Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TÂM NGUYỆN

(Thời sự Thần học, Số 5, tháng 8/1996, tr.28–32)

Kim Thao

Cầu nguyện với Kinh thánh, cách riêng qua cách thức Lectio divina, là một lối cầu nguyện đã có từ thời trung cổ, gồm các chặng: lectio, meditatio, oratio, và contemplatio (đọc sách thánh, nghiềm ngẫm điều đã đọc, cầu nguyện đối thoại, đáp lại lời Chúa, thưởng thức chiêm ngắm vẻ đẹp của Lời Chúa). Trong bài này xin nói về vấn đề các phương pháp tâm nguyện, một đề tài tranh luận của tu đức học trong những năm gần đây. Vấn đề (status quaestationis) có thể tóm gọn như sau.
Trước đây, nhiều sách tu đức đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải áp dụng một phương pháp để suy niệm. Một số phương pháp đã trình bày tỉ mỉ từng tác động phải theo trong mỗi lần suy niệm. Việc theo đuổi các phương pháp đó lắm lúc đưa tới chỗ gò bó, biến cuộc cầu nguyện thành phức tạp. Dường như để phản ứng lại, sau Công đồng Vatican II, nhiều người chủ trương loại bỏ hết tất cả các phương pháp, ngõ hầu cho việc cầu nguyện có tính tự phát và thoải mái, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Thậm chí có tác giả đã viết một bài có lời tựa khiêu khích như sau:

“Phương pháp để loại bỏ phương pháp khi cầu nguyện” (H. Smith, Method for eliminating method in pray. In Review for Leligious 29, 1970, 345-379). Ta có thể thấy rằng người ta phản ứng một thái cực bằng một thái cực đối nghịch: sau thời kỳ quá chú trọng tới phương pháp chi li, người ta muốn quét sạch các phương pháp. Một hậu quả khá tiêu cực là nhiều bạn trẻ, kể các tu sĩ, không bao giờ nghe ai nói về phương pháp cầu nguyện nữa; và rồi không thiếu lần họ phải chạy sang các tôn giáo khác để học cách cầu nguyện. Thiết tưởng, chủ trương trung dung, một đàng trình bày nhiều phương pháp khác nhau, để độc giả có dịp nhận định và chọn lựa con đường nào thích hợp với mình hơn cả; đàng khác, cần đặt vai trò của phương pháp cho đúng chỗ, nghĩa là nó chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh; tuy là phương tiện cần thiết cho những bước khởi đầu. Có thể ví như cái nạng cần phải dùng để tập đi; khi biết đi rồi thì không cần chống nạng nữa. Thế nhưng, cũng không cần phải hủy bỏ cả cái nạng. Còn có những người khác cần tới nó. Vì thế, chúng tôi sẽ trình bày những phương pháp tâm nguyện khác nhau đã xuất hiện trong lịch sử tu đức Ki-tô giáo. Đề tài này có thể hữu ích không những cho tập sinh các Dòng tu, nhưng còn cho những cuộc trao đổi với các tôn giáo khác nữa.

Trước khi vào đề, nên lưu ý là chúng ta chỉ xét tới các phương pháp của tâm nguyện, nghĩa là một hình thức cầu nguyện chứ không bao trùm toàn thể đời sống kinh nguyện Ki-tô giáo, mà trọng tâm là Phụng vụ bí tích. Tâm nguyện hướng cách riêng đến đối thoại thân tình âu yếm với Thiên Chúa. Nó là một hồng ân của Chúa, cùng với sự hợp tác của con người. Các nhà tu đức muốn giúp cho con người trong chặng đường tiến tới sự kết hiệp với Chúa qua những việc chuẩn bị các quan năng (tựa như trí tuệ. ý chí, tình cảm); cũng như những khung cảnh về thời gian, nơi chốn, hoặc những yếu tố khác giúp con người dễ cầm lòng cầm trí (từ những đề tài suy niệm, cho đến các thế của cơ thể, và sự thảnh thơi,.. ).

