Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

NIỀM VUI SỰ SỐNG

Thời sự Thần học - Số 3, tháng 06/2008, tr. 128-133. 

_Giuse Hà Đình Tuấn 🙋


Chào em, Sài Gòn tháng năm oi bức lạ thường. Những cơn mưa đầu mùa làm dịu mát không khí ngột ngạt của một thành phố đô hội những ngày đầu mùa hè phượng đỏ. Đọc thư em gởi, tôi hiểu và thông cảm với em. Em đang mang vác trong cõi lòng bao trăn trở về một mầm sống, mầm sống ấy cả em và gia đình không mong đợi! Dừng lại giây lát, tôi lật vội cuốn Kinh Thánh để trước mặt. Tôi thấy niềm Hy vọng chiếu sáng cho gia cảnh em trong lúc này từ cái cười của bà Sara, vợ của tổ phụ Abraham. Bà đã cười khi biết mình sẽ cùng chồng truyền sinh, cưu mang và chăm sóc sự sống. Còn em thì sao? Em có vui niềm vui sự sống đang hiện diện và lớn lên từng ngày trong sự bảo bọc yêu thương và chăm sóc bằng tình mẫu tử của em không? Hay em muốn phá bỏ đi máu thịt của mình bằng rất nhiều, rất nhiều những lý do ra như có thể biện minh được cho em trong lúc này?

1. Nụ cười của bà Sara


Sách Sáng Thế (St 18,1-15) thuật lại rằng, khi bà Sara, vợ của tổ phụ Abraham, một lão bà gần đất xa trời, được Chúa cho biết là sẽ cưu mang và sinh con. Bà đã có một phản ứng thật là người và cũng thật là huyền diệu: cười. Có lẽ bà Sara đã cười nắc nẻ khi đứng trước một hoàn cảnh xem ra trớ trêu như gia cảnh của bà hiện tại: một người đàn bà trên 70 tuổi mà còn được Thiên Chúa cho mang thai. Và đang trong tâm trạng vui mừng xen lẫn sự hoài nghi ấy, Thiên Chúa hỏi sao bà cười, nhưng bà lại chối rằng mình đã không cười. Có lẽ do sợ hãi mà bà Sara đã nín cười. Sự sợ hãi đã không để cho bà nhìn thấy được khía cạnh đáng cười, đáng vui trong cuộc sống xưa kia. Nhưng khi sinh con trai đầu lòng, bà Sara đã tìm lại được nụ cười ấy nên đặt tên cho con là Issac (tiếng Do Thái có nghĩa là được sinh từ một người đã cười).

Nhìn vào nụ cười của bà Sara, đó không chỉ là nụ cười biểu hiệu của niềm vui mà còn là nụ cười của một thách thức trong hoàn cảnh bi đát của thân phận cũng như cảnh sống. Nụ cười ấy được bật lên giữa cảnh già nua son sẻ, bao năm trông ngóng, đợi chờ Thiên Chúa thi ân cho niềm vui được truyền thông, cưu mang và chăm sóc sự sống nhưng nay mới được nhậm lời. Dù muộn màng song bà vẫn tin, vẫn trông cậy. Niềm hy vọng đã bừng lên trong những cố gắng cậy trông của bà. Đối với Thiên Chúa, Ngài thường khơi dậy những nụ cười như thế. Tư tưởng của Ngài, hành động của Ngài đều là những nghịch lý khơi gợi niềm hy vọng cho con người mọi thời đại.

Em à, trong cõi nhân sinh này, dường như ai sinh ra cũng đều biết cười. Cuộc sống dù có trăm nghìn vất vả, đau thương vẫn là cuộc sống đã được Chúa trao ban như một kho tàng cao quý nhất. Nụ cười tạo được hạnh phúc trong gia đình. Nụ cười là dấu hiệu của nhân ái. Nụ cười làm cho kẻ nhọc nhằn tìm được sự thoải mái dễ chịu. Nụ cười đem lại can đảm cho người đang nản chí hoang mang. Cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay không thể thiếu tiếng cười. Nó là một nhu cầu làm nhẹ tâm hồn, cho ta niềm vui của sự sống để thư thái, bình an và yêu đời hơn. Mẹ Têrêsa Calcutta đã cảm nhận điều này rất rõ trong cuộc sống phục vụ khi chỉ ra rằng, hãy mỉm cười với mọi người, mỉm cười với vợ, với chồng, với con cái và với mọi người dù đó là ai đi nữa, vì điều này sẽ giúp ta lớn lên trong tình yêu. Thiên Chúa chính là nền tảng của niềm vui, niềm hy vọng – không phải bất cứ Thiên Chúa nào – nhưng là Thiên Chúa mang bộ mặt con người và yêu chúng ta cho đến cùng: yêu từng người và trọn cả nhân loại.[1] Ngài mời gọi con người cộng tác chia sẻ niềm vui ấy cho nhau. Truyền thông sự sống là một niềm vui Thiên Chúa ban cho nhân loại, khi dựng nên con người có nam có nữ cùng với lời chúc sinh sôi đầy mặt đất vào buổi khởi nguyên địa cầu.

2. Niềm vui truyền thông sự sống của em


Em ạ, nếu vai trò làm mẹ được bắt nguồn từ nữ tính của người phụ nữ, cũng như được bắt đầu khởi sự từ khi làm vợ nơi việc trao thân cho chồng để lãnh nhận sự sống từ chồng, thì vai trò làm mẹ của người nữ là vai trò làm mẹ của sự sống. Thật vậy, vai trò làm mẹ được thể hiện một cách chuyên biệt và cụ thể nơi việc chăm sóc sự sống ngay từ khi nó vừa xuất hiện như một phôi mầm trong lòng mình, cho đến khi sự sống ấy thành hình, chào đời, và lớn mạnh bước vào đời. Do đó, mầu nhiệm sự sống, dù tinh chất của nó được phát xuất từ thân thể người cha, song lại được gắn liền với thân phận người mẹ. Vai trò làm mẹ được bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của người nữ là dự phần vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa: khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, cha mẹ cũng từ đó lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho ngôi vị ấy được cưu mang, được sống một đời sống nhân bản trọn vẹn.

Do đó, niềm vui em trao thân cho chồng để sống hạnh phúc là một hành trình sống và thể hiện tình yêu của em dành cho người bạn đời, vì hạnh phúc làm nên sức mạnh cho mỗi người chu toàn vai trò, thiên chức của mình; để cùng nhau sống trọn vẹn những giá trị, cá tính trong sự bao dung đón nhận nhau, nâng đỡ nhau. Niềm vui gần gũi chồng là phút giây của tình yêu được nên trọn, sinh hoa kết trái trong sự trao hiến và thuộc trọn về nhau, nên một với nhau. Nếu niềm vui ấy không được đặt đúng chỗ của nó thì cuộc sống gia đình trở nên muôn ngàn lối rẽ “ông ăn chả, bà ăn nem”; đàn áp, bất công và bạo lực xảy ra trong gia đình, đằng sau những cánh cửa; là ôm nỗi đau câm lặng một đời cho những thành viên trong gia đình, khiến gia đình tan nát, chia ly. Chính vì thế, vai trò làm mẹ của em được bắt nguồn từ vai trò làm vợ trong gia đình. Nếu người nữ nào sống đúng vai trò làm vợ của mình sẽ thực sự là một người mẹ tốt lành, và người nữ nào sống trọn vai trò làm mẹ của mình cũng sẽ thực sự là một người vợ hiền thục trong gia thất của mình.

Như vậy, gia đình thực sự trở nên "cung thánh của sự sống, nơi mà sự sống, hồng ân Thiên Chúa, được đón nhận và bảo vệ cách xứng hợp khỏi nhiều cuộc tấn công nó phải đương đầu, gia đình là nơi sự sống được phát triển theo các yêu sách của sự lớn lên nhân bản đích thực."[2] Một người con được sinh ra đó không chỉ đơn giản là tình yêu của cha mẹ thành thịt, thành hình, nhưng đó còn là một người con của Thiên Chúa, cũng mang nặng như cha mẹ chúng một cơ may đứng trước vĩnh cửu.[3]

3. Niềm vui em cưu mang sự sống


Phải nói rằng, bà Sara đã rất vui khi biết được mình sẽ cưu mang sự sống trong lúc tuổi đã cao, ông nhà đã lão. Từng ngày bà sẽ vui mừng trong tiếng hát để tôn vinh, ca ngợi, tạ lỗi và xin ơn cho chính mình và cho mầm sống mình đang cưu mang. Cũngvậy, mầm sống đã được trao ban cho em để em nhìn vào nhân phẩm, quyền sống của mình mà bảo vệ chúng được bình an.

Trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba này, khi xã hội tiến xa về những phát minh khoa học phục vụ những nhu cầu vật chất của con người, cách nào đó lại vô tình đưa con người tiến dần đến vực thẳm của sự suy đồi luân lý, lãng quên đạo đức, tiêu diệt sự sống và giết chết tình yêu. Các xã hội con người hôm nay đã và đang đặt thai nhi trong một bối cảnh sẵn sàng bị tàn phá và tiêu diệt không thương tiếc vì rất nhiều lý do: sự ích kỉ, tội ác, thiếu trách nhiệm, ngu dốt, mất quân bình xã hội, … Vô số thai nhi đã không được đón chờ và tôn trọng theo đúng vị trí cao cả là mùa xuân của nhân loại. Chúng ta sẽ nói gì về số phận những trẻ thơ mà lẽ ra các em phải được cưu mang, yêu thương, tôn trọng, nâng niu và chăm sóc, nhưng lại bị chính cha mẹ, người thân loại bỏ bằng biện pháp tàn bạo phi nhân nhất: Phá thai!

Thống kê gần đây cho thấy Việt Nam đang ở mức báo động về tỉ lệ nạo phá thai cao thứ ba thế giới, đặc biệt nguy hại là 20% đang ở lứa tuổi vị thành niên. Hiện nay, cả nước có 5% em gái sinh con trước 18 tuổi, 15% sinh con trước 20 tuổi.[4] Không thể dửng dưng trước tệ nạn tàn nhẫn này! Việc nạo phá thai tàn phá sức khoẻ của các thế hệ thanh niên, đẩy sức khoẻ của cộng đồng đến những nguy cơ không thể lường trước được (ung thư, vô sinh, sinh dị thai trong lần sinh sau, tử vong ...). Việc nạo phá thai tàn phá tâm lý tình cảm của con người (tâm thần, thác loạn, mặc cảm day dứt, tự tử, …). Và trên hết, nạo phá thai là xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng đã trao ban sự sống cho con người như một món quà cao quý nhất, Đấng đã chết cho con người được sống và Đấng ấy chính là sự sống. Tiêu diệt sự sống là xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa.[5] Huấn thị Donum Vitae số 79 và Thông điệp Evangelium Vitae số 60 đã khẳng định: “Con người phải được đối xử như một nhân vị kể từ khi thụ thai; và vì vậy cũng từ đó, nhân quyền của nó phải được thừa nhận, trước hết là quyền sống bất khả xâm phạm của một con người vô tội.” Sự sống con người phải được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ từ lúc được thụ thai. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, con người phải được kẻ khác nhìn nhận các quyền làm người, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội.[6]

Khách quan mà nói, một khi đề cập đến vai trò làm mẹ của người nữ là đề cập đến vai trò của một con người hoàn toàn sống cho đời hơn là cho mình, cho đi hơn nhận lãnh, hay đúng hơn, nhận lãnh để cho đi. Mỗi người là một nhân vị, mỗi người có một chỗ đứng, một việc làm mà không ai có thể thay thế được. Khi Tạo Hóa ban cho người phụ nữ vai trò làm vợ làm mẹ, Ngài cũng trao cho họ thiên chức quan trọng và cao đẹp là cưu mang và chăm sóc sự sống.

4. Niềm vui em chăm sóc sự sống


Em ạ, nếu ơn gọi làm người nói chung của tất cả nhân loại sống trên trần gian này là ơn gọi sống cho nhau, một ơn gọi duy nhất làm cho con người đạt đến tầm vóc thành nhân của mình, nhờ đó họ có thể tận hưởng một hạnh phúc chân chính và trọn vẹn, thì ơn gọi làm người cũng được thể hiện thật sống động và cụ thể nơi vai trò làm mẹ của em vậy. Cuộc đời làm mẹ thật sự là cuộc sống cho chồng cho con, hoàn toàn hy sinh phục vụ mong sao cho gia đình hạnh phúc, gia cảnh an vui mà đôi khi quên đi bản thân mình.

Vai trò làm mẹ không chỉ là người sinh con, nuôi con nhưng còn là thầy giáo cho con, giúp con học bài, làm bài; là y tá, bác sĩ, khi con đau ốm hay rủi ro trượt ngã, là người bạn, hướng dẫn, nâng đỡ và chia sẻ khi con đứng trước những quyết định khó khăn; an ủi và nâng đỡ khi con buồn nản hay thất bại. Đặc biệt nhất là người hướng dẫn con trong đời sống đức tin. Người sẽ phải truyền thụ cho con niềm tin từ sức sống và chứng từ của mình mỗi ngày khi sống hết lòng cho gia đình và quảng đại với mọi người khi rộng tay chia sẻ cho những ai túng thiếu. Chính trong gia đình nhỏ bé, người mẹ hướng dẫn con cái biết mở lòng ra với xã hội, với nhân loại đại đồng. Do đó, gia đình có những liên hệ chặt chẽ và sống động với xã hội vì nó làm thành nền tảng cho xã hội và không ngừng tiếp sức cho xã hội bằng việc phục vụ sự sống: chính giữa lòng gia đình đã sinh ra các công dân và chính trong gia đình mà các công dân ấy lần đầu tiên thực tập các nhân đức xã hội, là linh hồn cho sinh hoạt và sự phát triển xã hội.

