hoạt động của lý trí con người. Ánh sáng đức tin mở ra một chân trời mới về ý nghĩa cho cuộc sống và lịch sử của mỗi người và của nhân loại. Lý trí có nhiệm vụ tìm ra những lối cư xử cụ thể thích hợp nhất với chân trời ấy.

Thông thường Thiên Chúa tác động qua trung gian của các nguyên nhân đệ nhị, chứ không truyền lệnh trực tiếp cho từng người (theo như quan niệm của Ockham); Người để cho mỗi người chọn lựa kế hoạch riêng của mình. Như vậy, con người – và đặc biệt là các Kitô hữu xét như cá nhân hay cộng đồng – không những phải khám phá kế hoạch của Thiên Chúa mà còn phải thực hiện nó trong lịch sử. Điều này muốn nói hai điều: a) họ phải thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa trong một thời điểm cụ thể của lịch sử, nghĩa là giữa các lựa chọn khác nhau (chẳng hạn như quyết định một lựa chọn kinh tế trong khung cảnh của kinh tế gia đình và kinh tế toàn cầu hiện nay); họ phải hướng lịch sử tới cứu cánh tối hậu của thành đô Thiên Chúa. Vì thế, dữ kiện lịch sử hiện nay vừa là một dữ kiện trong đó cần thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, và đồng thời vừa là một thực tại cần được điều chỉnh để thể hiện tốt đẹp hơn kế hoạch của Thiên Chúa muốn biến đổi gia đình nhân loại thành gia đình của Thiên Chúa (Gaudium et spes, số 40). Cần nhớ rằng Đức Kitô là cứu cánh của lịch sử nhân loại, đích điểm mà lịch sử nhắm tới và phải nhắm tới (Gaudium et Spes, số 45). Kinh thánh vạch cho thấy mục tiêu cuối cùng; nhưng tất cả các mục tiêu trung điểm của mỗi thời điểm lịch sử của các cá nhân và cộng đồng thì cần được khám phá ra trong lịch sử, và với những khả năng của lịch sử con người. Theo nghĩa rất rộng như vậy, định nghĩa LTN của thánh Tôma vẫn giữ nguyên giá trị: “Nó là sự thông dự vào luật vĩnh cửu nơi loài thụ tạo có lý trí” (Participado legis aeternae in creatura rationali).

– Chính mối liên hệ chặt chẽ giữa mặc khải (và đức tin Kitô giáo) với lý trí con người mà nảy sinh nhiều vấn đề nan giải trong thần học luân lý hiện nay. Thần học luân lý cần phải tìm cách đào sâu kế hoạch của Thiên Chúa nhờ đức tin, và đồng thời cần phải đọc thực tại lịch sử trong đó mỗi cá nhân phải quyết định lựa chọn. Nhiệm vụ của thần học luân lý đã được công đồng Vaticanô II chỉ ra như là phân định “dưới ánh sáng của Tin mừng và kinh nghiệm của con người” (Gaudium et spes, số 46). Mặc dù có nhiều người không muốn nói đến LTN, nhưng thực tế, chính họ đồng ý với tiêu chí được đề ra cho việc suy tư thần học luân lý.

