Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

ĐI TÌM QUYỀN SỐNG VÀ QUYỀN ĐƯỢC TÔN TRỌNG CỦA NGƯỜI NHIỄM HIV

Thời sự Thần học - Số 3, tháng 06/2008, tr. 118-127. 

_Giuse Hà Đình Tuấn 🙋


HIV/AIDS, một đề tài không mới nhưng vẫn cứ trở nên nóng bỏng, cấp bách bởi số lượng tăng lên từng ngày, từng giờ; mức độ lây nhiễm càng ngày càng trẻ hoá; sự kỳ thị, phân biệt của xã hội càng gia tăng, từ trong gia đình đến ngoài cộng đồng xã hội, từ các cơ sở tư nhân đến các cơ sở của nhà nước… bởi nhận thức của cộng đồng xã hội chưa đúng đắn, tính “sĩ diện hão”[1] của người Việt đã tạo nên cái nhìn lệch lạc về căn bệnh HIV/AIDS. Họ không thể chấp nhận được sự có mặt của những đứa con nhiễm bệnh trong gia đình, những mảnh đời bất hạnh mắc phải AIDS. Làm sao giúp bản thân người bệnh, gia đình và toàn thể cộng đồng xã hội hiểu được quyền con người, trong đó phẩm giá không thể bị xem thường dưới bất kỳ một sự biện hộ nào; phẩm giá ấy vẫn còn nguyên vẹn, đầy ắp nơi thân xác đớn đau, tiều tuỵ dần vì Virus HIV? Làm sao để người nhiễm HIV và gia đình họ có thể sống bình đẳng, chan hoà với cái nhìn thiện cảm, yêu thương và chia sẻ? Làm sao có thể đề cao quyền được sống và chết đúng với phẩm giá là con người, con Chúa và là anh chị em trong cộng đồng nhân loại, của người nhiễm HIV/AIDS? Làm sao có thể mang lại bình an cho người ra đi về với Nguồn Cội và cả những người ở lại, đang lữ hành?...

Đứng trước những thách đố này, mỗi người chúng ta không thể làm ngơ, thoái thác trách nhiệm liên đới. Bởi sự sống là ân ban và chỉ được triển nở, thăng tiến, hoàn thiện trong sự “liên hệ.”[2] Sự sống sẽ nên trọn vẹn khi con người dám mở lòng ra với nhau và gắn kết với Đấng là Nguồn Sự Sống. Điều này buộc chúng ta phải mang trách nhiệm, trở nên liên luỵ với số phận bất hạnh của anh chị em mình. “ĐI TÌM QUYỀN SỐNG VÀ QUYỀN ĐƯỢC TÔN TRỌNG CỦA NGƯỜI NHIỄM HIV” như một mong ước góp thêm tia sáng hy vọng cho người nhiễm HIV và người thân của họ bình an hơn, khi phải đơn hành trong dòng đời bị che kín bởi bao tường rào phân biệt và kỳ thị.

1. Thực trạng chung về đại dịch HIV


Sau hơn 25 năm, kể từ khi phát hiện “căn bệnh lạ” đầu tiên trên thế giới vào tháng 6 năm 1981 tại Hoa Kỳ, HIV/AIDS đã nhanh chóng trở thành đại dịch, đe doạ nhân loại từng ngày, từng giờ. Hiện mỗi ngày có trên 6.800 người bị nhiễm HIV và trên 5.700 người tử vong vì AIDS, chủ yếu là do không được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV. Hiện nay, đại dịch HIV vẫn là căn bệnh lây truyền nguy hiểm nhất, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tại Châu Á, Đông Nam Á là nơi có tỷ lệ hiện nhiễm HIV cao nhất, với nhiều xu hướng dịch khác nhau tại các nước khác nhau. Trong khi tỷ lệ hiện nhiễm tại Campuchia, Myanmar và Thái Lan đều có dấu hiệu giảm, thì tại Inđônêsia (đặc biệt tại tỉnh Papua) và Việt Nam những con số này lại đang tăng. Trong năm 2007, ước tính trên toàn Châu Á có 4,9 triệu người đang sống với HIV, trong đó có 440.000 người nhiễm mới. Ước tính có tới 300.000 người đã tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS trong năm 2007.[3]

 

Những đối tượng

 

