Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2022

ĐỨC GIÊSU TRONG TRUYỀN THỐNG “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO”

Thời sự Thần học – Số 2 (tháng 3/2008), tr. 49-58  

_Phaolô Cao Chu Vũ 🙋

Tôn sư trọng đạo” vốn là một truyền thống giáo dục tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam. Người Việt rất trọng “đạo”- đạo làm người. Sinh con cái luôn gắn liền với trách nhiệm phải giáo dục chúng nên người. Bởi vậy, ông bà ta mới có câu ca:

Nuôi con không răn không dạy,
Thà rằng nuôi lợn lấy lòng mà ăn” (Ca dao)

Vì trọng đạo làm người, nên người Việt Nam rất quý mến ông thầy. Thế nên, có thể nói, “tôn sư trọng đạo” là minh triết giáo dục của dân tộc Việt Nam. Trọng đạo làm người và tôn quý thầy là hai điều đã làm nên những nhân cách Việt Nam.

Công đồng Vaticanô II nói: “Giáo Hội xác tín mạnh mẽ rằng thế giới có thể có nhiều cách góp phần lớn lao vào việc dọn đường cho Phúc Am” (GS, số 40). Chúng ta sẽ thấy xác tín ấy của Giáo Hội quả xác thực khi chiêm ngắm Đức Giêsu, một vị Thiên Chúa làm người đã sống và kiện toàn truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam.

I. Đạo làm người

I.a Người Việt Nam học “đạo làm người”

Người Việt Nam rất quý trọng việc học, nên dân gian đã có lời ca:

Vàng chất bằng non,
chẳng bằng cho con đi học.” (Ca dao)

Quý trọng sự học là vậy! Nhưng học để làm gì? Các bậc sinh thành cố công cho con cái được ăn được học tiên vàn không phải để làm quan, nhưng học để làm người. Người Việt Nam vốn nghèo, vì phần đông là thành phần nông dân, nên không mấy ai có của ăn của để lo cho con cái được ăn học đến nơi đến chốn để đỗ trạng làm quan. Thế nên, sự học đối với người Việt Nam đơn giản là học đạo làm người. Câu nói cửa miệng của những bậc sinh thành là lo cho con cái “kiếm được năm ba con chữ để làm người”. Ước muốn giản dị mà thâm sâu của các bậc phụ huynh là thế!

Học là học để làm người.
Biết điều hơn thiệt biết lời thị phi. (Ca dao)

Trong tâm thức trọng đạo làm người của Dân Việt, ông thầy có một trọng trách cao cả là dạy “đạo làm người” cho các học trò của mình. Thế nên, ông thầy dạy học trò bao giờ cũng phải dạy lễ trước khi dạy văn. “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ông thầy phải dạy học trò biết cái “lễ”- cách sống là một con người, rồi mới đến cái “văn”. Đồng thời, dạy cái “văn” cũng chính là dạy cái “lễ” (“văn dĩ tải đạo”). Dạy chữ để dạy người.

Biết cái “lễ” là biết nhận ra, biết tôn trọng và bảo vệ phẩm giá của mình. Nhờ cái “văn” mà người học trò biết phân biệt thiện ác, phải trái, tốt xấu, thoát cảnh dốt nát, bị lừa dối, khinh bỉ, áp bức, v.v. Học cái “lễ” là để làm rạng rỡ cái đức sáng nơi bản thân mình, để biết mình là “nhân” và để biết cách sống cho xứng danh là một con người.

Biết cái “lễ” còn là biết sống đúng với luân thường đạo lý, sống hiếu đễ với tổ tiên, thờ cha kính mẹ, sống có tình có nghĩa, có trước có sau, kính trên nhường dưới, quý trọng tình làng nghĩa xóm, … Hay nói tắt lại là sống cho có “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Học cái “lễ” là để biết làm người với mọi người.

Biết cái “lễ” cũng là trở nên hữu ích cho gia đình, cho xã hội. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Sự học hành là để tu thân, rèn luyện nhân cách, trau dồi tri thức, nhờ đó đem tài đức giúp đời, giúp người chứ không vì mưu cầu lợi lộc, vinh hoa, phú quý cho bản thân. Học cái “lễ” là để biết sống sao cho trọn giá trị một con người.

