Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA KHOA GIẢI THÍCH TRIẾT HỌC CHO VIỆC GIẢI THÍCH KINH THÁNH

Thời sự Thần học – số 31, tháng 03/2003, tr. 85-95

_Thái Dương_


Kể từ hậu bán thế kỷ 19, nhờ những khám phá của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, như triết học, tâm lý học, ngôn ngữ học, khảo cổ học,…. khoa giải thích Kinh Thánh đã đạt được những bước tiến khá dài. Dưới đây chúng ta sẽ lượt qua những đóng góp mà khoa giải thích triết học đã mang lại cho khoa giải thích Kinh Thánh.

1. Những khai phá của khoa giải thích triết học và việc ứng dụng cho khoa giải thích Kinh Thánh


Trải qua dòng lịch sử từ thời cổ đại đến thời hiện đại, khoa giải thích với những hình thức khác nhau đã đem lại những trợ giúp lớn lao trên phương diện phương pháp luận để giải quyết những vấn đề nảy sinh khi tiếp xúc với các văn bản cổ. Nhưng tới đầu thế kỷ 19, Friedrich Schleiermacher đã đặt ra vấn nạn: liệu có thể có một khoa giải thích không chỉ là một sưu tập những gợi ý cho một số vấn đề đặc thù nào đó, mà là một khoa giải thích tổng quát (allgemeine Hermeneutik) hay không. Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 1840 ông đã cho xuất bản cuốn Giải thích và Phê bình (Hermeneutik und Kritik).

Sau đó nửa thế kỷ, Wilhelm Dilthey bắt đầu nhận thấy thực sự có thể tiếp tục dự tính thiết lập một khoa giải thích tổng quát của Schleiermacher. Khởi đi từ những phác thảo ban đầu của Schleiermacher, Dilthey đã xây dựng một phương pháp giải thích hiện đại (xc. Leben Schleiermachers, Vol. II, pp.595-677). Đối với Dilthey, khoa giải thích không còn chỉ là một phương pháp luận, nhưng còn là một phương pháp luận tổng quát mà ông tin rằng đó là những nền tảng lý thuyết cho mọi ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Giai đoạn tiếp theo của khoa giải thích triết học được đánh dấu với gương mặt tiêu biểu là Martin Heidegger. Ít nhiều chịu ảnh hưởng của triết học của Dilthey, nhưng Heidegger lại không theo chủ trương của Dilthey, mà lại chọn “hiện hữu” như là cấu tố phổ quát cho lý thuyết của mình. Ông chủ trương: hiện hữu, xét như đang diễn ra mỗi ngày trong cuộc sống con người, chính là sự hiểu biết. Hiểu biết là cách thức căn bản để một con người hiện hữu trong thế giới. Trong tác phẩm Hiện Hữu và Thời Gian, Heidegger đã trình bày những điều kiện để một con người hiện hữu trong thế giới. Mỗi con người thấy bản thân bị ném vào trong một thế giới ở một thời điểm, một nơi chốn, và thấy bản thân luôn gắn liền với một quá khứ không thể lãng quên, vì đó là nền tảng cho dự phóng trong tương lai của mỗi người.

Đóng góp quan trọng của Heidegger đối với khoa giải thích chính là: hiểu biết của con người trở thành cánh cửa, là tiến trình phổ quát mà mọi tư tưởng phải đi qua. Hiện hữu của thế giới, hiện hữu của Chân lý, hiện hữu của một con người, tất cả đều là “hiểu”. Tất cả phải được hiểu trước khi được giải thích. Giải thích chỉ là minh giải, là phô bày ra ánh sáng cái con người ta đã hiểu.

Tiếp theo đó, Hans-Georg Gadamer, người đã làm giáo sư phụ khảo cho Heidegger suốt 5 năm tại Marburg (1923-1928), đã đặt nền cho khoa giải thích triết học. Tác phẩm Chân Lý và Phương Pháp là thành quả của nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy của ông. Tác phẩm có phụ đề là Grundzge einer Philosophischen Hermeneutik (những nét chính của một khoa giải thích triết học).

Tiếp nối tư tưởng của thầy mình là Heidegger, trong khoa chú giải triết học của mình, Gadamer nhấn mạnh đến vai trò của ngôn ngữ, coi đó như cửa ngõ của sự hiểu biết. Hơn nữa, theo ông, sự hiểu biết cũng gắn liền với kinh nghiệm cá nhân, truyền thống văn hóa, và những dữ kiện lịch sử. Có một quan hệ hữu cơ giữa những yếu tố đó và nhà chú giải : chúng tác động trên nhà chú giải và ngược lại, những đóng góp của nhà chú giải lại làm phong phú thêm truyền thống lịch sử ấy.

