Thứ Năm, 14 tháng 7, 2022

ĐỂ Ở VỚI CHÚNG CON LUÔN MÃI

Thời sự thần học, số 41 – Tháng 9/2005, tr. 7-15

Charles de Foucauld (1858 - 1916). Cha Charles de Foucauld qua đời ngày 1/12/1916 vì bị ám sát ở Tamanrasset. Cha là một cựu sĩ quan sáng giá thuộc tầng lớp thượng lưu. Năm 1890, Chúa đã gọi cha và cha đã bỏ mọi sự đi theo Người. Sau 7 năm sống ở La Trappe, vùng Ardèche, rồi ở Syrie, cha chọn cho mình đời sống ẩn tu. Trông coi vườn tược cho các nữ tu Dòng Thánh Clara ở Nazareth suốt 3 năm, chuyên lo cầu nguyện, đọc Tin Mừng và chiêm niệm về “khuôn mẫu duy nhất” là Chúa Giêsu, cha đã khám phá ra rằng cha phải trở thành linh mục để đem Tin Mừng cho những người nghèo khổ. Khởi đầu cho giai đoạn cuối đời, từ năm 1901 đến năm 1916, cha quyết định “đi đến những nơi thiếu thốn các linh mục, tu sĩ và đến những nơi nhiều linh hồn cần được cứu độ”. Cha đến những nơi có thể nói là xa xôi nhất về hướng Nam, ở đó không có nhà tạm để Chúa Giêsu hiện diện “giữa những người nghèo khổ vùng Sahara”. Trong đời dâng hiến, cha yêu thương và đón tiếp tất cả những ai đến với cha, đó là các viên chức và hành khất, các tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo. Cha cũng đấu tranh chống lại tình trạng nô lệ và soạn thảo một bộ từ điển Pháp – Touareg (Ngôn ngữ của dân du mục sống ở vùng Sahara). Chính trong mầu nhiệm Thánh Thể, cha đã khám phá và sống ơn gọi truyền giáo, ơn gọi “huynh đệ phổ quát”của mình.
Giuse Nguyễn Đình Chiến O.P. chuyển ngữ từ Ecrits spirituels, Seuil 1950.

_Charles de Foucauld_ 


“Và đây Thầy ở cùng các con cho đến tận thế …” (Mt 28, 20)


Đây là những lời cuối cùng trong Tin Mừng thánh Mát-thêu mà Chúa đã công bố trên mặt đất này và sau đó Chúa được cất lên trời! Ôi lạy Chúa, những từ ngữ thật là êm ái, dịu dàng quá đỗi, xuất phát từ Trái tim Chúa (…)

Ở với chúng con luôn mãi qua Bí tích Thánh Thể, ở với chúng con luôn mãi qua ân sủng của Chúa, ở với chúng con luôn mãi qua sự vô hạn nơi yếu tính của Chúa phủ lấp chúng con, ở với chúng con luôn mãi qua sự quan phòng của Chúa không ngừng bảo vệ chúng con, Tình yêu Chúa luôn ở với chúng con qua Trái tim không ngừng yêu thương … Ôi ! Lạy Chúa, Chúa luôn ở với chúng con bằng bất cứ cách nào, bằng cả tình yêu, bằng cả trái tim, chúng con thật hạnh phúc! Vì Chúa ở với chúng con như thế, Chúa ở trong chúng con, Chúa ở bất cứ nơi đâu chúng con chuyển đến và ở nơi nào chúng con hiện diện. Chúa hiện diện trong nhà tạm, cách con hai mét. Ôi lạy Chúa, chúng con phải làm gì ? Chúng con hạnh phúc biết bao ! Lạy Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng con (Mt 1, 23). Ở đây, chúng con có thể nói lời đầu tiên trong Tin Mừng … và câu cuối cùng là “Thầy ở cùng các con cho ngày tận thế”. Chúng con thật hạnh phúc! Chúa tốt lành biết bao! (…)

