Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

PHẢI CHĂNG: “... LỊCH SỬ CỦA TỰ DO BẮT ĐẦU BẰNG SỰ DỮ…”

Thời sự Thần học – Số 1, tháng 3/2010, tr. 48-58.

_Duy Khánh_

PHẢI CHĂNG: “... LỊCH SỬ CỦA TỰ DO BẮT ĐẦU BẰNG SỰ DỮ…” (E. Kant)?

Đó là một phần lời của Emmanuel Kant trong nguyên văn “lịch sử của thiên nhiên bắt đầu bằng sự tốt lành, bởi vì nó là công trình của Thiên Chúa. Lịch sử của tự do bắt đầu bằng Sự Dữ, bởi vì nó là công trình của con người”. Con người vốn quay quắt, xoay sở để sống sao cho tự do hết mình. Họ muốn sống đầy, sống viên mãn, sống rong chơi “thần thông du hí”. Nhưng khốn nỗi, tự do ấy có khởi đầu là Sự Dữ, và rồi, càng đi tới, Sự Dữ lại tràn chảy, loang lổ và biết bao cảnh nhiễu nhương xảy ra. Bernanos đã từng nghĩ rằng: “Xì-căng-đan của thế giới không phải là đau khổ, mà là tự do. Thiên Chúa đã dựng nên thụ tạo tự do, đó là Xì-căng-đan lớn nhất bởi vì mọi Xì-căng-đan khác đều phát xuất từ đó” (G. Bernanos, “la liberté, pour quoi faire?”, Paris, Gallimard, coll. “Idée”, 1972, p.224). Bài này bàn về tự do, một khởi đầu của Sự Dữ.



1. Thuật ngữ

Trong ngôn ngữ của người Hy Lạp xưa, tự do thoạt tiên chỉ mang ý nghĩa của “tình trạng tự do” nơi những công dân trong thành bang (State) của họ[1]. Danh từ eleuderos được ám chỉ hay nói đến những công dân tự do. Còn từ eleuderia thì lại nói đến tình trạng tự do chính trị của những công dân sống trong thành bang ấy. Tự do theo những nghĩa trên dùng để nói về “quyền tự trị” của những thành bang. Mọi công dân trong thành bang phải tuân thủ theo những quy định mà luật pháp đã đề ra. Những quy định này được xây dựng dựa trên công thiện. Và mỗi công dân chỉ có được tự do trong mối tương quan với cộng đồng. Sống trong thành bang, mỗi người công dân phải có sự liên đới với các thành viên khác như một toàn thể. Họ phải chịu sự định hướng qua việc huấn luyện hay giáo dục của thành bang trong mọi chiều kích ở nếp sống của mình. Khi ấy họ mới tìm được sự tự do đích thực, họ được sống như những gì họ làm. Do đó, thật là khốn khổ cho những công dân bị chia cắt khỏi thành bang của họ - thường là những người tội phạm hoặc là dân bị lưu đày, bởi họ không còn tự do nữa. Tóm lại, đối với người Hy Lạp, sự tự do đích thực chỉ thành hiện thực khi có sự gắn kết giữa thành bang và công dân. Nếu tách rời hai yếu tố này ra, tự do không hiện hữu.[2]

Trên đây là quan niệm của người Hy Lạp xưa về tự do, còn trong thời nay, vấn đề tự do không còn đơn giản thế. Theo Đại Từ Điển Tiếng Việt, tự do có nghĩa: Về danh từ, đó là (1) Phạm trù triết học chỉ khả năng biểu hiện ý chí, hành động theo ý muốn của mình trên cơ sở nhận thức quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; (2) Quyền được sống và hoạt động xã hội theo ý nguyện của mình, không bị cấm đoán, ràng buộc xâm phạm. Theo nghĩa tính từ, tự do có nghĩa là có quyền được sống và hoạt động xã hội theo ý nguyện của mình, không bị ngăn cấm, xâm phạm.[3]

Ở một góc nhìn mang tính triết học, nhấn mạnh vị trí của chủ thể, tự do được xem như (1) vấn đề tự quyết, tự kiểm soát, tự ý; (2) là khả năng của một tác nhân hành động hay không hành động theo ý thích hoặc theo lòng ham muốn của mình. Tự do theo nghĩa này có thể tương hợp hay tuân theo ý chí của chủ thể; hoặc là nguồn mạch cho những hoạt động của người ấy; (3) chủ thể xuôi theo hay được hướng dẫn bởi những ham muốn bên trong, đi ngược lại với những hướng chiều hay ép buộc bên ngoài (ngoại giới). (4) là khả năng chọn lựa, cũng là cơ hội thoả mãn hay thủ đắc những chọn lựa ấy.[4]

