Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

THẦN HỌC VỀ SỰ CHẾT

Thời sự Thần học – Số 6, tháng 11/1996, tr. 109-131

Tấn Anh


Tháng 11 quen được dành để cầu cho các tín hữu đã qua đời. Thiết tưởng đây là cơ hội tốt để trình bày những vấn đề thần học chung quanh cái chết.

Dựa trên niềm tin cổ truyền, thần học không những muốn đối chiếu với tư tưởng cận đại nhưng còn muốn nêu bật đặc trưng của Kitô giáo ở chỗ: ý nghĩa của sự sống và sự chết của con người được tìm thấy nơi cái chết và phục sinh của đức Kitô. Đường hướng này đã được công đồng Vaticano II khai mào trong Hiến chế vui mừng và Hy vọng (cách riêng ở số 18.22).

Bài này sẽ trình bày:
  • Những tư tưởng hiện đại về cái chết
  • Cái chết dưới quan điểm cánh chung
  • Cái chết trong tương quan với Thiên Chúa
  • Cái chết dưới khía cạnh tu đức mục vụ

A. Những tư tưởng hiện đại về cái chết


Thiết tưởng không phải là bi quan yếm thế khi quả quyết rằng: tuy dù tất cả các sinh vật đều phải chết, nhưng chỉ có loài người mới có ý thức là mình sẽ chết! Nhận xét vừa rồi không những muốn đề cao bản tính tư duy của con người nhưng còn muốn ghi nhận sự kiện là trải qua dòng lich sử, con người không phải chỉ nghĩ tới những vấn đề sinh sống mà còn bận tâm đến cái chết nữa! Mối bận tâm đến cái chết được diễn tả không những qua việc lo liệu chôn cất những người chết (với rất nhiều lễ nghi đi kèm, tùy theo tục lệ văn hóa của mỗi dân tộc), nhưng còn qua những suy tư học thuyết về nguyên nhân cái chết, về số phận của những người đã chết. Thậm chí có người dám nói rằng giả như không có cái chết thì các tôn giáo trên thế giới sẽ biến hết: lý do là vì con người chạy đến các tôn giáo để tìm câu giải đáp cho những băn khoăn về số phận của mình sau khi chết. Cho dù chúng ta không hoàn toàn đồng ý với nhận xét đó, nhưng không ai chối được là tôn giáo nào cũng dành ra một mục để trình bày giáo thuyết về cái chết.

Thực vậy, con người không chịu chấp nhận định luật chung của các loài thụ tạo. Khi nhìn ra vạn vật con người thấy bao nhiêu sinh vật (cây cỏ, súc vật) sinh ra, lơn lên, già cỗi và chết đi. Đó là chuyện quá tư nhiên. Thế nhưng con người không muốn khép mình vào luật chung ấy. Con người muốn sống mãi; và cái chết xem ra trái ngược với bản tính của mình.

Một số dân tộc cổ truyền đã cố gắng giải thích nguồn gốc cái chết qua những thần thoại, đi tới kết luận là cái chết là chuyện bất đắc dĩ. Ở đây chỉ cần trưng ra hai thần thoại củ Phi châu.

- Đời xưa, con người giống như con rắn, khi đã già thì lột xác và hồi sinh lại chứ không chết. Bữa nọ, có bà già dẫn cháu đi tắm. Bà để cháu ngồi trên bờ, cởi bộ da và nhào xuống nước. Đến khi lên bờ, bà đến gặp lại đứa cháu thì bị nó xua đuổi vì không nhận ra được bà ngoại của mình nữa. Bà ngoại đành trở lại khoác bộ áo da cũ, thì quả là được đứa cháu quấn quýt. Thế nhưng từ đó con người cứ phải khoác bộ da của mình mãi cho đến già và chết đi, chứ không còn được cải lão hoàn đông nữa!

- Một thần thoại khác nói rằng hồi nguyên sơ. Chị Nguyệt từ trời sai con rùa xuống trần gian để báo tin cho loài người biết rằng: “họ sẽ không chết, nhưng mà chỉ giống như chị thôi, nghĩa là tuy có lúc tàn nhưng chẳng mấy chốc sẽ sống lại”. Nhưng mà con rùa đi chậm quá, đến giữa đường quên mất điều chị Nguyệt muốn nói, nên quay về trời hỏi lại. Chị Nguyệt sốt ruột, sai chú thỏ chạy nhanh hơn. Tiếc thay chú thỏ giữa đường dừng lại chơi đùa gặm cỏ và quên khuấy đi sứ điệp nhà trời. Nhưng mà chú thỏ sợ không dám quay về hỏi lại chị Nguyệt, nên loan tin bừa cho loài người như sau: “con người sẽ chết và chết mãi mãi”. Từ đó con người mất ơn bất tử…

Cho dù nguyên nhân cái chết từ đâu đi nữa, hầu hết các dân tộc đều tin rằng sau khi đã chết vẫn có cái gì tồn tại. Vì thế mà có nơi người ta tiếp tục nuôi dưỡng người chết qua việc cung cấp lương thực, áo xống và tiền bạc cho họ; có nơi thì người ta tìm biện pháp để đề phòng hồn phách của người chết khỏi trở về cuói phá. Dĩ nhiên, cuộc sống bên kia thế giới đã trở thành một đề tài chính của các tôn giáo và các triết gia. Tuy rằng có nhiều quand điểm khác nhau về nguồn gốc cái chết và số phận người chết, nhưng đại khái, hầu hết các tôn giáo đều khẳng định rằng con người gồm có một phần linh thiêng và một phần thể chất. Khi chết, thì phần thể chất sẽ tan rã về với bụi tro: nhưng phần linh thiêng thì tồn tại. Người ta đặt tên cho phần linh thiêng ấy là: hồn, phách, vía. Nên biết là con người có thể có nhiều hồn khác nhau (ba hồn bảy vía), và sau khi chết, thì có thể là chúng tẩu tán ra nhiều ngả khác nhau.

