Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

TOÀN CẦU HÓA

Thời sự Thần học - Số 46, Tháng 12 Năm 2006, tr. 5-79. 

_Trần Vịnh 👦 


Kể từ ngày “Chiến tranh lạnh” kết thúc, đặc biệt là sự sụp đổ của hệ thống tập thể tại Liên xô và các nước Đông Âu, nhân loại đã đi vào một giai đoạn mới. Thế giới không còn ở thế đối đầu giữa hai cực, hai hệ thống từ kinh tế, chính trị, quân sự, đến các mặt khác của đời sống xã hội nữa, nhưng đang tiến đến một ngôi làng chung, các đường biên giới quốc gia trở nên mờ nhạt và nảy sinh nhu cầu phải có một sự quản lý chung trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật và công nghệ thông tin, nhất là xa lộ thông tin Internet đã hỗ trợ và cho phép khắc phục khoảng cách thời gian và không gian toàn cầu, làm cho nó không còn ý nghĩa về mặt địa lý, đưa tất cả các quốc gia, các dân tộc “sát lại bên nhau” cùng tiến bước trên con đường phát triển phồn thịnh.

Trong bối cảnh đó, các mối quan hệ kinh tế như thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, các vấn đề về môi trường và xã hội như nghèo đói, bệnh tật, ô nhiễm môi trường và các vấn đề chính trị – an ninh như xung đột xã hội, khủng bố, rửa tiền, ma túy, nhân quyền, dân chủ, an ninh quốc gia v.v… giờ đây đòi hỏi có sự phối hợp hành động của tất cả các nước. Từ đầu những năm 90 trở lại đây, vấn đề này được gọi với cái tên mới là Toàn cầu hoá.Khái niệm “Toàn cầu hoá” đã trở thành kiểu nói ngắn gọn để miêu tả trật tự thế giới xuất hiện từ khi đường lối chính trị của thời Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1989, và những tương quan mới trong thế giới từng bước xuất hiện. Nhưng bản chất của nó được cấu tạo do tương quan giao thoa giữa bốn đặc điểm của thế giới hôm nay[1]: những tiến bộ trong lãnh vực công nghệ thông tin; sự bá chủ của chủ nghĩa tư bản tân tự do; việc tìm kiếm để xác định căn tính của một trật tự chính trị mới, dù rằng cho đến nay vẫn chưa thể định hình; những biến đổi quan trọng về xã hội và văn hoá, song song với những biến đổi sâu rộng trong lãnh vực truyền thông, kinh tế và chính trị. Mặc dầu bốn đặc tính này cho thấy một thế giới được liên kết với nhau hơn và phụ thuộc vào nhau hơn, nhưng thực tế chúng cũng đang đào sâu và mở rộng hố chia cắt giữa những người được bao gồm trong trật tự thế giới mới này với những người bị gạt ra bên ngoài thế giới mới đó. Phần lớn cư dân trên thế giới ở vào phía những người bị gạt ra ngoài.

Đứng trước một toàn cầu hoá như vậy, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắn nhủ: “Người Kitô hữu không thể hạn hẹp mình trong việc xem xét các tiến trình lịch sử xem nó xảy ra như thế nào với một thái độ thụ động, trong não trạng là việc can thiệp vào các tiến trình ấy là vượt quá khả năng của mình”[2]. Qủa thật, hôm nay cũng như hôm qua, thế giới này luôn luôn cần phải được kiến tạo. Đó là trọng trách của tất cả mọi người và như thế cũng là trọng trách của chúng ta. Điều này cũng được Công đồng Vatican II cũng nhắc nhở, “nỗi vui mừng và niềm hy vọng, buồn khổ và âu lo của con người hôm nay, đặc biệt của những người nghèo và tất cả những ai đau khổ, phải là vui mừng và hy vọng, buồn khổ và âu lo của người môn đệ Đức Kitô”[3].

Việc phân tích và định hướng xây dựng toàn cầu hoá theo giáo huấn xã hội của Giáo hội là một trách nhiệm mang một ý nghĩa hết sức quan trọng.

Là trách nhiệm, vì rõ ràng bất cứ những gì đụng chạm tới phẩm giá con người và dân tộc, chẳng hạn như việc phát triển đích thực, đều không thể thu gọn vào một vấn đề “kỹ thuật”, và như thế nó thuộc lãnh vực của Giáo hội. Do đó, với những gì toàn cầu hoá đang thể hiện, Giáo hội hôm nay cũng như cách đây 20 năm và trong tương lai, vẫn buộc phải lên tiếng về bản chất, về các điều kiện, các đòi hỏi và các mục tiêu của việc phát triển đích thực, cũng như những gì ngăn trở việc phát triển đó. Hơn nữa, việc thực thi thừa tác vụ Phúc âm hoá trong lãnh vực xã hội thuộc về chức năng ngôn sứ của Giáo hội. Sứ mạng này cũng bao gồm việc tố cáo các tội ác và các bất công.

Mang ý nghĩa quan trọng vì khi thực hiện điều đó, Giáo hội đã hoàn tất sứ mạng Phúc âm hoá của mình, bởi vì Giáo hội đã đi bước đầu trong việc đóng góp vào công cuộc giải quyết vấn đề cấp bách của việc phát triển khi công bố sự thật về Chúa Kitô, về chính Giáo hội và về con người, bằng cách áp dụng sự thật đó vào một hoàn cảnh cụ thể. Thực hiện điều đó, Giáo hội đã phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa, nhằm làm cho mọi sự quy về sự viên mãn ở nơi Đức Kitô (Cl 1, 19) mà chính Người đã thông ban cho Thân mình Người; đàng khác, Giáo hội đã đáp trả ơn gọi nền tảng của mình là “bí tích”, nghĩa là “dấu chỉ” và “phương tiện” cho sự kết hợp mật thiết của loài người với Thiên Chúa và sự hợp nhất của toàn thể nhân loại.

Hơn nữa, đây không phải là việc xây dựng một ý thức hệ, nhưng là trình bày một cách khách quan những kết qủa của sự suy tư về những thực tại phức tạp của cuộc sống con người trong xã hội và trong bối cảnh toàn cầu hoá, dưới ánh sáng đức tin và truyền thống Giáo hội, vì thế nó nằm trong lãnh vực thần học, đặc biệt là thần học luân lý.

Tuy nhiên, đây là một công việc hết sức khó khăn và vô cùng mênh mông như chính tên gọi “toàn cầu hoá” của nó vậy. Vì thế, chúng tôi không có tham vọng đi sâu vào từng vấn đề của toàn cầu hoá cũng như giải quyết một cách rốt ráo tất cả những vấn nạn mà nó đặt ra. Trong giới hạn của một bài luận văn, chúng tôi chỉ tập trung vào phân tích những mặt tích cực và tiêu cực của toàn cầu hoá để thấy được đâu là những thách đố mà toàn cầu hoá đang đặt ra cho nhân loại ngày hôm nay. Trên cơ sở đó, dựa vào Giáo huấn xã hội của Giáo hội, chúng tôi đi vào định hướng xây dựng toàn cầu hoá như là một giải pháp chọn lựa cho lối ra của vấn đề với mục đích là xây dựng một nền toàn cầu hoá vì sự phát triển và hạnh phúc của toàn thể nhân loại như lòng Chúa mong muốn. Cuối cùng, vai trò thánh hoá trần thế của Giáo hội buộc chúng tôi phải đề cập đến trách nhiệm của Giáo hội trước sự kiện nổi bật này.

Để thực hiện công việc này một cách có hệ thống, chúng tôi chia luận văn này thành bốn chương:
  • Chương I. Tổng quan về toàn cầu hoá.
  • Chương II. Những mặt tích cực và tiêu cực của toàn cầu hoá.
  • Chương III. Định hướng xây dựng toàn cầu hoá theo Giáo huấn xã hội của Giáo hội.
  • Chương IV. Sứ mệnh của Giáo hội trước những thách đố của toàn cầu hoá.
* * *

CHƯƠNG I. TỔNG QUAN VỀ TOÀN CẦU HÓA

1. Sơ lược về lịch sử của Toàn cầu hóa


Trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX, người ta nhắc nhiều đến thuật ngữ “Toàn cầu hoá”, thậm chí nó trở thành một phần ngữ vựng hiện đại của chúng ta. Thật ra, từ ngữ “Toàn cầu hóa” được nhắc đến lần đầu tiên vào thập niên 80. Tuy nhiên, nguồn gốc của toàn cầu hóa đã bắt đầu manh nha từ rất sớm trong lịch sử của thế giới.

Trong lịch sử thế giới, từ thời nguyên thủy, loài người đã có quan hệ, trao đổi hàng hoá với nhau. Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, các mối quan hệ này càng trở nên nảy nở. Từ đó hình thành nên các quốc gia, các mối quan hệ quốc tế và quá trình quốc tế hóa được bắt đầu. Quá trình này được đẩy mạnh với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản từ thế kỷ XVI. Những phát hiện về địa lý, những cuộc chiến tranh thuộc địa, sự phát triển của nền công nghiệp sản xuất bằng máy móc, đặc biệt là sự ra đời và hoạt động của các công ty Đông Ấn của các nước phương Tây trong thế kỷ XVII – XVIII[4] là những điều kiện quan trọng xói mòn tính các cứ, biệt lập và khép kín trong phạm vi quốc gia. Nó là cơ sở để xây dựng một thị trường thế giới chung, một thị trường mà ở đó, trạng thái tự cung tự cấp của mỗi nước được thay thế bằng sự tác động và phụ thuộc lẫn nhau, đồng thời đặt nền móng cho sự hình thành những giá trị chuẩn mực (quan hệ, ứng xử…) mang tính phổ quát chung cho nhân loại.

Từ thế kỷ XIX, đặc biệt từ nửa sau thế kỷ XIX, tiến trình quốc tế hóa được tăng tốc bởi sự thành công của cách mạng công nghiệp ở nước Anh và nhiều nước tư bản ở Tây Âu, bởi sự bùng nổ của “cuộc cách mạng giao thông vận tải” (đầu tàu hơi nước ra đời và kênh đào Suez được khai thông). Các nước tư bản phát triển ở châu Âu trở thành nơi thu hút nguyên liệu thô và trung tâm sản xuất hàng công nghiệp cho cả thế giới. Kết qủa này đã làm cho dòng chảy thương mại và các luồng đầu tư phát triển khắp các châu lục, từ châu Âu đến vùng xa xôi của Viễn Đông, từ châu Mỹ đến tận Nam Phi. Như vậy, quốc tế hoá đã có những bước tiến dài vào nửa sau thế kỷ XIX.

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản bắt đầu chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền. Các nước đế quốc như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha trong thế kỷ XVII – XIX đóng vai trò chủ thể trong hệ thống phân công lao động, sản xuất của thế giới và đã thu được nhiều lợi nhuận to lớn từ hệ thống thuộc địa của mình. Các nước đế quốc mới trỗi dậy từ cuối thế kỷ XIX, như Mỹ, Đức, Nhật, Ý, muốn phân chia lại thế giới. Kết qủa là đưa đến bùng nổ hai cuộc chiến tranh thế giới (1914 – 1918) và (1939 – 1945). Giữa hai cuộc chiến tranh này là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933), làm cho tiến trình quốc tế hoá kinh tế suy giảm.

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tiến trình hội nhập kinh tế thế giới được tăng lên mạnh bởi sự tác động của các quy tắc hay thể chế quốc tế mới như Ngân Hàng Thế Giới (WB)[5], Qũy Tiền Tệ Quốc Tế (IMF)[6], Thoả Thuận Chung Về Thuế Quan Và Mậu Dịch (GATT)[7] v.v… Việc xây dựng một hệ thống thương mại quốc tế dựa trên quy tắc, việc hội nhập các thị trường tài chính và phát triển của các thể chế mới được xúc tiến mạnh từ những năm 70 –80 của thế kỷ XX đã bước đầu tạo ra một hệ thống kinh tế quốc tế khác rất nhiều với hệ thống vốn có trước chiến tranh thế giới lần thứ II.

Sự gia tăng nhanh chóng của các luồng thương mại, luân chuyển vốn và đặc biệt là bùng nổ của công nghệ thông tin (trong đó có sự ra đời của Internet) cùng với sự lan toả của xu hướng dân chủ hoá đời sống chính trị – xã hội ở cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã tạo ra làn sóng mới của quốc tế hoá. Sự biến đổi này đưa đến sự chấm dứt chiến tranh lạnh, mở ra sự hợp tác và hội nhập trên quy mô toàn cầu. Các mối quan hệ kinh tế như thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, các vấn đề về môi trường và xã hội như nghèo đói, bệnh tật, ô nhiễm môi trường và các vấn đề chính trị – an ninh như xung đột xã hội, khủng bố, rửa tiền, ma túy, nhân quyền, dân chủ, an ninh quốc gia v.v… giờ đây đòi hỏi có sự phối hợp hành động của tất cả các nước. Sự hợp tác này được trợ giúp bởi công nghệ hiện đại và kết qủa là làm cho tiến trình quốc tế hoá được đẩy nhanh và cao hơn. Chính vì vậy, từ đầu những năm 90 trở lại đây, qúa trình này được gọi với cái tên mới là Toàn cầu hoá.

2. Khái niệm về Toàn cầu hoá


Thuật ngữ Toàn cầu hoá được sử dụng khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong các cuộc hội thảo khoa học. Hiện tại có rất nhiều định nghĩa về nó và được diễn giải trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Các nhà báo, nhà chính trị sử dụng thuật ngữ này không chỉ để nói về các vấn đề kinh tế, mà còn để nói về hệ qủa của hội nhập kinh tế đến nhiều lĩnh vực khác nhau như nhân quyền, môi trường sinh thái, bản sắc văn hoá dân tộc và chủ quyền an ninh quốc gia v.v… Thêm vào đó, một số người khi phân tích định nghĩa về toàn cầu hóa chỉ nghiêng về mặt tích cực của quá trình này; ngược lại, một bộ phận khác lại nhấn mạnh đến mặt trái của nó… Để hiểu một cách có thứ tự khái niệm này, chúng ta lần lượt xem xét nó dưới các góc độ khác nhau.

2.1. Dưới góc độ kinh tế


Các nhà kinh tế học thường giới hạn khái niệm này trong các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Theo họ, toàn cầu hoá là sự phát triển của một thị trường toàn cầu hợp nhất, hoặc là các điều kiện để dẫn thế giới tới thị trường toàn cầu hợp nhất[8]. Toàn cầu hoá về kinh tế như hiện nay không chỉ là sự tiếp nối tiến trình quốc tế hoá trước kia mà còn là kết qủa của sự tăng nhanh và lớn biên độ hoạt động của bốn yếu tố cơ bản: Thương mại, tài chính, công nghệ và công ty xuyên quốc gia, trong đó công nghệ tin học với phương tiện truyền tin mới Internet đóng vai trò đòn bẩy. Sự di chuyển liên biên giới của bốn yếu tố này tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp giữa các nhà doanh nghiệp và mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng sâu sắc hơn. Quá trình này làm xuất hiện quan hệ tương thuộc, hợp tác giữa các nước. Không còn tình trạng nước nhỏ, kém phát triển phụ thuộc một chiều, tuyệt đối vào nước lớn, mà ngược lại các nước lớn phát triển cũng phải phụ thuộc vào các nước có nền kinh tế thấp hơn. Sự phụ thuộc này thể hiện ở sản xuất nguyên liệu, thị trường đầu tư tài chính, thị trường bán sản phẩm, thị trường lao động v.v…

Với nội dung cơ bản như trên, đại đa số các nhà kinh tế học đều cho rằng toàn cầu hoá là hiện tượng liên kết kinh tế, là sự thiết lập mối quan hệ quốc tế và đồng thời là qúa trình thay đổi đi đến nhất thể hoá nền kinh tế thế giới. Để giải thích hiện tượng này, các nhà kinh tế học thường đi theo hai hướng: Hướng thứ nhất giải thích toàn cầu hoá là một động thái nhằm xóa bỏ sự phân chia nhỏ thị trường, hướng tới một thị trường hợp nhất toàn cầu; Hướng thứ hai trực tiếp đề cập đến sự phát triển của toàn cầu hoá, sự lan truyền của chủ nghĩa tự do hoá kinh tế và tính mở cửa của các hoạt động kinh tế quốc tế. Tính mở cửa nền kinh tế được hiểu là xuất khẩu của một nước ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn trong GNP[9], đồng thời cả nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng đều tăng cường tìm kiếm từ tất cả các nguồn (trong nước cũng như nhập khẩu) khi quyết định sẽ mua sản phẩm và dịch vụ mà họ cần. Tự do hoá kinh tế có nghĩa là các cá nhân, các công ty và các chính phủ ngày càng sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế thế giới; Điều này đồng nghĩa với việc giảm các rào cản đối với các hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Rõ ràng các hướng giải thích về toàn cầu hoá dường như là không trùng lặp nhau nhưng nội dung cơ bản của nó là tương đối đồng nhất: đó là hướng thiết lập một thị trường toàn cầu hợp nhất. Bởi vậy, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một định nghĩa kinh điển như sau: “Toàn cầu hoá là một quá trình mà thông qua đó thị trường và sản xuất ở nhiều nước khác nhau đang ngày càng phụ thuộc do có sự năng động của hàng hoá và dịch vụ cũng như do có sự lưu thông của tư bản. Đây không phải là hiện tượng mới, mà là sự tiếp tục của một tiến trình đã được khai mào từ khá lâu”[10].

Khi đưa ra định nghĩa này, các tác giả của nó đều lưu ý rằng, toàn cầu hoá nói chung, trên góc độ kinh tế nói riêng là một quá trình lâu dài, phức tạp mà chúng ta đang ở giai đoạn ban đầu. Bởi vậy, chính phủ các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển – những nước được lợi nhiều nhất, nhưng cũng chịu nhiều rủi ro nhất từ quá trình này – phải có những chính sách đúng đắn, kịp thời, tạo điều kiện cho sự phát triển một cách hài hoà cho mỗi quốc gia nói riêng và toàn thế giới nói chung.

2.2. Dưới góc độ chính trị


Toàn cầu hoá không chỉ đơn thuần là một phạm trù kinh tế. Tiến trình hướng tới một thị trường hợp nhất toàn cầu sẽ làm thay đổi kiến trúc thượng tầng. Bản sắc văn hoá dân tộc, chủ quyền an ninh quốc gia, tâm lý xã hội và lối sống nói chung cũng biến đổi dưới tác động của toàn cầu hoá kinh tế. Trên thực tế hiện nay, toàn cầu hoá trở thành “sinh mệnh chung” rộng rãi chưa từng có trong lịch sử. Các quốc gia, dân tộc, các thể chế, chế độ chính trị khác nhau vừa là chủ thể trực tiếp tham gia hoặc lôi cuốn vào toàn cầu hoá, vừa gặt hái được nhiều thành qủa của quá trình, lại vừa bị tác động bởi mặt trái của nó. Rõ ràng, trên nhãn quan chính trị, toàn cầu hoá còn phức tạp hơn nhiều, và đây là một quá trình chứa đựng đầy mâu thuẫn, giữa một bên là quyền lực và lợi ích của các nước lớn, có tiềm lực và một bên là quyền lợi và chủ quyền quốc gia của các dân tộc yếu và nhỏ hơn, mâu thuẫn giữa tăng trưởng của cải với phân phối không công bằng dẫn tới phân cực giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các quốc gia và trong mỗi nước, mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế với duy trì bản sắc văn hoá và cũng do mặt trái của toàn cầu hoá gây ra v.v… Những mâu thuẫn trên xét cho cùng bắt nguồn từ mâu thuẫn cơ bản nhất, bao trùm nhất, sâu xa nhất là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đã được xã hội hoá đến cao độ vượt ra khỏi biên giới quốc gia với chế độ chiếm hữu tư bản từ trong mỗi nước, mỗi vùng.

2.3. Dưới góc độ xã hội


Toàn cầu hoá thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hoá và quốc tế hoá lực lượng sản xuất, tạo ra sự cạnh tranh và nâng cao năng xuất lao động. Nếu như nửa đầu thế kỷ XX, GDP[11] của thế giới tăng lên 2,7 lần thì nửa sau tăng lên 5,2 lần. Nếu giữa những năm 50, GDP của toàn thế giới chỉ đạt khoảng 3000 tỷ USD, thì đến cuối thế kỷ XX con số đó đạt tới 30.000 tỷ USD (tăng gấp 10 lần)[12]. Toàn cầu hoá đã thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giúp các nuớc gần gũi, tăng cường hợp tác. Các nước nghèo đi sau có thể rút ngắn thời gian phát triển thông qua tiếp nhận kinh nghiệm và vốn hỗ trợ từ các nước đi trước. Toàn cầu hoá mang lại cho những ai nắm rõ và biết vận dụng nó.

