Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

HỘI NHẬP TIN MỪNG VÀO VĂN HOÁ VIỆT NAM (1)

Thời sự Thần học - Số 36, tháng 6/2004, tr. 45-61. 

_Lê Văn La Vinh_ 


Lục địa Á châu, trong đó có nước Việt Nam chúng ta là một vùng đất rộng lớn, có số dân chiếm tỷ lệ phân nửa so với các châu lục khác cộng lại; đồng thời cũng là nơi phát sinh ra những tôn giáo lớn như Phật giáo, Ấn giáo, Khổng giáo… Các tôn giáo này đã ra đời từ lâu, phát triển rộng và đã ngấm sâu vào trong tâm thức cũng như nền văn hóa của những dân tộc tại châu lục này, trong đó có dân tộc Việt Nam chúng ta. Do vậy, khi đem Tin Mừng của Đức Kitô đến để rao giảng và truyền bá tại châu lục này – mà ở đây chỉ xin được giới hạn trong vùng đất Việt Nam mà thôi – Giáo hội Công giáo đã gặp phải nơi đây một bức tường lớn như một chướng ngại bởi các tôn giáo đó. Một đàng, vì Giáo hội quá cứng ngắc trong việc gìn giữ và loan truyền sự chính thống của đức tin và đạo lý chân chính, và đàng khác, truyền thống tôn giáo và nền văn hóa Á châu đã ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt. Do vậy mà đến tận hôm nay, sau 4-5 thế kỷ truyền giáo tại vùng đất Việt, con số tín hữu người Việt Nam vẫn còn ở mức quá khiêm tốn, chỉ khoảng gần 7% nơi người Việt Nam[1] và so với toàn châu lục thì chỉ có khoảng 4% là người Công giáo[2].
So với thời gian nhiều thế kỷ truyền giáo mà kết quả gặt hái chỉ được con số khiêm tốn vừa nêu thì quả là một điều cần phải suy nghĩ. Dĩ nhiên, khi nêu lên những con số này, người viết không có ý muốn chạy theo số lượng hay căn cứ vào loại “tín hữu ghi danh” như nhiều nước Âu Mỹ hiện nay; nhưng khi đọc những kết quả này, thiết nghĩ đây cũng là một cơ hội để cho chúng ta cùng nhìn lại để tìm hiểu xem đâu là lý do làm cho công việc rao giảng Tin Mừng của Giáo hội phát triển quá sức chậm chạp và kém hiệu quả, đồng thời cũng tìm kiếm một giải pháp nào đó mang tính khả thi hơn để triển khai công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam.

1. Quan điểm của Giáo hội về các tôn giáo khác


Nhãn quan thần học hôm nay của Giáo hội dưới ảnh hưởng của Công đồng Vatican II đã thay đổi khi nói về các tôn giáo khác. Nhờ đó đã làm cho mối tương quan của Giáo hội đối với thế giới nói chung và các tôn giáo khác nói riêng trở nên thân tình, chân thành và cởi mở hơn. Sở dĩ nói như vậy là vì trong lịch sử của mình, Giáo hội vẫn thường đặt mình ở vị trí thượng tôn trong mọi mối tương giao với các quốc gia hay các tôn giáo khác với các chiêu thức hay phương hướng đại khái như là Giáo hội phải đi khai hóa các quốc gia khác để chinh phục các linh hồn[3]… Điều này đã gây ra nhiều tai hại, tạo nên nhiều sự hiểu lầm và rạn nứt giữa các quốc gia, các tôn giáo khác đối với Giáo hội, mà những vết thương này khó bề hàn gắn được như trong lịch sử đã chứng minh.

Trong khi đó, nguyên tắc thần học căn bản của Kitô giáo đã xác định: Thiên Chúa là Cha của mọi người mọi vật, nên tất cả đều có quyền hy vọng được cứu thoát, bất kể có tôn giáo hay vô thần. Hay nói cách khác, Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi con cái mình[4]. Một điều đáng lưu ý thứ hai mà thần học Kitô giáo có đề cập đến là: mọi người đều được phú bẩm trong mình một khả năng luôn biết khao khát hướng về điều chân thiện, mong mỏi sự thật. Cảm nghiệm được sự xấu xa của cái ác và luôn mong muốn thanh tẩy tội lỗi; tất cả hay mỗi một sự chân thiện đều phản ánh về Ngôi Lời, và sự chân thiện đó luôn hướng con người về với Tuyệt đối[5]. Điều này đã được hiểu thấu và cảm nghiệm ngay từ thời các giáo phụ như lời thánh Justino đã viết:
Tất cả những ai sống theo Lời thì đều là Kitô hữu, dầu họ có vẻ vô thần, ta có thể kể những người Hy lạp như Socrate, Heraclitus và những người sống tương tự như họ đều thuộc vào số những Kitô hữu ấy.[6]
Hay nói gọn hơn, chúng ta có thể nhận định là các tôn giáo đều hướng về điều chân thiện. Và như vậy, một cách nào đó, có thể nói được là các tôn giáo dò dẫm và tìm kiếm Thiên Chúa.