Trước đây, do ảnh hưởng của Kitô giáo, không thiếu lần các triết gia đã chấp nhận cái chết như là sự tách ly giữa linh hồn và thân xác. Cái chết là án phạt của tội lỗi. Nhưng vào thời cận đại, người ta cho rằng đó chỉ là quan niệm sinh lý về cái chết chứ chưa phải là suy tư triết học. Triết học cần phải đi sâu hơn về ý nghĩa của cái chết nữa.

1. Có thể coi Hegel (1770-1831) như người mở đầu cho khuynh hướng mới của triết học về cái chết. Ông áp dụng biện chứng pháp để giải thích cái chết. Cái chết của cá nhân là sự sống lại của Tinh thần. Tuy nhiên, không rõ Hegel muốn nói tới tinh thần nào: cái linh hồn bất tử của con người hay là Tinh thần phổ quát đại đồng. L. Feuerbach (1804-1872) nói rõ hơn là con người phải chết đi để cho dòng giống tồn tại. Các triết gia mácxít (như K. Marx và E. Bloch) cho rằng những suy tư của Hegel qua trừu tượng. Con người cần biết chấp nhận cái chết như cái gì tự nó phải đến. Điều quan trọng là biết vận dụng khả năng để xây dựng một xã hội tươi sáng hơn cho tương lai. Cá nhân sẽ mai một, nhưng nhân loại sẽ tồn tại và thăng tiến.

2. Những tác giả vừa rồi ta như coi nhẹ cái chết, bởi vì họ cho rằng cá nhân không đáng kể cho bằng tư tưởng phổ quát hay Nhân loại đại đồng. Để phản ứng lại, các tác giả thuộc phái nhân vị và hiện sinh như Max Scheler (1874-1928), Gabriel Marcel (1899-1973) đã nhấn mạnh rằng con người không phải chỉ là một phần tử vô danh tiểu tốt trong một tổng bộ. Mỗi con người là một bản ngã có ý thức về sự sống cũng như cảm thấy cái chết đụng tới chính xương tủy của mình. Triết học phải làm sao để giúp con người tìm ra ý nghĩa cái chết của bản thân. Có lẽ Kari Jaspers (1883-1969) và Martin Heidegger (1889-1976) đã đề ra những suy tư thâm thúy nhất veef bí nhiệm của sự chết. Tư tưởng của hai triết gia nguời Đức tóm lại trong ba điểm sau đây:

a. Cái chết ảnh hưởng đến toàn thể con người, chứ không phải chỉ liên can tới thân xác. Thực vậy, không phải chỉ có cái xác chết đi, mà là toàn thể con người chết: con người không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa, đã mất đi chủ thể gồm bởi tinh thần và thân thể, mất đi sự liên lạc với tha nhân, với xã hội, với vũ trụ.
b. Cái chết kết thúc khả năng tiến triển của con người. Bao lâu còn sống trên mặt đất, con người còn có đà phát triển đủ mọi mặt, dù tốt dù xấu. Cái chết đóng dấu ấn chung kết vình viễn trên sự nghiệp của ocn người, tột đỉnh của những gì mà đương sự đã thực hiện được.

c. Cái chết luôn đi theo con người ngay từ lúc chào đời. Có thể nói được là “con người sinh ra để mà chết”. Tuy nhiên, đang khi mà những sinh vật khác bị cái chết đè nặng bất khả kháng, thì con người có thể đón nhận cái chết với ý thức và tự do. Con người có thể tự do đón nhận cái chết, và chuẩn bị tiến đến cái chết không phải như giây phút kết liễu cuộc sống bèn là như thời điểm hoàn tất cuộc đời, kết thúc một cuộc sống đầy ý thức trách nhiệm.

3. Ngoài hai luồng tư tưởng (duy tâm và hiện sinh) vừa nói, dĩ nhiên còn có nhiều luồng tư tưởng khác nữa, trong đó phải kể tới những tác giả tựa như Jean Paul Sartre coi cái chết như cái gì phi lý vô nghĩa! Có người khác thì ca ngợi cái chết vì nó đã thực hiện được sự bình đẳng trong xã hội: dù sang hèn, mạnh yếu, giỏi dốt, da đen da trắng, hữu thần hay vô thần, nam nữ, tất cả mọi người đều bình đẳng trước cái chết, bởi vì tử thần không có tha ai hết! Ngoài ra, còn phải kể thêm rất nhiều triết gia không muốn, không thèm hay không dám nói tới cái chết. Nên lưu ý là ở đây chúng tôi muốn nói tới những luồng triết học hoàn toàn dựa theo suy luận của lý trí, và không muốn đả động tới các tín ngưỡng, đặc biệt là họ không muốn tra cứu niềm tin Kitô giáo. Dù sao, cái chết không phải chỉ là một vấn đề được đặt ra cho ngành y khoa và luật pháp. Ngành y học muốn đặt ra một tiêu chuẩn xác định lúc nào thì coi như con người đã chết. Thời xưa, con người được coi là đã chết khi đã tắt thở (trút hơi thở cuối cùng) hay tim đã ngừng đập. Còn y học cận đại tuyên bố con người chết khji mà các chức năng não bộ đã ngưng. Sự xác định lúc chết rất là quan trọng, bởi vì từ lúc đó mới có thể thực hiện những việc mổ ghép các bộ phận cốt tủy (như tim, não). Ngoài ra, như chúng ta đã biết, luân lý học và y học đang tranh luận về cái gọi là “chết êm dịu”: có được phép kết liễu mạng sống của một bệnh nhân theo lời yêu cầu của đương sự hay không? Làm như vậy là thương họ hay giết họ? Bệnh nhân có quyền định đoạt mạng sống của mình hay không? Việc chết êm dịu là chuyện riêng tư giữa bệnh nhân và bác sĩ, hay là chuyện có liên hệ tới xã hội, cần được pháp luật can thiệp?

