Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

CON LÀ ĐÁ

Thời sự Thần học - Số 45, tháng 9 năm 2006, tr. 15-32. 

_Trần Bình_👨 


Trong tác phẩm “Văn minh phương Tây”, ngay từ những trang đầu, người ta đã viết: ‘những di vật đầu tiên của thời đá cũ có lẽ đã tồn tại từ gần một triệu năm là những hòn đá có thể cầm trong tay, hình thù thô sơ đến nỗi các nhà khảo cổ không thể chắc chắn do người làm ra. Nhưng dần dà họ nhận thấy rõ ràng là những dụng cụ được chế tạo để dùng vào những việc riêng biệt búa, dùi, kim, mũi lao, mũi tên bằng đá xanh, một loại đá cứng có thể đẽo gọt cho nhọn sắc và càng ngày càng tinh xảo… những người nào có được càng nhiều thứ này thì họ càng có nhiều sản phẩm săn bắn được và càng có nhiều quyền lực’[1]. Như vậy, ngay từ khởi đầu có lịch sử, con người đã thể hiện quyền bính của mình (tích cực).

Hơn nữa, theo trình tự thời gian và lịch sử, toàn bộ chặng đường văn minh của thế giới được đúc bằng các hệ thống xã hội mang tính nam trị. Với hệ thống này, giới cai trị đã thiết lập ra các kiểu mẫu thống trị đè nén, áp bức giới nữ. Theo đó, nam nhân đến tuổi dậy thì được xã hội tiếp nhận qua các nghi lễ long trọng. Nghi lễ này chuẩn bị cho họ (người nam) những chức vụ quan trọng về hội họp, săn bắn và địa vị trong các bộ tộc[2]. Họ để lại phía sau lưng những phụ nữ lo việc nấu ăn, giặt rửa, một việc mà nam giới, - cho đến ngày nay, - vẫn cho là không quan trọng, hợp với bản chất của phụ nữ hơn. Chính vì thế, người nam thoải mái trong việc ngao du sơn thuỷ ; đang khi ấy nữ giới bị đóng khung trong bốn bức tường nhà bếp. Họ bị trói vào các nhu cầu và lề thói do một chế độ nam quyền đặt ra. Mặt khác, chính các bà cũng rơi vào tình thế tự coi mình là rẻ, là thấp hèn về địa vị xã hội của mình, vừa mất tự tin và vừa đánh mất lòng tin nơi những phụ nữ khác. Kinh nghiệm của phụ nữ ít được, hay chính xác hơn là không được coi trọng. Thậm chí, có những nơi, những đóng góp của họ bị gạt qua một bên cách thẳng tay không thương tiếc bởi những tập tục đều do nam giới hình thành và điều hành. Vô hình trung nam giới trở thành những người lãnh đạo và nắm giữ quyền bính. Họ đã tạo cho mình một thế đứng, từ đó họ thao túng, xoay sở xã hội theo ý muốn của họ. Chính từ việc tập trung quyền hành trong tay, và không bị chia sẻ, nên những người đặt ra những đạo luật, những quy tắc để làm sao thoả mãn được những nhu cầu riêng cho cá nhân mình, mà không cần biết người khác có bị ảnh hưởng gì không. Có thể nói, quyền bính là để khẳng định mình, để thủ đắc cho cá nhân mình (tiêu cực). Khi chúng bị lung lay, bị đụng chạm, lập tức người ta sẽ tìm mọi cách để cũng cố sao cho nó được vững chắc hơn và bành trướng cho rộng hơn.

Bài này thử triển khai tính tích cực và tiêu cực, cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực hành.

1. Thế quyền và Thần quyền


Có thể phân biệt hai thứ quyền bính, đó là thế quyền và thần quyền. Qua quyền bính, con người khẳng định thế đứng trong xã hội. Nếu Thế Quyền là việc điều hành và định đoạt công việc quan trong, có thể dùng sức mạnh để bảo đảm thực hiện quyền ấy[3], thì Thần Quyền được hiểu là : ‘mọi quyền bính đều phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng thành lập một xã hội đặc biệt qua mạc khải, định rõ cơ cấu và lãnh đạo xã hội ấy’[4].

2. Đức Ki-tô : nguồn mạch mọi quyền bính trong Giáo hội


Giáo lý Giáo hội Công giáo đã khẳng định rõ ràng mọi quyền bính của Giáo hội cũng đều xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa và tập trung nơi chính Đức Kitô[5]. Thiên Chúa, qua phép Rửa, cho con người thông dự vào quyền giảng dạy, quyền quản trị và thờ phượng Thiên Chúa. Những quyền này không để cho những người lãnh nhận được vinh thân phì gia nhưng là để danh Chúa được cả sáng hơn. Cho nên, thay vì nói chức vụ thì ta nên nói là nhiệm vụ. Thiết nghĩ, cụm từ này vừa diển tả chính xác phần trách nhiệm của con người với Thiên Chúa, vừa tránh những hiểu nhầm không cần thiết.

Nhiệm vụ thánh hoá


Khi gia nhập Dân Thiên Chúa, bằng đức tin và phép rửa, chúng ta dự phần vào ơn gọi vô song của Dân ấy : ơn gọi tư tế. “Đức Giê-su Ki-tô được cất nhắc làm thượng tế giữa loài người, đã làm cho Dân mới ‘thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người’. Thực vậy, những người đã lãnh phép rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành đền thờ thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh”[6]. Vì thế, “Chức Tư Tế có là vì Đức Ki-tô và vì con người, hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Ki-tô và chức Tư Tế duy nhất của Người. Vì thế, mọi hoạt động của các tư tế trong Giáo hội phải quy chiếu về Chúa Kitô, trong Người và nhờ Người”[7].