c)  LTN và các học thuyết chính trị 

Theo như H. Rommen[19] nhận xét, LTN ví được như một vòng tuần hoàn, tưởng chừng như đã rời xa nhưng rồi lại trở về. Thời nay, tất cả các học thuyết chính trị (đừng kể các chế độ độc tài) muốn đặt cơ sở của chính quyền trên sự thoả thuận của nhân dân. Chính quyền cần phải tôn trọng “phẩm giá con người”, điều này có nghĩa là luật pháp phải phù hợp với ý nguyện của nhân dân chứ không thể cưỡng bách. Truyền thống dân chủ tự do coi cốt yếu của sự thỏa thuận ở chỗ chấp nhận các quy luật của trò chơi. Ngày nay, người ta tìm đến một sự thỏa thuận dựa trên cái gì thực chất chứ không hình thức, một sự thỏa thuận về những mục tiêu cao cả mà sự sống chung cần nhắm đến. Chính đây là hình thức lịch sử mới mà khái niệm LTN đã đặt ra: một nền tảng dựa trên các mục tiêu, các giá trị cũng như một vài lựa chọn cách cư xử được mọi người chấp nhận; một nền tảng mà ta có thể bảo vệ bằng các luận cứ, và mọi người của cộng đồng có thể tham gia qua việc cân nhắc các lý lẽ thuận hay nghịch, cũng như những thay đổi và thích ứng. Hiểu như vậy, tuy rằng nhiều người không muốn nghe nói đến LTN nhưng thực chất, họ đang chấp nhận vai trò của nó, như đã thấy trong phần lịch sử.

Ngày nay khoa chính trị học cần một nền tảng dựa trên các mục tiêu và phương tiện hợp lý, nghĩa là có thể được chấp nhận bởi mọi người biết sử dụng lý trí. Đây là một nhu cầu của luân lý, cần thiết cho con người khi sống chung với nhau. Cần phải xác định mục tiêu của việc sống chung, cũng như tiêu chuẩn công bình và yêu thương giữa các phần tử. Nói cách khác, trải qua nhiều kinh nghiệm, lý trí con người nhận thấy cần phải có nền tảng luân lý trong đời sống xã hội, trong đó tương quan tốt đẹp giữa các phần tử phải được xem như một giá trị sơ khởi. Và như vậy, con người khám phá lại kế hoạch của Thiên Chúa mà Phúc âm đã đề ra. Việc quay trở về của LTN chẳng qua chỉ là tiếng gọi liên lỉ của Thiên Chúa trong lương tâm của mỗi người (Gaudium et Spes, số 16) hãy mang lại những hoa trái tình thương để cho thế giới được sống. Đó chính là đối tượng đặc thù của thần học luân lý.

Thư tịch

Lịch sử

Arntz A., La ley natural y su historia, in "Concilium" 5 (1965) 41-61.

Aubert J.M., Per una teología dell’época industriale, Cittadella, Assisi 1973; c. VII "Verso un'ermeneutica del diritto naturale".

Delhaye Ph., Permanence du droit naturel, Analecta medievalia namurcensia, Nauwelaerts, Louvain 1960.

Passerin D'entreves A., La dottrina del diritto naturale, Comunità, Milano 1962.

Rommen H., Diritto naturale, Studium, Roma 1966.

Strauss L., Diritto naturale e storia, Neri Pozza, Venezia 1957.

Welzel H., Diritto naturale e giustizia materiale, Giuffré Milano 1965.

Hệ thống

AA.VV., Fondamenti biblici delta teología morale, Atti della XXII Settimana Bíblica, Paideia, Brescia 1973.

Lafon G., La production de la loi. La pensée de la loi en Romains 2,11-27, in "Recherches des Sciences Religieuses" 74/3 (1986) 321-340.

Schurmann H., II problema del carattere obbligatorio dei giudizi di valore e delle direttive morali del NT (1974), in "Enchiridion Vaticano" 5 (1974-1976) 1063-1087. SPICQ C., Théologie morale du NT I, Gabalda, Paris 1965, appéndix II, "La loi naturelle dans le NT" 397-409.

Bockle F. (ed.) et al., El derecho natural, Herder, Barcelona 1971.

Chiavacci E., Teología morale I, Cittadella, Assisi 1983: c. VIII, "I costitutivi delta legge morale: la legge naturale".

Demmer K., Interpretare e agire. I fondamenti della morale cristiana, Paoline 1989. DEMMER K. - SCHULLER B. (eds.), Fede cristiana e agire morale, Cittadella, Assisi 1980. FUCHS J., Le droit naturel. Essai théologique, Desclée, Paris 1960; ID, Immagine di Dio e morale dell’agire intramondano, in "Rassegna di Teologia" 25 (1984) 289-313.

