Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

TÌNH HÌNH ĐẠI KẾT HIỆN NAY

Thời sự Thần học - Số 63 (tháng 02/2014), tr. 163-189 

_Unitatis Redintegratio, số 4_
"Người công giáo phải vui mừng nhìn nhận và tôn trọng những giá trị thực sự mang tính cách Kitô giáo, phát xuất từ cùng một gia sản chung, được tìm thấy nơi các anh em đã tách rời khỏi chúng ta. Nhìn nhận những ơn phúc dồi dào và sức mạnh của Đức Kitô đang tác động trong đời sống của những kẻ đang làm chứng về Người đôi khi đến phải đổ máu, việc đó thật là chính đáng và có giá trị cứu rỗi, vì Thiên Chúa là Đấng đáng ca tụng và phải được ca tụng trong những việc Người làm."


_Hồng y Kurt Koch_ 

Đây là bài thuyết trình của vị chủ tịch Hội đồng Toà thánh cổ vũ sự hợp nhất các Kitô hữu, tại trung tâm của phong trào Focolare (Tổ ấm) ở Rocca di Papa (Roma) ngày 4/6/2012, (Nguyên văn bằng tiếng Ý: La situazione ecumenica oggi)[1]. Diễn giả nhìn lại những thành quả của công cuộc đại kết từ phía Giáo hội Công giáo trong vòng 50 năm qua. Sau những hồ hởi của giai đoạn đầu, xem ra cuộc đối thoại đại kết đã bị khựng lại. Tác giả giải thích nguyên nhân của sự bế tắc, đồng thời mở ra những hướng đi mới với nhiều hy vọng.
1. Một chuyến bay đại kết.
2. Hai thứ phân ly khác nhau của Giáo hội:
  a) Sự phân ly Giáo hội giữa Đông và Tây.
  b) Sự phân ly Giáo hội bên Tây.
3. Những tiến triển gần đây của phong trào đại kết:
  a) Thay đổi mô hình trong thần học đại kết;
  b) Tìm lại căn cước của việc tuyên tín;
  c) Sự xác định mục tiêu đại kết;
  d) Những cuộc tranh luận mới về luân lý;
  e) Những đối tác đại kết mới.
4. Tổng kết tình hình đại kết:
  a) Vượt lên sự chia rẽ ô nhục trong thân thể Đức Kitô;
  b) Trọng tâm tinh thần của việc đại kết;
  c) Cuộc đại kết của các vị tử đạo.

Nếu nhìn lại cuộc dấn thân đại kết 50 năm qua, chúng ta nhận thấy rằng cuộc đại kết có thể so sánh như một cuộc du hành bằng máy bay. Chuyến hành trình này, tiếp theo nhiều chuẩn bị hăng say và lâu dài, đã tiến nhanh ra phi đạo và cất cánh mau lẹ. Sau khi phi cơ đã đạt đến độ cao và tiếp tục bay trên bầu trời, người ta có cảm giác rằng máy bay không chuyển động nữa hay là chỉ bay chậm chạp. Nhưng mỗi người hành khách cần phải tin tưởng rằng máy bay chắc chắn sẽ tới đích an toàn.

1. Một chuyến bay đại kết


Xét về việc dấn thân của Giáo hội Công giáo vào công cuộc đại kết, thì công đồng Vaticanô II tương đương với việc gấp rút chuyển ra phi đạo. Giáo hội đã có một thái độ mới đối với phong trào đại kết được đánh dấu với việc thành hình của Hội đồng đại kết các Giáo hội vào năm 1948. Tuy nhiên, sự thay đổi quan trọng của công đồng không thể xảy ra nếu trước đó đã không có những nỗ lực của đức thánh cha Lêô XIII[2] và của đức Bênêđictô XV, những vị đã ủng hộ việc cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu, và nhất là đức Piô XII, người đã nghĩ đến việc triệu tập một công đồng, và đã mở đường cho công đồng Vaticanô II nhờ kho dồi dào giáo huấn của mình[3]. Chúng tôi muốn ôn lại vắn tắt những tiền đề lịch sử này để cho thấy rằng tuy công đồng Vaticanô II đã đánh dấu một khúc ngoặt canh tân, nhưng cũng nằm trong dòng chảy của truyền thống chứ không gây ra một sự cắt đứt. Thực vậy, mục tiêu của công đồng không nhắm đến một Hội thánh mới, nhưng là một Hội thánh đổi mới. Điều này nằm trong định hướng mà đức thánh cha Gioan XXIII đã vạch ra, tức là canh tân trong nội bộ của Giáo hội Công giáo và tái lập sự hợp nhất các Kitô hữu. Để duy trì mục tiêu này trong thời gian công đồng, vào năm 1960 (nghĩa là hai năm trước công đồng) đức Gioan XXIII đã thiết lập, Văn phòng cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu và uỷ thác cho Hồng y Augustin Bea S.J. điều khiển[4].

Vào hồi đó, việc triệu tập công đồng Vaticanô II (ví như việc chạy ra phi đạo) đã gợi lên nơi nhiều người niềm hy vọng rằng sự hợp nhất các Kitô hữu đã gần kề. Nhưng sau 50 năm, chúng ta vẫn di chuyển với độ cao không thay đổi, hoặc ít là có cảm giác như vậy nơi những người nhận được tin “cuộc quang lâm bị đình hoãn”[5]. Dù sao, vẫn có hy vọng chính đáng rằng máy bay đại kết sẽ hạ cánh an toàn. Chúng ta xác tín như vậy là vì phi công thực sự là Thánh Linh, Đấng đã bắt đầu chuyến bay với Hội thánh chúng ta và chắc chắn sẽ đưa tới bến.

Trong tinh thần tin tưởng ấy, các Giáo hoàng tiếp nối công đồng Vaticanô II đã xác nhận và diễn tả sự chuyển hướng đại kết ra hành vi cụ thể. Đang khi công đồng còn tiếp diễn, đức Phaolô VI đã thực hiện một bước đại kết ý nghĩa hướng về Giáo hội Chính thống vào ngày 7/12/1965, khi ngài cùng với đức Athenagoras thượng phụ Constantinople cùng ký vào bản huỷ bỏ các vạ tuyệt thông hồi năm 1054[6]. Với hành động này, nọc độc tuyệt thông đã được nhổ, và “biểu tượng chia rẽ” đã được thay thế bằng “biểu tượng tình yêu”[7]. Hành vi đã đánh dấu khởi điểm của cuộc đối thoại tình yêu và sự thật giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống, nhằm đến sự hiệp thông bí tích. Trong thông điệp “Ut unum sint”, đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố dứt khoát rằng cuộc dấn thân đại kết là một trọng trách của Hội thánh và vì thế là một tiến trình không thể nào lùi lại được nữa[8]. Một cách tương tự như vậy, đức Bênêđictô XVI, trong sứ điệp đầu tiên sau khi được bầu làm Giáo hoàng, đã khẳng định rằng việc tìm kiếm sự hợp nhất hữu hình là một bổn phận thúc bách[9]. Những lập trường rõ rệt như thế chứng tỏ rằng sự dấn thân đại kết của Giáo hội Công giáo không còn là một sự lựa chọn nhiệm ý nữa, nhưng là một nghĩa vụ.

