Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC KITÔ HỮU TRONG BỘ GIÁO LUẬT

Thời sự Thần học - Số 60, tháng 5/2013, tr. 115-136

Lorenzo Lorusso, O.P.

Tác giả là giáo sư Học viện Giáo hoàng Đông phương (Rôma). Nhân dịp kỷ niệm 60 năm bản Tuyên ngôn nhân quyền Liên Hợp quốc (1948), tác giả suy tư về những quyền lợi của các tín hữu trong hai bộ Giáo luật. Trước hết, tác giả nhìn nhận rằng việc thiết lập một danh sách các quyền lợi của các tín hữu trong bộ giáo luật chịu ảnh hưởng của kỹ thuật pháp lý hiện đại, nơi mà các bản hiến pháp thường dành ra một chương về những quyền lợi căn bản của các công dân. Tuy nhiên, cũng cần nêu bật sự khác biệt giữa quan niệm về “nhân quyền” và “quyền lợi các tín hữu”: xét về nguồn gốc, nhân quyền bắt nguồn từ bản tính con người, còn quyền lợi các tín hữu bắt nguồn từ bí tích rửa tội; xét về bản chất, nhân quyền diễn tả một giới hạn cho sự can thiệp của Nhà nước, còn các quyền lợi của các tín hữu diễn tả sự tham gia vào sứ mạng chung của Dân Thiên Chúa. Vì thế một đặc trưng của bộ giáo luật là các quyền lợi cũng được đặt kề với các nghĩa vụ.
Nguyên văn bài viết tiếng Ý: “I diritti e i doveri dei fedeli cristiani nel Codex Canonum Ecclesiarum Orientalium e nel Codex Iuris Canonici” đăng trên tập san Iuria Orientalia 5 (2009) 166-184. Bản dịch tiếng Việt cắt bớt những đoạn nói về Bộ Giáo luật Đông Phương, gồm 5 phần: I. Nhập đề. II. Những quyền lợi chung của các tín hữu trong Hội thánh. III. Danh mục những quyền lợi và nghĩa vụ. IV. Tóm lược những nghĩa vụ và quyền lợi. V. Kết luận
Chữ viết tắt: LEF: Lex Ecclesiae Fundamentalis. Các văn kiện Công đồng Vaticanô II. AA: Apostolicam Actuositatem (Tông đồ giáo dân); AG: Ad gentes (Truyền giáo); DH: Dignitatis humanae (Tự do tín ngưỡng); GS: Gaudium et spes (Hội thánh trong thế giới ngày nay); IM: Inter mirifica (Truyền thông xã hội); LG: Lumen gentium (Hội thánh); PO: Presbyterorum ordinis (Linh mục); SC: Sacrosanctum Concilium (Phụng vụ); UR: Unitatis redintegratio (Hợp nhất)._____

I. Nhập đề


Bản Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 là một văn kiện hoàn toàn “ngoại đạo.” Việc phân tích những nguồn gốc triết học và chính trị của văn kiện đã cho phép kết luận như thế. Thật vậy, bản văn này được thành hình từ tư tưởng triết học về phẩm giá con người và những yêu sách của cá nhân rút từ các bản tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ và Cách mạng Pháp, nhưng bỏ qua các đạo lý của các tôn giáo. Tuy nhiên, là những Kitô hữu, chúng ta dễ nhận thấy rằng nền tảng cuối cùng của phẩm giá con người được gặp thấy nơi Đức Kitô là con người tuyệt hảo, như công đồng Vaticanô II đã nói trong hiến chế Gaudium et Spes. Những quyền lợi được phát biểu trong Tuyên ngôn nhân quyền bộc lộ những khát vọng cao quý nhất của nhân loại, cô đọng trong nhiều truyền thống văn hóa và tôn giáo trên thế giới.

Việc khám phá những quyền lợi của con người đã thúc đẩy cộng đoàn Kitô hữu nêu lên một câu hỏi dù thuộc lãnh vực khác nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng, đó là: “Những quyền lợi của các tín hữu trong giáo luật.” Các bản Hiến pháp của các quốc gia đều dành một chương cho việc nhìn nhận những quyền lợi của mọi công dân. Có nên du nhập kỹ thuật này vào giáo luật không? Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.[1] Phải hình dung thế nào về các quyền lợi căn bản của các tín hữu: phải chăng đó chỉ là áp dụng bản Tuyên ngôn nhân quyền vào đời sống của Giáo hội? Nếu hiểu như vậy thì e rằng vấn đề đã được đặt không đúng chỗ. Lý do là vì các quyền lợi căn bản của công dân bắt nguồn từ phẩm giá con người, và được đặt trong khung cảnh của quốc gia là một cộng đồng xã hội tự nhiên. Quốc gia theo đuổi những mục tiêu thuộc về hệ trật tự nhiên. Thế nhưng Hội thánh không phải là một xã hội được hình thành theo trật tự tự nhiên: Hội thánh do Thiên Chúa thiết lập nhằm những mục tiêu siêu nhiên! Tương quan giữa các tín hữu với Hội thánh cũng khác với tương quan giữa công dân với Quốc gia: trong Hội thánh sự phân biệt giữa “ích chung” (bonum commune) và “ích riêng” không được rõ rệt, bởi vì phần rỗi của cá nhân cũng là mục tiêu của Giáo hội (công ích). Một cách tương tự, vấn đề tự do được đặt ra theo cách thức khác nhau trong cộng đồng quốc gia và trong Hội thánh, nơi mà sự tự do luôn luôn cần phải quy chiếu về Thiên Chúa.

Những lời dẫn nhập này muốn lưu ý rằng cần nghiên cứu những quyền lợi căn bản của các người Kitô hữu được nói đến trong Bộ giáo luật ở các điều 208-223, với một tâm thức khác với việc tìm hiểu những quyền lợi căn bản của con người. Như đã biết, nền tảng của những quyền lợi con người là chính phẩm giá con người, gắn liền bởi bản tính con người là một hữu thể có lý trí và tự do. Các quyền lợi của người tín hữu dựa trên một nền tảng khác.