Gargani A. (ed.), Crisi della ragione, Einaudi, Torino 1979.

Hamel E., Loi naturelle et loi du Christ, Desclée de Brouwer, Bruges-París 1964.

Hart H.L.A., Il concetto di diritto, Einaudi, Torino 1980.

Hoffe O. - Demmer K. - Hollerbach A., Naturrecht, in Staatslexikon 3, Herder, Freiburg, 1987,1296-1318.

Osuna A., Derecho natural y moral cristiana, San Esteban, Salamanca 1978.

Reiner H., Hacia una fundamentación del derecho natural, en "Moralia" 2 (1980) 57-70. SCHULLER B., L’uomo veramente uomo, Edi Oftes, Palermo 1987.

Van Melsen A., Ley natural y su evolución, en "Concilium" 26 (1967) 388-399.

Phụ thêm

Trong bài này, tác giả trình bày những quan điểm khác nhau về LTN và để ngỏ kết luận. Thực ra, những ý kiến chống đối LTN không phải hoàn toàn do định kiến thúc đẩy nhưng vì những cách hiểu khác nhau về “luật” và về “tự nhiên”. Ngoài ra trong ngành luật học, người ta còn nói đến “quyền lợi tự nhiên”: các khái niệm ấy có trùng hợp nhau hay không?

A. Luật tự nhiên

Những quan điểm khác nhau về luật tự nhiên bắt nguồn từ những khái niệm khác nhau về “luật” và “tự nhiên”.

1/ Luật là một từ ngữ loại suy, nghĩa là có thể hiểu theo nhiều nghĩa

- Thường người ta liên tưởng ngay đến luật của nhà nước: nghĩa là một hành vi của quyền lực, kèm theo hình phạt cho kẻ bất tuân. Luật được phát biểu thành mệnh lệnh cụ thể, điều gì phải làm và điều gì không được làm.

- Trong khoa học tự nhiên, luật được hiểu như một kết luận rút ra từ những quan sát về mối liên hệ giữa hai hiện tượng.

- Trong xã hội, luật được coi như những quy tắc ứng xử đã được chấp nhận, mà sự vi phạm có thể mang lại sự khinh chê và thậm chí sự trừng phạt.

- Trong triết học Công giáo, có ít là hai quan niệm khác nhau về bản chất của luật: a) Thánh Tôma quan niệm luật là hành vi của lý trí nhằm đến tới điều tốt của cộng đoàn; do đó, một luật phi lý thì mất tính cách pháp lý. b) Trường phái duy ý chí của Ockham quan niệm luật như là hành vi của ý chí của nhà lãnh đạo; ý chí ấy có tính cưỡng bách.

2/ Tự nhiên cũng là một từ loại suy

- Tự nhiên có thể hiểu là vũ trụ thiên nhiên;

- Tự nhiên có thể hiểu là tự phát, tự do, không bị gò bó;

- Tự nhiên có thể hiểu là tình trạng sơ khai, nguyên thủy (đối lại với “lịch sử”);

- Tự nhiên có thể hiểu là bản tính của một vật, và cụ thể hơn nữa, bản tính của loài người.

3/ Từ đó “luật tự nhiên” có thể hiểu theo nhiều nghĩa:

- Luật do Đấng Tạo hóa đã ấn định khi dựng nên vạn vật;

- Luật của con người hồi sơ khai (có thể là “luật rừng” hoặc “luật hồn nhiên”, tùy theo quan điểm);

- Luật phù hợp với bản tính con người. Vấn nạn: phải hiểu thế nào là bản tính con người? Bản tính theo định nghĩa siêu hình hay bản tính theo nghĩa năng động, và thay đổi theo không gian và thời gian?

- Ngoài ra, thiết tưởng còn một lối tiếp cận nữa, cách gián tiếp, qua những gì tương phản với nó. Theo viễn tượng này, LTN đối lại với “luật siêu nhiên” (mặc khải), “luật thực định”. Dĩ nhiên là chúng ta đang bàn đến phạm vi luân lý (và luật pháp), chứ không bàn đến phạm vi khoa học tự nhiên.