Cũng như mỗi chuyến du hành trên máy bay cho phép chúng ta thưởng ngoạn quang cảnh tuyệt đẹp miễn là bầu trời quang đãng, thì công cuộc đại kết trong vòng 50 năm qua cũng cho phép chúng ta mở rộng chân trời và cho phép chúng ta được nhìn ngắm thực tại Kitô giáo muôn sắc trong thế giới hôm nay. Vì thế việc so sánh phong trào đại kết với một chuyến bay rất là thích hợp bởi vì nhờ vậy không những chúng ta có thể nhìn lại 50 năm đại kết mà còn có thể kiểm điểm tình hình khi nhắc lại điểm xuất phát và đồng thời xác định điểm đến. Thực vậy, chỉ khi nào chúng ta biết trân trọng Truyền thống và biết chú ý đến các dấu chỉ thời đại, thì chúng mới có thể nhìn đến tương lai.

Khi nhớ lại chuyến bay đại kết, trước tiên chúng ta gặp thấy Sắc lệnh về đại kết Unitatis redintegratio, được ban hành ngày 21/11/1964, đánh một dấu mốc trên lộ trình đại kết của Giáo hội Công giáo[10]. Ngay từ câu mở đầu, Sắc lệnh đã tuyên bố rằng một trong những mục tiêu chính của Công đồng là “cổ động tái lập sự hợp nhất giữa tất cả các Kitô hữu”.

Với mục tiêu ấy, Sắc lệnh trình bày những nguyên tắc công giáo về đại kết trong chương Một, và việc thực hành trong chương Hai. Sau cùng chương Ba trình bày những giáo hội và giáo đoàn tách rời khởi Tông toà Rôma và bàn về con đường hoà giải tiến đến chỗ hợp nhất.

2. Hai thứ phân ly khác nhau trong Giáo hội


Như vậy, ngay từ đầu, công đồng đã để ý đến hai thứ phân ly Giáo hội[11]. Sự phân ly thứ nhất là cuộc ly khai giữa Giáo hội bên Tây và Giáo hội bên Đông, trong đó cũng gồm những Giáo hội Chính thống Đông phương đã tách rời Giáo hội phổ quát vào hồi thế kỷ IV và V. Cuộc đại ly khai giữa Đông và Tây, chính xác hơn nữa là giữa Rôma và các thượng phụ Đông phương, thường được đặt vào năm 1054, nhưng nên nhìn đây như là một niên hiệu biểu trưng hơn là một niên hiệu lịch sử[12]. Cuộc đại phân ly thứ hai xảy ra trong nội bộ của Giáo hội bên Tây hồi thế kỷ XVI, làm nảy sinh một chuỗi những phân ly liên tiếp. Thực vậy, các giáo hội và giáo đoàn phát sinh từ cuộc Cải cách đã trở thành một tổng thể bao la và phức tạp. Ở cấp độ thế giới, những nỗ lực tiến tới sự thống nhất nội bộ không đạt được nhiều kết quả, từ đó tiếp tục gây ra những sự phân mảnh trong các nhóm Tin lành.

Nguyên đặc trưng hình thức bên ngoài đã cho thấy rằng sự phân ly giữa Đông và Tây hồi thế kỷ XI và sự phân ly của Giáo hội bên Tây hồi thế kỷ XVI là hai cuộc chia rẽ hoàn toàn khác biệt, đòi hỏi những cuộc đối thoại khác biệt để giải quyết. Thực vậy, công tác của Hội đồng Toà thánh cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu được phân ra hai ngành: ngành Đông phương và ngành Tây phương.

a) Sự phân ly Giáo hội giữa Đông và Tây


Đối với các Giáo hội Chính thống Đông phương, một phần không chấp nhận những quyết định về Chúa Kitô của công đồng Calxêđônia năm 451, thì điều dễ hiểu là cuộc đối thoại với các giáo hội tiên vàn là các đề tài về Đức Kitô. Xét vì sự chia rẽ giữa các giáo hội Calxêđônia và tiền Calxêđônia đụng đến tín biểu về Đức Kitô (nghĩa là cốt lõi của đức tin Kitô giáo), cho nên bao lâu không có sự hợp nhất đức tin về Đức Kitô thì bấy lâu chưa thể có sự hợp nhất trong Thánh Thể là bí tích của Thân mình Chúa Kitô. Dù sao kết quả của những cuộc đối thoại đại kết đã giúp cho đôi bên nhận ra rằng mặc dù có những lối diễn tả thần học khác nhau nhưng không có sự khác biệt căn bản về đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, dựa theo điểm tựa chung của công đồng Nixêa tuyên xưng nhân tính của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu và Con đồng bản thể với Cha[13]. Sau khi đức Phaolô VI và đức Mar Ignatius Yaqoub III, thượng phụ Chính thống Syria đã chứng nhận điều ấy trong tuyên ngôn chung năm 1971, đức Gioan Phaolô II và đức thượng phụ Ignatius Zakka I đã ký một thoả ước mục vụ vào năm 1984, về việc ban bí tích cho các tín hữu thuộc giáo hội khác trong hoàn cảnh đặc biệt. Đây là một văn kiện lịch sử, bởi vì lần đầu tiên cho phép hiệp thông bí tích (communicatio in sacris) mặc dù vẫn còn sự phân ly Giáo hội[14].

Sở dĩ có sự tiến triển đáng khích lệ như vậy là bởi vì cả đôi bên đều duy trì cơ cấu Giáo hội đã phát triển từ thế kỷ II, nghĩa là cơ cấu bí tích Thánh Thể và giám mục: đôi bên đều nhìn nhận rằng sự hợp nhất trong Thánh Thể và tác vụ giám mục là những yếu tố cấu thành nên bản chất Hội thánh. Bởi vì các cuộc đối thoại đại kết đã củng cố và đào sâu sự thông hiệp trong đức tin, các bí tích và cấu trúc giám mục, cho nên hiện nay chủ đề các cuộc đối thoại chuyển sang các vấn đề thuộc Giáo hội, cách riêng về sự thông hiệp giữa các giáo hội.

Chúng ta có thể nói hơn kém như vậy về sự phân ly giữa Rôma và Constantinople đưa tới sự chia rẽ giữa Đông và Tây. Các giáo hội Chính thống cũng duy trì cơ cấu căn bản của Giáo hội, được đặt tên là sự thừa kế tông đồ (successio apostolica) từ thế kỷ II. Vì thế những cuộc đối thoại với các giáo hội Chính thống nhằm đến sự củng cố nền tảng chung của đức tin[15]. Điều này đã diễn ra trong thập niên đầu tiên (từ 1980 đến 1990), trong đó đã đạt được những thoả thuận giữa thần học Chính thống và Công giáo về các đề tài liên quan đến các bí tích, mầu nhiệm Hội thánh, Thánh thể, về tương quan giữa đức tin - bí tích - sự hợp nhất Hội thánh và về tác vụ linh mục. Trong thập niên thứ hai (1990-2000), cuộc đối thoại chuyển sang vấn đề các Giáo hội Đông phương hợp nhất với Rôma (uniatisme), về sự chiêu dụ tín đồ (proselytisme); các vấn đề này được các giáo hội Chính thống xem như là chướng ngại lớn nhất cho cuộc đối thoại thần học và khiến cho họ đình chỉ các hoạt động đối thoại từ năm 2000. Xem ra cuộc đối thoại bị bế tắc.

