Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

CHÚA GIÊSU KITÔ VÀ ĐỨC VÂNG PHỤC

Thời sự Thần học - số 1, tháng 01/2008, tr.

A. DẪN NHẬP


Người ta có thể đọc ra rất nhiều khía cạnh tích cực khác nhau trong cuộc đời của Đức Giêsu (và mỗi khía cạnh đó dù chỉ là một vài dòng thoáng qua trong Tin Mừng cũng đủ để tạo cho Giáo Hội bao nhiêu là các vị thánh lớn nhỏ) nhưng một nét đặc biệt không thể không nhận ra là đức vâng phục mà Người đã thực hiện trọn vẹn từ Bêlem cho đến Calvê. Đức vâng phục đã chi phối mọi ước muốn, tư tưởng, việc làm của Đức Giêsu đến nỗi ta có thể gọi đó là nguyên lý hoạt động của Người. Mà nói đến nguyên lý là nói đến cái nền tảng sâu xa, nên chỉ có thể nói được như vậy khi ta dựa vào lời Thánh vịnh 40 _ được tác giả thư Do thái dùng lại với một ý nghĩa khác để nói đến sứ vụ của Đức Kitô khi vào trần gian _ đó là: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài (Dt 10,7). Điều này cũng đã được chính Đức Giêsu chứng thực: “Vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30, Ga 6,38).

Từ trong Tin Mừng, ta có thể quan sát thấy đức vâng phục đó được Đức Giêsu thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau và bộc lộ nhiều ý nghĩa sâu xa có thể gợi mở cho ta những suy nghĩ tích cực về việc thực hiện đức vâng phục noi gương Chúa.


B. ĐỨC VÂNG PHỤC CỦA ĐỨC KITÔ TRÊN CÁC BÌNH DIỆN KHÁC NHAU


1. Vâng Phục Cha Mẹ Trần Thế


Đây là điểm đầu tiên ta có thể nhận thấy là nền tảng gia đình của Đức Giêsu đã được Thiên Chúa chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào: Mẹ Maria, Đấng được Thiên Chúa đặc biệt tuyển chọn làm mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa với lời “Fiat mihi secundum verbum tuum” của Mẹ mà Ngôi Lời đã đi vào trần gian và thánh Giuse, Đấng được Kinh Thánh gọi là “người công chính” (Mt 1,19) _ một danh hiệu vốn chỉ dành cho những gương mặt nổi bật trong Kinh Thánh về lòng tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa như tổ phụ Abraham chẳng hạn. Với lòng vâng phục thẳm sâu trước ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa mà Đức Maria đã khiêm tốn đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể nơi cung lòng Mẹ mà không e ngại việc bị người chồng mới cưới nhưng chưa ăn ở với mình là Giuse hiểu lầm (và việc đó có thể dẫn tới việc Mẹ bị ném đá nếu bị tố cáo là chửa hoang). Và sau khi Mẹ được thánh Giuse chấp nhận, thì cả hai đã phải trải qua bao gian lao, khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi Mẹ phải sinh Chúa trong hang bò lừa, rồi bị Hêrôđê truy sát phải lánh qua Ai cập…