II. Những quyền lợi chung của các tín hữu trong Hội thánh


Thật vậy, như Bộ Giáo luật đã tuyên bố ở điều 96, các quyền lợi của người Kitô hữu bắt nguồn từ bí tích rửa tội, nhờ đó họ được tháp nhập vào Đức Kitô và được trở thành phần tử của Hội thánh, tham gia vào sứ mệnh của Hội thánh cùng với các anh chị em tín hữu khác: “Do bí tích rửa tội, con người được sáp nhập vào Giáo hội của Đức Kitô và thủ đắc nhân cách trong Giáo hội, với những nghĩa vụ và quyền lợi riêng của các Kitô hữu, chiếu theo điều kiện của mỗi người.”

Tuy nhiên, nhiều vấn đề được đặt lên khi đi sâu vào bản chất của những quyền lợi ấy. Trước tiên, về tên gọi: có thể đặt tên là những “quyền lợi căn bản” (hoặc “nền tảng”, iura fundamentalia) của người Kitô hữu không? Tại sao gọi là “nền tảng”: bởi vì quan trọng hơn những quyền khác, hay bởi vì là nền tảng cho những quyền lợi khác? Kế đó là vấn nạn về bản chất: phải chăng những quyền lợi này là đặc thù của người Kitô hữu, hay chỉ là những quyền lợi tự nhiên và được đưa vào đời sống Giáo hội? Như sẽ thấy sau, trong danh sách các quyền lợi, chúng ta thấy có nhiều điều thuộc về “luật tự nhiên” chứ không chỉ riêng gì trong tổ chức Giáo hội, chẳng hạn như: quyền được bảo vệ thanh danh và đời tư (đ. 220), quyền được bảo vệ hợp pháp các quyền lợi của mình (đ.221 §§1-2), quyền chỉ bị thụ hình theo pháp luật (đ.221 §3), quyền lập hội (đ.215).

Dù sao, điều quan trọng là ta cần nhìn nhận sự khác biệt về nền tảng của các quyền con người (dựa trên bản tính con người) và nền tảng của các quyền lợi của các tín hữu (dựa trên bí tích rửa tội). Ngoài ra, ta cũng cần ý thức sự khác biệt giữa bản chất của quyền lợi con người (nhân quyền) và bản chất của quyền lợi các tín hữu. Vấn đề các quyền lợi con người được đặt ra trong khuôn khổ của xã hội tự nhiên: những quyền lợi này không do xã hội cấp ban; ngược lại, xã hội phải tôn trọng những quyền lợi ấy, bởi vì chúng hiện hữu trước xã hội. Vấn đề quyền lợi của các tín hữu trong Giáo hội thì khác: những quyền lợi này không hiện hữu trước khi con người gia nhập Giáo hội, tuy nhiên không thể nói là những quyền lợi này do Giáo hội cấp ban, xét vì chúng được gắn liền với bí tích rửa tội chứ không do một quyết định của nhà cầm quyền Giáo hội.

Sau khi đã vạch ra sự khác biệt giữa những quyền lợi con người với những quyền lợi của người tín hữu, đến lúc chúng ta cần nêu bật vài đặc trưng của những quyền lợi của người tín hữu:

Trước hết, xét vì bắt nguồn từ bí tích rửa tội, cho nên những quyền này chung cho tất cả mọi tín hữu, trước khi có những phân biệt các hàng ngũ (giáo sĩ, tận hiến, giáo dân). Bộ giáo luật muốn diễn đạt sự bình đẳng cơ bản của tất cả các phần tử Dân Thiên Chúa xét về ơn gọi, sự thánh thiện, sự tham gia vào sứ mạng của Giáo hội, mà hiến chế Lumen gentium nói đến.

Một khía cạnh nữa cần được lưu ý là tương quan giữa nghĩa vụ và quyền lợi. Các bản Tuyên ngôn chính trị thường chỉ nói đến quyền lợi công dân. Bộ giáo luật bàn đến quyền lợi và nghĩa vụ: hai quan niệm này gắn liền với nhau: quyền lợi của người này đặt ra cho những người khác nghĩa vụ phải tôn trọng nó, và ngược lại. Ngoài ra, đôi khi chủ thể có nghĩa vụ phải thi hành một quyền lợi: những người khác có quyền yêu sách họ phải thi hành quyền lợi; trong trường hợp này quyền lợi trở thành nghĩa vụ. Đặc trưng này được nêu bật ở tựa đề của thiên I: “Những nghĩa vụ và quyền lợi của các tín hữu.” Đối với người tín hữu, các nghĩa vụ đi trước các quyền lợi. Có lẽ bởi vì nhà lập pháp quan niệm rằng những quyền lợi chỉ là những hệ luận của một nghĩa vụ căn bản là đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa đến tham gia sự hiệp thông Giáo hội.[2] Có lẽ đây là một đặc trưng của quan niệm về quyền lợi trong bộ Giáo luật, khi mà quyền lợi được coi như một đòi hỏi để chu toàn một nghĩa vụ, đến nỗi có những trường hợp cụ thể trong đó khó có thể khẳng định rằng đây là một quyền lợi hay một nghĩa vụ, như sẽ thấy ngay từ những quyền lợi đầu tiên.