Chúng ta hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Người


Vì Chúa luôn ở với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, nên chúng ta hãy năng đến với Bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy bước đi với Người đến nhà tạm, chúng ta đừng vụng về để đánh mất một giây phút nào khi đi qua trước nhà tạm; Chúa đang hiện diện ở đó, còn chúng ta có đến tìm kiếm Người không? Đấng Chí Ái, là tất cả của chúng ta, đang hiện diện ở nhà tạm, Chúa mời chúng ta đến đồng hành với Người, còn chúng ta lại không thúc bách mình đến đó và bỏ lỡ giây phút duy nhất mà Người cho phép chúng ta đi đến với Người ! Và mọi sự còn lại : ảnh tượng, thánh tích, nơi hành hương, sách vở thì rất đáng tôn kính. Chúa có bổn phận đối với những vật như vậy và trong một chừng mực nào đó các linh hồn được dùng như là những cách thức tuyệt diệu giúp chúng ta đến với Chúa, để được Người giáo huấn, để yêu mến và nhận biết Người nhiều hơn, nhưng đó cũng chỉ là những thụ tạo chóng qua. Chúng ta cũng hãy làm như thế để đến với Chúa Giêsu khi Người chỉ thị cho chúng ta một bổn phận, khi Người muốn chúng ta thực thi bổn phận mà Người cho chúng ta biết rằng đó là thánh ý Người, nhưng khi Chúa không cho chúng ta thấy rằng Chúa muốn điều đó, khi Người tuỳ thuộc chúng ta đến trước Bí tích Thánh Thể hay không, thì chúng ta đừng bao giờ đến những nơi khác. Bí tích Thánh Thể là chính Chúa Giêsu, tất cả là Chúa Giêsu ! Mọi sự còn lại chỉ là những thụ tạo chóng qua. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa là trọn vẹn tất cả, tất cả đều sống động, lạy Chúa Giêsu Chí Ái, trọn vẹn như Chúa đã ở trong nhà Thánh gia Nazareth, trong nhà của Bà Magdeleine ở Béthanie, cũng như Chúa đã ở giữa các Tông đồ … Cũng cách thức ấy, Chúa đang ngự nơi đây, lạy Đấng Chí Ái, lạy Đấng là Tất cả của con ! Ôi ! Chúng con sẽ không bao giờ đi ra ngoài sự hiện diện của Bí tích Thánh Thể, dù chỉ là một giây phút Chúa Giêsu cho phép chúng con được ở với Người. Amen.

Và lạy Chúa, xin ban cho con những ân sủng này, không chỉ cho con mà thôi, nhưng cho tất cả các con cái Chúa nữa, trong Chúa, nhờ Chúa và vì Chúa: “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày” (Mt 6, 11), xin ban lương thực cho tất cả mọi người, đây là bánh đích thực, là Lễ vật thánh thiện, xin cho tất cả mọi người thờ lạy, tôn kính, yêu mến bánh ấy, xin cho phụng tự của toàn nhân loại làm vinh danh Chúa và an ủi Trái tim Chúa. Amen (…)

Vì Chúa luôn ở với chúng ta qua yếu tính vô tận của Chúa, nên chúng ta hãy không ngừng suy niệm về sự hiện diện của Chúa với lòng tôn kính, mến yêu, vui sướng. Chúng ta hãy không ngừng nói về Đấng luôn ở trong chúng ta, ở với chúng ta. Hãy không ngừng cầu xin Người, hướng về Người, hãy cố gắng đừng bao giờ làm phiền lòng Người, nhưng luôn làm cho Người được vui bao nhiêu có thể. (…)