Tỉ lệ nhiễm HIV theo năm (%)

(Tỉ lệ hiện nhiễm HIV – kết quả giám sát Trọng Điểm năm 2001-2006)

2001

2002

2003

2004

2005

2006

Nghiện chính ma tuý

29,4

29,4

26,8

28,6

25,5

23,2

Phụ nữ mại dâm

4,7

5,9

4,3

4,4

3,5

4,0

Phụ nữ trước sinh

0,30

0,34

0,24

0,35

0,35

0,37

Nam khám tuyển nghĩa vụ quân sự

0,93

0,65

0,45

0,44

0,31

0,16

Bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục

2,6

2,1

1,5

1,4

2,5

2,2


Đi tìm những nguyên nhân và nguy cơ dẫn đến sự lây lan làm nên đại dịch, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện vẫn chủ yếu tập trung trong các nhóm nguy cơ cao, với tỷ lệ hiện nhiễm cao trong các nhóm tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm, khách mua dâm, và nam quan hệ tình dục đồng giới. Mối liên hệ qua lại giữa các nhóm nguy cơ cao này là việc dùng chung dụng cụ tiêm chích và tình dục không an toàn, nhất là trong đối tượng nam thanh niên. Đây sẽ tiếp tục là nguyên nhân làm gia tăng của dịch HIV tại Việt Nam. Tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong dân cư nói chung, tính đến ngày 31-08-2007, số lũy tích được báo cáo là 132.628 các trường hợp nhiễm HIV, 26.828 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 15.007 ca tử vong do AIDS. Tất cả 64 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, 96% trong số tổng số 659 quận/huyện và hơn 66% trong tổng số 10.732 xã/phường đã có báo về các trường hợp nhiễm HIV. Trong số các ca nhiễm HIV được báo cáo có 78.9% ở độ tuổi từ 20 -39. Nam giới chiếm 85,2% trong tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. Số người trẻ nhiễm HIV ngày càng gia tăng và sự lây truyền qua đường tình dục khác giới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.

Nhìn vào sự gia tăng đáng kể của dịch HIV/AIDS, ta nhận thấy có sự khác biệt lớn về thời gian xuất hiện dịch HIV tại các địa phương của Việt Nam. Dịch HIV xuất hiện đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi thuộc vùng biển Đông Bắc, trong khi các vùng miền khác của đất nước, dịch mới xuất hiện gần đây. Sự khác biệt này đã đưa đến thực tế là các ca nhiễm HIV tập trung theo vùng địa lý, tại một số tỉnh và các thành phố lớn, nơi có dịch chủ yếu xảy ra trong các nhóm tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm và nam tình dục đồng giới. Quảng Ninh là tỉnh có tỉ lệ hiện nhiễm HIV cao nhất trên 100.000 người. Riêng thành phố Hồ Chí Minh phát hiện trường hợp đầu tiên (12-1990) nhưng tính đến 31-12-2006 toàn thành phố đã có 34.909 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện, 14.765 người chuyển sang AIDS, 7.431 bệnh nhân đã tử vong. Theo đánh giá của Ủy ban phòng chống AIDS thành phố Hồ Chí Minh thì số người nhiễm trên thực tế còn cao hơn gấp hai lần so với số phát hiện được. Số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2006 tăng 1,7 lần so với năm 2005. Đây quả là một vấn nạn cần sự suy nghĩ nghiêm túc, kịp thời của tất cả mọi người, trong khi ngày càng nhiều sự văn hoá phẩm đồi truỵ ồ ạt tràn vào, sự di động dân nhập cư tại Thành phố như hiện nay.

2. Những khó khăn người nhiễm HIV đang phải đối diện


Trong cộng đồng hiện nay vẫn còn phổ biến thái độ và hành vi không đúng đối với người nhiễm HIV ở nhiều mức độ khác nhau.