Lý thuyết về ý nghĩa của Gadamer hoàn toàn khác với khoa chú giải theo phương pháp luận của Schleiermacher và Dilthey. Đối với Schleiermacher và Dilthey, khoa chú giải cần phải xác định ý nghĩa của bản văn dựa trên chủ ý của tác giả khi viết ra bản văn và phải tìm cách giải mã bản văn dựa trên việc khám phá ra thế giới quan đàng sau bản văn ấy. Còn đối với Gadamer, sự hiểu biết có chức năng tái tạo lại chủ ý ban đầu được thể hiện nơi bản văn nhờ việc giải thích chủ đề chính của bản văn. Tiến trình này được thực hiện qua cuộc đối thoại giữa nhà chú giải và bản văn. Bởi vậy, ý nghĩa của bản văn không cố định, nhưng thay đổi tùy thuộc vào bối cảnh bản văn đó được đón nhận. Đối với Gadamer, hiểu là hiểu khác hơn, vì tiến trình ấy luôn gắn liền với việc mở ra những chân trời mới khởi đi từ những chân trời cũ.

Trên đây chúng ta vừa điểm qua những nhân vật tiên phong và những nỗ lực khai phá đầu tiên của họ nhằm đặt nền cho khoa giải thích triết học, và cũng là những điểm chính mà nhiều tác giải khác, như Rudolf Bultmann, Paul Ricoeur,… sẽ tiếp tục khai triển sâu hơn và đem ứng dụng vào khoa giải thích Kinh Thánh. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn những đóng góp to lớn mà khoa giải thích triết học đã đem lại cho khoa giải thích Kinh Thánh trong lịch sử Kitô giáo.

2. Ngôn ngữ, cửa ngõ của sự hiểu biết


Ngay từ những giai đoạn đầu tiên, khoa giải thích triết học với những tác giả như Schleiermacher và Gadamer, luôn nhấn mạnh đến vai trò của ngôn ngữ. Ngôn ngữ đóng một vị trí then chốt trong khoa giải thích, bởi vì điều ta tìm hiểu chính là ý nghĩa mà tác giả bản văn muốn nhắm tới. Mọi tư tưởng của tác giả đều được thông đạt qua ngôn ngữ. Nói cách khác, ngôn ngữ chính là cây cầu nối kết giữa tác giả bản văn và độc giả. Như vậy, độc giả chỉ có thể lãnh hội ý nghĩa bản văn khởi đi từ ngôn ngữ. Gadamer thường nhắc lại ý tưởng của Scheiermacher rằng, “tất cả những gì cần phải giả thiết trong việc giải thích, đó là ngôn ngữ”.

Vậy, vấn đề này đối với khoa giải thích Kinh Thánh thì sao? – Thực ra, vấn đề này không có gì mới mẻ. Từ xưa người ta đã chú trọng đến vai trò của ngôn ngữ khi chú giải các bản văn Kinh Thánh, nhất là những bản văn Cựu ước. Không những các nhà chú giải quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ mà còn quan tâm cả đến những yếu tố văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, định chế xã hội, và não trạng của dân tộc, của thời đại mà bản văn ra đời. Như vậy, đây không phải là một điều mới mẻ đối với khoa giải thích Kinh Thánh. Thế nhưng, khi đề cao vai trò của ngôn ngữ trong việc giải thích các bản văn cổ, khoa giải thích triết học đã khai triển một lối nhìn sâu rộng hơn về tính hai mặt của ngôn ngữ. Và điều này rất hữu ích cho việc chú giải các bản văn Kinh Thánh.

Dưới cái nhìn khách quan, ngôn ngữ là tiếng nói của một tập thể, nó tuân theo những quy tắc ngữ pháp nghiêm ngặt. Đây là khía cạnh xã hội, khía cạnh cộng đoàn của ngôn ngữ. Thế nhưng dưới cái nhìn chủ quan, ngôn ngữ cũng mang những sắc thái riêng tư, đặc thù, tùy theo người sử dụng. Mỗi bản văn luôn là diễn từ của một cá nhân với những cá tính đặc thù, và biểu lộ một tâm hồn đặc thù. Đây là yếu tố mang tính nghệ thuật và sáng tạo của mỗi cá nhân. Hơn nữa, vì có tính quy ước, ngôn ngữ luôn thay đổi và mang lấy những sắc thái đặc thù của từng giai đoạn lịch sử.

