Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

TỤC HOÁ - CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI LO

Thời sự Thần học - Số 42, Tháng 12/2005, tr. 7-14

_Trần Bình_


Tầm nguyên


Gần đây, người ta thường nói về một làn sóng mới đang lan tràn trong Giáo hội cũng như trong xã hội : trào lưu Tục hóa. Đứng trước trào lưu này, người ta có nhiều thái độ, kẻ ủng hộ, người chống đối, nói chung không nhất đồng ý kiến. Để đi tiếp, trước hết chúng ta phải hiểu xem Tục hóa là gì.

Theo cách nói của các nhà khoa học, thế tục (chủ nghĩa Tục hóa) là lối sống ở đời, đối lại với cách sống tu hành, không theo quan niệm tôn giáo[1]. Trong tiếng ngoại quốc, chữ secular (secularism) là trần tục, tùy tiện theo một phương diện nào đấy[2]. Như vậy, chung chung theo cách nói của các nhà khoa học đời, thì chẳng có gì để bàn tới. Tuy nhiên, nếu không có tác động gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin tôn giáo, chắc chắn huấn quyền đã không tốn công mất giờ lên tiếng chuyện vô bổ này.

Để cảnh tỉnh con cái mình, Giáo hội đã không ngần ngại định nghĩa thế tục, hầu mong có cái nhìn chính xác và hướng đi rõ ràng hơn. Thế tục là : một thế giới quan công nhận thế giới vật chất hoàn toàn tự lập và tự mãn. Chỉ có thế giới vật chất mới đem lại lợi nhuận. Và cũng chỉ có điều này mới xứng đáng đáp lại những cố gắng và miệt mài của con người. Thiên Chúa không cần thiết và không còn chỗ đứng trong thế gian này[3].

Như vậy, tôn giáo là đồ xa xỉ, nếu không muốn nói là cản bước tiến, cản trở mục đích trần thế của con người. Trong khi ấy, niềm tin vào Thiên Chúa không phủ nhận những giá trị trần thế như khoa học kỹ thuật, kinh tế, nghệ thuật. Những giá trị này có chỗ đứng riêng của nó, và rất xứng đáng để cho con người nỗ lực phát triển tới mức tối đa. Thế giới vật chất có quy luật riêng của chúng, không lệ thuộc vào các qui định của Giáo hội, không tùy thuộc vào đức tin và tôn giáo. Thật khôi hài nếu đưa các nguyên tắc tôn giáo để giải quyết các vấn nạn thuộc những phạm vi trên. Có Thiên Chúa đấy, nhưng Thiên Chúa có chỗ của Ngài. Còn nhân loại có sân chơi riêng, không ai xâm phạm tới ai. Đấy là chính vấn đề của thế Tục hóa.

Nguồn gốc


Phong trào Tục hóa bắt nguồn từ khi nào ? Có người cho là từ thời Giáo hoàng Alexandro IV[4]. Mặt khác, cũng có người, phần đông cho là khởi xướng từ thời cách mạng Pháp. Phong trào này tiên khởi được hiểu là việc chiếm tài sản của Giáo hội, bắt đầu từ vua Pháp thời bấy giờ là ông Phillipe le Bel và cao trào là cuộc cách mạng Pháp[5]. Lòng tham đã khiến cả châu Âu dậy lên một phong trào. Từ đấy, các Giáo hội địa phương phải chịu sự quản chế của chính quyền. Vào thời này, chính quyền tách dần các sinh hoạt ra khỏi phạm vi tôn giáo. Giáo hội chỉ còn được sinh hoạt tại các nhà thờ, trường học, bệnh viện, các công trình xã hội do chính quyền đảm trách. Ngoài nhà thờ, Thiên Chúa không còn chỗ đứng. Chủ nghĩa thế tục phát sinh từ những phản kháng mãnh liệt chống lại sự dữ trong thế gian, hoặc nhận định sai lầm của con người cho một số giá trị là tuyệt đối, đến nỗi lấy chúng thay thế cho Thiên Chúa[6].