Trong một môi trường thuận lợi như thế, Ngôi-Hai-Thiên-Chúa-làm-người đã học được hai điều: vâng phục và điều được vâng phục. Thánh Kinh cho thấy dù là thân phận Thiên Chúa nhưng Đức Giêsu đã luôn khiêm nhường vâng phục cha mẹ trần thế của mình (Lc 2,51). “Con Một Thiên Chúa, một khi trở thành Con Ðức Trinh Nữ, đã học cầu nguyện theo tâm tình nhân loại, Ðức Giê-su đã học những công thức cầu nguyện nơi Mẹ là người hằng ghi nhớ và luôn suy niệm trong lòng về "những điều cao cả Ðấng Toàn Năng đã thực hiện (Lc 1,49; 2,19; 2,51)” (GLCG 2599). Điều này cũng không phải là khó hiểu khi cả ba đều không tìm ý riêng mình mà luôn sống trong Thánh Ý Chúa Cha. Tuy nhiên không chỉ học vâng phục với cha mẹ mà với bản tính Thiên Chúa, Đức Giêsu đã nâng sự vâng phục Ý Chúa của cha mẹ mình lên một mức độ mới với biến cố “lạc” trong đền thờ năm Người mười hai tuổi. Sự kiện này cũng hé mở một chiều kích khác trong sự vâng phục của Đức Giêsu, đó là đỉnh cao của tinh thần vâng phục: “bổn phận trong nhà Cha” hay nói cách khác là vâng theo Thánh Ý Cha. Sự vâng phục của Đức Giêsu đối với cha mẹ mình đặc biệt là Mẹ Maria không chỉ trong những ngày còn ở Nazarét mà ngay cả sau này khi Người đã ra rao giảng công khai. Lời Người nói với Mẹ trong Ga 2,4 không phải là sự thiếu tôn kính với Mẹ,

2. Vâng Phục Luật Dân Sự


Khi mặc lấy thân xác con người, sinh ra là một người Do thái, thuộc thị tộc Giuđa và vì thế, Đức Giêsu được gọi là Sư Tử nhà Giuđa (Dt 7,14; Kh 5,5) và cũng được gọi là “Chồi Non và Dòng Dõi Đavít” (Kh 22,16). Và cũng bởi thế mà điều hoàn toàn tự nhiên là Đức Giêsu cũng phải lệ thuộc vào cơ cấu chính quyền dân sự cũng như các luật lệ của nó: chẳng hạn khi Chúa bị tố oan là xúi giục nổi loạn và vì thế mà bị nộp vào tay nhà cầm quyền La mã; hay Người không chỉ đóng thuế cho mình, mà còn bảo những người khác cũng phải làm như vậy (x. Mt 17,24-27), “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da” (Mt 22,17-21). Không những chính mình tuân phục chính quyền, Đức Giêsu còn dạy các môn đệ thực hiện như vậy. Đó là đạo lý mà các tông đồ thường dạy: “phải phục tùng tuân lệnh những người cai trị cầm quyền” (Tt 3,1), “anh em hãy suy phục vì Chúa, mọi thể chế có trong nhân loại, dù là vua như vì chủ tế, hay quan quyền như kẻ phục mệnh nhà vua” (1 Pr 2,13-14).

3. Vâng Phục Lề Luật


Đức Giêsu Kitô chính là hình ảnh Người Tôi Tớ của Giavê đã được tiên báo trong sách Isaiah. Bởi thế, Đức Kitô khi “sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề luật” (Gl 4,4), đã thực sự là người có tinh thần tuân phục lề luật của Thiên Chúa. Người được cắt bì khi được tám ngày tuổi, được đem lên đền thờ trong ngày thanh tẩy của mẹ Người như Lề Luật đòi buộc. Rồi năm Người được mười hai tuổi, Người cùng cha mẹ lên Giêrusalem giữ ngày lễ Vượt qua. Và trong thời kỳ rao giảng công khai, Đức Giêsu thường tham dự các buổi họp trong hội đường. Cuối cùng, trước khi đi vào cuộc thương khó, Đức Giêsu đã dùng bữa tiệc Vượt qua với các môn đệ. Mặc dù bị những người biệt phái tố cáo là hay phá luật “thánh hóa ngày sabát”, nhưng cũng như trong biến cố “lạc” trong đền thờ năm mười hai tuổi, những việc Chúa Giêsu làm một mặt diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa, mặt khác nhấn mạnh đến ý nghĩa của lề luật vốn là để phục vụ con người mà nhiều khi người ta chỉ chăm chăm đến chiều ngược lại.

