Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

CÁC CỘNG ĐỒNG ISLAM Ở ĐÔNG NAM Á

Thời sự Thần học - Số 24, tháng 6/2001, tr. 121-131.

_Châu Trần_


I. Islam du nhập vào Đông Nam Á


Ngay từ trước Công nguyên Đông Nam Á, do vị trí địa lý thuận lợi của mình đã có những mối liên hệ với các nền văn minh lớn ở lục địa như Trung Hoa và Ấn Độ, chủ yếu là Ấn Độ. Từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên đã có những thương gia Ấn Độ đến lập nghiệp ở các đảo thuộc Indonesia ngày nay, và cùng với họ là Ấn giáo và văn hóa Ấn bắt đầu xâm nhập vào đời sống của các dân tộc Đông Nam Á. Trong những thế kỷ đầu Công nguyên, trên các bán đảo và quần đảo ở Đông Nam Á đã xuất hiện nhiều vương quốc theo Ấn giáo với cách tổ chức hành chính theo kiểu Ấn Độ, áp dụng nền mỹ nghệ và tập quán Ấn Độ cùng với chữ Phạn.

Sau Ấn giáo, Phật giáo cũng được phổ biến rộng rãi ở Đông Nam Á, Srivijaya từng là trung tâm truyền bá Phật giáo vào thế kỷ thứ I sau Công nguyên. Rồi đến Balamon giáo được du nhập vào.

Tóm lại, trước khi Islam đến thì Ấn giáo và Phật giáo đã bắt rễ sâu vào trong các xã hội Đông Nam Á và đặc biệt là các tôn giáo này phát triển trên nền và song song với các tập quán và tín ngưỡng bản địa.

Từ thế kỷ thứ VII, cùng lúc với sự hình thành các nhà nước Islam Arab, người Arab đã đến buôn bán ở Đông Nam Á. Ngay từ thế kỷ thứ VII-VIII đã thấy xuất hiện những điểm dân cư thương nghiệp đầu tiên của người Arab trong khu vực, dọc theo các con đường biển nhộn nhịp nối liền vùng Viễn Đông và Nam Á với bán đảo Arab. Nhưng vai trò của người Arab trong việc truyền bá Islam ở Đông Nam Á rất hạn chế. Phải đợi thế kỷ XIII, khi Islam giữ địa vị quan trọng ở Ấn Độ thì nó mới bắt đầu bành trướng mạnh ở khu vực này thông qua các thương gia người Ấn Độ, những người đến lập nghiệp ở đây. Chính điều này đã tạo nên điểm khác biệt của Islam Đông Nam Á so với Islam chính gốc Arab, đó là sự pha trộn của các yếu tố tín ngưỡng bản địa cũng như các yếu tố có nguồn gốc Ấn Độ, Ba Tư và các yếu tố khác. Thời kỳ các cộng đồng Islam phát triển mạnh ở Đông Nam Á, cũng đồng thời diễn ra những sự kiện trọng đại trong lịch sử khu vực: Sự suy yếu của những quốc gia lớn như Chămpa (thế kỷ XV), Malacca, Madjapahid (thế kỷ XVI), cũng như sự xuất hiện của các thế lực thực dân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và Pháp.

Dân cư vùng ven biển bán đảo Malacca và Bắc Sumatra có lẽ là những người chịu ảnh hưởng của Islam sớm nhất ở Đông Nam Á. Từ năm 1250, đã thấy xuất hiện ở Bắc Sumatra những vương quốc Islam nhỏ. Nhưng mãi đến cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV, khi Malacca nổi lên như một trung tâm thương mại lớn và tiểu vương Malacca theo Islam thì đạo Islam mới thực sự được truyền bá rộng rãi ở Đông Nam Á.

