Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

VUI BUỒN ĐỜI LINH MỤC HÔM NAY

Thời sự Thần học – Số 2 (tháng 6/2009), tr. 93-110

_Timothy Radcliffe, O.P._

Bài thuyết trình của cha Timothy Radcliffe, O.P. tại Hội Nghị Các Linh Mục Toàn Quốc tại trường Trung học Digby Stuart, Roehampton, Anh Quốc, ngày 17.9.2002.
Học viện Đa Minh chuyển ngữ.


“Xin cho niềm vui của anh em nên trọn” (Ga 16,24)


Tôi xin nói về niềm vui và nỗi buồn của đời linh mục hôm nay. Lúc gặp Hội Đồng phụ trách Hội Nghị Các Linh Mục Toàn Quốc để hỏi xem tôi sẽ đóng góp với Hội Nghị này như thế nào, tôi được nói cho biết rằng nhiều linh mục tại Anh Quốc và xứ Wales hiện đang rơi vào tình trạng buồn phiền và chán nản. Tình trạng chán nản như thế lan rộng tới đâu tôi không được biết lắm. Nhưng thiết nghĩ, hiện nay có bao nhiêu linh mục chán nản, thì cũng có bấy nhiêu lý do chính đáng giải thích cho biết tại sao lại ra như thế. Chẳng hạn như ơn gọi giảm sút, thiếu căn tính linh mục rõ nét, mất lòng trọng kính đối với ơn kêu gọi, những vụ tai tiếng lạm dụng tình dục, nhiều giáo xứ không còn thấy xuất hiện những người trẻ nữa, sự bất đồng quan điểm đối với một số phát biểu từ phía Hội Thánh và còn nữa... Vì thế, tôi mong được xem xét một số trong những vấn đề trên, và xem chúng ta có thể đối diện với những vấn đề ấy như thế nào mà vẫn không cảm thấy nản lòng rối trí.

Đây là điều quan trọng bởi vì có một sự mâu thuẫn sâu xa giữa chức linh mục với tâm trạng chán chường. Anh có thể là một giám đốc ngân hàng hay một anh tài xế taxi tốt nhưng lại chán chường, hoặc anh có thể là một kế toán viên hay một luật sư ưu sầu nhưng lại thật hiệu quả. Thế nhưng không thể nào là một người giảng thuyết Tin Mừng mà lại cứ chìm sâu trong u sầu chán nản được. Vì như thế là vô nghĩa. Chúng ta chỉ có thể là những người đem Tin Mừng khả tín, nếu căn bản, để không muốn nói là luôn luôn, chúng ta là những người vui tươi. Tôi không có ý nói đến kiểu vui của những tràng vỗ tay, của ồn ào náo nhiệt, kiểu đi vòng vòng vỗ vai người này vỗ lưng người nọ mà bảo với họ rằng: hãy vui lên, bởi vì Đức Giêsu yêu thương bạn đấy. Kiểu vui như thế tôi thấy chán vô cùng. Nhưng có một niềm vui sâu xa thuộc về ơn gọi linh mục của chúng ta. Niềm vui này được nối kết chặt chẽ với nỗi buồn và thậm chí với cả những cơn nóng giận nữa. Ơn gọi của chúng ta qui tụ chúng ta lại để chia sẻ không phải chỉ có cuộc thương khó của Đức Kitô mà thôi đâu, nhưng còn cả những đam mê của Người, niềm vui nỗi buồn và cơn nóng giận của Người nữa. Đấy là những nỗi đam mê của những ai đang sống với Tin Mừng. Cho nên tôi mong được nhìn vào một số vấn đề có thể thực sự đã khiến chúng ta cảm thấy chán nản, để xem chúng ta có thể phải đối diện với những vấn đề ấy với vui buồn và cả giận dữ hơn là để cho mình ra bạc nhược vì nản lòng rối trí như thế nào.

Trước hết, tôi xin khởi đầu bằng việc nhìn vào căn tính của linh mục, rồi xem khi sống được căn tính ấy với cộng đoàn địa phương thì gặp những thách đố nào. Rồi ngày mai, tôi sẽ trình bày một số vấn đề có thể làm cho chúng ta chán nản khi chúng ta tương quan với Hội Thánh ở một mức độ rộng lớn hơn: đó là vai trò của chúng ta trong việc công bố giáo huấn của Hội Thánh, những vụ tai tiếng báo chí đang làm rùm beng khắp nơi, và vân vân ...

Tôi biết rõ mình chẳng phải là người lý tưởng để làm công việc này. Mười năm qua, tôi sống ngoài Anh Quốc, cho nên tôi chưa bắt nhịp được nhiều với Hội Thánh ở đây. Tôi lại là một linh mục thuộc một Dòng tu, cho nên dù chúng ta có phải đối diện với những thách đố như nhau, nhưng đôi khi chúng ta lại có những phản ứng rất khác nhau. Nhưng tôi lại tự an ủi khi nghĩ đến một người anh em của tôi có lần thuyết trình ở Hoa Kỳ. Anh kết thúc bài thuyết trình với tiếng vỗ tay khá ư là nhạt nhẽo. Anh về chỗ ngồi và ghé qua hỏi người bên cạnh: “Bài không đến nỗi tồi chứ?” Ông kia trả lời: “Đừng lo. Tôi không trách anh đâu. Có trách là trách người đã mời anh nói thôi”.

Căn tính của linh mục


Trong tác phẩm “Gương Mặt Đổi Thay của Chức Linh Mục”, Donald Cozzens có viết: “Tận sâu thẳm cuộc khủng hoảng tâm hồn của linh mục, chính là việc đi tìm căn tính mở ra của mình là một người tôi tớ được phong chức của Đức Giêsu Kitô. Vấn đề căn tính của linh mục này có nguồn gốc sâu xa từ trong tâm hồn của linh mục”. Trong khi một số linh mục từ chối quan tâm đến căn tính linh mục của mình, thì nhiều linh mục khác lại để cho vấn đề treo lơ lửng trên đầu như đám mây báo bão, tước đoạt mất lòng tin tưởng phó thác họ vốn đã có lần tha thiết, và rồi đẩy họ vào tình trạng hoang mang và trở nên khép kín trong một số hoàn cảnh nào đó của giáo xứ.

Chúng ta ai cũng biết, trước Công Đồng Vaticanô II, người linh mục có một căn tính rõ rệt. Linh mục khi ấy là một khuôn mặt thánh thiêng đáng kính, có đẳng cấp xã hội và được kính trọng chỉ vì được phong bảy chức thánh. Linh mục hồi ấy là quý giá vì linh mục cử hành Thánh Lễ và thánh hoá bánh và rượu thành Mình và Máu của Chúa, cho dù linh mục ấy có là cha xứ và nhà giảng thuyết đáng sợ đi chăng nữa. Căn tính ấy được Công Đồng đưa ra đặt vấn đề. Thế là đã có việc khám phá lại chức linh mục chung của toàn thể Dân Thiên Chúa, khám phá lại ơn gọi nên thánh Thiên Chúa dành cho mọi người, và khám phá lại hôn nhân là một ơn gọi linh thánh. Chức linh mục nay tiên vàn được coi là việc phục vụ và lãnh đạo. Hầu hết các linh mục đã và còn đang rất nhiệt tình với căn tính mới mẻ này. Ít là trên lý thuyết, điều này đã giải phóng chúng ta khỏi thứ chủ nghĩa giáo sĩ ngột ngạt, và đem lại cho chúng ta một căn tính giống Chúa Kitô và có tính cách Tin Mừng nhiều hơn.

