Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

THIÊN TÍNH CỦA ĐỨC GIÊSU THEO TIN MỪNG NHẤT LÃM

Thời sự Thần học - số 1, tháng 01/2008, tr. 

Văn Thơ  🙋


Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, đó là lời tuyên xưng của thánh Phêrô vào Đức Giêsu Kitô đã được chính Đức Giêsu xác nhận là do Chúa Cha mặc khải cho (Mt 16,16-17). Đó cũng là niềm tin, là điểm giáo lý căn bản của Giáo hội Công Giáo và Kitô giáo nói chung.

Quả vậy, từ ngày khai sinh đến nay, Giáo hội đã không ngừng tuyên xưng, bảo vệ và làm sáng rõ chân lý nền tảng này : Đức Giêsu Kitô người Na-da-rét, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, là người thật và cũng là Thiên Chúa thật. Chân lý ấy được Thiên Chúa mặc khải cho nhân loại một cách tiệm tiến trong suốt dòng lịch sử cứu độ và được hoàn tất trong chính Đức Giêsu Kitô - Ngôi Lời nhập thể. Toàn bộ Tân Ước là những chứng từ mạnh mẽ về thiên tính của Đức Giêsu Kitô. Ơ đây chúng ta tìm hiểu những chứng cứ mà các thánh sử ghi lại trong Tin mừng Nhất Lãm. 

I. Những tước hiệu Tin Mừng Nhất Lãm dành cho Đức Giêsu ám chỉ Thiên tính của Ngài 


1. Con Người 


Danh xưng Con Người theo truyền thống thánh kinh là một tước vị chỉ Đấng Mê-si-a, nhưng chỉ một cách mặc nhiên hơn là minh nhiên. Một số nhà phê bình muốn đồng nhất danh xưng “con người” với từ ngữ của ngôn sứ Ê-dê-ki-en, “Hỡi con người, ta sắp nói với ngươi đây… hỡi con người Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en…” (Ed 2,1.3). nhưng đa số lại liên kết với truyền thống khải huyền (Đn 7,13 và sách Kha-nóc). Theo truyền thống này thì ngày sau hết, Con Người đến phán xét kẻ tội lỗi và cứu người công chính. Trong Tin mừng Mát-thêu chúng ta thấy có nơi Đức Giêsu tự nói về mình trong tư cách là Con Người cũng với ngôn ngữ khải huyền như hình ảnh Con Người ở Đa-ni-en nhưng ở một cấp độ cao hơn : “ Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng với việc họ làm. Thầy bảo thật anh em, trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị” (Mt 17,27-28). Khi gọi Đức Giêsu là Con Người, cộng đoàn sơ khai muốn làm nổi bật đặc tính độc đáo mà họ muốn gán cho Con Người. Họ muốn nói rằng Đức Giêsu là Đấng phán xét trước thời gian, cứu vớt người tội lỗi và khai mạc thời đại cứu độ (Mt 9,6; 12,8)[1]. Quả vậy, Đức Giêsu tự giới thiệu mình là Con Thiên Chúa và ngang bằng với Thiên Chúa khi phải ra đối chất trước thượng hội đồng Do thái về thiên chức Mê-si-a và địa vị Con Thiên Chúa của mình. Đức Giêsu đã trả lời rằng Ngài chính là Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa và còn thêm rằng : Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến (Mc 14,62). Với kiểu nói này, Đức Giêsu đã đồng hoá mình với hình ảnh Con Người trong sách Daniel và còn hơn thế nữa, được ngồi bên hữu Đấng Toàn Năng là một cách khẳng định rằng Ngài là Thiên Chúa, ngang hàng với Chúa Cha trong thiên tính. Thượng tế Cai-pha cũng hiểu lời khẳng định của Đức Giêsu theo ý nghĩa đó nên đã nên đã kết án Ngài tội lộng ngôn. 

Tin Mừng Nhất Lãm đã trình bày Đức Giêsu với danh xưng là Con Người, đã khẳng định mình có một phẩm cách hoàn toàn độc nhất : có quyền tha tội như Thiên Chúa (Mc 2,5-12), tự tuyên bố mình trổi vượt trên đền thờ (Mt 12,6), trên các vua (Lc 10,24), trên cả vua Đa-vít (Mt 22, 43-45), trên các ngôn sứ (Mt 11,11tt), trên lề luật (Mt 5,21-22), trên ngày Sabat (Mt 12,8)…[2]. 


