Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

GIÁO HỘI VÀ VẤN ĐỀ PHÁ THAI

Thời sự Thần học - Số 3, tháng 06/2008, tr. 5-14. 

_Đa Minh Trần Bình Tiên🙋 


Con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài (St 3,17). Một trong những ân huệ cao quý nhất Thiên Chúa ban cho con người là có sự sống nơi mình. Sự sống ấy xuất phát từ nguồn sống sung mãn của Thiên Chúa. Thánh Irênê đã nói: Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống. Qua bao thời, nhân loại luôn trân trọng quà tặng tuyệt vời ấy. Chính Thiên Chúa an bài đã ghi khắc nơi tâm khảm con người một lề luật sống động, luật này luôn nhắc nhở con người trung thành với Thánh Ý Ngài. Tuy nhiên, trải qua dòng lịch sử, con người lắm phen đã “quên” rằng mình được tạo dựng nên để sống, sống sung mãn trong niềm vui và hạnh phúc, trái lại, hướng chiều về cái chết (xc St 3,1-19). Kế đó, con người tiếp tục khinh thường mạng sống người anh em đồng loại; tiếm quyền, chiếm đoạt mạng sống của mình cũng như người khác, quên đi Lời được khắc ghi trong lòng.

Trong khi Giáo hội và những tổ chức “phò sự sống” không ngừng kêu gọi con người nhìn nhận quyền sống của thai nhi thì một số quốc gia vẫn đương nhiên công nhận, chấp nhận cho phép phá thai (tuy có một vài quốc gia chỉ cho phép trong những độ tuổi nào đó của thai nhi). Không chỉ dừng lại ở đó, nhưng tình trạng này còn tiến sâu hơn nữa khi có rất nhiều trường hợp phá thai ở độ tuổi vị thành niên. Theo thông tin từ Hiệp hội kế hoạch hoá gia đình quốc tế khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương, cứ “một phút trôi qua trên thế giới có một phụ nữ chết vì tai biến thai nghén, chuyển dạ sinh nở; có 10 cô gái trong độ tuổi vị thành niên đi phá thai không an toàn ....”[1]

Tại Việt Nam, trên thực tế, luật pháp không những chấp thuận cho phép phá thai, mà còn ủng hộ việc làm này, với mục đích kiểm soát dân số. Người ta dùng các kiểu nói và những mỹ từ như “kế hoạch hoá gia đình”, “sinh đẻ có kế hoạch”, nhưng thực chất trong hành động là một hành vi ngừa và phá thai trắng trợn.

Lịch sử thường ghi nhận ba “cuộc chiến phá thai.”[2] Cuộc chiến thứ nhất diễn ra thời đầu của kỉ nguyên Kitô giáo, khi đức tin đã được loan truyền rộng khắp vùng văn hoá Hy-La. Nền văn hoá này coi chuyện phá thai là bình thường, và điều này đụng chạm đến sâu xa niềm tin Kitô giáo. Cuộc chiến thứ hai xảy ra tại Hoa Kỳ vào khoảng giữa thế kỷ XIX, khi chuyện phá thai trở thành rộng khắp, thậm chí được quảng cáo trên báo chí. Cuộc chiến thứ ba xảy ra trong khoảng hơn 30 năm trở lại đây, được rộ lên năm 1973 tại Hoa Kỳ với vụ án của Roev. Wade. Thời gian đó chính quyền đã phê chuẩn luật cho phép người phụ nữ được quyền phá thai, nhưng đến khoảng năm 1989 thì quyết định trước đây của toà án liên bang Hoa Kỳ đã trở thành quá lỗi thời.

Tuy nhiên, chuyện phá thai dường như đã có từ thời rất xa xưa, và nó được nhìn nhận, đánh giá khác nhau tùy vào từng nền văn hoá và Giáo hội vẫn luôn là người bảo vệ sự sống.

Chúng ta cùng theo dòng lịch sử ….

