Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

CHÚNG TA ĐANG Ở ĐÂU ?

Thời sự Thần học - Số 46, Tháng 12 Năm 2006, tr. 80-92. 

_Antôn Mai Văn Hùng_ 


Trước hết chúng ta phải khẳng định với nhau rằng, chúng ta đang ở trong guồng quay của xu hướng toàn cầu hoá. Thế giới rộng lớn giờ đây trở nên nhỏ bé và gần gũi, nó được coi như một ngôi làng toàn cầu. Việc thông tin liên lạc, đi lại giữa các nước trở nên dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi. Người ta có thể nói chuyện với nhau từ hai nửa bán cầu như nói chuyện ở nhà mình, bất cứ lúc nào…. Muôn vàn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống cũng như phổ biến chúng trên khắp thế giới, đưa con người đến với đỉnh cao của một nền văn minh khoa học kỹ thuật.
Vì thế, ranh giới giữa các quốc gia đang đi đến xu hướng chỉ còn được xem như là một thủ tục, tồn tại trên bản đồ địa lý và quyền lợi chính trị. Còn đời sống xã hội hầu như có một sự pha trộn, tiếp biến nào đó, nhất là giới trẻ. Nhìn chung, giới trẻ ngày nay có cùng một cách ăn mặc, sở thích hay suy nghĩ. Mỗi ngày, người trẻ trở nên gần gũi nhau hơn, bởi được đánh dấu rõ ràng bởi căn cước thế hệ, hơn là căn cước quốc gia[1]. Xu hướng sử dụng ngôn ngữ chung cho việc giao tiếp giữa các dân tộc trên thế giới, trong đó tiếng Anh ngày một mở rộng và hầu như được sử dụng nhiều tại các quốc gia. Nó gần như trở thành “quốc tế ngữ” (Esperanto)[2], là chìa khoá mở ra mọi tri thức và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng nhân loại. Nhưng đồng thời, nó cũng gây nên một thách đố cho ngôn ngữ và văn hoá bản địa trong việc giao lưu văn hoá.

Cùng với những tương đồng và dị biệt trong môi trường toàn cầu, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, thế giới đang ngấm ngầm hay đang bộc phát một sự chia rẽ và bạo lực chiến tranh mới trên toàn thế giới. Trước những thuận lợi và thách đố ấy, chúng ta đang ở đâu ? Chúng ta sẽ làm gì cho cuộc sống ? Bài viết không nhắm đến những mặt tích cực và hạn chế của toàn cầu hoá mang lại cho cuộc sống, cũng không nhằm lý giải và đưa ra một hướng đi nào cho cuộc sống hiện tại, mà trong quá trình tham khảo tài liệu, bài viết chỉ nêu lên một vài vấn đề của thời đại toàn cầu hôm nay. Ít nhất, đây là một cách nhìn nhận vấn đề mà cuộc sống mang lại.
 

1. Sự xoá nhoà ranh giới giữa các quốc gia


Như đã nói ở trên, trong môi trường toàn cầu, ranh giới giữa các quốc gia hầu như không còn là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời cũng như trước đây đã từng đề cập đến vấn đề di dân, thì ranh giới ấy lại càng bị thu hẹp hơn nữa. Zygmunt Bauman viết rằng, trong đời sống chúng ta hôm nay, cư ngụ không gian xem ra không còn là vấn đề, hình như nó chỉ tồn tại để rồi bị xoá bỏ, như thể không gian chỉ là một sự mời gọi liên tục để bị khinh thường, xa tránh và từ chối. Không gian không còn là trở ngại và người ta có thể chinh phục nó chỉ trong giây lát[3]. Trong chiều hướng ranh giới giữa các lãnh thổ ngày một thu hẹp, thì làn sóng di dân ngày một tăng lên. Họ đến từ khắp nơi và đi về khắp nơi để tìm cho bản thân và gia đình một đời sống mới, một cơ hội làm việc mới, nhằm đảm bảo đời sống của họ mà xu hướng toàn cầu mang đến. Đây là những con người của thế hệ vô gia cư. Những người may mắn có được một công việc, tuy cực nhọc nhưng mang lại thu nhập, còn lại phần lớn phải chờ đợi một cơ hội mới. Lượng người di dân hợp pháp thường rất nhỏ so với làn sóng di dân bất hợp pháp. Vì vậy, các trại tị nạn ngày một “tăng dân số”, hoặc thay bằng những bức tường ngăn cách, chặn làn sóng di dân của những người vô gia cư từ các nước nghèo đến.

