Thứ Tư, 3 tháng 4, 2024

THÁNH BÊNAĐÔ VÀ CÁC BÀI GIẢNG VỀ SÁCH TÌNH CA

Thời sự Thần học - Số 95, tháng 3/2022, tr. 134-165. 

_Bernardo Olivera, O.C.S.O._

Sau khi ôn lại tiểu sử của thánh Bênađô, bài viết về các bài giảng về sách Tình ca gồm hai phần: phần thứ nhất trình bày tổng quát về nội dung 86 bài giảng của thánh Bênađô về sách Tình ca, của cha Bernardo Olivera, nguyên tổng viện phụ dòng Trappist, đăng trên Cuadernos Monásticos 205 (2018) 144-163; trong phần thứ hai, cha Jean Leclercq, O.S.B. phân tích cấu trúc tác phẩm.

Dẫn nhập: Thánh Bênađô, cuộc đời và tác phẩm
I. Giới thiệu tổng quát các bài giảng
  A. Vài khái niệm: Dành cho ai? Lý do, Chủ đề, Thể văn, Thời gian biên soạn
  B. Vài chìa khóa để đọc tác phẩm: Chuẩn bị, Tâm tình
II. Nội dung
  A. Tựa đề các bài giảng
  B. Cấu trúc
Kết luận

Chữ viết tắt: SC = Sermo super Cantica (Bài giảng về Tình ca). Ep = Epistola (Thư).


Dẫn nhập. Thánh Bênađô. Cuộc đời và tác phẩm


Chúng ta hãy ôn lại vắn tắt cuộc đời và các tác phẩm của ngài.

A. Cuộc đời


Bênađô (Bernardus) chào đời năm 1090 tại Fontaines-les-Dijon, trong một gia đình quý tộc đông con: Bênađô có hai anh, một em gái và ba em trai. Người ta không có tài liệu chắc chắn về chặng đường đào luyện trí thức của anh trước khi gia nhập đan viện Citeaux (Xitô), khi anh lên 23 tuổi (năm 1113). Anh lôi kéo thêm 30 hiệp sĩ (nghĩa là những người thuộc hàng quý tộc) trong đó có 4 anh em, một ông chú. Về sau, khi Bênađô làm viện phụ Clairvaux, thân phụ và một người em trai cũng xin đi tu (nên biết là thân mẫu đã qua đời khi anh lên 17 tuổi). Người em gái duy nhất đã lấy chồng, nhưng cũng xin phép gia nhập một đan viện Biển Đức tại July.

Sau ba năm ẩn dật tại Citeaux, anh Bênađô được viện phụ Etienne Harding (+1134) cử đi lập cơ sở mới ở Clairvaux, và được đặt làm viện phụ tại đây khi anh mới được 25 tuổi. Anh thụ phong linh mục vài năm sau đó (năm 1115). Nhờ tài điều khiển khéo léo, đan viện này có thời đã chứa 350 tu sĩ. Cha qua đời ngày 20/8/1153, sau 38 năm làm viện phụ, vào lúc dòng Xitô lên tới thời cực thịnh với 350 đan viện (trong số này có 54 nhà xuất phát từ Clairvaux).

Hoạt động của cha Bênađô không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của Dòng Xitô, nhưng còn mở rộng đến toàn thể Hội thánh. Đừng kể những mối giao thiệp với các hoàng đế và vua chúa, cha đã nhiều lần dấn thân vào sinh hoạt của Giáo hội, nhất là từ khi một môn sinh của mình được bầu làm giáo hoàng Eugêniô III (1145-1153), với những cuộc tranh luận đạo lý chống lại các nhà thần học Abélard, Arnaldo de Brescia, Gilbert de la Porrée; hoặc với cuộc hô hào thập-tự-quân (năm 1145-1147). Qua những hoạt động cũng như qua những tác phẩm, Bênađô tỏ ra là một con người vừa ưa thích cảnh sống cô tịch vừa lao mình vào đủ thứ công chuyện trên đời. Là một con người với sức khỏe mỏng dòn, cha đảm đương nhiều công tác phi thường, với nhiều lần di chuyển từ miền Trung nước Pháp lên tận miền Bắc (Metz, Lorraine), và rồi lại xuống mãi đến miền nam nước Italia (Rôma, Salerno). Một cách tương tự như vậy, giọng điệu của các tác phẩm phản chiếu tính tình khá phức tạp của Bênađô: có lúc hiền hoà ướt át đầy cảm tính, nhưng có lúc gắt gỏng, châm biếm trong các cuộc tranh luận.

Như đã nói trên, cha qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1153 (hưởng thọ 63 tuổi), và được Đức Alêxanđrô III phong thánh ngày 18/1/1174, và được Đức Piô VIII phong tiến sĩ Hội thánh ngày 20/8/1830.

B. Tác phẩm


Bênađô để lại nhiều bút tích thuộc nhiều văn thể, có thể xếp vào ba loại: giảng thuyết, khảo luận, thư từ.

1/ Trong loại giảng thuyết, ngài để lại 330 bài giảng, có thể phân thành bốn nhóm: (a) 86 bài theo Mùa; (b) 43 bài theo Các Thánh; (c) 117 bài theo nhiều đề tài khác nhau; (d) 86 bài về sách Tình ca. Các bài giảng được dành cho các đan sĩ, vì thế nhiều lần mang tính tự phát, chứ không theo một thứ tự luận lý, hàm chứa nhiều tư tưởng tu đức và huyền bí.

2/ Loại thứ hai chiếm phần lớn, gồm nhiều khảo luận được biên soạn vào những hoàn cảnh khác nhau, nhưng có thể coi như một bộ tổng luận tu đức: De Gradibus Humilitatis et Superbiae, (những cấp độ đức khiêm nhường và tật kiêu ngạo, k.1121-25); De Diligendo Deo (về lòng mến Chúa, 1126); De Gratia et Libero Arbitrio (ân sủng và tự do, năm 1127); De Praecepto et Dispensatione (mệnh lệnh và miễn chuẩn, k.1140); De Consideratione (về sư suy xét, k. 1149 -1153). Ngoài ra, còn có những khảo luận nhằm chấn chỉnh đời sống luân lý của các thành phần khác nhau trong Dân Chúa: Apologia ad Guillelmum (k.1127), De moribus et officio episcoporum (k.1127), De Conversione ad clericos, De Laude Novae Militiae ad Milites Templi (1132-1136). Sau cùng, có những khảo luận về hạnh các thánh, phụng vụ, tựa như: De Baptismo aliisque quaestionibus (1136-1140), Contra Capitula Errorum Petri Abaelardi (1140), Tractatus de Cantu, Officium Sancti Victoris, De Vita Malachiae.

3/ Các thư từ lên tới con số 534, thuộc nhiều nội dung khác nhau, thuộc loại luân lý và tu đức.

Ngoài ra người ta còn gán cho ngài nhiều thánh thi, tựa như Jesu Dulcis Memoria, hoặc kinh nguyện (thí dụ kinh “Hãy nhớ”)[1].

I. Giới thiệu tổng quát các bài giảng về Tình ca


Tất cả các tác phẩm của thánh Bênađô, bằng cách này hay cách khác, đều xoay quanh Mầu nhiệm Thiên Chúa và cảm nghiệm huyền bí về mầu nhiệm ấy. Hơn nữa, chúng ta biết được tầm quan trọng của cảm nghiệm huyền bí trong học thuyết của thánh nhân: học thuyết của ngài bộc lộ cảm nghiệm cá nhân của mình. Và nếu cảm nghiệm này diễn tả Mầu nhiệm Thiên Chúa (mysterium), thì ta có thể khẳng định rằng Bênađô là một nhà huyền bí (mysticus). Ở đây, ta đừng nên hiểu “huyền bí” theo nghĩa là các hiện tượng tâm linh (Phenomena mystica, tựa như xuất thần, thị kiến, nhận năm dấu tích, v.v…), nhưng theo nghĩa là tập trung vào mầu nhiệm Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Kitô, Ngôi Lời và Hôn phu của linh hồn.