Tuy tự do mang nhiều ý nghĩa như thế, nhưng trong lãnh vực triết học, đạo đức hay luân lý, ta cần phân biệt hai khía cạnh tự do khác nhau. Thứ nhất là thứ tự do khỏi (freedom from). Đây là thứ tự do theo quan niệm thông thường. Chúng có nghĩa là được giải phóng khỏi những ràng buộc, những giới hạn, những hình thức ức chế và áp lực. Đó cũng là thứ tự do mà nhân loại đã đổ nhiều mồ hôi, công sức mới có được như hiện nay. Tuy nhiên trong cuộc sống tại thế, chẳng bao giờ chúng ta hoàn toàn được tự do khỏi những ràng buộc và giới hạn, vì ta sống là sống trong mối tương giao, nhập cuộc, dấn thân và liên luỵ. Do vậy những thái độ và hành động quá đề cao xu hướng này khó có thể hội nhập trong đời sống con người.

Bên cạnh thứ tự do khỏi, tự do để (freedom to) xem ra được con người thời nay thường áp dụng hơn cả. Điều này ta có thể đọc thấy trong đạo lý Kitô giáo và trong tư tưởng của các triết gia hiện sinh Kitô giáo mà K. Jaspers là một điển hình. Chiều kích tự do để đặt nổi yếu tố tích cực của ơn gọi làm người và động lực để dấn thân. Đây cũng là thứ tự do mà tiểu luận này đề cập trong bài viết này.

Tự do ở đây không chú trọng ở quyền lợi của mỗi người để lựa chọn cái này hay cái khác, hoặc làm hay không làm những gì mình muốn, mà là khả năng hy sinh chính tự do của mình cho lý tưởng cao đẹp hơn.[5]

Lý tưởng cao đẹp ấy là gì? Theo chúng tôi đó chính là “Tiến bước hướng về Thiên Chúa, hướng về “Đấng duy nhất Tốt Lành”, con người phải thực hiện điều thiện, né tránh điều dữ cách tự do.”[6] Sở dĩ con người phải hành động như vậy bởi theo như lời thánh Thomas viết,

Trong số toàn bộ các hữu thể, thụ tạo có lý trí được đặt dưới sự quan phòng của Thiên Chúa một cách tuyệt hảo hơn do bởi thụ tạo này dự phần vào sự quan phòng ấy bằng cách tự mình cung ứng cho nhu cầu của mình và cho tha nhân. Như vậy nơi thụ tạo này, có sự dự phần vào vĩnh cửu, nhờ đó thụ tạo này có được một thiên hướng tự nhiên nghiêng về thể thức hành động và nghiêng về cùng đích theo như phải đạt tới.[7]

Đến đây cần đặc biệt lưu ý rằng lối phân biệt “tự do khỏi” và “tự do để” chỉ với mục đích làm rõ hơn yếu tố tự do. Thực ra chúng chỉ bao hàm trong một khái niệm tự do duy nhất. Ta không thể có “tự do để” nếu trước đó ta không có “tự do khỏi”. Ví dụ trong đời sống tu trì, người tu sĩ khấn giữ ba lời khuyên Tin Mừng, trước hết là họ muốn tự do khỏi những ràng buộc về vật chất, tình cảm, danh vọng… Sau đó họ muốn tự do để dấn thân phục vụ theo gương Đức Kitô phục vụ trong linh đạo mà họ đang sống.

2. Tự do – một yếu tố nhân linh

Định nghĩa về con người, tuỳ từng lập trường, có những phát biểu khác nhau như: con người là con vật có lý trí (Aristote), sâu thẳm dường bao ôi con người (thánh Âutinh), con người là cây sậy biết suy tư (Pascal), con người là một huyền nhiệm (Gabriel Marcel)… nhưng tựu trung, yếu tố tự do là yếu tố không thể thiếu khi bàn về con người. Bởi chính tự do khi phối hợp một số yếu tố khác sẽ tạo nên ý nghĩa “người” nơi những hành vi của con người mà không lẫn lộn với những loài khác. Ý nghĩa ấy ta gọi là hành vi nhân linh. Gọi như vậy là bởi khi thực hiện hành vi nhân linh là “con người thực hiện với ý thức, ý muốn và tự do. Đây là những hành vi đích thực của con người xét như là hữu thể có ý thức, chọn lựa và tự do.”[8] Chính hành vi này sẽ tạo nên không những sự khác biệt mà còn là sự trổi vượt của con người trên những loài động vật khác. Nếu như con người chỉ có những hành vi nhân sinh thì chẳng khác chi so với những loài linh trưởng.[9]

Như vậy, để cho những hành vi của mình mang “tính người”, trước hết cá nhân đó phải thực hiện với một ý thức. Ý thức này thể hiện qua việc lượng định hay nhận biết vấn đề đúng sai, tốt xấu trong từng suy nghĩ, hành động mình làm. Kế đó, người này phải hành động với sự tự ý, nghĩa là có sự chọn lựa tự do. Điều này cũng còn có nghĩa là người ấy phải tự nguyện dấn thân, thoát ra khỏi bất cứ một áp lực mạnh mẽ nào từ bên ngoài hay bên trong mình như: áp lực, đam mê, sợ hãi… để đạt đến một hành vi tự nguyện hoàn toàn, trực tiếp hay hiện thể.[10]