1. CỰU ƯỚC


“Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.’ Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (St 1,26-27)

Khi người đàn bà đầu tiên trong Kinh Thánh sinh đứa con đầu lòng, bà đã kêu lên: “Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người” (St 4,1). Cách nói, nhờ Đức Chúa chứng tỏ một thái độ tri ân với tất cả sự hiểu biết, điều đó rất cần thiết và hệ trọng, vì quả thực, Đức Chúa là nguồn gốc phát sinh sự sống, là nguồn gốc của con người. Những người làm cha mẹ cùng hợp tác với Thiên Chúa để sinh ra một con người. Tiến trình này diễn ra dưới quyền lãnh đạo của Thiên Chúa; con người vì thế cần biết đón nhận và hết dạ tri ân, ngược lại, ngăn cản tiến trình này đều mắc tội. “Này con cái là hồng ân của Thiên Chúa; con mình sinh ra là phần thưởng Chúa ban.” (Tv 127,3)

Như vậy, sự sống con người không tự nhiên mà có, nhưng xuất phát do ý định ngàn đời của Thiên Chúa. Sự sống này là linh thánh, vì từ ban đầu nó nằm trong quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa và luôn liên kết với cứu cánh duy nhất của mình là chính Đấng Sáng Tạo.[3] Chính Thiên Chúa ban sự sống cho muôn vật muôn loài (xc Nkm 9,6). Đức Gioan Phaolô II đã từng nói: “Sự sống con người là linh thánh: chỉ Thiên Chúa là Chúa của sự sống! Mỗi lỗ hổng mở ra trên trận chiến về việc tôn trọng hoàn toàn đối với sự sống như tạo nên một trái mìn đặt vào nền tảng của cuộc sống nhân loại.”[4]

Giống như bao thụ tạo khác, con người là một thụ tạo của Thiên Chúa, và chỉ có thể hiện hữu khi có tương quan với Ngài, đồng thời luôn phải quy hướng về Ngài hầu đạt đến cùng đích tối hậu của mình. Tuy nhiên, tương quan giữa con người và Thiên Chúa là một tương quan liên vị, và vì thế nó có khả năng vươn lên, mở lòng mình về với Đấng tạo thành nên mình. Đây là điều làm cho sự sống của con người có một phẩm giá trổi vượt và. Kinh Thánh đã không ngừng nói đến ơn ban sự sống này, gọi nó là một giá trị cao quý vì đã được Thiên Chúa ưu ái ngay từ thuở còn trong “lòng đất thẳm sâu”.[5]
“Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.” (Tv 138,13-16)
Vào thời dân Do thái bị đô hộ bởi người Hy lạp, niềm hy vọng vào sự sống đời sau mới chỉ bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, cảm thức về hồng ân sự sống đã biểu lộ rất nổi bật trong sách thứ hai Macabê, qua lời của bà mẹ khuyên các con trước khi chứng kiến cảnh bảy người con trai của bà bị giới cầm quyền sát hại vì tội tôn thờ Thiên Chúa mà không tôn thờ nhà vua:
“Mẹ không biết các con đã xuất hiện thế nào trong dạ mẹ. Không phải mẹ đã cho chúng con tinh thần và sự sống, không phải mẹ đã sắp đặt các yếu tố cấu tạo nên mỗi người chúng con. Vì thế, Đấng tạo dựng thế giới, đã tác tạo loài người và là nguồn gốc mọi sự, sẽ trả lại cho chúng con, cả tinh thần lẫn sự sống, theo lượng từ bi của Người, vì giờ đây chúng con coi khinh chính mình vì lòng yêu mến giới luật Người. Này con, hãy nhìn trời, đất và tất cả những thứ trong đó mà biết rằng, từ hư không, Thiên Chúa đã làm nên chúng và loài người cũng được tạo nên như vậy.” (2Mcb 7,22-23.28.)