Vì Chúa luôn ở với chúng ta qua trí năng của Chúa, nên chúng ta hãy cố gắng làm vui lòng Đấng chúng ta yêu mến và luôn nhìn thấy chúng ta. Qua mọi giây phút trong cuộc sống, hãy chứng tỏ tình yêu của mình với Đấng Chí Ái luôn nhìn thấy chúng ta. Hãy không ngừng nói với Đấng Chí Ái luôn lắng nghe chúng ta rằng chúng ta yêu mến Người. Hãy luôn thắp sáng tình yêu thanh khiết và nồng cháy nhất dâng cho Đấng Chí Ái luôn hiểu thấu tận đáy lòng chúng ta. Cuối cùng, hãy luôn nghĩ, nói và làm những điều Đấng Chí Ái muốn, Đấng biết hết mọi tư tưởng, lời nói, việc làm và mọi khoảnh khắc trong cuộc đời chúng ta. (…)

Vì Chúa luôn ở giữa chúng ta qua sự quan phòng của Chúa, Người gìn giữ chúng ta, không ngừng nâng đỡ chúng ta, nên chúng ta hãy luôn ở với Người qua sự nhận biết của chúng ta. Ôi lạy Chúa, xin cho tâm hồn chúng con hết tình cảm tạ Chúa, xin cho lòng biết ơn này luôn trải dài trong cuộc sống chúng con; xin cho mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của chúng con và mọi khoảnh khắc trong cuộc sống luôn hướng về chỉ một mình Chúa, vì tất cả, tất cả mọi sự đều khởi sự từ nơi Chúa : “chúng ta hãy trả lại cho Chúa những gì thuộc về Người” (Mt 22, 21); hãy trả lại cho Người tất cả những gì chúng ta là, thân xác, linh hồn, tư tưởng, lời nói, việc làm, tất cả, tất cả cho một mình Người, vì một mình Người. (…)

Vì Chúa luôn ở với chúng ta bằng tình yêu của Người, bằng Trái tim của Người, nên chúng ta hãy ở với Chúa bằng tình yêu và trái tim của chúng ta : xin cho mọi nhịp đập con tim chúng con đều dành cho Chúa … Xin cho chúng con chỉ yêu mến một mình Chúa, nghĩa là chúng con yêu mến Chúa không giới hạn, không bao giờ ngừng, bằng tất cả sức lực, và vì một mình Người mà thôi, không phải vì chúng con, nhưng vì Chúa, và xin cho chúng con chỉ yêu thương những tạo vật là chúng con, là người thân cận vì Chúa, theo như Chúa muốn, trong chừng mực mà Chúa muốn … Xin cho chúng con chỉ hít thở vì yêu mến Chúa, xin cho tất cả tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng con được tình yêu Chúa soi dẫn và như thế, chúng con có thể làm cho Trái tim Chúa vui mừng, xin cho mọi giây phút hiện hữu của chúng con được thánh hiến vì yêu mến Chúa bao nhiêu có thể. (…)

Và lạy Chúa, còn một điều nữa, đó là : không chỉ ở nhà tạm, ở đáy lòng chúng con, ở trên trời mà Chúa mới nhìn thấy chúng con, Chúa yêu chúng con và Chúa ở với chúng con luôn mãi. Nhưng trong mọi khoảnh khắc cuộc đời trần thế của Chúa, Chúa đã thấy tất cả những giây phút hiện hữu của mỗi người chúng con. Trong mọi khoảnh khắc cuộc đời trần thế của Chúa, Chúa đã yêu mến mỗi người chúng con vô cùng, yêu say đắm, yêu cuồng nhiệt; và vì vậy Chúa mới chịu đau khổ, mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống chúng con đã làm cho Chúa hoặc là một niềm vui hoặc là một nỗi đau, tuỳ theo giây phút đó chúng con đã làm điều lành hay điều dữ, và niềm vui cũng như nỗi đau này, nhiều hay ít, là tuỳ vào mức độ lành hay dữ. Vì vậy, Chúa có thể vui sướng hay đau khổ trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời trần thế của Chúa, trong mỗi giây phút cuộc sống của con, trong giây phút cuộc sống của mỗi người. Ôi ! Vì Chúa luôn ở với chúng con, với mỗi người chúng con, qua tri thức, qua tình yêu, qua niềm vui, qua khổ đau, trong mọi giây phút cuộc đời trần thế của Chúa, nên chúng con phải khao khát, phải cầu nguyện, phải làm việc biết bao để tất cả mọi giây phút cuộc sống chúng con, trước hết là của con, rồi của các tâm hồn xung quanh cuộc sống con, của tất cả mọi người đang và sẽ hiện diện, để an ủi Chúa boa nhiêu có thể. (…)