Dân gian có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”, theo lẽ ấy thì người cao tuổi phải được an hưởng tuổi già và cậy nhờ vào con cháu phụng dưỡng, nhưng đại dịch HIV/AIDS đã và đang làm cho cuộc sống của người cao tuổi đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. HIV/AIDS đã làm mất đi lực lượng trẻ đang là nguồn lao động và hỗ trợ chính trong gia đình. Không còn con đường nào khác, một lần nữa người cao tuổi lại phải trở thành trụ cột gia đình, phải lao động vất vả để kiếm tiền nuôi bản thân và nuôi con, nuôi cháu. Thu nhập hạn hẹp của người cao tuổi giờ đây phải cáng đáng thêm các chi phí cho việc chăm sóc, thuốc thang, chữa trị và cuối cùng là chi phí tang ma, cũng như các chi phí cho việc sinh tồn, thực phẩm, nơi ở, quần áo, học phí cho trẻ bị ảnh hưởng và mồ côi do cha mẹ chúng bị AIDS để lại. Họ đang bị kiệt quệ cả về thể chất, kinh tế, tâm lý và tinh thần. Cuộc sống của họ bị đảo lộn bởi những nhọc nhằn, nước mắt, xót xa, tủi hổ, trước sự xa lánh của cộng đồng do con, cháu họ không may nhiễm phải căn bệnh thế kỷ. Sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng đã khiến nhiều người thân trong gia đình có người bị nhiễm mất đi cơ hội kiếm sống vốn đã rất khó khăn. Sự kỳ thị cũng làm cho họ không dám bộc lộ nỗi khổ tâm của mình, mà chỉ âm thầm chịu đựng chống chọi với mọi khó khăn, thách thức trong việc tự quản lý, chăm sóc giáo dục người nghiện, người nhiễm trong gia đình. Chính điều này đã làm cho người cao tuổi, không còn tâm trí, thời gian cũng như tiền bạc để chăm lo cho bản thân mình, khi tuổi đà xế bóng, sức khoẻ không còn.

Ở Việt Nam, vấn đề tình dục còn liên quan đến các tệ nạn xã hội khác. Điều này càng làm tăng thêm sự kỳ thị và thành kiến của xã hội đối với người nhiễm HIV. Tiến sĩ Nafis Sadik, cố vấn đặc biệt của nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, đặc phái viên về HIV/AIDS khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhận định: “Tính dục và vấn đề giới tính là trọng tâm của HIV.”

Trong vấn đề tình dục này, ta thấy có sự bất bình đẳng giới giữa nam và nữ. Phụ nữ nhiễm HIV/AIDS bị kỳ thị nặng nề hơn nam giới. Trong khi cộng đồng có xu hướng chê trách người phụ nữ bị nhiễm HIV/AIDS, còn nam giới khi bị nhiễm HIV/AIDS lại thường nhận được sự tha thứ nhiều hơn. Chính vì vậy, người phụ nữ nhiễm HIV/AIDS thường bị coi là có hành vi đạo đức không lành mạnh, nhưng trong thực tế, nhiều phụ nữ là nạn nhân do nhiễm từ chồng, từ người yêu của mình. Hơn nữa, người phụ nữ mặc dù nhiễm HIV vẫn phải lo toan, lao động kiếm sống nuôi bản thân, gia đình và chăm sóc chồng con. Thế nên, sự xa lánh kỳ thị của cộng đồng sẽ đẩy họ và gia đình họ suy sụp nhanh hơn, bởi họ chịu sức ép kép và cao gấp nhiều lần so với nam giới.

Bên cạnh đó, ta cũng thấy một số người nhiễm HIV có thói quen “tự kỳ thị” nên dễ bị tổn thương trước những hành vi vô tình nào đó của cộng đồng và dễ ngộ nhận cho là bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Người mắc triệu chứng này thường có mặc cảm tội lỗi, tự ti, mất tự tin và tự cô lập, chán nản, tuyệt vọng trong cuộc sống và mọi mối quan hệ, từ bỏ các ước muốn trong cuộc sống: việc làm, thăng tiến nghề nghiệp, hạnh phúc gia đình. Họ bị ám ảnh là những người thừa thãi, vô ích và chỉ mong tìm đến cái chết bằng việc tự sát.