Không chỉ thế, ngay cả những người sống trong đất nước của mình, cũng rơi vào tình trạng vô gia cư theo nghĩa di dân kiếm việc làm như thế. Họ từ những vùng nông thôn, điều kiện kém phát triển, trở về các thành phố lớn, các khu công nghiệp để bán sức lao động của mình. một cách nào đó, họ cùng chung chia một hoàn cảnh bấp bênh của tình trạng vô gia cư mang đến. Một sự trớ trêu mà xu hướng toàn cầu mang lại là:

Cộng đồng nhân loại bị bẻ nát bởi sự gia tăng bất bình đẳng và các truyền thông đại chúng, nghĩa là những người nghèo chỉ nhìn vào thiên đường giàu có trên Tivi hàng ngày nhưng bị loại ra ngoài. Các ông vua tiền tệ cai trị địa cầu có thể lưu động tiền bạc nơi nào họ muốn, họ không bị ràng buộc vào các lao động của bất cứ nước nào. Nếu lao động trở nên quá đắt đỏ ở Anh, họ có thể di chuyển đến Mêhycô rồi đến Indonesia. Tác giả Bauman viết: “Sự gặp gỡ ngắn ngủi thay thế cho sự dấn thân bền vững. Người ta không đủ kiên nhẫn trồng cây chanh để đợi vắt nước”[4]. Điều này sản sinh ra một sự bấp bênh ghê ghớm. Công nhân không thể tin rằng ngày mai có việc làm. Một vài kinh tế gia mô tả cho chúng ta hình ảnh thế giới hiền hậu, của buôn bán tự do. Nhưng địa cầu lại bị bóp bẹp bởi những rào cản thương mại, thuế quan, phụ thu và những hình thức loại trừ những quốc gia nghèo. Mặt khác lại được liên kết thành mạng lưới lẩn quẩn, rửa tiền, mafia, buôn bán ma tuý, buôn bán phụ nữ, trẻ em mại dâm, thị trường các cơ quan thân thể và thị trường vũ khí[5].

Bên cạnh tình trạng vô gia cư mang ý nghĩa xã hội học trên, toàn cầu hoá đang dẫn dắt cộng đoàn nhân loại đến tình trạng vô gia cư mang ý nghĩa văn hoá. Đó là một sự áp đặt mang tính vô hình của văn hoá phương Tây và ảnh hưởng nhiều nhất là văn hoá Mỹ. Truyền thông đã khai thác hết chức năng của mình nhằm đánh vào thị hiếu của con người. Qua việc tập trung các phương tiện truyền thông, phim ảnh, quảng bá lối sống Tây hoá, Mỹ hoá với nhiều hình thức khác nhau. Với xu hướng toàn cầu hoá ngôn ngữ trong việc sử dụng tiếng Anh, giúp cho con người dễ dàng tiếp cận các sản phẩm văn hoá, ca nhạc, thời trang Paris, nước hoa và mỹ phẩm Pháp, thức ăn nhanh của Mỹ,… đã trở thành món ăn tinh thần và vật chất cho nhiều người ở nhiều quốc gia. Để từ đó xuất hiện những khái niệm như: Chủ nghĩa đa nguyên văn hoá (multiculturalism), Chủ nghĩa liên văn hoá (interculturalism), Chủ nghĩa xuyên văn hoá (crossculturalism)[6]. Con người sống trong một thế giới văn hoá bị bao bọc thường xuyên bởi một nền văn hoá ngoại lai hướng đến hưởng thụ giả tạo như thế, thì con người dễ bị ảo tưởng về giá trị của mình. Đồng thời, họ bị lôi kéo ngày một xa rời với văn hoá gốc, cũng như ngày một cảm thấy xa lạ với ngôn ngữ mẹ đẻ, lịch sử của bản thân và của dân tộc mình. Điều này không xảy ra như nhau giữa các thế hệ trong cùng một xã hội. Vì vậy, có sự rạn nứt văn hoá về quan niệm sống giữa những người không thuộc cùng một thế hệ trong xã hội. Tạo nên một hố ngăn cách giữa người đi trước và người đi sau, giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị ngày một lớn. Điều này cũng đang diễn ra ngay trong cùng một gia đình, mà cha mẹ thế hệ trước rất khó khăn, không muốn nói là không thể nắm bắt được, cách suy nghĩ, lối sống, y phục thời trang, sở thích, ngôn ngữ,… của thế hệ 8X, 9X ! Điều khó khăn này diễn ra một cách tự nhiên và đặc trưng tại các gia đình ở thành phố. Có thể nó đi theo quy luật phát triển của cuộc sống. Thế nhưng, toàn cầu hoá làm cho văn hoá bản địa bị xói mòn là điều thực tế và đáng quan tâm. Bởi, “sự rối loạn văn hoá tinh thần và sự rạn nứt quan niệm giá trị toàn cầu nổ ra cùng một lúc, với hàng loạt các hiện tượng phạm tội xã hội như nghiện hút, buôn bán ma tuý, buôn lậu, tham nhũng, cướp giật, án mạng, kết hợp với sự lan tràn của các loại tà giáo và thế lực xã hội đen, càng làm tăng sự rối ren, đe doạ sự ổn định và an ninh xã hội”[7]. Đây là một xu hướng thuộc địa hoá tinh thần, mà con người khó cưỡng lại, nó hoạt động không như sự vong thân, nhưng là thuốc gây nghiện[8].