Xin cho chúng con biết cố gắng an ủi Chúa, trong suốt cuộc sống chúng con, đó là mong ước duy nhất của con, lạy Chúa Giêsu Chí Ái! Trong Chúa, nhờ Chúa và vì Chúa, xin Chúa hoàn tất cho chúng con. Amen.

Chỉ có một bánh cần thiết


“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.

Ôi lạy Chúa, chúng con xin gì qua lời cầu nguyện trên? Chúng con xin cho ngày hôm nay và đồng thời cho cuộc sống hiện tại - chỉ kéo dài trong một ngày - bánh dưới một bản thể hoàn toàn khác, đó là bánh siêu nhiên, chúng con chỉ cần có bánh ấy mà thôi, chúng con rất cần thứ bánh ấy để đạt tới cùng đích của chúng con: chỉ có một bánh cần thiết, đó là ân sủng. (…)

Tuy nhiên, đây là một thứ bánh siêu nhiên khác, không hoàn toàn cần thiết như ân sủng, mà là bánh không thể thiếu với nhiều người, là phúc lộc của mọi phúc lộc. Thứ bánh ấy, ngay tên gọi của nó cũng cho chúng con suy nghĩ, là một thứ phúc lộc diu ngọt, phúc lộc tuyệt diệu, chính là Thánh Thể Rất Thánh (la Très Sainte Eucharistie). Nhưng trước hết phải chú ý rằng khi cầu xin bánh ân sủng và bánh Thánh Thể này, con không chỉ xin cho mình con, nhưng là cho chúng con, nghĩa là cho tất cả mọi người … Con không cầu xin cho mình con, tất cả những gì con xin trong kinh Lạy Cha là xin hoặc cho Chúa hoặc cho tất cả mọi người.

Đạo Công giáo dưỡng nuôi chúng ta trên hành trình Thập giá, trên con đường theo gương Đức Giêsu Chúa chúng ta bằng một của ăn đáng ca ngợi và thánh thiêng, là bánh hằng ngày của chúng ta và là “Sự sống” của chúng ta. Của nuôi dưỡng này, “bánh hàng ngày” đích thật, “sự sống” này chính là Thánh Thể, là chính Chúa Giêsu, là Thiên Chúa và là con người tự trao ban và phó nộp tất cả vì chúng ta đến nỗi bây giờ Người đang ở trên trời dưới hình hài tấm bánh bé nhỏ. Khi hiệp lễ, Thiên Chúa đi vào trong chúng ta qua thể xác của chúng ta. Từ miệng, chúng ta đụng chạm vào Thân Mình Chúa chúng ta, giống như đôi môi của Đức Maria, của thánh Giuse, của bà Magdeleine đụng chạm vào Thân Mình Người: Chúa đi vào trong chúng ta giống như Người ngự vào trong cung lòng Đức Maria: Người kết hiệp với chúng ta bằng sự khiết tịnh nhất của hôn nhân, và Người trở thành Hôn phu thiêng liêng của tâm hồn chúng ta, tự trao ban, tự hiến, tự bỏ mình cho chúng ta, chiếm hữu và yêu mến chúng ta bây giờ và mãi mãi … Thánh Thể, chính là Chúa Giêsu Hài Đồng nơi hang đá giơ cánh tay cho chúng ta để tặng chúng ta và xin chúng ta một nụ hôn; đó chính là Chúa Giêsu trở thành Hôn phu của chúng ta và kết hiệp với chúng ta trong sự hiệp nhất thanh khiết và khăng khít vô ngần, Người nên một với chúng ta bằng một phép lạ của sức mạnh và tình yêu (…) Thánh Thể, không chỉ là sự hiệp thông, không chỉ là nụ hôn của Chúa Giêsu, không chỉ là kết hôn với Người, nhưng còn là Nhà tạm và Mặt nhật, là Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ “mọi ngày cho đến tận thế”, là Đấng Emmanuel đích thực, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta thật sự”, được đặt suốt ngày ở khắp nơi trên trái đất để chúng ta chiêm ngắm, tôn thờ, mến yêu. Thánh thể, qua sự hiện diện vĩnh hằng của Chúa Giêsu, biến đêm tối cuộc đời chúng ta thành ánh sáng rạng ngời … Thánh Thể, chính là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Thiên Chúa trao ban mãi mãi cho chúng ta để chúng ta yêu mến, tôn thờ, ôm hôn và chiếm hữu; để tôn vinh, hát khen, ca ngợi và chúc tụng Người đến muôn thưở muôn đời.