Thủ lĩnh đầu tiên của Malacca - Parameswara, là người theo Ấn Độ giáo. Năm 1414, Parameswara lấy con gái của thủ lĩnh vương quốc Islam Pasey (Bắc Sumatra) và chuyển sang theo Islam với tên gọi là Iskandar Shah. Tuy vậy, ông ta không có biện pháp gì để phát triển Islam ở Malacca. Người kế vị ông là Sri Maharaja (1424-1444) theo Ấn Độ giáo và tôn giáo chính thức của Malacca vẫn là Ấn giáo, mặc dù thời kỳ này ở Malacca đã hình thành một tầng lớp tín đồ Islam tương đối đông đảo và có uy tín. Chỉ đến thời Mudzafar Shah, con trai của Sri Maharaja với một phụ nữ gốc Ấn theo Islam, thì địa vị của Islam mới thực sự được xác lập ở Malacca. Dưới thời cai trị của ông này (1445-1458) Islam được coi là tôn giáo chính thức. Cuối thế kỷ XV, Malacca trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á, đủ sức đương đầu với Xiêm-la (nay là Thái Lan), đất đai của vương quốc bao gồm phần lớn các tỉnh của Liên bang Malaysia sau này và một phần bán đảo Sumatra. Thành phố Malacca thành điểm trung chuyển lớn nhất ở phương Đông lúc đó, tàu bè ra vào tấp nập thu hút ngày càng nhiều các thương nhân Islam. Đặc biệt quan trọng là mối giao thương của Malacca với Gujerat (Ấn Độ). Chính các thương gia người Ấn từ Gujerat đã đóng vai trò quan trọng trong công việc IsLam hóa Malacca.

Tiếp theo người Ấn Độ, người Malayu ở Malacca là những người truyền giáo hăng hái ở khu vực Đông Nam Á. Khi Malacca thôn tính các tiểu quốc khác, Islam cũng nối gót thâm nhập các tiểu quốc này. Từ Malacca, Islam lan rộng lên phía Bắc xuyên qua bán đảo Malayu (Mã Lai) vào miền Nam Thailand. Vương quốc Pattani ở miền Nam Thailand được Islam hóa vào nửa sau thế kỷ XV.

Cũng từ Malacca Islam lan sang Java, thông qua các binh lính và thương nhân người Java, đóng ở Malacca hoặc có quan hệ buôn bán với Malacca. Từ năm 1498 ở đảo này đã có những hải cảng Islam. Tuy vậy khi người Bồ Đào Nha đến Quần đảo lần đầu tiên (1509) thì chính quyền ở Java vẫn còn nằm trong tay những người theo Ấn giáo. Nhưng sau sự sụp đổ của vương quốc Majapahit vào năm 1515, đảo bị chia thành những tiểu quốc và dần dần theo Islam. Đến cuối thế kỷ XVI, không còn một tín đồ Ấn giáo nào ở Java nữa ngoại trừ phần cực Đông của đảo, kể cả Bali dân chúng vẫn duy trì Ấn giáo cho đến ngày nay. Đồng thời, miền Bắc Kalimantan bao gồm cả Brunei nằm trong thành phần của vương quốc Malacca cũng được Islam hóa. Từ đây Islam tiếp tục lan sang các đảo Sulu và Mindanao của Philippines (thế kỷ XIV-XV). Các đảo Molucca theo Islam vào khoảng cuối thế kỷ XV, thông qua cuộc giao thương với Java.

Dưới ảnh hưởng của Malacca các tiểu quốc ở bờ biển Sumatra đối diện với Malacca cũng theo Islam trong khoảng thế kỷ thứ XV. Việc người Bồ Đào Nha chiếm Malacca (năm 511) đã chấm dứt vai trò trung tâm truyền giáo của Malacca. Tuy nhiên quá trình Islam hóa trong khu vực vẫn tiếp tục với những trung tâm mới là Java và Sumatra.

Từ Java, tôn giáo mới tiếp tục thâm nhập sang miền Nam Sumatra (thế kỷ XVIII-XIX), miền Nam Kalimantan (thế kỷ XVI-XVII) và từ miền Tây Sumatra sang đảo Sulavesi, rồi đến đảo Luzon ở miền Nam Philippines (thế kỷ XVII).