Thế nhưng toàn cầu hoá cũng có thể tạo thêm bất bình đẳng xã hội, đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo, trình độ phát triển giữa các khu vực, các quốc gia và trong nội bộ từng nước. Nếu như mức chênh lệch về thu nhập giữa các nước giàu và nước nghèo năm 1820 với tỷ lệ 3/1 thì đến năm 1950 tăng lên 35/1, rồi 41/1 vào năm 1973, đạt tới 72/1 vào năm 1992 và đến năm 1999 con số này là 74/1. Năm 1985 thu nhập bình quân đầu người ở các nước giàu gấp 76 lần các nước nghèo, nhưng đến năm 1997 tỷ lệ này đã tăng vọt tới 288 lần. Năm 1979, thu nhập bình quân của 5% số gia đình giàu nhất ở Mỹ nhiều gấp 10 lần so với 20% số gia đình nghèo nhất của nước này. Sau 10 năm (1989), tỷ lệ này tăng tới 16 lần và đến năm 1999 là 19 lần. Của cải tập trung trong tay một số ít người, có 1% số người giàu nhất nắm tới 40% của cải của cả nước Mỹ. Sự bất bình đẳng về thu nhập kéo theo hàng loạt các hiện tượng tiêu cực xã hội và làm cho đời sống con người trở nên kém an toàn với những xung đột sắc tộc, tôn giáo, ô nhiễm môi trường v.v…

Ngoài ba nội dung chính ở trên, toàn cầu hoá còn được thể hiện trên các mặt khác nhau như văn hoá, giáo dục, tâm lý và các tổ chức khu vực…

2.4. Khái quát chung


Từ những phân tích trên, có thể đưa ra nhận xét rằng, toàn cầu hoá là một quá trình thiết lập và thay đổi các mối quan hệ quốc tế, một phạm trù đa diện bao trùm tất cả các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Có hai định nghĩa dưới đây là phản ánh một cách tương đối đầy đủ về nội dung cũng như bản chất của toàn cầu hoá: Một là nêu lên một cách khái quát nội dung cốt lõi của toàn cầu hoá: “Toàn cầu hoá là sự hội nhập của các quốc gia thành một thể thống nhất thông qua các dòng chảy thương mại, tiền vốn, tri thức và những tiến bộ của công nghệ thông tin”[13], và hai là định nghĩa của Mikhain Simai mang tính tổng hợp đa diện hơn: “Toàn cầu hoá là sự tổng hợp các quá trình và hiện tượng như luân chuyển hàng hoá, dịch vụ, tư bản, công nghệ thông tin qua biên giới, di chuyển người giữa các nước, hướng ưu thế trên thị trường thương mại và đầu tư quốc tế, sự liên kết thị trường về lãnh thổ và chế độ, đồng thời là sự xuất hiện những vấn đề mang tính toàn cầu như bất bình đẳng về thu nhập, tăng trưởng dân số qúa mức mà chỉ có hợp tác toàn thế giới mới giải quyết được”[14].

Mặc dù có nhiều cách lý giải khác nhau về toàn cầu hoá, nhưng mọi người khắp thế giới đều dần hiểu được nội dung và ý nghĩa cơ bản về nó. Đó là quá trình thế giới tiến đến một ngôi làng chung, mà ở đó các đường biên giới quốc gia trở nên mờ nhạt và nảy sinh nhu cầu phải có một sự quản lý chung trên phạm vi toàn cầu. Quá trình này đang nằm ở giai đoạn đầu, đang được tăng tốc, giúp sức của công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet, và các biến thể của quá trình này là hết sức phức tạp, luôn luôn có tính hai mặt, không có một quốc gia nào, khu vực nào có thể thờ ơ với nó.

3. Những yếu tố cấu trúc và thúc đẩy toàn cầu hoá


Như đã đề cập ở phần trên, sự gia tăng nhanh chóng của các luồng vốn, thương mại, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng với sự lan toả của xu hướng dân chủ hoá đời sống chính trị – xã hội ở cuối những năm 80, đầu những năm 90 đã tạo ra làn sóng mới của quốc tế hoá, mà người ta gọi với cái tên mới là Toàn cầu hoá. Trong khoảng một thập niên qua, các nhân tố trên đã gia tăng cường độ và phạm vi hoạt động của nó. Nếu như trước đây, từ những năm 80, thương mại đối lưu hai chiều cùng với hoạt động năng động của các công ty xuyên quốc gia là trụ cột chính, cấu tạo và thúc đẩy quốc tế hoá kinh tế toàn cầu phát triển, thì từ đầu thập niên 90 trở lại đây, công nghệ thông tin (đặc biệt là Internet) và sự luân chuyển vốn cùng với thị trường hoá trên quy mô toàn cầu trở yếu tố chính cấu tạo và thúc đẩy sự hội nhập quốc tế.

3.1. Công nghệ thông tin


Có thể nói rằng, công nghệ thông tin hiện nay là cốt lõi của quá trình toàn cầu hoá. Nó phản ánh giai đoạn phát triển về chất của lực lượng sản xuất, trong đó hàm lượng trí tuệ là thành phần chủ yếu trong sản phẩm. Các thiết bị mới của công nghệ thông tin như máy tính điện tử, điện thoại cầm tay, máy fax v.v… trở thành phương tiện hữu hiệu, nhanh, rẻ và chính xác nhất nối kết các cá nhân, các vùng, địa lý, lãnh thổ trên trái đất với nhau trong một thể thống nhất, làm đẩy nhanh tốc độ vận động của các quá trình kinh tế, chính trị, văn hoá toàn cầu. Với vai trò quan trọng như trên, ngày càng lộ rõ một điều là công nghệ thông tin có sức mạnh chi phối tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội; và phương tiện truyền tin mới này đang trở thành một “quyền lực mới” trong những thứ quyền lực mà loài người đã tạo dựng nên như quyền lực chính trị, quân sự, kinh tế. Ai làm chủ được “quyền lực” này, người đó sẽ chiến thắng trong cuộc tranh đua toàn cầu.

Trên lĩnh vực kinh tế, các công nghệ thông tin mới đã làm giảm nhanh chi phí giao dịch và đẩy lùi dần rào cản các nhà xuất nhập khẩu, mở rộng phạm vi hoạt động của ngân hàng, tài chính và các dịch vụ khác. Nếu như vào năm 1930, chi phí gọi điện thoại một cuộc 3 phút từ New York tới London là 300 USD, thì đến năm 1996 chỉ còn 1 USD. Đầu những năm 70, trung bình mỗi ngày lượng buôn bán tiền tệ trên phạm vi toàn thế giới chỉ đạt 20 tỷ USD thì con số đó tăng lên 1500 tỷ USD (tăng 75 lần) vào cuối những năm 90. Những đổi mới của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự ra đời của Internet đầu thập kỷ 90 đã không chỉ dừng lại ở việc giảm chi phí giao dịch, mà còn mở rộng và cung cấp những thị trường mới nhất cho cả người mua lẫn người bán. Người mua có thể lựa chọn bất kỳ sản phẩm nào với chất lượng, mẫu mã tốt nhất, giá rẻ nhất từ người bán cho dù họ xa cách nhau hàng nghìn cây số.

Trên lĩnh vực chính trị – xã hội, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình dân chủ hoá xã hội, làm cho các ý tưởng mới, giá trị mới của nhân loại được loan truyền, tiếp thu và học hỏi lẫn nhau một cách hiệu qủa nhất. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng nên một làng toàn cầu cùng tồn tại, hợp tác và phát triển.

Xu hướng tin học hoá nền kinh tế và một số mặt khác của đời sống xã hội là một yếu tố không thể thiếu, một động lực nổi trội của tiến trình toàn cầu hoá hiện nay.

3.2. Thị trường hoá và tự do hoá các lĩnh vực hoạt động trên quy mô toàn thế giới


Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung ở các nước xã hội chủ nghĩa thuộc Đông Âu và Liên Xô cũ đã làm cho sự đối lập về thể chế kinh tế trên phạm vi toàn cầu không còn nữa. Thể chế kinh tế thị trường đã thay thế thể chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Sự thay đổi này ở các nước đang có nền kinh tế như các nước Đông Âu, Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô cũ, Trung Quốc và các nước khác là một nhu cầu nội tại của sự phát triển trong nước và là xu thế chung của thời đại. Đây là kết quả tất yếu của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin. Sự tiến bộ này đã tạo ra sức cạnh tranh mới, thúc đẩy sự phân công lao động quốc tế sâu rộng hơn. Thêm vào đó, quá trình hội nhập thể chế kinh tế này là sự lựa chọn hình thức cạnh tranh, một con đường dẫn tới dân chủ hoá xã hội nhanh hơn.

Ngày nay từ Việt Nam đến Cuba, từ các nước thuộc Liên Xô cũ cho đến Trung Quốc bao la, đâu đâu cũng coi trọng đầu tư nước ngoài, mở cửa cải cách theo kinh tế thị trường. Kết qủa là thế giới không còn phân chia theo trật tự chính trị hai cực như trước đây. Quá trình này không những thúc đẩy thị trường hoá trong nước, mà còn góp phần hình thành những liên minh kinh tế, các tổ chức thương mại tự do khu vực và thế giới. Sự ra đời của các tổ chức này với các quy định ràng buộc bởi thể chế – pháp luật lại tác động trở lại, thúc đẩy toàn cầu hoá phát triển.

Cùng với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin, thị trường hoá ở các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa trước đây đã làm cho các ý tưởng, giá trị về dân chủ được truyền bá rộng rãi và nhanh hơn. Điều này làm xoá nhoà các biên giới quốc gia – dân tộc và xói mòn dần các nền văn hoá ít được ưa chuộng. Mặt khác, quá trình này làm cho mọi người có thể tham gia cùng lúc trực tiếp vào điều hành, quản lý xã hội, hoạt động kinh tế, văn hoá trên quy mô toàn cầu.

Sự tự do hoá nên kinh tế cũng là một đặc điểm nổi trội trên thế giới từ đầu những năm 90 trở lại đây. Nhằm tạo điều kiện cho thu hút đầu tư nước ngoài, tăng nhanh xuất khẩu, hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền kinh tế mới chuyển đổi ở châu Á, Đông Âu và Liên Xô cũ, các nước châu Mỹ Latinh đã tiến hành nhanh tự do hoá thị trường nội địa, từng bước xoá bỏ các rào cản thuế quan và mậu dịch. Các nước này từng bước nới lỏng hoặc xóa bỏ chế độ quản lý ngoại hối, mở cửa thị trường bảo hiểm, cho phép các hãng phát thanh và truyền hình, báo chí tư nhân phát triển v.v… Ngay cả các nước tư bản phát triển Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng cam kết mở rộng thị trường, cho phép nước ngoài vào kinh doanh các ngành mà trước đây bị hạn chế hoặc cấm đoán. Nói tóm lại, quá trình thị trường hoá và tự do hoá các hoạt động kinh tế được gia tăng mạnh trong thời gian gần đây, đã cấu tạo và thúc đẩy tiến trình toàn cầu hoá mọi mặt đời sống xã hội.

3.3. Luân chuyển vốn và mậu dịch tự do


Sự vận động của các luồng vốn quốc tế trong thị trường tài chính quốc tế là một trong những yếu tố chính cấu tạo và thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá tiến về phía trước. Trong vòng khoảng một vài thập kỷ qua, dòng luân chuyển vốn tăng ở mức độ kỷ lục. Nếu như bình quân mỗi ngày đầu những năm 70, lượng giao dịch tiền tệ trên thị trường quốc tế chỉ đạt khoảng trên dưới 20 tỷ USD, thì dòng vốn đó lên tới 60 tỷ USD vào năm 1983, rồi lên tới 590 tỷ USD năm 1985, đạt mức 1200 tỷ USD vào năm 1995 và lên tới 1500 tỷ USD vào năm 2000[15].

Sự gia tăng của dòng di chuyển vốn này làm cho hoạt động đầu tư xuyên biên giới tăng nhanh một cách chóng mặt. Nếu như năm 1971 dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)[16] toàn cầu chỉ đạt con số 11 tỷ USD, thì đến năm 1985 tăng lên 57 tỷ USD và đạt con số lịch sử là 400 tỷ USD vào năm 2000.

Sự gia tăng của các luồng luân chuyển vốn, đặc biệt là các hoạt động của FDI đã làm tăng nhanh khối lượng và giá trị của trao đổi mậu dịch quốc tế. Ở một số nước đang phát triển, đặc biệt là các nước ASEAN[17], FDI gia tăng đã làm bùng nổ ngoại thương, tăng trưởng kinh tế ngoạn mục.

Sự xuất hiện và tăng nhanh giao dịch thương mại điện tử qua biên giới cũng là một trong những yếu tố cấu tạo và thúc đẩy toàn cầu hoá phát triển. Thương mại điện tử toàn cầu đã tăng từ con số 0 năm 1996 lên khoảng 132 tỷ USD vào năm 2000[18].

3.4. Các công ty xuyên quốc gia


Trong lịch sử hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản, các công ty xuyên quốc gia luôn là chủ thể, đội quân tiên phong của quá trình quốc tế hoá trước đây và toàn cầu hoá ngày nay. Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty xuyên quốc gia từ nửa sau thế kỷ XX, đặc biệt là trong khoảng một thập kỷ qua vừa phản ánh đặc điểm của giai đoạn phát triển mới của quốc tế hoá là toàn cầu hoá, vừa là nhân tố cấu tạo và thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập của nền kinh tế thế giới.

Nếu như vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các công ty độc quyền ở các nước tư bản phương Tây đã phát triển mang tính toàn quốc, sử dụng sức mạnh của mình để chèn ép hoặc thôn tính các công ty mang tính địa phương (kể cả ở trong nước và ở xứ thuộc địa), thì vào những thập niên cuối thế kỷ XX, các công ty này mở rộng mang tính toàn cầu, dùng nó như một công cụ để bắt các nước khác nhau trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển mở cửa, cải cách theo hướng thị trường, đồng thời để kiềm chế hay loại bỏ các công ty yếu hơn mình. Các công ty này lập nên hệ thống kinh doanh mạng rộng khắp thế giới và thâu tóm hầu như phần lớn các hoạt động xuất nhập khẩu mậu dịch, chuyển giao kỹ thuật – công nghệ và hợp tác đầu tư. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc thì những năm gần đây, các công ty xuyên quốc gia kiểm soát tới 40% sản xuất, 60% mậu dịch, 70% chuyển nhượng kỹ thuật và 90% hoạt động đầu tư trực tiếp, và khoảng 80 – 90% danh mục các sản phẩm công nghệ cao của toàn thế giới.

Hoạt động buôn bán, đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực của các công ty xuyên quốc gia đã tạo ra mạng lưới liên kết các nền kinh tế quốc gia – dân tộc, các vùng miền của trái đất thành một hệ thống chung, có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Nếu như trước đây (trước những năm 70 của thế kỷ XX), các công ty xuyên quốc gia chủ yếu nối liền thế giới bằng hoạt động xuất nhập khẩu, thì từ sau đó, đặc biệt khoảng một hai thập niên trở lại đây, đầu tư trực tiếp đã trở thành yếu tố chính, làm bùng nổ thương mại thế giới, là cầu nối hữu hiệu giữa các nước giàu với các nước nghèo, giữa các công ty trong nước và công ty nước ngoài, làm tăng nhanh của cải vật chất, nâng cao mức sống và công ăn việc làm cho nhiều người, đặc biệt với các nước đang phát triển. Đồng thời, sự bành trướng của các công ty xuyên quốc gia, kể cả quy mô, nguồn vốn và phương thức hoạt động đã tạo ra một quyền lực có sức nặng, có thể chi phối chính trị thế giới, làm tổn thương quyền lợi chính đáng của các quốc gia – dân tộc, các tổ chức kinh tế nhỏ hơn v.v…

3.5. Các định chế quốc tế và khu vực


Sự ra đời của các tổ chức kinh tế quốc tế hoạt động theo định chế pháp luật như Ngân Hàng Thế Giới (WB, 1944), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF, 1945), Thoả Thuận Chung Về Thuế Quan va Mậu Dịch (GATT, 1947), Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO[19], 1994), Thị Trường Chung Của Nhóm nước Nam Mỹ (MERCOSUR[20], 1991), Liên Minh Châu Âu (EU[21], 1992), Khu Vực Mậu Dịch Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA[22], 1992), Khu Vực Mậu Dịch Tự Do ASEAN (AFTA[23], 1992) v.v… còn là một trong những yếu tố cấu tạo và thúc đẩy toàn cầu hoá. Việc ngày càng lớn mạnh của các tổ chức trên đã thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tự do hoá nền kinh tế thế giới, thông qua hàng loạt các cơ sở luật pháp và hiệp định thông thương tự do các hoạt động kinh doanh và có sức ràng buộc nhiều hơn đối với các quốc gia – dân tộc.

Các tổ chức tài chính tiền tệ lớn như WB, IMF v.v… cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy quốc tế hoá nền kinh tế thế giới. Các tổ chức này không chỉ là nhà tài trợ, nguồn cho vay ngân hàng, mà còn là các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế, điều hoà chính sách và thị trường tiền tệ trên quy mô toàn cầu. Tất cả hoạt động của các định chế tài chính này nhằm mục đích thị trường hoá và tự do hoá mọi sinh hoạt của đời sống toàn thế giới.

Các tổ chức khu vực như EU, ASEAN, NAFTA, APEC[24] v.v… là một trong những thực thể của định chế quốc tế, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hội nhập toàn cầu nói chung, kinh tế nói riêng. Các tổ chức này ra đời, tuy còn ở mức độ khác nhau, nhưng mục đích chung là biến khu vực mình thành một thị trường thống nhất. Hiện nay, EU đã trở thành một liên minh kinh tế với một thị trường chung, có ngân hàng, toà án, quốc hội và đồng tiền chung. Còn NAFTA đang ở giai đoạn là một liên minh thuế quan, một bước cao hơn Khu Vực Thương Mại Tự Do (FTA). Còn ASEAN với Khu Vực Tự Do Thương Mại (AFTA) như hiện nay đang ở giai đoạn loại bỏ dần các hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước với nhau. Các nước gia nhập vào các tổ chức trên không chỉ để hưởng những thuận lợi mà thị trường chung của khu vực đem lại, mà còn tránh những hậu qủa xấu tác động từ môi trường toàn cầu hoá, hoặc từ một nhóm nước, một tập đoàn kinh tế nào đó gây hại. Bằng cách mở rộng một cách căn bản thị trường nội địa và khuyến khích cạnh tranh, khu vực hoá là một phương cách hiệu qủa, một nỗ lực tập thể của các quốc gia cùng nhau làm thất bại hoạt động kìm hãm, hay độc đoán của các tập đoàn kinh tế. Khu vực hoá cũng tạo điều kiện cho việc cải cách luật pháp, dân chủ hoá chính trị – xã hội trong nước, tái thiết lập chủ quyền của nước mình trước áp lực, mặt trái của toàn cầu hoá. Hơn nữa, việc khu vực hoá còn có thể giúp các quốc gia thành viên đi vào chiều sâu trong việc tham gia điều chỉnh và hội nhập chính sách quốc tế như chính sách lao động, môi trường, tiêu chuẩn sản xuất v.v…

Như vậy, sự hình thành các tổ chức khu vực rồi đi đến khu vực hoá theo định chế pháp luật là một trong những thích ứng trước sự gia tăng của tiến trình quốc tế hoá và cạnh tranh quốc tế, nó thúc đẩy lực lượng kinh tế vi mô, động lực của toàn cầu hoá phát triển. Tóm lại, khu vực hoá và toàn cầu hoá có thể củng cố và thúc đẩy lẫn nhau. Trong chừng mực nào đó, toàn cầu hoá và khu vực hoá là hai quá trình đối lập ở mặt hiện tượng, nhưng hành động và bản chất của nó là tiến tới một thế giới phi tập trung hoá, một thị trường hợp nhất.

CHƯƠNG II. NHỮNG MẶT TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC CỦA TOÀN CẦU HOÁ

Như đã đề cập đến ở trên, toàn cầu hoá là một quá trình hai mặt, nó có thể làm tăng nhanh lượng của cải vật chất cho thế giới, làm cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của mỗi thành viên trong xã hội nhanh được cải thiện, làm cho con người, các dân tộc gần gũi, thân thiện, hiểu biết và có trách nhiệm với nhau và với cộng đồng chung của nhân loại nhiều hơn. Nhưng nó cũng gây không ít khó khăn, bất lợi cho nhiều người, nhiều dân tộc như làm gia tăng hố ngăn cách giàu nghèo, bất bình đẳng và xung đột xã hội, xói mòn bản sắc văn hoá và suy yếu quốc gia, dân tộc…

Để có thể đánh giá toàn cầu hoá một cách có hệ thống, chúng ta cùng xem xét vấn đề này dưới ba góc độ: kinh tế, chính trị và xã hội.

1. Những điểm tích cực


1.1. Trong lãnh vực kinh tế


Cho đến nay, tuy vẫn còn có những ý kiến đánh giá khác nhau về toàn cầu hoá, song dù muốn dù không, chúng ta cũng không thể phủ nhận những thành qủa kinh tế tích cực mà toàn cầu hoá mang lại. Cụ thể:

· Trước tiên, toàn cầu hoá tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nhiều khu vực và quốc gia thuộc các nước đang phát triển. Dưới tác động của toàn cầu hoá khoa học và công nghệ, tính chất và trình độ của các lực lượng sản xuất, phương thức tổ chức sản xuất đã có những thay đổi đáng kể theo hướng tích cực trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, ở các nước có nền kinh tế công nghiệp phát triển đang diễn ra qúa trình chuyển sang nền kinh tế tri thức; hàm lượng tri thức thể hiện trong sản phẩm ngày càng cao (hiện nay, ở Nhật là 97%, ở Mỹ là 82%). Ở các nước thuộc khối OECD[25], kinh tế tri thức chiếm hơn 50% GDP, số lượng công nhân tri thức chiếm hơn 60% lực lượng lao động. Theo dự báo, đến năm 2030 các nước phát triển đều có nền kinh tế tri thức[26].

· Toàn cầu hoá có tác động thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế nhanh ở hầu hết các quốc gia, giúp các nước nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Một mặt, việc nối kết giữa thị trường tài chính quốc tế với việc thay đổi chính sách vĩ mô mang đến những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế, cho phép vốn tư nhân dễ dàng chảy vào các nước đang phát triển. Mặt khác, toàn cầu hoá kinh tế đã vận dụng triệt để quy luật cung-cầu của cơ chế thị trường, lấy kích cầu (kích thích tiêu dùng) để tăng cung (phát triển sản xuất) và cung phải nhằm mục tiêu đáp ứng và tạo ra những nhu cầu tiêu dùng mới, ngày càng cao. Điều này dẫn đến sự phong phú và đa dạng trong các mặt hàng tiêu dùng và các dịch vụ, những tiện nghi trong sinh hoạt phục vụ con người.