Thánh Thể phải giúp chúng ta trở nên dịu hiền


“Đây là Mình Thầy … Đây là Máu Thầy” (Mt 26, 26-28).


Làm sao để ân sủng vô biên của Thánh Thể phải giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa nhân lành, một Thiên Chúa gần gũi với chúng ta, một Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, ở trong chúng ta. Nét đẹp và sự hoàn hảo tuyệt diệu này vốn được ban cho chúng ta, đi vào trong chúng ta. Không cần lý giải gì cả, điều đó quá hiển nhiên … Làm sao để Thánh Thể giúp chúng ta trở nên dịu hiền và tốt lành với tất cả mọi người. Được như thế phải có những điều sau : cái lưỡi đã đụng chạm đến Thiên Chúa, liệu có nói điều gì bất xứng với lòng yêu mến Thiên Chúa không?; tâm hồn đã tiếp nhận Thiên Chúa, liệu có dự kiến những tư tưởng xứng hợp với lòng nhân từ của Thiên Chúa không?; thân xác được Thiên Chúa cư ngụ, liệu có những hành động bất xứng với lòng khoan dung của Thiên Chúa không? Hữu thể mà Thiên Chúa đã cư ngụ, là đền thờ của Người lại không tràn đầy lòng nhân từ của Ông Chủ Nước Trời sao? Và Thánh Thể giúp chúng ta có lòng tôn trọng ra sao đối với những Kitô hữu khác? Với những người đã lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta không được có lòng tôn sùng nào? Chúng ta không được có lòng bác ái, lòng tôn kính thiêng liêng ra sao ?; phải chăm sóc chu đáo như thế nào đối với tâm hồn và thân xác người Kitô hữu mà Chúa Giêsu đã ngự ở đó?

Chúa Giêsu gần gũi


Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang ngự trên trời, Chúa ngự trong Bí tích Thánh Thể, Chúa đang sống trong Hội thánh, trong tâm hồn các tín hữu … Ở trên trời, trong Thánh Thể, Chúa hiện diện cách trọn vẹn, cả bản tính Thiên Chúa lẫn bản tính con người, cả thân xác và linh hồn … Trong Hội thánh và trong tâm hồn các tín hữu, Chúa hiện diện bằng ân sủng. Chúa chính là Thiên Chúa thật vì Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi.

Chúa ngự trên trời, trong vinh quang bất tận, có các Thiên thần và các Thánh hầu cận, và Chúa cho các ngài được hạnh phúc … Các ngài nhận biết Chúa là Thiên Chúa tối cao, là Đấng Cứu Độ Chí Ái; các ngài được kết hiệp với ngôi vị duy nhất của Chúa, là Thiên Chúa bất tận, là tất cả của các ngài, là khởi nguyên của vạn sự, và là người con đẹp nhất giữa con cái loài người, được hiệp nhất với Thiên Chúa và nên một ngôi vị duy nhất với Thiên Chúa, khó mà diễn tả được … Chúa gọi chúng con, Chúa chờ đợi chúng con, Chúa nâng đỡ và trợ giúp chúng con để chúng con cũng đạt đến niềm vui của hạnh phúc này, để chúng con được “ở bất kỳ nơi nào có Chúa hiện diện” và chúng con sẽ sống trên trời, ngồi dưới chân Chúa mãi mãi … Hạnh phúc thay vì được nhận biết Chúa là nguồn hạnh phúc ! Hạnh phúc dường nào vì được Chúa gọi đến chia sẻ niềm hạnh phúc khôn tả này! Chúng con hạnh phúc dường nào! Chúa tốt lành biết bao!