2. Con Thiên Chúa 


Tước hiệu này được cả ba tác giả Nhất Lãm sử dụng, tuy nhiên người sử dụng nhiều nhất là thánh Mát-thêu; đó cũng là một trong những đặc điểm nổi bật của Tin Mừng thứ nhất. Thánh nhân viết Tin Mừng cho người Do thái để minh chứng rằng Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Độ mà họ đang mong đợi. Ngài không phải là Ê-li-a, Giê-rê-mi-a, hay là một ngôn sứ nào đó, nhưng Ngài chính là Con Thiên Chúa Hằng Sống đến để cứu muôn dân khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Có thể vì mục đích đó, thánh Mát-thêu đã đã nhắc đến tước vị con Thiên Chúa của Đức Giêsu ở nhiều nơi khác nhau[3]. Đặc biệt là lời tuyên xưng niềm tin của thánh Phêrô (Mt 16,16), và lời khẳng định của chính Đức Giêsu trước toà quan Philatô (Mt 27,40.43). 

Tuy nhiên, nếu chỉ nói Đức Giêsu là con Thiên Chúa thì chưa thể khẳng định rằng Ngài là Thiên Chúa. Vì danh xưng con Thiên Chúa đã được sử dụng với một ý nghĩa rất rộng trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng như tân ước. Trong cựu ước, từ ngữ con Thiên Chúa đã được áp dụng cho các thiên thần, cho dân chúa chọn, cho những người Ít-ra-en trung thành, cho Đấng Mê-si-a (2Sm 7,14; Tv 2,7; 89,27). Từ ngữ ấy chỉ một mối giây liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, một liên hệ đặt nền tảng trên việc Thiên Chúa thương chọn, và trên sứ mạng Người trao phó cho “con cái” Người. Trong Tân ước, đặc biệt trong Tin Mừng nhất lãm, danh xưng con Thiên Chúa được dùng cho Đức Giêsu với một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Chúng ta biết rằng, các sách Tin Mừng được viết trong bối cảnh của các cộng đoàn Kitô hữu sơ khai đã bắt đầu sống niềm tin vào một Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời nhập thể, là Con Một của Chúa Cha, là Thiên Chúa Cứu Độ. Vì vậy khi các cộng đoàn sơ khai tuyên nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã nhấn mạnh đến đặc tính duy nhất và quyết định của cá nhân Đức Giêsu : Người là Đấng liên hệ với Chúa Cha, một liên hệ phụ tử đặc biệt, là Đấng Thiên Chúa đã trao cho một sứ vụ vô song, vô sánh là cứu độ nhân loại[4]. 

Mặt khác, khi xét bối cảnh cụ thể của hai bản văn thánh Phêrô tuyên xưng niềm tin (Mt 16,16), và lời khẳng định của chính Đức Giêsu trước toà quan Philatô (Mt 27,40.43), chúng ta thấy rõ danh xưng này có ý nói lên thiên tính của Đức Giêsu. Ơ Mt 16,16, sau khi nghe thánh Phêrô tường thuật những gì thiên hạ nói về mình, Đức Giêsu hỏi thánh Phêrô : còn anh em, anh em bảo thầy là ai ? như vậy, Đức Giêsu đã phủ nhận ý nghĩa con thiên chúa theo nghĩa thông thường mà người ta vẫn hiểu là ngôn sứ, hay tiên tri; đồng thời muốn các tông đồ phải hiểu theo một nghĩa mới mẻ và nhiệm mầu hơn. Thánh Phêrô đã nói lên được điều đó “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Y nghĩa nhiệm mầu của lời tuyên xưng này được tỏ rõ trong lời khẳng định của Đức Giêsu với thánh Phêrô “này anh Si-mon con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17). Như vậy, khi thánh Mát-thêu trình bày Đức Giêsu là Con Thiên Chúa mà còn khẳng định rằng điều đó do chính Chúa Cha mặc khải và ai biết được điều đó là người có phúc, thì chúng ta phải hiểu rằng danh xưng Con Thiên Chúa ở đây phải hiểu theo một ý nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa vẫn được hiểu theo truyền thống Cựu ước. Nói cách khác, tác giả Tin Mừng muốn khẳng định Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa nữa. 