Thánh Bênađô thuật lại cảm nghiệm nội tâm và cá nhân về Mầu nhiệm, một cảm nghiệm phát sinh từ đức tin đáp trả Mặc khải của Thiên Chúa trong Lịch sử Cứu độ và trong Hội thánh. Cảm nghiệm này là một ân huệ do Chúa ban, nhưng cũng gắn liền với nỗ lực khổ chế, giúp cho con người được biến đổi nên một với Thiên Chúa nhờ tình yêu.

Thiên Chúa đã ban cho Bênađô hồng ân cảm nghiệm huyền nhiệm; kèm theo hồng ân này là ơn hướng dẫn tha nhân vào mầu nhiệm: thánh nhân đã cảm nhận, lắng nghe, tổ chức và chia sẻ cảm nghiệm của mình ngõ hầu người khác cũng đi vào con đường hoàn thiện.

Những điều vừa nói có giá trị cho tất cả các tác phẩm của Bênađô, và cách riêng đối với hợp tuyển các Bài giảng về Tình Ca (Sermones super Cantica canticoum), được viết ra khi tác giả đã trưởng thành. Cần nói thêm rằng tác giả đã mất nhiều năm mới hoàn tất, và vì thế ngài đã có dịp để suy đi nghĩ lại các tư tưởng của mình.

A. Vài khái niệm dẫn nhập


1. Dành cho ai?

Tựa đề “Các Bài giảng” (Sermones) gợi lên ý tưởng đây là một bộ sưu tập các bài giảng dành cho cộng đoàn đan tu, và được người nghe ghi chép và thu thập lại. Sự thật không phải như vậy. Tập đầu tiên (số 1-24) được thánh Bênađô gửi cho một đan sĩ dòng Chartreux ở Portes (cũng tên là Bênađô), theo lời giục giã của vị này. Tác giả đã yêu cầu người nhận hãy phản hồi (Ep. 153-154). Điều này cho thấy rằng các bài giảng này được biên soạn để xuất bản, chứ không phải là đã được giảng.

2. Lý do

Tại sao thánh Bênađô soạn những bài giảng này? Các học giả đã đưa ra nhiều giả thuyết.

a) Có người cho rằng thánh nhân đã phải đương đầu với nhiều ly giáo, lạc giáo (vì thế phải đi lại nhiều nơi để dàn xếp). Tác giả nhận thấy cần phải làm sáng tỏ hơn bản chất của Hội thánh như là Hiền thê của Đức Kitô.

b) Một ý kiến khác cho rằng Dòng Xitô đang ở trong thời kỳ phát triển, với nhiều công trình xây dựng to lớn, với nguy cơ là làm nguội tình yêu thuở ban đầu. Đời sống đan tu mà cứ tất bật với công tác hoạt động thì sẽ làm mất đi sự thanh thản chiêm niệm (otium). Chính ngài ý thức ngay trong cuộc sống bản thân, bởi vì cứ bị lôi cuốn vào nhiều công việc bên ngoài (x. Bài giảng về thánh vịnh 90).

c) Bên cạnh những giả thuyết ấy (không phải là không có cơ sở), một ý kiến đơn giản hơn cho rằng đây là “phong trào” đương thời. Thật vậy, trong thế kỷ XII-XIII, dòng Xitô đã chứng kiến sự xuất bản của nhiều bộ bài giảng và chú giải sách Tình ca:

- Guillaume de Saint-Thierry (1085-1148), với nhiều cuốn biên soạn hoặc sưu tập các chú giải sách Tình ca vào những năm 1130-1135.

- Gilbert de Hoyland (+1172), với hai bộ tuyển tập 133 bài giảng về sách Tình ca, vào những năm 1135-1172.

- Jean de Ford (k.1145-k.1214), với tuyển tập 120 bài giảng, vào những năm 1192-1214.

- Godefroid de Auxerre (+k.1198), với bộ chú giải 6 tập, vào những năm 1191-1196.

- Thomas de Persegne, Aelred de Rivaux (+1167), Isaac Stella (+1178), Balduin de Cantebury (+1190).

Trong số này, ba tác giả được coi là chú giải chính thức của Dòng Xitô: Bênađô, Gilbert de Hoyland và Jean de Ford.

3. Chủ đề

Ngay từ bài giảng đầu tiên, thánh Bênađô cho biết là mình sẽ chú giải sách Tình ca (SC 1-3:1). Cũng như tác giả Kinh Thánh, Bênađô muốn “ca ngợi Đức Kitô và Hội thánh, ân huệ tình yêu thánh thiêng, và những huyền nhiệm của hôn nhân vĩnh cửu” (SC 1:8).

4. Thể văn

Mặc dù dựa theo sách Tình ca, nhưng tác giả không chủ ý chú giải toàn thể tác phẩm này, mà chỉ lọc ra một vài tư tưởng chính và quảng diễn theo lược đồ riêng của mình. Có thể nói không sợ sai rằng, Bênađô đã sáng tác một thể văn độc đáo (opus sui generis) trong loại các bài giảng này.

a) So sánh với các tác giả đi trước

Thánh Bênađô không chú giải từng chữ từng câu, nhưng thỉnh thoảng chen vào nhiều Excursus (phụ thêm) để bàn về những đề tài chẳng có liên lạc chi với bản văn của sách Tình ca, mà chỉ là cơ hội để tác giả khai triển chủ đề chính là tình yêu.

b) So sánh với các tác giả kinh viện sau này:

Tập sách này áp dụng thể văn chú giải đan viện hơn là thể văn chú giải kinh viện.

- Phát biểu cảm nghiệm cá nhân, hơn là giải thích theo ý nghĩa tập thể.

- Tập trung vào tình yêu, hơn là vào các chân lý mặc khải hoặc đức tin.

- Chú trọng đến sự hiện diện của Chúa Giêsu trong linh hồn, hơn là hiện diện trong Hội thánh.

- Nhấn mạnh đến sự đáp trả của con người đối với tình yêu Thiên Chúa, hơn là đến chính Tình yêu.

- Giọng điệu hăng say và thi phú hơn các bản chú giải của Kinh viện.

- Các bài giảng này chứa đựng một thứ “tổng luận thần học” với những đề tài chính của thần học tín lý và luân lý (như sẽ thấy), nhưng lại không theo một hệ thống như kiểu kinh viện về sau. Có thể nói được rằng chủ để xuyên suốt liên kết các đề tài khác là “Tình yêu phu thê giữa Đức Kitô và Hội thánh”.

5. Thời gian biên soạn

Vào năm 1120, Bênađô gặp Guillaume de Saint Thierry ở bệnh xá Claivaux, và cả hai cùng đọc quyển chú giải Tình ca của ông Origène. Và kết quả là cả hai người cũng viết một cuốn chú giải ngắn (Brevis commentatio) cho đến câu “Tiếng nói của người yêu của tôi” (2,8). Có thể xem đây như là tài liệu làm việc chung, và sau này Guillaume sẽ xuất bản cuốn chú giải của mình vào năm 1130. Còn Bênađô xuất bản tác phẩm của mình muộn hơn (từ năm 1135) cho đến khi qua đời (1153), như vậy là kéo dài 18 năm.

Nói chung, theo các nhà phê bình, 86 bài giảng được biên soạn trong nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời Bênađô, và có thể chia làm bốn khối như sau:

a) SC 1-24: trong vòng 6 tháng (từ đầu mùa Vọng cho đến mùa hè năm 1135). Vào cuối năm ấy, cha đi Rôma theo lời yêu cầu của ĐGH Innocentê II.

b) SC 25-49: từ khi ở Rôma trở về, vào mùa hè năm 1138, cha tiếp tục công việc, trong khoảng thời gian 7 năm (1138-1145).

c) SC 50-80: cũng trong khoảng 7 năm (1145-1152).

d) SC 81-86: khối cuối cùng này bắt đầu vào năm 1152, nhưng chưa hoàn tất, bởi vì tác giả qua đời ngày 20/8/1153.

B. Những chìa khóa để đọc


Có thể ví chìa khóa như là những đường hướng giúp hiểu ý nghĩa bản văn, có thể được áp dụng cho tất cả hoặc cho một vài bài giảng.