Đó là cách học “đạo làm người” của dân tộc Việt Nam. Học để nên người và làm người có ích cho người khác. Dân tộc Việt Nam quý trọng đạo làm người là vì vậy. Có thể nhìn nhận rằng “đạo làm người” là triết lý dạy và học của truyền thống giáo dục Việt Nam.

Thế nhưng, học và sống đạo làm người lại không đơn giản chút nào. Vạn thế sư biểu-Đức Khổng Tử đã từng nói: “Vi nhân nan”. Làm người thật khó! Bởi vậy, nhân gian có câu: “Nhân vô thập toàn”. Làm người đã mấy ai mười phân vẹn mười. Song duy nhất trên đời có một con người đã hoàn trọn hành trình làm người của mình sau khi đã trải qua bao gian nan thử thách. Con người ấy là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể.

I.b Đức Giêsu đã học và sống “đạo làm người”

Khi “hoá ra không” để trở nên một phàm nhân, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể đã ở giữa mọi người và làm người giữa muôn người (xc. Ga 1,14). Là một phàm nhân, Đức Giêsu đã học và đã sống “đạo làm người” (xc. Lc 2,51). “Vi nhân nan”- học làm người thật khó! Đức Giêsu cũng đã phải học và trải qua một cuộc hành trình làm người đầy khốn khó như bao người khác. Vì vậy, tác giả thư Hípri đã rất mạnh dạn khi viết: “Dẫu là Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”(Hípri 5,8).

Trong mái ấm gia đình Nazareth, bài học làm người đầu tiên Đức Giêsu đã học, đó là học cái lễ “vâng phục” cha mẹ (xc. Lc 2,51), như cha mẹ Người hằng xin vâng thánh ý Thiên Chúa. Vâng phục là một bài học mà Người sẽ phải học và thực hành suốt cả cuộc đời. Lớn lên theo năm tháng như bao trẻ em làng Nazareth, cậu bé Giêsu phải học cái văn, con chữ để đọc Kinh Thánh. Ngoài ra, cậu phải học cái lễ “đối nhân xử thế”, học yêu thương, học chia sẻ, học bao dung, học cảm thông, học tha thứ,. . . Hẳn cậu bé Giêsu là một người con ngoan và là một trò giỏi của mái trường làng Nazareth. Tác giả Tin Mừng Luca đã viết về cậu: “Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).

Ba mươi năm ẩn thân nơi thôn xóm Nazareth, chàng thanh niên Giêsu đã chẳng bỏ phí thời trai trẻ. Người tu thân, luyện tài, rèn đức trong âm thầm và thinh lặng; một sự thinh lặng có giá trị huấn luyện mà nhiều bạn trẻ ngày nay sợ hãi. Họ muốn có ngay có liền mọi thứ. Sống là không chờ đợi!? Chàng thanh niên Giêsu thì không như thế. Như cây đang thời sung sức, chàng thanh niên Giêsu miệt mài, âm thầm cắm rễ đời mình thật sâu vào mảnh đất “Kinh Thánh và cầu nguyện”. Cắm rễ thật sâu vào đất để có thể vươn cao, vươn rộng, và toả bóng mát cho đời. Cắm rễ thật sâu vào đất để có thể vững chãi kiên cường khi phải đối diện với giông tố cuộc đời. Cắm rễ thật sâu vào đất để có thể tích luỹ dưỡng chất từ đất, chờ ngày trổ sinh hoa thơm trái ngọt cho đời. Ba mươi năm học làm người trong âm thầm của chàng thanh niên Giêsu là để cho một ngày mai “giúp người cứu đời”. Tu thân-luyện tài-rèn đức là để làm người có nghĩa hơn.

