Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

ĐỨC GIÊSU – CON NGƯỜI CỦA SỰ PHÁ CÁCH

Thời sự Thần học - số 1, tháng 01/2008, tr.

☺ Ngọc Huy ☺


DÀN BÀI


Dẫn nhập


I. Sự xuất hiện của Giêsu Na-da-rét là một “hiện tượng khác thường”
  1. Vì sao lạ xuất hiện bên phương Đông
  2. Sự khác thường trong cách thức chọn môn đệ
  3. Tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi
II. Những lời rao giảng “động chạm” đến cách diễn giải Tô-ra theo truyền thống

III. Cách hiểu mới về sự cứu chuộc

  1. Đức Giê-su tự mạc khải vị thế và uy quyền của Đấng Cứu Độ trần gian
  2. Lời loan báo về viễn cảnh “khách được mời bị loại ra khỏi bữa tiệc cưới” hay là “ơn cứu độ phổ quát”
IV. Con Người đến không nhằm tìm lỗi hay hạch tội !
  1. Con Người không buộc nhân loại phải lên án lịch sử của chính mình
  2. Con Người đến không phải để luận tội bất cứ ai
V. Sự “phá cách” vô tiền khoáng hậu của Vị Vua đi tìm!
  1. Con Người chính là một Vị Vua
  2. Cách xưng vương vô tiền khoáng hậu của Vị Vua Đi Tìm
VI. Vị Vua Tình Yêu
  1. Đi tìm phàm nhân bằng chính cách thức của phàm nhân
  2. Và đi tìm phàm nhân không theo cách thức của phàm nhân
Thay lời kết
  1. Chúng ta đã “biết” Đức Giê-su?
  2. Lời mời gọi trở nên “ngược đời” như vị Thầy của sự phá cách!

DẪN NHẬP


Hình ảnh một thanh niên làng Na-da-rét luôn phiêu bạt nay đây mai đó; thích giao du với những con người bị khinh miệt, bị loại trừ trong xã hội; hay đối chất với các bậc thầy về lề luật bằng một phong thái đường hoàng và trí tuệ phi thường; thường xuyên đả kích những thói tục nhiệm nhặt và công khai “vi phạm” những luật lệ có truyền thống rất cổ kính của dân tộc mình … đã thực sự gây nên một sự “phá cách” quá sức tưởng tượng trong một cộng đồng vừa bị đè nén bởi sự đô hộ của đế quốc Roma, vừa phải chịu một ách nặng nề của những quy định, luật lệ được nghĩ ra bởi chính những người đồng hương của mình … Tuy nhiên cũng không thể không kể đến một điều quan trọng, đó là tất cả những lời nói và hành động nơi “con người nổi loạn” ấy đều ẩn chứa một sức mạnh thần thiêng, một sự thuyết phục mãnh liệt ...

Sự chú ý của dân chúng đối với nhân vật Giê-su có lẽ sẽ chỉ dừng ở mức độ hiếu kỳ dành cho một một nhân vật “không bình thường”, nếu như nơi Con Người ấy không toát lên một điều khác thường: lòng nhân ái. Thật ra, chúng ta phải công nhận một điều, chỉ cần những ai có chút lương tâm, đều không quá khó khăn để nhận ra mục đích mà người thanh niên lạ lùng ấy muốn nhắm đến, qua cách hành xử theo kiểu “thuốc đắng dã tật”, đó là mong muốn những người đang bước sai lối hãy quay đầu trở lại.

Quả thật, ẩn chứa đằng sau những hành động có vẻ phá cách và ngược đời nơi Con Người là cả một tâm hồn yêu thương và nhân ái vô hạn.

I. Sự xuất hiện của Giêsu Na-da-rét là một “hiện tượng khác thường”


1. Vì sao lạ xuất hiện bên phương Đông (Mt 2, 2)


Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.

Lời tường thuật của tác giả Mát-thêu khiến ta có thể nhận ra điều không bình thường trong điềm báo về sự xuất hiện của Con Người. “Vua dân Do Thái” ra đời, nhưng những kẻ thấy được điềm báo trước tiên lại là dân ngoại. Điều đó khiến “vua Hê-rô-đê bối rối” và “cả thành Giê-ru-sa-lem xôn xao”. Nói cách khác, ngay từ lúc hạ sinh, nơi nhân vật Giê-su Na-da-rét đã tiềm ẩn một điều gì đó không bình thường và khác lạ. Sự lạ thường ấy không chỉ hệ tại ở những dấu lạ khiến dân chúng phải xôn xao, nhưng còn đặc biệt ở chỗ nó khiến ta nhận ra một điều: người Do Thái đã tỏ ra quá thờ ơ hoặc đã tưởng tượng về Con Người theo cách nghĩ của họ, đến mức hiểu lầm về sứ mệnh của Người. Điều này dẫn đến việc khi tiếp xúc với Giê-su Na-da-rét, một mặt họ cảm thấy thất vọng về “phong thái và đường lối của vị vua sẽ giải phóng dân tộc mình”, vì nó khác hoàn toàn với những gì họ mong đợi nơi vị vua ấy; nhưng mặt khác họ lại nhận ra sự khác thường nơi Con Người, vì những lời nói và hành động phát xuất từ người thanh niên ấy, tuy có vẻ phá cách và nổi loạn ấy, song lại ẩn chứa một sức mạnh thần thiêng.

Một điều nữa không thể không kể đến, đó là Đức Giê-su, Đấng Mê-si-a, Vua dân Do Thái, lại hạ sinh trong cảnh nghèo khó (Lc 2, 1-20). Tin Mừng không kể lại rằng các nhà chiêm tinh có ngạc nhiên hay không khi chính mắt họ chứng kiến Đấng mà họ tin rằng chính là Vua dân Do Thái, lại ngự trị trong máng cỏ hang bò lừa, giữa đêm đông giá rét. Song như Tin Mừng đã cho ta biết, các nhà chiêm tinh đã “sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2, 11). Tóm lại, dân Do Thái dường như vẫn đi sau dân ngoại trong việc đón nhận Đấng Cứu Tinh của mình. Phải chăng cách thức nhập thể của Con Vua Đa-vít đã ngược lại hoàn toàn với những gì mà Ít-ra-en tưởng tượng, nên họ không thể nhận ra và chấp nhận điều ấy?

2. Sự khác thường trong cách thức chọn môn đệ


Cũng như bất kỳ vị Ráp-bi nào, Đức Giêsu quyết định lập ra một nhóm môn đệ khi Người bắt đầu sứ vụ rao giảng. Điều này lẽ ra không có gì đáng nói, bởi đó là điều mà các thầy giảng thường thực hiện. Nhưng trong trường hợp của Giê-su Na-da-rét, vấn đề trên lại trở thành một hiện tượng không bình thường …

Theo các nhà nghiên cứu, có ít nhất hai khác biệt chủ yếu về việc Đức Giê-su tiếp nhận các môn sinh. Trước hết, chính các Tông đồ được Đức Giê-su chọn lựa, khác với cách thức mà những môn sinh của các thầy giảng khác thường làm (theo sự hướng dẫn của Tô-ra) là phải “chọn một tôn sư”. Thứ hai, Đức Giê-su không hề tỏ lời giảng của Người được đặt trên nền tảng của việc cắt nghĩa Tô-ra theo hướng nghiêm ngặt như các thầy giảng khác, và cũng không tỏ ra lời giảng và vị thế hiện thời của Người xuất phát từ việc đã được thụ huấn từ một chuyên gia nghiên cứu Sách Thánh trong dân Do Thái. Nói cách khác, Ngài rao giảng “như một Đấng có thẩm quyền”. Đây là điều khác biệt căn bản, và đối với nhiều tín đồ truyền thống, nó gây rối loạn nhất.