4. Tuân Theo Các Định Luật Thiên Nhiên


Mặc dù mang bản tính Thiên Chúa nhưng không vì thế mà Đức Giêsu lạm dụng những hoạt động xuất phát từ bản tính ấy và từ đó đánh mất yếu tố con người trong chính mình. Có những lần Chúa biểu lộ quyền năng siêu nhiên của mình như trừ quỷ, chữa bịnh, đi trên biển, bắt gió bão phải im tiếng, nhưng cũng có rất nhiều lần khác Người biểu lộ nhân tính của mình tuân theo những quy luật của tự nhiên như việc được Đức Trinh Nữ sinh ra, được Mẹ bế trốn qua Ai cập, làm thợ mộc bình thường suốt thời gian ở Nagiarét, mệt nhọc khi đi đường xa (Ga 4,6), nổi giận với những người buôn bán trong Đền Thờ (Mt 21,12-17), thổn thức trước mộ Lazarô (Ga 11,35).

5. Vâng phục Thánh Ý Chúa Cha


Khi nhập thể làm người, Đức Giêsu cũng phải tuân theo những luật lệ của lương tâm, cũng như các nền tảng đạo đức luân lý mà biểu hiện tột đỉnh là Thánh Ý Chúa. Và Người không những đã biểu lộ một tinh thần sẵn sàng (Tv 40,7-8) mà cả một thái độ “vui thích”, yêu mến nữa (Tv 119); vì Người luôn luôn yêu thích làm mọi việc để vui lòng Cha; Người cũng “không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối” (1 Pr 2,22). Đức Giêsu còn thể hiện tinh thần vâng phục Thánh Ý Cha khi thực hiện các phép lạ như là cách để các lời tiên tri về Người được ứng nghiệm. Các phép lạ đó chứng minh Người là Đấng Messiah, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa. Người luôn hoàn tất công việc mà Cha giao phó cho Người, dưới sự hướng dẫn của Cha, nhân danh Cha và bởi quyền năng của Cha (Ga 5,36; 10,25.37). Sự vâng phục Thánh Ý Cha của Đức Giêsu đi đến mức trọn vẹn tuyệt đối, bởi Người không chỉ vâng phục theo nghĩa hành động trên các bình diện suy nghĩ, lời nói, việc làm mà còn theo nghĩa thụ động. Sự vâng phục này đòi hỏi một sự buông bỏ tuyệt đối. Thường thì người ta nghĩ rằng sự vâng phục này chẳng có gì khó khăn vì nhìn bề ngoài chẳng phải thực hiện một động tác nào đặc biệt. Nhưng nó sẽ đặc biệt khó khi hoàn cảnh không hoàn toàn bắt buộc và người vâng phục có nhiều khả năng để lựa chọn những hành động khác mà xem ra bên ngoài có vẻ có hiệu quả hơn nhiều. Với tâm tình vâng phục này của Đức Maria mà Ngôi Lời nhập thể làm người (x. Lc 1,38). Cũng với tâm tình vâng phục này mà Đức Giêsu đi vào cuộc thương khó (x. Mt 26,39.42), rồi tử nạn và cuối cùng là phục sinh vinh quang. Và cũng với tâm tình vâng phục này mà Đức Giêsu dạy các môn đệ Người cầu nguyện: “Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10).

Nhìn chung, với hình ảnh Người Tôi Tớ của Giavê Thiên Chúa, Đức Giêsu được sinh ra dưới lề luật để kiện toàn lề luật. Nơi Người là toàn bộ sự biểu hiện của sự công chính _ về cả luân lý cũng như tôn giáo. Và nói theo kiểu Teilhard de Chardin, thì tất cả lề luật đã tìm được sự viên mãn ở nơi Đức Giêsu hay rõ ràng hơn theo thánh Phaolô, “đích cùng của Lề Luật là Đức Kitô, nguồn công chính cho mọi kẻ tin”.

6. Sự Cầu Nguyện Của Đức Giêsu


“Con Một Thiên Chúa, một khi trở thành Con Ðức Trinh Nữ, đã học cầu nguyện theo tâm tình nhân loại” (GLCG 2059), nơi Mẹ Người cũng như nơi dân tộc của Người: tại hội đường và tại Đền thờ Giêrusalem (Sđd.).