Theo “Báo cáo về phát triển con người” của Chương trình Phát triển Liên-hiệp-quốc, trong 50 năm cuối cùng của thế kỷ XX, nghèo đói đã giảm nhiều hơn so với 500 năm trước đây. Chỉ số của phát triển con người tăng trưởng mạnh trong các thập niên cuối cùng. Nơi các nước đang phát triển, kể từ năm 1960, tỷ lệ tử vong của trẻ em đã giảm khoảng 10 lần; tỷ lệ thiếu dinh dưỡng giảm thiểu ít nhất một phần ba; tỷ số các trẻ em bị loại khỏi trường tiểu học giảm từ một nửa xuống một phần tư và con số các gia đình nông thôn không có nước uống đã giảm từ 90% xuống một phần tư. Cuối thế kỷ XX, khoảng từ 300 đến 400 triệu người sẽ được cải thiện căn bản về mức sống và khoảng từ 400 đến 500 triệu người có cơ hội tham dự vào hệ thống giáo dục và y tế. Cách đây 10 năm, trong số 10 người Á châu thì có tới 6 người sống dưới mức nghèo đói, đầu thế kỷ XXI, con số đó giảm xuống còn 2 người[27].

Chúng ta cũng không thể quên những thành qủa kinh tế đã đạt được trong mấy thập niên vừa qua. Nếu như nửa đầu thế kỷ XX, dù có hai cuộc chiến tranh thế giới, nhưng GDP vẫn tăng bình quân 2,2% mỗi năm thì đến nửa sau của thế kỷ XX, GDP tăng trung bình là 3,8%. Theo UNDP[28], GDP bình quân đầu người năm 2000 của toàn thế giới là 7.446USD; của các nước thuộc khối OECD là 23.569USD (trong đó của Mỹ là 34.142USD, Nhật là 26.755USD, Pháp là 24.223USD); của các nước đang phát triển là 3.783USD (trong đó, của Thái Lan là 6.402USD, Trung Quốc là 3.976USD, Ấn Độ là 2.358USD)[29].

· Toàn cầu hoá làm tăng xu hướng mở cửa, hội nhập và đa dạng hoá quan hệ quốc tế; thúc đẩy việc hình thành và phát triển nhiều tổ chức quốc tế và khu vực (OECD, WTO, IMF, OAU, EU, ASEAN, ASEM, WB, NAFTA, APTA, APEC…). Nhờ có toàn cầu hoá kinh tế, xu hướng liên kết kinh tế và trao đổi thương mại tăng vọt. Năm 1985, xuất khẩu toàn thế giới là 1.900 tỷ USD, đến năm 2000 tăng lên tới 6000 tỷ USD. Năm 2001, xuất khẩn của Mỹ là 730,4 tỷ USD, Đức là 570,5 tỷ USD, Nhật là 403,5 tỷ USD, Pháp là 294,1 tỷ USD. Nhiều công ty đa quốc gia và xuyên quốc gia có khả năng bảo đảm 40% lượng hàng và 60% buôn bán về công nghệ.

· Những tiến triển của kỹ thuật thông tin đã cống hiến cho nhân loại tiềm năng không thể tưởng tượng được trong việc sử dụng lượng thông tin khổng lồ, chế tạo thông tin, đưa thông tin tới bất cứ chân trời góc bể nào và nhất là áp dụng thông tin vào sản xuất. Nhờ đó, các xí nghiệp dễ dàng tổ chức trên phạm vi quốc tế, ngõ hầu chế tạo những sản phẩm tinh xảo nhất và cống hiến những dịch vụ với giá rẻ nhất[30].

Như vậy, với sức mạnh vốn có của mình, toàn cầu hóa đã tạo ra những mối liên kết, gắn bó giữa các nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường trao đổi hàng hoá, thúc đẩy phân công lao động và giao lưu văn hoá… Tất cả những cái đó tạo ra những điều kiện thuận lợi và cơ hội cho nhiều nước có thể tiếp cận được nguồn vốn, tri thức khoa học, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý để phát triển phục vụ đời sống con người.

1.2. Trong lãnh vực chính trị


Như đã đề cập ở trên, toàn cầu hoá đã làm sản sinh ra nhiều tổ chức khu vực thương mại tự do theo vùng, lãnh thổ như OECD, WTO, IMF, OAU, EU, ASEAN, ASEM, WB, NAFTA, APTA, APEC… Đến lượt mình, các tổ chức này không chỉ thúc đẩy toàn cầu hoá diễn ra nhanh hơn, mà còn góp phần tạo dựng và hoàn thiện dần luật chơi chung mang tính phổ quát cho mọi người, mỗi quốc gia, dân tộc, khu vực và toàn thế giới. Quá trình này thúc ép hay buộc chính phủ các nước phải điều chỉnh luật lệ, cơ cấu tổ chức và chính sách phát triển của mình sao cho phù hợp dần với môi trường quốc tế đang chuyển đổi. Ví dụ như chính phủ nước nào đó muốn mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường thương mại với thế giới, tăng khả năng cạnh tranh hàng hoá của mình thì không có cách nào khác là đưa ra chính sách ưu đãi đầu tư, điều chỉnh hệ thống luật pháp, giảm thuế quan và tạo khả năng cho các hãng kinh doanh hay cá nhân trực tiếp tham gia vào các quan hệ quốc tế. Thông qua các hội nhập chính thức (chính phủ các nước tạo cơ sở pháp lý mở đường thông qua các hiệp định song phương, đa phương cho các hãng kinh doanh trong và ngoài nước làm ăn với nhau) và hội nhập thực chất (là các hoạt động cụ thể của nhà kinh doanh các nước với nhau), môi trường pháp lý (hệ thống luật pháp) trong mỗi quốc gia, mỗi tổ chức kinh tế khu vực được hoàn thiện thêm, làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty, tập đoàn kinh tế, giữa các nước và các khu vực với nhau.

Tiến trình toàn cầu hoá không chỉ tạo ra tiền đề vật chất, mà còn truyền bá ý tưởng cho dân chủ hoá xã hội. Thông qua giao lưu và hội nhập, mỗi thành viên, quốc gia nhanh chóng tiếp nhận các luồng thông tin khác nhau, tạo ra sự đa dạng và giàu có về kiến thức cũng như trình độ dân trí. Quá trình này tạo nền tảng cho dân chủ phát triển. Đối với các nước đang phát triển, đầu tư, thương mại quốc tế và công nghệ tin học hiện đại không những mang lại nhiều của cải hơn cho xã hội cũng như người dân mà còn tạo ra bước phát triển mới về dân chủ. Nếu so với trước đây, hầu như tất cả các nước trên thế giới ngày nay có nhiều dân chủ hơn. Lực lượng quân sự-quân phiệt đã từng thống trị cầm quyền ở các nước như Thái Lan, Philippin, Inđônêxia… đã bị lật đổ. Thay vào đó, tầng lớp kỹ trị, trung lưu ngày càng có tiếng nói trọng lượng, dần dần nắm quyền ở các nước này. Tình trạng mua phiếu, gian lận trong các cuộc bầu cử tuy vẫn còn, nhưng ngày càng ít hơn. Hệ thống quản lý kinh tế xã hội chủ yếu dựa vào thân quen, cùng với tính gia trưởng, độc đoán của giới cầm quyền ở nhiều nước trên thế giới cũng giảm đi nhiều.

Tóm lại, “toàn cầu hoá thúc đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá ở mọi nơi trên thế giới. Nhiều bức tường ý thức hệ và chế độ độc tài hay toàn trị đã và đang sụp đổ. Người dân của nhiều nước nhược tiểu được giải phóng dần dần khỏi những cưỡng chế và khuôn khổ nghiệt ngã của nhà nước-quốc gia để hướng về viễn cảnh công dân thế giới. Nhãn giới của người dân được mở rộng và được hiện đại hoá nhờ công nghệ thông tin. Do đó, nhà cầm quyền cũng không dễ gì nhân danh tính cách đặc thù của mỗi nước để phủ nhận tính phổ quát của nhân quyền và tự do. Nói một cách giản lược, người dân ở giai đoạn toàn cầu hoá là người dân ít sợ nhà cầm quyền nhất”[31].

1.3. Trong lãnh vực xã hội


Trước đây, sự hợp tác và liên kết giữa các nước trên thế giới bị chi phối bởi sự tranh đua, đối đầu giữa hai cực Mỹ và Liên Xô nên tính chất mở cửa hợp tác đa chiều, đa phương gặp nhiều hạn chế. Trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, đặc biệt là sự tác động của xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá, đã làm cho tính chất hợp tác và liên kết toàn cầu cũng biến đổi từ hạn chế hay đóng cửa sang mở cửa, đa dạng hoá, đặc biệt trong lãnh vực văn hoá xã hội và ý thức hệ. Toàn cầu hoá không chỉ tạo đà cho các lãnh vực khoa học và công nghệ được phổ biến rộng rãi mà còn giúp người ta hiểu biết sâu rộng hơn về các nền văn hoá và liên đới gắn bó với nhau hơn, tôn trọng nhau hơn[32].

“Cũng nhờ toàn cầu hoá thông tin, cộng đồng nhân loại xích lại gần nhau hơn và cùng rung nhịp đập của con tim như chưa từng thấy. Những bản tin thế giới của đài truyền hình đã trở nên một phần của cuộc sống thường ngày và cho phép người dân nắm bắt những gì đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Những biến chuyển của nhân loại và những thay đổi của thế giới đã đi vào cuộc sống thường nhật và trở thành mối bận tâm chung của mọi người”. [33].

Dưới tác động của toàn cầu hoá, “thế giới thực sự đang trở nên một, với sự tăng trưởng về liên đới, liên hệ và cùng phụ thuộc lẫn nhau”. “Nhân loại ở thời đại chúng ta cũng ý thức hơn tránh nhiệm của mình trước vận mệnh chung trên trái đất. Nhiều vấn đề căn bản của thời đại bây giờ đích thực là vấn đề quốc tế. Việc bảo vệ môi sinh là một ví dụ hiển nhiên và dễ thấy nhất (…). Những vấn nạn gai góc khác như nha phiến, bệnh AIDS, mafia, bạo động khủng bố, buôn lậu, nạn tin tặc… cũng là những vấn đề có tầm mức quốc tế. Không một quốc gia nào, kể cả những quốc gia giàu mạnh nhất, có thể đơn phương độc mã giải quyết được. Luôn luôn cần sự cộng tác và hỗ trợ quốc tế”.

Đặc biệt, việc dân chủ hoá lưu lượng thông tin do ảnh hưởng của sự phát triển các công nghệ thông tin cũng dẫn đến những thay đổi rất lớn trong đời sống xã hội. Nghĩa là, một đàng càng ngày càng khó giấu không cho thông tin đến được với dân chúng, với những hệ qủa về chính trị và xã hội từ đó mà ra. Nhưng đàng khác, cả những thường dân cũng có thể tạo nên công luận nhằm chống lại những tổ chức chính trị và xuyên quốc gia hùng mạnh. Chúng ta nay quá biết, hiệp ước quốc tế phản đối chống sử dụng mìn cá nhân đã được tổ chức qua mạng Internet. Và những nỗ lực có tổ chức tương tự như thế đã buộc các công ty xuyên quốc gia phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa đối với môi trường sinh thái. Khả năng huy động công luận là một nguồn lực để thực hiện những thay đổi về xã hội trong tương lai.

Như vậy, từ những điều đã phân tích ở trên chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, toàn cầu hóa là một quá trình có thể làm tăng nhanh lượng của cải vật chất cho thế giới, làm cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của mỗi thành viên trong xã hội nhanh được cải thiện, làm cho con người, các dân tộc gần gũi, thân thiện, hiểu biết và có trách nhiệm với nhau và với cộng đồng chung của nhân loại nhiều hơn.

Tuy nhiên, toàn cầu hoá không phải là liều thuốc vạn năng mà ngược lại, nó cũng gây ra không ít những khó khăn, bất lợi cho nhiều người, nhiều dân tộc như làm gia tăng hố ngăn cách giàu nghèo, bất bình đẳng và xung đột xã hội, xói mòn bản sắc văn hoá và suy yếu quốc gia-dân tộc …

2. Những điểm tiêu cực


2.1. Trong lãnh vực kinh tế


Như đã đề cập ở trên, toàn cầu hoá trong các lãnh vực nguồn vốn, công nghệ và thị trường nước ngoài là một trong những yếu tố then chốt làm bùng nổ ngoại thương, làm dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm tăng mức sống dân cư và thúc đẩy dân chủ hoá xã hội, tạo ra cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như khung pháp lý cho liên kết thế giới đi vào chiều sâu và chiều rộng. Tuy nhiên, quá trình này cũng làm gia tăng tính nhạy cảm của nền kinh tế nhiều nước trong quan hệ với thị trường thế giới. Qủa thật, mỗi khi môi trường kinh doanh quốc tế có biến đổi, thì nền kinh tế thế giới, đặc biệt là những nước nghèo sẽ bị tác động. Chẳng hạn như trong lãnh vực thị trường vốn, sự gia tăng mạnh mẽ của các luồng luân chuyển vốn một mặt thúc đẩy nhanh chóng toàn cầu hoá thị trường, tạo tiền đề vật chất cho tăng trưởng kinh tế, và góp phần phân phối lại của cải trên thế giới; mặt khác, nó có thể tạo ra sự bất ổn kinh tế, đặc biệt đối với những nước có sự phụ thuộc lớn vào nguồn vốn nước ngoài, khi có sự biến động tiền tệ quốc tế. Hệ qủa là trong phút chốc chúng làm tiêu tan một phần quan trọng những gì mà nền kinh tế nghèo và mong manh của những nước đang phát triển đã tích luỹ được trong nhiều chục năm, làm cho những nước này lâm vào những khó khăn kinh tế, xã hội trầm trọng.

Cùng với sự tăng tốc của các luồng luân chuyển vốn, lao động và thương mại đối lưu, sự vượt bậc của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong vòng khoảng một thập kỷ qua, đã tạo ra cuộc chiến tranh khốc liệt về chất lượng và thị trường sản phẩm trên quy mô toàn cầu. Để duy trì và củng cố ưu thế trong cạnh tranh, các nước phải tập trung đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu khoa học, trước hết là phát triển tri thức kỹ thuật và kỹ năng quản lý, tổ chức kinh doanh. Đây là một trong những yếu tố cơ bản nâng cao năng suất và hiệu qủa lao động, tạo tiền đề cho nền kinh tế tri thức. Nhưng rõ ràng điều này tạo ra thế bất lợi trong cạnh tranh đối với những nước kém phát triển hơn. Tiến trình “giải trừ vật chất” của các sản phẩm cao cấp đã làm tăng lợi thế của các nước phát triển và giảm thiểu tới mức tối đa “ưu thế về thiên nhiên” của các nước nghèo[34]. Mặt khác, các nước có những điều kiện tài nguyên thiên nhiên khác nhau, dân trí khác nhau, cơ sở hạ tầng khác nhau, khả năng khai thác các thuận lợi khác nhau, những khó khăn và khả năng đối phó với sự cạnh tranh của thị trường cũng khác nhau… Toàn cầu hoá trong bối cảnh bất bình đẳng và bất công vốn đã tồn tại ngay ở vạch xuất phát, khi “sân chơi” không cùng mặt bằng, khi “luật chơi” thường do kẻ mạnh định trước, khi các đấu thủ do lịch sử để lại không ngang sức ngang tài như vậy rõ ràng không đem lại cho mọi nước vận hội như nhau và chia đều lợi ích, không đem lại thách thức rủi ro ngang nhau cho mọi nước. Xem ra, toàn cầu hoá đang tăng thêm cơ hội thành công cho các nước có khả năng tiếp thu những canh tân kỹ thuật và làm nghèo thêm những nước nghèo. Ở mức độ vi mô cũng vậy, người giàu càng giàu thêm, trong khi đó đại đa số người nghèo ngày càng nghèo thêm, hiện nay tài sản của 3 người giàu nhất thế giới cao hơn tổng GDP của 49 nước chậm phát triển nhất có dân số là 600 triệu người[35].

Trong tiến trình toàn cầu hoá, nợ nước ngoài cũng là một vấn đề. Qủa thật, do điều kiện lịch sử và địa lý (thuộc những nước nông nghiệp lạc hậu, thuộc địa cũ của Tây phương…) chi phối, nên các nước nghèo khó có thể tự mình cung cấp đủ vốn, kỹ thuật cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vả lại, muốn sống trong tiến trình toàn cầu hoá hiện nay, các nước dù muốn dù không cũng phải buôn bán với nước ngoài và cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, việc vay nợ nước ngoài để tạo ra những điều kiện hạ tầng, tạo ra nguồn vốn, chi phí cho đào tạo nhân sự, xây dựng nhà xưởng… là không thể tránh được. Tuy nhiên nợ nước ngoài đẻ ra nhiều vấn đề vô cùng phức tạp. Đứng trước các món nợ nước ngoài, “các nước này buộc lòng phải cắt giảm chi tiêu cho những nhu cầu cần thiết để sống như lương thực, y tế, nhà ở và giáo dục, hầu có thể trả các món nợ cho các tổ chức tiền tệ và ngân hàng thế giới. Điều này có nghĩa là nhiều người bị buộc phải sống trong những điều kiện hết sức ô nhục đối với phẩm giá con người”[36], vì rằng nhiều chính phủ trong số này không thể cùng một lúc vừa trả nợ vừa phát triển nền kinh tế quốc gia nhằm xây dựng các bệnh viện, các trường học và bảo đảm cho các cơ quan phục vụ công ích hoạt động đúng chức năng. Hơn nữa, một số cường quốc cũng như nhiều tổ chức tài chính và thương mại quốc tế (IMF, WB, OMC…) đang buộc những quốc gia khác phải chấp nhận những điều kiện cứng ngắc và nghiệt ngã, nếu họ muốn vay vốn và gia nhập vào nền kinh tế tự do này.

Đó là chưa kể trong tiến trình toàn cầu hoá, nhiều quốc gia bắt buộc phải tuân theo những nguyên tắc tự do của thị trường. Quốc gia nào không thể theo đuổi kịp những nguyên tắc này sẽ trở thành dân tộc bị loại trừ khỏi thế giới. Nhiều quốc gia đang trong tình trạng mắc nợ chồng chất, nhiều nông dân đang chịu cảnh những mặt hàng nông sản của họ bị hạ giá. Quy luật của kinh tế là phải đạt được lợi nhuận cao với số chi phí thấp nhất, khiến những người lao động tại các nước Tây phương càng ngày càng khó kiếm việc làm và dễ bị mất việc hơn, vì các công ty có khuynh hướng giảm giá thành bằng cách đi tìm nhân công rẻ tiền tại các nước châu Á, Phi và châu Mỹ Latinh và thậm chí nhiều trẻ em đôi khi đã bị cưỡng bức lao động. Tình trạng cạnh tranh để tìm kiếm thị trường mới còn dẫn đến việc phải hạ giá thành hơn nữa khiến cho thu nhập thực tế tại các nước châu Á, Phi và châu Mỹ Latinh giảm sút. Đây là hình thức bóc lột người mới, đó là coi trọng hàng hoá-vật chất hơn con người.

Cuối cùng, việc qúa chú trọng vào sản xuất hàng hoá cho xuất khẩu để có nguồn ngoại tệ mạnh, có thể dẫn đến tình trạng dân chúng các nước chẳng được hưởng bao nhiêu trên những sản phẩm do chính họ làm ra. Tình trạng bi đát nhất xảy ra tại một số nước là trong khi dân chúng đang gặp cảnh đói kém, thì nhà nước và các công ty vẫn ra sức xuất cảng nông sản để thực hiện các hợp đồng đã ký kết và để thu hút ngoại tệ.

2.2. Trong lãnh vực chính trị


Nếu như trước đây trong nhận thức nhiều người coi “tất cả đều là chính trị”, thì ngày nay xem ra trong nhận thức không ít người lại coi “không cái gì là chính trị”, tất cả hầu như chỉ là kinh tế, thậm chí kinh tế cũng chỉ nói đến tăng trưởng GDP dù chỉ tiêu này không một ai coi nhẹ. Mặc dù không hoàn toàn đồng ý như thế, nhưng chúng ta cũng phải công bằng nhìn nhận rằng, toàn cầu hoá trong lãnh vực kinh tế có một ảnh hưởng rất lớn đối với vấn đề chính trị. Ngoài những điểm tích cực đã trình bày trong phần trên, toàn cầu hoá cũng mang lại nhiều điểm tiêu cực.

Ở đây, điểm nổi bật trước hết là vấn đề chủ quyền quốc gia dân tộc. Cùng với đà phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hoá, về khách quan đã đặt ra những thách đố với chủ quyền quốc gia. Có thể nói được rằng, chủ quyền quốc gia trong thời đại toàn cầu hoá đã từ tính tuyệt đối trước đây chuyển sang tương đối và tiếp tục bị giảm thiểu, hàng rào quốc gia và nhà nước dân tộc ngày càng thu hẹp, quyền lực riêng của mỗi nước ngày càng chuyển dần cho quyền lực chung của cộng đồng quốc tế. Xét cho cùng, đây là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm và nổi lên hàng đầu trong toàn cầu hoá. Vì rằng, nếu không đủ khôn ngoan và tỉnh táo, các nước đang phát triển và chậm phát triển dễ trở thành những nước lệ thuộc thực dân kiểu mới, kiểu “hiện đại”, kiểu “chủ nghĩa thực dân kinh tế”…. Mặt khác, khi mà toàn cầu hoá đang là qúa trình mở rộng và đẩy mạnh dòng luân chuyển vốn trên toàn thế giới, trong điều kiện chủ nghĩa tài chính nắm quyền thao túng nền kinh tế, điều đó không tránh khỏi dẫn đến tăng thêm những nguy cơ và mối đe dọa đối với sự phát triển độc lập và chủ quyền của các nước nghèo và yếu thế. Vấn đề chủ quyền quốc gia vì vậy là tiêu điểm một số trong tranh đấu chính trị quốc tế ngày nay.