Xu hướng toàn cầu hoá đưa con người đến sống trong một thế giới bị xoá nhoà ranh giới, tạo nên sự gắn kết, cùng chia sẻ trách nhiệm và thừa hưởng những giá trị sống của cộng đoàn nhân loại. Nó cũng mang đến những bất ổn khi tạo nên tình trạng vô gia cư trong đời sống cộng đồng. Trong tình trạng trôi dạt ấy, con người dễ đánh mất chính mình, khi chỉ quan tâm đến những gì trước mắt mà không còn để ý đến những giá trị nền tảng cho đời sống. Hay nói cách khác, đời sống con người trong thế giới toàn cầu đang xây dựng nên một nền văn hoá chỉ quan tâm đến hiện tại.

2. Một nền văn hoá chỉ quan tâm đến hiện tại


Con người trong thế giới ngày nay đang loay hoay với vận mệnh của mình, không ai nói trước được rằng, rồi đời mình sẽ đi về đâu ? Ở những thập kỷ cuối của thế kỷ trước, người ta dự tính, phỏng đoán và vẽ ra cho thế giới tương lai một hướng đi mới. Trong đó, khoa học kỹ thuật phát triển đến đỉnh cao và người ta có thể dùng nó để lý giải được mọi vấn đề của cuộc sống con người, từ những vấn đề vật chất đến vấn đề tâm linh, kể cả việc lý giải có thượng đế hay không!

Ngày nay, khoa học kỹ thuật thực sự đã phát triển đến đỉnh cao, nhưng mọi vấn đề của cuộc sống vẫn còn đó, hầu như nó càng phức tạp và bế tắc. Biến cố 11/09 nổ ra ngay chính trên một quốc gia được xem là đỉnh cao của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, là cường quốc của quyền lực kinh tế lẫn chính trị, quân sự. Mọi dự tính của con người cho tương lai bị sụp đổ hoàn toàn. Con người rơi vào một nỗi sợ hãi và hoang mang, cùng với nó là nỗi vô vọng đang lớn dần. Lịch sử nhân loại bị chặn lại, trước niềm hy vọng bị tổn thương, những lời hứa hẹn cho tương lai giờ đây là sự nghèo đói, bệnh tật ở cả một châu lục, Phi châu và những nước thuộc thế giới thứ ba, cùng với bạo lực ngày một lan rộng trên thế giới. Vì vậy, con người hầu như không biết bám víu vào đâu để tồn tại và hy vọng, để rồi họ dửng dưng trước những giá trị cuộc sống.