Sau này ta còn thấy Chúa Giêsu cầu nguyện trong nhiều trường hợp nữa trong những trường hợp quan trọng như: trước khi Chúa Cha làm chứng về Người lúc Người chịu phép rửa (x. Lc 3,21); trước khi chọn và gọi nhóm Mười Hai (x. Lc 6,12); trong vườn cây Dầu trước khi đi vào cuộc thương khó (Lc 22,39-44). Mặc dù, các sách Tin Mừng chỉ cho ta biết vài lần cầu nguyện của Chúa Giêsu trong những quyết định quan trọng nhưng có thể tin tưởng mà không sợ sai lầm rằng đó không phải là những lần cầu nguyện duy nhất của Người. Nói cách khác, như nơi chính Người, nhân tính luôn kết hợp với thần tính, thì Đức Giêsu cũng luôn kết hợp cách chặt chẽ với Cha như vậy. Đấng đã dạy “phải cầu nguyện luôn, đừng nhàm chán” (Lc 18,1-7), không bao giờ tìm kiếm ý mình mà là ý của Đấng đã sai mình (x. Ga 5,30) thì chắc chắn phải là người cầu nguyện liên lỉ (x. GLCG 2604). Chính trong tinh thần cầu nguyện như vậy mà “Ðức Giê-su khiêm tốn và tin tưởng hòa hợp ý chí nhân loại của mình với thánh ý yêu thương của Chúa Cha” (GLCG 2600).

Cũng trong tinh thần cầu nguyện liên lỉ đó mà các môn đệ của Người được dạy dỗ và thấm nhuần. Họ được dạy để biết cầu nguyện trong thinh lặng (Mt 6,6), không khoe khoang, trước khi cầu nguyện phải thật lòng tha thứ cho anh em (x. Mt 6,14-15), còn khi cầu nguyện thì không lải nhải nhiều lời (Mt 6,7). Ðối với các môn đệ của Ðức Ki-tô, tỉnh thức cầu nguyện là một cuộc chiến đấu không ngừng; nhờ hiệp thông với Thầy chí Thánh, người môn đệ sẽ chiến thắng : “Ai tỉnh thức trong cầu nguyện sẽ không sa chước cám dỗ” (Lc 22, 40.46). Một nét đặc biệt khác trong lời cầu nguyện mà Đức Giêsu dạy là mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa được kéo sát lại thành mối tương quan cha-con thân mật thay cho tương quan Đấng Tạo hóa - thụ tạo đầy xa cách.

Tóm lại, ta có thể nhận thấy một sự tuân phục Chúa Cha hoàn toàn của Đức Giêsu, trên mọi bình diện. Chính sự đầu phục này đã gây một cảm tưởng về sự thấp kém của Đức Kitô so với Chúa Cha. Ariô đã cho rằng về bản chất “Ngôi Lời là một ‘vị thiên chúa thứ cấp’ (deusteros theos), nhưng thực chất chỉ là một thụ tạo, cho dù là một thụ tạo tiên khởi và hoàn hảo nhất”[1]. Công đồng Nixê đã kết án luận thuyết này và khẳng định thần tính của Đức Giêsu Kitô như là “Thiên Chúa thật”. Nhưng nếu như thế thì ta sẽ phải giải thích ra sao sự vâng phục hoàn toàn của Đức Giêsu đối với Chúa Cha? Đâu là lý do cho sự vâng phục đó?

C. MỘT SỐ LÝ DO CHO SỰ VÂNG PHỤC NƠI ĐỨC KITÔ


Những lý do được nêu ra dưới đây _ nói theo cách nói của các nhà Thần Học Kinh Điển _ chỉ là những lý do xứng hợp chứ không phải những lý do tất yếu và chỉ là một vài trong vô số các lý do. Vì dù Đức Kitô là người thật thì Người cũng là Thiên Chúa thật và bởi thế nên con người chẳng bao giờ hiểu hết được mọi lý do hành động của Người cũng như mọi ý nghĩa của những hành động đó.