Vì những lý do kể trên, khi phân tích và giải thích một bản văn Kinh Thánh, nhà chú giải phải tìm hiểu đặc tính ngôn ngữ của bản văn dưới mọi khía cạnh, từ khía cạnh cộng đồng của ngôn ngữ tới những đặc tính riêng của từng tác giả và những độc giả nguyên thủy của bản văn, nghĩa là những đối tượng mà bản văn muốn nhắm tới. Đi xa hơn nữa, nhà chú giải cần phải vượt qua những “ngôn từ” để có thể lĩnh hội những “tâm từ”, tức là ngôn ngữ nội tâm nơi mỗi bản văn.

3. “Hiểu” là hiểu sâu hơn, là mở ra những chân trời mới


Khoa giải thích triết học, đặc biệt kể từ Gadamer, luôn nhấn mạnh rằng việc “hiểu” của nhà chú giải luôn gắn liền với những kinh nghiệm cá nhân, truyền thống văn hóa, và những dữ kiện lịch sử. Có một mối quan hệ hữu cơ giữa nhà chú giải với những yếu tố vừa kể. Kinh nghiệm, truyền thống văn hóa, và dữ kiện lịch sử luôn tác động tới nhà chú giải, và ngược lại, những khám phá của nhà chú giải lại đồng thời làm phong phú thêm truyền thống lịch sử ấy. Như vậy, công việc của nhà chú giải luôn mang tính kế thừa và sáng tạo.

Đây là cũng là một nét không có gì mới mẻ đối với khoa giải thích Kinh Thánh. Tuy nhiên, nét độc đáo mà khoa giải thích triết học đem lại cho khoa giải thích Kinh Thánh nằm ở chỗ : nhà chú giải phải luôn ý thức rằng, Lời Chúa không thể bị trói buộc bởi bất cứ điều gì. Lời ấy luôn sống động và vượt ra khỏi những giới hạn của những ngôn ngữ chết (tử ngữ), vượt ra khỏi những giới hạn do bản tính bất toàn của ngôn ngữ loài người. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong phần sau, khi nói về tính năng động và mới mẻ của Lời Chúa.

4. Mối liên hệ sống động giữa nhà chú giải và bản văn


Đây có lẽ là đóng góp lớn nhất và độc đáo nhất mà khoa giải thích triết học đã đem lại cho khoa giải thích Kinh Thánh. Khía cạnh này đã được hầu hết các tác giả đề cập tới, nhưng có lẽ Bultmann là người đã khai triển đầy đủ và sâu hơn cả trong lý thuyết giải thích mang tính hiện sinh của ông.

Bultmann chủ trương: việc chú giải một bản văn phải đi vào trong cuộc sống và con người của chính nhà chú giải. Ông viết: “Việc chú giải bản văn phải luôn luôn đi đôi với việc chú giải chính bản thân nhà chú giải.”[1] Theo ông, những tiền giả thiết của tôi về vấn đề tôi là ai tất yếu ảnh hưởng tới việc đọc Kinh Thánh của tôi; những giả thiết thần học của tôi cũng tác động tới việc đọc bản văn; toàn bộ cuộc sống của tôi sẽ quan hệ mật thiết tới việc chú giải của tôi. Để khám phá ra ý nghĩa của bản văn, tôi cần khám phá tôi là ai. Đối với Bultmann, bản văn nói và nói trực tiếp với nhà chú giải, chỉ cho nhà chú giải một thực tại mới. Kinh Thánh mở ra những cánh cửa mới, những cánh cửa chưa từng được khám phá. Kinh Thánh không bao giờ bị đóng lại, ý nghĩa của Kinh Thánh không bao giờ chỉ được xác định một lần là đủ. Như vậy, Bultmann coi việc chú giải như một tương quan, một cuộc đối thoại với Đấng tác động trực tiếp trên nhà chú giải theo những cách thức mới. Ông viết : chúng ta cần “đối diện với bản văn như đối diện với những con người trong mối tương quan sống động.”[2] Điểm nhấn mạnh là Kinh Thánh không phải là những lời chết, nhưng là những lời sống động, nói với nhà chú giải lúc này và nhà chú giải đáp lại. Nhà chú giải hiện diện bên cạnh Kinh Thánh, và cả hai đối thoại với nhau.