Trong tinh thần cởi mở của công đồng Vatican II, các văn kiện của Công đồng này khi đề cập đến các tôn giáo khác đã có một cái nhìn thiện chí, trân trọng hơn và đã nhìn thấy được vai trò của Chúa Thánh Thần nơi các tôn giáo đó và nhất là nơi các tâm hồn thiện chí bằng cách nào đó chỉ có Chúa biết mà thôi[7]. Hay trong một văn kiện khác khi đề cập đến các tôn giáo, Công đồng nói rõ:
Giáo hội không hề phủ nhận những gì là chân thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng Chân Lý … vì thế Giáo hội khuyến khích các con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác[8].
Và tư tưởng này một lần nữa được xác định một cách minh nhiên hơn trong Tông huấn Thượng hội đồng Giám mục Á châu khi viết:
Thật vậy, Thần khí là nguồn gốc những ý tưởng cao thượng và những khởi điểm tốt đẹp của nhân loại lữ hành. Người liên tục gieo hạt giống chân lý giữa các dân tộc, tôn giáo, văn hóa và triết học của họ” (số 15).
Và như vậy, chúng ta thấy là xét về mặt nguyên tắc, việc truyền giáo là làm “sáng cái đức sáng”[9] (minh minh đức) nơi các dân tộc, các tôn giáo khác, rồi dần dần từ đó mới giới thiệu và trình bày sứ điệp của Đức Kitô.

2. Vấn đề Hội nhập văn hóa


Như chúng ta đã biết, mỗi quốc gia cũng như mỗi cộng đồng dân tộc đều có những di sản, những truyền thống văn hóa và những tập tục riêng; và đây là một trong những vấn đề lớn mà Giáo hội cần phải quan tâm khi đem Tin Mừng của Chúa đến truyền giảng cho các quốc gia, các cộng đồng dân tộc. Điều này xem ra không phải là điều gì mới. Ngay từ những thế kỷ XVI, Giáo hội đã có chỉ thị, những hướng dẫn cho các đoàn truyền giáo theo nguyên tắc Nhật Bản với người Nhật Bản, Trung Hoa với Người Trung Hoa … Đặc biệt và cụ thể hơn là chỉ thị của Bộ Truyền Giáo ra ngày 10-11-1659 có nêu:
Các vị đừng tìm cách, đừng tìm lý lẽ để thuyết phục các dân tộc thay đổi nghi thức, tập tục và phong hóa của họ, ngoại trừ những gì rõ ràng trái ngược với tôn giáo và luân lý. Không có gì vô lý bằng đem nước Pháp, nước Tây Ban Nha, nước Ý Đại Lợi hay một nước châu Âu nào khác vào Trung Quốc. Đừng đem đến cho các dân tộc ấy xứ sở của quý vị, mà chỉ đem đến đức tin, một đức tin không từ chối và không làm tổn thương các nghi thức, các tập tục của bất cứ một dân tộc nào … Đừng bao giờ so sánh các tập tục của các dân tộc đó với tập tục của các nước châu Âu. Trái lại, quý vị hãy làm quen với các tập tục đó. Hãy chiêm ngưỡng, tán dương những gì đáng tán dương. Những gì không đáng ngợi ca thì không nên ca ngợi om xòm như những kẻ nịnh hót, thì cũng nên khôn ngoan đừng phê phán hay đừng bao giờ kết án một cách thiếu suy nghĩ hoặc quá đáng.[10]
Văn hóa cũng như những di sản truyền thống của một dân tộc là một thực tại đã ăn sâu vào tâm khảm, vào lối sống, nếp sinh hoạt cũng như tín ngưỡng và đời sống tâm linh của một dân tộc. Do vậy, khi truyền giảng Tin Mừng của Đức Kitô cho các dân tộc thì theo lẽ khôn ngoan thường tình cũng như tuân hành chỉ thị của Bộ Truyền Giáo, Giáo hội không nên và không được phép xóa bỏ nền văn hóa cũng như truyền thống tín ngưỡng của họ để thay vào đó là Tin Mừng và đời sống Kitô giáo, mà kinh nghiệm thất bại trong việc truyền giáo tại Trung Hoa và các nước châu Á đã minh hoạ rõ cho việc sai lầm trong phương thức “đánh đổi” và “thay thế” này.

