Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 4, THÁNG 12/2009

CHỦ ĐỀ: … VÀ THIÊN CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI

LỜI NGỎ


Mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa là cánh cửa mở ra cho Vô biên, cho Hồng ân, cho Tình yêu, cho “Thiên Chúa làm Người để con người làm Thiên Chúa” (Thánh I-rê-nê).

Mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa là Giáng sinh giữa đời thường để cảm thông, chia sẻ, yêu thương và để “quy tụ muôn loài trong trời đất” (Ep 1,10).

Mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa là gặp gỡ, trao tặng nhau lời chúc bình an: “Chúa ở cùng anh chị em”, vì “Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).

Mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa mở ra một con đường “thần linh hóa”dẫn con người khám phá ra giá trị cao quý của mình, đồng thời, Thiên Chúa làm Người để thánh hóa các giá trị nhân bản.

Mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa là “dấu ấn của Thiên Chúa ..dẫn đưa Hội thánh bước vào thời đại mới của ân sủng và sứ vụ”. (Sắc chỉ mầu nhiệm Nhập thể công bố khai mạc năm thánh 2000).

Mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa “tỏ lộ dung mạo Thiên Chúa Cha là Đấng luôn “chạnh thương và nhân ái” (Gc 5,11).

Mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa làm vang lên bài thánh thi ngợi ca và tạ ơn Thiên Chúa, Đấng trọn nghĩa yêu thương…, để chúng ta trở thành “người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19).

DO THẾ, GIÁNG SINH ÂN SỦNG NO SAY 
TRỜI TUÔN MƯA PHÚC, ĐẤT DÀY TÌNH YÊU.
Thời sự Thần học số này với chủ đề “...và Thiên Chúa đã làm Người” như một tuyên ngôn về Tình yêu Thiên Chúa. Ngôi Hai Nhập thể sống thân phận con người, lang thang đây đó trên khắp nẻo đường Palestine, làm bạn với người thu thuế và tội lỗi …để loan báo Tin Mừng Cứu độ cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Người chính là kiểu mẫu cho việc Nhập cuộc của con người (Bài 1) giữa cuộc đời “hỷ, nộ, ai , cụ, ái, ố, dục” này, trong những điều bình thường (Bài 2). Nhờ Mầu nhiệm Nhập thể, Phẩm giá con người được nâng cao (Bài 3).

Hơn nữa, các Thánh Giáo phụ cũng đóng góp tư tưởng của các Ngài: “Con Thiên Chúa làm Người để chúng ta được đổi mới và thần linh hóa” (Thánh Athanasio) hay “Người đã chia sớt xác phàm của tôi” (Thánh Gregorio- Bài 4). Từ đó, các chiều kích của Mầu nhiệm Nhập thể được phác họa như một bức tranh “Thiên Chúa và Con Người”, Thiên Chúa uy linh cao cả nơi Đức Giêsu, còn con người nghèo hèn yếu đuối, bị tội nguyên tổ đè bẹp. Tuy vẫn biết tội lỗi là một chướng ngại của hạnh phúc thật, nhưng có thể nói tội cũng là cơ hội để Thiên Chúa biểu lộ tình thương. (Bài 5- 8).

“Mầu nhiệm Nhập thể” (Bài 9) và “Đâu là Uyên nguyên của sự Cứu độ” (bài 10) giúp hiểu mầu nhiệm Đức Ki-tô, từ Nhập thể đến Cứu độ, dưới góc độ “Truyền thống và Hiện đại”. Chứng từ Cựu Ước, Tân Ước, các Giáo phụ, các Công đồng làm sáng rõ Con Người Đức Ki-tô: “Người là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật; Người là Con Người thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành”.

Phần Hai “Linh Mục trong thế giới hôm nay” là những suy niệm về các khía cạnh chính yếu của Linh đạo Linh Mục thừa tác, cũng như chức Linh mục Cộng đồng, của Linh mục phụ trách Giáo xứ (Triều) cũng như Linh mục tu sĩ (Dòng) (Bài 11-16).

Sau cùng, phần Ba “Mừng Năm Thánh 2010” chia sẻ về Sứ vụ “Rao giảng Tin Mừng trong thời đại công nghệ thông tin” (Bài 17) và “Những lá thư không tem trong Lịch sử Cứu độ” (Bài 18).

Nguyện xin Ân sủng và Tình yêu của Đấng Emmanuel ở cùng quý bạn đọc luôn mãi, nhất là trong mùa Giáng sinh 2009 và năm mới 2010.

Thân kính,
Nhóm Vinh sơn Phạm Hiếu Liêm

NỘI DUNG

  1. Từ Thiên Chúa nhập thể đến con người nhập cuộc, Giuse Mai Văn Điệp, tr. 9-19.
  2. Sống chiều kích nhập thể trong những điều bình thường, Phêrô Phạm Duy Khánh, tr. 20-28.
  3. Phẩm giá con người trong mầu nhiệm nhập thể, P.X Trần Kim Ngọc, tr. 29-34.
  4. Mầu nhiệm nhập thể trong phụng vụ và các giáo phụ, tr. 35-40.
  5. Từ mầu nhiệm tội nguyên tổ đến mầu nhiệm nhập thể, Anh Phương, tr. 41-46.
  6. Nhập thể, nhập thế, nhập tâm, An Phong, tr. 47-56.
  7. Nẻo về chân lý, Paul Martin K. Nam,57-67.
  8. Thánh Giuse trong biến cố giáng sinh, Hoàng Anh, O.P, tr. 68-75. 
  9. Mầu nhiệm nhập thể, Walter Drum, tr. 76-111.
  10. Đâu là ý nghĩa uyên nguyên của sự cứu độ, Rikk Watt, tr. 112-128.
  11. Nền tảng Tân Ước của linh đạo linh mục, John R. Donahe, tr. 129-142.
  12. Chức linh mục cộng đồng của các tín hữu, Nguyễn Đăng Trực, O.P, tr. 143-149.
  13. Đào tạo linh mục giáo phận và dòng tu những điểm đồng quy, Thomas D.Williams, tr. 150-159.
  14. Chức linh mục thừa tác và lời khuyên Phúc Âm, Nguyễn Đăng Trực, O.P, tr. 160-165.
  15. Chức linh mục Anh Em Dòng Giảng Thuyết, Nguyễn Đăng Trực, O.P, tr. 166-174.
  16. Lời cầu nguyện của vị linh mục, Louis-Joseph Lebret, tr. 175-177.