4. Khi còn sống, nếu là công dân tốt, thì ít khi chúng ta có vấn đề với pháp luật. Thế nhưng, khi vừa nhắm mắt thì dù lương thiện hay bất lương, pháp luật cũng sẽ dúng tay vào: nào là khám nghiệm tử thi, nào là cấp giấy phép an táng, nào là truy hỏi gia tài. Xem ra người ra đi thì đã yên thân, nhưng kỳ thực họ đã gây ra bao nhiêu chuyện cho những người ở lại: kẻ thì thương tiếc nhớ nhung, kẻ thì thở phào nhẹ nhõm, thậm chí còn nguyên rủa nữa. Dù sao, thì phải có ai đứng ra lo chuyện mai táng, chứ không thể để cho xác rữa xông mùi! Nhưng trước đó còn phải quyết định xem: chôn ở đâu? chôn hay thiêu?

B. Cái chết dưới quan điểm cánh chung


Chân lý đầu tiên của Kitô giáo về cái chết là: nó kết liễu cuộc đời dương thế. Thoạt tiên xem ra điều khẳng định này chẳng có gì mới lạ, bởi vì ai mà chẳng biết rằng cái chết chấm dứt cuộc sống! Thế nhưng khi đói chiếu với một vài triết thuyết và tôn giáo, thì chúng ta mới nhận thấy tính cách độc đáo của lời tuyên xưng đức tin Kitô giáo. Lời tuyên xưng bao hàm ít là ba hệ luận sau đây:
  • Cái chết chấm dứt cuộc sống con người.
  • Con người chỉ có một kiếp sống.
  • Cái chết khai mào chiều kích hiện hữu mới cho con người.

I. Cái chết chấm dứt cuộc sống của con người


Có những học thuyết coi cuộc đời này như là một kiếp đọa đầy của linh hồn: bởi vì đã mắc tội trong những kiếp trước, cho nên linh hồn bị đày xuống đời này, nhập vào thân xác để đền tội. Thế nhưng Kitô giáo không quan niệm như vậy: con người chỉ có một kiếp sống này, chứ không có tiền kiếp nào khác. Cái chết kết liễu cuộc sống của con người: chính toàn thân con người chết, chứ không phải chỉ có xác mới chết. Cái chết cắt đứt các mối dây liên lạc giữa hồn với xác, cắt đứt liên lạc giữa ta với người thân thích, với xã hội, với vũ trụ. Dưới khía cạnh này, cái chết là một thảm kịch. Đừng kể một vài trường hợp cực kỳ bi đát (chẳng hạn tại vì cuộc đời quá cơ cực khổ sở cho nên cái chết được coi là sự giải thoát), còn nói chung thì cái chết phản lại với bản tính con người: không ai muốn chết cả! Vì thế không lạ gì mà Chúa Giêsu đã bồi hồi xúc động trước cái chết của đứa con bà góa thành Naim (Lc 7,13), của ông bạn Nadarô (Ga 11,35) và của chínhmình (Ga 12,27).

II. Con người chỉ có một kiếp sống


Đối lại với các triết thuyết và tôn giáo chủ trương thuyết luân hồi, đức tin Kitô giáo nói rằng mỗi người chỉ có một kiếp sống trên đời này (Dt 9,27): “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét”; xc 2Cr 5,10: “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác”. Sự chết đưa con người qua một thế giới khác, với chiều kích vĩnh cửu, chứ không bao giờ trở lại trần thế này nữa. Nên biết là trong lịch sử tư tưởng nhân loại, thuyết luân hồi đã mang nhiều hình thức khác nhau: có nơi thì quan niệm rằng linh hồn được chuyển qua thân xác khác để bắt đầu cuộc sống mới; có nơi thì quan niệm rằng linh hồn phải đầu thai làm người hay làm súc vật cây cỏ tùy theo nghiệp báo.

1) Thoạt tiên, phải nhận là học thuyết luân hồi có ít là hai điểm hấp dẫn:

Một đàng nó giải thích được lý do của những bất công chênh lệch trên đời này: tại sao có người sinh ra trong nhung lụa đài các, còn có kẻ bạc phước sinh ra giữa đầu đường xó chợ? Trả lời: tại vì kiếp trước họ đã có công đức hay đã làm ác, cho nên kiếp này phải hái lấy quả.

Đàng khác, thuyết luân hồi mở một lối thoát cho những kẻ lỡ bước sa chân: ai rủi mà trượt rớt ở kiếp này, thì vẫn còn có cơ may chuộc tội ở kiếp khác.

2) Tuy nhiên, thuyết luân hồi giải quyết được hai khó khăn về nghiệp báo, nhưng lại vấp phải những khó khăn khác.

Thứ nhất là nó làm mất tính cách duy nhất của bản ngã. Ra như chỉ có linh hồn mới thực sự là cái “tôi”, chứ còn thân xác chỉ là cái vỏ (cái áo) mà tôi khoác vào hay bỏ đi mà chẳng thấy tiếc xót gì! Quan niệm như vậy thì hạ giá thân xác quá đáng. Dù sao thì Kitô giáo chủ trương rằng con người là một chủ thể duy nhất gồm cả hồn và xác: cả hia liên đới với nhau trong công trạng và tội lỗi. Một mai thân xác sẽ được sống lại, thông hưởng hạnh phúc với linh hồn.

Thứ hai, thuyết luân hồi làm hạ giá trách nhiệm của con người. Một khi biết rằng lỡ mình có rớt khóa này thì còn có thể thi lại khóa sau, thí sinh sẽ đỡ căng thẳng rất nhiều khi bước vào trường thi; nhưng mà cũng có thể đưa đến hậu quả là chàng ta cứ phây phây ăn chơi, bởi vì thì đi thi lại mãi (một hay ba, hay một hai trăm lần), rút cục thế nào cũng lọt cửa. Ngược lại, nếu biết rằng chỉ có một khóa thi mà thôi, thì ắt là anh ta phải cố gắng kẻo mà bỏ mạng!

Ngoài hai khó khăn về lý thuyết vừa kể, còn phải thêm một khó khăn thực tế nữa, đó là không biết có bao nhiêu người còn nhớ tới kiếp trước mình đã ăn ở ra sao để mà kiếp này lo sửa mình để thoát cảnh đọa đầy.

Sau cùng, cũng đừng nên quên rằng thuyết luân hồi ra đời trong một bối cảnh vắng bóng Thiên Chúa: không có ai thưởng phạt hành vi con người hết, nhưng các hành vi tự nó lôi cuốn theo các hậu quả.