Thái độ phân biệt đối xử và kì thị của cộng đồng còn là kết quả của quá trình nhận thức chưa đầy đủ về đại dịch AIDS. Nhiều người vẫn còn nghĩ HIV/AIDS có thể lây qua tiếp xúc thông thường như bắt tay, ôm hôn và ăn uống. Điều này đã dẫn tới việc người dân áp dụng những biện pháp phòng tránh không đúng, dễ mang tính kỳ thị. Biểu hiện của thái độ phân biệt và kỳ thị là mọi người xa lánh: tránh gần gũi, đụng chạm, sử dụng đồ dùng chung; Từ chối các mối quan hệ khiến người nhiễm HIV mất chỗ ở, mất việc làm, học tập, bị đùn đẩy khi khám chữa bệnh; Cô lập, không cho tiếp xúc với mọi người: ở riêng trong gia đình, khu riêng trong bệnh viện; Sự bàn tán, nói xấu của cộng đồng đã làm mất dần vị trí của họ trong gia đình và xã hội và do đó cũng mất luôn khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho cuộc sống và chăm sóc sức khỏe. Và do đó, chính họ cũng như con cái họ sẽ phải đối diện với tình trạng sống “bốn không” (không nhà, không nghề nghiệp, không hộ khẩu và không có giấy khai sinh cho con).

Theo một nghĩa nào đó, ý nghĩa nhân bản của “sợi dây liên đới” là một trách nhiệm mang dáng dấp bổn phận đối với tha nhân. Chính bản tính con người, ý thức nhân loại và nghĩa đồng bào của những người cùng một giống nòi và cùng đồng hành trên con thuyền nhân loại, đòi hỏi chúng ta phải có tâm tình, hành vi, trách nhiệm liên đới với nhau. Trong báo cáo của phòng khám Mai Khôi cho hành trình “Chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân có HIV/AIDS ở giai đoạn cuối”, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh nhận xét: “Bệnh nhân nhiễm HIV là một bệnh nhân trong tình trạng nguy tử (dù họ đã uống ARV) nên ngoài công việc chăm sóc về thể lý còn cần phải chăm sóc về mặt tinh thần nữa: có nhiều hoàn cảnh đáng thương, bệnh nhân cần được giao hoà với các thành viên trong gia đình và sự kỳ thị quá đáng cần được giải toả để bệnh nhân tìm được sự bình an, thanh thản sống những ngày cuối đời.”

Nhìn vào vận mệnh của mình ta thấy có sự nối kết và gắn chặt với vận mệnh của những người khác. Sống tương quan và liên đới khi hạnh phúc cũng như lúc khổ đau; khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan; khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ… là những yếu tố nền tảng làm nên giá trị của con người, giúp bền vững gia đình và phát triển xã hội. Vì sự tôn trọng người khác chính là sự công bằng, do đó, tình yêu con người, yêu nhân thế sẽ là ảo tưởng nếu không được xây dựng trên nền tảng công bằng này. Ở đây, tình liên đới bao hàm ý tưởng hiệp thông, chia sẻ cảnh ngộ, cảm thương những phận đời hẩm hiu và tự cảm thấy một thứ trách nhiệm nào đó trước những nỗi bất hạnh xảy đến cho đồng loại. Đức Gioan Phaolô II đã gọi “liên đới là một nhân đức Kitô giáo” trong giai đoạn toàn nhân loại tích cực phòng chống HIV/AIDS này, bởi người môn đệ đích thực của Đức Kitô không thể hờ hững trước nỗi đau nhân loại.

3. Quyền được sống và được tôn trọng của người nhiễm HIV


Giáo hội luôn luôn kêu lên tiếng kêu của Tin Mừng để bênh vực những người nghèo trên thế giới, những người bị đe doạ, bị khinh dể, bị tước đoạt nhân quyền.

Trước thảm kịch lan tràn rộng khắp này, Giáo hội không thể làm thinh, và lời Giáo hội công bố về sự sống, một lời công bố hạnh phúc, trở thành lời chất vấn, lời phản kháng, lời kêu gọi hoán cải và lời động viên có tính lịch sử mọi năng lực để phục vụ sự sống. Sự sống (của mình cũng như của người khác) là thánh thiêng, nó mang tính bất khả xâm phạm, được khắc ghi từ ban đầu trong lòng người, trong lương tâm con người.