Bên cạnh đó, một cách đáng ngạc nhiên, phá vỡ các tục lệ thời cổ, Đức Giê-su đã chọn một số đáng kể các môn đồ là phái nữ. Tin Mừng Mát-thêu kể lại cho chúng ta việc yểm trợ tài chính cho các chuyến đi của Đức Giê-su và nhóm Mười Hai là do một nhó mphụ nữ, trong đó có Gio-an-na, vợ người quản lý của Hê-rô-đê An-ti-pa; Su-san-na và Ma-ri-a Mác-đa-la (Mt 8, 2-3). Trong Tin Mừng Mác-cô, chúng ta được kể rằng một nhóm phụ nữ đi theo Đức Giê-su khắp Ga-li-lê và sau đó tháp tùng Người lên Giê-ru-salem. Thánh Mác-cô kể tên Ma-ri-a Mácđa-la; Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê thứ và Giô-xê; và Sa-lô-ê. Hơn thế, chính các bà là những người đã theo Người đến giờ phút cuối cùng trên thập tự, trong khi các ông thì đã bỏ chạy hết. Tóm lại, người ta không hề nghe nói có thầy giảng nào thời ấy lại có đệ tử nữ, và điều này vạch rõ đặc tính cá biệt trong sứ vụ của Đức Giêsu.

Còn một đặc điểm nữa không thể không kể đến, ấy là Ráp-bi Giê-su, tuy nghiêm khắc hơn những Ráp-bi khác (tỏ ra khẩn trương trong việc kêu gọi môn đồ đến mức không muốn cho họ từ biệt người thân, thu xếp công việc nhà cửa, của cải hay thậm chí là thực hiện nghĩa cử hiếu thảo trước khi lên đường với Người), nhưng thật ra lại nhân bản hơn bất kỳ Ráp-bi nào khác, khi dám thâu nhận cả những kẻ bị xã hội lên án là bất lương, những người không khá giả, và cả những người không có học thức gì, bởi xuất thân từ nghề đánh cá …

Tắt một lời, trong cách thức chọn môn đồ, Giê-su Na-da-rét đã khiến cho người đương thời cảm thấy khó hiểu, bởi Người đã “chọn lựa” những con người vốn không được coi trọng ngay cả trong cấp bậc xã hội, chứ chưa nói đến việc đạt được những tiêu chí nào đó để có thể đứng vào hàng ngũ của thành phần đảm trách công việc hướng dẫn cuộc sống tâm linh cho dân chúng …

3. Tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi (Mt 11, 19)


Trong xã hội Do Thái, một người công chính, một người kết hợp mật thiết với Thiên Chúa không bao giờ tốn thời gian lui tới và tiếp xúc với những phường bị liệt vào hàng tội lỗi, vì điều này sẽ khiến người ấy hoá ra ô uế. Chính vì thế, chúng ta cũng không cảm thấy ngạc nhiên khi Giê-su Na-da-rét đã bị chê cười và bị khinh ra mặt khi mọi người nhìn thấy Người hay la cà trong những khu vực của những người tai tiếng: “Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, có ai tin ông ấy? Chỉ có bọn dân đen, hạng không biết Lề Luật mới bị mê hoặc thôi” (Ga 7, 48-49). Quả thật, Đức Giê-su đã dùng phần lớn thời gian của mình để giao tiếp với thành phần hạ cấp trong xã hội, những thành phần mà lẽ ra một người công chính, đứng đắn không nên đặt chân tới …

Trước tiên là hạng thu thuế. Dân Do Thái bị đánh thuế mọi mặt: thuế nhập khẩu, xuất khẩu, thuốc lá, muối, … và đánh thuế một phần mười trên hoa lợi phải nộp cho nhà nước. Một công ty thương mại thầu và giữ độc quyền thu thuế, nên họ cố đánh thuế cao để được lợi. Đó là nguyên nhân của bao bất công, ức hiếp, … Chính vì thế, người thu thuế bị dân chúng ghét và khinh bỉ2 (Mt 9, 11-13; Lc 5, 30-32). Họ bị dân chúng xem là những quân tội lỗi. Luật Do Thái coi họ thuộc thành phần ô uế và không được giao tiếp với họ. Nhưng Đức Giê-su đã khiến dân chúng phải kinh ngạc: Tin mừng theo Thánh Mác-cô kể cho chúng ta câu chuyện Đức Giê-su đến nhà ông Lê-vi cùng những người thu thuế và những người tội lỗi, rồi dùng bữa với họ (Mc 2, 15-17). Các kinh sư đã bất bình vì thái độ của Đức Giê-su. Và chúng ta đều biết Đức Giê-su đã nói gì: Người mặc nhiên bác bỏ khái niệm trong sạch và ô uế theo quan niệm của họ bằng một câu thể phản bác được lời nào: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần … Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17). Cũng thế trong trường hợp kẻ tội lỗi là các cô gái điếm. Người Pha-ri-sêu tên Simon hẳn đã nhận được một bài học đáng giá trong cuộc đời khi ông được nghe dụ ngôn về hai con nợ (Lc 7, 36-50). Đó là dụ ngôn mà Đức Giê-su đã kể cho Si-mon nghe trước thái độ nghi ngờ của ông, lúc nhìn thấy một cô gái điếm đến ôm hôn và khóc dưới chân Người. Hay như một lần khác, lúc người ta dẫn đến trước mặt Người một phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Kết quả về một cuộc ném đá lẽ ra phải diễn ra như thường lệ đối với những trường hợp như thế đã bị huỷ bỏ, vì một câu hỏi nhức nhối: “Ai thấy mình vô tội thì lấy đá ném trước đi?” (Ga 8, 2-11).

Người Sa-ma-ri xây riêng Đền Thờ trên núi Ga-ri-đim. Người Do Thái ở Giuđê-a và Ga-li-lê coi họ là giống người tạp chủng và phong tục của họ mất dần vẻ khiết tịnh do “lây nhiễm” vết nhơ ngoại giáo. Người Do Thái không gặp gỡ lui tới với người Sa-ma-ri. Nhưng Đức Giê-su đã làm một cử chỉ ngược lại ... Tin Mừng Thánh Gio-an thuật lại cho chúng ta việc Đức Giê-su chủ động gặp, xin nước và đối thoại với một phụ nữ Sa-ma-ri (Ga 4, 1-42). Việc này khiến các môn đệ vô cùng ngạc nhiên. Kết cục trình thuật Tin Mừng này, như chúng ta đều rõ, “có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đã tin vào Đức Giê-su” và thậm chí “người Sama-ri xin Người ở lại với họ hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa” (Ga 4, 39-42). Kết quả ấy phản ảnh một điều: hành động của Đức Giê-su khiến không chỉ người Do Thái cảm thấy kinh ngạc, mà ngay cả dân ngoại cũng phải sửng sốt, vì đó là một biệt lệ chưa hề xảy ra từ trước đến giờ …

Như đã nói, xã hội Do Thái có sự đối xử phân biệt khá khắc nghiệt với những người bệnh tật. Họ xem bệnh tật là hệ đang trong tình trạng ô uế, không tinh sạch, nên luật Do Thái quy định họ phải bị cách ly và cấm giao tiếp với cộng đồng. Hơn nữa, về phía cộng đồng, họ cũng gớm ghiếc, kinh thị và tránh xa những con người bệnh tật này. Nhưng một lần nữa, Đức Giê-su lại khiến dân chúng phải kinh ngạc: Trình thuật Thánh Mác-cô kể lại cho chúng ta phép lạ Đức Giê-su chữa một người bị bệnh phong (Mc 1, 40-45). Theo luật Do Thái, người bệnh phong không thể xen vào đám đông mà phải cách ly (Lv 13, 45-46) cũng như mọi người không được đụng đến người bị thứ bệnh này nếu muốn giữ luật tinh sạch. Đức Giê-su đã chạm đến người bị bệnh phong và chữa lành anh ta. Như thế, Đức Giê-su đã vi phạm Lề Luật - một cách công khai …

Tin Mừng còn kể cho chúng ta khá nhiều những trường hợp Đức Giê-su “vi phạm Lề Luật” cách công khai như thế … Chung quy, Người đã khiến dân chúng cảm thấy vừa khó hiểu vừa sửng sốt trước những hành vi trong giao tiếp của mình. Còn thành phần lãnh đạo dân thì mỗi lúc thêm tức tối lẫn lo sợ. Sự “phá cách” của nhân vật kỳ lạ này đã được “củng cố” bằng cả lời nói lẫn hành động!

