Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

GIÁO DỤC LƯƠNG TÂM GIỚI TRẺ THEO TINH THẦN KITÔ GIÁO

Thời sự Thần học – Số 2 (tháng 3/2008), tr. 59-75

_Quốc Quang 🙋


Dẫn nhập


Trong quá trình làm người, mỗi người nhận được biết bao nguồn giáo dục khác nhau: giáo dục tại gia, giáo dục tại trường lớp, giáo dục nơi Giáo hội… Tất cả những nền giáo dục ấy đều nhằm mục đích đào tạo nên một con người toàn diện cả về nhân bản lẫn tâm linh. Trong mỗi lĩnh vực con người nhận được một nền giáo dục khác nhau. Khi nhắc về vấn đề giáo dục người ta dễ dàng liên tưởng đến việc giáo dục văn hóa tại trường lớp mà quên đi mảng giáo dục về tinh thần đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành nên con người. Vấn đề giáo dục tinh thần quan trọng hơn cả có lẽ là vấn đề giáo dục lương tâm.

Vấn đề lương tâm không hẳn là vấn đề của lĩnh vực luân lý nhưng nó là vấn đề của toàn xã hội. Cho dù người có tôn giáo hay không tôn giáo vẫn cảm thấy mình phải làm điều thiện tránh điều ác. Con người có tâm ngay thẳng sẽ xây dựng một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hôm nay, vấn đề lương tâm đang là vấn đề nhức nhối của thời đại. Sống trong xã hội văn minh tiên tiến, nhưng gần như con người lại đang đánh mất lương tâm của mình. Đặc biệt trong giới trẻ, họ không còn cảm nhận được sự thôi thúc làm điều lành, tránh điều ác, họ hành động một cách xem thường luân lý, đạo đức, đôi lúc mất hết lương tâm. Vì thế vấn đề giáo dục lương tâm cần phải đặt lại.

Cách riêng, Giáo hội Công giáo có đường hướng giáo dục riêng của mình. Ngoài việc giáo dục để rèn luyện nhân cách con người sống hữu ích cho cộng đồng, giáo dục Kitô giáo còn nhắm đến việc giáo dục con người trở nên con Thiên Chúa.[1] Hơn thế nữa, trước thực trạng xuống cấp về tình trạng luân lý, đào đức của giới trẻ, giáo dục Kitô giáo ngà nay nhấn mạnh đến việc giáo dục lương tâm.[2] Vậy Kitô giáo bằng hình thức giáo dục nào mới có khả năng đưa lương tâm người trẻ trở về với nẻo chính đường ngay?
 

I. Giới trẻ và lương tâm

 

Giới trẻ và những cơn khủng hoảng trong thời đại mới


Thế giới đang biến đổi từng ngày do bàn tay và khối óc của con người tác động lên nó. Các công trình nghiên cứu, những phát minh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật ra đời được tính bằng cấp số nhân làm cho thế giới đạt đến nền văn minh vượt bậc. Sống trong xã hội mà các ngành khoa học chế tạo máy đã phát triển thay thế cho lao động chân tay, con người dường như cảm thấy mình được thỏa mãn mọi nhu cầu trong cuộc sống. Cả guồng máy sản xuất hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ con người cách tốt nhất, nhanh nhất, rẻ nhất. Đã qua rồi thời kỳ con người chỉ biết ăn no mặc ấm để tiến đến thời kỳ ăn ngon mặc đẹp. Mọi thứ như đang mời chào con người đến để hưởng dùng.

Trong xu hướng phát triển của xã hội, giới trẻ là thành phần nhạy cảm nhất với những thành tựu của khoa học kỹ thuật. Bởi lẽ họ là một bộ phận được thừa hưởng những thành quả ấy và là người tiếp bước trên con đường khoa học để đưa thế giới này bước sang trang mới. Tuy sống trong một xã hội văn minh, tiến bộ và đầy đủ tiện nghi như thế nhưng người trẻ hôm nay đang rơi vào trong cuộc khủng hoảng về ý nghĩa và căn tính của đời mình. Đôi lúc các bạn trẻ cảm thấy mình như bị cô đơn và trống rỗng.
Khủng hoảng về căn tính và ý nghĩa của cuộc sống.

Khi đọc các tập sách phóng sự của tác giả Cù Mai Công và Vương Liễu Hằng bàn về giới trẻ Việt Nam, người ta không khỏi giật mình về những sinh hoạt không lành mạnh và không đúng đắn của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Tất cả những hành động ấy như muốn nói lên rằng giới trẻ đang rơi vào trong cơn khủng hoảng mới của thời đại – khủng hoảng về ý nghĩa đời mình.

