Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

KHÔNG CÓ MÔI SINH LUẬN NẾU KHÔNG CÓ NHÂN LUẬN TƯƠNG XỨNG

Thời sự Thần học - số 69 tháng 8/2015, tr. 173-190

_Đức cha Juan Antonio Reig Pla_[1]

Ngày 26/6/2015, khi giới thiệu thông điệp Laudato si’ cho giáo phận, vị giám mục đã lấy một đoạn văn của chính thông điệp làm tựa đề “Không có môi sinh luận (ecologia) nếu không có nhân luận (anthropologia) tương xứng” (LS 118), để mời gọi đào sâu các khái niệm “môi sinh toàn diện”, “môi sinh nhân bản” dựa trên giáo huấn cổ điển của Giáo hội. Có thể đọc thông điệp từ những viễn cảnh khác nhau. Bài này nhấn mạnh đến khía cạnh thần học, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nhân luận Kitô giáo dưới ánh sáng lịch sử cứu độ. Sau đây là dàn bài:
  1. Một thông điệp đào sâu huấn quyền xã hội của Giáo hội.
  2. “Bốn cấp độ” của thông điệp.
  3. Những chìa khóa của thông điệp: a) hệ cấp các giá trị: Kitô-luận và nhân-luận tương xứng; b) Nhân luận tương xứng: tạo dựng, tội lỗi, cứu chuộc, ân sủng và hoán cải; c) Các khái niệm: hoán cải môi sinh, môi sinh toàn diện, môi sinh nhân bản.
  4. Những âm mưu phá huỷ môi sinh nhân bản: a) chủ nghĩa tương đối; b) nhân danh sức khoẻ sinh sản để huỷ diệt người nghèo (ngừa thai, phá thai, triệt sản); c) phá thai và tiêu huỷ phôi; d) huỷ bỏ sự khác biệt phái tính.
  5. Vài xác minh: a) “Hiến chương trái đất”; b) “Sự phát triển có thể chống đỡ được”.
  6. Kết luận.
Ngày 18 tháng 6 vừa qua, thông điệp thứ hai của đức thánh Phanxicô đã được trình bày, mang tựa đề: “Laudato Si’ về việc chăm sóc căn nhà chung.” (LS)[2] Những suy tư sau đây là lời mời gọi khám phá những nền móng và nêu bật những cột trụ của thông điệp này.

1. Một thông điệp đào sâu Huấn quyền của Hội thánh


Cần phải đọc thông điệp Laudato Si’ của đức thánh cha Phanxicô dưới ánh sáng của Thánh kinh, Thánh truyền và Huấn quyền của Hội thánh, nghĩa là trong chiều hướng liên tục. Các chú dẫn trong bản văn và 172 ghi chú ở cuối trang là một nguồn thiết yếu để có một cái nhìn tổng quát của thông điệp[3]. Về Kinh Thánh, thông điệp trích dẫn nhiều đoạn liên quan đến sự tạo dựng, tội lỗi, cứu chuộc: trước tiên là sách Sáng thế, rồi đến sách Thánh vịnh, Ngôn sứ Đaniel, sách Khôn ngoan, sách Huấn ca và dĩ nhiên, các sách Tin Mừng, thư thánh Phaolôsách Khải huyền. Công đồng Vaticanô II, cách riêng hiến chế mục vụ Gaudium et spes, đề cập nhiều khía cạnh liên quan đến nội dung của thông điệp. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, khi đề cập đến điều răn thứ bảy (“chớ lấy của người”) đã bàn về sự cần thiết (nghĩa là nghĩa vụ) tôn trọng sự toàn vẹn của tạo dựng (số nn. 2401-2463); các số 279-421 giải thích đạo lý về sự tạo dựng và tội nguyên tổ; các số 598-623 và 1987-2029 bàn về sự cứu chuộc, ân sủng và sự trở nên công chính. Ngoài ra, đối với đề tài đang bàn, cũng nên đọc các văn kiện sau đây: thông điệp Pacem in terris của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, thông điệp Populorum progressio và tông thư Octogesima adveniens của chân phúc Phaolô VI, những bài Huấn giáo về tình yêu và các thông điệp Redemptor hominis, Centesimus annus, Sollicitudo rei socialis Laborem exercens của thánh Gioan Phaolô II, thông điệp Caritas in veritate của Giáo hoàng Bênêđictô XVI, thông điệp Lumen fidei và tông huấn Evangelii gaudium của Giáo hoàng Phanxicô. Ngoài ra, sách Toát lược giáo huấn xã hội của Giáo hội cung cấp cho chúng ta một tổng hợp của Huấn quyền về vấn đề này ở chương X (số 451-487).[4]

