Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

ƯỚC MONG MỘT THẾ GIỚI TỐT ĐẸP HƠN

Thời sự Thần học - Số 46, Tháng 12 Năm 2006, tr. 107-137. 

LTS: Tưởng nhớ người anh em Đa Minh (RIP 2/6/2014).
 
 

Giacôbê Vũ Thế Hanh, O.P_ 

I. Cuộc khủng hoảng mang tính nhân loại
  1. Thế giới này ra như đang tan rã
    a. Nghèo đói
    b. Bạo lực
    c. Sinh thái
  2. Toàn cầu hoá và những thành quả của toàn cầu hoá trên thế giới
  3. Dung mạo con người hôm nay
  4. Tiếng nói nhân danh các nạn nhân
  5. Tóm kết
II. Một nền thần học mới kiếm tìm nhân loại
  1. Nguyên lý nhân loại học của thần học
  2. Chú tâm đến những vấn nạn của thế giới
    a. Nhân  loại mới đang lâm nguy : Thần học nhân loại của E. Schillebeeckx
    b. Trong ký ức của những người đau khổ : học thuyết chính trị của J.B. Metz
    c. Nói cũng bằng thừa : Thần học giải phóng Châu Mỹ Latinh
    d. Những tôn giáo và sự đói nghèo : Kitô học giải phóng Á Châu của A. Pieris
    e. Nữ giới cảm nhận sự đau khổ và Đức Giêsu : Kitô học nữ giới
  3. Tóm kết
Kết luận

Wislawa Szymborska, nữ thi sĩ Ba Lan, người đoạt giải Nôbel văn chương năm 1996, đã sáng tác tập thơ khá nổi tiếng mang tựa đề Obmyslam swiat, (“nghĩ về thế giới này”). Thế giới bà vẽ ra không có khổ đau, toàn người trẻ đẹp, chết không đau đớn và mối giao hảo giữa con người và thọ tạo trong sự hoà điệu tuyệt vời.[1] Bằng một cách thức rất huyền ảo, nữ thi sĩ bày tỏ sự tỉnh ngộ của mình với thực tại của cuộc sống. Thế giới thực chúng ta đang sống không đồng nhất với thế giới nữ thi sĩ Wislawa Szymborska đã mường tượng trong tập thơ.

Edward Schillebeeckx chia sẻ kinh nghiệm về sự tương phản căn cốt trong lịch sử nhân loại của chúng ta.[2] Nơi thế giới ta đang sống có quá nhiều khổ lụy và đớn đau : chiến tranh, khủng bố, bệnh tật, đói nghèo và bạo lực… Chúng ta tự hỏi : “Tại sao lại như thế ?”. Nhưng chúng ta không thể trả lời rốt ráo câu hỏi này. Đây là nguyên nhân gây giận dữ và căm phẫn trong trái tim con người. Nhiều người trong chúng ta linh cảm rằng thế giới này không thể tiếp tục như thế nữa. Có một điều gì đó bất ổn trong thực tại chúng ta đang sống. Những giải pháp chính trị dường như không hiến tặng nhiều niềm hy vọng hầu thay đổi thế giới này tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn. Những ứng dụng khoa học, kinh tế cũng không thể lý giải được thực tại những vấn nạn của chúng ta đang gặp phải. Vấn nạn thế giới của chúng ta ở mức độ trầm trọng sâu hơn, khủng khiếp hơn là những gì ta có thể hình dung. Đó là vấn nạn nhân loại. Không chỉ là một điều bất ổn nơi thực tại ở giữa chúng ta, nhưng có một thứ sai trái ở trong hữu thể nhân loại chúng ta. Chẳng ai có thể lý giải làm sao con người có thể tạo nên Holocaust (nạn tàn sát người Dothái), Gulags, Cultural Revolution (cuộc Cách Mạng Văn Hoá), hoặc ứng dụng bất kỳ một ứng dụng kỹ thuật nào khác để tàn sát ngàn ngàn vạn vạn con người.

Thật vậy, nhân loại không thể ngồi bó gối chấp nhận khổ lụy và tội ác. Khổ lụy và tội ác sẽ bị đánh bại phải là tiếng nói tối hậu. Dẫu rằng con người đang bất lực trước khổ đau và tội ác, nhưng vẫn có niềm khát khao mãnh liệt trong trái tim của mỗi con người, một khát khao không dễ bày tỏ : ước mong một điều gì khác, một điều mới mẻ và tốt đẹp hơn. Hơn nữa, những cảm nghiệm có ý nghĩa và thiết thực, những cảm nghiệm vượt qua đau khổ và tội ác đang xảy ra mỗi khoảnh khắc hiện tại và tương lai vẫn giữ nhân loại hy vọng rằng thực tế có thể thay đổi, có thể sẽ khác.

Truyền thống Kinh Thánh luôn luôn giữ vững niềm hy vọng sống động như thế. Câu chuyện Xuất Hành, sứ điệp của các Ngôn sứ và biến cố Đức Giêsu Kitô đã diễn tả rõ mồn một rằng Thiên Chúa không bao giờ thất bại trước khổ đau và tội ác. Truyền thống Kinh Thánh nói về một Thiên Chúa luôn mủi lòng sâu xa trước những điều bất chính đè nặng trên dân Người và Người sẽ ra tay giải phóng họ. Trung tâm truyền thống này là biểu tượng vương quốc Thiên Chúa, thực tại huyền nhiệm về một điều gì đó luôn mới mẻ và tốt đẹp hơn, nơi Thiên Chúa hướng dẫn dân Người bằng tình thương yêu, lòng trắc ẩn và sự công chính.

I. Cuộc khủng hoảng mang tính nhân loại


“Đây không phải là thời điểm ngăn chặn sự tiến triển của khoa học xã hội. Những thành phố của chúng ta vỡ vụn, những tiến bộ chính trị bị cọ sờn và vỡ nát, cảm thức trọng trách mang tính lịch sử của chúng ta hầu như đã biến mất, và trầm trọng hơn tất cả, sự kiên định mang tính nhân loại và xã hội của chúng ta lúc này dường như đang đứng ở bên bờ vực thẳm”.[3]

1. Thế giới này ra như đang tan rã


Một câu chuyện nhà phật miền Java Indonesia kể về một loài chim có hai đầu. Một đầu luôn ngẩng cao và ăn của ngon vật lạ, còn đầu kia luôn rũ xuống và ăn những thức ăn thừa. Một hôm, đầu ủ rũ nói với đầu ngẩng cao : “Tại sao mày luôn được ăn những thức ăn ngon nhất còn tao lại luôn phải ăn thứ cơm thừa canh cặn ?”. Chiếc đầu phía trên trả lời : “Tao không thấy có vấn đề gì cả. Mày không rõ mọi thức ăn dẫu dở hay ngon đều đi vào cùng một bao tử hay sao ?”. Thế rồi vào ngày nọ, chiếc đầu phía dưới ăn thức ăn tẩm độc và con chim chết. Khía cạnh luân lý của câu chuyện là thế này : Nếu bạn khinh khi người nghèo trong xã hội, toàn xã hội sẽ đi đến chỗ diệt vong.

a. Nghèo đói

Trong thế giới chúng ta, khuôn mặt đói nghèo khoác muôn hình muôn vẻ. Đó là khuôn mặt của một trẻ thơ đói lả và một gia đình không chốn nương thân. Đó là khuôn mặt của một con bệnh nằm co quắp không có bác sĩ ngó ngàng và không một liều thuốc hạ cơn đau. Đó là khuôn mặt của trẻ thơ không được đến trường và ngàn vạn người không biết đọc biết viết. Đó là khuôn mặt ngơ ngác của những người trẻ không tìm đâu được việc làm. Đó là những khuôn mặt khiếp hãi trước một tương lai đang đến, đang kéo lê phận người sống qua ngày đoạn tháng. Đó là khuôn mặt vô hồn của cha mẹ đang đánh mất con mình trước căn bệnh không mấy hiểm nghèo nếu được chữa trị. Họ, những con người sống trong đói nghèo cảm thấy bất lực, bị xúc phạm, bệnh tật tấn công, bị lạm dụng và không được lắng nghe.

Thực tế đói nghèo đang gây căm phẫn. Bất chấp mọi nỗ lực đã được thực hiện để khử trừ nghèo khổ, bất chấp sự tuyên bố vào năm 2000 do 189 thành viên những tổ chức Liên Hiệp Các Quốc Gia sẽ khử trừ nghèo khổ tận gốc rễ vào năm 2015, những thống kê đó đang gây hoang mang. Thực tế cho thấy rằng trong thập niên cuối cùng này điều kiện sống của vô vàn vô số người trong những đất nước khác nhau đã trở nên tồi tệ hơn. Thực tế cũng chỉ ra rằng trong những đất nước đó, những đất nước đang tiến triển, những người nghèo khổ và nhữgn nhóm thiểu số đang bị đẩy ra bên lề và có thể đứng ở bến bờ diệt vong. Và rồi nghèo khổ vẫn hoạt động mãnh liệt ở giữa những người nữ, những nhóm tộc người thiểu số và những người định cư ở nông thôn.[4]