2. TÂN ƯỚC VÀ SÁCH GIÁO HUẤN CỦA CÁC TÔNG ĐỒ


Tân Ước không loại trừ nhưng trái lại kiện toàn Cựu Ước. Luật về bênh vực sự sống đã được Đức Giêsu kiện toàn trong điều răn mới về tình yêu (xc Mt 5,17.22.). Ngay sau thời Tân Ước, niềm tin và lập trường của các Kitô hữu thời đó đã được phản ánh lại trong cuốn sách vẫn quen gọi là Giáo huấn các Tông đồ (sách Điđakhê), một văn bản được coi là cổ nhất sau thoèi atân Ước, hình thành khoảng cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai. Bản văn cổ này đã cho chúng ta một cái nhìn về quan điểm của Giáo hội trong việc bảo vệ và bênh vực sự sống. Sách Điđakhê được viết khoảng năm 100 dạy rằng: Không được phá thai cũng như không được giết trẻ sơ sinh. Lập trường này cũng áp dụng giới luật thứ năm (chớ giết người) vào trường hợp các phôi thai, coi các phôi thai không kém gì những con người đã được sinh ra: “Người chớ làm ma thuật, chớ đánh thuốc độc, chớ giết trẻ con trong bụng mẹ, cũng chớ giết trẻ sơ sinh.” Sách Điđakhê II, 1, bản dịch của học viện Đa Minh, 2004, tr. 5 Rõ ràng, suy tư của tác giả sách này cho thấy, việc giết trẻ còn trong bụng mẹ (phá thai) được đề cập đến cùng với tội giết người (giết trẻ sơ sinh). Lá thư mệnh danh là của thánh Barnabê cũng khẳng định một lập trường như thế.

3. CÁC GIÁO PHỤ


Ngay từ thời kỳ đầu của kỷ nguyên Kitô giáo, các giáo phụ đã lên tiếng bênh vực lập trường bảo vệ sự sống của Giáo hội. Các giáo phụ là những nhà thần học (và triết học) của Giáo hội sống ngay liền sau thời các Tông đồ, cảm thức của các ngài đôi khi khá đơn giản nhưng rất gần với Tin Mừng. Đây là một thời thần học Kitô giáo rất năng động và phong phú, chính vì thế suy tư thần học (giáo huấn) của các ngài có nhiều giá trị. Tuy nhiên, quan điểm thần học của các giáo phụ cũng có những tiến triển theo thời gian. Một phần vì những suy tư ấy khơi nguồn từ niềm tin của các tín hữu thời Giáo hội sơ khai, một niềm tin hoàn toàn dựa trên xác tín vào Đấng Phục sinh; đàng khác vì đó cũng là thời tư tưởng (giáo lý, niềm tin) Kitô giáo đang tìm cách hội nhập vào các nền văn hoá nhân loại, đặc biệt nền văn hoá Hy - La. Tuy vậy, lập trường bảo vệ sự sống của các giáo phụ khá minh bạch. Có thể nói, niềm tin rằng sự sống của con người được Thiên Chúa tạo dựng cách trực tiếp ngay từ giây phút đầu tiên đã và vẫn là một lập trường đúng đắn. Lập trường bảo vệ sự sống của các ngài cho chúng ta một cái nhìn ngôn sứ trước nhãn quan của thời đại, một thời đại bị mê hoặc bởi nền văn minh của sự chết.

a. Giáo phụ Tertullien (160-240)


Giáo phụ Tertullien cho rằng, khi làm cản trở tiến trình sinh nở, đó đã là hành động giết người rồi. Bởi vì không có sự khác biệt giữa việc giết hại một con người đã được sinh ra với việc huỷ diệt một sự sống sẽ được sinh ra. Thực thể phải (sẽ) trở thành một con người thì đã thực sự là một con người, cũng giống như trái cây đã tiềm tàng trong hạt giống.[6]

b. Thư gửi ông Điônhêtô (viết vào khoảng thế kỷ thứ 2)

Vào thế kỷ thứ hai, Kitô giáo lan rộng nhưng đồng thời cũng gặp phải những “tương phản” với các nền văn hoá mà người người tín hữu phải tản mác sống giữa họ. Lúc này, Kitô giáo có tác dụng làm chứng trước những nền văn hóa đồi trụy đó. Một chứng tích của người đương thời còn lưu lại cho Giáo hội quyền hãnh diện về điểm này nơi một tác phẩm vô danh, tựa đề Thư gửi ông Điônhêtô. Trong đó có đoạn:

“Các Kitô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống… Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tùy theo số phận mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng và ai cũng phải nhận là khó tin. … Họ lập gia đình và sinh con đẻ cái như mọi người, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn, nhưng không chồng chung vợ chạ… Họ tuân hành luật pháp, nhưng cách sống của họ vượt trên những đòi hỏi của luật pháp. Họ yêu thương mọi người nhưng mọi người lại ngược đãi họ. Họ không được nhìn nhận, lại còn bị kết án. Họ bị giết mà vẫn được sống.”[7]

c. Ông Athênagoras

Athênagoras được biết đến như là một nhà triết học Kitô giáo tại Athenes vào thế kỷ thứ hai. Ông đã đệ đơn lên hoàng đế để điều trần và bác bỏ những lời xuyên tạc vu khống người Kitô hữu. Bản điều trần gồm 3 phần, trả lời cho ba lời tố cáo: §1. Các Kitô hữu là hạng vô thần; §2. Các Kitô hữu phạm tội loạn luân; §3. Các Kitô hữu ăn thịt người. Ngoài phần bênh vực đạo lý của đạo Kitô, ông Athênagoras còn trình bày nếp sống đức hạnh của các tín hữu, đặc biệt về sự khiết tịnh. Tình chung thủy vợ chồng không những không cho phép họ ly dị nhưng còn hạn chế việc tái giá. Sau cùng, chống lại lời tố cáo những người theo đạo Kitô ăn thịt trẻ em, ông Athênagoras trả lời: các người Kitô hữu đã tẩy chay những trò đô vật đâm chém do nhà nước tổ chức thì làm sao mà lại ăn thịt người được? Các người Kitô hữu chống đối việc sát nhi trong lòng mẹ (phá thai), ắt hẳn lại càng phải chống đối việc giết người hơn gấp bội.[8] Ngoài việc biện hộ, ông cũng kết án những kẻ giết trẻ em, bao gồm cả những thai nhi trong bụng mẹ, nơi đó, các thai nhi được Thiên Chúa quan phòng săn sóc.[9]

Cũng cần nhìn nhận thêm rằng, Thời Hoàng đế Constantinô, (274 [288] -337)[10] người đã lãnh bí tích rửa tội lúc sắp qua đời, luật pháp của đế quốc chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Kitô giáo. So với các hoàng đế khác, Constantinô “tỏ ra có nhiều đức tính” của một người biết điều khiển bộ máy hành chánh hữu hiệu. Ông là người du nhập nhiều đạo luật nhân đạo (chắc chắn những đạo luật này ảnh hưởng từ Kitô giáo) chẳng hạn như cải thiện quy chế các người nô lệ (ai giết người nô lệ cũng bị ghép vào tội giết người, cấm tra tấn hành hung nô lệ...), bãi bỏ luật khổ hình thập tự, trừng phạt tội sát nhi, v.v...[11] Như vậy, chắc hẳn vào thời đại của Constantinô, lập trường bênh vực sự sống như: không phá thai, sát nhi của Kitô giáo đã có tầm ảnh hưởng khá lớn trên đế quốc.

d. Thánh Basiliô (329-379) và thánh Augustinô (354-430)[12]

Đang khi luật Rôma cổ chấp nhận cho phá thai. Luật này chỉ trừng phạt các bà vợ phá thai (bởi vì họ can tội cướp con của chồng), nhưng không phạt các thiếu phụ chưa lập gia đình. Giáo hội đã phải can thiệp để hạn chế lại. Các giáo phụ (này) đã lên án sự phá thai như là tội sát nhân: giết chết thai nhi là tội sát nhân đã đành; nhưng mà người thiếu phụ phá thai cũng phạm tội tự sát vì liều mình mất mạng nữa.

e. Thánh Grêgôriô Nyssê (335-394)

Thánh Grêgôriô Nyssê cũng đã từng bênh vực luận điểm mà ngày nay khoa phôi thai học hiện đại hầu như đoan chắc, rằng vẫn một nguyên lý sự sống của sinh thể (bào thai), đã hiện hữu ngay từ giây phút đầu tiên nơi mỗi cá thể, tồn tại cho đến lúc con người lìa thế.[13]

Từ một vài quan điểm của các thánh giáo phụ, chúng ta có thể xác tín hơn vào lập trường của Giáo hội trong việc tôn trọng và bảo vệ sự sống con người. Nhìn chung, lập trường của các vị nhằm chống lại những luận điểm sai lạc của thời đại về sự sống. Dù những hiểu biết về phôi thai học thời đó chưa giúp các giáo phụ phân biệt, xác định về những thời điểm trong tiến trình hình thành sự sống, nhưng niềm xác tín và cảm thức về ơn ban sự sống từ Thiên Chúa khá rõ ràng. Khi phải lên tiếng bênh vực, các vị đã cho những lập luận rất ngôn sứ về phẩm giá của con người ngay từ khi còn trong lòng mẹ.