Mặt khác, một nền văn hoá toàn cầu đang hình thành, đem lại cho con người một cảm giác sống không cần đến quá khứ của dân tộc hay gia đình hoặc bản thân. Điều mà con người ngày nay đang quan tâm là khẳng định mình trong thời gian, không gian của hiện tại. Nó mang đến những điều tích cực cho cuộc sống. Con người không viễn vong mơ mộng ở một cuộc sống nào khác, mà cố gắng xây dựng một cuộc sống ở hiện tại ngày một tốt đẹp, cũng như khẳng định khả năng của mình trong vũ trụ. Thế nhưng, những thành công của con người ở hiện tại sẽ không là tất cả cho cuộc đời của họ. Bởi lẽ, sâu thẳm bên trong con người còn có một điều gì đó thôi thúc họ hướng đến, mà không phải những gì đã đạt được trong hiện tại. Nếu con người chỉ hướng đến những thành công ở hiện tại, thì cũng giống như tình trạng những cây cổ thụ trong những thành phố lớn, cành lá xum xuê, rườm rà mà bộ rễ đã bị chặt đứt bởi những công trình giao thông, chỉ cần một cơn lốc nhẹ, cũng đủ làm bật gốc ! Một đời sống không quan tâm đến quá khứ nền tảng, đến lịch sử là đời sống không có tương lai, nếu có chỉ là một tương lai bị biến dạng, ngoại lai và đánh mất chính mình.

Chính khi con người không còn xây dựng tương lai trên lịch sử của quốc gia, dân tộc, gia đình hay bản thân, thì con người sẽ không quan tâm đến điều đó. Điều này càng chứng tỏ, khi nhìn tổng thể trong mọi vấn đề xã hội hôm nay, từ văn hoá xã hội, môi trường sống và hệ sinh thái, những nguồn tài nguyên không tái sinh,… tất cả đang bị tàn phá và lạm dụng bởi một nền văn hoá hiện tại. Một nền văn hoá chỉ hướng đến tiêu thụ và lợi nhuận kinh tế, đang đẩy con người đến bên bờ vực thẳm.

Một cách sâu xa, đời sống con người có một mối liên hệ mật thiết với thế giới tự nhiên. Thế nhưng, bấy lâu nay con người khai thác tự nhiên không thương tiếc, nhất là khi tình hình dân số thế giới tăng lên, hiện nay suýt soát 6 tỷ người, dự tính đến năm 2030, dân số thế giới là 10 tỷ. Nhưng cho đến nay, diện tích rừng (rừng thưa và rừng khép tán) trên toàn thế giới chỉ chiếm 40% diện tích trái đất. Hàng năm chúng ta mất đi 17 triệu hécta rừng nhiệt đới vì bị tàn phá, theo đà này, rừng nhiệt đới sẽ không còn nữa trong vòng 40-50 năm tới. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên lũ lụt và hạn hán, cộng với tầng Ozôn ngày một mỏng và lỗ hổng ngày càng lớn. Cùng với nó là nguồn nước, nguồn không khí bị ô nhiểm bởi chất thải công nghiệp, chất phóng xạ gây nên hiệu ứng nhà kính, làm cho không khí toàn cầu nóng lên, băng ở Nam – Bắc cực tan nhanh hơn, giải phóng một lượng lớn cacbondioxit vào không khí lại làm cho nhiệt độ không khí càng tăng lên. Người ta ước lượng, đến giữa thế kỷ XXI, nhiệt độ trái đất tăng từ 1,5- 4,5 độ C. Trái đất ngày một nóng lên thì mực nước biển cũng sẽ tăng lên tương ứng và thu hẹp diện tích đất liền[9]. Vì thế, “nhân loại không thể ngồi đợi lòng thương xót của thiên nhiên sau những gì chúng ta đã làm với nó. Sức mạnh của con người rõ ràng đã quay ra chống lại chính mình trên quy mô toàn cầu. Thách thức về sinh thái là không nhỏ, nếu không muốn nói là nguy hiểm hơn và bi kịch hơn so với nững hậu quả của các thách thức về kinh tế và thách thức về chính trị”[10].

Đời sống con người càng đánh mất đi lịch sử của mình để xây dựng một nền văn hoá chỉ quan tâm đến hiện tại, thì càng tăng thêm tình trạng hoài nghi vào cuộc sống. Nó cũng tạo đà cho những bất ổn và bạo lực trong đời sống xã hội.
 