Như vừa nói, nhà lập pháp quan niệm rằng những quyền lợi này được coi là chung của các tín hữu, trước khi có những sự phân biệt các hàng ngũ (giáo sĩ, tận hiến, giáo dân). Bản văn tiếng La-tinh gọi là Christifidelis: các Kitô-hữu, hoặc muốn dịch sát hơn, “những người tin vào Chúa Kitô.” Thực ra, nó chẳng khác gì với “các tín hữu” (fideles tiếng Latinh, fidèles tiếng Pháp, faithful tiếng Anh), nhưng vì từ này thường được hiểu về các “giáo dân” cho nên bộ giáo luật 1983 phải tạo ra một danh từ mới (dịch sang tiếng Pháp là Les fidèles du Christ, và tiếng Anh là Christ’s faithful).

Mở đầu cho thiên này, điều 208 khẳng định rằng: “Giữa các tín hữu, nhờ sự tái sinh trong Đức Kitô, mọi người đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hoạt động. Nhờ sự bình đẳng này, các tín hữu cộng tác với nhau xây dựng thân thể Đức Kitô, tùy theo điều kiện và chức vụ riêng của từng người.”

Lời tuyên bố này được xem như nền tảng cho những nghĩa vụ và quyền lợi của các tín hữu sẽ nói dưới đây. Đoạn văn này cần được đọc trong văn mạch của những điều luật mở đầu Quyển Hai, về “Dân Thiên Chúa”, phân biệt giữa khía cạnh thần học và khía cạnh lịch sử của Hội thánh. Thật vậy, Đức Kitô chỉ thiết lập một Hội thánh duy nhất: đó là khía cạnh thần học. Nhưng trải qua lịch sử, Hội thánh Chúa Kitô đã bị phân tán thành nhiều nhóm, vì thế điều 204 §2 thêm rằng: “Giáo hội này, được thiết lập và tổ chức như một xã hội trong thế giới, tồn hữu trong Giáo hội Công giáo, được cai quản do người kế vị thánh Phêrô và do các Giám mục hiệp thông với Người” (x. LG 8). Hiểu như vậy, những điều nói về các nghĩa vụ và quyền lợi của các Kitô hữu, trên thực tế, được áp dụng cho các phần tử của Giáo hội Công giáo.[3] Mặt khác, điều 204 §1 mô tả chi tiết hơn “phẩm giá” của người tín hữu như sau: “Nhờ bí tích rửa tội, họ được tham dự theo cách thế riêng vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô, [...] được kêu gọi thực hành sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho Giáo hội chu toàn trên thế giới.” Ý tưởng này đã được công đồng Vaticanô II phát biểu ở nhiều đoạn: LG 7; UR 22; LG 9; SC 1; LG 35; LG 13; LG 10; LG 12; LG 36; AA 6; AG 5; LG 17.

Những nghĩa vụ và quyền lợi của các tín hữu phát xuất từ “phẩm giá” ấy. Thật vậy, nói cho cùng, chỉ có một “nghĩa vụ” (hoặc sứ mệnh) duy nhất của Giáo hội, đó là mưu cầu vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Để thi hành nghĩa vụ (hay đạt đến mục tiêu) chung ấy, Giáo hội phải sử dụng những phương tiện thích ứng, mà ta có thể đặt tên là “quyền lợi”. Ai muốn đạt đến mục tiêu thì phải sử dụng phương tiện; việc sử dụng phương tiện vừa là quyền lợi (theo nghĩa là không thể bị ngăn cấm) vừa là nghĩa vụ (theo nghĩa là bắt buộc phải sử dụng).

Hiểu như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi những điều luật kế tiếp liệt kê những nghĩa vụ trước khi nói đến các quyền lợi. Tuy nhiên, nhìn dưới một góc độ khác, thì những nghĩa vụ ấy cũng là quyền lợi của người tín hữu.

Nghĩa vụ đầu tiên được nêu ở điều 209 là duy trì sự hiệp thông Giáo hội. Phải coi đây như là quy tắc cho mọi hành động trong Giáo hội. Thoạt tiên, xem ra việc duy trì sự hiệp thông là một nghĩa vụ: hiệp thông trong tâm hồn cũng như trong các cơ cấu. Tuy nhiên, sự hiệp thông cũng là một quyền lợi: không ai có quyền bị cắt đứt hiệp thông khi không có lỗi! Quyền được hiệp thông có nghĩa là quyền được tham gia vào sinh hoạt của Giáo hội, và được biểu lộ đặc biệt việc lãnh nhận Lời Chúa và các bí tích nói ở điều 213.

Dù sao, khi nói đến việc duy trì sự hiệp thông, chúng ta đừng chỉ nghĩ đến tương quan hàng dọc (giữa các tín hữu và các nhà lãnh đạo), nhưng nó cũng bao hàm cả những tương quan hàng ngang nữa. Thật vậy, điều luật cuối cùng của thiên này đã ra một quy tắc cho việc hành sử các quyền lợi như sau: “Khi sử dụng các quyền lợi của mình, các tín hữu, dù lá cá nhân hay kết hợp thành các hiệp hội, phải xét đến lợi ích chung của Giáo hội, cũng như quyền lợi của người khác, và những nghĩa vụ của mình đối với tha nhân” (đ. 223 §1). Một lần nữa “quyền lợi và nghĩa vụ” được gắn liền với nhau: quyền lợi của người này là nghĩa vụ của người kia.

III. Danh mục các quyền lợi và nghĩa vụ


Danh mục các quyền lợi và nghĩa vụ của các Kitô hữu được lấy lại hầu như nguyên vẹn từ bản dự thảo “Luật Nền tảng của Hội thánh” (Lex Ecclesiae Fundamentalis).[4] Đề tài này mới mẻ đối với giáo luật, bởi vì bộ giáo luật 1917 chỉ khẳng định về những quyền lợi và nghĩa vụ của các Kitô hữu (omnia christianorum iura et officia) nhưng không đưa ra một danh sách những quyền ấy. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bộ luật cũ không có ý tưởng gì về các quyền lợi của tín hữu.[5] Mặt khác bản danh mục hiện hành không liệt kê tất cả các quyền lợi của người tín hữu: còn thiếu nhiều nghĩa vụ và quyền lợi được nói trong những phần khác trong bộ luật hoặc trong các văn kiện pháp lý khác.[6] Dù vậy, việc thảo ra một danh mục các nghĩa vụ và quyền lợi của các tín hữu là một bước tiến đáng kể trong kỹ thuật biên soạn pháp luật, và tạo ra một ý thức mới trong tương quan giữa các phần tử của Giáo hội.

