Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

TRIẾT HỌC VỚI ĐỨC TIN : NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ

Thời sự Thần học - Số 85, tháng 08/2019, tr. 91-108.

_Luis Augusto Campos Flórez_


Trong bài diễn văn khai mạc học kỳ I niên học 2015 của phân khoa triết thuộc Đại học thánh Bonaventura (Bogota, Colombia), tác giả nhìn lại tương quan giữa triết học với đức tin trải qua 5 chặng trong lịch sử Kitô giáo: 1/ Thời truyền giáo. 2/ Thời trung cổ. 3/ Thời cận đại. 4/ Thế kỷ XIX. 5/ Tình trạng hiện nay. 
Nguyên tác: Filosofia y Teologia: las lecciones de la historia in: Franciscanum, núm. 139, 2005, pp. 9-19 (Universidad de San Buenaventura, Bogotá, Colombia)
TRIẾT HỌC VỚI ĐỨC TIN : NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ


Dẫn nhập


“Đức tin và lý trí là như đôi cánh giúp trí tuệ con người vươn lên để chiêm niệm chân lý”. Đó là lời mở đầu của thông điệp Fides et ratio của Đức thánh cha Gioan Phaolô II. Nhưng không phải mọi người đều đồng ý như vậy, bởi vì như thánh Phaolô đã nói, cái sophia mà Thiên Chúa mặc khải nơi thập giá của Đức Kitô thì trái ngược với sophia của thế gian (1 Cr 1,27). Nietzsche có lý khi tuyên bố rằng Tin Mừng của Kitô giáo là một nghịch lý, bởi vì làm đảo lộn tất cả những lý luận tự nhiên[1].

Vấn đề tương quan giữa triết học với đức tin xem ra không được nhiều người chú ý. Trong các phân khoa triết học, người ta muốn bảo vệ quyền “tự trị” của mình, được tự do suy tư, chứ không muốn chịu sự chỉ đạo từ bên ngoài. Thêm vào đó, các phân khoa triết học muốn duy trì tính cách “trung lập”, không muốn liên kết với bất cứ tôn giáo nào hết.

Trước một tâm trạng như vậy, khi nêu lên vấn đề tương quan giữa triết học và đức tin, chúng ta nên chú ý hai điều: 1/ xác định rõ ý nghĩa của các từ ngữ, bởi vì các từ “triết học, triết lý, lý trí, lý tính”, cũng như “niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo”, và “chân lý” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau; 2/ vấn đề này không chỉ mang tính cách hàn lâm nhưng có ảnh hưởng đến cuộc sống. Trên thực tế, trong quá khứ, người ta thích lối tiếp cận bằng các đối chọi, chẳng hạn như giữa lý trí và đức tin, giữa truy tầm và mặc khải, giữa tự do và suy phục, giữa đa nguyên với chân lý. Lối tiếp cận này dẫn đến sự lựa chọn và loại trừ. Chúng tôi muốn theo hướng khác, đó là trình bày theo lối kịch tích qua những mô hình khác nhau trong lịch sử. Dĩ nhiên, vấn đề tương quan giữa triết học và đức tin đặt ra trong khung cảnh của xã hội Kitô giáo. Chúng tôi sẽ không bàn về mối tương quan ấy nơi các tôn giáo khác (ngoài Kitô giáo), hoặc trước khi Kitô giáo xuất hiện (tiền Kitô giáo).

Riêng đối với Kitô giáo, mối tương quan giữa triết học và đức tin đã trải qua 5 chặng nói được là bi đát như sau.
 

Chặng thứ nhất: Giai đoạn loan báo Tin Mừng


Ta có thể lấy kinh nghiệm của thánh Phaolô tại nghị viện Athena làm biến cố điển hình của giai đoạn này[2]. Kinh thánh trở nên một chứng tích cho những khó khăn liên miên gắn chặt với mối tương quan giữa triết học và đức tin. Khi loan báo sứ điệp Kitô giáo tại đây, thánh Phaolô đã để ý đến những tư tưởng triết học có ảnh hưởng đến thời đại, và ngài đã sử dụng những ngôn ngữ và luận cứ triết học để nói chuyện với người Hy Lạp. Thuật ngữ “dò dẫm tìm kiếm Thiên Chúa” (Cv 17,27) xem ra nhìn nhận giá trị của những trải nghiệm triết học như là khuynh hướng “tự nhiên” của con người tìm kiếm Thiên Chúa, cũng như việc nhìn nhận cho triết học vai trò thanh lọc khỏi những lệch lạc thờ ngẫu tượng trong lòng đạo đức bình dân[3]. Mặc dù cảm giác đầu tiên là giữa triết học và đức tin có sự hòa hợp, nhưng chẳng bao lâu, một sự xung khắc đã bùng lên khi đụng đến một điểm then chốt của Kitô giáo, đó là sứ điệp về sự phục sinh của Đức Kitô và giá trị cứu độ của tôn giáo mới, bởi vì triết học cũng gán cho mình một sứ mệnh cứu độ.