Ảnh Hưởng


Phong trào này khiến cho người ta mất dần sự tin tưởng vào Đấng tối cao. Vẫn còn đấy cái mà nhân loại tin là Thượng Đế, nhưng giờ đây Ngài chỉ còn hiện diện xa xa đâu đó trong các nhà thờ. Hệ luỵ này khiến con người tin vào Chúa mới là khoa học. Mọi kết quả phải đạt được từ những thực nghiệm của khoa học. Cho nên, thái độ này càng ngày càng giết dần chiều kích tâm linh. Những gì khoa học không chứng minh được đều được coi là huyền nhiệm, là không thể thấu thị. Ắt hẳn đối tượng đầu tiên là Thiên Chúa và nguyên cả thế giới bên kia. Thiên Chúa không thấy được, không kiểm chứng được và… có thể Ngài không có, nếu có thì Ngài thuộc trí mà thôi.

Hệ luỵ này còn được ủng hộ của khoa học, chúng làm đòn bẩy khiến cho nền kinh tế ngày càng tăng theo tốc độ chóng mặt. Con người là Thượng đế, khách hàng là Thượng đế. Trong khi Thượng đế thì không còn là Thượng đế mà Ngài đã bị hạ bệ mất rồi. Chủ nghĩa hiện sinh vô thần khiến cho người ta tranh đua hưởng thụ, ăn thật ngọn, mặc thật đẹp, chơi hết ga,… không còn giới hạn của luân lý. Những giá trị của tinh thần bị tẩy chay không thương tiếc. Đỉnh cao của mọi con đường giờ này qui về con người. Mọi hoạt động đều hướng về việc thoả mãn dục vọng của con người. Người ta tranh thủ mọi cách để yêu theo cách mà có thể nghĩ ra. Có con cái là điều vô vị. Cho nên việc phá thai, ngừa thai, yêu như điên, điên tới mức cảm xúc giữa hai người khác giới vẫn không thoả mãn được. Cuối cùng, họ quay ra ăn thịt nhau[7]… được đẩy tới mức tối đa.

Để có được những cuộc vui bất tận, người ta tranh thủ kiếm tiền bằng mọi cách. Các giá trị lương tâm bị bào mòn tận nướu. Không cần danh dự, không cần tình yêu chân thành, không cần gia đình, tiền là tất cả. Không còn khoảnh khắc yên tĩnh cho chiều kích tâm linh, con người xa dần với tiếng gọi thầm thĩ của lương tâm. Đời sống quay cuồng, ồn ào náo nhiệt khiến Thiên Chúa bị văng ra ngoài.

Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong Tông huấnSám hối và Hòa giải như sau : Trào lưu Tục hóa tự bản chất và định nghĩa là một phong trào về tư tưởng và thái độ chủ trương một nền nhân bản tuyệt đối không có Thiên Chúa, và hoàn toàn tập trung vào sự sùng bái hành động và sản xuất, bị thu hút bởi sự say mê hưởng thụ và tìm kiếm hưởng lạc mà không quan tâm gì đến mối nguy mất linh hồn mình. Trào lưu Tục hóa cũng làm cho hao mòn về cảm thức tội lỗi. Cùng lắm tội chỉ còn là điều xúc phạm đến con người. Nhưng chính đây là điều chúng ta phải đương đầu với kinh nghiệm chua xót, như tôi đã nói trong thông điệp đầu tiên. Đó là con người có thể xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa…[8]. Trào lưu này khiến người ta mất dần cảm thức về tội. Và người ta cho rằng : Thiên Chúa đã chết ! Từ đấy, mọi học thuyết được xây dựng từ học thuyết này để tự bào chữa, bênh vực cho lối sống của mình. Đã có thời Giáo hội phải bối rối trước phương pháp bóc củ hành do nhà thần học Tin lành Bullmann khởi xướng[9], khi ông này hướng dẫn người ta lột trần con người Đức Giêsu đến tận cùng. Cuối cùng không ai còn nhận Ngài là Thiên Chúa, phủ nhận thần tính của Ngài. Đức Giêsu chỉ là nhân vật lịch sử, đẩy nhân loại rơi vào thời lạc giáo Ariô mới.