Quan điểm của Bultmann phần nào phù hợp với lối hiểu Kinh Thánh của người công giáo hiện nay: quả quyết rằng Kinh Thánh chứa đựng những chân lý vĩnh cửu; nhưng không phải mọi điều trong Kinh Thánh đều phải được hiểu theo nghĩa đen, cũng không phải tất cả mọi chi tiết đều là những điều thiết yếu chứa đựng chân lý đức tin.

Tóm lại, cũng như Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người, đón nhận trọn vẹn thân phận con người ngoại trừ tội lỗi, thi Lời Thiên Chúa cũng đã nhập thể trong ngôn ngữ loài người với tất cả những đặc trưng của ngôn ngữ đó, nhưng Lời ấy không phải là những từ ngữ chết, mà là một “lực” đầy năng động, có sức biến đổi con người và thế giới. Lời ấy luôn mới mẻ và vẫn đang tiếp tục ngỏ với từng người và hết thảy mọi người của thời đại chúng ta hôm nay. Bởi vậy, “chỉ có ai có mối liên hệ sống thật sự với điều mà bản văn nói đến mới hiểu đúng bản văn Kinh Thánh,” đây cũng chính là điều mà văn kiện Việc Giải Thích Kinh Thánh trong Hội Thánh đã khẳng định.[3]

5. Lời Chúa luôn năng động và mới mẻ


Trong khi phương pháp phê bình lịch sử chủ trương tìm về khuôn mặt lịch sử của Đức Giêsu, thì phương pháp giải thích hiện sinh của Rudolf Bultmann lại nhấn mạnh đến việc khám phá ra sứ điệp cứu độ cho con người, sứ điệp của sự hy vọng vào một cuộc sống mai hậu. Ông chủ trương rằng, việc chú giải Kinh Thánh phải nhằm tới trình bày một sứ điệp sống động dành cho con người của thời đại hôm nay.

Bultmann cho rằng, lối chú giải truyền thống chỉ xoay quanh câu hỏi “Kinh Thánh có nghĩa gì?” trong bối cảnh lịch sử của nó, và đơn thuần là chỉ lo tìm hiểu điều đã được nói trong bối cảnh đặc biệt đó. Như vậy, theo lối nhìn ấy, Kinh Thánh chẳng tác động gì tới nhà chú giải, cũng chẳng góp phần gì vào hoàn cảnh sống của nhà chú giải ngày nay. Ông cho rằng câu hỏi đặt ra cho nhà chú giải phải là: “Đâu là nội dung của điều đã được nói, và nội dung ấy dẫn đến thực tại nào?”[4]

Theo ông, như thế Kinh Thánh không còn là cái gì tĩnh, nghĩa là nói với ai điều gì đó, nhưng là những lời năng động nói với ta điều gì đó ngay lúc này và chỉ ra cho chúng ta thực tại có thể được định hình và khám phá. Như vậy, phương pháp chú giải lịch sử đặt câu hỏi: “Kinh Thánh nói gì?” còn theo Bultmann, chúng ta phải đặt câu hỏi: “Kinh Thánh có nghĩa gì?”[5] Vấn đề là Kinh Thánh không im lặng, nhưng vẫn nói. Ý nghĩa của Kinh Thánh vẫn cần phải được khám phá. Việc đọc và chú giải Kinh Thánh phải mở ra những cánh cửa mới cho cuộc sống con người thời nay.

Như vậy, Bultmann đã khai mở một hướng đi mới khi đề xuất một lối chú giải mang tính hiện sinh, tức là tìm hiểu xem Lời Chúa nói gì với tôi ở đây và lúc này. Không chỉ người có đức tin vững vàng mới có thể chú giải Kinh Thánh, nhưng là bất cứ ai đang trên đường tìm kiếm một cuộc đối thoại, một sự khám phá. Với Bultmann, Lời Chúa được nói hôm nay và được nghe lúc này.

Điều này đã được văn kiện “Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh” của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng xác nhận: “Chính Kinh Thánh cũng như lịch sử việc giải thích Kinh Thánh cho thấy cần phải có một khoa giải thích,… xuất phát từ thế giới ngày nay và ngỏ lời với thế giới ngày nay. Toàn thể các tác phẩm Cựu Ước và Tân Ước được coi như sản phẩm của một tiến trình dài trong đó những biến cố nền tảng không ngừng tìm được một sự giải thích lại nhờ gắn liền với sinh hoạt của các cộng đoàn tín hữu.”[6]

