Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

GIỚI TRẺ DƯỚI GÓC NHÌN CỦA MỘT SỐ LÝ THUYẾT TÂM LÝ HỌC

Thời sự Thần học - số 80, tháng 05/2018, tr. 36-80

_Tu sĩ Gioan Nguyễn Long Quân, O.P._

I. Tổng quan về giới trẻ
  A. Vấn đề thuật ngữ
  B. Sơ lược vấn đề nghiên cứu thanh niên
II. Sự phát triển về thể chất
III. Lý thuyết phát triển nhận thức
  A. Lý thuyết nhận thức của Piaget
  B. Một vài ghi nhận về sự phát triển nhận thức
IV. Lý thuyết phát triển tâm lý tính dục
  A. Lý thuyết của Sigmund Freud
  B. Lý thuyết cơ chế phòng vệ của thanh niên theo Anna Freud
V. Lý thuyết phát triển tâm lý xã hội
  A. Lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson
  B. Phát triển căn tính (identity)
VI. Lý thuyết phát triển luân lý

I. Tổng quan về giới trẻ


A. Vấn đề thuật ngữ


1. Thuật ngữ Youth

Youth là một chủ đề lớn của các ngành nghiên cứu xã hội và con người. Khi chuyển dịch sang tiếng Việt, Youth được dịch là “giới trẻ”, một thuật ngữ khá mơ hồ. Danh từ “giới” (界)trong tiếng Hán Việt có nghĩa là phạm vi, tức chỉ một vùng hay một giai đoạn cụ thể nào đó. Thế nhưng, chữ “trẻ” mới là điều gây mơ hồ. Chúng ta có thể thắc mắc: Thế nào là “trẻ”? Bao nhiêu tuổi thì bắt đầu “trẻ” và bao nhiêu tuổi thì hết “trẻ”?

Không dễ để trả lời vấn đề này vì mỗi góc nhìn đều có một khung khái niệm riêng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin chỉ xem xét thuật ngữ “giới trẻ” (youth) dưới khía cạnh nghiên cứu của tâm lý học (psychology).

Thật ra “youth” trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý học cũng là một vấn đề mơ hồ. Mơ hồ vì mỗi tác giả lại có một góc nhìn, hoặc theo một quan điểm phân chia giai đoạn phát triển khác biệt. Tác giả Gisela Konopka cho rằng Youth, Adolescent, Teenager, Kid, Young People là những thuật ngữ có cùng ý nghĩa và được hoán chuyển trong cách dùng.[1] Trong khi đó, Tổ chức Định cư Liên hiệp quốc (UN Habitat) giới hạn Youth từ 15 tuổi đến 32 tuổi[2]. Liên minh Châu Phi (African Union) giới hạn Youth từ 15 tuổi đến 35 tuổi. Liên hiệp quốc (United Nations), Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) lại cho rằng: Youth giới hạn từ 15 tuổi đến 24 tuổi, Adolescence giới hạn từ 10 tuổi đến 19 tuổi, Young People giới hạn từ 10 tuổi đến 24 tuổi[3].

Các nghiên cứu trong tâm lý học phát triển (developmental psychology) ít sử dụng thuật ngữ Youth, thay vào đó, các tác giả thường dùng các thuật ngữ Adolescence và Adulthood để đề cập đến những giai đoạn phát triển chuyên biệt. Để phân biệt, chúng ta có thể tạm xem xét những định nghĩa như sau:
  • Youth (giới trẻ): có thể xem như thời gian của cuộc sống khi cá nhân còn trẻ (young), nằm giữa thời thơ ấu (childhood) và trưởng thành (adulthood).[4]
  • Adolescence (thanh niên): đề cập đến một phạm vi độ tuổi cụ thể trong một giai đoạn phát triển của đời người.[5]
Vì sự phức tạp của các giai đoạn phát triển, trong giới hạn bài viết này, chúng tôi xin chỉ trình bày những nghiên cứu tâm lý học trong độ tuổi thanh niên (adolescence).

2. Thuật ngữ Adolescence

Trong bài viết này, adolescence được dịch sang tiếng Việt là “thanh niên”. Có không ít định nghĩa về thanh niên trong các nghiên cứu tâm lý học phát triển. Thật ra, bất kỳ định nghĩa ngắn gọn nào về thanh niên cũng đều mang tính thiếu toàn diện, vì chỉ cho thấy góc nhìn riêng hay quan tâm nghiên cứu chính yếu của tác giả mà thôi. Theo Webster’s New Collegiate Dictionary, thanh niên là thuật ngữ nói đến quá trình lớn lên hay một giai đoạn đời người từ dậy thì cho đến trưởng thành.

Định nghĩa của Buhler (1954) dường như nhận được sự đồng thuận đa số của các nhà tâm lý học phát triển: Thanh niên là một giai đoạn nằm giữa hai vấn đề: giả thuyết về sự trưởng thành mang tính xã hội – nghĩa là những giả thuyết về quyền xã hội, quyền tính dục, quyền kinh tế hay quyền luật pháp; và nhiệm vụ của người trưởng thành.[6]

Theo tác giả Hurloock, thuật ngữ adolescence có gốc từ một động từ trong tiếng Latin là “adolescere”, mang ý nghĩa là sự phát triển, hướng tới sự trưởng thành.[7]

Stone và Church (1973), Bandura (1970), Ingersoll (1981), Sisson, Hersen và Van Hasselt (1987), Sprinthall và Collins (1988) cho rằng: thanh niên là một giai đoạn đời người, nằm giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành.

Với Crider, Goethais, Kavanaugh và Solomon (1983), thanh niên là thời kỳ bắt đầu với biến cố dậy thì và kết thúc ở khoảng 18 tuổi đến 19 tuổi.

Atwater quan niệm: thanh niên là khoảng thời gian tăng trưởng nhanh chóng giữa thời ấu thơ và tuổi trưởng thành, bao gồm cả sự phát triển về tâm lý và xã hội.

Hopkins (1993) cũng nhận định như sau: thanh niên là một giai đoạn giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành với những phát triển cá nhân - thể chất, tâm lý, xã hội - tạo nên một thời kỳ đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu của tâm lý học phát triển.

Santrock (1993, 2001) xem xét thanh niên như một giai đoạn phát triển chuyển tiếp giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành, liên quan đến những thay đổi về sinh học, nhận thức và xã hội.[8]

Các tác giả đồng ý rằng, lứa tuổi thanh niên (adolescence) được đánh dấu bằng giai đoạn dậy thì (puberty). Trong độ tuổi thanh niên, người ta còn phân chia thành 3 giai đoạn:[9]
  • Tiền thanh niên (còn gọi là giai đoạn dậy thì – puberty): từ 11 tuổi đến 13 tuổi (giai đoạn phủ định).
  • Thanh niên sớm (Early adolescence): từ 13 tuổi đến 16 tuổi (giai đoạn vụng về).
  • Cuối thanh niên (Late adolescence): 17 tuổi đến 21 tuổi (giai đoạn phô trương).
3. Giai đoạn dậy thì (Puberty)

Dậy thì là bước đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn thanh niên. Đây cũng là bước chuyển quan trọng từ thời thơ ấu sang tuổi trưởng thành. Giai đoạn này là đề tài gây hứng thú cho nhiều nhà khoa học, làm cho các bậc phụ huynh và chính các em cũng có những mối bận tâm. Bởi lẽ đây là giai đoạn đầy những sự phức tạp, được đánh dấu bởi việc phát triển thể chất nhanh chóng, sự thay đổi tâm lý sâu sắc, và đặc biệt là đánh thức bản năng tính dục trong mỗi cá nhân. Các nghiên cứu cho thấy dậy thì vừa là nguyên nhân, vừa là những bất ổn trong số vô vàn bất ổn và căng thẳng ở tuổi thanh niên.[10]

B. Sơ lược vấn đề nghiên cứu thanh niên


Khái niệm thanh niên được cho là đã xuất hiện trong lĩnh vực văn học vào thế kỷ XIV. Trước đó, trong thời trung cổ, trẻ em được xem như người lớn thu nhỏ. Trẻ em và thanh niên được coi như có cùng sở thích với người lớn, và vì chúng chỉ đơn thuần là người lớn thu nhỏ, nên bị đối xử một cách nghiêm khắc, kỷ luật khắt khe. Cả trẻ em và thanh niên đều không có tình trạng nào khác với người trưởng thành (Muuss, 1989). Những yêu cầu của người lớn được đặt lên vai đứa trẻ và chúng phải thực thi bằng kỷ luật nghiêm khắc. Theo quan điểm này, đứa trẻ không phát triển “chủ nghĩa hình thành từ trước” (preformationism), nhưng chỉ được xem như đã “bị hình thành” (be preformed). Nói cách khác, giai đoạn trẻ em không được xem như một giai đoạn độc lập trước lứa tuổi trưởng thành, nhưng bị xem như phát xuất từ lứa tuổi trưởng thành.

Sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn chỉ được xem như khác biệt về mặt định lượng chứ không phải định tính. Do vậy, cũng không có khác biệt mang tính sinh lý học trong chức năng của trẻ em và người lớn. Ý tưởng về “Homunculism” (miêu tả về một nhân vị thu nhỏ trong tinh trùng vừa phát triển về mặt định lượng trong tử cung) và “preformationism” đã sớm bị những khởi đầu của khoa học hiện đại và tiến bộ trong lĩnh vực y học thách thức. Người ta thấy rằng trẻ nhỏ cũng có những đặc điểm định tính và định lượng riêng của nó, và chúng không phải là người lớn thu nhỏ. Trong thế kỷ XVIII, triết gia Jean Jacques Rousseau đã đưa ra một quan niệm tiến bộ hơn về thanh niên.

Rousseau đã làm nhiều điều hơn cả để chứng minh trẻ em không giống người lớn. Trong tác phẩm Emile (1762), ông lập luận rằng: đối xử với một đứa trẻ như người lớn thu nhỏ là không thích hợp và có thể gây nguy hại. Ông tin rằng trẻ từ 12 tuổi cần được giải thoát khỏi những sự kiềm chế của người lớn và được phép trải nghiệm thế giới của chúng một cách tự nhiên chứ không như những quy định cứng nhắc. Vì thế, trong lĩnh vực triết học, Rousseau đã đưa ra giả thuyết rằng: “Về mặt bản chất, một đứa trẻ phải là đứa trẻ trước khi trở thành người lớn. Nếu chúng ta ngăn chặn trật tự này, chúng ta sẽ tạo ra những hoa trái non yếu, không đủ chín và không hương vị”.