Thực tế


Các học trò Đức thánh Khổng trách ngài sao nói chuyện lại thường trưng dẫn các hình ảnh cho rườm rà bài nói chuyện. Ngài trả lời : nếu có ai hỏi cây cung là gì, và tôi nói cây cung là cây cung thì có ai hiểu. Cho nên phải nói, cây cung có hình như thế này, nó giống cái kia,… thì người ta mới dễ nắm bắt được chân lý[10]. Vậy có người hỏi thế tục là gì. Trả lời : thế tục là thế tục thì có ai hiểu được. Đành mượn đường của đức Vạn Thế Sư Biểu mà thưa chuyện vậy.

Sắp tới đại lễ Giáng sinh, ngày lễ của muôn nơi, đã vượt qua giới hạn của tôn giáo, và đi vào lòng người. Cốt lõi của ngày lễ này, chủ yếu người ta mừng thần mặt trời là chính Đức Kitô. Hình ảnh này được hội nhập từ các nền văn hóa khác sau khi người ta chịu phép Rửa. Ý nghĩa của lễ này diễn tả đức Kitô sẽ đến vào thời sau hết, thời của Ngài, thời mà qua Ngài muôn dân sẽ được hưởng ơn cứu độ[11]. Trong tâm tình ấy, Giáo hội kêu gọi người tín hữu phải chuẩn bị tâm hồn mừng lễ cho xứng đáng, không những để mừng đại lễ Giáng sinh mà còn chuẩn bị cho cuộc tái lâm sau này trong vinh quang của Chúa. Ý nghĩa này dần dần nhạt phai theo năm tháng. Chuẩn bị thì có nhưng chỉ còn một nửa. Người ta chuẩn bị thịt heo thịt gà, mua sắm quần áo. Người người tấp nập vội vàng cho các hang đá thuần vật chất. Tâm hồn thì treo lơ lửng, đâu đâu cũng được. Mừng lễ cũng có nhưng cũng còn một nửa. Ai cũng tranh thủ lễ cho nhanh để còn lạc với nhau, để réveillon cho vui vẻ phấn khởi. Không cần Chúa Hài Đồng nằm chèo queo trong hang đá. Đúng ra vẫn có người nhớ đến Hài Nhi Giêsu, nhưng nhớ là để chụp vài tấm hình để nhớ Giáng sinh xưa, kỷ niệm ngày Chúa ra đời, cho em sống lại màu xanh ái ân…[12].

Mùa Giáng sinh, lễ Giáng sinh ngày càng mất đi giá trị vốn có. Vào thời này, người ta cũng ít – hay nói đúng hơn là ngại – nói tới chữ Giáng sinh. Trên các cánh thiệp, ngày càng mất dần chữ Merry Christmas mà thay vào đó là Greeting Seasons, mùa thăm viếng nhau. Các cửa hiệu cũng còn đâu đấy những thiên thần, nhưng thiên thần sống ở xứ nóng nên quần áo ngắn cũn cỡn, hở trên hở dưới, trống trước trống sau. Tội ghê! Giáo đường ngày nay thì ngựa xe như nước, áo quần như nêm, gần xa nô nức yến oanh, chị em sắm sửa bộ hành đi... lễ. Đi lễ mà giống như đi hội, đi pic-nic, quần là áo lụa. Sai rồi, đi lễ mà giống như đi khoe quần áo mới sắm tại các cửa hiệu sale off. Có người thì ác liệt hơn, chơi những bộ đồ da, nghĩa là có bao nhiêu da có thể hở ra thì có mà trưng cho bằng hết, các cô uốn éo làm dáng trước hang đá để lấy vài tấm hình kỷ niệm, làm Chúa Hài Đồng choáng. Lạ lẫm gì, thánh Phaolô cách đây cả mấy ngàn năm đã thấy rồi, đã lên tiếng[13] và ông đã… thất bại.

Trên đây chỉ là những dẫn chứng nho nhỏ, đôi chút cho hình ảnh thế tục. Chắc hẳn còn nhiều nữa mà chúng ta không thể thấy hết, vì nếu trưng ra thì cả thế gian cũng không đủ chỗ để chứa.