4. CÁC CÔNG ĐỒNG VÀ CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG


Thời Công đồng Elvira (305), Giáo hội ra lệnh “rút phép thông công suốt đời” những phụ nữ phạm tội ngoại tình và sau đó phá thai.[14]

Công đồng Constantinople III (Công đồng chung thứ sáu – 678) tuyên bố với toàn thể Giáo hội (Đông phương và Tây phương) rằng, bất cứ ai hành động đưa đến kết quả là phá thai sẽ phải chịu một hình phạt tương đương tội giết người.

Thời trung cổ, vấn đề phá thai khá rõ ràng, nơi đâu Kitô giáo hiện diện, nơi đó xác định phá thai là giết người. Tới thời cải cách, luật này đã trở thành luật chung với tất cả các luật dân sự trong “đế chế Kitô giáo”. Tại Tây Ban Nha, người phụ nữ hành động phá thai có hiệu quả sẽ bị chôn sống. Tại Pháp, một chiếu dụ của hoàng đế Henry II năm 1555, và sau đó được tái khẳng định bởi hoàng đế Louis XIV năm 1708, ra hình phạt nặng nhất cho những phụ nữ phạm tội ngoại tình và sau đó phá thai.

Thời Đức Giáo hoàng Sixtô V (1585-1590), với sắc lệnh Effraenatum tuyên bố rằng: việc phá thai tại bất kỳ thời điểm nào là tội giết người, đó là một tội ác ghê tởm, hình phạt cho loại tội này là dứt phép thông công. Việc giết hại thai nhi, dù đã có sự sống hay chưa có sự sống,[15] đã thành hình hay chưa thành hình, đều là tội giết người, không có trường hợp ngoại lệ.

Đến thời Đức Giáo hoàng Grêgôriô XIV (1590-1591) đã hạn chế sắc lệnh của vị tiền nhiệm là Đức Sixtô V, rằng tội phá thai chỉ áp dụng cho những trường hợp bào thai đã được phú hồn.

Đức Giáo hoàng Piô IX (1846-1878) ra vạ tuyệt thông đối với tất cả các trường hợp phá thai, bất kỳ giai đoạn nào, vì phá thai là một tội giết người.

Đức Giáo hoàng Piô XI (1922-1939), với thông điệp Casti Connubii, đã lên án phá thai vì bất cứ lý do gì, đặc biệt với ý đồ ưu sinh[16].

Vào năm 1930, trong thư luân lưu gửi cho các cặp vợ chồng, Đức Giáo hoàng Piô XI đã coi việc phá thai là một trọng tội:
“Sự sống của người mẹ và của bào thai là bình đẳng về sự thánh thiêng, và không ai, dù là quyền bính xã hội, có thể cho phép huỷ hoại chúng. Thật vô lý khi viện dẫn quyền của tiểu bang để kết án người vô tội. Không có bất cứ một vấn nạn nào ở đây về quyền tự vệ, kể cả đến phải đổ máu, chống lại một kẻ tấn công trái phép, vì không thể mô tả như một kẻ tấn công trái phép một trẻ em vô tội. Cuối cùng, cũng không thể có một cái gọi là “quyền” của sự hết sức cần thiết đến mức trực tiếp dẫn đến việc giết hại một con người vô tội” [17].
Thời Đức Giáo hoàng Gioan XXIII (1958-1963) trong thông điệp Mẹ và Thầy (Mater et Magistra), đã lên án việc áp dụng các biện pháp bất xứng (gồm ngừa thai và phá thai) nhằm hạn chế dân số. “…Người ta không được đối đầu với các vấn đề này, không được giải quyết các khó khăn này bằng cách dựa vào những phương tiện bất xứng với con người, vì chúng xuất phát từ một quan niệm rõ ràng duy vật về con người và sự sống.”[18]