Trong cuộc sống, hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, người ta đều phải có lối đi rõ ràng hay nói cách khác họ phải có định hướng. Tuy nhiên giới trẻ hôm nay lại đang loay hoay để đi tìm định hướng cho đời mình. Không thiếu những người trẻ đang dần đánh mất hướng đi của mình do các trào lưu của xã hội hiện đại bày ra trước mắt họ. Điển hình là trào lưu tục hóa bành trướng theo đà phát triển của khoa học đã nhận chìm giới trẻ trong cơn mê của trào lưu hưởng thụ. Trào lưu này đã làm cho giới trẻ hôm nay “gần như chẳng còn một lý tưởng nào để tranh đấu và để sống! Các ý thức hệ lớn đã bị sụp đổ, bây giờ phải sống và đối diện với vực thẳm vô nghĩa của một xã hội tiêu thụ. Trong một mức độ nào đó, họ là nạn nhân của buổi giao thời, đang lần mò, quờ quạng trong tăm tối, với tâm sự bi đát và nỗi niềm lo riêng… để tìm một hướng đi cho cuộc sống.”[3] Các hiện tượng phi chuẩn mực hay tha hóa trong tầng lớp người trẻ hôm nay có thể nói đều xuất phát từ hiện trạng bị chao đảo trong cơn bão thực dụng. Nhiều bạn trẻ cảm thấy chán sống vì họ không tìm được ý nghĩa cho đời mình. Khi không tìm được ý nghĩa sống, người trẻ dễ rơi vào những tệ nạn của xã hội. Chính lối sống không định hướng làm cho người trẻ hôm nay trở nên hoang mang, bất mãn với hiện tại, thích hưởng thụ mà không lao động.[4] Bên cạnh hiện trạng sống không định hướng, người trẻ hôm nay còn rơi vào một cuộc khủng hoảng khác – khủng hoảng về luân lý, đạo đức.

Khủng hoảng về luân lý, đạo đức


Một số bậc phụ huynh cho rằng nền luân lý đạo đức của giới trẻ ngày nay đang xuống dốc một cách trầm trọng. Truyền thống đạo đức của cha ông hầu như không được mấy người trẻ quan tâm, để ý. Mọi hành động của người trẻ hôm nay đều dựa trên tự do, điều mà họ cho rằng họ có quyền sử dụng nó một cách tối đa. Chính vì lẽ đó, thảm trạng sống thử trước hôn nhân, phá thai tại các thành phố lớn đang là vấn đề đau nhức của của các nhà luân lý. Đối với người trẻ hôm nay, vấn đề luân lý, đạo đức không còn một tác động nào đối với họ. Xã hội sẽ phải tự hỏi đâu là nguyên nhân của thảm trạng này?

Khoa học hôm nay đã giải quyết được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống mà trước đây con người vẫn coi đó là các hiện tượng của thần linh. Vì vậy, khoa học như đang muốn giản lược Thiên Chúa vào trong thế giới và nhắm đến chiều kích của con người tại thế. Điều này làm cho phong trào khử thiêng tục hóa được khai sinh. “Trào lưu tục hóa tự bản chất và định nghĩa là một phong trào về tư tưởng và thái độ chủ trương một nền nhân bản tuyệt đối không có Thiên Chúa, hoàn toàn tập trung vào sự sùng bái hành động vẩn xuất, bị thu hút bởi sự say mê hưởng thụ và tìm kiếm hưởng lạc mà không quan tâm gì đến mối nguy “mất linh hồn.” Thế nào trào lưu tục hóa cũng làm hao mòn cảm thức về tội. Cùng lắm tội chỉ còn là một điều xúc phạm đến con người.”[5] Như thế, trào lưu tục hóa đã làm cho giới trẻ ngày nay không còn cảm thức về tội, và họ có quyền hành động mà không quan tâm đến vấn đề luân lý, đạo đức. Nói cách khác, tiếng nói thâm sâu nơi người trẻ là tiếng nói của lương tâm không còn vang vọng trong đời sống của họ.

Người ta vẫn nói người trẻ hôm nay không hành động theo lương tâm, hay mạnh hơn nữa người trẻ không còn lương tâm, vậy lương tâm là gì?

Tổng quan về lương tâm


Khi nói đến lương tâm, thường người ta sẽ hiểu đó là phần linh thiêng và sâu thẳm nhất, nơi con người giáp mặt với chính mình và nghe tiếng gọi của Đấng Tuyệt Đối. Vậy cách hiểu này đã đủ hay chưa? Và nó phù hợp với định nghĩa của Giáo hội?

Định nghĩa lương tâm theo thánh Thomas.


Lương tâm là sự phán đoán của lý trí thực tiễn về giá trị luân lý của việc ta sẽ làm hay đã làm, căn cứ theo những nguyên tắc luân lý.

Theo thánh Thomas lương tâm là sự phán đoán của lý trí thực tiễn có nghĩa rằng đó là lý trí hướng suy tư về hành động cụ thể. Lương tâm không phải là một suy tư trừu tượng, cũng không phải là hành động của ý muốn vì hành động của lương tâm không phải là muốn hay không muốn điều gì, nhưng là xét đoán việc phải hay trái.

Lương tâm có nhiệm vụ áp dụng các nguyên tắc luân lý vào từng trường hợp cụ thể, nó không phê phán các nguyên tắc luân lý đó và cũng không có quyền tự quyết về thiện ác.

Lương tâm theo đạo lý truyền thống của Giáo Hội.