Một công lao lớn của đức Bênêđictô XVI là tiếp nối hoạt động của uỷ ban đối thoại thần học. Uỷ ban đã đi thẳng vào vấn đề gai góc nhất là vai trò thủ lãnh của giám mục Rôma. Phía Chính thống xem điểm này như là sự phá huỷ cơ cấu của Hội thánh, bởi vì vai trò thủ lãnh dựa trên quyền bính chứ không dựa trên bí tích. Tuyên ngôn năm 2007 về “những hệ luận của bản chất bí tích của Hội thánh đối với giáo luật” tại Ravenna đã tiến thêm một bước, bởi vì nhìn nhận sự cần thiết của một nguyên thủ ở cấp địa phương, cấp miền, và phổ quát[16]. Cuộc đối thoại được đào sâu về tương quan giữa cơ cấu nguyên thủ và cơ cấu công đồng trong Hội thánh. Hồi thập niên 70 của thế kỷ trước, đức Bênêđictô XVI đã viết rằng về vấn đề nguyên thủ (primato), toà Rôma không nên đòi hỏi bên Đông phương “điều gì khác ngoài những gì đã được thực hành trong thiên kỷ thứ nhất”[17]. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Peter Seewald, đức Bênêđictô XVI còn nói rằng các Giáo hội Đông phương là “Hội thánh địa phương” đích thực mặc dầu không hiệp thông với Giáo hoàng, và sự hợp nhất với Giáo hoàng không phải là yếu tố cấu thành Hội thánh địa phương. Tuy nhiên sự thiếu hợp nhất với Giáo hoàng vẫn là một sự thiếu thốn trong tế bào sống động ấy, vì thiếu yếu tố liên kết với toàn cơ thể[18]. Đề tài này cần được đào sâu trong tương lai.

b) Sự phân ly Giáo hội bên Tây


Tầm quan trọng dành cho cuộc đối thoại thần học với các Giáo hội Chính thống không giảm nhẹ cuộc đối thoại thần học với các giáo hội và giáo đoàn phát sinh từ cuộc Cải cách. Thực ra cuộc đối thoại này phức tạp hơn bởi vì sự phân ly Giáo hội bên Tây hồi thế kỷ XVI đã nảy ra một thứ Hội thánh mới, khác biệt với cơ cấu nền tảng của Hội thánh thời xưa[19]. Vì thế, việc đối thoại thần học với các giáo hội và giáo đoàn này không chỉ quan tâm đến những khác biệt đạo lý mà còn phải xét đến một cơ cấu và một hình thức giáo hội khác.

Dĩ nhiên Giáo hội Công giáo nhìn nhận nơi các giáo đoàn này nhiều yếu tố cốt yếu của Giáo hội, tựa như sự loan báo Lời Chúa và bí tích rửa tội. Tuy nhiên, khác với Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống, tại các giáo hội và giáo đoàn xuất thân từ cuộc Cải cách, tác vụ giám mục (nếu có) thì chỉ là yếu tố bên ngoài của cơ quan điều hành giáo hội chứ không thuộc về bản tính nội tại. Và khác với Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống, các giáo đoàn phát sinh từ cuộc Cải cách (dù có những khác biệt đáng kể giữa họ với nhau) coi Hội thánh được thiết lập không phải là trên bí tích Thánh Thể nhưng là trên Lời Chúa, và vì thế họ định nghĩa Hội thánh như là “creatura Verbi” (thụ tạo của Lời). Bởi vậy, trong cuộc đối thoại này, ngoài những đề tài tranh luận xưa nay liên quan đến tương quan giữa Thánh Kinh và Truyền thống sống động của Hội thánh, về sự hiểu biết Hội thánh và các tác vụ, về sứ mạng của Đức Maria trong công trình cứu chuộc của Chúa Kitô[20], bây giờ lại thêm vấn đề về tầm quan trọng của Thánh Thể đối với Hội thánh. Về điều này, công đồng Vaticanô II đã nhận xét rằng các giáo đoàn phát sinh từ cuộc Cải cách “xét vì không có bí tích truyền chức, cho nên họ không duy trì được bản chất tinh tuý và nguyên vẹn của mầu nhiệm Thánh thể”[21].

Với bản Tuyên ngôn chung về sự công-chính-hoá, ký vào ngày 31/10/1999 tại Augsburg, chúng ta có thể đạt được một sự thoả thuận quan trọng về một vấn đề cốt lõi đã đưa tới cuộc Cải cách hồi thế kỷ XVI. Nhưng chính bản Tuyên ngôn đã nhìn nhận rằng các hệ luận đối với giáo-hội-học vẫn chưa rõ ràng. Điều này có nghĩa là việc xác định bản chất của Giáo hội phải là một trong những điểm chính trong các cuộc đối thoại đại kết giữa Giáo hội Công giáo và các giáo đoàn phát sinh từ cuộc Cải cách.

Điều này lại càng trở nên quan trọng hơn nữa khi nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rằng cuộc Cải cách nói chung và Martin Lutêrô nói riêng nhắm đến sự canh tân toàn bộ Giáo hội chứ không phải là trở thành những giáo hội mới. Theo nhà thần học Tin lành Wolfhart Pannenberg, họ nhắm đến mục tiêu rộng lớn, chứ không phải là “tách rời các Giáo hội Thệ phản ra khỏi Hội thánh Công giáo duy nhất”; vì thế, việc nảy sinh các Giáo hội Cải cách và các giáo phái Thệ phản tiếp đó không nói lên “thành công, mà là thất bại của cuộc Cải cách”[22]. Dù sao, ít là phải nhận rằng cuộc Cải cách thế kỷ XVI vẫn chưa hoàn tất, và sẽ vẫn không hoàn tất bao lâu chưa đạt được sự hợp nhất trong một Hội thánh được đổi mới theo tinh thần Tin Mừng. Xét vì phong trào đại kết rất quan tâm đến thành quả của cuộc Cải cách trong viễn ảnh kỷ niệm 500 năm (2017), thiết tưởng nên kiểm điểm lại xem ngày nay người Thệ phản và Công giáo hiểu sự Cải cách như thế nào: như là cắt đứt hoàn toàn, hay như là liên tục với 1500 năm trước đó.

Với việc trình bày hai thứ phân ly khác nhau của Giáo hội và những vấn đề đại kết kèm theo, chúng ta đang bàn về tình hình đạt kết hiện nay. Công việc này, cũng giống như đời sống, không đi theo một đường thẳng, nhưng đôi khi mang những dấu vết chán chường và thậm chí thụt lùi, đúng như hồng y Karl Lehmann đã nhận xét: “Trong đời sống của tinh thần và của đức tin, chẳng bao giờ có đại lộ chính nào mà không có những ngõ hẻm, ngõ cụt, và kể cả lối thoát trệch đường”[23]. Nhận định này không phải là duyên cớ để buông xuôi nhưng là cơ hội để nói đến một khúc quặt (theo nghĩa tích cực) trong cuộc đại kết hiện nay. Thật vậy, những thành quả đạt được đến nay khiến chúng ta tràn ngập lòng biết ơn, vui mừng và hy vọng. Nhưng đồng thời cũng không tránh được đau đớn. Nguyên nhân của hai bộ mặt tương phản trong cuộc đại kết nằm ở chỗ là chúng ta càng cảm thấy xích lại gần nhau, thì lại càng thấy đau khổ vì chưa được hiệp thông trọn vẹn, chưa có thể ngồi chung với nhau bên bàn tiệc Thánh Thể, và vì thế chúng ta chưa đạt được mục tiêu của công đồng Vaticanô II. Thật là nghịch lý khi mà những tiến bộ đại kết lại trở thành một trong những lý do của nỗi bất mãn đại kết hiện nay. Vì thế cần phải tìm hiểu đâu là những bước sắp tới để đẩy mạnh cuộc đại kết.