Chỉ khi con người hành động với cả hai yếu tố về lý trí và ý chí kể trên, lúc ấy hành vi của con người mới có giá trị, và hành vi ấy mới được gọi là hành vi nhân linh. Dẫu biết rằng một hành vi tốt lành được thực hiện do thói quen mà không do ý thức thì vẫn có những giá trị của nó. Nhưng những giá trị ấy không thể sánh với những hành vi nhân linh. Bởi khi thực hiện hành vi nhân linh, tác nhân thực hiện loại hành vi này mới có đủ khả năng để đón nhận trách nhiệm như một con người xét theo nghĩa đầy đủ nhất. Chính khi con người suy nghĩ thấu đáo, tự do chọn lựa hành động của mình với đủ ý thức trách nhiệm là khi ấy con người sống sung mãn hơn cả, sống với cái hiện sinh của mình, thể hiện ra những gì thuộc yếu tính của mình. Và nếu những hành vi kể trên được thể hiện trong đời sống tâm linh thì đời sống ấy mới có giá trị cao nhất. Vì lúc này con người mới càng thể hiện việc “giống hình ảnh Thiên Chúa”, càng đi sát với những ý định trong nguyên nhân tác thành và cứu cánh mà Thiên Chúa là tác nhân. Bởi xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ, người ta luôn đọc thấy cùng với những chiều kích khác, tự do của con người là con đường của Thiên Chúa.

3. Tự do của con người – con đường của Thiên Chúa

a. Tự do trong trình thuật sáng tạo

Trong trình thuật sáng tạo, con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa, có lý trí và ý chí. Tự do là một yếu tố thuộc ý chí con người. Tự do gắn với hay thuộc về yếu tính của con người ngay từ lúc khởi đầu. Điều này đã cho thấy vị trí trổi vượt của con người trong tâm trí của Thiên Chúa cũng như vai trò quan trọng vượt trên các thụ tạo khác của con người. Dù chỉ là lối văn mang tính biểu tượng, nhưng các tác giả sách thánh cũng muốn diễn tả rằng việc sáng tạo con người được Thiên Chúa nâng niu. Đích thân Ngài “lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên sinh vật” (St 2,7).

Đàng khác, những đặc tính của con người như có xác, hồn và khả năng của linh hồn là có lý trí, ý chí… đã được Thiên Chúa phú bẩm ngay từ lúc tạo thành. Do vậy những đặc tính này không mai một, không mất đi theo dòng thời gian. Và do đó, mọi người khi được sinh ra tùy phụ thuộc vào không gian và thời gian nhưng đều được mặc sẵn những đặc tính ấy như những gì đã có nơi Ađam và Eva. Đối với Thiên Chúa, tất cả những gì Ngài tạo dựng đều là tốt lành (xc. St 1,31). Do vậy, mọi sự phủ nhận đi ngược lại kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa đều là đi ngược với thánh ý của Ngài.[11] Nằm trong ý nghĩa đó, không ai có quyền phủ nhận hay chà đạp sự tự do sẵn có nơi mỗi con người.

Lại nữa, khi mặc lấy cho con người yếu tố tự do, Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác vào công cuộc sáng tạo của Ngài. Ngay từ thuở ban đầu, Ađam đã thực hiện tốt nhiệm vụ này. Ông đã đặt tên cho muôn thú – những thụ tạo mà Thiên Chúa sáng tạo nên (St 2,19). Như vậy, bằng sự tự do và tài trí của mình, con người trong suốt dòng lịch sử đã cộng tác vào công trình sáng tạo với nhiều cách thức khác nhau. Việc cộng tác này có thể bằng những hoạt động nghiên cứu, khám phá những gì ẩn tàng trong thế giới vạn vật. Chúng cũng có thể là việc đọc ra những quy luật dành cho muôn loài, hay cao hơn nữa đó là khả năng suy tư hòng tìm ra những lối lý giải, lối sống để con người thành người cách tròn đầy.