Về bản chất của lương tâm Thánh công đồng Vaticanô II trong Hiến chế về mục vụ trong Giáo hội ngày nay viết: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em, và được biểu lộ cách kỳ diệu.”[6]

Giáo lý Công giáo cũng đã xác định một cách rõ rệt: “Lương tâm hiện diện trong lòng người và ra lệnh đúng lúc cho con người làm lành lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu. Lương tâm chứng nhận thế giá của chân lý bằng cách quy chiếu về Thiên Chúa là sự thiện tối thượng, Đấng thu hút và ban mệnh lệnh cho con người. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình.”[7]

Như thế, lương tâm là nơi sâu thẳm nhất của con người, nhờ đó con người nhận biết điều lành điều dữ, đồng thời giúp con người hành động để chu toàn bổn phận làm người của mình. Mỗi người đều phải tuân theo chỉ thị của lương tâm vì đó là tiếng nói cuối cùng mà con người có thể nghe được Lời của Thiên Chúa. Theo lẽ đó, con người có quyền lợi và nghĩa vụ tuân theo tiếng nói của lương tâm.

Tuy nhiên “Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, phẩm giá ấy phải được hưởng tự do và được hướng dẫn theo phán đoán của chính con người. Điều này hoàn toàn nổi bật nơi Chúa Kitô, nơi Người, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình và những đường lối của mình một cách trọn hảo…”[8] Con người luôn có tự do để hành động theo lương tâm của mình vì vậy “không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo tiếng lương tâm nhất là trong lãnh vực tôn giáo. Vì việc hành đạo, tự bản chất, trước hết ở tại những hành vi ý chí và tự do bên trong, hướng con người thẳng tới Thiên Chúa. Những hành vi này không thể bị một quyền bính thuần nhân loại nào ép buộc hay ngăn cản.”[9] Con người có quyền tự do để hành động theo lương tâm của mình và không có một ai có quyền ngăn cản một con người hành động theo lương tâm của mình. Tuy nhiên, người ta sẽ tự hỏi, nếu con người luôn hành động theo lương tâm thì liệu lương tâm của con người có hoàn toàn đúng để hướng dẫn mọi hành động hay không?

Vấn đề lương tâm có thể sai lầm hay không đã được tranh luận rất nhiều nhưng Đức Thánh cha Gioan Phaolô II trong thông điệp Veriatis Splendor đã công nhận rằng: “các phán đoán của lương tâm luôn có nguy cơ sai lầm. Lương tâm không đưa ra một phán đoán vô ngộ: lương tâm có thể sai lầm.”[10] Như thế, lương tâm không phải lúc nào cũng đưa ra các phán đoán đúng nhưng lương tâm vẫn có thể sai lầm, nhưng điều quan trọng nằm ở chỗ sai lầm ấy khả thắng hay bất khả thắng. Trong trường hợp lương tâm sai lầm bất khả thắng không làm mất phẩm giá và tính bắt buộc. Nó vẫn là tiêu chuẩn gần cho hành động luân lý.[11] Công đồng Vaticanô II cũng đã xác nhận: “lương tâm nhiều khi lầm lạc vì vô tri bất khả thắng, nhưng cũng không vì thế mà mất hết phẩm giá. Nhưng không thể nói như vậy khi con người ít lo lắng tìm kiếm điều chân và điều thiện cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng.”[12]

Đối nghịch với lương tâm lầm lạc vì vô tri bất khả thắng là lương tâm sai lầm khả thắng. Con người không thể hành động với lương tâm sai lầm khả thắng, vì sai lầm khả thắng luôn là một sai lầm có trách nhiệm.

Bạn trẻ và vấn đề lương tâm


Như trên đã trình bày, người trẻ hôm nay đang rơi vào cơn khủng hoảng của ý nghĩa và căn tính về chính đời sống của họ. Bên cạnh đó, họ lại rơi vào trong tình cảnh nền luân lý và đạo đức đang xuống dốc trầm trọng. Vì vậy, họ chẳng còn biết bám víu vào đâu để quy chuẩn cho hành động của mình. Mọi hành động của người trẻ bây giờ chỉ còn cách dựa trên phán đoán của họ hay nói cách khác dựa vào tiếng nói của lương tâm. Tuy nhiên lương tâm lại không phải là vô ngộ. Hơn thế nữa “trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng.”[13] Chính vì lẽ đó có thể giải thích những hoạt động không lành mạnh của giới trẻ hôm nay đa phần là do sự lệch lạc của tiếng nói lương tâm.

Nhân chi sơ tính bản thiện, nhưng do sống trong môi trường không được đào luyện lương tâm đúng đắn, lương tâm người trẻ dần trở nên xơ cứng, dẫn đến chai lì. Đứng trước một hành động cần đến sự phán đoán đúng sai, thì lương tâm lại rơi vào tình trạng bối rối nếu không muốn nói là sai lầm. Đôi khi do người trẻ mất cảm thức về tội nên lương tâm của họ cũng chẳng còn biết đâu là đúng, đâu là sai. Tệ hại hơn nữa, có nhiều bạn trẻ nại vào quyền tự do lương tâm để làm những gì mình cho là đúng.