II. Những lời rao giảng “động chạm” đến cách diễn giải Tô-ra theo truyền thống


Và không dưới một lần, Đức Giê-su lại khiến dân chúng phải sửng sốt: Người Do Thái có những luật lệ quy định về phép cắt bì, ngày Sa-bát, ăn chay, cầu nguyện, phép rửa, việc từ thiện ... Người Do Thái, nhất là thành phần tư tế, kinh sư, kỳ mục tuân thủ những luật lệ trên một cách rất nghiêm ngặt. Nhưng Đức Giê-su thì khác … Khi bị phê phán về việc đã hành động ngược lại với những gì nhóm Pha-ri-sêu và các môn đệ ông Gio-an Tẩy Giả đã làm đối với luật ăn chay (Mc 2, 18-22), Đức Giê-su đã tỏ rõ quan điểm của mình: Người tương đối hoá việc ăn chay, không coi đó là một điều luật mà con người phải nhắm mắt là theo. Hơn nữa, ăn chay là hành động sám hối, như vậy nó phải tuỳ thuộc vào những điều kiện và hoàn cảnh con người đang sống, chứ không phải theo kiểu bắt người ta phải “buồn phiền khi chàng rể còn đang ở đó” ...

Khi người Pha-ri-sêu trách các môn đệ Đức Giê-su đã vi phạm luật Sa-bát vì đã bứt lúa khi đi ngang qua cánh đồng (Mc 2, 23-28), Đức Giê-su đã đưa ra một nguyên tắc tổng quát: “trong trường hợp cần thiết, có thể được phép vi phạm một số điều luật cấm nào đó” bằng cách trưng dẫn một bản văn trong Cựu Ước nói về việc vua Đa-vít và các thuộc hạ vì đói đã phải ăn loại bánh chỉ được dành cho các tư tế (1 Sm 21,2-7).

Khi bị gán cho tội vi phạm luật cấm vì đã chữa bệnh trong ngày Sa-bát, Đức Giê-su đã khiến các kinh sư phải im bặt vì câu hỏi “Ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3, 4).

Tương tự đối với bốn cuộc tranh luận tiếp theo (Mc 2, 15 – 3, 5), Đức Giê-su phê phán việc các Pha-ri-sêu đã biến luật lệ thành gông cùm xiềng xích đối với con người. Người có cách nhìn rất nhân bản về lề luật: “Ngày Sa-bát được làm ra vì con người chứ không phải con người vì ngày Sa-bát” (Mc 2, 27).

Tóm lại, những cuộc tranh luận đã nói lên sự đối lập giữa các giáo huấn của Đức Giê-su và các lề luật của người Pha-risêu. Tuy vẫn tôn trọng các hình thức đạo đức cổ xưa ấy, nhưng Người “tìm cách nội tâm hoá và thanh tẩy chúng khỏi các thái độ quá nhân loại, dễ bám liền với tín ngưỡng và tập tục của quá khứ, dễ dẫn đến thái độ thiếu trung thực, né tránh thực tế, giả hình, phô trương3”. Về phía dân chúng, họ phải “sửng số về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không Đức Giê-su đã đem đến cho dân một giáo huấn khác với những giáo huấn mà các kinh sư và tiến sĩ luật đã đem đến cho họ. Họ đã phải thốt lên “chúng ta chưa thấy vậy bao giờ” (Mc 2, 12).

Kết thúc những cuộc tranh luận này, Thánh Mác-cô ghi nhận: “người Pha-risêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su” (Mc 3, 6). Chúng ta có thể tin chắc rằng người Phari-sêu muốn giết Đức Giê-su vì sự công kích mỗi lúc gay gắt mà Người hướng đến họ [(Mt 23, 13-36), (Lc 19, 45-47), (Lc 20, 45-47), (Lc 18, 9-14), (Lc 16, 14-15)].

III. Cách hiểu mới về sự cứu chuộc


Dân Do Thái mang trong mình niềm tin dường như bất diệt về vị thế của một dân được biệt tuyển của mình. Niềm tin ấy bắt nguồn từ Giao Ước Cũ trên núi Si-nai. Họ không thể hiểu (hay không chịu hiểu?) rằng Đức Giê-su đến để ký kết một Giao Ước Mới. Bất chấp việc Đức Giê-su đã mạc khải cho dân biết vị thế của Người trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, Ít-ra-en vẫn chối từ Người. Trong khi đó, Đức Giê-su lại nhìn thấy viễn cảnh của đám đông dân ngoại sẽ được vào Nước Thiên Chúa. Tất nhiên không phải vì thế mà Đấng Cứu Chuộc lại thay đổi chương trình của Thiên Chúa. Đức Giê-su vẫn tỏ cho chúng ta thấy một điều: bất chấp mọi nghịch cảnh, mối ưu tư của Người vẫn dành cho Ít-ra-en.

Tuy nhiên, với vị thế của Ngôi Hai Thiên Chúa đến trần gian để hoàn tất mạc khải, Đức Giê-su cũng đồng thời tỏ cho nhân loại, cách đặc biệt với Ít-ra-en, nhận ra một phương thế cứu chuộc mới, không theo cách mà họ vẫn quan niệm từ thời cha ông (thực ra điều này đã được tiên báo bởi các ngôn sứ, nhưng dường như đã có sự lầm lẫn hoặc ngoan cố trong cách hiểu của dân …). Phương thế cứu chuộc ấy chính là Con Người, Đấng mà khi Người đến, Ít-ra-en vẫn tiếp tục chối từ …

1. Đức Giê-su tự mạc khải vị thế và uy quyền của Đấng Cứu Độ trần gian


Khi nói về vấn đề này, chúng ta sẽ nhận ra một cách không khó khăn rằng đây chính là nguyên nhân tạo nên một trong những lời cáo tội mà người Pha-ri-sêu đã quy kết cho Đức Giê-su: lộng ngôn và phạm thượng. Đó là một tội nặng và phải bị xử tử. Có lẽ chưa từng có một nhân vật nào trong dân đủ can đảm động chạm đến điều cấm kỵ này. Thế nên trường hợp của Đức Giê-su chắc hẳn phải là một sự kiện “động trời” …

Các trình thuật trong Tin Mừng đã liệt kê nhiều lời xác nhận của Đức Giê-su về việc Người chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Tinh, là Đấng Mê-si-a Vua, là Đấng mà muôn dân mong đợi:

Ông Gio-an Tẩy Giả đã công bố Đức Giê-su là Con Thiên Chúa (Ga 1, 32-34). Ông Na-tha-na-en nhìn nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Ga 1, 45-51). Sau khi Ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng, Người đã gián tiếp nói về mình khi tuyên bố: “Thời kỳ dã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hạy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Đức Giê-su xác nhận lời tuyên xưng của ông Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 13-20). Việc quát mắng quỷ phải im tiếng khi chúng lớn tiếng xưng danh Người: “Ông là Con Thiên Chúa” trước đám đông (Lc 4, 40-41) cũng là một hình thức Đức Giê-su công nhận danh hiệu ấy là thuộc về Người.

Hoặc những đoạn văn trong Tin Mừng Mát-thêu, xuất phát từ bộ logia. Ta bắt gặp ở đây một truyền thống rất cổ xưa. Truyền thống cho thấy Đức Giê-su ý thức khai mạc nơi chính bản thân mình thời đại Mê-si-a, Vương quốc của Thiên Chúa, và chấm dứt ách thống trị của ác quỷ4: Người nói vói các môn đệ: “Anh em đừng tưởng Thầy đem bình an cho trái đất; …” (Mt 10, 34). Hoặc như lời tuyên bố dành cho những kẻ nghi ngờ về vị thế của Người: “Bất cứ nước nào tự chia rẽ, thì sẽ điêu tàn … Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12, 25-28). Hay như lời trách mắng khá nặng nề dành cho thái độ cứng lòng tin, mà qua đó, Đức Giêsu đã tỏ cho họ thấy sứ mệnh của Đấng Thiên Sai nơi Người: “Khốn cho ngươi, hỡi Khô-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bét-xai-đa! … Vì thế, ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xô-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Mt 11, 21-24) ...