Sau ba mươi năm học “đạo làm người”, Đức Giêsu tự tin bước vào đời. Người đã dành trọn cả cuộc đời để sống cho mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ, kẻ tật nguyền, người tội lỗi, hạng gái điếm, bọn thu thuế, kẻ bị quỷ ám, v.v. chung quy là những kẻ bị xã hội khinh chê, ruồng bỏ. “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” (Cv 10,38). Người đã “mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Đức Giêsu đã làm người là để cho mọi người được sống và sống dồi dào (xc. Ga 10,10). Người đã sống cho mọi người không vì danh tiếng “Mêsia” mà người đời ca tụng (xc. Ga 6,115) nhưng vì sứ vụ “Mêsia” mà Chúa Cha trao phó. Người đã hoàn toàn vâng phục ý định của Chúa Cha, nhận lấy thánh ý Chúa Cha làm lương thực để sống (xc. Ga 4,34). Nhờ cái lễ “vâng phục” mà Đức Giêsu đã học từ tấm bé nơi cha mẹ, Người đã sống xứng danh là một Con Người yêu dấu, không phụ công khó sinh dưỡng giáo dục của các ngài – “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !" (Lc 11,27).

Sau hết, Đức Giêsu đã sống cho đến tận cùng “đạo làm người”: chấp nhận hy sinh tính mạng vì bạn hữu, vì ơn cứu độ của nhân loại. Là một con người thực sự, Đức Giêsu kinh hãi trước cái chết (xc. Lc 22,44). Nhưng vì vâng phục thánh ý Chúa Cha, Người đã chấp nhận cái cùng cực nhất của phận người: khổ hình và cái chết. Đó là cái giá mà Người phải trả cho một tình yêu đích thực (xc. Ga 15,13), cho ý nghĩa của một cuộc hiện sinh làm người: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi"(Ga 12,32). Trên thập giá, Đức Giêsu hoàn tất bài học “vâng phục” thánh ý Chúa Cha để đem ơn cứu độ cho nhân loại.

Tóm lại, khi nhập thể làm người và ở giữa muôn người, Ngôi Lời Thiên Chúa đã học lấy cái “đạo làm người”, và Người đã sống trọn “đạo làm người”. Vi nhân nan! Quả thực, hơn ai hết, chính Thiên Chúa nhập thể đã trải nghiệm đến tận cùng cái gian nan của “đạo làm người”. Phải tức tưởi và được giương cao trên thập giá, Đức Giêsu mới hoàn tất “đạo làm người” (xc. Ga 19,30). Như thế, Người đã đạt tới tầm mức làm người trọn vẹn, tới tầm mức trưởng thành viên mãn, để nên gương mẫu cho tất cả chúng ta (xc. Ep 4,13).

2. Tôn quý người thầy

2.a. Người thầy trong Hồn Việt

Người thầy có một vị trí đặc biệt trong tâm thức của Dân Việt. Các bậc sinh thành hằng nhắc nhủ mình và con cái rằng:

Muốn sang thì bác cầu kiều,
Muốn con hay chữ phải thì yêu lấy thầy. (Ca dao)

Sống đạo làm người, mỗi người Việt Nam không được phép quên tình nghĩa thầy trò. Hình ảnh người thầy trong Hồn Việt được kể như người cha thứ hai. Người đã rất mực yêu thương, chăm lo cho học trò như con cái mình. Ông đem hết tài trí và tâm huyết truyền lại cho môn sinh, ông trau chuốt nhân cách từng con người, ông mở mang trí tuệ cho đoàn môn sinh, ông lo lắng cho cả tương lai của họ. Vì thế, “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” là ba đại nghĩa mà mỗi người học trò phải khắc cốt ghi tâm. Đạo làm người dạy người học trò phải có bổn phận báo hiếu các bậc sinh thành, dưỡng dục nên mình hôm nay. Khi đã làm quan nhất phẩm triều đình, Cao Bá Quát - người học trò xuất sắc của thầy Chu Văn An, trong những dịp đến thăm thầy, vẫn không quên vị trí của mình trước mặt người thầy đáng kính. Ông cung kính lễ phép và trân trọng nhận lấy những giáo huấn của thầy. Một cách cụ thể, nhân dân thường nhắc nhở con cháu mình: “Mồng một tết cha, mồng hai tết chú, mồng ba tết thầy”. Đó là sống đạo làm người.