2. “Bốn cấp độ” của thông điệp


Đã có nhiều người bình luận về thông điệp bàn về việc “chăm sóc căn nhà chung”. Nhưng để tránh hiểu lầm, cần phải khẳng định với đức thánh cha Phanxicô rằng “Giáo hội không chủ trương quyết định những vấn đề khoa học” (LS 188). Sau khi đã xác minh như vậy rồi, ta có thể phân biệt ít là bốn cấp độ khi trình bày thông điệp:

a) Các phương tiện truyền thông xã hội nhấn mạnh nhiều đến ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự xâm lấn môi trường, những nguy cơ của việc lèo lái sinh học, sự cần thiết tiến đến cái được gọi là “sự phát triển nhân bản, có thể chống đỡ và toàn diện”, lời kêu gọi chăm nom ngôi vườn thế giới. Hẳn nhiên, những điều này liên quan đến việc sinh tử của nhân loại và của mỗi người, trong hiện tại và tương lai.

b) Vài phương tiện truyền thông tiến thêm một bước nữa, và nêu bật tầm quan trọng của thông điệp đối với các nguyên tắc của giáo huấn xã hội, tựa như: nguyên tắc “công thiện”, tài sản được dành cho hết mọi người, nguyên tắc bổ trợ, “tình thương dân sự và chính trị”, liên đới, tầm quan trọng của lao động và nghỉ ngơi, cũng như y tế, giáo dục và nhà ở; các “món nợ xã hội” đối với những người nghèo, khái niệm về “món nợ môi sinh” giữa Bắc và Nam; “văn hóa loại trừ” (bao gồm “văn hóa chết chóc”), những hệ luận của việc tôn sùng công nghệ-kinh tế-kỹ trị liên quan đến việc tàn sát hằng triệu người do các chủ nghĩa quốc xã, cộng sản và các chế độ toàn trị tựa như“sự độc tài của gender” phục vụ đồng tiền và Trật tự mới trên thế giới; sự bất khả phân ly giữa “mối quan tâm đối với thiên nhiên, công bằng cho người nghèo, dấn thân phục vụ xã hội, an bình nội tâm”, v.v..

c) Ít người để ý đến những yếu tố mà thông điệp đề cao, tựa như: sự hiện hữu của Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo dựng muôn vật vì lòng yêu thương; muôn loài thụ tạo được thông dự vào chân-thiện-mỹ bắt nguồn từ Thiên Chúa Tam vị. Đồng thời, thông điệp cũng cảnh báo về nguy cơ thần-tượng-hoá trái đất và vạn vật, về sự phủ nhận sự trổi vượt của con người ở trên mọi sinh vật, vv.

d) Tuy nhiên, những dòng suy tư sau đây nhắm trình bày những khía cạnh khác nhau của thông điệp, đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn của một nền nhân luận tương xứng như chìa khoá để giải quyết những vấn đề được nêu lên. Vì thế, cần phải trưng dẫn những đoạn tiêu biểu nhất của thông điệp để chứng minh rằng “không có môi sinh luận nếu không có một nhân luận tương xứng” (LS 118). Công đồng Vaticanô II đã nhắc nhở chúng ta rằng “mầu nhiệm con người chỉ được sáng tỏ trong mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể” (GS 22). Vì thế một nhân luận tương xứng đòi hỏi một Kitô luận tương xứng, một thần học thập giá, thập giá vinh quang (x. 2 Cr 5, 14-21) nếu không thì không thể nào hiểu được thực tại của sự tạo dựng, như Đức Thánh Cha đã viết:
Một ngôi vị của Ba ngôi [Đức Giêsu Kitô] đã đi vào vũ trụ được tạo dựng, chia sẻ số phận của nó cho đến thập giá. Kể từ lúc khai thiên lập địa, nhưng đặc biệt là kể từ lúc Nhập Thể, mầu nhiệm của Đức Kitô đã tác động cách kín đáo trong toàn thể thực tại tự nhiên, tuy không vì thế mà phá huỷ sự tự trị của nó (LS 99).

