Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

DUY NHẤT TÍNH CỦA “CÁI TÔI” NƠI ĐỨC KITÔ

Thời sự Thần học - số 1, tháng 01/2008, tr.

Giuse Hoàng Văn Hoà 😊


Khi khoa tâm lý học phát triển cũng là lúc các nhà thần học quan tâm đến vấn đề tâm lý của Đức Giêsu một cách có hệ thống. Dựa trên tính duy nhất của ngôi vị thì “mọi hoạt động của Đức Giêsu, dù là thần linh hay nhân loại, đều là hoạt động của ngôi vị thần linh”.[1]
Tuy nhiên, Đức Kitô vốn là một con người với bản tính nhân loại hoàn bị nên cũng có một tâm lý nhân loại thực sự. Tâm lý ấy được thể hiện qua sự tự ý thức mà người ta gọi bằng thuật ngữ “cái tôi” hay “bản ngã”. Như vậy, nơi Đức Giêsu, một đàng, nếu xét đến tính nhị nguyên về bản tính cũng như trí tuệ thì Người có hai loại tự ý thức: thần linh và nhân loại. Do đó, phải chăng nơi Đức Giêsu cũng có hai cái tôi tương ứng với hai loại tự ý thức: “cái tôi” thần linh và “cái tôi” nhân loại ? Đàng khác, vì lẽ “cái tôi” là biểu hiện cách trọn vẹn và trực tiếp của ngôi vị, mà Đức Giêsu chỉ có một ngôi vị thần linh xét về mặt thực thể luận, nên phải chăng Đức Giêsu cũng chỉ có một "cái tôi" duy nhất ?

Đứng trước vấn đề về tâm lý của Đức Kitô, trong thập niên 1940-1950, người ta nhận thấy có hai khuynh hướng thần học nghiên cứu "cái tôi" tâm lý của Đức Giêsu. Thế nhưng, để có cái nhìn đúng đắn về tính duy nhất của ngôi vị trên bình diện tâm lý cũng như sự độc nhất của "cái tôi" nơi Đức Kitô, tiên vàn phải nhận ra hướng giải quyết từ thông điệp “Sempiternus Rex” của Đức Piô XII, đặc biệt là sự duy nhất của ngôi vị dẫn đến sự duy nhất của "cái tôi", đồng thời khẳng định tính tự lập nơi nhân tính Đức Giêsu mà sự ngôi hiệp không làm mất đi.

I. Quan niệm "cái tôi" trong triết học hiện đại


Vào thế kỷ XVII, bước đột phá của Descartes (1596-1650) đã làm thay đổi quan niệm về ngôi vị trong lịch sử tư tưởng triết học. Nếu trước đây, người ta định nghĩa ngôi vị được khởi đi từ những thành tố khách thể của nó như bản thể (substantia), hoặc tác động hiện hữu (actus essendi), thì từ Descartes trở đi, ngôi vị được căn cứ trên chủ thể tính, nghĩa là dựa trên sự ý thức về chính mình hay "cái tôi" của chủ thể. Từ đây phát sinh những khó khăn trong quan niệm ngôi vị: một đàng người ta quên đi bản tính có lý trí chính là cái nền cơ bản của ngôi vị; đàng khác, ngôi vị không còn căn cứ vào tính tự lập trong hiện hữu mà dựa trên sự tự ý thức. Nói cách khác, "cái tôi" hay “bản ngã” bây giờ hoàn toàn dựa trên sự tự ý thức: Cogito ergo sum.