Một cách rõ ràng hơn, những dẫn chứng Tin Mừng sau cho thấy Đức Giê-su đã tự mạc khải về Người (dĩ nhiên Hiển Dung là một biến cố rõ ràng nhất trong Tin Mừng về việc xác nhận Đức Giê-su đúng là Con Thiên Chúa, nhưng phần viết này nhắm đến việc đưa ra những chứng từ về sự tự mạc khải của Ngôi Hai Thiên Chúa, khiến sự xung đột giữa Người và các kinh sư, biệt phái mỗi lúc thêm gay gắt. Thế nên biến cố Hiển Dung sẽ không được xem là “chứng cứ” đối với người Do Thái, bởi như chúng ta đã biết, được chứng kiến biến cố này chỉ có một vài môn đệ thân tín của Đức Giê-su): Đức Giê-su xác nhận Người chính là Đấng Mê-si-a với người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng nước (Ga 4, 25-26). Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang Người, khiến các môn đệ tin vào Người (Ga 2, 11). Hơn thế, Đức Giê-su đã khẳng định rất rõ ràng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này …” (Ga 6, 51). Hoặc khi Đức Giê-su xác nhận trước mặt những người Do Thái và người Phari- sêu rằng chính Người là Con Thiên Chúa (Ga 8, 12-57; 10, 1-21). Đặc biệt, Đức Giê-su cũng đã xác nhận với các môn đệ Người là Con Thiên Chúa (Ga 14, 22-31). Và trong giờ sau hết, chính môi miệng Người Con đã thốt lên với Cha của mình: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).

Tóm lại, có lẽ đây là một sự “phá cách” không hề tưởng tượng được nơi một nhân vật, vốn vẫn gây “xốc” cho dân chúng, vì “ông chẳng phải là con bác thợ, Mẹ ông không phải là Bà Ma-ri-a, anh em của ông không phải là các ông Gia-côbê, Gio-xép, Si-mon và Giu-đa sao?” (Mt 13, 55). Một nhân vật với gốc tích (chẳng có gì nổi nang, danh tiếng) rõ ràng như thế mà lại dám công khai tuyên bố cách mạnh mẽ rằng mình chính là Con Thiên Chúa và là Đấng Thiên Sai, thì quả là một người hoặc “không bình thường”, hoặc đang muốn đưa bản thân vào con đường chết vì tội lộng ngôn và phạm thượng.

2. Lời loan báo về viễn cảnh “khách được mời bị loại ra khỏi bữa tiệc cưới” (Mt 22) hay là “ơn cứu độ phổ quát” (Rm 3, 21-30)


Tuy nhiên qua những gì đã trình bày ở trên, ta cũng cần hiểu rằng việc Đức Giê-su mạc khải chính Người hoàn toàn không chỉ nhằm mục đích tỏ cho Ít-ra-en nhận biết quyền năng của Thiên Chúa, nhưng còn quan trọng không kém là loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Theo đó, Đức Giê-su chính là Đấng Thánh của Ít-ra-en, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng Cứu Chuộc của nhân loại. Bất cứ ai tin vào Người, đều sẽ được cứu, bất kể đó là Ít-ra-en hay dân ngoại (Ga 1, 12; 5, 25; 20, 31; 4, 15; 5, 10; 5, 12; 5, 13). Nói cách khác, phương thức cứu chuộc mới mẻ này, được rao giảng từ Giê-su Nada- rét, quả thực là một điều khó có thể chấp nhận đối với dân Do Thái, là một dân đã duy trì qua biết bao thế hệ một niềm tin bất diệt rằng họ sẽ được cứu rỗi cách riêng, trong vị thế là một dân được biệt tuyển :

Nhìn lại quan niệm truyền thống của Do Thái, ta nhận tấy “cứu rỗi’ được xem như một cuộc giải phóng khỏi sự đau đớn thể lý, khỏi hiểm nguy, bệnh tật đang đè nặng trên mỗi người hoặc khỏi tai ương, suy đồi luân lý ... Trong đó, Ítra- en sẽ là thành phần được ưu tuyển khi Đấng Cứu Tinh ngự đến5. Nhưng giáo huấn của Đức Giê-su lại không đề cập đến sự tuyển chọn Ít-ra-en. Một điều mới mẻ và đặc biệt được rao giảng: đó là qua việc đón nhận chính Người, ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ được trao gửi đến cho tất cả mọi người – không những là người nghèo nàn, khốn khổ và bị gạt ra ngoài lề xã hội, mà còn là những người tội lỗi, những người Sa-ma-ri và cả những người ngoài Do Thái.

Như thế, không ít thì nhiều, lời rao giảng về cách thức cứu chuộc mới của Đức Giê-su đã đối nghịch với quan niệm cứu chuộc cũ vẫn đang được “cổ xúy” bởi những người đứng đầu trong dân Do Thái ... Chúng ta có thể thấy được điều trên qua một số trình thuật Tin Mừng sau6: với dụ ngôn Người thợ làm vườn nho sát nhân, Đức Giê-su muốn ám chỉ vườn nho được trao cho những người khác, có nghĩa rằng ơn cứu độ cũng sẽ được dành cho dân ngoại (Mc 12, 1-11). Trong một số trình thuật của Thánh Máccô, Đức Giê-su khẳng định rằng Máu của Giao Ước được đổ ra cho muôn người và Tin Mừng phải được loan báo cho tất cả loài người (Mc 14, 22-25; 16, 14-20). Thánh Lu-ca thuật lại lời xác nhận của Đức Giê-su về sứ mạng cứu chuộc mang tính phổ thế của Người (Lc 4, 14-30; 24, 44-53). Thánh Gio-an cũng trình bày cho chúng ta lời tiên báo của Đức Giê-su, rằng cuộc khổ nạn của Người sẽ là sự quy tụ tất cả mọi dân (Ga 11, 46-52).

Những điều đã rao giảng được Đức Giê-su củng cố bằng một số hành động: cho dân chúng chứng kiến đức tin của một người ngoại giáo (Lc 7, 1-10) và lòng biết ơn của một người dân ngoại được chữa lành (Lc 17, 12-19); chữa lành một người bị quỷ ám ở miền dân ngoại (Lc 8, 26-39). Và trước sự từ chối của người Do Thái, Đức Giê-su mời gọi các dân ngoại (Lc 13, 23-30), đồng thời tỏ mình ra cho dân Sa-ma-ri (Ga 4, 1-42). Nói chung, trong niềm hy vọng bất diệt về một Đấng Cứu Tinh được dành riêng cho dân tộc mình, người Do Thái quả thật đã cảm thấy sững sờ, khó chấp nhận và thậm chí có thể đã tỏ ra dị ứng, bất bình trước lời tuyên bố - rao giảng mới mẻ về một cách thế cứu chuộc và đối tượng được cứu chuộc khác với những gì họ đã kỳ vọng từ biết bao thế hệ. Đức Giê-su chắc chắn đã “động chạm” đến niềm tin của toàn dân khi loan báo những điều trên.

IV. Con Người đến không nhằm tìm lỗi hay hạch tội !


1. Con Người không buộc nhân loại phải lên án lịch sử của chính mình


Khoan xét đến việc quy trách nhiệm cho đối tượng nào đã gây nên cái chết của Đức Giê-su, nhưng một cách chủ quan, tôi cảm thấy phần lớn người Ki-tô hữu ngày nay khi diễn tả tâm tình của họ đối với Tin Mừng, vẫn có cách nhìn không mấy công bằng đối với dân Do Thái khi xưa.

Theo tôi, nguyên nhân hình thành nên cảm thức ấy nơi người Ki-tô hữu, một phần là do yếu tố chủ quan, cảm tính trong cách truyền đạt và diễn cảm của các tác giả Tin Mừng (một điều đương nhiên không thể phủ nhận, là chẳng có đệ tử nào lại có cảm tình hoặc đứng về phía những kẻ chống đối Thầy mình, nhất là đối với những kẻ đã kết án và gây nên cái chết cho người mình tôn kính). Một phần nữa do cách rao giảng Tin Mừng theo “khuôn mẫu truyền thống” (tạm gọi như thế để khỏi bị hiểu lầm là muốn chỉ trích ai) là cũng lên án thành phần kinh sư, biệt phái, … (điều này có thể thấy rất rõ qua các bài giảng hoặc trong những kinh nguyện cũ), và một nguyên nhân nữa là do chính người Kitô hữu dường như không thiết tha lắm trong việc muốn khám phá Tin Mừng Đức Giêsu - Con người của sự phá cách 55 một cách có hệ thống theo sự hướng dẫn của Giáo hội.