Hệ quả nghèo khổ không chỉ là đói và những điều kiện cực kỳ khó khăn của cuộc sống, nhưng còn là thất học, bất bình đẳng chủng loại, thất nghiệp, triển vọng đời sống thấp, con bệnh bị bỏ rơi không được chữa trị trong khả năng có thể, chết chóc vì bị bỏ rơi. Đói khổ đã lao thẳng vào nhiều quốc gia, biến những quốc gia đó hoàn toàn phụ thuộc vào lòng thương xót của người giàu. Không ai đáng sống trong nghèo khổ, tuy thế mà nghìn nghìn tỉ tỉ nhân loại, nghèo khổ đang thống trị trên cuộc sống của họ và dường như chẳng có cách nào bứng gốc được nó ra khỏi đời sống của họ.[5]

b. Bạo lực

Thế kỷ hai mươi vẫn luôn được gợi nhớ là thế kỷ của chiến tranh và xung đột. Thế kỷ của Holocaust, Gulags và bom nguyên tử. Thế kỷ của những cuộc nội chiến mà giá phải trả là mạng sống của vạn vạn người dân vô tội. Những hoàn cảnh như thế đã góp phần làm cho việc vi phạm nhân quyền, tội diệt chủng tộc và sự nghèo đói của nhân loại tiêm nhiễm vào trong sự xác tín giữa những phe đối lập. Dẫu có những dấu chỉ niềm hy vọng khi những cuộc xung đột và nội chiến đang tới hồi kết thúc, nhân loại vẫn đang rời xa khỏi việc đạt đến một thế giới hoà bình. [6]

Bạo lực không chỉ bị giới hạn với chiến tranh và những xung đột chính trị. Còn có một biểu hiện khác của bạo lực mà khó có thể nhận ra. Nó là một thứ bạo động đang nhan nhản ngay trên đường phố, trong gia đình : khủng bố, bọn găng tơ, ẩu đả nơi đường phố và bạo lực gia đình. Bạo động có một thành tố hủy diệt, tàn phá đời sống của con người. Nó phá hủy họ bằng cách làm cho họ liên luỵ và gây thương tổn những nạn nhân. Nó bào mòn niềm tin vào người khác, nó đẩy người ta chui vào trong “vỏ bao bọc” và nó tạo nên nền tảng của khiếp hãi. [7]

c. Sinh thái

Đói khổ vào bạo lực cũng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nhân loại đang phải đối diện với khủng hoảng môi sinh. Những nguồn mạch thiên nhiên như đất, nước, rừng đang bị tàn phá với tỷ lệ gây hoang mang trong nhiều quốc gia, góp phần tạo nên những điều kiện khó khăn cho cuộc sống. Ô nhiễm không khí, bệnh tật nảy sinh từ nguồn nước ô nhiễm và loại văn hoá xấu tràn ngập trên phương tiện quảng cáo thông tin đến những chất hoá học độc hại đang huỷ diệt và đe doạ vong mạng của hàng tỉ người.[8] Những thành tố công nghiệp và những tổ chức phát triển kinh tế chính là căn nguyên làm thoái hoá môi sinh. Những thành tựu tư tưởng hệ, văn hoá và xã hội, thậm chí cả suy tư thần học đang duy trì nó. Cũng vì giả thiết lấy loài người làm trung tâm đã cho phép con người tàn phá thiên nhiên ngay từ trong ý hướng. Khủng hoảng môi sinh gây tác hại cho sự sống cũng như là nghèo đói và bạo lực. Ô nhiễm môi sinh cũng là nhân tố làm tăng thêm thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và bão tố làm thay đổi khí hậu thời tiết. Ô nhiễm môi sinh bắt con người phải từ bỏ những vùng đất chai cằn khô cứng xác xơ và khăn gói quả mướp kéo đến những vùng ngoại ô. Ô nhiễm môi sinh cũng gây tác động tiêu cực trên những miền hoang dã và những hệ sinh thái.[9]

Tình trạng như thế tự phơi bày ra một vấn nạn. Chúng ta biết rõ mồn một rằng một xã hội đặt nền trên một nền móng bất công và bạo lực không thể tồn tại mãi. Chúng ta cũng ý thức rằng một xã hội mà sử dụng những nguồn mạch thiên nhiên vô trách nhiệm sẽ tiến đến bờ vực thất bại. Thế nhưng những bất công, bạo động và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cách tắc trách đó phát sinh từ đâu ? Nhiều người đổ lỗi cho toàn cầu hoá. Chính vì thế hãy cố gắng phân tích căn nguyên chính yếu này trong tất cả những vấn nạn của chúng ta.

2. Toàn cầu hoá và những thành quả của toàn cầu hoá trên thế giới


Toàn cầu hoá là một quá trình rắc rối hỗn độn và không thể đảo ngược đang diễn ra trong thế giới chúng ta. Những thay đổi đến chóng mặt trên lãnh vực phát triển kỹ thuật đang diễn ra một cách sờ sờ trước mắt chúng ta cũng tạo ra những hệ quả về mặt luân lý và xã hội. Kỹ thuật vi tính, kỹ nghệ sinh học, công nghệ gien ảnh hưởng đến đời sống chính trị và xã hội của từng cá nhân và từng quốc gia. Kinh tế siêu thị tự do, tiền điện tử và những tổ chức thương mại quốc tế đang được quảng bá mọi nơi và đang hoạt động trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tuy nhiên, những thành tựu toàn cầu hoá đó cũng dẫn đến việc đồng hoá con người và văn hoá và mang đến những sự bất bình đẳng khủng khiếp vào thế giới chúng ta.[10]

Căn nguyên của một quá trình như thế được kết nối với sự thống trị Phương Tây. Nói chung, Phương Tây là trung tâm, nơi những ý thức hệ và những giá trị phát triển dẫn đến tình trạng hiện thời của chủ nghĩa tư bản, đã chiếm chỗ. Những tập đoàn siêu quốc gia, với những trung tâm của họ nằm ở Phương Tây, đứng hàng đầu của toàn cầu hoá. Họ chính là những “nhà truyền giáo” của thứ văn hoá mới mẻ đó, nơi mà mọi thứ trở thành hàng hoá mua bán đổi trao, nơi sản sinh ra giá cả thay chỗ cho sự đoàn kết và ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Cố gắng để làm tăng lên những lợi ích, những tập đoàn khổng lồ đó dùng sức ép chính phủ tạo nên một bầu không khí làm tiến triển và bành trướng khả năng thương mại. [11]

Toàn cầu hoá có tác động mãnh liệt lên sự sống của thế giới. Toàn cầu hoá thăng tiến nhân quyền, đẩy mạnh sự tự do cá nhân và nền dân chủ. Nó cũng gòp nhiều thành tố giúp cho cuộc sống tốt hơn. Nhưng cũng cùng lúc, do toàn cầu hoá chỉ chú trọng đến kinh tế và thị trường toàn cầu nên nó lại gây nên sự bất công nhiều hơn cho thế giới. Toàn cầu hoá là nhân tố thúc đẩy hiện thực hoá những tiềm lực rộng lớn hầu thay đổi đời sống nhân loại, nhưng trên thực tế cho đến lúc này, chỉ một nhóm thiểu số hưởng nếm được hoa trái nó mang lại. Ở đây lộ ra điểm yếu nhược trọng yếu của toàn cầu hoá : tiềm lực của nó không được hiện thực. Nó tập trung một cách chi li tỷ mỉ về phương diện kinh tế và lợi nhuận trên sự tiêu hao của con người và thiên nhiên. Toàn cầu hoá “thân thiện với tiền” chứ không phải kết thân ái với con người và thiên nhiên.[12]

Thật vậy, toàn cầu hoá là nhân tố chính chịu trách nhiệm cho những vấn nạn của tất cả chúng ta, có những tác nhân đang ẩn đằng sau nhân tố toàn cầu hoá chưa được nói đến. Thế thì tại sao chúng ta, những người luôn ước mong một thế giới tốt đẹp hơn lại kiến tạo ra một xã hội không thể chịu đựng được như thế ? Bản mặt của cá thể con người đang chi phối trong xã hội chúng ta hôm nay thế nào vậy?

3. Dung mạo con người hôm nay


Hôm nay, dung mạo phổ biến của con người là người cố kiếm cho được nhu cầu thoả mãn vật chất, người đang liên tục kiếm tìm một cơ hội hầu thay đổi cuộc sống đói nghèo. Đó chính là một con người nông cạn, hời hợt, dễ thay đổi những lời hứa, lời cam kết của họ và họ không bận tâm đến thẩm quyền luân lý. Tất cả sự tự do và công nghệ nâng đỡ thị trường kinh tế hiện tại đang là những thế lực mạnh mẽ trong xã hội chúng ta. Lý trí đóng vai trò chủ đạo và tôn giáo thì bị loại bỏ vào sự riêng tư. Tính cá nhân, tính cạnh tranh, sự hám danh lợi và chủ nghĩa khoái lạc là những “nhân đức” chìa khoá trong thế giới của chúng ta. Những thái độ này tạo nên một “xã hội ích kỷ” nơi người giàu và người nghèo sống trong những thế giới khác biệt và không có nhiều điểm chung.[13]