3) Cái chết khai mào chiều kích hiện hữu mới cho con người. Với cái chết, con người chấm dứt cuộc sống ở trần thế, nhưng đồng thời bắt đầu một cuộc sống khác. Nói thế có nghĩa là tuy con người đã chết, nhưng không phải là con người bị hủy diệt hoàn toàn. Kitô giáo tin rằng còn có cái gì tồn tại. Chúng ta gọi yếu tố ấy là linh hồn. Hơn thế nữa, nói rằng linh hồn tồn tại thì không có nghĩa là nó lảng vảng trên không trung, nhưng mà nó sẽ được hạnh phúc hoặc chịu hình khổ tùy theo cách thức ăn ở khi còn tại thế (Xem Giáo Lý Hội thánh công giáo, số 363; 1022). Đạo lý này vốn được coi là cổ truyền của đức tin công giáo; nhưng vào thế kỷ hai mươi này, một số học giả đòi xét lại, với hai giả thuyết sau đây:
  • Thuyết lựa chọn cuối cùng (option finale);
  • Thuyết chết hoàn toàn (mort totale).

Thuyết lựa chọn cuối cùng giả thiết rằng trước khi bước sang bên kia thế giới, con người sẽ nhận được ơn soi sáng lần chót để lựa chọn theo Chúa hoặc khước từ Chúa. Chúng tôi sẽ bàn tới nguồn gốc của thuyết này trong bài tới khi xét đến cái chết trong tương quan với Thiên Chúa.

Thuyết chết hoàn toàn (mort totale, ganztod) bắt nguồn từ vài nhà thần học Tin lành. Theo họ, dân Do thái quan niệm con người là một toàn bộ, chứ không phải là gồm bởi hai phần hồn xác. Sự tách rời con người ra hai yếu tố là do ảnh hưởng của triết học Hy lạp; hồn thiêng liêng bất tử, còn thể xác vật chất thì bị tan rã. Quan điểm nhị nguyên như vậy chỉ được du nhập vào Kinh thánh ở cuối thời Cựu ước, và không được Tân ước chấp nhận. Thực vậy, thánh Phaolô đã bênh vực đạo lý căn bản đạo lý căn bản của Kitô giáo là: con người sẽ sống lại. Thánh tông đồ phải chống lại những trào lưu Hy lạp chủ trương hồn thiêng bất tử và không chấp nhận thân xác phục sinh. Từ đó, những nhà chú giải Kinh thánh (tựa như C. Stange, Oscar Culiman) đưa ra lý thuyết rằng khi chết là con người chết hết, chờ đến ngày cánh chung thì Chúa mới đến đánh thức dậy, cho sống lại hoàn toàn.

Đối lại với chủ trương vừa nói, bộ Giáo lý đức tin vào năm 1979 và mới đây, vào năm 1990, Ủy ban thần học quốc tế đã khẳng định lại đạo lý cổ truyền của Hội thánh cũng như trả lời cho những vấn nạn về khoa chú giải Kinh thánh.

Nói rằng quan điểm cổ truyền của người Do thái chủ trương sự bất khả phân ly của con người (với hậu quả là sau khi chết thì chẳng còn gì tồn tại) thì không đúng. Người Do thái tin rằng sau khi chết, con người xuống dưới âm phủ và còn tiếp tục sự sống tuy rất là thoi thóp. Người Do thái gọi nó là “rêpha-im” (có thể dịch là: bóng mờ, hồn ma. Xc Tv 87,11 Is 14,9; 26,14,19; Giob 26,5: Châm ngôn 2,18; 9,18; 21,16).

Kitô giáo tin rằng sau khi con người đã chết, vẫn còn một yếu tố tồn tại. Chính yếu tố ấy duy trì sự liên tục của chủ thể (bản ngã) giữa cuộc sống ở dương gian với cuộc sống mai hậu. Sự phục sinh không phải việc tái tạo con người từ hư vô, nhưng là cho chủ thể được thủ đắc sinh hoạt cách toàn vẹn hơn. Chúng ta gọi yếu tố tồn tại giữa hai chặng đó là “hồn”. Trong lịch sử triết học, có rất nhiều quan điểm về linh hồn và về mối tương quan của họ với thân xác. Thí dụ Platon coi hồn được dựng trên thiên giới rồi bị đày xuống thân xác: nhưng Aristote thì không quan niệm có những hồn tiền chế trước khi có thân xác. Đức tin Kitô giáo không có gắn liền với các triết thuyết Hy lạp, và nhất là rất trái ngược với thuyết của Platon.

Trong Tân ước, chúng ta thấy có những đoạn văn cho thấy con người được hưởng hạnh phúc với Chúa liền sau khi chết, chứ không phải nằm chờ cho tới ngày cánh chung, thí dụ lời Chúa Giêsu phán với người trộm lành: “hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Philippê 1,21-23, bộc lộ niềm hy vọng rằng sau khi chết ông sẽ được ở bên Chúa mãi mãi: “Đối với tôi, sống là đức Kitô và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiét hơn, vì anh em”.

C. Cái chết của con người trong mối tương quan với Thiên Chúa


Theo đức tin Kitô giáo, sau khi chết, linh hồn phải đối diện với Thiên Chúa để trả lời về những hành vi đã làm khi còn tại thế (2Cor 5,10). Điều này đã làm cho chúng ta lo lắng không ít. Gỉa như chết mà hết chuyện, thì có lẽ cuộc đời chúng ta sẽ thoải mái hơn, ăn chơi cho đã! Nhưng mà lỡ chết bất thìn lình , phải ra trước tòa Chúa thì số phận đời đời sẽ ra sao? Ngoài cái khắc khoải vì sẽ bị phán xét, con người lại còn mang cái khắc khoải nữa vì số phận phải chết , cái chết cắt đứt hết các mối giao lưu, gây tang tóc sầu thảm cho bao nhiêu người. Phải chăng ái chết là án phạt của tội lỗi? giả như nguyên tổ không phạm tội thì con người có phải chết không? Thần học hiện đại cố gắng tìm câu trả lời cho các câu hỏi đó, tựu trung quanh hai đề tài sau đây: sự lựa chọn cuối cùng: tội lỗi và cái chết.

I. Sự lựa chọn cuối cùng (Final option, Endentscheidung)


Tuy đã manh nha từ thế kỷ XVI với Cạetanô, nhưng sang tới thế kỷ XX, thuyết này mới được phát biểu mạch lạc và quảng bá nhờ các như P. Giorieux. R. Troisfontaines. L. Boros. L. Bof. Theo các tác giả này, vào chính lúc chết (nghĩa là lúc hồn lìa xác), con người nhận được một tia sáng đặc biệt, để có thể định đoạt cách sáng suốt và vĩnh viễn hoặc theo hay khước từ Thiên Chúa. Định mạng vĩnh viễn của con người tùy thuộc vào sự lựa chọn đó.

1) Những lợi điểm của thuyết này không phải là ít. Nó cho thấy rằng con người định đoạt số mạng của mình một cách sáng suốt, chứ không phải mù quáng may rủi. Nó cũng làm nêu bật ý định cứu rỗi của Thiên Chúa: Ngài ban cho hết mọi người được cơ hội đồng đều để quyết định phần rỗi của mình. Thực vậy, trên đời này ta thấy có bao nhiêu may rủi, chẳng hạn tôi may mắn sinh trong gia đình đạo hạnh, cho nên dễ theo Chúa hơn; còn anh bạn láng giềng sinh ra trong gia đình vô thần, nên chẳng biết thiên địa thần thánh nào cả. Thế rồi lại còn có người may mắn được trút hơi thở giữa câu kinh tiếng hát, có người chết bất đắc kỳ tử, chẳng được dọn mình gì hết. Các tác gải của thuyết lựa chọn cuối cùng cho rằng: tuy bề ngoài xem ra có những hoàn cảnh khác biệt chung quanh cái chết như vậy; nhưng kỳ thực, vào lúc chết, tất cả mọi người sẽ được hưởng một ân huệ như nhau. Mỗi người sẽ quyết định cách sáng suốt về số phận của mình, không bị chi phối bởi đam mê dục vọng hay ngu si dốt nát nữa!

2) Tuy nhiên, cạnh những điểm hấp dẫn vừanói, thuyết này cũng gặp khá nhiều vấn nạn. Thứ nhất, vì nó là một giả thuyết suy tư của lý trí chứ không dựa trên căn bản nào của Lời Chúa. Thứ hai, vì khó hình dung được lúc nào con người nhận được ánh sáng đó: nói rằng vào lúc chết thì không rõ là trước khi chết hay là sau khi chết? nếu trước khi chết thì nó còn sống; còn nếu sau khi chết (đã chết rồi) thì đâu còn có thể quyết định được nữa. Thứ ba, vì nó sẽ làm mất đi tính cách trách nhiệm cảu cuộc sống: ra như bao quyết định suốt cuộc đời chẳng có giá trị gì hết: chỉ có quyết định lựa chọn cuối cùng mới có ảnh hưởng vĩnh viễn mà thôi. Nói như thế thì cuộc đời có khác chi một canh bạc hay một cuộc xổ số: cứ việc chơi giỡn cho đã đi, chỉ có ván chót chung kết mới đáng giá thực?

Vì những vấn nạn ấy cho nên ngày nay thuyết luặ chọn cuối cùng cùng ít được hưởng ứng. Sự chết vẫn giữ tình trạng bí ẩn của nó.

II. Cái chết trong tương quan với Thiên Chúa


Các sách thần học cổ truyền đều nói rằng cái chết là hình phạt bởi tội lỗi. Thánh Phaolô quả quyết như vậy ở Roma 5,12, dựa trên bản án trong vườn địa đàng, đọc thấy ở Sách Sáng thế, chương 3 câu 19: “Người là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất”; trước đó ở chương 2 câu 17 Chúa đã ngăm đe rằng ngày nào con người ăn trái cấm thì nó sẽ chết!

Tuy nhiên, ngày nay, khi khảo sát lại các đoạn văn Sách thánh, các nhà chủ giải cho thấy rằng câu chuyện không đơn giản như vậy. Khi ông Adong và bà Eva ăn trái cấm, thì hai ông bà không chết ngay lập tức kiểu như khi uống phải liều thuốc độc! Vả lại, tư tưởng coi cái chết như án phạt, đó là sách khôn ngoan 2,23-24 (Thiên Chúa đã dựng nên con người bất hoại.. Sự chết nhập vào trần gian là do sự đố kị cảu quỉ; xc.1,13-14) và sách Huấn ca 25,24 (“Tôi khởi tự đàn bà; vì nó, chúng ta hết thảy đều phải chết”). Tuy nhiên, ở nơi khác thì tác giả của hai sách vừa nói chấp nhận rằng cái chết là định luật chung của mọi loài thọ sinh (Kn 7,1; Hc 41,4). Dù sao, chúng ta thấy rằng các người hiền đức trong cựu ước không bộc lộ ý tưởng rằng tại vì tội lỗi mà mình phải chết. Các vị tổ phụ cảm thấy cái chết êm ái bởi vì được trở về gặp lại cha ông sau khi mình đã sống đủ ngày đầy tháng (St 15,15; 25,8; 35,28-29; Giób 42,17). Điều làm cho họ buồn là vì khi chết rồi họ không còn được hợp với cộng đoàn để ca tụng Thiên Chúa nữa. Xuống dưới âm phủ, cuộc sống của họ chỉ còn thoi thóp, không những bị người đời lãng quên mà chính Chúa cũng chẳng đoái hoài đến. Tư tưởng này vọng lên trong thánh ca Edêkia (x. Phụng vụ Giờ kinh, kinh Sáng thứ Ba tuần hai):

Tôi có nói: chẳng còn được thấy Chúa ở trên cõi dương gian…

Ở chốn tử vong, không người ca tụng Chúa,
và trong nơi âm phủ, chẳng ai ngợi khen Ngài.

