Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

LINH ĐẠO KITÔ GIÁO VIỆT TỘC, CÓ HAY KHÔNG !?

Thời sự Thần học - số 35, tháng 3/2004, tr. 12-24

_Thanh Trúc_ 


Khi nói về pháp, linh đạo hoặc tu đức, những hạn từ này xem ra còn rất xa lạ với phần đông giới bình dân Việt Nam. Thông thường, bàng dân thiên hạ khi nghe nói đến pháp, hoặc tu đức hay linh đạo là chỉ hàm ý nói đến những cách thế dành riêng cho những người xuất gia, giới tu chứng, chứ không mấy ai hiểu đó là một trong những cách thế giúp mỗi người làm người, nên người cho đúng nghĩa! Hơn nữa, quan niệm dân Việt thường cho rằng, chỉ những người có căn cơ, quả lành, nghiệp tốt... mới có cơ may tu chứng, còn những kẻ nghiệp nặng, hạ căn thì chưa thể tu chứng được. Vô hình trung, quan niệm này đã gán cho giới xuất gia một địa vị khác thường, vốn được coi là những người ưu tuyển và thậm chí còn được kính phục một cách quá đáng!  
Mấy ai dễ chấp nhận rằng, đã sinh vào cõi đời này, dầu muốn hay không, ai cũng cố gắng hoàn thiện cuộc sống của mình ở mức tối đa, nghĩa là hiện hữu theo một cách thức nào đó, ấy là làm người vậy! Thế nên, pháp, linh đạo hay tu đức không chỉ là những phương thế dành riêng cho các bậc tu chứng mà mọi người đều được mời gọi tham phần để hoàn thành cuộc nhân sinh của mình. Chẳng vậy, tục ngữ Việt nam có câu:

Thứ nhất là tu tại gia
Thứ hai tu chợ thứ ba tu chùa.


Cho nên, đã mang thân phận làm người, ai ai cũng được mời gọi để tu, để hoàn thiện ngõ hầu thành toàn con người của mình. Chẳng cứ là thượng căn hay hạ căn, nghiệp nặng hay nghiệp nhẹ, cơ may hay vận rủi, mọi người dầu muốn hay không cũng được mời gọi sống cho ra người, làm người để nên người.

1. Linh đạo theo văn hoá và tôn giáo:


1.1. Linh đạo xét như phương cách nên hoàn thiện:


Dưới khía cạnh văn hóa, linh đạo, tu đức hay pháp, đều là những cách thức con người diễn tả cuộc đời của mình sao cho ngày một hoàn thiện hơn. Thêm vào đó, theo quan niệm Đông phương, “vạn pháp duy tâm tạo”, nêu nẻo đường hoàn thiện của mỗi người có thể rất khác biệt, rất đặc thù đến mức ra như tương phản và trái nghịch nhau. Âu cũng vì thế mà nảy sinh những trường phái căn bản như vô vi, hữu vi, nhập thế, xuất thế, quy tâm... những cách thức thể nghiệm lối sống như vậy dù có khác biệt thế nào đi nữa vẫn chỉ nhắm tới một đích điểm tối hậu là giúp con người ngày một hoàn thiện hơn.

1.2. Linh đạo xét như con đường nên thánh:


Dưới khía cạnh tôn giáo, mục đích của tất cả mọi tôn giáo xét theo nghĩa rộng là mời gọi mọi người ăn ngay ở lành, giải ác hành thiện, cải tà quy chánh. Nói cách khác, tôn giáo là phương thế giúp con người giác ngộ, đạt đạo hoặc nên thánh. Tuy nhiên, hành trình giác ngộ, đạt đạo hay nên thánh không miễn chước cho mỗi người khỏi bổn phận làm người. Người ta không thể nên thánh mà trước hết không phải là người, không thể giác ngộ nếu không giác tâm, không thể đạt đạo nếu không hành đạo!

Như vậy, nếu linh đạo xét như một hành trình nên thánh, đạt đạo hay giác ngộ gì đó, thì cũng chỉ là khác về góc nhìn mà thôi. Còn xét về thực chất, quá trình làm người hay nên thánh cũng hoàn toàn đồng nhất và thống nhất với nhau, nghĩa là cách thức thể nghiệp cuộc sống để giúp con người vươn tới mọi chiều kích, ngõ hầu thành toàn cuộc nhân sinh của mình. Nếu tách rời hành trình làm người và hành trình nên thánh, con người sẽ rơi vào bi kịch khủng hoảng căn tính của mình. Rồi ra, người sẽ là kiểu “người-cực-chẳng-đã”, mà thánh sẽ là loại “thánh-bất-đắc-dĩ”. Xét cho cùng, ấy là cuộc vong thân vong bản và chẳng biết đâu là bến bờ, là cội nguồn!