Theo Descartes, ngôi vị đồng nhất với "cái tôi" đang suy tư hay đồng nhất với "cái tôi" tự ý thức về mình. Quan niệm mới của Descartes cũng đưa đến một hệ quả làm ảnh hưởng đến một số thần học gia đương đại và hiện đại. Họ đã vận dụng khái niệm ngôi vị theo kiểu này vào Kitô học. Chẳng hạn, Anton Gther (†1863) cho rằng ngôi vị là sự tự ý thức về mình (selbstbewustsein). Hoặc Rosmini ((†1855) đã vun đắp cho quan niệm của mình về ngôi vị dựa trên những hành động mang tính tinh thần, hay những hành động có tính cách nhận thức và yêu mến, mà không nghĩ rằng đó là những hành động chẳng những không làm nên ngôi vị mà còn xuất phát từ một ngôi vị đã thành hình.

Do vậy, cần phân biệt rằng "cái tôi" không đồng nghĩa với ngôi vị, mà chỉ là cách biểu hiện của sự ý thức về chính bản thân. Sự ý thức về bản thân là một phần không thể thiếu trong khái niệm của ngôi vị, qua đó ngôi vị biểu lộ sự sung mãn của hữu thể tự thân.

II. Khuynh hướng thần học về "cái tôi" của Đức Giêsu


1. Khuynh hướng chủ trương hai "cái tôi"


a. Lập trường của Deodato Basly

Lập trường của Deodato Basly tiên vàn khởi đi từ nhân tính toàn vẹn của Đức Kitô. Xét về phương diện siêu hình học, ông vẫn chủ trương nơi Đức Kitô có một ngôi vị với hai bản tính. Thế nhưng, xét về mặt tâm lý, ông nại đến tính duy nhất của Đức Kitô. Chẳng hạn khi Đức Kitô nói “Ta khát”, hay khi Người cầu nguyện với Chúa Cha thì vấn đề đặt ra là "cái tôi" của Đức Kitô là "cái tôi" thần linh hay nhân loại ? Từ đó, ông quả quyết Đức Kitô có hai "cái tôi": "cái tôi" thần linh và "cái tôi" nhân loại.

Quan niệm này khởi hứng từ một quan niệm đã có từ thời các giáo phụ mà người ta quen gọi là lý thuyết con người được đảm nhận (assumptus homo), và nối tiếp trường phái Antiôkia cho rằng “con người được nâng lên” mà tiêu biểu là lập trường của Nestôriô. Chính thánh Augustino trong tác phẩm ‘De agone Christiano II’ đã nói: “Con Thiên Chúa đã nâng cao nhân tính lên và mặc lấy nhân tính, và trong nhân tính Ngài chịu đau khổ”.[2] Như vậy, nội dung của thuyết này cho thấy nhân tính của Đức Kitô cấu thành một cá vị nhân loại phân biệt với Ngôi Lời. Vả lại, mặc dù kết hợp với Ngôi Lời làm thành một thực thể duy nhất, nhưng nhân tính Đức Kitô vẫn là một chủ thể tự lập nơi chính nó như bất cứ một chủ thể nhân loại nào khác. Tương ứng với tính tự lập ấy là một "cái tôi" nhân loại. Theo đó, Đức Kitô có một nhân cách tâm lý nhân loại đích thực.

Như vậy, lập trường của Deodato tuy không trực tiếp chối bỏ những định tín của Giáo hội nhưng lại phân cắt ngôi vị nơi Đức Kitô về phương diện tâm lý. Và Deodato cho rằng “một tạo vật, dù là thể chất hay tinh thần, không thể bước vào mối tương quan hiệp nhất về hữu thể với Đấng Tuyệt Đối, tức là không thể lập hữu trong sự lập hữu của Ngôi Lời”.[3] Nói cách khác, lý thuyết Assumptus homo dựa trên nền tảng về sự khác nhau giữa cá vị và ngôi vị. Lối phân biệt này cho thấy sự ngôi hiệp như sự duy nhất giữa hai thực thể tự lập hoàn toàn hoặc như sự kết hợp giữa hai cá vị tự lập để làm thành một ngôi vị duy nhất, trong khi đó nhân tính Đức Kitô hoàn toàn không có ngôi vị riêng. Điều ấy cho thấy bản tính nhân loại của Đức Kitô tuy hoàn hảo (hồn + xác) nhưng không hình thành nên một ngôi vị nhân loại vì nó không hiện hữu do một tác động hiện hữu riêng, tương ứng và thích hợp. Hơn nữa, khi Deodato Basly cho rằng nhân tính Đức Kitô có một chủ thể phân biệt với Ngôi Lời thì chẳng khác chi ông khẳng định rằng nơi Đức Kitô có hai ngôi vị.

