Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

THÁNH THỂ, ÁNH SÁNG VÀ SỰ SỐNG CỦA THIÊN NIÊN KỶ MỚI

Thời sự Thần học - Số 39, tháng 03/2005, tr. 52-79

Bản văn nền tảng của Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 48 tổ chức tại thành phố Guadalajara (Mexicô), từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 10 năm 2004, dưới sự chủ tọa của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Nguyễn Tất Trung, O.P. chuyển ngữ.

KÝ HIỆU VIẾT TẮT

  • SGLHTCG : Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (11.10.1992)
  • KTHGD : Tông huấn hậu Thượng hội đồng giám mục của Đức Giáo hoàngGioan-Phaolô II, Christifideles Laici (30.12.1988)
  • CCL : Corpus Christianorum, Series Latina, Tournhout 1953ff
  • CSCO : Corpus Scriptorum Christianorum Orientalium, Paris-Louvain, 1903ff
  • NCC : Tông thư của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II về Ngày Chúa Nhật, Dies Domini (31.5.1998)
  • CCT : Tông thư của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II về Chúa Thánh Thần, Dominum et Vivificantem (18.5.1986)
  • DH : H. Denzinger-P. Hunnermann, El Magisterio de la Iglesia, Herder, Barcelona, 2000
  • TCGLTX : Tông thư của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Dives in misericordia, (30.11.1980)
  • DTC : Dictionnaire de Théologie Catholique, Paris 1903-1970
  • MK : Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Mặc khải, Dei Verbum (18.11.1965)
  • HTMC : Tông huấn hậu Thượng hội đồng giám mục của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Hội Thánh tại Mỹ Châu, Ecclesia in America (22.1.1999)
  • LBTM : Tông thư của Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Loan Báo Tin Mừng, Evangelii Nuntiandi (08.12.1975)
  • TMSS : Tông thư của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Tin Mừng Sự Sống, Evangelium Vitae (25.3.1995)
  • ĐTLT : Tông thư của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô, Đức Tin và Lý Trí, Fides et Ratio (14.9.1998)
  • MV : Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Mục vụ về Hội Thánh trong thế giới ngày nay, Vui Mừng và Hy vọng, Gaudium et Spes (07.12.1965)
  • GH : Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, Lumen Gentium (21.11.1964)
  • NMI : Tông thư của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Thiên niên kỷ mới đang bắt đầu, Novo Millennio Ineunte (06.3.2001)
  • OLM : Bộ Bí tích và Phụng tự, về bài đọc Kinh Thánh trong thánh lễ, Ordo lectionum Missae (21.01.1981)
  • LM : Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum Ordinis (07.12.1965)
  • ĐCCCN : Tông thư của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Đấng Cứu Chuộc Con Người, Redemptor Hominis (04.3.1979)
  • PV : Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium (04.12.1963)
  • TG : Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về Truyền giáo, Ad Gentes (07.12.1965)
  • TMA : Tông thư của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Thiên niên kỷ thứ ba đang tới, Tertio Millennio Adveniente (10.11.1994)
  • HN : Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về Hiệp nhất, Unitatis Redintegratio (21.11.1964)
  • AQCL : Tông thư của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô, Ánh Quang của Chân Lý, Veritatis Splendor (06.8.1993)

GIỚI THIỆU


1. Đức Giêsu là Lời sáng tạo và là Đấng ban phát sự sống, Người hiện hữu từ lúc khởi đầu (x. Ga 1,13-14). Sự Sống này là ánh sáng của mọi người, “ánh sáng thật chiếu soi mỗi một người đến trong thế gian này” (Ga 1,9 ; x. Ga 1,4). Và Lời đã thành xác phàm, hẳn là để chúng ta có thể chiêm ngưỡng Người và đụng chạm đến Người (x. Ga 1,14), và để chúng ta có thể đón nhận được sự sống sung mãn, sự sống mà Người có dồi dào (x. Ga 1,4.16). Đức Giêsu thông truyền sự sống cho chúng ta qua Mình và Máu Người, như Người đã dạy rõ ràng trong diễn từ ở Capharnaum (Ga 6,51-58).

2. Vào buổi bình minh của Thiên niên kỷ mới, chỉ vừa đem tâm tình vui tươi và lòng tri ân cử hành năm Đại Toàn Xá mừng cuộc Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô, là Chúa, Đấng “hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một” (x. Dt 13,8), Hội Thánh do chính Người thiết lập, lại tiếp tục cảm nghiệm sự hiện diện đã được canh tân của Người bằng nhiều đường lối khác nhau : qua Lời của Người là ánh sáng chiếu soi con đường, trong phụng vụ và nơi những người anh em chị em của mình, nhất là nơi những người nghèo, vì đó là những người tỏ cho thấy khuôn mặt người của Đức Kitô đang chịu đau khổ (x. HTCM 12), nhưng trên hết, nơi Thánh Thể, tức là một hiến tế, một lễ tưởng niệm, một bữa tiệc và sự hiện diện (x. PV 7). Đúng là ở nơi đây, trong Thánh Thể, Đức Kitô đang hiện diện cách thể lý[1], hiến dâng mình làm lương thực đem lại sự sống mới cũng chính là thân thể Người đã đón nhận từ Đức Trinh Nữ Maria 2000 năm trước đây (x. TMA 55), đúng ra là thịt của Người ban sự sống cho mọi người vì đã được làm cho sống và ban sự sống nhờ Thần Khí (x. LM 5).

3. Tin tưởng phó thác bản thân cho sự hiện diện mà cũng chính Đấng phục sinh đã hứa : “Thầy ở cùng anh em luôn mãi, cho đến tận thế” (Mt 28,20), chúng ta được huy động và được thúc đẩy tiến lên phía trước trong cuộc hành trình của chúng ta nhờ lời kêu gọi của người kế vị thánh Phêrô, một lời kêu gọi vang vọng những lời thánh tông đồ đã được nghe Thầy của mình nói : “Hãy ra chỗ nước sâu !” (Lc 5,4 ; x. NMI 1). Hội Thánh lao mình ra biển cả là một Thiên niên kỷ mới và biết rằng có thể đạt tới bến chắc chắn vì không tiến đi đơn thương độc mã và cũng chẳng cậy dựa vào sức riêng của mình, nhưng đúng hơn vì Đức Chúa của mình vẫn hằng đang hiện diện, để đón nhận được Thần Khí của Người đến trên Hội Thánh và nuôi dưỡng Hội Thánh bằng các bí tích của mình, nhất là bí tích Thánh Thể.

4. Cuộc hành hương của Hội Thánh này, hướng về Đức Giêsu Kitô Thánh Thể với niềm tri ân, sẽ qui tụ để chiêm ngưỡng tại Đại Hội Thánh Thể lần thứ 48 ở Guadalajara, Mêhicô, miền đất của các chứng nhân tử đạo vừa được tuyên phong, những người đã khám phá thấy trong Thánh Thể sức mạnh và chí can trường để hiến dâng mạng sống mình cho dân tộc và cho đức tin của dân tộc mình khi các ngài hô vang lên : “Viva Cristo Rey ! y Santa Maria de Guadalupe ! (Vạn tuế Chúa Kitô Vua, và Đức Thánh Mẫu Maria Guadalupe). Qui tụ trong lời cầu nguyện, chiêm ngưỡng và cử hành tại Statio orbis của Đại Hội này, Hội Thánh tiến vào Thiên niên kỷ mới với niềm hy vọng đã được đổi mới, thờ lạy Đức Giêsu Thánh Thể, Đấng là ánh sáng và sự sống trong cuộc hành hương của nhân loại nhằm theo đuổi những điều kiện sống tốt hơn trong khi vẫn khao khát quê hương tối hậu của mình.

5. Đại Hội Thánh Thể sắp tới đối với Hội Thánh phải là một cơ hội lạ lùng để tôn vinh Đức Giêsu Kitô đang hiện diện trong Hội Thánh, phụng thờ Người công khai trong mối dây đức ái và hiệp nhất. Đấy sẽ là một biến cố tráng lệ nơi đó Hội Thánh sẽ biểu lộ lòng tin của mình vào sự hiện diện của Thánh Thể. Đấy sẽ có thể là một sự đào sâu một số khía cạnh của mầu nhiệm này. Đấy sẽ là nơi làm sáng lên vị trí trung tâm của Thánh Thể trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh trong thế giới hôm nay, như những nỗ lực dấn thân mới liên quan đến việc loan báo Tin Mừng được đảm nhận. Để có thể đạt được những mục đích này, cần phải có một sự chuẩn bị chu đáo.

6. Vì thế mục đích của bản văn này là cung cấp cho các Hội Thánh địa phương một vài điểm để suy nghĩ. Những điểm này có thể dùng làm nền tảng để khai triển rộng hơn và đào sâu hơn trong những giới học thuật và những nhóm cầu nguyện, cả trong khi chuẩn bị lẫn trong khi cử hành Đại Hội.Bản văn bắt đầu bằng một lời mời gọi cảm thấy một nỗi khao khát muốn chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và con người thật, và muốn để cho bản thân mình đến dưới cái nhìn của Người và kinh nghiệm sự hiện diện của Người : Chúng con muốn nhìn thấy Thánh Nhan Ngài, lạy Chúa (chương I). Qua chiêm ngưỡng, một sự chiêm ngưỡng “không hề làm cho chúng ta xa cách những người đồng thời với mình, nhưng ngược lại, làm cho chúng ta chú ý và cởi mở đón nhận những niềm vui và những thao thức, nhiệt tâm của những người khác, giúp mở rộng khả năng của trái tim chúng ta để có thể ôm ấp mọi khía cạnh của thế giới” [2]. Chúng ta chuẩn bị để có một cái nhìn đức tin liên can đến hoàn cảnh hiện tại của chúng ta với lòng xác tín rằng. “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối không ngăn chặn được ánh sáng” (Ga 1,5), (chương II). Vì là “chóp đỉnh của mọi việc loan báo Tin Mừng” và là chứng từ ngời sáng nhất của sự Phục sinh của Đức Kitô” [3], Thánh Thể là Ánh sáng và sự sống của Thiên niên kỷ mới cho Hội Thánh đang trên đường hành hương và được trao phó trách nhiệm dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng mới (chương III). Cuối cùng, vào buổi đầu Thiên niên kỷ mới này, chúng ta cần một lời công bố rõ ràng vui tươi lòng tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đang chiếu soi giai đoạn mới này của lịch sử : Lời cầu nguyện trước Đức Giêsu Kitô trong Thánh Thể.

+ Juan Cardinal Sandoval Iniguez 

Tổng giám mục Guadalajara

I. CHÚNG CON MUỐN NHÌN THẤY THÁNH NHAN NGÀI, LẠY CHÚA


Sự hiện diện thật sự của Đức Kitô trong Mầu Nhiệm Thánh Thể là những người chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô trong Thánh Thể.


7. Giống như những người hành hương Hy-lạp kia đi lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua đã nói với ông Philípphê rằng mình muốn nhìn thấy Đức Giêsu, thì con người đang sống trong thời đại chúng ta hôm nay cũng thế, cho dầu có lẽ không phải lúc nào cũng cảm thấy một cách minh bạch, hôm nay đang yêu cầu các Kitô hữu không những chỉ nói cho họ biết về Đức Giêsu, nhưng còn trình bày Người cho họ thấy một cách rõ rệt nữa. Đây hẳn là nhiệm vụ của Hội Thánh ! Phản chiếu ánh sáng của Đức Kitô vào mỗi thời đại lịch sử và cũng biểu lộ dung nhan của Người cách rạng rỡ trước con người của Thiên niên kỷ mới. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể hoàn thành một trách nhiệm như thế nếu chúng ta không phải là những người chiêm niệm đầu tiên dung nhan của Đức Kitô (x. NMI 16). Vì thế, điều không thể bỏ qua đó là chúng ta trước hết phải có kinh nghiệm sống động về Người như đã được tông đồ Gioan nói : “Điều chúng tôi đã nhìn thấy và đã nghe, chúng tôi cũng công bố cho cả anh em nữa, để anh em có thể hiệp thông với chúng tôi” (1 Ga 1,3).

8. Ngày hôm nay, chúng ta có thể nhìn thấy và chiêm ngưỡng Sự Sống này, ánh sáng chiếu soi mọi dân tộc (x. Ga 1,4) đã được biểu lộ này như thế nào ? Nhờ vào cuộc Nhập Thể của Con Thiên Chúa (x. NMI 22), Đức Kitô đã làm cho chính Người trở thành khả thị, đã thiết lập nơi cư ngụ của Người ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Nhờ Người, các Tông Đồ có thể chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Cha nơi dáng vẻ con người bên ngoài của Đức Giêsu, trên hết nơi những chứng từ của nhiều dấu lạ và những lời hứa của Người (x. Ga 20,30-31 ; x. NMI 24). Các ông cũng chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Kitô chịu thương khó, được phô bày trên thánh giá, một Mầu Nhiệm trong mầu nhiệm. Trước mầu nhiệm này, con người phải phủ phục tôn thờ (x. NMI 25). Và trên hết, các ông đã chiêm ngưỡng dung nhan của Đấng phục sinh (x. NMI 28), Đấng đã phục hồi cho các ông tất cả sự bình an và niềm vui các ông đã mất (x. Lc 24,36-43). Hội Thánh cảm nghiệm tất cả điều này khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thánh Thể. Ở đây là nơi hằng ngày chúng ta gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật. Ở đây, chính cuộc thương khó và cái chết của Người được thực hiện, cho dù theo một cách không đổ máu. Cuối cùng, ở đây chúng ta gặp Đức Giêsu phục sinh, bánh ban sự sống vĩnh cửu và bảo đàm sự phục sinh của chúng ta.

9. Đức Giêsu là ánh sáng và sự sống (x. Ga 8,12). Vì thế, cần phải tìm ra những phương thế để công bố Lời của Người và cử hành Thánh Thể của Người trong các cộng đoàn Hội Thánh, Người tựa như men của một nền văn minh mới, trổi vượt hẳn bất cứ hoàn cảnh xã hội nào của các cộng đoàn ấy.

Chúng tôi tin Đức Giêsu hiện diện thật sự trong Thánh Thể


10. Chúng ta có thể gặp gỡ thực sự Đức Giêsu trong Thánh Thể không ? Kể từ Bữa Tiệc Ly (x. Mt 26,17tt ; Lc 22,15), Hội Thánh tin Mình và Máu của Đức Kitô hiện diện thực sự dưới những hình dáng bên ngoài của bánh và rượu : “Ở trung tâm của việc cử hành, có bánh và rượu là những thứ, nhờ những Lời của Đức Kitô và việc kêu cầu Chúa Thánh Thần, trở thành Mình và Máu Đức Kitô” (SGLHTCG 1333). Hẳn nhiên, Đức Kitô làm cho chính Người hiện diện bằng nhiều cách trong Hội Thánh, nhưng trên hết, như Hội Thánh dạy, dưới những hình thái Thánh Thể của bánh và rượu (x. SGLHTCG 1373).

11. Khi nhắc lại một chuỗi những chứng từ trong Truyền Thống, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng “cách thức Đức Kitô hiện diện dưới các hình thái bánh và rượu là độc nhất vô nhị. Nó nâng Thánh Thể vượt lên trên hết thảy các bí tích thành như là “sự hoàn hảo của đời sống thiêng liêng và là đích điểm mà hết thảy các bí tích vươn tới” (SGLHTCG 1374). Hội Thánh đã luôn luôn hiểu sự thực hữu của những lời của Đức Giêsu vào lúc thiết lập Thánh Thể, bởi vì về điều này Công Đồng Trentô đã tóm lược đức tin công giáo về sự Hiện diện thực sự khi tuyên bố : “Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã nói rằng : điều Người dâng lên dưới hình bánh, đích thực là Mình Người. Hội Thánh luôn luôn xác tín như vậy, và thánh Công Đồng này giờ đây lại tuyên bố lần nữa” (SGLHTCG 1376).

12. Diễn từ của Đức Giêsu tại Capharnaum sau khi hoá bánh ra nhiều (x. Ga 6,1-71) đưa ra sự thực hữu của những lời của Người, mặc khải cho chúng ta biết rằng Người là bánh từ trời xuống (c. 51). Vì thế, chúng ta phải ăn thịt của Người và uống máu của Người (c. 53) để có thể được hưởng sự sống được mang đến cho chúng ta bởi bánh ban sự sống (c. 48). Quá ngạc nhiên bởi sự thực hữu trong những lời của Đức Giêsu, người ta đã bắt đầu thắc mắc : “Làm thế nào ông ấy có thể cho chúng ta ăn thịt của ông ấy được ?” (c. 52). Và trước sự nhấn mạnh về chân lý theo sát chữ trong những lời khẳng định của Người : “vì thịt tôi là của ăn thực sự và máu tôi là của uống thực sự” (c. 55), nhiều môn đệ đã lấy làm gai chướng về chuyện ấy đến độ rời bỏ Người (c. 66). Cuối bài diễn từ, Người còn hỏi các môn đệ của Người xem các ông có muốn ra đi không. Những lời của ông Phêrô muốn cho Đức Giêsu biết rằng các ông tin những lời của Người nói lên chân lý : “Lạy Chúa, chúng con sẽ đi theo ai ? Ngài có những lời đem lại sự sống đời đời” (c. 68). Đáng buồn là nhiền người đã và đang không tin vào sự Hiện Diện Thực Sự của Đức Giêsu trong bánh Thánh Thể (c. 64). Vào lúc khởi đầu Thiên niên kỷ thứ ba, Hội Thánh đã phải hỏi : Tại sao khó khám phá ra dung nhan của Đức Giêsu trong Thánh Thể ? Phải làm gì để có nhiều người hơn có thể quí chuộng và vui hưởng Đức Kitô, Đấng đã trao nộp chính mình Người cho chúng ta ? Phải làm gì để người ta có thể tôn thờ Người trong thinh lặng trước nhà tạm hoặc long trọng tung hô Người vào lễ Mình Máu Thánh Chúa ?

“Các môn đệ vui mừng vì thấy Chúa” (Ga 20,20): hành trình của tinh thần


13. Dung nhan mà các Tông Đồ chiêm ngưỡng sau cuộc Phục Sinh cũng là dung nhan Đức Giêsu đã tỏ cho các ông thấy trong ba năm các ông ở với Người. Và bây giờ Người thuyết phục các ông về chân lý kinh nghiệm của đời sống mới khi tỏ cho các ông xem thấy tay và cạnh sườn của Người. Quả không dễ để tin. Các môn đệ đi Emmaus chỉ tin sau khi đã trải qua cuộc hành trình tinh thần khó khăn (x. Lc 24,13-35). Tông đồ Tôma chỉ tin sau khi đã được mời động chạm đến Chúa phục sinh (x. Ga 20,24-29). Quả là cho dù người ta đã thấy và đụng chạm vào thân thể của Người, thì chỉ có đức tin mới có thể đi thấu vào mầu nhiệm. Đấy là kinh nghiệm các môn đệ từng có suốt thời gian các ông được sống với Đức Kitô trong cuộc sống dương thế của Người, khi các ông mỗi ngày đều được tiếp cận với những việc làm và những lời nói đầy ngạc nhiên của Người. Không ai đến với Đức Giêsu cách thực sự được trừ ra qua đức tin, dọc theo những bước trên con đường được Tin Mừng trình bày cho chúng ta trong cảnh ở Cesaria Philipphê ai cũng đã quá biết : “‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’. Đức Giêsu nói với ông : ‘Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,16-17 ; x. NMI 19).