2. Những đặc nét trong nền văn hóa tâm linh Việt tộc:


Hình thái văn hóa tâm linh của bất kỳ dân tộc nào cũng đều thể nghiệm bằng một vài nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt thường nhật của dân tộc ấy. Hơn nữa, cách thể hiện đời sống văn hóa của một dân tộc được kết tinh thành những nét đẹp, cô đọng trong huyền thoại, hội họa, thi phú, kiến trúc. . . của dân tộc ấy. Những yếu tố này được thành hình, duy trì và chuyển trao từ thế hệ này sang thế hệ kia làm nên truyền thống văn hóa của một dân tộc. Thế nên, khi tìm hiểu những nét đặc trưng nền văn hóa của một dân tộc, cách tiếp cận thực tế nhất đó là khảo cứu huyền thoại, thi phú, hội hoạ, kiến trúc... của dân tộc ấy. Cũng vậy, để khảo cứu những nét văn hóa tâm linh của Việt tộc, cách đơn giản nhất là chúng ta cùng tìm về nguồn ca dao tục ngữ dân gian Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, nguồn huyền thoại, thi phú, hội hoạ, kiến trúc, lễ hội trong kho tàng văn hóa Việt Nam cũng chứa đựng không ít những biểu trưng văn hóa tâm linh của Việt tộc, nhưng xem ra những những nguồn này đã được tiếp biến và giao thoa với nhiều nền văn hóa lân cận như văn hóa Trung Hoa, Khổng, Lão, Phật... Vĩ lẽ đó, chúng ta chỉ tập chú vào nguồn tục ngữ ca dao Việt Nam, xét như là nguồn mạch tinh ròng thuần Việt, để lảy ra những nét đặc thù của bầu khí văn hóa tâm linh Việt tộc.

2.1. Hoà tính : “Chín bỏ làm mười”:


Tính cách hiếu hoà của người Việt được thể hiện thật rõ trong kho tàng ca dao tục ngữ. Mỗi khi có chuyện bất hòa, tranh chấp trong gia đình, dòng tộc, làng xã, người Việt thường khuyên bảo nhau: “một câu nhịn chín câu lành”. Nét đặc trưng này có điểm tích cực là giúp cho người Việt dễ dàng chung sống hòa bình, và dĩ hoà vi quý là vậy. Tuy nhiên, nếu chỉ vin vào yếu tố này một cách máy móc, lối sống của người Việt có thể sẽ vô tình dung túng cho những kẻ phạm pháp, gây bất công, ăn trên ngồi trốc có một “hành lang” ung dung lộng quyền dương oai tác quái, tham nhũng, nhục quốc, hại dân.

2.2. Tập thể tính : “Xấu đều hơn tốt lỏi”:


Yếu tố thập thể tính của người Việt phải nói là thật tiêu biểu. Phải chăng vì thế mà dân ta rất đoàn kết trong kháng chiến, đồng lao cộng khổ trong việc đuổi quân xâm lăng? Thật vậy, một ngàn năm đô hộ của người Trung Hoa không thể xoá tên được Việt tộc. Một năm năm đô hộ của thực dân Pháp cũng không thể làm suy suyển nền độc lập nước nhà. Và đến lượt đế quốc Mỹ cũng phải tháo chạy. Phải chăng vì “tập thể tính” này mà kẻ thù nào ta cũng đánh thắng, khó khăn nào ta cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành? Có lẽ chỉ đúng được một phần ba, còn hai phần ba vẫn để bỏ ngỏ. Trung thực mà nói, yếu tố tập thể đã đoàn kết sức mạnh dân Việt trong việc kháng cự ngoại xâm, nhưng cũng vô tình gây ra những hội chứng “đoàn lũ”, “cá mè một lứa” hoặc “ỉ lại” trong rất nhiều bình diện khác của cuộc sống như kinh tế, chính trị, văn hóa... Bằng chứng là vào độ thập niên 70 đến 80, hạt giống “bao cấp” và lối làm ăn “hợp tác xã” đã rơi trúng vào mảnh đất màu mỡ Việt tộc, làm cho cái thói “đoàn lũ” và “ỷ lại” nở rộ đến mức ngày nay cả bao cấp lẫn hợp tác xã đều bị chết ngạt!

