Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

HỘI NHẬP VĂN HÓA THEO TÔNG HUẤN “GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU” - ECCLESIA IN ASIA

Thời sự Thần học – Số 21 – Tháng 09/2000, tr. 89-101.

_Mặc Giao_ 


Làm thế nào để sống hài hòa với những đồng bào khác tôn giáo và để lời rao truyền Phúc âm được chấp nhận dễ dàng trong một bối cảnh văn hóa, xã hội và lịch sử cá biệt? Đó là mối bận tâm của nhiều nhà truyền giáo cũng như của nhiều giáo dân. Người Công giáo Việt Nam tin Chúa, xây dựng Giáo hội, nhưng vẫn không muốn sống tách biệt khỏi truyền thống và văn hóa của dân tộc. Chúng ta đã từ lâu trông chờ Giáo hội đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo và một đường lối thực hành để giúp chúng ta sống đạo một cách thoải mái với những người anh em không cùng tín ngưỡng. Ngày 6-11-1999 tại Tân Đề Li, thủ đô Ấn Độ, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban bố Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo hội tại Á Châu)[1]. Tông huấn đã đáp ứng niềm mong mỏi của toàn thể giáo dân tại Á Châu, nơi họ sống chung với đồng bào thuộc nhiều tôn giáo lớn của nhân loại, như Phật giáo, Ấn độ giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Hồi giáo. Tông huấn dài 150 trang với nhiều nhận định, giải thích và hướng dẫn. Nhưng tất cả đều qui vào hai điểm chính sau đây:
1. Xác nhận ơn cứu độ đến từ Chúa Giêsu, dù tín đồ các tôn giáo khác chỉ có thể chấp nhận Ngài là một trong những vị thần linh đến từ trời, không phải Đấng Cứu Thế duy nhất, vì họ tin rằng còn có những con đường khác dẫn đến sự cứu rỗi. Giáo hội, trong khi tôn trọng các tôn giáo khác, không hề lay chuyển niềm tin nơi Chúa Kitô.

2. Tuy nhiên, Giáo hội phải tiến hành việc hội nhập đạo Chúa vào văn hóa địa phương để hình ảnh Chúa Kitô không trở nên xa lạ với nhiều người Á Châu. Hội nhập văn hóa như thế nào là một đề tài lớn, đòi hỏi những nỗ lực nghiên cứu lâu dài. Trong bài này, chúng tôi chỉ xin nêu một vài nhận xét về việc các tôn giáo chính tại Việt Nam, trong đó có đạo Công giáo, đã được Việt Nam hóa ra sao và việclàm cho đạo thích ứng với văn hóa Việt Nam nên đi theo chiều hướng nào?

KHẢ NĂNG VIỆT NAM HÓA CỦA DÂN TỘC CHÚNG TA


Việt Nam hóa là tiếp thu những điều hay hoặc những điều mình ưa chuộng đến từ bên ngoài, rồi uốn nắn, cải biến, thêm bớt cho phù hợp với nếp sống và tâm tình của dân tộc Việt Nam. Về điểm này, người Việt Nam rất xuất sắc, đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo.

Đạo Phật đặt căn bản trên nguyên tắc “tự giác nhi giác tha”, tức là tự cứu mình thoát khỏi vòng luân hồi bằng cách không gây nhân xấu để khỏi lãnh nghiệp xấu, không nhờ tới một sức mạnh siêu hình nào. Đức Phật Thích ca không nhận mình là thần thánh mà chỉ coi mình như một người đã giác ngộ và chỉ đường cho chúng sinh bỏ bờ mê để đi đến bến giác. Nhưng đạo Phật đến Việt Nam qua ngả Trung Hoa đã trở thành một đạo Phật Việt Nam. Ngoài việc hành đạo theo những giáo huấn của đức Phật, phật tử Việt Nam còn thêm nhiều lễ lục khác như lập đàn cầu cho người chết được siêu sinh tịnh độ, gửi vong của cha mẹ quá cố vào chùa, phát cháo lú vào “tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”, biến đức Phật thành một vị thần linh để cầu xin đủ thứ… Những điều này phù hợp với truyền thống hiếu thảo, thờ kính cha mẹ, cũng như tín ngưỡng đa thần mà dân Việt đã thực hành từ bao đời. Vua Trần Thái Tôn bỏ hết chuyện đời, kể cả ngai vàng, để vào rừng tìm Phật. Nhưng khi đất nước bị quân Mông Cổ xâm lăng, ngài lại phải nhập thế để cùng toàn dân cứu nước, phải chấp nhận những hành động “sát sinh” (dù giết kẻ xâm lăng). Nhà vua đã biện minh cho hành động này bằng sự dung hòa giữa quan niệm của đạo Khổng “trung quân, ái quốc” với giáo lý của đức Phật: “… Ngày nay ta có thể không lấy trách nhiệm của thánh hiền xưa làm trách nhiệm của mình, giáo lý của đức Phật làm giáolý của mình được sao?” [2].