Đứng trước thực trạng như thế đòi hỏi cần phải giáo dục lương tâm cho người trẻ. Bởi lẽ muốn người trẻ sống tốt và có ích cho đời, họ cần phải biết hành động thế nào cho đúng và điều này chỉ có nơi thâm sâu nhất của họ trả lời.

2. Giáo dục lương tâm cho giới trẻ


Giáo dục lương tâm cho người trẻ là điều cần thiết và bức bách trong giai đoạn xã hội đổi mới từng ngày, nhưng công việc giáo dục này nên bắt đầu từ đâu? Thiết nghĩ, công việc giáo dục lương tâm phải khởi đi từ con đường của sự thật, vì lương tâm là tiếng nói sâu thẳm và trung thực nhất nói cho con người làm lành lánh dữ.
 

Dẫn dắt người trẻ đi trên con đường chân lý


Trả lời một cuộc phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội thẳng thắn nói: "Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối đã trở thành thói quen hằng ngày của xã hội Việt Nam. Thói quen đó lặp đi lặp lại nhiều lần thành 'đạo đức', mà cái 'đạo đức' đó là rất mất đạo đức. Đó là một cái nguy nhưng tôi thấy ít người quan tâm." Sống trong môi trường gian dối con người dễ bị lây nhiễm và dần trở thành quen và cho rằng gian dối cũng chỉ là hiện tượng bình thường trong cuộc sống. Vì thế, gian dối tràn lan trong xã hội hôm nay và ngay cả trong lĩnh vực không ai ngờ tới là giáo dục nó cũng đã len lỏi vào.

Sống trong xã hội mà gian dối đã tràn lan ắt hẳn người trẻ cũng bị lây nhiễm ít nhiều. Do đó muốn giáo dục lương tâm cho người trẻ trước hết phải hướng dẫn họ đến và đi trên con đường của sự thật, của chân lý. Để có được một lương tâm trong sáng, điều trước tiên là phải tìm kiếm sự thật. Dựa trên sự thật ấy, lương tâm con người mới đưa ra những phát xét sau cùng. Tuy nhiên, sự thật ở đâu?

Đức thánh cha Gioan Phaolô II trong ngày quốc tế 27/11/1988 đã nói với các bạn trẻ: “Sự thật ở nơi Ngôi Lời của Cha: đó là điều chúng ta muốn nói khi nhìn nhận Đức Giêsu là sự thật. “Sự thật là gì?” Philatô đã hỏi Người. Bi kịch Philatô đã sống là sự thật đang đứng trước mặt ông nơi con người Đức Giêsu Kitô, mà ông đã không thể nhận ra được. Các bạn trẻ thân mến, bi kịch đó không nên tái diễn trong đời chúng ta. Đức Kitô là trung tâm của đức tin Kitô giáo, đức tin mà Hội thánh ngày nay đang công bố, cũng như đã luôn luôn công bố với mọi người: Thiên Chúa đã làm người.”[14] Sự thật mà Đức Thánh Cha muốn giới thiệu cho các bạn trẻ là sự thật về Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã làm người và “cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14) Hơn thế nữa, Giáo hội và tất cả mọi người đều phải loan báo cho toàn thế giới về “Sự Thật, đó là Đức Giêsu Kitô.”[15]

Đức Giêsu nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), vì thế hướng người trẻ đi trên con đường của sự thật chính là đưa họ đến gần với Đức Giêsu hơn. Nói cách khác, chỉ Đức Kitô mới thỏa mãn cơn khát sự thật về Thiên Chúa, về con người, về cuộc đời và thế giới. Với sự thật của Đức Giêsu, các bạn trẻ sẽ có thêm sức mạnh để đương đầu với những thách đố của thời đại, những vấn đề lớn của cuộc đời, những gian dối, lừa lọc của những thú vui lạc thú, của cải vật chất và những nguy hiểm của những tệ nạn xã hội hôm nay. Nơi sự thật là Đức Giêsu, người trẻ được tăng cường mọi năng lực và củng cố nhận thức về sứ mạng của mình.[16]

Tóm lại, để lương tâm người trẻ trở nên trong sáng trước những thách đố của sự giả tạo của trần thế, trước tiên cần hướng dẫn họ đến với sự thật là Đức Kitô. Chỉ nơi Đức Kitô người trẻ mới tìm được sự thật và cũng chính Người sẽ dẫn dắt họ trên con đường của Chân lý. Một khi gặp gỡ được Đức Kitô, lương tâm của người trẻ mới tìm thấy sự thật để hướng dẫn họ làm điều thiện và tránh điều ác.

Tuy nhiên hướng người trẻ về Đức Kitô mới chỉ là một chiều kích mang tính hướng thượng, song song đó cần phải hướng dẫn người trẻ can đảm đối diện với lương tâm của mình.