1. Một Đức Kitô Trong Thân Phận Con Người


Lý do đầu tiên cho sự vâng phục của Đức Kitô đối với Chúa Cha là vì Người có hai bản tính. Là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Kitô phải tùng phục Chúa Cha như trong sách Tín Ngưỡng của Hội Thánh (Gennade, 4.58) có viết: “Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, không ngôi vị nào phục vụ hoặc tùng phục”. Tuy nhiên, Đức Giêsu Kitô cũng là con người thật. Vì thế mà sự vâng phục của Người là chuyện đương nhiên. Thánh Augustinô giải thích vấn đề hai chiều này như sau: “Như vậy, Kinh Thánh một cách hợp lý khẳng định hai điều này: một đàng Đức Chúa Con bằng Đức Chúa Cha, và đàng khác, Đức Chúa Cha lớn hơn Đức Chúa Con. Người ta phải hiểu điều thứ nhất thuộc về mô thể Thiên Chúa; điều thứ hai thuộc về mô thể của tôi tớ, mà không lẫn lộn hai điều đó”. (De Trin. 1,7). Thánh Tôma Aquinô còn phân tích sâu hơn khi liệt kê ba thể cách mà Đức Giêsu với bản tính nhân loại, trong chính thân phận mình, phục tùng Thiên Chúa (ST. III, q.20, a.1). Sự vâng phục như thế không đánh mất hay giảm giá nhân tính của một Thiên-Chúa-làm-người. Ngược lại chính sự vâng phục đó càng làm nổi bật nhân tính trọn vẹn của Đức Kitô.

Cũng với cùng cách giải thích mà ta có thể hiểu được lời cầu nguyện của Đức Giêsu. Cầu nguyện giả định một sự lệ thuộc nào đó của người cầu nguyện đối với Đấng được cầu nguyện và từ đó cho thấy một thấp kém hơn về mọi mặt. Xem ra như vậy thì cầu nguyện không hoàn toàn thích hợp với Chúa Kitô nhưng thánh Tôma đã trả lời: “Giả như trong Chúa Kitô chỉ có một ý chí duy nhất, tức là ý chí Thiên Chúa, việc cầu nguyện hẳn không thích hợp với Ngài tí nào. (…) Mà nơi Chúa Kitô có ý chí Thiên Chúa và ý chí nhân loại; và ý chí nhân loại chỉ có khả năng thực hiện điều nó muốn nhờ quyền năng Thiên Chúa. Do đó, việc cầu nguyện thích hợp với Chúa Kitô trong tư cách con người chiếm hữu ý chí nhân loại” (ST. III, q.21, a.1).

2. Sự Thiện Hảo Tuyệt Đối Của Thánh Ý Chúa Cha


Ngoài ý nghĩa biểu trưng cho bản tính nhân loại, thì sự vâng phục của Đức Kitô còn làm nổi bật Thánh Ý huyền nhiệm của Thiên Chúa. Từ đó đưa ra một lời mời gọi nhân loại tín thác tuyệt đối vào Thánh Ý Chúa vốn được đặt nền tảng trên tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành tặng cho nhân loại. Lịch sử dân Do thái là một lịch sử của nỗi trăn trở, cố gắng giữ trọn Giao Ước, chơi vơi giữa hai đầu dây bất trung và hối hận, rồi cuối cùng khám phá ra định mệnh của mình nằm trong ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa. Cựu Ước một mặt đề cao những gương mẫu phi thường của những người trung thành tuân phục Thánh Ý Chúa như Abraham, Samuel, Đavit, Giêrêmia, mặt khác cố gắng trình bày các chiều kích khác nhau của Thánh Ý Chúa. Tuy nhiên, chỉ qua Đức Kitô và mẫu gương vâng phục trọn vẹn của Người mới đem lại một cái nhìn đầy đủ hơn về Thánh Ý Chúa. Sự vâng phục của Người bộc lộ các phẩm tính ưu việt của Thiên Chúa như công bằng, thương xót, trung thành, từ tâm, nhẫn nại … Nhờ chiêm ngưỡng một cách trực quan như vậy mà con người chúng ta thêm tin tưởng chắc chắn vào sự thiện hảo tuyệt đối của Thánh Ý Chúa _ vốn quá siêu việt và luôn vượt ngoài trí tưởng của nhân loại. Sự thiện hảo tuyệt đối đó được dựa tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành tặng cho nhân loại, như chính Chúa Giêsu đã mặc khải: “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế, đến nỗi đã thí ban Người Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Nơi sự vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết của Chúa Kitô, con người không chỉ được giao hòa với Thiên Chúa mà còn được nâng lên địa làm con của Thiên Chúa, dù chỉ với danh phận “nghĩa tử”.