Vì vậy, dựa vào những điều kiện về mặt lịch sử và xã hội, một số tác giả tranh luận rằng giai đoạn thanh niên đã “được tạo ra” (invented) (Finley, 1985; Hill, 1980; Lapsey, 1988). Những học giả này (Finley, Hill, Lapsey) cho rằng, mặc dù tuổi thanh niên rõ ràng có những nền tảng sinh học, tuy nhiên những sự kiện lịch sử và xã hội cũng có ý nghĩa trong việc chấp nhận thanh niên như một giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn. Tư tưởng này được gọi là lối nhìn sáng tạo (inventionist view) về thanh niên.[11]

Stanley Hall (1844 – 1924), cha đẻ của chuyên ngành tâm lý học trẻ em, là nhà tâm lý học đầu tiên thúc đẩy sự phát triển của khoa tâm lý học về thanh niên trong chính quyền lợi của chúng và sử dụng các phương pháp khoa học để nghiên cứu. Ông đã thực hiện một nghiên cứu gồm nhiều tập về hành vi của thanh niên, ông miêu tả những thay đổi của thanh niên là “nhanh chóng, dễ thấy”, và bản thân thanh niên thì “thất thường, cảm tính, không ổn định, không thể đoán trước được do kết quả của sự chín muồi về tính dục”. Theo Hall, giai đoạn thanh niên bắt đầu với biến cố dậy thì (puberty) vào khoảng năm 12 tuổi hay 13 tuổi và kết thúc muộn vào khoảng 22 tuổi đến 25 tuổi. Ông cũng cho rằng giai đoạn này như một cơn “bão táp (sturm) và căng thẳng (drang)”.

Trong văn học Đức, giai đoạn “sturm and drang” có thể gặp thấy trong các tác phẩm của Schiller và những tác phẩm đầu tiên của Goethe. Đây là những trào lưu văn học đầy tính duy tâm, trung thành với mục tiêu, đổi mới chống lại cái xưa cũ, diễn đạt cảm xúc, đam mê và đau khổ của cá nhân. Hall đã nhìn thấy sự tương đồng (analogy) giữa những mục tiêu của trào lưu văn học này vào cuối thế kỷ XIX với những đặc điểm tâm lý của lứa tuổi thanh niên.

Với sự kết hợp giữa nét tương đồng mà Hall nhìn thấy và việc mở rộng quan niệm tiến hóa sinh học của Darwin tạo thành một lý thuyết tóm lược về tâm lý học, tuổi thanh niên tương ứng với quãng thời gian khi con người ở trong một giai đoạn chuyển tiếp đầy hỗn loạn[12]. Ông mô tả tuổi thanh niên như một sự chào đời mới, “vì những đặc điểm ngày càng cao và ngày càng hoàn thiện của con người đã được sinh ra trong giai đoạn này.”[13]

Hall mô tả khía cạnh đặc biệt trong sự phát triển của thanh niên (bão táp và căng thẳng) một cách chi tiết trong tác phẩm về lứa tuổi này: “Cảm xúc và Sự tiến hóa Tâm linh” (Feelings and Psychic Evolution”. Ông nhìn thấy đời sống tình cảm của thanh niên như một sự dao động giữa các khuynh hướng trái ngược. Năng lượng, sự cao thượng và hoạt động siêu nhiên trái ngược với thái độ lãnh đạm, thờ ơ và ghê tởm. Tính vui vẻ chan hòa, tiếng cười và sự hưng phấn trái ngược với tâm trạng bất an, ảm đạm, u sầu. Sự ích kỷ, phù phiếm, kiêu căng của giai đoạn này cũng tựa như sự sỉ nhục, làm mất phẩm giá hay thái độ bẽn lẽn (bashfulness).

Hall tin rằng những đặc điểm của thanh niên có chứa cả dấu vết của tính ích kỷ vốn không bị ngăn cấm ở giai đoạn trẻ thơ, và cả lòng vị tha ngày càng gia tăng trong giai đoạn này. Những phẩm chất tốt lành và đức hạnh không bao giờ là hoàn toàn tinh ròng, nhưng cũng không bao giờ lại là cám dỗ gây tác động đến suy nghĩ của thanh niên. Hall mô tả thanh niên như muốn sống cô độc và ẩn dật, trong khi chúng lại cảm thấy bị vướng vào những say mê (crush) và mối quan hệ bạn bè.

Theo Hall, giai đoạn cuối của lứa tuổi thanh niên như một bản tóm lược về sự khởi đầu của một nền văn minh hiện đại. Giai đoạn này tương ứng với sự kết thúc của tiến trình phát triển: trưởng thành (maturity). Tâm lý học di chuyền của Hall không xem con người như sản phẩm cuối cùng và kết thúc của tiến trình phát triển, nhưng cho phép phát triển xa hơn một cách không giới hạn.[14]

Trước khi bàn về lứa tuổi này, chúng tôi xin điểm qua một vài cách phân chia các giai đoạn phát triển đời người để chúng ta dễ dàng nắm bắt vấn đề hơn. Nên biết, trong tâm lý học phát triển, có không ít cách phân chia các giai đoạn phát triển lứa tuổi:

1/ Cách phân chia theo tác giả Jane Q. Beltran[15]

Tt
Giai đoạn
Độ tuổi
1
Trước khi sinh (Pre-natal)
Thụ thai
2
Sơ sinh (Infancy)
0 – 2 tuổi
3
Tuổi học đi (Toddler early childhood), còn gọi là Ấu nhi
2 – 3 tuổi
4
Tuổi trước đi học (Pre-school)
4 – 6 tuổi
5
Thiếu nhi (Late childhood)
6 – 13, 14 tuổi
Bắt đầu dậy thì là giai đoạn kết thúc lứa tuổi này.
6
Dậy thì (Puberty)
Kết thúc tuổi Thiếu nhi, giai đoạn đầu của Thanh niên
7
Thanh niên (Adolescence)
13, 14 – 20 tuổi
8
Tráng niên (Young adulhood)
20 – 40 tuổi
9
Trung niên (Middle age)
40 – 65 tuổi
10
Tuổi già
65 tuổi trở đi

2/ Cách phân chia theo các tác giả Grace J. Craig và Don Baucum[16] 

Tt
Giai đoạn
Độ tuổi
1
Bào thai
Từ khi thụ tinh tới khi trẻ được sinh ra
2
Tuổi sơ sinh, tuổi hài nhi
Từ khi sinh đến 12 tháng
3
Hai năm đầu của cuộc đời
Từ 12 – 15 tháng đến 2 – 3 tuổi
4
Lứa tuổi trước tuổi đi học
Từ 2 – 3 tuổi đến 5 – 6 tuổi
5
Giai đoạn tuổi thiếu niên
Từ 6 – 12 tuổi
6
Giai đoạn lứa tuổi vị thành niên và đầu tuổi thanh niên
Từ 12 tuổi đến 18 – 21 tuổi
7
Giai đoạn đầu tuổi trưởng thành
Từ 18 – 21 tuổi đến 40 tuổi
8
Giai đoạn giữa tuổi trưởng thành
Từ 40 tuổi đến 60 – 65 tuổi
9
Giai đoạn tuổi già
Từ 60 – 65 tuổi đến chết

Trong bài viết này, trước tiên, chúng tôi sẽ điểm qua một số đặc điểm chính yếu của sự phát triển thể chất ở giai đoạn thanh niên. Tiếp đến, chúng tôi sẽ trình bày những lý thuyết tâm lý cơ bản về giai đoạn phát triển này gồm: lý thuyết phát triển nhận thức, lý thuyết phát triển tâm lý tính dục, lý thuyết phát triển tâm lý xã hội và lý thuyết phát triển luân lý.

II. Sự phát triển về thể chất


Sự phát triển thể chất ở giai đoạn đầu thanh niên chủ yếu do hoạt động của các hormone khác nhau, gây tác động đến mọi khía cạnh cuộc sống. Sự tăng nhanh của chiều cao và trọng lượng cơ thể thường bắt đầu vào khoảng 10 tuổi ở trẻ gái và 12 tuổi ở trẻ trai. Thanh niên có thể tăng khoảng 5 inch trong một năm.[17]

Thời kỳ dậy thì, giai đoạn trưởng thành của hệ sinh dục, đánh dấu bước phát triển của trẻ ở giai đoạn thanh niên. Thời kỳ dậy thì thường bắt đầu khoảng 11 – 12 tuổi ở bé gái, khi kinh nguyệt xuất hiện. Cũng có khi quá trình rụng trứng xảy ra chậm hơn một vài năm (Tanner, 1978). Tùy vào các điều kiện văn hóa, xã hội, chế độ dinh dưỡng hay chăm sóc y tế mà có những sự chênh lệch nhất định. Dậy thì ở nam được đánh dấu bởi lần xuất tinh đầu tiên có chứa tế bào sinh sản (spermarche) vào khoảng lúc 13 tuổi. Thoạt đầu, lượng tinh trùng trong quá trình xuất tinh tương đối ít, nhưng sẽ tăng lên theo thời gian.

Dấu hiệu sinh học của lứa tuổi dậy thì thường là tăng trưởng về chiều cao, thay đổi về kích thước và tầm vóc cơ thể, sự phát triển nhanh chóng của các cơ quan sinh sản và vùng sinh dục. Những nghiên cứu cho thấy giai đoạn dậy thì có tốc độ tăng trưởng tuyến tính (về cơ thể) nhanh nhất kể từ thời thơ ấu (Rogol, Roemmich, & Clark, 1998). Tuy nhiên, thời gian và cường độ phát triển có sự khác nhau ở trẻ trai và trẻ gái. Bé gái phát triển trung bình 25 cm với tốc độ tối đa 9 cm mỗi năm ở độ tuổi 12 (Marshall & Tanner, 1969); trong khi trẻ trai có sự tăng trưởng muộn hơn, với mức trung bình đạt 28 cm với tốc độ tối đa là 10,3 cm mỗi năm ở độ tuổi 14 (Marshall & Tanner, 1970).



Biểu đồ về sự phát triển thể chất của trẻ trai và trẻ gái trong giai đoạn thanh niên
(Nguồn: dựa trên tác giả Tanner, 1978)[18] 

Chiều cao phát triển nhanh chóng thường kéo theo sự vụng về, vì trẻ phải học cách điều khiển “bộ dạng mới” của mình. Chiều cao không phải lúc nào cũng phát triển cân đối hài hòa, một bên chân có thể dài hơn, một bên tay có thể to hơn. Các nghiên cứu cũng cho thấy chiều cao phát triển kéo theo sự thèm ăn vô độ, vì cơ thể phải tìm kiếm chất dinh dưỡng cần cho sự thay đổi nhanh chóng này. Các tuyến nội tiết tố dưới da cũng hoạt động tích cực hơn, dẫn đến việc xuất hiện mụn trứng cá. Trong giai đoạn này, tuyến mồ hôi phát triển, tạo ra thứ mùi đặc trưng của cơ thể.