Nhưng cũng cùng thời điểm đó, người ta cũng có thể nhận thấy rằng không phải mọi người đều ủng hộ thứ chân dung một con người điển hình như thế. Có nhiều người thiện chí, được đánh động bởi những tương quan nhân loại hay bởi cảm thức tội lỗi tôn giáo, họ đang nỗ lực mang những giá trị đoàn kết, công chính và lòng trắc ẩn ướp vào thế giới. Họ nhận thấy sự hiện diện của sự bất chính, bất công bằng và sự ích kỷ đang lèo lái thế giới chúng ta vào hố thất vọng. Họ nỗ lực làm một cái gì khác cho những mảnh đời đói nghèo và những người bị loại ra bên lề xã hội. Thật vậy, dẫu có những nỗ lực như thế, chúng ta vẫn thất bại trong việc kiến tạo một thế giới tốt hơn và chúng ta tự hỏi tại sao lại như vậy. Đến lúc này, chúng ta, những người sống trong thời hiện đại, chúng ta biết rằng những nỗ lực của những bậc thầy thời đại của sự hoài nghi – Marx, Freud, Darwin, Nietzsche- để giải phóng con người khỏi sự dị đoan tôn giáo và tạo nên một dung mạo con người mới, đã đẩy chúng ta vào tình trạng hỗn loạn. Marx đã bị hạ bệ, Freud chẳng bao lâu không còn được tôn vinh là một nhà khoa học, Học thuyết Darwin bị chất đống bởi những vấn nạn của học thuyết và những học thuyết của nó đang trong thời kỳ bị cân nhắc lại, và Nietzche vô dụng trong việc tạo nên một điều gì đó mang tính xây dựng.[14] Những bậc thầy này và những môn đệ của họ không xây lên thực tế và đã dừng lại ở đây, dường như không hiến tặng bất kỳ viễn tưởng dựng xây nào cho thế giới. Sau tất cả những học thuyết của họ và những thí nghiệm xã hội được nâng đỡ để tạo nên một điều gì đó tốt hơn cho con người, thế giới của chúng ta bị tràn lan bởi thuyết tương đối, thuyết hư vô và thuyết phi đạo đức. Những quốc gia, những thành phố, những người láng giềng, những gia đình đang trong cơn khủng hoảng. Gil Bailie viết rằng : “Khi những hình thức hiệp thông, thân thiết và sự tận tâm mất đi, những sức mạnh gắn kết giữa người với người không còn, những xã hội và toàn thể thế giới đang tiến triển sự bất ổn mang tính xã hội và như vậy, tính kiên định thuộc tâm lý của những người sống trong đó cũng tàn lụi tan rã”.[15] Chúng ta đang ở trong cơn khủng hoảng toàn cầu hoá, cuộc khủng hoảng âm ỉ sâu xa hơn bội phần những gì chúng ta có thể mường tượng.

4. Tiếng nói nhân danh các nạn nhân


Một câu chuyện thần thoại Rôma thời danh kể rằng khi Romulus giết người em trai Remus thì chẳng có dẫu một lời chất vấn về hành động đó. Remus, nạn nhân bị giết, bất kính với các thần linh. Chàng thích đáng với số phận như thế. Nhưng câu chuyện trong sách Sáng Thế Cain và Abel thì khác. Khi Cain giết em trai Abel, có một tiếng nói chất vấn hành động của Cain. Abel là nạn nhân vô tội, và Thiên Chúa của Kinh Thánh không chấp nhận hành động Cain đã làm. [16] Khi một số đông nạn nhân vô tội không thể đếm được bị bắt bớ và giết chết trong lịch sự nhân loại, chẳng có ai chất vấn những hành vi bạo lực đó. Những hành động bạo lực đó vẫn được xem là chính trực dựa trên lập trường tôn giáo, văn hoá, kinh tế hoặc chính trị. Khi Saul đang lùng sục những người Kitô hữu để ném họ vào tù, cũng có một giọng nói: “Saul, Saul, sao người tìm bắt bớ ta ?” (Cv 9,4).

Nhãn giới Kinh Thánh này tràn đầy ý nghĩa, vì tiếng nói ấy đang nằm ở ngay trung tâm của cuộc khủng hoảng toàn cầu hoá mà hiện nay chúng ta đang cảm nghiệm. Kinh Thánh dạy chúng ta liên đới với các nạn nhân. Thiên Chúa của Kinh Thánh đang ở bên cạnh các nạn nhân của bạo lực. Chúng ta không thể bào chữa cho bất kỳ hành động bạo lực được thực hiện trong xã hội của chúng ta, dẫu người ta vẫn biện minh rằng người ta làm như thế vì sự tốt đẹp của quốc gia, vì ích lợi của thế giới này. Cơ chế thống trị bằng bạo lực vẫn nằm chình ình ở trung tâm văn hoá, nó giữ văn hoá trong trật tự, cơ chế đó đang suy yếu bởi truyền thống ngôn sứ của Kinh Thánh và đặc biệt bởi câu chuyện thương khó của Đức Giêsu.

5. Tóm kết


Con người thời đại này không có khả năng tác tạo một thế giới công bình chính trực. Xây dựng trên chủ nghĩa cá nhân, sự cạnh tranh, tham ăn mê uống và chủ nghĩa khoái lạc, người ta không có khả năng cảm thương những nạn nhân bị các cảnh sát, những chính phủ và vô vàn vô số những tập đoàn kinh tế trù dập mỗi ngày, hoặc bởi xu hướng toàn cầu hoá chèn ép. Và vào chính lúc này, nhờ ảnh hưởng của truyền thống Kinh Thánh, tiếng nói đại diện cho những những nạn nhân vẫn vang lên sáng rõ, mạnh mẽ mỗi ngày. Tiếng nói này mang nhận loại hôm nay đến crossroad như Gil Bailie đưa ra. Nền văn minh được dựng xây bởi bạo động (“lịch sử”) đang chiến thắng một nền văn minh bất bạo động (“sự khải huyền”).[17] Hoặc chúng ta sẽ hiểu cuộc khủng hoảng toàn cầu hoá của nền văn hoá chúng ta và bắt đầu điều gì mới mẻ, hoặc chúng ta sẽ lặp đi lặp lại kinh nghiệm của Holocaust, trại tị nạn và những cuộc thử nghiệm xã hội khác mà nó sát tế ngàn vạn nạn nhân vô tội và tiếp tục làm như thế. Câu chuyện con chim hai đầu là một lời nhắc nhở cho thế giới : bất kỳ xã hội nào sống trên sinh mạng của những nạn nhân vô tội, xã hội đó đang đi đến bờ vực diệt vong.

II. Một nền thần học mới kiếm tìm nhân loại


Người (Thiên Chúa) cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu : thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô (Ep 1,9-10).

Thực tại thế giới chúng ta đang sống đang cố tách mình ra khỏi dự định của Thiên Chúa, dự định kiếm tìm sự hiệp nhất nhân loại và thiết lập một trời mới đất mới, nơi mà Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài (1Cr 15,28). Ý định Thiên Chúa, luôn bị con người phá ngang, luôn luôn phải khởi đầu lại. Trong Đức Giêsu Kitô, ý định Thiên Chúa được tái tạo lại và thiết lập một giao ước kiên định và không bị phá vỡ giữa Thiên Chúa và nhân loại (Ep 2,14-16). Thiên Chúa muốn trao tặng một tương lai đầy tràn ý nghĩa cho mọi con người. Điều này thể hiện rõ nét trong toàn bộ sự kiện Đức Kitô.

1. Nguyên lý nhân loại học của thần học


Nguyên lý này đã định hình sắc nét trong thần học mới Kitô giáo, thần học hướng đến hạnh phúc nhân loại. Trong ánh sáng những nguồn mạch này, thần học suy tư sâu sắc về một nguyên lý lịch sử biết cho đi. Dựa vào chủ đề thần học là sứ điệp Kitô giáo, đặt trọng tâm vào Đức Giêsu Nazareth lịch sử, Đấng là Đức Kitô của Thiên Chúa, H. Kung đưa ra một tiêu chuẩn cho mọi người mọi thời và mọi Giáo Hội. Trải qua dòng lịch sử, nhiều cộng đoàn Giáo hội vẫn đón nhận và ngày nay vẫn còn vang vọng. Sứ điệp này mặc khải tương quan trọn vẹn giữa căn nguyên của Thiên Chúa và căn nguyên của nhân loại.[18]

Jose M. de Mesa và Lode L. Wostyn nói về hai cực của thần học. Cực thứ nhất là cảm nghiệm của con người. Cực thứ hai là truyền thống Do thái Kitô giáo. Cảm nghiệm của con người không đơn giản là nhận thức tức thời về thực tại. Cảm nhận đó phải được định hình qua sự tiêu hoá từ những nhận thức thực tại, qua cảm nghiệm, suy tư, giải thích và ngôn ngữ của con người. Mặt khác, Truyền Thống Do thái-Kitô giáo hoặc mặc khải không phải là một kiểu cấu trúc siêu việt bay bổng ở tít trời cao, nhưng là nơi mà con người có thể tìm thấy ý nghĩa hoặc câu trả lời cho những vấn nạn của họ. Mặc khải cũng được định vị bên trong cảm nghiệm trần thế của nhân loại. “Mặc khải là một hành động độ lượng tuyệt bậc của Thiên Chúa, một sự trao ban sự sống và tình yêu cách vô điều kiện như những người tin đã cảm nghiệm và những biểu hiện của sự cho đi trong một ngôn ngữ thuần tuý nhân nhân loại được giải thích một cách thận trọng”.[19] Vì thế, hai cực này tương quan mật thiết và hoà quyện vào nhau. Cảm nghiệm nhân loại được mặc khải khai sáng. Trong và qua những biểu hiện cho đi của nhân loại, Thiên Chúa mặc khải chính mình. Mặc khải đó được thể hiện trong những mảnh đời nhân loại trong Kinh Thánh. Mặc khải đó vẫn tiếp tục tiếp diễn tái diễn trong bối cảnh hôm nay. Thiên Chúa vẫn kết giao với những người Chúa chọn trong đời sống thường ngày của họ.