Mặt khác, dưới tác động của tự do cạnh tranh trong tiến trình toàn cầu hoá, giữa những nước trên thế giới cũng đang xảy ra những cuộc “chiến tranh mềm” nhưng rất quyết liệt, nào là cuộc chiến điện tử, bán dẫn, nào là cuộc chiến ô tô, mới đây là các cuộc chiến về thép, về chuối, về gà, về bò điên, về cá basa, về bảo hộ và phá giá nông sản… Và rất có thể trong tương lai, cuộc chiến tranh giữa các quốc gia là những cuộc chiến tranh liên quan đến những tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, như chúng ta đã thấy tại vùng Vịnh Ba Tư và tại Tây Phi…

Thứ đến, chúng ta thấy rằng việc toàn cầu hoá, việc tổ chức lại thị trường toàn cầu ắt dẫn đến việc phải tái cấu trúc về chính trị. Nhưng rõ ràng cho đến nay điều này vẫn không có gì là chắc chắn. Ai, những lực lượng chính trị, giai cấp nào, tổ chức xã hội nào đứng ra tổ chức lại thị trường trên phạm vi toàn cầu? Cấu trúc lại như thế nào, theo hướng nào? Dựa trên nguyên tắc nào? Công bằng, bình đẳng dân tộc và xã hội giữa các quốc gia hay chỉ là nguyên tắc của những kẻ mạnh. Hay nói một cách khác, cách thức chung sống với nhau trong cùng một hành tinh phải được phân định như thế nào? Cho đến nay, thế thượng phong của các quốc gia, chẳng hạn như Mỹ, có còn tồn tại hay không vẫn còn là điều khó nói. Trong lúc thế giới còn thiếu một cơ chế điều hoà hay đảm bảo cho các nước, các lãnh thổ, vùng miền khác nhau trên trái đất này nhận được những quyền lợi chính đáng như thế, thì hố ngăn cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội trong từng quốc gia cùng với những khác biệt về văn hoá, tôn giáo và sắc tộc vốn sẵn có sẽ là những mầm mống cho xung đột tôn giáo, sắc tộc và chủ nghĩa ly khai phát triển. Vì vậy, việc duy trì sự ổn định chính trị, xã hội trong tình hình như thế luôn là một thách thức.

Cuối cùng, trong tiến trình toàn cầu hoá, một tiến trình mà ưu thế cạnh tranh nghiêng về những kẻ mạnh, thì với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại, việc thực thi dân chủ ở các nước thường mang tính hình thức hơn thực chất. Nhiều chính phủ được bầu ra thường là kết qủa của những chiến dịch tuyên truyền và cổ động. Đôi khi những cuộc bầu cử diễn ra với cung cách đáng nghi vấn. Thông thường, sau khi bầu cử, người dân có rất ít tiếng nói trong công cuộc điều hành việc nước. Một số người còn mô tả tình hình như là sự cướp dân chủ. Nét nổi bật chung là những người đã được bầu lên thường chỉ theo đuổi quyền lợi riêng của mình hay đảng phái của mình. Hầu hết các chính phủ lên cầm quyền qua sự thoả hiệp của những đảng phái khác nhau, thường không có sự ủy nhiệm rõ ràng của người dân. Hơn thế nữa, còn có khuynh hướng tập trung quyền lực và quyết định. Trong khi đó có những dịch vụ quan trọng không thể được xử lý và duy trì trên một nền tảng quốc tế, nhưng cần phải được xử lý ở những cấp độ địa phương nhiều hơn. Thực tế là tình trạng tham nhũng lan rộng ở mọi cấp khác nhau của chính quyền. Toàn cầu hoá về phương diện kinh tế cũng lấy mất đi quyền tự trị của địa phương đối với những quyết định căn bản liên quan đến hạnh phúc của con người. Trong một số quốc gia, toàn bộ đời sống bị chính trị hoá, chi phối mọi lãnh vực, làm cho không thể thực thi dân chủ. Các chính phủ bị bó buộc phải chấp nhận những chính sách và cách điều hành, chẳng hạn chính sách về Điều chỉnh Cơ cấu[37] (SAP) do IMF, WB và WTO áp đặt. Những chính sách này hoàn toàn thiếu bộ mặt nhân bản và mối quan tâm xã hội, điều này đã, đang và sẽ đẩy dân chúng tới chỗ phản kháng mãnh liệt.

2.3. Trong lãnh vực xã hội


Trước tiên, đó là sự gia tăng phân hoá giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Trên bình diện quốc gia, theo một báo cáo của Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), năm 1960, khoảng cách giữa các nước giàu nhất và nghèo nhất trên thế giới là 30 lần, năm 1990 là 60 lần, năm 1997 là 74 lần. Theo một nghiên cứu gần đây[38], tỷ lệ giữa 1/5 giàu nhất và 1/5 nghèo nhất trong tổng số các nước trên thế giới vào đầu thế kỷ 21 đang tiến tới gần 150 lần. Ở góc độ người dân cũng vậy, tài sản của ba người giàu nhất thế giới cao hơn tổng GDP của 49 nước chậm phát triển nhất thế giới có số dân là 600 triệu người; mức thu nhập của tỷ phú người Hoa Indonexia Liem Sioe Liong vào năm 1993 lên tới 9 tỷ USD, tương đương với 5% GDP của Indonexia[39].

Công bằng mà nói, thu nhập của người nghèo có tăng lên theo năm tháng, thế nhưng hố ngăn cách giàu nghèo lại có chiều hướng gia tăng. Có một nhóm người rất nhỏ hầu như chi phối các ngành kinh tế then chốt và chiếm giữ phần lớn tài sản của cả nước. Mặt khác, các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra trên thế giới đã buộc chính phủ các nước phải điều chỉnh hay cắt giảm ngân sách chi cho phúc lợi xã hội. Điều này đã tác động trực tiếp vào đời sống của người lao động, làm cho tỷ lệ nghèo đói ở nhiều nước trên thế giới trước đây vốn đã cao, nay trở nên cao hơn. Và dĩ nhiên, đi theo nghèo đó là biết bao vấn đề như thất nhiệp, thất học, thiếu lương thực, bất bình đẳng xã hội và dịch bệnh. Vấn đề mấu chốt mà chúng ta muốn đề cập đến ở đây không phải chỉ là một số thành viên trong gia đình nhân loại đang phải chịu đựng sự tước đoạt nặng nề về mặt vật chất. Nhưng vấn đề là những người ở cực này, trong trạng huống bi đát nhất, sẽ nhìn những người ở cực khác là những “loài khác”. Nói khác đi là từ chối nguyên tắc cộng đồng chung nhân loại. Vì trong khi mang đến sự tự do trong hoạt động kinh tế và tự do cá nhân cho nhiều người, toàn cầu hoá dường như sẽ mang lại cho nhân loại mối nguy hiểm là loài người sẽ được đối xử như những công cụ hay như những mục tiêu.

Toàn cầu hoá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học, công nghệ, nâng cao đời sống thì cũng chính trong quá trình toàn cầu hoá, con người đã tàn phá môi trường, tạo ra những nguy cơ, thách thức lớn đối với sự sống của trái đất. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học khi nói về suy thoái môi trường đã dùng khái niệm “stress sinh thái”. Hiểm hoạ sinh thái toàn cầu là hoàn toàn có thật và ngày càng trở nên nguy kịch. Đây là một vấn đề xuất phát từ sự gia tăng dân số, từ sự nghèo khổ, từ sự kích thích tiêu dùng không có điểm dừng, thừa thãi, lãng phí và từ sự từ nhiệm đối với môi trường vì lợi nhuận trong quá trình công nghiệp hoá, toàn cầu hoá. Việc khai thác rừng bừa bãi nhằm mục tiêu lợi nhuận là một ví dụ, và tất nhiên điều này dẫn đến việc thay đổi môi trường và sự đa dạng sinh học của các lưu vực sông, đồng thời ảnh hưởng đến chế độ thuỷ văn của các sông và hồ chứa nước, làm mất một lá chắn vững chắc khi nước biển dâng. Việc suy giảm nhanh chóng diện tích rừng đã gây ra nạn hạn hán, lụt lội liên tục trong những năm gần đây và làm cho đất đai ngày càng trở nên bạc màu. Ngoài ra, việc giảm diện tích rừng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của con người trên trái đất, bởi lẽ hiện nay lượng khí Cacbon thải vào khí quyển là 6 tỷ tấn mỗi năm, trong khi đó diện tích rừng đã giảm đi 1/3. Sự mất cân đối này gây ra những hiện tượng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, chẳng hạn như nhiệt độ trái đất tăng lên, hiện tượng El Ninô, La Nina, nguồn nước ngọt cho loài người ngày càng trở nên khan hiếm, nhiều vùng rộng lớn đang bị sa mạc hoá. Song song với việc phá rừng bừa bãi, việc xây dựng nhà máy ồ ạt không tiến hành đồng bộ với xây dựng hệ thống nước thải và xử lý rác công nghiệp đã làm cho hệ thống kênh rạch, ao hồ bị nhiễm nặng. Việc tuôn các chất thải xuống đáy đại dương cũng như việc khai thác quá mức tái tạo các nguồn lợi thủy sản đang làm cho môi trường biển và đại dương chịu nhiều tổn thất, nhiều nơi có nguy cơ không thể phục hồi. Việc sử dụng năng lượng hiện nay trong công nghiệp và trong sinh hoạt, đặc biệt là ở các nước đã phát triển, đã thải vào khí quyển một lượng khí Điôxid Cacbon khổng lồ làm mỏng đi tầng Ôzon và lỗ thủng các tầng này ngày càng rộng ra. Hệ thống giao thông đô thị không phát triển kịp so với số lượng xe hơi tăng nhanh cùng với sự quản lý kém đã tạo ra nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ như ở Băng Cốc trong khoảng 10 năm trở lại đây, hàng năm có khoảng 1 triệu nguời mắc các bệnh hô hấp. Điều này gây ra sức ép chi tiêu ngân sách cho bảo vệ sức khoẻ ngày càng lớn hơn. Như vậy, một cách nào đó có thể nói được rằng, toàn cầu hoá kinh tế vì lợi nhuận trên hết ngày càng dấn sâu vào con đường tạo ra mâu thuẫn giữa con người và thiên nhiên, khiến cho môi trường suy thoái trên phạm vi toàn cầu và trong mỗi quốc gia.

Đi đôi với quá trình toàn cầu hoá về kinh tế, lối sống văn hoá, tư tưởng dân chủ phương Tây cũng có cơ hội nhiều hơn xâm nhập sâu rộng vào xã hội truyền thống các nước đang phát triển. Trong điều kiện còn bị ràng buộc khá nặng nề bởi các yếu tố văn hoá truyền thống thì chủ nghĩa cá nhân, lối sống tiêu thụ, địa phương và dân tộc chủ nghĩa theo hướng ly khai và hẹp hòi tạo ra bởi tác động của toàn cầu hoá có thể làm mất ổn định xã hội và an ninh quốc gia, làm xói mòn bản sắc chính trị và văn hoá dân tộc nhiều nước trên thế giới. Những giá trị của năng suất và hiệu qủa được đánh giá qúa cao bởi thị trường khi len vào những định chế khác của xã hội dân sự hay khi trở thành những chuẩn mực trong đời sống gia đình gây ra nhiều chuyện không hay. Những giá trị mới này cùng với sự gia tăng di cư về địa lý có sức tàn phá lớn đối với những nền văn hoá nơi các nhân đức và các thói quen của tình liên đới đã đâm rễ và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ví dụ như ở Thái Lan, do nạn thất nghiệp cao và lối sống hưởng thụ phát triển đã đẩy hàng vạn cô gái Thái vốn thuần hậu và mộ đạo đi vào các tiệm nhảy, nhà hàng làm thú vui cho du khách bốn phương. Hậu qủa là bệnh dịch thế kỷ HIV/AIDS đang đe doạ cuộc sống bình thường của người dân ở nước này. Nói cách khác, tiến trình toàn cầu hoá dường như đang trải rộng ra một nền văn hoá đa quốc mà không chỉ chống lại những khía cạnh luân lý mà còn tỏ ra thù hận với sự tôn trọng phẩm giá của tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại.

Sự bùng nổ và xung đột sắc tộc và chủ nghĩa ly khai, dân tộc hẹp hòi là một ví dụ khác. Do sự phát triển không đồng đều và mức độ chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền trong mỗi quốc gia không được cải thiện cộng với chính sách di dân, di cư, khai thác tài nguyên bất hợp lý, nên đã tạo ra những xung đột xã hội, mà thường núp dưới chiêu bài sắc tộc – tôn giáo. Thêm vào đó, sự gia tăng nhanh của quá trình toàn cầu hoá kinh tế, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong những năm gần đây đã làm gia tăng sự giao lưu giữa các dân tộc, thúc đẩy nhanh tiến trình dân chủ hoá xã hội làm cho nhiều chính phủ buộc phải cải cách hệ thống quản trị của mình, trong đó có nới rộng quyền tự quản cho chính quyền địa phương. Lợi dụng cơ hội này, nhiều địa phương, sắc tộc đứng lên đòi độc lập, tách khỏi nhà nước, trung ương, thành lập chủ thể chính trị mới. Xu hướng này được diễn ra rất mạnh mẽ trên thế giới từ đầu những năm 90.

Như vậy, toàn cầu hoá được gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây đã mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các nước, nhưng nó cũng tạo ra nhiều rủi ro cho các nước này. Toàn cầu hoá không hoàn toàn tốt và cũng không hoàn toàn xấu, tự nó không phải là một cứu cánh. Vấn đề là ở chỗ, con người muốn nó như thế nào, hay nói một cách khác, nó hoàn toàn phụ thuộc vào con người.

Đối diện với một chủ nghĩa toàn cầu hoá như vậy, vấn đề đặt ra cho mỗi người chúng ta nói chung, và những người Công giáo nói riêng là phải làm sao kiến tạo một xã hội thế giới cho tất cả mọi người, vì hạnh phúc và sự hiệp nhất của tất cả nhân loại, vì sự hoà bình và phát triển…

Thực ra, vấn đề này đã được Giáo huấn xã hội của Giáo hội cung cấp cho những nguyên tắc hành động khá rõ ràng và vững chắc. Vì thế, đứng trước vấn đề đặt ra, dựa vào những nguyên tắc Giáo huấn xã hội của Giáo hội, chúng ta cùng nhau đi vào định hướng xây dựng toàn cầu hoá cho xã hội hôm nay.

CHƯƠNG III. ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG TOÀN CẦU HOÁ THEO GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

Từ những gì đã được phân tích, chúng ta phải công bằng nhìn nhận rằng, một mặt toàn cầu hóa đã có những đóng góp rất tích cực trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại; nhưng mặt khác, rõ ràng toàn cầu hoá không phải là một thần dược có thể chữa lành tất cả mọi căn bệnh của thời đại, mà ngược lại nó còn tạo ra và làm trầm trọng thêm một số vấn đề khác nữa có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Qủa thật, toàn cầu hoá đang đặt ra nhiều vấn đề hệ trọng không dễ gì giải quyết đối với sự tồn tại và phát triển của con người, của mỗi quốc gia và của thế giới; chẳng hạn như vấn đề phân cách giàu nghèo, vấn đề nhân quyền nhân phẩm, vấn đề bình đẳng xã hội, vấn đề chủ quyền quốc gia…

Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng đây không phải là lần đầu tiên kiểu mẫu toàn cầu hoá xuất hiện trong thế giới chúng ta. Hầu hết các nhà chuyên môn đều cho rằng kiểu mẫu toàn cầu hoá gần đây nhất là vào khoảng năm 1870-1914. Cho dù diễn biến của việc toàn cầu hoá hiện thời có mênh mông và phức tạp đến đâu, nhưng tiến trình này không phải là điều không thể tránh được, và thậm chí còn có thể bắt dừng lại, nếu như các dân tộc và các quốc gia bỗng dưng quyết định xây những bức tường xung quanh mình. Hơn nữa, ơn gọi làm Kitô hữu không cho phép chúng ta có thái độ bi quan, thụ động hay chỉ dừng lại ở việc chỉ trích, vì “nguyên việc chỉ trích thôi không đủ, cần phải tiến xa hơn thế; cần thiết phải là những người kiến tạo và xây dựng”[40]. Vì vậy, mục đích của việc trình bày trong phần thứ ba này là vẽ lên chân trời mới, đặc biệt trong đó chúng ta, những sứ giả của Tin mừng, chúng ta sẽ phải hành động.

Và ở đây, vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm sao định hướng xây dựng toàn cầu hoá một cách đúng đắn cũng như hạn chế tới mức tối đa những mặt tiêu cực của nó. Để thực hiện công việc này, Giáo huấn xã hội của Giáo hội là những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và đưa ra những đường hướng hành động.

1. Quan điểm của Giáo hội về toàn cầu hoá


Thật ra, vấn đề toàn cầu hoá chẳng có gì xa lạ đối với Giáo hội Công giáo. Trong lịch sử Giáo hội, với lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em” (Mt 28, 19-20), Giáo hội đã cử các thừa sai đến những miền đất xa lạ trên thế giới để loan báo Tin mừng. Giáo hội đã thực hiện việc toàn cầu hóa tình liên đới trong đức tin và trong cơ chế phẩm trật Giáo hội trong suốt 20 thế kỷ qua.

Trong tiến trình thực thi sứ vụ của mình trong hơn 2000 năm qua, Giáo hội đã nhiều lần phải đối diện với những thay đổi của thể chế xã hội cũng như phải chạm trán với các dị biệt văn hoá. Giáo hội luôn hiểu rõ những biến chuyển lớn lao như sự sụp đổ của đế quốc La-mã, thời Phục hưng, kỹ nghệ hoá, dân chủ hoá và nay toàn cầu hoá chỉ là những giai đoạn tạm bợ hơn là những cùng đích. Tuy nhiên, Giáo hội cũng luôn ý thức rằng, đây không phải là những vấn đề vô hại, mà ngược lại, chúng ảnh hưởng sâu sắc đến con người trong ý định của Thiên Chúa.

Qủa thật, đứng trước vấn đề toàn cầu hoá hiện nay, Giáo hội nhìn nhận tiến trình này có ảnh hưởng rất quan trọng trong bước tiến của nhân loại. Một mặt, Giáo hội nhìn nhận những giá trị tích cực mà toàn cầu hoá mang lại; nhưng mặt khác, Giáo hội cũng cảnh báo toàn cầu hoá có thể gây ra nhiều tiêu cực đáng lo âu. Tông huấn Giáo hội tại Mỹ châu ghi rõ: “Đây là một quá trình đặt ra vì sự kiện có nhiều liên lạc giữa các phần thế giới, trên thực tế xóa bỏ những khoảng cách, với nhiều hiệu qủa minh nhiên trong các lãnh vực rất khác nhau. Những hậu qủa trên bình diện đạo đức học có thể là tích cực hay tiêu cực. Người ta chứng kiến trên thực tế một cuộc toàn cầu hoá kinh tế kèm theo một số kết qủa tích cực như hiện tượng năng xuất và sản phẩm gia tăng, và với việc phát triển những liên hệ giữa các nước trong lãnh vực kinh tế, hiện tượng này có thể tăng cường qúa trình hợp nhất giữa các dân tộc và cải thiện việc phục vụ đối với gia đình nhân loại. Nhưng nếu việc toàn cầu hoá được xử lý bằng chỉ duy những luật thị trường áp dụng theo lợi ích của những kẻ quyền thế, những hậu qủa chỉ có thể là tiêu cực. Ví dụ, như việc gán một giá trị tuyệt đối cho nền kinh tế, nạn thất nghiệp, việc giảm sút và việc làm xấu đi một số dịch vụ công cộng, việc phá hoại môi trường và thiên nhiên, việc gia tăng những dị biệt giữa kẻ giàu người nghèo, sự cạnh tranh bất chính đặt những quốc gia nghèo trong hoàn cảnh thấp bé luôn rõ nét”[41].

Đi sâu vào bản chất của hiện tượng, Giáo hội khẳng định: “Toàn cầu hoá, tự nó, không xấu không tốt. Con người định làm sao thì ra như vậy”[42]. Trên cơ sở đó, Giáo hội nhắc nhở: “Không hệ thống nào tự nó lại trở thành mục đích được, cho nên cần phải để ý rằng: toàn cầu hoá, cũng giống như bất cứ một hệ thống nào khác, phải trở nên một phương tiện phục vụ cho con người, chúng phải giúp mục tiêu là làm bền chặt tình liên đới con người và phục vụ lợi ích chung”[43]. Từ đó, đối với Giáo hội, “thành công thực sự của việc toàn cầu hoá sẽ được đo lường bởi mức độ cho phép mọi người hưởng nhờ những hàng hoá cơ bản về thức ăn và nhà ở, về giáo dục và nghề nghiệp, về hoà bình và phát triển xã hội, về phát triển kinh tế và công lý. Mục tiêu này không thể thực hiện được mà không có sự chỉ đạo từ cộng đồng quốc tế và sự xử lý bình đẳng về phía cơ sở chính trị thế giới”[44].

Đối với những tiêu cực của toàn cầu hoá mà nhân loại ngày nay đang phải đối diện, Giáo hội cho rằng đó là do thiếu những nguyên tắc, những bộ máy hiệu nghiệm để hướng dẫn toàn cầu hoá cho đúng. Về điểm này, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rõ: “Điều rõ rệt là việc toàn cầu hoá tự nó không phải là vấn đề. Nói đúng hơn, những khó khăn phát xuất từ sự thiếu những bộ máy hiệu nghiệm để hướng dẫn nó cho đúng. Việc toàn cầu hoá phải xen vào trong một bối cảnh của một chương trình chính trị và kinh tế rộng rãi hơn nhằm tìm kiếm sự tiến triển đích thực của toàn thể nhân loại. Bằng cách này, nó sẽ phục vụ toàn thể gia đình nhân loại, không còn mang lợi ích chỉ dành cho một số ít người nhưng đạt đến lợi ích chung cho mọi người”[45]. Chính vì thế, Đức Giáo hoàng khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì về sự cần thiết những nguyên tắc chỉ dẫn sẽ đặt việc toàn cầu hoá cách vững mạnh vào việc phục vụ sự phát triển đích thực con người (sự phát triển mỗi người và toàn diện con người) trong sự tôn trọng đầy đủ các quyền lợi và phẩm giá của mọi người”[46].