3. Những tiến triển gần đây của phong trào đại kết


Câu hỏi ấy chỉ có thể được trả lời nếu chúng ta can đảm nhìn nhận những vết thương đau đớn trong tiến trình xích lại gần nhau và nếu chúng ta ghi nhận sự chuyển hướng trong phong trào đại kết hiện nay. Để có một cái nhìn tổng quan, chúng ta hãy lấy lại hình ảnh về chuyến bay đại kết và thử chụp hình từ trên cao quang cảnh đại kết đang biến chuyển ở những thập niên gần đây. Chúng ta phải giới hạn vào 5 cái thay đổi căn bản xảy ra trong tình hình đại kết.

a) Thay đổi mô hình trong thần học đại kết


Nhìn chung, chúng ta có thể hoan hỉ nhận thấy rằng đối với nhiều Kitô hữu, đại kết không còn là một thuật ngữ xa lạ gây sợ hãi. Nó trở thành một thực tại cụ thể. Việc đại kết trong cuộc sống mang một tầm quan trọng căn bản, tuy dù thường bị hiểu lầm là trái ngược với những nỗ lực thần học nhằm vượt lên những bất đồng đạo lý, hoặc như là đối chọi giữa việc đại kết của cộng đồng tín hữu với việc đại kết của các nhà thần học và các cấp lãnh đạo. Đức cha Joachim Wanke, giám mục Erfurt đã đúng khi nói rằng sự tách rời giữa đại kết “cấp trên” và đại kết “cấp dưới” là một thứ chặn đứng đại kết[24]. Không ít người tố cáo cuộc đối thoại thần học là một thứ lý luận viển vông nhưng lại là những người đã không biết tiếp nhận những thành quả tích cực của cuộc đối thoại ấy. Thật vậy, sự tiếp nhận (receptio) là một thách đố quan trọng trong việc đào tạo đại kết cho các tín hữu và các mục tử. Sự tiếp nhận là một tiền đề cơ bản cho sự đại kết có trách nhiệm, và đó là điều mà Kim chỉ nam đại kết đã yêu cầu[25].

Trên bình diện thần học, cuộc đối thoại đại kết đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, một phần nhờ vào phương pháp được áp dụng, đó là nhắm đạt sự thoả thuận, hay nói đúng hơn, “sự thoả thuận khác biệt”[26] (consenso differenziato). Theo phương pháp này, sau khi đã đạt được sự thoả thuận nhờ cuộc đối thoại về một điểm tranh luận trong quá khứ và đã được phát biểu cách nhất trí, thì người ta cũng tuyên bố thẳng thắn những điểm dị biệt còn tồn tại và cho thấy rằng chúng không phương hại đến sự thoả thuận vừa đạt được, và chúng không còn là những dị biệt gây ra chia rẽ giữa các giáo hội, nhưng chúng cần được đào sâu hơn trong cuộc đối thoại tương lai. Giả như không có phương pháp đại kết như vậy, thì đã chẳng đạt được những văn kiện quan trọng tựa như “Lehrverurteilungen-kirchentrennend?” (Những cuộc kết án đạo lý còn chia rẽ các giáo hội hay không) được soạn thảo bởi nhóm làm việc đại kết giữa Tin lành và Công giáo trong khoảng những năm 1986 và 1994; “Tuyên ngôn chung về sự công-chính-hoá” năm 1999, và bản tường trình “Kirche und Kirchengemeinschaft” năm 2009 của uỷ ban quốc tế đối thoại giữa Công giáo và Công giáo cổ truyền [*Vieux catholiques: một nhóm tách rời Giáo hội Công giáo sau công đồng Vaticanô I].

Vào những năm gần đây, phương pháp “thoả thuận khác biệt” bị chỉ trích dưới nhiều phương diện; người ta tuyên bố khai tử cho sự “đại kết thoả thuận” và yêu cầu thay đổi mô hình, thay thế “đại kết thoả thuận” (ecumenismo del consenso) bằng “đại kết dị biệt” (ecumenismo della differenza)[27]. Phương pháp này gắn liền với tư tưởng (của nhà thần học Tin lành Gerhard Ebeling) về sự “dị biệt nòng cốt” nằm trong cuộc đại kết Tin lành với Công giáo mà không thể nào vượt qua được[28]. Tuy nhiên, ngoài sự kiện là phương pháp “dị biệt” cho đến này chưa mang lại thành quả nào giúp cho công cuộc đối thoại tiến triển, thật khó tưởng tượng được phương pháp thoả thuận khác biệt, nhất là khi nó được nuôi dưỡng bởi lòng tin tưởng hỗ tương, mà nếu thiếu nó thì công cuộc đại kết sẽ bế tắc.

b) Tìm lại căn cước của việc tuyên tín


Đàng sau sự thay đổi mô hình trong phương pháp đại kết có một sự biến đổi quang cảnh đại kết. Sau sự xích gần lại giữa các nhóm tuyên tín [* confession: bản “tuyên xưng đức tin” phát biểu những điểm đạo lý phong trào Cải cách hồi thế kỷ XVI; các phong trào ly khai sau này cũng phát biểu quan điểm qua bản “tuyên xưng”] trong những thập niên gần đây, ngày nay hầu hết các giáo hội lại phát động căn cước tuyên tín của mình. Hiện tượng này được tóm tắt cách rõ rệt trong quan niệm “đại kết về chân dung” (ecumenismo dei profili, do giám mục Tin lành Wolfgang Huber quảng bá), chủ trương cần vạch rõ căn cước của mình khi đối chiếu với các giáo hội khác, chẳng hạn như Giáo hội Tin lành được định nghĩa như là “Giáo hội của tự do”[29]. Dĩ nhiên việc suy tư về căn cước tuyên tín của mình là điều đáng khuyến khích, bởi vì cuộc gặp gỡ và đối thoại giả thiết sự ý thức rõ rệt về căn cước của mình, nhờ đó mới có sự trao đổi các “quà tặng” cho nhau. Tuy nhiên, sự tìm về căn cước trở thành nguy hiểm khi mà người ta muốn thay thế niềm thâm tín rằng điều liên kết chúng ta thì lớn hơn điều chia rẽ chúng ta, bằng khuynh hướng đối nghịch, đó là nêu bật sự khác biệt giữa mỗi bên.

Cuộc tìm lại căn cước của việc tuyên tín cũng quan trọng như là việc tìm kiếm sự hợp nhất các Kitô hữu. Tuy nhiên, nó có thể làm ngăn trở sự xích lại gần nhau khi mà những thiên kiến và ác cảm xưa kia mà ta tưởng đã vượt qua rồi, bây giờ lại làm sống lại. Thiết tưởng để có thể tiếp tục cuộc đối thoại thì tất cả các giáo hội và giáo đoàn đều nhìn nhận mình đều có những bực bội, và như thế cần phải tránh lên tiếng tố cáo nhau. Trên thực tế, ngày nay việc tìm về căn cước tuyên tín không chỉ diễn ra tại một vài giáo hội nhưng là hầu như trong hết mọi các giáo hội và giáo đoàn. Chỉ khi nào tất cả cùng nhận ra rằng mình đang đi theo một đường hướng ấy thì hiện tượng đó mới không cản trở việc đại kết nhưng trở thành cơ hội để hiểu biết lẫn nhau và làm giàu cho nhau. Sự thẳng thắn trong mối liên lạc đại kết, dù là để phê bình hay tự phê bình, là điều kiện tất yếu để tiếp tục việc đại kết.

c) Sự xác định mục tiêu đại kết


Liên quan đến những điều vừa nói là theo dòng thời gian, mục tiêu của phong trào đại kết càng ngày càng mơ hồ. Đặc biệt các giáo hội và giáo đoàn phát sinh từ cuộc Cải cách đã dần dần từ bỏ mục tiêu nguyên thủy là sự hợp nhất hữu hình về đức tin, các bí tích và tác vụ; và chuyển sang tiền đề khác: các giáo hội nhìn nhận lẫn nhau như là giáo hội và như là thành phần của một Giáo hội Duy nhất của Chúa Giêsu Kitô.

Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định rằng mục tiêu như vậy còn thiếu sót và không phù hợp với các nguyên tắc đại kết của Công giáo và Chính thống:

Việc đi tìm cách tái lập sự hợp nhất giữa các Kitô hữu bị chia rẽ không thể nào giới hạn vào việc nhìn nhận những khác biệt và chấp nhận sống chung hoà bình: điều mà chúng ta mong mỏi là sự hợp nhất mà Chúa Kitô đã cầu xin, và sự hợp nhất tự bản chất được biểu lộ qua sự thông hiệp đức tin, các bí tích, tác vụ. Con đường tiến về sự hợp nhất ấy cần phải được xem như là một mệnh lệnh luân lý, đáp lại tiếng gọi chính xác của Chúa Giêsu[30].

Nếu chúng ta phân tích lời yêu cầu của Tin lành về việc nhìn nhận hỗ tương, (kèm theo tiền đề là phải chấm dứt ngay tức khắc mọi chia rẽ), thì chúng ta sẽ thấy rằng nó bao hàm một sự khước từ thiêng liêng, nghĩa là thiếu sẵn sàng để thay đổi chính mình. Sự khước từ thay đổi về thần học và về tinh thần trong cuộc đối thoại đã bị hồng y Karl Lehmann phê bình là “lạc giáo tinh thần” (eresia spirituale)[31]. Cho đến nay chúng ta chưa đạt được một thoả thuận vững chắc về mục tiêu của phong trào đại kết, và rồi phần nào những thoả thuận đã đạt thì bị đòi phải xét lại: tại sao như vậy? Điều này do bởi chỗ không thể dung hoà những quan niệm khác nhau về sự tuyên tín và sự hợp nhất của Giáo hội. Vì có quá nhiều mục tiêu đại kết cũng như nhiều quan niệm về giáo hội tuyên tín, cho nên không thể nào chuyển từ quan niệm riêng rẽ về Giáo hội sang quan niệm về sự hợp nhất Giáo hội theo một khuôn mẫu có thể được mọi người chấp nhận. Còn thêm một khó khăn nữa, đó là không mấy người nhận ra vấn đề sơ đẳng ấy. Nhưng xét vì không có một giáo-hội-học và không có đại kết nào mà không kèm theo một thứ tuyên tín, cho nên trong các lần họp tới, việc suy tư về khái niệm giáo hội và sự hợp nhất giáo hội phải được đặt vào xếp hàng đầu trong chương trình nghị sự[32].

d) Những cuộc tranh luận mới về luân lý


Có một sự thay đổi khác nữa trong quang cảnh đại kết mà ta không được quên. Trong vòng những năm và những thập niên gần đây, đã nảy lên nhiều căng thẳng và bất đồng trong lãnh vực luân lý. Những điểm này được bộc lộ rõ rệt giữa lòng Giáo hội Anh, đưa đến nguy cơ chia rẽ trong nội bộ, và khiến cho một số tín hữu cùng với các linh mục và giám mục đã gia nhập Giáo hội Công giáo. Trong các giáo hội và giáo đoàn khác, cũng nảy sinh những giải pháp khác nhau cho các thách đố sinh học và luân lý xã hội, vấn đề đồng tính luyến ái (chấp nhận cho những người này được lãnh các tác vụ trong giáo hội, chúc lành cho những cặp đồng tính). Đàng sau hiện tượng này là câu hỏi căn bản: trong các vấn đề luân lý, các giáo hội Kitô giáo phải thích ứng với tinh thần của thời đại, hay là phải kháng cự lại?[33]

Quả thật là nghịch lý khi người ta đã vượt qua những sự xung khắc về đạo lý đức tin (hay ít là đã xích lại gần nhau), thì ngày nay lại nảy ra những xung khắc về luân lý. Trước đây, vào lúc bắt đầu phong trào đại kết, người ta thường tung khẩu hiệu: “tín điều gây ra chia rẽ, hành động mang lại hợp nhất”; ngày nay thì xem ra ngược lại: luân lý gây ra chia rẽ, tín lý mang lại đoàn kết. Nhưng nếu các giáo hội và giáo đoàn không thể nhất trí đưa ra một tiếng nói chung đối với những vấn đề luân lý quan trọng của thời đại, thì công cuộc đại kết sẽ giảm mất tín lực trong xã hội ngày nay. Xét vì đàng sau các vấn đề luân lý là những câu hỏi liên quan đến quan niệm về con người, cho nên nhiệm vụ tương lai của công cuộc đại kết là thảo hoạch một nhân-sinh-quan chung của Kitô giáo.

e) Những đối tác mới của cuộc đại kết


Nhân tố căn bản nhất làm thay đổi quang cảnh đại kết là những đối tác mới của cuộc đại kết. Các cuộc gặp gỡ đại kết hiện này không còn chỉ diễn ra giữa các giáo hội cổ truyền, cách riêng ở châu Âu. Kể từ cuộc thay đổi tại châu Âu năm 1989, các Giáo hội Chính thống càng ngày càng có ý thức đại kết hơn. Những giáo hội này, xét về việc tuyên xưng đức tin và giáo-hội-học, thì rất gần với Công giáo; nhưng dưới phương diện văn hoá và lịch sử, thì xem ra lại xa xôi hơn là những giáo hội và giáo đoàn phát sinh từ cuộc Cải cách. Dù sao, việc lắng nghe tiếng nói của các giáo hội Chính thống là điều rất cần thiết nếu chúng ta muốn vượt lên những vấn đề gây ra chia rẽ bên Tây phương[34]. Theo nghĩa ấy, đức Gioan Phaolô II đã thúc đẩy “mở rộng về phía Đông” trong việc đại kết, vì thâm tín rằng sự thống nhất châu Âu chỉ có thể thành công khi nào một Hội thánh duy nhất bên Đông và bên Tây cùng thở với hai lá phổi. Sự thống nhất chính trị ở châu Âu chỉ có thể diễn ra nhờ sự xích lại gần giữa Giáo hội bên Đông và Giáo hội bên Tây.

Sự biến đổi rõ rệt nhất trong quang cảnh đại kết là sự gia tăng của những cái gọi là “giáo hội tự do”: họ muốn tiến tới tương lai mà các giáo hội lịch sử cũng trông mong, đó là chấm dứt Kitô giáo đã được thừa hưởng từ hoàng đế Constantin cũng như sự tự do và độc lập khỏi Nhà nước[35]. Một hiện tượng đáng chú ý là sự gia tăng nhanh chóng của các cộng đoàn ngũ tuần (pentecostal), họ trở thành cộng đồng Kitô giáo lớn thứ hai sau Giáo hội Công giáo. Mặc dù họ có lập trường chống đại kết và chống Công giáo, nhưng cuộc đối thoại với họ trở thành quan trọng bởi vì chúng ta phải đối diện với một hiện tượng đang lan tràn đến nỗi có thể nói tới “việc ngũ-tuần-hoá Kitô giáo”[36]. Đối với Giáo hội Công giáo, họ trở thành một thách đố lớn, cách riêng ở châu Mỹ Latinh nơi mà các cộng đoàn ngũ tuần đã thu hút rất nhiều người Công giáo. Giáo hội Công giáo cần phải tự vấn xem vì lý do gì mà nhiều người Công giáo chuyển sang phong trào này, tuy rằng chúng ta không được phép sử dụng những phương pháp giảng đạo của nhóm ngũ tuần vì đặt ra nhiều vấn đề.