3. Một thế giới chứa đựng chia rẽ và bạo lực


Thế giới hôm nay đang ngày một bất ổn. Trên chương trình thời sự mỗi ngày, hầu như thế giới không thiếu cảnh tàn sát lẫn nhau. Người chết vì súng đạn chiến tranh, kẻ chết vì bạo lực đảng phái, tôn giáo, sắc tộc,…. Tất cả nói lên tình tạng bất ổn của đời sống con người hôm nay. Nhất là sau biến cố 11/09, một ranh giới được thiết lập ngay trong thế giới toàn cầu, một bên là khủng bố và một bên mang danh nghĩa chống khủng bố. Mỗi một bên đều có những mục đích, cách biện minh chính đáng của mình, để thôn tính lẫn nhau, gây nên những hận thù chia rẽ. Vì vậy, nó tạo nên một cảm giác mất an toàn trên toàn thế giới. Người ta sẽ cảm thấy bất ổn trong một môi trường, hoặc giữa những người xa lạ, tạo nên sự phòng vệ và cảnh giác cao độ. Đi xa hơn nữa, chính sự phòng vệ từ cảm giác mất an toàn này, tạo nên một nền văn hoá chỉ huy thế giới. Một sự leo thang trong thu thập thông tin, tình báo, kiểm soát dân di cư, triển khai liên quân chống khủng bố và có khả năng đánh phủ đầu đối phương, nhằm bảo vệ sự an toàn của mình, cho dầu đối phương có thật sự trở nên nguy hiểm cho an ninh thế giới hay không. Và những điều tương tự như vậy, như trừng phạt kinh tế, đóng băng tài khoản,… càng đẩy con người đến tình trạng vi phạm nhân quyền hợp pháp, sự nghèo đói và cả sự phản kháng.

Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng các phương tiện truyền thông, để xuyên tạc, bóp méo sự thật. Chúng ta cũng chưa quên, hình ảnh những người Hồi giáo biểu tình, chống Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, vì bài diễn văn của ngài, hôm thứ ba, ngày 12/09/06, tại Đại học Regensburg, nơi ngài đã từng giảng dạy. Nhưng thực chất bài diễn văn ấy là gì ? Bài diễn văn nói về “Đức tin và lý trí”[11]. Trong đó, Đức Thánh Cha có trích lại câu nói của đại đế Byzantine thuộc thế kỷ XIV, là Manuel II Paleolugus trong cuộc đối thoại với một học giả Hồi giáo Ba Tư. Ngài gọi cách đặt vấn đề của vị đại đế là cách đặt vấn đề “thô bạo” (brusque) và không tán đồng điều đó. Đồng thời, mạch chính bài diễn từ của Đức Thánh Cha không đặt nơi câu nói ấy, mà xuyên suốt bài diễn từ là : Bạo lực không phù hợp với bản tính Thiên Chúa và bản thiện của tâm hồn con người. Ngài cũng nhấn mạnh đến việc đối thoại giữa các dị biệt của các nền văn hoá, bao gồm cả những dị biệt nội tại của văn minh phương Tây[12].

Thế nhưng, qua phương tiện truyền thông, người ta đã bị giật dây bởi chủ đích của những người sử dụng phương tiện này. Thậm chí quốc hội Pakistan đã nhóm phiên bất thường để thông qua một nghị quyết mạnh mẽ chỉ trích Đức Thánh Cha, mà có lẽ chưa hề đọc đến bài diễn từ này ? Đây quả là một sự trớ trêu và buồn cười ! Không chỉ như vậy, báo đài liên tiếp đưa tin, lấy lại những sự kiện ấy, mà cũng không hề tìm hiểu xem vấn đề thực hư thế nào, coi đó là một cách đưa tin khách quan, nhưng đâu biết rằng, điều này đồng nghĩa với sự thiếu hiểu biết, lạm dụng phương tiện truyền thông và là một cách đồng loã với xu hướng bạo lực đang diễn ra trên thế giới. Đây chỉ là một ví dụ cho muôn ngàn sự kiện tương tự đã xảy ra, mà mục đích là tạo nên một kẻ thù hoàn hảo nào đó để có được một cuộc binh biến nhằm nắm quyền chỉ huy. Đây là một khuynh hướng bạo động đáng sợ, gây nên sự bất ổn cho đời sống con người.