1. Chuẩn bị

Để đọc sách Tình ca với thái độ chiêm niệm, khôn ngoan, cần có sự chuẩn bị tâm hồn:

- Chiến đấu và từ bỏ thói hão huyền trần tục, nhờ lòng kính sợ Thiên Chúa là khởi điểm của đức cao minh (như sách Giảng viên đã dạy).

- Chiến đấu và sửa chữa nếp sống, nhờ kỷ luật của sự tuân phục là sự khôn ngoan hoàn hảo (như sách Châm ngôn đã dạy).

“Trước hết, bạn hãy nhớ đến danh tính Salômôn có nghĩa là ‘An hòa’ vào lúc khởi đầu cuốn sách. Điều này có nghĩa là chỉ những tâm hồn an hòa mới có thể hiểu được cuốn sách này, nghĩa là họ không bị xáo trộn bởi những nết xấu, và được thanh thản khỏi mọi bận tâm thế tục” (SC 1: 6).

“Để hát hoặc nghe bài ca này, một linh hồn còn non nớt, mới hoán cải thì chưa đủ khả năng; cần phải là người đã tiến triển và đã được đào luyện về đường tâm linh, những người mà, nhờ ơn Chúa giúp, đã tới tuổi cập kê – tôi nói đến tuổi dựa trên công trạng chứ không dựa theo năm tháng, đã sẵn sàng kết hôn với Hôn phu trên trời, như sẽ nói” (SC 1:12).

2. Tâm tình

Tất cả các bài giảng đều nhằm dẫn đến cảm nghiệm về mầu nhiệm Thiên Chúa trong linh hồn tín hữu là hôn thê (SC 4:6; 6:8; 9:3; 14:6; 22:2-3; 23:15-16; 41:3tt; 52:4,7; 57:5; 74:5-6; 79:1; 81:1; 82:8; 83:6; 85:14).

II. Nội dung tác phẩm


Có hai điều đáng ghi nhận: 1/ Tựa đề các bài giảng. 2/ Cấu trúc.

A. Các tựa đề


Vài bản chép tay như Oxford, Merton College 46 (thế kỷ XII) đã thêm vào tựa đề cho mỗi bài giảng, nhằm giúp xác định các đề tài. Tuy nhiên, cũng nên biết là đôi khi một bài giảng có thể khai triển nhiều đề tài khác nhau. Để độc giả có một khái niệm, chúng tôi xin dịch các tựa đề này, kèm theo trích dẫn sách Tình ca (Tc), tuy không lúc nào cũng được tác giả minh thị trích dẫn.

1) Tựa đề (Tc 1,1): diễn từ về việc chiêm niệm.

2) Về bốn cái hôn, tức là bốn chặng Ngôi Lời tỏ hiện.

3) Hôn chân, tay và môi Chúa Cứu thế.

4) Ba chặng tiến triển của linh hồn, diễn tả qua ba việc hôn chân, tay và môi Chúa.

5) Bốn loại thần khí: của Thiên Chúa, thiên sứ, con người, động vật.

6) Sự thánh thiện và uy nghi của Thiên Chúa được bày tỏ qua khoan nhân và công chính.

7) Tình yêu tha thiết và nồng nàn của linh hồn. Sự chú ý cần thiết lúc cầu nguyện.

8) Thánh Linh là nụ hôn của Thiên Chúa. Đó là nụ hôn mà Hôn thê nài xin ngõ hầu có thể hiểu biết Thiên Chúa Tam Vị.

9) Cặp vú của Hôn phu, nghĩa là của Chúa Giêsu: một là lòng kiên nhẫn chờ đợi các tội nhân thống hối; hai là lòng nhân từ đón tiếp họ khi trở về (Tc 1,2).

10) Ba hương thơm từ cặp vú của Hôn thê: thống hối (contritio), nhiệt thành (devotio), trắc ẩn (pietas).

11) Hai điều cần lưu ý khi đề cập đến ơn cứu chuộc: hoa trái mà chúng ta thâu lượm được, và cách thức mà ơn cứu độ được thực hiện.

12) Hương thơm của lòng trắc ẩn (pietas) là điều cao quý nhất. Cấp dưới cần biết tôn trọng cấp trên.

13) Chúng ta cần biết dâng lên Thiên Chúa tất cả những ân huệ mà chúng ta đã nhận lãnh.

14) Giáo hội của những Kitô hữu trung tín và Hội đường của người Do-thái bất trung.

15) Sức mạnh phi thường của danh thánh Giêsu là dầu và thuốc.

16) Tâm hồn thống hối. Ba thứ xưng thú đích thực.

17) Cần phải chú ý quan sát lúc Thánh Linh đến viếng thăm linh hồn, và lúc Người lìa xa linh hồn. Ma quỷ ghen ghét con người như thế nào.

18) Hai hoạt động của Thánh Linh (Tc 1,3): trút xuống (infusio) để thánh hóa, và đổ tràn (effusio) để phục vụ tha nhân.

19) Các thiên sứ yêu mến Thiên Chúa tùy theo những cấp độ vinh quang của các ngài.

20) Ba loại tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa.

21) Lời khẩn cầu của Hôn thê, nghĩa là Hội thánh, ước mong được lôi kéo đến với Hôn phu là Đức Giêsu.

22) Bốn mùi hương của Hôn phu (cao minh, công bình, thánh hóa, cứu chuộc) và bốn nhân đức trụ.

23) Ba cách thức chiêm ngưỡng Thiên Chúa, tương trưng qua ba hầm rượu (Tc 1,4).

24) Chống lại sự nói xấu; thế nào là con người ngay thẳng.

25) Hiền thê, tức là Hội thánh, đen đủi nhưng mà đẹp đẽ (Tc 1,5).

26) Thánh Bênađô than khóc cái chết của bào huynh Gérard.

27) Đồ trang sức của Hiền thê. Theo nghĩa nào linh hồn thánh thiện được gọi là trời?

28) Hôn thê đen và đẹp. Trong vấn đề đức tin, nghe thì tốt hơn là thấy.

29) Hội thánh xót xa vì những kẻ bách hại, nghĩa là những người gây chia rẽ giữa anh em (Tc 1,6).

30) Vườn nho của Hôn thê là đoàn dân trung tín được giao cho Hội thánh canh giữ.

31) Ba cách thức chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và bốn cách tỏ hiện của Ngôi Lời (Tc 1,7).

32) Ngôi Lời thông ban mình dưới hình dạng Hôn phu cho các linh hồn yêu mến Người, và dưới hình thức một y sĩ cho các linh hồn yếu ớt và bất toàn. Những ý tưởng hận thù thay đổi tùy người vì lý do gì.

33) Điều mà một linh hồn nhiệt tình không bao giờ được ngưng tìm kiếm. Phải hiểu giờ ngọ như thế nào. Có bốn chước cám dỗ phải luôn luôn xa tránh.

34) Về đức khiêm nhường và nhẫn nại (Tc 1,8).

35) Hai lời khiển trách của Hôn phu với hôn thê. Có hai loại dốt nát cần phải sợ và tránh.

36) Hiểu biết văn chương là điều tốt cho việc trau giồi kiến thức; nhưng hiểu biết sự hèn kém của mình thì lại tốt hơn cho phần rỗi của mình.

37) Có hai sự hiểu biết và hai sự dốt nát: những thiệt hại mà chúng gây ra cho ta.

38) Theo nghĩa nào Hôn thê được gọi là phụ nữ đẹp nhất.

39) Hôn thê được ví như đạo quân chiến thắng địch thù (Tc 1,9).

40) Ý định là khuôn mặt của linh hồn; vẻ đẹp và xấu của nó, sự cô tịch và tinh sạch của nó (Tc 1,10).

41) Hôn thê được an ủi khi chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng của Thiên Chúa, đang khi chờ đợi lúc diện kiến.

42) Hai thứ khiêm tốn: khiêm tốn trong trí tuệ, phát sinh từ sự thật; khiêm tốn trong tâm tình, được hun nóng bởi đức mến (Tc 1,12).

43) Sự suy niệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô giúp cho hôn thê, nghĩa là linh hồn trung tín, trải qua lúc thịnh đạt cũng như khi nghịch cảnh mà không bị xao xuyến (Tc 1,13).