Yếu tố chính điều chỉnh sự phát triển ở giai đoạn này là Hormone tăng trưởng (GH), được sản xuất từ thùy trước tuyến yên (anterior pituitary). Cũng có những nội tiết tố khác ảnh hưởng đến quá trình phát triển như hormone ở tuyến giáp, hormone ở tuyến vỏ thượng thận (glucocorticoid), hay những hormone tính dục mà biểu trưng nhất là Testosterone ở nam và Estrogen ở nữ.

Trọng lượng cơ thể cũng tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn này. Các nghiên cứu cho thấy 50% trọng lượng cơ thể của người trưởng thành đã được hình thành trong thời kỳ thanh niên (Rogol và cs., 1998). Ở nữ, tỉ lệ tăng cân khoảng 8,3kg/năm vào lúc 12,5 tuổi và khoảng 6 tháng sau khi có sự phát triển chiều cao (Barnes, 1975; Tanner, 1965), trong khi nam giới đạt khoảng 9kg/năm vào lúc 14 tuổi, cùng thời điểm chiều cao phát triển (Barnes, 1975; Tanner, 1965).

Sự khác biệt về giới tính trong tiến trình phát triển, đặc biệt trong những thay đổi về cấu tạo cơ thể ở giai đoạn dậy thì sẽ đưa đến những kiểu mẫu nam-nữ điển hình sau này (Rogol và cs., 1998).

Tham gia vào hoạt động tính dục sớm là một nguy cơ lớn của giai đoạn này, đặc biệt những hành vi tính dục nguy hiểm dẫn đến tỷ lệ bệnh tật cao và thậm chí gây tử vong ở thanh niên. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sinh sản trong giai đoạn thanh niên gây tác động đến đời sống tính dục, sức khỏe phụ khoa hay việc hình thành sự nhận thức về bản thân (selfimage) ở tuổi trưởng thành (C. M. Magnusson và cs., 1999).[19]

III. Lý thuyết phát triển nhận thức


Yếu tố quan trọng nhất trong quá trình nhận thức của thanh niên là sự phát triển tư duy trừu tượng (abstract thinking), xem xét những giả thuyết cũng như thực tế, phát triển các chiến lược xử lý thông tin phức tạp và tinh vi hơn, nhìn vấn đề một cách đa chiều, phản tỉnh trên bản thân và những vấn đề phức tạp (x. Keating, 1990). Các tác giả từ Erikson (1968) đến Harter (1990), Eccles (Eccles & Barber, 1999), và Youniss (Youniss, McLellan, & Yates, 1997) đều cho rằng, những năm đầu của giai đoạn thanh niên là thời điểm thay đổi về ý niệm bản ngã (self-concept) của giới trẻ (youth), khi chúng xem xét những khả năng sẵn có của mình và nỗ lực khám phá bản thân một cách sâu sắc hơn.[20]

Trong phần này, chúng ta sẽ điểm qua lý thuyết phát triển nhận thức của nhà tâm lý học Jean Piaget.

A. Lý thuyết nhận thức của Piaget


Jean Piaget sinh năm 1896 mất năm 1980, là một nhà tâm lý học trẻ em nhưng không có một bằng đại học nào về bộ môn tâm lý. Khi bàn về sự phát triển nhận thức, có lẽ không có lý thuyết nào có nhiều đóng góp và sức ảnh hưởng nhiều đến các học giả như lý thuyết của nhà tâm lý học gốc Thụy Sĩ này. Piaget (1970) cho rằng mọi đứa trẻ đều phải trải qua bốn giai đoạn phát triển nhận thức riêng biệt theo một trình tự nhất định. Những giai đoạn này không chỉ khác nhau về lượng thông tin thủ đắc, mà còn khác cả về chất lượng kiến thức và hiểu biết.

Có thể tóm tắt bốn giai đoạn phát triển nhận thức theo lý thuyết của ông như sau:

Giai đoạn 1: cảm giác vận động (Sensorimotor stage): lọt lòng – 2 tuổi:

Đứa trẻ hiểu thế giới theo ý nghĩa của sự tác động thân thể lên thế giới. Trong giai đoạn này, sự hiểu biết về thế giới chủ yếu dựa trên các hành động chạm, bú, nhai, lắc và điều khiển bằng tay các đồ vật. Trẻ ít có khả năng dùng hình ảnh, ngôn ngữ hay các dạng biểu tượng khác để diễn tả sự vật trong tâm trí. Do đó, trẻ không nhận biết được vật hoặc người nào không hiện diện tức thời vào thời điểm cảm nhận. Chúng thiếu loại khả năng mà Piaget gọi là nhận thức tính bền vững của đối tượng (obiect permanence). Đây chính là khả năng nhận biết sự vật và con người vẫn tiếp tục tồn tại, dù chúng khuất khỏi tầm nhìn của chúng ta.

Trong giai đoạn cảm giác vận động, Piaget còn phân chia thành 6 giai đoạn nhỏ để nói đến từng cấp độ phát triển trong nhận thức của trẻ.[21]

Giai đoạn 2: tiền thao tác (Preoperational stage): 2 tuổi – 7 tuổi

Nét đặc trưng trong sự phát triển ở giai đoạn này là khả năng sử dụng ngôn ngữ. Trẻ bắt đầu thiết lập các hệ thống biểu tượng trong tâm trí để mô tả con người, sự việc, và trạng thái cảm xúc. Thậm chí trẻ còn sử dụng các biểu tượng ấy để nô đùa. Ví dụ, trẻ đẩy một quyển sách trên sàn nhà tượng trưng cho chiếc xe hơi.

Trẻ ở giai đoạn này đã biết chơi các trò chơi có hành động biểu trưng, hành động thay thế. Một số điểm nổi bật có thể mô tả như sau:
  • Hình thành khả năng bắt chước hành động của người khác.
  • Hình thành biểu tượng trong ý nghĩ khi có các hành động tượng trưng trong trò chơi biểu trưng (ví dụ: ru búp bê ngủ, cho búp bê ăn,…) và trong hành động vẽ hình.
  • Hình thành hành động thay thế trong các trò chơi biểu trưng (ví dụ: dùng ghế để cưỡi ngựa).
  • Hình thành trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ hình ảnh.
  • Hình thành tư duy hình ảnh, như sự thay đổi vị trí hay hình dạng của đồ vật.
  • Đặc trưng nổi bật trong phát triển tư duy của trẻ ở giai đoạn này là tư duy qui ngã, lấy mình làm trung tâm (egocentric thought).
Giai đoạn 3: thao tác cụ thể (Concrete operational stage): 7 tuổi – 12 tuổi

Khả năng am hiểu nguyên lý bảo tồn (the principle of conservation) là điểm đánh dấu sự phát triển của giai đoạn này. Tuy nhiên, trong một vài năm, trẻ vẫn chưa hiểu đầy đủ các khía cạnh của nguyên lý bảo tồn, chẳng hạn bảo tồn trọng lượng và khối lượng.

Trẻ phát triển khả năng tư duy cách hợp lý hơn và cũng phần nào khắc phục được lối tư duy qui ngã trong giai đoạn trước. Một trong những nguyên tắc chính yếu mà trẻ học được ở giai đoạn này là nguyên tắc đảo ngược (reversibility), tức là một số thay đổi có thể được hoàn tác bằng cách đảo ngược hành động trước đó. Ví dụ: một cục đất sét được dùng để nặn thành một vật thể dài, thì có thể làm lại thành cục đất ban đầu bằng hành động ngược lại. Piaget cho rằng trẻ có khả năng hiểu được điều này mà không cần phải thấy hành động trước đó.

Thực nghiệm cho đường vào cốc nước của Piaget dành cho trẻ trong giai đoạn này cung cấp cho chúng ta góc nhìn về khả năng am hiểu nguyên lý bảo tồn của trẻ:
  • Trẻ dưới 7 tuổi cho rằng đường hòa tan trong nước và không còn nữa.
  • Bảo toàn chất liệu ở trẻ 7-8 tuổi: Chất đường vẫn được duy trì.
  • Bảo toàn trọng lượng ở 9-10 tuổi: Trọng lượng của đường vẫn còn trong nước đường.
  • Bảo toàn khối lượng 11-12 tuổi: Mực nước cao khi đường chìm xuống và không giảm khi đường tan.
Giai đoạn 4: thao tác hình thức (Formal operational stage): 12 tuổi – 15 tuổi

Tư duy ở giai đoạn này hoạt động trên các mệnh đề logic. Đây là giai đoạn nảy sinh tư duy logic, chân chính, và trừu tượng. Cách tư duy không còn bị trói buộc vào các sự kiện quan sát được trong bối cảnh nữa, mà lại vận dụng các kỹ thuật luận lý để giải các bài toán. Nói cách khác, trẻ tập trung vào hình thức tranh luận hơn và không bị phân tâm bởi nội dung của nó.[22] Trẻ đã có khả năng suy luận dựa trên các giả định.

Ví dụ: Tất cả các loài chim xanh đều có hai đầu. Tôi có một con chim xanh gọi là Charlie. Vậy Charlie có bao nhiêu đầu? Trẻ trong giai đoạn này có thể trả lời là “hai” (Smith và cộng sự, 1998). Cần lưu ý, ở giai đoạn thao tác cụ thể, trẻ sẽ không chấp nhận con chim có 2 đầu như giả định trong bài toán này.

Trẻ bắt đầu phát triển khả năng tư duy mệnh đề, phân tích tổ hợp, lập luận tương xứng, lập luận theo xác suất, lập luận mang tính tương quan, và khả năng tư duy trừu tượng. Với những sự phát triển này, hoạt động tinh thần ngày càng trở nên trừu tượng, phức tạp, hợp lý hơn; cấu trúc tinh thần cũng trở nên thẩm thấu hơn (permeable) và như thế tạo nên tiến trình suy nghĩ linh hoạt hơn.

Trẻ trong giai đoạn thao tác cụ thể cần xem xét các yếu tố A, B, C cách cụ thể để có thể suy luận logic: nếu A=B, B=C thì A=C; trong khi trẻ ở giai đoạn thao tác hình thức có thể giải quyết bài toán này cách đơn thuần bằng lời nói. Hơn nữa, trong giai đoạn thao tác cụ thể, trẻ không thể giải quyết bài toán suy luận chuyển tiếp nếu chỉ được mô tả bằng lời nói và giả thuyết, như “John cao hơn Mary, Mary cao hơn Jane, hỏi ai là người cao nhất?”. Trẻ không thể xem xét tất cả các tổ hợp có liên quan đến toàn bộ vấn đề (Harris and Butterworth, 2002).

Một dấu hiệu khác về khả năng tư duy trừu tượng của thanh niên là khuynh hướng suy nghĩ về chính mình (thought itself). Trẻ không đơn thuần chỉ suy nghĩ một cách trừu tượng, linh hoạt hay suy đoán về những đối tượng quanh mình; nhưng chúng thật sự còn suy nghĩ về tư tưởng của chúng đối với người khác.