Tôi cho rằng không thể ngoái lại nhìn lịch sử với thái độ xăm soi để chỉ trích hay kết án một đối tượng nào đó. Chúng ta và họ –những con người thời đại hôm nay và những con người của quá khứ – không sinh ra cùng một thời, nên không thể cảm thấu những quan niệm, nhận thức trong một xã hội cách xa thời mình đang sống (chúng ta đều ý thức rằng mỗi thời, mỗi dân tộc sẽ có sự thay đổi hoặc khác biệt về văn hoá, tập tục, tín ngưỡng, bối cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế và tự nhiên, …). Nhất là khi lịch sử ấy là lịch sử của một tôn giáo – một lịch sử của bề dày tâm linh.

Đặc biệt với Ki-tô giáo, một tôn giáo xác tín vào yếu tố “tiệm tiến của mạc khải”, sẽ càng phải thận trọng hơn trong việc tìm hiểu và lượng định một điều gì đó thuộc về quá khứ. Thiết nghĩ thái độ duy nhất mà những người Ki-tô hữu có thể thực hiện khi nhìn lại lịch sử của mình, là gạn lọc tất cả những gì thuộc về cảm tính chủ quan, và nhẹ nhàng để Thánh Linh giúp mình đọc được dấu chỉ mà Thiên Chúa muốn nói với loài người qua các biến cố ấy.

Tắt một lời, Đức Giê-su đã chấp nhận mặc lấy xác phàm để tìm kiếm một con đường giải thoát cho nhân loại. Điều này đồng nghĩa với việc Người đến để tìm mọi cách cất đi gánh nặng tội luỵ cho nhân loại, chứ dứt khoát không thể là đặt thêm một ách nào đó lên đôi vai đã oằn nặng bởi kiếp phàm nhân. Đức Giê-su còn đến để tìm kiếm từng con người trong chúng ta, không phân biệt đó là quan quyền vua chúa hay cô gái điếm, người cùi hủi, tội lỗi. Biến cố Giáng Sinh và cuộc Tử Nạn chính là lời khẳng định cho mục đích tìm kiếm ấy. Nên chắc chắn nhân loại không thể có thái độ ngộ nghĩnh là “đổ tội” cho một đối tượng nào đó về biến cố Tử Nạn. Không ai có thể tự ý can dự vào biến cố ấy, không ai có quyền gì đối với Người, “nếu Trời chẳng ban cho họ” (Ga 19, 10-11).

2. Con Người đến không phải để luận tội bất cứ ai


Trong giới hạn của chủ đề đang được trình bày, thiết nghĩ chúng ta nên có cách nhìn chừng mực đối với những người kinh sư, biệt phái. Đây không phải là một “đề nghị” thiên về cảm tính. Chúng ta sẽ nhận ra điều này khi lược lại những gì được trình bày trong Tin Mừng:

Đức Giê-su đã xác quyết cách mạnh mẽ rằng Người đến không vì những người công chính, nhưng là vì những kẻ tội lỗi (Mt 9, 13). Qua những trình thuật Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra rằng Đức Giê-su chẳng xếp loại, thiên vị hay phân biệt loại tội này với loại tội khác, bởi Người đến vì tất cả tội lỗi của toàn thể nhân loại. Người đã không hề tuyên bố những hình thức của bệnh tật, nghèo đói là hệ quả của tội lỗi như quan niệm của người Do Thái (Ga 9, 1-3), Người cũng chẳng vào hùa với dân chúng để kết án người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1-11), và Người cũng đâu hề tuyên bố các kinh sư, biệt phái sẽ là những người sẽ bị loại trừ khỏi sự cứu độ của Thiên Chúa. Thậm chí theo tôi, đối với thành phần kinh sư, biệt phái, Đức Giê-su đã dành cho họ một cách đối xử rất đặc biệt: đó là lòng kiên nhẫn của Người trước những khiếm khuyết hay sự cứng lòng đã ăn vào máu huyết của họ … Thiết nghĩ cần phải phân biệt để không bị lầm lẫn giữa “những khiển trách có thể rất nặng nề trước những sai phạm của ai đó vì mong muốn họ sẽ thay đổi” với những “mệnh lệnh bình thản, ngắn gọn nhưng dứt khoát đối với đại diện của sự dữ là những thần ô uế”, để thấy được rằng Đức Giê-su không hề quy kết những người biệt phái, kinh sư vào thành phần không còn khả năng quay về với Thiên Chúa.

Thiết nghĩ tất cả đều là tội, tất cả đều đáng thương, tất cả đều cần được cứu thoát, tất cả đều có quyền hy vọng mình sẽ được chữa lành ... Có khác chăng là những liều thuốc khác nhau dành cho những căn bệnh khác nhau: người cần an ủi sẽ được an ủi, người cần chữa lành được đỡ nâng, người cần nghiêm khắc sẽ phải nghiêm khắc, người cần ánh sáng sẽ được khai mở, …

Tóm lại, trước tất cả mọi điều đã bị gán cho những người “giả hình” (tội lỗi, giả trá, cứng lòng, mưu mô, …), Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy nơi Người không hề có sự thiên tư, phân biệt theo cảm tính như loài người thường hành xử với nhau. Nhưng toát lên trên tất cả là lòng kiên nhẫn và quan tâm rất mực đến từng thành phần nhân loại, đặc biệt đối với những con người đang sống xa chân lý và sự thật. Đức Giê-su cho ta thấy Người đã kiên nhẫn sử dụng mọi phương thế theo cách thức của con người với một mục đích rõ rệt: mong muốn tất cả sẽ hối cải, quay trở về đường ngay nẻo chính và tìm được hạnh phúc đích thực là chính Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, từ thái độ kiên nhẫn mà Đức Giê-su đã đặc biệt dành cho thành phần kinh sư, biệt phái, chúng ta cũng có thể nhận ra thêm một điều quan trọng nữa, ấy là cách tỏ lộ tình thương của người thanh niên làng Na-da-rét không giống bất kỳ ai trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ.

Theo trình thuật Tin Mừng, Đức Giê-su đã khiển trách những kinh sư và Pha-ri-sêu một cách khá nặng nề: khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng, đồ mù ngu si mù quáng, đồ mãng xà, nòi rắn độc, … (Mc 12, 40; Lc 11, 39-48; 20, 47). Cũng chính những con người này đã quyết tâm đẩy Đức Giê-su vào con đường chết bằng những lời cáo gian và sự xách động dân chúng ... Vậy mà kết cục, như chính chúng ta cũng phải sững sờ, khi ngay trên thập giá, Người đã thốt lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Quả thật, thương đến thế là cùng!

Chúng ta đã nghe câu tục ngữ: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đức Giê-su nặng lời với họ chính là vì thương họ, hy vọng họ sẽ thức tỉnh, mong muốn họ cũng nhận ra con đường cứu chuộc của Thiên Chúa. Phải chăng nhân loại đã trở nên quá văn minh, quá nhân bản, quá lịch sự, quá tôn trọng nhau đến mức không thể chấp nhận một cách thức biểu lộ tình thương như con người làng Na-da-rét thuở nào? Chính chúng ta đều biết rất rõ câu trả lời: có lẽ chúng ta chưa thật sự thương ai một cách chân thành đến mức dám đụng chạm đến con người họ và sẵn lòng chấp nhận chết thay cho những lỗi lầm của họ …

Tóm lại, Tin Mừng là lời yêu thương hơn là một bản luận tội.

V. Sự “phá cách” vô tiền khoáng hậu của Vị Vua đi tìm!


1. Con Người chính là một Vị Vua


Theo tôi, nét lạ kỳ và cũng là độc đáo nhất nơi con người Giê-su chính là hành vi “đi tìm”. Thậm chí có thể sẽ gây ngạc nhiên và khó hiểu với không ít người, vì Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, lại thể hiện hành vi “đi tìm” ấy một cách tha thiết hơn bất kỳ ai, trong khi Người chính là một Vị Vua.