Sự chia rẽ và bạo lực của toàn cầu đang ngấm ngầm xâm chiếm sự ổn định của các quốc gia. Không dừng lại ở đấy, nó cũng đang tạo nên sự bất ổn trong từng cộng đoàn nhỏ hơn và ảnh hưởng lên chính từng gia đình. Giáo hội không nằm ngoài điều đó. Nó có thể đẩy Giáo hội đến với nền văn hoá chỉ huy, như một phương pháp quản trị mang quyền lực, nhằm giữ vững sự ổn định vốn có. Một cách nào đó, cộng đoàn chia sẻ huynh đệ mang tính phụng vụ trở thành một cộng đoàn mang tính điều hành như những công ty, nếu chúng ta không lưu tâm đến. Quả là một thách đố mà cuộc sống ngày hôm nay mang lại.

Đối diện với một thế giới đầy biến động và bất trắc như vậy, liệu chúng ta làm được gì và đâu là dấu chỉ cho thế giới hôm nay ?
 

4. Đâu là dấu chỉ cho thế giới hôm nay ?


Hơn bao giờ hết, chúng ta đang sống trong một thời đại mà đời sống chúng ta phải là những chứng tá cho niềm hy vọng, đúng như lời Đức Gioan Phaolô II đã từng nói đến trong Tông huấn “Giáo hội tại Á châu” (1999): “Chứng tá Kitô hữu đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn các thầy dạy” (số 42). Ở mỗi thời đại, đòi hỏi về những chứng tá khác nhau. Ngày hôm nay xem ra vấn đề tử đạo như thời cha ông chúng ta không còn nữa, thay vào đó là một đời sống chứng tá liên lỉ mỗi ngày qua việc sống đạo. Người Kitô hữu làm chứng cho niềm tin, niềm hy vọng vào Chúa Kitô phục sinh bằng đời sống dấn thân vào thế giới đầy biến động này.

Cũng trong chiều hướng ấy, khi dấn thân vào một thế giới đang khủng hoảng về tình trạng vô gia cư trong cả hai nghĩa, càng làm cho người Kitô hữu ý thức hơn về việc thờ phượng. Việc phụng thờ Thiên Chúa không còn khu biệt nơi gia đình mình, nơi giáo xứ,… mà bắt buộc phải mở ra, chấp nhận một khủng hoảng ở mặt nào đó theo truyền thống, để việc phụng thờ Thiên Chúa được thực hiện bên vệ đường, như người Samaria nhân lành đã chăm sóc người bị thương, khi người ấy rơi vào tay bọn cướp. Đây cũng là một cơ hội để mọi Kitô hữu ở mọi bậc sống thoát ra khỏi ốc đảo của chính mình hướng đến một cuộc đối thoại mới, mà bấy lâu nay đã vô tình khu biệt và bắt Thiên Chúa phải ở trong một khoảng không gian ấy. Bởi chúng ta phải biết rằng:[13]

Kitô giáo giải phóng chúng ta khỏi tôn giáo của những thánh địa, tiến vào đời sống của Chúa Ba Ngôi. “Thiên Chúa hiện diện mọi nơi và không bị hạn chế bởi không gian”[14]. Không gian vô hạn gần giống như sự làm tròn lời hứa Kitô giáo. Maragaret Wertheim viết rằng: “Các tín hữu đầu tiên loan truyền thiên đàng là một vương quốc, trong đó linh hồn con người sẽ được giải phóng khỏi các yếu đuối và sa ngã xác thịt, thì ngày nay quan niệm phổ biến về một không gian bao la là thiên giới nơi bản thân sẽ được giải thoát khỏi hạn chế vật lý[15].

Việc ra khỏi chính mình, hướng đến một không gian rộng lớn hơn, đến với những cuộc đối thoại không cùng quan điểm, niềm tin tôn giáo, hoặc khác nhau về phong tục tập quán, ngôn ngữ, văn hoá. Có thể có những căng thẳng xảy ra khi bất đồng ý kiến trong những cuộc đối thoại, điều quan trọng là tìm ra được một thứ ngôn ngữ chung, không phải một thứ ngôn ngữ của văn hoá chỉ huy, mà con người có thể cảm thông, chia sẻ và hiểu nhau hơn khi cùng nhận ra những điểm tương đồng.