Chúng ta có thể nói là từ khi con người bắt đầu biết cầu nguyện, thì đã xuất hiện các phương pháp cầu nguyện. Ta hãy lấy thí dụ từ Phúc Âm. Chúa Giê-su đã dạy chúng ta không những là kinh Lạy Cha, mà còn dạy chúng ta những tâm tình phải có khi cầu nguyện nữa, tựa như khiêm tốn, kín đáo, tín thác nơi Cha, kiên nhẫn bền chí, biết làm hòa với tha nhân. Tuy nhiên, không phải hết tất cả các giáo huấn ấy được trình bày một cách hệ thống, thứ tự, lớp lang. thực vậy, trong Kinh thánh, cũng như trong các tác phẩm của các giáo phụ, ta thấy đầy đẫy những giáo huấn về sự cầu nguyện. Nhưng nếu muốn tìm thấy một tác phẩm trình bày tiến trình tâm nguyện một cách có hệ thống thì phải chờ tới thời cận đại. Nói cho đúng, từ lâu ta đã thấy có một vài nét sơ thảo về phương pháp cầu nguyện; thí dụ thánh Bernado đã chỉ cho ta bốn điểm cần suy xét (De consideratione 2.22): bạn hãy xét tới bản thân mình (bạn là ai, từ đâu tới và như thế nào); bạn hãy xét những gì ở dưới bạn, bạn hãy xét những gì ở quanh bạn; bạn hãy xét những gì ở trên bạn. Ngoài ra, thế kỉ 12, như ta đã biết, Guigo II viện phũ Chartreux đã mô tả bốn chặng trong lectio divina: lectio, meditatio, oratio, contemplatio (Scala clausrtralium). Tới thế kỉ 15, Gioan Wessel Gansfort (1419-1489) đã đặt nền móng cho các phương pháp tâm nguyện cận đại , khi chia làm ba cấp: 
Chuẩn bị đề tài suy niệm, bằng cách loại trừ những tư tưởng ngoài đề; 
Khai triển chủ đề đã chọn bằng cách vận dụng các quan năng nội tại nhằm hướng tới chân lý; 
Dâng lên Chúa những điều đốc lòng, những lời tạ ơn và phó thác. (Scala meritoria). 

Một người học trò tên là Gioan Mombaer (+1502) trong tác phẩm Vườn hoa hồng (Rosetum exercitiorum spiritualium et sanctarum meditationum) đã quảng diễn sườn phương pháp vừa kể thành cầu thang với 22 bậc. Với lối mô tả tỉ mỉ từng hành vi, thí dụ xung quanh việc chuẩn bị suy niệm có 3 hành vi (queastio, excussio, electio), 5 hành vi hướng tới ký ức (commememoratio,consideratio, attentio, explanatio, tractatio); rồi chính khi suy niệm, thì có 3 nấc thang mà lí trí phải trèo khi phán đoán (judicatio, causatio, ruminatio), còn ý chí thì phải leo tới 8 bậc để nài xin ơn thánh (gustatio, querela, optio, confessio, oratio, mentio, obsecrratio, confidentia); ba cấp cuối cùng để kết luận với việc dâng hiến tạ ơn (gratiarum actio, commendatio, permissio). Trước đó, tác giả đã ghi chú những những điều kiện tổng quát về tinh thần (thanh khiết, sốt sáng, khiêm nhường, thinh lặng, tĩnh mịch), về thời gian (tốt nhất là về ban đêm), về nơi chốn và tư thế.

Hơn kém, cũng vào thời điểm đó, ở Tây Ban Nha, cha Garcia Jimenez de Cisneros, dòng Biển Đức, (+1510) đã trình bày một phương pháp đơn giản hơn trong tác phẩm Ejercitatorio de la vida espiritual. Tác giả bàn tới những diều kiện tổng quát (thanh luyện con tim khỏi tội lỗi, chê bỏ khoái lạc, thanh tohat1 khỏi những ưu tư, khao khát nên trọn lành, thận trọng khôn ngoan trong các việc đạo đức); tiếp theo là những điều kiện cá biệt (về chủ đề suy niệm, các hoàn cảnh xung quanh). Kế đó, tác giả phân phối theo từng ngày những đề tài về tứ chung hay về cuộc đời Chúa Giê-su.