Ở Việt Nam, quá trình Islam hóa giới hạn trong cộng đồng người Chăm ở ven biển miền Trung vào khoảng thế kỷ XV-XVI, cũng qua các thương gia người Malayu. Mặc dù trước đó đã có các thuyền buôn của người Arab và người Malayu ghé qua nhưng không có tài liệu nào chứng tỏ Islam du nhập vào đất này sớm hơn.

Riêng ở Myanmar, Islam được truyền bá trực tiếp từ Bengan (Ấn Ðộ) sang vùng Arakan vào thế kỷ XV-XVIII, khi Arakan là chư hầu của các tiểu quốc Islam ở Bengan.

Sự xuất hiện của các thế lực thực dân phương Tây, bắt đầu từ người Bồ Đào Nha (thế kỷ XV) rồi đến người Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và Pháp trong các thế kỷ tiếp theo đã làm chậm lại quá trình Islam hóa Đông Nam Á. Việc phân chia lãnh thổ Đông Nam Á giữa các nước thực dân phương Tây đã tạo ra những ranh giới vững chắc ngăn cản các mối quan hệ giao thương trước kia trong khu vực và cô lập đa số các cộng đồng Islam địa phương. Đồng thời diễn ra sự cạnh tranh của một tôn giáo mới khác là Thiên Chúa giáo do họ đem theo từ phương tây. Mặc dù vậy, quá trình Islam hóa khu vực vẫn tiếp tục và kéo dài cho đến tận ngày nay, đặc biệt ở các vùng sâu trong lãnh thổ đảo Kalimantan, ở Sarawak và Sabah.

Tóm lại, do các mối quan hệ kinh tế, Islam đã được du nhập vào Đông Nam Á từ thế kỷ XIV và đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong các thế kỷ XV-XVI. Tuy nhiên không phải chỉ có lý do kinh tế, còn một nguyên nhân khác khiến cho Islam phát triển nhanh ở Đông Nam Á là vì bản thân Islam là một tôn giáo mềm dẻo và dễ thích nghi.

Ngoài ra do thời gian và cách thức du nhập khác về căn bản so với ở khu vực trung tâm của thế giới Islam, nên Islam ở Đông Nam Á có những đặc điểm riêng: Thứ nhất, do du nhập bằng con đường hòa bình thông qua các thương nhân Ấn Độ nên Islam ở Đông Nam Á không có tính luật pháp và cuồng tín gắt gao như ở vùng Trung Cận Đông. Thứ hai, Islam được truyền đến Đông Nam Á thông qua người Ấn Độ và vào thời điểm khi mà Ấn giáo và Phật giáo đã bắt rễ sâu vào trong các xã hội Đông Nam Á vì thế nó đã không gạt bỏ được cái nền Ấn giáo và linh vật giáo nguyên thủy của các cư dân bản địa, hay nói cách khác Islam ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Ấn Độ. Cuối cùng cũng cần thấy rằng mức độ xâm nhập của Islam vào đời sống và thế giới tâm linh của các cư dân Đông Nam Á rất khác nhau tùy theo vùng. Có những nơi dân cư rất sùng bái tôn giáo mới như người Atjeh, Sundan, Madura ở Indonesia, người Kelantan và Terenganu ở Malaysia. Lại cũng có những nơi như ở Java (Indonesia), Arakan (Myanmar), trên lãnh thổ của người Chăm ở Đông Dương, Islam đã đụng độ với một di sản phong phú và khó vượt qua được của nền văn hóa Ấn giáo và Phật giáo đã có mặt từ trước. Hoặc như ở miền Tây Sumatra, Patani, luật Islam cùng tồn tại phù hợp “luật lệ” bản địa dựa trên những nền tảng của chế độ mẫu hệ.