6. Hiện tại hóa sứ điệp của các bản văn Kinh Thánh


Một trong những đóng góp nữa mà khoa giải thích triết học đem lại cho khoa giải thích Kinh Thánh là giúp đưa các phương pháp phê bình văn chương và phê bình lịch sử vào trong một khuôn mẫu giải thích rộng hơn. Nói cách khác, lý thuyết giải thích triết học đã bổ sung cho một số khía cạnh giới hạn của những phương pháp giải thích trên; đó là giúp nhà chú giải vượt qua khoảng cách giữa thời đại của các tác giả và những độc giả đầu tiên đọc bản văn Kinh Thánh với thời đại chúng ta ngày nay, nhờ đó sứ điệp Lời Chúa được hiện tại hóa trong đời sống các Kitô hữu hôm nay.[7]

Như trên đã đề cập, Lời Chúa luôn năng động và mới mẻ. Lý thuyết giải thích theo triết học, đặc biệt là với các tác giả Hans Georg Gadamer, Rudolf Bultmann và Paul Ricoeur, đã khai triển rất sâu sắc khía cạnh này. Theo các vị này, giữa bản văn và chính tác giả của bản văn đã có một khoảng cách, bởi vì bản văn một khi đã ra đời thì sẽ có một sự độc lập nào đó đối với tác giả đã viết ra; rồi giữa bản văn và các thế hệ độc giả kế tiếp nhau luôn tồn tại những khoảng cách… Bởi vậy, nhà chú giải phải đặc biệt để ý đến khoảng cách về văn hóa và lịch sử của thế kỷ thứ nhất khi bản văn ra đời và thế kỷ 21 của chúng ta hôm nay. Nhà chú giải cần phải tôn trọng thế giới của bản văn trong tha tính của nó. Thế nhưng chính trong sự tôn trọng, nhiệm vụ của nhà chú giải là phải làm sao để bản văn đó được hiện thực hóa trong cuộc sống của những độc giả thời nay. Bởi vậy, việc giải thích phải là một tiến trình luôn mở ra những chân trời mới khởi đi từ những chân trời cũ. Nói cách khác, nhà chú giải được mời gọi khám phá ra những ý nghĩa mới, theo đường hướng của ý nghĩa nền tảng đã được bản văn nêu lên, nhờ đó, sứ điệp Lời Chúa luôn mới mẻ và dễ dàng đến với con người ở mỗi thời đại.

Kết luận


Dầu sao chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, song song với những đóng góp to lớn mà khoa giải thích triết học đem lại cho khoa giải thích Kinh Thánh, vẫn còn tồn tại những điểm không phù hợp do sự nhấn mạnh thái quá đến vai trò của triết học. Triết học nhiều khi đã trở thành một quy tắc giải thích hơn là khí cụ giúp hiểu đối tượng chính của mọi lối chú giải, đó chính là con người Đức Giêsu Kitô và những biến cố cứu độ được hoàn tất trong lịch sử nhân loại. Hơn nữa, lý trí mà thôi thì không đủ để có thể hiểu trọn vẹn trình thuật Kinh Thánh. Lý trí tìm kiếm đức tin, nhưng đồng thời chính lý trí ấy cũng phải được soi sáng nhờ đức tin. Nói cách khác, niềm tin sống động trong cộng đoàn Hội Thánh và ánh sáng của Thánh Thần là những yếu tố không thể thiếu đối với nhà chú giải.

Thư mục

  1. Robinson, G. D, Paul Ricoeur and the Hermeneutics of Suspicion: A Brief Overview and Critique. PREMÍE, Volume II, Number 8 / September 27, 1995.
  2. Bultmann, Rudolf Karl. Interpreting Faith for the Modern Era. Ed. Roger A. Johnson. 1987. Minneapolis: Fortress, 1991.
  3. Richard E. Palmer. The Relevance ò Gadamer’s Philosophical Hermeneutics to Thirty-Six Topics or Fields of Human Activity. A Lecture Delivered at the Department of Philosophy, Southern lllinois University at Carbondale, April 1, 1999.
  4. Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng. Việc Giải Thích Kinh Thánh trong Hội Thánh. Rôma 1993.

Ghi chú

[1] Bultmann, The Problem of a Theological Exegesis of the New Testament, 133, in The Making of Modern Theology: Rudolf Bultmann, ed. Roger Johnson (Collins Liturgical Publications 1987).
[2] Ibid., 134.
[3] Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc Giải Thích Kinh Thánh trong Hội Thánh, tr.77.
[4] Bultmann, op. cit., 132.
[5] Ibid., 133.
[6] Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, op. cit., tr.76
[7] Loc. cit.