Đến đây chúng ta đã liệt kê những sự thay đổi lớn trong quang cảnh đại kết của những năm gần đây, và đã được chụp từ trên cao trong chuyến bay đại kết. Chúng ta thấy rằng, trong cuộc hành trình dài này, chúng ta đã quá quen với độ cao đến nỗi có nguy cơ quên mất mục tiêu của chuyến đi. Cuộc khởi hành càng bị quên, lại thêm những chuyện rắc rối xảy ra, thì mục tiêu chuyến đi lại càng trở thành mơ hồ. Đó là điều mà nhà đại kết Tin lành Harding Meyer đã định nghĩa là “nguy cơ quên lãng đại kết”, nghĩa là “cái mà chúng ta đã đạt được trong cuộc đối thoại thì trở thành mông lung và tuột ra khỏi tầm tay, và cái mà chúng ta đã nắm bắt được thì tan biến dường như chưa hề có”[37]. Bởi vậy, đối với công cuộc đại kết ngày nay, một đàng cần phải kiểm lại những thành quả đã đạt được và những gì còn phải làm, đàng khác, cần phải suy nghĩ lại về những nền tảng thần học đã có ngay từ buổi đầu của phong trào đại kết, tức là vào lúc khởi hành cuộc hành trình đại kết: đây là trọng trách hiện nay của công cuộc đại kết.

4. Tổng kết tình hình đại kết


Hội đồng Toà thánh cổ vũ sự hợp nhất các Kitô hữu đã đề ra nhiệm vụ thứ nhất là “thu thập hoa trái”, gom lại những thành quả của những cuộc đối thoại đại kết với các Giáo hội Luther, Cải cách, Anh quốc, Giám lý (Methodist), ngõ hầu khởi động lại những cuộc gặp gỡ với các đại biểu và tiến tới những “tuyên ngôn - in via” nêu bật những điểm đồng thuận đã đạt được và không thể nào rút lại[38]. Điều này hẳn là một bước hứa hẹn tiến đến một “Tuyên ngôn chung về Hội thánh, Thánh Thể và các tác vụ giáo hội”, tương tự như Tuyên ngôn về sự công-chính-hoá. Một tuyên ngôn như thế sẽ mở đường cho sự hiệp thông giáo hội cách hữu hình. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai cũng quan trọng không kém, đòi hỏi củng cố những nền tảng thần học của cuộc đại kết. Về điều này, chúng tôi muốn trình bày vài định hướng.

a) Vượt lên sự chia rẽ ô nhục trong Thân thể Đức Kitô


Khởi điểm của phong trào đại kết trong Giáo hội Công giáo là ý thức về tình trạng bất bình thường của Kitô giáo bị chia rẽ. Các Kitô hữu tin Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu độ thế gian và được rửa tội trong Thân thể của Người nhưng lại sống trong những giáo hội phân ly: đó là quang cảnh đáng tiếc mà Kitô giáo trưng bày cho thế giới, và đáng gọi là một ô nhục. Sự ô nhục không chỉ nằm ở chỗ là chúng ta chưa thể cùng nhau cử hành Thánh Thể, nhưng nhất là ở chỗ chúng ta cứ tiếp tục chia rẽ thành nhiều giáo hội. Mục tiêu của việc đại kết là vượt qua sự ô nhục đó. Thực vậy, những đổ vỡ giữa các giáo hội cần được nhìn như là sự chia rẽ của một thực thể tự bản chất không thể phân chia được, đó là sự duy nhất của Thân Thể Chúa Kitô.

Hình ảnh sống động nhất của thực trạng ấy là chiếc áo nguyên tuyền và không thể chia cắt của Đức Giêsu. Kinh Thánh nhấn mạnh rằng “chiếc áo này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới” (Ga 19,23b). Trong lịch sử cuộc thương khó, ngay các binh sĩ Rôma đã không dám xẻ chiếc áo quý giá của Đức Giêsu “Đừng xẻ áo ra, cứ bắt thăm xem ai được thì lấy” (Ga 19,24). Chiếc áo ấy là biểu tượng của sự hợp nhất của Hội thánh, Thân thể Đức Kitô. Thế nhưng, một thảm hoạ đã xảy ra trong lịch sử Kitô giáo, đó là chính các Kitô hữu đã làm một điều mà các binh sĩ Rôma không dám. Như đức hồng y Edward Idris Cassidy (cựu chủ tịch Uỷ ban Toà thánh cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu) đã nhận xét, ngày nay chiếc áo của Đức Giêsu đã “bị xâu xé, cắt và chia thành các hệ phái trong lịch sử thường hay đánh nhau thay vì chu toàn mệnh lệnh của Chúa”[39].

Nếu sự chia rẽ Hội thánh Chúa Kitô là một ô nhục đi ngược lại bản tính của Hội thánh duy nhất và thánh thiện, thì các Kitô hữu chúng ta phải tự hỏi rằng chúng ta có còn nhận ra sự ô nhục của việc chia rẽ Thân thể bất khả phân ly của Đức Kitô không, hay là chúng ta đã quá quen thuộc với tình trạng ấy, hay thậm chí chúng ta lấy làm thoả mãn. Tôi thâm tín rằng chúng ta sẽ chỉ đẩy mạnh đà tiến cho cuộc đại kết nếu chúng ta có can đảm nhìn thẳng vào sự ô nhục trước mắt. Điều làm cho tôi đau đớn là hiện nay, nhiều Kitô hữu không còn thấy đau đớn trước tình trạng bất bình thường của Kitô giáo. Thật vậy, ở đâu mà sự chia rẽ của một Thân thể Đức Kitô không còn xem như tồi tệ và không gây ra đau đớn nữa, thì cuộc đại kết chẳng còn ý nghĩa gì.

b) Trọng tâm tinh thần của việc đại kết


Việc nhìn thẳng vào ô nhục và cố gắng vượt qua giả thiết cổ vũ một cuộc đại kết tinh thần. Chúng chỉ có thể thực hiện những bước tiến trong việc đại kết nếu chúng ta trở về với những cội nguồn thiêng liêng của nó[40]. Phong trào đại kết khởi đầu từ ý tưởng tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu do Paul Wattson, một người Hoa Kỳ thuộc giáo hội Anh sau đó gia nhập Giáo hội Công giáo, và Spencer Jones, một thành viên của giáo hội episcopal, và được đức thánh cha Benêđictô XV mở rộng ra toàn thể Giáo hội Công giáo, rồi sau đó được phát triển nhờ linh mục Couturier, một nhà tiên phong của việc đại kết thiêng liêng. Chúng ta đừng nên nhìn điều này như là khởi điểm của phong trào đại kết theo nghĩa lịch sử (và có thể bỏ qua đi), nhưng là khởi điểm cần theo sát lộ trình của chúng ta, bởi vì ngày nay, công cuộc đại kết cần đào sâu khía cạnh thiêng liêng, được công đồng Vaticanô II định nghĩa là “linh hồn của toàn thể phong trào đại kết”[41].

Nhờ việc cầu xin ơn hiệp nhất, những người Kitô hữu chúng ta minh chứng niềm thâm tín rằng chúng ta không thể tạo ra sự hợp nhất, cũng chẳng ấn định thể thức và thời điểm sẽ diễn ra, nhưng chúng ta chỉ có thể đón nhận nó như một hồng ân, như đức Bênêđictô XVI đã nhận định: “Việc liên tục kêu gọi cầu xin sự thông hiệp trọn vẹn giữa những môn đệ Chúa Giêsu bày tỏ hướng đi chính đáng và sâu sắc nhất của cuộc tìm kiếm hợp nhất, bởi sự hợp nhất tiên vàn là một hồng ân của Chúa”[42]. Việc cầu xin sự hợp nhất nhắc nhở rằng không phải tất cả mọi sự đều có thể thực hiện được, và tốt hơn cả là chúng ta hãy dành chỗ để cho Thánh Linh tự do hoạt động, và hãy tin tưởng vào Ngài, ít là ngang bằng với sự tin tưởng vào những cố gắng của chúng ta.

Trong những năm vừa qua, Hội đồng Toà thánh cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu đã tập trung vào cuộc đại kết thiêng liêng và đã xuất bản những kết quả của công tác này trong tập sách “Đại kết thiêng liêng. Những đường hướng thực hành”[43]. Thật là đáng tiếc phải nhìn nhận rằng dự án này đã không đâm rễ trong đời sống thường nhật của các giáo hội. Vì thế Hội đồng chúng tôi cần suy nghĩ phải làm cách nào đẩy mạnh các cội rễ thiêng liêng của cuộc dấn thân đại kết trong đời sống Giáo hội. Thật vậy, cuộc đại kết sẽ cùng đứng hay cùng ngã theo với cuộc đào sâu sức mạnh thiêng liêng và cùng với sự trao đổi phong phú trong cuộc đối thoại đức ái và chân lý.

c) Cuộc đại kết của các vị tử đạo


Ngày nay chúng ta được mời gọi dấn thân vào một hình thức đặc biệt của cuộc đối thoại đức ái do sự kiện là hiện thời trên thế giới, Kitô giáo là tôn giáo bị bách hại hơn cả. Thực vậy, 80% những người bị bách hại vì tín ngưỡng là các Kitô hữu[44]. Vào cuối thiên niên kỷ thứ hai và đầu thiên niên kỷ thứ ba, một lần nữa Kitô giáo trở thành Giáo hội của các vị tử đạo: đây là một thách đố lớn đối với cuộc đại kết Kitô giáo, được kêu gọi để chứng tỏ tình liên đới cảm thông, bởi vì tất cả các Kitô hữu đều có bổn phận phải giúp đỡ các Kitô hữu đang bị bách hại trong thế giới ngày nay, phải tố giác công khai các tình trạng tử đạo, dấn thân đòi hỏi tôn trọng tự do tôn giáo và tôn trọng nhân phẩm. Đây là trách nhiệm cấp bách của các Kitô hữu hôm nay, và trách nhiệm này cần được tiếp nhận vào sự hiệp thông đại kết.

Xét vì tất cả các giáo hội và giáo đoàn Kitô giáo đều có những vị tử đạo của mình, chúng ta cần phải nói đến một cuộc đại kết của các vị tử đạo. Bên trên khía cạnh đau thương của nó, sự kiện này gói ghém một sự hứa hẹn tốt đẹp: bất chấp thảm hoạ chia rẽ giữa các giáo hội, những chứng nhân đức tin này đã chứng tỏ rằng chính Thiên Chúa đã duy trì sự hiệp thông đức tin giữa những người đã được rửa tội, đức tin được minh chứng cách sâu sắc bằng sự hy sinh cao cả của mạng sống. Trong khi chúng ta, xét như là các Kitô hữu và các giáo hội, còn đang sống trong sự hiệp thông bất toàn dưới thế, thì các vị tử đạo của vinh quang trên trời hiện đã hiệp thông cách dồi dào trọn vẹn. Như đức thánh cha Gioan Phaolô II đã phát biểu chính xác, các vị tử đạo là “bằng chứng hùng hồn nhất rằng mọi yếu tố chia rẽ đều có thể vượt qua nhờ việc hiến toàn thân cho Tin Mừng”[45].

Nơi cuộc đại kết của các vị tử đạo, sự xác tín của Giáo hội tiên khởi được củng cố lần nữa, đó là máu các vị tử đạo là hạt giống của Hội thánh. Kể cả ngày nay, các Kitô hữu chúng ta phải sống trong niềm hy vọng rằng máu các vị tử đạo của thời đại chúng ta sẽ trở thành hạt giống cho sự hợp nhất trọn vẹn của Thân Thể Chúa Kitô. Với niềm hy vọng ấy, chúng ta phải và muốn tiếp tục chuyến bay đại kết mà chúng ta đã khởi hành gần 50 năm qua trong Giáo hội của chúng ta, và chắc chắn chuyến bay này sẽ tới đích, bởi vì chúng ta xác tín rằng Thánh Linh, vị hoa tiêu trung thành và đáng tin cậy của phi cơ đại kết, sẽ chỉ vạch con đường cho chúng ta và sẽ ban nhiều hơn điều chúng ta mong đợi và có lẽ dám mơ ước. Tuy nhiên, phần chúng ta, chúng ta hãy tiếp tục góp phần vào công trình của Thánh Linh bằng tâm tình được diễn tả bằng lòng kiên nhẫn, bởi vì như Charles Peguy đã nói, “lòng kiên nhẫn là đứa em út của lòng hy vọng”.