Con nằm đây giữa bao người chết,
như các tử thi vùi trong mồ mả
đã bị Chúa quên đi
và không được tay Ngài săn sóc


Dù sao, thì vào cuối thời Cựu ước, ta thấy rằng người hiền thâm tín rằng Thiên Chúa tín trung sẽ không lãng quên tôi trung của Ngài: Chúa sẽ đưa họ ra khỏi vực thẳm tối tăm và đưa họ về với Ngài. Thí dụ Tv 15 (kinh Kối, Thứ Năm):

Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống,
trước thánh nhan, ôi vui sướng tràn trề.
Ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!...


Từ những nhận xét vừa nói, các nhà thần học đặt câu hỏi thế này: giả như không có tội, thì liệu con người có phải chết không? Có nhiều ý kiến. Một điều chắc chắn là cho dù không có tội đi nữa, chắc chắn con người sẽ không sống mãi mãi trên đời này đâu: nguyên tổ sẽ được vào hưởng hạnh phúc bất tận trong một trạng thái khác. Nói thế có nghĩa là con người của trần thế cần phải được biến đổi; nhưng sự biến đổi sẽ diễn ra như thế nào?

a) Có ý kiến cho rằng con người không phải chết, nhưng sau khi mãn cuộc đời trần thế, hồn xác sẽ được thay đổi, trở nên vinh hiển.

b) Có ý kiến khác thì cho rằng con người vẫn phải chết, nhưng cái chết không có mang tính cách bi đát như bây giờ, nhưng được đón nhận bình thản như là sự chuyển tiếp sang một giai đoạn mới.

Dù sao thì đó chỉ là những giả thuyết! Trên thực tế thì nguyên tổ đã phạm tội, và phải lãnh cái chết như hình phạt bởi tội. Tuy nhiên, chúng ta đừng nên quên rằng khi thánh Phaolô bàn tới mối tương quan giữa cái chết với tội, thì Ngài không dưng lại ở đó, nhưng chủ đích là đề cao ơn cứu chuộc của đức Kitô: đức Kitô đã cứu chúng ta khỏi tội, vù vậy đức Kitô cũng cứu chúng ta khỏi sự chết. Nhờ ơn cứu chuộc của đức Kitô mà chúng ta nhận được hồng ân sống lại trường sinh. Chúng tôi xin gác lại chuyện thân xác phcụ sinh vào dịp khác; ở đây, xin dừng lại một khía cạnh được thần học cận đại chú ý, đó là đức Kitô đã cứu chuộc cái chết bằng chính cái chết của mình.

Đức Giêsu đã tỏ ra thổn thức khi đối diện với cái chết dù là cái chết của người bnạ thân Ladarô hay là cái chết của bản thân. Ngài đã hoàn toàn chia sẻ thân phận con người của chúng ta. Tuy nhiên, Ngài đã mang lại cho cái chết một ý nghĩa mới: cái chết có thể được đón nhận cách ý thức tự do, chứ không phải một cách cưỡng bách như một tai họa trời giáng. “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyến hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 8,18). Đức Kitô đã đem lại một ý nghĩa mới cho sự chết: nó không còn là án phạt vì tội lỗi, nhưng là sự tín thác trao phó mạng sống cho Thiên Chúa. Những lời cầu nguyện trong vườn cây dầu và trên thập giá bộc lộ tâm tình đó: “Lạy Cha, xin cất chén này xa con, nhưng xin đừng theo ý con mà là theo ý Cha… Lạy Cha, con xin phó thác thần trí con trong tay Cha”. Kèm theo ý nghĩa vâng phục tín thác Thiên Chúa, đức Kitô còn cho ta thấy một ý nghĩa khac nữa của sự chết, đó là hy sinh cho tình yêu khi Ngài nói: “không ai có tình yêu nào lớn hơn là người hiến mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Như vậy, ta có thể nói rằng đức Kitô đã cứu chuộc cái chết của con người, khi mở ra cho nó một nhãn giới mới; nó không còn là án phạt của tội, nhưng trở thành dấu hiệu của sự tín thác vâng phục, và dấu hiệu của tình thương trao hiến. Nhờ cái chết cảu đức Kitô, cái chết thay vì bị nguyền rủa như tai họa do tội lỗi mang lại, nay đã được ca tụng là có phúc: Tôi nghe có tiếng từ trời phán rằng: “ngươi hãy viết: ngay từ bây giờ, phúc thay những người đã chết, mà được chết trong Chúa!”. (Kh 14,13). Dĩ nhiên, hạnh phúc đích thực của người tín hữu là được về với Chúa, nguồn sống bất diệt.

D. Những vấn đề luân lý và mục vụ chung quanh cái chết


Niềm tin Kitô giáo chugn quanh cái chết không phải chỉ gồm những đạo lý trừu tượng, nhưng còn mang theo niềm hy vọng cũng như tác dụng trên cả lối sống hiện tại. Thực vậy, đạo lý về cái chết không những chỉ trần an những khắc khoải của con tim trước mầu nhiệm cái chết nhưng cong giúp người tín hữu định hướng cuộc đời hiện tại nữa. Xưa kia, các nhà hiền triết, dù không theo Kitô giáo, đã nhắc nhở chúng ta hãy học khôn nhớ việc tưởng nhớ đến cái chết memento mori. “người khôn là người biết tính chuyện về lâu về dài; bạn hãy nghĩ xem mình có thể mang theo cái gì khi hai bàn tay đã buông xuống? Tiền bạc và quyền hành ư, kèm theo những lời mạt sát nguyền rủa khi mình vừa nhắm mắt? hay là đức độ còn để lại tiếng tốt ngàn thu?” Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phủi tay không còn tha thiết với chuyện thế sự, cả ngày chỉ nằm chờ chết! Thái độ yếm thế như vậy quả là bệnh hoạn! Không phải như vậy: không nên để cho tư tưởng về cái chết làm tê liệt các hoạt dộng của ta; việc suy tưởng đến cái chết chỉ nhằm giúp ta biết đánh giá các sự vật trần thế: chúng chỉ có giá trị tương đối, chứ không hằng cửu.