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể! Chúa đang ở đó, cách con một mét trong Nhà tạm này! Thân thể và linh hồn của Chúa, nhân tính và thiên tính của Chúa, cả hữu thể trọn vẹn của Chúa đang ở trong đó, trong bản tính kép của Thánh Thể! Chúa thật gần gũi, lạy Chúa! lạy Đấng Cứu Độ! lạy Chúa Giêsu, là người anh, là Hôn phu, là Đấng Chí Ái! Chúa không còn ở gần Đức Maria trong suốt chín tháng cưu mang Chúa trong cung lòng nữa, xin đừng xa con khi Chúa đến trên lưỡi con lúc hiệp lễ! Chúa không còn gần Đức Trinh Nữ và thánh Giuse trong hang Bethléem, trong nhà Nazareth, khi trốn sang Ai cập, trong mọi giây phút cuộc đời đạo đức của gia đình, xin Chúa đừng xa con trong lúc này, xin ở với con nơi Nhà tạm này! Bà Magdeleine không còn gần Chúa khi ngồi dưới chân Chúa ở Béthanie (Xc. Lc 11, 39) nữa, xin đừng để con xa rời chân bàn thờ này! Chúa không còn gần gũi các tông đồ khi Chúa ngồi giữa các ông, xin đừng xa con trong giây phút này, lạy Chúa! Con thật hạnh phúc biết bao, con thật hạnh phúc, con thật vui sướng! Một mình trong phòng và để con thưa chuyện với Chúa trong thinh lặng giữa đêm tối, lạy Chúa, thật là êm dịu, và Chúa hiện diện ở đó như là Thiên Chúa, bằng ân sủng của Chúa; thế nhưng, ở lại trong phòng khi con có thể ở trước Thánh Thể, làm giống như bà Magdeleine, khi Chúa ở Béthanie, đã để Chúa một mình và rời khỏi Thân Thể Chí Ái của Chúa mà suy niệm về một mình Chúa trong phòng. Hôn lên những nơi mà Chúa đã thánh hoá trong cuộc đời trần thế của Chúa, hôn lên những tảng đá ở vườn Gethsémani và trên đồi Calvaire, hôn lên mặt đất trên con đường đau khổ, hôn lên những con sóng ở biển hồ Gallilé, thật là dịu hiền và hiếu kính, lạy Chúa, nhưng con thích làm như thế hơn là hôn lên Nhà tạm của Chúa. Làm như thế là rời bỏ Chúa Giêsu đang sống bên con và bỏ Người lại một mình mà đến sùng bái những tảng đá chết chóc, không có Chúa hiện diện ở đó; làm như thế là bỏ lại căn phòng mà người bạn thiêng liêng đang hiện diện để đến hôn lên mặt đất trong căn phòng mà Chúa đã hiện diện, nhưng bây giờ Người không còn ở đó nữa. Lìa bỏ Chúa ở Nhà tạm để sùng kính các pho tượng, chính là lìa bỏ Chúa Giêsu đang sống gần bạn để đến một căn phòng khác, nơi đó không ai chào hỏi dung mạo của Người. Chúa hiện diện trong Nhà tạm, là nguồn cội mọi sự tốt lành; nếu Người gọi chúng ta đi theo Người, chúng ta hãy đi; lợi ích cho linh hồn, vinh quang của Chúa là chúng ta yêu mến Người bao nhiêu có thể: chúng ta hãy yêu mến Người bao nhiêu có thể; đó là tất cả những gì chúng ta phải làm, đó là tất cả những gì Chúa thực hiện bây giờ và mãi mãi.