Mặt khác, niềm hy vọng ấy được diễn tả bằng chính đời sống thánh hiến của những người dấn thân cho nước Chúa. Qua các lời khuyên phúc âm được diễn tả một cách cụ thể và chân thực, những người thánh hiến này là “dấu chỉ và chứng từ cho vận mệnh đích thực của thế giới”[16]. Đó là diễn tả một đức ái trọn hảo bằng chính đời sống của mình qua việc mến Chúa và đến với tha nhân. Thờ phượng Thiên Chúa đích thực là một cách thế đến sống với tha nhân, đến với những người bệnh tật, nghèo đói và nói lên tiếng nói của họ trong một thế giới mà họ đang bị bỏ rơi. Đây là một thách đố rất lớn cho những ai sống theo lý tưởng này. Nhưng, “đời tu là dấu chỉ của quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần, Đấng tuôn đổ trên mọi linh hồn những ân huệ của Tình yêu vĩnh cửu, thực hiện nơi linh hồn những việc lạ lùng của công trình cứu chuộc và thúc đẩy con người đến sự đáp trả cao nhất bằng đức tin và sự vâng phục trong tình yêu con thảo”[17].

Tạm kết


Để kết thúc bài viết cũng cần để nói lên rằng, xu hướng toàn cầu hoá không phải là một “nạn dịch” cần xa tránh. Nhưng ngược lại, xu hướng toàn cầu đã đem lại cho nền văn minh con người những bước tiến thật xa và đạt những thành công to lớn trên mọi lĩnh vực khoa học và đời sống. Nhưng điều gì cũng có mặt trái và mặt phải của nó, nếu chúng ta thiên lệch, sẽ dễ dàng trở nên cực đoan trước những thay đổi và xu hướng của thời đại.

Thế nhưng, cũng phải công nhận rằng, thế giới hôm nay còn rất nhiều bất công, nghèo đói và bệnh tật, ranh giới giữa giàu – nghèo ngày một phân biệt rõ rệt. Tuy người nghèo đói, bệnh tật ngày hôm nay đã được quan tâm phần nào nhờ những tổ chức nhân đạo, nhưng họ vẫn còn sống trong một hoàn cảnh hết sức bi đát, với một niềm hy vọng mong manh. Chúng ta nhìn vào lục địa đen, chúng ta sẽ nhận ra sự bất công mà thế giới đã mang lại cho họ. Mà người phải gánh vác trách nhiệm này, phải là những nước phương Tây, họ đến với một lục địa đầy kim cương để rồi ra đi để lại một sự cằn cổi, xơ xác và nghèo đói. Thay vì quan tâm đến sự nghèo đói mà những đất nước này đang gánh chịu, thì nền văn hoá chỉ huy lại hướng sự chú ý của cộng đồng nhân loại đến việc chống khủng bố, để đảy nhanh đến việc chế tạo và buôn bán vũ khí giết người. Nền văn hoá này còn đẩy con người đến với những bất đồng, chia rẽ tạo nên bạo động, mất an toàn trên toàn thế giới.

Đứng trước cuộc sống hôm nay, con người được mời gọi phải tiếp tục hy vọng và làm một điều gì đó cho cuộc sống. Thay vì lo sợ trước sự nghèo đói, bệnh tật, cũng như tình trạng bạo động đang leo thang, chúng ta hãy trở nên là những dấu chỉ cho niềm hy vọng của thế giới, ngay trong chính môi trường sống của mình. Trước khi kết thúc, xin được lấy lại những lời chia sẻ của Đức Cố Gioan Phaolô II, tại Hội Nghị của các Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ của Cộng Đồng Chung Châu Âu:

Dẫu đến bây giờ đã có nhiều sáng kiến hoà bình bất thành, vẫn phải tiếp tục hy vọng. Việc đối thoại ở một mức độ – kinh tế, chính trị, văn hoá, tôn giáo – sẽ mang lại kết quả. Sự tin tưởng của người tín hữu, không chỉ đặt trên sức mạnh loài người, nhưng còn trên Thiên Chúa quyền năng và nhân từ. Ngài là ánh sáng chiếu soi mỗi người. Mọi tín hữu đều biết rằng hoà bình là ân huệ của Thiên Chúa và có nơi Ngài nguồn mạch đích thực. Chỉ Ngài mới có thể ban cho chúng ta sức mạnh để đối đầu với những khó khăn và kiên trì trong hy vọng rằng, điều thiện ích sẽ chiến thắng (số 5)[18].