Như vậy ngay từ lúc tạo thành, con người có quyền tự do. Thế nhưng có phải quyền tự do của con người phải chăng là vô hạn định? Biến cố sa ngã là một mạc khải đã cho chúng ta thấy quyền quyết định điều lành hay điều dữ không thuộc về con người nhưng chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi. Tự do nơi con người không phải được phép làm tất cả những gì con người muốn. Bởi khi thực hiện như vậy, con người chỉ thể hiện những gì thuộc bản năng chứ không thể hiện những gì thuộc lý tính của con người. Con người chỉ được tự do khi hiểu và chấp nhận những giới răn mà Thiên Chúa truyền ban cho con người. Con người được quyền ăn “nơi tất cả các cây trong vườn”. Tuy vậy, thứ tự do ấy phải dừng lại trước “cây biết lành biết dữ” trồng ở giữa vườn, biểu tượng nơi hội tụ, gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau. Nếu con người muốn ăn trái cấm, muốn bằng Thiên Chúa, tức là con người muốn trở thành Đấng Tạo Hoá, hiện hữu thuần tuý, hiện diện mọi nơi thì con người đã đi ngược lại với bản tính có giới hạn của mình. Tội tự chỗ này mà ra.

Thế nhưng những điều trên không có nghĩa là con người phải uốn theo ý định hay lề luật của Thiên Chúa đến nỗi không còn tự do. Trái lại, như người mẹ biết điều gì tốt, điều gì xấu cho đứa con của mình mà áp dụng những lời khuyên răn, bắt buộc, thì Thiên Chúa cũng vậy, khi con người tuân thủ những luật mà Thiên Chúa truyền ban, con người được tham dự vào chính tình yêu của Ngài. Mà luật của Thiên Chúa là gì nếu không phải là những luật mang lại hạnh phúc, tự do cho con người ngay ở đời này và cả đời sau (xc. Gc 1,25).

Chỉ một mình Thiên Chúa là có thể giải đáp vấn nạn về điều thiện, bởi vì Ngài là sự Thiện. Mà Thiên Chúa đã giải đáp vấn đề này rồi: Ngài đã giải đáp bằng cách tạo dựng con người và quy hướng con người một cách khôn ngoan và trong tình yêu về phía cứu cánh của con người, với phương thế là lề luật khắc ghi trong lòng con người (x. Rm 2,1).[12]

Vậy khi con người tự do chọn lựa những gì hoàn hảo, những điều thiện ích thì con người càng tiến đến Chân Thiện Mỹ, càng thể hiện những giá trị đạo đức và càng gần hơn với Thiên Chúa là Đấng Toàn Chân – Toàn Thiện – Toàn Mỹ. Điều này có nghĩa là con người không còn bị lệ thuộc vào của cải vật chất, danh vọng thì con người càng tự do để hành động hợp với những quy tắc đạo đức của con người, hợp với ý định của Thiên Chúa. Lúc ấy, con người được hưởng trọn tất cả những gì tốt đẹp mà tình thương và sự quan phòng mà Thiên Chúa mong muốn. Ngược lại, nếu con người đi ra khỏi quy luật ấy, con người chỉ chuốc lấy khổ đau do chính hành động tự do của mình mang lại. Ví như đụng phải lửa thì bỏng, nếu con người biết vậy mà vẫn cố tình đưa tay vào lửa thì việc bị bỏng ấy không thể trách cứ ai.

Như vậy luật Thiên Chúa không hề khinh giảm hay gạt bỏ tự do của con người, ngược lại luật ấy lại bảo vệ và cổ võ tự do nơi chính con người.[13] Triển khai rõ những ý tưởng kể trên, Công đồng Vaticanô II đã viết:

Tự do đích thực là một dấu chỉ độc đáo về hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn con người tự quyết định để tự mình tìm kiếm Đấng Tạo Hoá và nhờ kết hiệp với Ngài một cách tự do, con người đạt tới hạnh phúc viên mãn. Như vậy phẩm giá của con người đòi hỏi con người phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định do xác tín cá nhân, chứ không bởi do thúc đẩy của bản năng hay sức cưỡng chế ngoại tại. Con người đạt tới phẩm giá này, khi giải thoát khỏi nô lệ của đam mê, bằng hành động chọn một cách tự do sự thiện, con người tiến về mục tiêu và cẩn thận tìm những phương tiện thích ứng. Vì tự do nhân loại đã bị tội lỗi làm tổn thương, cho nên phải nhờ ân sủng của Thiên Chúa mới có thể hướng về Thiên Chúa một cách hiệu quả và trọn vẹn.[14]

b. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người

Đến đây, hẳn có ý kiến như ý kiến của Viên Đại Pháp Quan Tôn Giáo cho rằng tại sao Thiên Chúa lại cho con người có tự do?[15] Tự do chỉ làm con người vướng bận thêm, xa cách với Thiên Chúa. Biến cố sa ngã chẳng nói lên điều đó là gì? Đúng thế, tự do có thể là một con dao hai lưỡi. Có lúc chúng mang lại sự tự hào cho con người bởi vị thế là một con người, nhưng có lúc chúng lại khiến con người phải quay quắt, hối hận vì đã có nó. Nhưng thử hỏi có ai dám đánh đổi tự do bằng tiền tài, danh vọng? Mọi người đều yêu quý và tôn trọng tự do của mình. Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do ấy, và như đã nói, trình thuật sa ngã là một ví dụ. Dẫu biết trước con người có thể sa ngã vì sử dụng cái tự do của mình, nhưng Thiên Chúa không vì thế mà tước đoạt đi mất, biến con người trở thành nô lệ. Bởi khi bị tước đoạt tự do, con người có khác chi những thụ tạo khác, trở thành một sự vật? Không, con người vẫn có tự do. Chính tự do ấy làm con người khốn đốn, thất trung với Chúa, nhưng cũng nhờ thứ tự do ấy mà tình thương của Thiên Chúa càng biểu lộ cách tròn đầy hơn. Nét đẹp tự do nơi con người là đây, “Tội Hồng Phúc” mà ta vẫn được nghe trong bài Công Bố Tin Mừng Phục Sinh là vậy.

Dẫu trong lịch sử của mình, cụ thể trong lịch sử cứu độ, con người đã luôn tỏ thái độ bất trung, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, thành tín. Một mô hình ta thường thấy trong lịch sử cứu độ đó là Tội – Phạt – Hối – Cứu. Con người sử dụng sự tự do Chúa ban để phạm tội, đi ngược lại với những ý định của Thiên Chúa mong muốn cho con người được hạnh phúc. Thiên Chúa vẫn để cho con người làm, vì con người có tự do và tự quyết, nhưng những hành vi sai trái đó hoặc là bị quả báo nhãn tiền, hoặc là gây hậu quả về sau. Người Do Thái tin rằng đó là những hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống. Đứng trước những hình phạt ấy, con người hối hận ăn năn và lại được Thiên Chúa ra tay cứu giúp. Thật đúng như những lời mà tác giả Thánh vịnh đã thốt lên:

“Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm” (Tv 145,13)

Dù con người có luôn bất trung sau mỗi lần được Chúa cứu thoát, nhưng không vì thế mà sự kiên trì của Thiên Chúa bị suy giảm. Trái lại, Thiên Chúa chấp nhận việc hay thay đổi của thứ tự do mà Ngài đã trao ban cho con người. Con người cứ luôn luôn lỗi phạm, và Thiên Chúa vẫn luôn luôn cứu giúp. Quả thực, chính tự do của con người đã kéo Thiên Chúa xuống thế làm người, và cũng chính thứ tự do này đã nâng con người lên tới Thiên Chúa, nếu con người muốn. Đến đây ta mới thấy rằng chẳng phải vô cớ, khi xuống thế làm người, Đức Giêsu đã luôn trân trọng thứ tự do nơi nhân tính của Ngài, và Ngài đã thể hiện rõ nét tự do ấy trong cách hành xử của Ngài nơi dương thế.

4. Đức Kitô – con người tự do

Vì là Thiên Chúa thật nên khi xuống thế mặc lấy xác phàm, nơi Đức Giêsu không thiếu hoặc mất đi quyền năng đã có nơi Ngài. Đến nỗi mà “người ta kinh ngạc về giáo huấn của Ngài, vì Ngài dạy họ như Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22; Mt 7,29). Tác giả G. Bornkamm đã viết về vấn đề này như sau:

Hai chữ uy quyền gói ghém tất cả huyền nhiệm về con người và ảnh hưởng của Đức Giêsu, như đức tin đã nhận ra. Vì vậy hai chữ đó không chỉ diễn tả những gì là “lịch sử” thuần tuý. Tuy nhiên thực tại mà nó diễn tả, trước khi được giải thích, vẫn là một thực tại bắt nguồn từ chính Đức Giêsu trong lịch sử.[16]

Con người của Giêsu trong lịch sử là con người dẫu đầy uy quyền, thế nhưng Ngài không tỏ ra kiêu căng tự phụ. Trái lại, Ngài rất thanh thoát, tự do trước mọi sức mạnh thường đề cao trong thế gian. Bằng chứng là trong quá trình rao giảng, Đức Giêsu loan báo một triều đại Thiên Chúa chứ không phải triều đại của mình. Tính cách khiêm hạ, chối từ uy quyền thể hiện trong việc nhập thể, chịu khổ hình và chịu chết trên thập giá của Ngài. Trong khi các kẻ thống trị trần thế muốn người ta phục vụ thì Ngài đến là để phục vụ (xc. Lc 22,25t). Tuy Người là Thầy và là Chúa (Ga 13,13) nhưng Người đến để hy sinh mạng sống mình làm giá cứu chuộc (xc. Mc 10,42t).