Cuối cùng, sau hơn 10 thế kỷ không ngừng bành trướng của đạo Islam, quá trình này đã bị chặn lại vào cuối thế kỷ thứ XVIII bởi các cuộc xâm lược ồ ạt của các đế quốc phương Tây về phía Đông, mở đầu bằng việc Napoleon tiến quân vào Ai Cập năm 1798. Thế giới Islam, từ Maroc đến Indonesia, một lần nữa lại bị chia nhỏ thành thuộc địa và nửa thuộc địa của các nước thực dân phương Tây.

Từ đầu thế kỷ XIX, thế giới Islam bước vào một thời kỳ phát triển mới. Cuộc đấu tranh chống sự nô dịch của phương Tây tư bản chủ nghĩa đã dẫn đến những thay đổi lớn lao trong thế giới Islam giáo: Đó là sự thức tỉnh ý thức dân tộc và sự xuất hiện của trào lưu hiện đại hóa Islam giáo.

II. Sự phân bố các cộng đồng Islam ở Đông Nam Á


Ra đời muộn hơn so với các tôn giáo khác (Do Thái giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo), Islam với những ưu thế về mặt tôn giáo và hoàn cảnh khách quan mà nó ra đời đã nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi bán đảo Arab và trở thành một tôn giáo có tầm cỡ thế giới.

Thế giới Islam ngày nay trải dài trên 11.000 km, từ bờ Đại Tây Dương đến bờ Thái Bình Dương, từ Tây Sahara cho đến Indonesia, bao gồm hơn 1 tỉ tín đồ (con số này vẫn tiếp tục tăng lên cùng với sự gia tăng không ngừng của dân số thế giới) thuộc khoảng hơn 40 nhà nước với các chế độ chính trị khác nhau và những nền văn hóa đa dạng, trong đó có gần 30 nước tuyên bố Islam là quốc giáo. Vào thời kỳ Trung cổ người Arab chiếm đa số dân Islam và tiếng Arab, ngôn ngữ của kinh Qur’an, là tiếng nói chung của thế giới Islam lúc đó. Đại đa số người Islam hiện nay sống ở những vùng khí hậu và văn hóa hết sức khác nhau và nói đủ các thứ tiếng như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Urđu, Bengali, các ngôn ngữ của miền Nam Ấn Độ và của Indonesia các ngôn ngữ châu Phi. Ngoài ra, sự bành trướng của đạo Islam, tuy không còn rầm rộ như ở thời hoàng kim của mình vẫn tiếp tục tiến về phía trung tâm châu Phi, Đông Nam châu Á và đặc biệt lan sang cả châu Âu và châu Mỹ theo những dòng người di cư. Theo tính toán của số đông các chuyên gia thì ở Tây Âu hiện nay có vào khoảng 9-10 triệu người Islam, trong đó, riêng ở Pháp là 3 triệu người. Nếu kể cả những người Islam ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bungari, Nam Tư cũ, Anbani, Liên Xô cũ thì con số này phải vào khoảng hơn 100 triệu người.

1. Những cộng đồng Islam lớn nhất ở Đông Nam Á có thể thấy ở Indonesia, Malaysia và Brunei.


* Indonesia là nước có số dân Islam lớn nhất thế giới. Ở Indonesia số lượng tín đồ Islam chiếm 87% (có sách xác định tới 90%) trong tổng số dân khoảng 200 triệu người, nhưng không tạo thành một cộng đồng đồng nhất mà chia rẽ thành hai khối: các tín đồ thực sự (santri) và các tín đồ trên danh nghĩa (Abangan). Đại đa số tín đồ Islam ở Indonesia thuộc trường phái Sunit Safi’i, ngoài ra cũng có những tín đồ thuộc phái Shiit, Suphi hoặc Ahmadi, nhưng số này không đáng kể và chủ yếu là những người gốc ngoại quốc, người bản xứ rất ít. Mặc dù đại da số dân theo Islam nhưng theo Hiến pháp của nước Cộng hòa Indonesia năm 1945 có hiệu lực cho đến nay, Islam không được công nhận là quốc giáo. Cũng theo hiến pháp này tổng thống không nhất thiết phải là tín đồ Islam . Islam không được hưởng một quy chế đặc biệt nào và cũng như các tôn giáo khác phải chịu sự quản lý của Bộ Tôn giáo (thành lập năm 1946). Ở Indonesia cũng có các tòa án Islam, việc bổ nhiệm chánh án do Bộ Tôn giáo chuẩn y. Nhưng việc thực hiện luật Islam ở Indonesia rất hạn chế, do ở nhiều vùng cho đến nay vẫn phổ biến rộng rãi Adat - luật thông thường. Vì vậy, trên thực tế việc xét xử theo luật Saria của Islam chỉ có vai trò thứ yếu trong hệ thống luật pháp ở nước này.