3. Đền Bù Tội Bất Trung Của Ađam


“Vì như do sự bất tuân của một người, nhiều người đã bị liệt hàng tội nhân, cũng vậy, vì sự vâng phục của một người, nhiều người sẽ được liệt hàng công chính” (Rm 5,19). Thực ra trong bốn sách Tin Mừng không có chỗ nào Chúa Giêsu đề cập trực tiếp đến tội nguyên tổ và sự đền bù. Tư tưởng này chỉ được khai triển trong nền Thần học của thánh Phaolô qua các thư rồi được các giáo phụ như các thánh Irênê, Augustinô, và sau này với thánh Anselmô và Tôma Aquinô[2] đào sâu thêm làm cho học thuyết này hợp thành bộ khung của Thần học Kinh điển. Thánh Anselmô “nhấn mạnh đến khái niệm của việc đền bù như là sự sửa chữa khách quan đối với trật tự tự nhiên vốn đã bị tội lỗi làm xáo trộn, để lập nên một sự tương xứng có tính pháp lý giữa tội lỗi và đền bù. Thánh Tôma dung hợp tư tưởng này với yếu tố luân lý trong cảm xúc (passion) của Chúa Kitô (tình yêu, sự vâng phục) và với nguyên lý thống nhất giữa Chúa Kitô như là Đầu và con người như là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người”[3]. Trong sự thống nhất mầu nhiệm đó mà các tín hữu khi thực thi đức vâng phục tùy theo cấp độ khác nhau được nối kết vào sự vâng phục của Đức Giêsu để cứu độ thế giới, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các tu sĩ khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm[4].

4. Làm Cho Chương Trình Cứu Độ Của Chúa Cha Được Hoàn Tất


Để diễn tả cách Ðức Giê-su đem lại chiến thắng cứu độ, thư Do Thái đã dùng những lời tha thiết: “Vào những ngày còn trong thân xác, Ngài đã dâng lên cho Đấng có thể cứu Ngài khỏi chết, những lời cầu xin khẩn nguyện với lớn tiếng kêu van cùng nước mắt, và Ngài đã được nhận lời thoát khỏi sợ hãi. Dẫu là Con, Ngài đã phải đau khổ dãi dầu, mà học cho biết vâng phục. Và một khi thành toàn, Ngài đã nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời cho những ai vâng phục Ngài” (Dt 5,7-9). Chính nhờ sự vâng phục của hoàn toàn tuyệt đối mọi ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trên mọi bình diện khác nhau như đã phân tích ở trên mà chương trình cứu độ được chuẩn bị từ ngàn đời của Thiên Chúa được thực hiện. Đó là một sự vâng phục tuyệt đối, vâng phục vô điều kiện, “vâng lời cho đến chết”. Sự vâng phục đó không những thực hiện ở mức độ hoàn thiện cao nhất toàn bộ lề luật của Thiên Chúa mà còn làm trọn hết sức mọi sự công chính. Sự vâng phục đó Chúa Giêsu thực hiện không vì Người mà là vì chúng ta và cho chúng ta.