Trong khi trẻ em thường suy nghĩ theo những cách thức cụ thể, thực tế và giới hạn, thì thanh niên bắt đầu mở rộng suy tư về đặc tính của lý tưởng, những phẩm chất là chúng yêu thích. Suy nghĩ như thế thường đưa trẻ đến việc so sánh với người khác về những tiêu chuẩn lý tưởng của chúng. Trong giai đoạn thanh niên, suy nghĩ cá nhân được ví như những chuyến bay tưởng tượng (fantasy flights) vào tiềm năng tương lai. [23]

B. Một vài ghi nhận về sự phát triển nhận thức


1. Những thay đổi theo độ tuổi trong các khía cạnh cấu trúc và chức năng nhận thức[24]

a. Thay đổi trong khía cạnh cấu trúc nhận thức

Khía cạnh cấu trúc nhận thức bao gồm các kiến thức mà một cá nhân thủ đắc, cũng như khả năng xử lý thông tin của cá nhân đó. Những nghiên cứu về cấu trúc thường tập trung vào hai câu hỏi:

  • Những thay đổi nào diễn ra trong kiến thức của trẻ khi trẻ bước vào giai đoạn thanh niên?
  • Những thay đổi nào diễn ra trong khả năng xử lý thông tin của thanh niên?

Thay đổi về kiến thức (knowledge)

Thuật ngữ kiến thức đề cập đến 3 loại cấu trúc thông tin được lưu giữ trong trí nhớ dài hạn: kiến thức tường thuật (declarative knowledge), kiến thức thủ tục (procedural knowledge) và kiến thức khái niệm (conceptual knowledge) (Byrnes, 2001a, 2001b).

  • Kiến thức tường thuật: là sự tổng hợp tất cả các sự kiện mà trẻ thanh niên biết (ví dụ: 2+2=4, Harrisburg là thủ đô của Pennsylvania).
  • Kiến thức thủ tục: là sự tổng hợp tất cả những kỹ năng mà thanh niên biết (ví dụ: biết cách lái xe, thêm các con số).
  • Kiến thức khái niệm: là sự hiểu biết của thanh niên về hai loại kiến thức trên. Kiến thức khái niệm là sự hiểu biết lý do tại sao (knowing why) (ví dụ: biết tại sao phải dùng mẫu số chung khi cộng các phân số).

Các nghiên cứu cho thấy những dạng kiến thức này phát triển theo tuổi tác (Byrnes, 2001). Bằng chứng rõ nét nhất về sự phát triển của các dạng kiến thức này có thể tìm thấy trong chương trình Đánh giá Quốc tế về Tiến bộ Giáo dục (National Assessment of Educational Progress – NAEPs) do Bộ giáo dục Hoa Kỳ (U.S. Department of Education) thực hiện mỗi năm.

Thay đổi trong khả năng xử lý thông tin

Một chỉ số quan trọng về khả năng xử lý thông tin của con người là trí nhớ hoạt động (working memory). Đó là khả năng tạm nhớ một nội dung thông tin nào đó (như số điện thoại). Người ta từng giả định rằng khả năng của trí nhớ hoạt động thay đổi rất ít sau thời thơ ấu, tuy nhiên, giả định này vẫn chưa được kiểm chứng đầy đủ cho đến gần đây. Mặt khác, một số nghiên cứu cho thấy trí nhớ hoạt động sẽ tăng lên trong giai đoạn thanh niên (Zald, Iacono, 1998 ; Swanson, 1999).

b. Thay đổi trong khía cạnh chức năng nhận thức

Khía cạnh chức năng của nhận thức bao gồm tất cả các tiến trình tâm thần có biến đổi, vận hành hay mở rộng thông tin.

Lối lý luận diễn dịch

Thanh niên có khả năng lý luận theo lối diễn dịch vì chúng tìm cách hiểu những điều đang diễn ra trong một bối cảnh nhất định, cũng như những gì chúng được phép làm trong bối cảnh đó. Trẻ thường dùng lối lý luận này trong các cuộc tranh luận, kiểm tra giả thuyết, hay trong môn đại số và hình học. Lối lý luận này rất quan trọng trong việc ra quyết định và giải quyết vấn đề.

Khả năng ra quyết định

Ra quyết định tốt là một trong những kỹ năng nhận thức quan trọng nhất mà thanh niên cần có. Các nghiên cứu cho thấy trẻ trong giai đoạn cuối tuổi thanh niên (older adolescent) và tuổi trưởng thành (adult) dường như có khả năng nhiều hơn so với giai đoạn đầu tuổi thanh niên (younger adolescent) hay ở giai đoạn trẻ em (children) trong các vấn đề:
  • Hiểu được sự khác biệt giữa lựa chọn có thể đáp ứng nhiều mục tiêu so với lựa chọn chỉ có thể đáp ứng một mục tiêu duy nhất (Byrnes & McClenny, 1994; Byrnes, Miller, & Reynolds, 1999).
  • Dự đoán được hậu quả của hành động trong phạm vi rộng lớn hơn (Lewis, 1981; Halpern-Felsher & Cauffman, 2001).
  • Rút được kinh nghiệm từ những quyết định dẫn đến thành công hay thất bại theo độ tuổi (Byrnes & McClenny, 1994; Byrnes, Miller, & Reynolds, 1999).
2. Khác biệt về giới trong nhận thức[25]
Sự khác biệt về giới (gender) thể hiện rõ ở hai lĩnh vực: chấp nhận rủi ro (risk-taking) và hoàn thành phần toán học của bài kiểm tra năng lực (Scholastic Achievement Test - SAT).

Ở khía cạnh chấp nhận rủi ro, nam giới thường có nguy cơ rủi ro cao hơn nữ giới khi lái xe liều lĩnh, hoặc rủi ro về trí tuệ. Ngược lại, nữ giới gặp rủi ro hơn khi hút thuốc. Tuy nhiên, khoảng cách của những khác biệt này sẽ khác nhau theo độ tuổi (Byrnes, Miller, & Schaefer, 1999).

Dưới khía cạnh điểm số phần toán học của bài kiểm tra năng lực, nam giới thường cao hơn một chút so với nữ giới (De Lisi & McGillicuddy-De Lisi, 2002). Tuy nhiên, vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng về sự khác biệt này, vì trên thực tế, không có khác biệt giới tính trong kiến thức toán học hay các lối lý luận. Mặt khác, các nghiên cứu chỉ ra rằng, một phần của sự khác biệt liên quan tới chiến lược thực hiện bài kiểm tra, sự tự tin, khả năng và động lực trong việc đưa ra các chiến lược giải quyết vấn đề cách độc đáo, những kỹ năng trí tuệ (mental rotation skills), hay những lo lắng về năng lực bản thân, hoặc khi giới tính của mình được người khác làm nổi bật lên (De Lisi & McGillicuddy-De Lisi, 2002).

IV. Lý thuyết phát triển tâm lý tính dục


A. Lý thuyết của Sigmund Freud


Về cơ bản, học thuyết nhân cách của Freud là một học thuyết về tâm trí, một mô hình tổng thể về các cấu trúc và quá trình tinh thần. Rõ ràng, Freud xem xét đời sống tinh thần (mental life) từ quan điểm sinh học[26]. Theo ông, con người là một hệ thống năng lượng[27] (energy system) mang tính cơ chế, hướng theo các xung năng tính dục và hung tính, và vận hành để theo đuổi khoái cảm, tức giảm thiểu trạng thái căng thẳng.

Bàn về tiến trình phát triển con người, Freud nhấn mạnh đến những năm đầu đời như là tác nhân quan trọng để hình thành nhân cách. Ông cũng đặc biệt chú ý đến các giai đoạn phát triển về tâm lý và tính dục trong những nghiên cứu của mình.

Trong các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục, Freud cho thấy có bốn giai đoạn rõ ràng và một thời kỳ ẩn tàng như là sự chuyển tiếp từ thời kỳ trẻ em sang giai đoạn phát dục tuổi thanh niên. Lý thuyết này được khát quát dựa trên những quan điểm mà ông nêu ra. Freud cho rằng con người có những vùng khoái cảm (erogenous zones) và sẽ thay đổi theo mỗi giai đoạn phát triển tâm lý tính dục. Trong mỗi giai đoạn, năng lượng tính dục (libido) sẽ tìm sự thỏa mãn (pleasure) ở từng vùng khoái cảm tương ứng. Như thế, nếu mỗi giai đoạn trải qua êm đẹp thì cá nhân sẽ hình thành một nhân cách khỏe mạnh.

Chúng ta có thể điểm qua các giai đoạn này như sau:

Giai đoạn 1: Môi miệng (oral stage): từ lúc lọt lòng đến 1 tuổi

Đây là giai đoạn tính từ lúc trẻ lọt lòng cho đến khi được một tuổi. Vùng khoái cảm nằm ở môi, lưỡi và vòm miệng. Các hành động: bú, nhai, cắn, ăn là những phương thức để thỏa mãn khoái cảm. Những hành động đó không phải để thỏa mãn cái đói thể lý, nhưng tự bản chất, chúng đã mang lại khoái cảm. Freud cho rằng qua những hành động này, dục năng được xả trừ vào vùng kích dục môi miệng.

Giai đoạn 2: Hậu môn (anal stage): từ 2 tuổi đến 3 tuổi

Đến giai đoạn này, vùng khoái cảm của trẻ được chuyển sang hậu môn. Phương thức để thỏa mãn khoái cảm tính dục ở giai đoạn này là hành vi đi ngoài. Việc thải phân được xem như hành vi giúp giảm căng thẳng và tạo ra khoái cảm qua việc kích thích màng nhầy (mucous membranches). Freud cho rằng nếu nhu cầu đi đại tiện tạo ra sự căng thẳng, thì chính hành vi đi ngoài sẽ giảm nhẹ căng thẳng đó. Điều này lâu dài sẽ dẫn đến khoái cảm.

Giai đoạn 3: Dương vật (phallic stage): từ 4 tuổi đến 5 tuổi

Thuật ngữ “dương vật” khá mơ hồ và có thể dẫn đến những hiểu lầm, vì dương vật chỉ có ở bé trai. Cần hiểu dương vật ở đây chính là vùng sinh dục. Freud cho rằng ở giai đoạn này, khoái cảm tập trung vào vùng sinh dục của trẻ. Cũng ở giai đoạn này, xung năng tính dục của trẻ nổi lên, chĩa về phía ba mẹ khác giới. Con trai có xu hướng chĩa về mẹ, con gái có xu hướng chĩa về bố. Trong vấn đề này, Freud dùng thuật ngữ “mặc cảm Oedipus” ở bé trai và “mặc cảm Electra” ở bé gái để diễn tả lý thuyết của mình.

Đây là giai đoạn rất quan trọng. Freud cho rằng nếu đứa bé không vượt qua giai đoạn này một cách tốt đẹp, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề nhân cách và định dạng giới tính sau này.