2. Chú tâm đến những vấn nạn của thế giới


Nhiều thần học gia trong những vùng đất khác nhau đang hết sức quan tâm đến bạo động, đàn áp, đói nghèo mà phần lớn nhân loại đang cảm nghiệm. Ngay lúc này, dẫu ngành kỹ thuật và khoa học tiến bộ vượt bậc, dẫu đời sống nhân loại được nâng cao, nhưng người ta vẫn cảm thấy đời sống sao thiếu ý nghĩa, thiếu niềm tin và thiếu niềm hy vọng đến thế. Những học thuyết chính trị và những hệ thống kinh tế không giúp người ta thay đổi cuộc sống nhưng lại góp phần tạo nên một cảm tưởng bất mãn và bất ổn, tạo nên một hố khoảng cách khủng khiếp giữa giàu và nghèo, và góp phần tạo thêm bạo lực. Chính vì thế, những thần học gia đã nỗ lực suy nghĩ lại sứ điệp Kitô giáo hầu có thể góp phần biến đổi xã hội và đời sống của nhân loại.[20]

a. Nhân loại mới đang lâm nguy : Thần học nhân loại của E. Schillebeeckx

Ngữ cảnh có ý nghĩa, ngữ cảnh có khả năng diễn tả Thiên Chúa là ngữ cảnh của nhân loại trong đó bao hàm việc giải phóng và cứu độ. Theo E. Schillebeeckx, thế giới hôm nay không có khả năng biến đổi bất kỳ phương diện nào. Kinh nghiệm khổ đau đang tràn ngập thế giới. Hơn nữa, một cảm nhận phẫn nộ đang vọt ra trong trái tim của con người. Họ đói khát một tương lai tốt đẹp hơn, dẫu tương lai đó thế nào họ vẫn chưa mường tượng ra.[21] Nhân loại mới đang lâm nguy ở đây, ngay lúc này. Nhân loại ngày nay sẽ mang dung mạng giàu chất người hơn nếu biểu hiện được tinh thần giải phóng và tình đoàn kết ngay trong đói nghèo. Bởi thế, thần học phải hướng đến và đụng chạm đến những con người nhân loại cụ thể trong hoàn cảnh xã hội và lịch sử của họ. Họ là chuẩn mực luân lý duy nhất của bất kỳ một lề thói xã hội nào và chuẩn mực luân lý của mọi tôn giáo. Thật vậy, con người cụ thể phải là trung tâm điểm của tôn giáo. Tôn giáo phải liên đới đụng chạm tới đời sống hiện tại của họ nơi thế giới này.[22]

Trong lời rao giảng về Vương Quốc đang đến, Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa mong ước điều thiện hảo cho từng người. Thiên Chúa của Đức Giêsu là Đấng cứu độ giải thoát con người trong chính lịch sử đau thương họ đang sống. Thiên Chúa là căn nguyên của niềm hy vọng có sức làm cho mọi sự trở nên khác và có sức mạnh làm cho thế lực sự ác trở nên yếu nhược. Điều củng cố sứ điệp của Đức Giêsu và sức mạnh của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu là sự phục sinh : Thiên Chúa làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Shillebeeckx nói : “Thiên Chúa biểu hiện chính Người trong sự phục sinh của Đức Giêsu, đó là sức mạnh của sự thiện và ‘chống lại sự dữ’, sự thiện tuyệt đối cự tuyệt thế lực sự dữ và đâm thủng sự dữ”.[23]

Kinh nghiệm ơn cứu độ như thế được diễn tả trong cộng đoàn những người được Thiên Chúa chọn. Qua họ, Thiên Chúa muốn mang ơn cứu độ đến với nhân loại và toàn thể vũ trụ. Ơn cứu độ này còn chuyên chở một quà tặng qua sự phục vụ mang tình huynh đệ nơi những cộng đoàn cụ thể. “Vương quốc Thiên Chúa đang đến là ân sủng, ân sủng hàm chứa ngay trong hành động con người chứ không phải ở bên ngoài, phía trên hoặc đằng sau hành động con người”.[24] Ý tưởng mang ơn cứu độ cho con người qua một cá thể nhân loại đã thành toàn nơi Đức Giêsu Nazareth. Người, một người Dothái vùng Palestine, đã kiện toàn ơn cứu độ bằng việc tập hợp mọi người quanh Thiên Chúa, bằng việc thống nhất nhân loại và trao tặng sự sống cho những ai theo Người.[25] Sự tập hợp này đang diễn ra trong hoàn cảnh tội lụy của thế giới như sự bất chính, đói nghèo, sự vắng bóng hoà bình, sự khổ đau và thất vọng quá sức. Đức Giêsu Nazareth, Đấng mà những người được giải phóng và được cứu, những người đã gặp Ngài loan giảng rằng Ngài là Thiên Chúa, là Đức Kitô, là sự thành toàn những ước muốn hạnh phúc của nhân loại và là Đấng đã kiến tạo một nhân loại mới. Người là Đấng phục hồi những mảnh đời nhân loại khởi phát từ Ngài. Đặc biệt đối với những người đang sống trong miền thiếu vắng niềm hy vọng. Người là Đấng Hoà giải, Đấng mang tình yêu giải phóng của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, vì “Thiên Chúa hiện diện trong hành động và lời nói của Ngài”, hành động và lời biểu lộ tình yêu.[26]

Những môn đệ của Đức Giêsu Kitô được gọi mời để tiếp tục hành động cứu vớt và giải phóng Ngài đã thực hiện. Họ chính là những người tiếp tục làm cho sức mạnh của Vương Quốc được lan toả và biểu hiện khuôn mặt Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và giàu lòng trắc ẩn đối với toàn thể nhân loại. Những môn đệ Đức Giêsu Kitô được mời gọi để chữa lành con người, giải phóng họ khỏi thế lực quỷ dữ, đón chào những người cặn bã và những người bị loại ra bên lề xã hội vào trong “tình bằng hữu”. Những môn đệ của Đức Giêsu Kitô được gọi mời để vực dậy tất cả những ai bị áp bức và bị ngược đãi.[27] Schillebeekx khẳng định : “Quả tim đích thực thì khoan dung nhân hậu”.[28] Lòng khoan dung nhân hậu biểu hiện rõ nét trong sứ điệp cứu độ và giải phóng của Đức Giêsu Nazareth. Lòng khoan dung nhân hậu của Đức Giêsu phải tiếp tục hiện thực nơi những môn đệ của Người. Môn đệ của Đức Giêsu tiếp tục thể hiện hành động cứu chữa và giải phóng nơi một thế giới đầy bạo lực và khổ lụy này.

b. Trong ký ức của những người đau khổ : học thuyết chính trị của J.B. Metz

Trước một thế giới đầy dẫy vấn nạn, Johann Baptist Metz kiếm tìm một học thuyết đặc biệt chú tâm đến đến tiếng nói đau đớn của những người bị loại ra bên lề. Có lẽ thần học Kitô giáo chỉ có ý nghĩa một khi thần học đó thấu cảm được tiếng nói đau đớn của những người cùng khốn.[29] Thần học Kitô giáo phải là thần học hụp lặn sâu xa vào hoàn cảnh kinh tế, xã hội của thế giới, đối mặt với những khổ lụy của thể giới và để cho tiếng nói của những nạn nhân được vang lên. J.B. Metz gọi thần học đụng chạm đến nỗi đau của con người là “thần học chính trị”.[30]

J.B. Metz cho rằng hành động chính trị được thể hiện trong ký ức lịch sử đau khổ nhân loại chính là nguyên lý hình thành một trật tự mới trong xã hội. Điều này cho phép chúng ta nhìn sự phát triển bằng một một lăng kính khác khởi phát từ nhãn giới của những người cùng khổ. Thần học này tạo nên một kiểu mẫu đoàn kết mới mẻ với những người khổ đau và kiến tạo trách nhiệm cho những người khổ đau.[31]

J.B. Metz liên kết sự đau khổ của nhân loại chịu áp bức vào sự kiện Đức Kitô.[32] Sự khổ đau nơi Đức Giêsu đã mở ra lời hứa một tương lai tự do. Ký ức đau khổ của Đức Giêsu nhắc chúng ta nhớ đến sự tự do của chúng ta. Trong ký ức đau khổ của Người, chân lý này được thể hiện. Chân lý giải phóng này đang chờ được giải mã như là một ký ức giải phóng mang tính phá vỡ ở bên trong xã hội hiện tại của chúng ta, xã hội tiến bộ và phát triển dựa trên sự đàn áp và chà đạp những người nghèo khổ.[33]

Ký ức đau khổ này mang chiều kích ngôn sứ và phê phán. Ký ức này phê phán xã hội chúng ta, xã hội đặt nền trên quyền lực và sự thống trị. Ký ức này thách thức cách thế của chúng ta đang chạy theo nơi thế giới này. Ký ức này dâng tặng những khả năng mới mẻ của sự tồn tại con người, những khả năng mới mẻ đã bị những giáo trình lịch sử vứt đi. Nó còn là sức mạnh hữu hiệu nhằm biến đổi đời sống chính trị và cấu trúc chính trị. Ký ức này chống lại bất kỳ một sự tôn sùng ngẫu tượng nào. Ký ức này sẽ vạch mặt mọi thể chế độc tài.[34]

c. Nói cũng bằng thừa : Thần học giải phóng Châu Mỹ Latinh

Thần học giải phóng triển nở ở Châu Mỹ Latinh vào cuối thập niên 1960. Cội nguồn của nền thần học này khởi đi từ những hoàn cảnh xã hội, lịch sử của con người : hoàn cảnh nô lệ hoá và ách đàn áp thống trị đè lên đầu người dân bản xứ trong suốt thời kỳ thực dân và họ vẫn tiếp tục bị xem thường, bị đàn áp về mọi phương diện trong xã hội hôm nay. Trọng điểm của thần học giải phóng nhằm vào hoàn cảnh xã hội của những người bị áp bức và những người nghèo khổ. Dưới nhãn quan thần học giải phóng thì niềm tin Kitô giáo phải đụng chạm đến sự khổ lụy nhân loại đang lan loang trên bề sâu diện rộng và dẫn đến một hành động cụ thể vì lợi ích của người nghèo khổ và những ngừơi bị loại ra bên lề xã hội.[35] Người ta không thể lý giải ngọn nguồn rằng tại sao tội ác cứ mãi bao trùm trong Châu Mỹ Latinh, nơi người nghèo ngày càng mạt rệp và người giàu ngày càng kếch xù. Xã hội đó phải được thay đổi cách cụ thể.[36]