b. Paul Galtier

Khuynh hướng chủ trương hai “cái tôi” còn có sự ủng hộ của Paul Galtier. Theo Paul Galtier, nơi Đức Kitô vì có hai loại ý thức nên cũng có hai "cái tôi". Tuy nhiên "cái tôi" nhân loại của Đức Kitô theo Paul Galtier có phần khác với "cái tôi" nhân loại theo cách hiểu của Deodato Basly. Theo Paul Galtier thì "cái tôi" nhân loại của Đức Kitô không biểu hiện trọn vẹn ngôi vị nhân loại, mà "cái tôi" ấy thuộc về ngôi vị thần linh khởi đi từ ơn ngôi hiệp của Đức Kitô ngay từ khi nhập thể. Nghĩa là nơi Đức Kitô sự tự ý thức về nhân tính của mình cũng như sự nhận thức trực tiếp về yếu tính Thiên Chúa xuất phát từ Ngôi Lời thần linh, chứ không do chủ thể độc lập nơi nhân tính của Người. Nói cách khác, Paul Galtier có sự phân biệt giữa "cái tôi" làm chủ nhân, tức là Ngôi Lời, với nhiều "cái tôi" tâm lý tương ứng với những tâm trạng khác nhau của một con người.[4] Chẳng hạn, có những tiếng “tôi” trong Tin mừng thường không biểu lộ ngôi vị thần linh, nhưng lại diễn tả “nhân cách” của Đức Giêsu. Hoặc nói theo thuyết assumptus homo thì Paul Galtier cho rằng Đức Kitô vốn có tâm thức nhân loại nên Người luôn ý thức về mọi hoạt động trần thế, nhưng không thể ý thức về ngôi vị Thiên Chúa của mình. Trong khi đó "cái tôi" nhân loại chỉ là "cái tôi" hiện tượng luôn quy hướng về Ngôi Lời nhờ ơn phúc kiến nên mới có thể nhận ra căn tính thần linh của mình.[5]

Chủ trương của Paul Galtier là bản tính nhân loại nơi Đức Kitô quyết định mọi việc trong khi Ngôi Lời không ảnh hưởng trên các hành vi nhân bản của Đức Giêsu mà chỉ đóng vai trò chủ sự đảm nhận. Chính vì thế, Paul Galtier khẳng định “trí tuệ nhân loại của Đức Giêsu nhìn thấy, trong thiên tính, mình thuộc riêng về Con Thiên Chúa”.[6]

Như vậy, khuynh hướng chủ trương Đức Kitô có hai "cái tôi" đã đề cao việc Đức Giêsu có một tâm lý nhân loại đích thực là điều hợp lý. Tuy nhiên, khuynh hướng này dễ rơi vào lạc lạc thuyết Nestôriô về mặt tâm lý vì khẳng định nhân tính của Đức Kitô có một chủ thể phân biệt với Ngôi Lời thì cũng có nghĩa nơi Ngài có hai ngôi vị (Deodato Basly), hoặc xem bản tính nhân loại như một ngôi vị độc lập và đối diện với ngôi vị thần linh (Paul Galtier).