Giai đoạn 4: Ẩn tàng (latency stage): từ 6 tuổi đến bắt đầu dậy thì

Nếu ở ba giai đoạn trên, xung năng tính dục hoạt động cách mạnh mẽ với những vùng khoái cảm cụ thể đi kèm các phương thức để thỏa mãn, thì khi bước sang giai đoạn này, chúng bị dồn nén lại, vì thế không xuất hiện một kích thích nào trên cơ thể. Ham muốn và hứng thú về tính dục cũng bị giảm xuống. Đây là thời kỳ êm ả nhất trong năm giai đoạn phát triển. Bản ngã và Siêu ngã phát triển mạnh trong giai đoạn này.

Giai đoạn 5: Sinh dục (genital stage): tuổi phát dục, thanh niên

Thanh niên (adolescence) là giai đoạn cuối trong lý thuyết 5 giai đoạn phát triển tâm lý tính dục (psychosexual stages) của Freud. Freud cho rằng, xung năng tính dục bị dồn nén ở giai đoạn ẩn tàng sẽ tái xuất hiện một cách rất mạnh mẽ trong giai đoạn này. Đó cũng là hệ quả của những hỗn độn ở tuổi dậy thì. Xung năng ở giai đoạn này bắt đầu hướng về đối tượng khác giới cùng trang lứa. Freud cho rằng tình yêu ở giai đoạn sinh dục trở nên vị tha hơn, ít quan tâm tới khoái cảm cá nhân như ở các giai đoạn trước.

Vài nhận xét:

Thật ra Freud ít chú ý đến sự phát triển của thanh niên, và chỉ xem đó như một đề tài để thảo luận về các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục mà thôi. Freud cũng có cùng ý tưởng với học thuyết tiến hóa của Hall ở chỗ xem giai đoạn thanh niên như một sự phát sinh của loài (phylogenetic). Ông tin rằng mỗi cá nhân đều trải qua kinh nghiệm trước đây của nhân loại trong sự phát triển tâm lý tính dục. Theo Freud nói riêng cũng như học thuyết phân tâm học nói chung, các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục được xác định về mặt di truyền và tương đối độc lập với yếu tố môi trường[28]. Tuổi thanh niên là một hiện tượng phổ quát và bao gồm các thay đổi về hành vi, xã hội và cảm xúc; không đề cập đến mối quan hệ giữa thay đổi sinh học và thay đổi tâm lý. Freud tuyên bố rằng, thay đổi sinh học có liên quan đến thay đổi cảm xúc, đặc biệt là việc gia tăng cảm xúc tiêu cực như buồn sầu, lo lắng, kinh tởm, căng thẳng và các mẫu hành vi khác của lứa tuổi này.

B. Lý thuyết cơ chế phòng vệ của thanh niên theo Anna Freud


Con gái của S. Freud là Anna Freud lại xem trọng lứa tuổi dậy thì (puberty) trong những nghiên cứu của mình. Bà cho rằng lứa tuổi dậy thì như một yếu tố quan trọng trong việc hình thành các đặc tính cá nhân. A. Freud nhấn mạnh nhiều đến mối quan hệ giữa bản ngã (ego), siêu ngã (super ego) và di ngã (id). Bà tin rằng quá trình sinh lý của sự trưởng thành tình dục, bắt đầu với hoạt động của tuyến sinh dục, đóng vai trò quan trọng trong sự ảnh hưởng trên lĩnh vực tâm lý học. Sự tác động này đánh thức bản năng của năng lượng tính dục (libido), do đó có thể gây nên sự mất cân bằng tâm lý. Sự cân bằng được hình thành một cách khó khăn giữa bản ngã và di ngã trong giai đoạn ẩn tàng (latency) thì lại bị xáo trộn do tuổi dậy thì và những kết quả do xung đột bên trong. Do đó, một khía cạnh của tuổi dậy thì, xung đột tuổi dậy thì, là nỗ lực giành lại trạng thái cân bằng.[29]

Tác giả mô tả những trở ngại cho sự phát triển bình thường như sau:

1/ Di ngã (id) quan trọng hơn bản ngã (ego). Bà cho rằng không có dấu vết nào còn sót lại trong đặc tính trước đó của một cá nhân, và cũng không có dấu vết nào đi vào đời sống của tuổi trưởng thành, bị ghi dấu do một cuộc xáo động về sự thỏa mãn không bị ngăn cấm của bản năng.[30]

2/ Bản ngã có thể chiến thắng di ngã và giam hãm nó trong một khu vực giới hạn, được nhiều cơ chế phòng vệ (defense mechanism) kiểm soát liên tục.

Trong số nhiều cơ chế phòng vệ mà bản ngã có thể sử dụng, A. Freud xem xét hai cơ chế tiêu biểu của thời kỳ dậy thì ở nữ giới (pubescence): cơ chế khổ hạnh (asceticism) và cơ chế lý trí hóa (intellectualization). Cơ chế khổ hạnh là do sự hồ nghi một cách chung chung về tất cả những mong đợi mang tính bản năng. Sự hồ nghi này vượt quá bản năng giới tính (sexuality) và bao trùm lên cả việc ăn uống, ngủ nghỉ cùng thói quen ăn mặc. Sự gia tăng về hứng thú mang tính trí tuệ cùng với sự thay đổi từ hứng thú cụ thể sang hứng thú trừu tượng, được xem như nguyên nhân của cơ chế phòng vệ chống lại năng lượng tính dục (libido). Một cách tự nhiên, điều này dẫn đến sự méo mó (crippling) của chiều hướng bản năng trong đời sống của người trưởng thành, và lại là tình huống “thường xuyên gây tổn hại cho cá nhân”.[31]

Anna Freud tin rằng các nhân tố liên quan đến xung đột trong giai đoạn thanh niên là:
  • Cường độ thúc đẩy của di ngã, được xác định bởi tiến trình sinh lý và nội tiết tố trong thời kỳ dậy thì ở nữ giới.
  • Khả năng đối phó hay nhường bước của bản ngã cho xung lực bản năng. Điều này tùy thuộc vào sự rèn luyện tính cách và phát triển cái siêu ngã của trẻ trong giai đoạn ẩn tàng.
  • Tính hiệu quả và bản chất của cơ chế phòng vệ trong việc xử lý những vấn đề của bản ngã.
Tóm lại, lý thuyết phân tâm học cho chúng ta góc nhìn về sự phát triển lứa tuổi thanh niên dưới khía cạnh tâm lý tính dục. Một trong những hạn chế lớn nhất của lý thuyết này là khả năng kiểm chứng thực nghiệm, dù cho các nhà tâm lý-tâm thần không phủ nhận hiệu quả trị liệu lâm sàng của nó.

V. Lý thuyết phát triển tâm lý xã hội


“Tôi là ai?”, “Tôi phải làm sao để thích nghi với thế giới?”, “Cuộc sống là gì?”. Những câu hỏi như vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lứa tuổi thanh thiếu niên (teenager), vì chúng muốn đi tìm vị trí của mình nơi một thế giới xã hội rộng hơn trước đây. Hành trình đi tìm câu trả lời cho những khúc mắc trên sẽ diễn ra suốt giai đoạn của lứa tuổi thanh niên này.

A. Lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson


Lý thuyết tâm lý xã hội của Erik Erikson nhấn mạnh hành trình đi tìm căn tính (identity) của một cá nhân trong giai đoạn thanh niên. Tiến trình này bao gồm cách hiểu về bản thân, về người khác và về thế giới chung quanh vốn đang thay đổi trong quá trình phát triển (Erikson 1963).[32]

Erik Smith Erikson (1902 – 1994) sinh tại Franfurt và lớn lên ở Karlruhe. Ông là học trò trực tiếp của S. Freud, A. Freud, Heiz Hartmann, Erust Kris, Helene Deutsch và những nhà phân tâm đương thời.

Về mặt quan điểm, E. Erikson chấp nhận những khái niệm cơ bản của Freud, các cấu trúc tâm lý, vô thức và ý thức xung năng, các giai đoạn tâm lý tính dục, cùng phương pháp phân tâm, nhưng ông không dừng lại ở đó. Ông mở rộng quan điểm của mình đến những mối liên hệ xã hội trong đời sống cá nhân. Đây là một nét mới trong sự phát triển phân tâm học và trị liệu phân tâm. Ngày nay, các nhà trị liệu phân tâm cũng nhấn mạnh hơn đến yếu tố này.

Nói về phần đóng góp của ông, người ta có thể kể đến tám giai đoạn tâm lý xã hội dàn trải trong suốt cuộc đời. Mỗi giai đoạn có một dạng khủng hoảng phát xuất từ xung đột giữa nhu cầu cá nhân và yêu cầu xã hội. Nếu khủng hoảng này được giải quyết, sẽ là tiền đề cho sự phát triển tâm lý của cá nhân trong giai đoạn tiếp theo. Ngược lại, nếu không được giải quyết, sẽ gây nên những rối loạn trong các giai đoạn sau.

Có thể tóm tắt tám giai đoạn phát triển như sau:

Giai đoạn 1: Tin tưởng với hoài nghi (basic trust and basic mistrust): lọt lòng – 1 tuổi

Ở giai đoạn này, trẻ có một số đòi hỏi về thể lý và nhu cầu quyến luyến tình cảm. Nếu được đáp ứng tốt, trẻ sẽ phát triển lòng tin tưởng. Ngược lại, nếu gặp phải sự chăm sóc không nhất quán và những tương tác tình cảm không tạo được cảm giác hài lòng, trẻ sẽ có nguy cơ đánh mất lòng tin, ảnh hưởng đến khả năng đối phó với những thách thức ở giai đoạn tiếp theo. Đối tác chính của trẻ ở giai đoạn này là người mẹ, hay nói đúng hơn là người trực tiếp chăm sóc trẻ.

Giai đoạn 2: Tự chủ với hổ thẹn và nghi ngờ (autonomy vs. shame and doubt): 2 tuổi – 3 tuổi

Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu bước đi, đồng thời phát triển khả năng độc lập của mình. Nếu được khuyến khích khám phá xung quanh và được tôn trọng tự do trong các hành động, trẻ sẽ phát triển được tính tự chủ. Ngược lại, mọi hành vi cản trở hoặc cấm đoán những điều này sẽ làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ, hoặc nghi ngờ về bản thân của mình. Mục tiêu phải là tự kiểm soát mà không mất tự tin. Đây là giai đoạn hình thành ý chí ở trẻ.

Tác giả nhấn mạnh rằng, người kiểm soát cần có những kiểm soát phù hợp. Bởi lẽ nếu bị kiểm soát quá chặt chẽ, trẻ sẽ mất khả năng khẳng định mình, không phát triển được khả năng thích nghi với hoàn cảnh. Còn nếu việc kiểm soát lỏng lẻo sẽ làm cho trẻ trở nên đòi hỏi quá mức, quá phụ thuộc và hoài nghi về năng lực của mình.