Nhưng những nguyên tắc đó là gì? Về điểm này, Tông huấn Giáo hội tại Mỹ châu ghi rõ: “Lập trường luân lý của Giáo hội trong tiến trình toàn cầu hoá dựa trên ba viên đá góc cơ bản là phẩm giá con người, tình liên đới và công ích. Nền kinh tế toàn cầu hoá phải được phân tích dưới ánh sáng những nguyên tắc công bằng xã hội, nhưng tôn trọng sự ưu tiên cho người nghèo, là hạng người phải có thể tự bênh vực mình trong một nền kinh tế toàn cầu hoá”[47]. Công vụ tổng hội Dòng Đaminh cũng xác định: “Để có thể biện phân được tính thích đáng cũng như những bất trắc của toàn cầu hoá… chúng ta cần phải dựa theo những giá trị của Tin mừng: phẩm giá con người, sự hiệp nhất của nhân loại, tham gia vào công ích…”[48].

Ở đây, chúng ta có thể tự hỏi, tại sao Giáo hội lại đề cập đến ba nguyên tắc này? Hay nói một cách khác, đâu là sự cần thiết của ba nguyên tắc này trong tiến trình xây dựng toàn cầu hoá hiện này?

Trước khi đi vào vấn đề, chúng tôi cũng xin nói trước rằng, để tập trung đi vào vấn đề chính là tìm hiểu sự cần thiết hay là tính hữu lý của những nguyên tắc này trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, chúng tôi không đi sâu vào phân tích nền tảng Thần học Thánh kinh của những nguyên tắc này, vì xét thấy rằng nó rất dài dòng và là điều không cần thiết.

2. Những nguyên tắc chủ đạo


2.1. Tôn trọng phẩm giá con người


Rõ ràng, Giáo hội đã thật có lý khi coi nguyên tắc này là một trong những nguyên tắc quan trọng và cấp thiết vào loại bậc nhất trong quá trình toàn cầu hoá hiện nay. Vì thực tế cho thấy rằng, dường như nguyên tắc này đã bị lãng quên hay ít là chưa được quan tâm đúng mức, và dĩ nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt các vấn đề nhức nhối đang đặt ra cho tiến trình toàn cầu hoá hiện nay.

Qủa thật, trong qúa trình toàn cầu hoá hiện nay, “nhãn quan tự do về kinh tế đã xác định thị trường như là tiêu chuẩn thực hành duy nhất của qúa trình sản xuất và phân phối của cải. Tất cả, tuyệt đối tất cả, đã trở thành hàng hoá và chỉ gây được sự quan tâm trong mức độ mà ở đó điều này có thể đem lại lợi nhuận và tiền bạc. Toàn cầu hoá theo khuynh hướng tân tự do đã thần tượng hoá tiêu chuẩn này và đang cổ võ một tư tưởng duy nhất mà các giá trị của nó là cạnh tranh, là lợi nhuận tới mức tối đa và tiêu chuẩn hoá các hình thức và điều kiện sống”[49].

Hậu qủa là con người chạy theo lợi nhuận bất chấp các giá trị đạo đức, tình trạng bất công xã hội ngày càng làm cho sự nghèo đói gia tăng, lợi ích cá nhân đã tạo ra đời sống ích kỷ phá hoại mối tương giao giữa con người với con người. Chẳng hạn như tại các nước thuộc thế giới thứ ba đang diễn ra tình trạng khai thác bóc lột sức lao động một cách vô nhân đạo, đối xử cách bất công, và tệ hại hơn là làm việc trong những môi trường ô nhiễm, thiếu điều kiện vệ sinh, nhưng nguồn thu nhập lại qúa thấp, trong khi thời gian lao động không đúng với tiêu chuẩn quốc tế.

Mặt khác, vì qúa chú trọng đến lợi nhuận, con người chà đạp lẫn nhau để giành giựt những nguồn lợi về mình. Quy luật của kinh tế thị trường là phải đạt được lợi nhuận cao với số chi phí thấp nhất, bỏ vốn ít mà thu lợi nhiều, nên mánh khoé của nhà tư bản là đi tìm công nhân rẻ tiền ở các nước nghèo để hạ giá thành mà vẫn bán được giá cao. Đây là một hình thức bóc lột người mới, là coi trọng hàng hoá, vật chất hơn con người…

Điều đó nói lên rằng, trong tiến trình toàn cầu hoá hiện nay, con người không còn ở vị trí tâm điểm xứng hợp vốn có nơi những truyền thống triết lý, chính trị và tôn giáo như trước nữa. Thậm chí con người cũng bị coi như là hàng hoá, như là một dụng cụ, một phương tiện phục vụ cho các hệ thống kinh tế chứ không còn là mục đích của hệ thống. Con người trở thành những nô lệ thực sự cho những kẻ quyền thế hơn, nô lệ cho một ý thức hệ, nô lệ những hệ thống kinh tế, chính trị đàn áp, nô lệ chủ nghĩa kỹ thuật khoa học hay sự xâm nhập của các phương tiện truyền thông[50]. Điều này cũng lý giải tại sao càng ngày càng thấy xuất hiện nhiều cấu trúc thuộc đời sống xã hội, chính trị, kinh tế đi ngược lại với hạnh phúc của con người.

Và rõ ràng, nếu cứ bỏ mặc theo đà tự nhiên của nó thì guồng máy kinh tế hiện tại sẽ đem thế giới tới những mức sống chênh lệch trầm trọng hơn, chứ đừng nói bớt giảm. Sự chênh lệch cứ tăng thêm; có nước sản xuất thực phẩm thừa thãi, có nước lại thiếu thốn một cách tàn nhẫn; kẻ ăn không hết người tìm không ra. Thêm vào đó còn có những chênh lệch bất xứng và nhục nhã không những trong việc hưởng thụ của cải, mà cả trong việc sử dụng quyền hành. Ở nhiều nơi sẽ mãi tiếp tục hiện tượng chỉ một thiểu số được ưu đãi sống trên nhung lụa, còn lại tất cả dân chúng thì nghèo nàn và tản mác, không còn có thể có sáng kiến và trách nhiệm, lắm lúc phải ở trong một hoàn cảnh sinh sống và làm việc bất xứng với phẩm giá con người[51].

Như vậy, qua những phân tích ở trên chúng ta thấy rằng, để có thể giải quyết tận gốc những vấn nạn do toàn cầu hoá đặt ra, thì điều kiện tiên quyết là phải trả lại cho con người vị trí tâm điểm xứng hợp vốn có của họ, tức là toàn cầu hoá cần phải được xây dựng trên nền tảng tôn trọng phẩm giá con người. Bởi vì, “một mô hình phát triển không tôn trọng và không khuyến khích các quyền con người, quyền cá nhân hay quyền xã hội kinh tế và chính trị, kể cả quyền lợi của các quốc gia và các dân tộc, thì không thể thực sự xứng đáng với con người”[52]. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích “nhân vị là nền tảng và là cùng đích của trật tự xã hội, bởi vì nhân vị là chủ thể những quyền bất khả nhượng nó không nhận từ bên ngoài, nhưng những quyền đó phát xuất từ bản tính của nó: không có gì cũng như không có ai có thể phá huỷ những quyền đó, không một cưỡng bức nào bên ngoài có thể tiêu diệt chúng, bởi vì chúng đâm rễ sâu trong phần nhân bản nhất của nhân vị”[53].

Trên cơ sở đó, khi nói về sự phát triển thì “con người, chứ không phải của cải hay kỹ thuật, là tác nhân chủ yếu và là mục tiêu chính của sự phát triển”[54], con người phải luôn luôn là mục đích chứ không phải là phương tiện, là chủ thể chứ không phải là một đồ vật, hay một món hàng để trao đổi. Vì thế: “Sự phát triển không chỉ nhằm nguyên việc mở mang kinh tế. Bởi vì sự phát triển đích thực là sự phát triển toàn diện, nghĩa là thăng tiến tất cả mọi người và toàn thể con người”[55]. “Sự phát triển của mỗi người và của toàn thể nhân loại sẽ bị tổn thương, nếu không đặt mỗi việc theo đúng giá trị quan trọng của nó”[56].

Sở dĩ có thể nói được như vậy là vì rõ ràng “một chương trình chỉ có lý do để tồn tại là khi phục vụ con người. Như thế chương trình là để làm giảm bớt chênh lệch, loại bỏ kỳ thị, giải thoát con người khỏi xiềng xích nô lệ, làm cho con người có thể tự mình cải tiến đời sống vật chất của mình, phát huy đời sống tinh thần và làm nảy nở đời sống siêu nhiên… Kinh tế và kỹ thuật không có nghĩa gì nếu không hướng về ích lợi con người để phục vụ. Và con người chỉ thực sự là con người trong mức độ mình làm chủ được hành động của mình và hiểu được tầm quan trọng của nó để tự mình làm cho mình phát triển”[57]. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng khẳng định rõ: “Toàn cầu hóa, tự nó không tốt không xấu. Con người định làm sao thì ra như vậy. Không hệ thống nào tự nó lại trở thành mục đích được, cho nên cần phải để ý rằng: toàn cầu hoá, giống như bất cứ hệ thống nào, phải trở nên một phương tiện phục vụ cho con người, chúng phải giúp mục tiêu là làm bền chặt tình liên đới con ngưới và phục vụ lợi ích chung”[58].

Vả lại, nếu chỉ xét trên góc độ thuần kinh tế, với tiêu chuẩn duy lợi nhuận mà thôi thì không đủ, nhất là khi coi tiêu chuẩn ấy là tuyệt đối, vì việc đề cao lợi nhuận tìm kiếm của cải có thể đem con người đến lòng ham muốn qúa độ, ham muốn có nhiều của cải hơn, có nhiều quyền lực hơn. Tật tham lam của mỗi người cũng như của các dân tộc có thể thấm nhập vào người nghèo nhất cũng như người giàu nhất và gây cho cả đôi bên một tinh thần duy vật bóp nghẹt tâm hồn. Đồng thời nó cũng giam hãm con người một khi nó trở thành giá trị tuyệt đối, vì không còn cho thấy giá trị nào khác. Lúc đó lợi nhuận làm cho con người chống đối nhau và chia rẽ nhau. Chính vì thế Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh: “Muốn xây dựng một nền kinh tế đích thực cho thế giới cần phải dập tắt lòng ham lợi quá đáng, những tham vọng, những khao khát bá chủ về chính trị, mọi mưu toan về mặt quân sự cũng như mọi mưu mô nhằm tuyên truyền và bắt phải theo một ý thức hệ”[59]

Nói như thế không có nghĩa là lợi nhuận tự nó là bất công và cần phải được dẹp bỏ, nhưng điều muốn nhấn mạnh ở đây là: để được “công bình” lợi nhuận phải tuân theo những tiêu chuẩn luân lý. Điều này được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích rõ trong Thông Điệp Bách Chu Niên: “mục tiêu của doanh nghiệp không phải duy chỉ là tạo ra lợi nhuận, nhưng còn là chính sự hiện hữu của doanh nghiệp như một cộng đồng các con người nữa; cộng đồng này bằng những cách thức khác nhau, tìm đạt tới sự thỏa mãn các nhu cầu nền tảng của mình và làm thành một nhóm riêng biệt để phục vụ toàn thể xã hội. Lợi nhuận là một yếu tố điều hoà của một cơ sở, nhưng đó không phải là một yếu tố duy nhất; còn phải quan tâm thêm vào đó những yếu tố khác có tính nhân bản và đạo đức, những yếu tố này về lâu về dài, ít ra cũng là những yếu tố thiết yếu cho doanh nghiệp”[60].

Trong Tông thư Tiến Về Ngàn Năm Thứ Ba, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II qủa quyết một cách mạnh mẽ hơn “một phát triển kinh tế chính thức không thể chỉ đặt cơ sở trên lợi nhuận, vì lợi nhuận chỉ dẫn tới trụy lạc. Cần làm sao cho toàn thể cộng đoàn xã hội được thiết lập và lớn mạnh trên các giá trị tinh thần, và nguồn mạch của các giá trị đó phải là tinh thần. Chỉ có ánh sáng của lương tâm và luật luân lý mới giúp ta tìm được những giải pháp thích hợp cho các vấn đề nghiêm trọng mà ta gặp trong đời sống hằng ngày và trong việc tổ chức xã hội”[61].

Nói một cách khác, điều kiện thiết yếu là dành cho kinh tế một hướng đi và một luận cứ nhân bản. Cần phải giải phóng những lãnh vực khác nhau của sự cai trị bởi chế độ kinh tế nô lệ hoá con người, cần phải định rõ những nhu cầu kinh tế ở vị trí đúng và tạo một hệ thống xã hội đa dạng để ngăn cản lại việc đại chúng hoá.

Tóm lại, “con người, với tư cách con người, thay vì là đối tượng và là một yếu tố tiêu cực của đời sống xã hội, thì là và phải là, vẫn là chủ thể, nền tảng và cùng đích của đời sống xã hội”[62]. Nói rõ hơn, con người phải luôn luôn là trọng tâm cho các suy nghĩ và hành động trong lãnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Yếu tố con người phải được xem trọng, không vì phát triển kinh tế mà xao lãng bổn phận phục vụ con người, phải làm sao luôn mang lại công ích cho mọi người. Với tất cả công bình khách quan cần thiết, ta phải luôn luôn coi phẩm giá bất khả xâm phạm của con người là một điều quyết định, không những là con người với tư cách cá nhân mà còn gia đình họ, dân tộc họ, không những là con người ngày nay, mà còn các thế hệ tương lai nữa.

Xuất phát từ nguyên tắc này, người ta cần phải thay đổi não trạng của qúa khứ, cũng chính từ đó ta phải rút ra một ánh sáng soi dẫn để hiểu những vấn đề khó khăn ngày nay và giải quyết vấn đề một cách hợp lý. Nếu không, con người sẽ tự đào hố chôn mình như đã phân tích trong phần trên.

2.2. Liên đới toàn thể nhân loại


Đây cũng là một trong những nguyên tắc mang tính sống còn đối với sự phát triển trong tiến trình toàn cầu hoá hiện nay. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại lại phải chứng kiến cảnh phần lớn những người nghèo, những người “thấp cổ bé miệng” bị gạt ra bên lề xã hội nhiều như hiện nay.

Thật vậy, chỉ cần nhìn vào thực tại xã hội, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ngay vấn đề này khẩn thiết như thế nào. Thực tế cho thấy, tại các nước kém phát triển số người nghèo đói đang gia tăng, họ phải sống trong cảnh thiếu thốn đói khổ. Trên nhiều lục địa, biết bao người đang bị nạn đói hành hạ; biết bao trẻ em thiếu ăn đến nỗi một phần lớn phải chết lúc còn nhỏ tuổi; bao nhiêu người khác không phát triển được về vật chất lẫn tinh thần cũng vì đói. Cũng vì vậy mà dân chúng trong bao nhiêu miền rộng lớn đang lâm vào cảnh tuyệt vọng thê thảm. Nhận xét về mức độ trầm trọng của nghèo đói, Tổng thư ký Liên hiệp quốc khẳng định: “24.000 người chết đói mỗi ngày là nỗi nhục của nhân loại”[63]. Nghèo đói, thất nghiệp, thất học, thiếu lương thực gắn liền với việc nảy sinh bệnh tật. Theo báo cáo của UNAIDS, trên toàn thế giới hiện có tới 40 triệu người mắc bện HIV/AIDS; trong đó, Châu Phi có 28,5 triệu người. Tỷ lệ mắc bệnh này ở các nước đang phát triển là 1,3%, các nước chậm phát triển là 4,3%, các nước Châu Phi và Nam Sahara là 8,7%[64]. Tệ hại hơn, người nghèo luôn trở thành đối tượng tấn công của bạo lực, bóc lột, nạn đói, và các tệ nạn xã hội. Trong Thông điệp Mối Quan Tâm Về Các Vần Đề Xã Hội, Đức Gioan Phaolô II đã nêu rõ: “Chỉ cần nhìn thực trạng của vô số người nam, nữ, trẻ em, người già, người nghèo khổ đang phải chịu đau khổ dưới gánh nặng của cuộc sống lầm than khó lòng chấp nhận được. Bao nhiêu triệu người không còn hy vọng, vì tại nhiều nơi trên thế giới, hoàn cảnh của họ ngày càng trở nên trầm trọng”[65].

Có thể nói được rằng, nghịch lý lớn nhất hiện này là thế giới càng văn minh thì cuộc sống con người càng khó thở hơn, càng sản xuất ra nhiều của cải thì càng có nhiều người rơi vào tình trạng đói khổ hơn, càng toàn cầu hoá thì thế giới lại càng phân rẽ hơn, con người đang sống trong một thế giới bị phân chia ra một bên của người giàu và một bên của người nghèo. Nhìn vào mức sống giữa những nước công nghiệp phát triển và những nước đang phát triển có sự chênh lệch rất lớn, mức sống của những nước giàu thì cao hơn 70 đến 80 lần so với các nước nghèo. Nói một cách khác, con người đang tự đào những hố sâu ngăn cách để loại trừ nhau.

Ở đây, rõ ràng không phải là toàn cầu hoá không đủ sức mang lại sự ấm no thịnh vượng cho nhân loại, không đủ khả năng phân chia của cải nhằm phục vụ đời sống con người; nhưng vấn đề nằm ở chỗ toàn cầu hoá đang được xây dựng trên những luật lệ, những cơ cấu thiếu tình liên đới, mạnh được yếu thua, và tất nhiên những kẻ yếu bị loại ra khỏi cuộc chơi. Vấn đề này cũng được Đức giáo hoàng Phaolô VI khẳng định trong Thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc: “Xã hội loài người đang đau ốm trầm trọng. Nguyên nhân của bệnh tình này không phải là tài nguyên của thiên nhiên kiệt quệ hay lòng tham của một số người vơ vét, mà chính là thiếu tình thương huynh đệ giữa người với người cũng như giữa dân tộc với dân tộc”[66].

Qủa thật, tình liên đới giúp chúng ta nhìn người khác, con người, dân tộc hay quốc gia, không phải như bất kỳ dụng cụ nào mà ta khai thác khả năng lao động hay sức dẻo dai thể lý cho đỡ tốn tiền, để rồi sau đó lại vất bỏ khi họ không phục vụ được nữa. Trái lại, ta nhìn “người khác” đó như kẻ “giống” mình, một trợ lực mà chúng ta phải có trách nhiệm làm cho họ đồng hàng vào bữa tiệc cuộc sống. Tình liên đới thúc đẩy chúng ta nhìn nhận người khác như một nhân vị, không còn bóc lột, đàn áp, tiêu diệt người khác, là những thứ có nguy cơ dẫn đến nghèo đói, bất công xã hội, chiến tranh, nhiều khi gây thiệt hại cho sự tự chủ, cho sự tự do định đoạt, và cho cả sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia yếu kém. Về giá trị của tình liên đới, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói rõ trong Sứ điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình: “Trong tinh thần liên đới và với những phương tiện đối thoại, chúng ta học được: lòng tôn trọng tất cả mọi nhân vị; lòng tôn trọng các giá trị chính hiệu và những nền văn hoá nơi kẻ khác; lòng tôn trọng quyền tự trị chính đáng và quyền tự quyết của những kẻ khác; chúng ta sẽ học: nhìn xa hơn bản thân chúng ta, để hiểu và nâng đỡ những gì tốt nơi kẻ khác; hiến những nguồn lợi riêng chúng ta trong sự liên đới xã hội giúp phát triển và tăng trưởng, dựa trên đức công bình và chân lý; thiết lập những cơ cấu biến sự liên đới xã hội và sự đối thoại trở nên những đặc tính bền vững cho thế giới chúng ta đang sống”[67].

Nói một cách khác, việc ý thức thực thi tình liên đới trong đời sống xã hội sẽ đem lại cho xã hội sự hoà bình và phát triển. Những ai có khả năng hơn vì có nhiều của cải và hưởng nhiều dịch vụ chung hơn, sẽ cảm thấy có trách nhiệm đối với những người yếu kém hơn và sẵn sàng chia sẻ cho họ những gì mình có. Về phần mình, những người yếu kém hơn, trong cùng một hướng liên đới, không còn có thái độ thuần túy tiêu cực hoặc phá hoại xã hội, nhưng làm những gì thuộc về phần mình nhằm ích lợi cho mọi người, trong khi vẫn bênh vực những quyền chính đáng của mình. Các nhóm trung gian không còn chỉ quan tâm cách ích kỷ tới những quyền lợi riêng của mình, nhưng tôn trọng quyền lợi kẻ khác.

Tiêu chuẩn đó cũng có thể áp dụng một cách loại suy trong các quan hệ quốc tế. Tình liên đới đòi ta phải vượt lên khỏi những đường lối chính trị đảng phái, đòi hỏi ta từ bỏ mọi hình thức đế quốc kinh tế, quân phiệt hay chính trị, và chuyển biến sự nghi kỵ thành sự cộng tác với nhau. Việc ý thức thực thi tình liên đới trong các quan hệ quốc tế cũng sẽ đạt được giá trị trọn vẹn của nó, khi các nước giàu mạnh biết ý thức trách nhiệm luân lý đối với các nước khác để tiến tới thiết lập một quan hệ quốc tế đích thực với nguyên tắc: mọi dân tộc đều bình đẳng, các sự khác biệt hợp pháp của mỗi dân tộc phải được tôn trọng. Tình liên đới sẽ thực sự trở thành con đường đi tới hoà bình và phát triển, khi các nước yếu kém nhất về mặt kinh tế hoặc đang ở ranh giới của sự sống còn được các nước khác và cộng đồng quốc tế giúp đỡ. Đồng thời, chính những nước này cũng biết đóng góp vào ích chung, nhờ các kho tàng nhân bản và văn hoá của họ[68].