Khôi phục cảm thức đúng đắn về tội


Trào lưu tục hóa và khuynh hướng hưởng thụ đã làm cho người trẻ ngày nay dần mất đi cảm thức về tội. Điều này có nghĩa rằng, giới trẻ hôm nay không cảm thấy mình có tội, tự giảm chức năng của tội, hoặc tội phong trào: người ta làm được mình cũng làm được. Như thế, tội lỗi không còn khả năng làm cho lương tâm người trẻ bị dày vò hay cắn rứt nữa. Người trẻ triền miên phạm tội và mức độ tội ác ngày càng gia tăng, nhưng chính họ không cảm thấy mình có tội và ra như họ đã được miễn nhiễm với tội lỗi. Đánh mất cảm thức về tội, bất chấp nền luân lý và đạo đức, giới trẻ đang mang bộ mặt “lang sói”. Họ tự hủy diệt những mầm sống, những đứa con vô tội được trao cho họ. Trước thảm cảnh như thế, người ta chỉ còn biết kêu gào đến tiếng nói lương tâm của các bạn trẻ. Tuy nhiên, tiếng nói lương tâm của người trẻ đã tắt lịm từ bao giờ bởi họ đã đánh mất cảm thức về tội. Sự việc xem ra bị rơi vào vòng luẩn quẩn không thể thoát ra được. Vậy khôi phục cảm thức đúng đắn về tội nơi người trẻ phải bắt đầu từ đâu?

Trước tiên cần cho người trẻ hiểu rằng “tội lỗi như một phần trọn vẹn của sự thật về con người.”[17] như lời thánh Gioan: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.” (1 Ga 1,8-9) Con người là tội nhân, luôn yếu đuối, có khả năng phạm tội và có xu hướng phạm tội, vì thế phải cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Tuy nhiên cần thận trọng trong công việc này kẻo dễ đưa người trẻ vào tình trạng lương tâm bối rối, thấy đâu cũng là tội và rơi vào cơn khủng hoảng mặc cảm về tội.

Thứ đến, cần giáo dục người trẻ về hệ thống các nguyên tắc của lý trí và đức tin mà Hội thánh vẫn chủ trương.[18] Như trên đã trình bày, lương tâm là phán đoán của lý trí, nếu người trẻ bị “hổng” kiến thức về những nền tảng và tiêu chuẩn của hành động luân lý, ắt hẳn các phán đoán khó lòng đưa ra kết quả trung thực và đúng đắn. Để khắc phục tình trạng này, người trẻ phải được học hỏi giáo lý thánh thiện và vững chắc của Giáo hội và nền luân lý Kitô giáo.[19]

Bên cạnh đó, để khôi phục cảm thức về tội, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II trong tông huấn sám hối và hòa giải nhắc nhở thêm: “Điều này (khôi phục cảm thức về tội) sẽ được hỗ trợ nhờ một nền giáo huấn chân chính được soi sáng bởi Thần học Kinh thánh về Giao ước, nhờ việc chăm chú lắng nghe và tin tưởng đón nhận Huấn quyền của Hội thánh không ngừng soi dẫn các lương tâm và nhờ việc thực hành chu đáo hơn nữa Bí tích sám hối.”[20]

Cuối cùng là việc hướng dẫn người trẻ đến với nguốn suối ân sủng là các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Sám hối. Qua bí tích sám hối, người trẻ sẽ xem xét lại lương tâm của mình để nhìn nhận những thiếu xót, lỡ lầm. Không những hướng dẫn cho người trẻ đến với Bí tích sám hối khi mắc tội trọng mà nên khuyến khích họ năng đến với tòa cáo giải để xưng thú các tội nhẹ. Khi các bạn trẻ năng đi xưng tội, kể cả những lúc chỉ mắc tội nhẹ thì cũng giúp cho việc xét đoán của lương tâm được bén nhạy, chống lại những xu hướng thấp kém xấu xa, và tiến bộ trong đời sống tinh thần.

Tóm lại, để lương tâm của người trẻ nhận định đúng sai, thiện ác, cần cung cấp cho họ một hệ thống đạo lý và những tiêu chuẩn hành động luân lý. Dựa trên những cơ sở đó, lương tâm của người trẻ sẽ đưa ra phán đoán về các giá trị luân lý mà họ sẽ làm. Bên cạnh đó, cũng nên hướng dẫn họ trông cậy vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa qua Bí tích Giao hòa, cho dẫu họ đang phải đối mặt với những cam go của cuộc sống.
 

Xây dựng nền văn minh tình thương


Thật thiếu xót trong việc huấn luyện lương tâm nếu ta không nói đến việc xây dựng trong người trẻ nền văn minh tình thương. Xã hội mà các bạn trẻ đang sống là một xã hội của sự văn minh, nếu người trẻ không có lương tâm hoặc tiếng nói lương tâm bị lu mờ thì tác hại khủng khiếp biết là ngần nào. Khi đó, xã hội sẽ sống trong một nền văn minh sự chết, và rướm mùi chết chóc.

Thánh Augustinô khi chú giải Tin Mừng của thánh Gioan đã viết: “Cứ yêu đi rồi hãy làm điều gì bạn muốn.”[21] Lương tâm có sự hiện diện của tình yêu luôn mong muốn điều tốt lành cho người khác và cũng sẽ hành động theo xu hướng ấy như lời Đức thánh cha Bênêđichtô XVI: “Tình yêu là sức mạnh duy nhất có khả năng thay đổi tâm hồn con người và toàn thể nhân loại, làm cho những quan hệ giữa người nam và người nữ, giữa giàu và nghèo, giữa các nền văn hóa và văn minh được thêm kết quả phong phú…”[22] Vậy làm cách nào để tình yêu có thể hiện diện nơi lương tâm của người trẻ?