Đạo Lão gồm một chuỗi những quan niệm rất cao siêu được Lão Tử diễn giải trong cuốn Đạo Đức kinh. Về bản thể của Đạo, Lão Tử cho đó là nguồn gốc của vũ trụ. Có thể hiểu Đạo là Trời, vì theo Lão Tử, Đạo là lẽ tuyệt đối, là độc nhất vô nhị, không có gì có thể so sánh hay đương đầu. Ngay danh từ Đạo cũng là gọi một cách miễn cưỡng: “Đạo khả đạo phi thường Đạo, Danh khả danh phi thuờng danh”(Đạo mà ta có thể gọi được không còn là Đạo thường nữa. Danh mà ta có thể gọi được không còn là Danh thường nữa). Đạo có vẻ như “vô vi”, tức không làm gì cả. Sự thật không phải vậy. Vì trong vũ trụ, không có gì là không làm (vô bất vi). Một thí dụ về vật chất rất dễ hiểu: Hãy nhìn một cục đá uranium bất động. Chúng ta thấy cục đá không làm gì. Thực tế, nó đang phát ra chất phóng xạ và trong cục đá đó có hàng triệu triệu phân tử có thể được sử dụng để làm bom nguyên tử giết hại con người, hay cũng có thể được dùng để chạy máy điện phục vụ con người. Vì vậy, cái “vô vi” của Đạo là “bất tranh nhi thiện thắng” (không tranh mà vẫn thắng nhờ cái thiện của mình). Con người phải bắt chước theo hành động ấy của Đạo. Lão Tử còn lấy nước để ví với Đạo: “Bậc thượng thiện giống như nước. Nước thì ưa làm lợi cho vạn vật mà không tanh. Ở thì hay lựa chỗ thấp, lòng thì chịu chỗ thâm sâu, xử thế thì thích lòng nhân, nói ra thì trung thành không sai chạy, sửa trị thì làm cho được thái bình. Làm việc thì hợp với tài năng, cử động thì hợp với thời buổi. Ôi vì không làm nên không sao lầm lỗi.” [3] Từ nguyên tắc “bất tranh nhi thiện thắng” đó mới nảy sinh ra những cách xử thế khác, như “công toại thân thoái” (thành công rồi thì lui thân), “tự căng tự phạt” (tự kiêu căng là tự phạt mình). Nguyên tắc xử thế nổi tiếng nhất của Lão Tử “dĩ đức báo oán” (lấy đức mà đáp lại oán thù). Có xa gì với đức Từ bi của đạo Phật và đức Bác ái của đạo Thiên Chúa? Đạo lý của Lão Tử cao siêu như thế, nhưng sau này, ngay tại nơi xuất phát là Trung Quốc, người ta đã biến đạo của ngài thành nhiều hình thức mê tín, như tu tiên, luyện thuật trường sanh bất lão, đằng vân hóa phép. Có phái lại lên núi tu hành ẩn dật, tuyệt đối “vô vi”, để chỉ suy niệm về lẽ huyền nhiệm của Trời Đất. Đạo Lão được thực hành tại Việt Nam với rất ít lý thuyết, nhưng rất nhiều hành động liên quan tới việc thờ cúng thần thánh. Chỉ những nhà nho có học mới hiểu được nghĩa lý của Đạo Đức kinh, và chỉ khi nào thoát ra khỏi vòng danh lợi họ mới ca tụng thuyết “Vô vi” của đạo Lão: “Cái thân ngoại vật là tiên trên đời”. Hoặc khi đã xong nợ công danh, họ mới quay về với Đạo để di dưỡng tính tình và an hưởng tuổi già:
“Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới?
Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc, thanh
Này này sĩ mới hoàn danh.”
(Nguyễn Công Trứ)