Tài liệu tham khảo

  1. Battistina Capalbo sưu tầm, Gia đình trong trái tim và trong vai trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II, Lm. Augustinnô Nguyễn Văn Dụ chuyển ngữ, Toà Tổng Giám Mục tp. Hồ Chí Minh, AD 2006,
  2. Nhiều tác giả, Góp phần nhận thức thế giới đương đại, Nxb. ST, 2003,
  3. Nhiều tác giả, Những mảng tối của toàn cầu hoá, Nxb. ST, 2003.
  4. Những văn kiện đời tu, Theo Chúa Kitô, Tập hai, Học viện Đa Minh 2006.
  5. Tymothy Raflic, OP., Đời sống tu trì sau ngày 11/09, Bản dịch của Lm. Tomas Trần Ngọc Tuý, OP.

[1] Xc. Bài viết của Lm. Tymothy Radcliffe, OP. nguyên Bề trên Tổng quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Đời sống tu trì sau ngày 11/09, Bản dịch của Lm. Tomas Trần Ngọc Tuý, OP.
[2] Xc. Bài viết của Gs, Ts. Nguyễn Trọng Chuẩn, “Những thách thức của toàn cầu hoá hay là sự đối mặt của nhân loại trong các vấn đề toàn cầu” trong Góp phần nhận thức thế giới đương đại, Nxb. ST, 2003, tr. 366.
[3] Zygmunt Bauman, Globalization; The Human Consequences, London 1998, p. 77, trích lại Timothy Radcliffe, OP, Đời sống tu trì sau ngày 11/09.
[4] Liquid Modernity Cambridge 2000, p. 122.
[5] Tymothy Radcliffe, OP. Tài liệu đã dẫn.
[6] Nguyễn Trọng Chuẩn, Sđd…, tr. 371.
[7] Nhiều tác giả, Góp phần nhận thức thế giới đương đại, Nxb. ST, 2003, tr. 372.
[8] In ed. H.Regan and A.Torrance, Christ and Context, Edinburgh 1993, p.212, quoted by T. J Gorringe, op. cit, p. 85.
[9] Xc. Gs. Trần Nhâm, “Về cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu – mối hiểm hoạ của thế kỷ XXI” trong Góp phần nhận thức thế giới đương đại, Nxb. ST, 2003, tr. 379.
[10] Nhiều tác giả, Góp phần nhận thức thế giới đương đại, Nxb. ST, 2003, tr. 393.
[11] Xc. Bản tiếng Anh do Libreria Editrice Vaticana của Toà Thánh công bố. Đây là bản văn mà ĐTC đọc trước các giáo sư và các nhà khoa học, tại Đại học Regensburg, Đức.
[12] Xc. Nhận định của ĐHY George Pell về diễn từ của ĐTC tại Regensburg, Và bản dịch Việt ngữ bài diễn từ của ĐTC của Đặng Minh An: “Đức tin, Lý trí và Đại học: Ký ức và Suy tư”, theo VietCatholic.
[13] Tymothy Radcliffe, OP. Tài liệu đã dẫn
[14] Allan de Lille. Quoted by St. Bonaventure, in The Soul’s Journey into god, trans. Ewart Cousins, New York, 1978, p. 100, c.f. William Cavanagh ‘The city: Beyond secular parodies’ in Radical Orthodox 7, ed. J.Millbank, Catherine Pickstock and Graham Ward, London 1999, p. 200.
[15] Quoted Bauman, Globalization, p. 19.
[16] Những văn kiện đời tu, Theo Chúa Kitô, Tập hai, Học viện Đa Minh 2006, Xc. Đời thánh hiến dấu chỉ và chứng từ của nước Đức Kitô, số 4, tr.75.
[17] Những văn kiện đời tu, Sđd, số 3, tr.74.
[18] Trích lại trong Gia đình trong trái tim và trong vai trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II, Lm. Augustinnô Nguyễn Văn Dụ chuyển ngữ, Toà Tổng Giám Mục tp. Hồ Chí Minh, AD 2006, tr. 471.