Ý thức sứ mạng dạy “đạo làm người” cho thế hệ hậu sinh, ông thầy phải luôn là gương mẫu cho các học trò. Vì thế, hình ảnh người thầy trong văn hoá dân gian thường là những ông đồ già. Người già thì đáng kính, có đủ phẩm hạnh và năng lực để dạy “đạo làm người” cho đàn con lớp cháu. Dân tộc Việt Nam vốn tự hào vì những bậc thầy lưu danh sử sách như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, . . . Sống “đạo làm người”, các ngài đã cống hiến đời mình cho sự nghiệp “an dân trị quốc”. Đến khi nghịch thời, các ngài trả mũ áo, treo ấn từ quan, trở về dạy học, đem hết tài trí và tâm huyết truyền lại cho các học trò. Biết rằng mình không thể thực hiện được trọn vẹn lý tưởng của “đạo làm người”, các ngài gửi gắm lý tưởng ấy nơi các học trò, mong rằng các môn sinh sẽ thay các ngài giúp đời cứu nước.

Những bậc thầy đáng kính của Dân tộc Việt Nam có thể nói là những hình ảnh phản chiếu về một người Thầy đích thực của mọi dân tộc, của muôn con người qua mọi thời đại. Người thầy vĩ đại đó là THẦY GIÊSU.

2.b. Đức Giêsu – Người Thầy đích thực

Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người - một con người đạt tới tầm mức nhân cách hoàn thiện. Vậy nên Người là gương mẫu rạng ngời cho các môn sinh muốn theo Người. Đức Giêsu là một Vị Thầy đích thực nhất (xc. Mt 23, 8-10). Thực vậy, người Do thái đã từng bị thu hút bởi nhân cách của Đức Giêsu. Họ thán phục về sự khôn ngoan của Người (Xc. Mt 13,54), về những lời hay ý đẹp Người nói (xc. Lc 4,22); sửng sốt vì lời Người giảng dạy đầy uy quyền (xc. Lc 4,32). Họ ngạc nhiên vì những việc lạ Người làm để cứu giúp họ (xc. Mc 2,12). Và họ đã tôn Đức Giêsu là một bậc thầy khôn ngoan chỉ dạy đường lối của Thiên Chúa (xc. Mt. 22,16), là một vị “Thầy nhân lành”(Lc 18,18). Hơn thế nữa, chính Đức Giêsu đã quả quyết về bản thân của mình: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Vì thế, Người đã từng nói: Ai yêu mến sự thật thì đến với Người (xc. Ga 18,37).

Đức Giêsu là Thầy Chân lý. Điều này có nghĩa, Đức Giêsu là Đấng duy nhất có thể cho nhân loại biết đâu là điều cốt yếu nhất của “đạo làm người”; con người phải sống thế nào để “thành nhân” đích thực. Muốn vậy, “con người phải thụ huấn tại trường học của Đức Giêsu. Nhưng học nơi trường của Đức Giêsu không chỉ là học làm người theo nghĩa nhân bản, mà còn là học ‘nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện’ (Mt 5,48)” . Chính Người đã sống “đạo làm người” và đã trở nên một con người hoàn thiện để là vị Thầy đích thực của nhân loại.

Tin Mừng Mátthêu kể rằng một người thanh niên giàu có đến xin Người chỉ cho anh ta biết “đạo làm người”: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?". Đáp lại niềm khao khát trở nên người hoàn thiện của chàng thanh niên, Đức Giêsu đã nói với anh ta: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Tiếc thay, anh ta đã bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (xc. Mt 19,16-22). Ở đây, chúng ta không bình luận việc chọn lựa phương cách “làm người” của chàng thanh niên giàu có, nhưng chúng ta cần chú ý “đạo làm người” của vị Thầy nhân lành. Đức Giêsu đặt ra hai điều kiện để trở thành một môn sinh của Người, cũng có nghĩa là trở nên một con người hoàn thiện: thứ nhất, thực thi lòng nhân ái đối với tha nhân và thứ hai, bước theo Người.

Thực vậy, “Thiên Chúa đã dựng nên con người không phải để sống riêng rẽ, nhưng để tạo nên một xã hội liên kết” . Theo đó, tự bản chất con người ta không thể thành nhân khi sống ích kỷ, nhưng chỉ thành nhân khi sống với người khác. Đức Khổng Tử nói: “Nhân là thương người” (Luận Ngữ XII,21). Hiểu rằng, một con người chỉ là “nhân” khi nó biết thương yêu người khác. Không có lòng yêu thương, không chia sẻ cuộc sống với người khác, một con người chưa thực là “nhân”. Không có “người”, con người chỉ là “con”. Đức Khổng Tử nói thật hay, nhưng chính ngài nhìn nhận rằng: “Vi nhân gian”-Thương người khó lắm thay! Hẳn, Đức Khổng Tử đã chẳng thể sống trọn vẹn chân lý “Nhân là thương người”.

