Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

THÁNH THỂ, NGUỒN LƯƠNG THỰC THẦN LINH

Thời sự Thần học - Số 39, tháng 03/2005, tr. 47-51

Lê Văn La Vinh, OP


Dẫn nhập


Trong những năm gần đây, nhận thấy là nhiều nơi trên thế giới đã có nhiều sự lệch lạc trong việc hiểu biết và tôn thờ Bí Tích Thánh Thể, nhiều khi còn làm mất đi ý nghĩa thiêng thánh và hy tế của Bí tích này nữ.[1] Trong bối cảnh đó, Đại hội về Thánh Thể cũng như Thông điệp Thánh Thể ra đời như là một lời nhắc nhở, một sự chỉ bảo, một kim chỉ nam cho người tín hữu để các tín hữu hiểu rõ hơn, ý thức hơn và có thái độ sống đúng đắn hơn đối với Bí tích cao trọng này.

Một điều đáng mừng là trong Năm Thánh Thể này, từ những cấp Giáo hội địa phương cho đến các cơ quan trung ương của Toà thánh đã xuất bản, đã phát hành và có nhiều bài viết về Bí Tích Thánh Thể để giúp cho các tín hữu có điều kiện tái khám phá ra sự cao trọng và ân ban nhiệm mầu của bí tích kỳ diệu này. Bài viết này cũng xin như một sự chia sẻ, đóng góp để giúp các tín hữu có điều kiện hiểu biết thêm và sống xứng đáng với nhiệm tích cao trọng này.

Bí Tích Thánh Thể là một bữa ăn


Trong trình thuật về việc lập phép Thánh Thể, các sách Tin Mừng cũng như thư thánh Phaolô (I Cor 11) và trong sách Giáo lý của các Tông đồ (Sách Didaké) đều cho chúng ta thấy là đức Kitô đã lập phép Thánh Thể từ một bữa ăn, dựa trên những chất liệu bình thường mà con người vẫn dùng trong cuộc sống là bánh miến và rượu nho. Điều này mang một ý nghĩa rất lớn cho cuộc sống của chúng ta cả về mặt nhân sinh lẫn đời sống tinh thần.

- Trước hết là tên gọi: Ngay từ thời các Tông đồ và cho đến ngày nay, Bí tích Thánh Thể vẫn còn được gọi với những tên gọi rất “thân thương” như là: Bữa ăn của Chúa, Lễ Bẻ bánh, Lễ Đồng bàn, Hy Lễ Thánh, Hy Lễ Ca ngợi, Hy lễ Thiêng liêng, Bàn tiệc của Chúa… chỉ đọc hoặc nghe qua một vài danh xưng vừa nêu trên, chúng ta cũng có thể hình dung ra được đặc tính và ý nghĩa của bí tích này.

- Thử tìm ý nghĩa của một bữa ăn: Như chúng ta đã quá quen thuộc, bữa ăn là lúc hội tụ và sum họp của nhiều người, trong đó mọi người cùng chia sẻ với nhau một thứ lương thực để nuôi sống mình ; hay nói cách khác, trong bữa ăn, mọi người cùng nhau hiệp thông chia sẻ cùng một sức sống từ các thức ăn mang lại. Ngoài ra bữa ăn còn là lúc là dịp mọi người gặp gỡ nhau để chia sẻ cho nhau những vui buồn trong cuộc sống và chính sự gặp gỡ, hiệp thông với nhau trong bữa ăn sẽ là động lực để giúp đỡ các thành viên sống vui hơn, tốt hơn, hy vọng hơn trong chính cuộc sống của mình.