* Ở Malaysia số người Islam chiếm khoảng 53% trong tổng số hơn 20 triệu dân của nước này, gồm chủ yếu là người Malayu. Các cộng đồng Islam sống tập trung chủ yếu ở bán đảo Malayu. Ở 2 bang Sarawak và Sabah họ chỉ chiếm thiểu số (18%). Islam dòng Sunit được công nhận là quốc giáo của Malaysia kể từ khi nước này được độc lập vào năm 1957. Mọi người Malayu đều được coi là tín đồ Islam và họ không được phép cải đạo theo các tôn giáo khác, cũng như kết hôn với người ngoại đạo. Đây cũng là một bộ phận quan trọng trong đường lối Islam hóa và Malayu hóa đất nước của chính phủ Malaysia để đối phó với cộng đồng Cinal (người Hoa) đông đúc và làm ăn phát đạt, đang nắm giữ gần như toàn bộ nền kinh tế Malaysia. Trong đời sống chính trị đảng Islam Malaysia (Parti Islam Se-Malaysia — PAS) hiện nay là một trong hai đảng đối lập hợp pháp lớn nhất ở Malaysia.

* Ở Brunei có 65% dân số theo Islam, chủ yếu là người Malayu. Islam phái Safi’i thuộc dòng Sunit được hiến pháp công nhận là quốc giáo. Vào các thế kỷ XV-XVI, Brunei từng là một trong những trung tâm Islam chính ở Đông Nam Á. Hiện nay Brunei là nước duy nhất ở Đông Nam Á có chế độ quân chủ cầm quyền. Quốc vương Hassanal Bolkiah đồng thời là người đứng đầu tôn giáo, kết hợp quyền lực thế tục và thần quyền trong một người theo đúng truyền thống Islam cổ điển. Khác với Indonesia và Malaysia, Brunei chưa bao giờ phải đối đầu với một thách thức chính trị nào thông qua con đường Islam.

2. Các nước có cộng đồng Islam là thiểu sổ


* Ở các nước Đông Nam Á còn lại: Campuchia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thailand và Việt Nam, Islam chiếm địa vị thiểu số.

* Ở Campuchia; số người theo Islam chiếm khoảng 2% dân số vào đầu những năm 70, tức là vào khoảng 150 nghìn người, chủ yếu là người Chăm, sau đó là người Malayu, một số ít người Pakistan, Ấn Độ và Bengal. Gần 45% người Islam Campuchia tập trung ở tỉnh Kampongcham (người Chăm), số còn lại chủ yếu sống ở các tỉnh miền Nam như: Prâyviêng, Takeo, Kampot, Kandal. Một vài nhóm nhỏ sống ở Battambang, người Malayu Islam sống chủ yếu ở Pnompenh và ven bờ vịnh Siam thuộc tính Kampot. Người Islam gốc Ấn Độ, Bengal, Pakistan thì sống tập trung ở Pnompenh. Người Islam ở Campuchia thường sống trong các khu riêng biệt, có giáo đường (Masjid), trường học riêng Madrasah. Các tín đồ Islam Campuchia, đặc biệt là người Malayu vấn giữ mối liên hệ tôn giáo với Malaysia. Islam ở Campuchia chủ yếu là thuộc phái Safi’i, dòng Sunnah.