Dù có tín ngưỡng hay không, mỗi khi nói về nhân quyền và cả khi nói về cuộc sống xã hội, chúng ta luôn có thể đồng ý với nhau về một tiêu chuẩn căn bản, với điều kiện tiêu chuẩn đó chính là phẩm giá của con người. Nói cách khác, tiêu chuẩn chung ấy là tất cả nhân loại và là trọn vẹn từng con người để trong mọi nơi mọi lúc, ta luôn hành động với nhân tính nơi bản thân và nơi bất cứ ai khác như một sự cứu cánh của cuộc đời chứ không bao giờ biến thành phương tiện cho quyền lực, danh vọng hay bất kỳ điều gì khác mà xem thường con người. Jacques Maritain cho rằng: “Nhân vị là một mầu nhiệm lớn tiềm tàng nơi mỗi người chúng ta. Muốn bênh vực các quyền lợi của con người cũng như muốn bảo vệ sự tự do thì phải sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình.” Yêu thương, chia sẻ và tận tình giúp đỡ những người bất hạnh, nghèo nàn, đói khát… đã trở thành một bổn phận và một nét đẹp trong luân lý Kitô giáo. Giáo hội Việt Nam đã cụ thể hóa lòng yêu thương người nghèo bằng rất nhiều hành động dấn thân và sáng kiến bác ái xã hội. Tình thương Kitô giáo luôn đòi hỏi chúng ta biết vượt qua thành kiến để mở rộng tấm lòng với các nạn nhân của căn bệnh thế kỷ.

Đã đến lúc mỗi người trong xã hội cần phải nhìn vào hoàn cảnh thực tiễn của người nhiễm HIV mà có hướng giúp họ vượt qua hơn là ép buộc. Nếu chúng ta nhìn được điểm tốt của họ, họ sẽ tự tin hơn, phần chúng ta, chúng ta phải tôn trọng và đồng hành với họ, cần giúp cho người lớn và trẻ em hiểu được bản thân họ và giúp cho họ hiểu các khía cạnh khác của xã hội. Vì thế, điều khó nhất là làm sao giúp cho họ hiểu được giá trị của bản thân, nếu một người không nhìn thấy giá trị của mình thì làm sao họ có được niềm hy vọng vượt qua và cộng tác trong điều trị.

Kết luận


Dường như ai cũng biết tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử người nhiễm HIV đang xảy ra ở mọi nơi và rộng khắp. Ai cũng biết điều này là mối lo ngại lớn nhất của người nhiễm. Và ai cũng biết hậu quả của sự kỳ thị, phân biệt đối xử này có thể sẽ khiến họ không hoặc khó tiếp cận được với các dịch vụ y tế, không được điều trị chăm sóc đúng mức khi có bệnh. Lương tâm con người và niềm tin Kitô giáo không cho phép chúng ta vô cảm và vô tư trước thảm cảnh đó, nhưng phải quyết tâm tìm mọi cách phòng ngừa và ngăn cản sự phát triển của cơn dịch này, đồng thời phải quan tâm chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân cũng như nâng đỡ gia đình họ. Tất cả và từng người trong xã hội phải liên đới trách nhiệm. Chính vì thế, quyền sống và quyền được tôn trọng của người nhiễm HIV đòi hỏi phải lưu tâm đến những điểm sau:

Thực tế cho thấy người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ vẫn phải chịu đựng sự kì thị và phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày. Tại nơi làm việc, trong cộng đồng và thậm chí cả ở gia đình, sự kỳ thị và phân biệt đối xử khiến cho đề tài HIV/AIDS không được trao đổi cởi mở và thẳng thắn, gây trở ngại cho công tác chăm sóc và phòng chống đại dịch. Do đó, các cấp lãnh đạo cần lên tiếng cổ vũ, hiện thực hoá các quy định đã được ghi trong luật dành cho người nhiễm, đẩy mạnh công tác chăm sóc những người nhiễm HIV/AIDS. Công việc này cũng cần có sự tham gia của bản thân người bệnh.

Người dân trong cộng đồng hiểu biết mơ hồ về các đường lây truyền của HIV, nên có thái độ hoài nghi, lo sợ về việc lây nhiễm HIV thông qua các tiếp xúc thông thường hàng ngày với người bị nhiễm. Điều này đã dẫn tới việc người dân áp dụng những biện pháp phòng tránh sự lây truyền không cần thiết và mang nhiều nét kỳ thị. Cũng vì kém hiểu biết và quá chủ quan, nên tỷ lệ phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam hôm nay bị nhiễm tăng nhanh một cách đáng sợ. Thạc sĩ Chu Quốc Ân, trưởng ban tuyên truyền phòng chống AIDS quốc gia đã thao thức: “Sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã đẩy cộng đồng lâm vào cuộc chiến với kẻ thù giấu mặt. Việc bây giờ phải làm là tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng về đại dịch HIV chứ đừng kỳ thị và chạy trốn.”