44) Việc sửa lỗi phải tùy theo tính tình của người cần được sửa dạy: dịu dàng với những người khiêm nhu, và nghiêm khắc với những người ngoan cố.

45) Hai vẻ đẹp của linh hồn; cuộc đối thoại giữa linh hồn với Ngôi Lời (Tc 1,15).

46) Tình trạng và các thành phần của Hội thánh. Làm thế nào đời sống hoạt động vì đức vâng lời có thể đạt được sự chiêm niệm (Tc 1,16).

47 Ba bông hoa của sự thánh thiện: trinh khiết, tử đạo và các việc lành. Lòng sốt sắng với công việc Chúa (Tc 2,1).

48) Những lời ca ngợi giữa Hôn phu và Hôn thê. Bóng tối của Đức Giêsu là thân xác của Người và đức tin của Người (Tc 2,2).

49) Sự biện phân điều hành đức bác ái, giúp cho các phần tử của Hội thánh được gắn bó với nhau (Tc 2,4).

50) Hai thứ bác ái: tâm tình và hành động; cả hai cần được phối hợp với nhau.

51) Trong khi Hôn phu đi vắng, Hôn thê được nâng đỡ nhờ đức tin và các việc lành (Tc 2,5).

52) Linh hồn được an nghỉ khi đã chết cho những khoái lạc thế trần và nếm hưởng những ngon ngọt của việc chiêm ngưỡng (Tc 2,7).

53) Núi và đồi có nghĩa là những thần linh thiên quốc mà Hôn phu đã đi ngang qua khi xuống thế làm người (Tc 2,8).

54) Một cách giải thích khác: “núi” tượng trung các thiên sứ và loài người; còn “đồi” tượng trưng các ma quỷ. Có ba loại kính sợ mà mọi người cần nắm bắt nếu không muốn mất ân sủng đã lãnh nhận từ Thiên Chúa.

55) Nhờ lòng thống hối chân thành, con người có thể thoát khỏi sự phán xét của Thiên Chúa (Tc 2,9).

56) Tội lỗi và nết xấu được ví như bức tường cất lên giữa Thiên Chúa và con người.

57) Cần quan sát những lần Thiên Chúa đến viếng thăm: những dấu hiệu giúp ta nhận biết (Tc 2,10).

58) Hôn phu mời Hôn thê, nghĩa là những người trọn lành, hãy đảm nhận việc hướng dẫn những kẻ bất toàn. Nhờ cắt đứt nết xấu tận gốc rễ, nhân đức có thể mọc lên và tăng trưởng.

59) Linh hồn rên siết và mong mỏi quê hương trên trời. Khen ngợi đời khiết tịnh và góa bụa (Tc 2,12).

60) Những người Do-thái cứng lòng tin, và muốn tiếp tục tăng thêm tội lỗi của cha ông khi giết Đức Kitô (Tc 2,13).

61) Hội thánh tìm thấy lòng thương xót của Thiên Chúa qua những vết thương của Đức Giêsu. Sức mạnh của các thánh tử đạo múc lấy từ Đức Giêsu.

62) Một linh hồn tín trung sống giữa khe đá và vách núi phải xử sự thế nào. Tìm kiếm ý Chúa thì tốt hơn là tìm kiếm vinh quang của ngài. Ai rao giảng chân lý cần có tâm hồn thanh sạch (Tc 2,14).

63) Người đạo đức và khôn ngoan cần biết vun trồng vườn nho của mình, nghĩa là cuộc sống, linh hồn và lương tâm của mình. Hai loại chồn cáo: những kẻ tâng bốc và những kẻ nói xấu. Những cám dỗ của các tu sĩ trẻ (Tc 2,15).

64) Những cám dỗ của các tu sĩ lớn tuổi. Các chồn cáo, nghĩa là những cơn cám dỗ đáng sợ đối với họ. Các lạc giáo cũng là chồn cáo của Hội thánh, vì thế cần phải lùng bắt.

[Bức thư của Eberwin quản hạt Steinfeld, gửi viện phụ Bênađô về các lạc giáo đương thời].

65) Những lạc thuyết bí ẩn: các nguyên lý tôn giáo của họ.

66) Những sai lầm của các lạc thuyết liên quan đến hôn nhân, phép rửa tội các nhi đồng, luyện tội, việc cầu nguyện cho những người qua đời, việc cầu khẩn các thánh.

67) Những bộc lộ tình yêu của Hôn thê để đáp lại tình yêu của Hôn phu là Đức Kitô (Tc 2,16).

68) Đức Kitô Hôn phu đã quan tâm đến Hôn thê là Hội thánh, và Hội thánh đáp trả. Thiên Chúa quan tâm đến các người được tuyển chọn.

69) Những gì nổi lên chống lại việc phụng sự Thiên Chúa cần bị hạ bệ. Chúa Cha và Ngôi Lời đến ngự trong linh hồn chăm chỉ, từ đó nảy sinh sự thân mật giữa linh hồn với Thiên Chúa.

70) Tại sao Hôn phu được gọi là người yêu. Các hoa huệ mà Người tản bộ ngang qua là chân lý, hiền lành, công bình và các nhân đức khác.

71) Các hoa huệ thiêng liêng là những việc lành, mùi thơm là lương tâm trong sạch, màu sắc là danh thơm tiếng tốt. Sự hợp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, và giữa linh hồn với Thiên Chúa.

72) Phải hiểu thế nào về “ngày xuất hiện và bóng đêm tan dần” (Tc 2,16.17).

73) Đức Kitô sẽ đến phán xét dưới hình dạng con người để tỏ ra hiền hậu với những kẻ được chọn. Đức Kitô thấp hơn và cao hơn các thiên sứ (Tc 2,17).

74) Ngôi Lời đến viếng thăm linh hồn thánh thiện cách kín đáo.

75) Cần đi tìm Hôn phu vào thời gian, thể thức và nơi chốn thích hợp; đây là lúc thuận tiện để mỗi người chúng ta có thể gặp Chúa cho mình, và được cứu độ (Tc 3,1).

76) Vẻ huy hoàng của Hôn phu. Chính trong vẻ huy hoàng này mà Người ngang hàng với Chúa Cha và ngự bên hữu của Cha. Các mục tử tốt lành cần phải biết tỉnh thức và khôn ngoan, và hãy chăn dắt đoàn chiên được giao phó (Tc 3,2).

77) Những mục tử xấu trong Hội thánh. Các phúc nhân trên trời và các thiên sứ đến trợ giúp những kẻ được tuyển chọn còn đang sống ở dưới thế.

78) Hôn thê, nghĩa Hội thánh của những kẻ được tuyển chọn ngay từ muôn thuở, được ban ơn để tìm kiếm Thiên Chúa và hối cải.

79) Linh hồn yêu mến gắn bó chặt chẽ Hôn phu. Vào lúc tận cùng thời gian, Hôn phu trở về Hội đường Do-thái để cứu họ (Tc 3,3).

80) Cuộc tranh luận về hình ảnh hay Lời của Thiên Chúa, và về linh hồn được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Sự sai lầm của Gilbert de la Porré.

81) Sự giống nhau của linh hồn với Ngôi Lời: về bản tính, sự bất tử và sự tự do của ý chí.

82) Con người tuy vẫn còn giống Thiên Chúa, nhưng khi phạm tội, thì mất một phần sự giống Thiên Chúa xét về sự đơn sơ, sự bất tử và tự do.

83) Linh hồn, mặc dù bị chất nặng vì những nết xấu, vẫn còn có thể trở nên giống với Hôn phu là Đức Kitô nhờ tình yêu khiết tịnh và thánh thiện.

84) Linh hồn tìm kiếm Thiên Chúa thì đã được ngài săn đón trước rồi (Tc 3,3).

85) Có bảy điều cần thiết buộc linh hồn tìm kiếm Ngôi Lời. Một khi đã được cải cách, linh hồn được tới gần Người để chiêm ngưỡng Người và nếm hưởng sự hiện diện êm ái của Người (Tc 3,1).