Khi đến truyền giáo cho một dân tộc khác, điều trước tiên mà nhà truyền giáo phải nhớ và phải làm đó là phải biết thích nghi và hòa hợp. Bởi lẽ cần phải hiểu rằng khi truyền giáo cho một dân tộc là ta đang làm một cuộc hội ngộ, là đang chắp một mối tương giao giữa một bên là nền văn hóa và truyền thống địa phương, còn bên kia là sứ điệp Tin Mừng. Không thể đem cái này để mà thay thế cái kia và cũng không thể nghĩ rằng vì đã có cái kia nên đâm ra từ chối cái này. Do vậy, chúng ta phải biết hội nhập Tin Mừng (văn hóa Kitô giáo) vào truyền thống của nền văn hóa địa phương hay nói cách khác là phải biết hội nhập văn hóa. Hơn nữa, cần phải luôn nhớ rằng :
Hội nhập văn hóa chỉ thành đạt khi có sự hòa hợp của hai nền văn hóa, nếu không thì hoặc là chỉ có sự thống trị, một sự đồng hóa của một nền văn hóa này đối với một nền văn hóa khác, hay là chỉ đưa đến một thứ văn hóa lai căng…[11]
Trong lịch sử Giáo hội, các nhà truyền giáo cũng đã biết khéo léo vận dụng những nguyên tắc vừa nêu trong việc hội nhập Tin Mừng vào các nền văn hóa như cha Mattêô de Ricci khi đến truyền giáo tại Trung Hoa đã sử dụng cho mình những những bộ y phục của các bậc sĩ phu, nhưng với các nho sĩ, ngài không bài bác mà rất mực kính trọng. Lối phục sức và dáng đi của cha nơi công cộng hoàn toàn mới mẻ, được các nho sĩ nhiệt liệt hưởng ứng; cha Mattêô đã soạn ra một tập giản yếu giáo lý đạo Kitô bằng tiếng Trung Hoa với những thích nghi chủ yếu dành cho lương dân[12]. Hoặc như cha Đắc Lộ, ngoài việc đóng góp to lớn cho lịch sử văn hóa Việt Nam là soạn thảo chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh thì trong quá trình giảng đạo, cha còn đặt ca vè lễ Giáng sinh, cổ võ ba ngày Tết kính Chúa Ba Ngôi, thay cây nêu bằng cây thánh giá, dùng lá dừa trong ngày Lễ Lá, và soạn 15 ngắm Thương khó cho dân tộc Annam[13].

3. Hội nhập văn hóa trong truyền giáo tại Việt Nam


Trong lãnh vực nông nghiệp, để có thể thu được kết quả tốt đẹp trong công việc trồng cấy, thì như chúng ta đã biết là cần phải có nhiều yếu tố, nhiều điều kiện như là nước, giống, phân, cách thức canh tác…, rồi sau đó là là sự thích ứng của hạt giống đối với từng loại đất trồng, từng vùng khí hậu khác nhau… Và việc truyền giảng Tin Mừng trên một cánh đồng truyền giáo cũng thường được ví như là việc canh tác nông nghiệp trên một vùng đất đai vậy. Hạt giống ở đây là Lời Chúa, là sứ điệp Tin Mừng; cánh đồng, đất đai là các quốc gia, các cộng đồng dân tộc khác nhau trên thế giới. Như vậy, việc thành công hay thất bại trong việc gieo vãi Lời Chúa trong một cánh đồng truyền giáo cũng bị lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: cách thức trình bày Lời Chúa, gương chứng nhân của các nhà truyền giáo cũng như của các tín hữu, và đặc biệt là việc hội nhập sứ điệp Tin Mừng vào trong cuộc sống của người dân địa phương và nền văn hóa bản địa; hay nói cách khác là một trong những yếu tố quan trọng để tạo sự thành công trong việc gieo vãi Lời Chúa là phải biết hội nhập văn hóa. Điều này đã được các nhà truyền giáo đầu tiên thực hiện thành công khi truyền giáo tại Trung Hoa và Việt Nam mà ở phần trên đã đề cập đến. Trong bối cảnh cần thiết, cấp bách và là một thách đố lớn cho Giáo hội Công giáo hiện nay khi rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc Á châu trong đó có Việt Nam[14], chúng ta cùng nhau khảo sát lại “phương án” hội nhập văn hóa trong bối cảnh truyền giáo hôm nay.

a. Những nét tương đồng giữa văn hóa Tin Mừng và văn hóa Việt Nam


Điều cần thiết trước tiên là tìm hiểu xem có mối tương quan liên hệ nào giữa nền văn hóa Việt Nam và nền văn hóa Tin Mừng; và sau khi đã thấy được có những nét tương đồng, di biệt giữa hai nền văn hóa[15] đó, chúng ta mới có phương án thích hợp để thực hiện việc truyền giáo cho có kết quả hơn.