2. Khuynh hướng chủ trương một "cái tôi"


a. Pietro Parente

Ngược lại, có những thần học gia chủ trương nơi Đức Kitô chỉ có một "cái tôi" thần linh duy nhất. "Cái tôi" thần linh ấy dựa trên nền tảng ngôi hiệp và được nhận thức cách rõ ràng bởi trí tuệ thần linh và bởi trí óc nhân loại của Đức Giêsu. Theo chủ trương của Pietro Parente thì trước tiên trí óc nhân loại của Đức Kitô có thể diễn tả ý thức thần linh của chính mình, được khởi phát là do ngôi hiệp. Và ngôi hiệp là một mầu nhiệm trong đó bản tính nhân loại của Đức Kitô được cất nhắc lên để kết hợp với bản tính Thiên Chúa trong ngôi vị thần linh. Hoặc mầu nhiệm ngôi hiệp là cách Ngôi Lời Thiên Chúa kết hợp với nhân tính, hoạt động trong nhân tính, chỉ huy và chịu trách nhiệm mọi hoạt động của nhân tính. Kế đến, linh hồn nhân loại của Đức Kitô do được hưởng ơn phúc kiến nên có thể ý thức trực tiếp về căn tính thần linh của mình.[7] Ơn phúc kiến là sự nhận thức trực tiếp về yếu tính Thiên Chúa mà bản tính nhân loại của Đức Kitô được hưởng ngay khi còn ở trần gian. Hoặc nói cách khác thì khuynh hướng này cho rằng nơi Đức Kitô không có "cái tôi" nhân loại. Ý thức nhân loại của Đức Kitô không có quy luật riêng nên đành chấp nhận tất cả các quyết định từ Ngôi Lời.

b. Jean Galot

Theo Jean Galot thì nơi Đức Kitô cũng chỉ có một "cái tôi" thần linh duy nhất. Điều ấy cho thấy sự duy nhất xét về mặt tâm lý của ngôi vị Đức Kitô thì tương xứng với sự duy nhất về thực thể luận nơi Người. Tuy nhiên, quan niệm của Jean Galot thì khác với cách hiểu của Pietro Parente xét theo căn nguyên của "cái tôi" thần linh. Nếu như Pietro Parente cho rằng "cái tôi" thần linh của Đức Kitô được nhận biết do trí tuệ nhân loại nhờ vào sự ngôi hiệp và ơn phúc kiến thì "cái tôi" thần linh của Đức Kitô theo Jean Galot chỉ nhờ qua kinh nghiệm thần bí đặc biệt Thiên Chúa ban cho nhân tính Đức Giêsu để nhân tính ấy biết chắc chắn mình được kết hợp với ngôi vị của Ngôi Lời, và là nhân tính của Thiên Chúa.[8] Kinh nghiệm thần bí là cuộc tiếp xúc giữa Chúa Cha và Đức Giêsu nhờ đó Đức Giêsu nhận thức được địa vị làm con của mình đồng thời nắm bắt "cái tôi" thần linh của mình trong tâm lý nhân loại.

Như thế, khuynh hướng chủ trương Đức Kitô có một "cái tôi" theo các tác giả trên đây cũng có những giới hạn. Khuynh hướng này lấy Ngôi Lời làm nguyên tắc toàn quyền và trực tiếp điều khiển mọi hành vi của nhân loại (Pietro Parente). Hơn nữa, mọi kinh nghiệm thần bí đều bắt nguồn từ Thiên Chúa thì tính tự lập của tâm lý nhân loại nơi Đức Giêsu sẽ như thế nào, hoặc những sinh hoạt tâm lý nhân loại của Đức Giêsu có bị ảnh hưởng từ kinh nghiệm thần bí không? (Jean Galot). Quan điểm này dễ trở thành một hình thức biến thái thuộc thuyết nhất tính của Eutychès.