Gustavo Gutierrez định nghĩa tội là : "… Việc loại trừ bất kỳ một ai khỏi tình thân chòm xóm láng giềng, là cơ cấu áp bức được dựng lên nhằm vào ích lợi của một thiểu số, là sự cướp bóc hợp pháp nơi những người, những dân tộc, những nền văn hoá và những tầng lớp xã hội. Về cơ bản, tội là một quốc gia như thế. Tội không có ở không khí. Người ta chỉ gặp thấy tội trong những hoàn cảnh lịch sự cụ thể, những quốc gia cụ thể và những con người cụ thể. Làm gì hiểu được tội người này nếu không có người kia."[37]

Như vậy, sức mạnh tội ác triển nở trong mọi lãnh vực cuộc sống con người. Tội làm cho người này xa cách người kia. Tội là căn nguyên xây nên những cấu trúc bất chính xã hội. Nhưng cùng một lúc, ân sủng của Chúa cũng hiển hiện trên mọi lãnh vực cuộc sống nhân loại. Đức Kitô là Đấng Cứu Độ muôn người và là quà tặng ơn cứu độ cho mọi người. Điều này dẫn đến một sự hiểu biết mới mẻ về thế giới và ý niệm về ơn cứu độ. Nếu ân sủng của Thiên Chúa hoạt động mọi nơi, thế thì chúng ta không thể nói gì khác về một thế giới ô uế. Trong mọi biểu hiện, sự hiện hữu của con người mặc khải tiếng nói “có” hoặc “không” đối với ân sủng Thiên Chúa. Những người quay lưng ngoảnh mặt trước việc dựng xây thế giới này như là một cộng đoàn đích thực thì họ chối từ liên kết với Thiên Chúa. Sự liên đới đích thực của con người với Thiên Chúa và với nhau nghĩa là ơn cứu độ. Không phải là một thực tại thế giới ở đâu đâu hay mai hậu. Nhưng ơn cứu độ đó đang ôm ấp toàn bộ thực tại con người, biến đổi thực tại con người hướng vào sự thành toàn nơi Đức Giêsu Kitô.[38]

Kitô học này đặt trọng tâm vào Đức Giêsu lịch sử và hành động Ngài giải phóng con người, đặc biệt những người ở bên rìa xã hội. Qua hành động của mình, Đức Giêsu Nazareth mặc khải bản chất của Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. G. Gutierrez chỉ ra tầm quan trọng xuyên thấu nơi cuộc đời và lời giảng dạy nơi con người nhân loại Đức Giêsu Nazareth. Ông viết : “Đời sống và giáo huấn của Đức Giêsu đặt ra một cuộc kiếm tìm không ngơi nghỉ hầu kiến tạo một nhân loại mới sống trong công bình”.[39] J. Sobrino nhận thấy Đức Giêsu lịch sử là điểm khởi đầu để hiểu Đức Kitô và là khởi điểm để làm thần học trong bối cảnh Châu Mỹ Latinh. Lối tiếp cận của ông tránh hai thái cực : hướng Đức Kitô vào cái nhìn trừu tượng và sử dụng theo lối ý thức hệ tức thời. Suy tư Kitô học phải hướng tới một hành động giải phóng trong Châu Mỹ Latinh.[40]

Cộng đoàn của niềm tin, Giáo hội của Đức Kitô, vẫn tiếp tục nới rộng sứ điệp giải phóng của Người trên thế giới. Sứ điệp Giáo hội là hướng đến mọi chiều kích đời sống con người. Giáo hội phải nên dấu chỉ giá trị Tin Mừng đã được mặc khải trong và qua Đức Giêsu. Nếu Giáo hội muốn là một Giáo hội đích thực của Đức Giêsu, thế thì niềm tin tưởng vào Chúa, việc dựng xây vương quốc Thiên Chúa, thực hành sự công chính, chọn lựa người nghèo, sự thánh thiện của con người mới phải trở thành những mục đích nền tảng của Giáo hội.[41] Trong thực tại Châu Mỹ Latinh, Giáo hội được mời gọi để thực hiện sứ điệp ngôn sứ, đó là tố cáo sự bất chính trầm trọng mang tính xã hội. Đương đầu với sự nghèo đói trên tầm sâu diện rộng, Giáo hội phải mang sứ điệp của mình vào giữa sự đói nghèo và những nơi bị áp bức. “Giáo hội phải là một dấu hiệu hữu hình có Thiên Chúa hiện diện. Đó là khát vọng giải phóng và đấu tranh giúp con người trở nên người hơn và xã hội trở nên công chính hơn”.[42]

Cánh chung luận là trọng tâm sứ điệp của Đức Giêsu : Vương quốc Thiên Chúa. Sứ điệp đó mặc khải dự định Thiên Chúa cho nhân loại. J. Sobrino chỉ ra một vài diện mạo mang chiều kích cánh chung của vương quốc Thiên Chúa. Chiều kích cánh chung tiếp tục xét xử thực tại chúng ta để tái tạo thực tại mang chiều kích cánh chung. Cánh chung viên mãn thế giới đang mong đợi chính là hành động Thiên Chúa đến. Chiều kích cánh chung này mở ra một niềm hy vọng hướng đến một điều gì mới mẻ, một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại.[43] Cánh chung được hiểu là sức mạnh lan loang của một tương lai-lịch sử được định hướng, lịch sử được định hướng này thách thức những trật tự bất chính và nỗ lực chứng minh một lời đáp trả cho tình huống hiện tại. Theo cách này thì niềm tin tiệm tiến đổi thay hoạt động chính trị. Niềm tin trao tặng cho nhân loại một đề án sống, một viễn cảnh thực tại mới mẻ. Như vậy, niềm tin Kitô, niềm tin sẽ chiến thắng thế lực sự dữ qua Đức Giêsu Kitô, phải được sống “ở ngay trung tâm của lịch sử, chính giữa quy trình giải phóng, quy trình đưa lịch sử đó đến sự thành toàn trong cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa”.[44]

d. Những tôn giáo và sự đói nghèo : Kitô học giải phóng Á Châu của A. Pieris

Sự nghèo khổ bất nhân và giảm giá nhân loại là một thực tại đang bao trùm trên phần đông dân tộc Á Châu, một lục địa rộng lớn, nơi chiếm ba phần tư nhân loại thế giới, bao gồm mọi tôn giáo lớn ở trong đó và những truyền thống tôn giáo khác nhau như Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Bái Hoả giáo, Giai-na giáo, Sikh giáo( tôn giáo này phát triển ở Ấn Độ vào thế kỷ XVI và dựa trên tín ngưỡng chỉ thờ một thần), Thần giáo (Nhật Bản)... Thực tại khổ đau, đói nghèo đang thách thức các tôn giáo Á Châu.[45] Trước thực tại như thế, các thần học gia Á Châu đã vào cuộc làm thần học trong bối cảnh Á Châu. Aloysius Pieris là một điển hình. Thần học của Aloysius Pieris đặc biệt quan tâm đến hai chiều kích : tôn giáo và nghèo đói – một thực tế ở Á Châu.[46]

Những tôn giáo đụng chạm đến con người trên hai mức độ : tâm lý (tầm mức cá nhân) và cấp độ xã hội (tầm mức chính trị xã hội). Hẳn rằng các tôn giáo đang trực tiếp góp phần vào việc giải phóng hoặc nô lệ hoá dân tộc. Khi tôn giáo giải phóng con người khỏi tội lụy, hướng con người vào việc phát triển thế giới trong công lý hoà bình thì tôn giáo đó mặc khải sức mạnh biến đổi và giải phóng. Khi tôn giáo duy trì sự mê tín, biểu hiện chủ nghĩa nghi thức, trọng giáo điều, hay bất kỳ loại tôn giáo nào chỉ dừng lại ở gốc “ism” (học thuyết) thế thì tôn giáo đó hợp thức hoá hiện trạng áp bức, tôn giáo đó biểu hiện thế lực nô lệ hoá trong bản chất của mình. Như vậy, tôn giáo có khả năng phục vụ Thiên Chúa và dân thánh Người, nhưng tôn giáo cũng có thể đang trực tiếp hay gián tiếp góp phần vào việc chống lại Thiên Chúa và góp phần làm tăng thêm sự áp bức con người.

Đối với Pieris, kẻ thù không đội trời chung với loài người và đối thủ của Thiên Chúa là “mammon”. Cuộc chiến giữa ân sủng và tội lụy, Thiên Chúa và “mammon” là cuộc chiến không bao giờ vắng bóng tại Á Châu. Vì thế, phận vụ Kitô hữu là liên kết với người Á Châu chống lại sự bất chính và đàn áp. Nguồn mạch sứ điệp của cuộc chiến cho người nghèo này là Đức Giêsu, Giao ước mới mà Thiên Chúa và người nghèo ký kết để chống lại “mammon”, vì câu chuyện Đức Giêsu là câu chuyện “Thiên Chúa ở với người nghèo, Thiên Chúa của người nghèo và Thiên Chúa cho người nghèo”. Pieris nói rằng chính Đức Giêsu là Giao ước mới, một giao ước giữa Thiên Chúa và người nghèo. Chính Đức Giêsu, con người lịch sử, đã trải qua cảnh nghèo khổ và sự đớn đau tột cùng.