Khơi dậy trách nhiệm bản thân của người bệnh nghĩa là giúp họ trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh, trách nhiệm và quyền lợi của mình, để có thể tự tin bảo vệ mình và người thân của mình tránh bị lây nhiễm.

Một xã hội mất định hướng, thiếu công bằng, với hệ thống giáo dục xuống cấp và gia đình vắng bóng tình thương, đã đẩy nhiều người trẻ vào cạm bẫy của ma túy. Thái độ thiên kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử và thái độ bêu xấu những người có HIV/AIDS vẫn tiếp tục ngự trị trong xã hội chúng ta. Nguyên nhân của tình trạng này có lẽ vừa do thiếu thiếu thông tin về con đường lây nhiễm HIV/AIDS, vừa phản ảnh thái độ luân lý loại trừ. Để tránh những điều ấy, người nhiễm HIV phải học hỏi, tìm hiểu, liên hệ tìm sự hỗ trợ từ những cá nhân/tổ chức am hiểu pháp luật, nhằm giúp bản thân người nhiễm HIV hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình đã được pháp luật quy định.

Yếu tố chủ quan, tự kỳ thị, do bản thân người nhiễm HIV chưa được quan tâm đúng mức từ xã hội, các đoàn thể và gia đình. Người nhiễm cần có thái độ tích cực và chủ động tiếp cận các thông tin có liên quan đến cuộc sống người nhiễm HIV/AIDS và quyền lợi, bổn phận của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng, sách báo và các tổ chức tư vấn HIV. Vì khi dám can đảm hiện diện với cộng đồng trong cuộc sống hằng ngày, hình ảnh tự ti mặc cảm sẽ dần dần biến mất, người bệnh sẽ trở nên quen thuộc và gần gũi, mọi người hiểu ra và xem ta như những người bình thường khác. “Nếu muốn mọi người không phân biệt đối xử, thì bản thân người nhiệm HIV phải coi mình là người bình thường.”

Câu hỏi được đặt ra là làm sao giúp người sống với HIV hoà nhập dần với cộng đồng và làm vơi đi những thiên kiến kỳ thị và phân biệt đối xử? Trong hoàn cảnh hiện nay, cách làm tốt nhất là mời gọi họ cùng tham gia để họ thể hiện mình là một chủ thể hiện hữu. Tạo thêm nhiều cơ hội cho họ hội nhập và tham gia trong cộng đồng và như nhân viên cùng phòng ngừa HIV, các trẻ cần được đến trường học, điều này rất khó vì các phụ huynh khác gây áp lực, nhưng chúng ta phải làm việc với các hiệu trưởng để khẳng định rõ các quan điểm của mình và giải thích cho các phụ huynh hiểu rõ về sự lây lan của HIV. Trên hết, tình thương Kitô giáo mời gọi chúng ta hết lòng phục vụ, xả thân vì anh chị em mình. Bằng con mắt đức tin, mỗi người sẽ nhận ra khuôn mặt Đức Kitô đang hiện diện cách ẩn giấu nơi những người bệnh và gia đình họ, để yêu thương và phục vụ Chúa Kitô trong họ; với lòng cậy trông mời gọi mọi người hãy trở nên nguồn hy vọng và chứng nhân cho hy vọng để không bao giờ thất vọng trong cuộc chiến chống HIV/AIDS này; cuối cùng với lòng yêu mến thúc đẩy mỗi người trở thành "người Samari nhân hậu" biết trắc ẩn, chạnh lòng thương trước những đau khổ của người khác và tận tình giúp đỡ họ.