III. "Cái tôi" duy nhất của Đức Giêsu


1. Hướng giải quyết của Huấn quyền


Nhân kỷ niệm 1500 năm Công đồng Calcêdônia, ngày 08-09-1951, Đức Piô XII ban hành thông điệp “Vua muôn đời” (Sempiternus Rex), trong đó đưa ra những nguyên tắc cơ bản hướng dẫn việc tìm hiểu tâm lý của Đức Giêsu: “Mặc dù không có lý do gì cấm cản người ta tìm hiểu sâu xa hơn về nhân tính Đức Kitô, kể cả dưới khía cạnh tâm lý; tuy nhiên có một số người, đang khi theo đuổi lãnh vực nghiên cứu đầy cam go này, đã xa rời những lập trường truyền thống một cách không chính đáng để khởi xướng những lập trường mới; họ đã vận dụng cách sai trái thế giá và những định tín của Công đồng Calcêdônia để biện minh cho những ý tưởng của mình. Từ đó, họ đã nhấn mạnh quá đáng đến vị thế và điều kiện của nhân tính Đức Kitô đến độ nhân tính ấy được hiểu như là một chủ thể tự lập, như thể không lập hữu trong ngôi vị của chính Ngôi Lời. Thế nhưng Công đồng Calcêdônia, theo cùng một chiều hướng với Công đồng Êphêsô, đã khẳng định cách minh thị rằng hai bản tính của Đấng Cứu Độ chúng ta cùng tồn tại trong một ngôi vị và một sự lập hữu, đồng thời Công đồng cũng không cho phép chủ trương có hai cá vị nơi Đức Kitô, theo kiểu một con người nào đó với trọn vẹn quyền tự lập, được đảm nhận và được đặt kế cận Ngôi Lời”.[9] Sự can thiệp này loại trừ được lý thuyết về con người được đảm nhận (assumptus homo) mà Deodato Basly đã chủ trương.

Ngoài ra, Đức Phaolô VI, trong bài huấn dụ ngày 10/02/1971, đã xác quyết về những tín điều có liên quan đến Kitô học, được định tín bởi các Công đồng đầu tiên như sau: “Nơi Đức Giêsu chỉ có một ngôi vị duy nhất, một cái tôi duy nhất là cái tôi tồn sinh và hoạt động trong hai bản tính: thần linh và nhân loại”.[10]

2. Từ sự duy nhất của ngôi vị đến sự duy nhất của “cái tôi” nơi Đức Kitô


Theo Công đồng Calcêdônia thì nơi Đức Kitô “sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn và hợp nhất trong cùng một Ngôi vị duy nhất …”.[11] Từ đó, ta nhận thấy rằng "cái tôi" làm chủ ý thức nhân loại nơi Đức Giêsu không thuộc bản tính nhân loại nhưng thuộc ngôi vị thần linh xét trên bình diện siêu hình. Vì lẽ sự nhận thức chính là một hành vi của ngôi vị được thể hiện trong và nhờ bản tính. Do vậy, mọi hành vi và hoạt động nhân loại nơi Đức Kitô đều quy chiếu về Ngôi Lời. Trong Tân ước, tuy sự duy nhất về ngôi vị Đức Kitô không được khẳng định một cách minh thị theo văn tự nhưng lại chứng tỏ thực tại rõ ràng về sự duy nhất này. Chẳng hạn, có những lúc Đức Kitô dùng đại từ “tôi” biểu lộ sự duy nhất của ngôi vị, hoàn toàn ý thức về thực tại thần nhân của mình: “Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5). Ở đây, những đại từ “con” được sử dụng đều biểu thị cùng một ngôi vị. Đại từ “con” thứ nhất và thứ hai thể hiện nhân tính của Người (nhân tính ấy chưa được tôn vinh). Ngược lại, đại từ “con” thứ ba chỉ về thiên tính của Đức Kitô đã tiền hữu trước khi có thế gian.[12] Dẫu rằng có khi Đức Giêsu nói trong tư cách con người, cũng có chỗ Ngài nói trong tư cách Thiên Chúa đích thực, thậm chí còn tiền hữu từ thuở đời đời, thì Đấng xuất hiện như một con người cùng một trật cũng là Thiên Chúa với một chủ thể duy nhất hay ngôi vị duy nhất.