Kể từ đó, cuộc gặp gỡ giữa triết học và Kitô giáo vừa là một sự kiện không thể nào tránh né, vừa đưa đến những lập trường cương quyết, không mập mờ. Sự loan báo Tin Mừng cũng kèm theo một diễn từ thần học. Nói đúng ra, thánh Phaolô không tẩy chay hết mọi thứ “sophia” của nhân loại, nhưng chỉ lên án những tư tưởng tự mãn, không chịu mở ra cho “sophia” của thập giá[4]. Thế nhưng, trong lịch sử Kitô giáo, việc lên án triết học không phải là họa hiếm[5].
Chặng thứ hai: Thời Trung cổ

Vào thời này, không còn là sự loan báo Tin Mừng nhưng là chính thần học phải đương đầu với triết học cổ điển, đặc biệt là học thuyết Aristote, được giải thích bởi các học giả đạo Do Thái và Islam. Có một điểm gặp gỡ giữa các nhà tư tưởng này với các nhà thần học Kitô giáo: tất cả đều chia sẻ cùng một nhãn giới về vũ trụ cũng như về con người xét như là hữu thể hữu hạn do Thiên Chúa tạo thành. Vì thế sự suy tư then chốt của thời đại là sự cấu thành của hữu thể hữu hạn. Như thế triết học đã chiếm một chỗ đứng quan trọng, đặc biệt vào lúc thời buổi khai sinh các trường đại học. Quả vậy, vấn đề giải thích chính xác tư tưởng Aristote trở thành đầu đề cho các cuộc tranh luận triết học. Kế đến, sự tiếp xúc giữa thần học với triết học ngoại giáo đòi hỏi phải trình bày đức tin Công giáo theo các nguyên tắc biện luận phân minh.

Nên lưu ý là ngay từ thời Thượng Trung cổ, tại các đại học, các sinh viên bắt buộc phải học Artes (mà vết tích còn lưu lại nơi bằng cấp B.A., M.A.) trước khi ghi danh vào các khoa Thần, Y hoặc Luật[6]. Ở Paris, việc bó buộc phải tốt nghiệp Artes trở thành chương trình của đại học[7]. Qua thế kỷ XIII, ngành Artes trở thành khoa triết học, nơi giảng dạy môn luận lý, vật lý và siêu hình theo Aristote. Nó trở thành “phong cách Paris” (modus parisiensis), đề cao tầm quan trọng của triết học trong đào tạo đại học, do Dòng Đa Minh đề xướng trong thế kỷ XIII [8].

Đến đây cần phải nhắc đến thánh Tôma Aquinô như một đại biểu cho khuôn mẫu “hòa hợp”: triết học được coi như một yếu tố cấu thành của công tác thần học. Việc du nhập quaestio vào trường thần học tượng trưng cho việc đưa lý luận biện chứng do ảnh hưởng của Aristote, trong việc truy tầm chân lý.

Ngoài phương pháp nghiên cứu, thánh Tôma còn du nhập một nguyên tắc quan trọng xét về nội dung, đó là tìm hiểu “bản chất của sự vật” (natura rerum)[9]: cần phải khám phá ý nghĩa khách quan của sự vật (veritas rerum) nơi Thiên Chúa, chứ không phải ý kiến hoặc cảm nghĩ theo chủ quan. Theo thánh Tôma, thần học vận dụng triết học để trình bày cái “lý” (rationes). Nói cách khác, thần học đã du nhập “lý luận” vào mầu nhiệm đức tin, và điều này giả thiết sự áp dụng triết học.

Tình trạng hòa hợp giữa triết học và thần học đã bị lay chuyển do sự xuất hiện của thuyết duy danh: phân biệt hai thứ tri thức khác nhau, để rồi đi tới chỗ tách rời hai nhóm.
Chặng thứ ba: Triết học cận đại

Trong giai đoạn này, tiếp tục tiến trình tách biệt lý trí ra khỏi đức tin. Khái niệm về “chân lý” cũng biến đổi do sự rời bỏ nền tảng của tổng hợp theo thánh Toma, tức là tìm kiếm “lý lẽ” của sự vật[10]. Khái niệm “chân lý” được thay thế bằng khái niệm “chắc chắn”. Trước đây, người ta quan niệm rằng cái “thật” là cái nằm trong bản chất của nó; còn bây giờ, cái “thật” là cái gì không thể nào chối được.

Cuộc biến thái này xem ra gắn liền với sự ra đời của các khoa học thực nghiệm, một hiện tượng có liên hệ với sự phát triển mới mẻ của tư tưởng triết học, thậm chí ngay cả trong nội bộ của phân khoa triết học [11]. Các khoa học thực nghiệm không bận tâm với việc hiểu biết bản chất của sự vật cho bằng ấn định các “sự kiện” không thể nào nghi ngờ được. Bên cạnh lý luận triết học, nảy sinh nhiều mẫu lý luận khác (toán học, vật lý, kỹ thuật): các khoa học mới không quan tâm đến việc khám phá cứu cánh và ý nghĩa của cuộc đời, nhưng chỉ tìm hiểu “lý lẽ công cụ”, với mục tiêu thực dụng[12].