Hiến chế Gaudium et Spes của Công đồng Vaticanô II đã không ngần ngại đề cập trực tiếp đến những vấn nạn nóng bỏng của thời đại, khi mà trào lưu xã hội đang muốn tìm một sự dễ dãi trong vấn đề này. Công đồng khẳng định:

“Vậy mỗi người đều phải coi người đồng loại không trừ một ai như ‘cái tôi thứ hai’, cho nên trước hết phải quan tâm đến sự sống của họ… Ngoài ra, tất cả những gì đi ngước với chính sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai… Tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều thực sự ô nhục. Và trong khi làm thối nát nền văn minh nhân loại, tất cả những điều trên lại càng bôi nhọ chính những kẻ chủ động hơn là bôi nhọ những kẻ phải chịu sự nhục mạ, đồng thời cũng xúc phạm đến chính Đấng Tạo Hóa.”[19]

Hiến chế cũng xác định thêm rằng, việc phá thai, giết trẻ sơ sinh là tội ác ghê tởm, vì cướp đoạt quyền làm chủ sự sống cách tuyệt đối của Thiên Chúa. “Thực vậy, Thiên Chúa là Chúa của sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp với con người. Do đó, sự sống ngay từ lúc thụ thai đã phải được giữ gìn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm.”[20]

Kể từ sau công đồng Vaticanô II, như chúng ta đều biết, Giáo hội không ngừng lên tiếng bênh vực sự sống. Nhiều văn kiện của Tòa thánh ra đời nói lên lập trường của Giáo hội. Chúng ta cùng tìm hiểu lập trường của Giáo hội qua các văn kiện trong phần sau.

Đức Gioan Phaolô II đã mời gọi chúng ta ý thức về ơn ban tuyệt vời này khi ngài viết trong thông điệp Tin mừng sự sống rằng, người tín hữu không thể không ngày càng sửng sốt bỡ ngỡ trước ân huệ mà Thiên Chúa ban cho mình, và do đó không thể không tri ân vô hạn trước chân lý lạ lùng và khôn tả này. Đức Giáo hoàng cũng mời gọi người tín hữu hãy ca tụng Thiên Chúa qua Lời của thánh Gioan Tông đồ:
“Hãy coi tình yêu Chúa Cha ban cho ta lớn lao dường nào, để ta được gọi là con Thiên Chúa. Và quả thực chúng ta là con Thiên Chúa (x 1 Ga 3,1)… Giá trị sự sống không chỉ gắn liền với nguồn cội của nó, theo như nó được trao ban từ Thiên Chúa, mà còn nối kết vào cùng đích, vào vận mệnh của nó là được hiệp thông với Thiên Chúa, để nhận biết và yêu mến Ngài. Chính qua ánh sáng chân lý này mà thánh Irênê xác định và bổ túc việc tuyên dương con người: ‘vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống’ và ‘sự sống của con người là được hưởng kiến Thiên Chúa.”[21]
Cùng với việc nhìn nhận phẩm giá con người, Giáo hội lên tiếng bênh vực sự sống con người. Đây không phải là một lập trường mới, nhưng ngay từ những thế kỷ đầu, Giáo hội đã không ngừng lên tiếng bênh vực cho phẩm giá của sự sống (chúng ta đã tìm hiểu trong mục I, số 2 của chương này). Trong thời đại của chúng ta, vấn nạn này càng trở nên khẩn thiết hơn, điều đó càng khiến Giáo hội tiếp tục và mạnh mẽ khẳng định những xác tín của mình qua các văn kiện chính thức.