86) Sự đoan trang của Hôn thê khi tìm kiếm Ngôi Lời. Ca ngợi tính đoan trang.

B. Cấu trúc


Như đã nói trên đây, thánh Bênađô đã mất 18 năm để soạn ra 86 bài giảng về sách Tình ca. Ngài không cầm bút viết liền một mạch từ đầu đến cuối, nhưng tách ra thành bốn khối, mỗi phần tùy thuộc vào hoàn cảnh thời gian cho phép. Tác giả bàn đến nhiều đề tài thần học tín lý và luân lý. Thử hỏi: tác giả có dựa theo một lược đồ nào không? Có thể coi đây như là một bộ tổng luận thần học (Summa Theologiae) giống như các tác giả kinh viện không? Xin thưa rằng, tuy không thể so sánh thánh Bênađô với các tác giả kinh viện xét về phương pháp lý luận; nhưng tác phẩm đang bàn có thể được xem như một “Tóm lược thần học chiêm niệm”, được trình bày không theo một thứ tự luận lý cho bằng dựa theo tiến trình của cảm nghiệm tâm linh. Ngay trong tự ngôn, tác giả cho biết rằng Tình ca là một “thư mừng cưới”, cho nên ông cũng muốn viết một bài ca đám cưới giữa Đức Kitô và Hội thánh: Christi et Ecclesiae laudes, et sacri amoris connubium (SC 1:8). Qua những lời này, tác giả dường như đã thảo ra một “sườn” cho toàn thể tác phẩm, mặc dù có lẽ khi mới bắt tay vào việc, thánh Bênađô chưa có một dàn bài chi tiết. Tuy vậy, một khi tác phẩm đã hoàn tất, người đọc có thể nhận ra một “sợi chỉ đỏ” liên kết nhiều đề tài trong bộ “tổng luận” này, đó là Chúa Kitô. Chúa Kitô là Ngôi Lời nhập thể, nghĩa là Người là Thiên Chúa và là người; tất cả các mầu nhiệm đức tin đều đồng quy về Người. Người là mẫu gương và nguyên ủy của cuộc đời Kitô hữu: chúng ta cần kết hợp với Người bằng đức tin, chiêm niệm, thực hành các nhân đức để bắt chước Người; nhờ thế chúng ta được trở về với Chúa Cha, nhờ Thánh Linh.

1. Hôn phu

Như vừa nói, tác phẩm này muốn ca ngợi Đức Kitô và Hội thánh (SC 1:9). Mầu nhiệm tình yêu được lồng trong tiến trình lịch sử cứu độ, từ Cựu Ước cho đến cánh chung, trải qua thực hành luân lý.

Những bài đầu tiên mở đầu bằng thời kỳ chuẩn bị trong Cựu Ước (SC 2:1): các tổ phụ trông mong Đấng Cứu thế; vì lý do gì biến cố Nhập thể phải trì hoãn (SC 2:5). Cuối cùng Người đã đến, đã giáng trần (SC 2:8). Điều này mang đến hệ luận là nhân loại trở thành hôn thê của Người; Hôn thê cần phải cam kết dấn thân, từ thống hối đến kết kiệp (SC 3-4). Mặt khác, việc Thiên Chúa đến với nhân loại còn mở rộng đến tất cả mọi thụ tạo, đặc biệt là các thiên sứ (SC 5; 7:8). Thiên Chúa là Thần khí siêu việt (SC 6): Người tỏ mình ra qua cuộc Nhập thể (SC 6:3), trong cuộc đời Đức Kitô (SC 6:4-5). Sau sự kiện khách thể này, tác giả vạch ra những áp dụng về phía chủ thể (SC 6: 6-9).

Những điều này đã chuẩn bị cho sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa như là Cha, Con và Thánh Linh. Đến đây tác giả dành trọn một bài giảng để bàn về Tam Vị. Tiếp theo đề tài tín lý là đề tài luân lý: sự đáp trả của linh hồn hôn thê cần được diễn tả qua lòng yêu mến, việc cầu nguyện, hiến dâng, hoạt động mục vụ (SC 9-11). Trọng tâm luôn dành cho công cuộc cứu chuộc opus redemptionis (SC 11: 3): ơn Cứu chuộc được thực hiện nhờ cuộc Nhập thể và cuộc đời của Đức Kitô (SC 11: 7-8). Đến đây, tác giả mở một dấu ngoặc về những nghĩa vụ của người mục tử dựa theo thứ tự Kinh Thánh: từ ông Giuse đến vua Đavít, Tin mừng, sự phục sinh của Đức Kitô (SC 12-13). Vấn đề tương quan giữa Hội thánh và Hội đường Do-thái mở màn cho việc trình bày giáo lý về Hội thánh (SC 14). Từ cách danh xưng của Hội đường, tác giả xoay qua việc trình bày các danh hiệu của Đức Kitô, đặc biệt là danh thánh Chúa Giêsu (SC 15), kèm theo việc tuyên xưng sự nghiệp của Người (SC 15,8). Các ưu phẩm và danh xưng của Thiên Chúa được bày tỏ qua việc Người là Thân phụ của Đức Giêsu, kể cả trong cuộc tử nạn của Người (SC 17,4-6), qua các tác động của Thánh Linh, qua cuộc chiến thắng ma quỷ (SC 18). Dĩ nhiên, không thể nào thiếu một bài giảng bàn về các thiên sứ (SC 19).

Cho đến đây, Bênađô đã đề cập đến các chủ đề căn bản của thần học tín lý De Deo uno et Trino (Thiên Chúa Nhất Thể Tam Vị), De Deo creante (Thiên Chúa tạo dựng). Rồi, tác giả chuyển sang De Verbo Incarnato (Ngôi Lời nhập thể): Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta, và đã thực hiện công trình cứu chuộc chúng ta (SC 20). Chúng ta gặp thấy khảo luận về ân sủng (SC 21). Ân sủng là tác động của Chúa Kitô nơi chúng ta. Đây là một khía cạnh rất quan trọng trong Kitô luận của Bênađô: nơi Đức Kitô, Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình, ngõ hầu chúng ta có thể bắt chước (SC 22:3). Hệ luận là chúng ta được mời gọi kết hiệp với Người nhờ sự chiêm ngưỡng (SC 23), và cư xử giống như Người, thi hành các công việc của Người (SC 24).

a) Đấng cứu chuộc

Tác giả đang viết về mầu nhiệm Nhập thể, thì phải tạm ngưng công cuộc biên soạn để sang Italia để giải quyết một vấn đề ly giáo xảy ra giữa giáo hoàng Innocentê II và Anaclêtô. Sau một năm rưỡi, Bênađô trở về đan viện và viết tiếp chương 24, bàn về việc phục vụ Hội thánh; kế đó tác giả bổ túc vài đề tài: sự dữ và tội lỗi (SC 25), sự chết, nhân dịp người anh qua đời (SC 26), vẻ đẹp của linh hồn (SC 27), sự cần thiết của đức tin vào Đức Kitô (SC 28), đức mến (SC 29), vai trò của sự bách hại và cám dỗ (SC 30), làm thế nào có thể chiêm ngưỡng nhan Chúa ở đời này (SC 31). Tác giả chen vào một bài suy niệm về đức tin của Mẹ Maria (SC 31:9), và Chúa Kitô tỏ ra như là hôn phu và y sĩ (SC 32). Như vậy, chúng ta thấy sự chuyển hướng từ các chủ đề thần học tín lý sang luân lý: việc thực hành các nhân đức, các chước cám dỗ (SC 33-34), việc học hành (SC 35-36; 39), về chủ ý ngay thẳng (SC 40).