-Một chút dâng hiến, một chút hy sinh: Điều này thoạt nghe có vẻ trái khoáy và hơi lạ tai (có ai lại nghĩ đến việc đi ăn đi uống vui vẻ mà lại có chuyện dâng hiến với hy sinh). Nhưng có đấy. Để có một bữa ăn, nhiều sinh vật như heo, bò, cá, gà… phải hy sinh lắm chứ! Rồi đến người nấu ăn, cũng phải “đầu tư”, chăm chút cho bữa ăn để làm hài lòng mọi người (thực khách) ; rồi người đến dự bữa ăn nữa, cũng phải bỏ việc riêng, phải tạm gác mọi chuyện mà “bớt chút thời giờ quý báu” để đến và cùng ăn chung… Hơn nữa, trong bữa ăn còn có một yếu tố khác nữa là sự tưởng niệm (hiệp thông [nhớ đến] với những người ở xa không về được, hay tưởng nhớ những người đã khuất như bữa ăn giỗ của người Việt). Và một điểm khác nữa là như chúng ta vẫn thấy trong nhiều thời, nhiều nơi và cho đến bây giờ trong xã hội loài người là người ta không những chỉ xem bữa ăn trên bình diện văn hoá mà thôi mà còn muốn nâng bữa ăn lên tầm mức nghi lễ nữa (ăn giỗ, ăn khao (bao hàm ý nghĩa tạ ơn) ăn Tất niên, ăn đầu Năm mới...) Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy bữa ăn không phải chỉ thuần tuý là một thời điểm mà mọi người cùng đến để “nạp năng lượng” đâu, nhưng nó bao hàm và mang nhiều ý nghĩa nhân sinh và tâm linh của con người.

Ý nghĩa bữa tiệc Vượt qua của Chúa Giêsu với các môn đệ


Hiểu được giá trị và ý nghĩa nhân sinh của bữa ăn trong cuộc sống con người và đặc biệt là ý nghĩa của bữa ăn Vượt Qua (Là một bữa ăn mà trong đó cộng đồng người Do thái vừa tưởng niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát dân ra khỏi Ai cập, vừa là bữa tiệc tạ ơn ca ngợi những kỳ công mà Thiên Chúa đã làm cho dân riêng của Ngài) trong cộng đồng người Do Thái đương thời, đức Giêsu không những đã biết gìn giữ giá trị văn hóa của bữa tiệc ấy (hiệp thông, tưởng niệm, tạ ơn…) mà còn biến chúng thành những phương thế cứu độ con người.

Đức Giêsu dùng bữa tiệc Vượt Qua như một phương thế cứu độ


Để thực hiện việc cứu độ trần gian, đức Kitô đã tự nguyện hiến dâng thân mình làm của lễ đền tội. Việc hiến tế này của Chúa Giêsu đã trở thành hy lễ dâng hiến cho thế gian được sống. Chữ hy lễ gợi cho chúng ta sự đau đớn, hy sinh. Đó là cái giá phải trả để chuộc lấy sự tự do và trong trắng cho loài người: Và điều này được diễn tả trong Bữa Tiệc Ly và được thánh Mattheô ghi lại rất rõ: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” ; Rồi Người cầm lấy chén rượu dâng lời tạ ơn trao cho các môn đệ và nói “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giáo Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,26-27). Và như thế của lễ đền tội của Giao Ước Mới (Tân Ước) hôm nay không phải là máu chiên dê nữa, nhưng là chính máu và thịt của Con Người – của đức Kitô – Đấng gánh tội trần gian để nhờ vào việc hiến tế đó mà mọi người được tha tội và giao hoà cùng Thiên Chúa. Và chính nhờ việc ăn và uống Mình và Máu Thánh Chúa Kitô đó mà mọi người được ơn cứu độ (được sống đời đời)[2]

Thánh Thể - lương thực trường tồn


Để cứu độ nhân loại, như phần trên đã đề cập ; đức Kitô đã hiến thân đổ máu mình ra để chuộc tội loài người, và đồng thời Ngài cũng hiến mình làm của ăn nuôi sống nhân loại trong Bí tích Thánh Thể. Và qua Bí tích này mà đức Kitô vẫn luôn hiện diện với loài người chúng ta qua việc tái hiện hy lễ thập giá hàng ngày của Giáo hội toàn cầu. Hay nói cách khác, khi Giáo hội cử hành Thánh Thể (dâng Thánh lễ) là lúc Giáo hội tái hiện hy lễ cứu chuộc của đức Kitô. Hy lễ vẫn mang giá trị cứu độ thế giới ; và qua hy lễ (Thánh lễ) này, đức Kitô vẫn hiện diện thực sự trong hình bánh rượu để làm của ăn nuôi sống con người. Do vậy, bao lâu Giáo hội còn cử hành Thánh lễ, thì bấy lâu con người vẫn còn hưởng nhờ ơn cứu độ từ hy lễ thập giá, và được hưởng dùng lương thực thần lương là chính Mình và Máu của đức Kitô.