Công đồng Vaticanô II (1965)


Công đồng Vaticanô II xác định rằng: “Những gì đi ngược với chính sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai… tất cả những điều đó đều thực sự ô nhục.”[22] Vì Thiên Chúa chính là chủ của sự sống, ngài đã trao cho con người quyền được bảo tồn sự sống và làm cho sự sống đó lan tràn đầy mặt đất. “Thiên Chúa là chủ sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp với con người. Do đó, sự sống ngay từ lúc thụ thai đã phải được giữ gìn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm.”[23]

Khi nói đến một vấn nạn khá tế nhị mà các thần học gian hiện nay vẫn đang cố gắng minh giải, trong trường hợp sự sống còn của thai nhi gây xung đột với sự sống của người mẹ, hoặc trong trường hợp thai nhi bị phát hiện có dị tật hay nhiễm bệnh. Tuyên ngôn xác định rằng:

“Không một lý do nào trong số những lý do này có thể khách quan cho quyền lấy đi mạng sống của người khác, thậm chí mạng sống đó chỉ mới bắt đầu. Về những bất hạnh sau này của đứa trẻ, không ai, ngay cả cha mẹ cũng không thể hành động thay thế đứa bé, để chọn lựa nhân danh nó, cho nó được sống hay chết, ngay cả khi nó còn ở giai đoạn phôi thai. Ngay đứa bé, khi trưởng thành, sẽ không bao giờ có quyền chọn lựa sự tự tử.”[24]

KẾT LUẬN


Thiên Chúa đã dựng nên loài người, để họ sống hạnh phúc và ca tụng Đấng Tạo Hóa, đồng thời mời gọi họ cộng tác với ngài trong cuộc tạo dựng. Tuy nhiên, con người không có toàn quyền trên sự sống của chính mình cũng như của người đồng loại. Trải qua suốt dòng lịch sử, Giáo hội không ngừng lên tiếng kêu gọi nhân loại tôn trọng bảo vệ sự sống con người. Trong thời hiện đại này, vấn đề càng trở nên khẩn thiết hơn khi những suy tư của con người thời đại trước khám phá mới của y học hiện đại. Tuy nhiên, sự sống vẫn luôn là một huyền nhiệm mà con người mọi thời sẽ không thể khám phá hết. Dẫu cho xu hướng của nhân loại ngày càng muốn sống dễ dãi, tự do hơn, một thứ tự do cá nhân và duy kỷ, Giáo hội Công giáo vẫn luôn giữ vững lập trường của mình: tôn trọng phẩm giá và sự sống của con người. Vì ngay từ lúc thụ thai, sự sống của con người đã khởi đầu, đó không phải là sự sống của người cha hay người mẹ, nhưng là một sự sống mới, duy nhất và bất khả thay thế.[25] Cho dù phải đối diện với những chỉ trích của các phong trào ủng hộ phá thai và muốn kiểm soát dân số bằng việc phá thai, bảo vệ sự sống vẫn luôn là một sứ mệnh khẩn thiết của Giáo hội Công giáo. Hơn bao giờ hết, Giáo hội đang cần biết đọc dấu chỉ của thời đại, là đem ánh sáng Tin Mừng, chiếu dọi vào các thực tại của trần thế.[26] Chính vì vậy, sứ mệnh bảo vệ sự sống của Giáo hội sẽ là một sứ mệnh luôn có tính ngôn sứ trong thời đại hôm nay.

Dĩ nhiên, để thực hiện điều này cách hiệu quả, chắc hẳn phải cần đến sự góp sức, sự phối hợp đồng bộ và kiên quyết từ tất cả mọi thành phần dân Chúa, các nhà chuyên môn trong lãnh vực tôn giáo, các thần học gia, luân lý, đạo đức... Như thế, với vai trò ánh sáng muôn dân,[27] Giáo hội sẽ thực thi được sứ mạng của mình là canh tân bộ mặt trái đất.[28]

Hơn nữa, cũng cần có một tiến trình dài và được sự đóng góp cộng tác của nhiều ngành chuyên môn môn khác nhau như: khoa y sinh học, xã hội, tâm lý, nhân chủng học… Trong điều kiện hiện nay, chúng ta có thể nghĩ đến việc tăng cường giáo dục, bằng các phương tiện truyền thông, nhằm “đổi mới tư duy” của con người trong xã hội hiện đại. Tại những cơ sở đào tạo, nên giáo dục cho người trẻ biết tôn trọng nhân cách, phẩm giá con người, sự tôn trọng khác biệt giới tính, tôn trọng khả năng tính dục của mỗi giới… Hơn nữa, cần nhấn mạnh đến tiến trình hình thành sự sống, tôn trọng sự sống vì phẩm giá của con người. Trong lãnh vực mục vụ tại các giáo xứ, nên canh tân chương trình dạy giáo lý hiện tại, theo những khả năng và khám phá của con người thời đại, kết hợp với các nghiên cứu về chuyên môn, hầu việc dạy và học có tính thực tiễn và hữu ích hơn.