* Ở Singapore, vào năm 1990 có 382.700 người Islam (chiếm hơn 14% dân số) chủ yếu là người Malayu, trong đó có khoảng 18% sinh ở Malaysia và 2% sinh ở Indonesia. Do đó họ có những mối liên hệ chặt chẽ với những người Islam ở Malaysia.

* Ở Myanmar, hiện nay người Islam chiếm vào khoảng từ 4-5% tổng số dân của nước này. Vào năm 1970, số người Islam ở Myanmar ước tính vào khoảng từ 1,2 đến 1,4 triệu người. Trong đó khoảng một nửa (47-49%) sống ở Arakan và đa số là người dân tộc Arakan; 36% sống ở vùng đồng bằng sông Iravadi và ở miền Nam và ở miền Nam Myanmar, đa số dân Islam ở đây sống ở thành thị. Vào những năm 50, người Islam chiếm khoảng hơn 17% dân số thủ đô Rangun. Còn một nơi tập trung đông người Islam nữa là ở các thành phố miền Bắc Myanmar với khoảng 17% tổng số dân Islam của cả nước.

Đại bộ phận tín đồ Islam ở Myanmar thuộc phái Haniphit, dòng Sunit. Ngoài ra trong số những người xuất thân từ Ấn Độ, Pakistan có một số tín đồ Islam Shiit và một vài giáo phái thiểu số khác như Suphi, Ahmadi.

Không có một tổ chức lãnh đạo thống nhất đối với tất cả những người Islam ở Myanmar, mỗi một cộng đồng chủng tộc có tổ chức riêng cùng với những thánh đường riêng của mình. Dân Islam ở Arakan từ lâu vẫn giữ mối quan hệ truyền thống với các tổ chức Islam ở Tây Bengal (Ấn độ) và đặc biệt là với Bangladesh. Trong giai đoạn cầm quyền của chính phủ Unu, do chính sách Mynamar hóa và Phật giáo hóa đối với thiểu số người Islam, ở Arakan đã xuất hiện phong trào Islam ly khai, nhưng không đạt được kết quả nào. Từ khi Hội đồng Khôi phục Luật pháp và Trật tự Quốc gia (State Law and Order Restoration Council) lên cầm quyền vào 1988, thiểu số theo Islam Rohingya ở Arakan đã bị xua đuổi, hàng chục nghìn người phải tị nạn sang nước láng giềng Bangladesh.

* Ở Thailand, người Islam chiếm khoảng hơn 4% tổng số dân và là cộng đồng tôn giáo lớn thứ hai sau Phật giáo. Năm 1972, ở Thailand ước tính có khoảng 1,4 — 1,5 triệu người Islam, trong đó hơn một nửa tập trung ở 4 tỉnh miền nam Thailand là: Narathiwat, Pattani, Satun và Yala sát với biên giới phía Bắc Malaysia, được xác định bởi hiệp ước Anh — Thailand năm 1909. Ngoài ra các tín đồ Islam còn sống rải rác ở các tỉnh miền Nam và miền Bắc Thailand, trong đó kể cả thủ đô Bangkok và thành phố Chiengmai, tổng cộng họ có mặt ở 26 tỉnh của Thailand. Đại đa số tín đồ Islam ở Thailand thuộc phái Sunit Saphiit, một số theo phái Haniphit cũng thuộc Sunit. Ngoài ra có một số ít tín đồ Islam Shiit chủ yếu là những người xuất thân từ Pakistan.

Người Malayu chiếm khoảng từ 70-80% tổng số dân Islam ở Thailand và họ sống thành một cộng đồng chặt chẽ ở các tỉnh miền Nam nước này. Do chính sách đồng hóa dân Islam với văn hóa Phật giáo của chính phủ Thailand áp dụng vào cuối những năm 30, ở đây đã xuất hiện phong trào Islam ly khai, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Tổ chức Thống nhất Giải phóng Pattani (Pattanì United Liberation Organization - PULO). Tuy vậy hoạt động chống đối chính phủ rất hạn chế trừ những cuộc nổ bom rời rạc ở Bangkok và miền nam Thailand.