Giáo hội được quyền thừa hành lập lại hy hiến của Chúa Kitô trong Thánh Lễ. Nhờ đó, Giáo hội được liên lạc với Đấng Cực Thánh và có quyền được gọi là kẻ thừa hành của Đức Kitô. Giáo hội thay dân đâng lên Thiên Chúa, và đồng thời Giáo hội đại diện Chúa Kitô để thay cho những người câm, đền tội cho tội nhân, biện hộ và bầu cử cho những kẻ thấp cổ bé miệng, cả những người “không biết việc họ làm”[8] … Tất cả được thượng tiến lên Chúa Cha qua tay Giáo hội nhờ vai trò Tư Tế của Chúa Kitô.

Nhiệm vụ quản trị


“Bí tích truyền chức thông ban quyền thánh chức, chính là quyền của Đức Ki-tô. Phải xử dụng quyền bính theo gương Đức Ki-tô, Đấng vì yêu thương đã trở nên rốt hết và làm đầy tớ của mọi người” (Giáo Lý Hội thánh Công Gíao, số 1551).

Dân Thiên Chúa còn tham dự vương quyền của Đức Ki-tô. Đức Ki-tô thi hành vương quyền bằng cách nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh mà thu hút mọi người đến với mình[9]. Dù là Vua và Chúa muôn loài, Đức Ki-tô đã tự hạ làm tôi tớ mọi người[10], vì "Người không đến để được hầu hạ mà để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người"[11]. Đối với Ki-tô hữu, "muốn làm Vua với Đức Ki-tô phải phục vụ Người"[12], cách riêng "trong những người nghèo khó và đau khổ, vì nơi họ, Hội thánh nhận ra hình ảnh của Đấng Sáng Lập nghèo khó và đau khổ của mình"[13]. Dân Thiên Chúa thực hiện "phẩm giá vương giả" của mình bằng cách sống phù hợp ơn gọi phục vụ với Đức Ki-tô

Giáo hội chính là mối dây hiệp thông. Qua các mục tử, Giáo hội thay mặt Chúa hiệp nhất mọi người trong một tình mến dưới tác động của Thánh Thần. Khi mọi người cùng chung chia một Bánh và cùng uống một Chén, Giáo hội được liên kết bền chặt hơn. Đó cũng là nhiệm vụ và là phương cách thực hiện vai trò quản trị của mình cách đúng nhất.

Nhiệm vụ giảng dạy


“Dân thánh của Thiên Chúa tham dự chức năng ngôn sứ của Đức Ki-tô” : nhờ cảm thức siêu nhiên nơi đức tin của toàn thể Dân Chúa, của giáo dân cũng như của hàng giáo phẩm, khi “gắn bó hoàn toàn với đức tin đã được truyền lại cho Dân thánh chỉ một lần là đủ”[14], khi tìm hiểu, đào sâu nội dung đức tin ấy, và khi trở nên chứng nhân của Đức Ki-tô giữa đời. “Sứ mệnh thần linh được Chúa Ki-tô trao phó cho các tông đồ phải tồn tại cho đến tận thế, bởi lẽ Phúc Âm mà các ngài có nhiệm vụ rao truyền là nguyên lý của cả đời sống Giáo hội qua mọi thời đại”[15].

Việc loan báo lời Chúa là nhiệm vụ đầu tiên của Giáo hội. Trước khi về trời, Đức Ki-tô đã nói lời cuối với các môn đệ : “Hãy đi dạy bảo họ giữ mọi điều thầy truyền cho anh em”[16]. Phaolô đã từng xác nhận về mình rằng, ngài được sai đi không phải chỉ để rửa tội nhưng là để rao giảng Tin mừng. Vì thế : “Đối với tôi, rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng ! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công ; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó”[17].

Lời giảng dạy không dựa trên quyền bính trần thế, nhưng nhờ ấn Thánh thần đã đóng vào ngày lãnh nhận phép Rửa. Để từ đó, Giáo hội được mạnh mẽ và can đảm mở toang kho tàng ơn cứu độ, giới thiệu và mời gọi mọi người đến với tình thương của Thiên Chúa. Như vậy, những người thực sự nắm quyền trong Giáo hội, nói chính xác, là các giám mục. Tuy nhiên, ta cũng phần nào có thể nói, giáo dân cũng tham dự vào vai trò tư tế cộng đồng, giúp giám mục thực hiện quyền bính của mình.

Như thế, thực chất quyền hành trong Giáo hội chỉ là phục vụ chứ không phải là để cho người ta phuc vụ[18]. Quyền bính trong Giáo hội là thực hiện thánh ý Thiên Chúa, nghĩa là mọi người cùng nhau đi tìm ý Chúa qua những hoạt động nơi con người. Mọi thành phần Dân Chúa phải ý thức mình mang trách nhiệm giới thiệu và làm cho nước Chúa được mở mang khắp mặt đất. Trong Giáo hội, Thiên Chúa là đấng duy nhất được mọi người suy phục.