Vậy bây giờ vấn đề là gì? Tại sao hơn ba mươi năm sau Công đồng lại có quá nhiều linh mục cảm thấy bất an và không rõ mình là ai như thế? Tôi có thể nêu lên ít là bốn lý do.

Ý tưởng coi linh mục như là người tôi tớ và người lãnh đạo thật là đẹp, nhưng từ ngữ như thế có khuynh hướng dẫn đến những cách nghĩ cách hiểu ngược lại. Tôi tớ thì thường không được cho là có nhiệm vụ lãnh đạo, kiểu mấy anh quản gia hống hách. Đến đây tôi nhớ những anh chàng hầu bàn người Pháp, quyền uy đầy mình, cố nói cho bạn biết nên gọi món gì trong thực đơn. Cũng nhớ đến vị giám mục Ái nhĩ lan đã tuyên bố trong dịp lễ tấn phong giám mục của ngài rằng: ngài sẽ phục vụ giáo phận của mình bằng roi sắt.

Hình ảnh người linh mục trong thần học hiện đại lại quá lý tưởng đến nỗi chẳng ai trong chúng ta có thể thực hiện được. Khi chuẩn bị cho bài nói chuyện này, tôi đã đọc rất nhiều và bỗng kinh hoàng khi khám phá thấy mình từng là một nhà giảng thuyết kỳ tài, một người quản trị có năng lực, một bậc kỳ tài về sáng tạo phụng vụ, một người biết kiên nhẫn lắng nghe, một con người lãnh đạo đầy hứng khởi, một guru (tiếng Phạn: người hướng dẫn tâm linh), tử tế với cả người trẻ lẫn người già. Thế là, tôi bỗng chán nản quá sức, và cho mình là một linh mục tồi, đệ đơn xin hồi tục thì hơn. Suýt nữa anh em làm hỏng tôi đấy!

Thần học về phục vụ có khuynh hướng chú mục vào vấn đề linh mục làm những việc gì hơn là linh mục là ai. Điều này dẫn đến một cái nhìn thực dụng về chức linh mục. Muốn là một linh mục tốt, ta phải làm việc không ngơi nghỉ và lại còn phải làm cho có hiệu năng nữa. Thế nhưng trong cái thế giới tục hóa này, cùng với việc sống đạo đang bị giảm thiểu, các linh mục thường sẽ khám phá thấy rằng chúng mình thành công ít lắm, và như thế ắt phải có nhiều thất bại.

Ngày nay khái niệm thừa tác vụ được mở rộng mênh mông. Ở Hoa Kỳ, 80% thừa tác viên trong Hội Thánh là giáo dân, và 80% những người giáo dân này lại là phụ nữ. Điều này sinh ra hai hậu quả. Một là linh mục cảm thấy mình ít đặc biệt hơn. Như vậy thì mọi hy sinh sống đời độc thân và nỗ lực vất vả chẳng lẽ lại chỉ đáng để được kể vào một trong số những thừa tác viên kia hay sao, trong khi phần lớn những thừa tác viên ấy đều có đủ mọi điều thú vị của đời sống hôn nhân? Hai là, chức linh mục là điểm nhắm của biết bao khiêu khích tấn công từ phía những người cảm thấy bị loại ra khỏi chức ấy, chẳng hạn những người nam người nữ đã lập gia đình. Cho nên linh mục xét như là một thừa tác viên có thể cảm thấy mình vừa mất giá lại vừa bị ganh tỵ. Trường hợp sau là một trong những tình huống tệ hại nhất – “Sao ông dám loại tôi ra khỏi vai trò đúng ra chẳng mấy quan trọng mà ông đang giữ ?”

Vì thế, thật khó mà hiểu một số linh mục, thường là những vị trẻ tuổi, cứ bị cuốn hút trở về những ngày êm đềm xa xưa, hồi linh mục còn là một khuôn mặt đáng kính, với đôi bàn tay thiêng thánh. Những vị linh mục khác thì lại sợ điều ấy, coi như trở về với một thứ ưu tuyển giáo sĩ, và cảm thấy thích thú với một nền thần học về phục vụ. Nhưng cũng có một số vị nhìn nhận rằng mình cũng chẳng dám chắc mình là ai và là một vị linh mục ngày hôm nay có ý nghĩa gì. Có chăng một lối đi ở phía trước?

Tôi tin rằng có và lối đi ấy được tìm thấy trong thư gửi các tín hữu Híp-ri. Đây là bản văn duy nhất trong Tân Ước triển khai một thần học về chức linh mục. Trong thư này, chúng ta thấy một nhãn quan về Đức Kitô Thượng Tế. Người là một khuôn mặt thiêng thánh đang cử hành phụng tự thiên quốc. Nhưng mà sự thánh thiện của Người không làm cho Người tách biệt ra khỏi những người khác, trái lại còn đưa Người đến với chúng ta. Điều này cho chúng ta một cái nhìn sâu xa về chức linh mục. Ở đây, tôi không có đủ thời gian để khai triển điểm này. Tuy nhiên, có thể nói cái nhìn như thế đưa chúng ta vượt khỏi sự phân biệt thành hai cực: một bên là những người coi chức linh mục như là việc phục vụ, với một bên kia là những người luyến tiếc chức linh mục xét như là một hình ảnh thánh thiêng.

Theo Cựu Ước, sự thánh thiện bao hàm sự tách biệt của thầy tư tế khỏi tất cả những gì là ô uế và bất toàn. Thượng tế không được đến gần xác chết. Và nếu như anh muốn không cho đối thủ của mình làm thượng tế, thì anh chỉ việc nhẹ nhàng tiến đến và cắn đứt tai của người ấy, thế là xong! Thế nhưng, trong thư gửi tín hữu Híp-ri, chúng ta lại thấy cái nhìn về sự thánh thiện trên đi lộn đầu xuống đất. Sự thánh thiện của Đức Kitô được biểu lộ trong việc Người ôm ấp tất cả chúng ta, trong tất cả những gì là bất toàn tội lỗi của chúng ta. Sự thánh thiện của Người được giãi bày không phải do khoảng cách đối với chúng ta, nhưng do sự gần gũi chúng ta. Và đỉnh cao của thừa tác vụ thánh thiêng của Người chính là khi Người ôm trọn lấy cái chết, vốn là cái ô uế nhất, và trở thành cái gọi là thây ma. Vì thế, Đức Giêsu cũng đã chịu đau khổ bên ngoài cổng thành để thánh hóa dân chúng bằng máu của Người. “Vì thế, chúng ta hãy ra khỏi trại mà đến với Người, cam lòng gánh vác nỗi khổ nhục Người đã chịu” (Hr 13,12).