3. Đấng Mêsia - Đấng Kitô 


Danh xưng Mê-si-a (Do thái) hay Kitô (Hy lạp) là một danh xưng quen thuộc trong Cựu Ước. Đó là danh hiệu của Đấng mà dân Ít-ra-en hằng mong đợi theo như lời các ngôn sứ loan báo sẽ đến để cứu độ họ. Những bản văn cựu ước tuy không phải một cách minh nhiên, nhưng dưới dạng tiềm ẩn, đã thấp thoáng cho chúng ta thấy một số yếu tố chứa đựng chân lý về thiên tính của của Đấng Mê-si-a. Chẳng hạn, Đấng Mê-si-a được gọi tên là Em-ma-nu-en – Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7,14), cố vấn kỳ diệu, thần linh dũng mãnh, người cha muôn thủa, thủ lãnh hoà bình (Is 9,5), Đức Chúa – sự công chính của chúng ta (Gr 23,5-6)…[5]. Tuy nhiên những đặc tình thần linh của Đấng Mê-si-a được loan báo trong Cựu Ước, chỉ được tỏ rõ một cách trọn vẹn dưới ánh sáng của Tân Ước ( ở đây chúng ta xét trong Tin Mừng Nhất Lãm) khi danh hiệu ấy được gán cho Đức Giêsu. Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm một mặt cố gắng chứng minh Đức Giêsu chính là Đấng Mê-si-a mà muôn dân đang mong đợi. Chúng ta nhận thấy điều này qua bản gia phả của Đức Giêsu (Mt 1,1-17; Lc 3,23-38); và trong biến cố truyền tin cho thánh Giuse, sau khi tường thuật lời sứ thần nói với Giuse về Đức Giêsu, thánh Mát-thêu đã khẳng định tất cả những gì xảy ra là để ứng nghiệm lời của ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo “ Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,22-23). Mặt khác, Tin Mừng Nhất Lãm cũng cho thấy Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a nhưng không phải là một vị vua giải phóng dân tộc như dân Do thái mong đợi, mà là một vị Thiên Chúa đến để giải thoát muôn dân khỏi tội lỗi. Tin mừng Mác-cô cho thấy Đức Giêsu không các tông đồ cũng như muốn dân chúng hiểu lầm địa vị Mê-si-a của Ngài. Bằng chứng là Ngài đã cấm không cho quỷ nói ra danh ấy (Mc 1,34), Ngài cũng cấm các tông đồ loan báo về điều đó sau khi thánh Phêrô tuyên xưng đức tin (Mc 8,30) và sau khi Ngài biến đổi hình dạng (Mc 9,9). Như vậy Đức Giêsu đã từ chối ý nghĩa Đấng Mê-si-a mà người ta vẫn hiểu theo truyền thống do thái và muốn mặc khải địa vị Mê-si-a thực sự của Ngài. Địa vị ấy chỉ được tỏ lộ sau khi Đức Giêsu đã chu toàn nhiệm vụ của mình là dạy dỗ, chịu chết và sống lại vinh quang[6]. Thánh Lu-ca là người Hy-lạp, viết Tin mừng cho người Hy-lạp, nên ngài dùng tước hiệu Đấng Kitô. Khi dùng tước hiệu này cho Đức Giêsu, thánh Lu-ca không chỉ tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a mà còn muốn gợi ý rằng Đức Giêsu còn là đức Chúa đế vương và là Thiên Chúa nữa. Tư tưởng này đã được thánh nhân giải thích rõ ràng trong sách Công vụ Tông đồ “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô (Cv 2,36)[7]. 

Như vậy có thể nói, khi gán cho Đức Giêsu các danh xưng Con Người, Con Thiên Chúa, Đấng Mê-si-a hay Đấng Kitô, các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đồng thời cũng gán cho các danh xưng ấy tất cả những phẩm vị cao quý nhất của một vị Thiên Chúa và qua đó khẳng định thiên tính nơi Đức Giêsu. Đó cũng chính là đều mà các cộng đoàn của Tin Mừng Nhất Lãm đã tin, đang sống, đang trình bày và làm chứng. 