Danh mục các nghĩa vụ và quyền lợi được xếp vào quyển II của Bộ Giáo luật về Dân Thiên Chúa, Phần I, Các tín hữu Kitô (đ. 204-207); Thiên I, Những nghĩa vụ và quyền lợi của các tín hữu. (Trong Bộ Giáo luật Đông phương, danh mục này được đặt ở các điều 7-26).

A. Một vài phê bình


Trước khi đi vào nội dung, thiết tưởng nên điểm qua những phê bình. Một khuyết điểm đã được nói đến rồi: đó là tính bất cập của nó, theo nghĩa là danh sách chưa chứa đựng tất cả mọi quyền lợi của người tín hữu! Điều này đành phải chấp nhận thôi.

Dưới khía cạnh kỹ thuật pháp lý, bản văn còn bị chỉ trích là thiếu thứ tự mạch lạc trong việc thiết lập danh mục các quyền lợi: độc giả khó tìm thấy một thứ tự hệ thống của chúng. Ngoài ra, khi bàn về các nghĩa vụ, bản văn không phân biệt rõ rệt giữa các nghĩa vụ luân lý và nghĩa vụ pháp lý; một cách tương tự, thiếu phân biệt rõ rệt giữa các quyền lợi của người tín hữu và các quyền lợi của con người nói chung.[7]

Chúng ta có thể đan cử một thí dụ. Khi bàn về quyền công luận, điều 212 §3 viết như sau: “Người tín hữu có quyền biểu lộ ý kiến của mình cho các tín hữu khác, miễn là bảo vệ sự vẹn toàn của đức tin và luân lý, cũng như sự tôn kính đối với các chủ chăn, và để ý đến công ích và phẩm giá của tha nhân.” Đây là sự lẫn lộn giữa nghĩa vụ luân lý và nghĩa vụ pháp lý!

Một khuyết điểm nữa trong cách hành văn là việc dung hòa giữa việc xác nhận quyền lợi của người tín hữu và thẩm quyền của nhà chức trách. Sự phát biểu một quyền lợi bị hạn chế bởi những biện pháp của các nhà cầm quyền, chẳng hạn như đoạn cuối cùng của danh mục: “Nhà chức trách Giáo hội có thẩm quyền để điều hành, chiếu theo lợi ích chúng, việc sử dụng các quyền lợi thuộc riêng các tín hữu” (đ. 223§2).[8] Dưới khía cạnh luân lý, việc thi hành một quyền lợi bao hàm ý thức trách nhiệm đối với công ích: đây là điều quá rõ rệt. Tuy nhiên, dưới khía cạnh pháp lý, nếu trao cho nhà chức trách thẩm quyền điều hành việc thi hành các quyền lợi của các tín hữu thì có nguy cơ dẫn đến tình trạng lạm quyền!

B. Điểm qua danh mục các nghĩa vụ và quyền lợi


Như đã nói trên, mở đầu danh mục của thiên này là điều 208, tuyên bố sự bình đẳng về phẩm giá và hoạt động của tất cả mọi Kitô hữu, bắt nguồn từ bí tích rửa tội.

Nguyên tắc bình đẳng phát sinh ra hai yêu sách gắn liền với bí tích rửa tội nhằm xây dựng Hội thánh, mà ta có thể đặt tên là “nghĩa vụ nền tảng”: nghĩa vụ nên thánh và làm tông đồ. Mỗi tín hữu phải đạt tới sự thánh thiện theo điều kiện riêng của mình.[9] Tương ứng với nghĩa vụ này là quyền lợi được trợ giúp tinh thần từ phía các mục tử của Hội thánh.[10] Điều 210 khẳng định: “Tất cả các Kitô hữu phải hết sức quyết tâm, mỗi người theo điều kiện của mình, để sống đời thánh thiện, và để cổ động cho Hội thánh được tăng trưởng và thánh hóa không ngừng.”[11] Đây là một nghĩa vụ thuộc lãnh vực luân lý nhưng cũng mang tính cách pháp lý. Nhờ sự thánh hóa bản thân, mỗi tín hữu góp phần vào việc xây dựng Hội thánh. Sự thánh hóa cá nhân mỗi người cũng thánh hóa toàn thể cộng đồng, tham gia vào việc cứu rỗi các linh hồn (salus animarum) là luật tối cao của giáo luật (x. điều 1753). Dưới khía cạnh pháp lý, nghĩa vụ này gắn liền với bổn phận phải tuân giữ những luật Giáo hội, cách riêng là việc tham dự các bí tích và các phương tiện khác để nên thánh: bổn phận của cha mẹ phải lo việc rửa tội cho con cái (x. điều 867); bổn phận rước Mình Thánh vào những thời luật định, tựa như trong mùa Phục sinh và lúc nguy tử (x. điều 922); bổn phận phải lãnh bí tích hòa giải đối với người có ý thức mình phạm tội trọng (x. điều 989). Nghĩa vụ của các mục tử được xác định ở điều 213: “Các tín hữu có quyền được lãnh nhận từ các chủ chăn sự hỗ trợ nhờ các của cải thiêng liêng của Hội thánh, nhất là Lời Chúa và các Bí tích.”[12]