Trong mối tương quan với người khác, nơi Đức Giêsu ta cũng thấy rằng Ngài tỏ ra rất tự do thậm chí với cả gia tộc. Mẹ và anh em của Ngài đích thực phải là những người lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Bởi đó Ngài cũng mời gọi các môn đệ của Ngài phải tự do với gia đình của họ (xc. Lc 14,26-28). Điều này không có nghĩa rằng Ngài không có thảo hiếu, nhưng Ngài đã nâng mối tương quan gia tộc lên một tầm mức mới – tầm mức là anh chị em, mẹ con với nhau trong Thiên Chúa. Tiếp đến ta cũng thấy Đức Giêsu cũng vượt qua những thành kiến của xã hội, vượt qua lề luật đè nén con người khi Ngài kết bạn, giao du với những người tội lỗi, khó nghèo, và khi Ngài thênh thang hành động bỏ qua những điều luật cứng nhắc (xc. Mc 2,27; Ga 9,14). Chính thái độ vượt qua lề luật của Đức Giêsu đã mang lại một ý nghĩa đúng đắn cho lề luật, bởi lề luật là gì nếu không đặt nền tảng ở việc mến Chúa, yêu người (xc. Mt 7,12; 22,37-40; Mc 12,28-34).

Ở chiều kích tự do nơi Đức Kitô ta cũng đọc thấy vươn ra khỏi quyền căn bản của bản thân, Ngài đã dùng tự do của mình để giải phóng cho người khác. Những phép lạ Ngài làm đã đưa biết bao người thoát khỏi tình trạng khốn khó của bệnh tật, tội lỗi và áp lực xã hội. Vì tự do khỏi lề luật nên Ngài cũng được tự do đem lại hy vọng cho người tội lỗi. Đối với những người ấy, Đức Giêsu đã tuyên bố ơn tha thứ. Đối với người bất toại, khi anh đặt niềm tin vào nơi Ngài, Ngài tuyên bố rằng mọi tội anh phạm đều được tha. Và với người phụ nữ tại nhà ông Simon, dẫu tội của chị nhiều, chị được tha nhiều bởi chị yêu mến nhiều (xc. Lc 7,47). Đi xa hơn nữa, ta thấy nơi Giêsu, Ngài sống cách thênh thang, lối thênh thang của con người tự do thật sự. Chính sự thênh thang ấy đã khiến Ngài đón nhận cái chết khi thực thi sứ vụ không phải một cách miễn cưỡng, ép buộc mà là sự tự nguyện. Ta không thể quên được câu nói thời danh của Ngài: “Mạng sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hi sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hi sinh, có quyền hi sinh mạng sống ấy” (Ga 10,18).

Tóm lại, nơi Đức Kitô ta nhận thấy quyền lực, tiền tài, danh vọng không thể cám dỗ Ngài, không khiến Ngài bị lệ thuộc. Ngài sống cuộc đời dương thế một cách thênh thang, không bám chấp vào bất cứ một sự ràng buộc nào. Nơi Ngài ta cảm nghiệm thấy sự trân trọng của Thiên Chúa đối với tự do của con người. Chính Thiên Chúa khi mặc lấy xác phàm cũng đã thể hiện sự tự do hào hùng ấy. Và cũng nơi Ngài, ta cũng thấy quan niệm của Kitô giáo về tự do. Tự do theo Kitô giáo phải là tự do để vươn đến những gì thiện hảo, vươn đến Thiên Chúa. Để đạt được nó cần có thái độ dấn thân, phục vụ như Đức Giêsu phục vụ. Vì thế, những người bước theo Đức Giêsu cũng cần trở nên giống như Ngài, luôn tự do khỏi và biết chối từ những cám dỗ quyền bính của Satan (xc. Lc 4, 5t), như Ngài, không quỳ gối trước ngẫu tượng. Bởi chọn lựa ngẫu tượng là chọn lựa thờ mamon (tiền bạc), sức mạnh, giàu sang, dễ dãi, kiêu căng, tự phụ, khẳng định mình có quyền lực xuất chúng. Tất cả những điều ấy Đức Giêsu đã không chọn. Ngài chọn phục vụ, Ngài chọn những cá nhân cụ thể đang bị bỏ rơi, đang vướng trong tội lỗi, bệnh tật (xc. Mt 20,24-28; Pl 2,6-11).

Như vậy, noi theo Đức Kitô và những mạc khải của Ngài, truyền thống Kitô giáo luôn đề cao tự do nơi mỗi con người, xem đây là một ân huệ mà Thiên Chúa ban cho loài người để con người sống liên đới và trách nhiệm với nhau cũng như là công cụ để vươn đến Thiên Chúa. Nhưng quan điểm của Kitô giáo không dừng lại ở việc tự do khỏi bị ràng buộc, nhưng thứ tự do đích thực phải là tự do để dấn thân, hiến thân phục vụ, hoạ theo mẫu gương của Thầy Giêsu.

5. Sáng lên niềm hy vọng

Điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy rằng, tất cả những yếu tố của tự do trong đời sống tâm linh phải được đặt nền trên đức cậy (hay còn gọi là hy vọng). Nếu không có đức cậy thì hẳn những hành vi của tự do trong đời sống tâm linh như lo âu, dám liều, đọc ra ý nghĩa của hoàn cảnh, sử tính hẳn không có gì vững chãi, không có gì bảo đảm cho ta thực thi sự tự do của mình. Nhưng chính nhờ sự cậy trông, niềm hy vọng làm nền tảng mà ta mới dám gieo mình vào một cuộc chơi tự do với Thiên Chúa.