14. Thánh Phêrô có thể nói lên niềm tin của mình vào Đức Giêsu Thánh Thể, vì niềm tin ấy không bắt nguồn từ con người, nhưng nhận được như là một quà tặng từ Thiên Chúa (x. NMI 20). Vì thế, “không phải nhờ các giác quan mà chúng ta nhận thức được Người hoặc đến gần Người được. Nhưng đức tin và lòng mến có thể làm cho chúng ta nhận biết Chúa dưới các hình bánh và rượu” [4]. Ngày nay hơn bao giờ hết, điều quan trọng là nêu lên cho thấy rằng “chỉ có kinh nghiệm của thinh lặng và cầu nguyện mới đem lại khung cảnh riêng để cho sự hiểu biết thật, trung thành và bền bỉ này được lớn lên và phát triển”

“Lạy Chúa, con tìm Thánh Nhan Ngài” (Tv 27,8): Dung nhan Thánh Thể của Đức Giêsu


15. Niềm khao khát trên đây của tác giả Thánh vịnh ngày xưa được hoàn tất không bằng việc nào lớn hơn và ngạc nhiên hơn cho bằng việc chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Kitô. Thiên Chúa đã chúc phúc cho chúng ta thực sự trong Người và đã làm cho “dung nhan của Người chiếu toả trên chúng ta” (Tv 67,1). Đồng thời, vì là Thiên Chúa và là con người, Người cũng mặc khải cho chúng ta biết khuôn mặt đích thực của con người, “khi tỏ bày trọn vẹn cho con người biết chính mình” (NMI 23 ; x. MV 22). Nỗi niềm khao khát của tác giả Thánh vịnh trên luôn hiện diện trong tâm khảm của mỗi người, nhưng đặc biệt nơi con người nhờ đức tin đã được Thiên Chúa động chạm đến. Nỗi niềm khao khát chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa như thế không phải là luống công vô ích, bởi vì Đức Kitô đã không ra đi hẳn, nhưng Người vẫn hoàn thành lời Người đã hứa : “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

16. Ý thức được sự hiện diện của Chúa phục sinh đang ở giữa chúng ta như thế, chúng ta cảm ơn Thánh Thể, “những biến cố này đã trải qua hai ngàn năm, nhưng Hội Thánh vẫn làm sống lại như thể những biến cố này xảy ra hôm nay vậy. Khi chiêm ngắm dung nhan của Đức Kitô, Tân Nương chiêm ngưỡng kho tàng và niềm vui của mình. “Iesus dulcis memoria, dans vera cordis gaudia” : tưởng niệm Chúa Giêsu ngọt ngào biết dường nào, vì cho tâm hồn những niềm vui chân thật ! Phấn khởi vì niềm hy vọng này, Hội Thánh ngày hôm nay một lần nữa, trên đường lữ hành của mình, cố gắng để công bố Đức Kitô cho thế giới vào buổi bình minh của Thiên niên kỷ thứ ba : Đức Kitô ‘vẫn là một, hôm qua và hôm nay và cho đến mãi mãi’ (Dt 13,8)” (NMI 28).

17. Theo lời Đức thánh cha Gioan-Phaolô II mời gọi “mở rộng hơn bao giờ hết Cửa sống động là Đức Kitô” (NMI 59), chúng ta suy nghĩ thích đáng về cách chia sẻ kinh nghiệm của việc chiêm ngưỡng Thánh Thể giúp soi sáng các cộng đoàn và biến đổi các cộng đoàn thành những cộng đoàn đầy tràn niềm vui và hy vọng.

II. “ÁNH SÁNG CHIẾU SOI TRONG BÓNG TỐI VÀ BÓNG TỐI KHÔNG NGĂN CHẶN ĐƯỢC ÁNH SÁNG” (Ga 1,5)


Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ngày nay


18. Đức Giêsu là ánh sáng và sự sống. Những lời ấy tóm tắt bất cứ điều gì đáng giá Người đem đến cho chúng ta và bao trùm tất cả mầu nhiệm Thánh Thể. Bánh và rượu là những phương tiện cần thiết cho đời sống tự nhiên. Một cách tương tự, nếu chúng ta không ăn bánh Thánh Thể, chúng ta không thể nuôi dưỡng sự sống chúng ta đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy. Đấy là một sự sống đang tiếp tục tiến tới mức độ sung mãn, vì qua Thánh Thể, chúng ta lớn lên trong đời sống nhân đức và mọi hồng ân Chúa Thánh Thần đều được tập trung lại đến độ dẫn chúng ta đến chỗ được cứu độ, vì thể hiện được mục tiêu vì đó Thánh Thể đã được thiết lập. Nhưng khác với sự sống tự nhiên, sự sống của ân sủng không có biên giới. Trên con đường của Thiên niên kỷ mới này, xuất hiện những thắc mắc và những hy vọng, những ánh sáng và bóng tối, đó là cuộc chiến vẫn có của bóng tối đang tìm cách dập tắt ánh sáng. Đấng cứu thế đã đến rồi và sự hiện diện của Người trong Thánh Thể bảo đảm ơn cứu độ cho chúng ta và cho lịch sử.
  • Ánh sáng
19. Đức thánh cha Gioan-Phaolô II năng yêu cầu chúng ta hướng tầm mắt chăm chú nhìn vào những ánh sáng làm cho thế giới này thành đáng yêu, đáng mến, mặc cho thân phận khốn khổ của nó, vì Con Thiên Chúa đã trở thành xác phàm trong một thế giới xinh đẹp đã được Cha của Người sáng tạo nên là tốt đẹp trong mỗi một chi tiết nhỏ nhặt nhất (x. St 1,10.12.18.21.25). Trong Tân Ước, thánh Luca đối chọi con cái ánh sáng với con cái của đời này ; thánh Gioan bảo chúng ta rằng Thiên Chúa là sự sung mãn của ánh sáng ; Đức Kitô, mặc khải của Chúa Cha, là ánh sáng được tỏ ra cho hết thảy mọi người. Tuy nhiên, đời này tức là bóng tối không tiếp nhận ánh sáng. Vì là con cái của ánh sáng, chúng ta được kêu gọi để đem đến cho thế gian này một ý nghĩa, sao cho những tia ánh sáng được rõ ràng minh hiển. Chúng tôi xin nêu lên vài điểm ở đây.

20. Quả là vui mừng khi nhận thấy sự tăng trưởng của các Kitô hữu những năm gần đây, nhiều phong trào của Hội Thánh lớn mạnh, đời sống thiêng liêng thức dậy đầy triển vọng. Việc đi theo Đức Giêsu tiếp tục chất vấn không ngơi nghỉ biết bao nhiêu người nam nữ trong thế giới. Tương tự, chúng ta cũng nhận thấy ơn gọi linh mục và sống đời thánh hiến gia tăng, đó là một lý do để hy vọng tương lai sẽ sáng tươi hơn.

21. Bênh vực phẩm giá và quyền của con người nhân danh Tin Mừng là khía cạnh trọng tâm trong sứ vụ và hoạt động của nhiều Kitô hữu. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã khẳng định : “Hiểu theo một nghĩa nào đó, Hội Thánh trình bày chính mình qua toàn thể Công Đồng [Vaticanô II] như là một người tôi tớ phục vụ nhân loại” [5]. Một luồng sáng chói loà đến từ chỗ tìm xem Vinh Quang của Chúa được biểu lộ như thế nào “trong thời đại và nhất là suốt thế kỷ chúng ta vừa bỏ lại đàng sau, qua việc ban cho Hội Thánh của Người một đoàn ngũ đông đảo các thánh và chứng nhân tử đạo. […]. Một sứ điệp hùng hồn không cần phải diễn tả bằng lời nói, [… ] sự thánh thiện là một phản ánh sống động của dung nhan Đức Kitô’ (NMI 7). Còn có những dấu chỉ hy vọng khác nữa : sự sụp đổ của các chế độ toàn trị, ngôi nhà mới cho tự do và phát triển của dân chủ trong nhiều quốc gia.

22. Mọi người đều tìm kiếm chân lý, họ không muốn sống trong sự dối trá, do đó Đức Giáo hoàng có lý khi gợi lên cho những người trẻ một bổn phận huy hoàng : trở thành “những người lính gác của buổi hừng đông” (x. NMI 9 ; Is 21,11-12). Đối với những con người ấy, Thánh Thể sẽ luôn luôn là mặt trời chiếu sáng và sưởi ấm cuộc đời của họ, do họ gặp gỡ chính Đấng là Sự Sống. Trong Thánh Thể, không phải chỉ có một con người đang đi tìm Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đang tìm và chờ đợi chúng ta.