2.3. Duy bản làng : “Phép vua thua lệ làng”:


Có lẽ xuất phát từ văn hóa nông nghiệp, nên lối sống người Việt chủ trương là chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng. Trước đây, làng nào cũng có lũy tre vừa là ranh giới giữa làng này với làng khác, vừa là vành đai bảo vệ dân làng được an lành. Nếu có phải rời bản làng tìm kế sinh nhai đây đó, thì sau một thời gian, người ta thường trở về làng để tiếp tục sinh sống. Chẳng vậy, tục ngữ Việt Nam có câu:

Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn


Yếu tố này có thể hình thành nên tình làng nghĩa xóm như này ngày nay. Nhưng đôi khi quá đà, vì đề cao bản làng của mình, làng này có thể dấy lên đôi co với làng nọ, làm suy giảm tình đồng bào, rạn nứt tình quê hương đất nước. Thật vậy, vào hạ tuần tháng hai vừa rồi, báo chí nước ta rùng beng lên chuyện làng mấy làng Quỳnh ở xứ Nghệ hứng chí phóng hoả lẫn nhau, làm mấy chục căn nhà thiệt hại và nhiều trâu bò bị thiêu rụi!

2.4. An phận thủ thường: “Ăn con cáy thì ngáy o o, ăn con bò thì lo ngay ngáy”:


Nét văn hóa nông nghiệp chủ trương lối sống định canh định cư. Yếu tố này làm cho dân ta thiếu tính mạo hiểm, ngại bôn ba đây đó. Chưa hết, nếu lối sống an phận thủ thường không được cảnh tỉnh, sẽ dẫn đến nguy cơ “bình chân như vại”, “cha chung chẳng ai thèm khóc”. Sau cùng, lối sống này có thể làm thu chột tính sáng tạo của Việt tộc, ít có người dám tiên phong xâm mình lao vào các lãnh vực mới. Phải chăng vì thế mà dân ta thiếu triết gia, các thánh hiền, các nhà phát minh?

Dưới khía cạnh tâm linh, lối nhìn an phận thủ thường khiến cho dân Việt rơi mang não trạng “duy định mệnh”. Thật vậy, nhân gian có câu: “giép còn có số, huống nữa là con người!” Não trạng này dẫn đến lối sống tin mê thờ quấy, bói toán, ngẫu tượng la liệt ngổn ngang đây đó. Một khi đã xác quyết con người có số có nghiệp theo nghĩa chặt, thì kiếp này có tu chứng bao nhiêu, có hành thiện cỡ nào đi nữa cũng luống công. Yếu tố này có vẻ rất am hợp với tất định thuyết của Phật giáo. Ý tưởng này được triển khai khá rạch ròi trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du:

Gẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao!


2.5. Màu cờ sắc áo: “Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”:


Đây quả là một trong những nhược điểm di căn làm cho Việt tộc ít khi dám đối diện với sự thật. Quả vậy, “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Và một khi đã không dám đối diện với sự thật, cho dù sự thật phũ phàng đến mức nào đi nữa, thì ta khó có thể tiến bộ được. Yếu tố “màu cờ sắc áo” dễ dàng lôi kéo ta vào các hội chứng “phong trào”, “thời vụ”, “biểu dương công trạng”, “đánh giá thành tích”. Những hội chứng này sẽ là cạm bẫy dun dủi nhiều cá nhân cũng như tập thể sa vào cơm cám dỗ của “báo cáo láo”, “duy hình thức”.

2.6. Tình đồng bào: “lá lành đùm bọc lá rách”:


Có lẽ đây là một trong những đặt nét ưu tuyển của Việt tộc. Tình đồng bào được thể hiện rất rõ qua nhiều câu ca dao tục ngữ:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Hoặc
Tứ hải giai huynh đệ
Hoặc
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.


Thêm vào đó, huyền thoại Âu Cơ ấp nở trăm trứng hàm ý minh định rằng, Việt tộc đã từng được cưu mang trong cùng một bào thai. Chữ “đồng bào” có lẽ bắt nguồn từ huyền thoại này, nhắc dân Việt khi nhớ về cội nguồn của mình phải thực thi tình tương thân tương ái. Phải chăng đây là nền tảng thiết thực cho “lòng nhân” của Khổng giáo, “lòng từ bi” của nhà Phật hoặc “lòng bác ái” của Kitô giáo triển nở trong nền văn hóa tâm linh của Việc tộc? Và một khi đã trót có tình có nghĩa với nhau rồi thì “chín bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quý” cũng là dễ hiểu.