II. Hành động của Đức Giêsu trong Tin Mừng Nhất Lãm chứng tỏ thiên tính của Ngài 


1. Biến cố truyền tin 


Hai Tin mừng Mát-thêu và Lu-ca đều nhắc đến biến cố truyền tin, tuy có khác nhau (Mát-thêu : truyền tin cho thánh Giuse, Lu-ca : truyền tin cho Đức Ma-ri-a), nhưng đều khẳng định một điều quan trọng : Đức Giêsu thụ thai trong cung lòng Đức Ma-ri-a bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần chứ không phải theo cách thức của người phàm. Tin mừng Mát- thêu tường thuật việc truyền tin cho thánh Giuse một cách đơn giản, nhưng trong đoạn văn ngắn gọn ấy, đã nhắc lại hai lần việc Đức Ma-ri-a mang thai là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1,18.20), và sau đó còn cho rằng sự việc xảy ra là để ứng nghiệm lời sấm ngôn về Đấng Em-ma-nu-en ở Is 7,14[8]. Thánh Lu-ca tường thuật biến cố truyền tin cho Đức Ma-ri-a một cách sinh động hơn bằng một ngôn ngữ đầy tính biểu tượng : “ Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1,35). Trong Cựu ước, cách nói “rợp bóng” ám chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa đối với dân Người, một sự hiện diện hữu hiệu (Xh 40,35; Ds 9,18; 10,34); Trong giao ước cũ, thần khí đã thực hiện công trình sáng tạo và sinh sôi của Thiên Chúa (St 1,2; Tv 104,30) và thần khí ngự trên “mầm non” của gốc Gie-se (Is11,2). Cũng vậy, để thực hiện giao ước mới, Thánh Thần đã rợp bóng trên Đức Ma-ri-a và Đức Ma-ri-a được thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Thánh Lu-ca đã sử dụng ngôn ngữ Kinh thánh một cách tinh tế khác xa với ngôn ngữ của các trình thuật dân ngoại về sự sinh đẻ các thần minh, một ngôn ngữ nặc mùi tình dục[9]. 

Như vậy, qua các trình thuật về biến cố truyền tin, đã hoàn toàn loại bỏ sự cộng tác của người nam trong việc Đức Ma-ri-a thụ thai Đức Giêsu, và khẳng định sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa bởi quyền năng của Thánh Thần. Điều đó cho thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (như lời sứ thần nói ở Mt 1,35) theo nghĩa tự nhiên do bản tính và vì thế Ngài cũng được gọi là Đấng thánh, là Thiên Chúa. 

2. Trong tương quan với con người 


Trong Tin mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu trong tư cách là Con Người, đã tự trình bày mình như là đối tượng của một sự chọn lựa tuyệt đối, vô điều kiện chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Ngài đã không ngần ngại cho rằng mình trổi vượt cả và thế giới, khẳng định với các tông đồ cũng như với dân chúng rằng ai đón nhận Ngài thì sẽ được cứu, con ai từ chối ngài thì sẽ bị hư mất. Đức Giêsu cũng đòi hỏi người ta phải từ bỏ chính bản thân mình để đi theo Ngài (Mt 17,24-26). Ơ những nơi khác, Đức Giêsu còn đòi hỏi các môn đệ phải hiến dâng mạng sống vì Ngài (Mc 8,34-38), phải yêu mến Ngài hơn những người thân yêu nhất là cha mẹ, vợ con… (Mt 10,37; Mc 10,29-30), đòi hỏi người ta phải từ bỏ hết của cải để đi theo Ngài (Mc 10,21). 

Thật ra, theo truyền thống Đông Phương và Do thái, thì việc một người xuất gia, từ bỏ nghề nghiệp để tầm sư học đạo và trở thành môn sinh của một vị thầy nào đó và yêu mến thầy hơn cha mẹ cũng là chuyện bình thường (thời phong kiến Việt Nam, Trung Hoa có truyền thống Quân-Sư-Phụ). Nhưng, một khi Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ phải hiến dâng mạng sống và còn khẳng định rằng ai làm như thế thì sẽ có được sự sống đời đời thì không phải là những điều kiện mà một vị thầy phàm nhân có thể đòi hỏi, vì chỉ có Thiên Chúa là chủ của sự sống mới có quyền đòi hỏi người ta hiến mạng sống và có thể trao ban sự sống đời đời mà thôi. 