23. Hội Thánh vẫn thường nói đến một văn hoá sự sống, bằng cách trình bày cho chúng ta giá trị khôn sánh của toàn thể ngôi vị con người và “Tin Mừng về lòng yêu mến của Thiên Chúa đối với nhân loại, Tin Mừng về phẩm giá của con người và Tin Mừng về sự sống, tất cả là một Tin Mừng duy nhất và bất khả phân” (TMSS 2) như thế nào. Thánh Thể, Bánh ban sự sống đời đời, đưa dẫn chúng ta tới chỗ lại công bố lên rằng giá trị của đời sống con người là thiêng thánh từ lúc thành thai cho đến cái kết cuộc tự nhiên là cái chết. Trong bất cứ cuộc gặp gỡ nào với Thánh Thể, Đức Giêsu như nhắc nhở chúng ta rằng : “Hãy kính trọng, bảo vệ, yêu mến và phục vụ sự sống, mỗi một sự sống của con người” (TMSS 5).

24. Cộng đoàn Kitô hữu và xã hội trần thế đã đề nghị và còn đang tiếp tục khích lệ lòng nhiệt thành chăm lo cho những người yếu kém nhất và không được bảo vệ che chở nhiều nhất. Con cái được trân trọng như là quà tặng của Thiên Chúa. Nhiều trung tâm được mở để trợ giúp đời sống. Tiến bộ khoa học, kỹ thuật và y tế được coi trọng, như là một sự góp phần luôn luôn cần đến cho công việc phục vụ và phẩm giá của nhân vị cũng như cho việc thăng tiến công ích của các dân tộc. Có sự chống đối hiển nhiên đối với việc tử hình và đối với chủ trương coi chiến tranh là giải pháp cho các xung đột (x. TMSS 26-27).

25. Tương tự như thế, có một sự tôn trọng đối với thiên nhiên càng ngày càng nghiêm túc hơn, vì xét như là những con người, chúng ta đã đón nhận thiên nhiên như là một quà tặng và có trách nhiệm là những người quản lý công trình sáng tạo, công trình vẫn đang rên siết để sinh nở, chờ đợi ơn cứu chuộc (x. Rm 8,22).

26. Nhìn những ánh sáng vừa nêu trên với lòng biết ơn, có lẽ chúng ta phải thắc mắc : trong thế giới hiện nay, cần phải có những khía cạnh tích cực nào để phát triển nhiều hơn nữa, cũng như chúng ta phải xin ơn của Thiên Chúa và nỗ lực dấn thân một cách có trách nhiệm như thế nào ?
  • Bóng tối
27. Chúng ta đang đối diện với những vấn đề rất nghiêm trọng : chúng ta đang sống trong một môi trường toàn cầu hoá lưỡng giá, vào lúc tuyệt đối. Các hệ thống kinh tế mạnh vùng lên mà không lưu tâm đến con người, các nền văn hoá cường thịnh không cho nền văn hoá chen chân. Vì thế, hố ngăn cách giữa người giàu với người nghèo thay vì được giảm thiểu lại thành rộng thêm.

28. Chúng ta tiếc về tình trạng ý thức luân lý đi dần tới chỗ u tối, mất khả năng yêu thương cho đến cùng, nạn khủng bố, cái chết và đau khổ do bạo lực, thái độ dửng dưng đối với chân lý, sự tan vỡ của các gia đình, tâm trạng âu lo khi sống một cuộc đời thiếu ý nghĩa, việc phá thai do thái độ vô cảm đối với những người không có chút gì để tự vệ, những điều kiện làm việc bất ổn dần dà bóp nghẹt sự sống của nhiều cá nhân cũng như gia đình.

29. Bóng tối ra như phủ khắp cuộc hành trình của Hội Thánh : “Trong số những tội có tính chất xã hội đang kêu thấu trời, cần nói tới : nạn buôn bán ma tuý, rửa tiền, tham nhũng ở bất cứ cấp độ nào, khủng bố bằng bạo lực, chạy đua vũ trang, phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng xã hội và phá hủy thiên nhiên vô ý thức”. Những tội ấy là những dấu chỉ cho thấy sự khủng hoảng sâu xa do đánh mất cảm thức về Thiên Chúa và thiếu vắng những nguyên tắc luân lý cần phải có để hướng dẫn đời sống của mỗi người. Khi thiếu những điểm tựa luân lý để qui chiếu thì lòng ham hố không gì kềm chế nổi đối với của cải vật chất và quyền hành thắng thế, làm cho bất kỳ cái nhìn nào dựa trên nền tảng Tin Mừng về thực tại xã hội cũng thành ra u tối.

30. Chúng ta để ý tới cảm thức về sự vắng mặt của Thiên Chúa, đang lan rộng cả đối với đời sống cá nhân lẫn đời sống xã hội. Trong khi đó, lại thấy phát sinh một loại đạo đức theo giáo phái và cuống tín, đồng thời có theo chủ trương triệt để (fundamentalist), hoặc phổ biến một thứ linh đạo mơ hồ không qui chiếu về Thiên Chúa hoặc không có bó buộc nào về giá trị luân lý cả.

31. Những ánh sáng và bóng tối khác, đặc trưng của thời đại chúng ta, khiến chúng ta thắc mắc tự hỏi : Chúng ta phải làm gì để các phần tử trong các cộng đoàn chúng ta khi tiếp tục theo đuổi ơn gọi Kitô hữu của mình, với tư cách là con cái ánh sáng có thể cống hiến cho thế giới bằng chứng của ánh sáng : tức là sự thiện, sự thánh thiện và chân lý ? (x. Ep 5,8).

III. THÁNH THỂ : ÁNH SÁNG VÀ SỰ SỐNG CỦA THIÊN NIÊN KỶ MỚI

  • “Thánh Thể, nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu” (GH 11)


1. THÁNH THỂ ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚNG TA TRONG CUỘC HÀNH HƯƠNG


32. Vào lúc khởi đầu Thiên niên kỷ thứ ba, Hội Thánh sẽ cử hành Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 48, tin tưởng là sự hiện diện của Chúa luôn luôn được đổi mới giữa chúng ta. Hội Thánh, dân lữ hành, gặp được trong Thánh Thể lương thực sự sống nâng đỡ mình suốt cuộc hành trình dài, ý thức rằng con đường mình đang đi dẫn tới quê hương (x. Hr 11,13-16). Hội Thánh “cử hành cuộc tưởng niệm Chúa Phục sinh, trong khi hướng về ngày Chúa Nhật không có kết thúc trong đó toàn thể nhân loại sẽ đi vào nơi yên nghỉ của Ngài” (Lời Tiền Tụng X Chúa nhật).
  • Hiến tế của Giao Ước Mới
33. Thánh Thể là một hiến tế : hiến tế của việc Cứu Chuộc và đồng thời là hiến tế của Giao Ước mới[6]. Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu thiết lập hiến tế Thánh Thể là Mình và Máu Người, qua hiến tế đó Người làm cho hiến tế của Người trên thánh giá được trường tồn và trao tặng Hội Thánh của Người lễ tưởng niệm cái chết và cuộc Phục sinh của Người (x. PV 47).

34. Đức Giêsu trong Thánh Thể là tế phẩm Chúa Cha ban cho chúng ta để hiến tế, một tế phẩm tự trao nộp để thanh tẩy và hoà giải chúng ta với Chúa Cha. Việc Người trao nộp bản thân trong hiến tế được báo trước trong Cựu Ước nơi hiến lễ của ông Ápraham (x. St 22,1-14), được ca mừng trong ca tiếp liên lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô : “In figuris praesignatur, cum Isaac immolatur” (Ca tiếp liên “Lauda Sion”). Tính cách hiến tế của Thánh Thể là rõ rệt trong chính những lời thành lập : “thân mình bị trao nộp” và “máu được đổ ra” (x. Lc 22,19-22 ; SGLHTCG 1365). Hiến tế của Đức Kitô và hiến tế của Thánh Thể là một hiến tế độc nhất : tế phẩm cũng là một, chỉ có điểm dị biệt ở cách thức dâng (x. Trento DH 1743 ; SGLHTCG 1367). Hiến tế của Đức Kitô cũng là hiến tế của các chi thể trong Thân Thể Người, đến nỗi đời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc của các tín hữu đều được kết hợp với Đức Kitô và với lễ dâng toàn hiến của Người. Nhờ đó, tất cả có được một giá trị mới” (SGLHTCG 1368).

35. Tương tự, “Thánh Thể là lễ tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, hiện tại hoá và dâng tiến cách bí tích hy tế duy nhất của Người trong Phụng vụ của Hội Thánh là Thân Thể Người” (SGLHTCG 1362). Đây là lễ tưởng niệm tức là một sự công bố những kỳ công Thiên Chúa đã hoàn thành cho nhân loại, và làm cho cuộc Vượt Qua của Đức Kitô được trở thành hiện tại. Hiến tế Người đã dâng một lần cho mãi mãi trên thánh giá nay được hiện tại hoá bằng việc cử hành (x. Dt 7,25-27). Khi làm cho quá khứ trở thành hiện tại, lễ tưởng niệm đẩy chúng ta đi tới tương lai trong niềm hy vọng của việc Chúa trở lại : “Khi chúng con ăn bánh và uống chén này, chúng con công bố cái chết của Chúa, lạy Chúa Giêsu, cho tới khi Chúa đến trong vinh quang” (Lời tung hô sau truyền phép, lời thứ hai).