3. Những chìa khoá của thông điệp


a) Hệ cấp các giá trị: Kitô luận và nhân luận tương xứng


Dĩ nhiên, tất cả các vấn đề do thông điệp nêu lên đều quan trọng, nhưng như Đức Thánh Cha đã nói, có một thứ tự mà ta không nên quên ngõ hầu có thể hiểu biết vũ trụ và chăm sóc nó. Cần phải đi từ nền tảng: Đức Kitô là nền tảng của đức tin Kitô giáo, của lịch sử, của vũ trụ, cũng như Người là trung tâm của sự hợp nhất Giáo hội, của việc rao giảng và chứng tá, vì thế cần phải có một Kitô luận tương xứng. Đức Thánh Cha giải thích như sau: “Đích điểm của hành trình vũ trụ hệ ở sự sung mãn của Thiên Chúa, mà Đức Kitô phục sinh đã đạt đến” (LS 83). Đây là cột trụ chống đỡ vũ trụ. Ở số 79, Đức Phanxicô thiết lập một hệ trật các giá trị như sau: “Hoạt động của Giáo hội không chỉ nhằm nhắc nhở nghĩa vụ chăm sóc thiên nhiên, nhưng đồng thời cần phải bảo vệ con người khỏi bị huỷ diệt.” Thật vậy, cần phải bảo vệ con người khỏi bị tiêu huỷ, bởi vì nếu chúng ta tự huỷ diệt (và tội lỗi là sự huỷ diệt con người) thì chúng ta xa cách Chúa Kitô và những gì đã được dựng nên cho Người và vì Người (x. Cl 1,16). Vì thế, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “không có môi sinh luận nếu không có nhân luận tương xứng” (LS 118). Đây là chìa khóa để hiểu thông điệp, cũng như các quan niệm liên hệ: môi sinh toàn diện và môi sinh nhân bản: hai quan niệm này đồng nghĩa với nhau, bởi vì môi sinh toàn diện thì cũng nhân bản, và nếu thực sự nhân bản thì cũng sẽ toàn diện.

b) Nhân luận tương xứng: tạo dựng, tội lỗi, ân sủng và hoán cải


Tạo dựng

Vũ trụ và mỗi sinh linh không phải là kết quả của sự tình cờ: “Một khi con người được xem như một vật giống như bao vật khác, thành hình do tình cờ hoặc do luật tất định vật lý, thì có nguy cơ sẽ làm giảm đi ý thức về trách nhiệm” (LS 18). “Thật là tuyệt vời khi biết chắc rằng đời sống của mỗi người không bị thất lạc trong một cảnh hỗn mang tuyệt vọng, trong một thế giới bị chi phối bởi sự tình cờ hoặc bởi những chu kỳ bất tận!” (LS 65). Vì yêu thương, Thiên Chúa dựng nên vũ trụ, một vũ trụ tốt đẹp, có trật tự và có mục đích: “vận mệnh của tất cả sự tạo dựng gắn liền với mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng đã hiện diện ngay từ khởi nguyên vạn vật, tất cả mọi sự được dựng nên bởi Người và cho Người (x. Cl 1,16)” (LS 99).

Tội lỗi

Loài người cũng được dựng nên bởi Đức Kitô và cho Đức Kitô. “Đấng Tạo hóa có thể nói với từng người chúng ta rằng: Trước khi ngươi được thành hình trong bụng mẹ, Ta đã biết ngươi (Gr 1,5). Chúng ta được thành hình trong trái tim của Thiên Chúa, vì thế “mỗi một người chúng ta là hoa trái của một ý tưởng của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta được ước muốn, được yêu mến, mỗi người đều cần thiết” (LS 65). Do đó, “cuộc sống con người dựa trên ba mối tương quan có liên hệ chặt chẽ với nhau: tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với trái đất. Theo Kinh Thánh, các mối tương quan ấy đã bị tan vỡ, không chỉ bên ngoài mà ngay cả trong thâm tâm của chúng ta nữa. Sự hoà hợp giữa Đấng Tạo hóa, nhân loại và tạo dựng đã bị phá vỡ vì con người nuôi tham vọng muốn chiếm đoạt chỗ của Thiên Chúa” (LS 66). “Sự bạo hành nằm trong con tim con người, bị thương tổn do tội lỗi, cũng bộc lộ ra những dấu chứng bệnh tật mà ta nhận thấy nơi đất đai, nước, không khí và các sinh vật” (LS 2). Nói cách khác, nhiều vấn đề môi sinh bắt nguồn từ tội lỗi, mà chúng ta không thể tự sức mình thoát khỏi được.

Sự cứu chuộc

Nhờ “chủ quyền giữ trên muôn vật” (LS 100), Đức Kitô đã cứu thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Vì thế Đức Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng:

Thiên Chúa đã muốn cho sự viên mãn ngự nơi Đức Kitô. Nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã hoà giải với mình mọi vật trên trời dưới đất, tái lập bình an nhờ Máu của Người trên thập giá (x. Cl 1,19-20). Điều này đưa chúng ta đến thời kết thúc thời gian, khi Người Con trao lại cho Chúa Cha mọi vật và Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự (x. 1Cr 15,28) (LS 100).