3. Trong tương quan với Chúa Cha 


Trong Tin mừng Nhất lãm, chúng ta thấy Đức Giêsu đã nhiều lần nói với các môn đệ về Cha của Ngài, và chính trong những hành động của Ngài, Đức Giêsu cũng tỏ rõ một mối tương quan mật thiết và độc đáo của Ngài với Chúa Cha. Đáng lưu ý nhất là những bản văn trong đó Đức Giêsu khi cầu nguyện đã thân thưa với Thiên Chúa bằng cách gọi người là Cha (Mt 11,25-26; 26,39-42; Mc 14,36; Lc 22,42; 23,34.46). Dường như hạn từ Đức Giêsu sử dụng luôn luôn là hạn từ Abba. Cách thức hành động này của Đức Giêsu là điều hết sức hoạ hiếm nơi cách cầu nguyện của người Do thái. Điều đó cho thấy Đức Giêsu không phải là một con người được tiền định để được tuyển chọn làm con Thiên Chúa, nhưng trọn vẹn hữu thể hiện thực của Ngài được gắn chặt vào với mối tương quan của Ngài với Chúa Cha một cách không thể tách rời. Trong mọi sự, Đức Giêsu bởi Chúa Cha mà có; và vì thế Ngài có một mối tương quan rất mực thân tình với Chúa Cha, mối tương quan mà không một ai khác có thể có được. Như vậy, khi Đức Giêsu thưa tiếng Abba với Chúa Cha đã thể hiện một mối thân tình, gần gũi với Thiên Chúa đến độ đẩy lùi tất cả những khoảng cách giữa thụ tạo và Đấng Tạo Hoá : duy mình Đức Giêsu mới có thể thân thưa như thế với Chúa Cha. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy Đức Giêsu khẳng định mối tương gia Cha – Con độc đáo và độc nhất của Ngài với Chúa Cha “ Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27). 

Không chỉ có Đức Giêsu nhận mình là Con độc nhất của Chúa Cha, mà Tin mừng Nhất Lãm còn cho thấy chính Chúa Cha cũng đã công khai xác nhận điều đó trong những khung cảnh hết sức trang nghiêm và long trọng : Đức Giêsu chịu phép rửa (Mc 1,11) và trong biến cố biến hình (Mc 9,7). Ơ đây Chúa Cha đã xác nhận Đức Giêsu là Con Rất Yêu Dấu của Người. Từ Hy-lạp agapêtôs có nghĩa là rất yếu dấu. Trong bộ LXX cũng như trong Hy-lạp cổ điển, từ này có nghĩa là “duy nhất”. Từ thế kỷ thứ chín trước công nguyên cho đến giáo phụ A-tha-na-xi-ô (thế kỷ 4 cn) lịch sử ngôn ngữ Hy-lạp biện minh rằng từ agapêtôs huiôs đã được dịch một cách chính xác là “ Người Con Một”. Gdehn cũng nói : “yêu dấu là duy nhất” (G.Dehn, BFBS, Tr.23)[10]. 

Như vậy khi trình bày Đức Giêsu là Con Một, Con Duy Nhất của Chúa Cha, Tin mừng Nhất Lãm đã minh nhiên khẳng định thiên tính của Đức Giêsu Kitô, Ngài là con tự nhiên của Chúa Cha theo bản tính và vì thế Ngài cũng là Thiên Chúa. 

4. Khẳng định quyền tha tội


Tin mừng Nhất Lãm tường thuật việc Đức Giêsu làm nhiều phép lạ để chứng tỏ quyền năng của Ngài. Không những thế, Đức Giêsu còn cho thấy Ngài nắm giữ một quyền năng đặc biệt chỉ dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi : Quyền tha tội. Chúng ta thấy rõ điều đó trình thuật của Tin mừng Mác-cô về sự việc Đức Giêsu chữa người bất toại (Mc 2,5-12). Đức Giêsu không nói với người bất toại bệnh con đã được khỏi, nhưng nói “ Này con, tội con đã được tha rồi”. Chính điều đó đã làm cho các kinh sư phẫn nộ và cho rằng Đức Giêsu phạm thượng “ông ta nói phạm thượng ! Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa ?”. Đức Giêsu không chối bỏ luận đề của các kinh sư, bởi vì điều đó hoàn toàn chính xác. Nhưng Đức Giêsu chứng minh rằng ngài hoàn toàn có quyền và có thể làm điều đó bằng cách làm một việc khó hơn. Quả vậy, việc cho người bất toại khỏi bệnh, vác chõng mà về thì khó hơn việc bảo anh ta “tội con đã được tha”. Bởi vì tội là cái gì thuộc luân lý, tinh thần, việc anh ta có được tha tội hay không, chẳng ai có thể chứng minh hay kiểm chứng được. Còn việc anh ta vác chõng ra về là điều mọi người có thể chứng kiến. Nếu Đức Giêsu nói anh ta vác chõng về nhà, mà anh ta vẫn cứ nằm lì ra đó, không thể dậy được thì hỏng hết ! Đức Giêsu đã chứng minh Ngài làm được điều khó hơn thì việc tha tội kia chỉ là chuyện nhỏ. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng đối với người Do thái, nguyên nhân của bệnh tật là tội lỗi; vì thế, được khỏi bệnh cũng đồng nghĩa với việc được tha tội[11]. 