Tuy các sách Tin Mừng không khi nào nói trực tiếp Đức Kitô là linh mục nhưng chúng ta vẫn thấy cùng một thần học về sự thánh thiện. Người đã ôm lấy vào lòng những kẻ không ai dám đụng chạm, tức là những người mắc bệnh phong. Người ăn uống với những người tội lỗi. Người là con chiên chịu sát tế trên bàn thờ thập giá. Cho nên toàn Dân Thiên Chúa là thánh và là dân tư tế. Vì dân ấy là hiện thân của vòng tay Đức Kitô ôm ấp tất cả chúng ta với những cuộc đời nhiều tạp hổ đốn, với những yếu đuối và thất bại của chúng ta. Và bí tích của sự thánh thiện ấy chính là Thánh Thể. Nơi đó Đức Kitô tặng ban thân mình Người cho tất cả chúng ta, gồm cả những môn đệ đã phản bội và chối từ Người nữa. Sự thánh thiện của Hội Thánh được biểu lộ trong việc Hội Thánh gồm cả những con người tội lỗi, chứ không loại họ ra ngoài. James Joyce nói về Hội Thánh như thế này: “Nơi đây, ai cũng đến được”. Hội Thánh cũng cống hiến cho chúng ta là những thừa tác viên có chức thánh một nhãn quan mới về chức linh mục của chúng ta, vừa hoàn toàn thoát khỏi chủ nghĩa ưu tuyển giáo sĩ, vừa được đặt trái lại thiên chức linh mục của chúng ta sẽ được đặt nền tảng trên sự gần gũi thân tình và hoà nhập với con người trong những đấu tranh và những thất bại của họ.

Xin cho tôi được xưng tội. Lúc tôi sắp chịu chức linh mục, tôi bỗng đâm ra nghi ngờ kinh khủng, không biết mình thực sự có ơn gọi làm linh mục hay không. Tôi vẫn cảm thấy vô cùng dị ứng với chủ nghĩa giáo sĩ, cũng như bất kỳ dấu hiệu nào tỏ ra linh mục là hơn hẳn những người khác. Tôi sợ thói giả hình trong đó, vì biết mình cũng chẳng hơn gì ai cả. Tôi chỉ chấp nhận chịu chức linh mục vì vâng lời anh em của tôi. Từ đó tôi mới hiểu được những giọt lệ của thánh Âu Tinh khi người được thụ phong linh mục. Những người theo phái hoài nghi thì cho rằng sở dĩ thánh nhân khóc là vì không được làm giám mục, thế nhưng thực ra là vì người chẳng ao ước làm linh mục một chút nào. Sau khi thụ phong linh mục, tôi rùng mình khi trông thấy cha xứ của cha mẹ tôi đang tiến về phía tôi. Chuyện là thế này, chỉ trước đó hai năm thôi, người đã bảo tôi bỏ “mấy ông Đa Minh lạc giáo ấy đi” vì phần rỗi linh hồn của tôi. Ấy thế mà bây giờ, người lại quì xuống trước mặt tôi để xin phép lành từ đôi bàn tay linh thánh của tôi. Tôi đã biến khỏi phòng tiếp tân, về phòng của mình, để tìm lại sự bình thản. Tôi chỉ trở lại nơi ấy bởi vì có một người anh em người Đức cứ lẽo đẽo theo tôi lên cầu thang để cố nói cho tôi về Heidegger! Chuyện này xem ra còn tệ hơn nhiều.

Sau cùng, tôi bắt đầu cảm thấy yêu mến chức linh mục của mình khi ngồi tòa giải tội. Chính ở nơi đây, tôi đã khám phá thấy rằng việc thụ phong đưa chúng ta đến chỗ gần gũi con người đúng vào lúc họ cảm thấy họ xa Thiên Chúa nhất. Chúng ta là một với họ, ở bên cạnh họ, khi chúng ta cùng nhau đối diện với tính mong manh, thất bại và tội lỗi của kiếp người, chúng ta cũng như họ. Nỗi lo về chủ nghĩa giáo sĩ không phải vì nó làm cho người linh mục thành một khuôn mặt thánh thiêng, cho bằng nhận thức về thánh thiêng của nó xuất phát từ Cựu Ước hơn là từ Tân Ước.

Một trong những dịp thiêng thánh nhất tôi được tham dự chính là lễ an táng của một người tên là Benedict. Khoảng hai mươi lăm năm trước đây, tôi xức dầu cho anh ngay trước khi anh qua đời vì căn bệnh AIDS. Và lời trăn trối sau cùng là anh muốn tôi dâng Thánh lễ tại vương cung thánh đường Westminster và sau đó đưa anh đi an táng. Bấy giờ việc ấy cần dàn xếp một chút! Trong lễ an táng, quan tài được đặt ngay giữa thánh đường, bạn bè của anh vây xung quanh, nhiều người trong số các bạn anh cũng mang bệnh AIDS. Tại đây, ở ngay trung tâm biểu tượng của đời sống Công Giáo tại Anh quốc, chính là thân thể của một người, tượng trưng cho nhiều sự loại trừ khác, như mắc bệnh AIDS, hay đồng tính luyến ái và chết. Chính vào giờ phút ấy, chúng ta có thể thấy sự thánh thiện chói ngời của Thiên Chúa hiển linh.

Cái nhìn về chức linh mục này chủ yếu có tính cách truyền giáo, vươn ra bên ngoài. Thế có nghĩa là phục vụ cộng đoàn Kitô giáo không thể là thừa tác vụ của các linh mục để rồi loại trừ mọi thừa tác vụ khác. Tuy nhiên, số linh mục càng giảm sút, thì giáo phận càng phải tìm cách giải phóng một số người trong chúng ta để dành cho các hình thức vươn rộng ra bên ngoài khác, sao cho những người không bao giờ đến gần một Nhà Thờ có thể được đụng chạm tới và được tiếp đón. Và khi thừa tác vụ của ai là chăm lo cho một giáo xứ, thì cộng đoàn giáo xứ ấy phải là một cộng đoàn truyền giáo theo một nghĩa nào đó, phải được hướng ra bên ngoài giáo xứ của mình.