Dựa theo Cisneros, thánh Inhaxio Loyola (1491 – 1556), trong sách Exercitia spiritualia (tạm dịch: tập dụng thần công, hay linh thao), đã thảo ra 5 chiến lược đồ về tâm niệm. Chúng tôi sẽ trở lại những phương pháp của Ngài sau. Cũng tại Tây Ban Nha, một linh mục dòng Đaminh, cha Luis de Granada (1508-1588), đã dành một thiên trong sách Oracion yêu meditación để trình bày về lý thuyết của phương pháp tâm nguyện, chia thành 5 phần chính: chuẩn bị, đọc sách, suy niệm, tạ ơn, xin ơn. Thánh Phêrô Alcantara dòng Phanxicô (1499 - 1562) thêm vào phần thứ 6 nữa, đó là: dâng mình. Lược đồ của cha Granada được các cha dòng Carmelô bổ túc thêm, và phần nào trở thành phương pháp của dòng Carmelô.Sang thế kỷ XVII, chúng ta thấy xuất hiện bên Pháp những phương pháp của thánh Phanxicô de Sales, phương pháp Xuân bích, phương pháp của thánh Gioan Lasan. Qua thế kỷ XVIII, tại Italia, thánh Alfonso Maria de Liguori, dựa trên các phương pháp của thánh Teresa Avila và của thánh Phanxicô de Sales để vạch ra cho các tu sĩ nột phương pháp riêng.

Đó là vòng chân trời của những phương pháp dẫn vào chính dẫn vào tâm nguyện, trải qua lịch sử tu đức Ki-tô giáo. Trong những bài sắp tới, chúng ta sẽ phân tích những tác giả chính: Inhaxio Loyola, Luis de Granada và Carmelô, Phanxicô de Sales; Xuân bích, Lasan; Alfonso. Tiếp theo đó, chúng ta thử đúc kết những nét chung giữa các phương pháp cũng như những nhận xét thực hành.

Như trên đã nói, tâm nguyện chỉ là một phần chứ không phải là tất cả kinh nguyện Ki-tô giáo. Do đó, như chúng tôi đã có lần nhắc tới trong phần lịch sử cầu nguyện. Các phương pháp tâm nguyện ra đời vào lúc mà phụng vụ không còn được coi như nguồn mạch cầu nguyện nữa. Lý do, một phần cũng vì ít người hiểu được các bản văn phụng vụ bằng tiếng Latinh. Từ đó, nhiều người chỉ coi việc tâm nguyện mới là cầu nguyện thực sự, còn phụng vụ chỉ là những lễ nghi phải cử hành cho đúng chữ nghĩa. Ngoài ra, thiết tưởng một lý do khác nữa cũng đáng cho chúng ta để ý, dó là, các tu sĩ thời xưa và thời Trung cổ qua niệm rằng suốt cả ngày của họ là một cuộc cầu nguyện liên lỉ: ngoài 7 lần cầu nguyện ở coro, tất cả khung cảnh của đan viện, từ phòng riêng cho tới hành lang, đều thấm nhiễm không khí tĩnh mịch cầu nguyện. Có lẽ vì vậy mà họ không cần lo phải lo tập trung tư tưởng để cầu nguyện. Thế nhưng các dòng tu cận đại, phải lao mình vào các công tác mục vụ, bác ái xã hội, giữa những huyên náo của đời; vì vậy mà vấn đề dành ra một thời khắc vào việc tâm nguyện, tĩnh tâm, được đặt ra. Cũng trong hướng đó, người ta thấy thật là khẩn trương vấn đề làm sao giúp cho trí tuệ, ý chí được thanh thoát khỏi những ưu tư thế sự, để hoàn toàn dồn tâm trí vào việc hàn huyên với Chúa. Dĩ nhiên, điều nói về các tu sĩ hoạt động tông đồ cũng áp dụng cho các linh mục.