3. Lịch sử oai hùng


Nhìn lại lịch sử Giáo hội, trong vòng ba thế kỷ đầu, dưới bàn tay bạo lực của các vua, Giáo hội thực sự sống đúng căn tính của mình là truy tìm thánh ý Chúa. Trước những nghịch cảnh của thời đại, người tín hữu phải chui rúc trong các hầm hang toại đạo để được cùng nhau cử hành các bí tích và sống lời Chúa. Họ chấp nhận đau khổ, chấp nhận những ngược đãi mà chính quyền thời bấy giờ dành cho họ như giá phải trả cho niềm tin vào Chúa Phục sinh. Các đấng bậc lãnh đạo cũng không khác, họ cùng chung chia những đau khổ, mất mát nhưng đầy lòng vui. Ta có thể nói, vào thời này, càng là bậc vị vọng, người ấy càng sống chứng tá. Đời sống chứng tá của các giám mục mạnh mẽ đến nỗi, khi nhìn vào thời này, giáo phụ Cyprianus đã nói : “Các giám mục là những người lãnh đạo trong Giáo hội, là chức thánh duy nhất không thể phân chia… phẩm giá giám mục là duy nhất, mỗi vị nắm giữ một phần bất phân chia của toàn vẹn chức giám mục… các giám mục tạo nên Hội thánh và Hội thánh nuôi dưỡng chúng ta và tinh thần của Mẹ Hội thánh làm chúng ta sống động”[19]. Thánh Ignatius Antikokia, trên đường tiến về Rôma chịu tử đạo đã viết chúc thư dặn dò các tín hữu của mình : “Ở đâu có Giám mục, ở đấy có Giáo hội[20]” để khẳng định niềm tin chân truyền và quyền bính duy nhất phát xuất từ Chúa Ki-tô mà các vị đã lãnh nhận. Tiếp nối tư tưởng này, Ireneus tiếp : “Ở đâu có Giáo hội ở đấy có Thánh Thần và ở đâu có Thánh Thần thì ở đấy có Giáo hội và mọi ơn thánh”[21]. Đối tượng của đức tin là chân lý. Chân lý này được diễn tả trong quy luật của đức tin tông truyền, được truyền lại qua các tông đồ. Đức tin này được nhận biết và lưu truyền trong Hội thánh hình thành từ các Hội thánh tông truyền do sự kế nhiệm các giám mục.

Chính trong bối cảnh này mà chúng ta, những hậu nhân cảm thức sự cần thiết của kỷ luật nghiêm nhặt, một sự hoà hiệp làm việc chung giữa các tín hữu với nhau và các tín hữu với các giám mục của mình. Chính mối hiệp thông này là sức sống thúc đẩy Giáo hội, mặc dù giữa thăng trầm của thế cuộc, nhưng vẫn mang trong mình sức sống tràn trề. Như lời khẳng định : “Không phải lúc nào quyền bính thế sự trong tay toàn vẹn là lúc Giáo hội thể hiện được chân tính của mình, nhưng chính những khi khó khăn nhất, là lúc Giáo hội thể hiện mình rõ nhất”[22].

4. Lịch sử “méo mó, nhăn nhúm”


Ngay sau thời cấm cách ba thế kỷ đầu, với chiếu chỉ Constantinople 313, Giáo hội ngày càng xuống cấp trầm trọng về đời sống đạo. Người ta xây những đại vương cung thật nguy nga với những bài trí lộng lẫy, hoành tráng không thua gì cung điện. Đến nỗi hoàng đế Constantinople giật mình khi bước vào đại thánh đường Lateral, phải thốt lên : ‘Nếu tôi không biết có thiên đàng thì đây chính là thiên đàng’[23]. Cũng từ thời này, Giáo hội có các nhà thờ thay cho những nguyện đường tư. Các giáo hữu tập trung đến nhà thờ để thờ phượng Chúa thay cho việc cùng nhau đến những nguyện đường tư để cùng nhau cử hành các nghi thức đạo.

Trước cảnh xô bồ, mất hẳn sức sống của Giáo hội, nhiều người đã theo tiếng gọi rừng sâu để sống cuộc đời ẩn dật. Theo họ, nếu trong những thời đầu, những cuộc đổ máu là tử đạo đỏ thì ngày nay, cuộc sống ẩn tu với những hãm mình ép xác đấy chính là tử đạo xanh. Từng đoàn người lũ lượt theo tiếng gọi rừng sâu, bỏ sau lưng mình nhưng phù hoa thế trần để tìm hình ảnh đích thực trong gương mặt Chúa Ki-tô.

Các chức sắc trong Giáo hội được xã hội dành cho mình nhiều ưu đãi. Họ (giám mục), cách nào đó trở thành những địa chủ với những vùng đất rộng lớn cùng nhiều người phục dịch. Quyền bính của họ không còn phục vụ cho Giáo hội mà chuyển sang lo riêng cho mình. Với những ai không phục quyền, các đấng có thể đem đốt mà chẳng áy náy. Tiền bạc và quyền lực khiến cho các vị mất phương hướng cuộc đời, quên mình là chủ chăn, thay mặt Chúa tại thế. Nhiều cuộc vui chơi sa đọa được tổ chức ngay trong giáo triều, các cuộc thanh toán với những hình thức và âm mưu tàn độc cũng được các vị tham khảo và tận dụng, cũng gái gúm, cũng múa nhảy, cũng chia chác tiền của, cũng thanh toán nhau, cũng vợ con… tắt một lời là chẳng thấy bóng dáng Chúa đâu cả[24]. Mặc cho những lời cảnh báo của những người thiện chí, mặc cho tiếng rên xiết của giáo hữu, các vị cứ ăn và cứ chơi. Vào thời này, như giọt nước tràn ly, xuất hiện nhiều bè rối, nhiều ly giáo như tiếng chuông cảnh tỉnh. Những phong trào độc hại như Donatus, phong trào tục hoá, bè rối Albigoise… nổi lên mạnh mẽ chống lại những can thiệp và những thái độ bất chính của giáo quyền.