[1] Nguồn: http://www.diocesi.rimini.it/wp-content/uploads/2012/10/Karl-Koch.pdf
[2] X. J. Emesti / W. Thönissen (Hrsg.), Die Entdeckung der Ökumene. Zur Beteiligung der katholischen Kirche an der Ökumene (Paderborn - Frankfurt a. M. 2008).
[3] X. Ph. Chenaux (ed.), L’Eredità del Magistero di Pio XII. (Roma 2010).
[4] X. Pontificio Consiglio per la promozione dell’Unità dei Cristiani (Ed.), Unità dei Cristiani: Dovere e speranza. Per il 50° Anniversario dell’istituzione del Pontificio Consiglio per la promozione dell’Unità dei Cristiani 1960 -2010 (Roma 2010).
[5] Thuật ngữ của môn cánh chung học, theo đó thế hệ Kitô hữu đầu tiên tin rằng Chúa Kitô sắp quang lâm, nhưng vì cuộc quang lâm chưa đến – hoãn lại – nên các thế hệ kế tiếp bắt đầu tổ chức cơ chế giáo hội
[6] X. Patriarcato Ecumenico e Segretariato per la promozione dell ’Unità dei Cristiani (Ed.), Tomos Agapis (Roma - Istanbul 1971). Tập sách này thu thập những văn bản và diễn từ được trao đổi giữa Roma và Constantinople trong những năm 1958 đến 1970.
[7] Error! Main Document Only.J. Cardinal Ratzinger, Rom und die Kirchen des Ostens nach der Aufhebung der Exkommunikation von 1054, in: Ders., Theologische Prinzipienlehre. Bausteine zur Fundamentaltheologie (München 1982) 214-230.
[8] X. W. Kardinal Kasper, Ökumene - menschlich, charismatisch, spirituell, in: W. Bartoszcwksi (Hrsg.), Die Kraft des Augenblicks. Begegnungen mit Papst Johannes Paul II. (Freiburg i. Br. 2004) 186-191.
[9] X. W. G. Rusch (Hrsg.), The Pontificate of Benedict XVI. Its Premises and Promises (Cambridge 2009).
[10] X. W. Thönissen (Hrsg.), “Unitatis redintegratio.” 40 Jahre Ökumenismusdekret - Erbe und Auftrag (Paderborn - Frankfurt a. M. 2005).
[11] X. J. Kardinal Ratzinger, Die ökumenische Situation - Orthodoxie, Katholizismus und Reformation, in: Ders., Theologische Prinzipienlehre. Bausteine zur Fundamentaltheologie (München 1982) 203-214.
[12] X. E. Ch. Suttner, Der geschichtliche Wandel des Bewusstseins von der Einheit der Kirche in Vielfalt und des Verständnisses von den Schismen zwischen Lateinern und Griechen, in: Ders., Kirche in einer zueinander rückenden Welt. Neue Aufsätze zu Theologie, Geschichte und Spiritualität des christlichen Ostens (Würzburg 2003) 37-57. X. in demselben Band auch 327-338: Kircheneinheit im 11. bis 13. Jahrhundert durch einen gemeinsamen Patriarchen und gemeinsame Bischöfe für Griechen und Lateiner.
[13] X. E. Ch. Suttner, Vorchalcedonische und chalcedonische Christologie: die eine Wahrheit in unterschiedlicher Begrifflichkeit, in: Ders., Kirche in einer zueinander rückenden Welt (Würzburg 2003) 155-170.
[14] J. Oeldemann (Hrsg.), Gemeinsamer Glaube und pastorale Zusammenarbeit. 25 Jahre Weggemeinschaft zwischen der Syrisch-Orthodoxen Kirche und der Römisch-katholischen Kirche (Freiburg / Schweiz 2011)
[15] X. G. Martzelos, Der theologische Dialog zwischen der Orthodoxen und der Römisch-katholischen Kirche: Chronik - Bewertung - Aussichten, in: K. Nikolakopoulos (Hrsg.), Benedikt XVI. und die Orthodoxe Kirche. Bestandsaufnahmen, Erwartungen, Perspektiven (St. Ottilien 2008) 289-327.
[16] Có thể đọc tài liệu này ở: K. Nikolakopoulos (Hrsg.). Benedikt XVI. und die Orthodoxe Kirche (St. Ottilien 2008) 370-389.
[17] J. Kardinal Ratzinger, Die ökumenische Situation - Orthodoxie, Katholizismus und Reformation, in: Ders., Theologische Prinzipienlehre (München 1982) 203-214, zit. 209.
[18] Benedetto XVI, Luce del mondo. Il Papa, la Chiesa e i segni dei tempi. Una conversazione con Peter Seewald (Città del Vaticano 2010) 133.
[19] X. H. Schütte, Protestantismus heute. Ökumenische Orientierung (Paderborn 2004)
[20] Văn kiện được xuất bản cho nhóm làm việc song phương của Hội đồng giám mục Đức và các nhà hữu trách của giáo hội Tin lành Luther bên Đức: Communio Sanctorum. Die Kirche als Gemeinschaft der Heiligen (Paderborn - Frankfurt a. M. 2000).
[21] Unitatis redintegratio, n. 22.
[22] W. Pannenberg, Vgl. (Göttingen 1977) 254-267, zit. 255.
[23] Kardinal K. Lehmann, Wie viel Hoffnung bringt die Ökumene? in: KNA-ÖKI 20-21 (2010) 3.
[24] J. Wanke, Erlahmt der ökumenische Impuls? Anmerkungen aus der ökumenischen Praxis, in: Catholica 53 (1999) 95-108, zit. 97.
[25] Pontificio Consiglio per la promozione dell’Unità dei Cristiani, Direttorio per l’applicazione dei principi e delle norme sull’ecumenismo (Roma 1993), nhất là Chương III: La formazione all’ecumenismo nella Chiesa cattolica. Xem Văn kiện học tập của Hội đồng: La dimensione ecumenica nella formazione di chi si dedica al ministero pastorale (Roma 1998)
[26] X. H. J. Urban, Art. Methodologie, ökumenische, in: W. Thönissen (Hrsg.), Lexikon der Ökumene und Confessionskunde (Freiburg i. Br. 2007) 871-873
[27] X. U. H. J. Kortner, Wohin steuert die Ökumene? Vom Konsens- zum Differenzmodell (Göttingen 2005).
[28] X. A. Birmelé und H. Meyer (Hrsg.), Grundkonsens - Grunddifferenz. Studie des Strassburger Instituts für Ökumenische Forschung. Ergebnisse und Dokumente (Frankfurt a. M. - Paderborn 1992).
[29] W. Huber, Im Geist der Freiheit. Für eine Ökumene der Profile (Freiburg i. Br. 2007)
[30] ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng khi hát Kinh chiều kết thúc tuần cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu tại đền thánh Phaolô ngoại thành, ngày 25 tháng Giêng năm 2011.
[31] Kardinal K. Lehmann, Wie viel Hoffnung bringt die Ökumene? in: KNA-ÖK1 20-21 (2010) 8.
[32] X. K. Koch, Dass alle eins seien. Ökumenische Perspektiven (Augsburg 2006), bes. zweites Kapitel 31-68: Systematische Verortung des ökumenischen Kernproblems.
[33] Một cuộc nghiên cứu về tình hình Giáo hội bên Hoa kỳ (The Churching of America) cho thấy rằng con số thành viên tăng mạnh ở những giáo hội và giáo đoàn nào chống lại tinh thần của thế gian. Lý do có lẽ bởi vì người ta muốn tìm nơi các giáo hội và giáo đoàn một cái gì khác biệt, chứ không phải là bản sao chép của thế gian.
[34] W. Kardinal Kasper, L’orthodoxie et l’Eglise catholique. A 40 ans du Décret sur l’oecuménisme "Unitatis redintegratio", in: Documentation catholique 86 (2004) 315-323.
[35] X. H. Mühlen, Kirche wächst von innen. Weg zu einer glaubensgeschichtlich neuen Gestalt der Kirche (Paderborn 1996).
[36] B. Farrell, Der Päpstliche Rat zur Förderung der Einheit der Christen im Jahre 2003, in: Catholica 58 (2004) 81-104, zit. 97.
[37] H. Meyer, Kirche wächst von innen. Weg zu einer glaubensgeschichtlich neuen Gestalt der Kirche, in: J. Krüger und J.-M. Kruse (Hrsg.), Unus fons, unus spiritus, una fides. Ökumene in Rom. Erfahrungen, Begegnungen und Perspektiven der Evangelisch-Lutherischen Kirchgemeinde Rom (Karlsruhe 2010) 214- 234, zit. 234.
[38] Cardinal W. Kasper, Harvesting the Fruits. Basic Aspects of Christian Faith in Ecumenical Dialogue (London 2009).
[39] E. I. Cardinal Cassidy, Welche nächsten Schritte in der Ökumene sind überfällig, realisierbar und wünschenswert? in: Una Sancta 51 (1996) 112-119, zit. 112.
[40] X. K. Koch, Rediscovering the soul of the whole ecumenical movement (UR 8). Necessity and perspectives of an ecumenical spirituality, in: The Pontifical Council for Promoting Christian Unity (Ed.), Information Service Nr. 115 (2004) 31-39.
[41] Unitatis redintegratio, n. 8
[42] Benedetto XVI, Rediscovering the soul of the whole ecumenical movement (UR 8). Necessity and perspectives of an ecumenical spirituality, in: Insegnamenti di Benedetto XVI VI, 1 2010 (Città del Vaticano 2011) 95-100.
[43] Walter Kasper, L’ecumenismo spirituale. Linee-guida per la sua attuazione (Roma, 2006).
[44] X. R. Backes, “Sie werden euch hassen”. Christenverfolgung heute (Augsburg 2005); R. Guitton, Cristianofobia. La nuova persecutione (Torino 2010); Kirche in Not (Hrsg.), Religionsfreiheit weltweit. Bericht 2008 (Königstein 2008).
[45] ĐGH Gioan Phaolô II, Ut unum sint, n. 1.