Căn nguyên


Như ta biết, trào lưu này khởi đầu là để chống lại các giám mục hay nói rộng ra là chống lại hàng giáo sỹ thời bấy giờ sống xa Tin mừng. Cuộc sống của các ngài đầy những nhung lụa và quyền thế, đối lập hẳn với cuộc sống bần hàn của người giáo dân. Vật cùng tắc biến. Nghèo quá làm loạn. Thấy giàu, thấy xa hoa thì biến là hợp quy luật trời đất. Và cũng theo quy luật thì nó sẽ tan sau một thời gian tồn tại. Thế nhưng nó vẫn còn, sống khoẻ và sống dai. Tại sao ?

Thứ nhất là con người không biết mình. Với những thành tựu đạt được, con người muốn vươn tầm tay của mình xa hơn, cao hơn,... lên tận thiên đình. Trong ngũ hành, con người muốn mình làm chủ, làm trung thần thông, không cần Chúa. Là trung tâm của ngũ hành, con người muốn thay mặt trời điều hành vận hạn của vũ trụ. Trong cõi nhân sinh, con người luôn khắc khoải trong mình câu hỏi Tôi là ai ? Tôi về đâu ?... Những câu hỏi này thôi thúc con người tìm kiếm câu trả lời[14]. Và họ đã trả lời thay Thượng đế : Ego sum, Qui sum.

Thứ hai, bằng sự khôn ngoan, con người khát khao vượt lên trên mọi thứ. Con người là chủ mọi loài thọ sinh. Thượng đế là rào cản cho sự tiến bộ của con người. Những hiểu biết này thôi thúc hiểu biết khác ra đời dưới sự hướng dẫn của phong trào hiện sinh. Còn giờ đây như cây mọc hoang, người ta chỉ cần thoả mãn những đam mê là đủ. Đặt nền tảng trên phong trào hiện sinh, triết học phá đổ mọi rào cản, đưa con người ngày càng xa Chúa, xa những trật tự luân lý, văn hóa, tiến gần đến chỗ tự hủy. Giáo hội đã không ngừng lên tiếng về sự độc hại của những thứ triết lý thuốc độc này[15], và đòi hỏi những triết gia phải điều chỉnh học thuyết của mình theo định hướng của huấn quyền.

Thứ ba, đó là trách nhiệm của người giáo hữu. Công đồng nói rõ : tín hữu phải chịu một phần trách nhiệm không phải là nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo[16]. Nói như thế không có nghĩa Giáo hội từ chối trách nhiệm của mình. Trong Giáo hội có cả lúa tốt và cỏ lùng, phải để cỏ mọc lên cùng với lúa cho đến mùa gặt[17]. Có những khi cỏ lùng lấn sân, muốn chèn bẹp lúa tốt, như thế chúng ta có thể hiểu tại sao trong Giáo hội lại có những cuộc ly khai đáng tiếc. Đã có những cuộc thập tự chinh đẫm máu, những toà án pháp đình mà hôm nay khi nói đến, người ta còn rùng mình vì những cái chết vô lý và vô duyên. Trong Giáo hội, có những Giáo hoàng chỉ muốn vinh thân phì gia, những vị sống sai lạc luân lý, và chỉ biết nhung gấm, tạo tiền đề cho các lạc giáo có cơ hội mọc rễ. Tất cả những bê bối trong Giáo hội là tiền đề đưa tín hữu đến phong trào Tục hóa. Chúng ta biết, Giáo hội không chỉ có những vị thánh, mà còn ấp ủ trong đấy biết bao tội nhân[18]. Chúng ta đang trên con đường tiến về quê Cha, nơi ấy những hối nhân đã được thanh luyện để còn lại những người vui hát ca tụng Chúa. Và cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải tự thanh luyện mỗi ngày để loại ra khỏi con người mình những chất cỏ lùng trong ta.