Rõ ràng các nhà nho của ta chỉ chọn những gì mà họ thích ý trong lý thuyết của Lão Tử để dùng làm lý luận biện minh cho thái độ xuất, xử, hoặc hoàn danh của mình. Còn đối với đa số quần chúng không được học hành nhiều, Lão giáo là những cửa đền, cửa phủ là nơi thờ cúng các vị tiên, thánh, những nhân vật huyền thoại hay lịch sử, như Đức thánh Gióng, Bà chúa Liễu Hạnh, Bà chúa Kho, Bà Đen, Vía Bà núi Sam, Đức thánh Trần, v.v… là nơi họ đến cầu xin đủ thứ, từ buôn may bán đắt, gặp duyên, thi đậu, đến đánh ghen hoặc trù ếm người khác. Họ còn biến đền, phủ thành những nơi để lên đồng, lên bóng, để các đồng cô, đồng cậu mặc đẹp, nhảy múa theo tiếng đàn, tiếng trống của các cung văn, để cho thần thánh nhập vào họ, để họ có cảm tưởng được trở thành thần thánh trong chốc lát với “phép” phát lộc bằng tiền dương gian cho những người đang xưng tụng chung quanh. Người ta đốt vàng mã, tiền giả, nhà, xe, dụng cụ và cả hầu non làm bằng khung tre phết giấy màu với hy vọng người thân ở cõi âm có thể nhận và sử dụng được những thứ này. Người ta uống cả tàn nhang, nước thải lấy ở các đền, phủ để cầu cho khỏi bệnh. Đó chỉ là vài thí dụ để chúng ta thấy đạo Lão nguyên thủy đã được cả giới trí thức lẫn giới bình dân biến thành một thứ đạo dân gian Việt Nam ra sao.

Nói về đạo Khổng, nhiều vị thức giả nhận định rằng đó chỉ là một nền luân lý thực hành, áp dụng cho chính bản thân, trong gia đình, ngoài xã hội, tới khắp thiên hạ (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Đức Khổng Tử tin có Trời và cho rằng người quân tử có ba điều phải sợ, mà trước tiên là sợ mệnh Trời (úy thiên mệnh). Tuy nhiên, Khổng Tử nói nhiều về Trời, và cũng không thích bàn đến chuyện quỷ thần hay chuyện đời sau. Thầy Tử Lộ hỏi ngài về đạo thờ quỷ thần, ngài đáp: “Chưa biết được đạo thờ người, sao biết được đạo thờ quỷ thần? (Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ”. Tử Lộ lại hỏi về sự chết, ngài đáp: “Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự chết” (Vị tri sinh, yên tri tử) [4]. Đạo của ngài không đưa ra những giáo lý cao siêu về “hình nhi thượng”, nhưng là một con đường để tu thân và thiết lập trật tự xã hội trên trần gian. Trước hết, mọi người phải cư xử cho chính danh và đúng bổn phận và địa vị của mình, vua phải đối xử ra vua, thần ra thần, cha ra cha, con ra con (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử). Nữ nhi thì phải giữ Tam tòng (tòng phụ, tòng phu, tòng tử) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh). Nam nhi thì phải trọng đạo Tam cương (quân, sư, phụ), Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Dân tộc Việt Nam đã chấp nhận đạo Khổng một cách toàn diện. Xã hội Việt Nam đã có những thời kỳ dài được tổ chức theo khuôn phép của Khổng giáo. Tuy vậy, nhiều người Việt Nam theo thuyết duy lý của Khổng Tử vẫn lễ bái tại các cửa đền, cửa phủ, vẫn tin quỷ thần. Họ còn xây văn miếu hay văn chỉ tại nhiều làng để thờ Đức thánh Khổng và các vị Tiên Hiền của đạo Nho, nơi họ tế lễ hàng năm và đem mâm xôi, con gà đến cầu xin trước khi đi thi.