Kế đó tác giả bước sang thần học thần bí: sự chiêm ngưỡng (SC 41), được chuẩn bị bằng đức khiêm nhường (SC 42), bắt chước Đức Kitô trong cuộc Tử nạn (SC 43), qua đó Người bày tỏ lòng yêu thương chúng ta (SC 44). Những chủ đề Kitô-luận được khai triển trong một loạt 15 bài giảng: việc kết hợp với Người (SC 45), trong Hội thánh (SC 46), qua những bậc sống khác nhau (SC 47). Đức Kitô hiện diện trong chúng ta (SC 48); đức ái giúp chúng ta chiêm ngưỡng Người (SC 49-53); Người là mẫu gương của chúng ta (SC 54); Người sẽ là Thẩm phán xét xử (SC 55); Người giúp đỡ chúng ta trong những cuộc chiến đấu (SC 56), viếng thăm linh hồn chúng ta (SC 57‐58), phú ban cho chúng ta lòng khao khát thông dự vào vinh quang của Người trên trời (SC 59). Sau một dấu ngoặc về người Do-thái (SC 60), Bênađô suy gẫm về cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, những sự đau khổ của Người (SC 61-62), với công hiệu là ơn cứu độ nhân loại. Như vậy, từ đề tài De Verbo Incarnato (mầu nhiệm Nhập thể), tác giả chuyển sang De Deo Redemptore (mầu nhiệm Cứu chuộc), và đưa độc giả vào các thực tại cánh chung.

b) Vua vinh quang

Phần cánh chung (De Novissimis) được tập trung vào hai chủ đề chính: một đàng là các thực tại tương lai; đàng khác là sự kết hiệp huyền bí, tiên báo vinh quang tương lai. Tác giả bàn về lòng khao khát Thiên Chúa là vinh quang của các thánh, hạnh phúc của các thiên sứ (SC 62), niềm hy vọng của người công chính (SC 68-69), sự tôn vinh Đức Kitô, Đấng ban thưởng cho kẻ trông mong (SC 72), cuộc quang lâm, phán xét (SC 73); Người được Chúa Cha ban cấp quyền năng để giúp đỡ sự yếu ớt của chúng ta (SC 75), sự phục sinh và lên trời của Người (SC 76); hành trình của Hội thánh dưới thế đến Hội thánh những kẻ được tuyển chọn (SC 77-78), Ngôi Lời trở lại (SC 81:7.11), vinh quang tương lai (SC 82:8).

Đang khi bàn về các thực tại cánh chung, khi đụng đến việc giải thích các “chồn cáo” của sách Tình ca, thêm vào lời yêu cầu của Everwin de Steinfeld, buộc Bênađô phải thêm một khảo luận về các lạc giáo nói chung (SC 63‐64), và cách riêng các lạc giáo tại miền Renania (SC 65-66): lịch sử hiện tại của Hội thánh là con đường dẫn đến vinh quang của Đức Kitô. Trong bối cảnh nói đến kinh nghiệm huyền bí, tác giả đi sâu vào đề tài tình yêu của Thiên Chúa và niềm vui tâm linh (SC 67‐68), sự chiêm ngưỡng Tam Vị (SC 71) và cuộc Nhập thể (SC 71: 18), niềm tin và yêu mến của Hôn thê dành cho Hôn phu (SC 79). Đến đây tác giả đụng đến tư tưởng chủ chốt của toàn bộ tác phẩm: sự khôi phục hình ảnh Ngôi Lời trong con người (SC 80-81), với cao điểm là sự kết hiệp huyền bí (SC 83-84). Bênađô đã đạt đến tột đỉnh của thần học chiêm niệm: sự kết hôn của linh hồn với Ngôi Lời (SC 85). Đề tài còn để ngỏ, bởi vì nó mở ra đến cõi vô tận (SC 86).

2. Hôn thê

Những gì vừa nói về căn cước của hôn phu đã có thể giúp tìm thấy giải đáp cho câu hỏi: ai là hôn thê? Chúa Kitô đã yêu thương tất cả nhân loại. Những ai đón nhận ân huệ của Người, ân ban Thánh Linh đưa họ về với Chúa Cha, thì Người quy tụ thành Hội thánh. Thế nhưng, Hội thánh (cũng như nhân loại) không phải là cái gì trừu tượng, nhưng gồm bởi những con người. Ngôi Lời nhập thể kết hiệp với những con người. Và mỗi con người hiện hữu trong sự thông hiệp với những con người khác: không thể nào tách rời những con người ra một bên và cộng đoàn Hội thánh ra một bên. Vì thế, thật là lạc điệu khi nêu câu hỏi: hôn thê đang nói là linh hồn hay là Hội thánh? Nơi Bênađô, có sự hòa hợp giữa các con người cá vị và cộng đoàn.

Mặc dù đề tài hôn thê (tức là Giáo hội học) được bàn rải rác trong toàn thể các bài giảng, nhưng ta có thể tóm lại những đề tài theo một thứ tự luận lý nào đó. Một tư tưởng chủ đạo đã được gặp thấy từ bài giảng số 12. Dầu thơm quý nhất của hôn thê là pietas, nghĩa là lòng trắc ẩn đối với tất cả mọi người đau khổ - những nhu cầu của người nghèo, những sầu khổ của người buồn phiền, những lỗi lầm của các tội nhân, và kể cả những nỗi khổ của kè thù ghét ta (12:1). Đó là gương của thánh Phaolô (12:2), ông Gióp (12:3), tổ phụ Giuse (12:4), vua Đavít (12:5), bà Mađalena (12:6). Theo gương ấy, ta hãy tỏ lòng trắc ẩn với mọi người, tìm cách giúp đỡ họ bằng vật chất hay tinh thần tùy cơ hội. Dù sao, đàng sau những tâm tình trắc ẩn mang tính luân lý là quan niệm của thánh Bênađô về Hội thánh. Tuy không phải mỗi cá nhân là một hôn thê của Đức Kitô, nhưng tất cả chúng ta họp thành Hội thánh, và là hôn thê của Người (12:11).

Từ những nguyên tắc ấy, tác giả rút ra vài hệ luận. Trong bài giảng 21, tất cả Hội thánh phải từ bỏ mình, vác thánh giá, đi theo Đức Kitô. Tất cả chúng ta đã được Người lôi kéo tới Người (21:2), trở nên giống hình ảnh của Người, thuộc về Người (21:7). Trong bài giảng 23, tác giả đồng hóa hôn thê với Hội thánh và hôn thê với linh hồn, khi bàn về ơn chiêm niệm. Đức vua đưa linh hồn tôi vào khuê phòng, và tôi ước mong cho hết mọi người cũng được vào (23:2). Thậm chí ở bài giảng 27, tác giả còn muốn mở rộng việc thông chia của cải thiêng liêng cho các thiên sứ nữa, bởi vì các thiên sứ cũng được Đức Kitô đối xử như hôn thê vì hòa hợp ý muốn với Người (27:6).

Toàn thể Hội thánh là hôn thê của Đức Kitô. Điều này không ngăn cản sự phân chia các chức vụ khác nhau, trong đó một số người giữ vai trò làm mẹ (SC 41:5), tựa như những tâm hồn chiêm niệm hoặc những người có nhiệm vụ rao giảng. Họ cần ý thức về lòng trắc ẩn với mọi người và nhớ rằng không ai sống cho riêng minh mà là cho mọi người (41:6). Điều này cũng được áp dụng cho những người được giao phó trách vụ cai quản trong Hội thánh. Tất cả các chức vụ và hoạt động trong Hội thánh cần được nuôi dưỡng bởi tình yêu (SC 49:5).

Như vậy, nhờ đức ái, mỗi linh hồn-hôn thê được hợp nhất với Hội thánh-hôn thê. Hội thánh hôn thê cũng được phong phú nhờ tính cách đa dạng của các linh hồn hôn thê. Khi bàn về Hội thánh, ngoài việc nêu bật sự phối hợp giữa tính hợp nhất và đa dạng, thánh Bênađô còn nói nhiều đến sự phối hợp giữa chiêm niệm và hoạt động: linh hồn chiêm niệm yêu mến Thiên Chúa thì cũng được lửa mến Chúa thúc giục để đem các linh hồn về cho Chúa, qua việc giảng thuyết (SC 57:9). Ngoài ra, Hội thánh cần biết phối hợp giữa thời gian và vĩnh cửu: tuy còn sống trong lịch sử, nhưng Hội thánh đã thông dự vào vinh quang của Hôn phu trên trời cũng với các thánh (SC 62:1). Hội thánh trên trần thế vừa nhớ đến quá khứ (cuộc khổ nạn của Chúa Kitô) vừa hướng đến tương lai (vinh quang trên trời, dựa vào công trạng của Đức Kitô). Trong khi chờ đợi được biến đổi (transformatio) thân xác, chúng ta cố gắng nên đồng hình đồng dạng (conformatio) với Đức Kitô, qua việc thực hành lòng lân tuất trắc ẩn như Người (SC 62:5).