Điều thực sự lạ lùng, tin vui mừng mà mọi trái tim con người trông mong sẽ bộc lộ trong vinh quang cánh chung thì đã được ban cho chúng ta như bảo chứng trong bí tích Thánh Thể như là trời ở dưới đất. Thông điệp viết:
Bí tích Thánh Thể nối kết trời với đất, bao trùm và thâm nhập tất cả vạn vật. Thế giới xuất phát từ bàn tay Thiên Chúa lại trở về với Người trong tâm tình thờ lạy hạnh phúc. Trong Bánh Thánh Thể, tạo dựng được quy hướng về sự thần hóa, về hôn lễ thánh, về sự kết hợp với chính Đấng Tạo hoá (LS 236).
Sự hoán cải cần thiết

Việc trở nên một với Đức Kitô đòi hỏi “sự hoán cải toàn vẹn của con người. Điều này hàm ngụ việc nhận biết những sai lầm, tội lỗi, tật xấu, biếng nhác, và thành tâm thống hối, biến đổi từ nội tâm” (LS 218). Nhưng làm thế nào có thể thực hiện nổi nếu chúng ta quá yếu đuối.

Ân sủng

Ân sủng là giải đáp cho câu hỏi ấy: “Thiên Chúa (...) ban cho chúng ta sức mạnh và ánh sáng cần thiết để tiến bước. Vị Chủ tể của sự sống vẫn hiện diện trong thế giới này; Người rất thương yêu chúng ta, Người không bỏ rơi chúng ta, không để chúng ta một mình” (LS 245). Nhờ Đức Kitô chúng ta được tạo dựng và nhờ Đức Kitô chúng ta được cứu chuộc; tất cả những gì còn lại của chân thiện mỹ đều bắt nguồn từ đây.

c) Các khái niệm: Hoán cải môi sinh, môi sinh toàn diện, môi sinh nhân bản


Hoán cải môi sinh (ecological conversion)

Trong tông huấn Evangelii gaudium, Đức thánh cha Phanxicô kêu gọi chúng ta hoán cải mục vụ, bao hàm một “tình trạng thường trực truyền giáo”, “một dấn thân truyền giáo có khả năng thay đổi tất cả, ngõ hầu các tập tục, phong thái, giờ giấc, ngôn ngữ, các cơ cấu của Giáo hội được canh tân thích ứng cho việc loan báo tin mừng”. Bây giờ, ngài đề nghị một sự hoán cải môi sinh (LS 5;216-221), một khái niệm lấy từ thánh Gioan Phaolô II, khi giải thích rằng điều thiết yếu ở đây “không chỉ là môi sinh vật lý, lưu tâm bảo vệ môi trường sinh sống của các sinh vật, mà còn là môi sinh nhân bản” (Huấn giáo ngày 17-1-2001). Theo đức Phanxicô, điều này đòi hỏi sự “hoán cải toàn diện con người” (LS 218); hơn thế nữa, “sự hoán cải môi sinh cần thiết để tạo ra một động lực thay đổi bền bỉ cũng là một sự hoán cải cộng đồng”(LS 219), ý tưởng này gợi lên khái niệm “cơ cấu tội lỗi” với những hệ luận của nó.[5]

Môi sinh toàn diện (integral ecology)

Chính cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa (Thiên Chúa thật và con người thật) vào lịch sử, cái chết trên thập giá và sự phục sinh, cho phép chúng ta rút ra khái niệm môi sinh toàn diện. Nếu không có sự hiểu biết toàn diện về thực tại – hữu hình và vô hình – thì không tài nào hiểu được điều ấy, bởi vì, theo thông điệp LS, “môi sinh toàn diện đòi hỏi mở rộng đến những phạm trù vượt lên ngôn ngữ của toán học, hoặc sinh học, và móc nối với bản tính con người” (LS 11). “Môi sinh toàn diện” bao gồm hết mọi khía cạnh nhân sinh: “môi sinh của môi trường, kinh tế và xã hội” (LS 138-142), “môi sinh văn hóa” (LS 143-146), “môi sinh của cuộc sống thường nhật” (LS 147-154), và như chúng ta đã thấy, bao gồm “môi sinh nhân bản” đến nỗi ra như đồng nghĩa với nhau (LS 5, 155-162), cả hai đều không thể tách rời khỏi khái niệm rất quan trọng là“công thiện” (LS 156-158). Dù sao, thông địêp không hiểu “môi sinh toàn diện” như là “duy môi sinh” (ecologismo, một học thuyết đề cao thiên nhiên, nhưng lại không nhìn nhận con người như là hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26).