Mặc dù bộ mặt của thế giới hiện tại đang đầy rẫy những bất công và mâu thuẫn, mạnh được yếu thua, nhưng nếu mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều ý thức trách nhiệm liên đới của mình, thì chắc chắn những nghi kỵ và ích kỷ cuối cùng cũng sẽ bị đánh bại. Nếu các quốc gia yếu kém biết tận dụng sự lân cận để cùng nhau tổ chức trên những phần đất rộng lớn, làm thành những vùng phát triển có phối hợp như thiết lập những chương trình chung, điều hợp với đầu tư, phân phối khả năng sản xuất và tổ chức trao đổi hàng hoá, thì nạn đói tất yếu rồi sẽ bị đẩy lùi, hố ngăn cách giàu nghèo sẽ dần được thu hẹp. Ngày đó, thế giới không còn người đói khổ, không còn những bất công, phẩm giá con người ngày càng được tôn trọng và thăng tiến… Mối tương quan giữa các dân tộc sẽ mang dấu ấn tôn trọng lẫn nhau, thân thiện với nhau, tùy thuộc vào nhau để cùng cộng tác, cùng thăng tiến với nhau nhưng mỗi người một trách nhiệm.

Tóm lại, “muốn làm cho việc toàn cầu hoá có ý nghĩa tích cực, cần phải có sự cam kết thâm sâu xây dựng “toàn cầu hoá về tình liên đới” nhờ có một nền văn hoá mới, những quy luật mới và những cơ chế mới trên bình diện quốc gia và quốc tế. Các riêng, cần tăng cường sự hợp tác giữa chính trị và kinh tế, phát động những chương trình riêng biệt để bảo vệ những người có thể trở thành nạn nhân của qúa trình toàn cầu hoá khắp thế giới”[69].

2.3. Lý do công ích


Trong bối cảnh toàn cầu hoá, con người trên địa cầu ngày càng lệ thuộc lẫn nhau hơn, liên đới với nhau chặt chẽ hơn, điều này đòi hỏi bất cứ ai hay tập thể nào, trong sự liên đới và tôn trọng nhân vị của kẻ khác, cũng phải tôn trọng nhu cầu và những nguyện vọng chính đáng của người khác cũng như các tập thể khác; đặc biệt, phải tôn trọng công ích của toàn thể gia đình nhân loại…

Hơn nữa, tình liên đới mà chúng tôi đề nghị ở trên không phải là một mối đồng cảm mơ hồ hay xúc động hời hợt trước những đau khổ của bao người xa gần. Ngược lại, đó là quyết tâm chắc chắn và bền vững lo cho công ích, nghĩa là lo cho ích lợi của tất cả và của từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm về mọi người. Một quyết tâm như vậy dựa trên xác tín vững chắc rằng việc phát triển toàn diện đang bị ngăn trở bởi những thái qúa của toàn cầu hoá ngày nay như lòng ham hố lợi nhuận, lòng khát khao quyền bính… Chỉ có thể lướt thắng được những thái độ và những cơ cấu tội lỗi này nhờ một thái độ hoàn toàn đối nghịch là: dấn thân cho công ích.

Có thể nói được như vậy bởi vì, công ích đòi hỏi hết mọi cá nhân, mọi đoàn thể trung gian đều phải cộng tác, mỗi người theo phạm vi của mình, để mưu cầu thiện ích chung cho toàn thể. Công ích đòi hỏi tất cả phải theo đuổi trong khi theo đuổi những quyền lợi của mình cũng phải quan tâm đến quyền lợi của người khác, đến công ích trong khi cộng tác với mọi người. Họ phải theo những chỉ thị mà công quyền đã xác định, hợp với quy tắc công bình và tùy ở hình thức và giới hạn khả năng của mỗi người.

Công ích đòi hỏi những hành động mà chính quyền truyền xuống tự nó phải đích đáng, phải có nội dung tốt lành, theo luật luân lý, hay ít ra có thể hướng định cho nên tốt. Đứng trước những quyền lợi của con người, công ích cũng đòi hỏi ở chính quyền phải thi hành hai việc, một là hoà giải và bênh vực những quyền lợi đó, hai là cổ võ, nhưng đồng thời giữ mức thăng bằng giữa hai hoạt động này. Tức là, một bên chính quyền đề phòng những ưu thế dành cho cá nhân, hay là cho một số đoàn thể, không được tạo nên trong quốc gia những tình trạng ưu đãi; bên kia, chính quyền phải để tâm bênh vực những quyền lợi của toàn dân, đừng đi đến chỗ áp dụng một chính sách mà rồi ra sẽ tự phản, nghĩa là hạn chế một cách quá đáng, hay là sẽ làm cho những quyền lợi nói trên không thể thi hành một cách hoàn toàn[70].

Hơn nữa, nếu lý do công ích được quan tâm một cách đúng mức, thì mỗi nước sẽ phát huy được đường lối phát triển của riêng mình, trong bối cảnh của sự hợp tác không có não trạng muốn thống trị, về kinh tế cũng như chính trị. Trong những trao đổi, cũng như phân phối của cải trong nội bộ quốc gia hay trên bình diện quốc tế, lý do công ích giúp vượt qua những tương quan quyền lực để đạt đến những thoả thuận sau khi bàn bạc chung nhằm đến lợi ích cho mọi người. Công ích đòi hỏi quyền lực chính trị phải biết tách mình ra khỏi những tư lợi đặc thù để chu toàn những trách nhiệm của mình đối với lợi ích của tất cả mọi người, bằng cách vượt qua cả các biên giới quốc gia.

Và dĩ nhiên, một đường lối như thế chính là con đường đi tới hoà bình và phát triển.

Ở đây chúng ta nên lưu ý rằng, vai trò của công ích là giúp con người thi hành các nhiệm vụ và thực hiện các mục tiêu hiện sinh của mình. Nếu vậy, công ích chỉ có vai trò hỗ trợ và bổ sung. Từ đó có thể suy ra công ích tự nó không phải là mục tiêu. Nó có là để phục vụ con người. Nói thế có nghĩa là không bao giờ được coi con người là một phương tiện thuần túy để đạt được công ích hay các mục tiêu xã hội, “trật tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không ngược lại”[71].

3. Những bước đi cụ thể


3.1. Về chính sách vĩ mô


Từ những phân tích trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, thực ra sáng kiến cá nhân và luật cạnh tranh mà thôi không làm cho việc phát triển được thành công mỹ mãn, nếu không muốn nói là nguy hại cho sự phát triển trong tiến trình toàn cầu hoá. Bởi vì nếu chỉ dựa vào những sáng kiến cá nhân và luật cạnh tranh mạnh được yếu thua thì tài sản và quyền lực của kẻ giàu ngày càng gia tăng, sự cùng cực của người nghèo thêm rõ rệt và ách nô lệ của những kẻ bị áp bức mỗi ngày một thêm nặng nề. Vì thế, phải có chương trình để nâng đỡ, khuyến khích phối hiệp, thay thế và bổ khuyết hoạt động của các cá nhân cũng như của các tập thể trung gian. Chính phủ có quyền quyết định và bắt thể hiện những mục tiêu phải theo đuổi, những đích phải đạt, những phương tiện phải dùng để đi tới. Chính phủ cũng có bổn phận phải thúc đẩy nghị lực của tất cả những ai có trách nhiệm về công cuộc chung này. Nhưng chính phủ cũng phải lưu tâm để các tư nhân và các tập thể trung gian có thể giúp sáng kiến vào đó. Có thế thì mới tránh được nạn tập sản hoá tuyệt đối và kế hoạch hoá độc đoán, xâm phạm đến tự do và sử dụng các quyền căn bản của con người.

Những cố gắng đó muốn thực hiện hữu hiệu, không thể để trong một tình trạng phân tán và rời rạc, càng không thể để đối chọi nhau vì uy thế hay quyền lợi của một số người; hoàn cảnh hiện tại đòi hỏi những chương trình có phối hợp, bởi vì một sự giúp đỡ có kế hoạch bao giờ cũng hữu hiệu hơn một sự giúp đỡ tùy cơ hội hay do thiện chí của từng người. Như chúng tôi đã nói ở trên, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nêu rõ mục tiêu, chỉ định phương tiện, tập trung các nỗ lực, để đáp ứng các nhu cầu hiện tại và những đòi hỏi của tương lai. Hơn nữa, những chương trình như thế còn vượt qúa những mục tiêu của việc phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội; nghĩa là làm cho công cuộc sẽ thực hiện có ý nghĩa, có giá trị, và làm cho con người có thêm phẩm giá trong lúc chỉnh trang thế giới. Nói một cách khác, chính sách vĩ mô phải bao gồm những chính sách xã hội vì sự phát triển con người.

Đặc biệt, ở đây chúng tôi muốn nêu lên một sự chọn lựa ưu tiên mang tính quyết định trong bối cảnh toàn cầu hoá, đó là sự chọn lựa ưu tiên quan tâm đến sự nghèo khổ, vì đây là một trong những điểm nhức nhối nhất của tiến trình toàn cầu hoá hiện nay. Thực tế cho thấy, biết bao nhiêu người trên thế giới ngày nay đang bị đẩy ra bên lề xã hội, họ đang lâm vào tình trạnh đói khát, không cửa không nhà, họ là những người thiếu thốn cùng cực, họ không có gì kể cả những nhu cầu cần thiết nhất, và trên hết họ không còn một chút hy vọng nào về một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta phải để ý đến những thực tại ấy, cũng như để ý đến những quyết định có tính cách chính trị và kinh tế của chúng ta. Cũng vậy, các vị lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong khi có bổn phận luôn luôn phải dành ưu tiên cho chiều kích nhân bản đích thực trong các hệ thống luật pháp, các kế hoạch của mình, thì cũng không được quên rằng, phải quan tâm trước tiên đến nạn nghèo khó đang gia tăng. Và trong việc dấn thân cho người nghèo, không nên xao nhãng hình thức đặc biệt của người nghèo, đó là bị tước đoạt các quyền căn bản của con người.

Tiếc thay, con số người nghèo ngày nay thay vì giảm lại cứ gia tăng, không phải chỉ trong các nước chậm phát triển, nhưng cả trong những nước đã phát triển. Điều đó cũng nói lên mức độ quan tâm đến những người nghèo trong chính sách vĩ mô của các nhà lãnh còn rất thấp và cần được cải thiện.

3.2. Về các định chế trong giao dịch thương mại thế giới


Như chúng ta đã biết, hệ thống thương mại quốc tế ngày nay thường làm nảy sinh việc kỳ thị các sản phẩm của các nền kỹ nghệ non trẻ trong các nước đang phát triển, trong khi đó nó lại làm nản lòng những người khai thác nguyên liệu thô. Nguyên nhân là do các nước đã có kỹ nghệ cao thì xuất cảng nhiều nhất là các hàng hoá chế tạo, còn các nước kém mở mang thì chỉ có thể bán ra các nông phẩm và nguyên liệu. Nhờ có tiến bộ kỹ thuật mà hàng hoá các nước kỹ nghệ tăng giá trị nhanh chóng và bán được dễ dàng. Trái lại, nguyên liệu của các nước kém mở mang bán ra lại thường bị nạn giá cả lên xuống thất thường và đôi khi còn bị ép giá quá đáng. Đàng khác, vẫn tồn tại một thứ phân công lao động quốc tế trong đó các sản phẩm có giá thành thấp của một số quốc gia mà tại đó luật lệ hữu hiệu về lao động không có hoặc qúa yếu, lại được bán ở những nơi khác trên thế giới với những khoản tiền kếch xù do những công ty xuyên quốc gia thực hiện. Vì thế, các dân tộc đã nghèo lại càng nghèo thêm, các dân tộc đã giàu lại càng giàu hơn nữa.

Chính vì vậy, theo chúng tôi, luật “tự do trao đổi” một mình nó mà thôi không đủ để chi phối mối quan hệ giữa các dân tộc. Bởi vì khi các nước hiệp thương với nhau mà tình trạng kinh tế không quá chênh lệch, thì tự do trao đổi qủa là có lợi, bởi vì nó kích thích phát triển và tương lệ nội lực. Khi đó nguyên tắc tự do trao đổi là một luật công bằng. Nhưng giữa các nước có tình trạng kinh tế qúa chênh lệch, thì không còn nói như thế được nữa, vì giá cả “tự do thỏa thuận” trên thị trường có thể đưa tới những hậu qủa bất công. Trong trường hợp này, rõ ràng “sự đồng ý của hai bên ký kết không đủ đảm bảo cho tờ hợp đồng được công bằng, và luật tự do ưng thuận lúc này còn phải lệ thuộc vào những đòi buộc của luật tự nhiên”[72]. Như vậy, “hệ thống thương mại không thể chỉ dựa trên nguyên luật tự do cạnh tranh… Tự do giao thương chỉ công bằng khi nào tuân theo những đòi hỏi của công bằng xã hội”[73].

Nói cách khác, khái niệm “các quy định đồng đều như nhau” áp dụng cho các nước đã phát triển không thể áp dụng trong quan hệ với các nước đang phát triển. Các hệ thống này phải đảm bảo các lợi ích, về mặt lý thuyết là cho mọi người, phải thực sự nằm trong tầm tay của mọi người, cụ thể là trong tầm tay của các nước đang phát triển.

Ai trong chúng ta cũng biết rằng, nếu cứ để mặc cho tự do cạnh tranh thì nền kinh tế trong mỗi quốc gia sẽ xáo trộn nặng nề, và để quân bình nền kinh tế, họ thường phải áp dụng các biện pháp nâng đỡ nông nghiệp và những ngành non yếu qua cán cân thuế khoá và chính sách ưu tiên, đồng thời buộc các ngành kinh tế thịnh vượng hơn phải hy sinh đóng góp nhiều hơn. Cũng vậy, theo thiển ý của chúng tôi, để nâng đỡ thương mại giữa các nước, nhất là trong một thị trường chung, chính sách tài chính, thuế khoá và xã hội của các nước phát triển phải cố giúp cho các ngành kỹ thuật kém phát triển, cho những nước đang phát triển cũng có thể phát triển được như những ngành khác, như các nước khác. Hơn nữa, trong việc thương mại giữa những nền kinh tế phồn thịnh với những nền kinh tế kém mở mang, hoàn cảnh quá khác nhau và khả năng cũng không đồng đều, để sự giao dịch được ngay thẳng, nhân đạo và theo luật công bằng, phải cho cả hai bên những sự may mắn mua bán đồng đều. Muốn đạt tới đó, ngay từ bây giờ phải tạo lập sự công bằng thực sự trong các cuộc thảo luận và thương thuyết. Trong các vấn đề này, nếu có được những thoả hiệp ký kết giữa một số đông quốc gia thì rất có lợi, vì những thoả hiệp đó sẽ đặt những nguyên tắc tổng quát để điều hoà một số giá cả, để bảo đảm cho một số sản phẩm cũng như để nâng đỡ một số kỹ nghệ mới phát sinh.

Mặt khác, mục tiêu cuối cùng và đích thực của việc tự do hoá trao đổi là xóa bỏ các trở ngại trong buôn bán giữa các nước để thúc đẩy sự phát triển cho tất cả các nước, với những trình độ phát triển rất khác nhau. Do vậy:

Đứng về mặt cộng đồng các nước, cần xác lập nguyên tắc xử lý đặc biệt và có phân biệt, thích ứng với trình độ phát triển của các nhóm nước. Quy định thời hạn thích nghi (hay lộ trình) là một nguyên tắc xử lý nhưng rõ rằng là cần có những chính sách khác bổ sung.

Đối với các nước có trình độ phát triển thấp, các lộ trình chỉ là sự triển hạn việc áp dụng các quy chế, trên một số mặt, trong một thời gian nhất định. Khi lộ trình đã kết thúc, việc áp dụng các quy chế là bắt buộc. Cần có sự nỗ lực của bộ máy nhà nước trên cả ba lãnh vực lập pháp, hành pháp, và tư pháp và của các doanh nghiệp nhằm giải quyết những thách thức về chất lượng, về giá cả, về hiểu biết thị trường và về môi trường pháp lý quốc tế và của từng nước đối tác.

Mọi vòng đàm phán của WTO hướng về phát triển bắt buộc phải đề cập trực diện vấn đề thích ứng các nghĩa vụ và nhịp điệu triển khai tự do hoá thương mại với các nhu cầu và khả năng của các thành viên nghèo nhất của WTO.

Cần thực thi cam kết của các nước đã phát triển mở rộng việc nhập khẩu hàng nông sản, vải vóc và nguyên liệu của họ, theo nguyên tắc tự do hoá thương mại. Cũng cần xác định một số nội dung cho các cuộc đàm phán về thương mại trong thời gian tới, đặc biệt việc cập nhật các quy định quốc gia và quốc tế liên quan tới cạnh tranh, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bản địa có thể tham gia vào thị trường trước sức ép của các công ty xuyên quốc gia hoặc của các công ty nước ngoài.

3.3. Về vốn đầu tư cho phát triển


Rõ ràng, việc duy trì và phát triển Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế để giúp đỡ các nước đói kém nhất vẫn luôn là điều cần thiết trong tiến trình toàn cầu hoá hiện nay. Qũy tiền tệ này vừa là hình ảnh, vừa là khí cụ của sự hợp tác giữa các dân tộc. Chỉ có sự hợp tác như thế mới có thể giúp vượt qua những tranh chấp vô ích và khơi nguồn cho một cuộc đối thoại phong phú và hoà bình giữa các dân tộc[74]. Qủa thật, nhờ viện trợ từ Quỹ Tiền Tệ này, các nước được hưởng viện trợ bớt lo ngại rằng, một thứ thực dân mới có thể núp dưới hình thức viện trợ tài chính và kỹ thuật, để gây áp lực chính trị và đô hộ kinh tế, đồng thời để củng cố hoặc để thiết lập sự thống trị của một thiểu số. Mặt khác, vốn viện trợ này có thể giúp cho nhiều nước tìm được một chương trình khả dĩ sửa soạn cho một tương lai bớt cùng cực hơn, tìm thấy những phương tiện cần thiết để tiến bộ. Do đó:

· Các nước đã phát triển, trước tiên là các nước trong OECD, cần tăng thêm nguồn vốn OAD[75], đặc biệt để hỗ trợ cho các nước nghèo nhằm cải cách nền hành chính quốc gia, phát huy nội lực, đầu tư cho y tế, giáo dục và xoá đói giảm nghèo.

· Khao khát vốn đầu tư cho phát triển nhưng các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, cần cân nhắc từng điều khoản khi thương lượng các điều ước quốc tế, đa phương hoặc song phương, nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia và lợi ích của các bên ký kết đều được tôn trọng.

· Từ kinh nghiệm đã qua, các nước cần phát xuất từ thực tế đất nước mình khi thương lượng các điều kiện cho vay, trong đó có chương trình điều chỉnh cơ cấu.

· Việc vay tín dụng song phương và đa phương gắn liền với vấn đề nợ và lãi suất. Cần xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa việc xoá nợ trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương cho các nước nghèo mắc nhiều nợ; Triển khai sáng kiến của Ngân Hàng Thế Giới và Qũy Tiền Tệ Quốc Tế, xóa nợ cho các nước nào chấp nhận chi ngân sách cho các chương trình có mục tiêu tăng cường và nâng cao hạ tầng cơ sở về giáo dục và y tế, mà không được kèm theo bất cứ điều kiện chính trị nào.

· Nợ nước ngoài hiện đang là gánh nặng khó có thể giải quyết được và đang cản trở sự phát triển của các nước nghèo. Về nguyên tắc, dĩ nhiên nợ thì phải trả, nhưng nếu đòi hỏi, yêu cầu phải trả khi mà điều đó đưa tới việc thực sự áp đặt những lựa chọn chính trị, mà thực chất là thúc đẩy cả một dân tộc đến chỗ nghèo đói và thất vọng thì đó là không chính đáng. Người ta không thể đòi hỏi trả những món nợ đã ký kết với cái giá những hy sinh không thể chịu đựng nổi. Trong trường hợp này, biện pháp cơ bản cho vấn đề nợ là phải xây dựng một kiến trúc tài chính – tiền tệ thế giới mới, chấm dứt những phi lý qúa mức về cách tính nợ và các dịch vụ nợ đang bóp nghẹt các nước đang phát triển.

3.4. Về trách nhiệm của mỗi quốc gia


Phát triển đòi hỏi trước hết một óc sáng kiến từ phía các nước cần phát triển. Mỗi nước phải hành động theo trách nhiệm của mình, chứ đừng trông cậy mọi sự vào các nước may mắn hơn, và phải cùng hợp tác với các nước khác có chung một hoàn cảnh. Mỗi nước phải khai thác và sử dụng tối đa phạm vi thuộc tự do của chính mình. Mỗi nước cũng có khả năng đưa ra những sáng kiến đáp ứng cho chính các vấn đề xã hội của mình. Mỗi nước phải nhận ra nhu cầu thực sự của mình, cũng như những quyền hạn và bổn phận phải chu toàn. Việc phát triển các dân tộc được bắt đầu và tìm cách đem ra thực thi thích hợp nhất trong cố gắng của mỗi dân tộc để tự phát triển, trong sự hợp tác với các dân tộc khác.

Để có thể làm được như vậy, các nước phải tự mình nhận ra những ưu tiên và thấy rõ những nhu cầu của mình, tùy theo hoàn cảnh riêng của dân chúng, khung cảnh địa lý hay các truyền thống văn hoá.

Một số quốc gia sẽ phải gia tăng sản lượng thực phẩm để luôn luôn có sẵn những gì cần để nuôi sống. Trong thực tiễn ngày nay, còn có bao nhiêu người chết đói, nhất là trẻ em, chúng ta thấy một số gương các nước, mặc dù không phải là nước phát triển đặc biệt, nhưng đã thành công trong mục tiêu tự túc lương thực, và còn trở thành một nước xuất khẩu thực phẩm. Có những nước khác cần cải tổ lại một số cơ cấu bất công, và cách riêng những định chế chính trị, để thay đổi chế độ chính trị thối nát, chuyên chính và độc đoán bằng những chế độ dân chủ, đề cao việc cộng tác. Đây là một tiến trình mà chúng tôi thiết nghĩ cần được phổ biến và tăng cường, bởi vì “sự lành mạnh” của một cộng đoàn chính trị là điều kiện cần thiết và bảo đảm chắc chắn cho sự phát triển “của toàn bộ con người và của toàn thể mọi người”. “Sự lành mạnh” này bộc lộ qua sự tự do tham gia và trách nhiệm của mọi người công dân trong việc chung, qua sự nghiêm minh của luật pháp, qua sự tôn trọng và thăng tiến các quyền của con người.