Giới trẻ chỉ có thể có được cái tâm yêu thương khi họ được ôm ấp trong môi trường của tình yêu, của sự yêu thương. Ơ bầu thì tròn, ở ống thì dài, sống trong môi trường được yêu thương như thế, ắt hẳn người trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương giành ho họ và tâm yêu thương của họ sẽ được khơi dậy. Hãy trao cho người trẻ tình yêu để họ làm bùng cháy tình yêu ấy trong mỗi hoàn cảnh sống của họ.

Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời với các bạn sinh viên: “Muốn xây dựng một nền văn minh tình thương, cần phải có những cá tính mạnh mẽ và kiên trì, sẵn sàng hy sinh và ước muốn mở ra những nẻo đường mới cho con người sống chung, vượt qua những chia rẽ và những chủ nghĩa duy vật khác nhau. Đây là một trách nhiệm của giới trẻ ngày nay, những kẻ sẽ là người lớn của ngày mai, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ Kitô giáo thứ ba.”[23] Theo lời của Đức Thánh Cha, cần khơi dậy sức mạnh tiềm tàng nơi người trẻ để chính họ vượt qua những thách đố xây dựng nền văn minh tình thương.

Lần khác Đức Thánh cha nói: “Thật quan trọng biết bao, việc giáo dục giới trẻ hướng tới “tình yêu đẹp đẽ” để kéo họ ra khỏi những cạm bẫy đang ra sức hủy hoại kho tàng tuổi trẻ của họ: ma túy, sự bạo động sự tội nói chung.”[24] Có thể nói rằng, chỉ khi nào giới trẻ được sống trong nền văn minh của tình thương, họ mới có được trái tim nhân ái và hành động đúng đắn theo tiến lương tâm chân thật.

3. Trách nhiệm giáo dục lương tâm


Giáo dục lương tâm luôn phải tiến hành trong suốt cuộc đời, nhưng ngoài việc mỗi người trẻ phải tự vấn lương tâm, trách nhiệm ban đầu trong việc giáo dục lương tâm vẫn phải thuộc về gia đình và các nhà giáo dục đức tin. Trước tiên, giáo dục lương tâm phải được khởi đi từ môi trường gia đình, vì gia đình là cái nôi và là trường học đầu tiên.
Cha mẹ

Theo các nhà tâm lý, từ khi đứa bé biết nhận thức đến lúc trưởng thành thường nó sẽ phải trải qua hai giai đoạn chính: giai đoạn các mệnh lệnh do tiếng nói lương tâm phải làm và giai đoạn các mệnh lệnh do tiếng nói lương tâm nên làm.[25]

Lương tâm phải làm.


Ban đầu đứa trẻ sẽ hành động theo những chỉ dẫn của ba mẹ. Nó hành động chỉ vì sợ nhưng chưa hiểu vì sao phải làm thế này, thế kia. Tuy rằng lương tâm của đứa trẻ vẫn còn non nớt nhưng khi nó làm điều gì trái ý ba mẹ, lương tâm của đứa trẻ tố giác nó làm cho hành động của nó trở nên luộm thuộm và đôi khi không thể giấu ai được. Thường nếu các bậc cha mẹ để mặc nó, đứa trẻ thường lâm vào tình trạng khi thì lo âu, khi thì bối rối. Chính những lúc này, đứa trẻ cần được sự giúp đỡ của ba mẹ dưới vai trò là nhà giáo dục. Lương tâm của con trẻ có trở nên trong sáng, vững chắc, dứt khóa, tinh tế, can đảm, lãnh nhận trách nhiệm cách thẳng thắn hay không tùy thuộc rất nhiều vào giai đoạn này.

Đứa trẻ trong giai đoạn này, ba mẹ là chuẩn mực cho mọi hành vi của con trẻ. Cha mẹ phải sống đúng theo những mệnh lệnh và lời khuyên mà họ đã dạy cho đứa bé, nếu đứa trẻ phải nghĩ rằng có hai loại lề luật tùy theo người lớn hay đứa nhỏ, thì lương tâm của nó đang lâm nguy. Khi đứa trẻ đã lớn lên và tới tuổi trưởng thành “lương tâm phải làm” dần nhường chỗ cho “lương tâm nên làm.”

Lương tâm nên làm.


Lúc này đứa trẻ đã có thể tự ý thức hành vi và trách nhiệm đối với hành vi của mình. Tự mình, đứa trẻ nhận ra những đòi buộc mà nó phải chu toàn trong cuộc sống. Nhiệm vụ của cha mẹ vẫn là giúp cho nó nhận định chính xác mệnh lệnh mà nó nên làm.