Hơn nữa, Con người là một nhân vị, một huyền nhiệm. Con người không phải là sản phẩm của nền tảng kinh tế và cũng không thể cứu con người từ bên ngoài qua việc thiết lập các điều kiện kinh tế chăm sóc thật thuận lợi. Khoa học cũng không giải thoát con người mà “con người được giải thoát bằng tình yêu.” Nếu như ai cảm nghiệm trong đời sống của mình tình yêu vĩ đại, thì đó là giây phút của “cứu độ”, sẽ đem lại một ý nghĩa mới cho cuộc đời của họ. HIV/AIDS hôm nay không chỉ dừng lại ở căn bệnh thế kỷ nhưng là một vấn đề luân lý. Bởi vì AIDS không chỉ đơn thuần liên quan đến vấn đề sức khỏe, nhưng đã trở thành “dấu chỉ của thời đại”, thành “mầu nhiệm cứu độ” khi càng ngày càng đụng chạm tới con người toàn diện, trong chính chiều sâu cuộc sống của mỗi cá nhân và nếp sinh hoạt của đời sống văn hoá, xã hội. HIV/AIDS không chỉ đặt vấn đề cho bản thân người bệnh mà còn cho nhiều thành phần khác và đang trở nên một thách đố cho toàn xã hội, vì phòng ngừa HIV đòi hỏi mọi người đều phải chọn một lối sống có trách nhiệm, đạo đức lành mạnh và chăm sóc bệnh nhân AIDS không chỉ đòi hỏi nghiệp vụ mà còn cần đến lương tâm và tấm lòng trên bình diện cá nhân lẫn xã hội.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định rất chính xác: "Những đặc tính riêng biệt của việc HIV/AIDS phát sinh và lan tràn cũng như của cách phòng chống căn bệnh này cho thấy rõ cuộc khủng hoảng giá trị đáng lo ngại. Có lẽ là không sai lầm khi cho rằng, song song với sự lây lan nhanh chóng của HIV/AIDS, cũng đang phổ biến một loại "mất tính miễn nhiễm" trên bình diện các giá trị hiện sinh, cần phải nhận diện như một bệnh trạng thực sự nguy ngập của tinh thần".

Một mình đối diện với những kỳ thị và phân biệt đối xử của dư luận, người bệnh không còn nơi bấu víu, họ phải sống những ngày cuối đời trong sự cô đơn, tuyệt vọng đến cùng cực. Rất nhiều bệnh nhân sống những ngày cuối đời ngắn ngủi trong những trung tâm chăm sóc giai đoạn cuối với tâm trạng lúc nào đôi mắt cũng hướng ra ngoài chỉ để ngóng chờ một khuôn mặt, một giọng nói quen thuộc của người thân. Trông họ như những kẻ tâm thần, mê sảng trong thế giới của riêng mình. Mà sự thật, cũng không ít người bệnh trong những ngày ngắn ngủi còn lại của mình đã phát điên thật khi bị chính người thân sao nhãng, bỏ quên, coi như họ chưa từng tồn tại ở trên thế gian này. Càng cay nghiệt hơn nữa là giờ phút tắt thở, họ phải đối diện với sự cô đơn cùng tận. Đám tang của họ cũng là một nghi thức chóng vánh, làm cho xong vì không có người thân đưa tiễn, không tiếng khóc xót thương, cũng không một giọt nước mắt lăn dài vì đớn đau cho một phận người quá cố. Do đó, dấn thân cho nhân quyền, bảo vệ con người thấp cổ bé miệng, phục vụ con người là một trong những chìa khoá để đọc Tin mừng ngày hôm nay. Khi mỗi người Kitô hữu đang dần ý thức vai trò và trách nhiệm của mình trong lòng Giáo hội và xã hội cách trưởng thành thì họ được mời gọi sống Phúc âm ngay giữa những thăng trầm của từng phận người và giữa lòng dân tộc, giữa lịch sử nhân loại, bằng cách dấn thân cả hồn lẫn xác phục vụ những anh chị em mình, cách riêng những anh chị em đau khổ. Và cũng chính trong Tin mừng ấy, người Kitô hữu không ngừng nghe được tiếng gọi vô cùng thúc bách: Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc vì xưa Ta đói, Ta khát, Ta bị bỏ rơi, Ta bị đối xử kỳ thị… các ngươi đã phục vụ và bảo vệ Ta.

[1] Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình-Ban Y tế Xã hội, AIDS và lòng tin (Vòng Tròn Đồng Tâm, 2007), bìa 4.
[2] Đức Thánh Cha Benedicto XVI, Thông điệp Spe Salvi, bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Văn Trinh, số 27.
[3] Xc. Bản Việt ngữ Cập nhật tình hình HIV do UNAIDS Việt Nam; http://www.unaids.org.