Môi sinh nhân bản (human ecology)

Thuật ngữ môi sinh nhân bản lấy từ các văn kiện của ĐTC Gioan Phaolô II. Đối với đức Phanxicô đồng ý rằng môi sinh toàn diện sẽ trở nên rỗng tuếch nếu thiếu môi sinh nhân bản, và cơ cấu nền tảng của môi sinh nhân bản là gia đình:

Ở đây gia đình được đặt nền trên hôn nhân, trong đó sự trao ban hỗ tương giữa người nam và người nữ tạo ra một môi trường sinh sống trong đó đứa trẻ có thể sinh ra và phát triển những tiềm năng của mình, trở nên ý thức về phẩm giá của mình và chuẩn bị để đảm nhận vận mạng độc nhất và không thể lặp lại.”[6]

Thông điệp LS tiếp nhận ý tưởng của vị tiền nhiệm và nói thêm: “Gia đình là môi trường nơi đó, sự sống là hồng ân Thiên Chúa, có thể được đón nhận và bảo vệ chống lại những tấn công, và có thể phát triển theo những đòi hỏi của sự tăng trưởng nhân bản chân chính. Đối lại với văn hóa sự chết, gia đình tạo ra văn hóa sự sống. Gia đình là nơi vun trồng các tập quán đầu tiên của tình yêu và săn sóc sự sống (...) Gia đình là nơi huấn luyện toàn diện, nơi diễn ra những khía cạnh khác nhau và bổ túc cho nhau của sự trưởng thành cá nhân” (LS 213).

4. Những âm mưu phá huỷ nhân sinh nhân bản


Đức Bênêđictô XVI nhắc nhở rằng không thể phân tích thế giới bằng cách tách một khía cạnh ra khỏi các khía cạnh khác, bởi vì “cuốn sách thiên nhiên là một và bất khả phân chia,” và bao gồm môi trường, sự sống, giới tính, gia đình, các tương quan xã hội, v.v.. Đức Bênêđictô đề nghị chúng ta hãy nhìn nhận rằng môi trường thiên nhiên đang bị tổn thương do cách cư xử vô trách nhiệm của chúng ta. Môi trường xã hội cũng có những vết thương của nó. Tuy nhiên, nói cho cùng, tất cả đều bắt nguồn từ một điều xấu như nhau, đó là không có chân lý nào bất biến để hướng dẫn cuộc đời của chúng ta, vì thế tự do không biết chi đến giới hạn. Người ta quên rằng “con người không chỉ có cái tự do mà mình đã tạo ra. Con người không tự tạo dựng ra mình. Con người là tinh thần và ý chí, nhưng cũng là thiên nhiên nữa” (LS 6). Với niềm xác tin như vậy, Đức thánh cha Phanxicô đã cảnh báo những hiện tượng sau đây:

a) Chủ nghĩa tương đối


Văn hóa của chủ nghĩa tương đối là chứng bệnh một người lạm dụng người khác, đối xử họ như một đồ vật, bắt buộc họ phải làm việc nặng nhọc, hoặc biến họ thành nô lệ để thanh toán nợ nần. Đó là lý luận đưa đến việc khai thác tính dục các trẻ em, hoặc bỏ rơi người già lão vì không còn ích lợi cho mình. Đó cũng là lý luận của những người nói rằng “ta hãy để cho những lực lượng vô hình của thị trường điều hành kinh tế, bởi vì những hệ quả đối với xã hội và đối với thiên nhiên là những thiệt hại không thể nào tránh được”. Nếu không có những chân lý tuyệt đối hoặc những nguyên tắc vững chắc, thì ngoài sự thoả mãn các kế hoạch riêng tư và những nhu cầu trực tiếp, đâu còn giới hạn nào cho việc đối xử con người như nô lệ, băng đảng phạm pháp, buôn bán ma tuý, kim cương hoặc da của những loài thú vật đang bị tận diệt? Chẳng phải luận lý tương đối đã biện minh việc mua bán cơ thể của những người nghèo để bán hoặc dùng vào việc thí nghiệm, loại bỏ các trẻ thơ vì chúng không đáp ứng mong muốn của cha mẹ đó sao? Cũng chính luận lý của việc “xài và vứt” đã phát sinh bao nhiêu rác rưởi chỉ do lòng ham mê tiêu thụ quá mức cần thiết thực sự. Vì vậy chúng ta không thể nghĩ rằng các dự án chính trị hoặc sức mạnh của luật pháp sẽ đủ để tránh những phong cách làm hại môi trường, bởi vì một khi văn hoá đã suy đồi và người ta không còn chấp nhận một chân lý khách quan hoặc một nguyên lý có giá trị phổ quát, thì các luật lệ chỉ được nhìn như là những sự áp đặt độc đoán và những trở ngại cần phải tránh (LS 123).

b) Nhân danh sức khỏe sinh sản hoặc chấm dứt nghèo đói bằng cách loại trừ người nghèo: ngừa thai, triệt sản và phá thai