Đức Giê-su chính là một Vị Vua. Điều này đã được tiên báo ngay từ thời Cựu Ước. Đó là một Đấng sẽ xuất thân từ dòng họ Giu-đa (St 49, 1-2.8-10). Người như một ngôi sao mọc lên từ nhà Gia-cóp (Ds 24, 1-7.15.17a). Hay như lời sấm về một Đấng, được sinh hạ bởi một người thiếu nữ, được đặt tên là Em-ma-nu-en (Is 7, 10-16), hoặc một cách rõ ràng hơn, đó là Người Con mà Đức Chúa sẽ ban cho ta (Is 8, 23b-9, 6), Người được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần (Is 11, 1-10), là Đấng được thánh hiến để mang Tin Mừng đến cho những người nghèo (Is 61, 1-3a.6a.8b-11) … Tóm lại, các ngôn sứ đã tiên báo về một Đấng Cứu Tinh xuất thân từ dòng dõi Đa-vít (Gr 23, 1-8; 33, 14-16), Người chính là Vị Quân Vương mà muôn dân nước sẽ thống nhất và quy hướng về Người (Ed 37, 1-14).

Chân dung của Vị Vua – Đấng Cứu Tinh đã trở nên sống động nơi Đức Giêsu, khi Người mặc lấy xác phàm và sống với loài người chúng ta, mặc dù không phải ai cũng nhận ra Vị Quân Vương ấy. Khi sinh ra, thân phận của Người đã được loan báo bởi các nhà chiêm tinh (Mt 2, 1-12). Các môn đệ của Người cũng nhận ra chân dung của Vị Cứu Thế (Mt 16, 13-20). Những kẻ khốn khổ tật nguyền được Người chữa lành cũng tuyên xưng Người (Mt 20, 29-34). Và chính Đức Giê-su cũng đã gián tiếp mặc khải về vị thế Mê-si-a Vua của Người, khi Người tiến vào thành Giê-ru-sa-lem như một Đấng Mê-si-a (Mc 11, 1-26), hay cách Người trả lời tổng trấn Phi-la-tô khi ông hỏi Người có phải là “vua dân Do Thái” (Mc 15, 2-5).

Giờ đây, hơn bao giờ hết, chúng ta lại cảm nhận rõ hơn về thân thế của một vị Vua nơi Đức Ki-tô, khi Người chấp nhận cái chết để cứu chuộc con người. Vì thế, chúng ta vẫn tuyên xưng Người là Vị Vua Tình Yêu.

Tóm lại, danh xưng Vua không phải do phàm nhân tạo ra để xưng tụng Con Người. Đó chính là yếu tính của Con Người. Tuy nhiên danh xưng Vua có lẽ không ám chỉ quyền uy và vị thế cho bằng sự ám chỉ về lòng yêu thương vô hạn của một vị Thánh Vương, luôn hết lòng vì thần dân của mình, bất luận họ là người tốt hay kẻ xấu.

2. Cách xưng vương vô tiền khoáng hậu của Vị Vua Đi Tìm


Chúng ta đã thấy được gì từ Vị Vua Tình Yếu ấy? Một Vị Vua không kể đến vị thế quyền uy linh thánh tuyệt đối của mình, nhưng đã sẵn lòng hạ mình xuống cùng đối tượng phàm nhân thường tỏ ra bất tín với Người. Một Vị Vua không chối từ máng cỏ hang lừa giữa đêm đông giá rét để hạ sinh. Một Vị Vua đã kiên nhẫn phục tùng truyền thống của một dân tộc mà Người có sứ mệnh cải hóa họ. Một Vị Vua luôn tha thiết tìm đến những đối tượng bị hắt hủi, bỏ rơi, bị xem là tội lỗi, nhơ bẩn trong xã hội. Một Vị Vua không nề hà khi cúi mình rửa chân cho những người dưới mình. Một Vị Vua không nhân danh uy quyền của mình mà tìm cách né tránh những nhục hình và sự lăng mạ, song đón nhận tất cả như một sự chuộc lại cho chính những nhục hình, lăng mạ phạm thượng và bất kính ngàn lần ấy. Trên hết, đó là một Vị Vua đã lấy chính mạng sống và chính máu thịt của Người làm sự đền bồi cho những hư nát vì tội lỗi của phàm nhân, và tiếp tục cúi mình xuống với mọi thế hệ đang có chiều hướng hư mất của nhân loại.

Chúng ta nhận ra một hành trình đầy bao dung và kiên nhẫn mà Con Người đã thực hiện. Đó quả thực là một hành trình của sự đi tìm. Song điều gây ngạc nhiên, thậm chí có thể nói là rất khó hiểu đối với thế gian, là hành vi tìm kiếm với tất cả sự bao dung và kiên trì ấy lại xuất phát nơi một Vị Vua của các vua! Vua chúa thế gian tìm kiếm sự quy thuận và phục tùng nơi thần dân của mình nhờ vào uy quyền, địa vị, thế lực. Trong khi có một Vị Vua lại chối từ tất cả những phương thế ấy, hơn nữa không phải để mưu cầu sự quy thuận và phục tùng nhằm củng cố vị thế của Người, nhưng là để mưu cầu cho vị thế tự do hào hùng nơi chính thần dân của mình trước mặt Đấng Toàn Năng. Vua chúa trần gian kiếm tìm những gì là tốt đẹp và hoàn hảo nhất đối với con người, trong khi Vị Vua lại tìm kiếm ngay trong những gì mà nhân loại chối bỏ, hắt hủi, khinh khi. Nơi đó có những thân phận đang trở nên hư nát vì đau khổ và lỗi tội. Vua chúa trần gian tìm mọi cách để bảo toàn mạng sống mình, thậm chí sẵn sàng thí bỏ mạng của những kẻ chung quanh để bản thân được an toàn. Nhưng có một Vị Vua hành động ngược lại, Người sẵn sàng chết thay cho những kẻ bé nhỏ, hèn kém bị hắt hủi và bỏ rơi, thậm chí còn chết để dành lại con đường sống cho chính những kẻ giết Người.

Tóm lại, có thể nói rằng đó chính là một tiến trình xưng vương vô tiền khoáng hậu, được thực hiện một cách rất ngược ngạo bởi Vị Vua Giê-su. Cho đến giờ phút này, nhân loại dường như vẫn chưa thể hiểu thấu hành trình mà Vị Quân Vương đã khai mở. Đó là một hành trình của sự tìm kiếm để trao ban cho phàm nhân, chứ không phải kiếm tìm để vun vén cho vinh quang nơi bản thân Người.

Quả thật, đây là hành trình của sự tìm kiếm để trao ban Tình Yêu, một Tình Yêu vô tiền khoáng hậu, một Tình Yêu mang phong cách ngược đời. Đức Giê-su chính là Vua, và là một Vị Vua ngược ngạo vì chính cách thức tỏ lộ Tình Yêu có một không hai của Người.

VI. Vị Vua Tình Yêu


1. Đi tìm phàm nhân bằng chính cách thức của phàm nhân …


Thập hình là cách thức con người đã dành cho Con Người, và Con Người đã chấp nhận cách thức ấy. Cho dù có nói thế nào: thập giá là vinh quang, thập giá là sự khôn ngoan hay thập giá là sự điên rồ, chúng ta vẫn ý thức được rằng đó chính là sản phẩm tồi tệ của con người. Sáng kiến cứu chuộc là của Thiên Chúa. Nhưng cách thức cứu chuộc qua thập tự dường như là một sự chiều theo, mà qua đó, Đức Giê-su muốn tỏ cho chúng ta thấy Người đến trần gian vì phàm nhân. Vì phàm nhân đến nỗi sẵn lòng chiều theo cách sử xự của trần gian, bằng con đường lên đỉnh Can-vê với thập hình trên vai.

Quả thật, đấy là cách xưng vương vô tiền khoáng hậu của Vị Vua Giê-su. Cách xưng vương chẳng giống ai, với mục đích lập ra một vương quốc dành cho mọi thành phần con dân đã bị các vua chúa trần gian chối bỏ. Cách xưng vương chẳng vua chúa nào dám thực hiện, vì sự bấp bênh và bất ổn cực kỳ khi phải cáng đáng đám thần dân chỉ luôn biết chống đối và sẵn sàng bội phản. Đó là một cách xưng vương phá cách và vô cùng ngược ngạo.

Tuy nhiên, những gì được cho là thanh niên làng Na-da-rét, thì thực ra lại rất con người, theo cách thức con người, vì con người, vì một lời hứa cứu chuộc đã dành cho thụ tạo như chúng ta, ... Nói cách khác, Thiên Chúa dùng chính cách thức của con người để cứu chuộc con người. Và nhờ đó, chúng ta có thể phát hiện ra một nét nghịch hạnh nữa nơi Con Người Giê-su, đó là hành vi khiêm hạ hơn cả khiêm hạ.