Ngoài suy tư mang tính cách luân lý đạo đức tự nhiên, người Kitô hữu còn tìm thấy một động lực cao hơn nữa để rút ra những hệ luận thực tiễn từ việc suy gẫm cái chết. Trước đây, các sách tu đức nhấn mạnh đến chỗ tránh tội kẻo sa hỏa ngục, và gắng lập công tích đức để đáng hưởng nước thiên đàng. Nhưng, khi khảo sát Sách Thánh, chúng ta còn thấy lý tưởng cao thượng hơn nhiều: trót cuộc đời của người Kitô hữu được xây dựng trên mối tương quan với đức Kitô. Như lời thánh Phaolô đã nói, họ sống cho đức Kitô và họ chết cho đức Kitô. Từ bây giờ, họ cùng chia sẻ sự sống với đức Kitô trong đức tin; mai sau họ cùng sống với đức Kitô cách nhãn tiền: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết!” (Rm 14,7-8). Trước đó thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu hãy tập chết với đức Kitô để cùng sống lại với Ngài, chết cho tội lỗi và con người cũ đã bắt đầu từ ngày lãnh nhận bí tích rửa tội (Rm 6,3-11).

Thực ra, những lời vừa nói của thánh Phaolô đã nuôi dưỡng hy vọng cho bao nhiêu thế hệ Kitô hữu khi phải đối đầu với cái chết. Đối với họ, cái chết quả là một mối lợi vì họ được về với Chúa (Pl 1,21), họ sẽ được nghỉ an muôn đời trong tay Chúa, họ được tái sinh vào cuộc sống: ngày chết trở nên sinh nhật của họ (dies natalis). Tuy biết như vậy, nhưng đa số các Kitô hữu vẫn không khỏi lo âu trước cái chết, dù đó là cái chết của bản thân hay cái chết của người thân yêu. Nguyên nhân của những lo âu rất là nhiều: có thứ thuộc về hạng tâm lý; có thứ thuộc về hạng đạo đức (thí dụ như: sợ chết bất thình lình đang khi mất ơn nghĩa với Chúa: sợ vì đuối sức không thể cầm cự chống trả những chước cám dỗ lúc hấp hối, v.v…). Những lo âu đó không phải là dấu chỉ của việc thiếu lòng tin! Không, nó là phản ứng rất tự nhiên của con người nhạy bén với đạo nghĩa. Dù sao thì Giáo hội vẫn đặt lên môi miệng chúng ta lời nài van hằng ngày hướng lên đức Maria: “xin cầu cho chúng con là kẻ có tội, bây giờ và rong giờ lâm tử”.

Đó là một hệ luận thực tiễn thứ nhất của thần học về cái chết, áp dụng vào đời sống tu đức. Ngoài ra, còn có những khía cạnh khác trong lãnh vực mục vụ, tựa như: mục vụ cho người hấp hối, phụng vụ an táng. Còn dưới khía cạnh luân lý, còn có ít là ba vấn đề: sự tự tử; chết êm dịu; việc đối xử với thi hài.

I. Sự tự tử


Nói chung, ai cũng ham sống và sợ chết. Tuy nhiên, có những hoàn cảnh mà con người ước ao thà chết còn hơn là sống. Đó là trường hợp của những người tự tử. Nhờ sự tiến triển của khoa tâm lý học phân tích những động lực đưa tới sự tự tử, nên ngày nay thái độ của Giáo hội đối với những người tự tử có vẻ mềm dẻo hơn, theo nghĩa là tuy vẫn coi sự tự tử là điều trái với luân lý, nhưng không vì thế mà kết án tất cả những người tự tử. Nói cách khác, cần phân biệt khía cạnh khách quan và khía cạnh chủ quan của vấn đề.

1) Dưới khía cạnh khách quan, sách Giáo lý Hội thánh công giáo ở số 2281, lặp lại đạo lý của thánh Tôma Aquinô (II-II, q.65, a.5), trưng ra ba lý do giải thích tại sao việc tự tử là điều xấu:
  • vì nó đi ngược lại bản năng tự nhiên của con người muốn bảo tồn sự sống của mình:
  • nó làm tổn hại cho cộng đồng, khi nó cắt đứt những liên hệ và nghĩa vụ đối với gia đình, làng nước, xã hội;
  • duy có Thiên Chúa mới là chủ tể định đoạt mạng sống của ta; còn ta chỉ là người quản lý.

2) Xét theo khía cạnh chủ quan, số 2282 chấp nhận rằng những xáo trộn tâm lý, sự xao xuyến hay sợ hãi trước một cơn thử thách, bệnh tật hay tra tấn có thể giảm bớt trách nhiệm của người tự tử. Số 2283 thêm rằng: “Chúng ta không nên thất vọng về phần rỗi đời đời của những người tự vẫn. Thiên Chúa có thể xếp đặt cơ hội thống hối cứu độ, theo đường lối riêng mà duy chỉ có Ngài mới biết. Giáo hội cầu nguyện cho những người tự vẫn”. Điều này buộc các nhân viên mục vụ (thí dụ các cha sở) phải cân nhắc từng trường hợp để hiểu rõ nguuyên nhân đưa tới sự tự tử, trong đó có thể vì lý do cao thượng (hy sinh tính mạng để phục vụ tha nhân).

II. Chết êm dịu


Có người đã châm biếm rằng: trước đây thì người ta mong được “chết lành” (chết trong ơn nghĩa Chúa), còn ngày nay thì người tamong được “chết êm”, nghĩa là không phải đau đớn gì! Sách Giáo lý Công giáo số 2276-2279 bàn về luân lý sinh học có đề cập đến vấn đề này. Giáo hội chống lại việc “chết êm”, nhưng không vì thế mà khuyến khích việc theo đuổi cái gọi là “kiên trì chữa trị” (acharnement thérapeutique), nghĩa là sử dụng những phương thế cầu kỳ để kéo dài thời gian sống mà không đem lại lợi ích thực sự cho bệnh nhân (Xc. thông điệp Tin mừng Sự sống số 65). Giáo hội cũng không cấm sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc mê, tuy rằng đối với người sắp chết thì phải thận trọng hơn, nhất là làm sao để đảm bảo cho bệnh nhân được chu toàn các bổn phận luân lý, gia đình và tôn giáo.