Chính vì một Giáo hội giàu có và sang trọng, nên lời giảng của các đấng không còn mạnh mẽ. Tiếng nói của các ngài không phát xuất từ con tim nên chẳng còn lôi kéo được ai. Chính đời sống tách biệt đã là một phản chứng quá lớn. Viên đại pháp sư, trong tiểu thuyết ‘Anh em nhà Karamazop’ của đại văn hào Nga Dostoievsky, là hiện thân cho Giáo hội thời thế quyền thay cho thần quyền. Vẫn biết là Chúa đến, nhưng đến để làm gì khi mà guồng máy tổ chức quá chặt che “khó mà len lỏi vào được”. Vậy thì, hoặc Chúa phải đi chỗ khác, hoặc sẽ phải một lần nữa chịu chết. Cái chết lần này thảm khốc hơn đóng đinh nhiều. Đó là đem thui cháy thành than để trừ tà (? !). Như thế, Chúa đến rồi Chúa đi, nhưng chỉ còn lại Giáo hội với những bàn tay sắt.

Nhiều quốc gia cũng theo đó để tranh thủ đòi cho mình quyền tự trị, thoát khỏi bàn tay sắt của Giáo hội. Quyền lực thế trần của Giáo hội bị lung lay tận căn, uy tín của giáo hoàng bị đặt vấn đề và bị yêu cầu khoanh vùng trong nước Toà thánh, chiếc ngai của thánh Phêrô cũng bị người ta nhòm ngó như một chức vị… tại Pháp không thiếu các linh mục, giám mục bị cuốn vào luồng gió mới này[25]. Cuộc cách mạng Pháp tạo nên cuộc khủng hoảng trầm trọng, gây ảnh hưởng trên toàn nước Pháp cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Họ (các quốc gia) đòi trục xuất các giáo sĩ, dẫn đến một trào lưu mới, trào lưu Tục Hoá. Chủ nghĩa này cho rằng:

Tự do tư tưởng và chủ trương không can thiệp vào lương tâm. Nó đề cao tín ngưỡng, thông hảo với Giáo quyền. Nó đả phá cái gọi là “Đế quyền tôn giáo” của thời đại cũ, và chủ trương bình đẳng tôn giáo. Tuy nó chủ trương tách biệt đạo đời, nhưng coi mình ở trên Giáo hội và, mỗi khi xét thấy Giáo hội vượt quá quyền hạn, lập tức nó cảnh cáo và bắt quay trở về với trật tự[26].

Cuộc thanh tẩy khiến cho Giáo hội phải nhìn lại chân tính của mình, phải nhìn vai trò lãnh đạo tâm linh đã lãnh nhận từ Thiên Chúa qua Đức Ki-tô. Nó như một vết mổ, bứng khỏi Giáo hội những “mụn cóc” thừa hút mất chất dinh dưỡng Thánh Thần.

Tại Pháp, chính phủ bổ nhiệm các Giám mục và cho Giáo hội quyền phê duyệt, coi Giáo hội như một thể chế chính trị nhưng dưới quyền kiểm soát của nhà Vua. Bonaparte đòi các sắc lệnh của Toà thánh muốn công bố phải có sự ưng thuận của chính quyền, Sứ thần Toà thánh không được can thiệp vào Giáo hội Pháp, nếu không qua chính phủ[27]. Cuộc cách mạng biểu lộ tâm trạng người dân Pháp. Về phương diện tôn giáo, sự tách biệt đạo đời rõ rệt. Sống vô tín ngưỡng và chống đối Giáo hội khắp nơi, từ thị dân cho tới trưởng giả. Người ta có khuynh hướng tự do cá nhân, độc lập dân tộc và tự do Giáo hội quốc gia. Tại nước Phổ, giám mục nào không đồng ý cho hôn nhân khác đạo sẽ bị bắt giam. Tại Áo, thủ tướng Mitternich bảo vệ Giáo hội Áo và cấm quan hệ với giáo triều Rôma. Ngay tại Tây Ban Nha, chính phủ bắt các giáo sĩ phải tuyên thệ trung thành với hiến pháp, nếu không sẽ bị bắt giam và tử hình.[28]

Người tín hữu nghèo đói đang phải vất vả cấy cày, đang khi những chủ ông sang giàu là các giám mục, miệng giảng lời yêu thương, tay thì bóp chặt cổ để đòi cho mình những lợi tức mà các tá điền thuê ruộng của ông. Thời đó, có chuyện kể rằng : Anh tá điền kia, vì quá bức bối trước “vi’s vo” của mình mà không làm gì được, bèn lên kế hoạch ám sát. Tìm được khẩu súng, anh ta lên đường phục chờ. Vị giám mục xuất hiện với tiền hô hậu hủng đàng xa. Anh nông dân ngắm nheo mắt bắn ngay tim. Viên đạn bật ra. Chẳng có giám mục nào có tình cảm, con tim của họ đã chai cứng hơn sắt đá. Không nản, anh bắn phát thứ hai. Viên đạn trúng ngay chim. Nhưng cũng chẳng sao. Viên đạn như trúng bịch bông, rơi xuống đất. Bắn phát thứ ba, viên đạn xuyên ngang đầu. Nhưng vị giám mục cũng không chết. Khi còn là linh mục thì đầu óc mênh mông đầy chữ nghĩa. Từ khi chuyển sang đội mũ gầu, chữ nghĩa bay đi hết, cho nên viên đạn xuyên ngang đầu như đi vào chỗ không không. Vị giám mục đưa mắt tìm ai là kẻ ám sát mình và thấy anh nông dân. Cụ từ từ tiến lại gần. Anh nông dân phát hoảng vì nhìn thấy khuôn mặt đằng đằng sát khí. Sợ quá run tay, súng nổ. Viên đạn bay trúng mũ gầu. Ô kìa, vị giám mục oai hùng từ từ tan biến mất. Thế đấy. Quyền lực tan thì giám mục mất. Đau đớn thay ! ! !