Theo cách hiểu của Pieris, nghèo đói có hai chiều kích : bị nghèo và tự nguyện nghèo. Bị nghèo là do hệ quả của sự bất chính, tội ác và cấu trúc xã hội đàn áp gây nên cho thế giới ; bị nghèo là do hệ quả sự tham lam vơ vét của một thiểu số người giàu có gây nên. Nghèo tự nguyện là sự từ tâm, người ta tự nguyện trở nên nghèo vì ích lợi của người nghèo. Họ là những người tự nguyện khước từ tài sản của cải. Đức Giêsu đã nói đến kiểu nghèo khó này. Người xác định rằng Vương Quốc Thiên Chúa hệ tại ở hành động nơi những người tự nguyện trở nên nghèo nhằm loại trừ tình trạng bị nghèo. Đức Giêsu nói rằng trong Vương Quốc Thiên Chúa không có chỗ cho “mammon”, cho người giàu. Vương quốc Thiên Chúa là nơi quy tụ những người bị đẩy đến sự nghèo đói và của những người tự nguyện trở nên nghèo hầu tạo nên ý nghĩa sống cho người nghèo. Theo kiểu nói của Pieris, vương quốc Thiên Chúa là tập hợp “những người nghèo vì ‘tự nguyện’ trở thành môn đệ Đức Giêsu (Mt 19,21), và người nghèo vì ‘sinh ra’ họ là những người được Đức Giêsu ủy nhiệm (Mt 25,31-46).[47] Đức Giêsu, Đấng vâng lời tự nguyện đặt mình vào con đường nghèo khổ, chối từ giàu sang, chối từ tham lam, kiêu hãnh và danh tiếng, đến mức chịu chết, đã hoàn thành một nhân loại mới, nhân loại không thể thành toàn do “sức mạnh và uy thế, nhưng thành toàn bởi sự yếu đuối, thất bại và khiêm hạ”.

Đức Giêsu đã rao giảng “triều đại giải phóng của Thiên Chúa” đã bắt đầu ló rạng trên “anawim” (người nghèo ?). Bằng cuộc sống và cái chết, Ngài đã khai mạc “cuộc cách mạng giải phóng”. Người thực hiện điều đó bằng cách đồng hoá mình với những người thấp kém khiêm hạ, những tội nhân ăn năn và những người nghèo trong quê hương Ngài. Như thế, Đức Giêsu đã nhận ra căn tính của mình là trở thành “con chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian, người con được yêu thương để được lắng nghe, Đấng Mêsia mang một sứ điệp mới mẻ và một sự thanh tẩy mới để dâng tặng”.[48]

e. Nữ giới cảm nhận sự đau khổ và Đức Giêsu : Kitô học nữ giới

Thần học nữ giới đã giúp chúng ta cảm nhận kinh nghiệm của người nữ trong những xã hội của chúng ta. Dẫn rằng nữ giới ngày càng đóng góp rất lớn cho việc phát triển nhiều lãnh vực, dẫu rằng họ đã được công nhận bình đẳng trong xã hội, đặc biệt là ở Châu Âu, thế nhưng đa phần phụ nữ cảm thấy họ vẫn ngập tràn khổ đau, bị áp bức, bóc lột và bị hạ nhục.[49] Các cấu trúc xã hội Đông Á, nơi tư tưởng Khổng giáo ảnh hưởng sâu xa trong lãnh vực xã hội cũng như tôn giáo, nữ giới phải phục tùng cha khi chưa lập gia đình, phục tùng chồng khi đã lập gia đình và phục tùng con trai khi trở thành goá phụ. Kinh nghiệm của những người nữ Filipino dưới chế độ chủ nghĩa thực dân, dưới chế độ độc tài chuyên chế và sự thống trị nam giới cho thấy rằng ở mọi nơi mọi lúc họ đều bị coi thường, bị đối xử như là vật dụng, như là công dân bậc thấp trong tầng lớp xã hội.[50]

Nữ giới Phi Châu cũng cảm nhận tương tự như vậy. Họ phải quan tâm đến nhu cầu sống của toàn gia đình, cùng lúc đó, họ cũng phải làm việc quần quật ngoài đồng áng như bất kỳ ai. Vai trò của họ không thể thiếu trong cuộc sống gia đình họ và gia tộc của họ, và cũng lúc đó, họ bị liệt và bị thảy vào địa vị thấp kém.[51]

Khởi đầu từ những kinh nghiệm như thế, những người nữ đang kiếm tìm ý nghĩa từ những kinh nghiệm đau khổ và bị khinh miệt. Nhiều người đã tìm thấy sức mạnh trong Đức Giêsu để đương đầu với cuộc sống. Họ nhận thấy ân sủng trong Đức Giêsu giúp họ vượt qua những nỗi sợ hãi cứ bám riết lấy họ, vượt qua thực tại của cuộc sống và bắt đầu với một điều gì đó mới hơn và tốt hơn. Đức Giêsu chính là Đấng mà qua Ngài, họ vươn tới Thiên Chúa. Đức Giêsu là Đấng hiện diện, đồng hành với họ trong đời sống thường ngày. Nhưng trên hết, Đức Giêsu là Đấng chia sẻ cảm nghiệm đau thương, chết chóc, tối tăm, bị hất hủi, bị khinh khi. Giữa muôn vàn dung mạo Đức Giêsu, dung mạo Đức Giêsu Người Tôi Tớ Đau Khổ gây cảm động và có ý nghĩa với phần lớn nữ giới.[52]

Đức Giêsu, Người Tôi Tớ Đau Khổ giúp nữ giới vượt qua những khổ đau họ đang gánh chịu. Họ chính là những bằng chứng sống động về sự bất chính đang hiển hiện trong thế giới. Qua lăng kính Đức Giêsu, Người Tôi Tớ Đau Khổ, người ta nhận thấy rằng nỗi đau khổ nữ giới gánh chịu đang góp phần trao ban sự sống để hình thành một nhân loại mới. Anne Nssimiyu-Wasike nói rằng trong “sự đau khổ của mình, Đức Giêsu đã đảm nhận mọi hoàn cảnh đau khổ nữ giới đang gánh chịu và nỗi đau của toàn nhân loại”.[53] Thật vậy, Đức Giêsu đang hiện diện ngay trong nỗi đau của những người vỉa hè, đường phố, nỗi đau của cô gái trẻ bị tấn công nơi học đường, nỗi đau của những cô gái bán dâm, của người phụ nữ không có khả năng sinh nở, không con không cái, của người phụ nữ bị ép buộc làm thê làm thiếp. Đức Giêsu đang đứng trong hàng ngũ những người nữ bị câm lặng. Người đang liên kết với tất cả những ai bị áp bức.[54] Như thế, ngước nhìn lên Đức Giêsu Người Tôi Trung Đau Khổ, nữ giới có thể nhận ra nỗi đau đớn của chính họ cũng góp phần cứu độ và là lễ dâng. Nhưng cũng chính lúc đó, thực tại đau khổ của họ lại là lời gọi mời thay đổi và giải phóng. Đức Giêsu đau khổ và chết trên thập tự vì lợi ích cho chúng ta và Ngài đã phục sinh. Những người nữ đang đau khổ cho ích lợi của gia đình, dòng họ, cộng đoàn của họ, họ mong ước và đợi chờ sự phục sinh của họ. Đức Giêsu là Đấng đang phục sinh, đang vực dậy những người nữ từ cõi chết bước vào sự sống, từ bóng tối tiến đến miền sáng tươi và mời gọi họ tham dự vào trong sự phục sinh của Ngài. Anne Nasimiyu-Wasike nói rằng “trong sự phục sinh của Đức Giêsu, người nữ African được gọi mời tham dự vào sự phục sinh của Ngài cách hoà điệu hầu kiến tạo sự công bằng trong tất cả mối tương quan nhân loại nơi gia đình, xã hội và Giáo hội”.[55]

Sự phục sinh như thế được nối kết với lời loan giảng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Tuy nhiên, đối với nữ giới, tính chất Chúa nơi Đức Giêsu bao gồm một chiều kích mới mẻ. Tính chất Chúa của Ngài được ngắm nhìn, chiêm ngưỡng trong nhãn giới Ngài là Đấng giải phóng họ khỏi xã hội gia trưởng. Đức Giêsu, Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất của người nữ bị áp bức và nghèo khổ tại Á Châu. Họ muốn vâng phục Ngài, chứ họ không vâng phục thế lực thực dân áp bức hoặc cấu trúc xã hội gia trưởng bản xứ đang đè nặng trên họ. Một phụ nữ Á Châu, Chung, nhất trí rằng “tính chất Chúa nơi Đức Giêsu… không có mảy may hơi hướng của thế lực gia trưởng, giải phóng người nữ Á Châu khỏi thế lực chính quyền dối trá và tăng sức cho họ chỉ vâng phục Thiên Chúa chứ không phải những người đàn ông”.[56]

Ngoài ra, cũng có những dung mạo khác của Đức Giêsu giúp cho nữ giới đương đầu với những khó khăn thường ngày và giúp họ làm thay đổi thế giới này. Nhưng tất cả những dung mạo đó đều chuyên chở một sứ điệp mới mẻ rằng nữ giới cảm nhận Đức Giêsu là Đấng đã trả lại phẩm giá cho họ, nâng họ trỗi dậy từ những mảnh đời vô nghĩa, bổ sức cho họ để họ đối diện và biến đổi phận đời thô ráp, xù xì của họ thành một thực tại mới hơn và tốt hơn.[57]

3. Tóm kết


Cách làm thần học mới này dựa trên hoàn cảnh khổ đau và nghèo đói đang hiện hành trong thế giới chúng ta. Thế giới này không có đủ sức mạnh tự mình tiến xa hơn nữa. Những kinh nghiệm khổ đau đang đang ngập tràn trong mọi lãnh vực. Mọi đề án kinh tế, chính trị nhằm “cứu thế giới này” thoát khỏi đau khổ đã đi vào ngõ cụt. Người ta mong ước một điều gì đó mới hơn, tốt hơn nhưng vẫn không biết cụ thể điều mới điều tốt kia là gì. Gia đình nhân loại chúng ta đang cần lắm ơn cứu độ để phá tan sức tấn công mạnh mẽ của sự ác. Viễn tưởng thần học này đặt nền trên chính con người đang ước mong được giải thoát khỏi sức tấn công của sự dữ. Chúng ta hãy nhớ đến cơ man những nạn nhân chiến tranh, những người bị ngược đãi, những tội ác và sự bất chính người ta nhân danh các tôn giáo, các cảnh sát chính phủ hoặc nhân danh sự đúng đắn chính trị để làm khổ người khác. Chúng ta được gọi mời đi vào trong mọi ngõ ngách của sự khổ đau và đàn áp để giải phóng theo cách Đức Giêsu đã làm. Thiên Chúa đã tự liên lụy đến người khốn khổ. Người đang ở ngay bên cạnh những người cùng khốn, chiến đấu và giải phóng họ. Người là Thiên Chúa của cuộc Xuất Hành, Người vẫn đang nói : “Ta đã thấy rõ cảnh khổ của dân Ta bên Ai cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai cập và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3,7-8).