Còn vị Thầy Chân lý thì sao? Tự nguồn sống thần linh đích thực của mình, Đức Giêsu đã chia sẻ Tình Yêu với Chúa Cha. Không giữ cho riêng mình sự thiện hảo của tình yêu, Người đã đến với nhân loại, hoá thành một con người để có thể chia sẻ tình yên ấy cho chúng ta. Người đã chia sẻ và chia sẻ đến cả mạng sống mình, đến nỗi không còn hình dáng một con người. Con Người Giêsu được giương cao trên thập giá là bằng chứng hùng hồn nhất của một vị Thiên Chúa làm người đã sống trọn vẹn chân lý “nhân là thương người”: Người trao ban chính mình để cứu độ và nâng con người lên với Người.

Là Thầy dạy Chân lý và là Chân lý, “Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta biết ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’ (1Ga 4,8) và dạy cho chúng ta biết rằng luật căn bản để kiện toàn con người là điều răn mới về tình yêu” . Vì thế, Người mời gọi tất cả những ai muốn nên hoàn thiện, trở nên môn sinh của Người, thực thi luật sống yêu thương anh em đồng loại và yêu thương theo cùng một cách thức như Người đã yêu thương. (xc. Ga 15,9-13) Đó là bước theo Người; là sống như Người đã sống. Nếu người thanh niên giàu có trong Tin Mừng đã khước từ lời mời gọi bước theo Đức Giêsu để tiến lên sự hoàn thiện, thì suốt hơn hai mươi thế kỷ qua, đã có hằng triệu triệu người khao khát sự hoàn thiện, và họ đã đáp lại lời mời gọi yêu thương để bước theo Thầy nhân lành. Thánh Antôn viện phụ, thánh Phanxicô Assisi, thánh Gioan Thiên Chúa, thánh Vinh Sơn Phaolô, và gần đây nhất là chân phước Têrêsa Calcuta, … là những môn sinh ưu tú của vị Thầy nhân lành. Họ đã chọn lựa và sống như Thầy đã sống. Lối sống ấy đã giúp họ tìm lại được chính mình: Mình là Nhân. Họ đã “thành nhân” theo gương mẫu của Thầy nhân lành.

Thuở ban đầu, nguyên tổ Ađam và Eva cũng hằng khao khát trở nên hoàn thiện, họ muốn trở nên như một vị thần, nhưng tiếc thay họ đã thực hiện niềm khao khát ấy bằng cách khép lại nơi chính mình. Chọn lựa sống ích kỷ đó được biểu tượng qua hành vi “giơ tay hái trái của cây cho biết điều thiện điều ác”- là cây mà Đức Chúa truyền cho hai ông bà không được đụng tới (xc. St 3,1-24). Nguyên tổ loài người đã muốn mình là chân lý, và như vậy họ khép lòng mình lại trước Thiên Chúa là Chân lý đích thực. Vì đã khước từ Thiên Chúa, nên họ cũng khước từ nhau (xc. St 4,1-16). Con người vì thế mà đã đánh mất chính mình, đánh mất tất cả.

Còn Đức Giêsu thì chỉ ra rằng niềm khát khao vươn lên sự hoàn thiện của con người - hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (xc. Mt 5,48), điều đó chỉ hiện thực khi nó thực thi yêu thương. Con người có thể trở nên như một vị thần, giống như Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu, muốn được là vậy, con người nhất thiết phải có tình yêu đối với tha nhân. Ơn gọi thần linh của con người chỉ được thực hiện khi nó xuất hành ra khỏi cái tôi để mở cõi lòng hướng về tha nhân và hướng về Thiên Chúa.