5. Giáo Hội nhìn lại


Giáo hội vừa mang trong mình sự thánh thiện của Thiên Chúa vừa đồng hành cùng nhân loại tiến bước về Nước trời, cho nên Giáo hội cũng có một thể chế rõ ràng. Không phải là nền quân chủ hay dân chủ như mọi người vẫn nói tới, mà là nền Thiên chủ. Trong đó, Thiên Chúa là Vua, dân của Ngài là mọi thành phần trên mặt đất này. Những thay đổi phương hại đến tính nguyên tuyền của công trình tạo dựng từ Sáng thế là sự xúc phạm nặng nề đến Dân của Ngài[29].

Chúng ta đã lược sơ qua những quyền hành chính được tiếp nhận từ chính Thiên Chúa với nhiệm vụ sao cho tình thương của Chúa được mang đến cho mọi người. Giáo hội sống trong lòng nhân loại, cho nên Giáo hội cũng phải có một cơ cấu phẩm trật. Vì thế, thể chế này phải đọc được ý của Thiên Chúa, thể chế này không tìm ý loài người nhưng là tìm thánh ý Chúa. Qua việc tìm ý Thiên Chúa, bằng việc thực thi những lệnh truyền của Ngài, Giáo hội cố gắng tỏ bày cho mọi người thấy dân chủ nơi nhân loại chỉ mang tính tương đối mà thôi.

“Giáo hội phục vụ Nước trời khi loan truyền những giá trị Phúc âm trên thế giới…, Giáo hội là bí tích cứu độ cho toàn nhân loại và hành động của Giáo hội không bị hạn chế vào những người chấp nhận sứ điệp của mình…”[30]. Giáo hội là một cộng đoàn mở, ôm ấp mọi hạng người, mọi chủng tộc, ngôn ngữ, giai cấp, quan điểm chính trị…[31]. Nói thế không có nghĩa là buông thả, sống không cần cương phép, mà nhắm đến sự tương đối mau qua của các thể chế chính trị mau qua ở trần gian này.

Cũng đã có thời gian dài, khắp dọc dài châu Âu người ta đã phải rụng rời mỗi khi nghe danh giáo chủ Rôma. Trong tay vị giáo chủ, mọi quyền hành trên trời (? !) dưới thế phải được thực thi. Phải cúi đầu nói rằng, Giáo hội đã chịu ảnh hưởng khá nhiều hình thức cai trị đặc tính người mà vắng bóng Chúa.

6. Cho đến thời nay…


Tạ ơn Chúa, Công Đồng Vatican II đã gỡ một bàn thua bẽ bàng cho Giáo hội suốt nhiều thế kỷ. Với luồng gió mới này, các cơ cấu quản trị được (bị) thay đổi tận gốc rễ. Nếu như trước đây hình thức quản trị hình tháp, nghĩa là giáo chủ xếp trên cao, tiếp theo là những cơ cấu phẩm trật.. cuối cùng là dân đen, thì với Công Đồng này, hình thức đã thay khác hoàn toàn. Mô hình quản trị được thay bằng hình tháp ngược. Lúc này giáo chủ mới có thể mở miệng xưng mình là servus servorum mà không cảm thấy ngượng nữa. Bộ giáo luật, dụng cụ thi hành quyền lực, không còn những chữ khó ưa như buộc, vạ tuyệt thông… đáng ghét nữa. Mà thay vào đó là những khuyến khích dựa trên nền tảng Thánh kinh[32]. Những cách nhìn về Giáo hội học cũng chuyển biến theo. Nếu như trước đây bất kể ai nói đụng đến ghetto Rôma đều có thể lãnh một vé anathema sit (vạ tuyệt thông) vào bất kì giờ nào, thì ngày nay có một sự đối thoại đầy tính nhân bản. Vì “Dân Thiên sai này có vị thủ lãnh là Chúa Ki-tô, ‘Đấng đã bị nộp vì tội lỗi ta và phục sinh cho ta nên công chính’ (Rm 4,25)… Địa vị Dân này là được vinh dự và tự do làm con Thiên Chúa và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ”[33]. “Giữa phong trào phát xuất từ dân chúng và các lời hứa hẹn đầy thiện ý của giáo quyền về một đường lối mục vụ đáp ứng thoả đáng các nhu cầu của thời đại nhằm phục vụ sự sống trường tồn của Giáo hội và lợi ích các cộng đoàn…”[34]. Như thế, vấn đề dân chủ được đặt trên công việc mục vụ, nghĩa là tất cả các thành phần đều có trách nhiệm và nghĩa vụ thi hành sứ mạng của mình, theo như Cha Karl Rahner đã nhận định[35].

Các nhà lãnh đạo các quốc gia, khi điều hành thì họ dựa trên một định chế, một đường hướng chính trị của riêng mình. Ngược lại, hình thưc quản trị trong Giáo hội vượt ra, vượt xa những cách chung chung này.