Dưới góc độ là nhà giáo dục Kitô giáo, song song với việc giáo dục lương tâm, các bậc cha mẹ còn phải giáo dục về đức tin. “Với con mình đã chịu phép rửa, bậc cha mẹ công giáo phải dạy cho nó biết rằng nghe theo tiếng lương tâm, tức là trung thành với Chúa Kitô, đã chết trên thập tự giá để cứu chuộc ta, để làm cho ta chết cho tội lỗi mà sống trong ơn nghĩa. Giáo hội qua lời thánh giáo hoàng Piô X, đã nhắc lại rằng các trẻ em cần phải có được sức mạnh các bí tích khi các em bắt đầu hiểu biết và rằng các em có quyền múc lấy sức mạnh đó…….chính các bậc cha mẹ là những người đầu tiên chịu trách nhiệm phải hướng dẫn và chuẩn bị cho các em lãnh nhận bí tích Rước lễ lần đầu và bí tích giải tội…”[26]

Bên cạnh đó, gia đình vẫn là nơi ấm áp nhất để cha mẹ thể hiện tình yêu thương giành cho con cái vì gia đình là “chiếc nôi của sự sống và tình yêu.”[27] Chính tình yêu thương của cha mẹ sẽ thúc đẩy người trẻ sau này hành động theo con tim yêu thương, của lòng nhân ái. Đặc biệt, cũng trong môi trường gia đình, cha mẹ cần có trách nhiệm khơi dậy lương tâm nhậy bén nơi người trẻ, giúp chúng chọn lựa những chương trình truyền thông thích hợp và can đảm khước từ những gì không chính đáng.

Tóm lại, trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục lương tâm là hết sức quan trọng. Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo đã nhận định vai trò và trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng . Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể. Nhưng đặc biệt trong gia đình Kitô giáo, vì đã nhận ân sủng cũng như bổn phận của bí tích hôn phối, nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ, để chúng nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Chính tại nơi đây, con trẻ có kinh nghiệm đầu tiên về xã hội lành mạnh của nhân loại và về Giáo Hội.”[28]

Các nhà giáo dục đức tin


Nhà giáo dục đức tin là những người sẽ chịu trách nhiệm giáo dục cho người trẻ về đức tin Kitô giáo song song với việc giáo dục tại gia đình. Các vị này là thừa tác viên của Thiên Chúa trong lãnh vực giáo dục, tức là họ được sử dụng để rao giảng Lời Thiên Chúa cho giới trẻ. Vì thế, họ ta phải có bổn phận chỉ cho giới trẻ biết Thiên Chúa như Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu cho môn đệ mình. Bên cạnh đó, họ có bổn phận cung cấp cho người trẻ những kiến thức về nền tảng và tiêu chuẩn của hành động luân lý. Nếu không có các nhà giáo dục đức tin lương tâm giới trẻ sẽ bị mù mờ của và họ cũng không biết phải hành động dựa trên tiêu chuẩn nào. Mỗi nhà giáo dục đức tin phải luôn ý thức trách nhiệm và tầm quan trọng của mình trong việc giáo dục đức tin cho người trẻ.

Cách riêng đối với các vị chủ chăn của Hội thánh, tầm quan trọng trong việc giáo dục đức tin lại được nâng lên một cấp bậc nữa. Với tư cách của Chúa Kitô, các vị chủ chăn làm hiện diện và hoàn tất mầu nhiệm của Chúa Kitô như một người Thầy duy nhất dạy dỗ chân lý và chỉ rõ đường lối Thiên Chúa.[29] Thánh Công Đồng nhắc lại cho những Chủ Chăn hướng dẫn các linh hồn nhiệm vụ rất quan trọng là phải thu xếp mọi sự để các tín hữu được hưởng nhờ nền giáo dục Kitô giáo nhất là giới trẻ, niềm hy vọng của Giáo Hội.[30] Nhiệm vụ của các vị chủ chăn là hướng dẫn người trẻ về mặt tâm linh. Tuy nhiên công việc này các chủ chăn sẽ thực hiện bằng phương thế nào?

Có nhiều phương thế để các chủ chăn của Giáo hội thực hiện công tác giáo dục. Thông qua các bài Kinh thánh, nghi thức thánh lễ, cử hành các bí tích là cách thế giúp các vị thực hiện công việc huấn giáo, dạy dỗ. Ngoài ra, trong các bài giảng, các lớp học giáo lý cũng có thể truyền tải nội dung của việc giáo dục.[31] Mỗi vị chủ chăn sẽ tìm cho mình phương thế hữu hiệu nhất để giảng dạy, sao cho phù hợp với văn hóa và nếp sống ở từng địa phương.

Đặc biệt, tòa cáo giải sẽ là nơi các vị chủ chăn huấn luyện lương tâm của người trẻ qua việc khuyên nhủ. Nơi ấy, linh mục với cương vị là chứng nhân và đại diện của tính cách Hội thánh của Bí tích, các ngài sẽ hướng dẫn hối nhân, đặc biệt làgiới trẻ cảm nhận được sự yếu đuối và những phán đoán sai lầm của lương tâm. Đặc biệt các linh mục sẽ cho họ nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài lớn hơn tội lỗi.