4/ Theo thánh Tôma Aquinô

- Luật là một hạn từ loại suy, áp dụng cho nhiều cấp độ: luật vĩnh cửu, luật tự nhiên, luật thực định của con người và của Thiên Chúa (x. Summa Theol. I-II, q.90, art.1-4, và sẽ được lần lượt trình bày trong các qq. 93; 94; 95tt; 98tt; 106).

- Khác với nhiều giáo phụ, thánh Tôma quan niệm “luật tự nhiên” thì khác với “luật vĩnh cửu”. Luật vĩnh cửu chi phối toàn thể các thụ tạo (I-II, q.93); luật tự nhiên dành cho loài người (I-II, q.94) như một hình thức tham dự vào luật vĩnh cửu.

- Đối với thánh Tôma, luật tự nhiên không phải là một bộ luật gồm các mệnh lệnh phải thi hành. Đúng ra, nó là một mẫu mực để hành động tốt, phù hợp với chỉ dẫn của lý trí, nghĩa là “sống cho ra người” (nói theo ngôn ngữ Đông phương). Thiên Chúa đã ban cho con người khả năng hướng dẫn đời sống mà ta gọi là “lương tri”, và ta phải sử dụng nó để phân định điều gì là tốt hoặc xấu trong các hoàn cảnh cụ thể: điều gì phù hợp với bản tính là tốt, điều gì trái với bản tính là xấu[20] . Tuy nhiên, thánh Tôma cũng lưu ý rằng việc nhận thức điều tốt điều xấu có nhiều cấp độ khác nhau, từ tổng quát đến chi tiết, mà ta có thể tóm lại thành ba như sau (X. Summa Theol., I-II, q. 94, a. 6; q. 100, a. 3; y II-II, q. 122, a. 1).

a) Những nguyên tắc sơ đẳng rõ ràng, không thể nào lầm lẫn (thí dụ: hãy làm lành, lánh dữ; đừng làm cho người khác điều ta không muốn họ làm cho mình);

b) Những mệnh lệnh cấp hai (praecepta secundaria), rất gần với nguyên tắc sơ đẳng, mà ta có thể biết được nhờ suy diễn đơn giản từ các nguyên tắc sơ đẳng (thí dụ: Mười điều răn); những mệnh lệnh này có thể bị lãng quên hoặc lầm lẫn do nết xấu cá nhân hoặc phong hóa suy đồi.

c) Những mệnh lệnh cấp ba, suy diễn từ cấp thứ hai, đòi hỏi nhiều nghiên cứu phức tạp, cần nhờ sự giúp đỡ của các người chuyên môn. Nguy cơ lầm lẫn và sai lệch còn lớn hơn nữa.

B. Quyền tự nhiên

Trong khi các sách luân lý đề cập đến “luật tự nhiên”, thì các sách luật pháp nói đến “quyền tự nhiên”. Phải chăng “luật tự nhiên” và “quyền tự nhiên” cũng như nhau? Trước khi trả lời, cần phải tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ.

1/ Từ ngữ

Chúng ta cần thận trọng với vấn đề từ ngữ, bởi vì có khi giống nhau về lời nhưng khác nhau về ý; và ngược lại, có khi giống nhau về ý nhưng khác nhau về lời.

a) Đồng nghĩa mà khác lời: Lex và Ius; Loi và Droit

Trong tiếng Pháp, loi naturelledroit naturel được hiểu như đồng nghĩa: đó là luật tự nhiên, đứng trên các luật thực định của quốc gia. Thực ra trong nguồn gốc latinh lex naturalis khác với ius naturale: lex là “luật”; ius là “công lý”, đối tượng của đức công bình (iustitia). Tương quan giữa đôi bên có thể nói như sau: “công lý” là thực tại khách thể, điều hợp với lẽ công bằng. Nhưng làm thế nào quy định cái gì công bằng (và cái gì bất công)? Thưa là “luật”. Như ta biết, có nhiều cấp độ của luật: thiên luật, nhân luật, luật tự nhiên và luật thực định.