Như chúng ta đã biết, Kitô giáo được truyền giảng trên đất nước Việt Nam vào thế kỷ thứ XVI (khoảng năm 1553) trong bối cảnh đời sống tâm linh và luân lý của người dân Việt Nam đang hít thở bầu không khí mang đậm nét luân lý của đạo Nho và giáo lý của đạo Phật. Mặc dầu hàng rào ngôn ngữ cũng như tính cách bảo thủ và sự khép kín vốn có của người dân Việt là một rào cản lớn cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại đây. Tuy nhiên, khi đọc lại lịch sử Giáo hội trong thời kỳ này, chúng ta thấy được là công việc truyền giáo của các nhà thừa sai vẫn mang lại nhiều kết quả khả quan, số người xin được rửa tội để gia nhập Kitô giáo mỗi năm cứ tăng lên theo con số ngàn[16]. Điều đó cũng phần nào cho thấy là trong giáo lý của đạo Công giáo, có nhiều điều tương hợp với suy nghĩ, tâm thức và đã góp phần đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của người dân Việt. Ở đây, có một điều cũng cần phải nói thêm là sở dĩ có được kết quả này, phải nói đến vai trò của đạo Phật, đạo Nho trong đời sống của người dân Việt. Chính các tôn giáo này đã đào luyện, dạy dỗ cho người Việt Nam và giúp cho họ có một cuộc sống tốt, gần gũi với tinh thần Tin Mừng như lời của Linh mục F. Bozumi sau một thời gian truyền giáo tại Việt Nam đã nhận xét:
Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao. Người dân Việt Nam có những đức tính, những phong tục rất đáng khâm phục, nó đã giúp rất nhiều vào công việc truyền giáo[17].
Trong tinh thần “biết người biết ta”, chúng ta cùng thử tìm hiểu một vài tương đồng giữa hai nền văn hóa:

- Cũng như giáo lý của đạo Công giáo, trước hết, mọi người Việt Nam đều tin có Trời. Đối với người dân Việt, Trời là một đấng tối cao có quyền tối thượng tên đời sống con người “muôn sự tại nhân, thành sự tại thiên” Ngài là đấng cầm cân nảy mực, sẽ phán xử công minh cho mọi người “Trời cao có mắt”… Và lòng tin này của người dân Việt không chỉ giới hạn trong tầm mức cá nhân và gia đình nhưng còn vượt lên đến tầm mức quốc gia: các vua chúa Việt Nam mỗi năm đều phải tế Trời để cầu cho quốc thái dân an. Điều này đã được minh hoạ rõ nét hơn trong lời nhận xét sau đây của linh mục Léopold Cadiere:
Cảm thức về quyền năng tối thượng của Trời đã thấm nhiễm mạnh mẽ ý thức tôn giáo của người Việt. Ngôn ngữ bình dân cũng cung cấp nhiều chứng từ vào niềm tin nơi quyền lực của Trời. Người ta cầu khẩn Trời như là một chứng nhân, nại đến Trời như một quan án, chạy đến Trời như một vị cứu tinh. Trời thấy và biết, phán xét và trừng phạt. Trời nhân từ và yêu thương, tái sinh và bảo vệ … Trời làm chủ vận mệnh con người … Đấy là điều chúng tôi có thể khẳng quyết người Việt Nam kêu cầu Trời, xin Trời cứu họ khi mối nguy hiểm thật là bức bách.[18]
- Nét văn hóa thứ hai cần lưu ý nơi người dân Việt đó là phong tục thờ cúng tổ tiên. Đạo Gia tiên của dân Việt nói lên lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, tiền nhân. Điều này phù hợp với giáo lý của đạo Công giáo dạy phải thảo kính cha mẹ nơi giới răn thứ IV; và hơn nữa, ở đây, ta nhận thấy có một sự tương đồng khác là niềm tin vào “sự sống” của những người đã khuất, hay nói theo ngôn ngữ của đạo Công giáo là tin vào sự sống đời sau, tin có linh hồn bất tử.

- Vì sống trong vùng đất lấy nền kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo, cho nên dân tộc Việt Nam có rất nhiều lễ hội: nào là lễ tạ ơn được mùa, lễ cầu bình an, lễ cầu mùa… và sau đó là những cuộc vui chơi hội hè. Nơi đạo Công giáo cũng có những nghi lễ phụng vụ trong suốt cả năm, và những nghi lễ này cũng đáp ứng được cho dân chúng nhu cầu sinh hoạt lễ hội như lễ Giáng sinh, ngày chầu lượt, mừng thánh quan thầy mỗi làng mỗi khu …

- Một nét tương hợp nổi bật nữa mà ta gặp thấy rõ nơi hai nền văn hóa đó là đức bác ái, yêu thương. Điều này xem ra không có gì xa lạ với tâm thức và đời sống của người dân Việt. Ngay từ thời thơ ấu, mỗi người dân Việt đã được dạy, được ru bằng những lời nhân ái “Bầu ơi thương lấy bí cùng; Thương người như thể thương thân…”. Và hơn nữa, bài học yêu thương chung thủy trong tình nghĩa vợ chồng của đạo Công giáo lại rất phù hợp và thích ứng với phép tắc ứng xử trong gia đình Nho giáo Việt Nam. Tuy nhiên, ở đây, đạo Công giáo có một điểm trổi vượt đó là đề cao giá trị của người phụ nữ, phá bỏ tục đa thê, chống đối việc ly dị và bảo vệ hôn nhân theo chế độ một vợ một chồng… Điều này rất phù hợp với tâm thức của nhiều người tiến bộ khi muốn phá bỏ vòng lễ giáo trói buộc của luân lý đạo Nho.

Những điều so sánh để tìm ra sự tương hợp vừa nêu tuy cũng có tạo được mẫu số chung, nhưng chưa phải là tất cả, và chắc chắn cũng không thể vì thế mà chúng ta có thể lạc quan ngây thơ để nói rằng việc loan truyền đức tin Công giáo cho những người Việt Nam là một công việc đơn giản và dễ dàng. Nhưng như lịch sử đã chứng minh và phần đầu bài viết đã đề cập, việc gieo vãi hạt giống Tin Mừng trên cánh đồng Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, và chính những yếu tố nhiều khi là thứ yếu này, đã là một tác nhân lớn để làm trì trệ công việc rao giảng Tin Mừng

b. Truyền giáo là làm “sáng cái đức sáng”


Trong Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám Mục Á châu, các giám mục Việt Nam có nói rằng:
Truyền giáo không phải là giới thiệu một Thiên Chúa, một Đức Kitô hoàn toàn xa lạ, mà một cách nào đó, có thể nói là làm “sáng cái đức sáng” (minh minh đức) vốn đã hiện hữu tiềm tàng, hay giúp người ta “ngộ” được cái chân lý, mà theo Công đồng Vatican II, đã có phần nào trong các tôn giáo khác[19], đặc biệt là của Á châu. Hay theo cung cách của chính Chúa Giêsu, là nói cho họ biết Thiên Chúa đang ớ giữa họ, ngay trong lòng họ[20].
Và như vậy, truyền giáo có nghĩa là đem cái đức sáng Tin Mừng hội nhập vào trong những cái đức sáng đang tiềm tàng ẩn chứa trong lòng các dân tộc, trong dòng chảy của các nền văn hóa nơi các dân tộc Á châu: đó là niềm tin vào Thượng đế, vào Ông Trời đang hiện hữu và mối tương quan của con người đối với Thượng đế… đây là những chân lý mà đã có phần nào trong các tôn giáo khác[21]. Thứ đến là phải nhìn thấy những đức tính nhân bản được tỏ bày trong cuộc sống thường ngày của các dân tộc Á châu như : yêu điều chân thiện, hiếu hòa, sự yêu thương thân ái đối với mọi người được gói gém trọn vẹn trong chữ nhân: nhân nghĩa, nhân ái. Và khi biết hội nhập hai đức sáng lại với nhau thì một cách nào đó, Giáo hội đã giúp cho họ “ngộ” được các chân lý, là nói cho họ biết Thiên Chúa đang ở giữa họ, ngay trong lòng họ bây giờ và tại đây. Điều này xem ra lý tưởng và mang đầy tính lý thuyết. Bởi vì ngay tại Việt Nam chúng ta thôi, trong công cuộc truyền giáo của mình, Giáo hội không những đã không làm sáng cái đức sáng, mà chỉ biết đem những cái đức sáng xa lạ của mình đến để áp chế, để khử trừ các đức sáng nơi các dân tộc khác như việc phá bỏ niềm tin vào “Ông Trời”, là nguyên uỷ của mọi loài, và theo tư tưởng của Nho Giáo, “Trời” của các dân tộc Á đông trong đó có người Việt Nam là chủ tể của Vũ trụ, điều hòa mọi biến hóa[22]… để thay vào đó là một Thiên Chúa, một Đức Chúa Trời theo giáo lý Công giáo; hay một sự việc khác mà các nhà truyền giáo đã “đụng chạm” đến là đạo hiếu của các dân tộc Á châu, đặc biệt là của người Việt Nam. Đạo hiếu là một đặc tính của đạo tâm, làm cho con người tỏ lòng thành kính đối với cha mẹ, tiền nhân. Và Giáo hội đã gây “sốc” cho các dân tộc này khi cấm đoán họ bày tỏ lòng hiếu thảo của mình đối với tổ tiên của họ. Giáo hội không hiểu được rằng Đạo thờ kính tổ tiên chẳng những không đối nghịch với đạo Thiên Chúa, mà còn là điểm tựa, một bước khởi đầu thuận lợi, là một lối đi dễ dàng, gần gũi nhất có thể đưa họ vào đạo Thiên Chúa. Tình yêu đối với ông bà cha mẹ không làm cho chúng ta xa cách đối với tình yêu Thiên Chúa, mà còn đặt chúng ta vào trong tương quan với “Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” vậy[23]. Nếu biết dung hòa, khéo léo, tôn trọng người dân bản địa và nếp sống văn hóa của họ để biết thích nghi, hội nhập thì chắc chắn việc truyền giáo của Giáo hội tuy vẫn có khó khăn, nhưng xem ra vẫn có thể được chấp nhận cách dễ dàng.