Tự giáo dục


Giáo dục của gia đình, của các vị chủ chăn, các nhà huấn luyện đức tin chỉ là nền căn bản, nhờ đó lương tâm của các bạn trẻ thực sự trưởng thành. Giáo dục từ bên ngoài vẫn là bất toàn đôi khi sẽ trở nên vô hiệu nếu các bạn trẻ không thực thi nhiệm vụ tự giáo dục. Các bạn trẻ sẽ tự giáo dục lương tâm mình bằng cách kiểm nghiệm và tự vấn lương tâm của mình qua mười điều răn và bài giảng trên núi. Qua việc kiểm điểm lương tâm một cách thường xuyên, lương tâm của người trẻ trở nên ngay thẳng và thành thật hơn.

Bên cạnh đó, để tránh việc u tối về những kiến thức của các hành động luân lý, đòi hỏi mỗi người trẻ phải siêng năng học hỏi giáo lý, những lời dạy dỗ, giáo huấn của các vị chủ chăn. Điều này không thể thiếu nơi mỗi người trẻ hôm nay.

Kết


Huấn luyện lương tâm luôn đòi hỏi một quá trình dài. Không thể mong đợi việc giáo dục này trong một thời gian ngắn ngủi. Lương tâm phải được rèn luyện từ nhỏ ngay trong môi trường gia đình dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Một lương tâm được rèn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Việc giáo dục lương tâm rất cần thiết cho những người chịu các ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chính thức. Giáo dục lương tâm là nhiệm vụ phải theo đuổi suốt đời. Giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và tạo bình an trong tâm hồn.

Giáo dục lương tâm hay huấn luyện lương tâm chính là giúp cho con người nhận thức được sự biến chất, thoái hóa cái tâm của mình và cố gắng cải thiện, cố gắng điều chỉnh để đưa cái tâm bị biến chất, thoái hóa về với cái chính tâm, cái tâm thiện tức là lương tâm. Nhờ sự hướng dẫn của lương tâm, mỗi người, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, luôn có thể lắng nghe, nhận ra được Ý Chúa và quyết tâm đem ra thực hành.

[1] Xc. Thư mục vụ Hội Đồng Giám mục Việt Nam năm 2007, số 3.
[2] Xc. Ibid., số 36.
[3] Ly Tâm, Tiếng nói từ trái tim, trong Giới trẻ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Lê Nhân Tâm chủ biên, Tp. HCM: 2004, tr. 46.
[4] Xc. Nguyễn Quốc Thuần, Tìm một lối đi trong đời, ibid., tr. 279.
[5] Gioan Phaolô II, Tông huấn sám hối và hòa giải, Học viện Đa Minh, 1998, số 18.
[6] Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Hiến chế về mục vụ trong Giáo hội ngày nay, số 16.
[7] Giáo lý Hội thánh Công giáo, NXB Tôn giáo, 2004, số 1777.
[8] Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Tuyên ngôn về tự do tôn giáo, số 11.
[9] Ibid., số 3.
[10] Gioan Phaolô II, Veritatis Splendor, 62.
[11] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Đạo đức học, Trung tâm học vấn Đa minh, 2007, tr. 145.
[12] Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 16.
[13] Thư mục vụ năm 2006 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sống đạo hôm nay, số 5.
[14] Gioan Phaolô II, ĐGH. Gioan Phaolô II nói với người trẻ hôm nay, ngày quốc tế, 27/11/1988, tr. 93.
[15] Ibid., tr. 93.
[16] Xc. Gioan Phaolô, ĐGH. Gioan Phaolô II nói với người trẻ hôm nay, tại La Nouvelle ngày 12 tháng 09, tr. 107.
[17] Gioan Phaolô II, Tông huấn sám hối và hòa giải, Học viện Đa Minh, 1998, số 13.
[18] Ibid., số 18.
[19] Xc. Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Tuyên ngôn về tự do tôn giáo, số 14.
[20] Gioan Phaolô II, Tông huấn sám hối và hòa giải, Ibid., số 13.
[21] Trích lại trong Michel Spanneut, Giáo phụ, Đại chủng viện Thánh Giuse, tập 2, tr. 364.
[22] Sứ điệp của đức thánh cha nhân ngày quốc tế giới trẻ thứ 22, trong http://radiovaticana.org 27/01/2007.
[23] Bài nói chuyện của ĐTC Gioan Phaolô II với sinh viên ngày 27/11/1986.
[24] Gioan Phaolô II, Diễn từ tại Pêru tháng 2 năm 1985, trong Nói với các bạn trẻ, Thiên An chuyển dịch, Tp. HCM: Uy ban đoàn kết Công giáo, 1992, số 5, tr. 111.
[25] Xc. Nguyễn Thái Hợp, Đạo đức học, ibid., tr. 153, 154.
[26] G.Ponteville- A. Van cut sen – J. Rimaud, Giáo dục gia đình Kitô giáo, Uy ban đòn kết công giáo, Tp. HCM, 1992, tr. 88.
[27] Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, số 209.
[28] Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 3.
[29] Xc. Gioan Phaolô II, Tông huấn sám hối và hòa giải, Ibid., số 29.
[30] Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 2.
[31] Xc. Gioan Phaolô II, Tông huấn sám hối và hòa giải, Ibid., số 26.
[32] Xc. Giáo lý Hội thánh Công giáo, NXB Tôn giáo, 2004, số 1454.