36. Từ lúc khai nguyên, Hội Thánh vẫn tuân theo lệnh Chúa truyền cử hành Thánh Thể : “Hãy làm việc này để tưởng nhớ Thầy” (1Cr 11,24-25). Vì thế, trong phần trọng tâm của Kinh Tạ Ơn, ngay sau phần tường thuật việc thiết lập Thánh Thể, chúng ta công bố rằng : “Lạy Cha, khi tưởng nhớ Con Cha đã chịu chết để cứu độ chúng con, đã sống lại và lên trời vinh hiển và đang khi chờ đợi Người lại đến trong vinh quang, chúng con dâng lên Cha hy lễ thánh thiện và sống động này để tạ ơn Cha.
  • Bánh có sức biến đổi
37. Sách Thánh trình bày Thánh Thể còn như là lương thực. Các hình ảnh tạ ơn trong Cựu Ước loan báo và làm nổi bật cái nhìn này. Một trong những hình ảnh ấy là hiến tế của ông Menkixêđê. Ông đã dâng lên Thiên Chúa tối cao bánh và rượu (x. St 14,18). Con Chiên Vượt qua và bánh không men tượng trưng cho Thánh Thể như là lương thực (x. Xh 12,1-28) : trước khi dân được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập đã có một bữa ăn trong đó con chiên là một dấu chỉ hoạt động cứu thoát của Thiên Chúa. Sau đó dân lên đường lữ hành dẫn họ về Đất Hứa. Một hình ảnh về Thánh Thể trong đó có hàm chứa ý nghĩa bữa tiệc, đó là khi ông Môsê mừng với bảy mươi vị kỳ mục sau lễ hiến tế ký kết giao ước (x. Xh 24,11).

38. Ý nghĩa của bữa tiệc đang trên đường hành hương trong Thánh Thể được đặt nền tảng trong hình ảnh manna (x. Xh 16,1-35 ; Đnl 8,3). Đây là lương thực lạ lùng Thiên Chúa gửi cho dân Híp-ri và kéo dài suốt bốn mươi năm để nâng đỡ dân lữ hành suốt thời gian dong duổi trong hoang địa. Và đấy cũng là thứ lương thực Đức Kitô đã ám chỉ tới khi Người nói về Thân Mình Thánh Thể của Người là bánh ban sự sống từ trời xuống (Ga 6,49-51.58).

39. Một hình ảnh khác của Thánh Thể như là bữa tiệc nuôi dưỡng những người lữ hành, đó là bánh nướng được ủ trong tro nóng nuôi dưỡng ông Êlia : “Ông chỗi dậy, ăn và uống, rồi nhờ sức lực của lương thực ấy ông đi suốt bốn mươi ngày và bốn mươi đêm tới núi Khôrép, núi của Thiên Chúa” (1 V 19,5-8).

40. Thánh Thể như là lương thực của những người lữ hành được nhắc đến theo hình thức thi ca trong Ca tiếp liên lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa (“Ladau Sion” ) : “Ecce panis angelorum, factus cibus viatorum” [Đây là bánh các thiên thần, nay nên bánh nuôi lữ nhân). Bánh Thánh Thể là sức mạnh của người yếu nhược : “Khi chúng con rước Mình Người đã ban cho chúng con thì chúng con được thêm mạnh mẽ” (Lời tiền tụng Thánh Thể I). Bánh Thánh Thể là sự trợ giúp đỡ nâng người bệnh tật, là của ăn đàng, viaticum, của người đang hấp hối, vì đó Đức Kitô đã “hiến mình làm của ăn và của uống thiêng liêng nhằm để nuôi chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta tiến đến lễ Vượt qua vĩnh cửu” (Lời tiền tụng Thánh Thể III). Bánh Thánh Thể là lương thực không thể thiếu để nâng đỡ biết bao Kitô hữu đang làm chứng cho chân lý Tin Mừng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

41. “Người nào ăn tôi sẽ sống nhờ tôi” (Ga 6,57). Đức Giêsu nói với chúng ta nhằm nhấn mạnh đến nhu cầu là các Kitô hữu phải được dưỡng nuôi bằng chính Người là Bánh từ trời xuống. Tham dự vào Bữa tiệc thánh này xây dựng chúng ta thành Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô. Thế nên, Đức Kitô trong Thánh Thể là trung tâm của đời sống Hội Thánh.

42. Trong Thánh Thể, Hội Thánh có được lương thực nuôi dưỡng mình và biến đổi đời sống của mình từ bên trong. Theo cái nhìn như thế, thánh Lêô Cả khẳng định rằng : “Việc chúng ta tham dự vào Mình và Máu Đức Kitô không đưa tới điều gì khác ngoài việc biến đổi chúng ta thành những gì chúng ta ăn” [7]. Chúng ta được Đức Kitô đón nhận lấy, chúng ta được biến đổi thành một dân mới, liên kết mật thiết với Người là Đầu của Thân Mình mầu nhiệm.

43. Đời sống mới Đức Kitô ban tặng cho chúng ta trong Thánh Thể trở thành “phương dược bất tử, thành liều thuốc bảo đảm cho chúng ta rằng chúng ta không chết nhưng sống trong Đức Giêsu Kitô mãi mãi” (Thánh Ignatiô Antiôkhia, Thư gửi tín hữu Êphêxô 20,2). Ai trong chúng ta đang sống nhờ Đức Kitô, Đấng muốn cho hết mọi người được sống dồi dào, phải công bố lên tính cách thiêng thánh của đời sống con người, từ lúc thành thai cho đến cái kết cuộc tự nhiên và chống lại những ảnh hưởng của thứ văn hoá sự chết.

2. THÁNH THỂ, MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG, TRUNG TÂM CỦA ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH


44. Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất Hội Thánh, như thánh Phaolô công bố : “Vì chỉ có một bánh, nên chúng ta tuy nhiều nhưng cũng chỉ là một thân thể, vì chúng ta thông phần cùng một bánh” (1 Cr 10,17). Trong lời cầu nguyện cùng Chúa Cha cho các môn đệ sau khi thiết lập Thánh Thể, chính Đức Kitô diễn tả niềm ao ước của Người là mọi người được nên một và ở lại trong Người, cũng y như Người ở trong Chúa Cha (x. Ga 17,20-23). Sách Công vụ tông đồ nêu bằng chứng về cộng đoàn đời sống và cung cách xử sự xuất phát từ việc bẻ bánh (x. Cv 2,42-47). Sự hiệp nhất này do Thánh Thể đem lại và được biểu thị nhờ Thánh Thể.

45. Việc tham dự cùng một bàn tự nó đã là một biểu hiệu của tình huynh đệ và hiệp thông cách sống động. Dấu hiệu bên ngoài của lương thực là được người ta ăn cũng nhắc nhở, như sách Didakhê khẳng định (9,4) rằng những hạt lúa mì rải rác trên khắp các đồi được thu gom lại làm thành một tấm bánh thì cũng là biểu tượng của sự hiệp nhất Hội Thánh được qui tụ từ khắp cùng trái đất về. Các Giáo phụ ngay từ thời đầu Hội Thánh đã nói rất phong phú về những biểu tượng liên quan đến sự thống nhất của Hội Thánh. Công Đồng Trentô đã nhắc lại chân lý này khi tuyên bố rằng Đức Kitô tặng ban Thánh Thể cho Hội Thánh để “làm biểu tượng cho sự hiệp nhất và đức mến của Hội Thánh, trong đó Người muốn mọi Kitô hữu được liên kết và hiệp nhất với nhau” (DH 1628). Công Đồng tiếp tục nhìn biểu tượng Thánh Thể này theo đường hướng một Thân Thể có Đức Kitô là Đầu. Công Đồng Vaticanô II miêu tả Thánh Thể là “bí tích tình yêu, dấu chỉ sự hiệp nhất, mối dây bác ái” (PV 47 tham chiếu thánh Augustinô).

46. Nay nếu Thánh Thể là nguồn mạch của sự hiệp nhất thì cũng là trung tâm của đời sống Hội Thánh. Sở dĩ như thế là vì chúng ta chỉ có một nguyên tắc siêu việt độc nhất. Nhờ nguyên tắc này, cái gì là không thể đối với con người vì tính cách tội lỗi và chia rẽ của con người thì đều có thể có được. Cũng chính nguyên tắc hiệp nhất này là Thân Thể thể lý của Đức Kitô, bị trao nộp vì Hội Thánh của Người để kiến tạo Hội Thánh thành Thân Mình mầu nhiệm của Người, trong đó Người là Đầu còn chúng ta là chi thể.

47. Hội Thánh làm nên Thánh Thể và Thánh Thể làm nên Hội Thánh (x. ĐCCCN 20). Vì sự kiện này, Thánh Thể là trung tâm của đời sống Hội Thánh và mọi bí tích khác đều hướng đến Thánh Thể (x. PV 7), các thừa tác vụ trong Hội Thánh và các công việc tông đồ cũng tương tự như thế. Thánh Thể cực thánh là nguồn mạch và đỉnh cao của việc giảng thuyết Tin Mừng. Trong Thánh Thể chứa đựng toàn thể thiện ích thiêng liêng của Hội Thánh, nói đúng ra là chính Đức Kitô, Con Chiên Vượt qua và Bánh ban sự sống của chúng ta, qua thịt của Người đã được làm cho sống và ban sự sống qua Thánh Thần, Người ban sự sống cho dân Người (LM 5).