Cũng trong lòng gia đình, con người nhận lấy những khái niệm quyết định liên quan tới chân lý và sự thiện, học biết thế nào là yêu và được yêu. Thật vậy, nếu hoà bình xuất phát từ chỗ mọi người không những đối xử công bằng với nhau mà còn yêu thương nhau tới mức sẵn sàng hy sinh cho nhau và vì nhau, thì gia đình chính là nơi người ta kỳ vọng tìm được điều ấy nhiều hơn cả. Chính nơi mái ấm này, các thành viên học sống hoà bình một cách sớm sủa, căn bản và sống động hơn cả.[7]

5. Kết


Viết đến đây, tôi thật sự cám ơn em đã chia sẻ cho tôi những điều lòng em trăn trở, khổ đau và cả những điều em gặp thấy trong dòng đời hối hả. Từ vấn đề của em, tôi nhìn thấy sứ vụ của tôi, người môn đệ Đức Giêsu, trước bao thăng trầm của cuộc sống, của nhân sinh, vạn vật, … để tất cả những gì là của nhân loại đều âm vang trong cõi lòng của người môn đệ Đức Kitô.

Sự sống của chúng ta đều đến từ Thiên Chúa, đó là hồng ân, là hình ảnh, là dấu ấn và là sự chia sẻ hơi thở sống động Thần Linh của Ngài. Thiên Chúa là Chúa duy nhất của sự sống này: con người không thể định đoạt nó. Chỉ một mình Chúa là Chủ sự sống từ lúc nó khởi đầu cho đến lúc kết thúc; không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể đòi cho mình quyền được trực tiếp huỷ diệt một hữu thể vô tội. Tuyên ngôn về phá thai của Giáo hội cũng khẳng định: “Phải tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai. Ngay lúc trứng được thụ tinh, một sự sống đã được bắt đầu, sự sống này không phải của người cha cũng không phải của người mẹ; đúng hơn nó là sự sống của một con người mới với sự phát triển riêng của mình. Nó sẽ chẳng bao giờ được phát triển thành người nếu nó đã không là người.”[8]

Em thân mến,

Từ niềm vui của bà Sara năm xưa, em cũng đã nhìn thấy Hy vọng cho cuộc đời em trong lúc này phải không? Niềm vui tôn trọng sự sống, cưu mang sự sống, chăm sóc sự sống là những ân ban vô giá mà Đấng Tạo Hoá đã ban cho em và Người mời gọi em cộng tác. Là người cộng tác thì không có quyền quyết định phá bỏ sự sống. Loại trừ sự sống không chỉ là nỗi đau thể xác nhất thời mà sẽ còn là một vết sẹo khó phai trong tâm hồn. Hãy nhìn về truyền thống phụ nữ Việt Nam xưa, sự trong trắng thuần khiết đã mang đến cho họ hương thơm dịu dàng, thơm ngát, sự tự hào của người Việt bao đời. Hãy nhìn vào chính sự sai sót của nhiều bạn nữ trẻ hiện nay để phải thay đổi lại, sửa chữa, sống tốt với chính mình. Viết cho em những dòng này trong tháng Năm, tháng Hoa dâng kính Mẹ Maria, mẫu gương người nữ luôn hân hoan trước sự sống. Vậy em hãy lên đường, Chúa ở với em. Tôi cầu nguyện nhiều cho em.

[1] Thông điệp Hy vọng Kitô giáo, số 31, tr. 50.
[2] Xc. CA, số 39.
[3] Francois Monfort, Une catéchèse selon l’Evangile (1986), bản dịch Việt ngữ “Huấn giáo theo Tin mừng,” tr. 160.
[4] Ngọc Hà, Việt Nam là một trong ba nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, truy cập ngày 19.05.2008; http://vietbao.vn/Suc-khoe/VN-la-mot-trong-ba-nuoc-co-ti-le-nao-pha-thai-cao-nhat-the-gioi.
[5] Xc. Báo Điện tử EPHATA Việt Nam, số 235 ngày 2.10.2005.
[6] Sách GLHTCG, số 2270, tr. 799.
[7] Cùng thắp lên ngọn nến hoà bình, tủ sách chuyên đề, tr. 59.
[8] Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, Một vài tài liệu Huấn quyền liên quan đến vấn đề Luân lý (2004), tr. 631.