[1] Xc Lê Thanh Hà, Nạo Phá thai: Tương lai dằn vặt, Nhật báo Tuổi trẻ, ngày 08/8/2005.
[2] Xc Tim Stafford, Abortion War, Christianity Today Magazine. (dữ liệu trực tuyến), truy cập tháng 12/2005. http://www.christianitytoday.com/ct/2003/103/
[3] Xc DV 5
[4] Gioan Phaolô II, Sự sống con người là thánh (bài giảng khi đọc kinh truyền tin, trưa Chúa nhật 26.3.1995), L’Osservatore Romano 27-28.03.1995. p.1 (trích lại trong Nguyễn Văn Dụ, Gia đình trong trái tim và trong vai trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II (Tp. HCM: Tòa TGM Tp. HCM 2006), tr. 132.
[5] Xc Nhóm biên soạn, sđd, tr. 127
[6] Bản tiếng Anh là: “To hinder a birth is merely a speedier man-killing; nor does it matter whether you take away a life that is born, or destroy one that is coming to the birth. That is a man which is going to be one; you have the fruit already in its seed”. (Tertulien, Apology, chapter 9), Xc Catholic Encyclopedia, sđd.
[7] Thư gửi ông Điônhêtô, trích lại trong Kinh Sách - các bài đọc, tập 1 & 2, thứ Tư - tuần V mùa Phục sinh, tp. Hồ Chí Minh 1998, tr. 555.
[8] Xc Phan Tấn Thành, Về nguồn - tập 3, Chân lý 1999, tr. 120
[9] xc Tuyên ngôn về phá thai, số 6
[10] Encyclopedia, sđd.
[11] Xc Phan Tấn Thành, Về nguồn - tập 4, Chân lý 2000, tr. 357-358
[12] Basiliô, Epistola 186, 2; 199, 33. Augustinô, De nuptiis et concupiscentia I,15,17. Trích lại trong Phan Tấn Thành, Về nguồn - tập 4, Chân lý 2000, tr. 737
[13] Encyclopedia, sđd.
[14] Xc Dionigi Tettamanzi… sđd, tr. 348)
[15] Chúng ta đã biết trong phần trước, thời Trung cổ, thuyết phú hồn khá thịnh hành, thuyết này cho rằng, hồn người chỉ được phú vào cơ thể khoảng 40 ngày (với bào thai nam) và 80 ngày (với bào thai nữ) sau khi thụ tinh. Có lẽ quan niệm này đi đến lập trường, khi nào cơ thể có linh hồn, khi đó mới có sự sống. Chính vì quan niệm này mà Giáo hội đưa ra phán quyết như vậy. Xc Nhóm biên soan, Đạo đức sinh học, Cần thơ, 2003, tr. 141.
[16] Trích lại trong Nguyễn Văn Dụ, Hôn nhân gia đình, Rôma 2002, tr. 175-176
[17] Trích lại trong Nguyễn Văn Dụ, ibidem
[18] Thông điệp Mater et Magistra, số 178
[19] GS 27
[20] GS 51
[21] EV 38
[22] GS 27
[23] GS 51
[24] Tuyên ngôn về phá thai, số 14
[25] Xc Tuyên ngôn về phá thai, số 12
[26] Xc GS 4
[27] Xc LG 1
[28] Có một điều đáng mừng là các bài báo viết về “tệ nạn” phá thai tại Việt Nam đều nói đến sự kiện các thanh thiếu niên chưa được giáo dục kín kẽ về giới tính. Các bài báo cũng đề nghị mở các lớp ngoại khoá về giới tính trong trường trung học. Tuy nhiên, họ lại ít quan tâm đến một điều quan trọng là giáo dục giới tính không có nghĩa chỉ là hướng dẫn các phương pháp tình dục an toàn, nhưng là cả một quá trình giáo dục lâu dài và phải tập trung vào việc giáo dục nhân phẩm, phẩm giá… cũng như ý thức về tính thánh thiêng và mầu nhiệm của sự sống.