Niềm hy vọng là một món quà quý giá mà Thiên Chúa ân ban cho con người. “Niềm hy vọng đáp lại khát vọng hạnh phúc mà Thiên Chúa đặt để nơi mỗi người. Nó bảo vệ chúng ta khỏi tuyệt vọng, nâng đỡ chúng ta trong mọi cơn chán nản, chướng ngại”[17]. Vì thế đứng trước những thách đố, con người thường không chịu thúc thủ, buông xuôi. Trái lại, vì trông chờ vào một ngày mai tươi sáng, họ luôn tìm tòi, mạo hiểm khám phá những chân trời mới. Đối diện với những khó khăn, hoàn cảnh khắc nghiệt, dẫu rằng có tự do chọn lựa đấy, người Kitô hữu khó có thể khám phá khuôn mặt của Đức Kitô, làm chứng cho Đức Kitô nếu không đặt nền trên hy vọng. Nhìn vào những thách đố phía trước, Giáo hội cũng khó có thể bước đi tiếp nếu không có hy vọng nâng đỡ bước chân. Và cuộc đời nào có nghĩa gì nếu ta không nhìn thấy ở bên dưới là sự hiện diện của đức cậy.

Chính nơi hy vọng, mọi người có thể nhận thấy Chúa Giêsu đang đợi để liên kết mình lại với Chúa và nâng đỡ con người vượt qua những khó khăn, thách đố của cuộc sống. Sống với hy vọng là chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đang đồng hành và dẫn dắt đời mình. Sống với hy vọng là mỗi người nhận ra được Chúa Giêsu đang chào đón mình ở cuối đường lịch sử của cuộc đời. Con đường lịch sử của mỗi người dẫu bê tha, tội lỗi, khốn nạn nhưng vẫn hy vọng Chúa luôn yêu thương, tha thứ và không bỏ rơi. Cuối cùng, sống với hy vọng là không được tuyệt vọng, nản chí hay tự phụ, bởi chính những điều đó đi ngược lại và chối từ hy vọng. Có được niềm hy vọng như thế trong những hành vi tự quyết của mình trên hành trình tâm linh, dường như là con người khởi bước đăng trình trên nẻo đường tự do. Thế nhưng điều đó cũng chưa đủ, chúng cần có đức ái như sợi chỉ dẫn đường. Có thế họ mới theo sát Chúa mà vẫn thể hiện sự tự do của mình.

6. Sợi chỉ đức ái

Xuyên suốt những suy nghĩ và hành xử của con người trong đời sống thường nhật nói chung và trên bước đường tâm linh nói riêng, người Kitô hữu cần nhận ra Đức Ái như là sợi chỉ đỏ hướng dẫn mình. Bởi tất cả những lợi ích của tự do nơi con người sẽ trở nên vô ích, chẳng chút ý nghĩa nào nếu mỗi người không thấy Đức Ái như sợi chỉ đỏ dẫn đường. Dù có viện đủ mọi lý lẽ, ý muốn ngay lành trong cách ứng xử tự do mà không có Đức Ái thì cũng chẳng ích gì (Xc. Ga 13,3). Thánh Phaolô đã xác quyết điều này khi nói rằng: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được kêu gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13).

Như vậy khi người Kitô hữu tự do giữ luật không phải vì luật nhưng là vì giữ luật trong thái độ tự do của người con cái Chúa, theo sự hướng dẫn của Thần Khí, và hơn nữa là giữ luật trong mối tương quan với người khác – những người con khác của Chúa. Vì thế người biết đặt sự tự do của mình trong vòng tay của Đức Ái sẽ tránh được thái độ phóng túng, “duy ngã độc tôn”. Từ đây sự tự do của họ sẽ được dưỡng nuôi và phát triển trong sự liên luỵ với người khác. Thứ tự do ấy càng đáng quý vì chúng chứng tỏ cho thấy một trong những bản chất của đời sống con người là sống với người khác.

Thế nhưng mối liên hệ giữa tự do và bác ái đối với người khác không phải là điều dễ dàng thực hiện. Chúng cần con người thực hiện một “bước nhảy” trong việc thể hiện sự tự do của mình. Bước nhảy ấy cần một sự vượt qua ngay chính khả năng tự do của mình. Bởi nếu không ta chỉ cảm nhận thấy bác ái chỉ là một sự ràng buộc, trì kéo con người. Do vậy, theo chúng tôi để thực hiện bước nhảy này chỉ riêng sức con người thì chưa đủ, nhưng còn cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc vào lề luật nữa” (Gl 5,18). Chính khi con người để Thần Khí hướng dẫn, chính khi con người hy vọng vào sự hướng dẫn đó, và chính khi con người yêu mến sự hướng dẫn khôn ngoan này, con người mới có thể đạt tới sự tự do hoàn hảo, sự tự do hào hùng của con cái Chúa.