Một đòi hỏi khác phát sinh từ bí tích rửa tội là cố gắng truyền bá sứ điệp cứu độ đến hết mọi người:[13] “Tất cả các tín hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới hết mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi” (điều 211).[14] Đây là một quyền lợi căn bản của tín hữu dưới khía cạnh pháp lý, và đồng thời cũng là một nghĩa vụ dưới khía cạnh pháp lý. Nội dung của nghĩa vụ và quyền lợi này là khung cảnh tự do hành động để truyền bá sứ điệp cứu độ. Điều này bao hàm quyền hội họp, thành lập, điều khiển những hiệp hội với mục tiêu bác ái hoặc cổ võ ơn gọi Kitô hữu trong trần thế:[15] “Các tín hữu có quyền tự do thiết lập và điều khiển các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức, hoặc nhằm cổ võ ơn gọi của người Kitô hữu trong thế giới; họ cũng có quyền nhóm họp để cùng nhau theo đuổi các mục đích đó” (điều 215).[16] Quyền hiệp hội phát sinh từ các bí tích rửa tội và thêm sức, qua đó các Kitô hữu tham gia vào các chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô và vào sứ mạng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho Hội thánh phải thể hiện trên trần gian; ngoài ra, quyền này cũng phát sinh từ nguyên tắc bất khả xâm phạm về tự do tôn giáo của mỗi người.

Các tín hữu cũng có quyền lợi cổ động và nâng đỡ hoạt động tông đồ kể cả bằng những sáng kiến riêng:[17] “Vì được tham dự vào sứ mạng của Hội thánh, tất cả các tín hữu có quyền cổ võ và nâng đỡ hoạt động tông đồ kể cả bằng sáng kiến riêng, tùy theo tình trạng và điều kiện của họ; tuy nhiên không sáng kiến nào có thể mệnh danh là Công giáo nếu không có sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền trong Hội thánh” (điều 216).[18] Giá trị của quyền lợi này hệ ở chỗ nhìn nhận rằng các hoạt động của tín hữu mang tính cách Giáo hội, vì là một cách thức tham gia vào hoạt động tông đồ.

Các tín hữu cũng hưởng quyền truy tầm và trình bày kết quả của công cuộc khảo cứu, nhất là khi họ là chuyên viên: “Tùy theo kiến thức, chuyên môn và tài ba của mình, các tín hữu có quyền, và đôi khi kể cả nghĩa vụ, bày tỏ cho các chủ chăn biết ý kiến của mình liên quan đến lợi ích của Giáo hội. Họ cũng có quyền biểu lộ ý kiến của mình cho các tín hữu khác, miễn là bảo vệ sự vẹn toàn của đức tin và luân lý, cũng như sự tôn kính đối với các chủ chăn, và để ý đến công ích và phẩm giá của tha nhân” (điều 212 §3).[19] Việc thi hành quyền lợi này được liên kết với hai nguyên tắc mà sự hiệp thông Giáo hội đòi hỏi: sự suy phục Huấn quyền và bổn phận hành động khôn ngoan khi bày tỏ ý kiến của mình, bằng cách cân nhắc nội dung của nó, cách thức sử dụng để truyền bá, và hạng người mà mình nhắm tới.[20] “Những kẻ nghiên cứu các thánh khoa được hưởng quyền tự do chính đáng để suy tầm và trình bày ý kiến cách thận trọng trong lãnh vực chuyên môn của họ, miễn là duy trì lòng suy phục đối với quyền giáo huấn của Giáo hội” (điều 218).[21] Không có chuyện tự do ý kiến trong lãnh vực đức tin và phong hóa đã được Huấn quyền chính thức định nghĩa dứt khoát: như đã biết, đối với những chân lý ấy người tín hữu phải chấp nhận với đức tin (điều 750).

Ngoài ra, các tín hữu được hưởng quyền không bị cưỡng ép trong việc lựa chọn một bậc sống (điều 219).[22] Sự “không bị cưỡng ép” (immunis a coactione) không phải là thủ đắc một quyền lợi: không ai có thể bị cưỡng ép phải chọn một bậc sống; nhưng điều này không phát sinh một bổn phận phải chấp nhận sự lựa chọn ấy về phía những người phải bày tỏ sự chấp thuận. Các tín hữu cũng có quyền bảo vệ thanh danh và đời tư:[23] “Không ai được phép làm thiệt hại đến thanh danh mà mỗi người được hưởng, hoặc vi phạm quyền của mỗi người được bảo vệ đời tư của mình (điều 220).[24] Việc xúc phạm đến quyền thanh danh là một tội phạm bị chế tài theo hình luật (điều 1390).

Những nghĩa vụ và quyền lợi vừa kể trên có thể thi hành đối với tất cả mọi người (erga omnes), bởi vì chúng thuộc về điều kiện tự do của các tín hữu. Những nghĩa vụ và quyền lợi dưới đây có tầm áp dụng giới hạn hơn, bởi vì chỉ được thi hành trong tương quan với các nhà cầm quyền trong Giáo hội.

Các tín hữu, ý thức về trách nhiệm của mình, có nghĩa vụ vâng phục các vị chủ chăn khi các ngài thi hành chức năng như là đại diện Chúa Kitô:[25] “Ý thức trách nhiệm của mình, các tín hữu buộc phải dùng đức vâng phục Kitô hữu để đón nhận điều mà các vị chủ chăn, thay mặt Đức Kitô, tuyên bố như là thầy dạy đức tin hoặc quyết định như là những người dẫn dắt Giáo hội” (điều 212).[26] Gắn liền với nghĩa vụ pháp lý này là quyền lợi của các tín hữu được bày tỏ cho các chủ chăn “các nhu cầu của mình, nhất là những nhu cầu thiêng liêng, và các nguyện vọng của mình” (điều 212 §2),[27] cũng như quyền lợi được bày tỏ ý kiến riêng tư của mình liên quan đến ích lợi của Giáo hội, miễn là bảo vệ sự vẹn toàn của đức tin và luân lý, cũng như sự tôn kính đối với các chủ chăn, và để ý đến công ích và phẩm giá của tha nhân.[28] Ta có thể gọi đó là “quyền thỉnh cầu”, nghĩa là yêu cầu nhà chức trách hãy ban hành những biện pháp vì một ích lợi đặc thù, của cá nhân hay của cộng đoàn.