Sự thánh thiện của chức linh mục đây không có nghĩa là nhất thiết chúng ta phải có một đời sống luân lý trổi vượt hơn bất cứ ai khác. Đây là điều đối chọi với người chủ trương ưu tuyển. Điều đó diễn tả tính cách vươn xa chấp nhận tai tiếng của Thiên Chúa khi Người đến với những con người đang ở bên bờ vực thẳm. Việc này hàm xúc một sự trục trặc nào đó về mặt xã hội đối với các linh mục thừa tác. Chúng ta không có một vị trí nào rõ rệt trong đẳng cấp xã hội cả. Chúng ta là những con người khó xếp loại, sống chung trong nhà, bình đẳng với nhau, dù là các công tước hay là phu quét rác cũng thế. Chúng ta phải là hiện thân cho một tính cách bao gồm mà xã hội chúng ta hiện nay không thể thấu hiểu trọn vẹn được. Tính cách bao gồm này qui tụ mọi người trong xã hội, chẳng kể ở bên trong hay ở bên lề xã hội. Đức hồng y Daniélou đã gục chết ngay trên cầu thang khi người trên đường đến thăm một cô gái điếm. Bấy giờ tôi đang là sinh viên ở Paris. Báo chí thổi phồng sự việc, nói cạnh nói khoé đủ điều. Nhưng theo tôi nhận xét, người vừa là một con người thánh thiện vừa là một linh mục tốt lành. Trên đường, đó là chỗ tuyệt đẹp để một vị Hồng y chết.

Có khi chúng ta ăn mặc theo một kiểu cách khá kỳ quặc mà vẫn cho là phù hợp, và thỉnh thoảng có khi chúng ta mặc váy đầm khi những người đàn ông khác đã bỏ đi từ năm trăm năm rồi. Nói điều ấy ngụ ý là chúng ta cũng cần ngồi nghiêng về phía những cơ cấu bình thường. Nói điều này, tôi nhớ đến một người anh em người Mỹ của chúng tôi. Cũng như nhiều người Mỹ gốc Ái nhĩ lan khác, tên thánh của anh có kèm theo danh của Đức Mẹ. Anh oang oang trong phòng chung về các linh mục ngày nay, về mọi người lập dị, về những người đồng tính luyến ái, và Chúa biết còn điều gì nữa. Thế rồi có một người anh em hỏi anh: “Này, thế tên của anh là Mary và anh lại đang mặc váy trắng đó. Vậy cái gì làm cho anh nghĩ rằng anh là bìnhh thường”.

Đây là một chiều kích cần phải đưa vào trong cuộc bàn luận của chúng ta về vấn đề linh mục có được lập gia đình hay không. Tôi cho rằng các lý lẽ bênh vực việc giáo sĩ lập gia đình đang là cực kỳ mạnh mẽ, nếu không muốn nói là khó có thể chống lại được. Nhưng có lẽ điều tôi tiếc nhất chính là một linh mục lập gia đình có thể là thành phần của hệ thống xã hội rõ hơn. Có thể có một áp lực khiến linh mục ấy phải có một lối sống rõ rệt xếp mình vào một chỗ nào đó trong cấp bậc xã hội, vì nền giáo dục con cái của linh mục ấy đang theo, và nơi mà chúng đến vào ngày nghỉ hoặc những ngày khác. Có thể sẽ khó hơn cho vị linh mục ấy khi phải làm hiện thân cho tính cách bao gồm của Nước Trời. Đây không phải là lập luận quyết định nhằm duy trì đời sống độc thân, nhưng cần được ghi nhớ. Vậy liệu cái nhìn như thế về chức linh mục có đóng góp gì cho việc tranh luận về việc cho phụ nữ làm linh mục hay không? Nếu như tôi có lạc đề, thì tôi chỉ có ý nói rằng tôi được yêu cầu nói về đề tài những người đàn ông đang chán nản vì lẽ họ là linh mục, chứ không phải đề tài những người phụ nữ chán nản vì lẽ họ không phải là linh mục!

Tôi đang nói rằng linh mục thừa tác được mời gọi để là hiện thân ngay trong cuộc đời của mình và là tầm tay với rộng của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại đang tản mác. Điều này làm cho người ta vượt qua được cái nhìn chia cắt giữa những người coi chức linh mục là thể hiện cái là, với những người coi chức linh mục là thể hiện cái làm. Mọi việc chúng ta làm với tư cách là linh mục thừa tác phải diễn tả và trở thành hiện thân cho sự thánh thiện của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô, biến đổi người bên ngoài thành người bên trong, sự chết thành sự sống, và buồn phiền thành phấn khởi vui tươi.

Thế thì một linh mục phải sống ơn gọi này như thế nào đặc biệt trước những cuộc khủng hoảng của Hội Thánh và của xã hội? Hôm nay tôi xin tập trung chú ý vào một số thách đố mà chúng ta đang đối diện khi sống vai trò này trong tương quan với cộng đoàn địa phương. Còn ngày mai tôi sẽ nói đến chuyện chúng ta sống vai trò này thế nào trong tinh thần liên đới với Hội Thánh rộng lớn hơn, với tất cả những khủng hoảng Hội Thánh lúc này đang phải trải qua.

Vào lúc chấm dứt chiến tranh, anh Michael Hollings cảm thấy mình được ơn gọi làm linh mục. Thế là anh đến gặp linh mục tuyên úy trung đoàn của anh ngày trước. Cha thuộc Dòng Biển Đức. Cha tuyên úy hỏi anh tại sao anh lại muốn làm linh mục. Michael trả lời: “Để giúp đỡ con người”. Cha lại hỏi: “Thế anh không coi Thánh lễ là trung tâm điểm của căn tính linh mục sao”. Anh đáp đơn giản rằng không. Anh chỉ muốn giúp đỡ con người mà thôi. Cha tuyên uý cảm thấy choáng váng vô cùng. Cảm tưởng của tôi là đời sống tâm linh của các linh mục thuộc giáo phận phải bắt rễ sâu trong đời sống giáo dân cái đã. Giám mục Untenor, Hoa Kỳ, có viết rằng: “Các linh mục giáo phận thuộc về cộng đoàn môn đệ Đức Giêsu Kitô. Chúng ta đang đối diện với cùng những cuộc chiến đấu như bất kỳ người người giáo dân nào đang phải đối diện, và chúng ta đang sống trong cùng một thế giới họ đang sống”.

Hiểu theo nghĩa sâu xa nhất, đấy chính là linh đạo giáo dân, một linh đạo với và cho dân, laos. Ngày xưa, tôi cho rằng linh mục hạng nhất là linh mục Dòng. Hình như có cái gì đó hơi mâu thuẫn giữa từ ngữ “triều (secular)” với từ “Linh mục” – làm như thể linh mục triều hoàn toàn thuộc về bậc linh mục. Thế nhưng, nếu chúng ta chấp nhận thần học trong Thư gửi tín hữu Híp-ri, chúng ta sẽ nhận thấy chức linh mục chính là vòng tay của Thiên Chúa ôm trọn lấy cái thuộc về đời, thế tục, ôm trọn lấy cái thuộc về giáo dân. Thực thế, vị thượng tế cao cả của chúng ta là một người giáo dân. Là linh mục triều, như thế là diễn tả điều chính yếu, điều nằm ở trọng tâm của mọi chức linh mục. Có lẽ, chính những tu sĩ chúng tôi mới là những câu chuyện tư tế cũ kỹ dư thừa. Chức linh mục của chúng tôi mới cần phải được giải thích, cắt nghĩa. Khám phá ra điều này sau ba mươi năm làm linh mục trong Dòng Đa Minh, tôi thấy cũng khá muộn!