Nhưng một vấn nạn có thể đặt ra: sự duy nhất về ngôi vị của Đức Giêsu có thể dẫn đến việc Người không có "cái tôi" tâm lý nhân loại vì nơi Đức Giêsu chỉ có một ngôi vị thần linh. Tiếng “tôi” trong các 1ời tuyên xưng của Đức Kitô được khởi đi từ Ngôi Lời. Tuy nhiên, Ngôi Lời không còn trong tình trạng tiền hữu, mà Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, sống trong khung cảnh nhân loại và mặc lấy một tâm lý nhân loại. Sống hoàn cảnh nhân sinh này, Ngôi Lời ý thức về mình theo phương cách nhân loại bằng trung gian tâm lý nhân loại. Hơn nữa, vì mầu nhiệm ngôi hiệp bao trùm bình diện tâm lý nên "cái tôi" tâm lý nhân loại của Đức Giêsu chỉ là phần nối dài hay âm vang của "cái tôi" thần linh xét trên phương diện ý thức nhân loại. Giả như Ngôi Lời không có "cái tôi" tâm lý nhân loại thì không thể ý thức được các hành vi nhân loại thuộc về riêng mình.[13] Chính vì thế, nơi Đức Giêsu chỉ có duy nhất một "cái tôi" thần linh nhưng lại hoạt động trong hai bản tính.

3. Tính tự lập nơi nhân tính Đức Giêsu


Nhân tính Đức Giêsu có tính tự lập và hoạt động theo những quy luật nội tại của nó. Vì Đức Giêsu vốn là một con người thực sự nên cũng cần một ý thức nhân loại xứng hợp. Điều này cho thấy nét sinh hoạt tâm lý của Đức Giêsu cũng diễn tiến theo những quy luật bình thường như tâm lý của một con người. Tuy nhiên, ý thức thần linh nơi Đức Kitô không thay thế ý thức nhân loại vì chúng khác biệt nhau theo hai bản tính.

Ngoài ra, tính tự lập nơi nhân tính Đức Giêsu không những không đối lập với ngôi vị thần linh mà còn chịu ảnh hưởng của ngôi vị thần linh. Thế nên, bản tính nhân loại của Đức Giêsu không được coi là trung tâm tiếp thu và quyết định hiện hữu bằng cái tôi độc lập trước mặt Ngôi Lời. Hơn nữa, người ta đề cập đến tính tự lập nơi nhân tính Đức Giêsu là vì "cái tôi" thần linh của Đức Giêsu chỉ tỏ lộ qua một ý thức hoàn toàn nhân loại. "Cái tôi" thần linh không xuất hiện trong trạng thái nguyên tuyền, nhưng chỉ biểu hiện trong ý thức nhân loại khi mầu nhiệm ngôi hiệp khởi sự. Hoặc nói cách khác là "cái tôi" thần linh được diễn tả bằng phương cách mang tính nhân loại. Nói theo ngôn ngữ kinh viện thì "cái tôi" thần linh của Đức Giêsu được coi là “nguyên lý chủ sự” và bản tính nhân loại là “nguyên lý dụng cụ”. Khi Ngôi Lời hoạt động qua bản tính nhân loại sẽ không thay đổi những quy luật vốn có của bản tính nhân loại, đồng thời tôn trọng nhân tính và chấp nhận những giới hạn của nó.[14]

Kết luận


Tóm lại, trên bình diện tâm lý, Đức Giêsu vốn là một con người thật sự nên phải có một ý thức và tâm lý nhân loại. Sinh hoạt tâm lý ấy bao gồm sự hiểu biết nội tâm của một con người, ý thức về chính mình cùng với các phản ứng tâm linh xảy đến với mình. "Cái tôi" thần linh chính là chủ thể của sinh hoạt tâm lý nơi Đức Kitô là bởi vì “sự duy nhất thực thể luận của Ngôi vị Đức Kitô dẫn xuất ra sự duy nhất về tâm lý nơi Ngài”.[15] Do vậy, khi tìm hiểu sự duy nhất của "cái tôi" nơi Đức Giêsu, điều quan trọng cần lưu ý trước tiên là tính toàn vẹn của bản tính nhân loại vốn có hoạt động riêng của nó, và đồng thời cũng quan tâm đến tính chất căn cốt của mầu nhiệm ngôi hiệp, nhất là không được lẫn lộn giữa “ngôi vị” và "cái tôi".