Trong lúc loan báo Tin mừng, Giáo hội cũng đã loan ra thứ chính trị phát xuất từ quan điểm Tin mừng”[36]. A. Loisy nhận xét rằng : “Mặc dù toàn bộ quá trình phát triển công giáo, nhìn từ ngoài có vẻ như chỉ nhằm việc duy nhất là tăng thêm uy quyền cho hàng giáo phẩm, đúng hơn, cho Giáo hoàng, nguyên lý đạo công giáo không có lúc nào khác biệt với chính nguyên lý Phúc âm. Các tín hữu không phải là để phục vụ hàng giáo phẩm, mà hàng giáo phẩm là để phục vụ các tín hữu. Giáo hội không là để phục vụ giáo hoàng, mà Giáo hội là để phục vụ Giáo hội[37].

Chủ trương quy nhân được đề cao. Như trên, mặc dù đã có lúc Giáo hội bị nghiêng theo hình thức lãnh đạo kiểu con người, nhưng không vì thế mà đánh mất căn tính của mình. Giáo hội đồng hành với dân. Điều này được thấy rõ qua các văn kiện của Công đồng Vatican II : đối thoại, bình đẳng, lắng nghe tiếng nói từ phía tín hữu[38]. Điều làm cho Giáo hội khác với các nhà nước dân sự, vì Giáo hội là Giáo hội hiệp thông, cộng đoàn đức tin và đức ái. Các tín hữu không thi hành bổn phận vì vâng phục cho bằng vì yêu thương[39]. Tưởng cũng nên nhắc lại vài nhận xét dễ thương của một quan sát viên ngoại giáo khi tham dự các khoá họp tại Công đồng lịch sử này. ‘Họ cảm phục quyền tự do phát biểu và trình bày ý kiến mà họ không ngờ ; họ đã thấy Ki-tô giáo chẳng phải là thứ độc chất độc khối như người ta vẫn tưởng, và những căng thẳng cần thiết cho một tư tưởng sáng tạo được diễn ra. Dĩ nhiên đam mê nơi con người cũng đã đóng góp, đặc biệt trong hành lang, giữa những buổi họp khoáng đại. Ta không nên ngạc nhiên, Thánh Linh tác động là qua những con người vẫn còn chất người’[40]. Vấn đề bầu cử trong Giáo hội được thực hiện như một thể chế dân chủ. Giáo hội cổ xưa (vieux catholique) cũng đã dùng lá phiếu của mình để bầu chọn những vị lãnh đạo tinh thần. “Được đánh dấu bởi đại hội thành lập, trong đó những giáo dân có quyền với hai phần ba số phiếu, (…) Ở cấp độ địa phương, sự chọn lựa các Giám mục, Linh mục và các cha xứ mở rộng ra cho các tín hữu”[41]. Ngày nay, việc bầu chọn vị Giáo hoàng kế nhiệm là hình thức dân chủ rõ nhất trong Giáo hội. Hình thức bầu cử này cho thấy không theo kiểu chỉ định như xưa kia, tức là “bằng cách đồng thanh ủng hộ”. Cuộc bầu cử còn được Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn : “Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, các Hồng y cử tri có thể bầu chọn cho đến khi đồng lòng hoan hô và nhất trí chọn một trong số họ làm Giáo hoàng”[42].

7. Tự do trong Chân lý


Toàn thể Dân Thiên Chúa được hợp đoàn với nhau để thờ phượng Thiên Chúa. Họ được bảo chứng cho những hành vi phụng tự này qua các bí tích. Cơ cấu hữu hình của Giáo hội phải giúp cho mọi người nhìn được khía cạnh thâm trầm nằm khuất ẩn bên dưới là đức tin.

Giáo hội, trong toàn thể bản chất của mình, là mối hiệp nhất nội tại sống động, là hình ảnh trung thực của tình yêu lành thánh sinh động. Chỉ như thế mới là Công giáo, chỉ như vậy mới là Giáo hội Công giáo…, đó là nơi khai triển, đào sâu và sống từ bên trong đức tin của Giáo hội[43].

Nếu không dựa trên nền tảng đức tin, không có keo Thánh Linh thì không thể nào nhận ra đâu là dân chủ tính trong Giáo hội. Theo nhà thần học Tin lành K. Barth, nét đặc trưng của cộng đoàn Ki-tô hữu là thể hiện niềm tin thông qua việc quy chiếu cuộc sống của mình về ngày cánh chung. Các thành phần dân Chúa hiệp nhất với nhau trong cùng thân thể Đức Ki-tô như cây nho và cành làm thành một thân thể hoàn chỉnh của Ngài[44]. Không ai có quyền ép buộc người nào chối bỏ niềm tin cũng như không ai có thể dùng áp lực để ai đó cúi đầu chịu phép Rửa. Mọi sự phải dựa trên sự chân nhận đức tin chính thống trong Giáo hội.

Trong Giáo hội, mọi thành phần bình đẳng với nhau, ‘là anh em với nhau’[45]. Tất cả là công dân Nước Trời như nhau.

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin ; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri ; kẻ thì được ơn phân định thần khí ; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người[46].

Mỗi người mang trong mình một đặc sủng riêng để tuỳ vào đặc sủng mà chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa trao phó cho.