Tại Việt Nam, không thể nói toàn thể Phật tử là những người theo đạo Phật thuần thành, tức là chỉ thực hành một con đường theo lời Phật dạy. Đa số vừa tin Phật, ăn chay và đi lễ chùa vào các ngày mồng một và rằm, vừa tin tưởng các tiên, thánh, quỷ thần, đi lễ bái nơi các cửa đền, cửa phủ, vừa giữ luân lý Khổng Mạnh trong gia đình, ngoài xã hội. Việc giữ cả ba đạo một cách hài hòa được gọi là Tam giáo Đồng nguyên. Điều này chỉ có thể xảy ra do khả năng dung hòa và tinh thần bao dung của dân tộc Việt Nam.

ĐẠO CÔNG GIÁO ĐÃ ĐƯỢC VIỆT NAM HÓA RA SAO?


Đạo Công giáo được rao truyền tại Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 16 (1533), giữa lúc guồng máy quốc gia, luân lý xã hội, tâm lý quần chúng còn được đóng khung trong học thuyết Khổng Mạnh. Giáo lý Công giáo dạy niềm tin nơi Thiên Chúa tối cao, vừa nhân từ vừa thưởng phạt công minh, dạy rằng mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, đều là anh em con một Cha, nên phải thương yêu và giúp đỡ nhau, kể cả kẻ thù. Giáo lý mới này gây nên sự lo ngại cho những người cầm quyền và hàng ngũ trí thức Nho học. Họ sợ một sự xáo trộn trật tự xã hội, vua không còn được coi là Thiên Tử (con Trời), giới Nho sĩ không còn được công nhận là thành phần ăn trên ngồi trốc, cầm cân nảy mực cả xã hội. Đó là lý do căn bản khiến vua quan tìm mọi cách cấm đạo và giết người theo đạo. Dù vậy, người Việt Nam theo đạo Công giáo rất đông. Các cộng đoàn giáo dân bành trướng mau lẹ. Sự thành công của việc truyền giáo ngay từ buổi đầu đã chứng tỏ giáo lý Công giáo phù hợp với những tin tưởng và giá trị luân lý của người Việt. Ngoài ra, cũng phải kể tới nỗ lực của các nhà truyền giáo, ngoại quốc cũng như bản xứ, trong việc thích ứng việc giữ đạo với phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa Việt Nam.

Trước hết, về kinh sách. Việc dịch sang tiếng Việt là một nhu cầu hàng đầu. Điều đáng nói là những bản dịch đã được Việt Nam hóa một cách khéo léo để người Vệt khi đọc lên cảm thấy gần gũi với tâm tình và cách nói của họ. Thuở chữ Nho còn thịnh, nhiều kinh được dịch sang chữ Nho, như những kinh cầu chữ bắt đầu bằng “Thiên Chúa cao nhân thần đẳng”. Kinh “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời” được dịch theo lối văn biền ngẫu, đọc lên nghe rất Việt Nam: “Phục dĩ chí tôn, chân chúa cửu trùng, cao ngự uy thiên…” Người có công dịch kinh sang chữ Nho đầu tiên là một vị cựu hòa thượng, từng làm quan văn trong triều, đã theo đạo Công giáo với cha Girolamo Majorica (1591-1656) và được đặt tên thánh là Phanxicô. Sau đó, kinh sách được dịch và viết bằng tiếng Việt, hoặc bằng chữ Nôm, hoặc bằng chữ quốc ngữ. Linh mục Lữ Y Đoan (thụ phong linh mục năm 1676 và từ trần hai năm sau đó) là người Việt Nam đầu tiên đã dịch Thánh kinh sang tiếng Việt bằng thơ lục bát dưới nhan đề Sấm truyền cũ[5]. Thời thánh lễ còn được cử hành bằng tiếng La tinh rất xa lạ với người Việt, chúng ta đã có những bài ca, vãn bằng tiếng Việt được ngâm nga trong thánh lễ, trong các lễ nghi tuần thánh, trong tháng hoa kính “Đức Bà” với những câu thơ và chữ dùng rất cổ như:
Lạy ơn Đức Mẹ Chúa Rêu [6]
Chúng tôi trông cậy cùng kêu van Bà
Xin Bà bầu cử trước toà
Tỏ ra lòng Mẹ rất là yêu con…