Ngoài ra, Đức Giêsu đã ý thức về ngôi vị thần linh của mình như thế nào xét theo tâm lý nhân loại ? Phải nói rằng chính ngôi vị thần linh là chủ thể và là đối tượng của ý thức nhân loại. Cho nên, khi mầu nhiệm ngôi hiệp khởi sự cũng là lúc Ngôi Lời làm chủ mọi sinh hoạt tâm lý đồng thời hành động hoàn toàn theo bản tính của một con người trong phương cách nhân loại. Nghiên cứu "cái tôi" duy nhất của Đức Kitô quả là vấn đề nan giải và thậm chí rất phức tạp khi phải xác định "cái tôi" thần linh của Đức Kitô đã thể hiện như thế nào trong tâm lý nhân loại. Thế nhưng, nơi Đức Giêsu, tựu trung chỉ có một "cái tôi" duy nhất, là "cái tôi" thần linh, tương ứng với sự duy nhất của ngôi vị về mặt thực thể luận.
_________________
[1] Fernando Ocáriz, Lucas F. Mateo Seco, José Antonio Riestra, Il mistero di Cristo, Rome, 2000. Bản dịch của Lâm Văn Sỹ, Mầu nhiệm Đức Ki-tô, TTHV Đaminh, 2006, tr. 101.
[2] “Filius Dei hominem assumpsit et in illo humana perpessur est” (St. Augustino, De agone Christiano II, PL 40, 297). Trích lại trong “Kitô học” của Tân Yên, tr. 94.
[3] Fernando Ocáriz, Lucas F. Mateo Seco, José Antonio Riestra, Sđd, tr. 103.
[4] Xc. Noberto, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, tập I, 2001, tr. 211-212.
[5] Xc. Tân Yên, Sđd., tr. 95.
[6] Xc. P. Galtier, L’unité du Christ, Être-Personne-Conscience, Paris, 1939, pp. 350. 371. Trích lại trong giáo trình Mầu nhiệm Đức Ki-tô của Lâm Văn Sỹ, TTHV Đaminh, 2006, tr. 104.
[7] Xc. P. Parente, L’Io di Cristo, Rovigo, 1981, pp. 409-460. Trích lại trong giáo trình của Lâm Văn Sỹ, Sđd., tr. 104.
[8] Xc. J. Galot, Who Is Christ? A Theology of the Incarnation, Rome, 1980, pp. 328-343. Trích lại trong giáo trình của Lm. Lâm Văn Sỹ, Sđd., tr. 104.
[9] Piô XII, Thông điệp Sempiternus Rex, số 30-31 (DS 3905). Trích lại trong giáo trình của Lâm Văn Sỹ, Sđd., tr. 103-104.
[10] Phaolô VI, Bài huấn dụ ngày 10/02/1971. Trích lại trong giáo trình của Lâm Văn Sỹ, Sđd., tr. 105.
[11] Công đồng Calcêdônia, DS 301-302. Trích lại của Nguyễn Văn Trinh trong “Lược sử Hội thánh Công giáo qua 21 công đồng”, 1999, tr. 99.
[12] Xc. Fernando Ocáriz, Lucas F. Mateo Seco, José Antonio Riestra, Sđd, tr. 105.
[13] Xc. Noberto, Sđd, tr. 214.
[14] Ibid., tr. 216.
[15] Xc. Fernando Ocáriz, Lucas F. Mateo Seco, José Antonio Riestra, Sđd, tr. 105.