Giai đoạn 3: Sáng kiến với tội lỗi (Initiative vs. Guilt): 4 tuổi – 5 tuổi

Mối xung đột chủ yếu của giai đoạn này xảy ra giữa một bên là ước muốn đề xướng các hành vi độc lập và bên kia là mặc cảm tội lỗi do những kết quả của những hành vi không mong đợi. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là giai đoạn trẻ có hành vi và thái độ mạnh mẽ nhưng cha mẹ lại cho là hung hăng.

Trẻ có xu hướng tạo ra các hoạt động và chủ động thực hiện với người khác. Đây là cơ hội để trẻ phát triển tính chủ động, sự tự tin, khả năng lãnh đạo hay ra quyết định. Ngược lại, nếu xu hướng này bị kiềm hãm, trẻ có nguy cơ thiếu tính chủ động, mặc cảm về khả năng của mình, cảm thấy mình gây phiền toái cho người khác.

Giai đoạn 4: Tài năng với thấp kém (Industry vs. Inferiority): 6 tuổi – dậy thì

Bạn bè cùng trang lứa có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn này. Trẻ có nhu cầu được công nhận bằng cách chứng minh những khả năng cụ thể của mình, bắt đầu hình thành cảm giác tự hào về bản thân. Những trải nghiệm thành công mang đến cho trẻ ý thức về tài năng, sở trường, trong khi thất bại đem lại cảm giác thấp kém, vô tích sự. Nếu được khuyến khích để phát triển sự chủ động cùng những khả năng riêng biệt, trẻ sẽ phát triển được tài năng của mình. Thành công trong giai đoạn này sẽ tạo nên bản lĩnh ở trẻ.

Giai đoạn 5: Nhận dạng với nhầm lẫn vai trò (Identity vs. Role Confusion): 12 tuổi – 18 tuổi

Đây là độ tuổi đánh dấu sự kết thúc của độ tuổi thơ ấu. Trẻ bước sang độ tuổi dậy thì (puberty). Đây cũng là giai đoạn đầu của độ tuổi mà chúng ta gọi là giới trẻ (youth). Erikson cho rằng, tất cả những điều tương tự và sự liên tục ở các giai đoạn trước đây ít nhiều được gợi lại trong giai đoạn này, vì trẻ đang trải qua giai đoạn biến đổi cơ thể nhanh chóng, đặc biệt là sự phát triển của sinh dục.

Cùng với những thay đổi về sinh học và những công việc cụ thể của người lớn mà chúng thấy trước mắt, trẻ trong giai đoạn này chủ yếu quan tâm đến những gì chúng nhìn thấy trong mắt người khác hơn là những gì tự chúng cảm nhận, và chú ý đến cách thức làm thế nào để kết nối các vai trò và kỹ năng đã có trước đây với các nguyên mẫu nghề nghiệp (occupational prototypes) hiện tại.

Trẻ bắt đầu khám phá mình là ai, điểm mạnh của mình là gì, vai trò nào phù hợp để mình bước theo trong suốt cuộc đời. Nói cách vắn gọn, trẻ đi tìm căn tính của mình. Cần lưu ý rằng, sự nhầm lẫn về vai trò thích hợp nhất trong cuộc sống có thể đưa đến tình trạng thiếu căn tính vững chắc, khiến trẻ có hành vi không được xã hội chấp nhận ví như hành động của kẻ đi chệch hướng xã hội, hoặc gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ cá nhân mật thiết sau này (Updegraff et al., 2004; Vleioras & Bosma, 2005; Goldstein, 2006).[33]

Trong giai đoạn này, trẻ phải đối diện với nhiều bất ổn của các giai đoạn khác đang quay trở lại. Những giằng co như thế sẽ giúp trẻ hình thành một con người thiện ý hoàn hảo để giải quyết những giằng co ấy. Trẻ cũng bắt đầu tìm những hình mẫu, thần tượng, xây dựng các lý tưởng sống như một dấu chỉ cho căn tính của mình.[34]

Trẻ bắt đầu giảm sự lệ thuộc vào người lớn, và hướng đến một nhóm bạn đồng đẳng. Chính nhóm bạn đồng đẳng này sẽ giúp trẻ hình thành những quan hệ gần gũi, trưởng thành và giúp trẻ làm sáng lên căn tính của mình. Theo Erikson, giai đoạn này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong khía cạnh phát triển về tâm lý xã hội, mở ra con đường cho sự phát triển liên tục của những mối quan hệ cá nhân.

Sự hội nhập của trẻ (integration) trong giai đoạn này phát triển thông qua quá trình nhận diện bản thân như đã phân tích, và có xu hướng mạnh mẽ hơn tất cả các quá trình nhận diện trước đó.

Mối nguy hiểm của giai đoạn này là sự nhầm lẫn về vai trò. Điều này có thể xảy ra trong trường hợp một cá nhân nghi ngờ về nhận dạng tính dục của mình (sexual identity), hoặc do các chứng loạn thần kinh.

Giai đoạn 6: Gắn bó với xa cách (Intimacy vs. Isolation): tuổi tráng niên (Early adulthood)

Đây là giai đoạn nằm trong độ tuổi từ sau thời kỳ thanh niên đến khoảng 30 tuổi. Trong thời kỳ này, cá nhân tập trung phát triển mối quan hệ gần gũi với người khác, đồng thời tìm kiếm các mối quan hệ gắn bó lâu dài với một người ngoài gia đình. Quan hệ với người khác giới cũng có xu hướng phát triển mạnh mẽ.

Nếu cá nhân trải qua giai đoạn này cách thành công, sẽ hình thành được các mối quan hệ thân thiết ở các cấp độ thể lý, trí tuệ và tình cảm. Ngược lại, nếu gặp phải những khó khăn không thể vượt qua, cá nhân có nguy cơ rơi vào cảm giác cô đơn và những nỗi sợ hãi.

Giai đoạn 7: Năng động với trì trệ (Generativity vs. Stagnation): tuổi trung niên (Middle adulthood)

Độ tuổi của giai đoạn này nằm trong khoảng từ 40 tuổi đến 65 tuổi. Tính năng động (generativity) là khả năng đóng góp cho gia đình, cộng đồng, nghề nghiệp, xã hội và hỗ trợ cho sự phát triển của thế hệ trẻ. Thành công trong giai đoạn này sẽ tạo nên cảm xúc tích cực về sự liên tục của cuộc sống, trong khi những khó khăn sẽ làm cho cá nhân cảm thấy các hoạt động của mình là tầm thường, trì trệ và không có đóng góp gì cho thế hệ sau. Thực tế cho thấy, nếu cá nhân không giải quyết được khủng hoảng khẳng định bản thân ở giai đoạn thanh niên, thì có thể họ vẫn còn lúng túng trong việc tìm kiếm một nghề nghiệp thích hợp ở giai đoạn này.

Giai đoạn 8: Viên mãn và tuyệt vọng (Ego-integrity vs. Despair): tuổi già (Late adulthood)


Erik Erikson cho rằng nếu cá nhân nhìn nhận cuộc đời đã qua của mình là vô dụng, mặc cảm tội lỗi trong quá khứ, hoặc cảm thấy chưa đạt được các mục tiêu, thì cá nhân sẽ trở nên bất mãn và thất vọng với cuộc sống.

Ở giai đoạn cuối này, mỗi người phải sống với những gì mà mình đã xây dựng nên trong suốt cuộc đời. Theo lý tưởng, cá nhân đã hoàn tất cách viên mãn. Sự viên mãn bao hàm việc chấp nhận giới hạn của cuộc sống; ngược lại là sự thất vọng, nuối tiếc về những gì cuộc đời mình đã làm hoặc chưa làm được, sợ cái chết đương đến gần và ghê tởm với chính mình.

B. Phát triển căn tính (identity)[35]


Căn tính của một cá nhân bao gồm hai lĩnh vực: khả năng tự nhận thức (self-concept) và lòng tự trọng (self-esteem). Tự nhận thức là việc tập hợp các niềm tin về chính mình, bao gồm các niềm tin về thuộc tính cá nhân (cao, thông minh), mục tiêu và vai trò (nghề nghiệp muốn có khi trưởng thành), sở thích, giá trị, niềm tin (tôn giáo, chính trị). Lòng tự trọng liên quan đến việc xem xét cách cảm nhận của người khác về bản thân ta. Lòng tự trọng mang tính toàn thể (global) có ý muốn nói đến cách thức chúng ta thích thú hay chấp nhận bản thân mình như một tổng thể. Lòng tự trọng mang tính đặc trưng (specific) đề cập đến cảm xúc của chúng ta về một số khía cạnh đặc trưng nào đó trong con người mình (chẳng hạn: vận động viên, sinh viên, hay một người như thế nào đấy...)

Lòng tự trọng phát triển cách độc đáo nơi mỗi thanh niên, và có thể có nhiều quỹ đạo khác nhau của lòng tự trọng trong giai đoạn phát triển này (Zimmerman, Copeland, Shope, & Dielman, 1997). Vì thế, dù cao hay thấp, lòng tự trọng vẫn tương đối ổn định trong thời kỳ thanh niên, hoặc cũng có thể cải thiện theo hướng tốt hơn hoặc ra xấu hơn.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển căn tính và lòng tự trọng trong giai đoạn thanh niên. Ví dụ như: sự phát triển kỹ năng nhận thức của thanh niên giúp trẻ có khả năng khái quát hóa về bản thân (Keating, 1990). Những biến đổi thể chất có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến lòng tự trong mang tính toàn thể. Điều này đặc biệt chính xác trong giai đoạn đầu của lứa tuổi thanh niên, khi sự phát triển thể chất là yếu tố dẫn đầu của những nhân tố xác định lòng tự trọng mang tính toàn thể, đặc biệt ở nữ giới (Harter, 1990a).

Harter (1990b) cũng cho thấy rằng, lòng tự trọng của trẻ sẽ thấp nếu có lỗ hỏng giữa việc tự nhận thức và điều mà cá nhân tin rằng mình “nên” là. Tác giả Jaffe (1998) cho chúng ta thấy những đặc điểm có liên quan đến lòng tự trọng thấp như sau:
  • Cảm thấy áp lực
  • Thiếu năng lượng
  • Không thích sự xuất hiện của bản thân và khước từ lời khen
  • Cảm thấy không an toàn hoặc không đủ thời gian
  • Có những kỳ vọng thiếu thực tế về bản thân
  • Quá nhút nhát và hiếm khi thể hiện quan điểm của mình
  • Tuân theo những gì người khác muốn và giả định thái độ phục tùng trong hầu hết các tình huống.
Tương quan giữa thanh niên và gia đình

Trong giai đoạn phát triển này, sự xung đột giữa cha mẹ và con cái có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong mối quan hệ giữa nữ giới và người mẹ. Mâu thuẫn này dường như là một phần thiết yếu để trẻ đạt được sự độc lập từ cha mẹ, trong khi cha mẹ cần tìm hiểu những cách thức mới để có thể kết nối với con mình (Steinberg, 2001). Có hai loại xung đột thường xảy ra: xung đột trước những vấn đề hàng ngày (chẳng hạn: quần áo mà trẻ được phép mua hay được phép mặc, việc làm bài tập ở nhà), và xung đột trước những vấn đề quan trọng (chẳng hạn: thành tích học tập). Điều thú vị là dường như những xung đột hàng ngày làm cho cha mẹ cảm thấy buồn chán hơn so với trẻ (Steinberg, 2001).[36]

Nhìn chung, trẻ muốn được độc lập trong một số quyết định với cha mẹ của trẻ. Trong giai đoạn thanh niên, trẻ muốn được làm người lớn dù vẫn mang dáng dấp của một cơ thể chưa phát triển toàn diện. Ý muốn làm người lớn, tức người độc lập, chi phối các hành vi của trẻ trong tương quan hàng ngày, đặc biệt đối với những người trực tiếp chăm sóc trẻ.