Thay vì giải quyết những vấn đề của người nghèo và tư duy một cách khác, thì một số người chỉ nghĩ đến việc hạn chế sinh sản. Không thiếu những áp lực quốc tế trên những nước đang phát triển, bằng cách đặt điều kiện cho việc viện trợ kinh tế tuỳ thuộc chính sách “sức khỏe sinh sản” (reproductive health). Tuy nhiên, mặc dù rõ ràng là sự phân phối dân số không đồng đều và những tài nguyên ít ỏi tạo thành những ngăn trở cho sự phát triển và việc sử dụng môi trường có thể chống đỡ được, nhưng cần nhìn nhận rằng sự tăng trưởng dân số có thể dung hợp được với sự phát triển toàn diện và liên đới”. Trút lỗi cho sự gia tăng dân số thay vì cho sự tiêu thụ bừa bãi của một vài người là một cách tránh né các vấn đề (LS 50).

c) Về sự phá thai và huỷ bỏ phôi


Xét vì các vấn đề liên quan với nhau, việc bảo vệ thiên nhiên không thể đi đôi với việc biện minh cho sự phá thai. Xem ra không ăn thua một đường lối giáo dục để đón nhận những sinh vật yếu đuối vây quanh ta và đôi khi quấy rầy ta hoặc vô dụng, đang khi lại không chịu bảo vệ các phôi nhi, cho dù việc chúng ra đời sẽ sinh ra những phiền toái và khó khăn: “Nếu mất đi sự nhạy cảm cá nhân và xã hội để đón tiếp một sự sống mới, thì những hình thức đón tiếp khác cũng sẽ úa tàn (LS 120).

Khi người ta không nhìn nhận giá trị của một người nghèo, một phôi nhi, một người tàn tật, (đó là vài thí dụ), thì người ta khó lòng nghe tiếng kêu than của thiên nhiên. Những chuyện ấy có liên hệ với nhau. Nếu con người tự tôn mình làm chủ của thực tại và tự đặt mình làm chủ tế tuyệt đối, thì chính nền tảng cuộc đời của họ sụp đổ, bởi vì thay vì giữ vai trò cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng, thì con người thay thế Thiên Chúa, và như vậy gây ra sự nổi loạn của thiên nhiên (LS 117).

Thật đáng lo ngại khi vài phong trào môi sinh bênh vực sự toàn vẹn sinh thái, và đòi đặt giới hạn cho việc nghiên cứu khoa học, thì đôi khi họ lại không áp dụng những nguyên tắc ấy cho đời sống con người. Người ta biện minh rằng chỉ vượt qua giới hạn khi nào thí nghiệm trên các phôi sống. Người ta quên rằng giá trị của một con người không tuỳ thuộc vào tình trạng phát triển của nó. Như thế, khi kỹ thuật không đếm xỉa đến những nguyên tắc luân lý, thì sẽ đến chỗ coi bất cứ thực hành nào cũng đều là hợp pháp. Như đã thấy, khi kỹ thuật tách rời khỏi luân lý thì sẽ khó tự đặt giới hạn cho mình (LS 136).

d) Huỷ bỏ sự khác biệt phái tính


Môi trường nhân bản còn bao hàm điều gì sâu xa hơn: mối liên hệ tất yếu của sự sống con người với luật luân lý ghi khắc trong bản tính của nó, cần thiết để tạo ra một môi trường xứng đáng hơn. Đức Bênêđictô XVI nói rằng có một “môi sinh nhân bản” bởi vì con người có một bản tính mà mình phải tôn trọng chứ không thể lèo lái tuỳ thích. Theo hướng ấy, cần nhìn nhận rằng thân thể của chúng ta đặt chúng ta trong mối tương quan trực tiếp với môi trường và các sinh vật khác. Việc chấp nhận thân thể như là một hồng ân Thiên Chúa là điều cần thiết để đón nhận toàn thể thế giới như là món quà của Cha và như là nhà chung của chúng ta, đang khi nghĩ rằng chúng ta có toàn quyền trên thân thể đôi khi dẫn đến một cách tinh vi rằng chúng ta có toàn quyền trên tạo dựng. Học cách đón nhận thân thể của mình, chăm sóc và tôn trọng những ý nghĩa của nó là điều thiết yếu đối với môi sinh nhân bản. Sự đánh giá thân thể với nam tính hoặc nữ tính cũng cần thiết để nhìn nhận mình trong khi gặp gỡ người khác. Nhờ vậy ta có thể vui vẻ người khác giới, hoặc nam hoặc nữ, như là tác phẩm của Đấng Tạo hoá, và làm phong phú cho nhau. Vì thế, không phải là lành mạnh một thái độ chủ trương xóa bỏ sự khác biệt giới tính bởi vì nó không còn biết đối chiếu với chính mình nữa. (LS 155).

Nếu con người không tái khám phá chỗ đứng của mình thì sẽ hiểu sai về chính mình và rồi sẽ tự mâu thuẫn: “Không những trái đất được Thiên Chúa tặng cho con người, và con người cần sử dụng chúng bằng cách tôn trọng ý định nguyên thuỷ là một điều tốt được trao tặng; mà ngay cả con người cũng là một quà tặng của Thiên Chúa cho mình, vì thế cần phải tôn trọng cơ cấu tự nhiên và luân lý đã được gán vào đó (LS 115).