b) Cùng lời mà khác nghĩa: Ius obiectivum / subiectivum; Droit objectif / subjectif

Trong tiếng Pháp (Ý, Tây Ban Nha), droit vừa có nghĩa là “luật” (thí dụ: Droit civil: dân luật), vừa có nghĩa là “quyền lợi” (thí dụ Droits humains, nhân quyền). Vì thế để cho rõ, người ta phân biệt giữa “droit objectif”“droit subjectif”. Thực ra nếu truy về nguồn gốc La-tinh, thì không có gì khó hiểu. Iustum có nghĩa là công lý (khách thể); Luật pháp (ius normativum) ấn định điều gì là công bằng (công lý). Dựa theo đó, mỗi chủ thể có thể đòi hỏi cho mình điều gì thuộc về mình theo lẽ công bằng (ius subiectivum).

Tiếng Anh không có vấn đề này, bởi vì dùng hai từ khác nhau: Law (luật), right (quyền lợi), thí dụ: civil law, human rights.

2/ Nền tảng

Dựa theo hai ý nghĩa vừa nói, ta có thể kết luận rằng:

a) Xét như là luật: droit naturel là điều gì công bình theo bản chất của nó (công lý). Nó khác với điều công bình được xác định trong các luật thực định (droit positif). (Thánh Tôma đối chiếu giữa ius naturaleius legale).

b) Xét như là quyền lợi: droit naturel là những quyền lợi dựa trên bản tính con người, chứ không do xã hội ban cấp. Nó cũng còn mang tên là “nhân quyền” (quyền lợi con người). Các học giả cận đại thường đặt nền tảng của nhân quyền trên “phẩm giá con người”, chẳng hạn như Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của LHQ năm 1948. Đó cũng là quan điểm của Giáo hội Công giáo (x. Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo, số 1930).

3/ Ý nghĩa

Có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến “luật tự nhiên” và “quyền lợi tự nhiên”. Nhưng đàng sau những khái niệm ấy là sự cần thiết phải tìm một tiêu chuẩn nào cao hơn luật thực định, hầu có thể phê phán các luật ấy. Nói tắt một lời: cần phải hạn chế quyền lực Nhà Nước, sau nhiều kinh nghiệm đau thương do các chế độ độc tài gây ra. Đối với Kitô giáo, nền tảng của công lý là Thiên Chúa. Nhưng khi muốn đối thoại với các tôn giáo khác hoặc với những người không tin theo một tôn giáo nào, thì cần phải tìm một nền tảng chung, đặt trên phẩm giá của con người.

Đó cũng là ý tưởng chủ đạo của văn kiện “Đi tìm một nền luân lý phổ quát: một cái nhìn mới về luật tự nhiên” của Ủy ban thần học quốc tế năm 2008[21] .

Dĩ nhiên, trước đó, đề tài Luật tự nhiên đã được đề cập trong nhiều văn kiện của Tòa thánh. Chúng tôi chỉ xin trưng dẫn vài văn kiện trong những thập niên gần đây.

ĐGH Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in terris (11/4/1963).

ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (26/3/1967).

_______, Thông điệp Humanae vitae (25/7/1968).

ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor (6/8/1993).

_______, Thông điệp Evangelium vitae (25/5/1995).

_______, Thông điệp Fides et ratio (14/9/1998).

ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn từ cho những tham dự viên Hội nghị quốc tế về luật luân lý tự nhiên do Đại Học Lateranô tổ chức (12/2/2007).

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (1992), số 1954-1960, 2036, 2070-2071.

Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Giáo huấn xã hội của Giáo hội (2004), số 22, 37, 53, 89, 140-142, 224, 397.