Nếu như linh đạo này tiên vàn hướng trọn về cuộc sống với giáo dân, thì chính nơi đây các linh mục triều, và thường cả các linh mục dòng nữa, chúng mình sẽ cảm nghiệm được niềm vui vô cùng lớn lao, nhưng cũng không kém những đau đớn sâu sắc, và thậm chí còn chán nản nữa là đàng khác. Tôi chỉ xin được lược qua ba điểm nhạy cảm nhất: những khó khăn trong việc lãnh đạo; thất bại thường xuyên nơi giáo xứ trong việc xây dựng thành những cộng đoàn như mình mong ước; và sau cùng là nỗi đau khi sống đời linh mục quá ư là gần gũi với quá nhiều thất bại và bi kịch của con người.

Lãnh đạo


Nhiều tác phẩm văn chương thần học hiện đại nói đến người linh mục trong vai trò lãnh đạo. Tôi phải thú nhận rằng tôi cảm thấy không thoải mái về điều này. Trước tiên, vì như tôi đã trình bày trên: Tôi nghĩ rằng ý tưởng phục vụ không dễ gì đi đôi với ý tưởng lãnh đạo. Làm thế nào ta có thể vừa là người tôi tớ vừa là người lãnh đạo của Dân Thiên Chúa? Sự căng thẳng này có thể làm cho mối tương quan chúng ta với những người mà chúng ta cộng tác bị xáo trộn. Người ta thích thú với ý tưởng cho rằng linh mục có ở đó là để phục vụ. Thế nhưng có thể họ hơi ngỡ ngàng một chút khi điều ấy thường có nghĩa là để bảo họ phải làm điều này điều nọ!

Thế nhưng sâu xa hơn, từ ngữ này khiến tôi nghĩ đến thế giới quản trị kinh doanh. Người ta mong người lãnh đạo là người có khả năng và quyết đoán, không được tỏ ra yếu kém hoặc lưỡng lự, phải dám đưa ra những quyết định táo bạo. Trên hết, lãnh đạo thường được đánh giá tuỳ theo những thành công và thắng lợi, vượt chỉ tiêu. Nhưng chức linh mục thì lại không có liên can gì đến thành công và thắng lợi. Thường thì chúng ta nhận thấy mình không thắng lợi mấy. Nếu chúng ta có cho mình là những người lãnh đạo, có lẽ chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy rằng mình thất bại nhiều. Và những người của chúng ta, vốn đang sống và làm việc trong một thế giới của quản trị kinh doanh – ấy là giả như họ đang may mắn có một việc làm – sẽ không đến với chúng ta vì hy vọng có thể tìm được nơi giáo xứ cùng những giá trị như họ đang sống nơi sở làm nữa. Tuy nhiên, từ “lãnh đạo” ấy đã trở nên quá quen trong Hội Thánh, thậm chí cả trong đời tu nữa rồi. Tôi cứ luôn bị hỏi xem tôi đã “ở trong vai trò lãnh đạo” được bao lâu. Thường tôi trả lời: “Chưa bao giờ cho tới nay”.

Nhưng thư gửi tín hữu Híp-ri có thể cho chúng ta một cái nhìn vai trò lãnh đạo có tính cách tư tế, cũng như có thể đem đến cho chúng ta một mối tương quan với con người, mà không hề có tính cách thống trị cũng không làm cho chúng ta cảm thấy thất bại. Đức Giêsu chính là người tiên phong của đức tin chúng ta. “Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn” (Hr 10,20). Người đi trước chúng ta bước vào trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Đức Giêsu lãnh đạo bằng cách đi trước, đi đầu, đi bước trước.

Vai trò lãnh đạo của chúng ta được thể hiện bằng cách trở nên những con người dám sẵn sàng đi bước trước. Bằng cách mở rộng vươn xa đến những người bị loại trừ và những người bị gạt ra bên lề xã hội, bằng cách cống hiến và xin sự tha thứ. Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, sự hoà giải hoàn tất vì cả người con thứ lẫn người cha đều đi bước trước theo những cách khác nhau. Đứa con đi bước trước là lên đường về nhà, còn người cha khi nhìn thấy con mình từ xa, ông cũng đi bước trước là đi ra đón đứa con của mình.

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II của chúng ta đã cho chúng ta thấy điều ấy có nghĩa là gì khi người ra đi gặp các anh em Chính Thống, Do Thái và những người theo đạo Hồi, sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bị từ khước. Người đã đi bước trước là xin được thứ tha những tội lỗi của Hội Thánh, cho dù có sự chống đối bên trong Vatican. Đấy mới là lãnh đạo. Cho nên, đối với chúng ta, là những người lãnh đạo không có nghĩa là đòi chúng ta phải có toàn tài toàn năng, không đòi chúng ta phải là những con người quyết đoán biết bảo cho những người khác biết họ phải làm gì. Lãnh đạo ở đây đòi chúng ta dám đi bước trước đến gặp những con người, dù là để tiếp đón những người có thể không ưa chúng ta, để gọi mời người ta làm nhiều hơn là họ tin rằng họ có thể, để tha thứ và xin được thứ tha. Điều này có thể làm cho chúng ta lạc lõng đấy. Theo hướng này, việc lãnh đạo đích thực có thể dẫn chúng ta tới nơi cô đơn của thập giá.

Có lẽ theo đạo đức toàn cầu của thị trường, việc lãnh đạo của chúng ta sẽ là dám để cho cái mặt nạ hiệu năng rơi xuống, hầu đối diện với những giới hạn và thất bại của bản thân chúng ta mà không hề hãi sợ. Chúng ta có thể đi trước trong việc đối diện với chính tính mong manh của chúng ta mà không hề hoảng sợ. Lãnh đạo tiên vàn có nghĩa là đi bước trước vào tính cách khả dĩ thương tổn. Lãnh đạo đích thực đem lại cho chúng ta một niềm vui tuôn tràn và tự do để cho rơi xuống những bộ mặt nạ nặng nề, tức là cho mình là giỏi giang, là hiểu biết, là người mạnh mẽ kiên quyết, lẽ ra phải được hội đồng quản trị trả lương cao. Ấy là giả như Chúa gọi chúng ta vào làm trong BP (Bristish Petroleum: công ty dầu lửa Anh Quốc) thay vì làm linh mục!

Giáo xứ là cộng đoàn


Có những lãnh vực khác có thể chúng ta phải đối diện với thất bại và chán nản, đó là khi nỗ lực kiến tạo cộng đoàn giáo xứ. Khi tôi gặp Hội Đồng phụ trách Hội Nghị Các Linh Mục Toàn Quốc, một linh mục chia sẻ tâm trạng thất vọng chán chường của mình vì giáo xứ của cha cứ hay được coi như cây xăng hơn là một cộng đoàn đích thực. Người ta chỉ tạt qua một chút để dự cho xong Thánh lễ hơn là qui tụ xung quanh bàn thờ làm thành Dân Thiên Chúa. Các giáo xứ không phải lúc nào cũng là những cộng đoàn đẹp đẽ như chúng ta đọc thấy trong những cuốn sách thần học. Ban phụng vụ giáo xứ đã chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn, nhưng nhiều người lại chỉ muốn dùng bữa ăn nhẹ vào buổi trưa trước khi về nhà thực sự mừng bữa ăn trưa Chúa Nhật. Điều này chẳng đáng ngạc nhiên. Trong thành thị hiện đại, thì giáo xứ theo lãnh thổ không căn cứ vào bất cứ cảm thức tự nhiên nào về cộng đoàn. Linh mục có thể coi giáo xứ là cộng đoàn chính, nhưng phần lớn người ta lại xếp giáo xứ vào cuối danh sách những nơi họ thường lui tới. Sau nhà của mình, sau các câu lạc bộ bóng đá, sau trường học của con em và sau nơi làm việc. Điều này có thể làm cho các linh mục phụ trách giáo xứ mang cảm giác rằng mình thất bại. Thất bại trong việc qui tụ giáo dân quanh bàn thờ, thất bại trong việc xây dựng một cộng đoàn Thánh Thể.

Trách nhiệm của tôi không phải là để ý đến tương lai của giáo xứ theo lãnh thổ và tìm những phương cách thay thế. Tôi chỉ muốn nêu lên một điểm đơn giản, đó là bất kỳ một cộng đoàn nào chúng ta nỗ lực gầy dựng tại đây thì luôn luôn có một cái gì đó thất bại. Vì Vương Quốc của Thiên Chúa chưa đến. Mỗi một cộng đoàn Kitô hữu, chẳng kỳ đó là một giáo xứ, một tu viện Đa Minh hay Hội Legio Mariae, đều là biểu tượng của cái gì thiếu sót và rạn nứt cho một cộng đoàn chúng ta mong mỏi. Đó là Vương Quốc của Thiên Chúa. Giả như có một giáo xứ nào quá ư là thành công, thì chúng ta có thể bị sai lầm vì nghĩ rằng Vương Quốc ấy đã đến rồi, và linh mục chính xứ là Đấng Mêsia.

Kiểu mẫu tụ họp cộng đoàn Kitô giáo chính là cộng đoàn ở ngay trong Bữa Tiệc Ly. Thử nghĩ xem cộng đoàn ấy bi đát như thế nào. Một trong các môn đệ bán Đức Giêsu, người khác thì sắp chối Người, những người còn lại thì trốn hết. Đức Giêsu đã thất bại trong việc qui tụ họ thành một cộng đoàn vào cái đêm sau cùng ấy. Cho nên chúng ta đừng lấy làm lạ khi chúng ta làm không khá hơn Đức Giêsu. Những gì Đức Giêsu đã làm, đó là cống hiến bí tích của cộng đoàn. Dấu chỉ Vương Quốc sẽ đến như một quà tặng vào đúng lúc. Nếu giáo xứ không phải là một cộng đoàn tuyệt vời và sống động, thì có lẽ đó không phải là dấu cho thấy cá nhân chúng ta thất bại. Đôi khi chúng ta không thể làm gì hơn là nêu lên những dấu chỉ cho điều sẽ phải đến.

Hồi còn là một sinh viên Đa Minh trẻ tại Oxford, tôi đã tới văn phòng tuyên uý gặp cha Michael Hollings. Chẳng may cha vừa đuổi tôi ra vừa mắng cho một trận vì cha không thích tu sĩ Dòng! Sau đó vài năm, tôi bỗng hiểu ra và cảm phục cha. Bất cứ nơi đâu cha tới, cha đều để cửa mở, ở Oxford, Southall và ở Bayswater. Có lần cha bắt được quả tang một anh chàng ăn trộm, cha đã mời anh ta ở lại uống trà. Tôi biết mình không bao giờ có thể bắt chước được một lối sống như thế, nhưng tôi thán phục lối sống ấy vì đấy chính là một dấu chỉ cho thấy Vương Quốc vậy. Lối sống ấy không phải là Vương Quốc, ít là tôi không mong như thế! Nhưng đấy chính là dấu chỉ Vương Quốc ôm lấy hết mọi người. Bản thân chúng ta không thể xây dựng được cộng đoàn ấy chỉ với những điệu bộ hướng về đó. Cộng đoàn ấy sẽ đến như là một quà tặng đầy bất ngờ.

Hồi tháng ba, tôi đang ở Cairo, và có đến thăm một nơi trong thành phố du khách hiếm khi tới tham quan, đó là Mukatan. Đây là thành phố của những con người thu gom rác. Họ có khoảng 300.000 người, và phần lớn là Kitô hữu. Ban sáng, họ ra đi thu gom rác của thành phố đem về Mukatan lựa ra xem cái gì có thể bán được hoặc tái chế. Đó đúng là nơi bẩn thỉu, hôi thối và ảm đạm nhất tôi được chứng kiến. Người dân có vẻ nửa sống nửa chết. Ngay những đứa bé đang đá banh trên đường cũng di chuyển một cách chậm chạp, thiếu sinh khí, cứ như những ông cụ non vậy. Đằng sau nơi khủng khiếp này là những vách đá cao vút. Và có một họa sĩ Ba Lan đã dành trọn cuộc đời để phủ lên các vách đá ấy những hình ảnh của Đức Kitô vinh quang. Khi những người thu gom rác trở về nhà bằng chiếc xe lừa, mang theo một lô những cái túi những cái bao hôi hám, họ có thể nhìn thấy trên những vách đá ấy Đức Kitô biến hình, phục sinh và lên trời. Những hình ảnh này công bố lên rằng họ không chỉ là những người thu gom rác, nhưng còn là những công dân của Vương Quốc nữa, và đang trên cuộc hành trình đi tới vinh quang. Họ sống được nhờ các dấu chỉ.

Đối diện với tội lỗi và thất bại


Linh mục là người mang tin vui, tin mừng. Đây là lý do vì sao sự chán nản lại hủy hoại ơn gọi chúng ta một cách ghê gớm. Sẽ chẳng còn ai tin chúng ta nữa nếu chúng ta trông có vẻ khổ sở. Thế nhưng thường vai trò của linh mục là mang tin vui này đến cho những con người có cuộc sống đang bị nỗi tuyệt vọng và sự thất bại động chạm đến. Tony Philpot viết rằng: “Linh mục giáo phận, có liên quan một cách công nhiên với sự thất bại. Dĩ nhiên có sự thất bại của riêng bản thân vị ấy, nghĩa là biết tội lỗi của bản thân mình. Tuy nhiên, cũng có sự kiện là Tin Mừng luôn nói về ơn tha thứ tội lỗi, và ơn gọi của linh mục ấy là liên đới với tội lỗi của đoàn chiên mình. Thất bại là nguyên liệu thô sơ sẽ được vị linh mục ấy dùng để chế biến”.

Trong xã hội chúng ta, linh mục cũng phải đối diện với mọi yếu nhược và đau đớn của xã hội. Trong đó, việc đổ vỡ các cơ cấu xã hội và vấn đề tục hóa muốn nói lên rằng nhiều người đang phải giáp mặt với sự mất ý nghĩa sâu xa trong cuộc đời của họ. Vậy chúng ta có thể thu xếp như thế nào để vẫn mãi là người phấn khởi mang tin vui trong khi chúng ta vẫn đang phải chứng kiến quá nhiều những gia đình đổ vỡ, những người trẻ bị hư hỏng, chơi ma tuý và chứng kiến sự chiến thắng của một nền văn hóa muốn tầm thường hóa tất cả?

Hẳn nhiên, đường lối đệ nhất chúng ta theo để thực hiện điều trên chính là qua việc cử hành năm phụng vụ. Đây là câu chuyện trong đó gồm đủ cả: khổ đau có, thất bại nhục nhằn có, tội lỗi lưu đày cũng có. Và câu chuyện này đẩy chúng ta đi thật xa, vượt qua tất cả những tình cảnh ấy để tiến đến Vương Quốc. Năm nào chúng ta cũng được đưa ra khỏi đất Ai cập và thực hiện cuộc hành trình tiến về Đất Hứa. Chúng ta khởi hành vào mùa Vọng và được đưa đi qua mùa Giáng Sinh, rồi từ mùa Chay tới mùa Phục Sinh, qua đến lễ Hiện Xuống, và sau cùng tới lễ Đức Kitô là Vua vũ trụ. Chúng ta chia sẻ tâm trạng chán nản, suy sụp tinh thần của dân Israel trong hoang địa, và của cả con cháu hậu duệ dân Israel trong cuộc Lưu đày ở Babylon. Và chúng ta được đưa đi xa hơn nữa để vượt qua tất cả. Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22). Hàng năm, chúng ta vẫn sống câu chuyện biến đổi nỗi buồn thành niềm vui.

Tuy nhiên, trả lời như thế cũng vẫn chưa đủ. Dù có chu kỳ hàng năm như thế, một số linh mục vẫn còn cảm thấy nặng gánh và chán nản. Thật vậy, chu trình cứ được diễn tiến hàng năm như thế đưa dẫn chúng ta tiến về Đất Hứa. Nhưng chỉ khi nào chúng ta đang tiến vào và biết nghỉ ngơi, thì lúc đó chúng ta mới có thể khởi sự lại tất cả được. Chúng ta có thể thấy năm phụng vụ như con rắn uốn khúc hay như những bậc thang. Chúng ta đi dần đến lễ Đức Kitô là Vua vũ trụ, và rồi chúng ta lại lướt qua trọn con đường chúng ta đã đi để bắt đầu lại một lần nữa. Cho nên, suốt hành trình mãi mãi lặp đi lặp lại này, đôi lúc cũng cần phải thoáng thấy cái điểm tới của cuộc hành trình này. Ngay từ bây giờ, chúng ta cũng cần phải tận hưởng, như thể nếm trước, niềm vui và bình an chúng ta sẽ tận hưởng dứt khoát trong Vương Quốc. Chúng ta cũng phải sống ngay từ bây giờ thế nào để Dân Thiên Chúa thấy được một chút xíu điểm tới của chuyến đi. Chúng ta không được chờ cho tới khi nào mình chết mới được sống, mới được hưởng vinh phúc. Mặt khác, tại sao lại bắt người ta phải tin rằng chúng ta đang đi, mà lại không tới một nơi nào cả? Giai điệu của năm phụng vụ sẽ như có cái gì trục trặc ngày hôm qua, trục trặc ngày mai, nhưng không bao giờ trục trặc ngày hôm nay cả.

Vì thế tôi tin rằng nếu linh mục phải là những người mang tin vui, thì chúng ta cần phải có một lối sống trong đó sự vĩnh cửu đang được mở toang ra ngay từ bây giờ. Chỉ làm sao tồn tại được bây giờ thôi chưa đủ. Chúng ta cần phải triển nở nữa. Chúng ta mỗi người phải tạo nên một lối sống thực sự mang đến cho chúng ta sự sống, sống với sự cảm nếm trước vị ngọt của đời sống vĩnh cửu. Nếu không, chúng ta sẽ bị những u sầu phiền muộn của thời đại này đè bẹp, hoặc chịu thua nền văn hoá muốn làm cho mọi cái ra tầm thường của thời đại này. Thuở đầu, tên gọi đời sống Kitô giáo là “Con Đường”, “Đạo”. Chúng ta cần tỏ cho thấy đó là con đường có nơi đến, chứ không chỉ là con đường đi loanh quanh luẩn quẩn trong hoang địa mênh mông.

Còn một vấn đề lớn là làm thế nào người linh mục có thể hình thành được một lối sống như thế. Một số linh mục giáo phận bảo tôi rằng các tu sĩ thì dễ nói về một lối sống. Nhất là khi các tu sĩ ấy lại không phải là những linh mục phụ trách giáo xứ. Chúng tôi có tu luật để theo đó mà sống. Chúng tôi sống trong các cộng đoàn. Và chúng tôi có thể làm chủ cuộc sống của chúng tôi nhiều hơn là những linh mục đang phải túc trực chờ để cho giáo dân đến và làm những gì họ yêu cầu. Và có thể chẳng bao giờ đoán trước được mỗi ngày sẽ diễn ra những bi kịch nào. Các linh mục khác thì từ chối điều này và cho rằng linh mục có thể và phải dành thời giờ để cầu nguyện, nghỉ ngơi và tự trau dồi nữa. Các linh mục khác nữa thì cho rằng chuyện này có thể được nếu như Đức giám mục đương đầu với những khủng hoảng do thiếu linh mục và hành động can đảm. Bây giờ tôi xin anh em suy nghĩ xem mình có thể định hình cuộc sống của mình như thế nào để, ngay bây giờ, người ta có thể thoáng nhìn thấy nơi cuộc sống của chúng ta những hoa trái đầu mùa của công trình sáng tạo mới: tự do, bình an và niềm vui.

Tôi trực giác thấy là chúng ta có thể công bố tự do ấy để định hình nên một lối sống sinh động thực sự. Cũng như Đức Giêsu, anh em được trao phó vào tay của mọi người rồi. Cũng như Đức Giêsu, anh em đã vô cùng liều khi hiến dâng cuộc đời mình cho con người một cách tự do. Khi Đức hồng y Bernadin được phong làm Tổng giám mục Chicago, người nói với giáo dân rằng: “Vì nhiều năm tôi đã được nhận rồi, nên bây giờ tôi sẽ hiến dâng cuộc đời của tôi cho anh chị em. Tôi dâng hiến anh chị em sự phục vụ và lãnh đạo của tôi, tất cả năng lực của tôi, mọi ân huệ của tôi, tâm trí tôi, sức mạnh tôi, và cả những giới hạn của tôi nữa. Tôi hiến dâng bản thân tôi cho anh chị em trong đức tin, trong niềm hy vọng và tình yêu thương”.