Sứ điệp Kitô giáo phải là sứ điệp đầy tràn hy vọng vì lịch sử nhân loại là câu chuyện của Thiên Chúa. Người bước vào thực tại khổ đau của nhân loại. Người là bạn đồng hành lớn, là bạn cùng khổ chia sớt thực tại thô ráp xù xì nơi đời sống nhân loại. Người là Thiên Chúa, Đấng trong Đức Kitô Giêsu đã đến để chiến đấu với sự tấn công khủng khiếp của sự dữ để giải thoát con người khỏi sự kìm kẹp khủng khiếp họ đang trải qua. Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, đã chiến thắng xích xiềng của sự ác và đang đi trước chúng ta tới Galilê (Mt 28,10). Đang hiện diện ngay trong kinh nghiệm của tất cả những ai bị áp bức, Đức Giêsu Kitô trao sức mạnh cho họ để tiếp tục đấu tranh cho sự công chính của thế giới, đấu tranh cho tự do và hạnh phúc. Tự đặt mình vào hàng ngũ của những kẻ yếu nhược và những kẻ bị bóc lột, Đức Giêsu Kitô đòi hỏi hành động cụ thể đầy thiện ý của những người đó (Mt 25,31-46). Như thế, Đức Giêsu Kitô là niềm hy vọng của chúng ta để mọi thứ có thể trở nên khác hơn và tốt hơn. Trong Đức Kitô, nguồn mạch sự biến đổi của chúng ta và sự giải phóng của chúng ta là sức mạnh tiến đến thiện hảo của tất cả nhân loại.

Kết luận


Chúng ta đang ở ngã ba đường. Những kinh nghiệm của bạo động, tội ác, sự áp bức và khổ đau lồ lộ trong những cộng đoàn, những thành phố, những quốc gia của chúng ta. Thế giới chúng ta đang sống rõ ràng không phải là thế giới chúng ta mong ước. Nhưng dường như chúng ta cũng không thể làm gì tốt hơn ngoài những giải pháp những chính trị gia, kinh tế gia đang nỗ lực khắc phục. Chúng ta mong ước một điều gì đó khác hơn, mới mẻ hơn nhưng chúng ta vẫn chưa biết diễn tả điều khác hơn đó thế nào, và hơn nữa, chúng ta không biết làm thế nào để thành toàn sự biến đổi tích cực đó vào trong thế giới chúng ta. Nhiều người giữa chúng ta đã từ bỏ không còn mảy may hy vọng đổi thay, nhiều người trong chúng ta đã xuôi tay chào thua thuyết định mệnh, chấp nhận một thực tại thô ráp, xù xì vốn đã như thế và thậm chí cũng chẳng ước mơ một điều gì mới mẻ; và những người khác cố gắng trốn thoát khỏi thực tại cuộc sống của họ chạy vào trong những loại sống khác của thuyết duy linh hoặc thần bí.

Cuộc khủng hoảng mang tình hoàn cầu đang nằm ở cội rễ của vấn nạn này. Sau khi phơi bày truyền thống Kitô-Dothái, một con người nhân loại có thể không còn thanh minh những hành động của bạo động và áp bức gán cho việc nhân danh tôn giáo, quốc gia hay cộng đoàn. Nhưng nếu bạo động đã là nền tảng của văn hoá, và nếu cơ chế đàn áp đã giữ những cộng đoàn và văn hoá liên kết vào nhau với giá của các nạn nhân, thế thì chúng ta phải bào mòn và tẩy chay loại kỹ thuật như thế. Chúng ta đang dẫn đầu loại trừ những bạo động và áp bức không được kiểm soát đó. Vấn đề nằm ở trong những xã hội chúng ta, tiếng nói đứng về phía nạn nhân và đại diện cho những nạn nhân ngày càng nhiều hơn, lớn hơn và rõ hơn. Tiếng nói đó không thể rơi vào quên lãng. Chúng ta đang ở con đường thập tự của lịch sử nhân loại : kỹ thuật đàn áp bạo động đang đóng vai trò nhân tố liên kết phần lớn nhân loại với giá của các nạn nhân trong những nền văn hoá của chúng ta. Bên cạnh đó, truyền thống Dothái-Kitô chỉ cho chúng ta một cách thứ hướng đến một điều gì đó mới hơn và tốt hơn, hướng đến một thực tế mà nơi đó không có những nạn nhân và sát nhân, nhưng là cộng đoàn dân Chúa. Tương lai của chúng ta tùy thuộc vào chọn lựa chúng ta sẽ hướng vào.

Hoàn cảnh hiện tại này cần lắm những đổi thay, những hành động cụ thể. Từ kinh nghiệm gây sốc của Holocaust, những thần học gia đã cố gắng kiến tạo một thần học mới đặt trọng tâm vào con người và hạnh phúc của con người. Họ nói về phẩm giá của mọi người. Bất kể tôn giáo, bất kể nền chính trị của chính phủ nào, bất kể học thuyết nào góp phần đàn áp thành viên của mình hoặc chia rẽ thế giới này vào hai nhóm “chúng nó” và “chúng ta” đều bị đặt vấn đề, đều bị chất vấn trước nhân tố công bằng này : Hạnh phúc và phẩm giá của con người. Nhưng chúng ta không có thể đủ sức để tạo ra một cách thức sống mang tính nhân loại hơn : con người có thể sống khác và thế giới này có đủ những nguồn mạch có thể cung ứng cho tất cả mọi người. Từ nhãn giới sứ điệp Kitô giáo và thực tế lịch sử, nền thần học mới đòi hỏi hành động cụ thể góp phần biến đổi thế giới. Thiên Chúa là Thiên Chúa của con người, những con người có sự thiện hảo trong tâm. Qua cuộc đời Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa kêu gọi đem Vương Quốc của Người vào trong cuộc sống con người. Qua hành động của Kitô hữu, Vương Quốc Thiên Chúa sẽ trở thành hiện thực trong thế giới này. Như vậy, một nhân loại mới, sự hiệp thông mới và tình đoàn kết mới mẻ ở giữa con người có thể trở thành những thực tại cụ thể trong đời sống mỗi chúng ta.

Bên cạnh đó, ngay trong cuộc khủng hoảng về căn tính, nam nữ tu sĩ đang tìm ý nghĩa sống, cách thức sống cho cuộc đời họ. Họ được gọi mời bước vào thế giới này và chiến đấu với bản thân hầu biến đổi thế giới. Họ được mời để nhận ra rằng sự thánh thiện hàm ẩn trong đời sống cách thức sống nhân loại nhiều hơn. Căn tính nền tảng của họ đặt trọng tâm vào việc theo Đức Kitô trong lời loan giảng Vương Quốc Thiên Chúa ở trong thế giới này, thế giới đang mỏi mòn mong đợi điều gì đó mới hơn và tốt hơn.

Và như thế, chúng ta lại gặp thấy niềm hy vọng ngay trong hỗn mang. Nếu mọi thành phần dân Chúa góp phần vào việc kiến tạo Vương Quốc Thiên Chúa ngay trong thế giới này cùng với sức mạnh của Thiên Chúa. Thế thì chúng ta vẫn tin tưởng và hy vọng rằng: “Hãy tín thác đường đời cho Chúa, và Người sẽ ra tay”.

(Phỏng theo Piotr Krakowczyk, Living for the Kingdom of God, Rethinking Religious life in the Twenty-first Century, Quezon City : Claretian Publications, 2004, Chapter I, “Longing for a Better Future”, tr. 3-25).