c. Hội nhập văn hóa – đem đức tin vào hồn dân tộc


Như chúng ta đã cùng thừa nhận ở phần trên, khi hội nhập văn hóa là ta đang làm một cuộc nối kết, một cuộc giao duyên giữa nền văn hóa Việt Nam và nền văn hóa Tin Mừng; hay nói một cách cụ thể hơn là ta đang tháp nhập Tin Mừng của đức Kitô vào trong đời sống của một người Việt Nam để trở thành người Công giáo Việt Nam. Như vậy, ở nơi chủ thể người này, chúng ta thấy có hai yếu tố là Công giáo và người Việt Nam. Và để cho việc hội nhập này được nhịp nhàng, ăn ý và triển nở tới mức cao nhất thì cả hai bên phải luôn biết gìn giữ bản sắc độc đáo của mình để không bị trộn lẫn , không bị hòa tan trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận là đối với nhiều người Việt Nam hôm nay, người ta vẫn xem Công giáo là đạo ngoại lai, và họ vẫn hiểu và vẫn nghĩ rằng theo đạo là bỏ cha mẹ ông bà, bỏ dân tộc. Đây là một sự hiểu lầm đáng tiếc cho các thừa sai Tây phương khi họ theo chân các tàu buôn của những thực dân nước ngoài để đến truyền giáo Việt Nam; và sự hiểu lầm này còn in dấu sâu đậm trong tâm trí của nhiều người Việt Nam hôm nay. Và cũng là một điều đáng tiếc khác nữa cho các vị hữu trách của Giáo hội lúc bấy giờ khi ra lệnh cấm tập tục thờ cúng tổ tiên của người dân Việt.

Mặt khác, những người Công giáo Việt Nam chúng ta, ngay cả những người thuộc tầng lớp trí thức có mấy ai thấm nhiễm được cái hồn, cái tinh túy của dân tộc mình. Trong tiến trình toàn cầu hóa của thế giới hôm nay, thì việc này vốn trước đó đã không mấy khởi sắc thì nay lại càng phai lạt và bị tiêu hao đi nhiều: lời ru câu hò thuở còn nằm nôi của các em các cháu đã mất; lễ hội giỗ chạp hàng năm cũng mất ý nghĩa dần; rồi những tinh hoa dân tộc trong các điệu hát, câu hò, câu đối lời thơ… còn có mấy ai thuộc, ai nhớ để giư, để sống trong cuộc sống thường ngày… Và như vậy, khi tâm hồn người Công giáo Việt Nam đã không nắm bắt, không thấm nhiễm cái hồn, cái thần của nền văn hóa Việt Nam thì mọi nỗ lực cho việc về nguồn, việc hội nhập văn hóa chỉ đều là những phong trào mang tính nhất thời nếu không muốn nói là a-dua, chạy theo “mốt”. Và như vậy thì làm sao có thể sáng tác được những bài nhạc, bài thơ Công giáo mang đậm hồn Việt; và làm sao có thể xây dựng được những lễ nghi, những kiến trúc tôn giáo theo tính cách Việt Nam ?

Như vậy, nói theo cách nói của giáo sư Nguyễn khắc Dương, “việc hội nhập văn hóa không phải là cố gắng một cách duy ý chí khiên cưỡng bắt chước những tác phẩm đã được thể hiện trong quá khứ mà chính mình phải làm sao: một mặt thì mình không còn sống nữa như lời thánh Phao lô đã nói “chính Đức Kitô đã sống trong tôi” và mình là kẻ làm mối cho Ngài, kết duyên phu phụ với các nền văn hóa dân tộc cũng đang sống động trong chính mình”[24].

Rút ra bài học từ mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, việc hội nhập văn hóa không phải là một sự hòa tan mất hẳn chính mình vào trong một thực tại khác, nhưng là một sự phối hợp, kết duyên nhuần nhuyễn nhịp nhàng để từ đó phát sinh ra những hoa trái là một nền thần học Việt Nam.

d. Hội nhập văn hóa – hòa đồng chứ không đồng hóa


Ngày nay, dưới ánh sáng của Công đồng vatican II, Giáo hội đã có được cái nhìn đổi mới, cởi mở, rộng rãi và thân ái hơn đối với nền văn hóa của các dân tộc khác. Nhiều công việc của Giáo hội đã được thực hiện để làm cho Tin Mừng có thể dễ dàng thích ứng và hội nhập vào các nền văn hóa của các dân tộc như: Việc phiên dịch các bản văn Thánh kinh, các bài giáo huấn… sang tiếng địa phương, nghi lễ phụng tự mang tính đặc trưng của mỗi dân tộc ngày một nhiều và rõ nét hơn. Đem nghi lễ phụng tự thích ứng vào các sinh hoạt cộng đồng của người bản địa như tổ chức Thánh lễ tạ ơn cuối năm nhân dịp Giao thừa, lễ Minh niên đón năm mới; đáp ứng nhu cầu mang nét “lễ hội” của cộng đồng làng xã… Và hơn nữa, Giáo hội còn biết trình bày một nền tu đức mang tính chiêm niệm, đề cao sự sống tâm linh rất sâu, rất mạnh và gần gủi với sức sống nội tâm của các dân tộc Á châu như tổ chức tĩnh tâm, cổ võ sự thinh lặng để mỗi người tự khám phá ra được nội lực sâu thẳm trong tâm hồn mình.