[1] Vua Creontê cấm cô Antigona không được chôn cất Polinixê người anh của mình, và đe dọa sẽ xử tử cô nếu bất tuân lệnh. Cô trả lời: “Sắc lệnh này không phải là của thần Jupiter, và công lý ngự bên cạnh các thần cũng không hề ra luật tương tự như vậy. Tôi cũng nghĩ rằng luật của nhà vua có uy lực đến nỗi bắt một người phàm phải vi phạm những luật bất thành văn, bất biến mà các thần linh đã ấn định. Hiệu lực của các luật ấy không chỉ có từ hôm nay hay hôm qua, nhưng là từ muôn thuở. Không ai biết được nó đã ra đời từ hồi nào. Tôi không thể nào, vì sợ một con người, mà lại vi phạm một lệnh của thần linh.” X. Sófocles, Antígona, (khoảng năm 450 trước CN).

[2] Quen dịch sang tiếng Việt là “nhóm ngụy biện”. Thực ra vào lúc đầu (thế kỷ V trước CN), theo nguyên ngữ sophista có nghĩa là người đi tìm “lẽ khôn ngoan” (sophia), tức là các triết gia. Họ quảng bá kiến thức nhờ biện luận. Dần dần, họ bị tố cáo là ngụy biện vì dùng tài lợi khẩu để lường gạt thiên hạ. Một trong những người sáng lập, ông Protagoras chủ trương rằng “con người là mẫu mực cho vạn vật”.

[3] Sextus Empiricus IX, 55 [88 B 25]: một mảnh của vở bi hài kịch.

[4] Thiết tưởng nên biết là ngay từ thời các nhóm sophista, người Hy-lạp có khuynh hướng đối chiếu giữa tự nhiên (hoặc bản tính physis) là yếu tố bất biến với nomos (pháp lý) là yếu tố do con người đặt ra và đa dạng.

[5] Các công dân Rôma được điều hành bởi dân luật (ius civile, ius civium); tương quan với các dân khác sẽ do luật gì chi phối? Các pháp gia trả lời rằng do luật chư dân (ius gentium). Nói khác đi, ngoài dân luật do nhà cầm quyền đặt ra và có giá trị với công dân trong nước, còn có một luật khác có tính cách phổ quát hơn, chi phối tất cả các dân trên thế giới.

[6] Trường phái Stoa bắt nguồn từ Hy-lạp do ông Zeno Citium (335-263 trước CN), quen dịch là “Phái khắc kỷ”, có ảnh hưởng trong Đế quốc Rôma, cũng như đối với tư tưởng của thánh Phaolô và nhiều giáo phụ.

[7] Luật “thực định” (có khi cũng được dịch là “thực chứng” hay “thiết định”): lex positiva (tiếng Anh postive law), theo tầm nguyên có nghĩa là luật được “đặt ra” (positivus bởi động từ ponere), tức là được đặt thêm vào luật tự nhiên vốn đã có sẵn.

[8] Để hiểu rõ tư tưởng của thánh Tôma, cần phải lồng LTN trong toàn bộ quan điểm về luật, với những cấp độ của nó: luật vĩnh cửu, luật tự nhiên, luật mặc khải (Cựu ước và Tân ước), luật Giáo hội và dân sự. Xem phụ trương.

[9] Trong tiếng La-tinh, công thức là “ius quia iussum”: luật là điều được truyền khiến, thay vì với công thức “ius quia iustum”: luật là điều hợp với công lý.

[10] X. Sent. IV, q, 14 D; phản bác ý kiến của Duns Scotus.

[11] Iusnaturalisme. Học thuyết triết học thế kỷ XVI-XVII chủ trương rằng con người đã có một số quyền lợi tự nhiên (ius naturale) trước khi thành hình cộng đồng xã hội. Vài nhân vật tiêu biểu: Johannnes Althusius (1563-1638), Hugo Grotius (1583-1645), Samuel Prudendorf (1632-1694). Học thuyết này đưa ra giả thuyết rằng con người đã sống trong một “trạng thái tự nhiên”, được coi như là nền tảng cho tất cả các luật lệ xã hội sau này. Trong ngành luật khoa, trường phái “jusnaturalisme” đối lại với “positivisme”.

