Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 1, THÁNG 01/2008

CHỦ ĐỀ: ĐỨC GIÊSU THÀNH NADARÉT

LỜI NGỎ


Kính thưa quý bề trên, quý cha, quý thầy, quý sơ, cùng quý độc giả, thân hữu xa gần quý mến,

Trước hết, Nhóm Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm (VSPHL), chủ trương Tạp chí Thời sự Thần học (TSTH), xin gửi đến tất cả quý vị lời chào trân trọng và tái ngộ.

Hẳn quý vị đã rõ, như chúng tôi đã thông báo trong TSTH, số 46, chủ đề “Toàn cầu hoá”, tháng 12/2006 : Nhóm VSPHL đã được hình thành từ năm 1992, đến năm 2007 là tròn 15 tuổi - tuổi chẳng quá trẻ cũng chưa đủ già, nhưng “ đánh dấu một quá trình cùng viết - cùng suy tư - cùng trăn trở - cùng dịch thuật…”. Tuyển tập “THỜI SỰ THẦN HỌC TỔNG HỢP” -chỉ phổ biến nội bộ - là một gom góp các bài được ưa thích từ số 1 đến số 46, và tiếp đến là “năm Sabát”. Nay, TSTH 47 tiếp tục lại với chủ đề “Đức Giêsu thành Nadarét”.

Với chủ đề “Đức Giêsu thành Nadarét”, TSTH số này muốn tiếp nối “tác phẩm đầu tay của Đức Thánh Cha (ĐTC) Benedicto XVI, một công trình táo bạo và tầm cỡ…, trí tuệ của một thần học gia và xác tín cá nhân của một tín hữu…, chia sẻ chân dung “máu và thịt” đầy tính thuyết phục và phong phú”. (trích Lời giới thiệu sách “Đức Giêsu thành Nadarét”, Nguyên tác “Jesus von Nazareth”, 2007 Libireria Editrice Vaticana, Città del Vaticano, 2007 RCS Libri S.p.A, Millano, bản dịch Việt Ngữ). Hơn nữa, theo ĐTC, Đây là một tác phẩm Người “đã ấp ủ từ khá lâu…không phải để chống lại những chú giải hiện đại…nhưng chỉ là để làm phong phú tài liệu… và là cuộc tìm kiếm cá nhân tôi về khuôn mặt Đức Chúa” (Trích Lời Dẫn nhập sách)

TSTH số này trình bày: 
  1. Người Kitô Hữu Nhập Thế Nhìn Trong Ánh Sáng Của Mầu Nhiệm Nhập Thể. “Đức Giêsu Kitô chính là một con người của lịch sử, có nguồn gốc, có cha có mẹ như bao người khác. Người không ở đâu xa lạ mà đang ở giữa chúng ta . Người là Thiên Chúa làm người để gặp gỡ tôi, đồng thời cũng là một chiếc cầu nối kết “tôi với tha nhân” (Bài 1). 
  2. Thiên Tính Của Đức Giêsu Theo Tin Mừng Nhất Lãm. Các danh xưng Con Người, Con Thiên Chúa, Đấng Mê-si-a hay Đấng Kitô… nói lên những phẩm vị cao quý nhất của một vị Thiên Chúa (Bài 2). 
  3. Các Lạc Thuyết Về Thiên Tính Của Đức Kitô Trong Ba Thế Kỷ Đầu. Các lạc giáo không hẳn là muốn phá hoại Giáo hội, nhưng trái lại họ muốn làm rõ đức tin của Giáo hội về mầu nhiệm đức Kitô và vô tình tạo cơ hội để Giáo hội định tín cách chắc chắn. (Bài 3). 
  4. Đức Ki-Tô - Ngôn Sứ Và Thầy Dạy. Là ngôn sứ vì Đức Ki-tô đến để rao giảng lời chân lý và dạy dỗ điều hay lẽ phải bằng ngôn ngữ khôn ngoan cho mọi người được nên trọn lành. Là thầy vì Đức Ki-tô giảng dạy bằng dụ ngôn kết hợp với phong cách mô phạm. (Bài 4). 
  5. Việc Tôn Thờ Nhân Tính Đức Kitô. Theo thánh Tô-ma, “vinh dự của việc tôn thờ theo đúng nghĩa thuộc về Ngôi vị tự tồn tại”(Sth III, 25,3)… Tôn thờ, phụng thờ, thờ lạy Đức Ki-tô nghĩa là tôn thờ toàn thể con người của Ngài. Sự tôn thờ này qui về Ngôi vị Ngôi Lời là nền tảng của sự tôn thờ Đức Ki-tô”. (Bài 5). 
  6. Duy Nhất Tính Của “Cái Tôi” Nơi Đức Kitô. “Dựa trên tính duy nhất của ngôi vị thì “mọi hoạt động của Đức Giêsu, dù là thần linh hay nhân loại, đều là hoạt động của ngôi vị thần linh”. (Bài 6) 
  7. Chúa Giêsu Và Đức Vâng Phục. “Đức Giêsu vâng phục trong ước muốn , tư tưởng, việc làm… (Bài 7) 
  8. Thần Học Về Thập Giá. "Thần học về Thập giá" (staurologia), theo nghĩa là Thập giá trở thành trung tâm của thần học: chính nhờ Thập giá mà chúng ta biết được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa với Thánh kinh Tân ước, các giáo phụ, các nhà thần học, tu đức và phụng vụ. (Bài 8). 
  9. Hiệu Quả Cứu Độ Của Sự Phục Sinh. “Đức Kitô phục sinh là nguyên nhân đem lại sự phục sinh của linh hồn và thân xác con người” (Bài 9). 
  10. Đức Giêsu Kitô – Đấng Đền Tội Thay Cho Chúng Ta. Từ hình ảnh con chim gánh tội, đến con dê tế thần, và đặc biệt hình ảnh người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa trong Cựu ước đã được các tác giả Tân ước trưng dẫn hay vận dụng một cách sáng tạo với một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ, khi trình bày về giá trị cứu chuộc của cuộc khổ nạn của Đức Kitô. (Bài 10) 
  11. Tình Cảnh “Bị Bỏ Rơi” Của Đức Giêsu. Lấy tiếng kêu trên thập giá của Chúa làm cơ sở nói lên kinh nghiệm Thiên Chúa bị bỏ rơi. (Bài 11). 
  12. Sau cùng là “Hành trình Cứu độ theo Kinh thánh“ như thường lệ. 

TSTH số này tập trung vào Đức Giêsu thành Nadarét, nên không đủ trang cho phần Hội Nhập Văn hoá.

Ra mắt bạn đọc vào dịp Lễ Mừng Giáng sinh 2007 và Năm mới 2008, TSTH kính chúc Quý độc giả một mùa Giáng Sinh an lành, vui tươi và một năm mới hạnh phúc, tràn đầy Hồng ân Thiên Chúa.

Thân Kính ,
Nhóm Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm