Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

LECTIO DIVINA TRONG THỪA TÁC VỤ MỤC VỤ

Thời sự Thần học – Số 25-&26, tháng 12/2001, tr. 150-163

_Trương Nhã_


Sau khi đã giới thiệu (trong Thời sự thần học, từ số 20) lectio divina là gì, nguồn gốc, các yếu tố của lectio divina, nay nhân Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ X, với chủ đề “Giám mục, người tôi tớ của Tin mừng Đức Giêsu Kitô, để phục vụ niềm hy vọng của thế giới”, chúng tôi xin trích dịch từ tạp chí Dei Verbum (số 27, tháng 2.1993) hai suy nghĩ về lectio divina của Đức hồng y Joseph Ratzinger. Cả hai vị cùng là Hồng y, từng là những chuyên viên Kinh thánh và thần học nhưng có những kinh nghiệm mục vụ khác nhau và quan điểm riêng. Tuy nhiên cả hai vị cùng chung một kết luận là Lectio divina là điều cốt yếu đối với trách vụ của bất cứ giám mục nào cũng như đối với trách vụ của bất cứ ai đang đảm nhận thừa tác vụ mục vụ trong Hội thánh.

Mục I là tóm tắt bài thuyết trình của Đức hồng y Martina tại “Viện Vetus Latina” ngày 17.5.1984 tại Beuron, nước Đức. Bài này đã được in trong “Erbe und Auftrag” (60/5 tháng 10.1984). Trong bài thuyết trình này, Đức hồng y giải thích cho thấy người hiểu thừa tác vụ giám mục của mình trong một thành phố như Milanô như thế nào, những bận tâm trong thừa tác vụ ấy là gì và những yếu tố nào giúp cho những hoạt động khác nhau của người có được sự hài hoà thống nhất. Sau đó người giải thích tại sao việc đọc Sách thánh để cầu nguyện chiêm niệm lại là phương cách duy nhất giúp người luôn nhắm được tới điều gì là thực sự quan trọng mà không chìm nghỉm giữa biết bao công việc bận rộn trong trách vụ giám mục của người.

Mục II cũng là tóm tắt bài thuyết trình của Đức hồng y Ratzinger cho Liên Hội đồng Giám mục châu Âu họp từ 14-18.1992. Bài này đã được in trong “The Catholic World Report” tháng 11.1992 với tựa đề “Thorn in the Flesh, The Essence of the bishop’s Tash: to be a Man of faith”. Trong bài này, người giải thích cho thấy người hiểu nhiệm vụ của một vị giám mục trong bối cảnh Châu Âu bấy giờ như thế nào và việc đọc Sách thánh để cầu nguyện chiêm niệm, chứ không phải chỉ là học hỏi nghiên cứu, là phương cách quan trọng nhất mà vị giám mục phải nhắm tới để tìm ra hướng đi như thế nào.
“… Tiên vàn, giám mục là thừa tác viên của chân lý có sức cứu thoát, không phải chỉ bằng việc dạy và giáo huấn, nhưng còn bằng việc dẫn dắt dẫn tới niềm hy vọng và, vì thế, tiến đi trước trên nẻo đường của hy vọng. Do đó, nếu vị giám mục muốn tỏ cho dân thấy mình là một dấu chỉ, chứng từ và thừa tác viên của niềm hy vọng, thì người phải lấy Lời Chân Lý mà nuôi dưỡng chính bản thân mình, gắn bó trọn vẹn và hoàn toàn sẵn sàng đối với Lời ấy, theo gương Đức Maria, Thánh Mẫu Thiên Chúa, Đấng “đã tin rằng những gì Chúa nói cho người sẽ được hoàn thành” (Lc 1,45).
Rồi vì Lời Thiên Chúa được chứa đựng và diễn tả trong Sách thánh, nên giám mục phải năng tiếp xúc với Sách thánh bằng việc ân cần đọc và nghiên cứu kỹ càng, sao cho Sách thánh là nguồn trợ lực trong thừa tác vụ của mình. Giám mục phải làm như vậy không phải chỉ vì nếu không lắng nghe Lời Thiên Chúa trong tâm hồn, giám mục sẽ là một nhà giảng thuyết không hữu dụng xét về bề ngoài, nhưng còn bởi vì nếu không làm như thế giám mục sẽ làm cho thừa tác vụ của mình thành trống rỗng không có được niềm hy vọng. Thế cho nên, giám mục lấy Sách thánh để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình cũng như thi hành thừa tác vụ của mình là người giảng Tin mừng. Chỉ theo cách này, giám mục mới có thể, giống như thánh Phaolô, khuyên bảo người tín hữu rằng “nhờ sự kiên nhẫn và an ủi của Kinh thánh, chúng ta có được niềm hy vọng” (Rm 15,4).
Việc chọn các Tông đồ vào thời đầu của Hội thánh được lặp lại trong thừa tác vụ giám mục: “Chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời” (Cv 6,4), Origène viết: “Đó là hai hoạt động của vị Tư Tế, cả hai đều học được từ Thiên Chúa, nhờ đọc Sách thánh và thường xuyên suy niệm Sách thánh và dạy dỗ dân. Nhưng vị Tư Tế phải dạy chính những điều mà bản thân Người đã học được từ Thiên Chúa!”.”

I. THỪA TÁC VỤ GIÁM MỤC VÀ VIỆC ĐỌC SÁCH THÁNH
(ĐỨC HỒNG Y CARLO M. MARTINI)


1. Thừa tác vụ giám mục


Ở đây, Đức hồng y Martini dùng khái niệm “giám mục” để chỉ chung bất cứ ai lãnh trách nhiệm trong công việc mục vụ của Hội thánh, và Đức hồng y bắt đầu bằng việc nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa “bối cảnh” thế giới chính người đã sống hồi còn là giáo sư tại Viện Kinh thánh với “bối cảnh” thế giới hiện nay người đang sống với tư cách là giám mục. Thế giới trước, chuyên tâm nghiên cứu và giảng dạy, thì giới hạn, tuy có tính cách quốc tế và thậm chí đại kết nữa vì gặp gỡ thế giới Do thái, các phái Tin lành, giới Chính thống và các nền văn hoá Đông phương. Còn trong thế giới thứ hai, tức là mục vụ trong giáo phận, thì không còn chuyện tiếp xúc trực tiếp với sách vở nữa, nhưng là tiếp xúc với các cộng đoàn, với những con người, với một dân tộc. Đây cũng là một lãnh địa giới hạn, với những cơ cấu, một lịch sử, một thực tế Hội thánh riêng. Milanô là một nơi có tổ chức Hội thánh lớn nhất trên thế giới. Con số các tín hữu tại đây ít hơn ở Rio de Janeiro hoặc ở Sao Paolo, nhưng có hơn một ngàn giáo xứ, hơn ba ngàn linh mục và hơn mười một ngàn tu sĩ. Giáo phận Cologne ở Đức có 800 giáo xứ và Chicago, giáo phận lớn nhất Hoa Kỳ có 300.

Trong thế giới thứ hai này, đối với Đức hồng y, mối bận tâm hàng đầu là làm thế nào biết được con người để hiểu họ và để có thể, với tư cách là mục tử, đề ra cho họ những hướng đi mới. Vì thế, những cuộc thăm viếng mục vụ, được thực hiện theo từng khu vực riêng (các thành phố lớn, khu ngoại ô, các thị trấn, làng mạc) bao gồm nhiều ngày chung sống với những người dân, đi thăm các xí nghiệp, trường học… và rồi dừng lại suy nghĩ về những gì mình đã sống. Đối với Đức hồng y, có ba nhóm chủ lực: giáo sĩ, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội (“những người nghèo”) và “những người đang mang những nắm men mới” có thể đang ở trong những tổ chức đã hiện hữu hoặc cần phải tìm trong những môi trường khác. Mỗi một nhóm chủ lực này đòi vị giám mục phải chú tâm đến và đặt ra những vấn đề riêng để đi vào gặp gỡ nhóm.

Mối bận tâm thứ hai là tương quan với Milanô xét như là thành phố chánh toà. Một mối tương quan như thế bao gồm, giống như trong đời sống hôn nhân, việc sống tất cả những gì thành phố ấy đang sống, với tất cả những gì là tích cực và tiêu cực đang có trong cuộc sống ấy. Bên cạnh những căng thẳng chính trị với Rôma và mối quan hệ với Bắc Âu, Milanô trong những năm sau cùng này đã chứng kiến một sự di dân đáng kể, đây là lý do của những vấn đề vừa nhiều vừa mới: nhà ở, giáo dục, việc làm, tổ chức tương xứng, an sinh xã hội. Thêm vào đó phải kể đến sự khác biệt về ngôn ngữ địa phương, truyền thống và các nền văn hoá. Vị giám mục, vì sứ vụ phải sống thật sát tất cả những chuyện đó, cảm thấy ngộp và tự hỏi vai trò đặc trưng của mình ở giữa thực tế này là gì.

Đức hồng y hiểu vai trò ấy như thế này: khác với một ông giáo sư cố gắng trình bày những gì mình đã nghiên cứu suy nghĩ cho độc đáo, riêng biệt, phần nào nói được là chủ quan, thì vị giám mục phải từ khước thái độ chủ quan như thế. Vị giám mục phải nghe, nghĩ, tìm kiếm và hành động luôn luôn trong tinh thần hiệp nhất và cộng tác với các linh mục và chứng tỏ cho thấy một thái độ thật khiêm tốn, Ở đây, không phải sáng kiến riêng của vị giám mục là quan trọng, là đáng kể, nhưng là nỗ lực của giám mục để diễn tả cái gì là chân thật, cái gì là đúng đắn. Chức năng của vị giám mục là “người thông dịch” cái kairos (thời cứu độ) của hoàn cảnh dân của người đang sống theo cái nhìn của Thiên Chúa, theo sứ điệp của Đức Kitô. Chính trong trách nhiệm này, tức là làm trung tâm thống nhất tất cả những gì vị giám mục làm và vị giám mục mỗi ngày mỗi kinh nghiệm thế nào là sự hiện diện của sự ác, sự chối từ Thiên Chúa, đau khổ, tuyệt vọng, muôn vàn bi kịch của con người. Nhưng dầu thế nào đi nữa, vị giám mục vẫn luôn phải chăm chú nhìn vào Chúa Thánh Thần là Đấng đang sống trong các tín hữu, đang dẫn dắt họ tới chân lý và tới sự thánh thiện, Đấng đang gìn giữ họ khỏi sự dữ và dối trá. Đức hồng y còn tự hỏi: điều gì giúp cho vị giám mục (cũng như cho bất kỳ vị mục tử nào) luôn luôn giữ được thái độ “chiêm niệm” này để khỏi bị chìm nghỉm trong muôn vàn công việc bận bịu cũng như khỏi rời xa việc thưo đuổi những mục đích thực sự là trọng tâm?

2. Lectio divina


“Chính ở đây xuất hiện tầm quan trọng của Lectio divina, đọc Sách thánh với tinh thần suy niệm cầu nguyện, đối với đời sống của bất cứ người Kitô hữu nào và đặc biệt đối với những người có nhiệm vụ phải đưa ra những quyết định rất nhiều khi là khó khăn. Nhưng Lectio divina, một kiểu nói chung, thực ra có nghĩa gì đối với các Giáo phụ trong Hội thánh? Đây không phải là việc “đọc Kinh thánh” chung chung. Càng không phải là việc nghiên cứu hay chú giải Kinh thánh, cho dù nghiên cứu Kinh thánh và chú giải là những công việc rất quan trọng và có thể giúp ích nhiều cho sinh hoạt thiêng liêng đang nói ở đây. Ở đây, tôi muốn chỉ cách riêng việc hiểu biết Kinh thánh cần thiết cho đời sống hằng ngày, để tìm ra con đường đúng đắn khi phải đưa ra những quyết định khó khăn. Đây là một tiến trình gồm ba giai đoạn, những giai đoạn này truyền thống La-tinh cổ xưa gọi là: lectio, meditatio, contemplatio. Tôi chủ ý dùng chữ La-tinh ở đây không phải chỉ để cho giống vị tiền nhiệm sáng giá của tôi ở Milanô này là thánh Ambrôsiô, nhưng còn để nhắc đến những kho tàng vốn có trong truyền thống giáo phụ La-tinh.

Lectio

Từ lectio chỉ một bản văn Sách thánh cần phải được đọc đi đọc lại nhiều lần để làm nổi bật lên những thế mạnh, những chủ đề căn bản, những biểu tượng nhiều ý nghĩa nhất, những tư tưởng căn bản chứa đựng trong bản văn này. Đọc đi đọc lại bản văn giúp chúng ta nhận ra cấu trúc, cách diễn tả phong phú của bản văn khởi đi từ giả thiết này, đó là bản văn (tôi muốn ưu tiên cho các sách Tin mừng) một phần là kết quả của một suy tư sâu xa của tác giả sách Tin mừng và của Hội thánh của ông.

Lectio là một hoạt động nhằm giúp cho bản văn tự mình nói lên. Với việc này, các đoạn văn quá quen thuộc bộc lộ ra cho thấy những khía cạnh mới mà cho tới rày ta chưa hề để ý đến. Về phương diện này, việc nghiên cứu của tôi trong lãnh vực phê bình bản văn giúp cho tôi nhiều lắm, vì dần dần ta biết cân nhắc chính xác mỗi một từ ngữ. Ở đây cũng giống như khi ta xem một bức hoạ cốt để hiểu bức hoạ ấy. Trước hết, ta “đọc”, nhận ra những con người, những khuôn mặt, những quan điểm, những đối chọi giữa những vị trí khác nhau của những khuôn mặt. Đây chính là lúc ta bắt đầu dần dần nắm được cái bối cảnh toàn thể.

Meditatio – Contemplatio

Sau việc đọc, tới giai đoạn thứ hai: suy niệm. Meditatio (suy niệm) là quan sát kỹ lưỡng các giá trị gồm gói trong bản văn. Một khi ý nghĩa của các biểu tượng, các con người, các khuôn mặt, hành động, tính năng động của bản văn trở nên khả dĩ hiểu được, ta có thể đi đến chỗ suy nghĩ về những vấn đề sâu xa chứa đựng trong đó và ý nghĩa của chúng trong bối cảnh chung của lịch sử cứu độ.

Contemplatio (chiêm niệm) hệ tại đặc biệt ở việc “thưởng nếm” hoặc hấp thụ bản văn, nhưng không phải bằng cách phân tích hay suy niệm, mà theo cách rất tự nhiên. Như khi ta hiểu bản văn như một “người sành điệu” – Lời Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta. Chỉ có lúc bấy giờ Lời Thiên Chúa mới nuôi dưỡng chúng ta. Ta quen nói Lời Chúa là lương thực nuôi dưỡng chúng ta, nhưng thực ra Lời ấy là lương thực nuôi dưỡng chúng ta khi nào Lời đó được “bẻ ra thành từng miếng” để tâm trí chúng ta có thể hấp thụ được. Chỉ khi ấy, Lời đó mới biến thành nguồn mạch của chiêm niệm, mới có thể giúp đem lòng thán phục mà chăm chú nhìn ngắm các mầu nhiệm của Đức Kitô, trong chiều sâu khôn dò của Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra cho chúng ta qua đường lối là bản văn.

Nói cách khác, chiêm niệm đưa chúng ta đi quá bản văn đã đọc và giúp chúng ta sẵn sàng hấp thụ năng lượng chiếu toả lịch sử cứu độ. Qua một đoạn văn tầm thường, sánh được với cái tua áo của Đức Kitô, chúng ta cảm nghiệm được sự đụng chạm tới toàn thể con người của Người và chúng ta nhận được sức mạnh từ Người phát ra. Bây giờ chúng ta mới hiểu giai đoạn thứ ba trong tiến trình này rốt cuộc là giai đoạn làm chúng ta thú vị nhất, bỏ đi hoặc coi nhẹ sẽ đưa chúng ta đến tình trạng đọc Kinh thánh mà chẳng để lại dấu ấn gì sâu xa trong cuộc đời của chúng ta cả.

Giai đoạn chiêm niệm là giai đoạn là cho các kitô hữu thành những người tôi tớ và những người loan báo hữu hiệu Lời của Thiên Chúa. Nếu nói được rằng nhà chú giải thích “lectio”, và nhà tư tưởng, triết gia “khoái” “meditatio”, thì lại chỉ có “contemplatio” mới có thể làm cho chúng ta trở thành những người có khả năng chuyển tải sự thích thú Lời là nguồn suối tuôn trào sự sống, bởi vì nó cho chúng ta đích thân thưởng nếm và hấp thụ vào trong chính cuộc đời của chúng ta trước rồi lại tiếp tục tuôn trào cho tha nhân.

“Contemplatio” giống như khoảng đất bao la không giới hạn, như một kho tàng thu tích nơi mình nhiều giá trị. Hơn nữa, nó còn gồm có cái chúng ta có thể gọi là “consolatio” hoặc paraclêsis, tức là một cảm thức về niềm vui xuất phát từ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Bản văn khi ấy lại biến thành nguồn mạch của niềm vui, nguồn mạch của cầu nguyện chân thực, kết quả của việc Thánh Thần của Thiên Chúa, Đấng đã linh hứng cho bản văn, cũng linh hứng cho việc cầu nguyện của chúng ta, và nơi Người, cùng với Đức Giêsu Kitô, chúng ta hướng về Chúa Cha.

Discretio – Deliberatio

Theo sau “consolatio” cho chúng ta đi vào “vùng phủ sóng” của Thánh Thần Thiên Chúa là giai đoạn “discretio” và “delibertio”, nghĩa là phân định và quyết định thực tiễn. Như thế có nghĩa là việc quyết định xem cần phải làm gì không phải chỉ do nỗ lực suy nghĩ bàn bạc sâu xa, nhưng còn do những lực thúc đẩy của một tâm hồn mà trong một hoàn cảnh nhất định, biết nhận ra rõ ràng điều gì là am hợp với sự linh hứng của Thánh Thần.

Có lẽ điều quan trọng là phải suy xét về mối tương quan chặt chẽ và toàn thể giữa Lời của Thiên Chúa với cuộc sống hằng ngày. Việc đọc Lời thúc đẩy chúng ta hành động với một cường độ lớn nhất và một niềm tin tưởng mạnh nhất. Lời không phải chỉ là một sự trợ giúp để hành động tốt hơn, quảng đại hơn, nhưng còn là nguồn mạch phân định và bén nhạy trước những dấu chỉ Chúa Thánh Thần khơi lên trong hoàn cảnh hiện nay tôi đang sống, với những đòi hỏi riêng của hoàn cảnh đó.

Đức Giêsu Kitô là cách diễn đạt trọn vẹn nhất ơn gọi của con người. Đó là con người hoàn hảo, sống sự công chính hoàn hảo và sự tự do rồi dâng hiến sự công chính hoàn hảo và sự tự do lên Thiên Chúa như là lời ca ngợi tuyệt hảo. Người đón tiếp mọi người, Người làm cho bất kỳ ai đã chịu phép thánh tẩy tham dự vào lời ca ngợi của Người rồi sau đó dâng tiến lên Thiên Chúa. Như thế, Người thực hiện điều ta gọi là chức tư tế của mỗi người tín hữu. Vì được liên kết với Đức Kitô, mỗi người đã chịu phép thánh tẩy là một tư tế và được mời gọi dâng tiến thế giới này, cuộc sống của con người, công ăn việc làm, gia đình, chính trị, xã hội làm ngợi khen dâng lên Thiên Chúa, Cha của chúng ta, trong sự công chính và tự do hoàn hảo.

Vị giám mục là người, qua trách nhiệm đã lãnh nhận, được mời gọi dẫn đưa về thể thống nhất và đem lại ý nghĩa đặc sắc cho biết bao hoàn cảnh lịch sử trong đó các tín hữu, những người đã chịu phép thánh tẩy, đang sống chức tư tế riêng của họ: cuộc đời của vị giám mục được qui hướng hoàn toàn về Đức Kitô và là việc phục vụ các tín hữu, đời sống đó hệ tại ở việc phân định xem con đường mà Thánh Thần đã tiên liệu cho mỗi cá nhân. Vị giám mục phải biết dùng con mắt đức tin để đọc ra sự năng động của thực tại này và hiểu thực tại này khởi đi từ quan điểm ấy. Vị giám mục phải đương đầu với một thực tại như vậy với Đức Kitô vốn dành cho con người.

Hiển nhiên ơn phân định mà thành Phaolô nói tới trong các thư của người là điều cơ bản đối với vị mục tử chăn dắt các linh hồn, bởi vì vị mục tử phải thường xuyên phân định xem đồng cỏ nào tốt đồng cỏ nào xấu, ở đâu có những người nguy hiểm hay lừa lọc.

Cuộc đời là hoa quả của những quyết định quả cảm, những quyết định này phát sinh từ một sự phân định được Thánh Thần hướng dẫn. “Lectio divina” là cuộc thao dượt để chuẩn bị cho những quyết định như thế. Và một bản văn Kinh thánh thích hợp là điểm khởi hành cho công việc quan trọng này. Vì đó vị giám mục luôn phụ thuộc vào bản văn Kinh thánh và, dù không thế đích thân nghiên cứu được, vị giam mục hãy chấp nhận chân thành sự đóng góp của những người làm công việc này hay nâng đỡ công việc này bằng cách này hay cách khác.

II. CỐT YẾU CỦA THỪA TÁC VỤ GIÁM MỤC LÀ DỰA VÀO SÁCH THÁNH 
(ĐỨC HỒNG Y JOSEPH RATZINGER)


1. Cốt yếu của thừa tác vụ giám mục


Để trình bày mối tương quan giữa thừa tác vụ giám mục với lectio divina, Đức hồng y Ratzinger khởi đi từ hai đề tài. Thứ nhất: để lãnh nhận thừa tác vụ giám mục, điều cốt yếu không phải cứ là một chuyên viên thần học mới được, nhưng phải là bậc thầy về đàng đức tin. Để được như thế, vị giám mục phải có khả năng phân biệt giữa đức tin với suy tư về đức tin. Vị giám mục phải có sensus fidei (cảm thức đức tin). Vì thế, vị giám mục không cần phải tham gia vào những cuộc tranh luận của các nhà thần học, nhưng phải chỉ cho các tín hữu cũng như cho các nhà thần học biết những yếu tố nào là những yếu tố của đức tin. Sự am hiểu và đào sâu đức tin có thể tăng triển cùng với việc làm của các nhà thần học, nhưng chính đức tin là yếu tố duy trì căn tính của vị giám mục, và trách vụ của giám mục là diễn tả và bênh vực đức tin.

Đề tài thứ hai: không phải điều cốt yếu hay thậm chí là có thể đối với vị giám mục là phải am tường hết mọi thành quả của việc nghiên cứu thần học hiện đại, nhưng để hướng dẫn đoàn chiên của mình cho tốt đẹp, vị giám mục phải biết các đặc tính cốt yếu của những luồng thần học chính trong xứ sở của mình cũng như trong những xứ sở và lục địa khác, xét vì những luồng thần học chính yếu đó quan trọng đối với trách vụ phổ quát của Hội thánh. Vị giám mục phải có khả năng hướng dẫn các tín hữu trong bất kỳ cuộc tranh luận công khai nào có liên hệ đến đức tin.

Điều này giả thiết phải có một mối tương quan bản thân với Thiên Chúa, gọi là cầu nguyện, nhưng cần nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh đối thoại trong mối tương quan này, bao gồm hai giai đoạn cũng quan trọng như nhau: những lời nói của chúng ta và thái độ lắng nghe của chúng ta. Không có điều này, cuộc đối thoại biến thành độc thoại. Cuộc đố thoại được thực hiện không phải chỉ bằng lời nói nhưng còn đòi phải có một sự cùng hiện hữu, chung sống, một sự hiệp thông giữa hai ý muốn, một sự hiệp thông đời sống. Cầu nguyện vì thế gồm cả việc lắng nghe tiếng của Thiên Chúa nữa.

2. Nghe Lời Thiên Chúa: lectio divina


“Nhưng lúc bấy giờ lại nảy sinh vấn đề: làm sao để có thể lắng nghe được Lời Thiên Chúa? Câu trả lời đơn giản thôi: chúng ta lắng nghe Thiên Chúa khi chúng ta lắng nghe Lời của Người, Lời đã được ban cho chúng ta trong Sách thánh. Thực vậy, cần phải xác tín rằng lectio divina là yếu tố căn bản trong việc đào tạo cảm thức đức tin, và vì thế đó là trách vụ quan trọng nhất đối với vị giám mục, thầy dạy đường đức tin. Lectio divina trong tư tưởng của các giáo phụ giống hệt như là suy niệm Kitô giáo. Vì thế, ta không nói đến việc đọc thuần tuý có tính cách lý thuyết, chỉ do tính tò mò trí thức thúc đẩy hoặc do tính ham muốn nghiên cứu học hỏi Sách thánh như thể nghiên cứu các cổ vật. Một thái độ như thế sẽ đối xử với Sách thánh như kiểu giải phẫu một xác chết, lọc lựa phân tích, chọn cái này bỏ cái kia, sắp xếp tuỳ tiện. Chúng ta không được quên rằng lectio divina có nghĩa là lắng nghe Thiên Chúa đang nói với chúng ta, lắng nghe Thiên Chúa đang nói với chính tôi. Vì thế, thái độ lắng nghe này đòi phải có thái độ chăm chú thật sự và sâu lắng, một thái độ sẵn sàng không phải chỉ về phương diện trí tuệ, nhưng toàn thể con người. Những lời nói của người khác, và đặc biệt là Lời Thiên Chúa, không được chỉ dùng trí não để hiểu. Đúng ra phải đem toàn thể con người ra mà hành động.

Đọc đầy đủ bản văn thư qui


Lectio divina phải được thực hiện hàng ngày, phải là lương thực của chúng ta mọi ngày, vì lẽ chỉ có cách đó chúng ta mới có thể học biết Thiên Chúa là Đấng nào, chúng ta là ai, ý nghĩa cuộc đời chúng ta trong thế giới này là gì. Sách các giờ Kinh Phụng vụ cống hiến cho chúng ta một cách đọc Kinh thánh mỗi ngày. Như thế không được đọc nhanh quá. Chúng ta phải để cho những lời ấy thấm dần vào tâm hồn chúng ta và tạo được ấn tượng trong tâm hồn chúng ta. Một khi được đọc đúng, các giờ Kinh Phụng vụ sẽ biến thành một việc suy niệm sứ điệp Kinh thánh, nhưng cũng làm cho chúng ta dần dà nên đồng hình đồng dạng với Lời của Thiên Chúa.

Tôi xin nhấn mạnh là để cho việc đọc Kinh thánh được trọng vẹn và, ít là trong những giai đoạn đầu, không cần đến các phần chú giải. “Trọn vẹn” có nghĩa là mỗi năm chúng ta phải đọc không những các đoạn văn được chọn đọc trong các giờ Kinh Phụng vụ và trong Phụng vụ, nhưng còn toàn thể bản văn nữa.

Khi khẳng định là việc đọc Kinh thánh của chúng ta trong giai đoạn đầu không cần đến chú thích, tôi có ý nói là bản văn Kinh thánh phải được đọc như chúng ta đang có lúc này mà không cần phải thắc mắc xem các nguồn là gì, xuất xứ văn chương ở đâu và gồm các thành tố văn chương nào. Chỉ có bản văn thư qui được linh hứng. Ấn bản cuối cùng này là Lời Thiên Chúa. Những lời đi trước khi có ấn bản cuối cùng người ta tái lập được hơn kém không được coi là có cách qui phạm. Biết tiến trình thành hình văn bản có thể rất hữu ích để hiểu, nhưng điều quan trọng đối với đức tin luôn luôn vẫn là bản văn cuối cùng, được đặt trong mạch văn của sự thống nhất tức là toàn thể bản văn thư qui. Một bản văn Kinh thánh không mất đi giá trị của nó đối với đức tin do sự kiện là người ta có thể khẳng định bản văn ấy là kết quả của một tiến trình thành hình lâu dài và phức tạp. Những lời trong các sách Tin mừng không mất đi chút nào thế giá do sự kiện là phần lớn các nhà chú giải không thống nhất được với nhau trong một bản văn nhất định xem những lời do chính Đức Giêsu Nadaret nói (ipsissima vox) là những lời nào.

Nếu điều quan trọng là đọc bản văn thư qui nguyên nó là có thể lắng nghe và tiêu hoá chính bản văn Kinh thánh, bản văn nói cho tâm hồn chúng ta trước khi đi qua lăng kính là các tác phẩm chú giải. Quả quyết như thể không có nghĩa là theo chủ trương bảo thủ (fondamentalisme) mà cũng không phải là từ chối giá trị của những sách chú giải vốn có một vai trò không thể thiếu, nhưng là muốn cho thấy rằng các sách chú giải không được ngăn trở hoặc loại trừ việc tiếp xúc bản thân và trực tiếp với Lời Thiên Chúa. Về điểm này tôi nghĩ rằng ông Luther có lý khi nhấn mạnh đến tính trong sáng của Kinh thánh, tức là Kinh thánh nói mà ai cũng có thể hiểu được, dù là mỗi người chỉ có thể hiểu được một phần. Bù lại, việc giải thích toàn thể là một công việc bao la phải được hoàn thành hợp với chiều sâu khôn dò của toàn thể Sách thánh.

Về chuyện này, tôi cứ hay nhớ lại những lời mà Staretz Zossima nói với nhà thần học trẻ Alyosha trong cuốn tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov” của văn hào Dostoyevski. Vị đan sĩ già khôn ngoan Zossima khuyên người bạn trẻ đọc Sách thánh cho dân chúng, có thế nào thì đọc như thế, và ông nói thêm “bạn sẽ thấy tâm hồn đơn sơ chất phác hiểu Lời Thiên Chúa như thế nào”. Dĩ nhiên điều quan trọng luôn luôn là lắng nghe, một lần rồi hai lần, sứ điệp Kinh thánh như thế là sứ đi riêng cá nhân, như là một lời trực tiếp ngỏ với tôi, như là những lời không phải thuộc về quá khứ mà là những lời đang nói với tôi hôm nay. Sẽ là nguy hiểm khi không chịu tiếp xúc trực tiếp với bản văn hoặc để cho mình đi theo ý kiến cho rằng nỗ lực nghiên cứu hiện nay cho thấy việc giải thích đúng bản văn còn nhiều nhiều khó khăn, đến độ chỉ có các nhà chuyên môn mới có thể khám phá ra ý nghĩa đích thực của nó mà thôi.

Kinh thánh không phải là cuốn sách của quá khứ nhưng là một tiếng nói vẫn lúc nào cũng là thời sự. Kinh thánh không phải là sở hữu của một giới ưu tuyển nhưng là sở hữu của “những người có tinh thần nghèo khó”.

Lời quả quyết này, tôi xin nhắc lại, không có ý chối tuyệt đối tầm quan trọng của các sách chú giải. Nếu việc đọc cá nhân là cần thi, một việc đọc Kinh thánh không qua một lăng kính nào, thì cũng là điều không thể không có đối với một nhà giảng thuyết là phải đọc những tấp chú giải quan trọng. Chỉ có thế, ta mới có thể thấy sự phong phú lịch sử của các bản văn, việc nhập thể của chính Thiên Chúa vào trong lịch sử cứu độ, tính nhân loại thâm sâu của Lời Thiên Chúa. Đấng mang lấy thân phận của con người để tỏ cho thấy sự khôn ngoan chân thực của Thiên Chúa. Cũng chỉ có cách này, chúng ta mới có thể thấy rõ tính cách đa âm đa sắc của Lời Thiên Chúa, nhưng lại có được sự hài hoà và vẻ đẹp thể hiện trong sự khác biệt về âm giọng và trong cả sự đối chọi giữa giọng này với giọng kia. Nói cho cùng, tôi thấy rằng có được một nhịp điệu nào đó trong việc đọc là điều quan trọng: từ việc đọc riêng, chúng ta đi qua việc học các sách chú giải. Khi đã có được nhiều hiểu biết nhờ các sách chú giải, chúng ta lại trở về thái độ lắng nghe riêng.