Ngoài sự xuất hiện những mẫu lý luận mới còn thêm nhiều nhân tố khác thuộc lãnh vực triết học đã đưa đến sự tách rời triết học ra khỏi thần học. Trước tiên là khúc ngoặt hướng về chủ thể, một đặc trưng của triết học hiện đại. Người ta ít quan tâm đến đối tượng cho bằng đến mối tương quan giữa chủ thể và đối tượng. Một khi các “đối tượng thật” được thay thế bằng “những sự kiện không thể nghi ngờ’, thì việc tìm kiếm nền tảng của sự vật nhường bước cho chủ thể dưới hình thức “ý nghĩa”. Thứ đến, người ta chứng kiến sự phát triển của khuynh hướng “phủ định” và phê phán trong lối tư duy, đi từ sự nghi ngờ của Descartes cho đến các “khoa học của hoài nghi” (tâm phân học, phê phán các ý thức hệ, phân tích ngôn ngữ), xuyên qua thuyết chủ nghiệm bên nước Anh và thuyết phê bình của Kant ấn định các giới hạn của lý trí. Ai cũng biết những triết học phê bình này thường tuyên bố sự thù nghịch đối với đức tin Kitô giáo nếu chưa muốn nói là muốn hất ra ngoài.

Tương quan khó khăn giữa triết học và thần học vào thời này thường được diễn tả qua mô hình “nhiễu xạ” (diffraction) và mô hình “hoàn tất triết học”. Trong mô hình thứ nhất, có hai nhân vật nổi bật. Một đàng là tư tưởng của Descartes, sự ly khai nghiêng về phía triết học, theo đó chỉ triết học mới thực sự là hoạt động của lý trí, còn thần học chỉ thuần túy là hoạt động của đức tin. Nhân vật nổi bật thứ hai trong sự ly khai giữa triết học và thần học là Luther. Được đào tạo trong truyền thống Ocham, Luther đề cao một thứ thần học của thượng quyền tuyệt đối của Thiên Chúa, và mọi sự phải suy phục sự tự quyết của Ngài. Thiên Chúa là Đấng toàn năng và tự do, đã quyết định từng hữu thể và ấn định bản chất cho nó. Nền tảng siêu hình của sự hiện hữu của mỗi vật là quyết định khôn dò của tình yêu Thiên Chúa. Trong viễn ảnh này, đường lối tiếp cận duy nhất là đức tin, tách rời khỏi lý trí. Do thái độ dè dặt đối với thuyết Aristote, Luther chủ trương rằng một nền thần học tốt cần phải dựa trên Kinh thánh, khác với thần học kinh viện. Theo ông, thần học phải sử dụng ngôn ngữ riêng của mình, tức là Thánh Kinh và Thánh Linh, chứ không phải là dựa theo triết học. Trong bối cảnh này, sự tách rời thần học khỏi triết học tất nhiên dẫn đến thái độ duy tín (fideismus).

Tiêu biểu cho mô hình “hoàn tất triết học” là Lessing. Đối lại với thánh Irênê tượng trưng cho mô hình “quy về Đức Kitô”, Lessing chủ trương rằng triết học là đỉnh cao của chân lý mà mọi tri thức đều phải hướng về: triết học nói cho thần học biết chân lý. Theo ông, chẳng có điều gì trong mặc khải mà con người không thể tìm thấy nhờ lý trí: triết học có khả năng chứa chấp tất cả những gì mà thần học ký thác. Giá trị của mặc khải nằm ở chỗ rút gọn cuộc tìm kiếm, cho phép biết được các chân lý cốt yếu một cách nhanh chóng hơn. Do đó, vai trò của thần học chỉ là nhập môn, và sự nhập môn đưa tới sự hoàn tất nơi triết học. Mặc khải là nữ tì của triết học.

Nên biết là mô hình này về mối tương quan giữa triết học và thần học cũng gặp thấy trong tư tưởng của Feuerbach. Theo ông, bí mật thâm sâu nhất của thần học là nhân học, và thần học đã múc lấy chân lý từ nhân học.
 

Chặng thứ bốn: Cuộc kìm hãm trong thế kỷ XIX


Lý luận của khoa học thực nghiệm đã chiếm đóng tất cả tòa nhà tư tưởng. Lý luận triết học tìm cách len lỏi vào qua ngõ các khoa học nhân văn: triết học được “lịch sử hóa” và trở thành môn lịch sử triết học. Phân khoa triết học mang tên mới, là “khoa học nhân văn”. Vào thời Trung cổ, triết học là tiêu chuẩn đào tạo của người trí thức, nhưng thời nay, triết học không còn giữ vị trí đó nữa; tại các đại học, sinh viên được đào tạo theo “phương pháp khoa học”, mang tính thực dụng, chứ không đếm xỉa đến việc nghiên cứu thuần túy.