5. Vài xác minh


a) Hiến chương trái đất


Ở số 207, đức Phanxicô trích dẫn vài hàng của đoạn chót văn kiện mang tên là “Hiến chương trái đất” (Earth Charter). Bản văn chứa đựng nhiều yếu tố mà một người công giáo có thể chấp nhận, chẳng hạn như “hành động cách điều độ và hữu hiệu khi sử dụng năng lượng (số 7-b), hoặc đoạn văn được thông điệp trích dẫn. Tuy nhiên, việc Đức thánh cha trích dẫn một vài câu để bày tỏ ý muốn đối thoại, không có nghĩa là ngài hoàn toàn phê chuẩn văn kiện.

Dự án Hiến chương trái đất bắt đầu bởi một sáng kiến của Liên Hợp quốc, nhưng được khai triển và kết thúc như một sáng kiến “tư” được sự ủng hộ của chính quyền. Sau một giai đoạn tham khảo, các kiến nghị và bình luận được gửi về cho một tiểu ban được thành lập vào tháng 12 năm 1996 bởi Uỷ ban soạn thảo hiến chương trái đất. Giáo sư Steven C. Rockefeller được uỷ ban đặt làm chủ tịch tiểu ban. Tiểu ban soạn thảo đã họp ba lần để duyệt các bình luận, và đã soạn ra một loạt kiến nghị để phác hoạ một dự thảo. Ba buổi họp đã diễn ra tại Trung tâm Rockefeller Brothers Fund ở ngoại ô thành phố New York vào những năm 1997, 1999 và tháng giêng năm 2000. Vào năm 2000, văn kiện hoàn tất và Uỷ ban soạn thảo hiến chương trái đất đã công bố như là một hiến chương cho hết các dân tộc trong một lễ nghi diễn ra ngày 29 tháng 6 tại Dinh Hòa bình ở La Haye (Hà lan). Một bản của Hiến chương trái đất được viết tay bằng giấy cói (papyrus) và được lưu trữ tại “Chiếc tàu hy vọng”, và các ngân phiếu tài trợ cho Hiến chương được gửi về “Rockefeller Philanthropy Advisors ATTN The Earth Charter Fund.”[7]

Khi đã nắm được các dữ kiện này, thì cần phải nói rằng, đừng kể chủ ý của nó, Hiến chương có những điểm không tương hợp với đức tin công giáo, chẳng hạn khi định nghĩa hoà bình theo chiều hướng phiếm thần (hoà bình là sự toàn vẹn được dựng nên do những tương quan đúng đắn với bản thân, với các người khác, các văn hóa khác, các hình thái sự sống khác, với trái đất và với tổng thể mà chúng ta là thành phần (số 16-f). Ngoài ra hiến chương trái đất còn cổ võ ý thức gender (số 11-12), sức khoẻ sinh sản (số 7c), một mỹ-từ để che đậy sự ngừa thai, triệt sản, phá thai.

b) Khái niệm “phát triển có thể chống đỡ được”(sustainable development)


Khái niệm “sự phát triển có thể chống đỡ được” được chính thức đưa ra trong một văn kiện hồi thập niên 80 của thế kỷ XX, tại Uỷ ban thế giới về Môi trường và Phát triển, và được định nghĩa như là “sự tăng trưởng kinh tế làm thỏa mãn những nhu cầu hiện tại mà không vi phạm những khả thể của các thế hệ tương lai để thoả mãn các nhu cầu của họ”. Đó là lý do mà thông điệp Laudato si đã chấp nhận, cũng như Huấn quyền vốn đã sử dụng. Xét theo nghĩa đen, bản văn không có vấn đề gì. Tuy nhiên, người ta sớm nhận ra rằng nhiều cơ quan đã dùng chiêu bài “phát triển có thể chống đỡ” để bênh vực những chính sách trái ngược luân lý, như là ngừa thai, triệt sản, phá thai. Nên biết điều ấy, bởi vì ngày nay nhiều cơ quan quốc tế, chính phủ, ONG đã gán cho thuật ngữ “phát triển có thể chống đỡ” một nội dung không phù hợp với Giáo hội Công giáo. Đó là lý do mà Đại diện Tòa thánh tại Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển tại Cairo đã lên tiếng khi bàn về “sự phát triển có thể chống đỡ” như sau:

Không có điều nào mà Toà thánh đã làm để đạt được sự thoả thuận này có thể được hiểu hoặc giải thích như là phê chuẩn những khái niệm không thể nào chấp nhận được dưới khía cạnh luân lý. Đặc biệt, không thể hiểu rằng Toà thánh chấp nhận phá thai, hoặc đã thay đổi lập trường luân lý cách nào đó về phá thai, ngừa thai, triệt sản, hoặc việc dùng phương thế ngừa thai trong những chương trình phòng ngừa HIV và SIDA.