VI. Lý thuyết phát triển luân lý


Nhà tâm lý học Lawrence Kohlberg (1984) cho rằng những thay đổi trong lập luận về luân lý có thể được hiểu theo một trình tự ba cấp độ. Ông cho rằng con người tiến triển qua các cấp độ theo một trật tự cố định, và họ không thể đạt được cấp độ cao nhất trước 13 tuổi, vì những hạn chế trong phát triển nhận thức ở các độ tuổi thấp hơn. Tuy nhiên, nhiều người cũng không bao giờ đạt đến cấp độ cao nhất của lập luận luân lý. Trên thực tế, Kohlberg nhận thấy chỉ có một tỉ lệ nhỏ người trưởng thành đạt trên cấp độ hai trong mô hình của ông (Kohlberg & Ryncarz, 1990; Hedgepeth, 2005; Powers, 2006).[37]

Có thể tóm tắt ba cấp độ lập luận về luân lý theo Kohlberg như sau:[38] 

CẤP ĐỘ
GIAI ĐOẠN
VÍ DỤ VỀ LẬP LUẬN LUÂN LÝ
Bênh vực hành vi
trộm cắp
Phản đối hành vi
trộm cắp
Cấp độ 1:
Luân lý tiền ước lệ (preconventional morality).
Mối quan tâm cụ thể của cá nhân được xem xét dưới hình thức thưởng và phạt.
Độ tuổi: 5 – 12 tuổi.
Giai đoạn 1:
Định hướng bởi tuân phục và trừng phạt.
Cá nhân bám chặt vào các nguyên tắc để tránh bị trừng phạt, và vâng lời vì lợi ích riêng tư.
“Nếu để vợ bạn chết đi, bạn sẽ lâm vào rắc rối. Bạn sẽ bị chê trách vì không chịu tốn tiền chữa chạy, và bạn cùng với dược sĩ sẽ bị dư luận phê phán vì cái chết của vợ bạn.”
“Không nên trộm thuốc bởi vì bạn có thể bị bắt và bị bỏ tù. Dù có chạy thoát, tâm trạng bạn cũng bất an vì không biết lúc nào cảnh sát sẽ đến bắt.”
Giai đoạn 2:
Định hướng bởi phần thưởng.
Các nguyên tắc được tuân thủ chỉ vì lợi ích cá nhân. Cá nhân tuân phục vì phần thưởng sẽ nhận được.
“Nếu lỡ bị bắt, bạn vẫn có thể trả lại thuốc và sẽ không bị xử phạt nặng. Bạn sẽ không ân hận nhiều khi chỉ chịu án tù nhẹ, và nếu như bạn còn có thể gặp lại người vợ khi mãn hạn tù.”
“Bạn có thể không bị phạt tù nặng vì trộm thuốc, nhưng vợ bạn có thể qua đời trước khi bạn mãn hạn tù, cho nên hành vi này cũng chẳng đem lại kết quả gì. Nếu vợ bạn có chết đi bạn cũng không nên tự trách mình, bởi vì vợ bạn bị ung thư không do lỗi của bạn.”
Cấp độ 2:
Luân lý ước lệ (Conventional morality).
Con người tiếp cận các vấn đề luân lý như là thành viên của xã hội. Họ quan tâm đến việc làm hài lòng người khác bằng cách hành động như thành viên tốt trong xã hội đó.
Độ tuổi: 13 – 15 tuổi.
Giai đoạn 3:
Luân lý “theo kỳ vọng của tha nhân”.
Cá nhân tỏ ra quan tâm, duy trì lòng kính trọng của tha nhân và sẽ thực hiện hành vi mà tha nhân kỳ vọng nơi họ.
“Nếu trộm thuốc thì không ai cho rằng bạn là kẻ xấu xa, nhưng gia đình sẽ nghĩ bạn là người chồng bất nghĩa nếu bạn không ra tay trộm thuốc. Nếu để bà vợ chết đi, bạn sẽ không còn dám nhìn mặt bất kỳ ai nữa.”
“Không phải chỉ viên dược sĩ mới cho rằng bạn là tên tội phạm; mà bất kì ai khác cũng sẽ nghĩ như vậy. Sau khi trộm thuốc, bạn sẽ cảm thấy mình xấu xa vì đã làm nhục gia đình và bản thân; bạn sẽ không còn dám nhìn mặt bất kì ai nữa.”
Giai đoạn 4:
Nền luân lý dựa trên uy quyền và nhằm duy trì trật tự xã hội.
Cá nhân tuân thủ các nguyên tắc do xã hội thiết lập và xem điều gì đúng chính là điều xã hội cho là “đúng”.
“Nếu tôn trọng danh dự của mình, bạn sẽ không để cho bà vợ chết đi chỉ vì bạn không dám làm cái việc duy nhất có thể cứu mạng vợ (trộm thuốc). Bạn sẽ luôn luôn có cảm giác mình đã gây ra cái chết ấy nếu như bạn không làm tròn bổn phận đối với vợ.”
“Bạn tuyệt vọng và có lẽ bạn không biết đã sai phạm khi ra tay trộm thuốc. Nhưng bạn sẽ biết mình đã có hành vi sai trái sau khi bị tống giam. Bạn sẽ luôn có cảm giác tội lỗi vì hành vi bất lương và phạm pháp của mình.”
Cấp độ 3:
Luân lý siêu ước lệ (postconventional morality).

Cá nhân vận dụng các nguyên tắc luân lý được xem là bao quát hơn các nguyên tắc của bất kỳ một xã hội đặc biệt nào.
Độ tuổi: 16 – 20 tuổi.
Giai đoạn 5:
Luân lý dựa trên tinh thần tự nguyện, quyền hạn cá nhân, và luật lệ được chấp nhận một cách dân chủ.
Cá nhân làm điều đúng do ý thức được nghĩa vụ đối với luật lệ đã được xã hội nhất trí thông qua. Họ nhận định rằng luật lệ vẫn có thể cải biến được phần nào do các thay đổi trong một xã ước mặc nhiên.
“Bạn sẽ đánh mất sự tôn trọng của tha nhân và không sao vãn hồi được, nếu bạn không ra tay trộm thuốc. Nếu để cho vợ chết, bạn sẽ thoát được cơn sợ tù đày nhưng lại không thoát được lương tâm phê phán. Cho nên, bạn nhất định sẽ đánh mất lòng tự trọng và có lẽ lòng kính trọng của kẻ khác dành cho bạn nữa.”
“Bạn sẽ đánh mất địa vị và sự kính trọng của cộng đồng do hành vi phạm pháp. Bạn sẽ đánh mất lòng tự trọng nếu để mất đi thứ tình cảm ấy và quên đi lập trường theo đuổi lâu nay của bạn.”
Giai đoạn 6:
Luân lý theo các nguyên tắc và lương tâm cá nhân. Cá nhân tuân thủ luật pháp bởi vì chúng căn cứ vào các nguyên tắc đạo đức phổ biến. Luật lệ nào vi phạm các nguyên tắc ấy đều không được tuân phục.
“Nếu để cho bà vợ phải chết vì không ra tay trộm thuốc, sau này bạn sẽ luôn luôn tự lên án. Bạn sẽ không bị trừng phạt vì đã sống theo luật lệ của xã hội bên ngoài, nhưng bạn sẽ không còn trung thành với các tiêu chuẩn lương tâm của bản thân.”
“Dù không bị tha nhân trách cứ vì hành vi trộm thuốc, nhưng bạn sẽ tự lên án vì đã không trung thành với lương tâm và các tiêu chuẩn lương thiện của bản thân.”

Tuy nhiên, các học giả nhận xét rằng, một trong những khó khăn của lý thuyết này là nó phù hợp với phán đoán luân lý (moral judgment) chứ không phải hành vi luân lý (moral behavior). Hơn nữa, lý thuyết này chủ yếu áp dụng cho xã hội Tây phương. Những nghiên cứu đa văn hóa được tiến hành trong những vùng văn hóa có hệ thống luân lý khác cho thấy lý thuyết này không luôn luôn áp dụng được (Coles, 1997; Damon, 1999; Nucci, 2002; Barandiaran, Pascual, & Samaniego, 2006).

Phát triển luân lý ở nữ giới

Điểm thiếu sót rõ ràng trong lý thuyết của Kohlberg là việc ông chủ yếu nghiên cứu trên nam giới. Nhà tâm lý học Carol Gilligan (1996) cho rằng, vì kinh nghiệm mang tính xã hội hóa đặc biệt của nam và nữ, nên có sự khác biệt cơ bản trong quan niệm về hành vi luân lý của mỗi giới. Theo Gilligan, quan điểm luân lý của nam giới chủ yếu dựa trên các nguyên tắc rộng như công bình, thẳng thắn. Ngược lại, nữ giới xem xét luân lý dựa trên trách nhiệm đối với các cá nhân và sẵn sàng hy sinh để giúp đỡ một ai đó trong bối cảnh một mối quan hệ đặc thù. Lòng trắc ẩn là một yếu tố khá nổi bật trong hành vi luân lý của nữ giới hơn là nam giới.

Theo Gilligan, tính luân lý của nữ giới chú trọng đến hạnh phúc cá nhân và các mối quan hệ xã hội – như là tính đạo đức của việc chăm sóc (morality of caring). Theo quan điểm này, lòng trắc ẩn đối với hạnh phúc của tha nhân là cấp độ luân lý cao nhất.

Tiến trình phát triển nhận thức luân lý của nữ giới diễn biến theo ba cấp độ. Cấp độ đầu tiên được gọi là giai đoạn “định hướng cho sự tồn tại của cá nhân” (orientation to individual survival), nữ giới chú trọng tới điều thực tế và có lợi nhất cho họ. Trong giai đoạn này, có một bước chuyển từ tính ích kỷ sang ý thức trách nhiệm, nữ giới bắt đầu nghĩ đến điều gì sẽ tốt nhất cho người khác.