48. Theo đó, mầu nhiệm Thánh Thể cũng phải là trung tâm của Hội Thánh địa phương. Hội Thánh của Đức Kitô thực ra hiện diện trong bất cứ cuộc qui tụ chính đáng nào của các tín hữu hiệp nhất với các vị mục tử của mình. Những cuộc qui tụ này được gọi, trong Tân Ước, là “các Hội Thánh”. Nơi đây, các tín hữu được qui tụ lại với nhau nhờ lời giảng thuyết Tin Mừng và mầu nhiệm Bữa Tiệc Ly của Chúa được cử hành để nhờ Mình và Máu của Người tình huynh đệ trọn vẹn nối kết mọi người. Trong các cộng đoàn này, cho dù có những cộng đoàn thường là nghèo khó và không được nhiều người biết đến, hoặc đang lộn xộn, vì sự hiện diện của Đức Kitô Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền vẫn được qui tụ lại. Vì sự tham dự vào Mình và Máu Chúa làm cho chúng ta có thể trở thành điều chúng ta lãnh nhận (x. HT 26).

49. Thánh Thể như là mầu nhiệm hiệp thông là vì ơn cứu độ của thế giới. Cho dầu còn có khiếm khuyết nơi mình, các Hội Thánh ly khai và các cộng đoàn, như Công Đồng Vaticanô II nói, là “những phương thế cứu độ xuất phát hiệu quả từ chính sự sung mãn của ân sủng và chân lý đã được trao phó cho Hội Thánh công giáo” (HN 3). Các Hội Thánh ấy không hưởng sự thống nhất ấy, sự thống nhất mà Đức Kitô đã đem lại trên Hội Thánh của Người, vì các Hội Thánh ấy không hưởng từ sự sung mãn của các phương thế đem lại ơn cứu độ mà Đức Kitô đã giao cho. Trong số nhiều phương thế cứu độ, việc cử hành Thánh Thể có một tầm quan trọng vì việc cử hành này tượng trưng và thực hiện sự thống nhất của mọi người tin vào Đức Kitô.

50. Các Hội Thánh Đông phương, như Công Đồng Vaticanô II khẳng định, vẫn giữ bí tích Truyền chức và cùng đức tin về Thánh Thể như chúng ta đang có (x. HN 15). Đàng khác, các Hội Thánh ly khai ở Tây phương không duy trì bản chất riêng và trọn vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể, vì thiếu trước tiên bí tích Truyền chức, “nhưng khi tưởng niệm sự chết và sự phục sinh của Chúa trong Bữa Tiệc Thánh, họ đã tuyên xưng rằng bữa tiệc ấy biểu thị sự sống trong sự hiệp thông với Đức Kitô và họ mong đợi việc Người đến trong vinh quang” (HN 22). Vì lý do đó, việc cử hành bí tích hiệp nhất này tự nó thôi thúc chúng ta tìm kiếm những giá trị tích cực hiện có trong các Hội Thánh và các cộng đoàn Hội Thánh chưa hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh công giáo, và đưa dẫn họ đến sự thành toàn của họ trong một cố gắng để nhìn nhận rằng sự hiệp nhất ấy, đúng như là Thánh Thể, là công trình của Thiên Chúa, trong đó chúng ta được kêu gọi cộng tác cách tích cực và có trách nhiệm “với lòng yên mến chân lý, với tình bác ái và với sự khiêm tốn” (HN 11).

51. Một họ đạo sống nghĩa là một cộng đoàn Thánh Thể : “Tuy nhiên, không có cộng đoàn Kitô hữu nào được kiến tạo trừ phi cộng đoàn ấy đặt nền tảng và trung tâm của mình nơi việc cử hành Thánh Thể cực thánh. Do đó, mọi cố gắng giáo dục tinh thần cộng đoàn cần phải lấy đó làm nguồn gốc” (LM 6). Vì thế, việc lập kế hoạch và thực hiện các chương trình mục vụ phải được khởi đi nhờ và thực sự có tương quan với Thánh Thể khi được cử hành và chiêm ngưỡng trong tinh thần thờ lạy, để sinh hoa kết quả, nhất là trong lãnh vực tông đồ ơn gọi.

3. THÁNH THỂ, NHU CẦU CHIA SẺ


52. “Cảm thức chân thực về Thánh Thể tự nó trở thành trường học yêu thương tích cực đối với người lân cận” (Dominicae Cenae, 6). Chúng ta hiểu được mối tương quan giữa Thánh Thể với Ánh Sáng khi ngẫm suy câu nói của thánh tông đồ Gioan : “Ai nói mình ở trong ánh sáng mà lại ghét người anh em của mình thì người ấy vẫn còn ở trong bóng tối” (1 Ga 2,9).

53. Dâng tiến hy lễ của Đức Kitô thật ra hàm nghĩa là chúng ta tiếp tục cùng hy lễ này bằng một cuộc đời dấn thân phục vụ tha nhân. Cũng như Người được dâng tiến làm hy lễ dưới hình bánh và rượu, thì chúng ta cũng thế, chúng ta phải trao tặng bản thân mình để phục vụ trong tinh thần huynh đệ và khiêm tốn những người anh em chị em của chúng ta, bằng cách lưu tâm đến những nhu cầu của họ hơn là để ý xem họ có khen ngợi sự trợ giúp của chúng ta hay không, và đem lại cho họ bánh, tức là những nhu cầu cơ bản cho một đời sống hợp với phẩm giá của con người.

54. Những khái niệm lương thực hoặc bữa tiệc trong những nghi thức tôn giáo đã có từ trước Kitô giáo. Đấy là những yếu tố nền tảng và là những nhu cầu sống còn thuộc về đời sống con người. Sự phong phú ý nghĩa của các khái niệm ấy biểu lộ không phải trong hành vi thể lý là ăn và uống cho bằng trong kinh nghiệm hiệp thông, chia sẻ và trao đổi huynh đệ. Đối với các Kitô hữu, ý thức mình là chi thể của Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô, thì cơ hội cử hành “Bữa tiệc Thánh Thể” là một đặc ân nhưng cũng là một thách thức. Bánh và rượu chúng ta dâng tiến trên bàn thờ khiến chúng ta nhớ đến thức ăn đồ uống cần phải có trên bàn của mỗi một con người. Vì có nhiều người đang không thể được hưởng một quyền cơ bản của con người như thế, hoặc vì họ không có lương thực hoặc vì họ không có ai chia sẻ cho họ. Đây là một dấu chỉ sự bất công đầy xúc phạm.

55. Một tình trạng như thế tự căn bản đối nghịch với những gì Đức Giêsu nói và thực hiện trong cuộc đời của Người, và cũng nghịch với những gì cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã lưu tâm đế, phù hợp với giáo huấn của Đức Kitô. Do đó, khi được cử hành và được chia sẻ như một bữa tiệc, Thánh Thể mời chúng ta thể hiện sự nhất quán giữa việc bẻ bánh với những chiều kích nhân loại đi theo : chia sẻ những thiện ích vật chất (x. Cv 2,42.44 ; 4,34), quyên góp để giúp đỡ những người đang túng thiếu (Cv 11,29 ; 12,25), phục vụ bàn ăn (Cv 6,2), vượt thắng mọi chia rẽ và kỳ thị (x. 1 Cr 10,16 ; 11,18-22 ; Gc 2,1-13). Hết thảy các chiều kích trên đều có liên quan trực tiếp đến việc loan báo Tin Mừng trong thế giới này và cụ thể nơi các quốc gia đang phát triển.

56. Thánh Thể làm cho Diakonia hay là việc phục vụ của Đức Kitô thành hiện thực, và đó chính là nơi đổi mới sứ mạng của Hội Thánh, tiên vàn đối với nhu cầu cấp thiết nhất. Thế cho nên Thánh Thể là một mái trường, một nguồn suối tình yêu và Diakonia, ý nghĩa của việc này cần phải được diễn tả ra cuộc sống. Điều này hàm ý là trong Thánh Thể và vì Thánh Thể, những giá trị đi theo đó sẽ được tập trung lại : đón nhận nhau trong tình huynh đệ, tình liên đới, chia sẻ những thiện ích, cũng như dành cho những người thiếu thốn nhất sự ưu tiên phục vụ. Chứng tá tình yêu thích hợp là chiều kích không thể thiếu để có việc loan báo Tin Mừng đích thực.

4. ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ THÁNH THỂ, NGUỒN SUỐI CỦA VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG


57. Ở trung tâm của sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu Kitô là bổn phận loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, Đức Giêsu không chỉ công bố Vương Quốc bằng lời nói mà còn “sự kiện toàn thể tức là sự hiện diện của Người và việc Người bày tỏ chính mình […] nhưng trên hết là bằng cái chết và cuộc phục sinh vinh quang từ cõi chết” (MK 4). Chúng ta có thể nói rất đúng rằng chính Đức Giêsu là Vương Quốc.

58. Như chính Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nhắc nhở, việc loan báo Tin Mừng “đã bắt đầu trong suốt cuộc đời của Đức Kitô và sau cùng được hoàn tất nhờ cái chết và cuộc phục sinh của Người. Nhưng việc này còn phải được kiên nhẫn tiến hành trong suốt dòng lịch sử, để được hoàn tất trọn vẹn vào ngày Đức Kitô đến lần cuối cùng” (LBTM 9). Vì việc này mà Hội Thánh có trách nhiệm và cũng là nhiệm vụ tiên quyết, đó là tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu. Liên quan đến điều này, chúng ta phải để tâm đến lời của thánh Tông Đồ Phaolô : “Vô phúc cho tôi nếu tôi không giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

59. Thánh Thể là nguồn suối của việc loan báo Tin Mừng, bởi vì Thánh Thể một cách nào đó là “trung tâm của Tin Mừng”, bởi vì Thánh Thể biểu lộ cho thấy có tương quan tới lễ Vượt Qua theo như các trình thuật việc thành lập Thánh Thể cho thấy (x. Mt 26,17-25 và song song), và cũng có cùng những đề tài của chính Tin Mừng, như : việc công bố Lời Thiên Chúa, lòng sám hối và lòng tin, lòng mến và koinonia, ơn hoà giải và tha thứ, và cả sự sống vĩnh cửu nữa (x. Ga 6 ; Cv 2,42-46 ; 1 Cr 10,14-22 ; 11,17-26).