Sẵn lòng từ khước địa vị siêu việt của Người, để chấp nhận hạ mình đón nhận và đồng hành cùng đám thần dân khốn cùng như thế, là đã chứng tỏ sự khiêm hạ khôn tả của một Vị Vua rồi. Nhưng còn lạ lùng và khó hiểu hơn nữa đối với bất kỳ ai, vì tận cùng của hành vi hạ mình ấy - khi đón nhận cái chết khổ nhục trên thập tự - lại chính là sự chiều theo cách thức hạ sách của một thụ tạo.

Con Người đã sử dụng - chiều theo cách thức của con người để cứu chuộc con người. Và có lẽ cũng chỉ có như thế, thì thọ tạo ấy, với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, mới có thể nhận ra phần nào Tình Yêu mà Vị Quân Vương muốn chứng tỏ cho chúng. Nhân loại đã được diện kiến một hành vi khiêm hạ hơn cả sự khiêm hạ.

Về phần mình, tôi chỉ còn có thể nói được rằng: Con Người chính là một phương thế cứu chuộc của Thiên Chúa. Điều này thực ra vẫn gây khó hiểu cho bất kỳ ai trước công trình và ý định lạ lùng Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta chỉ còn có thể than thở rằng: “tận cùng kiến thức của nhân loại, đó là biết rằng mình không biết Thiên Chúa”7. Giê-su làng Na-darét không chỉ là “hiện tượng” khó hiểu đối với người Do Thái thuở xưa, mà giờ đây cũng thế, nơi Người vẫn là sự huyền nhiệm khiến chúng ta không thể ngừng khát khao khám phá về Người.

2. Và đi tìm phàm nhân không theo cách thức của phàm nhân


Chúng ta biết suy tính và chọn lựa. Đó là khả năng đặc trưng cao cấp của con người, hầu giúp cộng đồng nhân loại luôn phát triển và tồn tại. Chúng ta thường muốn chọn cho mình những bạn tốt. Hay ít ra cũng muốn chọn những người có khuynh hướng sẽ trở nên tốt, mặc dầu có thể hiện thời chưa tốt. Và cũng không hiếm khi chúng ta quyết định chọn phương cách loại trừ người xấu (ít là theo cách nghĩ của đại đa số mọi người trong cộng đồng) sau khi đưa ra phán quyết rằng người ấy không thể trở nên một người tốt. Đối với không ít người, bảo vệ kẻ tốt dường như cũng đồng nghĩa với việc tránh xa hoặc loại trừ kẻ xấu, và đi tìm sự tốt lành cũng có thể có nghĩa tránh xa hoặc loại trừ sự xấu xa.

Chính vì thế, chắc rằng phần lớn trong chúng ta sẽ cảm thấy khó hiểu, khó thông cảm, khó chấp nhận với quan niệm và hành động của Đức Giê-su trong cách thế Người đối xử với con người, gồm cả người tốt lẫn người xấu. Đọc lại trình thuật Tin Mừng của Thánh Mát-thêu, ta nhận ra Con Người chính là hình ảnh của vị chăn chiên sẵn sàng đi tìm từng con chiên lạc, mà không hề có sự so đo tính toán rằng một con chiên lạc đáng giá hơn, hay cả bầy chiên đáng giá hơn (Mt 18, 12-14). Dường như đối với Người, đi tìm từng con chiên lạc hay chăn sóc cho từng con chiên chính là đảm bảo sự an lành cho cả bầy chiên. Vấn đề có lẽ không chỉ dừng lại ở mức độ nói lên sự nhân lành và bao dung của vị mục tử, vì dường như đối với Người, không có thụ tạo xấu, hoặc không thể so sánh mức độ tốt xấu của thụ tạo với Tình Yêu của Thiên Chúa, bất kể mức độ sự tốt xấu ấy có to tát thế nào. Nói cách khác, có lẽ chúng ta không thể chắc rằng một ai đó có thể hoàn toàn tự mình trở nên xấu hay tốt, trừ khi chúng ta phủ định mục đích hiện hữu của Tình Yêu Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, có một sự kiện quan trọng nữa khiến chúng ta cảm thấy hành trình tìm kiếm của Vị Vua tuy diễn ra theo cách thế phàm nhân, nhưng lại không hề giống phàm nhân. Đó là sự ý thức tìm kiếm để đi đến cái chết, nhằm để cho mọi người được sống! Thiết nghĩ đây chính là đỉnh điểm của sự “phá cách” nơi Con Người làng Na-da-rét. Không phải ai cũng dám chết cho người mình yêu. Nhưng còn chết cho cả những kẻ thù ghét và cướp đi mạng sống của mình, thì dường như chưa ai có thể làm được. Con Người biết rất rõ rằng khi tìm đến với phàm nhân, Người sẽ bị chống đối và giết hại. Song như nhân loại đã chứng kiến, Người đã đến và chấp nhận tất cả.

Mặt khác, giết Thiên Chúa chính là một lỗi phạm cùng cực, là tận cùng của sự băng hoại do tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa đã dùng chính lỗi phạm ấy, dùng chính tận cùng của tội lỗi ấy để chiến thắng tội lỗi. Đức Giê-su đã dùng cái chết để chiến thắng sự chết. Người đã biến tội lỗi con người thành cơ hội để giúp họ thoát khỏi ách tội lỗi. Tội Hồng Phúc chính là thế.

Vẫn là những điều không dễ hiểu đối với phàm nhân … Có thể gọi đó là hành vi tìm kiếm phàm nhân không theo cách thức của phàm nhân vậy! Cách thức của một Tình Yêu vô tiền khoáng hậu.

Thay lời kết


1. Chúng ta đã “biết” Đức Giêsu?


Tôi tự hỏi những trình thuật Tin Mừng liên quan đến cuộc đời Giê-su Na-darét chiếm được vị trí thế nào trong lòng mỗi người tín hữu ngày nay? Phải chăng chúng ta đã đọc và nghe quá nhiều đến mức chẳng còn muốn thắc mắc hay tìm hiểu về biến cố ấy? Hay chúng ta cảm thấy vấn đề này quá phức tạp, ngoài khả năng của mình, nên chọn phương cách quàng vào biến cố ấy hai chữ “mầu nhiệm” để tránh né không phải động chạm đến nó? Hay thực ra đức tin của chúng ta đang có vấn đề? … Quả thật, không hiểu sao lần này tôi chợt mang cảm giác có lỗi với Tin Mừng khi cố công tra cứu và tìm tòi một cách miệt mài, nhưng hình như chẳng có chút cảm xúc nào ...

Có một đứa bé chợt reo lên và khoe rằng nó đã phát hiện ra ánh sáng của một ngôi sao lạ. Chúng ta đều biết đó, mọi người sẽ mỉm cười một cách bao dung, bởi ánh sáng đứa bé cho là “vừa thấy”, thực ra là ánh sáng hàng triệu triệu năm về trước của ngôi sao ấy ... Phải chăng không ít người trong chúng ta cũng chính là đứa bé đó. Cũng có lúc reo lên và hài lòng với việc mình đã “phát hiện” một ánh sáng huyền nhiệm của vô tận thời gian trước chúng ta – ánh sáng của quá khứ.

Chúng ta cảm thấy mình đã “biết” thật nhiều về Con Người Giê-su. Chúng ta có thể nói vô số điều về Giê-su. Chúng ta có khả năng rút tỉa được nhiều bài học từ Giê-su. Thực tế không ít người trong chúng ta đã trở thành chuyên gia về “Giê-su học”. Quả thật, ánh sáng nơi Con Người đã toả chiếu đến mọi ngõ nghách thế hệ con người. Người Ki-tô hữu chắc hẳn đều cảm thấy bản thân có thể bước đi cách an tâm nhờ ánh sáng ấy soi đường.

Tuy nhiên, “ánh sáng quá khứ” dầu sao cũng chỉ còn là một khái niệm, một cách hình dung, một sự tưởng tượng đối với thực tại. Ta chẳng thể nhắm mắt bước trên một đoạn đường gồ ghề với một thứ ánh sáng “ý niệm” trong đầu và nghĩ rằng mình sẽ không bị vấp ngã vì đường đời đã được “chiếu sáng” bằng ý niệm ánh sáng đó. Nếu chủ trương như thế, tôi cho rằng đấy chỉ là một cách ru ngủ nhau, để được yên thân và trốn tránh cảm giác băn khoăn đến khó chịu khi phải đối diện trước sự huyền bí của “ý niệm” ấy.