Y khoa ngày nay lấy cái chết não bộ là tiêu chuẩn của sự chết. Nhưng đó mới chỉ là một tiêu chuẩn nhìn dưới khía cạnh sinh học. Dưới khía cạnh tâm lý thì vấn đề phức tạp hơn nhiều: cái chết không phải chỉ xảy đến giống như ngọn đèn tắt lịm khi đã cạn dầu! Chưa hẳn rằng khi các chức năng não bộ tàn lịm thì ý thức của con người cũng giảm đi. Một số bác sĩ đã thuật lại kinh nghiệm của những người hồi sinh (Near death experience): xem ra như khi gần bước sang thế giới bên kia thì họ lại càng tỉnh táo sáng suốt hơn! Cách riêng, dưới khía cạnh mục vụ, bác sĩ Elisabeth Kuebler Rosa đã cho xuất bản một quyển sách (Les derniers instants de la vie, Geneve 1975) thuật lại kinh nghiệm nghề nghiệp do việc tiếp xúc với các bệnh nhân sắp chết. Tác giả đã mô tả tâm trạng của họ như sau:
  • Phản ứng đầu tiên là không chấp nhận thực trạng: “Ai chết thì chết, chứ chưa đến lượt của tôi!”
  • Kể đó là tức tối giận dữ: “Tại sao thiên hạ cứ sống phây phây mà tôi thì lại phải chết?”
  • Mặc cả: “Nếu Chúa để cho tôi sống thì tôi quyết sẽ dâng trót đời làm việc phúc đức!”
  • Thúc thủ: Khi thấy rằng không tài nào tránh được cái chết nữa, đương sự đành bó tay, và chuẩn bị ra đi.
  • Chấp nhận: không những đương sự đầu hàng chịu thua, nhưng bình thản chờ đón cái chết đến.

Dĩ nhiên, đây quả là một điểm lý tưởng: coi cái chết như một hành vi sáng suốt và tự do; nhưng không phải hết mọi người đều đạt tới điểm đó, cũng như không phải hết mọi người đều phải trải qua 5 chặng vừa nói.

III. Việc đối xử với thi hài

Sau khi Chúa Giêsu đã tắt thở, các môn đệ đã hạ xác Ngài xuống, và an táng trong mộ. Tuy rằng đó chỉ là một tập tục đường thời của dân Do thái , nhưng các Kitô hữu cũng lấy đó như tiêu chuẩn về cách đối xử với những người qua đời: các thi hài được an táng trong mộ chờ ngỳa sống lại. Theo nguyên ngữ hy lạp, nghĩa trang (coemterium) có nghĩa là nơi an giấc (koinao: tôi ngủ), chờ Chúa đến đánh thức dậy trong ngày cánh chung.

Trong quá khứ, trừ trường hợp dịch tễ đòi hỏi phải đổi hết xác như đã xảy ra vào thời Trung Cổ. Giáo hội vẫn khuyến khích duy trì thói tục chôn cất các thi hài. Vào thế kỷ XIX, tại Âu châu có vài phong trào cổ đông sự hỏa thiêu với lý do chống lại niềm tin vào sự sống lại của thân xác. Vì thế Giáo hội đã ngăn cấm sự hỏa thiêu. Sang tới thế kỷ XX, thì những động lực phản Kitô giáo không còn nữa, vì vậy lệnh cấm cung cũng bị thu hồi do huấn thị của Bộ thánh vu ngày 8-5-1963. Bộ giáo luật hiện hành, ở đ.1176 $3 lặp lại tư tưởng ấy khi nói rằng: “Hội thánh khuyến khích việc duy trì tục lệ an táng thi hài người chết; tuy nhiên không cấm việc hỏa thiêu miễn là người ta không chọn sự hỏa thiêu vì những lý do trái ngược với đạo lý công giáo”. Một trong những lý do thực tiễn thường được viện dẫn là nạn thiếu đất trong các thành phố hoặc lý do ô nhiễm môi sinh. Tuy nhiên xét về sự ô nhiễm không khí thì chưa hẳn là sự hỏa thiêu đỡ taih hại hơn là sự chôn cất.

Dù sao đi nữa, đối với người đã chết, ngay từ đầu lịch sử Giáo hội, các Kitô hữu đã bộc lộ lòng yêu mến kính trọng qua những lễ nghi phụng vụ. Một đàng, các Kitô hữu tin ranừg các thân nhân của mình không tan biến ra tro bụi, nhưng linh hồn của họ vẫn còn hiện hữu nơi Thiên Chúa: cộng đoàn tưởng nhớ đến họ, cách riêng khi dâng Thánh lễ, nơi hiệp thông của tất cả các thành phần của nhiệm thể đức Kitô, dù còn sống hay đã qua những nghi thức an táng, dành cho thân xác của tín hữu, thân xác đã được thánh hóa vì đã là đền thờ của Thiên Chúa. Công đồng Giáo hội tham gia vào lễ an táng để chia buồn với những thân quyến người quá cố, và an ủi nhau với niềm hy vọng sẽ tái ngộ trong ngày cánh chung, khi sự chết hoàn toàn bị tiêu diệt. Thói tục đi viếng mộ cũng là cách thức tưởng nhớ người đã khuất cũng như cơ hội để chuẩn bị tinh thần cho sự ra đi của chính mình.

Để kết luận, xin cùng suy niệm Thánh thi Kinh Sáng Phụng vụ cầu cho tín hữu đã qua đời:

Nay tang tóc gieo u sầu ảm đạm
Con nhìn Ngài mà lòng những xôn xao.
Ôi Giêsu niềm hy vọng dạt dào
Chúa là sự Phục sinh, là sức sống!

Xưa Ngài cùng trải qua cơn dao động,
Từng băn khoăn đau đớn bởi tử thần.
Rồi gục đầu trước Thánh phụ từ nhân,
Mà kinh cần trao dâng nguồn sinh khí.

Mong toàn thể người thân yêu bạn hữu
Đã ly trần, nay nghỉ giấc bình an.
Được Ngài thương cho hương phúc thiên đàng
Hầu ca tụng tán dương Ngài muôn thưở.