Những điều nói trên đây sẽ không thực hiện được nếu không có sự cộng tác của nhiều người, nhất là của cộng đồng quốc tế, trong khuôn khổ một sự liên đới bao gồm mọi người, bắt đầu bằng những người bị đặt ra ngoài lề. Thế nhưng, những nước đang phát triển có bổn phận chính họ thực thi tình liên đới giữa họ với nhau, và với những nước bị cô lập nhất trên thế giới. Chẳng hạn các nước cùng một vị trí địa lý nên thiết lập những hình thức cộng tác giúp họ bớt lệ thuộc vào những nước sản xuất mạnh hơn. Họ nên mở cửa cho các sản phẩm trong vùng, nghiên cứu xem các sản phẩm của mình có thể bổ túc cho nhau không, và hãy liên kết để có được những dịch vụ mà mỗi nước không thể trang bị được, cuối cùng hãy mở rộng sự cộng tác trong lãnh vực tiền tệ và tài chính.

Dù muốn dù không sự tương tùy cũng đã là một thực tại trong nhiều quốc gia ngày nay. Nhận ra điều đó và làm cho nó trở nên tích cực hơn, đó là một giải pháp để giải quyết sự lệ thuộc quá đáng vào các nước giàu mạnh hơn, một giải pháp nằm trong chính đòi hỏi của sự phát triển đáng mong ước, không bằng cách chống đối ai, nhưng bằng cách khám phá và gia tăng tối đa những khả năng của mình. Các nước đang phát triển thuộc cùng một vùng địa lý có thể và phải hợp thành, như người ta đã bắt đầu làm với những kết qủa khích lệ, những tổ chức mới ở cấp vùng, được hướng dẫn do những tiêu chuẩn bình đẳng, tự do và tham gia vào bản hoà tấu của nhân loại.

Điều kiện thiết yếu của sự liên đới giữa tất cả các quốc gia đòi hỏi phải có sự tự chủ và sự tự do định đoạt về mình, ngay cả ở bên trong những tổ chức, như những tổ chức vừa nói trên. Nhưng đồng thời, nó đòi hỏi người ta phải sẵn sàng chấp nhận những hy sinh cần thiết vì lợi ích của cộng đồng thế giới[76].

3.5. Thành lập cơ quan tài phán toàn cầu


Trong xu thế toàn cầu hoá, những tiến triển khoa học và kỹ thuật trong tất cả các lãnh vực của đời sống xã hội gia tăng và siết chặt những tương quan giữa các quốc gia, làm cho sự tùy thuộc của chúng trở nên luôn sâu xa và sống động hơn. Chính vì thế mà bất cứ một vấn đề hệ trọng nào hoặc trong phạm vi khoa học kỹ thuật kinh tế xã hội, hay trong phạm vi chính trị văn hoá, cũng không giải quyết riêng giữa mấy quốc gia với nhau nhưng phải có nhiều nước liên hệ hay cả thế giới tham gia mới giải quyết thoả đáng được.

Do đó, đứng một mình, những cộng đồng chính trị tự mình và với sức lực riêng mình không thể giải quyết xứng hợp những vấn đề lớn hơn của họ, cho dầu những cộng đồng đó nổi tiếng vì một nền văn hoá cao phổ biến rộng rãi, vì số đông và sinh hoạt của các công dân mình, vì hiệu năng của cơ chế kinh tế của mình, vì bề rộng và sự phì nhiêu đất đai của mình. Các quốc gia ảnh hưởng đến nhau, và người ta có thể khẳng định rằng mỗi quốc gia chỉ phát triển khi góp phần làm phát triển những quốc gia khác. Nên họ phải có sự thoả thuận và sự hợp tác với nhau. Điều này giả thiết phải có một cơ quan tài phán toàn cầu.

Nhìn từ góc độ thực tế, rõ ràng, một trong những lý do sâu xa của thảm trạng toàn cầu hoá ngày nay là chưa có một cơ quan tài phán để trả lời đúng mức và kịp thời cho những thách đố của thời đại, ngõ hầu xây dựng một cộng đồng xung túc và hạnh phúc. Việc thiếu vắng một cơ cấu chính trị và pháp lý toàn cầu không cho phép nối kết một cách hữu hiệu các thành phần khác nhau của thế giới, điều chỉnh tình trạng quá bất quân bình trong phân phối lợi tức và can thiệp đúng mức hầu giải quyết các khủng hoảng trên thế giới.

Vì thế để trả lời cho những thách đố của thời đại trong tiến trình toàn cầu hoá, nhân loại cần thiết lập gấp một cơ quan tài phán mới trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, đặt trọng tâm ở phát triển con người và công bình[77]. “Cơ quan tài phán không chỉ có nghĩa là chính phủ. Đây là một cơ cấu luật lệ, thể chế và thực hành nhằm đặt giới hạn và tưởng thưởng thái độ của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Thiếu vắng một cơ quan tài phán mạnh, hiểm hoạ của những xung đột toàn cầu sẽ là một thực tế của thế kỷ XXI: các cuộc chiến thương mại phát sinh do quyền lợi của các quốc gia và các doanh nghiệp, tình trạng bất ổn tài chính không được kiểm soát mở đường cho những xung đột dân sự, tội ác được hoàn cầu hoá một cách man rợ làm nhiễm độc mối tương quan lân bang và vô đạo đức hoá chính trị, doanh thương, cảnh sát”.

Chúng ta thấy cơ quan tài phán toàn cầu mà chúng tôi đề cập đến ở đây cần phải là một tiêu điểm chung về giá trị… Đó là các giá trị căn bản về tôn trọng nhân phẩm, tôn trọng sự sống, tự do, công bằng, bình đẳng, bao dung, tôn trọng lẫn nhau và tính toàn vẹn đã cấu thành nền tảng của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Bản tuyên ngôn Nhân Quyền. Tất cả những cái đó hiện nay cần thiết để thực hiện mục đích của một toàn cầu hoá với khuôn mặt nhân bản.

CHƯƠNG IV. SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI TRƯỚC NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA TOÀN CẦU HOÁ

Theo Công đồng Vatican II, “nỗi vui mừng và hy vọng, buồn khổ và lo âu của con người hôm nay, đặc biệt của những người nghèo và tất cả những ai đau khổ phải là vui mừng và hy vọng, buồn khổ và âu lo của người môn đệ Đức Kitô”[78]. Trong viễn tượng đó, đứng trước những kinh nghiệm buồn thảm của toàn cầu hoá những năm vừa qua, Giáo hội có bổn phận phải khẳng định cách mạnh mẽ, về khả năng có thể lướt thắng những trở ngại ngăn cản sự phát triển hoặc vì thái quá hoặc vì bất cập, và về niềm tin tưởng vào một sự giải phóng đích thực. Hơn nữa, chúng ta có thể nói như vậy bởi vì trách nhiệm đó xét cho cùng được xây dựng trên xác tín của Giáo hội rằng, mỗi biến cố nhân loại đều được đặt dưới bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, là Người kêu gọi mỗi người chúng ta cộng tác với Người trong việc hướng đạo lịch sử tới cùng đích xứng với con người, rằng lịch sử chúng ta sống không khép kín vào chính mình nhưng vẫn hướng về vương triều của Thiên Chúa. Nói cách khác, Giáo hội không thể hạn hẹp mình trong việc phân tích những tiến trình lịch sử xem chúng xảy ra thế nào trong thái độ thụ động hay tuyệt vọng, làm như chúng ngoài khả năng can thiệp của mình, làm như chúng ta đang bị những thế lực mù loà vô hình hướng dẫn. Nhưng ngược lại, Giáo hội được mời gọi, và hơn nữa phải đảm nhận cái thách đố kinh khủng của toàn cầu hoá trong thiên niên kỷ mới này, cho dù chỉ vì tất cả chúng ta đều bị đe dọa do những hiểm hoạ sắp xảy ra như một cuộc khủng hoảng kinh tế, một cuộc chiến tranh không biên giới, không kẻ thắng, không người thua. Một cách cụ thể:

1. Góp phần hình thành những hình thức luận toàn cầu


Như chúng ta đã thấy, toàn cầu hoá trong hình thức hiện nay dường như là kết qủa của những hình thức luận, nó hoàn toàn tùy thuộc vào cách thế con người nghĩ và hành động như thế nào. Trong những năm trở lại đây, chúng ta thấy toàn cầu hoá đang đòi hỏi phải chú ý nhiều hơn tới những hình thức luận toàn cầu, tức là việc trình bày rõ ràng những cách thế chung sống với nhau trong cùng một hành tinh. Chẳng hạn như việc quản trị toàn cầu, hệ thống luật lệ quốc tế, những quan tâm về vấn đề triển khai một nền đạo đức toàn cầu, ngôn ngữ quốc tế để nói về nhân quyền, đặc biệt liên quan đến nữ quyền, đến các dân bản xứ và những dân tộc đang bị đe doạ. Gần đây hơn, một hình thức luận về công lý trên bình diện quốc tế đã chiếm được vị trí quan tâm hàng đầu, với việc thiết lập các toà án quốc tế để xét xử các tội phạm xảy ra bên trong các biên giới của quốc gia, những biên giới này trước đây được coi là bất khả xâm phạm, và là nguồn của những lo âu về vấn đề tội phạm và khủng bố quốc tế.

Những hình thức luận này không phải bao giờ cũng đúng và phục vụ cho sự phát triển toàn diện con người mà ngược lại, đôi khi chúng phủ nhận cả những quyền căn bản của con người. Chẳng hạn như những hình thức luận đưa đến chủ trương Toàn khối hơn thành phần, Kiểu mẫu sức khoẻ mới, Dự phóng chính trị dựa trên luật pháp, Hệ thống luật lệ quốc tế hữu dụng[79]…

Trong bối cảnh đó, Giáo hội cần tích cực hơn nữa trong việc dấn thân và góp phần vào những hình thức luận toàn cầu này liên quan đến môi trường, nhân quyền, và công lý quốc tế. Giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề xã hội, tự nó là một kho tàng qúy báu, cần được mở rộng một cách có ý thức hơn nữa tới những lãnh vực này như nay vẫn đang được thực hiện một cách thận trọng. Giáo hội cần phải đảm nhận vai trò tiên phong trong việc đóng góp, theo quan điểm của Công giáo và Tin mừng, điều mà Tin mừng đã đề nghị cho những lãnh vực này, là những lãnh vực cốt yếu để có thể sống và có được hoà bình trên hành tinh này.

Phải thành thực nhìn nhận rằng, Giáo huấn xã hội của Giáo hội những năm vừa qua đã có những đóng góp đáng kể, nhưng xem ra Giáo hội vẫn chưa tìm ra được, hoặc nếu có thì chỉ đi sau thời đại, những phương pháp về xã hội, văn hoá và chính trị để truyền bá sự thật mà Giáo hội được uỷ thác trong thế giới đang thay đổi đến mức chóng mặt. Do đó, điều cần thiết là một sự đánh giá lại và một sự canh tân về Giáo huấn của Giáo hội.

Một điểm mở ra ở đây là Giáo hội cần phải tích cực hơn nữa trong việc đối thoại với khoa học tự nhiên và nhân văn, nếu Giáo hội muốn định hướng cho các hình thức luận đi đúng hướng. Thực vậy, trong một thời đại mà chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa tất yếu lịch sử đang thống trị trong vòng các nhà khoa bảng thế tục, Giáo hội Công giáo nổi lên như một người bảo vệ kiên quyết cho lý trí. Lý luận của Giáo hội không phải là thứ lý trí tính toán như của Hobbes[80] trong vấn đề cảm xúc, cũng không phải thứ chủ nghĩa duy lý khoa học hẹp hòi, nhưng đúng ra là lý luận năng động, hồi quy với những quá trình có khả năng tự sửa sai trong nhận thức. Điều đó cho phép Giáo hội trong khi tiếp nhận những thực tại lịch sử cách nghiêm túc, vẫn có khả năng vạch ra cơ sở cho nền văn hoá đa quốc với sự thống nhất năng động của trí óc con người trong quá trình liên hệ và hồi quy. Sự dấn thân trong luận lý vừa mời gọi vừa buộc Giáo hội dự phần vào khoa học tự nhiên và nhân văn ở mức độ cao nhất.

2. Liên kết thế giới


Thực tế cho thấy, toàn cầu hoá, đặc biệt là toàn cầu hoá về phương diện kinh tế cũng lấy đi mất quyền tự trị của địa phương đối với những quyết định căn bản liên quan đến hạnh phúc của con người. Những phương tiện truyền thông có thế mạnh có thể đe doạ áp đảo ngôn ngữ và cách diễn tả văn hoá địa phương. Những vấn đề về căn tính và sự tự trị có thể đẩy dân chúng tới chỗ phản kháng mãnh liệt. Những nỗ lực như thế thường là cần thiết để sống còn. Nhưng những nỗ lực ấy cũng có thể bị các nhà cầm quyền địa phương lèo lái nhằm phục vụ những lợi ích riêng tư.

Cho dù trường hợp nào đi nữa, những nỗ lực ấy cũng tạo nên một nghịch lý căn bản liên quan đến việc toàn cầu hoá, nghĩa là cho dù thế giới ra như đang trở nên càng ngày càng đồng dạng hơn, thì thế giới lại đào sâu thêm tính đa dạng, thế giới lại vẫn tiếp tục tự khẳng định.

Một lần nữa, ở cấp độ địa phương, tức là nơi hầu hết dân chúng đang sống, Tin mừng phải đề cập tới những thực tại cụ thể và trực tiếp. Một trong những nhiệm vụ của Giáo hội là phải giúp dân chúng thấy rõ căn tính địa phương của họ, dưới ánh sáng đức tin của họ, và phải liên kết căn tính ấy với những thực tại rộng lớn hơn đang ảnh hưởng đến căn tính ấy.

Việc liên kết với các thực tại toàn cầu bao gồm, một đàng việc đưa các thực tại ấy vào cấp độ địa phương, đàng khác là phê phán các thực tại ấy, và kháng cự lại nếu cần. Nói cách khác, nhiệm vụ của Giáo hội là phải sáng tạo những khoảng không gian xã hội, nơi đó người dân có thể gặp thấy chính bản thân mình và gặp gỡ nhau, đồng thời cùng nhau gánh vác cuộc đời.

Ngoài ra, Giáo hội cần phải tìm ra những phương thế để đóng góp và nối kết hình thức luận toàn cầu với địa phương. Những công việc nối kết này sẽ đòi hỏi vừa phải trung thành sống Tin mừng trong cuộc sống ở địa phương, lại vừa phải biết phê phán những hình thức luận và những cách thực hành cả toàn cầu lẫn địa phương đang làm sai lạc và biến chất phẩm giá của con người. Đồng thời, toàn cầu hoá hiện nay cũng thúc đẩy chúng ta phải tìm ra những hình thức liên đới mới cả ở cấp độ toàn cầu lẫn ở cấp độ địa phương.

Liên đới ở đây phải là cái gì hơn hẳn lời kêu gọi đoàn kết tranh đấu hay một khái niệm chung chung về sự nhất trí trong tư tưởng. Tình liên đới này phải được chuyển thành những hành động cụ thể. Việc triển khai những khái niệm thần học về tình liên đới, như đã được đưa vào học thuyết xã hội của Giáo hội từ hai mươi lăm năm qua, phải là trọng tâm của nỗ lực này. Hơn nữa, cũng đã đến lúc phải tính đến việc làm sao đưa nguyên tắc của tình liên đới vào trong thực hành cụ thể trong những điều kiện khác biệt về xã hội và chính trị.

3. Tham gia các hoạt động xã hội


Vì vấn đề xã hội đã có chiều kích quốc tế, nên tình thương bác ái Kitô giáo cũng như các quyết định do tình thương đó gợi lên, không thể không bao trùm đám đông vô số những người đói khát, những người hành khất, những kẻ không nhà, những người thiếu thốn thuốc men, và trên hết, những người không còn một chút hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Tông huấn Giáo hội tại Á châu ghi rõ: “Không biết đến thực tại này, tức là trở thành người giàu có nói mình không biết đến người nghèo Ladarô đang nằm ngoài cổng nhà mình”[81].

Thật vậy, có thể nói được rằng, một trong những sứ mệnh cấp bách và thiết thực nhất của Giáo hội trước những thách đố của toàn cầu hoá là sự chọn lựa hay sự ưu tiên dành tình thương cho sự nghèo khổ. Điều đó liên quan đến đời sống của Giáo hội và của mỗi Kitô hữu, không những vì phải bắt chước Chúa Kitô mà còn vì trách nhiệm xã hội của mỗi chúng ta.

Giáo Hội đứng về phía người nghèo, nhưng lựa chọn đó không có tính cách loại trừ và kỳ thị đối với những người khác. Sự lựa chọn này không chỉ giới hạn vào việc túng thiếu về vật chất: vì ai cũng biết là có nhiều hình thức nghèo khác, đặc biệt trong xã hội tân tiến, không những nghèo về mặt kinh tế, mà còn nghèo về văn hoá và tinh thần nữa. Tình yêu thương của Giáo Hội dành cho người nghèo, tối cần cho Giáo Hội và là một phần trong truyền thống của Giáo Hội, buộc Giáo Hội phải quan tâm tới một thế giới trong đó tình trạng nghèo túng đang đe doạ trở thành qui mô mặc dầu có những tiến bộ về kỹ thuật và kinh tế. Trong những quốc gia ở Tây phương, có sự nghèo dưới nhiều hình thức, như các nhóm người sống ngoài lề xã hội, như những người già cả và ốm đau, những nạn nhân của chủ nghĩa tiêu thụ và còn hơn nữa quá nhiều người tị nạn hoặc di dân; trong các quốc gia đang phát triển, thảm hoạ sẽ tới nếu không có những biện pháp phối hợp của quốc tế trước khi đã quá muộn[82].

Sự quan tâm tích cực đến người nghèo, được gọi bằng thành ngữ thật diễn cảm “những người nghèo của Thiên Chúa”[83], phải được thể hiện ở mọi mức độ, bằng những hành vi cụ thể để có thể chắc chắn đạt được một số những cải cách cần thiết. Cụ thể, Giáo hội cần tăng cường công tác mục vụ giữa những đám người này, quan tâm tới những lo âu của họ và tới những vấn đề công bình ảnh hưởng tới đời sống của họ. Điều này ngụ ý một thái độ kính trọng sâu xa tôn giáo truyền thống của họ và các gía trị của nó, cũng ngụ ý cần thiết giúp đỡ họ để họ tự giúp lấy mình, ngõ hầu họ có thể làm việc để cải thiện thân phận của họ. Tắt một lời, Giáo hội phải làm tất cả những gì có thể để thăng tiến phẩm giá của họ, để hành động có ích lợi cho những kẻ bị bóc lột nhất.

Đặc biệt là đối với những người di dân trong bối cảnh toàn cầu hoá, “Giáo Hội phải ý thức về những vấn đề do hoàn cảnh tạo ra và cố gắng hết sức thực thi hoạt động mục vụ của mình giữa những người di dân này, để giúp họ lập nghiệp dễ dàng trong phần đất và đồng thời gợi ý cho dân địa phương có thái độ tiếp nhận, vì xác tín rằng sự tiếp nhận nhau sẽ lôi kéo theo sự làm giàu có cho mọi người. Những cộng đồng Giáo Hội phải thấy qua hiện tượng này một ơn gọi đặc thù sống giá trị Tin Mừng của tình huynh đệ, và đồng thời một sự mời gọi hăng hái sống đạo với một hoạt động truyền giáo sâu sắc hơn.

Theo nghĩa này, Giáo hội phải là một luật sư tỉnh thức, chống bất cứ hạn chế bất công nào, để bênh vực quyền tự nhiên của tất cả mọi người được di chuyển tự do bên trong xứ sở của mình và từ xứ này qua xứ khác. Phải quan tâm tới các quyền của những kẻ di dân và của gia đình họ, tôn trọng phẩm giá nhân vị của họ, kể cả trong những trường hợp di dân bất hợp pháp. Đối với những người di dân, phải có một thái độ hiếu khách và niềm nở, thái độ đó khuyến khích họ chen chân vào đời sống Giáo Hội, nhưng vẫn luôn bảo tồn quyền tự do và căn tính văn hoá riêng của họ. Trong mục đích này, việc cộng tác giữa những giáo phận từ đó họ ra đi và những giáo phận họ tới nhập, nhất là nhờ những cấu trúc mục vụ xứng hợp mà luật pháp và việc thực hành của Giáo Hội đã dự liệu, (việc cộng tác đó) được chứng minh là hữu ích nhất. Nhờ vậy người ta bảo đảm được việc nâng đỡ mục vụ thích hợp nhất và đầy đủ nhất”[84].

Bên cạnh đó, cộng tác tích cực và hoà bình vào công cuộc kiến tạo một thế giới khác hơn cũng là một vấn đề thiết nghĩ Giáo hội cần cổ võ con cái mình phải lưu tâm. Giáo hội nên cổ võ con cái mình tham gia vào các tổ chức cũng như các hiệp hội dân sự vốn đang đề xướng một giải pháp khác và đang tranh đấu chống lại sự bất công, bất bình đẳng, bất quân bình trong các lãnh vực kinh tế, xã hội và văn hoá. Con cái của Giáo hội cần phải liên đới với tất cả những người nam cũng như nữ trên thế giới này đang dấn thân hết mình vào cuộc chiến nhằm làm giảm bớt sự nghèo đói.

Ngoài ra, Giáo hội ở mỗi cấp độ, cũng cần phải tham gia vào những hoạt động gây ý thức cho công luận quốc tế về những vụ vi phạm nhân quyền, hay tham gia vào các nhóm nhằm gây áp lực đối với một số chính phủ và các định chế. Điều này rất quan trọng và mang lại những kết qủa hữu ích đối với cuộc sống của nhiều người, cũng như những điều kiện sống của họ, ngay cả khi liên quan đến những vấn đề địa phương xem ra bề ngoài rất hạn chế.