Cấp độ thứ hai được gọi là giai đoạn “đức hạnh vì hy sinh bản thân” (Goodness as self-sacrifice), nữ giới bắt đầu nghĩ đến việc hy sinh các ước muốn riêng cho nhu cầu của người khác. Trong giai đoạn này, có một bước chuyển từ đức hạnh sang chân lý, trong đó họ đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu chính mình.

Cấp độ thứ ba được gọi là giai đoạn “luân lý phi bạo lực” (morality of nonviolence), nữ giới tiến đến mức nhận thức rằng việc làm tổn thương bất kỳ ai cũng đều là hành vi phi luân lý – kể cả trường hợp làm tổn thương đến bản thân họ. Nhận định này thiết lập được sự bình đẳng luân lý giữa họ với tha nhân, và theo Gilligan, nó biểu trưng trình độ nhận thức luân lý tinh tế nhất.[39]

Kết luận


Chúng tôi vừa điểm qua một số lý thuyết tâm lý học có liên quan đến lứa tuổi thanh niên. Phải thành thật mà nói rằng, những điều vừa trình bày cũng chỉ dừng lại ở góc độ khái quát, chưa hoàn toàn đào sâu tìm hiểu các vấn đề của thanh niên.

Chủ đề về thanh niên trong tâm lý học là một chủ đề vô cùng rộng lớn. Ngày nay, các xu hướng nghiên cứu bắt đầu tập trung chuyên sâu hơn vào một khía cạnh riêng biệt nào đó: trí tuệ, tình cảm, hành vi, cảm xúc, tính dục,… và ngay cả vấn đề đồng tính nữa. Quả thật, đây là một lứa tuổi đầy biến động, đầy bão táp và căng thẳng (Erikson).

Đã có lúc các nhà tâm lý học cho rằng hầu hết trẻ em khi đến tuổi thanh niên đều bắt đầu cho một thời kỳ đầy căng thẳng và bất hạnh. Tuy nhiên, những nghiên cứu hiện nay lại cho thấy quan niệm này chỉ là một huyền thoại (myth), bởi lẽ hầu hết các em đều trải qua giai đoạn này mà không có bất ổn đáng kể nào trong đời sống. Thế nhưng, chúng ta cũng không thể phủ nhận tính phức tạp của giai đoạn này.

Trong công tác mục vụ, giới trẻ luôn là một mảng hoạt động lớn mà không giáo xứ nào không lưu tâm. Bởi lẽ các em đầy tính nhạy cảm, dễ tiếp thu, sống hết mình và phục vụ hết khả năng; nhưng cũng có đầy thách thức và cạm bẫy xã hội đang rình chờ các em. Để thành công trong lĩnh vực mục vụ này, sự kết hợp giữa kiến thức về tâm lý lứa tuổi và khả năng huấn luyện tâm linh sẽ là chìa khóa quan trọng giúp người đồng hành bước vào cánh cửa của lứa tuổi đầy biến động nhưng cũng không kém phần cuốn hút này.

Tài liệu tham khảo


Tiếng Anh

  1. American Psychological Association. Developing Adolescents: A reference for Professionals. Washington: APA, 2002.
  2. Beltran, Jane Q.. General Psychology. Edition, revised. Manila: Rex Book Store, 2000.
  3. Cervone, Daniel và Pervin, Lawrence A.. Personality: Theory and Research. 11th ed.. Wiley, 2013.
  4. Erikson, Erik. Childhood and Society. New York: Norton, 1963.
  5. Freud, Anna. The ego and the mechanism of defense. dg. C. Baines. New York: International Universities Press, 1948.
  6. Furlong, Andy. Youth Studies: An Introduction. Milton Park, Abingdon: Routledge, 2013
  7. Feldman, Robert S.. Essentials of Understanding Psychology, 8th ed.. New York: McGraw-Hill Learning Solutions, 2009.
  8. Hall, G. Stanley. Adolescence. 2 vols. New York: Appleton, 1916.
  9. John, Oliver P. và tgk.. Handbook of Personality: Theory and Research. 3rd ed.. New York: The Guilford Press, 2011.
  10. Kapunan, Rocio Reyes. The Psychology of Adolescence. Manila: Rex Book Store, 1998.
  11. Konopka, Gisela. Requirements for Healthy Development of Adolescent Youth. Adolescence 8, no. 31, Fall, 1973.
  12. Lerner, Richard M., và tgk.. Handbook of Psychology. Volume 6, Developmental Psychology. Canada: Wiley, 2003.
  13. Mwale, Marisen. Adolescent Psychology. The African Perspective, Lambert, 2012.
  14. Muuss, Rolf E.. Theories of Adolescence. 3rd ed.. New York: Random House, 1975.
  15. National Research Council, 1999.
  16. Shaffer, David R. và Kipp, Katherine. Developmental Psychology: Childhood and Adolescence. 8th ed.. Canada: Wadsworth, 2009.

Tiếng Việt

  1. Craig, Grace J. và Baucum, Don. (Prentice Hall, 2001). Tâm lý học phát triển, Dg. Hoàng Mộc Lan, Nguyễn Hữu Thụ, Lê Minh Loan, Trương Thị Khánh Hà, Nguyễn Minh Hằng, từ bản tiếng Nga, ĐHQG Hà Nội (ebook).
  2. Felman, Robert S.. Tâm lý học căn bản. bd. Minh Đức, Hồ Kim Chung. Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2004.
  3. Miler, Patricia H.. Các lý thuyết về tâm lý học phát triển, dg. Vũ Thị Chín. Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2003 (ebook).

Tài liệu Internet

  1. http://collegestudentdeveltheory.blogspot.com/2010/09/gilligans-theory-of-womens-moral.html (truy cập ngày 01.04.2018).
  2. http://www.unhabitat.org/pmss/listItemDetails.aspx?publicationID=3393 (truy cập ngày 01.04.2018).
  3. http://www.unicef.org/adolescence/index_66834.html (truy cập ngày 01.04.2018).
  4. https://www.psychologynoteshq.com/freud-psychosexual-development/ (truy cập ngày 01.04.2018).
  5. http://www.gutenberg.org/files/38219/38219-h/38219-h.htm (truy cập ngày 01.04.2018).
  6. https://courses.lumenlearning.com/boundless-psychology/chapter/theories-of-human-development/ (truy cập ngày 01.04.2018).
  7. http://www.psyking.net/id183.htm (truy cập ngày 01.04.2018).
  8. Webster's New World Dictionary.

[1] Gisela Konopka, “Requirements for Healthy Development of Adolescent Youth,” Adolescence 8, no. 31, (Fall, 1973), tr. 24.
[2] http://www.unhabitat.org/pmss/listItemDetails.aspx?publicationID=3393 (truy cập ngày 01.04.2018).
[3] http://www.unicef.org/adolescence/index_66834.html (truy cập ngày 01.04.2018).
[4] Youth dictionary definition - youth defined ; Webster's New World Dictionary.
[5] x. Andy Furlong, Youth Studies: An Introduction, Milton Park, (Abingdon: Routledge, 2013), tr. 2-3.
[6] Marisen Mwale, Adolescent Psychology, The African Perspective (Lambert, 2012), tr. 6.
[7] Rocio Reyes Kapunan, The Psychology of Adolescence (Manila: Rex Book Store, 1998), tr. 3.
[8] Marisen Mwale, sđd, tr. 9-10.
[9] Rocio Reyes Kapunan, sđd, tr. 3.
[10] Richard M. Lerner và tgk., Handbook of Psychology. Volume 6, Developmental Psychology (Canada: Wiley, 2003), tr. 295 ; x. National Research Council, 1999, tr. 1.
[11] Marisen Mwale, sđd, tr. 6-7.
[12] Rolf E. Muuss, Theories of Adolescence, 3rd ed. (New York: Random House, 1975), tr. 33-35.
[13] G. Stanley Hall, Adolescence. 2 vols (New York: Appleton, 1916), tr. xiii.
[14] Rolf E. Muuss, sđd, tr. 35-36.
[15] Jane Q. Beltran, General Psychology. Edition, revised (Manila: Rex Book Store, 2000) tr. 26.
[16] Grace J. Craig, Don Baucum (Prentice Hall, 2001), Tâm lý học phát triển, Dg. Hoàng Mộc Lan, Nguyễn Hữu Thụ, Lê Minh Loan, Trương Thị Khánh Hà, Nguyễn Minh Hằng, từ bản tiếng Nga, ĐHQG Hà Nội, chương 1.
[17] x. Robert S. Feldman, Essentials of Understanding Psychology, 8th ed. (New York: McGraw-Hill Learning Solutions, 2009) tr. 360.
[18] Robert S. Feldman, sđd, tr. 360.
[19] x. Richard M. Lerner và tgk., sđd, tr. 312-313.
[20] Richard M. Lerner và tgk., sđd, tr. 325.
[21] x. Patricia H. Miler, Các lý thuyết về tâm lý học phát triển, dg. Vũ Thị Chín (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2003), ebook, chương I.
[22] Marisen Mwale, sđd, tr. 57.
[23] Marisen Mwale, sđd, tr. 58.
[24] x. Richard M. Lerner và tgk., sđd, tr. 326-328.
[25] x. Richard M. Lerner và tgk., sđd, tr. 329.
[26] Daniel Cervone, Lawrence A. Pervin, Personality: Theory and Research, 11th ed. (Wiley, 2013), tr. 73, được trích lại từ: S. Freud (1915/1970). Instincts and their vicissitudes. In W.A. Russell (Ed.), Milestones in motivation: Contributions to the psychology of drive and purpose (p. 328). New York: Appleton-Century-Crofts.
[27] Daniel Cervone, Lawrence A. Pervin, sđd.
[28] Rolf E. Muuss, Theories of Adolescence, 3rd Ed. (New York: Random House, 1975), tr. 38.
[29] Rolf E. Muuss, sđd, tr. 43.
[30] A. Freud (1948), The ego and the mechanism of defense, dg. C. Baines (New York: International Universities Press, 1948) tr. 163.
[31] A. Freud, sđd, tr. 164.
[32] Robert S. Feldman, sđd, tr. 363.
[33] Robert S. Feldman, sđd, tr. 363.
[34] x. Erik Erikson, Childhood and Society (New York: Norton, 1963) p. 261.
[35] x. American Psychological Association, Developing Adolescents: A Reference for Professionals (Washington: APA, 2002), tr. 15-17.
[36] American Psychological Association, sđd, tr. 24.
[37] Robert S. Feldman, sđd, tr. 362.
[38] x. Robert S. Feldman, sđd, tr. 362 ; x. Robert S. Felman, Tâm lý học căn bản, bd. Minh Đức, Hồ Kim Chung (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2004), bản ebook, chương 10.
[39] http://collegestudentdeveltheory.blogspot.com/2010/09/gilligans-theory-of-womens-moral.html (truy cập ngày 01.04.2018).