Quà tặng đây là chính bản thân mình, giống như Thánh Thể: “Này là mình Thầy, chịu trao nộp vì anh em”. Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn là con người tự do nhất. Cuộc sống của Người được định hình bởi sự vâng phục Thiên Chúa Cha. Người đã hiến dâng bản thân Người vào trong tay chúng ta. Tuy thế, Người vẫn không hề là một con rối thụ động bao giờ. Người đã định hình cuộc đời của Người. Đức hồng y Bernadin cũng đã làm như thế. Làm thế nào chúng ta có thể tìm được sự tự do Thánh Thể ấy, để chúng ta cho đi cuộc đời của chúng ta mà vẫn định hình được một lối sống trong đó le lói ánh sáng của Vương Quốc? Đây chính là câu hỏi tôi xin được đặt ra cho anh em.

Chúng ta cần có một lối sống để thỉnh thoảng chúng ta có thể nghỉ ngơi, nghỉ ngơi với Thiên Chúa và cũng nghỉ ngơi với chính mình. Chúng ta cần phải dành ra những thời khắc để biến đi mà không phải để đi làm việc gì cả. Có thể là mỗi tuần, mỗi tháng hoặc mỗi năm. Mục đích trước hết của những thời khắc này không phải là để nhờ nghỉ ngơi, chúng ta có thể thành những linh mục có hiệu năng hơn, làm việc có hiệu quả hơn đâu. Trong chuyện này, không hề có gì liên quan đến quản trị sắp xếp cả. Chỉ vì tin vui chúng ta rao giảng là mọi người được tập họp lại để nghỉ ngơi với Thiên Chúa và Ngày Sabát của Người. Đây là Tin Mừng, là tất cả chúng ta là những công dân của Vương Quốc. Trong đó chúng ta sẽ lang thang dạo mát và sẵn sàng tiêu phí thời giờ của chúng ta với Thiên Chúa đến muôn năm vĩnh cửu. Phẩm giá cao trọng nhất của con người chúng ta là chúng ta được gọi mời đến vui đùa với Thiên Chúa mãi mãi, vĩnh cửu, homo ludens (con người rong chơi). Có ai còn tin chúng ta, nếu như người ta không bao giờ thấy chúng ta nghỉ ngơi?

Phần lớn chúng ta vô cùng bận rộn và chúng ta cũng muốn được thấy như thế. Tôi cũng thế thôi. Nếu chúng ta muốn là những nhà giảng thuyết khả tín, thì chúng ta phải biết không sợ để cho đôi lúc bị coi là lười. Chúng ta phải dám dán lên cửa nhà thờ dòng chữ: “Trong ba ngày tới, sẽ không có Thánh lễ. Tôi đang đi nghỉ”. Chúng ta phải chống lại tiếng nói ma quái ngay trong chúng ta, đang tố cáo chúng ta là những linh mục tồi. Phải thú nhận rằng về điểm này tôi quá dở. Tôi đã dùng nhiều thời giờ nghỉ ngơi để tất bật bù đầu, và nhất là để người khác cũng thấy tôi bù đầu tất bật. Còn nếu tôi đang chơi trò chơi nhanh Free Cell trên máy vi tính, tôi sẽ thạo nghệ thuật tắt nhẹ màn hình khi chợt nghe có ai đó đang đến, để thay vào đó là bài giảng ngày Chúa Nhật tới hiện lên! Thế nên, những ai can đảm sống thời gian nghỉ ngơi, chính là những người đang đi trên con đường tin vào quà tặng cứu độ nhưng không và ân sủng không kiếm mà được.

Cuối cùng, niềm vui của Vương Quốc phải bùng lên ngay từ bây giờ. Chắc phải thêm hai bài nữa để nói rộng thêm về niềm vui này. Vì thế, xin thứ lỗi cho tôi vì bài hôm nay của tôi quá ngắn. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa, thì nghe có tiếng từ trời nói rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta vui thích về Người”. Ở ngay chính giữa đời sống của Ba Ngôi Chí Thánh chính là niềm vui trọn vẹn nhất của Thiên Chúa. Niềm vui của Chúa Cha trong Chúa Con tức là Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu, Vị Thượng Tế đã ôm trọn tất cả chúng ta vào trong niềm vui ấy. Và chúng ta được đưa vào niềm vui của chính Chúa Cha trong Chúa Con. Sự thánh thiện của Thiên Chúa chiếu giãi niềm vui của Người trong vạn vật đang hiện hữu. Khi Đức Giêsu cùng ăn uống với những người thu thuế và gái điếm, thì đấy không phải là một bổn phận. Đấy chính là niềm hân hoan vui thích được bầu bạn với những người ấy, trong chính hiện hữu của họ. Khi Người chạm vào những kẻ không được để cho ai chạm tới, thì đấy chẳng phải là hành vi trị liệu mà là vòng tay của niềm vui.

Vì thế lối sống này phải gắn liền với chức linh mục của chúng ta, đến độ chúng ta vui sướng ngay trong chính cuộc sống của con người. Với tất cả mọi cố gắng, loay hoay để sống và để yêu của họ. Dù là họ có gia đình hay đã ly dị hay còn độc thân. Dù họ là nam hoặc nữ hay đồng tính luyến ái. Dù đời sống của họ có hợp với giáo huấn của Hội thánh hay không. Sự thánh thiện của chức linh mục chiếu toả nhờ niềm vui này. Hội thánh phải là một cộng đoàn trong đó con người khám phá thấy Thiên Chúa vui thích về mình. Đây là thừa tác vụ của chúng ta. Và như thế, chức linh mục phải làm cho chúng ta trở thành những con người nồng nàn say đắm. Say đắm trong niềm vui thích của chúng ta. Say đắm trong nỗi buồn của chúng ta khi chứng kiến những khổ đau của người khác, và thậm chí còn nổi giận khi thấy họ bị áp bức. Nếu chúng ta vui thích về con người, thì chúng ta cũng biết vui thích về chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá ra niềm vui của Thiên Chúa ngay trong chính chúng ta. Do những người không bao giờ chúng ta ngờ tới đem lại, và ngay cả những người ấy cũng chẳng ngờ được nữa.

Nếu thực sự niềm vui ngự trị ở giữa chức linh mục của chúng ta, thì chúng ta sẽ quan tâm đến hạnh phúc của nhau. Hạnh phúc của các linh mục phải là mối quan tâm hàng đầu của các giám mục và của linh mục đoàn giáo phận. Nếu chúng ta thấy có một linh mục nào phải khổ sở, thì cứ để cho người anh em ấy tự mình xoay sở lấy là không tốt đủ. Nếu chính bản thân chúng ta rơi vào tình trạng sầu buồn, chúng ta không được để chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ nào đó đẩy chúng ta đi. Niềm vui của linh mục không phải chỉ là mối quan tâm của riêng cá nhân linh mục, vì đấy là một phần nội tại của việc loan báo Tin Mừng và là sự biểu lộ sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng ta phải dám tìm kiếm niềm vui cho nhau.