8. Tình yêu còn đó


Đọc trong Thánh kinh, ai cũng phải công nhận Thiên Chúa tiến gần và tiếp cận với con người xuyên qua mãnh lực tình yêu hơn là thúc ép bằng quyền lực tự thân của Ngài. Các hình ảnh, các danh xưng cổ truyền gán cho Thiên Chúa như Vua các Vua, Thần các thần, Đấng ban lề luật hoặc vị quan toà nghiêm thẳng... chẳng nói lên chút nào về tình thương của Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã tốn công mất sức rao giảng. Trái lại, chúng dẫn người ta, những người chưa có niềm tin hoặc niềm tin còn non yếu tới một cảm thức sai lệch. Người ta dễ bị áp chế tinh thần hơn là yêu mến một Thiên Chúa Tình Yêu. Hình ảnh Thiên Chúa là ông kẹ làm tê cứng sự tự do nhân bản và khả năng sáng tạo, cho dù là tâm linh. Thiên Chúa, mà Đức Giêsu rao giảng và làm chứng, là Tình Yêu bất tận, dẫn đưa con người từng bước và đồng hành với nhân loại trong hành trình hướng tới việc thành toàn Thiên quốc mới. Ngài không ngừng gửi tới cho con người lời réo gọi thân tình và chân thành để ai cũng có thể tiến sâu và xa vào một tương lai hoàn hảo và viên mãn, tiến tới một đời sống phong phú, chung chia cuộc sống trong một tình mến trường cửu[47] và sâu sắc hơn. Chính vì thế, Đức Giêsu, người Galilê nhân hậu, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa đã dẫn đường chỉ lối cho những ai khao khát một lý tưởng cao vời bằng những lời mời gọi yêu thương. Suốt hành trình tại thế, chẳng mấy ai tìm trong các bài giảng có sự thúc ép, nếu có chăng là để người nhanh hơn trong việc hoán đổi tâm hồn để chờ đón ân sủng từ trời. Thay vào đó, Ngài ra sức khuyến dụ, mời gọi mọi người và tái tạo một tâm tình tôn thờ trong mối thân tình giữa Cha là Thiên Chúa và những con người là thành phần nhân loại trong vũ trụ này. Không có gì mất đi nếu như việc ấy được khởi đầu và kết thúc bằng tình yêu. Vì vậy ‘việc gì thực hiện ở trần gian này sẽ được ở thiên đàng và thực tại này sẽ quay ngược lại vào cõi lòng người ta. Vì lí do gắn bó mật thiết như thế, lòng yêu thương nơi trần tục di chuyển thẳng đến chốn yêu thương ở thiên đàng và lại ngập tràn yêu thương vào trần thế. Theo chiều hướng này, Thiên Chúa trở thành người đồng hành thân thiết và thân thương… người chịu trăm ngàn cay đắng cho bạn hữu’[48].

Một điều ai cũng phải nhìn nhận đó là bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Giáo hội với những khi thăng khi trầm. Như con thuyền lắc lư quay cuồng trước sóng gió của thế trần của ma quỉ, nhưng không bao giờ bị bể vỡ, mặc dù những người điều hành và hành khách toàn là những kẻ bất tài vô tướng. Có một vi hoa tiêu khác, đang âm thầm lèo lái con tàu ấy là chính Chúa Thánh Thần. Ngài đang ngày đêm hướng dẫn, lèo lái, thúc đẩy, cổ võ... để cho những thành viên luôn kiên tâm, vững chí tiến bước.

Mỗi khi hát : Con là đá. Ta nhớ đến Đức Giáo hoàng. Với cương vị chủ chăn trưởng, Người cũng là người như mọi người. Người đang phải ngày đêm đứng mũi chịu sào trước những chất vấn, những thách thức của thế gian, của ma quỷ của những kẻ chống đối, của các tư tưởng gia, trong đó có những bạn hữu Người. Ta cũng cầu nguyện cho Người luôn tìm thánh ý Chúa trong những biến chuyển tế nhị và phức tạp của thời cuộc. Cầu cho người luôn cứng như đá trước mọi thế lực của ma quỷ đang ngày đêm rình rập rảo quanh chờ cắn xé Giáo hội.

KẾT


Giáo hội sống giữa lòng nhân loại và cũng không loại trừ yếu tố con người trong cơ cấu và tổ chức của Giáo hội. Do đó, không thiếu những sai lầm hay những toan tính đặc chất người. Chúng ta nhận rằng Giáo hội là một tổ chức do Đức Giê-su lập để thi hành sứ mạng Ngài đã trao phó. Với cái nhìn này, Giáo hội trở thành tổ chức linh thánh và biệt lập hơn là một cơ chế chính trị thuần con người. Các hoạt động trong Giáo hội vận hành theo sự thúc đẩy của Thần Khí. Từ ngoài nhìn vào, ai cũng phải công nhận đứng đầu tổ chức là Giáo hoàng, nhưng chính Thánh Thần hoạt động, điều khiển, chủ toạ, hỗ trợ và cai quản[49]. Hàng giáo phẩm không được lập để cai trị nhưng là củng cố, cổ võ sự hiệp nhất. Phận vụ này khiến cho mọi người nhận ra tinh thần huynh đệ hiệp nhất trong cùng một sứ vụ qua tác động phát khởi của Thần Khí.

Và cuối cùng “Nước Tôi không thuộc thế gian này, nếu nước tôi thuộc về thế gian này thì quân đội của tôi sẽ chiến đấu... Nhưng Nước tôi không thuộc chốn này”[50]. Quyền bính của Giáo hội là để phục vụ. Giáo hội hưởng thụ. Giáo hội sẽ không thể có được thứ quyền bính đúng nghĩa Thiên Chúa ban. Binh Thánh Giá đã thiếu tinh thần của sự khiêm tốn, muốn phô trương sức mạnh, muốn thống trị, muốn đắc lợi… trở thành đội quân ô hợp không có sức mạnh đủ, sức mạnh của sự hiệp nhất để chiến thắng. Giáo hội vẫn âm thầm cùng với Đức Ki-tô, nhờ hoạt động của Thần Khí, vẫn hiện diện cùng với nhân loại, cùng bước trên con đường để đưa mọi người về bến mong chờ. Qua hành động bẻ bánh hiệp thông Giáo hội dâng tiến Chúa Ki-tô trong thánh lễ, thì Giáo hội cũng phải dâng hiến chính mình để làm hy lễ với Người, vì Người và cho anh em mình.