* Ở Philippines, có khoảng 3 triệu người Islam trong tổng số 65 triệu dân (Chiếm từ 3-4% dân số nước này). Người Philippines được gọi là người Moro, sống tập trung ở các vùng sau:
  1. Quần đảo Sulu, kể cả các đảo Basilan, Pilac và một số đảo khác thuộc tỉnh Nam Zamboanga;
  2. Đảo Mindanao, nơi có tới 2/9 tổng số dân Islam Philippines sinh sống;
  3. Nam Palawan;
  4. Các thành phố ở miền Bắc Philippines, nơi có khoảng vài nghìn người Islam sinh sống. Dân Islam ở Philippines chủ yếu theo phái Saphiit, dòng Sunnah.
Ngoài ra cũng có các tín đồ thuộc các phái Sunit khác và một số rất ít tín đồ Islam Shiit. Cũng như ở các nước Đông Nam Á khác Islam ở đây kết hợp với các tín ngưỡng và truyền thống bản địa.

Chính sách phân biệt đối xử về tôn giáo và hành chính dưới thời thực dân Tây Ban Nha và Mỹ trong một thời gian dài đã làm nảy sinh mâu thuẫn sâu sắc giữa cộng đồng Islam và cộng đồng Thiên Chúa giáo ở Philippines. Sự thù địch chính trị càng trở nên sâu sắc sau chiến tranh Thái Bình Dương, khi những người Thiên Chúa giáo, được sự khuyến khích của chính phủ Manila, đã ồ ạt di chuyển xuống phía Nam, chiếm đoạt đất đai của người Islam. Những người Islam miền Nam Philippines đã tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang chống chính phủ trung ương đòi quyền tự trị. Từ năm 1972, cuộc đấu tranh này diễn ra dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (Moro National Liberation Front - MNLEF). Cho đến nay vẫn chưa có giải pháp dứt khoát nào cho vấn để này, các cuộc thương lượng giữa MNLF với các chính phủ sau Marcos vẫn đang tiếp diễn.

* Ở Việt Nam, Islam phát triển chủ yếu trong cộng đồng người Chăm. Số người Chăm theo Islam đông hơn cả là ở Châu Đốc, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngoài ra ở thành phố Hồ Chí Minh còn có một số ít người Ấn Độ, người gốc Malaysia-Indonesia và gần đây có cả người Việt (Kinh) cũng theo Islam song số lượng không đáng kể.

Đạo Islam của người Chăm có hai khối chính là:
  • Chăm Bani (ở Ninh Thuận, Bình Thuận) là người Chăm theo Islam bị pha trộn bởi nhiều tín ngưỡng, tập quán, phong tục cổ truyền và chế độ mẫu hệ chịu ảnh hưởng của đạo Bàlamôn. Sinh hoạt tôn giáo của khối này theo đơn vị thánh đường (thang Gik), không có tổ chức Giáo hội nên không có quan hệ với Islam thế giới.
  • Chăm Islam (đa số ở An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Ninh Thuận) là người Chăm theo Islam, có tổ chức Giáo hội và có quan hệ với Islam thế giới.
Theo số liệu điều tra dân số năm 1989 trong số 93.510 người Chăm có 45.000 người theo Islam (cả Bàni và Islam). Nếu tính cả những người không thuộc dân tộc Chăm theo Islam thì tổng số tín đồ Islam hiện nay ở Việt Nam khoảng 50.000 người tức là chỉ chiếm khoảng chưa đến 1% dân số cả nước (riêng thành phố Hồ Chí Minh có hơn 6.000 người). Người Chăm Islam ở Việt Nam tất cả đều thuộc phái Safi'i, dòng Sunit.