Tình liên đới và hợp tác với nhà cầm quyền Giáo hội để lo cho ích chung được thể hiện cách cụ thể qua nghĩa vụ giúp đỡ tài chánh cho Giáo hội, đó là chưa nói những đóng góp về sức lực:[29] “Các tín hữu có bổn phận chu cấp cho các nhu cầu của Giáo hội, để Giáo hội có sẵn những gì cần thiết hầu sử dụng vào việc phụng thờ Thiên Chúa, các công tác tông đồ và bác ái và việc trợ cấp cho các thừa tác viên” (điều 222 §1).[30] Thêm vào đó là bổn phận cổ võ công bằng xã hội và giúp đỡ người nghèo:[31] “Các tín hữu có bổn phận cổ võ công bằng xã hội cũng như dùng tài sản riêng tư để giúp đỡ người nghèo, theo lệnh truyền của Chúa” (điều 222 §2).[32]

Các tín hữu cũng được bảo vệ trong trường hợp tranh chấp pháp lý. Thực vậy, họ có quyền được thúc giục cơ quan tư pháp để đòi hỏi quyền lợi của mình, họ có quyền sử dụng những phương tiện bào chữa mà giáo luật đã ấn định khi một tín hữu bị triệu ra tòa, cũng như quyền chỉ bị chế tài dựa theo những gì đã được luật pháp ấn định: “Các tín hữu được phép đòi hỏi và bảo vệ chính đáng những quyền lợi mà họ được hưởng trong Giáo hội trước tòa án Giáo hội hợp với quy tắc luật định” (điều 221 §1);[33] “Khi bị nhà chức trách có thẩm quyền triệu ra tòa, các tín hữu có quyền được xử theo các quy tắc của luật pháp được áp dụng hợp với lẽ phải” (§2); “Các tín hữu có quyền chỉ bị thụ án phạt theo giáo luật hợp với quy tắc luật định” (§3).

Việc đào tạo thiêng liêng của các tín hữu, việc giáo dục Kitô giáo, việc cử hành phụng tự theo nghi điển riêng: tất cả họp thành một khối những quyền lợi của các tín hữu, và đặt ra cho nhà chức trách nghĩa vụ phải tổ chức các phương tiện để chọ có thể thi hành quyền lợi:[34] “Các tín hữu được quyền phụng thờ Thiên Chúa theo các quy định của lễ điển riêng đã được các chủ chăn hợp pháp của Giáo hội chuẩn y, và quyền theo đuổi một hình thái của đời sống thiêng liêng, miễn sao phù hợp với đạo lý của Giáo hội” (điều 214).[35] Đây là một dạng thức của quyền tự do tín ngưỡng, kéo dài sang quyền tự do thi hành lễ điển riêng. Ngoài ra, “Các tín hữu, xét vì bởi phép rửa tội, họ được kêu gọi sống cuộc đời phù hợp với giáo lý Phúc âm, nên có quyền hấp thụ nền giáo dục Kitô giáo, nhờ đó họ được đích thực giáo huấn để đạt tới sự trưởng thành nhân bản và đồng thời, hiểu biết và sống mầu nhiệm cứu độ” (điều 217).[36] Do đó việc đào tạo trở thành một nghĩa vụ và một quyền lợi không thể tách biệt, liên hệ đến cơ cấu xã hội ở nhiều cấp độ: Giáo hội, gia đình, xã hội.

IV. Tóm lược những nghĩa vụ và quyền lợi [37]


Sau đây, chúng tôi xin liệt kê vắn tắt những nghĩa vụ và quyền lợi của các tín hữu, theo thứ tự các điều luật 209-222.
1) Nghĩa vụ duy trì sự hiệp thông với Giáo hội và tuân hành các luật lệ của Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương (điều 209);
2) Nghĩa vụ đạt đến sự thánh thiện cá nhân như phương tiện để tăng trưởng Hội thánh và để cổ võ sự thánh hóa Hội thánh (điều 210);
3) Quyền lợi và nghĩa vụ cộng tác với sứ điệp cứu độ (điều 211);
4) Nghĩa vụ vâng phục các chủ chăn, đại diện Chúa Kitô, trong tư cách là thầy dạy đức tin và dẫn dắt Giáo hội (điều 212 §1);
5) Quyền thỉnh nguyện, bộc lộ những nhu cầu, cách riêng những nhu cầu thiêng liêng, và các nguyện vọng lên các chủ chăn (điều 212 §2);
6) Quyền, và đôi khi nghĩa vụ, bày tỏ ý kiến liên quan đến công ích của Giáo hội, quyền tạo ra công luận trong Giáo hội (điều 212 §3);
7) Quyền lãnh nhận các của cải thiêng liêng, nhất là Lời Chúa và các bí tích, từ các chủ chăn (điều 213);
8) Quyền phụng thờ Thiên Chúa theo nghi điển riêng, và quyền theo linh đạo riêng (điều 214);
9) Quyền lập hiệp hội nhằm những mục tiêu từ thiện, đạo đức hoặc cổ võ ơn gọi Kitô giáo (điều 215);
10) Quyền cổ võ hoạt động tông đồ (điều 216);
11) Quyền giáo dục Công giáo (điều 217);
12) Quyền tự do truy tầm trong cách khoa học thánh (luật tự nhiên; điều 218);
13) Quyền không bị cưỡng bách trong việc lựa chọn một bậc sống (luật tự nhiên; điều 219);
14) Quyền thanh danh và đời tư (luật tự nhiên; điều 220);
15) Quyền được pháp luật che chở (luật tự nhiên; điều 221);
16) Quyền trợ cấp các nhu cầu của Giáo hội (điều 222§1);
17) Nghĩa vụ cổ võ công bằng xã hội, và quan tâm đến nhu cầu người nghèo (luật tự nhiên; điều 222 §2).
Một vài quyền lợi nói trên thuộc về “luật tự nhiên”, chứ không phải là đặc hữu của người Kitô hữu trong Hội thánh.