60. Hơn thế nữa, Thánh Thể còn là đỉnh cao của cuộc hành trình có tính cách bí tích, vì Thánh Thể tổng hợp và đưa chúng ta tới những giai đoạn khác nhau của đời sống bí tích : phép Rửa tội, Thêm sức, Hoà giải, Hôn phối. Nhờ các bí tích này, các Kitô hữu diễn tả việc mình được sáp nhập vào mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh của Người. Qua việc này, Thánh Thể bao gồm toàn thể Hội Thánh và mỗi một người Kitô hữu, với tư cách là chi thể của Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô, hầu trở nên không phải chỉ là được đồng hoá sâu xa hơn với Đức Kitô, nhưng còn được trao phó cho nhiệm vụ Tin Mừng hoá những người khác nữa.

61. Sau cùng, Thánh Thể là một lực đẩy cho việc loan báo Tin Mừng trong Thiên niên kỷ thứ ba này, bởi vì Thánh Thể không phải chỉ là trung tâm, nhưng còn là nguồn suối từ đó hoạt động loan báo Tin Mừng tuôn trào và tiến triển trong thế giới hiện nay (x. NMI 36).

62. Một việc riêng của lòng đạo đức phụng vụ và bình dân đối với Đức Giêsu đang hiện diện trong bí tích được nhìn trong những truyền thống sau đây : chầu Mình Thánh ngày thứ năm Tuần Thánh, rước kiệu ngày lễ trọng Mình Máu Chúa Kitô, tập quán viếng Thánh Thể, thờ lạy Thánh Thể liên tục hai mươi bốn giờ, các Đền thánh đặt Thánh Thể liên tục để chầu đền tạ, Phép lành Mình Thánh, rước lễ các ngày thứ sáu đầu tháng, thờ lạy Thánh Thể ban đêm và Đại Hội Thánh Thể. Tất cả những hình thức trên, trong số nhiều hình thức khác nữa, đều là những cách diễn tả một đức tin đơn sơ và sâu xa vào sự Hiện Diện Thực Sự của Đức Giêsu Kitô trong Thánh Thể. Các việc ấy cho thấy một lòng yêu mến sâu xa đối với Đấng hằng khao khát “cư ngụ ở giữa chúng ta”. Không thể phủ nhận được là nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh nhờ tất cả những việc đạo đức ấy mà có chỗ để được thanh luyện và tăng trưởng, nhất là trong thời đại chúng ta để có thể đương đầu với “tối tăm và bóng tử thần” (Lc 1,79) đang bao vây thế giới này, Thánh Thể là ánh sáng sung mãn và là ánh sáng soi toàn thể nhân loại.

63. Sức mạnh Tin Mừng hoá của Thánh Thể mạnh mẽ đến nỗi mời các Kitô hữu trở thành một toàn thể cộng đoàn quảng đại dấn thân truyền giáo, đáp ứng những hoàn cảnh của riêng mỗi miền và mỗi quốc gia. Vì như Đức Giêsu đã nói với chúng ta trong Bữa Tiệc Ly : “Hãy làm việc này để tưởng nhớ Thầy” (Lc 22,19), chúng ta không thể làm ngơ không biết tới lời mời của Người là trở thành bánh được bẻ ra và chia sẻ, máu được đổ ra để cho thế giới đón nhận được sự sống, giống như Người đã làm. Nếu không, việc cử hành Thánh Thể mà không có sự dấn thân sẽ không phải là “công bố Tin Mừng” trọn vẹn, như thánh Phaolô đã cảnh giác cộng đoàn Côrintô (x. 1 Cr 11,17-34).

64. Tương tự như thế, đối với mọi Kitô hữu, việc tham dự Thánh Thể là trung tâm của ngày Chúa Nhật. Thánh hoá Ngày của Chúa là một đặc ân không thể bỏ qua được. Ngày đó cần phải được cảm nghiệm không phải chỉ như là một lệnh truyền không tuân thủ thì không được, nhưng là một nhu cầu phải được nhìn nhận thật sự và bền bỉ đi theo cuộc sống Kitô hữu (x. NMI 36). Vì thế, khuyến khích việc tham dự Thánh Thể, nhất là việc cử hành ngày Chúa Nhật, phải là một phần không thể thiếu khi đưa ra các chương trình mục vụ cho việc Loan báo Tin Mừng mới.

5. ĐỨC MARIA, “THÂN MẪU CỦA THIÊN CHÚA THẬT, ĐẤNG TA SỐNG CHO NGƯỜI” (Nican Mopohua)


65. Đức Maria đã nói với Juan Diego và nay người đang lặp lại với mỗi Kitô hữu : “Hãy biết rằng Mẹ là Mẹ Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ của Thiên Chúa thật, Đấng ta sống cho Người” ; và thêm nữa : “Chẳng lẽ Mẹ không ở đây, chẳng lẽ Mẹ không là Mẹ của con ?” [8]. Đức Trinh Nữ luôn tỏ mình ra là Thân Mẫu của Đức Giêsu và của mọi dân tộc. Thánh Mẫu Guadalupe hôm nay vẫn là dấu chỉ của sự gần gũi của Đức Kitô, như thể Mẹ mời chúng ta đi vào hiệp thông với Con của Mẹ, Đấng dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Cậy trông vào sự trợ giúp của Đức Maria, Hội Thánh mong ước dẫn đưa con người đến gặp Đức Kitô, Đấng là khởi điểm của việc hoán cải đích thực và sự hiệp thông luôn được đổi mới cũng như sự liên đới.

66. Đối với dân bản xứ thuộc miền đất này, Đức Maria với dung nhan đầy tình mẫu tử và thương xót của người, là dấu chỉ lớn lao của sự gần gũi của Chúa Cha và Đức Kitô, cùng với Đức Kitô, Mẹ mời chúng ta đi vào sự hiệp thông. Vì thế, nét đặc sắc trong lòng đạo của các dân tộc Mỹ châu qua suốt dòng lịch sử và văn hoá của họ có nét tôn kính Đức Maria là thân mẫu rất sâu xa. Có thể thấy nét diễn tả điều ấy trên dung nhan mestizo [lai] của Đức Trinh Nữ Guadalupe, Đấng là Thân mẫu của Đức Kitô và cũng là Mẹ của những người bản xứ châu Mỹ La-tinh, của những người nghèo bị áp bức và của tất cả những ai đang cần đến Mẹ. Thật ra, các nhà truyền giáo tiên khởi từ đất liền đến châu Mỹ này với một truyền thống mạnh mẽ dạy yêu mến Đức Trinh Nữ, Thân Mẫu của Đức Giêsu và của mọi dân tộc, coi lòng yêu mến ấy là một phần trong cung cách sống đức tin. Việc Đức Maria hiện ra với chân phước Juan Diego trên đồi Tepeyac, Mehicô, có một hiệu quả quyết định đối với việc loan báo Tin Mừng (x. HTCM 11). Nhắc đến điểm này, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói rằng “trên lục địa châu Mỹ, dung nhan mestizo của Đức Trinh Nữ Guadalupe ngay từ đầu đã là một biểu tượng cho việc hội nhập văn hoá khi loan báo Tin Mừng, trong đó người vẫn là ngôi sao sáng và là người hướng đạo” (HTCM 70).

67. Sự hiện diện của Đức Maria trong Nhà Tiệc Ly là điểm qui chiếu của toàn thể cộng đoàn Hội Thánh khi chuẩn bị đón nhận ơn Chúa Thánh Thần hầu từ đó ra đi loan báo Tin Mừng (x. TG 4 ; HT 49 ; LBTM 82). Kinh nghiệm về Đức Maria của các cộng đoàn Kitô hữu có thể được coi như là một thực tế trường tồn. Đấy là sự kiện ai cũng rõ trong việc cử hành Thánh Thể của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi và tương tự như thế trong các cách diễn tả của lòng đạo đức tôn kính Đức Maria của người bình dân. Trong các bài thánh thi, thánh Ephrem nêu bật mối tương quan luôn có giữa Đức Trinh Nữ Maria với Thánh Thể : “Đức Maria tặng cho chúng ta Thánh Thể, đối lại với bánh bà Eva đem cho. Đức Maria cũng là nhà tạm nơi Ngôi Lời trở nên xác phàm cư ngụ, là biểu tượng cho nơi ở của Ngôi Lời trong Thánh Thể. Cũng một thân thể của Đức Giêsu, sinh bởi Đức Maria, được sinh ra để trở thành Thánh Thể” [9].