Việc giảng dạy triết học tại các chủng viện và học viện của Giáo hội không đi theo hướng phát triển của ngành này tại các đại học ngoài đời[13].Trong việc giảng dạy triết học, người ta quay về với triết học kinh viện Trung cổ, dành cho học thuyết thánh Tôma Aquinô nhiều chỗ hơn là cho các kiến thức mới (tựa như lịch sử, ngôn ngữ, nghệ thuật, tôn giáo, triết học hiện đại).

Huấn quyền chú ý đến các luồng triết học cận đại trái nghịch với đạo lý Công giáo, qua những biện pháp cảnh cáo, chế tài đối với những người muốn đối thoại với các tư tưởng mới mẻ nhưng rồi lại rơi vào các sai lầm của họ. Nói cách khác, Giáo hội Công giáo có thái độ phòng thủ, hơn là khuyến khích cuộc đối thoại giữa lý trí và đức tin.

Trong bối cảnh này, cần nhắc đến hai văn kiện mang tính cách đối thoại. Thứ nhất là hiến chế tín lý Dei Filius của Công đồng Vaticanô I, một hiến chương định hướng mối tương quan giữa đức tin và lý trí. Chống lại những trào lưu muốn thay thế hoặc loại bỏ đức tin, Công đồng nhắc lại luận đề về hai nguồn gốc hiểu biết: lý trí và mặc khải; giữa hai bên không thể nào có sự tương phản, bởi vì cùng phát xuất từ một nguyên ủy là Thiên Chúa. Thiên Chúa không thể nào tự mâu thuẫn. Thứ hai, trong ước muốn khuyến khích cuộc gặp gỡ giữa triết học và thần học, cũng như tìm kiếm sự hợp tác giữa lý trí và đức tin, Đức thánh cha Lêo XIII, qua thông điệp Aeterni Patris, mời gọi hãy phát triển một triết học tốt và lành mạnh, chẳng hạn như triết học do thánh Tôma đề ra. Thông điệp đã gây ra một phong trào học hỏi triết học trung cổ trong khung cảnh lịch sử của nó và tìm cách áp dụng cho thời nay.

Chặng thứ năm: Tình hình hiện tại


Xem ra càng ngày lập luận của khoa học càng thắng thế, và triết học bị đẩy lui. Việc đào tạo chỉ còn dựa trên nền tảng khoa học, đặc biệt là khoa học nhân văn. Trong bối cảnh này, triết học chỉ còn vai trò khiêm tốn là cung cấp một vốn “văn hóa tổng quát”, trước khi đi vào các ngành “khoa học” khác (kể cả thần học). Tuy nhiên, không thể nào có sự đào tạo đích thực nếu thiếu sự huấn luyện về phê bình và phân định. Vì thế, thật là một ảo tưởng khi cho rằng có thể thủ đắc một nền “văn hóa” mà thiếu óc “phê bình”, tức là “triết học”. Mặt khác, kiến thức khoa học cần được lồng trong một tổng thể tư tưởng rộng lớn hơn, đòi hỏi một kiểu lý luận khác, và đó chính là triết học. Nói cách khác, để việc đào tạo không rút gọn thành việc học thuộc lòng các ý kiến của người khác, cần có sự phê bình và hội nhập; chính đây là vai trò của triết học.

Truyền thống Kitô giáo đã vạch ra nhiều lý do để đòi hỏi phải học triết học trước khi bắt đầu học thần học. Thứ nhất, vì cần phải có một số khái niệm và thậm chí vài tư tưởng để có thể hiểu nội dung của đức tin. Thứ hai, vì cần phải tìm hiểu lý lẽ của sự vật, là một nhu cầu của con người. Thứ ba, cần chuẩn bị cho các linh mục tương lai biết “đối thoại” với con người thời đại.

Thiết tưởng có thể thêm hai đòi hỏi về phía triết học. Thứ nhất, cần phải phát triển một triết học về “ý nghĩa” trong khi loan báo “sự kiện” của đức tin Kitô giáo. Dĩ nhiên là ta có thể loan báo Tin Mừng như một sự kiện lịch sử, mà chẳng cần vạch ra giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống con người. Một cách tương tự như vậy, ta có thể trình bày một thứ triết học về ý nghĩa cuộc đời mà chẳng có sự kiện nào minh họa. Tuy nhiên, thời nay, cần có sự hợp tác giữa thần học và triết học để thông đạt sự hiểu biết về “sự kiện” và giải thích “ý nghĩa” của nó đối với cuộc sống. Triết học cần suy tư về những khát vọng của nhân loại để giúp cho thần học trình bày đức tin như là sự đáp ứng các nỗi khát vọng ấy. Điều này không chỉ nhắm đến việc giải thích lịch sử, nhưng là hướng đến một lịch sử mới mẻ, siêu việt, tức là “ý nghĩa tối hậu” của mọi sự. Trong công tác kết hợp “sự kiện” và “ý nghĩa”, Paul Ricoeur đã cảnh giác chúng ta rằng cần phải tránh thuyết “hiện sinh của sự khốn cùng”, trong đó triết học chỉ đưa ra các câu hỏi, và thần học tìm cách trả lời một cách dễ dàng. Theo Ricoeur, “triết học của sự khốn cùng sẽ là sự khốn cùng của triết học”.