Vì người Việt Nam rất thích thơ, và vì thể thơ giúp người ta dễ thuộc, dễ nhớ, nên đa số kinh sách được viết bằng thơ. Những sách giáo huấn bổn đạo như Hiếu tự ca, Nữ Tắc lễ thường, Nịch ái vong ân của cha Trần Lục, thường được gọi là “Vè Cụ Sáu”, được viết bằng thể thơ lục bát và song thất lục bát. Sự tích các thánh, như “Truyện ông Alêxù” (tức thánh Alexandre) cũng được viết thành thơ lục bát và được các bà dùng để hát ru con. Một nền thánh ca cũng đã được thành hình với hàng trăm bài được sáng tác bằng âm điệu và lời ca hoàn toàn Việt Nam, hoặc dùng nhạc ngoại quốc và đặt lời Việt.

Về phương diện lễ nghi, rất nhiều sắc thái dân tộc đã được đem vào các hình thức phụng tự Công giáo, thí dụ: chiêng, trống, thanh la, não bạt được sử dụng trong nhà thờ không khác gì tại các đình chùa. Một đám rước Công giáo cũng bắt đầu bằng cờ ngũ hành và kết thúc bằng một cỗ kiệu sơn son thiếp vàng với tiếng trống khẩu và thanh la dẫn hiệu. Y phục của các quan viên, nghĩa binh, trung binh, lão binh đều là y phục cổ truyền được phân biệt theo màu. Ngày thứ sáu tuần Thánh có ngắm đứng, kể lại 15 sự thương khó Chúa Giêsu. Nhiều nơi, những người ngắm mặc áo dài trắng, chít khăn tang để tưởng niệm ngày Chúa chịu chết.

Về phương diện kiến trúc, rất nhiều bàn thờ trong nội cung các thánh đường được tạo hình theo mỹ thuật và kỹ thuật Việt Nam với những hoa văn, phù điêu, nhà tạm mái cong được sơn son thếp vàng, cẩn xà cừ hay sơn mài. Nhiều thánh đường được xây dựng theo kiểu đền chùa, cung điện với mái cong và những hoa văn giống như trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Đặc biệt, quần thể khu thánh đường Phát Diệm đã được cha Trần Lục (1825-1899) phác họa và đôn đốc việc xây cất bằng những vật liệu quý giá như đá tảng, gỗ lim, với kiến trúc rất Việt Nam, phảng phất như những cung điện tại thành nội Huế.

Tất cả những nỗ lực Việt Nam hóa đạo Công giáo đã được thực hiện liên tục từ bốn thế kỷ qua. Cha ông chúng ta không đợi đến Công đồng Vatican II (thập niên 1960) mới tìm cách hội nhập đạo vào văn hóa dân tộc. Công đồng, trong nhiều cải cách quan trọng, đã đem đến cho chúng ta hai sự thay đổi quý giá và đắc ý nhất, đó là việc dâng thánh lễ và làm các phép bí tích bằng tiếng Việt, và việc cởi mở đối với nghi thức tôn kính tổ tiên. Nhờ tất cả những nỗ lực, chúng ta có thể giữ đạo một cách thoải mái, vì cảm thấy đạo Chúa không xa lạ với truyền thống và văn hóa của dân tộc. Dù vậy, con đường hội nhập đạo Công giáo vào văn hóa dân tộc còn rất dài và còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết.

HỘI NHẬP THEO CHIỀU HƯỚNG NÀO?