Từ sau Công đồng vatican II, Giáo hội đã có nhiều cố gắng và nỗ lực canh tân trong việc truyền giáo, nhưng kết quả xem ra còn quá khiêm tốn ở con số các tín hữu xin gia nhập đạo Công giáo như đã nói ở phần trên; và hơn nữa dường như là chựng lại và có phần tụt dốc[25].

Đứng trước sự kiện này, một số anh chị em tín hữu thiện chí đề nghị rằng, nên chăng Giáo hội cần phải sửa đổi nền Phụng vụ, hay tư tưởng giáo lý để có sức hấp dẫn thu hút giới trẻ và những người khác hơn? Hay là cần phải có một hình thức sống động nào khác để lôi kéo mọi người đến cùng Giáo hội. Thiết nghĩ điều này không đúng và không nên thực hiện. Không đúng bởi lẽ là dân tộc Việt Nam ta nói riêng và các dân tộc tại lục địa Á châu nói chung rất trọng Lễ, trọng việc tế tự “Lễ tất chí ký nghiêm, tang tất chí kỳ ai” (nghĩa là : khi tổ chức phải cử hành hay tham dự các lễ nghi, các cuộc lễ tế thì tất yếu phải có thái độ nghiêm trang, phải cung kính. Cũng vậy trong gia đình có tang hay khi thăm viếng nơi tang chế, cũng phải có thái độ đau buồn chia sẻ, tránh bỡn cợt, cười đùa). Bởi Tế là một trong bốn việc trọng đại nhất trong nền văn hóa của các dân tộc vùng này[26]. Do vậy, nếu chúng ta sửa đổi hình thức tế tự trong phụng vụ cho rộn ràng hơn, hào nhoáng rầm rộ hơn nhằm thu hút và “giữ chân” được nhiều người hơn thì điều này quả thật là chúng ta đang làm một việc vừa phản văn hóa, vừa phản Tin Mừng. Hơn nữa, chúng ta cũng không nên thực hiện điều này bởi lẽ nếu chúng ta dễ dãi, xuề xòa để lấy lòng dân, để chiều theo ý của đám đông dân chúng theo kiểu ép mình để đáp ứng thị hiếu của số đông thì còn đâu là giáo lý chính truyền, là nét tinh túy trong Tin Mừng của đạo Chúa Kitô; và như vậy là chúng ta đã đánh mất chính mình. Và khi sống trong tình trạng vong thân, nghĩa là không còn giữ được bản sắc tinh nguyên của mình nữa; thì như vậy liệu chúng ta có thể thu hút được người khác theo đạo của mình chăng ? Và một nền đạo lý vong thân như thế thì liệu có được sự vững bền ?

Khi truyền giáo cho một dân tộc, là chúng ta đang làm một cuộc đối thoại, trao đổi với một dân tộc, một nền văn hóa khác. Như vậy, thách đố gay go nhất ở đây là làm sao thực hiện tốt hành trình truy tìm chân lý cách chân thành và đích thực, không áp đặt quan điểm của mình trên người khác, nhưng đồng thời cũng không đánh mất căn tính riêng của mình[27]. Và như vậy, việc hội nhập Tin Mừng vào một nền văn hóa khác là ta cùng hòa đồng chứ không đồng hóa. Điều này được minh hoạ bởi chính thái độ của Đức Giêsu đã được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Gioan trong bài diễn từ về Bánh Trường Sinh: Khi giới thiệu cho người Do Thái về Bánh Trường Sinh là chính Thân Thể của Đức Kitô, họ không thể hiểu và đón nhận được bài giáo lý chói tai và vô lý này và đã lần lượt bỏ Ngài mà ra đi. Nhưng Đức Kitô không vì thế mà sửa đổi hay “bẻ cong” lời giáo huấn hay sứ điệp của Ngài; và Ngài còn mạnh dạn chất vấn luôn với các môn đệ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?” (Ga 6,67). Và như vậy, chúng ta thấy trong việc rao giảng Tin Mừng, Đức Kitô đã rất khéo léo trong việc hội nhập văn hóa của người Do Thái khi sử dụng những từ ngữ và hình ảnh thân thương, quen thuộc như cây nho, chuồng chiên, chiên xóa tội, hy lễ đền tội… Nhưng Ngài vẫn giữ được giáo lý tinh tuyền của mình măc dầu có nhiều người không chấp nhận, chống đối, bỏ đi…