7. Sự tự do hào hùng

Bằng cuộc tử nạn và phục sinh, Đức Kitô đã chuộc lại thân phận tôi đòi của con người trước tội lỗi và lề luật. Thánh Phaolô đã nhấn mạnh điều này trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào lề luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng” (6,14t). Kể từ đây con người có thể sống hiên ngang giữa trời đất mà không còn phải sợ hãi trước những gì làm họ phải sợ sệt, dúm dó. Bởi “chính để chúng ta được tự do mà Đức Giêsu giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Do đó sống trong mối tương quan với Thiên Chúa, con người cũng không phải uý kỵ điều gì ngoại trừ việc vâng phục Thiên Chúa. Nhưng cách vâng phục đó cũng không phải là cung cách của nô lệ, nhưng như một người con với cha của mình. “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của con mình đến ngự trong lòng anh em và kêu lên: Áp-ba, Cha ơi! Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 6,7).

Như vậy, nhờ sự vượt qua của Đức Kitô, người tín hữu không phải lo lắng về khuôn khổ của những luật lệ sao cho được trọn lành. Họ không phải áy náy thiệt hơn về ân phúc, công nghiệp trước mặt Chúa. Bởi những công phúc ấy liệu có bù đắp hay so sánh với những gì ta được lãnh nhận. Vấn đề còn lại là họ dám tin rằng chỉ mình Đức Kitô là ơn cứu độ duy nhất của họ không; Họ dám tin là Đức Kitô yêu thương họ không; Và họ dám tin rằng Thiên Chúa mong muốn cho họ được tự do, trở nên người đồng thừa tự cùng với Đức Kitô không. Đây mới là những chiều kích chính mà người Kitô hữu cần hướng tới. Vì khi tin như vậy, cuộc sống của họ mới trở nên thênh thang, họ giữ luật không phải vì sợ hãi mà vì bởi lòng yêu mến khởi đi từ trái tim cảm nhận được tình yêu của họ. Lúc đó những hành vi tu đức mới trở nên tự nhiên như việc hít thở vậy.

Kết luận

Đức tin Kitô giáo không làm thui chột quyền tự do của con người. Trái lại người có niềm tin Kitô giáo, bước đi trong ánh sáng của ân sủng lại càng trở nên một người có tự do tròn đầy hơn cả. Thứ tự do để quyết định mưu cầu lợi ích cho bản thân và người khác. Hơn nữa, đức tin là một hành trình tìm kiếm không ngừng để sống trọn vẹn ý nghĩa sự tự do của con cái Chúa.


_______________________

[1] Karl Rahner, ed., Encyclopedia of Catholic Doctrine (England: Burns & Oates, 1993), mục từ “Freedom”, tr. 540.

[2] Ibid., tr. 540.

[3] Nguyễn Như Ý, chủ biên, Đại từ điển Tiếng Việt (Hà Nội: Nxb Văn Hoá-Thông Tin, 1999).

[4] Peter A. Angeles, The Harper Collins Dictionary of Philosophy, (New York: Harper Perennial, Second Edition, 1992), mục từ “Freedom”, tr. 114.

[5] Nguyễn Thái Hợp, Đạo đức học (Gò Vấp: Trung tâm Học vấn Đaminh, 2006), tr. 217-218.

[6] Thông điệp Ánh Rạng Ngời Của Chân Lý (Splendor Veritatis), s. 42.

[7] Tổng Luận Thần Học, I-II, q. 91, a.2.

[8] Nguyễn Thái Hợp, ibid., tr. 74.

[9] Hành vi nhân sinh được định nghĩa: là những hành vi tự phát, thuộc thế giới sinh lý và không có sự can thiệp của lý trí, ý chí và tự do. (Xc. Ibid., tr. 73.)

[10] Xc. Ibid., tr. 76-77.

[11] Xc. Điển ngữ thần học Thánh Kinh, Phân khoa Thần học – Giáo hoàng học viện thánh Piô X biên dịch (Sài Gòn, 1975), Tập 3, mục từ “Sáng tạo”, tr. 378.

[12] Thông điệp Splendor Veritatis. s. 12.

[13] Ibid., s. 35.

[14] Hiến chế mục vụ Vui mừng và Hy vọng, s. 17.

[15] F. Doxtoevxki, Anh em nhà Karamazov, bản dịch của Phạm Mạnh Hùng (Hà Nội: Nxb Văn Học, 2000), tr. 359.

[16] Christian Duquoc, Giê-su con người tự do, bản dịch Việt ngữ, tr. 22.

[17] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1818.