Tuy trong Tin mừng Nhất Lãm không có chỗ nào cho thấy Đức Giêsu tuyên bố : Tôi tha tội cho… mà chỉ nói : tội con đã được tha. Tuy nhiên, trong những việc làm cụ thể Đức Giêsu đã chứng minh chính Ngài đã tha tội. Tha tội là đặc quyền của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu đã đảm nhận và thực thi quyền ấy, điều đó cho thấy thiên tính của Ngài. 

Kết luận


Tất cả những gì trình bày trên đây nhằm chứng minh thiên tính của Đức Giêsu theo những chứng cứ của Tin mừng Nhất Lãm, đó là những chứng cứ có nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng tất cả những điều ấy chưa thể diễn tả được hết những gì mà các thánh sử đã gửi gắm trong các trang Tin mừng. Bởi vì Tin mừng không bao giờ chỉ đơn giản là những trang tư liệu lịch sử hay khoa học để cho người ta có thể khảo sát. Chúng ta biết rằng mục đích của Tin mừng được viết ra là để cho người ta tin vào Đức Giêsu Kitô và nhờ đó mà được sự sống đời đời (Ga 20,31). Các thánh sử Nhất Lãm khi viết Tin mừng, trước hết từ chính niềm tin của các vị gắn liền với cảm thức đức tin sống động mà các cộng đoàn Giáo hội sơ khai đang sống và làm chứng. Cái mạch ngầm sâu thẳm ấy chắc chắn còn nói lên những chứng cứ có giá trị gấp ngàn lần những gì chúng ta có thể khảo sát trên mạch chữ. 

Học Kitô học, tìm hiểu về thiên tính của Đức Giêsu không phải để xem điều đó có thật hay không, có đáng tin hay không; nhưng chúng ta học điều mà chúng ta đã tin và đang sống qua từng giây, từng phút trong cuộc đời. Những kiến thức đức tin đã thấm sâu và biến đổi đời sống đức tin của tôi như thế nào ? Đó là điều mà mỗi sinh viên thần học phải luôn tự chất vấn chính mình. 
_________________

[1] Tanila Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu – Dẫn vào và chú giải, Mai Khôi, 2001, tr. 199 
[2] Fnando Ocáriz - Lucas F. Matheo Seco – Jose1Antonio Riestra, Mầu Nhiệm Đức Kitô, Roma 2000 (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Lâm Văn Sỹ, OP, TTHVĐM,2006, tr 57-58. 
[3] Xc Mt 2,15; 3,17; 4,3.6; 8,29; 14,33; 17,5; 26,63; 27,54; 
[4] Tanila Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu – Dẫn vào và chú giải, Mai Khôi, 2001, tr. 11tt 
[5] Tham khảo Fnando Ocáriz - Lucas F. Matheo Seco – Jose Antonio Riestra, Mầu Nhiệm Đức Kitô, Roma 2000 (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Lâm Văn Sỹ, OP, TTHVĐM,2006, tr. 55. 
[6] Tham khảo Tanila Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng theo Thánh Mác-cô – Dẫn vào và chú giải, Mai Khôi, 2005, tr. 41, 121, 134. 
[7] Tanila Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng theo Thánh Lu-ca – Dẫn vào và chú giải, Mai Khôi, 2005, tr. 33 
[8] Ý nghĩa sấm ngôn này đã đề cập đến ở phần I,3 khi nói về tước vị Đấng Mê-si-a 
[9] Tanila Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng theo Thánh Lu-ca – Dẫn vào và chú giải, Mai Khôi 2005, tr. 19. 
[10] Tanila Hoàng Đắc Ánh, Tin Mừng theo Thánh Mác-cô – Dẫn vào và chú giải, Mai Khôi, 2005, tr. 19-20. 
[11] Xc. Xh 9,1-12; Gs 8,4-7; Tv 38,2-6; Ed 18,20; Lc 13,2-4; Ga 5,14; 9,1-3.