Chúng ta có thể gom nghĩa vụ và quyền lợi vào bảy nhóm:[38]

1) Những tình cảnh liên quan đến sự bình đẳng cơ bản: bình đẳng về phẩm giá và hoạt động (điều 208); bổn phận phải luôn duy trì sự hiệp thông (điều 209); bổn phận nên thánh (điều 210); bổn phận tham gia vào sứ mạng của Hội thánh (điều 211).

2) Những nghĩa vụ và quyền lợi phát xuất từ tương quan giữa các tín hữu với hàng giáo phẩm: bổn phận vâng phục (điều 212 §1); quyền bộc lộ những nhu cầu với các chủ chăn (§2); quyền lợi và nghĩa vụ bày tỏ cho các chủ chăn và cộng đồng ý kiến về thiện ích của Giáo hội (§3).

3) Những quyền lợi đối với các phương tiện thánh hóa: quyền được lãnh nhận những của cải thiêng liêng của Giáo hội (điều 213); quyền được phụng thờ Thiên Chúa theo nghi điển riêng và quyền đi theo một linh đạo riêng (điều 214).

4) Những bổn phận và quyền lợi liên quan đến sứ mạng của Hội thánh: quyền được thành lập và điều khiển các hiệp hội và quyền nhóm họp (điều 215); quyền được nâng đỡ hoạt động tông đồ kể cả bằng những sáng kiến riêng (điều 216); quyền được nhận lãnh một nền giáo dục Kitô giáo (điều 217); quyền được tự do truy tầm và được phổ biến kết quả nghiên cứu, dành cho những người dấn thân cho các thánh khoa (điều 218).

5) Vài quyền lợi cá nhân: quyền tự do lựa chọn bậc sống (điều 219); quyền giữ thanh danh và bảo vệ đời tư (điều 220).

6) Bảo vệ các quyền lợi: quyền được bảo vệ những quyền lợi của mình trước các tòa án Giáo hội (điều 221 §1); quyền được xét xử theo pháp luật được áp dụng theo lẽ phải (§2); quyền chỉ thụ hình theo quy tắc luật pháp (§3).

7) Những nghĩa vụ mang nội dung xã hội: bổn phận giúp đỡ các nhu cầu của Giáo hội (điều 222 §1); bổn phận cổ võ công bằng xã hội và giúp đỡ người nghèo (§2); bổn phận, khi thi hành quyền lợi cá nhân, phải lưu ý đến công ích của Giáo hội, các quyền lợi của tha nhân và bổn phận của mình đối với tha nhân (điều 223).

V. Kết luận


Đức cha Francesco Follo, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại UNESCO (Tổ chức Văn hóa Liên hợp quốc), khi lên tiếng tại khóa họp lần thứ 180 của Ủy ban chấp hành của cơ quan ngày 14 tháng 10 năm 2008 để kỷ niệm 60 năm bản Tuyên ngôn Nhân quyền, đã ca ngợi văn kiện này như là “một trong những thành quả tốt đẹp nhất của sự hòa đồng giữa những truyền thống văn hóa và tôn giáo khác nhau; văn kiện này là một dụng cụ quan trọng để bảo vệ nhân vị và duy trì nhân phẩm.” Diễn giả còn nói thêm: “nhân quyền là một dụng cụ hữu hiệu để duy trì hòa bình trên thế giới, sự cổ võ nhân quyền trở nên một phương thế hữu hiệu để lấp đầy những bất bình đẳng giữa các quốc gia và các nhóm xã hội.” Bàn về tình hình áp dụng của Chương trình hành động của UNESCO, đại biểu Tòa thánh cho rằng những quyền lợi này là “sự phát biểu của luật tự nhiên ghi khắc trong trái tim con người, và hiện diện trong những nền văn minh và văn hóa khác nhau.” Nếu một đàng, “sự nhận thức về những quyền lợi con người có tiến triển theo dòng thời gian”, nhưng đàng khác, “bởi vì chúng đâm rễ trong nhân vị cho nên chúng mang theo một giá trị phổ quát.”[39]

Giáo hội quan niệm rằng những quyền lợi con người diễn tả phẩm giá siêu việt của nhân vị, là một thụ tạo duy nhất được Thiên Chúa yêu thương vì chính nó, nghĩa là cứu cánh như phương tiện. Giáo hội cũng nghĩ rằng Bản Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 đánh dấu một thời điểm rất quan trọng trong tiến trình phát triển ý thức luân lý phù hợp với phẩm giá con người.

Từ khi được thành lập, Giáo hội đã cổ võ những quyền lợi của con người xây dựng trên phẩm giá của nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Tuy nhiên Giáo hội đã khước từ những tuyên ngôn nhân quyền được phát biểu trong khung cảnh văn hóa Khai sáng. Dần dần, theo đà tiến triển của tình hình xã hội Âu châu, thái độ khước từ chuyển sang dè dặt và cuối cùng là chấp nhận.

Tại công đồng Vaticanô II, vấn đề nhân quyền, tuy được phát biểu trong những bối cảnh xã hội chính trị khác, nhưng đã được nhìn nhận như là có nền tảng Kinh Thánh, dựa trên điều kiện con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, và được cứu chuộc nhờ máu Chúa Kitô.