2.7. Ngưỡng vọng Đức độ: “Đức năng thắng số”:


Lối sống người Việt xưa nay, dù rất trọng người Tài, nhưng cũng không vì thế mà lơ là với chữ Đức. Theo quan niệm bình dân của người Việt, sống có Đức nghĩa là “ăn ngay ở lành”, hành thiện lánh ác! Theo Hán ngữ, chữ đức bao gồm bộ Xích (bước chân), kèm với chữ Thập, chữ Tứ, chữ Nhất và chữ Tâm. Nói cách khác, ăn ở có đức độ nghĩa là sống sao cho có tấm lòng. Sống có đức nghĩa là trở về với lòng mình, dàn trải, mở rộng lòng mình ra với nhân gian. Trong một chừng mực nào đó, nếu hiểu Đức cũng chính là Tâm, thì đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã nói so sánh giữa Tài và Đức như sau:

Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.


Theo nghĩa rộng, nói đến tài thì chỉ nhắm đến một số thành phần ưu tuyển nào đó. Còn khi nói về đức, thì không miễn trừ cho bất kỳ người nào cả! Ai ai cũng được mời gọi và câu thúc sống cho có đức. Thật vậy, tục ngữ Việt Nam đã răn dạy:

Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

Hoặc
Có đức mặc sức mà ăn

Đành rằng việc “sống có đức” là phận vụ không miễn chước cho bất kỳ hạng người nào. Tuy nhiên, đức độ không phải để thủ đắc cho bản thân, mà là di sản cho hậu duệ. Thật vậy, người Việt người nói: “Nhờ đức ông bà tổ tiên để lại, tôi mới có được vận tốt như hôm nay...” hoặc “ăn ngay ở lành để đức cho con”.

Dưới một khoé nhìn khác, chữ Đức còn được đồng hóa với chữ Nết. Nết ở đây được hiểu là nết na, đạo hạnh, đoan trang, tao nhã. Âu cũng vì lẽ đó mà người Việt khẳng định “Cái nết đánh chết cái đẹp”!

Sau cùng, khi so sánh chữ Đức với số mệnh, dân gian Việt tộc đã nhìn nhận: “đức năng thắng số”. Một khi đã ăn ở có đức, thì không sợ phận bạc duyên đơn, không lo vận hạn chết yểu! Có lẽ đây cũng là điểm son mà quan niệm Phật giáo Đại thừa đã tiếp biến, không dừng lại ở tất định thuyết, ý nói nghiệp nặng bất biến như quan niệm Tiểu thừa, nhưng mở rộng đến quan niệm “chuyển nghiệp”, nghĩa là nhờ đời sống đạo hạnh, người ta vẫn có thể chuyển nghiệp và tu chứng đắc đạo!

Nếu đã quan niệm tới mức này, nghĩa là “đức năng thắng số”, thì người Việt không hề dị ứng chút nào với đạo lý Kitô giáo. Bởi lẽ Kitô giáo không hề chủ trương tất định thuyết. Ngược lại, Kitô giáo khẳng định ngay từ đầu mọi người trong cõi đời này đều được mời gọi nên thánh (x. Dt 2,10). Có điều là chỉ cần sống am hợp với lẽ trời, tức là thể nghiệm lòng bác ái giữa nhân gian vì tin nhận mọi người đều có một Cha Chung trên trời (x. Mt 5). Vậy, một người sống đức độ không khác gì so với một người sống tinh thần đạo lý Kitô giáo, nếu không muốn nói là hoàn toàn tương đồng. Có khác chăng, ấy là một bên minh nhiên tin có Thiên Chúa, được mặc khải qua Đức Giêsu Kitô là chủ tể trời đất, nguồn mạch và cứu cánh của muôn loài; bên kia ám tàng tin nhận Đấng tối cao bằng cách ăn ngay ở lành, ngõ hầu gặt hái được “Quả” tốt cho phận mình cũng như cho đồng loại!