Thái độ của Giáo hội


Chúng ta biết, công đồng Vatican II với đường hướng mới của mình, luôn tỏ ra là người Mẹ hiền ấp ủ con cái mình. Trước trào lưu này, nhìn lại Công đồng, chúng ta thấy thái độ rõ ràng nhất là kết án. Giáo hội không thể không lên án với nỗi đau buồn và với tất cả sự cương quyết, như đã từng lên án những chủ thuyết vô thần và những hành động nguy hại đi ngược với lí trí và kinh nghiệm chung của con người cũng như làm cho con người mất đi sự cao cả của mình[19]. Với những quyến rũ của chủ thuyết này, con người khi ấy chỉ còn là một khối tế bào, chết đi là không còn gì, là chấm dứt đời đời. Nó khiến cho con người phủ nhận hoàn toàn siêu việt. Từ đó kéo theo nhiều hệ luỵ khác mà chúng ta dễ thấy:
  1. Không còn phẩm giá. Chết là hết, không có niềm tin vào đời sống mai sau, con người có khác chi con vật.
  2. Là đối tượng để lợi dụng, để phục vụ cho các ngành khoa học. Với những tiến bộ của khoa học, con người lại là chính sản phẩm để khoa học thử nghiệm những gì mà nó đạt tới. Nhân bản tùy tiện, bào thai bị trục khỏi lòng mẹ để làm món nhậu (?!), cơ thể được đem thí nghiệm…
  3. Nhân phẩm không có, con người chỉ còn là dụng cụ, là phương tiện thực hiện ý đồ cho một vài tập thể nào đấy có quyền lực.
  4. Mất tự do, khi ấy con người không còn luân lý hay đạo đức, mà nếu có thì luân lý ấy cũng tùy thuộc vào lý thuyết nào đấy.
Chính vì phẩm giá con người mà Giáo hội phải lên tiếng. Và chúng ta có những phương thế để chống lại và vượt thắng những cám dỗ ấy là các bí tích. Giáo hội với kho tàng ân sủng không để con cái mình phải lao đao chiến đấu vất vả mà không tra tay giúp sức trợ lực. Bằng các bí tích, bằng Kinh Thánh, bằng chính Chúa Giêsu,... chúng ta có thể và phải chiến đấu và chiến thắng.

Thay lời kết


Tục hóa, âu cũng là nỗi đau của thời đại, của xã hội, của tôn giáo và của con người. Lẽ ra, còn phải nói dài hơn vì còn nhiều vấn nạn liên quan, chẳng hạn trào lưu vô thần nhân bản, là anh em sinh đôi của thế tục. Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi chỉ xin đưa ra vài nét chính có thể thấy được trào lưu thế tục đang xâm chiếm hồn người, ngày càng cuốn nhanh theo nhịp sống và đẩy nhân loại đến vực thẳm sự chết. Vậy, cuối cùng thế Tục hóa là gì ? Phải chăng còn đó cho một nỗi lo : thế tục là tục thế và Tục hóa là hóa ra tục ?

[1] Trung tâm từ điển học, Nxb KHXH, 1994, trang 902.
[2] Ngô Minh và Nguyễn Thế Minh, Từ vựng triết thần căn bản, 1996, trang 208 ; Từ điển Anh Việt, Nxb Thế giới, trang 811.
[3] Nguyễn Đức Hoà, Nhân đức đối thần, trang 11.
[4] Đào Trung Hiệu, Lữ hành đức tin II, trang 4.
[5] Bùi Đức Sinh, Lịch sử giáo hội Công giáo, Nxb Calgary, 1999, trang 192.
[6] Hiến Chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 19.
[7] Xc Rm 1,26-27
[8] Gio-an Phao-lô II, Sám Hối và Hoà Giải, số 18.
[9] Đường vào thần học, Bản dịch của Nguyễn Hồng Giáo OFM, trang 183.
[10] Nguyễn Hiến Lê, Triết học Trung Quốc, Quyển thượng, trang 235.
[11] Xc. Nguyễn Thế Thủ, Năm Phụng Vụ, Sài Gòn, 2001, trang 112.
[12] Lời bài hát “Dư Âm Mùa Giáng Sinh”.
[13] Xc 1Cr 11,5
[14] Gio-an Phao-lô II, Lý Trí và Đức Tin, số 1.
[15] Ibid, số 62-63.
[16] Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 19.
[17] Xc Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Tp HCM, 1997, số 827.
[18] Xc Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 827.
[19] Xc. Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 21.