Vì thế, tất cả đạo lý mặc khải về Thiên Chúa và về con người của Đức Giêsu, đã được chính Người tóm kết: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau. Yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,17). Biết rằng “vi nhân nan”- thương người khó lắm thay, nên Thiên Chúa đã làm người và đã yêu thương chúng ta trước. Người yêu chúng ta, Người làm cho chúng ta thấy và cảm nhận được tình yêu của Người. Nhờ đó, tình yêu của Người có thể nở hoa bên trong chúng ta, được thể hiện qua hành vi chúng ta yêu thương nhau. Để tình yêu kiện toàn chúng ta, nâng chúng ta lên tới tầm mức con người trưởng thành, tới tầm mức viên mãn của Đức Kitô. “Tình yêu là thần thánh vì nó đến từ Thiên Chúa và kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa” . Tình yêu có năng lực thần hoá chúng ta thành nhân-thành sự yêu thương, trở nên giống Thiên Chúa là Tình Yêu.

Kết luận

Dư luận xã hội Việt Nam gần đây bức xúc trước hiện trạng “xuống cấp” về phẩm chất đạo đức của một số học trò và nhân cách của một số thầy cô, về một số sự kiện “phi đạo đức” trong môi trường giáo dục. Đối diện với thực tế đó, nhiều bậc thầy đáng kính hiện nay đã không khỏi trăn trở. Họ trăn trở vì một nền giáo dục hiện tại dường như đã không đào tạo nên được những con người có đầy đủ đạo đức và nhân cách Việt Nam. Họ thao thức vì một nền giáo dục dường như không huấn luyện những con người thành “nhân” nhưng là biến nó trở nên một cái “máy” hữu dụng mang nhãn hiệu “kỹ sư. Dường như nền giáo dục Việt Nam hiện tại đang thể hiện những “giá trị” ngược lại với truyền thống “tôn sư trọng đạo”của dân tộc Việt Nam.

Ngày xưa, cha ông chúng ta rất mực trọng “đạo làm người”, lấy việc “làm người” là điều cốt yếu của việc dạy và học. Vì trọng “đạo làm người”, nên một niềm tôn kính các bậc thầy của mình. Trọng “đạo làm người” là gốc rễ của thái độ “tôn sư, và cũng là căn nguyên cho mọi mối tương quan xã hội tốt đẹp. Nói ngược lại, những “đổ vỡ” trong tương quan giữa thầy và trò, trong tương quan gia đình và xã hội đều bắt nguồn từ chỗ người ta đã không còn trọng “đạo làm người”. Như thế, xây dựng một xã hội tốt đẹp phải được đặt nền trên việc đào tạo những con người biết trọng “đạo làm người”. Một nền giáo dục không lấy “đạo làm người” làm định hướng cho giáo dục thì nó không phải là nền giáo dục tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam.

Để có được những con người Việt Nam thành nhân, thành tài cho một dân tộc Việt Nam phát triển toàn diện và phồn thịnh, thì không gì khác hơn nền giáo dục Việt Nam hiện nay phải lấy “đạo làm người” là định hướng cho việc giáo dục. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã chia sẻ cùng một tâm thức ấy. Ngài nói mục đích của việc giáo dục là giúp con người đạt tới sự “phát triển toàn diện”, phát triển mọi chiều kích của con người và phát triển cho mọi người.

Một hình mẫu duy nhất cho việc đào tạo nên những con người phát triển toàn diện, đó chính là Đức Giêsu. Người đã đạt tới tầm mức con người trưởng thành viên mãn, đồng thời là Thầy Chân lý. Được thụ huấn nơi vị Thầy Giêsu và được trao cho sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ, Giáo Hội không ngừng giới thiệu cho nhân loại một nền giáo dục đích thực, giúp con người phát triển cách toàn diện, đó là trường học của Thầy Giêsu. Nơi đây, con người được học làm người không chỉ theo nghĩa nhân bản, nhưng còn học “trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). “Sự hoàn thiện như Cha trên trời” chính là khát vọng của nhân loại khi nỗ lực vươn tới những thành tựu mới để xây dựng một xã hội nhân loại tốt đẹp hơn, và cách riêng của xã hội Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hôm nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, bản dịch của Giáo Hoàng Học viện thánh Piô X, Đà lạt-Việt Nam.

2. Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Thông điệp “Phát triển các dân tộc”.

3. Bênêđictô XVI, Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”.

4. Giêrônimô Nguyễn Văn Nội, Giáo dục hôm nay-xã hội và Giáo Hội ngày mai, nxb Phương Đông, 2008.

5. Thiện cẩm, OP, Tiếng hát mỗi dòng sông, 2003.