3. Những nẻo đường tâm linh Việt tộc mang sắc thái phương Đông


3.1. Nhập thế :


Theo Khổng Tử, Đạo làm người đồng nghĩa với việc thực thi Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ Trí, Tín. Thực ra, năm yếu tố trên đây chỉ là năm khía cạnh của một hành trình làm người. Điểm then chốt của đạo Khổng ấy là sống chữ Nhân. Chữ nhân ở đây gồm bộ Nhân và chữ Nhị, ý nói là tương quan giữa người với người phải đặt nền trên lòng thương xót, trắc ẩn, hiền từ và độ lượng. Mặt khác, chữ Nhân còn hàm ý nói tới cái hột, cái cốt lõi, căn cơ để người người dựa vào đó mà hành xử với nhau sao cho hợp tình hợp lý, cho công bình ngay thẳng.

3.2. Xuất thế


Theo Lão Tử , tu thân tới mức hiệp nhất với đất trời, an hòa với mọi người, ấy là có đức vậy. Cái lý căn bản của Đạo Đức Kinh là vạn vật tự nó đã quá hoàn chỉnh rồi. Con người rập theo đó mà sống, mà hoà điệu với thiên nhiên vũ trụ, không việc gì phải tác động thêm vào thiên nhiên, vạn vật cả. Âu cũng vì thế mà Lão Tử chủ trương “Vô”, lấy Vô làm gốc, từ đó phát sinh vô vi, vô hành, vô ngôn, vô sự...

3.3. Quy Tâm


Mục Ngưu đồ ra đời từ triều đại nào, dưới ngọn bút lông nào, khó mà tra cứu cho đích xác được. Điều chắc chắn là tranh này có từ xa xưa lắm. Mãi đến đời nhà Tống, thế kỷ XII, một số hoạ sỹ náo nâu mới phục chế lại các bức hoạ này, hoà với dòng Thiền Phật giáo Bắc tông, tái tạo lại bộ tranh Mục ngưu đồ bao gồm 10 bức hoạ. Tuy có nhiều bộ tranh xuất phát từ các trường phái khác nhau, nhưng Mục ngưu đồ được gom lại thành hai loại, một của phái Đại thừa (lối tu tiệm), một của phái Thiền Tông (lối tu đốn).

Dù là tranh Đại thừa hay Thiền tông, cả hai đều trình bày quá trình trở về tâm, thuần tâm như là một phương cách thực thi phận vụ làm người. Trong đó, hình ảnh con trâu được coi như tâm kẻ hành Đạo. Khởi đi quá trình tìm trâu, dắt trâu, luyện trâu, thuần trâu, rồi buông trâu, quên người, và sau cùng hòa với thiên nhiên, thõng tay vào chợ. Điểm khác biệt là kết thúc tranh Đại thừa thì mất cả người lẫn trâu, tức là cả tâm lẫn thân cùng hòa với thiên nhiên; còn kết thúc tranh Thiền Tông là cảnh người “đạt đạo” thõng tay vào chợ, hoà điệu với nhân gian. Ra như kết thúc của bộ tranh Đại thừa nhắm đến “xuất thế”, còn tranh Thiền Tông nhắm đến “nhập thế”. Hai kết cục có vẻ trái ngược nhau về phương cách hoặc góc nhìn, nhưng thực chất cũng chỉ là một, ấy là hoà điệu cùng vạn thể. Suy cho cùng, mục đích của mọi hành trình tu chứng cốt là để “hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” (Đạo đức kinh, số 4), tan hoà trong ánh sáng, đồng điệu với nhân gian.

4. Có chăng, một linh đạo Kitô giáo mang sắc thái Việt tộc?


Sau khi lượt qua một vài nẻo đường tâm linh của Việt tộc mang dáng dấp Đông phương như “Nhập thế” của Khổng, “Xuất thế” của Lão, “Quy tâm” của Phật, ta nhận thấy dù các linh đạo này được du nhập từ các truyền thống văn hóa tâm linh của các nước lân bang, nhưng khi vào Việt Nam, các truyền thống ấy được tiếp biến, am hợp với một vài đặc nét văn hóa Tâm Linh của Việt tộc. Dù các nẻo đường tâm linh ấy có khác nhau về cách thế, nhưng đều thắt chặt với yếu tố “đồng bào” và “ngưỡng vọng đức độ” của nét văn hóa tâm linh Việt tộc. Thế nên, Khổng giáo, Lão giáo hay Phật giáo không còn mang nét “thuần chủng” nữa, mà đã được thể nhập với nền tâm linh Việt tộc để trở thành Khổng, Lão và Phật giáo Việt Nam. Cũng theo tiến trình này, thử hỏi có chăng một linh đạo Kitô giáo mang sắc thái Việt tộc?