Dù sao, có thể xem như một nét độc đáo của thánh Bênađô khi trình sự kết hợp giữa Hôn Phu (Đức Kitô) với Hôn thê (Hội thánh và các linh hồn) ở chỗ nhìn từ phía Hôn phu hơn là phía Hôn thê. Nhờ thiên tính, Đức Kitô nhìn tất cả nhân loại như là một, bởi vì Người muốn tập họp toàn thể nhân loại thành một, và biến họ thành Hội thánh là Hôn thê của mình. Điều này được trình bày trong các bài giảng 68 và 69. Tuy Đức Kitô yêu thương tất cả mọi người như một, nhưng Người cũng yêu thương từng linh hồn: Người yêu thương mỗi linh hồn như hôn thê và yêu thương tất cả Hội thánh như hôn thê. Người yêu thương mỗi linh hồn và kết hợp với nó như là độc nhất trên cõi đời này, nhưng Người yêu thương nó trong sự hợp nhất của toàn thể Hội thánh (SC 69:2).

Xem ra điều này hơi khó hiểu đối với nhiều độc giả. Vì thế, thánh Bênađô đào sâu thêm ý nghĩa của nó ở bài giảng số 71. Để hiểu được vì sao Chúa Giêsu yêu thương mỗi người chúng ta cách độc đáo trong tình yêu dành cho toàn thể Hội thánh, ta cần phải đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa Tam Vị: tình yêu của Ngôi Lời đối với Chúa Cha và với Thánh Linh mang tính liên-ngôi-vị (không ai giống ai), đồng thời với tình yêu của Ba ngôi trong một bản tính duy nhất (SC 71-78). Một cách tương tự như vậy, Đức Kitô cũng yêu thương hôn thê của mình vừa trong sự duy nhất của Hội thánh vừa trong sự đa dạng của các linh hồn. Từ nguyên tắc ấy, thánh Bênađô rút ra hệ luận trong chương 83: Đức Kitô yêu thương linh hồn đã được khôi phục lại hình ảnh của Thiên Chúa nhờ Người là Ngôi Lời; Người cử hành hôn lễ với linh hồn (83:1), khiến cho nó trở nên hôn thê của Ngôi Lời (83:3). Thế nhưng tình yêu của Người dành cho linh hồn cũng liên kết nó với tất cả mọi người, theo bản chất của tình yêu phổ quát (Ep 5,2). Từ đó, khi linh hồn đã được kết hôn với Đức Kitô thì cũng trở nên phong nhiêu “sinh sản con cái” cho Người, qua việc tăng trưởng trong đức mến với Người và qua việc dấn thân giúp đỡ tha nhân (SC 85). Như vậy, ta thấy rằng thần học chiêm niệm (và huyền bí) của thánh Bênađô gắn liền với thần học về Đức Kitô và về Hội thánh.

Theo vài học giả, cuốn sách còn đang viết dở dang ở bài 86, thì thánh Bênađô tạ thế. Không có câu kết thúc, không có lời chúc tụng. Nhưng có học giả cho rằng cuốn sách đã hoàn tất nhưng để mở: cuộc gặp gỡ vị Hôn phu không có hồi kết, nhưng tiếp tục trong tâm tình khiêm tốn: “Hãy bước đi như những con cái của ánh sáng” (Ep 5,8).

Kết luận


Thánh Bênađô bắt đầu biên soạn các bài giảng này vào năm 1135, khi đã lên 45 tuổi (với 20 năm kinh nghiệm làm viện phụ). Ngài đã bắt đầu nghiên ngẫm cuốn Tình ca cùng với cha Guillaume de Saint-Thierry từ năm 1120; nghĩa là trước đó 15 năm. Ngoài ra, như đã nói trên, tác giả đã mất 18 năm (nghĩa là cho đến lúc qua đời) mới hoàn thành.

Thực ra, tác giả không chủ ý chú giải từng câu từng đoạn của sách Tình ca, theo thể loại chú giải Kinh Thánh. Trong suốt 86 bài giảng, ngài chỉ trích dẫn sách Tình ca 31 lần, và cách riêng là hai chương đầu tiên (còn chương ba chỉ được nhắc đến hai câu 1-2). Mục tiêu của loạt bài giảng này là ca ngợi tình yêu giữa Đức Kitộ và Hội thánh. Nhân dịp này, tác giả trình bày cốt yếu của thần học tín lý, luân lý, tu đức của Kitô giáo. Chẳng hạn như: Thiên Chúa Nhất thể Tam Vị (SC 2-24), Mầu nhiệm Nhập thể (SC 20-24), Mầu nhiệm Cứu chuộc (SC 25-67), Cánh chung và Huyền bí (SC 68-86). Đề tài Huyền bí cũng bao gồm Giáo hội học, bởi vì bàn về sự kết hợp giữa Đức Kitô với Hôn thê là Hội thánh.

Mặt khác, tuy không phải là một quyển chú giải Kinh Thánh theo nghĩa chặt, nhưng thấm nhuần phương pháp đọc Kinh Thánh mà các giáo phụ truyền lại (Origène, Ambrôsiô, Augustinô, Grêgôriô Cả): khởi đi từ nghĩa văn chương (historia), người ta cố gắng tìm hiểu nghĩa sâu xa của bản văn, tức là nghĩa thiêng liêng dưới nhiều chiều kích: nghĩa luân lý nói chung (tropologia), nghĩa luân lý nói riêng, liên quan đến mối tương quan giữa Ngôi Lời và mỗi linh hồn; nghĩa huyền bí hướng đến việc hoàn tất Mầu nhiệm Đức Kitô và Hội thánh, hướng đến cánh chung tột đỉnh của tất cả (anagogia). Tác giả soạn những bài này nhằm giúp cho các đan sĩ nhận ra ơn gọi của mình, đó là đi tìm Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa và Hôn phu của Hội thánh, và đạt đến sự hợp nhất tinh thần của Người, đó là “hôn nhân huyền nhiệm”.

Dù nói thế nào đi nữa, tác phẩm này được coi như tiêu biểu của tư tưởng của thánh Bênađô hơn cả, và được Phụng vụ các giờ kinh chọn cho bài đọc Kinh sách vào lễ kính nhớ ngài (ngày 20 tháng 8): “Tôi yêu vì tôi yêu; tôi yêu để yêu” (SC 84,4-6).

Thư mục


1. Nguồn

  • Sancti Bernardi Opera (Eds. Leclercq, J. - Rocháis, H. M.), Vol. I-II, Roma: Editiones Cistercienses, 1963.
  • San Bernardo, Obras Completas, Edición bilingüe (Introducción: De la Torre, J. M.; Traducción: Aranguren, I.). Promovida por la Conferencia Regional Española de Abades Cistercienses, Tomo V, Madrid: BAC, 1987.
  • San Bernardo de Claraval, Sermones sobre el Cantar de los Cantares, (Introducción y Traducción: Santos Gómez, J. L.), Madrid, 2000.