Nói cách khác, mỗi phần tử Giáo hội chúng ta phải dám tố cáo tất cả những gì trái ngược với luân thường đạo lý trong thời toàn cầu hoá và nhân bản hoá nền toàn cầu hoá bằng chính Tin mừng, như lời Đức Gioan Phaolô II kêu gọi nhân dịp Đại năm thánh 2000: “Các Kitô hữu hãy lên tiếng bênh vực vì quyền lợi của những người nghèo nhằm yêu cầu các cường quốc, nếu không xóa nợ hoàn toàn thì cũng giảm những khoản nợ chính yếu đang đe dọa tương lai của rất nhiều quốc gia”[85]

THAY LỜI KẾT

Qua những phân tích ở trên, chúng ta phải công bằng nhìn nhận rằng, toàn cầu hoá hiện nay, một mặt mang lại những cơ hội cũng như cống hiến cho nhân loại những tiến bộ vuợt bậc; nhưng mặt khác hậu qủa tiêu cực của nó cũng không kém, ngoài những rủi ro có thể mang lại, toàn cầu hoá cũng gây thiệt hại cho người nghèo, đẩy các quốc gia nghèo hơn ra bên lề các quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế, cũng như biết bao nhiêu vấn nạn khác.

Có thể nói được rằng, toàn cầu hoá tự nó không tốt không xấu, “toàn cầu hoá... sẽ trở nên cái gì tuỳ thuộc cách thức người ta tác động lên nó”[86].

Đứng trước một toàn cầu hoá như thế, chúng ta phải làm sao khôn ngoan tránh tình trạng thái quá hay bất cập như một số người chủ trương, chúng ta không thể nào chấp nhận thái độ cự tuyệt hoàn toàn hoặc chấp nhận một cách ngây ngô, vì dù muốn dù không, tiến trình toàn cầu hoá vẫn diễn tiến theo sự đi lên của thế giới.

Thái độ tích cực theo chúng tôi ở đây là chúng ta phải đón nhận nó như một thực tại, nhưng không phải một thực tại theo chủ nghĩa tất yếu lịch sử[87] chủ trương, một thực tại nằm ngoài khả năng can thiệp của con người. Ngược lại, với xác tín rằng mỗi biến cố nhân loại đều được đặt dưới bàn tay quan phòng của Thiên Chúa và Người kêu gọi mỗi người chúng ta cộng tác với người trong việc hướng đạo lịch sử tới cùng đích xứng với con người, chúng ta cần tích cực tìm hiểu cũng như phân tích toàn cầu hoá một cách khách quan để hiểu được ý nghĩa của nó, để có thể hướng đạo được nó cho mục tiêu đúng đắn là hạnh phúc và sự phát triển toàn diện con người.

Để có thể làm được công việc này, như đã phân tích ở trên, không phải vì chủ quan nhưng vì tính hữu lý của nó, chúng ta không còn con đường nào khác đó là quay trở về với những giá trị Tin mừng: sự hiệp nhất nhân loại, phẩm giá con người, công ích… Nói cách khác, những giá trị Tin mừng phải trở thành những nguyên tắc, những chuẩn mực để xây dựng một nền toàn cầu hoá vì hạnh phúc và sự thăng tiến của toàn thể nhân loại.

Trong nỗ lực đó, Giáo hội và con cái của mình phải là những mẫu gương và là những người hướng đạo, vì họ được mời gọi theo chương trình đã được chính Chúa Giêsu công bố trong hội đường Nadarét: hãy “báo Tin mừng cho kẻ nghèo…, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, loan tin cho người mù biết…”[88]. Vai trò của họ là làm sinh động các thực tại trần thế như những chứng nhân và những kẻ xây dựng hoà bình và công lý.

Nói một cách khác, công việc này phải khởi đi từ mỗi người Kitô hữu chúng ta, như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắn nhủ ngày 09-04-2001: “Bạn thường hỏi chính mình: Khi nào thế giới của bạn được rập khuôn theo sứ điệp của Tin mừng? Câu trả lời đơn thuần là: Khi nào, trước hết là chính bạn, hành động và suy tư một cách thường xuyên như Đức Kitô thì ít nhất một phần nào đó của thế giới sẽ thuộc về Người qua chính con người bạn vậy”[89].

Nếu được như vậy, chắc chắn chúng ta có quyền hy vọng vào một cộng đồng thế giới văn minh, hợp nhất, liên đới, công bằng và hạnh phúc hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Anthony McGrew & Paul Lewis…, Globalisation and the Nation-State, Policy Press, Cambridge, 1992.
2. Bạch Thụ Cường, Bàn Về Cạnh Tranh Toàn Cầu, Nxb. Thông Tấn, Hà Nội – 2002.
3. Bản Tuyên Bố Kết Thúc Hội Nghị Khoáng Đại LLHĐGMAC, tại Thái Lan, 2000.
4. Bjorn Hettne, Global Market versus Regionalism, Insititute for International Relation, 2000.
5. CD Rom Vietcatholic 2001.
6. Charles Oman, Toàn cầu hoá và khu vực hoá: Thách đố nào đối với các nước đang phát triển, Đỗ Quốc Sam dịch, 2000.
7. David C. Korten, Bước Vào Thế Kỷ XXI, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội – 1996.
8. Denis Maugenest, Bộ Sưu Tập Các Thông Điệp Xã Hội Của Các Đức Giáo hoàng từ Cleo XIII đến Gioan Phaolô II, Paris – 1985.
9. Dòng Đa Minh, Công Vụ Tổng Hội Providence, USA – 2001.
10. Dương Phú Hiệp & Vũ Văn Hà, Toàn cầu hoá Kinh tế, Nxb Khoa học xã hội, 2001.
11. Đinh Thị Thơm, Toàn cầu hoá và Khu vực hoá: Cơ hội và thách thức với các nước đang phát triển, Nxb. Khoa học xã hội, 2000.
12. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
13. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội Á Châu, Năm Thánh 2000, Lm. Nguyễn Ngọc Sơn chuyển dịch.
14. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Mỹ Châu.
15. Graham Thompson, Introduction: Situating Globalization, International social sciences journal, 1999, số 10.
16. Hans Rimbert Hemmer, Toàn Cầu Hóa Với Các Nước Đang Phát Triển, Nxb. Đại Học Quốc Gia, Hà Nội – 2002.
17. Hội Đồng Giáo Hoàng “Công Lý và Hoà Bình”, Nhân Quyền và Giáo Hội. Nxb. Định Hướng, 1999.
18. Học viện Quan hệ quốc tế, Tài Liệu Tập Huấn Lần Thứ 14, Hà Nội, 2000.
19. Immanuel Wallerstein, Globalization or the Age of transition?, Asian perspective, 2000, số 2.
20. Karl H. Peschke – SVD, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt, Nxb. C. Goodlife Neale, Alcester, 1986.
21. Kim Yong-Bock, An Asian Proposal for Future Directions of Theological Curricula in the Context of Globalization, East Asian Pastoral Review, 2003, số 3.
22. Lê Bá Thuyên, Chiến Lược Toàn Cầu Mới Của Mỹ, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội – 1997.
23. Leo Suryadinata, Nationalism anh Globalization, Singapore: ISEAS, 2000.
24. Marry Farrell & Peter Pogany, Globalization and Regional Economic Integration: Problems and Prospects, Insititute for International Relation, 2000.
25. Michel Schooyans, Mặt Trái Của Vấn Đề Toàn Cầu Hoá, Nguyệt san Inside The Vatican – Tháng 10/2001, tr. 44-47.
26. Mikhain Simai, Toàn cầu hoá: Nguồn gốc của cạnh tranh, xung đột và cơ hội, Nxb Khoa học xã hội, 2000.
27. Nguyễn Ngọc Trân, Một Số Vấn Đề Kinh Tế Toàn Cầu Hiện Nay, Nxb. Thế Giới, Hà Nội – 2003.
28. Nguyễn Quang Sách, Bản Chất Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội.
29. Nguyễn Thái Hợp, Bước Theo Đức Kitô, Nxb. Dấn Thân, Houston – 2001.
30. Nguyễn Thái Hợp, Giá Trị Đạo Đức Trong Cơn Lốc Thị Trường, Nxb. Dấn Thân. Houston – 2000.
31. Nguyễn Thái Hợp, Một Nửa Hành Trình, Nxb. Chân Lý, 1997.
32. Nguyễn Trọng Chuẩn, Giá Trị Truyền Thống Trước Những Thách Thức Của Toàn Cầu Hóa, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội – 2002.
33. Nguyễn Văn Thanh, Những Mảng Tối Của Toàn Cầu Hoá, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội – 2003.
34. Nguyễn Xuân Thắng, Toàn cầu hoá và vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế trong các nước đang phát triển và chuyển đổi, Nxb. Hà Nội, Hà Nội – 1999.
35. Nhiều tác giả, Văn Hóa Trong Phát Triển và Toàn Cầu Hóa, Nxb. Hà Nội, Hà Nội – 1996.
36. R. Veritas, Chân Lý Và Tự Do, Tài Liệu Giáo Lý Cho Người Trưởng Thành.
37. R. Veritas, Những Vấn Đề Lớn Của Người Kitô Hữu Trong Thế Giới Ngày Nay.
38. Randy Charles Epping, Hướng Dẫn Bước Vào Thị Trường Quốc Tế, Nguyễn Vân Quỳnh biên dịch, Hà Nội, 1995.
39. Richard Higgott & Nicola Phillips, Challenging triumphalism and convergence: The limits of global liberalization in Asia and Latin America, Review of International Studies, 2000, số 26.
40. Sanjaya Lall, Globalization and East Asia, Asia Development Forum, Singapore, 5-8 June 2000.
41. Tạp Chí Những Thách Đố Của Hội Thánh Công Giáo, số 7, 11.
42. TGM. Fx. Nguyễn Văn Thuận, Huấn Quyền Học Thuyết Xã Hội Công Giáo.
43. Toàn Cầu Hoá, Quan Điểm Thực Tiễn Và Kinh Nghiệm Quốc Tế, Nxb. Thống Kê, Hà Nội–1999.
44. Trần Khánh, Liên Kết ASEAN Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội – 2002.
45. Trần Minh Cẩm, Giáo Hội Trước Thềm Năm 2000, Sài Gòn-1999.
46. Trần Nhu, Toàn Cầu Hóa Hôm Nay & Thế Giới Thứ Ba, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh – 2001.
47. http://vietcatholic.net/news/
48. http://www.danchua.com
49. http://www.ecclesia.com
50. http://www.egroups.com
51. http://www.nguoitinhuu.com/dvd/

[1] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Bước Theo Đức Kitô, Dấn Thân, Houston-2001, tr. 195.
[2] Lời Đức Giáo hoàng nhắn nhủ các Kitô hữu trước hiện tượng toàn cầu hoá ngày 09-04-2001, VietCatholic News, Vatican, 10-04-2001.
[3] Gaudium et Spes, số 1.
[4] Cuộc thám hiểm bằng đường biển khám phá ra châu Mỹ (do Columbus phát hiện ra vào năm 1492) và vùng Ấn Độ và Viễn Đông của châu Á (do Vasco da Gama thực hiện vào năm 1498) của người Bồ Đào Nha vào cuối thế kỷ XV là bước ngoặt về phát hiện địa lý, mở đầu qúa trình quốc tế hóa trên quy mô toàn cầu. Còn công ty Đông Ấn của Anh (thành lập vào năm 1600), của Hà Lan (1602) và của Pháp (1664) là đội quân tiên phong đầu tiên, vừa đảm nhiệm chức năng thương mại, vừa là công cụ truyền bá và áp đặt các tiêu chuẩn và lối sống phương Tây trên quy mô toàn thế giới.
[5] WB: viết tắt từ tiếng Anh “World Bank”
[6] IMF: viết tắt từ tiếng Anh “International Monetary Fund”
[7] GATT: viết tắt từ tiếng Anh “General Agreement on Tariffs and Trade”. GATT được ký vào năm 1947. Đây là cơ sở đàm phán để hình thành nên tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) ngày nay.
[8] Xc. Mary Farrell and Peter Pogany, Globalization and Regional Economic Integration: Problems and Prospects (Học viện Quan hệ quốc tế, Tài liệu tập huấn lần thứ 14, Hà Nội, 2000), tr. 2.
[9] GNP: viết tắt từ tiếng Anh “Gross National Product” (Tổng sản phẩm quốc dân)
[10] Xc. Graham Thompson, Introdution: Situating Globalization, International Social Sciences Journal, UNESCO, 1999, No. 10, p. 140
[11] GDP: viết tắt từ tiếng Anh “Gross Domestic Product” (Tổng sản phẩm nội địa)
[12] Xc. Trần Anh Ngọc, Mặt Tối Của Bức Tranh Toàn Cầu Hoá, Tc. Khoa Học Và Đời Sống, Số Xuân Tân Tỵ, tr. 5.
[13] Shahid Yusuf, Where the World is heading toward: Globalization, Localization and the Pattern of Development, Singapore, 5 June 2000, p. 1.
[14] Mikhain Simai, Toàn Cầu Hoá, Nguồn Gốc Của Cạnh Tranh, Xung Đột và Cơ Hội, Viện Thông Tin Khoa Học, 2000, tr. 200.
[15] Toàn Cầu Hoá, Quan Điểm Thực Tiễn Và Kinh Nghiệm Quốc Tế, Nxb. Thống Kê, Hà Nội – 1999, tr. 86.
[16] FDI: viết tắt từ tiếng Anh “Foreign Direct Investment”.
[17] ASEAN: viết tắt từ tiếng Anh “Association of South-East Asian Nations”
[18] Xc. Tài liệu Hội thảo “Kinh tế tri thức và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, Hà Nội, 21-22/06/2000. tr.7.
[19] WTO: viết tắt từ tiếng Anh “World Trade Organization”.
[20] MERCOSUR: viết tắt từ tiếng Tây Ban Nha “Mercado Común del Sur”
[21] EU: viết tắt từ tiếng Anh “European Union”
[22] NAFTA: viết tắt từ tiếng Anh “North American Free Trade Agreement”
[23] AFTA: viết tắt từ tiếng Anh “ASEAN Free Trade Area”.
[24] APEC: viết tắt từ tiếng Anh “Asia-Pacific Economic Cooperation”.
[25] OECD: viết tắt từ tiếng Anh “Organization for Economic Cooperation and Development” (Tổ chức Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển).
[26] 217 Quốc Gia Và Lãnh Thổ Trên Thế Giới, Nxb. Thống Kê, Hà Nội-2003, tr. 33.
[27] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Bước Theo Đức Kitô, Dấn Thân, Houston-2001, tr 201-202.
[28] UNDP: viết tắt từ tiếng Anh “United Nations Development Program” (Chương trình phát triển của LHQ)
[29] UNDP, Báo cáo phát triển con người năm 2002.
[30] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Bước Theo Đức Kitô, Dấn Thân, Houston-2001, tr. 203-204.
[31] Lm. Nguyễn Thái Hợp O.P, Bước Theo Đức Kitô, Dấn Thân, Houston-2001, tr. 204.
[32] Xc. Dòng Đaminh, Công Vụ Tổng Hội Providence, Rhode Island, USA-2001, số 40.
[33] Xc. Nguyễn Thái Hợp O.P, Bước Theo Đức Kitô, Dấn Thân, Houston-2001, tr. 205-206.
[34] Xc. Nguyễn Thái Hợp O.P, Bước Theo Đức Kitô, Dấn Thân, Houston-2001, tr. 208.
[35] Xc. UNDP, Báo cáo phát triển con người năm 2002.
[36] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 40.
[37] SAP: viết tắt từ tiếng Anh “Structural Adjustment Policies”.
[38] Raymond W. BAKER và Jennifer NORDIN, A 150-to-1 ratio is far too lopsided for comfor, International Herald Tribune, 5-2-1999.
[39] Xc. Overseas Chinese Business Networks in Asia, Australia Department of Foreign Affairs and Trade, 1995, tr. 163.
[40] Xc. Lời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắn nhủ các Kitô hữu trước hiện tượng toàn cầu hoá ngày 09-04-2001, VietCatholic News, Vatican, 10-04-2001.
[41] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Mỹ Châu, số 20.
[42] Xc. Bài diễn văn của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II với Hàn Lâm viện Khoa học Xã hội tại Vatican ngày 27-04-2001.
[43] Xc. Bài diễn văn của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II với Hàn Lâm viện Khoa học Xã hội tại Vatican ngày 27-04-2001.
[44] Xc. Bài phát biểu của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi tiếp kiến các tham dự viên khoá họp khoáng đại của Hàn Lâm viện Khoa học Xã hội tại Vatican vào ngày 02-05-2003, VietCatholic News, Vatican 03/05/2003.
[45] Xc. Bài phát biểu của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi tiếp kiến các tham dự viên khoá họp khoáng đại của Hàn Lâm viện Khoa học Xã hội tại Vatican vào ngày 02-05-2003, VietCatholic News, Vatican 03/05/2003.
[46] Xc. Bài phát biểu của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi tiếp kiến các tham dự viên khoá họp khoáng đại của Hàn Lâm viện Khoa học Xã hội tại Vatican vào ngày 02-05-2003, VietCatholic News, Vatican 03/05/2003.
[47] Xc. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Mỹ châu, số 55.
[48] Xc. Dòng Đaminh, Công Vụ Tổng Hội Providence, USA-2001, số 42.
[49] Dòng Đaminh, Công Vụ Tổng Hội Providence, USA-2001, số 33.
[50] Xc. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, số 32-33.
[51] Xc. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Quan Tâm Đến Vấn Đề Xã Hội, số 11-26; Thông Điệp Bách Chu Niên, số 33.
[52] Goan Phaolô II, Thông Điệp Quan Tâm Đến Vấn Đề Xã Hội, số 33.
[53] Gioan Phaolô II, Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình, 1988, số 1.
[54] Xc. Gioan Phalo II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, số 33.
[55] Xc. Phalo VI, Thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc, số14.
[56] Xc. Phalo VI, Thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc, số18.
[57] Xc. Phalo VI, Thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc, số 34.
[58] Xc. Bài diễn văn của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II với Hàn Lâm viện Khoa học Xã hội tại Vatican ngày 27-04-2001, VietCatholic News, Vatican 28/04/2001.
[59] Gaudiem et Spes, số 85.
[60] Xc. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Bách Chu Niên, số 35.
[61] Xc. Gioan Phaolo II, Tiến Về Ngàn Năm Thứ Ba, tr. 192.
[62] Gioan Phaolô II, Sứ Điệp Truyền Thanh Giáng Sinh, 1994, số 26.
[63] Phát biểu tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Thế Giới về lương thực từ ngày 10 – 13/6/2002 tại Roma.
[64] Xc. 217 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, Nxb. Thống Kê, Hà Nội, 2003, tr. 51-52.
[65] Gioan Phaolô II, Sollicitudo Rei Socialis, số 13.
[66] Phaolô VI, Thông Điệp Phát Triển Các Dân Tộc, số 66.
[67] Gioan Phaolô II, Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình, 1986, số 5.
[68] Xc. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Quan Tâm Đến Vấn Đề Xã Hội, số 39.
[69] Xc. Gioan Phaolô II, Toàn Cầu Hoá Tình Liên Đới, Báo L’Osservatore Romano, 11-07-2001
[70] Xc. Gioan XXIII, Thông Điệp Hoà Bình Trên Thế Giới, số 130-137.
[71] Xc. Gaudium et Spes, số 26,3.
[72] Xc. Lêo XIII, Thông Điệp Tân Sự, số 34.
[73] Xc. Phaolô VI, Thông Điệp Phát Triển Các Dân Tộc, số 59.
[74] Xc. Phaolô VI, Thông Điệp Phát Triển Các Dân Tộc, số 51.
[75] OAD: viết tắt từ tiếng Anh “Official Development Aid” (Hỗ trợ chính thức phát triển)
[76] Xc. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Quan Tâm Đến Vấn Đề Xã Hội, số 44-45.
[77] Phần này chúng tôi xin trích lại từ tác phẩm Bước Theo Đức Kitô linh mục Nguyễn Thái Hợp O.P, Dấn Thân, Houston-2001, tr. 215-216, vì xét thấy đây là một giải pháp rất cần thiết cho toàn cầu hoá ngày nay.
[78] Gaudium et Spes, số 1.
[79] Xc. Rev Michel Schooyans, Mặt Trái Của Vấn Đề Toàn Cầu Hoá, Nguyệt san Inside The Vatican, tháng 10 năm 2001.
[80] Thomas Hobbes, một triết gia người Anh, một nhân vật chịu ảnh hưởng bởi hệ thống tân vật lý của Galileô, cũng như vì bị tác động bởi cuộc nội chiến Anh Quốc, nên đã tỏ ra chối bỏ con người là một hữu thể xã hội theo tự nhiên. Theo triết gia này, con người luôn sống theo động lực vị kỷ, bởi thế họ mới cần có một vương chủ có toàn quyền cai trị họ, bằng không cuộc đời của họ sẽ trở nên nghèo nàn, thô tục, hung bạo và ngắn ngủi.
[81] Xc. Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Á châu, số 34.
[82] Xc. Centesimus Annus, số. 5.
[83] Bởi vì Chúa muốn đồng hoá với họ (Mt 25, 31-46).
[84] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội Tại Mỹ Châu, số 65.
[85] Xc, Tertio Mellenio adveniente, số 51.
[86] Xc. Bài diễn văn của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II với Hàn Lâm viện Khoa học Xã hội tại Vatican ngày 27-04-2001, VietCatholic News, Vatican 28/04/2001.
[87] Chủ nghĩa này coi mọi hiện tượng xảy ra trong xã hội là do tất yếu lịch sử.
[88] Lc 4, 18-19.
[89] Lời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắn nhủ các Kitô hữu trước hiện tượng toàn cầu hoá ngày 09-04-2001, VietCatholic News, Vatican, 10-04-2001.