Để trả lời câu hỏi này, trước hết, ta lần dở lại cách thức Hội nhập Tin mừng của Đức Giêsu vào nền văn hóa tâm linh Do thái. Như ta đã biết, nền tảng đạo lý Do thái chủ yếu đặt nền vào Ngũ thư, trong đó, yếu tố luân thường đạo lý được vạch rõ trong Thập giới. Thế nên, khi loan báo Tin mừng cứu độ, Đức Giêsu đã không ngần ngại giới thiệu Bát Phúc như là một bước triển khai đầy tính cách mạng của Thập giới. Sau cùng, Người đã tóm kết tất cả mọi giới luật vào một “khoản” duy nhất đó là “giới luật mới” : “Hãy yêu thương nhau”!

Đến lượt chúng ta, mặc dù Thập giới và Bát Phúc không có gì xa lạ với luân thường phổ cập, nhưng dường như dân ta vẫn khó chấp nhận “nhai lại” những giá trị luân thường vốn đã là “kỷ phần” của nền văn hóa khác. Vì thế, nếu đùng đùng đưa ra Thập giới hay Bát Phúc như là “Nhập môn” của Kitô giáo đối với các nền văn hóa tâm linh không thuộc Do thái, dù không có ý chống đối hay dị ứng, nhưng tự trong vô thức, chúng ta vẫn khó chấp nhận để cho “Nhập môn” theo kiểu đó bén rẽ trong tâm thức người Việt. Chi bằng, tận dụng những nét độc sáng như “Tình đồng bào”, “ngưỡng mộ đức độ” trong văn hóa tâm linh của Việt tộc, rồi đem cấy “giới luật mới” vào đó! Làm như vậy, chắc chắn người Việt sẽ cảm thụ được đạo lý Kitô giáo một cách gần gụi, thân thương, đồng cảm và đồng tình biết mấy. Hơn nữa, một khi đã xác quyết được “điểm hẹn” giữa Kitô giáo và những nét độc sáng của văn hóa tâm linh của Việt tộc, việc thiết định Kitô giáo trên nền văn hóa tâm linh Việt tộc sẽ trở nên dễ dàng và suông sẻ biết bao, tựa như nước chảy về chỗ trũng, thanh khí ùa vào nhà trống và ánh sáng chan hòa cõi tịch mịch.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận Thập giới của Cựu ước hay Bát Phúc của Tân ước. Hai giá trị linh đạo trong Văn hóa Tin mừng này vẫn có thể được xử dụng để triển khai đức Ái, ý nói Giới luật mới của Kitô giáo một cách triệt để và rạch ròi hơn. Tuy nhiên, điểm cốt lõi Kitô giáo nhắm tới vẫn phải là “giới luật mới” (Ga 13, 34). Và nếu khởi đi từ tiến trình này, ắt hẳn không chỉ Việt tộc, mà cả các dân tộc khác sẽ dễ dàng tiếp nhận và thấm đẫm đạo lý Tin mừng của đức Giêsu hơn là khởi đi từ Thập giới!

Tài liệu tham khảo:

  1. Bùi Văn Nguyên, Việt Nam Truyện cổ Triết lý và Tình thương, Nxb Khoa học Xã hội, 1991.
  2. Đông Phong, Về nguồn văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Mũi Cà Mau, 1998.
  3. Hà Huy Tú, Tìm hiểu nét đẹp văn hóa Thiên Chúa Giáo, Nxb Văn hóa thông tin, 2002.
  4. Lm Tôma Thiện Trần Minh Cẩm, o.p., Tiếng hát mỗi dòng sông, Sài Gòn, 1999.
  5. Nguyễn Đăng Duy, Văn Hóa Tâm linh, Nxb Hà Hội, 1998.
  6. Nguyễn Hiến Lê , Lão Tử - Đạo đức kinh, Nxb Văn Hoá, 1998.
  7. Theodore M. Lugwig, Những con đường tâm linh Đông Phương, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2000.
  8. Trung tâm nghiên cứu Tâm lý dân tộc, Tâm lý người Việt từ nhiều góc độ, Nxb TP HCM, 2000.
  9. Tuệ Sỹ, Thiền qua tranh chăn trâu, Sài Gòn, Phật Lịch 2544.
  10. Việt Catholic, Suy tư và đóng góp cho thần học Việt Nam, Năm thánh 2000.
  11. Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói, Cơ sở ấn loát Đường Sáng, Sài Gòn, 1968.