4. Tạm kết luận


Rao giảng Tin Mừng cho một dân tộc là chúng ta thực hiện một cuộc gặp gỡ, mở ra một cuộc hội ngộ giữa một bên là sứ điệp của Tin Mừng Nước Thiên Chúa và bên kia là lối suy nghĩ, tâm thức và nền văn hóa của một dân tộc. Và như vậy, trong cuộc hội ngộ này, ý tưởng áp đặt hay trấn áp nhằm loại bỏ “đối phương” là một điều không thể xảy ra và không thể chấp nhận được. Nhưng điều cần thiêt và cần làm ở đây là phải biết khéo léo hội nhập văn hóa: đem nền văn hóa Kitô giáo vào hội nhập với nền văn hóa bản địa để cùng nhau làm sáng cái đức sáng lên; mà ở đây cũng cần phải nói rõ là mỗi bên phải thật sự được thấm nhiễm, được “trang bị” đầy đủ cái tinh túy, cái hồn của mình. Tuy nhiên, việc hội nhập này cần phải cẩn trọng và khéo léo để luôn giữ được bản sắc và căn tính của mình. Có như vậy, Giáo hội mới luôn giữ được nét tinh nguyên và tông truyền của đạo lý Giáo hội Chúa Kitô; cho dầu có thể vì đó mà kết quả gặt hái trong việc truyền giáo có phần khiêm tốn. Thế nhưng, trong niềm tin, chúng ta vẫn biết rằng Thần Khí của Thiên Chúa vẫn luôn tác động nơi các dân tộc tại lục địa Á châu, thì chúng ta càng tin rằng Thiên Chúa sẽ luôn hiện diện trong lòng các dân tộc này và sẽ dẫn đưa họ về cùng tin nhận một Chúa Ba Ngôi và sống trong một Giáo hội duy nhất nhờ những cố gắng truyền giáo bằng các hình thức đối thoại, hợp tác, âm thầm cầu nguyện và làm chứng của mỗi người tín hữu chúng ta hôm nay.

Tài liệu tham khảo chính


  • Công đồng Vatican II.
  • Vũ Kim Chính, Suy tư và đóng góp cho thần học Việt Nam.
  • Đào Trung Hiệu , Cuộc Lữ Hành Đức Tin.
  • Nguyễn Ngọc Sơn, Giới trẻ và Giáo hội Việt Nam.
  • Hội đồng Giám mục Việt Nam, Bản tin Hiệp Thông, số 13-14 – tháng 10.2002
  • Nguyễn Khắc Dương, Hội nhập văn hóa, vấn đề hay huyền nhiệm.
  • Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học tôn giáo.
  • Thiện Cẩm, Tiếng hát mỗi dòng sông.
  • Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam.
  • L. Cadiere, Về văn hóa và tin ngưỡng truyền thống người Việt Nam.

[1] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Bản tin Hiệp Thông, số 13-14 - Tháng 10/2002.
[2] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học tôn giáo, tr. 88.
[3] X. Lm Đào Trung Hiệu – Cuộc Lữ Hành Đức Tin – Bài đọc thêm, tr. 82.
[4] Nguyễn Ngọc Sơn, Giáo trình Kitô học, tập 1, tr. 55.
[5] Sđd., tr. 56.
[6] X. Apologia 1,46.
[7] Vatican II, Gaudium et Spes, số 22.
[8] Vatican II, Notra, Aetate số 2
[9] Sách Đại Học 1.
[10] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học về tôn giáo, tr. 13.
[11] Thiện Cẩm, Tiếng hát mỗi dòng sông, tr. 35.
[12] Đào Trung Hiệu, Cuộc Lữ hành đức tin - Bài đọc thêm, tr. 44.
[13] Đào Trung Hiệu, Cuộc lữ hành đức tin, tr. 85.
[14] Tông huấn Giáo Hội tại Á châu, số 2.
[15] Chữ văn hóa ở đây xin được hiểu là bao gồm trên các lãnh vực, tín ngưỡng, phong tục…
[16] Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập 1, tr. 186-187.
[17] Huy thông, Toạ đàm một số vấn đề về văn hóa và Công giáo tại Việt Nam, Toà TGM Huế 2000.
[18] L. Cadière, Về văn hóa và tin ngưỡng truyền thống người Việt Nam, Hà Nội 1997, tr. 105.
[19] X. Nostra Aetate số 2 đoạn cuối.
[20] Vì không tìm được bản gốc của tài liệu, xin được trích thông qua bài viết của: Lm Thiện cẩm, Tiếng hát mỗi dòng sông, tr. 92.
[21] CĐ Vatican II, sđd., số 2
[22] Lm Vũ Kim Chính, Suy tư và đóng góp cho thần học Việt Nam, tr. 120.
[23] Thiện Cẩm, sđd., tr. 201.
[24] Nguyễn Khắc Dương, Hội nhập văn hóa, vấn đề hay huyền nhiệm - Tài liệu hội thảo “Bốn mươi năm sau Vatican II nhìn lại”.
[25] X. Nguyễn Ngọc Sơn, Giới trẻ và Giáo hội Việt Nam, tr. 58.
[26] Bốn việc trọng đại đó là : Quan: gia đình có người được làm quan; Hôn: lo việc hôn nhân cho một thành viên trong gia đình, gia tộc; Tang: việc tang ma, hậu sự cho một thành viên trong gia đình, gia tộc; Tế: Việc tế lễ, cúng tế với Trời, với thần linh
[27] Nguyễn Thái Hợp, sđd., tr. 54.