Sống Bí tích Thánh thể


“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhờ đến Thầy” (Lc 22,19 ; I cor 11,24-25) câu nói này được thánh sử Luca và Tông đồ Phaolô ghi lại để nhắc nhở rằng chúng ta không phải chỉ biết tưởng niệm theo nghĩa là nhớ lại biến cố đã qua, nhưng là phải biết tái hiện hy lễ đó trong giây phút hiện tại. Có nghĩa là khi chúng ta (Giáo hội) cử hành Thánh lễ, không chỉ đơn thuần là việc tưởng niệm (nhớ lại) mà thôi, nhưng quan trọng hơn là việc tái hiện lại hy tế xưa, mà việc tái hiện lại (của ngày hôm nay) vẫn có giá trị cứu rỗi đời đời. Hiểu được như thế, thì việc tham dự thánh lễ ngày hôm nay của chúng ta sẽ mang một ý nghĩa tích cực hơn, bởi nó không chỉ đơn thuần là việc thờ phượng cá nhân của mỗi người với Thiên Chúa, nhưng việc tham dự đó còn mang lại chiều kích cứu độ toàn cầu.

Mặt khác, như chúng ta đã phân tích ở trên, khi tham dự Bữa tiệc của Chúa (tham dự Thánh lễ) là lúc chúng ta cùng hiệp thông với nhau, chia sẽ với nhau, cộng tác với nhau… điều này nói lên thái độ tích cực và chủ động trong việc tham dự Thánh lễ của người tín hữu: chúng ta cùng đến, cùng thông chia… chứ không đến để “xem và coi người khác làm”. Có như thế, việc cử hành Thánh lễ và hiệp dâng Thánh lễ của chúng ta hôm nay mới mang lại giá trị và lợi ích đích thực cho bản thân ta và cho nhiều người.

Cuối cùng, như chúng ta đã biết là trong bí tích Thánh Thể chính đức Kitô đã hiến thân mình để làm giá chuộc mang lại ơn cứu độ cho người khác (muôn người). Để cho việc tham dự Thánh lễ của mỗi người tín hữu chúng ta hôm nay mang lại hiệu quả tích cực và có giá trị thực sự, thiết nghĩ mỗi người chúng ta trong vai trò, vị trí và sứ mạng của mình cũng phải biết “hiến thân” cho nhau: Hiến thân thì giờ, hiến thân công sức, hiến thân của cải riêng tư, và thậm chí hiến thân luôn cả ý riêng của mình nữa… Và khi chấp nhận và dám sống sự “tự hiến” như vậy, chắc hẳn mọi người chúng ta sẽ cảm nhận được giá trị của “sự cứu độ” hiện diện ngay trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ của mình. Và chính lúc đó, chúng ta mới hiểu rõ và mới thấm thía được lời này “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”.

Kết luận


Như chúng ta đã biết là qua mầu nhiệm Nhập Thể, đức kitô vì yêu thương nhân loại đã chấp nhận chia sẻ thân phận với loài người chúng ta. Ngài đã đến để sống, chia sẻ trọn vẹn, liên đới, đã chết và đã sống lại để cứu chuộc ta. Và ngài đã ở lại với chúng ta mãi mãi qua bí tích tình yêu là Thánh Thể của ngài qua dạng thức của một “nhu yếu phẩm” (đồ ăn thức uống) của con người. Thật vậy, khi sống giữa nhân loại, đức Kitô không những đã không loại bỏ những sinh hoạt bình thường của con người.
______
[1] Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (Thông điệp về bí tich Thánh Thể ) số 10.
[2] Xc Jn 6, 22-58