Tông huấn Ecclesia in Asia đề cập những lãnh vực của việc hội nhập văn hóa như thần học, phụng vụ, đào tạo, Kinh thánh. Những vấn đề này cần phải được nghiên cứu và thảo luận một cách sâu rộng. Chúng ta ước mong Hội đồng Giám mục Việt Nam thành lập một Ủy ban đặc nhiệm gồm các chuyên viên, học giả, tu sĩ cũng như giáo dân, với trách nhiệm nghiên cứu việc thực thi Tông huấn và đệ trình những đề nghị lên Hội đồng Giám mục. Trong khi chờ đợi ước vọng này được thành hình, tôi xin mạo muội đưa ra vài đề nghị về chiều hướng hội nhập văn hóa liên quan đến ba lãnh vực cần thiết nhất, đó là niềm tin, phụng tự và đào tạo.

Tông huấn có nói đến việc phát triển một nền thần học hội nhập văn hóa. Vấn đề vượt quá khả năng của người viết bài này. Tôi chỉ xin nói tới chiều hướng tìm một niềm tin chung nơi đa số những người Việt Nam với nhau. Nếu hỏi những người thường đi lễ chùa: Niết bàn là gì? Đa số sẽ trả lời đó là nơi không còn phải đầu thai hóa kiếp, là nơi hồn được yên nghỉ trong hạnh phúc tuyệt đối. Nói tóm lại, đó là một thứ thiên đàng. Họ đâu có hiểu như ngài Sariputa, đệ tử của đức Thích Ca, giải thích Niết bàn (Nirvana) là “nơi tận diệt của ước muốn, là nơi tận diệt của oán thù, là nơi tận diệt của ảo vọng”[7]. Nói cách khác, đó là nơi tuyệt diệt của Tham, Sân, Si. Một khi không còn tham, sân, si, thì kiếp người sẽ không còn nghiệp, sẽ không còn phải ngụp lặn trong bể khổ, sẽ được bình an, tự tại. Vì vậy, Niết bàn không hẳn là ở một nơi nào khác, mà đôi khi ở ngay chính trong lòng ta. Nhưng dù hiểu cách nào, cũng không đi ra ngoài nguyên tắc “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”. Bài học giáo lý Công giáo vỡ lòng ở trong Nam:
Thiên đàng, hỏa ngục hai quê
Ai khôn thì về, ai dại thời sa
có khác gì niềm tin tưởng của dân gian ngoài Bắc:
Ai ơi qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm

Vậy điểm tương đồng đầu tiên về niềm tin của dân Việt Nam, dù thuộc bất cứ tôn giáo nào, là phải tu thân tích đức khi còn sống trên cõi đời này, để khi chết sẽ được hưởng hạnh phúc trên Thiên đường hay Niết bàn.

Đối với rất nhiều người thông hiểu giáo lý cao siêu của đức Phật, họ coi đức Phật là một vị đại thánh có quyền phép vạn năng, nên hay gọi chung “Trời Phật”. Nhưng trên tất cả, họ tin có “Ông Trời”. Người Việt Nam tin rằng “Không có Trời ai ở với ai?” và khi mở miệng là nói “Nhờ Trời” hay “Cám ơn Trời”. Ngay những câu vè đồng dao trẻ em hay hát cũng bắt đầu bằng “Lạy Trời”:
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm tôi thổi…

Người Công giáo tin Thiên Chúa là đấng tạo dựng vạn vật và con người. Thiên Chúa là đấng toàn năng, toàn trí, chí thánh, chí thiện, chí công. Vậy Thiên Chúa của người Công giáo đâu có khác Ông Trời của những đồng bào theo đạo khác? Điều khó hiểu cho họ là Thiên Chúa có ba ngôi nhưng lại đồng nhất thể. Điều này thuộc về đức tin, không cần giải thích nhiều, trừ khi đối với những người dụng công tìm hiểu. Vậy chúng ta có thể đồng hóa Thiên Chúa với “Ông Trời” của những đồng bào thuộc các niềm tin khác được không?