Đức Maria, “Ngôi sao của việc loan báo Tin Mừng”


68. Cuối Tông thư Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng, LBTM), Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã dành tước hiệu “ngôi sao của việc loan báo Tin Mừng” cho Thánh Mẫu Thiên Chúa. “Vào sáng ngày lễ Hiện Xuống, Đức Mẹ đã dùng lời cầu nguyện của người để trông nom coi sóc sự khởi đầu công việc loan báo Tin Mừng do Chúa Thánh Thần khơi dậy, xin người cũng là Ngôi Sao của việc loan báo Tin Mừng không ngừng được canh tân mà Hội Thánh, chăm chỉ tuân theo lệnh của Chúa, phải cổ võ và hoàn thành, nhất là vào những lúc gian nan nhưng đầy hy vọng” (LBTM 82). Vì vậy, Đức Maria là con đường chắc chắn để tìm thấy Đức Kitô. Lòng đạo đức chân thật đối với Thánh Mẫu của Chúa luôn luôn khích lệ chúng ta hướng cuộc đời của mình theo Chúa Thánh thần và những giá trị của Tin Mừng (x. HTCM 11).

69. Đức Maria là “ngôi sao của việc loan báo Tin Mừng” theo nhiều ý nghĩa khác nhau : vì với tình mẫu tử, Người chia sẻ những bước đầu của Hội Thánh bằng lời cầu nguyện của người chung với các Tông Đồ để xin được ơn Chúa Thánh Thần, vì chính qua tình mẫu tử của người, người là khuôn mẫu và hình ảnh của Hội Thánh, vì thái độ sẵn sàng tin và lời chuyển cầu của người, người giúp cho lòng tin của Hội Thánh lớn lên. Người đang đồng hành với hoạt động Tin Mừng hoá của Hội Thánh, hoạt động này qua Lời và các bí tích khơi dậy đức tin, dẫn đến sám hối tội lỗi và lãnh nhận ơn làm con cái Thiên Chúa. Trên con đường như thế, vai trò của người là vai trò mẫu tử.

70. Chúng ta cùng phó dâng việc công việc chuẩn bị và tiến hành Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 48 cho Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, để Đại Hội này trở thành một biến cố của đức tin và của sức thúc đẩy hướng tới việc Tin Mừng hoá trong Thiên niên kỷ mới này – một sức thúc đẩy rất cần để nhận ra ánh sáng và sự sống đích thực, đó là Đức Giêsu Kitô Thánh Thể.

LỜI CẦU NGUYỆN TRƯỚC ĐỨC GIÊSU KITÔ THÁNH THỂ


1. Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con tin Chúa là Đấng Sáng Tạo vạn vật và Chúa đã sáng tạo chúng con cho Chúa gần gũi với dung nhan của Con Chúa, Đấng đã sinh từ lòng Đức Trinh Nữ Maria, bởi công trình của Chúa Thánh Thần, để làm phương thế và sự bảo đảm cho chúng con sự sống vĩnh cửu.

2. Lạy Cha là Chúa quan phòng, chúng con tin rằng nhờ sức mạnh của Thần Khí của Cha, bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Con Cha, là Bánh tinh tuyền đầy sinh lực giúp chúng con khỏi đói khát trong cuộc lữ hành của chúng con.

3. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng cuộc Nhập Thể của Chúa vẫn đang tiếp diễn nơi hạt lúa mì của Thánh Thể Chúa, để nuôi dưỡng nơi chúng con cơn đói khát ánh sáng và sự sống, tình yêu và sự tha thứ, ân sủng và ơn cứu độ.

4. Chúng con tin rằng trong Thánh Thể, Chúa tham gia vào lịch sử để đỡ nâng những khách lữ hành trong những lúc yếu đuối, và cũng nâng đỡ hết những ai đang mơ gặt hái được hoa trái do công lao vất vả gieo trồng. Chúng con biết rằng ở Belem, trong “căn nhà của Bánh”, Chúa Cha vĩnh cửu đã dọn sẵn trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria Bánh Người tặng cho những ai đang đói khát những điều vô biên vĩnh cửu.

5. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin rằng Chúa đang hiện diện thực sự trong bánh và rượu đã được thánh hoá, Chúa đang làm cho sự hiện diện cứu độ của Chúa lan rộng đến mọi nơi tới mọi người, và Chúa đang ban tặng cho đoàn chiên của Chúa cỏ xanh nước mát thật dồi dào.

6. Chúng con tin mắt chúng con không đủ sức để chiêm ngưỡng khi chúng con nhìn Tấm Bánh, và lưỡi chúng con chẳng đủ sức cảm nhận khi nếm Máu Thánh của Chúa, vì đấy chính là Chúa trọn vẹn, được dâng tiến làm lễ hy sinh và ban sự sống cho thế giới, và đấy chính là thiên đàng chúng con hằng ước vọng.

7. Lạy Chúa, đêm xưa trong Nhà Tiệc Ly, khi cầm bánh và rượu trong tay, Chúa đã ban tặng những hồng ân hấy cho mọi người, cho mọi thời, cho đến tận thế.

8. Lạy Chúa là Con Chiên của Giao Ước, trên mỗi bàn thờ nơi Chúa dâng tiến chính mình cho Chúa Cha, có kết quả của đất và công khó của bàn tay con người, có sự sống của người tín hữu, có nghi nan của người đang kiếm tìm, có tiếng cười giòn giã của em thơ, có chương trình kế hoạch của tuổi trẻ, có bánh của những người đang chịu đau khổ thiếu thốn và có lễ hiến dâng của những người biết cho đi và có cả người cho đi chính bản thân mình để phục vụ anh chị em nữa.

9. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng lòng nhân hậu tốt lành của Chúa vẫn dọn một bàn tiệc cho cả người lớn cũng như người nhỏ, và ở bàn tiệc của Chúa, chúng con trở thành anh em chị em của nhau khi chúng con tặng cho nhau cuộc đời của chính mình như Chúa đã làm như thế cho chúng con.

10. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng trên bàn thờ lễ hiến tế của Chúa, chúng con đón nhận được sức mạnh cho xác phàm yếu đuối của chúng con, một xác phàm không phải lúc nào cũng đáp lại trọn vẹn những khao khát của tinh thần, nhưng Chúa sẽ biến đổi thành hình ảnh của Thân Thể Chúa.

11. Chúng con tin rằng ở bàn tiệc Chúa dọn sẵn cho mọi người, lúc nào cũng vẫn có một chỗ dành cho những ai đang khổ công tìm kiếm, một phòng cho những ai đang phải ở bên lề trong xã hội chúng con, những dấu chỉ chết chóc phải suy yếu và thất bại, trời mới đất mới đang được mở ra.

12. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa không để chúng con là anh chị em của Chúa cô đơn trơ trọi, nhưng Chúa vẫn ở lại, vẫn hiện diện âm thầm, kín đáo, hiền từ nơi đền thờ lương tâm của chúng con và nơi Bánh và Rượu ở bàn của Chúa, để nên ánh sáng và sức mạnh cho người lữ hành nhọc mệt vất vả.

13. Vì vậy, chúng con tin rằng vào buổi bình minh của Thiên niên kỷ thứ ba này, Chúa đang làm người bạn đường trên cuộc hành trình của chúng con. “Hãy ra chỗ nước sâu” chính là mệnh lệnh của Chúa vào khoảnh khắc này của Hội Thánh Chúa, để lòng đầy hy vọng, Hội Thánh tiến lên phía trước trong lịch sử của mình.

14. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con xin cảm tạ Chúa vì Chúa đang thúc đẩy chúng con đảm nhận việc loan báo Tin Mừng mới được Chúa hỗ trợ. Xin cho Thánh Mẫu của Chúa đồng hành với những người đang muốn sống Lời của Chúa và loan báo Lời này và, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin Chúa làm cho hạt giống Tin Mừng được trổ sinh nhiều bông hạt. Amen.

LỜI KINH CỦA HỘI NGHỊ THÁNH THỂ


Lạy Chúa là Cha chí thánh,
nơi Đức Giêsu Kitô là Con của Cha,
đang hiện diện trong Thánh Thể
Cha cho chúng con ánh sáng chiếu soi mỗi người
đến trong thế gian,
và sự sống thật làm cho chúng con tràn đầy niềm vui ;
chúng con xin Cha ban cho chúng con là dân của Cha
đang đi vào Thiên niên kỷ thứ ba này,
được cử hành Đại Hội Thánh Thể thứ 48 này
với lòng tin tưởng,
để tại bàn tiệc thánh này
chúng con được nên mạnh mẽ
mà trở thành, trong Đức Kitô, ánh sáng trong bóng tối,
và sống liên kết mật thiết với Người là sự sống của chúng con.

Xin cho sự hiện diện của Đức Thánh Trinh Nữ Maria,
Mẹ Thiên Chúa thật, Đấng chúng con sống cho Người,
thật sự nâng đỡ và đồng hành với chúng con luôn.

Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Cha và Chúa chúng con,
Đấng hằng sống và hiển trị trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần,
đến muôn thuở muôn đời. Amen.
________
[1] X. Thông điệp Mysterium Fidei (Mầu nhiệm đức tin), AAS 57 (1965) 766.
[2] Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Việc tôn thờ Thánh Thể, thư gửi cho Đức giám mục Liège nhân dịp kỷ niệm 750 năm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, ngày 28 tháng năm 1996, số 5.
[3] Ibid., số 8 trích dẫn Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh, Lumen gentium, số 28.
[4] Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Việc tôn thờ Thánh Thể, số 3.
[5] BIFFI F., Il magisterio del Papi : Seminarium 35 (1983) 347.
[6] X. Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, tông thư Dominicae Cenae, số 9.,
[7] Bài giảng 12 về cuộc Thương Khó, 7 : CCL 138a, 388.
[8] LAMADRID J. G., Nican Popohua, Éd. Jus, p. 45.
[9] BACK E., CSCO, 218-219, Louvain, 1961.