Gần đây, Tòa thánh, tại các cơ quan quốc tế, đã muốn dùng thuật ngữ “phát triển nhân bản có thể chống đỡ được”, để nêu bật rõ ràng hơn vấn đề (x. Trưởng Phái đoàn Toà thánh tại khóa 39 của FAO, Rôma 10 tháng 6 năm 2015). Trong thông điệp Laudato si, đức Phanxicô chọn một thuật ngữ khác, tinh tế hơn, “phát triển nhân bản, có thể chống đỡ và toàn vẹn” (integral and sustainable human development: LS 18).

6. Kết luận


Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa Tam Vị vì hồng ân vũ trụ và trái đất của chúng ta, cách riêng vì sự tạo dựng mỗi người nam nữ trong sự khác biệt của giới tính và trong sự hợp nhất của thân thể và tinh thần, như là hình ảnh và giống như Thiên Chúa (x. St 1,26). Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì đức thánh cha Phanxicô, người tìm cách dẫn đưa chúng ta đến cùng Đức Kitô là Đấng vừa là Người Samari nhân hậu vừa là Thầy dạy. Tôi mời gọi anh em hãy đọc thông điệp cách kỹ lưỡng, và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và cho những ý nguyện của Người. Ơn cứu độ của chúng ta ở nơi sự vâng phục Đức Kitô, mà Đức Thánh Cha là đại diện dưới đất.

Nguyện xin Đức Maria – là Mẹ và Nữ vương các loài thụ tạo, thánh Giuse – người công chính, lao động, mạnh mẽ và hiền từ, và thánh Phanxicô Átxidi, bổn mạng những người bảo vệ môi sinh, chuyển cầu cho tất cả chúng ta, ngõ hầu mai ngày chúng ta có thể chia sẻ trước mặt Chúa “một trời mới đất mới, nơi mà công lý ngự trị” (2 Pr 3,13).
___
[1] Giám mục Alcala Henares (Tây Ban Nha). Nguồn: "No hay ecología sin una adecuada antropología" Carta Pastoral 26-6-2015.
[2] Sơ lược bố cục của thông điệp. Sau nhập đề cho thấy “cái nhìn tổng quát”, bản văn được chia làm 6 chương. Chương Một phân tích những dữ kiện khoa học về tình trạng hiện nay: thay đổi khí hậu; nước uống; đa dạng sinh vật; tình hình hiện nay với vấn đề. Chương Hai nhìn lại các dữ kiện Kinh Thánh nói về sự chăm sóc tạo dựng và trách nhiệm chung. Chương Ba tìm hiểu những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng môi sinh, để rồi đưa ra một chủ trương ở Chương Bốn, về một “môi sinh toàn diện và nhân bản”. Chương Năm trả lời câu hỏi: chúng ta có thể làm gì?, nhắm đến các chính sách quốc gia và quốc tế. Chương Sáu, với tựa đề “Giáo dục và linh đạo môi sinh”, kêu gọi sự hoán cải trong lối sống của mỗi người. Nói chung, ta có thể thấy một tiến trình ba chặng: Xem (ch. 1) – Xét (ch. 2 và 3) – Làm (ch. 6 và 7) [ND].
[3] Trong 172 chú dẫn, nhiều nhất là đức Gioan Phaolô II (37 lần, trong đó thông điệp Centesimus annus 9 lần), rồi đến Đức Bênêđictô XVI (28 lần, trong đó thông điệp Caritas in veritate 15 lần). Hiến chế Gaudium et spes được trích 4 lần, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo 10 lần, Sách Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội 6 lần. Thông điệp cũng trích dẫn các Hội đồng giám mục: Nam Phi, Philippin, Bolivia, Đức, Patagonia-Comahue (Argentina), Hoa kỳ, Canada, Nhật, Brasile, Dominicana, Paraguay, New Zealand, Bồ đào nha, Mekhico, Australia, Argentina. Trong các giáo phụ và tiến sĩ, thánh Tôma Aquinô được trích dẫn nhiều nhất (6 lần). Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chương Một khá dài (từ số 20 đến 61), không trích dẫn tài liệu khoa học nào khi liệt kê các đe doạ môi sinh, mà chỉ nhắc qua vài văn kiện mục vụ [ND].
[4] Về những văn kiện Giáo hội về việc bảo vệ môi trường, xin xem bài kế tiếp [ND].
[5] x. Thông điệp Sollicitudo rei socialis của đức Gioan Phaolô II, 36-37.
[6] Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus, số 39.
[7] Những thông tin này được cung cấp tại: www.earthcharterinaction.org [ND].