Cũng trong vấn đề niềm tin, người Việt Nam rất có hiếu với cha mẹ, biết ơn và thờ kính ông bà, tổ tiên. Một trong những trở ngại cho nhiều người muốn theo đạo Công giáo là họ nghĩ rằng khi theo đạo, họ sẽ phải bỏ ông bà, tổ tiên, chỉ được thờ có Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta cần đào sâu những lý luận và phổ biến rộng rãi cho nhiều người hiểu quan niệm của chúng ta về việc thờ kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất. Điều thứ tư trong mười điều răn của Thiên Chúa truyền là phải thảo kính cha mẹ. Thảo kính cha mẹ khi các người còn sống tất nhiên phải tưởng nhớ và cầu nguyện cho cha mẹ khi các người qua đời. Như vậy đâu có phải là quên, là bỏ. Có điều chúng ta không thờ những người đã khuất, chỉ thờ có Thiên Chúa, vì ông bà, cha mẹ cũng chỉ là những thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên. Nhưng chúng ta kính các người, tưởng nhớ và tri ân các người, cầu nguyện cho các người được về Thiên đàng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta cũng có thể xin các người cầu cùng Chúa cho chúng ta những ơn lành. Như vậy, mối liên hệ giữa người sống và người chết vẫn còn. Giáo hội đã cho phép giáo dân lập bàn thờ tổ tiên trong nhà, dĩ nhiên không cao hơn bàn thờ Thiên Chúa, được thắp đèn, nhang, cũng như dâng cúng thực phẩm. Chúng ta không tin rằng người quá cố sẽ về hưởng những vật dâng cúng, nhưng chúng ta muốn bày tỏ lòng hiếu thảo, đôi khi cúng một vài món mà người quá cố ưa thích khi còn ở trần gian. Đó cũng là nhắc lại những kỷ niệm để cho việc tưởng nhớ được đậm đà và cụ thể hơn. Trên đây chỉ là vài điều gợi ý cho việc dung hòa đức tin Công giáo với truyền thống thờ kính tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Chúng ta còn phải suy nghĩ nhiều hơn nữa để xem có thể làm được gì nhằm chứng tỏ theo đạo không phải là mất gốc.

Trong việc phụng tự, chúng ta phải nhìn nhận rằng nhiều lễ nghi Công giáo có vẻ quá “tây” và xa lạ với người Việt. Từ y phục của các vị hành lễ và những người giúp lễ trên bàn thờ; từ bình xông hương cho tới chén lễ và chùm chuông nhỏ; từ chân đèn cầy cho tới khăn trải bàn thờ, tất cả đều được mô phỏng theo văn hóa La Hy. Trước đây, thánh lễ và các phép còn được cử hành bằng tiếng La tinh. Như vậy, người ta nói đạo Công giáo là đạo ngoại lai (dù chẳng có đạo nào phát xuất từ Việt Nam) cũng không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Như đã nói ở trên, cha ông chúng ta đã biết Việt Nam hóa các lễ nghi, nhưng chúng ta còn cần phải cải cách nhiều hơn nữa để các lễ nghi Công giáo trong việc thờ tự không quá xa lạ với nếp sống và truyền thống của dân tộc. Trước năm 1975, tại Sài Gòn, linh mục Hoàng Sỹ Quý có tổ chức “thử” việc cử hành thánh lễ theo lễ nghi Đông phương. Người ta tò mò và thích thú xem các cha mặc áo dài khăn đóng, đánh trống, đánh chiêng, gõ mõ, tấu nhạc với phường bát âm thay cho tiếng phong cầm. Cuộc thử nghiệm này đã gây được nhiều cảm tình nhưng không có tiếng vang xa vì không có những hành động tiếp nối, nhất là không được các vị có thẩm quyền khuyến khích. Dù sao, các lễ nghi đượcViệt Nam hóa cũng không thể thay thế hoàn toàn các nghi thức của Giáo hội hoàn vũ. Một đặc điểm của Giáo hội Công giáo là tính cách phổ quát (universal), nhờ đó một linh mục hay một giáo dân có thể hành lễ hay dự lễ tại bất cứ nơi nào trên thế giới mà không cảm thấy xa lạ. Chúng ta phải giữ ưu điểm này, nhưng không ai cấm chúng ta cử hành nghi lễ theo truyền thống Việt Nam vào các dịp đặc biệt như lễ giỗ, kính các thánh Tử đạo Việt Nam, Tết Nguyên đán, v.v… Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những hình thức bề ngoài, tuy cần thiết vì đánh động được tâm tình của người tham dự, nhưng Tông huấn dạy rằng còn phải làm thế nào cho sự hội nhập văn hóa trở nên tốt đẹp để dân Chúa càng ngày càng dấn thân hơn trong đức tin Kitô, vì họ tri thức đức tin một cách rõ ràng hơn với con mắt văn hóa của họ.