2. Nghiên cứu

  • Bamberger, J. E., “Major themes in Saint Bernard’s Sermons on the Canticle”, Cistercian Studies 33:4 (1998), pp. 415-425.
  • Bennett, R. H., “The Song of Wisdom in Bernard’s Sermones super Cantica Canticorum”, Cistercian Studies 30:2 (1995), pp. 147-178.
  • Blanpain, J., “Langage mystique, expression du désir dans les Sermons sur le Cantique des Cantiques de Bernard de Clairvaux”, Collectanea Cisterciensia 36 (1974), pp. 45-69; 226-247; 37 (1975) pp. 145-166.
  • ______. “S’ouvrir au Désir. En lisant le Cantique des Cantiques avec Bernard de Clairvaux”, Abbaye de Scourmont: Publications de Scourmont, 2003 (Cahiers Scourmontois 4).
  • Breton, S., “Saint Bernard et le Cantique des Cantiques”, Collectanea Cisterciensia, 47:2 (1985), pp. 110-118.
  • Burton, P. A., “Une lecture ‘aux éclats’ du Cantique des Cantiques. Les enjeux de l’herméneutique biblique selon saint Bernard. Un Commentaire du sermon 23 sur le Cantique”, Cîteaux 57 (2006), pp. 165-241. [Vers l’infini d’une autre lumière. Études de spiritualité cistercienne II (Doctrine), Abbaye Val Notre-Dame Editions, 2014, pp. 379-476 (Pain de Cîteaux 35)].
  • Callerot, F., “S. Bernard doxologies à la gloire de l’Epoux de l’Eglise”, Liturgie 73 (1990), pp. 140-157.
  • Casey, M., A Thirst for God, Kalamazoo: Cistercian Publications, 1988.
  • Clinton, M.P., “Bernard of Clairvaux and Gilbert of Hoyland on the Song of Songs 3:1-4”, in: Bernardus Magister, Kalamazoo (Citeaux 42 [1991], pp. 277-286).
  • Delfgaauw, P, “An Approach to Saint Bernard’s Sermons on the Song of Songs”, Collectanea Ord. Cisterciensium, Ref. 23:2 (1961), pp. 148-161.
  • Dezzuto, C., “Il Cantico dei Cantici nell XII secolo: una presenza davvero significativa”, Studia Monastica 48:1 (2006), pp.59-99.
  • Dumont, Ch., “San Bernardo místico de acuerdo a la Regla de san Benito”, Cuadernos Monásticos 16:59 (1981), pp. 447-460.
  • Fassetta, R., “Le mariage spirituel dans les Sermons de saint Bernard sur le Cantique”, Collectanea Cisterciensia 48:2 y 3 (1986), pp. 155-180; pp. 251-­265.
  • ______. “La mystique christocentrique et nuptiale de saint Bernard dans le sermons sur le Cantique”, Collectanea Cisterciensia 75:2 (2013), pp. 139-­154.
  • Gelabert, M. “¡Qué me bese con el beso de su boca! La exégesis de San Bernardo al exordio del mejor Cantar”, Cistercium 52:241 (2005), pp. 1029-­1043.
  • Halflants, C., “Le Cantique des Cantiques de saint Bernard”, Collectanea OCR 15: 3 (1953), pp. 250-294.
  • Harrison, A., “‘Jesus wept’: mourning as imitation of Christ in Bernard’s Sermon twenty six on the Song of Songs”, Cistercian Studies Quarterly, 48:4 (2013), pp. 433-467.
  • Howe, E.T., “The mystical kiss and the Canticle of Canticles. Three interpretations”, American Benedictine Review 33:3 (1982), pp. 302-311.
  • Krahmer, S.A., “The Bride as Friend in Bernard of Clairvaux’s Sermones super Cantica”, American Benedictine Review, 48:1 (1997), pp. 69-87.
  • Leclercq, J., “Genèse d’un chef-d’oevre”, Collectanea Cisterciensia 47:1 (1985), pp.99-109. (Bernard of Clairvaux. On the Song of Songs, IV Kalamazoo: Cistercian Publications, 1980, XIX-XXIV). Recueil V, Roma: Edizioni di Storia e Letteratura, 1992, pp. 11-24.
  • ______. “La doctrine des Sermons sur le Cantique”, inn: Recueil V, Roma: Edizioni di Storia e Letteratura, 1992, pp.101-115.
  • ______. “L’Expérience mystique d’après S. Bernard de Clairvaux (Dil y SC)” en: Recueil V, Roma: Edizioni di Storia e Letteratura, 1992, pp. 403-414.
  • Montanari, A., “In imagine pertransit homo. La dottrina dell’imago Dei nei Sermones super Cantica 80-83 di San Bernardo”, Rivista Cistercense 17:1 (2000), pp. 33-80 (Archivos).
  • ______. “‘Desiderium sine anxietate’. Désir infini et béatitude de l’homme d’après les sermons 84-86 Super Cantica de Saint Bernard”, Collectanea Cisterciensia 70:1 (2008), pp. 4-20.
  • Morris, A., “The Trinity in Bernard’s Sermons on the Song of Song’s”, Cistercian Studies 30:1 (1995), pp. 35-38.
  • Moritz, T., “The Church as Bride in Bernard of Clairvaux’s Sermons on the Song of Songs”, en: The Chimaera of His Age: Studies on Bernard of Clairvaux, Kalamazoo, 1980, pp. 3-11 (CSS 63).
  • Mouroux, J., “Les critères de l’expérience spirituelle d’après les Sermons sur le Cantique des Cantiques”, Analecta SOC 9 (1953), pp. 253-267.
  • Musser, R., “Bernard’s use of Beatitude in his Sermons on the Song of Songs”, Cistercian Studies 29:4 (1994), pp. 414-442.
  • Olivera, B., “Bases de la teología mística de San Bernardo”, Cistercium 23:123 (1971), pp. 187-210.
  • Oxenham, E., “‘Under the Apple Tree’. A comparative exegesis of the Song of Songs 2:3 in the Sermons of Bernard of Clairvaux and John of Ford”, en: Bernardus Magister, Kalamazoo: (Cîteaux 42 [1991], pp. 277-286).
  • Paulsell, W.O., “Virtue in St. Bernard’s Sermons on the Song of Songs”, in: Saint Bernard of Clairvaux. Studies commemorating the Eighth Centenary of his Canonization, Kalamazoo: Cistercian Publications, 1977, pp. 101-117.
  • ______. “Ethical theory in the Sermons on the Song of Songs”, in: The Chimaera of his Age. Studies on Bernard of Clairvaux, Kalamazoo: Cistercian Publications, 1980, pp. 12-22.
  • Piault, B., “Le désir de la sagesse. Itinéraire du retour de l’âme a Dieu chez santi Bernard dans le sermon 85 sur le Cantique des Cantiques”, Collectanea Cisterciensia 36 (1974), pp. 24-44.
  • Pranger, M.B., “The concept of death in Bernard’s Sermons on the Song of Songs”, in: Bernardus Magister, Kalamazoo: Cistercian Publications - (Cîteaux 42 [1991], pp. 85-93).
  • Sallier Dupin de, M.V., “Saint Bernard et la charité fraternelle dans les Sermons sur le Cantique des Cantiques”, Collectanea Cisterciensia 58:2 (1996), pp. 111-124.
  • Sommerfeldt, J., “Bernard of Clairvaux on love and marriage”, Cistercian Studies Quarterly 30:2 (1995), pp. 141-146.
  • Spezzano, D., “I am black but beautiful: saint Paul as model of the Bride in Bernard of Clairvaux’s Sermons on the Song of Songs”, Cistercian Studies Quarterly 51:3 (2016), pp. 321-332.
  • Stiegman, E., “Action and Contemplation in St. Bernard’s Sermons of the Song of Songs”, in: Bernard of Clairvaux. On the Song of Songs III, Kalamazoo: Cistercian Publications, 1979, pp. VII-XIX.
  • ______. “The Literary Genre of Bernard of Clairvaux’s Sermones super Cantica Canticorum”, en: Simplicity and Ordinariness, Kalamazoo: 1980, pp. 68-92.
  • Torre de La, J.M., “La mujer del Cantar según San Bernardo”, Ephemerides Mariologicae 46 (1996), pp. 195-223.
  • Twomey, G.S., “Saint Bernard’s doctrine of the human person as the Image and Likeness of God, in sermons 80-83 on the Song of Songs”, Cistercian Studies Quarterly, 17:2 (1982), pp. 141-149.
  • Verbaal, W., “Les Sermons sur le Cantique de Saint Bernard: un chef d’oevre achevé”, Collectanea Cisterciensia 61:3 (1999), pp. 167-185.

[1] Các tác phẩm của thánh Bênađô được in trong Patrologia latina vol. 182-185. Ấn bản phê bình do J. Leclercq - C. Talbot biên soạn: Sancti Bernardi Opera, I-VIII, Storia e Letteratura, Roma 1957.