[12] Hugo Grotius (Huig de Groot, 1583-1645), một luật gia Hà Lan, được coi như nhà sáng lập của LTN và luật quốc tế cận đại, với tác phẩm De iure belli et pacis. Ông quan niệm rằng LTN là tổng bộ những luật mà lý trí có thể khám phá được. Về điểm này, không có gì khác với quan niệm của kinh viện. Điều mới mẻ là ông cắt đứt LTN khỏi nguồn gốc của nó là Thiên Chúa. Theo ông, LTN vẫn có giá trị “cho dù không có Thiên Chúa đi nữa” (etsi Deus non daretur). Đây là khởi điểm cho các học thuyết duy lý vào thế kỷ XVII-XVIII.

[13] Châm ngôn thời danh của Thomas Hobbes (Leviathan, 1651, Parte II, c. 26): “Luật do quyền lực chứ không do công lý đặt ra” (auctoritas, non veritas, facit legem).

[14] Trong tiếng Latinh, ius vừa có nghĩa là “công lý”, đối tượng của đức công bình, vừa có nghĩa là “luật pháp”. Từ droit trong tiếng Pháp cũng có nghĩa như vậy. Trong tiếng Anh, không có từ tương đương: “law” chỉ có nghĩa là luật pháp, chứ không có nghĩa là công lý (justice). Hơn thế nữa, ius (Latinh) và droit (Pháp) còn có nghĩa là “quyền lợi”, trong khi tiếng Anh phải sử dụng một hạn từ khác, đó là right.

[15] Thomas Hobbes (1588-1659), John Locke (1632-1704), Jean Jacques Rousseau (1772-1778) được coi như cha đẻ của thuyết “hợp đồng xã hội”. Vào thời nguyên thủy, con người sống độc lập, nhưng về sau, họ quyết định thành lập xã hội tuy vẫn duy trì vài quyền tự do căn bản. Tuy nhiên, trên nền tảng chung ấy, và tác giả có những chi tiết khác biệt. Theo Thomas Hobbes, con người sơ khai tranh giành cắn xé nhau (homo homini lupus); do đó phải tìm cách sống hòa bình trong xã hội. John Locke có cái nhìn lạc quan hơn: con người vốn sống hòa thuận với nhau rồi, nhưng họ tìm đến xã hội để kiện toàn tình trạng nguyên thủy. Học thuyết của Locke đã ảnh hưởng nhiều đến bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ.

[16] Theo từ ngữ chuyên môn, người ta nói đến hai thế hệ nhân quyền: 1) thế hệ thứ nhất của nhân quyền, gắn với Cách mạng Pháp, tượng trưng lãnh vực bất khả xâm phạm của công dân, mà Nhà Nước không thể can thiệp; 2) thế hệ thứ hai gắn với bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền 1948, tượng trưng những quyền lợi xã hội, buộc Nhà Nước phải tạo điều kiện để công dân được tham gia.

[17] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Optatam totius về việc đào tạo các linh mục, số 16.

[18] Xem bài “Các luật vật lý” trong số báo này.

[19] H. Rommen, Die ewige Wiederkehr des Naturrechts, Munich 1936.

[20] “Lex ergo naturalis nihil est aliud quam conceptio hominis naturaliter indita, qua, dirigitur ad convenienter agendum in actionibus propriis (In 4 Sent. d33 q.l a.l c”.

[21] Xem bản dịch tiếng Việt của LM Phaolô Cao Chu Vũ trên mạng của Trung Tâm Học vấn Đa Minh: https://catechesis.net/tim-kiem-mot-nen-dao-duc-pho-quat-mot-nhan-quan-moi-ve-luat-tu-nhien-