Đòi hỏi thứ hai liên quan đến nhiệm vụ của triết học là suy tư về khả năng của con người lắng nghe Lời Chúa, khả năng này được thực hiện trong lịch sử. Paul Ricoeur tuy thuộc giáo hội Cải cách[14], cho rằng nhiệm vụ của triết học không phải là biện minh cho Lời Chúa, nhưng là vạch cho thấy những cơ cấu trong cảm nghiệm của con người giúp cho việc đón nhận Lời Chúa. Theo truyền thống của Luther, ông không nhìn nhận vai trò của triết học trong việc công tác thần học. Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu bắt trí tuệ phải nhắm mắt chấp nhận quyền bính mà không có phần suy tư. Không phải, chủ thể có khả năng nhận ra chân lý. Nhưng đó chính là công tác của triết học.

Để kết luận chúng ta có thể đọc lại thông điệp Fides et Ratio, trong đó Đức thánh cha Gioan Phaolô II một sự tương tác giữa Triết học và Thần học[15]. Xem ra văn kiện cảnh giác nguy cơ triết học chịu khuất phục trước lý luận của khoa học, hoặc chỉ dừng lại ở những suy tư mang tính địa phương chứ không dám vươn lên các giá trị phổ quát. Vì thế thông điệp kêu gọi đức tin hãy mạnh dạn tuyên xưng, đồng thời lý trí cũng hãy can đảm lên cao[16], đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, đức tin cần thôi thúc lý trí hãy đi ra khỏi sự khép nép, và mạnh dạn tìm kiếm điều gì là đẹp, là tốt, là chân thật[17].

Phụ lục. Tương quan giữa triết học và đức tin theo Thông điệp Fides et ratio


Trong bài thuyết trình trên đây, tác giả phân tích tương quan giữa triết học và đức tin trải qua 5 giai đoạn của lịch sử Kitô giáo. Trong thông điệp Fides et ratio, Đức thánh cha Gioan Phaolô II áp dụng một lối tiếp cận khác, phân chia thành ba “tình trạng” (status) của triết học khi đối chiếu với đức tin: 1/ triết học trước khi có đức tin; 2/ triết học chịu ảnh hưởng bởi đức tin; 3/ triết học được sử dụng trong thần học để hiểu biết đức tin.

1/ Trong tình trạng thứ nhất, thông điệp nhìn nhận rằng có thể có triết học đích thực ở ngoài đức tin. Nếu áp dụng nghiêm túc các tiêu chuẩn của lý trí, người ta có thể đạt được những kết luận chân thực và chắc chắn (số 75)[18]. Lời tuyên bố này tôn trọng lịch sử, chẳng hạn như khi hai ông Platon và Aristote, mặc dù không nhận được mặc khải của Cựu Ước và Tân Ước, vẫn được liệt vào hàng những triết gia nổi tiếng nhất trong lịch sử. Họ đã phi bác những sai lầm tựa như thuyết duy vật, duy tương đối; họ đã cho thấy khả năng của lý trí trong việc phân định trật tự; họ đã thiết lập những nguyên tắc chắc chắn cho việc suy tư, chẳng hạn các nguyên tắc bất mâu thuẫn, lý do đầy đủ, các nguyên nhân sự vật. Dù sao, cũng nên biết rằng vào thời cổ, philosophia theo nguyên nghĩa là tìm kiếm sự khôn ngoan. Lý trí không khép kín trong chính mình, nhưng luôn vươn lên đến lý lẽ cuối cùng của sự vật. Mặt khác việc tìm kiếm chân lý luôn đi kèm theo lòng khao khát và yêu mến (số 42). Thái độ này dễ đưa con người đến Thiên Chúa. Nói đúng ra, chính Thiên Chúa đã gieo lòng khao khát ấy trong trái tim con người (số 29).