Theo tôi, ta chỉ có thể bước trên đoạn đường ghập ghềnh một cách vững tâm nếu đoạn đường ấy được soi sáng bằng một thứ “ánh sáng thật”, do chính ta nắm giữ trong tay. Phải là ánh sáng thật, ánh sáng bập bùng đang được chính ta cầm giữ trong tay. Và lúc này ánh sáng của quá khứ mới thể hiện nhiệm vụ của nó: ta sẽ thắp lên ánh sáng soi đường của chính ta bằng cách mồi từ ánh sáng của quá khứ. Ánh sáng quá khứ chỉ đóng vai trò như thế – một hình thức gợi mời và tiếp sức.

Vô tri bất mộ! Đúng là chúng ta cần khám phá những soi sáng từ quá khứ – chắc chắn như vậy – nhưng phải biến những gì được soi sáng thành một ngọn lửa của chính ta. Chỉ với ánh sáng từ ngọn đuốc nắm trong tay, chúng ta mới có thể nhìn rõ và bước đi vững vàng trên mọi địa hình. Quả thật, tất cả rồi sẽ chẳng để làm gì cả nếu chúng ta chỉ chiêm ngưỡng nhân vật Giê-su bằng con mắt “kính nhi viễn chi” của một tay “khảo cổ” chuyên nghiệp. Khi chúng ta nói thật hay về Người, chúng ta dường như vẫn đứng xa xa Người. Rất có thể chúng ta sẽ trở thành những chuyên gia về Ki-tô học, và rồi có thể chúng ta sẽ giúp được thật nhiều người hiểu biết hơn về nhân vật Giê-su của lịch sử … Chúng ta sẽ thủ đắc kiến thức đến mức độ nào? Như Timothy Radcliffe? hay Yves Conga? hay Anthony De Mello? hay thậm chí chúng ta sẽ là một Thomas Aquinas thứ hai? Ý tưởng thật hay và đáng kích lệ ... Nhưng tất cả rồi để làm gì? Tôi đã tiêu tốn thời gian và trí lực cho bài viết này – những “nghiên cứu” về Giê-su . Và hiện giờ, trong tôi bỗng xuất hiện một thắc mắc: Tất cả rồi để làm gì? Làm sao để ánh sáng nơi Đức Giê-su khi xưa phải trở thành ánh sáng thật mà mỗi người có thể nắm giữ trong tay, hầu có thể soi lối cho hành trình cuộc đời của chính mình?

2. Lời mời gọi trở nên “ngược đời” như vị Thầy của sự phá cách!


Ánh sáng của vị Bồ Tát Nghịnh Hạnh xưa kia khiến góc tối trong tôi cảm thấy khó chịu. Tôi cảm thấy khó có thể thanh thản tiếp tục với tình trạng tìm sự an phận trong tâm hồn mình. Quả thật, tôi ý thức được rằng mình cũng đang được gợi mời thể hiện một sự “phá cách” giữa cuộc sống hôm nay. Như vị Thầy “ngược đời” xuất thân từ làng Na-da-rét thuở nào, tôi cũng đang được gọi mời để trở nên “ngược đời” như thế trong cuộc sống hiện tại. Nhưng “ngược đời” ở đây không hề có nghĩa nổi loạn hay chống phá.

Trong một xã hội mà vinh quang, quyền lực, địa vị, của cải vật chất và những hình thức bên ngoài được xem là những tiêu chuẩn để đánh giá một con người, thì việc từ khước hay xem thường giá trị của những tiêu chuẩn ấy dễ bị xem là một hành vi không bình thường và “ngược đời” ... Trong một xã hội chuộng lối sống dễ dãi và buông thả, một xã hội mà chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, hưởng thụ, duy vật, duy khoa học đang được đề cao thì việc tự nguyện từ khước lối sống và những khuynh hướng ấy là một sự “ngược đời” ... Nói cách khác, cuộc sống với ba lời khấn là “ngược đời”. Và thậm chí ngay trong đời tận hiến hôm nay, việc từ khước một lối sống đoàn lũ, từ khước sự an toàn trong tháp ngà của cộng đoàn để khai mở những con đường mới, ... cũng dễ bị xem là “ngược đời”.

Chúng ta được gợi mời trở nên “ngược đời” như thế; trước là để xây dựng một điều gì đó chân thật, vô vị lợi và có ý nghĩa cho cuộc sống quá bề bộn này; sau là để chính mỗi người chúng ta cũng có thể chạm được đến khoảnh khắc ghê gớm nhưng tuyệt vời và cũng thật “ngược đời” như Vị Thầy của chúng ta đã chạm đến. Đó là khoảnh khắc trên khổ giá với lời cầu xin dành cho những kẻ đã giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Đó là khoảnh khắc kỳ diệu mà những kẻ theo phong cách “ngược đời” có thể sẽ cảm nếm được. Đó là sự “ngược đời” xuất phát từ Tình Yêu.

Đó là khoảnh khắc Con Thiên Chúa hoá mình ra như không, để bất cứ ai, dù nghèo hèn, đau đớn, thất vọng; dù vinh hoa, quyền lực, phú quý; dù tội lỗi, dù thánh thiện; dù công giáo hay không công giáo; dù có đức tin hay không có đức tin, ... đều chợt phát hiện ra hình ảnh, thân phận của mình đang được chăm chút, lo lắng trong vòng tay của một Con Người đầy những sự “ngược ngạo và phá cách”, nhưng lại nhân ái vô ngần. Tất cả đều cảm thấy mình có thể chạm được đến Con Người.

Hơn bất cứ ai, những kẻ được gọi mời hoạ lại cách sống “ngược đời” như thế, cũng sẽ được gợi mời để hoà mình cách thanh thản vào một thế giới của tạm bợ và phù vân. Để có thể yêu thương, chăm chút cho thế giới ấy bằng những “kiểu phá cách”, mà xét cho đến cùng, tuy bị liệt vào thành phần “không bình thường” trong xã hội, song vẫn là những sự “không bình thường” buộc mọi người phải ít nhiều suy nghĩ ...

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Nhóm phiên dịch các GKPV, Kinh Thánh Tân Ước, Toà tổng giám mục Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, NXB T.p HCM, 1995.
2. Nhóm phiên dịch các GKPV, Kinh Thánh trọn bộ, Tân Ước và Cựu Ước, Toà tổng giám mục Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, NXB T.p HCM, 1999.
3. Điển ngữ thần học Thánh Kinh, Phân khoa thần học, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pio X, Đà Lạt.
4. J-Dheilly, Từ điển Kinh Thánh, dịch từ “Dictionnaire biblique, éd. Desclée, 1964”, Gò Vấp, 28/02/1993.
5. Hiệp nhất và khác biệt trong Giáo Hội, văn kiện của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, do Vũ Xuân Huyên chuyển ngữ.
6. Charles Bricker – Lionel Casso – Charles Flowers – Wendy Murphy – Bryce Walker – Bernard Weisberger, Đức Giê-su, cuộc đời và thời đại, Nguyễn Ước biên dịch, Hà Nội, Nhà xuất bản văn hoá thông tin, 2003.
7. Phan Tấn Thành, Về nguồn, Tập I: Nguồn gốc Kitô giáo, Rôma, 1997.
8. Hugues Cousin, Jean-Pirre Lémonon, Jean Massonnet, Trên quê hương Đức Giêsu, tập I: Đất nước, con người, phong tục, Bản dịch Việt ngữ của Bùi Thiện Thảo, O.P., Tủ sách nghiên cứu Thánh Kinh, Học viện Đaminh, 2003.
9. Kiến thức Thánh Kinh, Giáo lý cấp trưởng thành.
10. Hợp tuyển thần học, số 2, 1999, bài viết của J.A. Fitzmyer S.J , Tân Ước và Ki-tô học, các vấn nạn hiện nay.
11. Karl-Heinz Ohlig, Ki-tô học qua các tác giả.
12. L.m Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Dẫn nhập vào Ki-tô học, Đại chủng viện Thánh Giu-se, 2001.