[1] Wislawa Szymborska, Widok z ziamkiem piasku (Poznan: Wydawnictwo a5, 1997), 7-8.
[2] Schillebeekx, Church, 5-6.
[3] Gil Bailie, Violence Unveiled. Humanity at the Crossroad, New York: Crossroad, 1995, tr. 4
[4] Human Development Report 2003 trong http://stone.undp.org/reports/glogal/2003/pdf/ hdr03 overview.pdf; World Council of Churchs, Christian Faith and the World Economy Today (Geneva: WCC Publications, 1992), 17-28.
[5] World Development Indicators 2004 trong http://www.Worldbank.org/data/wdi2004/section1-intro.pdf .
[6] X. Stockholm international Peace Research Institude, Year Book 2004, trong http://editors.sipri,se/pubs/yb04/ch03.html.
[7] Về những tài liệu liên quan đến bạo lực, xin xem trang Web của Hội nghị Giáo hội có đề cập đến chủ đề này : http://www.overcomingviolenc.org/. Cũng xem Margot Kassmann, Overcoming Violence, The Challenge to the Churches in All Places (Geneva: WCC Publications, 1998).
[8] X. World Development Indicators 2004 trong http://worldbank.org/data/
wdi2004/Section3-intro.pdf.
[9] Human Development Roport 2003.
[10] Thật khó lòng có thể tìm một định nghĩa rõ ràng về hoàn cầu hóa. Roland Robertson, giáo sư tại đại học Aberdeen, chuyên gia về lãnh vực này định nghĩa toàn cầu hoá bằng một chuỗi tập hợp “xảy ra cùng một lúc văn hoá, kinh tế và chính trị”. Roland Roberson, “Globalization and the Future of’Traditional Religion’,” trong God and Globalization and the Powers of the Common life, vol. 1, eds, Max L. Stackhouse with Peter J. Paris (Harrisburge, Pennsylvania: Trinity Press International, 2000) 54. Mx L. Stackhouse, giáo sư dạy luân lý Kitô Giáo tại Princeton Theological Seminary, diễn tả toàn cầu hoá như là một chuỗi “có vẻ như đang tạo nên những hoàn cảnh cho đặc tính mới mẻ tuyệt hảo, một khuynh hướng toàn cầu của những giá trị và những hình thức có hiệu quả mang tầm ảnh hưởng rộng khắp, nếu không phải tất cả mọi lãnh vực con người, văn hoá, xã hội”. Max L. Stackhouse, “General introduction,” trong God and Globalization, tr. 19.
[11] Renato Constantino, The Invisble Enemy – Globalization & Maldevelopment (Quezon city: Foundation for Nationalist Studies, 1997), tr. 41.
[12] International Labor Orgainzation, A Fair Globalization: Creating Opprtunities for All (Geveva, 2004) trong http://www.ilo.org/public/english/
wcsdg/docs/report.pdf.
[13] X. Jose C. R. Garcia Peredes, “Aportaciones de la ‘Teologia Policica’ a la ‘Teologica de la Vida Religiosa’,” Claretianum XXVII (1987): tr. 129-134.
[14] Rober Royal, “Christian Humanism in a Postmodern Age”, trong The New Relogious Humanists. A Reader, ed., Gregory Wolfe (New York: The Free Press, 1997), tr. 89.
[15] Gil Bailie, Violence Unveiled. Humanity at the Crossroad (New YorkL Crossroad, 1995), tr. 13.
[16] Rene Girard, Things Hidden Since the Foundation of the World (Stanford, California: Stanford University Press, 1987), tr. 146-147.
[17] Bailie, Violence Unveiled, tr. 114.
[18] Hans Kung, “Paradigm Change in Theology: a Proposal for Discussion”, trong Paradigm Change in Theology, eds., H. Kung, D. Tracy (New York: Crossroad, 1991) tr. 32-33. Cũng xem David Tracy, “Hermeneutical Reflections in the new Paradigm”, trong Paradigm Change in Theology. Tr. 62.
[19] Jose M. De Mesa, Lode L. Wostyn, Doing Theology. Basic Realities and Processes (Quezon City: Claretian Publications, 1996), tr. 71.
[20] Chúng ta sẽ có một cái nhìn tổng quát những ví dụ thần học đã nổi lên trong những miền đất khác nhau trên thế giới sau công đồng Vatican II, và có một sự ảnh hưởng mãnh mẽ về lối hiểu và hành động của sứ điệp Đức Giêsu ở bên trong thế giới này, thế giới được đóng nhãn bằng kinh nghiệm khổ đau.
[21] Schillebeekx, Church, tr. 5-6.
[22] Schillebeekx, “The Magisterium and the World of Policics” trong Edward Schillebeekx, The Language of Faith. Essay on Jesus, Theology, and the Churc. (New YorkL Orbis Books, 1995), tr. 25-41; Edward Schillebeekx, “The Role of History in what is called the New Paradigm”, trong The Language of Faith, tr. 237-247.
[23] Edward Schillebeekx, “The ‘God of Jesus’ and the ‘Jesus of God’,” trong The Language of Faith , tr. 101-103.
[24] Schillebeekx, Church, tr. 234.
[25] Edward Schillebeekx, “The Church and Mankind” Concilium 1 (1964) tr. 73-74.
[26] Schillebeekx, Church, tr. 111-122.
[27] Schillebeekx, Church, tr. 245-246.
[28] Edward Schillebeekx, Christ. The Experience of Jesus as Lord (New York: Crossroad, 1990) tr. 672.
[29] Johann B. Metz, “The Church after Auschwitz”, TD 41:1 (1994): tr. 21-24. Đối với Metz, bất kỳ thần học nào không kể đến bi kịch của Auguschwitz (bài trừ Dothái) thì đều vô dụng. Xem thêm Johnn B. Metz, The Emergent Chrch (New York: Crossroad, 1986), tr. 28.
[30] Johann B. Metz, “Theology in the New Paradigm: Political Theology”, trong Paradigm Change in Theology, tr. 363.
[31] Johnn B. Metz, “The Future in the Memory of Suffering”, trong New Question on God, ed. J. B. Metz (New York: Herder & Herder, 1972), tr. 15.
[32] Metz, “The Church after Auchwitz”, tr. 24.
[33] Metz, “The Future in the Memory of Suffering”, tr. 18-20.
[34] Metz, The Emergent Church, tr. 25-27. Ông phê bình Kitô giáo nghèo nàn sức chiến đấu chống lại thế lực hành động bất lương và không có khả năng hoà giải với những sức mạnh chính trị trong diễn biến lịch sử. Để tránh việc phản bội với Đức Giêsu, Kitô giáo cần đứng về phía những người đau khổ.
[35] Roger Haight, “Liberation Theology”, trong The New Doctionary of Theology, tr. 570-571.
[36] Jon Sobrino, Christology at the Crossroads: A Latin American Approach (Maryknoll, N.Y. Orbis Books, 1978), tr. 34.
[37] Gustavo Gutierrez, “Freedom and Salvation: A Politacl Problem” trong Gustavo Gutierrez and Richard Shaull, Liberation and Change (Atlanta: John Knox Press, 1977), tr. 84.
[38] Gustavo Gutierrez, A Theology of Liberation: History, Politics and Salvation (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1988), tr. 84-86.
[39] Gustavo Gutierrez, A Theology of Liberation: History, Politics and Salvation (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1988), tr 134.
[40] Sobrino, Christology and the Crossroads, tr. 1-16.
[41] Jon Sobrino, The True Church and the Poor (London: SCM Press, 1985), tr. 1.
[42] Gutierrez, A Theology of Liberation, tr. 148.
[43] Sobrino, Christology at the Crossroads, tr. 61-67.
[44] Gutierrez, A Theology of Liberation, tr. 140; x. Sobrino, Christology at the Crossroads, tr. 67.
[45] Để hiểu rõ hơn phân tích về những khổ đau ở bên trong hoàn cảnh tôn giáo này, xin xem E. Schillebeekx, Christ, tr. 672-723. Đau khổ khoác một diện mạo chúng ta có thể hiểu biết và đụng chạm, nhưng nó lại mang một chiều kích chúng ta không thể lý giải, chúng ta không thể nào chấp nhận được căn nguyên gây nên đau khổ. Chúng ta vẫn dừng lại ở câu hỏi nền tảng : Tại sao thế giới được tác tạo từ quyền năng và tình yêu Thiên Chúa lại phải gánh chịu quá nhiều đau khổ như vậy ? Mọi tôn giáo đều nỗ lực tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Nhưng trước những gì đang đến, đang diễn ra trước mắt, người ta nhận ra rằng (1) mọi lập luận mang tính nhân loại đều bó tay khi phải đối mặt với nỗi khổ đau lan tràn và (2) người ta có trực giác rằng thực tại thiết thực trong hoàn cảnh này là “quả tim yêu thương và là lòng khoan dung”.
[46] Chúng ta đang theo Aloysius Pieris, An Asian Theology of Liberation (Quezon City: Claretian Publications, 1989).
[47] Aloysius Pieris, An Asian Theology of Liberation (Quezon City: Claretian Publications, 1989), tr. 20-21.
[48] Aloysius Pieris, An Asian Theology of Liberation (Quezon City: Claretian Publications, 1989), tr. 48.
[49] Để hiểu được kinh nghiệm đau khổ trong văn hoá Tây Âu, xin xem Annie Lally Mihanven, Sermons Seldom Heard. Womwn Proclaim Their Lives (New York: Crossroad, 1991).
[50] Chung Hyun Kyung, “Who is Jesus for Asian Women?”, trong Liberation Theology. An Introductory Reader, eds., C. Cadorette, M. Giblin, M. J. Legge, M. Hembrow Snyder (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1992), tr. 123-141.
[51] Anne Nasimiyu-Wasike, “Christology and an African Woman Experience” trong Liberation Theology. An Introductory Reader, tr. 92-103
[52] Chung Hyun Kyung xếp những dung mạo Đức Giêsu đang có giá trị và ý nghĩa đối với nữ giới Á Châu vào hai nhóm : Những dung mạo truyền thống và những dung mạo xã hội hoá với hoàn cảnh xã hội-văn hoá-tôn giáo của nữ giới Á Châu. Nhóm đầu chúng tôi gọi là dung mạo Đức Giêsu, Người Tôi Tớ đau khổ, Đức Chúa và đấng Emmanuel. Nhóm thứ hai bao gồm những dung mạo của Đức Giêsu là đấng giải phóng, nhà cách mạng và vị tử đạo chính trị ; Đức Giêsu như là người mẹ, một người nữ và là một shaman ; Đức Giêsu như là một công dân và là hạt giống. X. Chung Hyun Kyung, “Who Is Jesus for Asian Women ?”, tr. 123-141.
[53] Nasimiyu-Wasike, “Christology and an African Woman Experience,” tr. 99.
[54] Chung Hyun Kyung, Struggle to Be the Sun Again: Introcucing Asian Wonem’s Theology (Maryknoll, N.Y.: Orbis Bcoks,1990), tr. 56.
[55] Nasimiyu-Wasike, “Christology and an African Woman Experience”, tr. 99
[56] Chung Hyun Kyung, “Who Is Jesus for Asian Women?”, tr. 129.
[57] Chung Hyun Kyung, Who Is Jesus for Asian Women?, tr. 131-135 ; Nasimiyu-Wasike, Christology and an African Woman Experience, 101-102.