Thượng hội đồng giám mục thế giới năm 1967 đã chấp thuận những nguyên tắc hướng dẫn cuộc duyệt lại bộ giáo luật, trong đó có nguyên tắc nhìn nhận và bảo đảm những quyền lợi của các tín hữu, đặt nền trên luật tự nhiên và luật mặc khải.[40]

Cả hai bộ giáo luật (La tinh và Đông phương) đều chứa đựng một danh mục những quyền lợi và nghĩa vụ của các tín hữu, dựa theo các văn kiện công đồng Vaticanô II. Phần lớn những quyền lợi phát sinh từ việc gia nhập Giáo hội qua bí tích Thánh tẩy. Một vài quyền lợi khác, phát sinh từ luật tự nhiên, nhưng một khi được du nhập vào thể chế Giáo hội, thì cũng được xác nhận thêm giá trị.

Bộ giáo luật có một lối trình bày khác biệt với các bản văn pháp luật dân sự ở chỗ là đặt các quyền lợi và nghĩa vụ kề bên nhau, bởi vì cả hai đều có cùng một chức năng, đó là thúc đẩy mỗi tín hữu hãy tăng trưởng trong thể trạng làm con cái Thiên Chúa. Việc được làm con cái Thiên Chúa là một hồng ân của Đức Kitô, nhưng cũng đòi hỏi một sự đáp trả về phía người tín hữu, theo như bản chất của mọi mối tương quan liên bản vị.

__________

[1] Trong thời gian tu chính bộ giáo luật, người ta đề nghị soạn thảo một bản Hiến pháp của Giáo hội, mang danh là “Luật nền tảng” (Lex Ecclesiae Fundamentalis), chung cho tất cả các Giáo hội Latinh và Giáo hội Đông phương. Tuy nhiên, sau khi đã đề nghị nhiều dự thảo, cho đến năm 1981, bản văn vẫn chưa được thông qua. Để khỏi làm chậm trễ việc ban hành bộ giáo luật, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II quyết định đình chỉ dự án. Một số điều luật trong luật nền tảng được phân phối trong bộ luật, trong đó có bản liệt kê các quyền lợi và nghĩa vụ của các tín hữu. Bên cạnh những vấn đề thuộc kỹ thuật pháp lý, một câu hỏi căn bản được đặt ra là: phải hiểu Hiến pháp của Giáo Hội như thế nào? Tân ước chưa phải là bản văn hiến định của Hội thánh hay sao? Nếu muốn dùng bản văn cận đại hơn, thì tại sao không dùng Hiến chế tín lý về Hội thánh Lumen gentium của công đồng Vaticanô II?

[2] X. A. Longhitano, Obblighi e diritti di tutti i fedeli, in Aa.Vv., Il diritto nel mistero della Chiesa, vol. II, Roma 1990, 33; R.J. Castillo Lara, Diritti e doveri dei christifideles, op. cit., 34.

[3] Đừng kể bí tích rửa tội, điều 205 liệt kê thêm ba điều kiện để được kể là thành phần của Giáo hội Công giáo: 1) hiệp thông trong việc tuyên xưng đức tin; 2) hiệp nhất trong các bí tích; 3) hiệp nhất với quyền bính cai quản.

[4] X. Communicationes 12 (1980), 25-47.

[5] X. P. Ciprotti, De vocabulorum usu ad ius subiectivum designandum in Codice Iuris canonici in Acta Congressus Internationalis Iuris Canonici, Romæ 1953, 57-61; W. Onclin, Considerationes de iurium subiectivorum in Ecclesia fundamento ac natura, ibid., 211-226; G. Incitti, Il popolo di Dio. La struttura giuridica fondamentale tra uguaglianza e diversità, Città del Vaticano 2007, p. 22.

[6] Về những giới hạn trong việc trình bày danh mục, xem G. Incitti, Il popolo di Dio, op. cit., 72-73.

[7] X. Bernahrd J., “Les droits fondamentaux dans la perspective de la Lex fundamentalis et la revision du Code de Droit Canonique” in Aa.Vv., I diritti fondamentali del cristiano nella Chiesa e nella società, Milano 1981, 367-395.

[8] X. LEF, can. 24 §2.

[9] X. AA 6.

[10] X. LG 37.

[11] X. LEF, can. 10.

[12] X. LEF, can. 13.

[13] X. AG 1, 2, 5, 35-37; LG 17.

[14] X. LEF, can. 11.

[15] X. AA 21; GS 68.

[16] X. LEF, can. 15.

[17] X. AA 24-25; LG 37; PO 9.

[18] X. LEF, can. 16.

[19] X. LEF, can. 12 §3.

[20] X. GE 10; GS 62.

[21] X. LEF, can. 18.

[22] X. LEF, can. 19.

[23] X. GS 26-27.

[24] X. LEF, can. 20

[25] X. LG 25, 37; PO 9.

[26] X. LEF, can. 12 §1.

[27] X. LEF, can. 12 §2.

[28] X. AA 6; GS 92; IM 8; LG 37; PO 9.

[29] X. AA 21; AG 36; PO 20-21.

[30] X. LEF, can. 23.

[31] X. AA 8; DH 1, 6, 14; GS 26, 29, 42, 65, 68, 72, 75, 88.

[32] X. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1928: “Xã hội bảo đảm công bằng xã hội khi tạo điều kiện để các đoàn thể và mỗi cá nhân được những gì họ có quyền hưởng theo bản tính và ơn gọi của họ. Công bằng xã hội được liên kết với công ích và với việc thực thi quyền bính”.

[33] X. LEF, can. 22 §1.

[34] X. GE 2; LG 37; OE 2, 3, 5; PO 9; SC 4, 19.

[35] X. LEF, can. 14.

[36] X. LEF, can. 17 §1.

[37] X. L. Okulik, La condición juridica del fiel cristiano, Buenos Aires 1995, 167-168.

[38] X. S. Longhitano, Obblighi e diritti di tutti i fedeli, op. cit., 35-36.

[39] X. www.zenit.org



[40] X. Communicationes 1 (1969), 77-120.