5. Nêu Gương Khiêm Nhường Cho Con Người


Như vừa nói trên, Đức Giêsu vâng phục là vì chúng ta. Một điều rõ ràng là con người nói chung không biết cách sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa. Điều này được chứng minh qua lịch sử dân Israel. Vốn là một dân được chính Chúa tuyển chọn, thế nhưng Israel đã không biết bao lần sa đi ngã lại, chạy theo các tà thần của dân ngoại, làm mất lòng Chúa. Cũng không phải là không có những gương mặt nổi bật như tổ phụ Abraham, thánh vương Đavít hay các ngôn sứ như Samuel, Isaia, Giêrêmia… hay gần hơn và trổi vượt hơn là Đức Maria, Thánh Giuse. Tuy nhiên, các gương mẫu vừa nêu chỉ mang tính một chiều. Duy chỉ một mình Đức Giêsu trong một vai trò độc nhất vô nhị “vừa là Thiên Chúa vừa là con người” mới có thể cùng lúc thực hiện sự vâng phục theo đúng bổn phận nhân loại phải làm đối với Đấng Tạo Hóa vừa đồng thời trình bày vẻ khiêm nhường của Thiên Chúa. Việc “hủy mình ra không”, “hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết” (Pl 2,7.8) cho thấy một sự tự biết mình một cách sâu sắc. Chỉ trong sự tự biết mình sâu sắc mà con người mới thật sự khiêm tốn đi tới chỗ vâng phục trọn vẹn Thánh Ý Chúa. Và mẫu gương vâng phục nổi bật nhất chính là Đức Giêsu Kitô, Ngôi-Hai-Thiên-Chúa-nhập-thể-làm-người. Đức Giêsu cũng nhiều lần khẳng định điều này khi Người nói: “Hãy thụ giáo với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29) hoặc trong những lần Người cầu nguyện lớn tiếng (ST. III, q.21, a.1, ad.1).

KẾT LUẬN


Tìm hiểu các lý do (xứng hợp) của sự vâng phục của Đức Giêsu còn đặc biệt có ý nghĩa trong thời đại hiện nay _ nhất là trong đời sống tu trì _, khi người ta quá đề cao cái được gọi là tự do, nhân bản theo kiểu Tây Phương (mà thực chất nhiều khi chỉ là tuyên truyền chống báng Công giáo một cách tinh vi, đồng thời phổ biến tinh thần tục hóa) và du nhập thoải mái không chọn lọc làm mất dần kỷ cương xã hội có thể gây những tai họa khó lường. Chiêm ngưỡng sự vâng phục của Đức Giêsu trên mọi phương diện: từ gia đình đến xã hội, từ luân lý đến tôn giáo, từ tự nhiên đến siêu nhiên, từ tích cực đến tiêu cực gợi mở cho ta cách nhìn cuộc sống mới theo chiều từ trên cao xuống bổ túc cho cách nhìn một chiều từ dưới lên như đang có ảnh hưởng rất mạnh trong thời đại hiện nay (một tầm nhìn đa diện bao giờ cũng hay hơn!). Trong Chúa Kitô, vâng phục không hề đánh mất tự do nhưng đem lại cho ta khả năng sống theo sự tự do của Thiên Chúa khi không để mình bị ràng buộc bởi bất cứ sợi dây nào bên trong lẫn bên ngoài. Và chỉ có người thực sự có tự do mới dùng được sự tự do để hành động trong sự vâng phục. Khi biết rằng lý tưởng Kitô giáo là được “trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” (Rm 8,29) thì đức vâng phục đi kèm với sự hiểu biết Thánh Ý Chúa sẽ phải là ưu tiên số một trong đời sống của mọi Kitô hữu.
__________

[1] FERNADO OCARIZ, LUCAS F. MATEO SECO, JOSÉ ANTONIO RIESTRA. Mầu Nhiệm Đức Kitô (Bản dịch của linh mục. Lâm Văn Sỹ, OP). Roma. 2000. tr. 46.
[2] FERNANDO OCARIZ, LUCAS F. MATEO SECO, JOSÉ ANTONIO RIESTRA. Mầu Nhiệm Đức Kitô (Bản dịch của Lm. Lâm Văn Sỹ, OP). Roma. 2000. tr. 70-71.

[3] PENA, BRAULIO, OP. Soteriology. Jesus: His Person and Work. Second Revised Edition. UST Press, Manila. 1990. p. 431.

[4] x. Directives On Formation In Religious Institutes, 15.