[1] CRANE BRINTON, JOHN. B. CHRISTOPHER, ROBERT LEE WOFLF, Văn Minh Phương Tây, Nxb Văn hoá - Thông tin, 1998, trang 25.
[2] Xc. CRANE BRINTON – JOHN B. CHRITOPHER – ROBERT LEE, Văn Minh Phương Tây – Thời Thượng Cổ, Nxb Văn Hoá Thông Tin Hà Nội, 1998, trang 65.
[3] VIỆN NGÔN NGỮ HỌC, Từ Điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung Tâm Từ Điển Học, 1998, trang 787, mục từ ‘quyền bính’.
[4] JOHN A. HARDON SJ, Pocket Catholic Dictionnary, trang 391, mục từ ‘quyền bính’.
[5] Xc. GLHTCG số 759.
[6] Xc. LG số 10.
[7] Xc. GLHTCG, số 1551.
[8] Xc. Lc 23,34
[9] Xc. Ga12,32
[10] Xc. GLHTCG số 786.
[11] Xc. Mt 20,28
[12] Xc. LG 36
[13] Xc. LG 8
[14] Xc. LG, số l2
[15] Xc. LG, số 20.
[16] Mt 28,20
[17] 1 Cr 9 :16-17
[18] Xc. Mt 20,28
[19] Lm. LÊ VĂN CHÍNH, Giáo Trình Giáo Phụ Học, HVĐM, trang 72, 2005-2006.
[20] Lm. LÊ VĂN CHÍNH, Sđd, trang 19.
[21] J. LIÉBAERT, Giáo Phụ – Tập I – Thế Kỷ 1 Đến 4, Trở Về Nguồn, 102, Không rõ dịch giả.
[22] YVES CONGAR, trích lại từ JAMES BACISK, Sđd, trang 72-73.
[23] PAUL CHRISTOPHE, Giữa Lòng Nhân Loại – Tập 1, Nxb Droguet & Ardant, 2001, Bản việt ngữ của Phạm Sĩ Lâm, trang 102-103.
[24] Xc. FX. Đào Trung Hiệu, OP. Cuộc lữ hành đức tin, - T. II : Giáo hội thế kỷ XV - XX, HVĐM, 1997, 37-49.
[25] FX. Đào Trung Hiệu, OP. sđd, tr. 109.
[26] Bùi Đức Sinh, OP. Lịch sử Giáo hội Công giáo, T I & II, Veritas, Calgary, Canada, 1999, tr. 199-200.
[27] Xc. BÙI ĐỨC SINH, OP. Lịch Sử Giáo hội., tr. 203.
[28] Xc. JMT NGUYỄN THẾ THOẠI, Giáo hội đi trong nhân loại, ĐCV Nha Trang, 1991, tr. 504.
[29] Xc. NICHOLAS LOSSKY et AL., Dictionary of the ecumenical movement, WCC Publications, Geneva, 1991, p. 598.
[30] RM, số 20
[31] Xc GLHTCG các số 817, 820, 823, 827
[32] Xc. Gc. PHẠM VĂN PHƯỢNG OP, Giải Thích Bộ Giáo Luật, ĐMHV, 2005, trang 14.
[33] Xc.LG, số 9b.
[34] Xc. Peter Neuner, Giáo hội học qua các tác giả, bản dịch Việt ngữ của Lm. Nguyễn Văn Hoà, trang 300.
[35] K.Ranher :‘Mọi nền cố gắng của Giáo hội trong các mặt luân lý, thần học, suy tư… càng có tính khoa học bao nhiêu thì càng phải quy chiếu vào mục vụ. Nó càng soi tỏ các thắc mắc đích thực về thời nay và đào sâu nguồn phong phú về truyền thống Ki-tô giáo bao nhiêu thì nó càng thiết thân và thực tế bấy nhiêu. Một thần học gia càng được gọi là có năng lực bao nhiêu thì càng chứng tỏ mình là người hướng dẫn tâm linh hiệu lực bấy nhiêu’, tríc lại trong JAMES BACISK, Comtemporary Theologian, bản dịch của giáo sư Nguyễn Trí Diện, Những Thần Học Gia Lừng Danh, trang 25-26.
[36] LEONARDO BOFF, OFM., Giáo hội đoàn sủng và quyền hành, UBĐKCGTPHCM, 1989, tr. 45.
[37] ALFRED LOISY, L’Evangile et L’Eglise, Paris, 1903, tr. 163.
[38] Xc. Lumen Gentium.
[39] LEONARDO BOFF, OFM., Sđd., tr. 63.
[40] NGUYỄN HUY LỊCH OP, Tìm Hiểu Công Đồng Để Sống Đạo, ĐCV Sài Gòn, 1995, trang 123.
[41] Actualitédes Religions, số 37, tháng Tư, 2002.
[42] Actualitédes Religions, số 37, tháng Tư, 2002.
[43] PETER NEUNER, Sđd., tr. 316.
[44] PETER NEUNER, Sđd., tr. 364.
[45] Mt 23,8
[46] 1Cr 12,4-11.28.
[47] ‘Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói được tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn’, 1Cr 13,8.
[48] JAMES BACIK, sđd, trang 514.
[49] 1Cr 12,28
[50] Ga. 19,36.