2/ Tình trạng thứ hai xảy ra sau khi đã có mặc khải và được chấp nhận bằng đức tin. Mặc khải Kitô giáo có thể đóng góp rất lớn cho triết học, như lịch sử đã cho thấy nơi các nhà tư tưởng lừng danh như thánh Tôma. Thông điệp chấp nhận rằng “triết học Kitô giáo” là điều có thực (số 76). Thuật ngữ này ám chỉ cách thức suy tư triết học được kết hợp với đức tin. Chúng ta phải nhận rằng đức tin đã giúp cho suy tư triết học tiến triển rất nhiều, nếu so sánh với tình trạng không được Lời Chúa thôi thúc. Triết học Kitô giáo cũng chỉ giới hạn vào thời Trung đại. Thuật ngữ này cũng có thể áp dụng cho các giáo phụ Cappađôxia (Basiliô, Grêgôriô Nyssa, Grêgôriô Nazianzô, Augustinô) cũng như các nhà tư tưởng Kitô giáo vào thời cận đại. Ta không thể hiểu được Locke, Malebranche nếu không quy chiếu về đức tin Kitô giáo của họ.

Mặt khác, thông điệp cũng cảnh báo rằng thuật ngữ “triết học Kitô giáo” có thể bị hiểu lầm như là Giáo hội có một triết học chính thức. Có lẽ vào thời đức giáo hoàng Lêô XIII người ta đã hiểu như thế về học thuyết thánh Tôma, tượng trưng cho sự thành tựu tuyệt với nhất đối với đòi hỏi của đức tin (số 57). Tuy vậy, điều này không ngăn cản sự phát triển của những học thuyết triết học khác, miễn là cùng chia sẻ vài nguyên tắc siêu hình căn bản của thánh Tôma (chẳng hạn như khả năng của lý trí có thể biết chân lý và Thiên Chúa) cũng như lòng say mê tìm kiếm chân lý khách quan và trân trọng chân lý mặc khải tuy vẫn bảo vệ sự tự lập của đức tin (số 78). Vị thánh này cũng có thái độ cởi mở đối thoại với các triết gia A-rập và Do Thái đương thời (số 43-44). Thông điệp nói đến nhiều khuôn mặt triết gia Kitô giáo: Anselmô. Bônaventrua, Tôma, Henry Newman, Antôniô Rosmini, Vladimir Sloviev, Vladirmir Lossky (số 74) tuy không phải tất cả đều được xếp vào những người theo học thuyết Toma.

Bàn về ảnh hưởng của đức tin đối với triết học Kitô giáo, thông điệp nêu bật hai điều.

- Thứ nhất, ảnh hưởng đối với chủ thể suy tư. Đức tin thanh luyện đức tin xét dưới hai khía cạnh. Một đàng nó chữa lành tính kiêu căng mà con người rất dễ mắc. Đàng khác, nó tăng gia lòng can đảm khi phải đối diện với những câu hỏi khó khăn (chẳng hạn về sự dữ, đau khổ) mà lý trí dễ thúc thủ nếu không được ánh sáng đức tin soi dẫn.

- Thứ hai, đức tin ảnh hưởng đối với triết học xét dưới khía cạnh nội dung đối tượng. Mặc khải mở ra cho lý trí biết nhiều chân lý mà tự sức nó khó khám phá, chẳng hạn như vấn đề tạo dựng như là hành động tự do của Thiên Chúa, tội lỗi như là sự xúc phạm đến Thiên Chúa; các chân lý về phẩm giá, tự do của con người; ý nghĩa của lịch sử.

Ảnh hưởng giữa đức tin và triết học mang tính hỗ tương: thần học cần đến triết học và triết học cần đến thần học. Thần học cần đến triết học để hiểu biết những quy tắc nhân bản liên quan đến việc tìm kiếm chân lý. Đối lại, thần học thúc đẩy triết học hãy can đảm tiến đến những chân trời mới, và báo động về những lệch lạc có thể xảy ra (số 73).

3/ Tình trạng thứ ba là thuộc về thần học: thần học dùng lý trí để tìm hiểu các chân lý mặc khải (những chân lý vượt quá tầm hiểu biết của lý trí). Bởi vì mặc khải phát xuất từ Logos của Thiên Chúa, cho nên mở đường cho sự hiểu biết. Nhờ triết học, thần học có thể suy tư phần nào các mầu nhiệm đức tin, tựa như những sự phát xuất nơi Thiên Chúa Tam vị, sự kết hợp các bản tính nơi Đức Giesu Kitô, các khái niệm về tội lỗi và đền tội trong thần học luân lý (x. số 66). Trong lịch sử, vai trò của triết học được gọi là “nữ tì của thần học” (ancilla theologiae), nhưng thuật ngữ này có thể gây hiểu lầm. Triết học không phải là nữ tì hoàn toàn để cho bà chủ thần học sai khiến (số 77). Không phải thế; triết học có những nguyên tắc làm việc riêng của mình, và thần học có sử dụng nó vào công tác của mình. Một trong những thành quả của việc sử dụng triết học là tìm được một ngôn ngữ mang giá trị phổ quát, thích hợp cho mọi nơi mọi thời (số 49).