Tông huấn cũng rất sáng suốt khi nêu lên vấn đề đài tạo các nhà rao giảng Tin mừng để thích ứng với bối cảnh văn hóa Âu châu. Các nghị phụ tham dự Thượng hội đồng Giám mục Á châu họp tại Rôma năm 1998 cũng khuyến khích các giáo sư chủng viện và các cộng tác viên hãy cố gắng hiểu sâu rộng những yếu tố linh đạo và cầu nguyện vốn đi liền với tâm hồn người Á châu. Tôi xin thêm: Việc huấn luyện cũng phải gồm có sự học hỏi nghiêm chỉnh về văn hóa địa phương. Nếu không có một kiến thức đủ về vấn đề này, các vị lãnh đạo tinh thần tương lai. Khó có thể thực hiện thành công việc hội nhập đạo Chúa vào văn hóa dân tộc. Quá khứ cho thấy không phải tất cả các linh mục trẻ đều được theo học các đại học văn khoa về các bộ môn văn hóa và triết học Đông phương. Hiểu biết không thấu đáo vấn đề thì vừa khó thuyết phục người khác, vừa không thể tìm ra những phương thức thích nghi và áp dụng một cách tốt đẹp. Một thiểu số có cơ hội học và nghiên cứu lại đi quá sâu, quá xa, và lúng túng trong việc đưa ra một đường lối dung hòa giữa tín lý của đạo với đời sống tâm linh và văn hóa của dân tộc. Như vậy việc đào tạo rất cần có chính sách và người hướng dẫn.

Trên tất cả các chính sách và đường lối, chúng ta phải có một thái độ thích hợp khi tiếp xúc và đối thoại với những người thuộc các tôn giáo khác. Đó là thái độ tôn trọng những người khác mình, những gì không giống mình. Tôn trọng không có nghĩa là chấp thuận, là đồng tình, nhưng là để giữ mối giao hảo, lòng tương kính với niềm tin rằng Ơn Cứu độ có thể đến với mọi người bằng cách này hay cách khác nhờ lòng nhân từ của Chúa và sự tác động của Thánh Linh. Dù chúng ta có ngọn đèn để soi sáng bóng đêm, chúng ta cũng phải biết điều chỉnh ánh sáng cho thích hợp với mục tiêu và môi trường. Nhờ thế, ánh sáng mới có hiệu quả tối đa và được chấp nhận dễ dàng. Đó là ý nghĩa và cũng là mục đích của Tông huấn Ecclesia in Asia.

GHI CHÚ___

[1] Xem bài “Hướng đi mới cho Giáo hội Á châu: Tông huấn Ecclesia in Asia” của Lm. Trần Đức Anh, OP. – Chân Lý, tập VII, số 1, tháng 1-2000, Calgary, Canada.
[2] Xem Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử Trết học Đông phương, trang 24. Xuân Thu tái bãn tại Hoa Kỳ 1990.
[3] Nguyễn Duy Cần, Lão Tử tinh hoa, trang 80. Sài Gòn, 1963.
[4] Xem Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, trang 216, 219. Văn hóa xuất bản tại Hoa Kỳ, không đề năm.
[5] Xem Võ Long Tê, Dẫn nhập Nghiên cứu tiếng Việt và Chữ quốc ngữ, tr. 21. Trung tâm Nguyễn Trường Tộ, Paris 1996.
[6] Chúa Rêu là Chúa của dân Do Thái (Jew). Người Do Thái được gọi là quân Du Rêu.
[7] Chauchard Luoise, Le Buddhisme, tr.52. Seghers, Paris 1977.