Thực ra, thông điệp Fides et ratio chỉ khai triển thêm điều mà Công đồng Vaticanô I đã nói, đó là mặc dù lý trí và đức tin là hai nguồn khác nhau để nhận biết chân lý, nhưng giữa đôi bên không thể nào có sự mâu thuẫn (x. số 9). Mặc dù lý trí không thể chứng minh các mầu nhiệm đức tin, nhưng nó không hoàn toàn đứng bên ngoài. Một cách tiêu cực, lý trí có thể trả lời cho những vấn nạn cho rằng mầu nhiệm là phi lý. Một cách tích cực, lý trí dùng đường hướng loại suy (analogia) để cho thấy mối tương quan giữa tự nhiên và siêu nhiên, sự hài hòa giữa các chân lý, sự tương ứng với những khát vọng của con người.

Ba tình trạng vừa kể không chỉ tương ứng với ba giai đoạn lịch sử (trước hoặc sau kỷ nguyên Đức Kitô, trước hoặc sau Tân Ước), nhưng cũng có thể áp dụng cho triết học thuộc mọi thời đại, hay nói đúng hơn, cho các triết gia thuộc mọi thời.

1/ Tình trạng thứ nhất ám chỉ những triết gia (hoặc các nhà trí thức) không phải là Kitô hữu. Dù thuộc bất kỳ tôn giáo nào đi nữa, họ được mời gọi hãy tìm đến chân lý toàn diện về hữu thể, về vũ trụ, về con người, và vươn lên đến Chân Thiện Mỹ.

2/ Tình trạng thứ hai áp dụng cho các Kitô hữu nghiên cứu triết học. Phải chăng vì là Kitô hữu cho nên kết quả nghiên cứu của họ phải được xem là “triết học Kitô giáo”? Câu trả lời này không đơn giản.

- Trong lịch sử triết học Tây phương từ sau Công nguyên, có thể nói được là tất cả các triết gia đều là Kitô hữu (kể cả Hegel, Karl Marx), nhưng không thể nói được là tất cả đều góp phần vào việc xây dựng triết học Kitô giáo.

- Trong cuộc tranh luận bên Pháp vào thập niên 30 của thế kỷ trước, có những người chủ trương rằng đức tin không ảnh hưởng gì đến công tác triết học. Theo họ, bản chất của triết học là tự do suy tư, không chịu một giới hạn nào hết. Nếu một triết gia để cho đức tin chi phối công tác của mình, thì có nguy cơ rơi vào tình trạng của những triết gia bị điều khiển bởi ý thức hệ. Mặc dù thông điệp không ngừng nhắc nhở rằng giữa đức tin và lý trí không thể nào có tương phản, nhưng không thể chối được rằng không thiểu những điểm “nghịch lý” (paradox) trong mầu nhiệm thập giá Đức Kitô. Đây là điểm thường được nêu bật trong thần học của Luther.

3/ Tình trạng thứ ba áp dụng cho các nhà thần học. Trước đây, tại các chủng viện, các linh mục tương lai buộc phải học triết học kinh viện. Nhưng ngày nay, có người đòi hỏi phải chấp nhận tính đa nguyên thần học; và điều này giả thiết tính đa nguyên trong triết học Kitô giáo. Có thể chấp nhận tính đa nguyên đến mức độ nào? Alan Vincelette sẽ cố gắng trả lời câu hỏi trong bài viết thứ 5 của số báo này



Chú thích

[1] NIETZSCHE, Federico. Más allá del bien y del mal, III, Alianza, 1985, p. 73.

[2] X. Cv 17, 18-19.

[3] Chúng ta có thể đọc vài luận đề của phái Stoa (Khắc kỷ) theo chiều hướng này.

[4] X. Cl 2, 8; 1Cr 1,18-25.

[5] Chẳng hạn như Tertullianô, Blaise Pascal, Karl Barth. Một trong những vấn đề gây tranh cãi và đưa đến những lập trường loại trừ dứt khoát là tương quan giữa đức tin Kitô giáo và tư tưởng Hy Lạp. Trong bối cảnh này, một bên cần phải nhắc đến lập trường của Harnack về “việc Hy Lạp hóa Kitô giáo”, theo đó đức tin đã mất đi tính đơn sơ của Tin Mừng, và “đạo tại tâm” đã nhường chỗ cho một tôn giáo của nghi thức và đạo lý, một tổ chức với cơ chế và đạo lý. Bên kia là lập trường đối nghịch của thánh Irênê về “Kitô hóa tư tưởng Hy Lạp”, đề cao quyết tâm truyền giáo của các giáo phụ. Thật vậy, thánh nhân tượng trưng cho khuynh hướng “quy tụ vạn vật về với Đức Kitô” (x. Ep 1,9-10). Kế hoạch này muốn tổ chức tất cả (nhân loại, vũ trụ, lịch sử) chung quanh một đầu mối là Đức Kitô. Tư tưởng của Irênê sẽ được phát triển nơi Giustinô (với luận đề “mọi chân lý đều thuộc về Đức Kitô”), Clêmentê Alexandria (triết học mở đường cho Đức Kitô), Origène, Augustinô (chỉ nơi Đức Kitô mới có triết học đích thực).

[6] d'IRSAY, Stephen. Histoire des Universités françaises et étrangères des origines à nos jours, (Paris 1933-1935) I, p. 99: Cfr. HENRICI, Peter. La Philosophie dans l'enseignement théologique, in : Gregorianum 50, 3-4, 1969, 780.

[7] Từ thời Trung cổ cho đến thế kỷ XVIII, học triết có nghĩa là trang bị một nền văn hóa tổng quát trước khi bước vào các chuyên ngành khác của đại học.

[8] Tục lệ này được Dòng Tên xác nhận và phổ biến, ba thế kỷ sau đó. Trong các nước Latinh, việc giảng dạy ngành Artes (triết học) được đưa vào các “Collegium”. Trong các nước tiếng Đức, khoa triết học phải cung cấp một kiến thức văn hóa tổng quát, chuẩn bị cho việc học chuyên ngành (cho đến thế kỷ XVIII). Các tu sĩ Dòng Tên phải học Summa Theologica của thánh Tôma, sách Disputationes metaphysicae của Francisco Suárez (một khảo luận siêu hình học hệ thống). Ratio Studiorum đòi hỏi ba năm triết học.

[9] Thánh Tôma đã học từ Aristote rằng các sự vật có một “bản chất” (natura) mà lý trí (ratio) có thể khám phá. Thần học cần tìm ra trật tự của các hình thái, các lý lẽ mà Thiên Chúa đã đặt ở trong các sự vật và trong các mầu nhiệm cứu độ. CONGAR, Yves, article Theologie D.Th.C. XV, col. 389: Cfr. HENRICI, Peter. La Philosophie dans l'enseignement théologique, in: Gregorianum 50, 3-4, 1969, 789.

[10] THOMÁS AQ. In Cael., 1, 22 (núm. 228): Cfr. HENRICI, Peter. La Philosophie dans l'enseignement théologique, in: Gregorianum 50, 3-4, 1969, 789.

[11] Sự kiện này được giải thích theo hai chiều đối nghịch: có người cho rằng tinh thần khoa học đã phát sinh ra một triết học mới; ngược lại, có người cho rằng triết học mới đã phát sinh ra khoa học. Riêng đối với các khoa học lịch sử và nhân văn (thế kỷ XIX và XX), chúng không phát sinh trực tiếp từ triết học; ngược lại, triết học bắt đầu chú ý đến những đối tượng mới, từ đó nảy sinh các triết học ở thể thuộc cách (genitif): triết học lịch sử, triết học luật pháp, triết học tôn giáo, triết học nghệ thuật, triết học ngôn ngữ.

[12] Các lập luận của khoa học thực nghiệm tự nó không đối lập với đức tin (thần học) hoặc triết học. Tiến trình loại trừ đức tin (và triết học) ra khỏi khoa học thực nghiệm bắt nguồn từ những yếu tố bên ngoài chứ không do chính bản chất của các khoa học này.

[13] Nên biết là trong Giáo hội, người ta vẫn tiếp tục giảng dạy triết học kinh viện, chứ không quan tâm đến những luồng phê bình đang diễn ra bên ngoài. Đối với việc đào tạo các linh mục, Công đồng Trentô không quan tâm mấy đến việc huấn luyện triết học, bởi các chủng viện mới thành lập nhằm đào tạo các linh mục mang tính “mục vụ” nghĩa là thực hành. Chỉ có Ratio studiorum của dòng Tên phải quan tâm đến sự đào tạo “khoa học”, nghĩa là lưu tâm đến các khoa học thực nghiệm, triết học tự nhiên, tâm lý học cũng như những triết thuyết cận đại (của Descartes và de Wolf). Tình hình thay đổi với sự xuất hiện của ngành sử học. Vào đầu thế kỷ XIX, vài nhà thần học bên Đức đã lưu tâm đến triết học cận đại, và muốn cho thần học đặt nền tảng không phải là trên những suy tư, nhưng là trên sự phê bình lịch sử và ngữ học. Theo chiều hướng này, nền tảng đích thực của thần học là các môn Kinh thánh chứ không phải là triết học. Thật vậy, con người thời nay dễ nắm bắt các chân lý mặc khải bằng lối tiếp cận của các khoa học nhân văn hơn là nhờ môn siêu hình học.

[14] RICOEUR, Paul. «Herméneutique de l'idée de la révélation» in, RICOEUR, Paul - LEVINAS, Emmanuel. La Révélation, Bruxelles, Publications des Facultés Universitaires Saint-Louis, 1984, 2e édition, p. 36.

[15] ĐTC Gioan Phaolô II, Fides et Ratio, 73.

[16] Ibidem, 48.

[17] Ibidem, 56.

[18] Điều này trái ngược quan điểm của vài giáo phụ (kể cả thánh Augustinô) cho rằng chỉ trong Kitô giáo mới có “chân lý” và triết học chân thật.